Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3354/QĐ-BGTVT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Đinh La Thăng
Ngày ban hành: 26/12/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3354/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYÊT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG, KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2013-2020”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW6 khóa XI về “phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”;

Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013-2020”, với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

- Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, khẳng định được vai trò chủ đạo của Khoa học công nghệ (KHCN) trong việc tạo ra bước đột phá, đổi mới toàn điện công tác quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đảm bảo thực hiện đồng bộ, có hệ thống từ qui hoạch, lựa chọn công nghệ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, vận hành sau đầu tư;

- Làm cho KHCN thực sự đóng vai trò then chốt, trở thành động lực mạnh mẽ của sản xuất, đóng góp của KHCN chiếm tỷ trọng lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất các lĩnh vực của ngành GTVT nói chung và quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì hệ cấu hạ tầng giao thông nói riêng, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại;

- Phấn đấu đến năm 2020 đưa KHCN trong ngành GTVT thực sự đóng vai trò chủ đạo trong quản lý chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống hạ tầng GTVT hiện đại của Việt Nam, đạt trình độ nằm trong nhóm nước dẫn đầu khu vực ASEAN.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Tăng cường ứng dụng KHCN để đổi mới toàn diện công tác quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT;

- Tập trung nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động KHCN. Đưa việc ứng dụng KHCN tiên tiến, hiện đại và phù hợp vào thực tiễn hoạt động của ngành để đảm bảo nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng giao thông xây dựng mới, duy trì chất lượng và tuổi thọ của các công trình hạ tầng giao thông đang khai thác, tiến tới làm chủ các công nghệ hiện đại trong xây dựng cảng nước sâu, cầu treo, cầu dây văng, cầu thép và cầu BTCT nhịp lớn, hầm qua núi, qua sông và hầm metro, đường sắt tốc độ cao, đường ô tô cao tốc, mặt đường bê tông xi măng...;

- Xây dựng chiến lược và lộ trình đổi mới công nghệ của các đơn vị trong ngành GTVT. Phấn đấu thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đạt 10-15% /năm ở giai đoạn 2011-2015 và đạt tốc độ 20% /năm ở giai đoạn 2016-2020 để thực hiện Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết đinh số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012;

- Củng cố, tăng cường đồng bộ về tổ chức, năng lực, quy chế hoạt động của các đơn vị KHCN đề giải quyết những vấn đề kỹ thuật, công nghệ trọng yếu phát sinh trong thực tế sản xuất của ngành GTVT;

- Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển KHCN, đặc biệt chú trọng hợp tác với các đối tác có thương hiệu, kinh nghiệm, có trình độ kỹ thuật công nghệ cao trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực KHCN. Phấn đấu nhân lực phục vụ phát triển KHCN ngành GTVT tăng trung bình 5% /năm.

II. Nội dung và giải pháp

2.1. Tăng cường ứng dụng KHCN để hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

2.1.1. Yêu cầu

- Đảm bảo việc ứng dụng KHCN trong triển khai thực hiện mô hình quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông hiệu quả;

- Hệ thống hóa mạng lưới kiểm tra kiểm soát chất lượng công trình kết cấu hạ tầng giao thông từ Bộ GTVT đến các cơ quan quản lý chuyên ngành, các Chủ đầu tư Tư vấn, Nhà thầu, đơn vị quản lý khai thác...

2.1.2. Nhiệm vụ cụ thể

- Hiện đại hóa công tác quản lý chất lượng xây dựng khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông bằng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại;

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, luồng hàng hải, đường thủy nội địa;

- Quản lý đồng bộ từ cơ chế tổ chức, đào tạo, công nghệ, thiết bị thí nghiệm, phục vụ kiểm tra, giám sát, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình trong quá trình xây dựng cũng như trong quá trình vận hành, khai thác.

2.1.3. Giải pháp thực hiện

- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông;

- Áp dụng các công nghệ hiện đại, tự động hóa đảm bảo kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn của các phương tiện vận tải một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả;

- Củng cố và tăng cường hệ thống kiểm định đánh giá chất lượng công trình xây dựng trong quá trình thi công và khai thác, vận hành. Tăng cường năng lực của hệ thống phòng thí nghiệm công trình;

- Tăng cường cơ chế quản lý hoạt động của Tư vấn quan sát thông qua ứng dụng KHCN trong công tác kiểm tra, giám sát, phúc tra.

2.2. Đẩy mạnh công tác xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng xây dựng khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

2.2.1. Yêu cầu

- Hoàn thiện, cập nhật hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quy trình, quy phạm trong xây dựng công trình giao thông;

- Chú trọng biên soạn hệ thống chỉ dẫn kỹ thuật số tại hướng dẫn nhằm cụ thể, chi tiết hóa các vấn đề kỹ thuật công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng trong thực tế.

2.2.2. Nhiệm vụ cụ thể

- Tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong xây dựng công trình giao thông;

- Biên soạn tiêu chuẩn cho các công nghệ mới để tăng tính linh hoạt về các giải pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành xây dựng;

- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn phục vụ xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt cấp cao, đường sắt cao tốc;

- Cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn, định mức về công nghệ mới, vật liệu mới;

- Hệ thống hóa hệ thống tiêu chuẩn về giao thông thông minh (ITS) và thu phí điện tử (ETC);

- Hoàn thiện các công nghệ xây dựng cảng nước sâu và công nghệ vật liệu chống ăn mòn trong môi trường biển.

2.2.3. Giải pháp thực hiện

- Củng cố và kiện toàn các đầu mối lập kế hoạch, biên soạn, rà soát cập nhật tiêu chuẩn;

- Tập hợp nhân lực KHCN từ các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu, lực lượng cán bộ KHCN đầu ngành, chuyên gia kỹ thuật có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm để phục vụ công tác biên soạn tiêu chuẩn;

- Thường xuyên cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn hiện đại, tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

2.3. Tăng cường ứng dụng KHCN trong công tác tư vấn (khảo sát, lập dự án, thiết kế, giám sát) xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

2.3.1. Yêu cầu

- Nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả của tư vấn trong công tác quy hoạch, lựa chọn công nghệ, khảo sát thiết kế, giám sát chất lượng, bảo trì khai thác các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông;

- Tập trung nghiên cứu, làm chủ công nghệ khảo sát thiết kế, thi công các công trình xây dựng giao thông đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật cao, an toàn, bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn các vùng miền của Việt Nam.

2.3.2. Nhiệm vụ cụ thể

- Hoàn thiện các công nghệ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông hiện đang áp dụng thuộc các lĩnh vực: đường bộ và đường bộ cao tốc, cầu, hầm, cảng biển, sân bay, cảng hàng không và nền móng công trình giao thông;

- Phát triển ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới tiên tiến trong công tác tư vấn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong các lĩnh vực: đường bộ và đường bộ cao tốc, cầu, hầm, cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, xử lý nền móng công trình và kết cấu, vật liệu mới trong thời gian tới.

2.3.3. Giải pháp thực hiện

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng làm chủ công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường sức cạnh tranh của các đơn vị Tư vấn;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác khảo sát;

- Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, các phần mềm mạnh để phục vụ tính toán thiết kế các công trình;

- Thường xuyên cập nhật, chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến về vật liệu, kết cấu phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông;

- Chú trọng công tác tổng kết, đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ mới, vật liệu mới để định hướng cho việc ứng dụng rộng rãi những công nghệ mới, vật liệu mới đã thử nghiệm thành công;

- Hàng năm lập danh mục các công nghệ mới, vật liệu mới được đưa vào áp dụng trong các dự án cụ thể để theo dõi, đánh giá, phổ biến nhân rộng;

- Tiếp cận và làm chủ công nghệ thử nghiệm mô hình;

- Đổi mới chương trình và nội dung đào tạo Tư vấn giám sát đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng công trình giao thông.

2.4. Tăng cường ứng dụng KHCN trong lĩnh vực thi công xây lắp kết cấu hạ tầng giao thông

2.4.1. Yêu cầu

- Hoàn thiện các công nghệ xây dựng công trình giao thông đã có đảm bảo yêu cầu chất lượng và tiến độ;

- Chủ động đổi mới công nghệ, trang thiết bị để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh;

- Nhanh chóng tiếp nhận chuyển giao, nắm bắt các công nghệ mới, tiên tiến trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

2.4.2. Nhiệm vụ cụ thể

- Hoàn thiện các công nghệ thi công xây lắp kết cấu hạ tầng giao thông hiện đang áp dụng trong các lĩnh vực: đường bộ, đường bộ cao tốc, sân bay, cầu, hầm, cảng biển, đường sắt, nền móng công trình;

- Phát triển ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới tiên tiến trong thi công xây lắp kết cấu hạ tầng giao thông trong các lĩnh vực: đường bộ, đường bộ cao tốc, cầu, hầm, cảng, sân bay, cảng hàng không, đường sắt và lĩnh vực xử lý nền móng công trình trong thời gian tới.

2.4.3. Giải pháp thực hiện

+ Thể chế hóa và tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông của các Nhà thầu xây lắp công trình, chú trọng việc xây dựng và tuân thủ quy trình công nghệ, quy định kỹ thuật cho từng hạng mục, sản phẩm xây lắp;

+ Nâng cao năng lực công nghệ của các Tổng công ty xây dựng trong ngành GTVT theo hướng đầu tư trang thiết bị thi công hiện đại, đồng bộ, đào tạo chuẩn hóa tay nghề và kỷ luật lao động;

+ Áp dụng phương thức quản lý chất lượng theo ISO;

+ Chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm chuyển giao nhanh các công nghệ mới, vật liệu mới phục vụ cho các dự án đầu tư lớn, mang tính đột phá và hòa nhập với khu vực, Quốc tế;

+ Hàng năm lập và cập nhật danh mục các công trình, hạng mục cụ thể có ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, lập kế hoạch theo dõi, đôn đốc thực hiện.

2.5. Tăng cường ứng dụng KHCN trong lĩnh vực quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

2.5.1. Yêu cầu

- Đổi mới một cách toàn diện, tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông;

- Đảm bảo khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông an toàn, hiệu quả, bền vững;

- Làm cho KHCN đóng vai trò chính trong quản lý, bảo trì, đảm bảo độ bền vững, duy trì tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông trong chiến lược quản lý tài sản Quốc gia.

2.5.2. Nhiệm vụ cụ thể

- Hoàn thiện các công nghệ khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông hiện đang áp dụng trong các lĩnh vực: đường bộ, cảng biển, sân bay, đường sắt, phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông, an toàn giao thông và phòng chống biến đổi khí hậu;

- Phát triển ứng dụng các công nghệ mới; tiên tiến phục vụ quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trong các lĩnh vực: quản lý, điều hành, kiểm soát giao thông; kiểm định, đánh giá chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng đang khai thác phục vụ quản lý, khai thác, bảo trì; sửa chữa, tăng cường, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình, an toàn giao thông và phòng chống biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

2.5.3. Giải pháp thực hiện

- Xây dựng các trung tâm quản lý khai thác và vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông;

- Tăng cường quản lý, kiểm soát tải trọng các phương tiện vận tải, quản lý hành lang đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Tăng cường hiện đại hóa, cơ giới hóa trong công tác kiểm tra, quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông;

- Có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy các đơn vị công ích, doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông;

- Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành GTVT triển khai các công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực kiểm định, đánh giá chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì;

- Áp dụng các công nghệ mới trong việc đánh giá và cảnh báo sớm các rủi ro trượt đất trên các tuyến đường giao thông;

- Đề xuất các giải pháp kỹ thuật thiết kế và xây dựng hợp lý nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lũ, động đất, trượt lở đất đá, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.., xảy ra đối với các công trình giao thông;

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại trong bảo vệ công trình chống tác động ăn mòn, xâm thực của môi trường cho các kết cấu công trình vùng ven biển, vùng có khí hậu ăn mòn;

- Triển khai ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến trong duy tu, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác.

2.6. Một số nhiệm vụ đột phá giai đoạn 2013-2020

Theo nội dung nhiệm vụ trong Phụ lục 1

III. Tổ chức thực hiện

3.1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án

- Ban chỉ đạo gồm Trưởng ban là Lãnh đạo Bộ GTVT, phó Trưởng ban là Lãnh đạo Vụ KHCN, các thành viên là Trưởng các phân ban của các chủ thể tham gia thực hiện Đề án /Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trường Đại học, các Tổng công ty, Công ty...);

- Ban chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị (Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trường Đại học, các Tổng công ty, Công ty...) gồm Trưởng ban là một Lãnh đạo của cơ quan, đơn vị, phó trưởng ban thường trực là Trưởng Phòng hoặc Ban KHCN;

- Định kỳ 6 tháng Ban chỉ đạo họp để kiểm điểm việc thực hiện Đề án.

3.2. Phân công tổ chức thực hiện

- Vụ Khoa học Công nghệ: chủ trì, phối hợp với các Vụ trong việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện Đề án theo quy định;

- Vụ Kế hoạch Đầu tư, Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Kết cấu hạ tầng GT, Vụ Môi trường, Vụ Vận tải, Vụ Hợp tác Quốc tế và Văn phòng Bộ: Phối hợp và tham mưu cho Bộ GTVT để thực hiện Đề án theo quy định;

- Vụ Tài chính: Tham mưu cho Bộ về dự toán kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm và thực hiện quyết toán kinh phí thực hiện Đề án trên cơ sở đề nghị của cơ quan thực hiện Đề án;

- Viện Khoa học và Công nghệ GTVT: thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến rà soát và xây dựng bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, sổ tay...

- Trung tâm CNTT: Hướng dẫn, thẩm định đầu tư hệ thống CNTT;

- Các Tổng cục, Cục chuyên ngành (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình): Chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về lĩnh vực có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình quản lý;

- Các Tổng công ty, doanh nghiệp ngành GTVT

+ Xây dựng chương trình cụ thể ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT;

+ Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020;

+ Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) chủ trì việc triển khai thiết kế các công trình giao thông áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới.

IV. Kinh phí thực hiện Đề án

4.1. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước:

- Đầu tư cho khối hành chính sự nghiệp bao gồm: đầu tư phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT; tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, đào tạo cán bộ quản lý nhà nước; đào tạo chuyên gia đầu ngành; chuyển giao công nghệ mới; nghiên cứu KHCN; đầu tư các công trình, dịch vụ công ích;

- Chi phí ước tính khoảng 844 tỷ đồng.

4.2. Các nguồn vồn khác

- Đầu tư cho các hạng mục: đầu tư trang thiết bị, đầu tư các dự án, đào tạo nghề: các doanh nghiệp tự huy động, cân đối các nguồn vốn tự có, vốn vay, ODA; vốn huy động từ xã hội, trong đó:

+ Vốn tự có của các doanh nghiệp: Dự tính khoảng 40% vốn ngoài ngân sách nhà nước. Ước tính chi phí khoảng 7.200 tỷ đồng;

+ Vốn khác: Dự tính khoảng 60% vốn ngoài ngân sách nhà nước. Ước tính chi phí khoảng 10.800 tỷ đồng.

V. Các nội dung khác

Theo nội dung Đề án được duyệt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Văn phòng Ban cán sự Đảng;
- Văn phòng Đảng ủy Bộ GTVT;
- Các TCT, công ty thuộc Bộ;
- Các Ban QLDA thuộc Bộ;
- Viện KHCN GTVT;
- Tổng công ty TVTK GTVT;
- Trung tâm thông tin Bộ; Website Bộ GTVT;
- Lưu: Văn thư, KHCN.

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ NHIỆM VỤ ĐỘT PHÁ GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Kèm theo Quyết định số 3354/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013-2010”)

TT

Nội dung

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì thực hiện

Đơn vị phối hợp

I

Tăng cường ứng dụng KHCN để hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

1.1

Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đáp ứng yêu cầu cho công tác quản lý, điều hành

2013-2015 Cập nhật các năm tiếp theo

Vụ Kết cấu hạ tầng GT

Tổng cục ĐBVN, Cục Hàng không VN, Cục Hàng hải VN, Cục Đường sắt VN, Cục Đường thủy nội địa VN, Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ GTVT

1.2

Tăng cường năng lực kiểm định, đánh giá chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (bao gồm cả đào tạo Tư vấn giám sát)

2013-2015 Cập nhật các năm tiếp theo

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT

Vụ KHCN, Vụ KHCTGT, Viện KHCN GTVT Tổng cục ĐBVN, Cục Hàng không VN, Cục Hàng hải VN, Cục Đường sắt VN, Cục Đường thủy nội địa VN

1.3

Triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thí nghiệm Quốc gia ngành GTVT (thuộc Viện KH&CN GTVT).

2013 -2016

Viện KHCN GTVT

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Vụ KHCN- MT Bộ Xây dựng, các Viện KHCN ngoài ngành GTVT

II

Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

2.1

Hệ thống hóa hệ thống tiêu chuẩn về giao thông thông minh (ITS) và thu phí điện tử (ETC).

