THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số:
503/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 4 năm
2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH HẠ TẦNG DỰ TRỮ, CUNG ỨNG XĂNG DẦU, KHÍ
ĐỐT QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24
tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho các
Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công
Thương tại Tờ trình số 145/TTr-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2019 kèm Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhiệm
vụ Quy hoạch tại văn bản số 145/BC-BCT ngày 15
tháng 11 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng dự trữ,
cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với
các nội dung chính như sau:
1. Tên quy hoạch, đối tượng, phạm
vi quy hoạch.
a) Tên quy hoạch: Quy hoạch hạ tầng dự
trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050.
b) Thời kỳ quy hoạch: Quy hoạch được
lập cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
c) Đối tượng, phạm vi quy hoạch:
- Hệ thống hạ tầng, kho chứa dầu thô,
xăng dầu, khí đốt phục vụ cho sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia
(không bao gồm các kho nguyên liệu và sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu, Nhà máy
xử lý khí và Nhà máy điện trong một dự án đầu tư tổng thể) trên phạm vi cả nước;
- Hệ thống các đường ống dẫn xăng dầu,
khí đốt từ nguồn cung đến nơi tiêu thụ (không bao gồm đường ống dẫn khí từ mỏ
khí ngoài biển vào đất liền và đường ống cấp khí cho các Nhà máy lọc hóa dầu,
Nhà máy xử lý khí, Nhà máy điện trong một dự án đầu tư tổng thể) trên phạm vi cả
nước.
2. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc
lập quy hoạch.
a) Quan điểm lập quy hoạch:
- Đảm bảo tính tổng thể, thống nhất,
tích hợp và liên kết có hệ thống giữa các đối tượng của quy hoạch;
- Phục vụ và bảo đảm phát triển bền vững,
hợp lý về kinh tế - xã hội - môi trường - văn hóa - quốc phòng, an ninh;
- Đảm bảo hài hòa lợi ích của quốc
gia, địa phương, doanh nghiệp và người dân, trong đó lợi ích quốc gia là trên hết;
- Đảm bảo tính đàn hồi, năng lực dự
trữ và tăng cường khả năng chống chịu và phòng ngừa thảm họa của lãnh thổ. Đảm
bảo yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ quốc gia
hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống
thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Phân bổ, khai thác và sử dụng hợp
lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử-văn
hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên;
- Việc phân bố phát triển không gian
trong quá trình lập quy hoạch phải đảm bảo thống nhất giữa kết cấu hạ tầng,
phân bổ đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái;
- Bảo đảm tính công khai, minh bạch
và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong quá trình lập và triển
khai thực hiện và giám sát quy hoạch; trong đó, bảo đảm quyền tham gia ý kiến của
cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong quá trình lập quy hoạch;
- Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng
công nghệ hiện đại trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng được các tiêu chuẩn,
quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển và hội
nhập kinh tế quốc tế của đất nước;
- Nội dung của quy hoạch từng loại hạ
tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt phải thống nhất, liên kết với nhau và
được thể hiện bằng báo cáo quy hoạch và hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về
quy hoạch.
b) Mục tiêu lập quy hoạch:
Lập Quy hoạch hạ tầng dự trữ dầu thô,
xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược (dự trữ quốc gia); dự trữ
trong sản xuất và trong thương mại (cung ứng, lưu thông phân phối); Quy hoạch hạ
tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia tập trung quy hoạch hệ thống đường ống
dẫn, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường và có tính khả thi cao,
đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế - xã
hội, an ninh, quốc phòng của đất nước; Đề xuất các giải
pháp, chính sách và nguồn lực thực hiện quy hoạch.
c) Nguyên tắc lập quy hoạch:
- Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ,
khách quan và tin cậy;
- Phù hợp và hài hòa với hạ tầng kỹ
thuật có liên quan;
- Đảm bảo tính bền vững, dài hạn, thuận
tiện trong quá trình thực hiện quy hoạch;
- Đảm bảo tính khả thi, hiện đại, ứng
dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong quy hoạch
và có tính tiên đoán;
- Đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối
nguồn lực; chống lãng phí và hiệu quả;
- Phối hợp chặt
chẽ với chính quyền địa phương, các Bộ, ngành liên quan, đảm
bảo về bảo vệ bí mật an ninh nhà nước trong quá trình lập, thực hiện quy hoạch;
Đảm bảo tích hợp một cách đồng bộ, đầy
đủ và phù hợp với các nội dung có liên quan trong Quy hoạch tổng thể quốc gia,
Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các quy
hoạch kết cấu hạ tầng khác cùng thời kỳ.
