ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 770/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 07 tháng 5 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH KHAI THÁC CÁT, SỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN
NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm
2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày
17 tháng 11 năm 2010; Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng
11 năm 2005; Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao thông đường thuỷ nội địa
ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 27
tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09
tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Khoáng sản;
Căn cứ Thông tư số 11/2007/TT-BXD ngày 11
tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định
số 124/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu
xây dựng;
Căn cứ Công văn số 1828/BXD-VLXD ngày 31
tháng 8 năm 2009 của Bộ Xây dựng về việc triển khai quy hoạch sử dụng cát, sỏi
xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2012/NQ-HĐND ngày 10
tháng 4 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Quy hoạch
khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến
năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại
Công văn số 356/SXD-QLXD ngày 03 tháng 5 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Quy hoạch khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm
2020 và định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
a) Đánh giá hiện trạng khai thác cát, sỏi;
khảo sát, đánh giá trữ lượng cát, sỏi; dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật
liệu xây dựng theo từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó lập phương
án quy hoạch cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định
hướng đến năm 2030 để phục vụ cho công tác quản lý, công tác cấp giấy phép khai
thác; đảm bảo lập lại kỷ cương trong việc khai thác cát, sỏi.
b) Xây dựng các giải pháp, biện pháp nhằm
quản lý quy hoạch; đảm bảo khai thác nguồn cát, sỏi có hiệu quả; đồng thời giảm
thiểu ảnh hưởng tác động đến cảnh quan và môi trường, góp phần bảo vệ môi
trường.
2. Nội dung quy
hoạch:
a) Hiện trạng khai thác: Hiện nay, trên địa
bàn tỉnh có khoảng 31 bãi cát, sỏi đang được khai thác và tập trung chủ yếu ở
sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Tả Trạch, sông Tà Rình. Việc khai thác
không hợp lý dẫn đến tạo ra các bãi bồi, cồn nổi từ các vật liệu thải, môi
trường nước bị ô nhiễm nặng, làm sạt lở bờ sông, đê điều và các công trình thủy
lợi, ảnh hưởng cảnh quan môi trường. b) Dự báo trữ lượng:
- Cát, sỏi bãi bồi: Gồm 46 khu vực, tập trung
tại các huyện: Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới,
thành phố Huế, thị xã Hương Thuỷ với trữ lượng dự báo cấp 122 là 12.579.000m3 (trong
đó: cát là 9.150.000m3 và sỏi là 3.429.000m3).
- Cát, sỏi lòng sông: Tập trung tại các sông
Bồ, Tả Trạch, Nước Ngọt, Ô Lâu, sông Truồi với trữ lượng dự báo cấp 122 là
5.618.000m3 (trong đó: cát là 5.200.000m3 và sỏi là 418.000m3).
- Cát nội đồng: Tập trung tại các huyện Phong
Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc với trữ lượng dự báo cấp 122 là
11.466.000m3.
c) Nhu cầu sử dụng:
- Sản lượng khai thác và sử dụng cát, sỏi xây
dựng trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đều tăng. Ước tính sản lượng cát
sử dụng năm 2008 là 914.000m3, năm 2009 là 955.000m3, năm 2010 là 997.000m3; sản
lượng sỏi xây dựng sử dụng năm 2008 là 1.080.000m3, năm 2009 là 1.135.000m3,
năm 2010 là 1.192.000m3.
- Dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi xây dựng
qua các giai đoạn như sau:
+ Giai đoạn 2011-2015: Nhu cầu sử dụng cát
khoảng 6.135.000m3 và nhu cầu về đá, sỏi xây dựng khoảng 7.336.000m3.
+ Giai đoạn 2016-2020: Nhu cầu sử dụng cát
khoảng 7.876.000m3 và nhu cầu về đá, sỏi xây dựng khoảng 9.419.000m3.
(Nhu cầu sử dụng dự báo bao gồm cả cát và đá,
sỏi; trong phạm vi đề án này chỉ lập quy hoạch khai thác cát và sỏi).
d) Quan điểm quy hoạch:
- Không quy hoạch tại các khu vực cấm hoạt động
khoáng sản (Khu vực cát, sỏi Hương Lộc, Khe Tre, huyện Nam Đông theo Quyết định
số 06/2011/QĐ-UBND ngày 04/3/2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê
duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế); các
khu vực có khả năng gây sạt lở và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường (Khu vực
từ cầu Tuần đến cầu Chợ Dinh, …).
- Căn cứ vào nhu cầu và trữ lượng của các khu
vực khai thác (có tính đến khả năng ảnh hưởng bởi các đập thuỷ điện), đưa các
khu vực cát nội đồng (trữ lượng rất lớn và trong tương lai sẽ bổ sung cho cát,
sỏi lòng sông) vào quy hoạch trong giai đoạn định hướng đến năm 2030.
