Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về phân cấp, phân công trách
nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng ngoài những chức năng, nhiệm vụ đã
được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho các
chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan chuyên môn về xây dựng (Sở Xây dựng, Sở
Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Phòng Quản lý đô thị thành phố Tây Ninh, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện),
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Tây Ninh (gọi chung là UBND cấp
huyện), Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã),
chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có liên quan đến
công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Điều 2. Nguyên tắc và mục
tiêu quản lý chất lượng công trình xây dựng
1. Nguyên tắc
Quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
là đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước đối với chất lượng công trình xây dựng
ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản
vẽ thi công, triển khai thi công, nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai
thác, sử dụng và bảo hành, bảo trì công trình suốt niên hạn công trình; kịp
thời phát hiện các sai sót đề ngăn ngừa hậu quả gây ra sự cố hoặc lãng phí,
thất thoát trong đầu tư xây dựng công trình; góp phần nâng cao chất lượng kỹ,
mỹ thuật và hiệu quả đầu tư xây dựng công trình; đảm bảo phù hợp với quy hoạch,
kế hoạch phát triển trong từng thời kỳ.
2. Mục tiêu
Quy định về quản lý chất lượng công
trình xây dựng nhằm:
a) Nâng cao vai trò, trách nhiệm
trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các sở, ban, ngành,
các cơ quan chuyên môn về xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND cấp
huyện, UBND cấp xã và các chủ thể khác tham gia hoạt động xây dựng;
b) Phân cấp quản lý và tăng cường sự
phối hợp giữa Sở Xây dựng với các sở quản lý công trình
xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện, UBND
cấp xã và các chủ thể khác tham gia hoạt động xây dựng nhằm thống nhất quản lý,
tránh chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng quản lý; kịp thời đề xuất với UBND tỉnh
ban hành các chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý nhà nước về chất lượng công
trình xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của từng ban, ngành, địa phương và
từng chủ thể tham gia xây dựng công trình.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Trách nhiệm của Sở Xây
dựng
1. Được phân công là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh
thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
2. Thanh tra, kiểm tra hoạt động của các phòng thí
nghiệm chuyên ngành xây dựng (LAS-XD) trên địa bàn tỉnh; báo cáo kết quả kiểm
tra, thanh tra, xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp về chất lượng
công trình xây dựng dân dụng, công trình sản xuất vật liệu xây dựng và công
trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu của một trong các bên
tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng theo điểm b khoản 2 Điều 29 Thông
tư số 10/2013/TT-BXD, ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết một số
nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng (gọi tắt là Thông tư số
10/2013/TT-BXD) trừ các công trình thuộc đối tượng tại khoản 4 Điều 6 Quy định
này.
4. Tiếp nhận thông tin, xử lý và kiến nghị xử lý
các vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng dân dụng, công trình sản
xuất vật liệu xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật; công bố tên và hành vi vi
phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 46 Nghị định số
15/2013/NĐ-CP, ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình
xây dựng (gọi tắt là Nghị định số 15/2013/NĐ-CP).
5. Giúp UBND tỉnh tổ chức giám định chất lượng công
trình xây dựng khi được yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân đối với các sự
cố cấp II, cấp III các công trình xây dựng dân dụng, công trình sản xuất vật
liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.
6. Chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức đăng ký và tiếp nhận hồ sơ đăng ký công trình
xây dựng có chất lượng cao, công trình xây dựng có chất lượng cao - tiêu biểu của
chủ đầu tư và nhà thầu thi công để chủ trì phối hợp với các Sở quản lý công trình
xây dựng chuyên ngành thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Xem xét, giới thiệu, đề cử công
trình xây dựng có chất lượng cao trên địa bàn tỉnh tham dự Giải thưởng công
trình chất lượng cao do Bộ Xây dựng tổ chức;
b) Đề xuất, tham mưu giúp UBND tỉnh
xem xét, giới thiệu, đề cử công trình xây dựng có chất lượng cao - tiêu biểu
trên địa bàn tỉnh tham dự Giải thưởng quốc gia về chất lượng công trình xây
dựng.
