ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2480/QĐ-UBND
|
Hải Dương, ngày
03 tháng 11 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN
THANH HÀ, TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của
Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18
tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị
ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm
2018;
Căn cứ Nghị định số
44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về
quy hoạch xây dựng; Nghị định số 72/2019/NĐ- CP ngày 30/8/2019 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ- CP ngày 07/4/2010 và Nghị định số
44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 và các quy định hiện hành khác có liên quan;
Theo đề nghị của UBND huyện
Thanh Hà tại Tờ trình số 162/TTr-UBND ngày 31/10/2023 và Báo cáo thẩm định số
99/BC-SXD ngày 26/10/2023 của Sở Xây dựng về việc Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng
vùng huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính sau:
I. Hồ sơ
- Cơ quan tổ chức lập và trình
duyệt quy hoạch: UBND huyện Thanh Hà.
- Đơn vị tư vấn: Trung tâm quy
hoạch đô thị và nông thôn - Sở Xây dựng Hải Dương.
- Hồ sơ gồm: 09 bản vẽ quy hoạch,
thuyết minh, Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện, các văn
bản liên quan kèm theo.
II. Nội dung quy hoạch
1. Vị trí, quy mô ranh giới
quy hoạch
- Huyện Thanh Hà nằm tại phía
Đông của tỉnh Hải Dương, gồm 01 thị trấn và 19 xã. Ranh giới có các phía tiếp
giáp như sau:
+ Phía Bắc giáp huyện Kim
Thành;
+ Phía Nam giáp huyện Tứ Kỳ, tỉnh
Hải Dương và huyện An Lão, thành phố Hải Phòng;
+ Phía Đông giáp huyện Kim
Thành, tỉnh Hải Dương và huyện An Lão, thành phố Hải Phòng;
+ Phía Tây giáp thành phố Hải
Dương.
- Tổng diện tích tự nhiên toàn
huyện 14.071,8ha.
2. Tính chất, chức năng,
vai trò của vùng:
Là vùng huyện của tỉnh Hải
Dương với các ngành kinh tế chủ đạo: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông
nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm;
đô thị sinh thái gắn với dịch vụ thương mại; Công nghiệp công nghệ cao, công
nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp.
3. Điều chỉnh các chỉ
tiêu dự báo phát triển vùng
3.1. Dự báo tăng trưởng kinh
tế:
- Đến năm 2030: Tổng sản phẩm
trên địa bàn (GRDP) tăng 9% - 10%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 trong ngành
Nông, lâm, thủy sản - Công nghiệp, xây dựng - dịch vụ, tương ứng là: 20% - 40%
- 40%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 140 tr.đ/ng/năm.
- Tầm nhìn 2031-2050: Giữ vững,
tăng trưởng ổn định.
3.2. Dự báo phát triển dân số
và lao động :
Đến năm 2030: dân số toàn huyện
khoảng: 170.000 người; đến năm 2050: dân số toàn huyện khoảng: 200.300 người.
4. Điều chỉnh định hướng
phát triển không gian vùng
4.1. Định hướng phát triển
đô thị:
Điều chỉnh định hướng phát triển
đô thị cho phù hợp, đồng bộ phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai
đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh
ủy thông qua tại Thông báo số 1123-TB/TU ngày 28/7/2023 và Báo cáo số
119/BC-UBND ngày 04/8/2023 và Thông báo số 203/TB-UBND ngày 07/10/2023 của UBND
tỉnh:
- Giai đoạn đến năm 2030: Định
hướng mở rộng không gian đô thị thị trấn Thanh Hà (đô thị loại V) bao gồm toàn
bộ ranh giới thị trấn Thanh Hà và xã Thanh Khê, trên cơ sở nhập xã Thanh Khê với
thị trấn Thanh Hà (việc sáp nhập, thành lập thị trấn Thanh Hà được thực hiện
theo phương án, lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030
được cấp có thẩm quyền phê duyệt); Định hướng quy hoạch, phân loại đô thị theo
tiêu chí đô thị loại V cho 01 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Tân An - Thanh Hải;
Điều chỉnh không định hướng quy hoạch 03 đơn vị hành chính theo tiêu chí đô thị
loại V so với quy hoạch đã phê duyệt, gồm: Hồng Lạc, Cẩm Chế, Tân Việt. Tổng số
đô thị toàn huyện Thanh Hà đến năm 2030 là 02 đô thị.