- Về phương thức khai thác: Khai thác bằng cơ
giới áp dụng tại các khu vực cát, sỏi bãi bồi hay cát nội đồng; khai thác bằng
thủ công áp dụng tại các khu vực cát, sỏi lòng sông để hạn chế các tác động gây
ô nhiễm nguồn nước; thay đổi hướng dòng chảy; làm sạt lở bờ sông.
đ) Quy hoạch phân vùng khu vực thăm dò, khai
thác cát, sỏi xây dựng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (xem phụ lục kèm
theo):
- Giai đoạn 2011-2015:
+ Cát, sỏi bãi bồi: Gồm 32 khu vực, tập trung
tại thành phố Huế, thị xã Hương Thuỷ và các huyện: Phong Điền, Quảng Điền,
Hương Trà, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới với khối lượng khai thác dự báo cát là
3.941.000m3; sỏi là 2.094.000m3.
+ Cát, sỏi lòng sông: Gồm 05 sông Bồ, Ô Lâu,
Tả Trạch, Truồi và Nước Ngọt với khối lượng khai thác dự báo cát là
2.417.000m3; sỏi là 204.000m3.
+ Cát nội đồng: gồm 01 khu vực, tập trung tại
huyện Phú Lộc với khối lượng khai thác dự báo cát là 90.000 m3.
- Giai đoạn 2016-2020:
+ Cát, sỏi bãi bồi: Gồm 24 khu vực, tập trung
tại thành phố Huế, thị xã Hương Thuỷ và các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú
Lộc, Nam Đông, A Lưới với khối lượng khai thác dự báo cát là 5.209.000m3; sỏi
là 1.335.000m3.
+ Cát, sỏi lòng sông: Gồm 03 sông Bồ, Ô Lâu
và Tả Trạch với khối lượng khai thác dự báo cát là 2.783.000m3; sỏi là
214.000m3.
- Định hướng từ năm 2021 đến năm 2030:
+ Cát nội đồng: gồm 04 khu vực, tập trung tại
huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang với khối lượng khai thác dự báo cát là
18.280.000m3.
3. Các giải pháp tổ
chức thực hiện quy hoạch
a) Công tác quản lý nhà nước:
- Các sở, ban, ngành theo chức năng, quyền
hạn của mình, tăng cường công tác quản lý, thanh, kiểm tra hoạt động khai thác
cát, sỏi xây dựng và kiên quyết xử lý các
tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của
pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi xây dựng.
- Sở Xây dựng có trách nhiệm tham mưu UBND
tỉnh cập nhật, bổ sung quy hoạch các khu vực có tài nguyên cát, sỏi xây dựng.
- Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm
tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác và tổ chức thẩm định,
phê duyệt trữ lượng, chất lượng cát, sỏi xây dựng theo quy định của luật khoáng
sản.
- Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo
Thanh tra Giao thông đường thuỷ đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các phương
tiện và chủ phương tiện khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái
phép, vi phạm các quy định của pháp luật; tiến hành cắm biển báo các khu vực
cấm hoặc tạm cấm khai thác cát, sỏi xây dựng trên các sông.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý nhà nước trong
hoạt động khai thác cát, sỏi theo quy định sau đây:
+ Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động
khai thác cát, sỏi theo quy định.
+ Theo dõi hoạt động khai thác cát, sỏi theo
quy định tại các biển báo cấm, tạm cấm, hạn chế và phạm vi an toàn theo quy định
của pháp luật cho các công trình công cộng như cầu cống, di tích lịch sử văn
hoá, an ninh quốc phòng và các công trình khác.
+ Tăng cường tổ chức kiểm tra và phối hợp các
ngành để kiểm tra các hoạt động khai thác cát, sỏi xây dựng của các tổ chức, cá
nhân; theo thẩm quyền kiên quyết đình chỉ và xử lý nghiêm các hoạt động khảo sát,
thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi xây dựng trái phép và vi phạm các quy định
của pháp luật.
+ Giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục giao
đất, cho thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các vấn đề khác có liên quan cho tổ
chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương
theo quy định của pháp luật.
+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhân dân
và các chủ phương tiện nghiêm túc thực hiện theo các quy định của pháp luật.
b) Giải pháp bảo vệ môi trường:
- Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá
nhân khai thác trái phép không theo quy hoạch được phê duyệt, làm ảnh hưởng đến
môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển; không thực hiện đúng những
cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết môi trường.
- Ưu tiên cho các doanh nghiệp có khả năng
tài chính, có thiết bị khai thác và vận chuyển tiên tiến, phương án khai thác
và vận chuyển phù hợp, ít ảnh hưởng đến môi trường.
- Trong quá trình khai thác cần chú ý đến các
yếu tố như: chiều dày trung bình khai thác, độ sâu khai thác tối đa, khoảng
cách đến bờ và các công trình, chú ý khai thác các bãi bồi kết hợp khơi thông
dòng chảy nhằm hạn chế tối đa tác dụng xâm thực của dòng sông đối với lòng sông
và hai bờ.
