ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
48/2022/QĐ-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
30 tháng 12 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH VÀ QUY
TRÌNH BẢO TRÌ, MỨC CHI PHÍ BẢO TRÌ ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH NHÀ VĂN HÓA THÔN ĐƯỢC
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG THEO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG, GIAI ĐOẠN 2021-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019; Khoản 2 Điều 57 Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18
tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17
tháng 6 năm 2020; Khoản 1 Điều 39 Luật Kiến trúc ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số
06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số
nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số
27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ
chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Thông tư số
14/2021/TT-BXD ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác
định chi phí bảo trì công trình xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Xây dựng tại Tờ trình số 2670/TTr-SXD ngày 28 tháng 12 năm 2022 về việc ban
hành Quy định việc quản lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi
phí bảo trì đối với các công trình nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng theo
cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên
Quang, giai đoạn 2021 -2025.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc quản
lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với các
công trình nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các
Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn
2021-2025.
Điều 2. Hiệu
lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2023.
Điều 3. Tổ
chức thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các cơ
quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Báo cáo);
- Bộ Xây dựng (Báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (Báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (Báo cáo);
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (Báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (Báo cáo);
- Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp
- UBMT Tổ quốc và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh;
- Sở Tư pháp (Để tự kiểm tra và đăng tải CSDL);
- Thường trực HĐND, UBND huyện, thành phố;
- Thường trực HĐND, UBND xã;
- Báo Tuyên Quang; Đài PT&TH tỉnh;
- Như Điều 3; (thi hành)
- Các Phó chánh VP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Công báo tỉnh Tuyên Quang;
- Lưu: VT, ĐTXD (H).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Việt Phương
|
QUY ĐỊNH
VIỆC QUẢN LÝ, VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH VÀ QUY TRÌNH BẢO TRÌ, MỨC
CHI PHÍ BẢO TRÌ ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH NHÀ VĂN HÓA THÔN ĐƯỢC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
THEO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
TUYÊN QUANG, GIAI ĐOẠN 2021 -2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2022/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2022 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định
này quy định việc quản lý, vận hành công trình và quy trình bảo trì, mức chi
phí bảo trì đối với các công trình nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng theo
cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên
Quang, giai đoạn 2021-2025.
2. Đối tượng áp dụng: Quy định
này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quản
lý, vận hành, bảo trì các công các công trình nhà văn hóa thôn được đầu tư xây
dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn
tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025, bao gồm:
a) Ủy ban nhân dân xã.
b) Ban Quản lý xã, Ban phát triển
thôn.
c) Cộng đồng dân cư, tổ chức
đoàn thể, tổ, nhóm thợ, hợp tác xã được giao nhiệm vụ bảo trì công trình xây dựng.
d) Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân khác có liên quan.
Điều 2.
Nguyên tắc quản lý, vận hành, bảo trì công trình
1. Việc quản lý, vận hành, bảo trì
công trình nhà văn hóa thôn là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành,
địa phương, cộng đồng dân cư và nhân dân hưởng lợi; đảm bảo dân chủ, công khai,
minh bạch và tuân theo Quy chế quản lý, vận hành và Quy trình bảo trì công
trình được phê duyệt.
2. Công tác bảo trì công trình
nhà văn hóa thôn là công việc phải được tiến hành thường xuyên, nhằm nâng cao
hiệu quả sử dụng, tăng tuổi thọ và độ bền công trình. Việc thực hiện bảo trì phải
bảo đảm an toàn đối với con người, tài sản và công trình.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Tổ
chức quản lý, vận hành, bảo trì công trình
Các công trình nhà văn hòa thôn
được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù sau khi hoàn thành phải được Ủy ban
nhân dân xã tổ chức bàn giao cho Ban phát triển thôn trực tiếp quản lý, vận
hành và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo trì công trình theo quy định.
