ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
43/2013/QĐ-UBND
|
Hà Nam, ngày 23
tháng 08 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ VÀ TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN VẬN
TẢI HÀNH KHÁCH ĐÁP ỨNG NHU CẦU ĐI LẠI CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ
NAM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11
năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày
29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao
thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng
10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe
ô tô; Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Bộ Giao thông vận
tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định hoạt động vận tải
đường bộ trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu
đi lại của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở,
Ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- TTTU; TTHĐND tỉnh (b/c);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- Viện KSND tỉnh;
- Toà án nhân dân tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- UBMTTQ; các đoàn thể;
- Như điều 3;
- Lưu VT; GT.
B/2013/QĐ13
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Mai Tiến Dũng
|
QUY ĐỊNH
HOẠT
ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ VÀ TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH ĐÁP ỨNG
NHU CẦU ĐI LẠI CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2013/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2013 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định cụ thể hoạt động sử dụng
phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển hành khách, hàng hóa, hoạt động vận
tải phục vụ vệ sinh môi trường trong đô thị; quy định tỷ lệ phương tiện vận tải
hành khách để đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Hà
Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các Sở, Ban
ngành có liên quan trong việc quản lý hoạt động vận tải đường bộ và các tổ chức,
cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, hàng hoá và phục vụ vệ sinh môi trường
trong đô thị.
Điều 3. Giải thích từ
ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có
mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là
trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò
thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một
địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của
thị xã, thị trấn.
2. Tuyến xe buýt đô thị là tuyến xe buýt có
điểm đầu, điểm cuối tuyến trong đô thị;
3. Điểm dừng xe buýt là những vị trí xe buýt
phải dừng để đón hoặc trả khách theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
4. Điểm đầu, điểm cuối tuyến xe buýt là nơi
bắt đầu, kết thúc của một hành trình xe chạy trên một tuyến;
5. Kết cấu hạ tầng phục vụ xe buýt: Hệ thống
điểm đầu, điểm cuối, điểm trung chuyển, đường dành riêng, nhà chờ xe buýt, biển
báo và các vạch sơn tại các điểm dừng, bãi đỗ dành cho xe buýt, các công trình
phụ trợ phục vụ hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt
6. Biểu đồ chạy xe buýt trên một tuyến là tổng hợp các
lịch trình chạy xe của các chuyến xe tham gia vận chuyển trên tuyến trong một
thời gian nhất định;
7. Điểm đỗ xe taxi là nơi cơ quan có thẩm quyền quy
định cho xe taxi được đỗ chờ đón khách hoặc đỗ trong thời gian ngừng hoạt động;
8. Người khuyết tật là những người bị khiếm khuyết
một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng vận động được biểu hiện
dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Chương 2.
Điều 4. Hoạt động vận chuyển
hành khách bằng xe buýt
1. Căn cứ vào biểu đồ chạy xe đã được Sở Giao thông
vận tải phê duyệt và công bố, các doanh nghiệp khai thác tuyến xe buýt đô thị
phải bố trí đủ số lượng xe, chạy đúng tuyến, đúng lịch trình, dừng, đỗ đúng nơi
quy định.
2. Quy định về điểm dừng, nhà chờ xe buýt
a) Thực hiện theo quy định tại điều 23 Thông tư số
14/2010/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải.
b) Nguồn vốn đầu tư xây dựng, duy tu kết cấu hạ tầng
xe buýt do Nhà nước đầu tư hoặc xã hội hoá.
c) Cấm xe buýt dừng trên đường
Trần Phú thuộc thành phố Phủ Lý (đoạn từ ngã ba cầu Phủ Lý - QL1A đến Bưu điện
tỉnh)
Điều 5. Hoạt động vận tải khách
bằng ô tô theo tuyến cố định
1. Thực hiện các quy định tại điều 53, điều 67, điều
68 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
2. Cấm các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến
cố định hoạt động trên các tuyến đường: Biên Hòa; Lê Công Thanh; Trường Chinh,
Nguyễn Văn Trỗi; Nguyễn Viết Xuân; Lê Lợi thuộc địa bàn thành phố Phủ Lý.
Điều 6. Hoạt động vận tải khách
bằng ô tô theo hợp đồng
1. Thực hiện các quy định tại điều 53, điều 67, điều
68 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
2. Sở Giao thông vận tải quản lý và cấp phù hiệu “Xe
hợp đồng” đưa đón cán bộ công nhân viên, học sinh và “Xe chở công nhân” đưa
đón công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điều 7. Hoạt động vận tải
khách, hàng hóa bằng xe taxi
1. Người lái xe taxi khách, taxi tải đón, trả hành
khách, hàng hoá theo thoả thuận giữa hành khách, chủ hàng và người lái xe phải
chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
2. Điểm đỗ xe taxi: Phải đảm bảo trật tự, an toàn
giao thông đô thị, bảo đảm yêu cầu phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường; Ủy
ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Giao thông vận tải quy định và quản lý vị trí
các điểm đỗ xe taxi phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải
trên địa bàn tỉnh.
