Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3952/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Đoàn Ngọc Lâm
Ngày ban hành: 02/12/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3952/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 02 tháng 12 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ AN TOÀN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở RIÊNG LẺ, NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình tại Tờ trình số 6939/CAT-PC07 ngày 22 tháng 11 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an (Cục C07);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Báo Quảng Bình, Đài PT-TH Quảng Bình;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NCVX, KSTTHC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Ngọc Lâm

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI VỀ AN TOÀN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở RIÊNG LẺ, NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 3952/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về trách nhiệm và nội dung nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

2. Quy định này không áp dụng đối với căn hộ trong nhà chung cư; công trình dân dụng không phải nhà ở riêng lẻ; nhà ở đã chuyển đổi công năng không còn chức năng ở; các nhà, công trình, các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất đã có quy định riêng về phòng cháy và chữa cháy.

Điều 3. Tài liệu viện dẫn

- Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22/11/2013;

- Luật Nhà ở ngày 25/11/2014.

- Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

- Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP .

- QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

- QCVN 17:2018/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.

- TCVN 3890:2009 Phương tiện PCCC cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra và bảo dưỡng.

- TCVN 7435:1 - 2004 Phòng cháy chữa cháy - Bình chữa cháy xách tay và xe đẩy chữa cháy: Phần 1- lựa chọn và bố trí.

- TCVN 5303:1990 An toàn cháy - Thuật ngữ và định nghĩa.

- TCVN 2622:1995 Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế.

- TCVN 9207:2012 Đặt đường dẫn điện trong nhà ở và công trình công cộng - Tiêu chuẩn thiết kế.

- TCN 48:1996 Phòng cháy chữa cháy các doanh nghiệp thương mại và dịch vụ - Những quy định chung.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Nhà ở riêng lẻ (theo khoản 2 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014) là nhà ở được xây dựng trên thửa ở đất riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.

2. Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là nhà ở riêng lẻ có sẵn (đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng), có cải tạo, sử dụng một phần nhà để làm nơi sản xuất, kinh doanh (cửa hàng buôn bán, dịch vụ văn phòng, nhà trọ, khách sạn, cơ sở sản xuất nhỏ và các dịch vụ khác) hoặc công trình phụ trợ phục vụ kinh doanh, sản xuất (kho tàng, thu mua phế liệu...).

3. Chất dễ cháy (theo Điểm 4.3 TCVN 5303:1990) là chất có thể bốc cháy, cháy âm ỉ hoặc cacbon hoá khi có tác động của nguồn gây cháy và có khả năng tiếp tục cháy kể cả khi không còn nguồn gây cháy.

- Sự cháy âm ỉ (theo Điểm 4.10 TCVN 5303:1990) là sự cháy không thành ngọn lửa của chất rắn hữu cơ, thường xảy ra khi không đủ ôxy và tạo khói;

- Sự cacbon hóa: sự tạo thành cacbon và tro do kết quả nhiệt phân hoặc cháy không hoàn toàn các chất hữu cơ.

4. Chất khó cháy (theo Điểm 4.4 TCVN 5303:1990) là chất có thể bốc cháy, cháy âm ỉ hoặc cacbon hoá khi có tác động của nguồn gây cháy và không có khả năng tiếp tục cháy khi không còn nguồn gây cháy.

5. Chất không cháy (theo Điểm 4.5 TCVN 5303:1990) là chất không bốc cháy, không cháy âm ỉ và không cacbon hoá khi có tác động của nguồn gây cháy.

6. Các nhà, công trình, gian phòng dùng cho mục đích sản xuất công nghiệp hay để làm kho thuộc nhóm F5.1, F5.2 được định nghĩa tại Bảng 6 QCVN 06:2021/BXD.

7. Hạng nguy hiểm cháy nổ A, B của gian phòng được định nghĩa tại Bảng C.1 QCVN 06:2021/BXD.

Điều 5. Nguyên tắc áp dụng

1. Tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh đối với từng ngành nghề kinh doanh, sản xuất tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp quy định của pháp luật về điều kiện bảo vệ môi trường.

2. Đảm bảo thực hiện quản lý Nhà nước về phòng cháy và chữa cháy theo hướng ổn định, phù hợp với quy hoạch từng ngành, lĩnh vực, phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển tại địa bàn từng huyện, thị xã, thành phố.

3. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh lâu dài, không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân.

4. Các nội dung tại quy định này nhưng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thì không có tính bắt buộc mà chỉ khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân tăng cường áp dụng để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Chương II

AN TOÀN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở RIÊNG LẺ, NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH

Điều 6. Trách nhiệm chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân

1. Chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm:

- Chủ động tìm hiểu, nắm bắt các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tích cực tham gia các đợt tuyên truyền, huấn luyện về phòng cháy chữa cháy do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, địa phương tổ chức; tham gia phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy tại địa phương.