- Đảm bảo tính liên kết không gian,
thời gian trong quá trình lựa chọn các công cụ sử dụng trong hoạt động quy hoạch.
3. Nội dung và phương pháp lập quy
hoạch.
a) Nội dung quy hoạch: Đảm bảo đầy đủ
các nội dung yêu cầu tại mục V Phụ lục II Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch,
trong đó bao gồm:
- Tổng quan thực trạng các điều kiện,
yếu tố ảnh hưởng đến hạ tầng dự trữ và cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia;
- Đánh giá thực trạng phân bố, sử dụng
không gian của tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt của Việt Nam và kết quả
thực hiện các Quy hoạch có liên quan thời kỳ trước;
- Đánh giá liên kết ngành, liên kết
vùng trong thực trạng phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc
gia;
- Dự báo xu thế, kịch bản phát triển
của điều kiện tự nhiên, khí hậu và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến hạ
tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia trong thời kỳ quy hoạch;
- Xác định yêu cầu phát triển kinh tế
- xã hội, cơ hội và thách thức đối với phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng
dầu, khí đốt quốc gia trong thời kỳ quy hoạch;
- Quan điểm, định hướng, mục tiêu
phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia trong thời kỳ
quy hoạch;
- Phương án phát triển hạ tầng dự trữ,
cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia trên phạm vi toàn quốc
và các vùng lãnh thổ thời kỳ quy hoạch;
- Định hướng bố trí sử dụng đất cho
phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia và các hoạt động
bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh
thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia;
- Danh mục dự án quan trọng quốc gia,
dự án ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt và
thứ tự ưu tiên thực hiện;
- Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy
hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
b) Phương pháp lập quy hoạch.
Các phương pháp lập Quy hoạch phải bảo
đảm tính khoa học, tính thực tiễn, có độ tin cậy cao. Các phương pháp chính được
sử dụng trong lập Quy hoạch bao gồm: Phương pháp thống kê, tổng hợp và phân
tích kinh tế; kế thừa, tích hợp; chuyên gia; thu thập dữ
liệu thứ cấp kết hợp điều tra khảo sát thực
tế, thu thập dữ liệu sơ cấp; dự báo; xây dựng và lựa chọn
các kịch bản.
4. Thời gian lập quy hoạch.
Thời hạn lập quy hoạch không quá 24
tháng (kể từ thời điểm phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch).
5. Thành phần, tiêu chuẩn, quy
cách hồ sơ quy hoạch.
- Hồ sơ quy hoạch gồm: Báo cáo tổng hợp,
Báo cáo tóm tắt, Bản đồ quy hoạch.
- Tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch:
Bản cứng đề án được in 2 mặt trên giấy A4 theo quy định. Bản
mềm được soạn thảo trên các phần mềm soạn thảo văn bản thông dụng (Word, Excel
v.v...); Danh mục và tỷ lệ bản đồ quy hoạch theo quy định
tại mục IV Phụ lục I Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của
Chính phủ.
6. Chi phí lập quy hoạch.
- Chi phí lập quy hoạch sử dụng từ
nguồn vốn đầu tư công của Bộ Công Thương được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo
quy định.
- Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định
cụ thể về chi phí lập Quy hoạch theo đúng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về
định mức cho hoạt động quy hoạch, quy định của pháp luật về đầu tư công và các
quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 2. Trách nhiệm cơ quan tổ chức lập và phối hợp lập
quy hoạch.
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ
chức lập Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các nội dung Nhiệm vụ lập Quy hoạch được
phê duyệt tại Quyết định này đảm bảo tiến độ và chất lượng.
2. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình lập quy hoạch theo đúng quy định của
pháp luật.
Điều 3. Hiệu lực thi hành.
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Văn phòng Ban CĐNN các dự án trọng điểm về Dầu khí;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ, Cổng TTĐT;
- Các Vụ: TH, KTTH, PL;
- Lưu: VT, CN (2).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình Dũng
|