Điều 8. Hoạt động vận tải hàng
hóa bằng xe ô tô
1. Xe ô tô chở hàng phải hoạt động theo đúng tuyến,
phạm vi và thời gian quy định đối với từng loại xe.
2. Thời gian hoạt động:
a) Các loại xe có trọng tải từ 05 tấn trở lên không
được lưu thông trong nội thành thành phố Phủ Lý từ 6h00’ đến 8h30’ và từ 16h30’
đến 20h00’ hàng ngày (trừ các tuyến quốc lộ do Trung ương quản lý).
b) Khi hoạt động trong đô thị từ 22h30’ hôm trước đến
5h00’ sáng hôm sau, nghiêm cấm các phương tiện giao thông đường bộ không được
rú ga liên tục, sử dụng còi hơi, đèn chiếu xa. Trừ các xe được quyền ưu tiên
đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
3. Hàng hóa chở trên xe ô tô phải được xếp đặt gọn
gàng, chằng buộc chắc chắn; khi vận chuyển hàng rời phải che đậy không để rơi
vãi.
Điều 9. Hoạt động vận tải phục
vụ vệ sinh môi trường, xe chở phế thải
1. Xe phục vụ vệ sinh môi trường, xe ô tô chở phế thải,
vật liệu rời phải được che phủ kín không để rơi, vãi trên đường phố; trường hợp
để rơi, vãi thì người vận tải phải chịu trách nhiệm thu dọn ngay.
2. Phương tiện vận tải phục vụ vệ sinh môi trường
phải là các loại xe chuyên dùng;
3. Thời gian hoạt động: Từ 22h30’ hôm trước đến 5h
00’ sáng hôm sau;
Điều 10. Tỷ lệ phương
tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật
1. Quy định về phương tiện:
a) Xe buýt phục vụ người khuyết tật phải bảo đảm
các yêu cầu được quy định tại Thông tư số 56/2011/TT-BGTVT ngày 17 tháng 11 năm
2011 của Bộ Giao thông vận tải ban hành 06 quy chuẩn quốc gia về phương tiện cơ
giới đường bộ.
b) Xe cơ giới dùng cho người khuyết tật phải được
cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường
theo quy định của pháp luật.
c) Việc đăng ký, quản lý và lưu hành phương tiện
giao thông cơ giới đường bộ dùng cho thương binh và người khuyết tật phải thực
hiện theo đúng các quy định của Bộ Công an- Bộ Giao thông vận tải.
2. Quy định về cơ sở hạ tầng xe buýt phục vụ người
khuyết tật: Các điểm dừng và nhà chờ xe buýt phục vụ người khuyết tật phải xây
dựng lối lên xuống thuận tiện cho xe lăn và vị trí dành riêng cho người khuyết
tật.
3. Quy định về tỷ lệ phương tiện đáp ứng nhu cầu đi
lại của người khuyết tật:
Doanh nghiệp vận tải đăng ký tham gia khai thác các
tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh phải đầu tư đủ số xe hoạt động trên tuyến,
trong đó có tối thiểu 1/5 trong tổng số phương tiện đăng ký hoạt động đáp ứng
nhu cầu đi lại của người khuyết tật. Trường hợp doanh nghiệp vận tải có số
phương tiện hoạt động trên tuyến nhỏ hơn số lượng quy định (nhỏ hơn 1/5), thì mỗi
tuyến phải có ít nhất 01 phương tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của các cơ
quan
1. Sở Giao thông vận tải:
a) Kiểm tra chặt chẽ các điều kiện kinh doanh vận tải
hành khách bằng ô tô của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định.
b) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành tổ chức
thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách theo quy
định của pháp luật.
c) Hướng dẫn doanh nghiệp khai thác vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt xây dựng kế hoạch đầu tư phương tiện đảm bảo điều kiện phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người
khuyết tật.
d) Thực hiện việc cải tạo, đầu tư mới hệ thống kết
cấu hạ tầng xe buýt bao gồm: điểm đầu, điểm cuối, nhà chờ, điểm trung chuyển,
các công trình phụ trợ và đáp ứng được yêu cầu phục vụ người khuyết tật đi xe
buýt. Tổ chức quản lý, duy trì hệ thống kết cấu hạ tầng xe buýt theo quy định.
2. Công an tỉnh
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng
Cảnh sát khác tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm quy định
này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
Chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc trên cơ sở
quy mô, địa bàn hoạt động của từng loại phương tiện để phối hợp quản lý, thực
hiện nghiêm quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 12. Điều khoản thi hành
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm theo dõi, tổng
hợp và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá
trình thực hiện để nghiên cứu, giải quyết kịp thời./.