1/2013 - 6/2014

Tổng cục ĐBVN

Vụ KHCN, Vụ KHCTGT, Trung tâm CNTT - Bộ GTVT

2.2

Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn phục vụ xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt cấp cao, đường sắt tốc độ cao; Hàng không, Hàng hải, Đường bộ, Đường thủy nội địa

2013-2016

Tổng cục ĐBVN, các cục ĐS VN, HK, HH, ĐTNĐ

Vụ KHCN, Vụ KHCTGT, Viện KHCN, các Trường Đại học trong và ngoài ngành GTVT

2.3

Xây dựng tiêu chuẩn, định mức cho các công nghệ mới như cọc nhồi đường kính nhỏ, cọc ống thép, công nghệ cố kết chân không

2013-2015

Vụ KHCN - Bộ GTVT

Viện KHCN GTVT, Trường Đại học GTVT

III

Tăng cường ứng dụng KHCN trong công tác tư vấn (khảo sát, lập dự án, thiết kế, giám sát) xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông.

3.1

Triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế các công trình đường ôtô cao tốc, đường ôtô cấp cao, đường đô thị.

2013-2015

Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI),

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN

3.2.

Tiếp nhận công nghệ thiết kế đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao

2013-2015

TEDI, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC.JSC)

Vụ KHCN, Cục ĐSVN

3.3.

Triển khai ứng dụng thiết kế kết cấu mới cho công trình cầu hầm (sergment, hybrid...)

2013-2017

TEDI

Vụ KHCN, Tổng cục ĐBVN, cục ĐSVN

3.4.

Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ xây dựng lớp phủ bê tông nhựa trên mặt cầu thép, cầu BTCT.

2013-2014

Viện KHCN GTVT

Vụ KHCN, Tổng cục ĐBVN

IV

Tăng cường ứng dụng KHCN trong lĩnh vực thi công xây lắp kết cấu hạ tầng giao thông

4.1

Triển khai công nghệ bê tông nhựa rỗng, bê tông nhựa polime... trong xây dựng đường bộ

2013-2020

Tổng công ty XDCTGT1

Vụ KHCN - Bộ GTVT, các Công ty Liên doanh với nước ngoài.

4.2

Triển khai công nghệ lắp ghép dầm BTCT DƯL, kết cấu Hybrid

2015-2020

Tổng công ty xây dựng CTGT 4, Thăng Long

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Viện KHCN GTVT, TEDI

4.3.

Tiếp nhận và triển khai công nghệ xây dựng đường sắt đô thị, nghiên cứu làm chủ công nghệ xây dựng đường sắt tốc độ cao

2013 -2020 cập nhật các năm tiếp theo

Tổng công ty Đường sắt VN

Cục Đường sắt VN, Vụ KHCN - Bộ GTVT

4.4

Triển khai ứng dụng công nghệ xây dựng lớp phủ bê tông nhựa trên mặt cầu thép, cầu BTCT.

2013-2014

Các Nhà thầu thi công

Vụ KHCN, Tổng cục ĐBVN,

V

Tăng cường ứng dụng KHCN trong lĩnh vực quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

5.1

Triển khai hệ thống quan trắc liên tục (SMHS) cho các công trình cầu nhịp lớn, cầu treo, cầu dây văng

2013 - 2020 và cập nhật các năm tiếp theo

Tổng cục ĐBVN

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Viện KHCN GTVT

5.2.

Hoàn thiện và triển khai hệ thống phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông

2013 -2020 và cập nhật các năm tiếp theo

Tổng cục ĐBVN

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Viện KHCN GTVT

5.3

Nghiên cứu triển khai các giải pháp công nghệ mới tăng cường An toàn giao thông

2013-2020 và cập nhật các năm tiếp theo

Viện KHCN GTVT

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Văn phòng Ủy ban ATGTQG. Viện CL và PT GTVT

5.4

Triển khai công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa (tái chế mặt đường bê tông asphals)

2014 -2015 và các năm tiếp theo

Vụ KHCN - Bộ GTVT

Tổng cục ĐBVN, Viện KHCN GTVT

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG, KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3345/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

MỤC LỤC

Phần I: Mở đầu

1.1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

1.2. Các căn cứ để xây dựng Đề án

1.3. Phạm vi nghiên cứu

1.4. Phương pháp nghiên cứu

Phần II: Đánh giá hiện trạng hoạt động KHCN trong xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2005 - 2012

2.1. Kết quả hoạt động KHCN phục vụ xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2005-2012.

2.2. Những tồn tại và thách thức với hoạt động KHCN phục vụ quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

2.3. Hiện trạng tiềm lực phát triển khoa học công nghệ trong ngành GTVT

Phần III: Nội dung đề án Tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013-2020.

3.1. Quan điểm, Mục tiêu

3.2. Tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

3.3. Một số nhiệm vụ KHCN đột phá giai đoạn 2013-2020.

Phần IV: Các giải pháp thực hiện

4.1. Các giải pháp về cơ chế chính sách

4.2. Các giải pháp về nguồn vốn

4.3. Giải pháp, chính sách về đào tạo phát triển nguồn nhân lực

4.4. Giải pháp về chỉ đạo, điều hành thực hiện dự án

Phần V: Nguồn lực thực hiện và phân kỳ đầu tư

5.1. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện dự án

5.2. Phân kỳ đầu tư

Phần VI: Tổ chức thực hiện dự án

6.1. Thành lập ban chỉ đạo thực hiện Dự án

6.2. Phân công tổ chức thực hiện

6.3. Tiến độ thực hiện Dự án

Phụ lục

PL 1 Một số công trình xây dựng giao thông tiêu biểu đã hoàn thành

PL 2 Danh sách các tổ chức nghiên cứu KHCN trong ngành GTVT

PL 3 Danh sách các tổ chức ứng dụng KHCN trong ngành GTVT

PL 4 Kết quả một số đề tài KHCN đã nghiên cứu ứng dụng trong ngành GTVT

 

Phần 1.

MỞ ĐẦU

1.1. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa (CNH-HĐH) phục vụ phát triển đất nước nhằm mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước, công nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế sâu, rộng đang đòi hỏi phải tập trung mọi nguồn lực tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trên các lĩnh vực của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XI, Nghị quyết số 13- NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã đề ra “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”.

Chiến lược phát triển đất nước đã chỉ rõ vai trò quan trọng của ngành Giao thông vận tải (GTVT), trong đó phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng là một trong ba khâu đột phá, cần phải đi trước một bước, làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng.

Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, với định hướng xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, bền vững, an toàn, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và liên thông với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đã và đang thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với nhịp độ tăng trưởng nhanh chóng.

Tính đến năm 2012, hệ thống quốc lộ Việt Nam có tổng chiều dài là 17.646 Km, mạng lưới đường tỉnh khoảng 25.434 Km, ngoài ra còn có các loại đường chuyên dụng, đường giao thông nông thôn khác. Hệ thống đường bộ cao tốc cũng đang được từng bước xây dựng với dự kiến kế hoạch đến năm 2020 sẽ hoàn thành khoảng 2.500 Km trên toàn bộ lãnh thổ.

Hệ thống cảng biển được qui hoạch theo 6 nhóm, gồm 39 cảng lớn phân bố tại các vùng miền khác nhau dọc theo 3.300 km bờ biển. Dự kiến lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ở thời điểm năm 2015 là 500 - 600 triệu tấn/năm; năm 2020 vào khoảng 900 - 1.100 triệu tấn/năm và tăng lên đến 2.100 triệu tấn/năm vào giai đoạn 2030.

Việt Nam có khoảng 2.300 sông ngòi, kênh rạch với tổng chiều dài khoảng 198.000 km, trong có khoảng 41.000 km có thể khai thác giao thông vận tải đường thủy phục vụ phát triển kinh tế dân sinh, an ninh quốc phòng. Hiện tại hệ thống đường thủy nội địa quốc gia do Cục đường thủy nội địa Việt Nam quản lý có tổng chiều dài 6.737,6 km bao gồm 131 cảng thủy nội địa và 2.983 bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động.

Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, đạt mức tăng trưởng hành khách, hàng hóa trung bình hơn 10%/ năm. Định hướng đến năm 2020, sẽ có 10 cảng hàng không Quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa, trong đó có cảng hàng không quy mô lớn với công suất phục vụ từ 80 - 100 triệu hành khách/năm.

Mạng lưới Đường sắt Việt Nam hiện có tổng chiều dài 2.600 Km, đang được phát triển theo hướng hiện đại hóa, triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đặc biệt là tại các đô thị lớn; từng bước xây dựng các tuyến đường sắt cấp cao và đường sắt tốc độ cao.

Một trong những yêu cầu quan trọng để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại là cần đưa vào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình.

Nhận thức rõ vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) trong phát triển của ngành nói chung và trong lĩnh vực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2005 - 2012 vừa qua, ngành GTVT đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ phát KHCN theo định hướng đã được xác định trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng: “Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế. Tăng nhanh năng lực khoa học và công nghệ nội sinh đi đôi với tăng cường tiếp thu, làm chủ, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng và tính thương mại của các sản phẩm khoa học và công nghệ”.

Phương hướng mục tiêu phát triển KHCN giai đoạn 2010 -2015 đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI: “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức” với chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2011-2015: “sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 35% tổng GDP”.

Quán triệt chủ trương trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo  xây dựng chiến lược, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình đổi mới công nghệ... cụ thể để phát triển mạnh mẽ, có hiệu quả công tác KHCN vào thực tế sản xuất trong tất cả các lĩnh vực của ngành GTVT, trong đó tập trung vào lĩnh vực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, mặc dù đã có những đóng góp xứng đáng trong sự phát triển của ngành GTVT trong giai đoạn vừa qua, nhưng hoạt động KHCN còn cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực quản lý, đảm bảo chất lượng xây dựng, quản lý khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo định hướng được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020.

1.2. CÁC CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

+ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000;

+ Luật Quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật năm 2006;

+ Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006;

+ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006;

+ Nghị quyết Hội nghị BCH TW 6 khóa XI - Nghị quyết số 23-NQ/TW, tháng 10/2012 về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế;

+ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020;

+ Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 03/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Dự thảo Điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

+ Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; Dự thảo Điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

+ Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

+ Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Dự thảo Điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

+ Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

+ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

+ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2010 Qui định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

+ Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020;

+ Thông tư số 03/2012/TT-BKHCN ngày 18/01/2012 của Bộ KH-CN Hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020;

+ Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT ngày 19/4/2010 Quy định về quản lý và bảo trì đường bộ;

+ Quyết định số 702/QĐ-BGTVT ngày 03/4/2012 của Bộ GTVT về việc phê duyệt Đề án Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

+ Quyết định số 13/2008/QĐ-BGTVT ngày 06/8/2008 của Bộ GTVT về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Qui hoạch tổng thể phát triển Giao thông vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020;

+ Quyết định số 30/2006/QĐ-BGTVT ngày 10/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành “Quy định về việc áp dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong xây dựng công trình giao thông ở Việt Nam”;

+ Quyết định số 25/2005/QĐ-BGTVT ngày 13/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về Ban hành Quy định về việc áp dụng tiêu chuẩn trong xây dựng Công trình giao thông;

+ Quyết định số 52/2007/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về ban hành quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ;

+ Nhiệm vụ của Bộ GTVT giao cho Viện tại văn bản số 3853/BGTVT-PC ngày 18/5/2012 về việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vào Chương trình 6 tháng cuối năm 2012 của Bộ GTVT;

+ Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Bộ GTVT về tổng kết khoa học công nghệ 5 năm giai đoạn 2006-2011;

+ Báo cáo tổng kết hoạt động KHCN 5 năm ngành GTVT giai đoạn 2005 - 2010;

+ Thực trạng công tác ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong những năm qua;

+ Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

1.3. MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

- Đề án tập trung nghiên cứu để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng KHCN trong quản lý nhằm nâng cao chất lượng các Dự án xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013 - 2020;

- Phạm vi nghiên cứu của đề án tập trung vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sân bay; đường sắt; cảng và đường thủy;

- Các giai đoạn của dự án bao gồm: lập đề án, khảo sát thiết kế, thi công xây lắp, khai thác và bảo trì;

- Các chủ thể tham gia dự án: cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp, chủ đầu tư, tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thí nghiệm kiểm định, nhà thầu xây lắp, đơn vị quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học… trong và ngoài ngành GTVT.

1.4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

- Khảo sát, thu thập, phân tích, đánh giá dữ liệu thực tế tình hình ứng dụng, khả năng phát triển và định hướng phát triển KHCN; nghiên cứu kinh nghiệm phát triển và ứng dụng KHCN trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam và các nước phát triển;

- Tổng kết, đúc rút và đánh giá các hoạt động KHCN trong nước đặc biệt là hiệu quả của việc ứng dụng KHCN trong ngành GTVT trong thời gian qua để đề xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiêu biểu, có hiệu quả cao, phù hợp thực tế trong quản lý chất lượng trong xây dựng, khai thác và bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông;

- Xem xét tiêu chuẩn, quy chuẩn, công nghệ của các nước phát triển để nghiên cứu áp dụng và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam;

Trên cơ sở đó xây dựng Đề án và đề ra các giải pháp phát triển và ứng dụng KHCN phục vụ tăng cường quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong thời gian tới.

Phần 2.

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG XÂY DỰNG, KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG

2.1. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ XÂY DỰNG, KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG VẬN TẢI GIAI ĐOẠN 2005-2012

2.1.1. Công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, đổi mới phương thức hoạt động KHCN trong ngành GTVT.

Cập nhật, bổ sung “Định hướng chiến lược phát triển KHCN trong ngành giao thông vận tải đến năm 2020” là cơ sở cho việc xây dựng mục tiêu, kế hoạch, lựa chọn lộ trình phù hợp trong việc xây dựng kế hoạch phát triển KHCN giai đoạn 5 năm và kế hoạch cụ thể hàng năm của ngành GTVT. Thực tiễn hoạt động KHCN đã cho thấy định hướng chiến lược về đổi mới công nghệ đúng đắn là chìa khóa thành công của việc chuyển giao, tiếp nhận, ứng dụng, nhiều công nghệ mới tiên tiến vào thực tế sản xuất của ngành GTVT, đặc biệt là ở giai đoạn 2005 - 2012 vừa qua.

Giai đoạn 2005 - 2012 vừa qua, công tác KHCN trong ngành GTVT đã được phát triển theo phương châm cơ bản sau đây:

a. Lấy quản lý kinh tế kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và hiệu quả là khâu đột phá. Phải đảm bảo được kỷ luật trong trật tự sản xuất để triển khai áp dụng công nghệ mới. Việc quản lý kinh tế kỹ thuật phải được thực hiện trong tất cả các khâu hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, khai thác của ngành GTVT.

b. Tập trung cho khâu ứng dụng công nghệ mới và tiến hành thông qua việc thực hiện các dự án để tạo ra công trình và sản phẩm mới.

c. Triển khai đồng bộ từ khâu đào tạo, quản lý, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu đến thực hiện dự án vào sản xuất, khai thác.

Phương thức hoạt động KHCN được triển khai đổi mới trên tinh thần quán triệt Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII và Chương trình hành động thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khóa IX của Chính phủ về phát triển nhanh doanh nghiệp khoa học - công nghệ (DNKHCN) và thị trường công nghệ (TTCN) theo định hướng gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và từng bước chuyển đổi hoạt động của tổ chức nghiên cứu khoa học công lập theo cơ chế doanh nghiệp, triển khai thực hiện đổi mới hoạt động KHCN theo các Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập và Nghị định 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 về doanh nghiệp KHCN.

2.1.2. Triển khai mạnh mẽ việc tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Với phương châm thông qua các Dự án có nguồn vốn trong nước và vốn vay từ nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam để chủ động tiếp nhận chuyển giao, nắm bắt, từng bước tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ tiên tiến. Điểm nổi bật trong giai đoạn 2005 - 2012 vừa qua là thực hiện chuyển đối từ quá trình hợp tác với các chuyên gia, tư vấn nước ngoài để triển khai ứng dụng công nghệ mới tiên tiến vào thực tế sản xuất của ngành GTVT thông qua các Dự án chuyển giao sang giai đoạn các kỹ sư, chuyên gia, công nhân Việt Nam hoàn toàn làm chủ việc ứng dụng triển khai các công nghệ hiện đại từ khảo sát, thiết kế, chế tạo sản phẩm, xây lắp, quản lý khai thác, duy tu bảo dưỡng… vào thực tế sản xuất của ngành GTVT.

Việc hoàn thành nhiều công trình, sản phẩm có qui mô lớn, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật phức tạp, đạt chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm nhiệm đã khẳng định bước tiến bộ vượt bậc về trình độ KHCN của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân ngành GTVT đạt tầm khu vực và đang từng bước tiếp cận trình độ thế giới.

a. Về công tác tư vấn, khảo sát thiết kế công trình xây dựng giao thông.