(Việc xác định số lượng đô thị
mới, thị trấn, quy mô ranh giới quy hoạch, phương án quy hoạch của các thị trấn,
đô thị mới có thể điều chỉnh khi phương án Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt
nếu có sự điều chỉnh về quy mô ranh giới, tính chất của đô thị đó, đảm bảo sự
phù hợp giữa các quy hoạch có liên quan).
- Tầm nhìn 2031- 2050: Sẽ được
xác định theo định hướng phát triển hệ thống đô thị của huyện Thanh Hà phù hợp
với điều kiện phát triển, định hướng quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn trong
quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4.2. Định hướng tổ chức
không gian:
- Vùng trung tâm huyện (vùng
1): Khu vực thị trấn Thanh Hà mở rộng gồm thị trấn Thanh Hà và xã Thanh Khê. Là
trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa - thể thao, dịch vụ thương mại, hệ thống
công trình công cộng đô thị.
- Vùng phát triển dân cư mới,
đô thị mới phát triển dọc trục Tỉnh lộ 390, Tỉnh lộ 390B (vùng 2): Gồm một phần
xã Hồng Lạc, Cẩm Chế, Tân An, Tân Việt và Thanh Hải. Phát triển dịch vụ, thương
mại và đô thị mới.
- Vùng du lịch sinh thái kết hợp
với bảo tồn và nông nghiệp hữu cơ (vùng 3): tại xã Thanh Xuân, một phần xã Liên
Mạc và Thanh Xá. Phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn nông nghiệp và nông nghiệp
hữu cơ.
- Vùng sản xuất nông nghiệp tập
trung dịch vụ thương mại và công nghiệp công nghệ cao (vùng 4): tại xã Thanh
Lang, Thanh An, Việt Hồng, Thanh Sơn, Thanh Thủy, An Phượng, Thanh Quang, Thanh
Hồng, Thanh Cường, Vĩnh Lập và một phần xã Tân Việt, Thanh Hải.
4.3. Định hướng phát triển mạng
lưới dân cư:
- Giai đoạn đến năm 2030: Điều
chỉnh quy hoạch giảm một số khu vực phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn tại
khu vực các xã: Tân An, Thanh Hải, Tân Việt, Cẩm Chế, Hồng Lạc, Thanh Lang, An
Phượng, Thanh Thủy, Thanh Quang, Vĩnh Lập, Thanh Hồng. Sau khi điều chỉnh quy
hoạch, dự báo nhu cầu sử dụng đất phát triển đơn vị ở đô thị và khu dân cư nông
thôn khoảng 528ha.
Vị trí, diện tích phát triển đất
ở mới (đô thị, nông thôn) được xác định cụ thể ở trong quy hoạch chung đô thị,
quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo phù hợp với:
chỉ tiêu đất đai được phân bổ; phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương
trình phát triển nhà được phê duyệt; phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy
hoạch xây dựng và quy định pháp luật có liên quan.
- Tầm nhìn 2031-2050: Căn cứ
vào nhu cầu phát triển về đô thị, nông thôn, đất ở, quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất, chương trình phát triển nhà ở sẽ tiếp tục nghiên cứu quy hoạch khu vực
phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn tại thị trấn Thanh Hà và các xã nông
thôn cho phù hợp quy định và nhu cầu.
4.4. Định hướng quy hoạch hệ
thống hạ tầng xã hội:
- Hệ thống Giáo dục và đào tạo,
y tế: Cơ bản giữ nguyên định hướng quy hoạch hệ thống y tế như quy hoạch đã được
phê duyệt, bổ sung quy hoạch quỹ đất giáo dục, đào tạo tại khu vực xã Thanh Hải.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo đạt chuẩn
theo tiêu chuẩn ngành, lĩnh vực.
- Hệ thống Văn hóa - Thể thao:
+ Điều chỉnh quy hoạch từ 03
khu Công viên cây xanh tập trung còn 01 khu tại khu vực xã Thanh Khê (thị trấn
Thanh Hà mở rộng).