- Phổ biến, đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình, người làm việc trong nhà thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Giả định tình huống, cách xử lý khi có sự cố về cháy, nổ xảy ra, hướng dẫn và tổ chức cho thành viên trong gia đình, người làm việc thực tập để chủ động xử lý khi có tình huống xảy ra.

- Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những thiếu sót, nguy cơ gây cháy, nổ trong phạm vi quản lý của mình.

- Phối hợp với các đơn vị, cá nhân được phân công thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng cháy và chữa cháy (Công an cấp huyện, Công an cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, thôn, ấp, bản, tổ dân phố), cơ quan, tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh bên trong nhà để được hướng dẫn và tổ chức thực hiện các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các loại chất dễ cháy, nổ.

2. Thành viên hộ gia đình, người làm việc trong nhà có trách nhiệm:

- Chủ động tìm hiểu, nắm bắt các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy và chữa cháy, biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy được trang bị tại hộ gia đình; tích cực tham gia các đợt tuyên truyền, huấn luyện về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, chính quyền địa phương tổ chức; tham gia phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy tại địa phương.

- Thực hiện các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật và do chủ hộ gia đình hướng dẫn, quy định.

- Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; phát hiện và ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm:

- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy do chủ hộ gia đình ban hành; thực hiện trách nhiệm quản lý, ban hành các nội quy, quy định, phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy và duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.

- Hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thực hiện trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Điều 7. Các yêu cầu, khuyến cáo về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ

Chủ hộ gia đình bảo đảm và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ theo quy định của pháp luật và các khuyến cáo sau:

1. Bố trí mặt bằng công năng sử dụng

- Gian phòng để ở ưu tiên bố trí tại tầng thấp, gần cầu thang, lối ra thoát nạn, ngăn cách với khu vực, gian phòng có bảo quản vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ và sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Không bố trí gian phòng bảo quản, tích trữ xăng, dầu, hóa chất dễ cháy, nổ... trong nhà dẫn tới nguy cơ cháy, nổ.

- Gian phòng, khu vực để ô tô, xe máy, máy phát điện dự phòng và phương tiện, thiết bị khác có sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu cần chú ý được ngăn cách hoặc có khoảng cách đến lối ra thoát nạn của nhà và nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt nhằm loại trừ nguyên nhân gây cháy, cháy lan, bảo đảm thoát nạn an toàn cho người từ các gian phòng khác, tầng phía trên của nhà. Trường hợp, các gian phòng, khu vực bố trí trong không gian kín cần được duy trì thường xuyên giải pháp thông gió phù hợp với đặc điểm của nhà.

- Nhà có tầng hầm, tầng bán hầm, cần có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói lan lên tầng trên qua cầu thang bộ, giếng thang máy, trục kỹ thuật của nhà theo quy định tại Mục 4.28 QCVN 06:2021/BXD.

- Biển quảng cáo lắp đặt bên ngoài nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy, không cản trở lối ra thoát nạn và lối ra thứ 2 của nhà qua ban công, lô gia theo quy định tại Điểm 2.2.1.7 QCVN 17:2018/BXD.

2. Đường, lối ra thoát nạn của nhà

- Nhà có 01 lối ra thoát nạn, cần bố trí thêm 01 lối ra thứ 2 qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà... để thoát nạn khi cần thiết. Trường hợp, lối thoát qua lồng sắt, lưới sắt, cần có ô cửa có kích thước đủ rộng để cho người di chuyển thuận lợi theo quy định tại Mục 3.2.5, 3.2.12 và 3.2.13 QCVN 06:2021/BXD.

- Trên đường, lối đi, cầu thang thoát nạn không nên sử dụng vật liệu dễ cháy để thi công, lắp đặt, trang trí nội thất; không bố trí, lắp đặt vật dụng, thiết bị nhô ra khỏi mặt tường có độ cao dưới 02m theo quy định tại Mục 3.3.5 QCVN 06:2021/BXD.

- Không lắp đặt gương soi trên đường, lối đi, cầu thang bộ thoát nạn theo quy định tại Mục 3.3.7 QCVN 06:2021/BXD.

- Chiều rộng của lối đi, bản thang thoát nạn phải bảo đảm cho người di chuyển thuận lợi, tối thiểu là 0,7m theo quy định tại Mục 3.3.6 QCVN 06:2021/BXD.