Đã tập trung nghiên cứu từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình giao thông, cơ bản đã hoàn thành được Bộ tiêu chuẩn xây dựng cho tất cả các lĩnh vực Đường bộ, Hàng không, Đường sắt, Hàng hải và Đường thủy nội địa. Hiện đang tiếp tục cập nhật, chuyển đổi theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Xem xét, áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài phù hợp theo Thông tư số 09/2005/TT-BXD ngày 07/4/2005 (nay là Thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của Bộ Xây dựng) tùy theo điều kiện cụ thể của từng Dự án;

Đã triển khai ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại phục vụ công tác điều tra, khảo sát như dùng phần mềm TOPO trong công tác đo đạc số hóa bình đồ, định vị bằng hệ tọa độ GPS, GIS; phần mềm TSW-3 xác định các thông số cơ bản của đất nền dùng để phân tích nền móng công trình giao thông...;

Sử dụng rộng rãi nhiều phần mềm chuyên dụng phục vụ phân tích kết cấu như các phiên bản của phần mềm RM, MISES-3, SAP-2000, MIDAS-Civil, NOVA-TND, Soft Desk, Road Plan, MIKE-21...

1. Công nghệ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông:

Trong thời gian qua đã ứng dụng rộng rãi các công nghệ hiện đại trong xây dựng công trình giao thông:

- Hoàn thiện một bước các công nghệ xây dựng Cầu bê tông cốt thép (BTCT) như công nghệ đúc hẫng cân bằng cho nhịp dài đến 150m (cầu Hàm Luông - Bến Tre hoàn thành năm 2010), công nghệ đúc đẩy, công nghệ đẩy đà giáo thích hợp cho chiều dài vượt nhịp từ 40-70m. Đến nay hầu hết các công nghệ xây dựng cầu BTCT hiện đại đã được chuyển giao vào Việt Nam để đảm bảo tính linh hoạt, thích ứng với nhiều loại địa hình trong xây dựng.

Thông qua việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ xây dựng cầu treo và cầu dây văng nhịp lớn có kết cấu và công nghệ xây dựng hiện đại như cầu Cần Thơ, Bãi Cháy, Thuận Phước, Nhật Tân.... Đã làm chủ và áp dụng thành công công nghệ xây dựng cầu dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công (cầu Rạch Miễu, nhịp chính dài 270m - hoàn thành nằm 2009).

Triển khai thiết kế xây dựng nhiều công trình giao thông ở nơi địa hình và tính chất kỹ thuật phức tạp, sử dụng vật liệu chất lượng cao và công nghệ thi công đặc biệt như cầu Pá Uôn (hoàn thành năm 2010) có trụ cao 97,5m; các dạng cầu vượt, cầu trong các đô thị và các nút giao liên thông có cấu tạo đặc biệt như cầu chéo góc, cầu cong không gian, cầu có chiều cao kiến trúc thấp, cầu phân nhánh,...

- Trên cơ sở chuyển giao công nghệ NATM xây dựng hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành năm 2005, đã tự chủ thiết kế và thi công hoàn thành một số hầm đường bộ khác như hầm Đèo Ngang, hầm A-Roàng-1, A-Roàng-2. Về xây dựng hầm thành phố đã nghiên cứu áp dụng công nghệ dìm cho hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn và một số hầm giao thông trong các thành phố lớn.

- Tập trung ứng dụng KHCN để đảm bảo chất lượng xây dựng các tuyến đường bộ cấp cao và các tuyến đường bộ cao tốc.

Trong xây dựng nền đường và xử lý nền đất yếu, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như gia tải khử lún kết hợp với sử dụng vải địa kỹ thuật, bấc thấm, cọc cát, giếng cát, cọc đất gia cố xi măng, công nghệ cố kết chân không….

Cải tiến nâng cao chất lượng thi công móng và mặt đường đảm bảo độ bền, độ bằng phẳng. Đã áp dụng công nghệ lớp phủ mỏng và siêu mỏng cho mặt đường cao tốc để có độ nhám cao, thoát nước tốt, giảm tiếng ồn cho các Dự án T.p. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Láng - Hòa Lạc...

Ngoài công nghệ xây dựng đường bộ có mặt đường bằng bê tông nhựa cũng đã chú trọng hoàn thiện công nghệ xây dựng mặt đường bộ bằng bê tông xi măng cho cả đường giao thông nông thôn và các Quốc lộ. Đã và đang tiếp tục hoàn thiện công nghệ xây dựng mặt đường bê tông xi măng theo hướng hiện đại, cơ giới hóa đồng bộ, chất lượng cao.

- Đã tập trung nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ cải tạo và nâng cấp một số tuyến đường sắt nâng cao tốc độ chạy tàu lên 80 - 90km/h. Ứng dựng các công nghệ vật liệu mới như chế tạo và thi công các dầm dàn thép thế hệ mới dùng để thay thế kết cấu nhịp cầu trên đường sắt, công nghệ sử dụng ray hàn liền, lắp đặt các loại phụ kiện liên kết đàn hồi mới, áp dụng các công nghệ hiện đại để thi công và kiểm tra chất lượng cầu, hầm, đường trên các tuyến đường sắt như máy chèn đường, máy đo kiểm tra đường Matisa...

Từng bước tiếp cận các công nghệ hiện đại trong xây dựng tuyến đường sắt mới, đường sắt đô thị. Chuẩn bị cơ sở để nối mạng đường sắt xuyên Á; lập kế hoạch nghiên cứu các Dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao với công nghệ hiện đại cho từng khu đoạn và thời điểm phù hợp.

- Đã và đang triển khai một số kỹ thuật, công nghệ tiên tiến như: công nghệ thùng chìm, bấc thấm ngang, bấc thấm sâu 40m, cọc khoan nhồi, cọc BTCT dự ứng lực… trong xây dựng các cảng lớn, cảng nước sâu, cảng trung chuyển đáp ứng nhu cầu cho phép các tàu biển cỡ lớn 100.000T đến 200.000T ở nhiều địa điểm như Cái Lân, Vũng Áng, Cái Mép-Thị Vải, cảng Tiên Sa... Các luồng cho tàu biển lớn vào sâu trong nội địa như luồng tàu lớn vào sông Hậu, dự án kênh Quan Chánh Bố, dự án cải tạo kênh Chợ Gạo...

- Ứng dụng nhiều công nghệ mới trong xây dựng, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không Quốc tế và nội địa như công nghệ cọc đất gia cố xi măng gia cố nền móng và lớp phủ bề mặt bằng bê tông nhựa pôlyme cho sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), nhà ga Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Phú Quốc...;

- Áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như biển báo phản quang, thiết bị chống chói trên đường bộ, gờ giảm tốc, hộ lan cáp, sơn vạch đường, cảnh báo đường ngang trên các tuyến đường sắt… nhằm tăng an toàn, giảm thiểu tai nạn;

- Triển khai thử nghiệm một số loại công nghệ cải tạo đất sử dụng trong xây dựng giao thông nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như hóa chất HRB, SA44 nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu tại các vùng nông thôn, miền núi đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao ở nhiều địa phương như Hưng Yên, Sơn La, Hà Tây (cũ), Dự án đường tuần tra biên giới của Ban QLDA 47-Bộ Quốc phòng;

- Áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý bảo trì đường thủy nội địa sử dụng hệ thống đèn hiệu bằng pin năng lượng mặt trời phục vụ cho giao thông vận tải đường thủy nội địa đi lại 3 ca.

c. Công nghệ quản lý, bảo trì, khai thác công trình giao thông:

Đưa vào ứng dụng thực tế nhiều công nghệ mới trong kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng các công trình giao thông đang khai thác. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chống ăn mòn, sử dụng công nghệ bê tông pôlyme, dán bản thép, dán sợi các bon, dự ứng lực ngoài để sửa chữa, tăng cường các công trình cầu thép và cầu BTCT...;

Các công nghệ về ổn định, chống sụt trượt và kiên cố hóa ta-luy nền đường bộ và đường sắt cũng được quan tâm nghiên cứu và triển khai áp dụng như hệ neo đất OVM, rọ đá Macaffery, tường chắn, lưới chống đá rơi, có Vetiver bảo vệ mái dốc ta-luy...;

Công nghệ duy tu sửa chữa đường bộ được nghiên cứu, áp dụng theo định hướng tăng độ bền, đơn giản thi công, thân thiện với môi trường, giảm giá thành như: công nghệ cào bóc tái chế mặt đường bê tông nhựa, công nghệ bê tông nhựa gốc cao su đa cấp...;

Ứng dụng hệ thống quan trắc liên tục (SHMS) cho các cầu treo, cầu dây văng nhịp lớn và hầm đường bộ Hải Vân để kiểm soát tình trạng làm việc và giao thông qua lại 24/24h;

Đã áp dụng thử nghiệm các phần mềm hiện đại như chương trình ROSY,VBMS và HDM4... trong công tác quản lý và bảo trì hệ thống đường bộ, trong công tác quản lý bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn đường thủy nội địa;

Lập dự án xây dựng Trung tâm điều hành và kiểm soát giao thông đường bộ theo công nghệ hiện đại. Chuẩn bị triển khai ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS), thí điểm hệ thống thu phí điện tử (ETC) vào các tuyến đường bộ cao tốc và tương lai cho mạng lưới đường bộ nói chung.

d. Vật liệu và thí nghiệm công trình:

Nghiên cứu ứng dụng và sản xuất được một số vật liệu có tính năng cao sử dụng trong xây dựng và bảo vệ công trình giao thông; triển khai các công nghệ, thiết bị hiện đại, chuẩn hóa công tác thí nghiệm trong đánh giá, nghiệm thu chất lượng công trình giao thông.

e. Kiểm định đánh giá chất các công trình xây dựng giao thông.

Hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý và cấp chứng nhận hoạt động cho 101 phòng thí nghiệm trên tổng số 1252 phòng thí nghiệm xây dựng hợp chuẩn được công nhận mang mã số LAS-XĐ trong toàn quốc. Công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận hoạt động của các phòng thí nghiệm chuyên ngành do Bộ GTVT được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, độ tin cậy của các kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng các công trình xây dựng giao thông.

2.13. Hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn.

a) Chuyển đổi Tiêu chuẩn (TC), Quy chuẩn (QC)

Theo Luật Tiêu chuẩn - Quy chuẩn kỹ thuật và các Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 và số 67/2009/NĐ-CP ngày 03/8/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ như sau:

Tổng số Tiêu chuẩn ngành (TCN) thuộc lĩnh vực GTVT là 155, từ năm 2008 - 2012 đã triển khai soát xét chuyển đổi 117 TCN, cụ thể là:

+ 30 TCN đã hoàn thành chuyển đổi công bố thành 66 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN);

+ 27 TCN đã hoàn thành công bố thành 21 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN);

+ 26 TCN đang hoàn thiện công bố thành TCVN/QCVN;

+ 28 TCN đang hoàn thiện hồ sơ cấp cơ sở;

+ 03 TCN đang triển khai và hoàn thiện hồ sơ trình công bố thành 03 Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS);

+ 03 TCN đã không phù hợp, dừng không chuyển đổi tiếp;

Số TCN còn lại đang rà soát, trong đó có một số TCN đã lạc hậu, trên thực tế từ lâu nay đã không sử dụng sẽ đề nghị xem xét hủy bỏ.

b) Xây dựng mới Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật

Hoàn thiện và công bố 60 TCVN, 15 QCVN và 30 TCCS;

Đang triển khai thực hiện xây dựng mới 65 TC/QC.

2.1.4. Quản lý hoạt động KHCN và phát triển tiềm năng KHCN trong ngành GTVT

- Đã tham mưu phê duyệt các Đề án đổi mới hoạt động của các đơn vị KHCN trong ngành GTVT:

+ Đề án chuyển đổi Viện Khoa học và Công nghệ GTVT sang hình thức tổ chức KHCN tự trang trải kinh phí (QĐ số 3003/QĐ-BGTVT ngày 29/12/2006 của Bộ GTVT);

+ Đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (QĐ số 3013/QĐ-BGTVT ngày 29/12/2006 của Bộ GTVT);

- Đã ban hành Quy định về Quản lý đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ của Bộ GTVT (Quyết định số 52/2007/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2007) nhằm thể chế hóa, rõ ràng, công khai, minh bạch việc quản lý hoạt động khoa học công nghệ trong ngành GTVT.

- Thực hiện các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu nhằm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm phục vụ việc phát triển tiềm lực KHCN cho các Viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ GTVT.

2.1.5. Hợp tác phát triển KHCN với các đối tác trong nước và nước ngoài

- Tổ chức tổng kết công nghệ trên cơ sở tiếp thu công nghệ mới, hiện đại từ các dự án đầu tư từ các nguồn vốn ODA; Tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các nước có trình độ KHCN tiên tiến nhằm định hướng nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới về, công nghiệp, xây dựng cầu, hầm, cảng, sân bay, đường sắt cấp cao, Metro, điện, điện tử, công nghệ thông tin.. ;

- Phối hợp với các đối tác trong, ngoài nước thường xuyên tổ chức nhiều Hội thảo khoa học Quốc tế nhằm giới thiệu công nghệ, kỹ thuật hiện đại có khả năng ứng dụng phù hợp tại Việt Nam.

2.1.6. Đánh giá chung hiệu quả hoạt động KHCN phục vụ xây dựng và khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT

Nhìn chung hoạt động KHCN trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2005-2012 tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò quản lý kỷ thuật và chất lượng trong các lĩnh vực của ngành GTVT, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT. Những thành tựu đạt được có tính chất cơ bản tập trung ở các mặt sau đây:

a. Đã làm chủ, triển khai ứng dụng thành công nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, biến kết quả hợp tác, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiên tiến của thế giới trước đó thành các công nghệ mang hoàn toàn thương hiệu Việt Nam, đóng góp có hiệu quả vào tăng giá trị, tăng năng suất, quản lý chất lượng, an toàn khai thác các công trình GTVT.

b. Liên tục cập nhật, hoàn thiện, chuyển đổi, áp dụng hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh việc tổ chức rà soát, bổ sung, chuyển đổi hàng trăm tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chú trọng nghiên cứu, biên soạn, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để đáp ứng việc triển khai áp dụng các vật liệu mới, công nghệ mới phù hợp với trình độ phát triển KHCN của các nước tiên tiến và hòa nhập quốc tế. Bên cạnh việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam còn xem xét áp dụng trực tiếp nhiều tiêu chuẩn nước ngoài.

Việc xem xét và phê duyệt danh mục tiêu chuẩn (khung tiêu chuẩn) áp dụng cho các dự án, sản phẩm, công trình tiếp tục được đẩy mạnh nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất hệ thống chỉ tiêu kỹ thuật đã đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng các công trình, sản phẩm ngành GTVT.

c. Công tác đề xuất, tuyển chọn, triển khai các đề tài, nhiệm vụ KHCN, trong đó có các công trình nghiên cứu phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT được đổi mới hoàn thiện thêm một bước theo hướng ngày càng gắn kết với thực tế sản xuất, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ thực tế sản xuất như: nghiên cứu các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý nhà nước ngành GTVT, giải quyết các vấn đề kỹ thuật phục vụ sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong GTVT, bảo vệ môi trường...

Bảng số liệu thực hiện nhiệm vụ KHCN năm 2006 -2012

Năm

Số lượng

Ghi chú

Dự án Tăng cường năng lực nghiên cứu

Đề tài Cấp Bộ

Biên soạn, chuyển đổi tiêu chuẩn

2006

3

63

51

 

2007

5

65

38

 

2008

4

37

22

 

2009

5

33

21

 

2010

4

46

48

 

2011

3

49

73

 

2012

4

44

45

Đang triển khai

T.Số

28

337

298

 

d. Đã thực hiện một bước đổi mới cơ chế hoạt động KHCN theo cơ chế doanh nghiệp, tạo lập thị trường công nghệ theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập và Nghị định 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 về doanh nghiệp KHCN, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, công trình giao thông. Thực hiện gắn kết nghiên cứu với thực tế sản suất và đào tạo tăng cường nguồn nhân lực KHCN phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT.

e. Phối hợp và đa dạng hóa hình thức hoạt động KHCN nhằm phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT. Ngoài nhiệm vụ được giao hàng năm còn triển khai theo hướng phối hợp liên ngành tập trung giải quyết những vấn đề kỹ thuật công nghệ bức thiết như: Chương trình phối hợp giữa Bộ GTVT với Bộ Khoa học và Công nghệ về nghiên cứu các giải pháp chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông, tăng cường an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn; liên kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ngành GTVT, với Bộ Quốc phòng về thử nghiệm hóa chất gia cố, cải tạo đất phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai biên giới...

Nguồn kinh phí phát triển KHCN cũng đa dạng hơn, bên cạnh kinh phí cho hoạt động KHCN do Nhà nước cấp, nhiều doanh nghiệp đã bỏ thêm một phần kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, thử nghiệm, đổi mới công nghệ theo yêu cầu phát triển của đơn vị mình hoặc liên kết nghiên cứu với các tổ chức KHCN ngoài nước.