+ Điều chỉnh không quy hoạch
khu công cộng - quảng trường tại khu vực giáp ranh xã Thanh Xá.
+ Quy hoạch sân Golf kết hợp dịch
vụ, du lịch tại khu vực bãi soi xã Thanh Hải đồng bộ với phương án Quy hoạch tỉnh
đang lập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Di tích - thắng cảnh, du lịch:
Điều chỉnh giảm diện tích khu du lịch sinh thái sông Hương (khu chức năng) từ
863ha xuống còn 480ha (theo đề xuất của UBND huyện Thanh Hà tại Báo cáo
331/BC-UBND ngày 17/8/2023 và ý kiến đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tại công văn số 1551/SVHTTDL- QLDL ngày 11/8/2023), chức năng chính là khu du lịch
sinh thái (đưa phần diện tích quy hoạch đất ở dân cư nông thôn mới ra khỏi ranh
giới dự kiến quy hoạch khu du lịch sinh thái).
4.5. Quốc phòng - An ninh:
- Điều chỉnh quy hoạch đất an
ninh từ thị trấn Thanh Hà sang xã Cẩm Chế; Quy hoạch bổ sung đất an ninh tại xã
Thanh Quang và xã Cẩm Chế
- Quy hoạch đất quân sự tại các
xã Hồng Lạc, An Phượng, Vĩnh Lập.
4.6. Định hướng các ngành và
lĩnh vực chủ yếu:
a) Điều chỉnh phát triển nông
nghiệp:
- Vùng trồng lúa: Ngoài diện
tích giữ nguyên như Quy hoạch đã được phê duyệt đối với vùng trồng lúa, điều chỉnh
Quy hoạch bổ sung 150 ha vùng trồng lúa tại các xã Hồng Lạc, Thanh Hải, Tân An,
thị trấn Thanh Hà. Tổng diện tích đất lúa sau điều chỉnh là khoảng 1.210 ha.
- Vùng trồng cây ăn quả: Ngoài
diện tích đất trồng cây ăn quả giữ nguyên như quy hoạch đã duyệt là 4.539,7ha,
điều chỉnh quy hoạch bổ sung 523ha đất trồng cây ăn quả tại các xã: Cẩm Chế,
Thanh Hải, Thanh Quang, Thanh Cường, Vĩnh Lập, Thanh Lang và Thanh Xá.
Sau khi điều chỉnh tổng diện
tích trồng cây ăn quả khoảng 5.400 ha (bao gồm cả diện tích vườn trong các hộ
gia đình); trong đó diện tích trồng Vải: 3.000 ha; vùng ổi: 1.900ha; chuối:
200ha; bưởi: 100ha; quất: 200ha...).
- Vùng chuyên canh rau màu: Giữ
nguyên như Quy hoạch đã được phê duyệt Quy hoạch tại khu vực bãi ngoài đê tại
các xã: An Phượng, Thanh Quang, Thanh Xuân, Vĩnh Lập, Thanh Hồng, Thanh Cường,
Thanh Lang, Việt Hồng và Hồng Lạc. Tổng diện tích quy hoạch vùng chuyên rau
340,4ha.
- Vùng nuôi trồng thủy sản: Giữ
nguyên như quy hoạch đã duyệt, tập trung tại các xã Hồng Lạc, Thanh Lang, Thanh
Hải, An Phượng và Thanh Quang. Tổng diện tích vùng nuôi trồng thủy sản quy hoạch
đến năm 2030 là 144,2ha. Tiếp tục quy hoạch nuôi cá lồng trên mặt nước sông một
cách hợp lý.
- Vùng chăn nuôi tập trung: Điều
chỉnh vùng chăn nuôi tập trung với tổng diện tích khoảng 130ha.
- Khu giết mổ tập trung: Giữ
nguyên theo Quy hoạch đã được phê duyệt.
b) Điều chỉnh phát triển công
nghiệp:
Định hướng phát triển công nghiệp
đến năm 2030 và duy trì phát triển sau năm 2030 như sau:
- Giữ nguyên định hướng quy hoạch
công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.
- Điều chỉnh tăng diện tích
công nghiệp tại khu vực xã Thanh Cường và Thanh Hồng, diện tích sau khi điều chỉnh
khoảng 150ha (theo Công văn số 157/TTg-CN ngày 04/02/2021 của Thủ tướng Chính
phủ V/v Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Hải Dương).