7. Tiếp nhận, công bố thông tin; kiểm
tra, quản lý thông tin năng lực hoạt động và năng lực hành nghề của các tổ
chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.
8. Tham mưu tổng hợp, báo cáo UBND
tỉnh và Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn
định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 4. Trách nhiệm
của các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành
1. Các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành
giúp UBND tỉnh quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành theo quy
định, cụ thể như sau:
a) Sở Giao thông Vận tải: Quản lý chất lượng công
trình giao thông theo danh mục quy định tại Mục IV Phụ lục Phân loại công trình
xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, Mục IV Phụ lục Phân cấp
công trình xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
b) Sở Công thương: Quản lý chất lượng công trình
hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công
trình công nghiệp chuyên ngành (trừ công trình sản xuất vật liệu xây dựng) theo
danh mục quy định tại Mục II Phụ lục Phân loại công trình xây dựng ban hành kèm
theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, Mục II Phụ lục Phân cấp công trình xây dựng
ban hành kèm theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quản lý
chất lượng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn theo danh mục quy
định tại Mục V Phụ lục Phân loại công trình xây dựng ban hành kèm theo Nghị
định số 15/2013/NĐ-CP, Mục V Phụ lục Phân cấp công trình xây dựng ban hành kèm
theo Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
2. Theo lĩnh vực được phân cấp, phân công tại khoản
1 Điều này, các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm sau:
a) Soạn thảo và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các
quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành sau khi thống
nhất với Sở Xây dựng.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra
thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất
lượng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng công trình chuyên ngành
và chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn.
c) Hướng dẫn giải quyết tranh chấp về chất lượng
công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu của một trong
các bên tranh chấp về chất lượng công trình theo điểm b khoản 2 Điều 29 Thông
tư số 10/2013/TT-BXD.
d) Phối hợp với Sở Xây dựng xem xét, giới thiệu, đề
cử công trình xây dựng có chất lượng cao để tham dự Giải thưởng công trình chất
lượng cao. Phối hợp với Sở Xây dựng để giúp UBND tỉnh trong việc xem xét, giới
thiệu, đề cử công trình xây dựng có chất lượng cao - tiêu biểu trên
địa bàn tỉnh để tham dự Giải thưởng quốc gia về chất lượng công trình xây dựng.
đ) Tiếp nhận thông tin, xử lý và kiến nghị xử lý
các vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành; công bố tên
và hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 46 Nghị định
số 15/2013/NĐ-CP.
e) Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức giám định chất
lượng công trình xây dựng chuyên ngành khi được yêu cầu và tổ chức giám định
nguyên nhân đối với các sự cố cấp II, cấp III các công trình xây dựng chuyên
ngành trên địa bàn tỉnh.
g) Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc công bố
thông tin, kiểm tra, quản lý thông tin năng lực hoạt động và năng
lực hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng công
trình chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
h) Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Sở Xây dựng về
tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn định kỳ
trước ngày 10 tháng 12 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 5. Trách nhiệm
của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
1. Chịu trách nhiệm thống nhất quản
lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn do mình quản lý.
2. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc
tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công
trình xây dựng được ủy quyền cấp giấy phép xây dựng trong khu kinh tế và khu
công nghiệp; lập và báo cáo kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ công tác quản
lý chất lượng công trình và gửi kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm của từng cuộc
kiểm tra về Sở Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.
3. Phối hợp với Sở Xây dựng, các sở
quản lý công trình xây dựng chuyên ngành hoặc các Bộ quản lý công trình chuyên
ngành trong thanh tra, kiểm tra, giải quyết sự cố công trình, giám định chất
lượng công trình và giám định nguyên nhân đối với các sự cố cấp II, cấp III các
công trình xây dựng trên địa bàn do mình quản lý.
4. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa
công trình vào sử dụng đối với các công trình được phân cấp do mình tổ chức
thẩm định thiết kế; phối hợp kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử
dụng đối với các công trình mà thẩm quyền thẩm định thiết kế thuộc Sở Xây dựng
và các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trong các khu công nghiệp,
khu kinh tế do mình quản lý.
5. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp về
chất lượng công trình xây dựng khi có yêu cầu của một trong các bên tranh chấp
về chất lượng công trình xây dựng theo điểm b khoản 2 Điều 29 Thông tư số
10/2013/TT-BXD trên địa bàn do mình quản lý.
6. Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc
kiểm tra, đánh giá năng lực hoạt động và năng lực hành nghề của các tổ chức, cá
nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn.
7. Tiếp nhận thông tin, xử lý và kiến
nghị xử lý các vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn do
mình quản lý; gửi tên và hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân đến Sở Xây dựng
hoặc các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để công bố theo quy định
tại Điều 46 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP.
8. Tổng hợp, gửi báo cáo về Sở Xây
dựng tình hình chất lượng và quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên
địa bàn do mình quản lý; thống kê, đánh giá tình hình chất lượng các công trình
xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý định kỳ hàng năm (trước ngày 10 tháng 12) và
báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 6. Trách nhiệm
của Ủy ban Nhân dân cấp huyện
1. Chịu trách nhiệm thống nhất quản
lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn do mình quản lý.
2. Phân công trách nhiệm quản lý nhà
nước về chất lượng công trình xây dựng cho cơ quan chuyên môn về xây dựng trực
thuộc (Phòng Kinh tế và Hạ tầng hoặc Phòng Quản lý đô thị), theo dõi, kiểm tra
và kiến nghị xử lý các vấn đề có liên quan đến chất lượng công trình do UBND
cấp huyện quyết định đầu tư.
3. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa
công trình vào sử dụng đối với các công trình được phân cấp do mình tổ chức
thẩm định thiết kế; phối hợp kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử
dụng đối với các công trình mà thẩm quyền thẩm định thiết kế thuộc Sở Xây dựng
và các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn do mình quản lý.
4. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp về
chất lượng công trình đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng
bằng hoặc nhỏ hơn 250 m2, từ 2 tầng trở xuống khi có yêu cầu của một
trong các bên tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng theo điểm b khoản 2
Điều 29 Thông tư số 10/2013/TT-BXD trên địa bàn do mình quản lý.
5. Phối hợp với Sở Xây dựng trong
việc kiểm tra, đánh giá năng lực hoạt động và năng lực hành nghề của các tổ
chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn.
6. Tiếp nhận thông tin, xử lý và kiến
nghị xử lý các vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn do
mình quản lý; gửi tên và hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân đến Sở Xây dựng
hoặc các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để công bố theo quy định
tại Điều 46 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP.
7. Phối hợp, tham gia với Sở Xây dựng
và các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra chất lượng công
trình xây dựng trên địa bàn khi được yêu cầu.
8. Báo cáo sự cố và giải quyết sự cố
công trình theo quy định pháp luật hiện hành.
9. Báo cáo UBND tỉnh và Sở Xây dựng
về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình
xây dựng trên địa bàn định kỳ hàng năm (trước ngày 10 tháng 12) và đột xuất khi
có yêu cầu.
Điều 7. Trách nhiệm
của Ủy ban Nhân dân cấp xã
1. Chịu trách nhiệm quản lý chất
lượng các công trình do mình quyết định đầu tư, các dự án đầu tư xây dựng được
đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau kể cả nguồn vốn đóng góp, huy động của nhân
dân trên địa bàn.
2. Kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, xử
lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật và các quy định về giám sát cộng đồng
đối với các công trình xây dựng trên địa bàn do mình quản lý theo Quyết định số
80/2005/QĐ-TTg, ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế giám
sát đầu tư của cộng đồng (gọi tắt là Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg).