2.2. NHỮNG TỒN TẠI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG, KHAI THÁC, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Giai đoạn 2005 - 2012 vừa qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ GTVT, công tác KHCN, trong đó hoạt động KHCN phục vụ xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông chiếm tỷ trọng lớn, đã thu được những thành tựu cơ bản trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên vẫn bộc lộ những tồn tại, yếu kém tập trung ở một số vấn đề sau đây:

a. Tỷ trọng đóng góp của các hoạt động KHCN trong việc nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, công trình giao thông chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và chưa tương xứng với tiềm năng phát triển KHCN của ngành GTVT.

Tỷ lệ các kết quả nghiên cứu KHCN phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT được đưa vào áp dụng thực tế chưa cao, việc tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật tốt chưa thực sự phổ biến.

Tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ KHCN chưa thực sự được quan tâm đúng mức, dẫn đến năng suất lao động còn chưa được cải thiện, chất lượng một số công trình còn kém, tuổi thọ thấp, chi phí cho xây dựng và quản lý bảo trì còn cao,…

b. Phát triển hoạt động KHCN phục vụ quản lý chất lượng xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng đều và còn thiếu tính đồng bộ.

Các công trình nghiên cứu KHCN cơ bản tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ phục vụ xây dựng công trình giao thông, trong khi các đề tài khoa học phục vụ quản lý, kiểm soát chất lượng, quản lý, điều hành tuy cũng đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Trong khi hầu hết các công trình nghiên cứu chú trọng về công nghệ như hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn, dự án thử nghiệm… phục vụ công tác thiết kế, chế tạo sản phẩm, xây lắp công trình mới được tập trung hoàn thiện thì các nhiệm vụ KHCN phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng... hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa thực sự đáp ứng đòi hỏi của sản xuất, còn thiếu, chưa đồng bộ, thậm chí ở một số lĩnh vực còn lạc hậu.

c. Năng lực và trình độ quản lý KHCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển:

- Trước hết là nguồn nhân lực phục vụ cho công tác KHCN: Trong thời gian qua, lực lượng cán bộ KHCN trong ngành GTVT đã được bổ sung với số lượng đáng kể. Tuy vậy vẫn thiếu nhân tố rất quan trọng là các chuyên gia đầu ngành, có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm để chủ trì các đề án nghiên cứu lớn, có tính trọng điểm phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Cơ chế quản lý đề tài khoa học còn có những điểm bất cập nên chưa huy động được lực lượng cán bộ khoa học đầu đàn, có kinh nghiệm ở ngoài ngành tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề kỹ thuật công nghệ của ngành GTVT. Công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là đội ngũ tư vấn giám sát chất lượng xây dựng công trình giao thông còn có những điểm bất cập về chương trình, chất lượng đào tạo. Lực lượng cán bộ KHCN ở các Trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu tham gia vào các quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ chưa nhiều, liên kết giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo với ứng dụng, sản xuất còn hạn chế.

- Các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu KHCN phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn chưa đáp ứng yêu cầu:

Các dự án tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm phục vụ đánh giá chất lượng công trình xây dựng giao thông (LAS-XD) còn hạn chế về kinh phí nên trang bị vẫn thiếu và chưa đồng bộ. Diện tích mặt bằng lắp đặt trang thiết bị thí nghiệm tại các cơ sở nghiên cứu còn chật hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu.

d. Việc trả kết quả nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vào thực tế sản xuất còn gặp khó khăn ở khâu thử nghiệm:

Sản phẩm kết cấu hạ tầng giao thông sản xuất có giá trị rất lớn, sản phẩm được bán trước khi sản xuất vì vậy, các sản phẩm nghiên cứu rất khó có thể được các nhà thầu cho phép áp dụng thử trong quá trình sản xuất vì rủi ro cao.

e. Công tác tiếp nhận và chuyển giao công nghệ

Việc tiếp nhận công nghệ còn chưa thật đồng bộ, dẫn đến hiệu quả của việc tiếp nhận công nghệ ở một số dự án chưa cao. Công tác tổng kết, đánh giá, nhân rộng, phổ biến kết quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN chưa được tiến hành thường xuyên.

g. Những khó khăn về công tác Tiêu chuẩn, Quy chuẩn:

Khối lượng công việc chuyển đổi hệ thống TCN và TCVN về giao thông vận tải cho phù hợp với Luật Tiêu chuẩn & Quy chuẩn kỹ thuật rất lớn và phức tạp. Việc chỉnh sửa, rà soát, bổ sung nội dung từng tiêu chuẩn cần phải có các chuyên gia có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực chuyên ngành đảm nhiệm và rất khó có thể huy động trong thời gian ngắn để chuyền đổi khối lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng trong thời gian 20 - 30 năm trước.

Mức kinh phí dành cho công tác xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ chưa được quan tâm đúng mức, mức chi này không phân biệt khối lượng, mức độ phức tạp của công việc thực tế nên không khuyến khích được các chuyên gia tham gia xây dựng, chuyển đổi tiêu chuẩn theo yêu cầu.

2.3. HIỆN TRẠNG TIỀM LỰC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI.

2.3.1. Cơ cấu tổ chức của các đơn vị hoạt động KHCN trong ngành GTVT

Tiềm lực KHCN gồm những nhân tố cơ bản như các cơ quan nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, tri thức và kinh nghiệm tích luỹ được, công nghệ và các bí quyết công nghệ, các phòng thí nghiệm và các nguồn tài chính, v.v...

Các tổ chức nghiên cứu KHCN trong ngành GTVT được phân thành các cấp độ khác nhau gồm:

- Tổ chức nghiên cứu và phát triển cấp Quốc gia;

- Tổ chức nghiên cứu và phát triển của Bộ GTVT;

- Tổ chức nghiên cứu và phát triển cấp cơ sở GTVT ở các địa phương;

Các bộ phận nghiên cứu và phát triển thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức nghiên cứu ứng dụng của doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu thực nghiệm của trường Đại học.

Các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp của ngành GTVT có đăng ký hoạt động KHCN theo quy định của Chính phủ.

Các trạm, phòng thí nghiệm thuộc Tổng công ty, các công ty trong ngành GTVT có chức năng hoạt động khoa học, công nghệ...

Nhìn chung, hệ thống các tổ chức nghiên cứu KHCN được phát triển từ thấp lên cao, các tổ chức nghiên cứu KHCN ngành GTVT đã có sự phân định rõ ràng, phân rõ chức năng và nhiệm vụ là tiềm lực tạo tiền đề để phát triển KHCN trong ngành GTVT đáp ứng được đòi hỏi hiện tại và trong tương lai.

Cơ cấu tố chức, nhiệm vụ cũng như phương hướng, giải pháp, mục tiêu đề ra của các tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ KHCN hiện nay chính là tiềm lực KHCN lớn mạnh ngành GTVT.

Sơ đồ tổ chức các đơn vị, bộ phận làm công tác KHCN của Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc như sau:

Các doanh nghiệp KHCN hoạt động trong ngành GTVT đang ở giai đoạn hình thành.

Khối các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Trung tâm KHCN là những đơn vị tập trung đội ngũ cán bộ, chuyên gia KHCN thuộc các lĩnh vực của ngành GTVT gồm: 1 Học viện (Học viện Hàng không, 3 Trường Đại học (Hàng hải, GTVT thành phố Hồ Chí Minh, Công nghệ GTVT), 6 Trường Cao đẳng (GTVT II, GTVT III, GTVT miền Trung, Cao đẳng nghề GTVT Trung ương I, II, III) , 1 Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải, 2 cơ quan báo chí (Báo GTVT và tạp chí GTVT), 2 Viện nghiên cứu (Viện Khoa học & công nghệ GTVT, Viện Chiến lược & phát triển GTVT), 1 Trung tâm Công nghệ thông tin.

2.3.2. Thống kê hiện trạng nguồn nhân lực KHCN ngành GTVT

TT

Đơn vị

Tổng số

Trình độ chuyên môn

Trên Đại học

Đại học

CĐ và Trung cấp

03

Viện KHCN GTVT

761

269

492

-

04

Viện CL và PT GTVT

270

112

124

34

05

Trung tâm CNTT

26

8

17

01

06

Học viện HK

131

71

30

30

07

Đại học Hàng hải

950

206

690

54

08

Đại học CN GTVT

587

221

259

107

09

Đại học GTVT TP. HCM

628

322

255

51

10

Trường cán bộ quản lý

50

11

24

15

11

Các trường cao đẳng nghề

630

78

384

168

 

Tổng

 4033

1298

2275

460

- Đánh giá chung về hiện trạng nguồn nhân lực KHCN ngành GTVT:

+ Mạng lưới các cơ quan quản lý KHCN ở các đơn vị cơ sở còn mỏng, yếu, còn mang nặng tính chất quản lý hành chính, chưa chủ động phát hiện, đề xuất các vướng mắc liên quan đến KHCN cần giải quyết trên thực tế.

+ Số lượng các chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2,5%).

+ Doanh nghiệp dịch vụ KHCN, thị trường KHCN chưa được hình thành.

Phần 3.

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG, KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG

3.1. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

3.1.1. Quan điểm

- Tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông phải quán triệt những quan điểm sau đây:

+ Thực hiện đúng phương hướng mục tiêu của công tác KHCN đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI: “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức” với chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2011-2015: “sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 35% tổng GDP”

+ Bám sát và phục vụ Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 03/3/2009 nêu rõ: “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý; kết hợp phát triển từng bước vững chắc với những bước đột phá đi thẳng vào hiện đại tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc, đồng thời coi trọng công tác bảo trì, đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông hiện có”;

+ Phù hợp với Chiến lược phát triển KHCN đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số: 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông an toàn thông minh, thân thiện môi trường, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế, làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông tiên tiến, ứng dụng các vật liệu mới trong xây dựng các công trình hiện đại như: đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, cầu bê tông dự ứng lực khẩu độ lớn, cầu dây văng; đường hầm, cảng nước sâu, cảng hàng không...”;

- “Tăng cường ứng dụng KHCN phục vụ tăng cường quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT” nhằm khẳng định vai trò chủ đạo của KHCN trong việc tạo ra bước đột phá, đổi mới toàn diện công tác quản lý chất lượng xây dựng và khai thác bảo trì công trình giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Công tác này phải được thực hiện đồng bộ, có hệ thống từ quy hoạch, lựa chọn công nghệ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý, khai thác, bảo trì sau đầu tư;

- Quán triệt phương châm thừa kế và phát huy thành tựu KHCN trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được trong các giai đoạn trước, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm thực tế trong nước, các nước trong khu vực và thế giới;

- Ưu tiên chủ động tiếp cận, nghiên cứu triển khai ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, chất lượng, hiệu quả cao, thân thiện môi trường;

- Đổi mới sự hoạt động của các đơn vị hoạt động KHCN của ngành GTVT phù hợp với tiến trình phát triển KHCN của đất nước, tăng cường tiềm lực KHCN và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển KHCN với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng trong xây dựng, quản lý khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

3.1.2. Mục tiêu

3.1.2.1. Mục tiêu chung

- Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, khẳng định được vai trò chủ đạo của KHCN trong việc tạo ra bước đột phá, đổi mới toàn diện công tác quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đảm bảo thực hiện đồng bộ, có hệ thống từ qui hoạch, lựa chọn công nghệ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, vận hành sau đầu tư;

- Làm cho KHCN thực sự đóng vai trò then chốt, trở thành động lực mạnh mẽ của sản xuất, đóng góp của KHCN chiếm tỷ trọng lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất các lĩnh vực của ngành GTVT nói chung và quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì hệ cấu hạ tầng giao thông nói riêng, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại;

- Phấn đấu đến năm 2020 đưa KHCN trong ngành GTVT thực sự đóng vai trò chủ đạo trong quản lý chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống hạ tầng GTVT hiện đại của Việt Nam, đạt trình độ nằm trong nhóm nước dẫn đầu khu vực ASEAN.

3.1.2.2. Mục tiêu cụ thể

● Đến năm 2020:

+ Tăng cường ứng dụng KHCN để đổi mới toàn diện công tác quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT. Công tác này phải được thực hiện đồng bộ, có hệ thống từ quy hoạch, lựa chọn công nghệ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, vận hành sau đầu tư;

+ Tập trung nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động KHCN. Đưa việc ứng dụng KHCN, tiên tiến, hiện đại và phù hợp vào thực tiễn hoạt động của ngành để đảm bảo nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng giao thông xây dựng mới, duy trì chất lượng và tuổi thọ của các công trình hạ tầng giao thông đang khai thác, tiến tới làm chủ các công nghệ hiện đại trong xây dựng cảng nước sâu, cầu treo, cầu dây văng, cầu thép và cầu BTCT nhịp lớn, hầm qua núi, qua sông và hầm metro, đường sắt tốc độ cao, đường ô tô cao tốc, mặt đường bê tông xi măng…;

+ Xây dựng chiến lược và lộ trình đổi mới công nghệ của các đơn vị trong ngành GTVT. Phấn đấu thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đạt 10-15% /năm ở giai đoạn 2011-2015 và đạt tốc độ 20% /năm ở giai đoạn 2016-2020 để thực hiện Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số: 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012;

+ Củng cố, tăng cường đồng bộ về tổ chức, năng lực, quy chế hoạt động của các đơn vị KHCN để giải quyết những vấn đề kỹ thuật, công nghệ trọng yếu phát sinh trong thực tế sản xuất của ngành GTVT;

+ Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển KHCN, đặc biệt chú trọng hợp tác với các đối tác có thương hiệu, kinh nghiệm, có trình độ kỹ thuật công nghệ cao trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực KHCN. Phấn đấu nhân lực phục vụ phát triển KHCN ngành GTVT tăng trung bình 5% /năm.

● Đến năm 2030:

+ Tiếp tục củng cố, tăng cường phát triển KHCN để có được các công nghệ trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, rộng khắp, đồng bộ, duy trì đứng ở tốp đầu trong khu vực ASEAN, có một số công nghệ đạt trình độ tiên tiến của thế giới, tiềm lực KHCN trong lĩnh vực xây dựng, khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại;

+ Hoàn thiện và làm chủ các công nghệ tiên tiến trong xây dựng, khai thác và bảo trì các kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là quản lý bảo trì hệ thống đường cao tốc, cầu treo, cầu dây văng, cầu nhịp lớn, hầm giao thông, đường sắt, đường sắt đô thị, cảng biển và cảng hàng không,....

3.2. TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG, KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2020.

3.2.1. Đánh giá vai trò KHCN trong công tác quản lý chất lượng xây dựng khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

a. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng, tuổi thọ công trình giao thông

Dự án đầu tư xây dựng và khai thác công trình xây dựng nói chung và công trình kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng được chia làm 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Lập, thẩm định, phê duyệt Dự án;

+ Giai đoạn thực hiện đầu tư: triển khai xây lắp công trình;

+ Giai đoạn sau đầu tư: quản lý, khai thác, bảo trì;

Chất lượng và tuổi thọ của công trình kết cấu hạ tầng giao thông phụ thuộc cả 3 giai đoạn nêu trên. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng phải được tiến hành trong tất cả các giai đoạn nêu trên: khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành, bảo trì và xử lý sự cố công trình xây dựng.