- Định hướng giai đoạn sau năm
2030 quy hoạch đất công nghiệp tập trung tại khu vực xã Hồng Lạc (diện tích khoảng
210ha) và khu vực xã Thanh Hải (diện tích khoảng 75ha).
- Duy trì một số quỹ đất công
nghiệp nhỏ lẻ (đã được chấp thuận đầu tư, có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất được phê duyệt).
c) Điều chỉnh định hướng phát
triển thương mại:
- Quy hoạch mới 01 siêu thị tại
thị trấn Thanh Hà, 03 trung tâm thương mại tại khu vực xã Thanh Quang, Cẩm Chế
- Việt Hồng và Thanh Hải - Tân An.
- Điều chỉnh giảm diện tích đất
Dịch vụ, thương mại, Logicstic tại khu vực nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
d) Định hướng phát triển du lịch
và các ngành dịch vụ khác:
Cơ bản giữ nguyên định hướng
phát triển du lịch và các ngành dịch vụ khác như quy hoạch đã được phê duyệt.
Điều chỉnh giảm diện tích khu du lịch sinh thái sông Hương xuống khoảng 480ha.
4.7. Về phương án dự kiến sắp
xếp đơn vị hành chính:
Thực hiện theo phương án sắp xếp
đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổ chức rà soát, lập mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông
thôn phù hợp với phương án sắp xếp đơn vị hành chính được cấp có thẩm quyền được
phê duyệt.
5. Điều chỉnh quy hoạch hệ
thống kỹ thuật hạ tầng
Cơ bản giữ nguyên các nội dung
định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng theo quy hoạch được duyệt.
Ngoài ra, điều chỉnh một số nội dung quy hoạch kỹ thuật hạ tầng cho phù hợp với
các nội dung điều chỉnh quy hoạch không gian vùng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn
hiện hành:
5.1. Về giao thông:
- Điều chỉnh lộ giới Cao tốc Hà
Nội - Hải Phòng và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (02 tuyến chạy song
song)
- Điều chỉnh quy mô tuyến đường
tránh thị trấn Thanh Hà đoạn nối đường tỉnh 390 và 390E lên quy mô cấp II đồng
bằng.
- Đường trục Bắc Nam của Tỉnh
quy mô 67m.
- Điều chỉnh nâng cấp, cải tạo
các tuyến đường đê, đảm bảo mặt đường được cứng hóa với chiều rộng từ 7,5 đến
9,0m.
* Hướng tuyến, quy mô, mặt cắt
cụ thể của các tuyến đường giao thông chính sẽ được xác định cụ thể trong các
quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định pháp luật chuyên ngành để đảm bảo tính
khả thi thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường.
5.2. Về cung cấp năng lượng:
Điều chỉnh quy hoạch bổ sung nhà máy điện rác tại xã Việt Hồng, công suất
khoảng 7,5MVA. Quy mô, công suất các trạm điện có thể điều chỉnh theo quy hoạch
chuyên ngành và tính toán nhu cầu thực tế trong bước thực hiện các dự án cụ thể.
5.3. Cấp nước, xử lý nước thải:
- Cấp nước: Quy hoạch mới một số
trạm cấp nước (ở xã Thanh Cường và xã Thanh Cường) và nâng công suất một số trạm
cấp nước hiện hữu. Quy mô, công suất các trạm cấp nước có thể điều chỉnh trong
bước tính toán, đề xuất các dự án cụ thể để đảm bảo an toàn cấp nước, phục vụ đầy
đủ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân và các hoạt động sản xuất trên địa
bàn huyện.
UBND huyện Thanh Hà chịu trách
nhiệm trong việc phân vùng cấp nước, khu vực cấp nước của các trạm cấp nước
trên địa bàn đảm bảo không xẩy ra tình chồng lấn, tranh chấp vùng cấp nước.
- Thoát nước thải: Tiếp tục duy
trì định hướng quy hoạch, nâng công suất các trạm xử lý nước thải trên địa bàn
huyện. Quy mô, công suất các trạm xử lý nước thải có thể điều chỉnh theo quy hoạch
chuyên ngành và tính toán nhu cầu thực tế trong bước thực hiện các dự án cụ thể,
đảm bảo nhu cầu phục vụ.