- Lối ra tại tầng 1 cần thoát trực tiếp ra ngoài, trường hợp thoát qua gian phòng khác, phải duy trì chiều rộng lối đi và khoảng cách an toàn đến các vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt (ô tô, xe máy...) theo quy định tại Mục 3.6.6 QCVN 06:2021/BXD.

- Không bảo quản vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong gầm cầu thang, buồng thang bộ, trên hoặc liền kề với đường, lối thoát nạn theo quy định tại Điểm 5.3 TCN 48:1996 .

- Cửa đi trên lối thoát nạn tại tầng 1 cần sử dụng cửa bản lề (cửa cánh) theo quy định tại Mục 3.2.3 QCVN 06:2021/BXD; khuyến cáo nên hạn chế sử dụng cửa cuốn, cửa trượt, trường hợp lắp đặt cửa cuốn, phải có bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.

3. Sắp xếp vật dụng, thiết bị, quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong nhà

- Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn; không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, ổ cắm điện, aptomat, cầu dao, thiết bị tiêu thụ điện có sinh nhiệt... theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy và Mục 3.3.4 QCVN 06:2021/BXD.

- Không bố trí, sử dụng các thiết bị có áp lực, dễ nổ (bình xịt diệt côn trùng, bình gas mini...) gần vị trí sử dụng ngọn lửa trần để đun nấu, thiết bị điện có sinh nhiệt...

- Việc sử dụng nguồn lửa trong nhà phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy và các khuyến cáo sau:

+ Bếp sử dụng khí gas (khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG): cần bố trí trên mặt sàn bằng phẳng, thông thoáng, cách xa thiết bị điện và lắp đặt thiết bị báo dò khí gas tại khu vực sử dụng khí gas; thường xuyên kiểm tra tình hạng của van khóa, dây dẫn và đóng van bình gas sau khi sử dụng; không sử dụng các bình gas mini đã qua sử dụng, bình gas, dây dẫn khí, bếp không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi phát hiện có mùi đặc trưng của khí gas phải giữ nguyên hiện trạng của hệ thống điện (không bật, tắt các công tắc thiết bị tiêu thụ điện vào thời điểm đó), không dùng ngọn lửa trần (bật lửa, diêm, đèn dầu, hương, nến...); nên mở cửa sổ, cửa chính (tránh làm phát sinh tia lửa) để thoát khí gas, phải khóa ngay van bình gas và báo cho đại lý cung cấp gần nhất.

- Bếp điện: Cần lắp đặt, sử dụng dây dẫn, thiết bị bảo vệ phù hợp với công suất của bếp và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

- Bếp dầu: Cần bố trí trên mặt sàn bằng phẳng, không dùng xăng hoặc xăng pha dầu để đun bếp dầu; không rót thêm dầu vào bếp khi đang đun nấu, tắt bếp sau khi sử dụng.

- Thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã: Vách, trần, vật liệu trang trí khu vực thờ cúng là loại không cháy hoặc khó cháy, không thắp hương khi không có người trong nhà; khi đốt vàng mã, khi đun nấu cần có người trông coi và có biện pháp ngăn tàn lửa để chống cháy lan theo quy định tại điểm 3b khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

4. Lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện trong nhà

- Hệ thống điện được lắp đặt bảo đảm đủ công suất tiêu thụ của các thiết bị điện; có thiết bị bảo vệ, đóng ngắt chung cho hệ thống, từng tầng, nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất tiêu thụ lớn. Khi lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ cần tính toán công suất của hệ thống điện để tránh quá tải và không câu mắc dây dẫn điện cấp cho thiết bị; vị trí lắp đặt, bố trí thiết bị phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy.

- Dây dẫn điện đặt trong nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy (đặt trong ống gen, máng cáp, tại vị trí tiếp giáp với thiết bị, vật dụng dễ cháy, nổ phải ngăn cách bằng vật liệu không cháy...) theo quy định tại Điểm 5.1 TCVN 9207:2012 . Không nên sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng 01 ổ cắm; trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải chú ý kiểm tra, tắt nguồn điện tới các thiết bị tiêu thụ điện không sử dụng.

- Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Đường dây dẫn điện và các thiết bị điện hư hỏng cần được sửa chữa, khắc phục ngay hoặc ngắt nguồn điện đến đường điện hoặc thiết bị không an toàn.

5. Trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy

Căn cứ theo điều kiện, quy mô của ngôi nhà, chủ hộ gia đình nên trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy (bằng bột ABC có khối lượng bột ≥ 4kg hoặc bằng khí CO2 có khối lượng khí ≥ 3kg theo quy định tại Mục 5.1.1 TCVN 3890:2009 ); dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực...), đèn chiếu sáng sự cố.... Vị trí đặt các phương tiện, thiết bị nêu trên cần chú ý đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng, kịp thời chữa cháy, mở cửa, thoát nạn an toàn khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Đồng thời, có thể trang bị thêm hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy bằng nước, mặt nạ phòng độc, thang dây, ống tụt cứu người...