Các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng công trình giao thông gồm:

+ Các yếu tố kỹ thuật - công nghệ: Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình (tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn và quy trình công nghệ thi công, nghiệm thu, công nghệ bảo trì, duy tu, sửa chữa..);

+ Các yếu tố tác động tự nhiên: vị trí địa điểm xây dựng công trình, đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn, khí hậu, tác động môi trường…;

+ Trình độ năng lực của các chủ thể tham gia dự án: Tư vấn lập, thẩm định dự án; Thẩm tra Thiết kế kỹ thuật. Các cơ quan quản lý nhà nước, Chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án, Tư vấn giám sát xây dựng, kiểm định dự án và đặc biệt là nhà thầu thi công... Các hoạt động quan trắc, kiểm định đánh giá chất lượng, khả năng chịu lực của công trình trong quá trình khai thác;

+ Các chế độ chính sách trong công tác quản lý xây dựng, các quy định trong quản lý khai thác (quy định bảo trì, duy tu sửa chữa);

+ Tình trạng quản lý, khai thác, vận hành: điều kiện xã hội, ý thức tuân thủ quy chế khai thác, vận hành, ý thức của người và phương tiện tham gia giao thông;

+ Tiền vốn, tiến độ giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư xây dựng, nguồn vốn đảm bảo cho công tác bảo trì, duy tu sửa chữa;

Các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đưa vào sử dụng trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả to lớn, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới. Nhìn chung chất lượng công trình tại các dự án đầu tư khi đưa vào khai thác đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên cũng có một số dự án khi vừa mới đưa vào sử dụng hoặc qua một thời gian khai thác đã xuất hiện những hư hỏng tại một số hạng mục hoặc bộ phận công trình, thậm chí có hư hỏng xuất hiện ngay trong quá trình xây dựng, gây bức xúc cho xã hội.

b. Nguyên nhân

+ Nguyên nhân khách quan: Bao gồm công tác giải phóng mặt bằng; Do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp dẫn đến hạn chế trong việc xác định quy mô đầu tư ít của dự án; Sự phát triển nhanh về lưu lượng vận tải, đặc biệt là các phương tiện có tải trọng lớn; Ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu…

+ Nguyên nhân chủ quan: Các chủ thể tham gia dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư đến kết thúc dự án (Chủ đầu tư, Tư vấn, Nhà thầu thi công...) cụ thể là:

- Công tác khảo sát thiết kế, lựa chọn giải pháp thiết kế, sử dụng vật liệu xây dựng và công nghệ thi công: Công tác tư vấn khảo sát thiết kế còn nhiều hạn chế, nhất là bước lập dự án và thiết kế cơ sở chưa đảm bảo chất lượng, nên đến giai đoạn khảo sát thiết kế kỹ thuật phải điều chỉnh, bổ sung, nhiều trường hợp phải điều chỉnh qui mô, giải pháp kỹ thuật, kéo dài thời gian thực hiện;

Việc tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn, từ Tư vấn lập dự án, Tư vấn khảo sát thiết kế đến Tư vấn thẩm tra, Tư vấn giám sát, Tư vấn kiểm định chất lượng trong điều kiện hiện nay còn mang nặng tính hình thức, kém tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện dự án;

- Quy trình thiết kế, quy trình thi công chuyên ngành chưa thật sự phù hợp: Việc áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ chưa đảm bảo sự lựa chọn tối ưu về kinh tế - kỹ thuật và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng Dự án;

- Sự tuân thủ trong quá trình thi công và năng lực của nhà thầu: Nhìn chung, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu chưa tuân thủ đầy đủ theo các điều kiện về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án; Các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, an toàn lao động, thực hiện các quy định về môi trường còn bị coi nhẹ, Các công trường xây dựng triển khai thiếu khoa học, mặt bằng thi công bề bộn; Bộ máy kiểm soát chất lượng và chi phí cho việc đảm bảo chất lượng của nhà thầu chưa được quan tâm đúng mức. Nguy cơ vi phạm chất lượng công trình xây dựng là lớn và tiềm ẩn;

- Đầu tư thiết bị và công nghệ của các đơn vị thi công hạn chế (trong đó có lý do cơ chế khoán cho đơn vị, đơn vị dưới công ty manh mún), không có điều kiện đổi mới công nghệ và thiết bị;

- Quản trị tài chính doanh nghiệp yếu kém; Tính toán chi phí quản lý, phục vụ thi công chưa đúng;

- Công tác quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện: Công tác quản lý, giám sát chất lượng công trình xây dựng của Chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án, Giám sát xây dựng, Giám sát tác giả của tư vấn thiết kế... còn nhiều điểm yếu, thiếu tính chuyên nghiệp, Đội ngũ Tư vấn giám sát chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý chất lượng trên công trình, chưa kiên quyết xử lý các vi phạm về chất lượng;

- Kinh phí bảo trì, duy tu, sửa chữa công trình không đủ nên công trình xuống cấp, không đảm bảo được tuổi thọ công trình.

c. Tổng hợp những tồn tại do chưa thực sự phát huy hết vai trò của KHCN trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

Đối với công tác quản lý chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

+ Việc tuân thủ nghiêm túc các Tiêu chuẩn, quy chuẩn, Quy trình kỹ thuật thi công, nghiệm thu chưa đầy đủ dẫn đến một số công trình chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng. Nguyên nhân do sự yếu kém của công tác quản lý, tư vấn giám sát, tính thiếu chuyên nghiệp của các Nhà thầu xây lắp;

+ Quy hoạch và kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào, đặc biệt là các vật liệu cát, đá, sỏi, đất đắp... chưa chặt chẽ dẫn đến không đảm bảo yêu cầu chất lượng. Nguyên nhân do sự thiếu sâu sát của Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, Nhà thầu. Ngoài ra cũng cần kể tới khó khăn do khan hiếm vật liệu, đặc biệt là vật liệu cát, đá, đất đắp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long;

+ Máy móc thiết bị phục vụ thi công các công trình xây dựng giao thông hiện đại còn thiếu, lạc hậu, không đồng bộ dẫn đến sử dụng máy thi công không đúng chủng loại (thiếu máy rải lớp base, subbase) làm cho chất lượng thi công không đồng đều gây hư hỏng cục bộ hay hệ thống thiết bị thi công mặt đường bê tông xi măng không đồng bộ làm cho bề mặt gồ ghề, nứt vỡ;

+ Công tác khảo sát, thiết kế, lập dự án, lập và so sánh các phương án kỹ thuật, lựa chọn giải pháp kỹ thuật - công nghệ... còn chưa thật tốt dẫn đến chưa lựa chọn được giải pháp kỹ thuật công nghệ thực sự phù hợp với điều kiện của công trình ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ xây dựng và giá thành công trình;

+ Giải pháp kỹ thuật công nghệ còn đơn điệu, kém linh hoạt chưa đảm bảo thích ứng với đặc điểm địa hình, địa chất, nguồn cung ứng vật liệu, trang thiết bị và trình độ thi công của từng vùng, miền dẫn đến tăng giá thành và giảm hiệu quả đầu tư;

+ Chưa làm tốt công tác nghiên cứu, lựa chọn, cập nhật chuyển giao công nghệ mới, vật liệu mới vào sản xuất dẫn đến tình trạng kém hiệu quả, nâng giá thành. Một số trường hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chưa tốt dẫn đến hư hỏng công trình, kém chất lượng;

+ Cơ chế và tỷ lệ kinh phí dành cho phát triển hoạt động KHCN ở các đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.

Đối với công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

+ Chưa hoàn thiện quy chế quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đến tình trạng quá tải, quá công năng thiết kế của công trình, kết hợp với việc kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng không kịp thời làm cho một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo tuổi thọ thiết kế. Cơ chế quản lý kết cấu hạ tầng giao thông hiện áp dụng chưa khuyến khích các đơn vị quản lý, khai thác ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào thực tế công tác của công việc này;

+ Trang thiết bị, công nghệ, trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác kiểm định, đánh giá, lập phương án duy tu, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác không đáp ứng yêu cầu dẫn đến chưa đánh giá chính xác hiện trạng chất lượng và khả năng khai thác của hệ thống kết cấu hạ tầng;

+ Công nghệ, thiết bị phục vụ duy tu, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông lạc hậu, kém hiệu quả dẫn đến một số công trình giao thông nhanh chóng xuống cấp theo thời gian;

+ Năng lực tư vấn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông chưa được chú trọng đúng mức dẫn đến tình trạng áp dụng các giải pháp lạc hậu, không phù hợp với đặc điểm của công trình.

3.2.2. Nội dung tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013-2020.

3.2.2.1. Tăng cường ứng dụng KHCN để hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

a. Yêu cầu

- Đảm bảo việc ứng dụng KHCN trong triển khai thực hiện mô hình quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông hiệu quả;

- Hệ thống hóa mạng lưới kiểm tra kiểm soát chất lượng công trình kết cấu hạ tầng giao thông từ Bộ GTVT đến các cơ quan quản lý chuyên ngành, các Chủ đầu tư, Tư vấn, Nhà thầu, đơn vị quản lý khai thác...

b. Nhiệm vụ cụ thể

- Hiện đại hóa công tác quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông bằng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại;

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, luồng hàng hải, đường thủy nội địa để làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác và bảo trì có hiệu quả, giảm chi phí và nâng cao tuổi thọ khai thác của kết cấu hạ tầng giao thông;

- Quản lý đồng bộ từ cơ chế tổ chức, đào tạo, công nghệ, thiết bị thí nghiệm, phục vụ kiểm tra, giám sát kiểm định, đánh giá chất lượng công trình trong quá trình xây dựng cũng như trong quá trình vận hành, khai thác.

c. Giải pháp thực hiện

- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ quản lý điều hành, quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Xây dựng mạng lưới kiểm soát trạng thái làm việc của các công trình cầu lớn, hầm, cảng biển, sân bay, đường sắt.., từ công trình đến Trung tâm quản lý;

- Áp dụng các công nghệ hiện đại, tự động hóa đảm bảo kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn của các phương tiện vận tải một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp trực tiếp của con người vào quá trình kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn của các phương tiện vận tải;

- Củng cố và tăng cường hệ thống kiểm định đánh giá chất lượng công trình xây dựng trong quá trình thi công và khai thác, vận hành. Tăng cường năng lực của hệ thống phòng thí nghiệm công trình; Đẩy mạnh việc áp dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ kiểm tra và thẩm tra chất lượng xây dựng, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông như thiết bị đánh giá chất lượng xây dựng đường bộ dựa trên nguyên lý phóng xạ TROXLER để kiểm tra nhanh và chính xác các chỉ tiêu kỹ thuật của đất đắp, cấp phối móng, bê tông nhựa, hệ thống quan trắc liên tục đối với các công trình giao thông lớn…;

- Tăng cường cơ chế quản lý hoạt động của Tư vấn giám sát thông qua ứng dụng KHCN trong công tác kiểm tra, giám sát, phúc tra.

3.2.2.2. Đẩy mạnh công tác xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

a. Yêu cầu

- Hoàn thiện, cập nhật hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong xây dựng công trình giao thông;

- Rà soát, bổ sung, chỉnh sửa hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm phục vụ xây dựng công trình, giao thông theo hướng cập nhật thường xuyên, liên tục, tiếp, cận trình độ Quốc tế, lựa chọn các tiêu chuẩn, công nghệ phù hợp điều kiện, địa hình, địa chất, khí hậu thủy văn, vật liệu và trình độ kỹ thuật thi công của Việt Nam;

- Ngoài các quy chuẩn, tiêu chuẩn cần chú trọng biên soạn thêm hệ thống chỉ dẫn kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn nhằm cụ thể, chi tiết hóa các vấn đề kỹ thuật công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng trong thực tế;

- Chú trọng tính đồng bộ, liên thông của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật. Bên cạnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác khảo sát thiết kế, triển khai thi công còn cần chú trọng hệ thống tiêu chuẩn, quy định về khai thác, kiểm định, đánh giá, bảo trì nhằm đảm bảo kiểm soát an toàn và chất lượng cả ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và sau đầu tư đối với các kết cấu hạ tầng giao thông.

b. Nhiệm vụ cụ thể

- Tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong xây dựng công trình giao thông;

- Biên soạn tiêu chuẩn cho các công nghệ mới như cọc nhồi đường kính nhỏ, cọc ống thép, công nghệ cố kết chân không... để tăng tính linh hoạt về giải pháp nền móng, hạ giá thành xây dựng;

- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn phục vụ xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt cấp cao, đường sắt cao tốc;

- Cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn, định mức về công nghệ mới, vật liệu mới;

- Hệ thống hóa hệ thống tiêu chuẩn về giao thông thông minh (ITS) và thu phí điện tử (ETC);

- Hoàn thiện các công nghệ xây dựng cảng nước sâu: công nghệ thiết kế, thi công cọc thép, cọc ván thép, công nghệ thi công thùng chìm… trong xây dựng cảng nước sâu và công nghệ vật liệu chống ăn mòn trong môi trường biển.

c. Giải pháp thực hiện

- Củng cố và kiện toàn các đầu mối lập kế hoạch, biên soạn, rà soát cập nhật tiêu chuẩn;

- Tập hợp nhân lực KHCN từ các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu, lực lượng cán bộ KHCN đầu ngành, chuyên gia kỹ thuật có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm để phục vụ công tác biên soạn tiêu chuẩn;

- Thường xuyên cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn hiện đại, tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

3.2.2.3. Tăng cường ứng dụng KHCN trong công tác tư vấn (khảo sát, lập dự án, thiết kế, giám sát) xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông,

a. Yêu cầu

- Nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả của tư vấn trong công tác quy hoạch, lựa chọn công nghệ, khảo sát thiết kế, giám sát chất lượng, bảo trì khai thác các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông;

- Tập trung nghiên cứu, khảo sát thiết kế các công trình xây dựng giao thông đảm bảo chất lượng kỹ thuật mỹ thuật cao, an toàn, bền vững, tiết kiệm vật liệu, giảm giá thành, phù hợp với đặc điểm địa hình; địa chất, khí hậu, thủy văn các vùng miền của Việt Nam;

- Không ngừng cập nhật, làm chủ công nghệ thiết kế các công trình giao thông hiện đại ứng dụng kết cấu, vật liệu mới đạt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao.

b. Nhiệm vụ cụ thể

Hoàn thiện các công nghệ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông hiện đang áp dụng.

- Về xây dựng đường bộ và đường bộ cao tốc: rà soát, hoàn thiện các giải pháp thiết kế về nền đắp, móng, mặt đường theo hướng xử lý hiệu quả đất yếu, đảm bảo ổn định nền đắp, giảm chiều dày lớp móng đường bằng việc sử dụng lớp móng gia cố 3- 5% xi măng, tính toán chiều dày hợp lý của các lớp bê tông nhựa áo đường cũng như sử dụng các loại bê tông nhựa có tính năng cao (SMA, Polime...) để đảm bảo khả năng chịu tải và độ bền lâu. Nghiên cứu công nghệ, kết cấu và vật liệu thích hợp của nước ngoài áp dụng cho thi công lớp phủ bê tông nhựa trên mặt cầu thép và cầu BTCT;

Hoàn thiện công nghệ thiết kế mặt đường ôtô bằng bê tông xi măng cao cấp, chất lượng đạt chuẩn quốc tế.

- Về công trình cầu, cảng biển: hoàn thiện các công nghệ thiết kế cầu BTCT dự ứng lực nhịp lớn, cầu treo, cầu dây văng, cầu vòm ống thép nhồi bê tông, kết cấu cầu thép, công trình cầu trong đô thị, cảng biển nước sâu…;

- Công trình sân bay, cảng hàng không: tiếp thu, hoàn thiện các công nghệ thiết kế sân bay, cảng hàng không hiện đại;

- Về nền móng công trình giao thông: hoàn thiện công nghệ cọc cát, cọc cát đầm chặt, giếng cát, bấc thấm, cọc đất gia cố xi măng, công nghệ neo đất để ổn định kiên cố hóa mái ta-luy đường, tường chắn có cốt, rọ đá...

Phát triển ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới tiên tiến trong công tác tư vấn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới

- Về xây dựng đường bộ và đường bộ cao tốc: triển khai kết cấu mới, vật liệu mới trong xử lý nền đường, gia cố móng đường, sử dụng kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa Polymer, SMA, Gust Asphalt, bê tông nhựa rỗng... cho các tuyến đường ôtô cấp cao;

- Đối với công trình cầu, cảng biển: tập trung làm chủ công nghệ thiết kế các kết cấu cầu lắp ghép hiện đại (segment), lắp ghép phân đoạn trên đà giáo nhằm tăng hiệu quả kiểm soát chất lượng, rút ngắn thời gian thi công xây dựng; triển khai ứng dụng công nghệ thiết kế kết cấu hỗn hợp vật liệu (hybrid), liên hợp kết cấu, bê tông tính năng cao, cầu BTCT sử dụng cáp dự ứng lực ngoài (Extrados) nhằm tiết kiệm vật liệu, giảm chi phí đầu tư...;

- Đối với cảng hàng không: sử dụng mặt đường bê tông xi măng           dự ứng lực, mặt đường cất hạ cánh sử dụng bê tông polymer;

- Đối với công trình đường sắt: tiếp cận, từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, thi công, kiểm soát chất lượng xây dựng công trình đường sắt đô thị. Chủ động tiếp cận công nghệ thiết kế công trình đường sắt tốc độ cao;

- Đối với công nghệ thiết kế, xử lý nền móng công trình: Làm chủ công nghệ hiện đại xử lý nền đất yếu bằng cố kết chân không, các loại cọc khoan nhồi trọng lượng nhẹ, sử dụng công nghệ xác định sức chịu tải thực tế của cọc móng bằng sen-xơ,...

- Về kết cấu, vật liệu mới

+ Nghiên cứu hoàn thiện giải pháp công nghệ và vật liệu thay thế nhằm giải quyết khó khăn do tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng công trình giao thông hiện nay ở Việt Nam;

+ Nghiên cứu công nghệ và vật liệu mới ứng dụng cho việc xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng. Đặc biệt lưu ý công nghệ sản xuất đá dăm bằng phương pháp nghiền ly tâm để đảm bảo lượng hạt dẹt trong vật liệu đá xây dụng công trình cầu đường nhỏ hơn 10%;

+ Nghiên cứu lựa chọn kết cấu và công nghệ phù hợp để xây dựng công trình giao thông trên nền đất yếu.

c. Giải pháp thực hiện.