Điều 4. Quy
chế quản lý, vận hành công trình
1. Quy chế quản lý, vận hành của
mỗi nhà văn hóa thôn được lập riêng cho từng thôn tùy thuộc vào điều kiện của từng
thôn. Nội dung chính của Quy chế quản lý, vận hành công trình bao gồm:
a) Các công việc thực hiện quản
lý, vận hành, bảo trì.
b) Quyền lợi, trách nhiệm của
Ban phát triển thôn.
c) Quyền lợi, trách nhiệm của
người hưởng lợi.
d) Hình thức huy động tài chính
phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì.
đ) Quy định về sử dụng và quản
lý tài chính.
e) Xử lý vi phạm Quy chế.
2. Trách nhiệm lập và phê duyệt
Quy chế quản lý, vận hành công trình:
a) Ban phát triển thôn xây dựng
Quy chế quản lý, vận hành công trình; tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư,
người dân được hưởng lợi trong thôn về các nội dung của Quy chế trước khi trình
Ủy ban nhân dân xã phê duyệt. Quy chế được thông qua khi có sự đồng ý của đa số
các hộ dân hưởng lợi trực tiếp công trình (tối thiểu phát đạt 70% đại diện
các hộ trong thôn hưởng lợi từ công trình đồng ý).
b) Ủy ban nhân dân xã có trách
nhiệm phê duyệt Quy chế theo đề nghị của Ban phát triển thôn.
Điều 5. Nội
dung công tác quản lý, vận hành
1. Xây dựng nội quy sử dụng, bảo
vệ và khai thác công trình, lắp đặt biển báo, nội quy tại công trình.
2. Vận hành công trình theo
đúng quy trình kỹ thuật, đúng nội quy sử dụng và bảo vệ công trình.
3. Tổ chức bảo vệ công trình
thường xuyên; Định kỳ, thường xuyên kiểm tra hiện trạng công trình.
4. Chuẩn bị kế hoạch, phương án
bảo vệ công trình trong các tình huống nguy hiểm do thiên tai, thảm họa gây ra
(mưa bão, giông lốc, lũ lụt, sạt lở đất, hỏa hoạn,...) để có biện pháp phòng chống
giảm thiểu rủi ro, thiệt hại. Ngay sau khi kết thúc thiên tai, thảm họa phải tiến
hành kiểm tra công trình, xác định các hư hỏng để có biện pháp khắc phục nhằm đảm
bảo công trình hoạt động bình thường.
Điều 6. Quy
trình bảo trì công trình
1. Ủy ban nhân dân xã có trách
nhiệm lập và phê duyệt quy trình bảo trì trước khi đưa công trình vào sử dụng
theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 126 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi,
bổ sung năm 2020). Quy trình bảo trì có thể được lập chung cho các nhà văn hóa
thôn trên cùng địa bàn quản lý.
2. Nội dung quy trình bảo trì
công trình theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26
tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất
lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị
định số 06/2021/NĐ-CP).
Điều 7. Lập
kế hoạch bảo trì công trình
1. Ban phát triển thôn lập kế
hoạch bảo trì công trình xây dựng hàng năm trên cơ sở quy trình bảo trì được
phê duyệt và hiện trạng công trình, trình Ủy ban nhân dân xã phê duyệt để làm
cơ sở thực hiện. Trường hợp Ban phát triển thôn có khó khăn trong việc lập kế
hoạch bảo trì, Ủy ban nhân dân xã giao Ban quản lý xã hoặc cử công chức xã hỗ
trợ Ban phát triển thôn lập kế hoạch bảo trì.
2. Nội dung chính của kế hoạch
bảo trì công trình xây dựng khoản 2 Điều 32 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP .
Điều 8. Thực
hiện bảo trì công trình
1. Ban phát triển thôn tự tổ chức
việc thực hiện các công việc kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ và đột
xuất nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, những hư hỏng của công
trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc bảo dưỡng công trình.
2. Trong trường hợp công trình
cần phải sửa chữa, Ban phát triển thôn báo cáo Ủy ban nhân dân xã. Ủy ban nhân
dân xã lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc sửa chữa.
