NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN CÔNG NHẬN THÀNH PHỐ
VIỆT TRÌ LÀ ĐÔ THỊ LOẠI I TRỰC THUỘC TỈNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số
42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Căn cứ Thông tư số
34/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số
nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về
việc phân loại đô thị;
Sau khi xem xét Tờ trình số
4307/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2011 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị
thông qua Đề án công nhận thành phố Việt Trì là đô thị loại I trực thuộc tỉnh;
Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án công nhận thành phố Việt Trì
đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh
với các nội dung cơ bản sau:
I - MỤC TIÊU
CỦA ĐỀ ÁN
Xây dựng thành phố Việt Trì trở
thành đô thị phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; là trung tâm phát
triển kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ, du lịch và giáo dục của tỉnh
Phú Thọ và vùng.
II - CÁC GIẢI
PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN
1. Các giải pháp huy động vốn
đầu tư
- Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xây
dựng cơ chế chính sách để huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển và xã hội
hoá nguồn lực đầu tư; bao gồm các nguồn: ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh,
ngân sách thành phố, nguồn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Vận dụng cơ chế đặc thù, mời
gọi các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào các dự án công trình hạ tầng, công
trình công cộng, du lịch, kinh tế, xã hội có quy mô lớn.
- Tranh thủ sự giúp đỡ của
Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư.
2. Chương trình phát triển kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
- Tiếp tục tranh thủ các nguồn
lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Tiếp tục triển khai
các dự án xây dựng hệ thống giao thông nội thị và giao thông đối ngoại. Đối với
giao thông đô thị cần đầu tư tương đối đồng bộ và chú trọng đẩy nhanh tốc độ đô
thị hoá ở các địa bàn cấp xã; đồng thời giải quyết nhanh nhu cầu thoát nước đô
thị, xử lý rác thải, chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô
thị.
- Phát triển mạnh quỹ đất sạch
đáp ứng nhu cầu về nhà ở, dịch vụ để tăng thêm nguồn vốn đầu tư; nâng cấp các
khu nhà ở hiện có, chỉnh trang, cải tạo lại theo đồ án quy hoạch chi tiết.
- Đẩy mạnh thực hiện các chương
trình phát triển nhà ở, nhà ở cho người có thu nhập thấp và nhà ở cho sinh
viên; tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở theo dự án,
hình thành các khu ở, khu đô thị mới đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật. Tiếp
tục nâng cấp, cải tạo và chỉnh trang khu đô thị cũ trên địa bàn thành phố. Triển
khai thực hiện xây dựng thêm các khu mới: Khu đô thị phía Tây Nam, khu đô thị mới
phía Đông Nam, khu đô thị mới phía Bắc và khu đô thị mới phía Nam thành phố...
- Chú trọng việc phát triển hạ
tầng xã hội để đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hoá và tinh thần, tăng mức hưởng
thụ của nhân dân.
3. Chương trình phát triển
công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp
- Tập trung đầu tư hoàn chỉnh
khu công nghiệp Thuỵ Vân, cụm công nghiệp Bạch Hạc, các cụm công nghiệp hiện
có, hướng vào phát triển công nghiệp sạch, có hàm lượng công nghệ cao, không
gây ô nhiễm môi trường, tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào thu ngân
sách trên địa bàn.
- Đẩy nhanh tiến độ giải phóng
mặt bằng và xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.
- Đầu tư phát triển nhóm ngành
công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản (chế biến thực phẩm, sản xuất rượu, bia,
nước giải khát, bánh kẹo, chế biến gỗ…).
- Tập trung đẩy nhanh tốc độ
phát triển công nghiệp ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghệ tiên tiến, công
nghiệp sạch, ít gây ô nhiễm môi trường.
- Phát triển đa dạng các ngành
công nghiệp có lợi thế về lao động và có truyền thống, các ngành công nghiệp
công nghệ cao; kết hợp giữa đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ các cơ sở hiện
có và xây dựng mới các cơ sở có lợi thế về nguyên liệu, lao động và các ngành
công nghệ cao.
- Tập trung đầu tư vào các khu,
cụm công nghiệp đã được quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng để có điều kiện thu hút
các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài; di rời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm
môi trường nằm xen lẫn trong các khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp theo
quy hoạch; không mở rộng hoặc bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trong
thành phố.
- Xây dựng và phát triển thành
phố Việt Trì thành trung tâm của vùng về một số ngành công nghiệp như: chế tạo
máy, phụ tùng phục vụ nông lâm nghiệp, cơ khí đóng tàu thuỷ, may mặc…
4. Chương trình phát triển dịch
vụ thương mại và du lịch
- Triển khai đầu tư xây dựng
các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn và hiện đại, chợ đầu mối
gắn với sản xuất chế biến lâm sản; phát triển các loại hình dịch vụ thương mại
và du lịch chất lượng cao.
- Thực hiện các chương trình, dự
án bảo tồn di sản văn hoá, lịch sử; phục dựng các lễ hội truyền thống, phát triển
nội dung chương trình du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
-
Phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Ưu tiên
phát triển du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; tập trung đầu
tư vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng; khu du lịch Văn Lang, khu du lịch Bến Gót.
- Các dịch vụ khác (tài chính,
ngân hàng, bảo hiểm,…): Hình thành và phát triển thị trường vốn, thị trường bất
động sản, thị trường chứng khoán, công ty cho thuê tài chính. Khuyến khích phát
triển các hình thức giao dịch tín dụng ngân hàng, các dịch vụ thanh toán qua mạng
không dùng tiền mặt.
5. Nâng cao chức năng đô thị
Hoàn thiện các thiết chế văn
hoá, xã hội; đẩy mạnh đào tạo, dạy nghề, nhất là đào tạo nghề mới cho người lao
động để dần từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động ở trong nông nghiệp, tăng quỹ
dân số đô thị. Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động... để thành
phố Việt Trì ngày càng hoàn thiện chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa
học - kỹ thuật, hành chính, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao
thông, giao lưu trong nước, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội
của vùng.
6. Nâng cao năng lực quản lý
nhà nước về đô thị
- Tiếp tục triển khai các quy
hoạch đã được phê duyệt, quản lý chặt chẽ quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị;
quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
- Thực hiện điều chỉnh quy hoạch
chung thành phố cho phù hợp với tình hình mới; đẩy nhanh quy hoạch chi tiết các
phường, xã trong đó ưu tiên lập quy hoạch cho những xã sẽ phát triển thành phường;
quy hoạch chi tiết các khu chức năng của thành phố.
- Thực hiện tốt chính sách thu
hút cán bộ. Thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nhằm chuẩn hoá đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức để nâng cao trình độ quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản
lý điều hành của chính quyền đô thị. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất
lượng cao.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách
hành chính trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính.
Điều 2: Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn tất
hồ sơ, thủ tục báo cáo Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan thẩm định, trình
Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thành phố Việt Trì là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
- Thường trực Hội đồng nhân
dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra,
giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng
nhân dân tỉnh khoá XVII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2011.