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia có năng lực, giỏi ngoại ngữ, có khả năng làm chủ công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh của các đơn vị Tư vấn để có thể chiếm lĩnh thị trường tư vấn trong nước và hội nhập thị trường tư vấn Quốc tế;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác khảo sát: các ứng dụng của công nghệ GPS, công nghệ quét Laser bề mặt địa hình, cho phép lập mô hình số bề mặt địa hình với mức độ chi tiết và tốc độ cao, cho phép đăng ký công trình xây dựng, giao thông trong không gian 3 chiều;

- Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, các phần mềm mạnh để phục vụ tính toán thiết kế các công trình: đường ôtô, đường ôtô cao tốc, đường cất hạ cánh sân bay, cầu, hầm, cảng biển, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, tiếp cận công nghệ xây dựng đường sắt cấp cao, đường sắt cao tốc, sử dụng vật liệu và kết cấu mới như cọc thép dạng giếng, kết cấu liên hợp, hỗn hợp bê tông - thép, bê tông tính năng cao, mặt đường ôtô sử dụng bê tông xi măng chất lượng cao..;

- Thường xuyên cập nhật, chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến về vật liệu, kết cấu phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông;

- Chú trọng công tác tổng kết, đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ mới, vật liệu mới: kiểm soát chặt chẽ thử nghiệm công nghệ mới, vật liệu mới ở giai đoạn thí nghiệm trong phòng và triển khai ứng dụng ngoài thực tế để định hướng cho việc ứng dụng rộng rãi những công nghệ mới, vật liệu mới đã thử nghiệm thành công;

Hàng năm lập danh mục các công nghệ mới, vật liệu mới được đưa vào áp dụng trong các dự án cụ thể để theo dõi, đánh giá, phổ biến nhân rộng;

- Tiếp tục hoàn thiện một số nội dung thiết kế phức tạp như: ứng dụng mô hình 3D trong lập phương án thiết kế công trình; phân tích kết cấu công trình giao thông phức tạp chịu tải trọng gió, động đất theo mô hình vật lý, thiết kế hệ thống quan trắc, hệ thống giao thông minh (ITS), thu phí điện tử (ETC) …;

- Tiếp cận và làm chủ công nghệ thử nghiệm mô hình cầu treo, cầu dây văng, cầu nhịp lớn trong hầm thí nghiệm thổi gió (Wind-Tunnel) và mô hình thí nghiệm động đất;

- Đổi mới chương trình và nội dung đào tạo Tư vấn giám sát đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng công trình giao thông,

3.2.2.4. Tăng cường ứng dụng KHCN trong lĩnh vực thi công xây lắp kết cấu hạ tầng giao thông.

a. Yêu cầu

- Hoàn thiện các công nghệ xây dựng công trình giao thông đã có như cầu BTCT dự ứng lực nhịp lớn, cầu treo, cầu dây văng, hầm đường ôtô và đường sắt, công trình ngầm, cảng nước sâu, đường bộ cao tốc, sân bay... đảm bảo yêu cầu chất lượng và tiến độ;

- Chủ động đổi mới công nghệ, trang thiết bị để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh;

- Nhanh chóng tiếp nhận chuyển giao, nắm bắt các công nghệ mới, tiên tiến xây dựng hệ thống đường bộ, đường bộ cao tốc, cầu, hầm, cảng, đường sắt trên cao, xe điện ngầm, tiếp cận công nghệ xây dựng đường sắt cấp cao, các công trình sử dụng vật liệu, kết cấu và công nghệ mới.

b. Nhiệm vụ cụ thể

Hoàn thiện các công nghệ thi công xây lắp kết cấu hạ tầng giao thông hiện đang áp dụng.

- Đối với các công trình đường bộ, đường bộ cao tốc, sân bay;

+ Hoàn thiện công nghệ xây dựng công trình giao thông đường bộ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại như đảm bảo độ bằng phẳng của mặt đường, đảm bảo chính xác các yếu tố hình học, hoàn thiện công nghệ thi công lớp phủ tạo nhám bằng lớp phủ siêu mỏng, lớp phủ mỏng, đảm bảo độ êm thuận nối tiếp giữa cầu và đường, khe biến dạng...

+ Triển khai áp dụng giải pháp tăng cường móng đường bằng đá dăm gia cố xi măng. Triển khai ứng dụng công nghệ xây dựng mặt đường bê tông nhựa sử dụng vật liệu nhựa đường polimer, công nghệ xây dựng lớp phủ bê tông nhựa trên mặt cầu thép, cầu BTCT;

+ Duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới đường giao thông hiện có theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn, tiếp tục triển khai các công nghệ mới đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nông thôn như công nghệ gia cố đất bằng hợp chất hóa học, sử dụng vật liệu tại chỗ thích hợp.

- Đối với công trình cầu, hầm, cảng biển:

+ Làm chủ các công nghệ tiên tiến trong xây cầu treo, cầu dây văng, cầu BTCT dự ứng lực, cầu thép - bê tông liên hợp nhịp lớn hiện đại, các công trình cầu có kết cấu phức tạp yêu cầu chất lượng và thẩm mỹ cao như cầu dây văng, cầu treo, cầu vòm, cầu liên hợp vòm - dây...;

+ Hoàn thiện công nghệ xây dựng hầm giao thông đô thị.

- Về xây dựng nền móng công trình:

Hoàn thiện và triển khai áp dụng phổ biến các công nghệ xử lý nền đất yếu như giếng cát, bấc thấm, cọc cát đầm sâu, cọc đất gia cố xi măng, xử lý đất yếu bằng cố kết chân không...

- Đối với phát triển hệ thống công trình đường sắt

+ Nắm bắt và làm chủ công nghệ thi công xây dựng công trình đường sắt đô thị;

+ Từng bước tiếp cận, dần làm chủ công nghệ thi công xây dựng đường sắt tốc độ cao

Phát triển ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới tiên tiến trong thi công xây lắp kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới

- Đối với công trình đường bộ, sân bay

+ Triển khai công nghệ bê tông nhựa rỗng cho xây dựng đường bộ;

+ Làm chủ công nghệ xây dựng mặt đường bộ, sân bay bằng bê tông xi măng đạt chuẩn chất lượng khu vực và Quốc tế;

+ Thử nghiệm triển khai thi công lớp mặt đường bằng bê tông SMA cho xây dựng kết cấu mặt đường ôtô;

+ Triển khai ứng dụng công nghệ bê tông xốp, cọc đất gia cố xi măng mở mũ cho đoạn tiếp nối giữa cầu và đường;

+ Sử dụng vật liệu bê tông nhựa polime kháng dầu cho xây dựng sân đỗ máy bay ở các sân bay.

- Đối với công trình cầu, hầm, cống, cảng:

+ Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ xây dựng cầu BTCT dự ứng lực bằng phương pháp lắp ghép các khối dầm (sergment) nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình cầu trong đô thị;

+ Triển khai ứng dụng các dạng kết cấu mới dạng hỗn hợp bê tông cốt thép - thép (hybrid) trong các công trình giao thông nhằm giảm giá thành, rút ngắn tiến độ thi công, ứng dụng kết cấu thép cho những công trình thích hợp;

+ Tập trung đầu tư công nghệ xây dựng cảng biển hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế đồng thời phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng sau cảng.

- Về xây dựng nền móng công trình

+ Triển khai công nghệ cọc có trọng lượng nhẹ (cọc khoan nhồi trọng lượng nhẹ, cọc ống thép, cọc vít xoắn) trong xây dựng các công trình trên nền đất yếu. Triển khai ứng dụng công nghệ xử lý nền đất yếu bằng phương pháp hút kết chân không;

+ Thử nghiệm dạng cọc nhồi đường kính nhỏ để tăng tính linh hoạt về giải pháp nền móng, hạ giá thành xây dựng.

- Đối với phát triển hệ thống công trình đường sắt

- Tiếp cận và từng bước nắm bắt chuyển giao công nghệ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.

c. Giải pháp thực hiện

+ Thể chế hóa và tập trung tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông của các Nhà thầu xây lắp công trình, chú trọng việc xây dựng tuân thủ quy trình công nghệ, quy định kỹ thuật cho từng hạng mục, sản phẩm xây lắp;

+ Nâng cao năng lực công nghệ của các Tổng công ty xây dựng trong ngành GTVT theo hướng đầu tư trang thiết bị thi công hiện đại, đồng bộ, đào tạo chuẩn hóa tay nghề và kỷ luật lao động, chấp hành quy định an toàn của cán bộ kỹ sư, công nhân theo lộ trình của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia;

+ Áp dụng phương thức quản lý chất lượng theo ISO;

+ Chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm chuyển giao nhanh các công nghệ mới, vật liệu mới phục vụ cho các dự án đầu tư lớn, mang tính đột phá và hòa nhập với khu vực, Quốc tế;

+ Hàng năm lập và cập nhật danh mục các công trình, hạng mục cụ thể có ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, lập kế hoạch theo dõi, đôn đốc thực hiện.

3.2.2.5. Tăng cường ứng dụng KHCN trong lĩnh vực quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

a. Yêu cầu

- Đổi mới một cách, toàn điện, tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông;

- Đảm bảo khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông an toàn, hiệu quả, bền vững;

- Làm cho KHCN đóng vai trò chính trong quản lý, bảo trì, đảm bảo độ bền vững, duy trì tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông trong chiến lược quản lý tài sản Quốc gia.

b. Nhiệm vụ cụ thể

Hoàn thiện các công nghệ khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông hiện đang áp dụng.

- Đối với các công trình đường bộ, cảng biển, sân bay:

+ Hoàn thiện quy trình kiểm tra, đánh giá, bảo trì hệ thống công trình đường bộ, cảng biển, sân bay, đường sắt, đường sắt đô thị;

+ Phát triển ứng dụng công nghệ để tăng cường và duy trì tuổi thọ công trình giao thông như dán sợi carbon, sợi thủy tinh trong sửa chữa cầu và kết cấu cầu BTCT, kết cấu cảng biển;

+ Ứng dụng công nghệ sửa chữa đường bộ bằng bê tông nhựa nguội, công nghệ asphal carboncor, sử dụng nhũ tương a xít trong sửa chữa đường.

- Đối với công trình đường sắt:

+ Hoàn thiện công nghệ cải tạo và nâng cấp một số tuyến đường sắt nâng cao tốc độ chạy tàu lên 80-90km/h;

+ Phát triển sử dụng ray hàn liền, lắp đặt các loại phụ kiện liên kết đàn hồi mới;

+ Áp dụng rộng rãi các công nghệ hiện đại để thi công và kiểm tra chất lượng cầu, hầm, đường trên các tuyến đường sắt như máy chèn đường, máy đo kiểm tra đường Matisa...

- Về phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông, an toàn giao thông, phòng chống biến đổi khí hậu:

+ Hoàn thiện các giải pháp phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình, tăng cường an toàn giao thông theo hướng phát huy tốt nhất hiệu quả, phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn... của từng vùng, miền, địa điểm xây dựng công trình;

+ Triển khai các giải pháp thích hợp đảm bảo sự bền vững của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tương ứng điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Phát triển ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến phục vụ quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới

- Về quản lý, điều hành, kiểm soát giao thông

+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong quản lý vận hành khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sân bay, cảng biển, đường sắt, đường sắt đô thị;

+ Triển khai rộng rãi lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện xe khách, xe tải chở containe;

+ Nghiên cứu hoàn thiện quy trình quản lý, khai thác, bảo trì đối với mạng lưới đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, cầu treo, cầu dây văng, cảng biển, sân bay…;

+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vệ tinh, tiên tiến phục vụ an toàn, an ninh hàng hải và tìm kiếm cứu nạn trên biển, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kết cấu hạ tầng cảng biển: hệ thống đèn biển và hệ thống báo hiệu hàng hải dẫn luồng, hệ thống các đài thông tin duyên hải.

- Về kiểm định, đánh giá chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng đang khai thác phục vụ quản lý, khai thác, bảo trì

+ Hoàn thiện quy định về quản lý, khai thác, bảo trì các công trình giao thông trọng điểm như cầu treo, cầu dây văng, cầu vòm, cầu BTCT nhịp lớn, hầm giao thông...;

+ Ứng dụng công nghệ mới, hiện đại phục vụ khảo sát, kiểm tra, kiểm định đánh giá chất lượng kết cấu hạ tầng GTVT trong giai đoạn khai thác;

+ Triển khai hệ thống Hawkeye trong đánh giá chất lượng đường bộ, phát triển rô-bốt dưới nước để kiểm tra, đánh giá các bộ phận công trình dưới nước…;

+ Triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ quản lý quan trắc liên tục (SHMS) cho các công trình giao thông lớn như cầu treo, cầu dây văng, cầu nhịp lớn, cảng nước sâu, hầm giao thông...

- Về công nghệ sửa chữa, tăng cường, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông:

+ Triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo trì, sửa chữa, tăng cường công trình đường bộ như: công nghệ gia cường bằng bitum bọt kết hợp xi măng, công nghệ tái chế sử dụng nhũ tương…;

+ Triển khai công nghệ dán sợi các-bon, sợi thủy tinh để sửa chữa hư hỏng của các bộ phận công trình dưới nước;

+ Triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa phục vụ sửa chữa nâng cấp mặt đường bê tông nhựa.

- Về phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình, an toàn giao thông, phòng chống biến đổi khí hậu

+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình, tăng cường an toàn giao thông như công nghệ sử dụng lưới thép cường độ cao, neo ổn định đất đá, các hệ thống hàng rào hộ lan trên các tuyến đường sắt, đường bộ…;

+ Nghiên cứu chuyển giao các công nghệ thích hợp xây dựng công trình giao thông ở khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

c. Giải pháp thực hiện

- Xây dựng các trung tâm quản lý khai thác và vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập và quản lý hồ sơ, dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông;

- Tăng cường quản lý, kiểm soát tải trọng các phương tiện vận tải, quản lý hành lang đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ;

- Tăng cường hiện đại hóa, cơ giới hóa trong công tác kiểm tra, quản lý, bảo dưỡng và sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung đầu tư trang thiết bị kiểm tra, kiểm định, duy tu, bảo trì các công trình cầu, cảng biển, sân bay, đường sắt...;

- Có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy các đơn vị công ích, doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông;

- Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành GTVT triển khai các công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực kiểm định, đánh giá chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì như công nghệ thí nghiệm không phá hủy, công nghệ na-nô...;

- Áp dụng các công nghệ mới trong việc đánh giá và cảnh báo sớm các rủi ro trượt đất trên các tuyến đường giao thông đã có và cung cấp dữ liệu cho việc lựa chọn các tuyến đường xây dựng mới;

- Đề xuất các giải pháp kỹ thuật thiết kế và xây dựng hợp lý nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lũ, động đất, trượt lở đất đá, biến đổi khí hậu, nước biển dâng... xảy ra đối với các công trình giao thông;

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại trong bảo vệ công trình chống tác động ăn mòn, xâm thực của môi trường như: các hệ sơn bảo vệ kết cấu thép và BTCT vùng biển với tuổi thọ cao (lớn hơn 15 năm) có sử dụng công nghệ nano, công nghệ ức chế xanh; ứng dụng công nghệ vật liệu san phủ bảo vệ công trình khu vực mớn nước, dưới nước bằng hệ sơn trong điều kiện ẩm, sơn trong nước; công nghệ vật liệu bảo vệ công trình bằng phương pháp điện, hóa (hệ thống catot, anot hy sinh…); các phụ gia chống ăn mòn cho kết cấu công trình vùng ven biển, vùng có khí hậu ăn mòn...;

- Triển khai ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến trong duy tu, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác như: công nghệ tăng cường kết cấu bằng dự ứng lực ngoài, bằng dán sợi cac-bon, sợi thủy tinh, sửa chữa công trình dưới nước, tăng cường kết cấu mặt đường bê tông atphal bằng lưới sợi thủy tinh, bằng công nghệ bê tông atphal cao su đa cấp...

3.3. Một số nhiệm vụ đột phá giai đoạn 2013-2020

Trong giai đoạn 2013 -2020, cần thực hiện một số nhiệm vụ có tính đột phá sau đây:

TT

Nội dung

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì thực hiện

Đơn vị phối hợp

I

Tăng cường ứng dụng KHCN để hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

1.1

Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đáp ứng yêu cầu cho công tác quản lý, điều hành

2013-2015 Cập nhật các năm tiếp theo

Vụ Kết cấu hạ tầng GT

Tổng cục ĐBVN, Cục Hàng không VN, Cục Hàng hải VN, Cục Đường sắt VN, Cục Đường thủy nội địa VN, Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ GTVT

1.2

Tăng cường năng lực kiểm định, đánh giá chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (bao gồm cả đào tạo Tư vấn giám sát)

2013-2015 Cập nhật các năm tiếp theo

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT

Vụ KHCN, Vụ KHCTGT, Viện KHCN GTVT Tổng cục ĐBVN, Cục Hàng không VN, Cục Hàng hải VN, Cục Đường sắt VN, Cục Đường thủy nội địa VN

1.3

Triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thí nghiệm Quốc gia ngành GTVT (thuộc Viện KH&CN GTVT).