3. Báo cáo sự cố và giải quyết sự cố
theo quy định tại Điều 37, Điều 38 của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP.
4. Tổng hợp báo cáo tình hình chất
lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý gửi về
UBND cấp huyện để tổng hợp định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 11) và đột
xuất khi có yêu cầu.
Điều 8. Trách nhiệm
của chủ đầu tư xây dựng công trình
1. Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý
chất lượng công trình xây dựng từ khâu khảo sát, lập dự án, thiết kế kỹ thuật,
thiết kế bản vẽ thi công, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử
dụng, thanh quyết toán công trình, bảo hành công trình đảm bảo tuân thủ đúng
quy định pháp luật và đạt hiệu quả.
2. Lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều
kiện năng lực theo quy định pháp luật để thực hiện các công việc trong hoạt
động xây dựng. Khi lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư cần căn cứ năng lực, kinh
nghiệm của các nhà thầu được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Xây
dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công
trình xây dựng chuyên ngành và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những
thiệt hại do việc lựa chọn nhà thầu không đảm bảo điều kiện năng lực phù hợp
với công việc, với loại, cấp công trình theo quy định.
3. Thực hiện phân cấp, phân công
trách nhiệm quản lý chất lượng công trình một cách cụ thể đối với từng dự án
đầu tư xây dựng giữa chủ đầu tư với ban quản lý dự án hoặc với đơn vị tư vấn
quản lý dự án theo các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 2 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
4. Tổ chức kiểm tra thường xuyên, đảm
bảo đúng trình tự trong từng giai đoạn đầu tư xây dựng để kiểm soát chặt chẽ
chất lượng công trình và giám sát đầu tư các công trình xây dựng do mình làm
chủ đầu tư.
5. Có trách nhiệm thực hiện những quy
định tại Điều 16 Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg, ngày 18/4/2005 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng.
6. Lập báo cáo tình hình chất lượng
công trình theo mẫu Phụ lục 3 Thông tư số 10/2013/TT-BXD định kỳ hàng năm
(trước ngày 10 tháng 12) và đột xuất khi có yêu cầu, đồng gửi người quyết định
đầu tư và Sở Xây dựng để đơn vị này tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng
theo quy định.
Điều 9. Giám sát cộng
đồng về chất lượng công trình xây dựng
1. Giám sát cộng đồng được tổ chức
thực hiện theo quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng ban hành kèm theo Quyết
định số 80/2005/QĐ-TTg trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại nơi xây dựng công
trình (trừ các dự án thuộc diện bí mật quốc gia).
2. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng
được phép yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu cung cấp thông tin liên quan tới dự
án đầu tư xây dựng để theo dõi, giám sát nhằm kiểm soát và phát hiện các hành
vi gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, xâm hại lợi ích của cộng đồng hoặc
thất thoát vốn đầu tư xây dựng công trình.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 10. Xử lý chuyển
tiếp
Về phân cấp công trình xây dựng để
phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng:
1. Đối với các dự án đầu tư xây dựng
công trình được quyết định đầu tư trước ngày Thông tư số 10/2013/TT-BXD có hiệu
lực thi hành (ngày 09/9/2013) thì cấp công trình xây dựng được xác định theo
Quyết định đầu tư.
2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng
công trình được quyết định đầu tư sau ngày Thông tư số 10/2013/TT-BXD có hiệu
lực thi hành thì cấp công trình xây dựng được xác định theo Quy định của Thông
tư này và Thông tư số 09/2014/TT-BXD, ngày 10/7/2014 của Bộ Xây dựng sửa đổi,
bổ sung một số điều tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, ngày
06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Điều 11. Tổ chức
thực hiện
Trong quá trình triển khai thực hiện
Quy định, trường hợp cơ quan Nhà nước cấp trên ban hành các văn bản có quy định
khác nội dung Quy định này thì thực hiện theo văn bản của cơ quan nhà nước cấp
trên ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc đề nghị các
tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về Sở Xây dựng để được giải
quyết hoặc Sở Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.