Điều 9. Chi
phí bảo trì
1. Chi phí bảo trì bao gồm các
chi phí theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26
tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất
lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
2. Chi phí thực hiện các công
việc bảo trì định kỳ hàng năm được xác định bằng định mức tỷ lệ 0,1% nhân với
chi phí xây dựng và chi phí thiết bị công trình được quyết toán và được điều chỉnh
về mặt bằng giá tại thời điểm lập kế hoạch bảo trì .
3. Chi phí sửa chữa công trình
được xác định bằng dự toán.
4. Phương pháp xác định chi phí
bảo trình theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 08 tháng 9 năm 2021
của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.
Điều 10.
Huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho công tác quản lý, vận hành, bảo
trì
1. Kinh phí cho công tác quản
lý, vận hành, bảo trì công trình nhà văn hóa thôn có thể huy động từ các nguồn
sau:
a) Vốn ngân sách nhà nước: sử dụng
khi thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình.
b) Đóng góp của các hộ dân hưởng
lợi từ công trình và nguồn thu từ việc khai thác, sử dụng công trình: sử dụng
cho việc quản lý, vận hành và công việc bảo dưỡng thường xuyên, bảo trì định kỳ
hàng năm.
c) Nguồn huy động của các tổ chức,
cá nhân. d) Các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Việc quản lý, sử dụng nguồn
kinh phí cho việc quản lý, vận hành, bảo trì công trình nhà văn hóa thôn:
a) Việc quản lý, sử dụng, thanh
quyết toán kinh phí sửa chữa công trình sử dụng nguồn vốn theo quy định tại điểm
a khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
b) Việc quản lý, sử dụng kinh
phí cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì công trình từ các nguồn kinh phí
huy động theo quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này được quy định trong Quy
chế và được lập sổ sách theo dõi thu, chi theo quy định.
Điều 11.
Thu tiền từ người sử dụng công trình
1. Tùy thuộc vào đặc điểm công
trình, địa bàn mà có thể thu một phần tiền đóng góp của người sử dụng công
trình nhằm hỗ trợ cho quản lý, vận hành, bảo trì công trình.
2. Đối tượng thu, mức thu, hình
thức thu, sử dụng tiền thu được quy định chi tiết trong Quy chế và chỉ được áp
dụng khi các quy định về đối tượng thu, mức thu, hình thức thu, sử dụng tiền
thu không trái quy định pháp luật, được ít nhất 70% đại diện số hộ trong thôn
hưởng lợi từ công trình đồng ý và được Ủy ban nhân dân xã phê duyệt.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng
dẫn, kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý, vận hành và bảo trì công trình
nhà văn hóa thôn theo Quy định này và hướng dẫn việc lập, phê duyệt quy trình bảo
trì và quản lý chi phí bảo trì theo quy định pháp luật về xây dựng.
2. Các Sở, Ban, Ngành liên quan
căn cứ phạm vi, chức năng quản lý của ngành có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện
kiểm tra việc chấp hành các quy định trong quá trình quản lý, vận hành và bảo
trì công trình theo quy định của pháp luật.
Điều 13.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
1. Thực hiện tốt chức năng quản
lý nhà nước về chất lượng công trình và bảo trì công trình xây dựng trên địa
bàn.
2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng,
tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, vận hành, bảo trì công
trình cho cán bộ cấp xã, cấp thôn và những người trực tiếp tham gia quản lý, vận
hành, bảo trì công trình nhà văn hóa thôn.
3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã
hướng dẫn các thôn hưởng lợi từ công trình trong việc quản lý, vận hành, bảo
trì theo Quy định đã được ban hành.
4. Kiểm tra Ủy ban nhân dân xã
thực hiện Quy định này.
Điều 14.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã
1. Bàn giao công trình cho thôn
a) Ủy ban nhân dân xã có quyết
định bằng văn bản bàn giao công trình cho Ban phát triển thôn tiếp nhận để quản
lý, vận hành, bảo trì công trình. Khi bàn giao công trình phải có mặt Chủ tịch Ủy
ban nhân dân xã, Trưởng thôn và thành viên Ban phát triển thôn.
b) Ủy ban nhân dân xã tổ chức lập
01 bộ hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình theo quy định tại
Phụ lục IX Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ,
bàn giao cho Ban phát triển thôn khi tổ chức bàn giao công trình xây dựng. Ban
phát triển thôn có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ này trong suốt quá trình khai
thác, sử dụng.