2013-2016

Viện KHCN GTVT

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Vụ KHCN- MT Bộ Xây dựng, các Viện KHCN ngoài ngành GTVT

II

Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng xây dựng khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

2.1

Hệ thống hóa hệ thống tiêu chuẩn về giao thông thông minh (ITS) và thu phí điện tử (ETC).

1/2013- 6/2014

Tổng cục ĐBVN

Vụ KHCN, Vụ KHCTGT, Trung tâm CNTT - Bộ GTVT

2.2

Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn phục vụ xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt cấp cao, đường sắt tốc độ cao; Hàng không, Hàng hải, Đường bộ, Đường thủy nội địa

2013-2016

Tổng cục ĐBVN, các cục ĐS VN, HK, HH, ĐTNĐ

Vụ KHCN, Vụ KHCTGT, Viện KHCN, các Trường Đại học trong và ngoài ngành GTVT

2.3

Xây dựng tiêu chuẩn, định mức cho các công nghệ mới như cọc nhồi đường kính nhỏ, cọc ống thép, công nghệ cố kết chân không

2013-2015

Vụ KHCN - Bộ GTVT

Viện KHCN GTVT, Trường Đại học GTVT

III

Tăng cường ứng dụng KHCN trong công tác tư vấn (khảo sát, lập dự án, thiết kế, giám sát) xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông.

3.1

Triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế các công trình đường ôtô cao tốc, đường ôtô cấp cao, đường đô thị.

2013 -2015

Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI),

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN

3.2

Tiếp nhận công nghệ, thiết kế đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao

2013 -2015

TEDI, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC.JSC)

Vụ KHCN, Cục ĐSVN

3.3

Triển khai ứng dụng thiết kế kết cấu mới cho công trình cầu hầm (sergment, hybrid...)

2013 -2017

TEDI

Vụ KHCN, Tổng cục ĐBVN, Cục ĐSVN

3.4.

Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ xây dựng lớp phủ bê tông nhựa trên mặt cầu thép, cầu BTCT.

2013 - 2014

Viện KHCN GTVT

Vụ KHCN, Tổng cục ĐBVN

IV

Tăng cường ứng dụng KHCN trong lĩnh vực thi công xây lắp kết cấu hạ tầng giao thông

4.1

Triển khai công nghệ bê tông nhựa rỗng, bê tông nhựa polime... trong xây dựng đường bộ

2013 - 2020

Tổng công ty XDCTGT 1

Vụ KHCN - Bộ GTVT, các Công ty Liên doanh với nước ngoài.

4.2

Triển khai công nghệ lắp ghép dầm BTCT DƯL, kết cấu Hybrid

2015 -2020

Tổng công ty xây dựng CTGT 4, Thăng Long

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Viện KHCN GTVT, TEDI

4.3.

Tiếp nhận và triển khai công nghệ xây dựng đường sắt đô thị, nghiên cứu làm chủ công nghệ xây dựng đường sắt tốc đô cao

2013 -2020 cập nhật các năm tiếp theo

Tổng công ty Đường sắt VN

Cục Đường sắt VN, Vụ KHCN - Bộ GTVT

4.4

Triển khai ứng dụng công nghệ xây dựng lớp phủ bê tông nhựa trên mặt cầu thép, cầu BTCT.

2013-2014

Các Nhà thầu thi công.

Vụ KHCN, Tổng cục ĐBVN

V

Tăng cường ứng dụng KHCN trong lĩnh vực quản lý khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

5.1

Triển khai hệ thống quan trắc liên tục (SMHS) cho các công trình cầu nhịp lớn, cầu treo, cầu dây văng

2013 - 2020 và cập nhật các năm tiếp theo

Tổng cục ĐBVN

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Viện KHCN GTVT

5.2.

Hoàn thiện và triển khai hệ thống phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông

2013 - 2020 và cập nhật các năm tiếp theo

Tổng cục ĐBVN

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Viện KHCN GTVT

5.3

Nghiên cứu triển khai các giải pháp công nghệ mới tăng cường An toàn giao thông

2013 - 2020 và cập nhật các năm tiếp theo

Viện KHCN GTVT

Vụ KHCN - Bộ GTVT, Văn phòng Ủy ban ATGTQG. Viện CL và PT GTVT

5.4

Triển khai công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa (tái chế mặt đường bê tông asphals)

2014 - 2015 và các năm tiếp theo

Vụ KHCN - Bộ GTVT

Tổng cục ĐBVN, Viện KHCN GTVT

Phần 4.

CÁC GIẢI PHÁP TỔNG THỂ ĐỂ THỰC HIỆN DỰ ÁN

4.1. Các giải pháp về cơ chế, chính sách

a. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động KHCN trong ngành GTVT.

Tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển ứng dụng KHCN trong các lĩnh vực của ngành GTVT nói chung và trong công tác quản lý chất lượng xâv dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng;

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản dưới Luật, để sớm hoàn chỉnh hệ thống văn bản QPPL trong lĩnh vực KHCN của ngành GTVT.

b. Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và nhận thức của các cấp, của mọi người đối với hoạt động KHCN.

- Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, từ các doanh nghiệp đến người lao động và trong toàn xã hội về vị trí, vai trò của KHCN đặc biệt là trong việc gia tăng giá trị, năng suất, chất lượng sản phẩm, công trình GTVT;

- Làm rõ nhận thức do giải pháp kỹ thuật không hợp lý, công nghệ lạc hậu làm cho năng suất lao động thấp và quản lý điều hành kém sẽ tác động lớn đến quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và làm suy giảm hiệu quả đầu tư.

c. Tăng cường quản lý Nhà nước về KHCN.

- Xây dựng quy trình thẩm định công nghệ, kiên quyết chấm dứt tình trạng nhập các công nghệ lạc hậu;

- Có chiến lược phát triển công nghệ cho từng chuyên ngành cụ thể trong lĩnh vực quản lý chất lượng xây dựng, quản lý khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông;

- Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ công tác chuyển giao công nghệ và đào tạo, thực tập trong các dự án hỗ trợ kỹ thuật (TA) từ nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, từ nguồn vốn vay viện trợ phát triển cho các dự án (ODA);

- Kiện toàn hệ thống theo dõi, quản lý việc triển khai ứng dụng KHCN trong ngành GTVT (từ Bộ GTVT, Vụ KHCN đến các đơn vị trong ngành);

- Tổng kết rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ, gắn kết và tạo sự phối hợp liên ngành trong hoạt động KHCN, gắn kết giữa đơn vị nghiên cứu khoa học và nơi ứng dụng KHCN.

4.2. Các giải pháp về tài chính

- Thành lập Quỹ phát triển KH&CN ngành GTVT theo tinh thần Quyết định số 117/2005/QĐ-TTg ngày 27/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương;

- Trong các dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, các dự án hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay ODA đều bắt buộc phải dành kinh phí cho đào tạo và chuyển giao công nghệ;

- Có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển KHCN và chuyển giao công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (nhất là các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài);

- Đổi mới cơ chế quản lý KHCN như: phân công phân cấp trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ KHCN; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KHCN; cơ chế khoán kinh phí thực hiện các đề tài, dự án và thủ tục thanh quyết toán kinh phí KHCN; xây dựng và phát triển thị trường KHCN, đổi mới cơ chế chính sách nhằm kích cầu, tạo nhu cầu ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất và đời sống; tạo lập môi trường pháp lý cho hoạt động KHCN; phát triển các tổ chức trung gian, môi giới thị trường KHCN.

4.3. Các giải pháp, chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

a. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KHCN

- Có chính sách và cơ chế để bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ KHCN kế cận trong các cơ quan nghiên cứu, triển khai tiến bộ khoa học, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp KHCN và các doanh nghiệp khác trong hệ thống Nhà nước, cụ thể là phải có cơ chế ràng buộc và chế độ đãi ngộ thích đáng nhằm thu hút các lực lượng cán bộ KHCN trẻ, tốt nghiệp loại giỏi được đào tạo trong và ngoài nước vào làm việc cho các đơn vị trong ngành GTVT;

- Có bước đi và kế hoạch cụ thể cho việc đào tạo cán bộ KHCN, đặc biệt là cán bộ đầu đàn để đảm bảo thực sự phương châm ưu tiên phát triển KHCN và giáo dục đào tạo (GD ĐT) là quốc sách;

- Đặc biệt chú trọng cơ chế thu hút chuyên gia đầu ngành, trình độ cao tham gia hoạt động KHCN trong ngành GTVT, khôi phục và củng cố vị trí Tổng công trình sư, Kỹ sư trưởng trong các tổ chức Tư vấn và Nhà thầu;

- Đảm bảo phát triển nguồn nhân lực bao gồm các cán bộ quản lý, đội ngũ công nhân viên chức, lao động phục vụ phát triển KHCN đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH ngành GTVT;

- Tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục sắp xếp các cơ quan nghiên cứu triển khai theo hướng gắn kết với đào tạo, với sản phẩm, khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực như hiện nay.

b. Tăng cường năng lực nghiên cứu cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học

- Đầu tư đồng bộ cho việc nghiên cứu, sản xuất các công nghệ mới, vật liệu mới phục vụ xây dựng và quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông;

- Chuyển giao và triển khai các công nghệ mới phục vụ cho xây dựng hệ kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ nghiên cứu giảng dạy tại các trường;

- Đầu tư đồng bộ các trang thiết bị dạy học, thực nghiệm tại các trường đáp ứng yêu cầu hội nhập các trường vào khu vực và quốc tế;

- Tăng cường đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ sư Tư vấn giám sát;

- Xây dựng lộ trình đào tạo, cập nhật nâng cao tay nghề cho đội ngũ thí nghiệm viên ở phòng thí nghiệm LAS-XD trong ngành GTVT;

Phấn đấu đến 2015 chuẩn hóa chất lượng đội ngũ Tư vấn giám sát và Thí nghiệm viên.

4.4. Giải pháp về chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án.

- Trên cơ sở Đề án của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ GTVT xây dựng đề án chi tiết và Bộ GTVT phê duyệt các đề án đó;

- Các đơn vị đổi mới tiến hành thành lập Ban chỉ đạo do lãnh đạo cao nhất của đơn vị làm trưởng ban;

- Căn cứ vào kế hoạch triển khai, Ban chỉ đạo thường xuyên đưa ra các giải pháp để thực hiện Đề án và xử lý những vấn đề liên quan;

- Chú trọng công tác tổng kết, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm qua các Dự án thử nghiệm, triển khai thí điểm các vật liệu, công nghệ mới để hoàn thiện và triển khai ứng dụng phổ biến các vật liệu, công nghệ mới nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế của công tác xây dựng và quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT.

Phần 5.

NGUỒN LỰC THỰC HIỆN, PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

5.1. Dự tính tổng kinh phí đầu tư cho thực hiện Đề án

TT

Nội dung

Kinh phí (Tỷ đồng)

Ghi chú

Giai đoạn 2012-2015

Giai đoạn 2016-2020

Tổng

I

Tăng cường KHCN phục vụ quản lý, điều hành

1.1

Danh mục phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đáp ứng yêu cầu cho công tác quản lý, điều hành

25

35

60

 

1.2

Tăng cường trang thiết bị thí nghiệm, kiểm định

30

150

180

3 phòng TN trọng điểm

II

Tăng cường KHCN trong nâng cao chất lượng Tư vấn

2.1

Phần mềm phân tích kết cấu

50

100

150

 

2.2

Phòng thí nghiệm gió và động đất

50

150

200

 

2.3

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn

45

130

175

 

2.4.

Chuyển giao công nghệ lắp ghép khối dầm (segment)

50

100

150

 

2.5

Hoàn thiện công nghệ xây dựng mặt đường bê tông xi măng

20

50

70

 

2.6

Tiếp cận công nghệ xây dựng đường sắt cấp cao và đường sắt cao tốc

20

60

80

 

III

Đổi mới công nghệ thi công xây lắp công trình kết cấu hạ tầng giao thông

3.1

Tăng cường thiết bị xây dựng mặt đường bê tông xi măng

500

1.500

2.000

 

3.2

Tăng cường trang thiết bị thi công lắp ghép

200

1.000

1.200

 

3.3

Đổi mới thiết bị xây dựng công trình sử dụng kết cấu hỗn hợp (Hydbrid)

300

600

900

 

3.4

Đổi mới trang thiết bị xây dựng nền móng công trình

300

1500

1.800

 

3.5

Đổi mới trang thiết bị chế tạo vật liệu (đá và cát) đảm bảo tiêu chuẩn

300

1200

1.500

 

IV

Đổi mới công nghệ quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông

4.1

Đầu tư, đổi mới trang thiết bị, khảo sát đánh giá, kiểm định công trình

300

1.000

1.300

 

4.2

Hoàn thiện công nghệ cào bóc tái chế móng đường bê tông nhựa

200

800

1.000

3 công nghệ

4.3

Đổi mới công nghệ chế tạo bê tông nhựa polime, SMA

240

1.400

1.640

 

4.4

Trang thiết bị tái chế lớp mặt đường bê tông nhựa

240

1.500

1.740

 

4.5

Đổi mới công nghệ phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông

120

700

820

 

4.6

Triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) thu phí điện tử (ETC)

500

1.500

2.000

 

V

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KHCN

5.1

Các dự án đầu tư của khối Viện, Trường đào tạo nguồn nhân lực KHCN

600

1.000

1.600

 

5.2

Kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý trong và ngoài nước

127

152

279

 

 

Tổng cộng

4.217

14.627

18.844

 

Ghi chú: Tổng kinh phí trên chỉ là dự tính, giá trị này sẽ được cập nhật, bổ sung phù hợp với kinh phí xây dựng Đề án Tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT của các đơn vị thuộc Bộ GTVT sau khi được xem xét, chấp thuận.

Trong đó được phân ra các nguồn như sau:

- Vốn ngân sách nhà nước: đầu tư cho khối hành chính sự nghiệp, bao gồm các hạng mục như sau: Đầu tư phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, Tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, Đào tạo cán bộ quản lý nhà nước; Đào tạo chuyên gia đầu ngành, Chuyển giao công nghệ mới; Kinh phí nghiên cứu KHCN; Đầu tư các công trình, dịch vụ công ích. Ước tính chi phí khoảng 844 tỷ đồng;

- Để đầu tư cho các hạng mục: Đầu tư trang thiết bị; Đầu tư các dự án; Đào tạo nghề, các doanh nghiệp tự huy động, cân đối các nguồn vốn tự có, vốn vay, ODA, vốn huy động từ xã hội, trong đó:

+ Vốn tự có của các doanh nghiệp: Dự tính khoảng 40% vốn ngoài ngân sách nhà nước, Ước tính chi phí khoảng 7.200 tỷ đồng;

+ Vốn khác: Dự tính khoảng 60% vốn ngoài ngân sách nhà nước. Ước tính chi phí khoảng 10.800 tỷ đồng.

5.2. Phân kỳ đầu tư.

- Giai đoạn 2012-2015:

+ Hoàn thành thực hiện cải cách hành chính (theo chương trình của Chính phủ) và quản lý theo tiêu chuẩn ISO từ Bộ đến các đơn vị thuộc Bộ;

+ Hoàn thành và đưa vào sử dụng phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, Tăng cường các phòng thí nghiệm trọng điểm, Đào tạo cán bộ quản lý nhà nước; Đào tạo chuyên gia đầu ngành, Chuyển giao công nghệ mới; Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN;

+ Đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận được sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến;

+ Nguồn vốn đầu tư: 4.217 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016-2020:

+ Tiếp tục nhiên cứu ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm giảm chi phí, tăng năng suất;

+ Hình thành Chính phủ điện tử trong ngành giao thông;

+ Tiếp tục đổi mới trang thiết bị, đào tạo và chuyển giao công nghệ;

+ Nguồn vốn đầu tư: 14.627 tỷ đồng.

- Giai đoạn sau 2020: Tiếp tục, phát huy kết quả Tăng cường ứng dụng KHCN trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đã được triển khai đến năm 2020, hoàn thiện vai trò của KHCN đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH để ngành GTVT trở thành ngành mũi nhọn, phát triển hiện đại trên mọi lĩnh vực của kinh tế toàn quốc;

- Giai đoạn định hướng đến năm 2030: Hoạt động KHCN trong ngành GTVT nói chung và trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đứng ở tốp đầu trong khu vực, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của CNH - HĐH của ngành GTVT cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Phần 6.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

6.1. THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

- Ban chỉ đạo của Bộ GTVT gồm Trưởng ban là Lãnh đạo Bộ GTVT, phó Trưởng ban là Lãnh đạo Vụ KHCN, các thành viên là Trưởng các phân ban của các chủ thể tham gia thực hiện Đề án (Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trường Đại học, các Tổng công ty, Công ty…);

- Ban chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị (Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trường Đại học, các Tổng công ty, Công ty… trong đó Trưởng ban là một Lãnh đạo của cơ quan, đơn vị, phó trưởng ban thường trực là Trưởng Phòng hoặc Ban KHCN);

- Định kỳ 6 tháng Ban chỉ đạo họp để kiểm điểm việc thực hiện Đề án.