6. Khi hàn cắt trong sửa chữa, cải tạo nhà cần chú ý thực hiện đúng quy trình, quy định; có người giám sát, có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy và trang bị các bình chữa cháy để xử lý khi xảy ra cháy, nổ.

Điều 8. Các yêu cầu và khuyến cáo về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh bảo đảm và duy trì các yêu cầu và khuyến cáo về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với phần nhà để ở theo các nội dung tại Điều 7 nêu trên và phần để sản xuất, kinh doanh (cơ quan, tổ chức khác sử dụng phần nhà để sản xuất, kinh doanh phải thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy chung của nhà và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý). Trong đó, khu vực sản xuất, kinh doanh trong nhà ở riêng lẻ đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật và các khuyến cáo sau:

1. Lập, quản lý, cập nhật, bổ sung hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở bảo đảm thành phần theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 149/2020/TT-BCA của Bộ Công an.

2. Bố trí mặt bằng công năng sử dụng.

- Gian phòng sản xuất, kho chứa thuộc nhóm F5.1, F5.2 bố trí không quá 01 tầng hầm theo quy định tại Mục 1.1.8 và Phụ lục A QCVN 06:2021/BXD; không bố trí gian phòng sử dụng hoặc lưu giữ các chất khí, chất lỏng cháy, vật liệu dễ bắt cháy, gian phòng để ở trong tầng hầm theo quy định tại Mục 4.8 QCVN 06:2021/BXD; không bố trí gian phòng có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B trong ngôi nhà theo quy định tại Mục 3.1.6 QCVN 06:2021/BXD.

- Gian phòng sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cháy lan, ngăn khói với khu vực để ở của hộ gia đình, cầu thang bộ chung của các tầng và lối ra thoát nạn tại tầng 1 của nhà theo quy định tại Mục 4.5 và Phụ lục A QCVN 06:2021/BXD.

- Gian phòng sản xuất, kinh doanh, có bố trí gian phòng tồn chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt có tính chất nguy hiểm cháy, nổ khác phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cách với khu vực sản xuất, kinh doanh bằng kết cấu ngăn cháy theo quy định tại Mục 4.5 06:2021/BXD.

- Biển quảng cáo lắp đặt bên ngoài nhà phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quảng cáo, tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời QCVN 17:2018/BXD.

3. Đường, lối ra thoát nạn.

- Lối ra thoát nạn tại tầng 1 của khu vực để ở cần chú ý ngăn cách với lối ra thoát nạn của khu vực sản xuất, kinh doanh bằng kết cấu ngăn cháy.

- Yêu cầu về đường, lối thoát nạn của khu vực, gian phòng, tầng sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy tại thời điểm cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng. Trong nhà ở nhiều tầng có sử dụng chung cầu thang bộ thoát nạn thì gian phòng sản xuất, kinh doanh hàng hóa cháy được tại từng tầng nhà cần chú ý để ngăn được cháy lan, ngăn khói với cầu thang bộ bằng kết cấu ngăn cháy, cửa ngăn cháy.

- Dây chuyền công nghệ bố trí trong khu vực sản xuất, bảo quản, sắp xếp vật tư hàng hóa, mặt bằng kinh doanh trong gian phòng sản xuất, kinh doanh, kho chứa phải được duy trì về chiều rộng của đường thoát nạn và khoảng cách từ vị trí xa nhất đến cửa thoát nạn của gian phòng theo quy định tại Mục 3.3.2 QCVN 06:2021/BXD.

- Cửa đi trên lối thoát nạn phải sử dụng cửa bản lề (cửa cánh) theo quy định tại Mục 3.2.3 QCVN 06:2021/BXD. Trường hợp chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng cửa cuốn, cửa trượt... nên duy trì chế độ thường mở của các cửa này trong thời gian có người làm việc. Cửa cuốn, cần có bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.