2. Tổ chức lập, phê duyệt quy
trình bảo trình công trình; hỗ trợ Ban phát triển thôn xây dựng quy chế quản
lý, vận hành công trình và lập kế hoạch bảo trì công trình xây dựng.
3. Phê duyệt kế hoạch bảo trì
công trình xây dựng, b ố trí nguồn vốn và tổ chức thực hiện việc bảo trì công
trình.
4. Kiểm tra Ban phát triển thôn
thực hiện Quy định này.
5. Hàng năm, tổng hợp báo cáo Ủy
ban nhân dân huyện, thành phố về tình hình thực hiện việc giao cho thôn quản
lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình trên địa bàn xã.
Điều 15. Trách
nhiệm của Ban phát triển thôn
1. Nhận bàn giao công trình nhà
văn hóa thôn từ Ủy ban nhân dân xã. Ban phát triển thôn có quyền từ chối tiếp
nhận công trình trong các trường hợp công trình không đảm bảo chất lượng hoặc Ủy
ban nhân dân xã không bàn giao đầy đủ hồ sơ liên quan đến công trình.
2. Chịu trách nhiệm trước Ủy
ban nhân dân xã về quản lý, vận hành, bảo trì công trình nhà văn hóa thôn được Ủy
ban nhân dân xã giao. Tổ chức xây dựng Quy chế quản lý, vận hành công trình, lập
kế hoạch bảo trì công trình, trình Ủy ban nhân dân xã phê duyệt; xây dựng nội
quy sử dụng, bảo vệ và khai thác công trình.
3. Tổ chức thực hiện việc quản
lý, vận hành, bảo trì công trình được giao theo đúng quy định. Huy động cộng đồng
dân cư tham gia đóng góp kinh phí phục vụ công tác quản lý, vận hành, bảo trì
công trình theo quy định.
4. Lưu trữ sổ sách theo dõi
thu, chi và các giấy tờ (giấy biên nhận, hóa đơn, chứng từ,...) liên quan đến
công tác quản lý, vận hành, bảo trì công trình; hàng năm công bố công khai,
minh bạch cho các hộ hoặc người hưởng lợi biết về các khoản đã đóng góp và sử dụng
cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì công trình.
5. Đề nghị Ủy ban nhân dân xã sửa
chữa công trình khi phát hiện hư hỏng hoặc có biểu hiện xuống cấp.
6. Hàng năm báo cáo Ủy ban nhân
dân xã tình hình quản lý, vận hành, bảo trì các công trình thôn được giao.
Điều 16.
Trách nhiệm của các hộ dân hưởng lợi từ công trình
1. Mọi người dân trên địa bàn
thôn có trách nhiệm chấp hành nghiêm quy chế, nội quy sử dụng, bảo vệ và khai
thác công trình đã được thông qua và ban hành. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ
khi được hưởng lợi từ công trình.
2. Có trách nhiệm và nghĩa vụ
tham gia bảo vệ công trình. Khi phát hiện công trình bị phá hoại, xâm phạm, xảy
ra sự cố hoặc có hiện tượng hư hỏng phải có trách nhiệm ngăn chặn, khắc phục nếu
có thể và báo ngay cho Ban phát triển thôn hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời
ngăn chặn, khắc phục. Khi xảy ra sự cố, phải tham gia ứng cứu, sửa chữa, bảo vệ
công trình theo hướng dẫn của Ban phát triển thôn và cán bộ kỹ thuật.
Điều 17.
Điều khoản thi hành
Trong quá trình triển khai thực
hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp
thời phản ánh về Sở Xây dựng để được hướng dẫn hoặc tổng hợp báo cáo UBND tỉnh
xem xét, quyết định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Việt Phương
|