6.2. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

a) Viện Khoa học và Công nghệ GTVT: Tổ chức xây dựng Đề án tổng thể trình Bộ GTVT; thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong việc thực hiện (rà soát và xây dựng bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, sổ tay,...)

b) Vụ Khoa học Công nghệ:

- Chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong thẩm định và trình Lãnh đạo Bộ GTVT phê duyệt Đề án;

- Chủ trì, phối hợp với các Vụ trong việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện Đề án và thực hiện theo quy định.

c) Vụ Kế hoạch Đầu tư, Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Kết cấu hạ tầng GT, Vụ Môi trường, Vụ Vận tải, Vụ Hợp tác Quốc tế và Văn phòng Bộ: Phối hợp và tham mưu cho Bộ GTVT để phê duyệt và thực hiện Đề án theo quy định.

d) Vụ Tài chính: Tham mưu cho Bộ về dự toán kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm và thực hiện quyết toán kinh phí thực hiện Đề án trên cơ sở đề nghị của cơ quan thực hiện Đề án.

e) Trung tâm CNTT: Hướng dẫn, thẩm định đầu tư hệ thống CNTT; các phần mềm sử dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT.

g) Các Tổng cục, Cục chuyên ngành (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình): Chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về lĩnh vực có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình quản lý và cung cấp các thông tin liên quan của Ngành, lĩnh vực do mình quản lý cho cơ quan xây dựng Đề án (Viện KH&CN GTVT).

h) Các Tổng công ty, doanh nghiệp ngành GTVT

- Xây dựng chương trình cụ thể ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT;

- Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020;

- Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) chủ trì việc triển khai thiết kế các công trình giao thông áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới.

6.3. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

a) Tiến độ xây dựng, tổ chức lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt:

- Xây dựng Đề án: Hoàn thành trong tháng 11/2012;

- Tổ chức lấy ý kiến: Tháng 11 -12/2012;

- Chỉnh sửa, thẩm định, phê duyệt: Hoàn thành trong tháng 12/2012.

b) Triển khai thực hiện Đề án:

Toàn bộ nội dung Đề án được thực hiện từ tháng 1/2013 trở đi theo các giai đoạn:

- Giai đoạn 2013-2015;

- Giai đoạn 2016-2020;

- Giai đoạn 2021-2030;

- Định kỳ 6 tháng Ban chỉ đạo họp để kiểm điểm việc thực hiện Đề án;

- Giao Vụ Khoa học Công nghệ là cơ quan đầu mối của Bộ để tổng hợp, báo cáo và là thường trực Ban chỉ đạo.

 

PHỤ LỤC I

MỘT SỐ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TIÊU BIỂU ĐÃ HOÀN THÀNH GIAI ĐOẠN 1995 -2012

1. Trong lĩnh vực xây dựng cầu

TT

Tên công trình

Thông số kỹ thuật

Năm hoàn thành

Ghi chú

Chiều dài (m)

Chiều dài nhịp chính (m)

Chiều rộng (m)

I

Công nghệ đúc hẫng cân bằng cầu bê tông cốt thép dự ứng lực

1

Cầu Phú Lương (Hải Dương)

490,7

102

21

1996

 

2

Cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội)

3690

135

38

2009

 

3

Cầu Hàm Luông (Bến Tre)

1280

150

16

2010

 

4

Cầu Thanh Trì (Hà Nội)

3084

130

33

2007

 

5

Cầu Sông Gianh (Quảng Bình)

750

120

9

1999

 

6

Cầu Pá Uôn (Sem La)

908

130

9

2010

 

II

Công nghệ thi công kết cấu nhịp cầu bê tông cốt thép bằng phương pháp đẩy đà giáo (MSS)

1

Cầu Thanh Trì (Hà Nội)

3084

130

33,1

2009

 

III

Công nghệ thi công cầu treo dây võng

1

Cầu Thuận Phước (Đà Nẵng)

1856

405

18

2009

 

IV

Công nghệ xây dựng cầu treo dây văng 2 mặt phẳng dây

1

Cầu Mỹ Thuận (Tiên Giang)

1535

350

23,6

2000

 

2

Cầu Kiền (Hải Phòng)

1186

200

16,7

2003

 

3

Cầu Bính (Hải Phòng)

1280

260

22,5

2005

 

4

Cầu Rạch Miễu (Bến Tre)

2868

270

21

2009

 

5

Cầu Cần Thơ (Cần Thơ)

2750

550

23,1

2010

 

6

Cầu Phú Mỹ (TP Hồ Chí Minh)

2101

250

27,5

2010

 

7

Cầu Đakrong (Quảng Trị)

171

86

9

2000

 

V

Công nghệ xây dựng cầu treo dây văng 1 mặt phẳng dây

1

Cầu Bãi Cháy

903

435

21

2006

 

VI

Công nghệ đúc đẩy chu kỳ kết cấu nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực

1

Cầu Mẹt (Thái Nguyên)

90

40

11,8

1996

 

2

Cầu Hiền Lương (Quảng Trị)

250

42

12

1997

 

3

Cầu Quán Hầu (Quảng Bình)

560

42

10

2000

 

4

Cầu Sảo Phong

220

42

10

2001

 

5

Cầu Hà Nha

258

42

10

2006

 

2. Trong lĩnh vực xây dựng đường bộ, đường bộ cao tốc

TT

Tên công trình

Thông số kỹ thuật

Năm hoàn thành

Ghi chú

Chiều dài (m)

Chiều dài nhịp chính (m)

Chiều rộng (m)

 

Đường cao tốc

1

Láng - Hòa Lạc

30

8

140

2010

 

2

Cầu Giẽ-Ninh Bình

56

6

22

2010

 

3

Nội Bài - Bắc Ninh

31

4

18

2008

 

4

Sài Gòn - Trung Lương

61,9

6

26

2010

 

3. Trong lĩnh vực xây dựng hầm

TT

Tên công trình

Thông số kỹ thuật

Năm hoàn thành

Ghi chú

Chiều dài (m)

Chiều dài nhịp chính (m)

Chiều rộng (m)

1

Hầm Hải Vân

6280

7,5

10

2005

 

2

Hầm qua sông Sài Gòn (hầm dìm Thủ Thiêm)

370

9

33

2010

 

3

Hầm chui trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia

LT = 542,75 Lp= 545,5

4,75

16,25

2006

 

4

Hầm chui Kim Liên (Hà Nội)

140

4,75

18,5

2009

 

 

PHỤ LỤC II

DANH SÁCH CÁC TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

TT

Tên tổ chức

Chức năng

Trực thuộc quản lý

Ghi chú

1

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT

Tham mưu, nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ trong lĩnh vực xây dựng Chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển GTVT

Thực hiện các dịch vụ khoa học và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật

Bộ GTVT

 

2

Viện KHCN GTVT -

Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ quản lý nhà nước của Bộ trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác vận tải, công nghiệp, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông vận tải;

Thực hiện các dịch vụ khoa học và sản xuất kinh doanh theo qui định của pháp luật.

Bộ GTVT

 

3

Viện Khoa học Công nghệ Tàu thủy

Tham mưu, nghiên cứu khoa học xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển KHCN tàu thủy

Thực hiện các dịch vụ KHCN, tư vấn thiết kế, sản xuất thử nghiệm và đào tạo, hợp tác quốc tế.

Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin)

 

4

Trường Đại học Hàng hải

Tham mưu, đào tạo, nghiên cứu khoa học xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển KHCN Hàng hải

Thực hiện các dịch vụ KHCN, tư vấn thiết kế, sản xuất thử nghiệm và đào tạo, hợp tác quốc tế.

Bộ GTVT

 

5

Trường Đại học Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh

Tham mưu, đào tạo, nghiên cứu khoa học xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển KHCN xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cơ khí, Hàng hải

Thực hiện các dịch vụ KHCN, tư vấn thiết kế, sản xuất thử nghiệm và đào tạo, hợp tác quốc tế.

Bộ GTVT

 

6

Trường Đại học Công nghệ GTVT

Tham mưu, đào tạo, nghiên cứu khoa học xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển KHCN xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cơ khí

Thực hiện các dịch vụ KHCN, tư vấn thiết kế, sản xuất thử nghiệm và đào tạo, hợp tác quốc tế.

Bộ GTVT

 

7

Học viện Hàng không

Tham mưu, đào tạo, nghiên cứu khoa học xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển KHCN lĩnh vực Hàng không

Thực hiện các dịch vụ KHCN, tư vấn thiết kế, sản xuất thử nghiệm và đào tạo, hợp tác quốc tế.

Bộ GTVT

 

 

PHỤ LỤC III

DANH SÁCH CÁC TỔ CHỨC ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

TT

Tên tổ chức, đơn vị

Ghi chú

1

Tổng công ty công nghiệp ôtô Việt Nam

 

2

Tổng công ty hàng hải Việt Nam

 

3

Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam bao gồm:

 

 

- Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu

 

 

- Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng

 

 

- Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Phà Rừng

 

4

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

 

5

Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam

 

6

Tổng công ty Đường sông miền Nam

 

7

Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT

 

8

Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC.JSC)

 

9

Các tổng công ty Xây dựng CTGT 1,4,5,6,8, Thăng Long

 

10

Tổng công ty Xây dựng Đường thủy

 

11

Công ty Vận tải và Xây dựng

 

12

Công ty Cổ phần Traenco

 

 

PHỤ LỤC IV

KẾT QUẢ MỘT SỐ ĐỀ TÀI KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐÃ ĐƯỢC NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG TRONG NGÀNH GTVT

TT

Tên đề tài

Mã số

Cấp quản lý

Kết quả đánh giá

Kết quả ứng dụng

Ghi chú

NN

Bộ

Loại A

Xuất sắc

Thành công

Chưa ứng dụng

1

Nghiên cứu khoa học công nghệ nâng cao năng lực GTVT

 

 

x

 

x

x

 

 

2

Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc thống nhất hóa hệ thống tiêu chuẩn, quy trình quy phạm trong giao thông vận tải phù hợp với thông lệ quốc tế

 

 

x

 

x

x

 

 

3

Nghiên cứu thiết kế và công nghệ thi công cầu dây văng ở Việt Nam

 

x

 

 

x

x

 

 

4

Nghiên cứu công nghệ đúc hẫng trong thi công cầu dây văng

 

 

x

 

x

x

 

 

5

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thiết kế, xây dựng công trình đường hầm giao thông đô thị ở Việt Nam

 

 

x

 

x

x

 

 

6

Nghiên cứu các giải pháp tăng sức cạnh tranh của Ngành Hàng hải Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế

 

x

 

 

x

x

 

 

7

Chế tạo toa xe khách cao cấp KHCN-10-DA- 04

 

x

 

 

x

x

 

 

8

Nghiên cứu các giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế

 

x

 

 

x

x

 

 

9

Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ đảm bảo an toàn kỹ thuật chạy tàu và bảo vệ môi trường đường sắt

 

x

 

 

x

x

 

 

10

Nghiên cứu xử lý vết nứt đầu dầm cầu BTCT dự ứng lực dạng Super T

 

x

 

 

x

x

 

 

11

Nghiên cứu công nghệ và điều kiện áp dụng công nghệ mới trong phòng chống đất sụt trên các tuyến đường bộ

DT 063008

 

x

 

x

x

 

 

12

Nghiên cứu lựa chọn công nghệ thích hợp để xử lý đất yếu trong xây dựng công trình giao thông đồng bằng sông Cửu Long

DT 063009

 

x

 

x

x

 

 

13

Nghiên cứu chế tạo một số hệ sơn chất lượng cao không chứa dung môi hữu cơ, sử dụng để bảo vệ các kết cấu, công trình khu vực biển, ven biển.

DT 063010

 

x

 

x

x

 

 

14

Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị căng kéo điều khiển tự động nhằm nâng cao chất lượng thi công dầm BTCT DUL

DT 063011

 

x

x

 

x

 

 

15

Nghiên cứu Xây dựng tuyến xe buýt mẫu cho người tàn tật tại Thành phố Hồ Chí Minh

DT 063025

 

x

 

x

x

 

 

16

Cập nhật tập sách về dữ liệu hạ tầng GTVT (đường bộ, đsắt, hàng hải, hàng không, đthủy,...) chuyển thành file lưu trữ trên máy tính

DT 074001

 

x

 

x

x

 

 

18

Nghiên cứu dây truyền thiết bị đồng bộ và thiết kế chế tạo thiết bị tự động định lượng phun ximăng trong công nghệ thi công cọc ximăng - đất gia cố nền móng công trình

DT 074012

 

x

 

x

x

 

 

19

Nghiên cứu công nghệ mạ điện hóa tạo hợp kim Đồng - Thiếc và Kẽm - Niken có tính chất chống ăn mòn cao, bảo vệ các chi tiết thép chịu mài mòn

DT 074037

 

x

 

x

x

 

 

20

Nghiên cứu công nghệ kích đẩy trong thi công công trình ngầm ở Việt Nam

DT 074038

 

x

 

x

x

 

 

21

Nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật khi áp dụng kết cấu tường neo trong thi công công trình ngầm ở Việt Nam.

DT 074039

 

x

 

x

 

x

 

22

Nghiên cứu chế tạo thử sơn máy bay cho HKDDVN (chế tạo sơn cho máy bay ATR 72, A320)

DT 083011

 

x

 

x

x

 

 

23

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển khoa học - công nghệ vận tải biển theo định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

DT 083017

 

x

 

x

x

 

 

24

Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất sơn bảo vệ kết cấu thép cho các công trình, phương tiện giao thông vận tải tuổi thọ 5-10 năm với công suất 50 tấn/năm.

DT 083017

 

x

 

x

x

 

 

25

Nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống quan trắc theo thời gian thực (liên tục) một số chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản cho cầu dây văng 1 trong giai đoạn khai thác.

DT 094015

 

x

 

x

 

x

 

26

Nghiên cứu thiết kế chế tạo bộ nguồn thủy lực bù tải tự động phục vụ công nghệ kiểm tra sức chịu tải cọc khoan nhồi theo phương pháp thử tải tĩnh

DT 094017

 

x

 

x

x

 

 

27

Nghiên cứu chế tạo sơn epoxy đóng rắn bằng ketimin ứng dụng trong điều kiện ẩm để bảo vệ các kết cấu thép trong giao thông vận tải.

DT 094018

 

x

 

x

 

x

 

28

Nghiên cứu lựa chọn công nghệ thi công cơ giới kiến trúc tầng trên khi xây dựng mới tuyến đường sắt VN

DT 094023

 

x

 

x

x

 

 

29

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chiếu sáng LED cho các sản phẩm đèn hiệu thuộc hệ thống thiết bị đèn phụ trợ dẫn đường sân bay.

DT 094027

 

x

 

x

x

 

 

30

Thiết kế, chế tạo đèn chìm lắp đặt cho hệ thống đèn phụ trợ dẫn đường sân bay

DT 094038

 

x

 

x

x

 

 

31

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thi công hầm bằng tổ hợp máy đào hầm (Tunnel Boring machine - TBM) trong các đô thị ở Việt Nam.

DT 094038

 

x

 

x

x

 

 

32

Nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá thiệt hại hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và đề xuất giải pháp ứng phó với nước biển dâng

DT 103015

 

x

 

x

 

x

 

33

Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật bố trí làm đường dành riêng cho xe máy trên QL 5

DT 103015

 

x

 

x

 

x

 

34

Nghiên cứu xây dựng hệ thống giả định phục vụ huấn luyện kiểm soát không lưu

DT 103022

 

x

 

x

x

 

 

35

Nghiên cứu tính toán bồi lắng luồng tàu do sóng biển

DT 104014

 

x

 

x

x

 

 

36

Nghiên cứu xây dựng đơn giá tổng hợp công trình giao thông đường bộ khu vực Miền Trung.

DT 104020

 

x

 

x

x

 

 

37

Nghiên cứu chế tạo sơn giàu kẽm vô cơ làm lớp lót, bảo vệ kết cấu thép trước khi lắp đặt, đặc biệt đối với các chi tiết liên kết chịu lực trong giao thông vận tải

DT 104030

 

x

 

x

x

 

 

38

Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm đèn báo hiệu hàng hải có chớp đồng bộ sử dụng vệ tinh GPS

DT 104036

 

x

 

x

x

 

 

37

Nghiên cứu thiết kế thiết bị đo góc nghiêng và xây dựng phần mềm phục vụ thử nghiêng lệch tàu, ứng dụng công nghệ số

DT 114011

 

x

 

x

x

 

 

38

Nghiên cứu, thiết kế chế tạo bộ hiển thị thông số động độ tĩnh không của cầu áp dụng trong bài toán giao thông đường thủy

DT 114016

 

x

 

x

x

 

 

39

Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ lắp đặt tà vẹt BTCT DƯL bằng máy; áp dụng thử nghiệm trên tuyến đường sắt Hạ Long -Cái Lân

DT 114016

 

x

 

x

x

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3354/QĐ-BGTVT ngày 26/12/2012 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013-2020” do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.759

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.239.50
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!