4. Sắp xếp vật dụng, thiết bị, quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong nhà

- Sắp xếp, bảo quản vật tư, hàng hóa theo từng loại, có cùng tính chất, cùng đặc điểm, việc sắp xếp, để trên bục kê, giá hoặc chồng đống cần phải vững chắc, gọn gàng, ngăn nắp, không cản trở lối đi, lối thoát nạn của gian phòng, ngôi nhà. Vật tư, hàng hóa, hóa chất dễ cháy hoặc dễ bắt cháy cần bố trí trong các khu vực, gian phòng riêng, không để lẫn với các vật tư hàng hóa khác và đảm bảo yêu cầu ngăn cháy lan. Không tập kết, bố trí vật tư hàng hóa trên các tuyến đường gây cản trở giao thông và có thể làm ảnh hưởng đến việc triển khai lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đến từng nhà theo quy định tại Mục 5 TCN 48:1996 .

- Vật tư, hàng hóa dễ cháy phải bố trí cách các thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt như bóng đèn, ổ cắm, cầu dao..., khu vực phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy.

- Không nên bố trí nơi đun nấu, thờ cúng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, bảo quản vật tư, hàng hóa cháy được. Khi điều kiện kinh doanh, sản xuất có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt cần chú ý bố trí ngăn cách các vật tư, hàng hóa dễ cháy, phương tiện, dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, chất khí dễ cháy (ô tô, xe máy...); khi dự trữ xăng, dầu, khí gas, hóa chất dễ cháy, nổ phục vụ sản xuất, cần chú ý bố trí khu vực bảo quản bên ngoài nhà bảo đảm yêu cầu thông thoáng, tránh xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, tránh ánh nắng trực tiếp và không để gần lối ra thoát nạn của nhà.

5. Hệ thống, thiết bị điện trong nhà

- Hệ thống điện nên được lắp đặt riêng biệt cho khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực để ở của nhà, bảo đảm đủ công suất tiêu thụ của các thiết bị điện; nên có thiết bị bảo vệ, đóng ngắt chung cho hệ thống, từng tầng, nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất tiêu thụ lớn. Khi lắp đặt thêm thiết bị, máy móc cần tính toán công suất của hệ thống điện để tránh quá tải và không câu mắc dây dẫn điện cấp cho thiết bị trên; vị trí lắp đặt, bố trí phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy.

- Tại khu vực có bảo quản, kinh doanh, sản xuất, sử dụng vật tư, hàng hóa, hóa chất dễ cháy nên sử dụng loại dụng cụ điện, thiết bị điện là loại đảm bảo an toàn cháy, nổ; thiết bị tiêu thụ điện lắp đặt trong kho cần được khống chế chung bằng thiết bị đóng ngắt tự động và đặt bên ngoài kho.

- Dây dẫn điện đặt trong nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy (đặt trong ống gen, máng cáp, tại vị trí tiếp giáp với thiết bị, vật dụng dễ cháy, nổ phải ngăn cách bằng vật liệu không cháy theo quy định tại Điểm 5.1 TCVN 9207:2012 ). Không nên sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng 01 ổ cắm.

- Thiết bị tiêu thụ điện có phát sinh nguồn nhiệt không có biện pháp chụp bảo vệ thì không được bố trí gần (khoảng cách ít nhất 0,5m) hoặc phía trên vật tư, hàng hóa cháy được, theo quy định tại Điểm 5.1.4 TCN 48:1996.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Đường dây dẫn điện và các thiết bị điện hư hỏng phải được sửa chữa khắc phục ngay hoặc ngắt nguồn điện đến đường điện hoặc thiết bị không an toàn, theo quy định tại Mục 6 TCN 48:1996 .

6. Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy

- Đối với khu vực kinh doanh, sản xuất phải trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn, hệ thống thông gió, chống tụ khói... (nếu có) bảo đảm theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3890:2009 “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng” và các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.

- Các phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải được dán tem kiểm định và được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP .

7. Khi hàn cắt trong sửa chữa, cải tạo nhà phải thực hiện đúng quy trình, quy định; có người giám sát, có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy và chuẩn bị đủ các bình chữa cháy xách tay để kịp thời xử lý khi xảy ra cháy, nổ theo quy định tại Điểm 7.3 TCN 48:1996.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nội dung Quy định này của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.

2. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhà ở riêng lẻ tự giác thực hiện quy định này nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

3. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và khuyến khích thực hiện các khuyến cáo về an toàn phòng cháy và chữa cháy tại Quy định này; tự giác học tập nâng cao nhận thức, ý thức và kiến thức cơ bản về cháy, nổ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ, các biện pháp chữa cháy tại nơi ở, nơi làm việc; đồng thời tuyên truyền cho những người xung quanh biết để cùng thực hiện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Điều 10. Trách nhiệm của Công an tỉnh

Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, triển khai có hiệu quả việc thực hiện các nội dung của Quy định này; tổng hợp các ý kiến vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3952/QĐ-UBND ngày 02/12/2021 về Quy định tạm thời an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


302

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.68.39
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!