5.4. Rà soát, tính toán
nhu cầu, định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác theo định hướng
giao thông điều chỉnh và điều chỉnh không gian phát triển dân cư, đô thị, công
nghiệp.
6. Đề xuất các giải pháp
bảo vệ môi trường
- Đề ra mục tiêu đảm bảo phát
triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường; Đánh giá xu hướng diễn biến môi
trường khi thực hiện quy hoạch với các tác động tích cực tạo ra bởi việc hình
thành và phát triển đô thị và một số tác động tiêu cực; Đảm bảo mục tiêu đánh
giá, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa,
đô thị hóa tại huyện Thanh Hà.
- Định hướng các giải pháp quản
lý, bảo vệ môi trường, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đảm bảo tối
thiểu hóa mức rủi ro; các giải pháp trong quản lý bảo vệ môi trường.
7. Xác định danh mục,
chương trình, dự án ưu tiên thực hiện
- Xác định các chương trình, dự
án ưu tiên đầu tư cho các giai đoạn để thực hiện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu
phát triển.
* Nội dung quy hoạch và các
chỉ tiêu chi tiết tại hồ sơ Thuyết minh và phương án Quy hoạch kèm theo.
8. Quy định quản lý theo
đồ án quy hoạch
Nội dung chi tiết theo Quy định
quản lý theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà, tỉnh Hải
Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kèm theo.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch
(UBND huyện Thanh Hà), đơn vị tư vấn lập quy hoạch chịu trách nhiệm về: trình tự,
thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch và các bước tổ chức lập điều chỉnh
quy hoạch theo quy định; tính chính xác về ranh giới, hiện trạng sử dụng đất,
các số liệu, tài liệu trong hồ sơ trình điều chỉnh quy hoạch và căn cứ, nguyên
tắc điều chỉnh; đánh giá về các dự án đầu tư xây dựng, trong đó có các dự án
nhà ở, khu dân cư đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn phù hợp với các định hướng
liên quan tại Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch kế
hoạch sử dụng đất đang triển khai lập; rà soát kiểm tra các quy hoạch, dự án đầu
tư đảm bảo phù hợp các cấp độ quy hoạch (quy hoạch tỉnh, quy hoạch phân khu,
quy hoạch chi tiết), không để xẩy ra các chồng chéo, tranh chấp, khiếu kiện
trong quá trình triển khai.
2. Giao UBND huyện Thanh Hà:
- Tổ chức công bố công khai quy
hoạch theo quy định, đồng thời công bố trên trang thông tin điện tử Cơ sở dữ liệu
quy hoạch tỉnh Hải Dương tại địa chỉ http://quyhoach.haiduong.gov.vn; quản
lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn huyện đảm bảo theo
đúng quy định, tránh tình trạng lấn chiếm, vi phạm quy hoạch.
- Tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch
chung xây dựng thị trấn, quy hoạch chung các đô thị mới theo chương trình, kế hoạch
phát triển đô thị đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện được duyệt,
trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
- Chỉ đạo rà soát, khẩn trương
lập (hoặc điều chỉnh) quy hoạch chung xây dựng các xã nông thôn đảm bảo phù hợp
với điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện được duyệt; tổ chức thẩm định, phê
duyệt theo quy định để làm cơ sở tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng, thực
hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Giám sát việc thực hiện xây dựng theo
quy hoạch được phê duyệt.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Hải Dương rà soát Điều chỉnh quy hoạch xây
dựng vùng huyện Thanh Hà vào trong phương án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch.
- Rà soát phương án quy hoạch sử
dụng đất huyện Thanh Hà đến năm 2030 (do UBND huyện Thanh Hà đang lập điều chỉnh)
đảm bảo đồng bộ với Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính khả thi thực hiện quy hoạch.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Công Thương, Văn hóa thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Ban
quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND huyện
Thanh Hà và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi
hành./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm quy hoạch đô thị và nông thôn - Sở Xây dựng Hải Dương;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- CV VP UBND tỉnh: V.Cường, C.Cường, Hoàn, Chính, Thành, Đôn;
- Lưu: VT, KTN, Minh (10b)
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lưu Văn Bản
|