- Thực hiện tốt việc lập, thẩm định và phê
duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký chất lượng môi trường,
bản cam kết môi trường; ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định pháp luật; có
phương án bảo vệ và những biện pháp phục hồi môi trường tốt nhất.
c) Giải pháp về công nghệ, thiết bị:
- Đổi mới công nghệ và thiết bị khai thác phù
hợp, giảm thiểu tiếng ồn và ô nhiễm môi trường; cải tiến khâu xúc, bốc, vận chuyển,
giảm lượng xăng dầu rò rỉ nhằm giữ được môi trường trong sạch của lòng sông
cũng như xung quanh.
- Đầu tư phương tiện vận chuyển phù hợp để
tránh gây ảnh hưởng xấu trong quá trình vận chuyển; áp dụng các quy định giảm
thiểu tác động môi trường như: quy định về độ an toàn của thùng xe, che đậy
thùng xe trong quá trình vận chuyển, các tuyến đường được phép và không được
phép vận chuyển, phun nước đối với những đoạn đường qua khu vực dân cư, đường
công cộng có nhiều người đi lại.
d) Giải pháp khai thác:
- Trước khi khai thác cát, sỏi tại các sông,
chủ đầu tư phải có phương án khai thác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông
qua. Trong quá trình khai thác cát, sỏi trên các sông nếu phát hiện sự cố gây
ảnh hưởng đến sạt lỡ bờ thì phải dừng khai thác và phối hợp với các cơ quan, đơn
vị chức năng để nghiên cứu, xử lý và chỉ được tiếp tục khai thác khi có kết
luận không ảnh hưởng đến sạt lỡ bờ.
- Những vị trí sông dễ bị sạt lỡ như trên
sông Bồ và sông Ô Lâu, chỉ đưa vào khai thác tận thu cát, sỏi tại các khu vực
nhằm mục đích khơi thông dòng chảy và chỉnh trị dòng chảy khi cần thiết.
- Khai thác phải gắn liền với việc hoàn thổ
và cải tạo môi trường xung quanh tại các khu vực khai thác cát, sỏi. đ) Giải
pháp khác:
- Có biện pháp giúp đỡ cho các doanh nghiệp
có điều kiện tiếp cận với vốn vay ưu đãi để đầu tư thay đổi thiết bị khai thác,
vận chuyển nguồn tài nguyên cát, sỏi tự nhiên và tái chế vật liệu xây dựng bảo đảm
hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao, góp phần tích cực vào việc phát triển
kinh tế của tỉnh.
- Tổ chức nghiên cứu khai thác nguồn cát bổ
sung, thay thế: cát lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi; cát cửa biển; cát xay từ đá
dăm,…
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Xây dựng:
a) Tổ chức công bố công khai Quy hoạch khai
thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến
năm 2030 để mọi tổ chức và cá nhân biết.
b) Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về
quản lý, thực hiện quy hoạch; cập nhật số liệu, thông tin và tham mưu UBND tỉnh
điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đã được phê duyệt phù hợp với tình hình thực tế
hoạt động khai thác cát, sỏi xây dựng.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn cho
các địa phương về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, giao và cho thuê đất, đấu
giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định đối với các khu đất xây dựng bãi tập kết
cát, sỏi; căn cứ vào định hướng phân kỳ khai thác theo quy hoạch được duyệt để
tham mưu UBND tỉnh cấp phép khảo sát, thăm dò và khai thác cát, sỏi xây dựng.
3. Sở Giao thông vận tải: Tiến hành cắm biển
báo các khu vực cấm hoặc tạm cấm khai thác cát, sỏi xây dựng trên các sông đảm
bảo hoàn thành vào Quý III năm 2012.
4. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế:
a) Căn cứ quy hoạch tổ chức quản lý, bảo vệ nguồn
tài nguyên cát, sỏi xây dựng trên địa bàn khi mỏ chưa giao cho tổ chức, cá nhân
quản lý, thăm dò, khai thác theo quy định; phát hiện và ngăn ngừa tình trạng
khai thác cát, sỏi trái phép, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định;
tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai dự án thăm dò, khai thác cát, sỏi xây
dựng thuận lợi; định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch về Sở
Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; tổng hợp những tồn tại, vướng mắc về
hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh giải quyết.
b) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có
trách nhiệm quản lý, bảo vệ các mỏ, điểm mỏ cát, sỏi xây dựng chưa khai thác;
giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác cát,
sỏi trên địa bàn; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại khu vực khai thác.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài
nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông vận tải, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Tài chính, Thông
tin và truyền thông, Tư pháp; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc
Công an tỉnh; Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và
thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Ngọc Thọ
|