HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 330/NQ-HĐND
|
Lâm Đồng, ngày 04
tháng 10 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH TỔNG THỂ QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ
ĐÀ LẠT VÀ VÙNG PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2045
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 19
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18
tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17
tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị
ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số
37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt
và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số
44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội
dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số
72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập,
thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP
ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy
hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 257QĐ-TTg
ngày 17 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh
tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045;
Xét Tờ trình số
8216/TTr-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị
quyết thông qua Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và
vùng phụ cận đến năm 2045; Báo cáo số 193/BC-BPC ngày 03 tháng 10 năm 2024 của
Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng
nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Thông qua Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ
cận đến năm 2045 với nội dung chủ yếu đính kèm.
Điều 2.
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Bộ Xây dựng thẩm định
và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định của pháp
luật.
Điều 3.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ
đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc
thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa X Kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 04 tháng 10 năm 2024
và có hiệu lực từ ngày thông qua./.
NỘI DUNG CHỦ YẾU
ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH TỔNG THỂ QUY HOẠCH CHUNG
THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT VÀ VÙNG PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2045
(Kèm theo Nghị quyết số 330/NQ-HĐND ngày 04 tháng 10 năm 2024 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
I. PHẠM VI LẬP
QUY HOẠCH
1. Phạm vi nghiên cứu
Vùng bán kính ảnh hưởng của
thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, bao gồm thành phố Đà Lạt và các huyện: Lạc
Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, với cao trình 850 mét trở lên.
2. Phạm vi lập quy hoạch
Toàn bộ địa giới hành chính
thành phố Đà Lạt và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, một phần huyện
Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với
cao trình 850 mét trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 336.067 ha.
II. THỜI HẠN
QUY HOẠCH
Thời hạn quy hoạch đến năm
2045; trong đó, giai đoạn ngắn hạn đến năm 2035.
III. MỤC
TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Cụ thể hóa những chiến lược,
định hướng phát triển của Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn
đến năm 2050, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa -
không gian đô thị - kiến trúc cảnh quan trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng
phụ cận. Tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết
các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao
thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng - an
ninh.
2. Kế thừa, tiếp tục triển khai
thực hiện các định hướng cơ bản, các nội dung của Quy hoạch chung thành phố Đà
Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ- TTg ngày 12 tháng 5 năm 2014 (sau đây gọi
tắt là Quy hoạch chung 704) vẫn còn phù hợp. Khai thác hiệu quả điều kiện tự
nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của thành phố Đà Lạt để phát triển thành phố hiện
đại, có bản sắc, tạo sức hấp dẫn của đô thị, từng bước nâng cao chất lượng đô
thị. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường,
thích ứng biến đổi khí hậu; hướng tới sự đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo,
chỉnh trang đô thị.
3. Làm cơ sở để chính quyền địa
phương và các tổ chức, đơn vị triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi
tiết các khu vực, lập các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Lạt
và vùng phụ cận theo quy định và là công cụ pháp lý để chính quyền các cấp quản
lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và sự phát triển của thành phố Đà Lạt
và vùng phụ cận theo quy hoạch được duyệt.
4. Bảo tồn và phát triển Đà Lạt
thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự
nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị phát triển du lịch - văn hóa - khoa học,
xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế. Phát triển đô thị đồng thời phát triển
theo hướng bền vững.
5. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát
triển mới của thành phố Đà Lạt phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên và của đất nước; trong đó, đón đầu những dự án sắp tới
của thành phố Đà Lạt, của tỉnh Lâm Đồng như đường cao tốc, cảng hàng không…
đang triển khai. Điều chỉnh quy hoạch lần này để đáp ứng nhu cầu hiện tại và
tương lai của thành phố cũng như giải quyết những vấn đề hạn chế, bất cập ách tắc
về giao thông, không gian đô thị đang bị phá vỡ đặc biệt là vùng lõi của thành
phố Đà Lạt.
IV. TÍNH CHẤT
Thành phố Đà Lạt là trung tâm
chính trị - hành chính, kinh tế - văn hóa, dịch vụ và đầu mối giao lưu kinh tế
quan trọng, là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc
gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ
cấp quốc gia; trung tâm giao thương quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu,
sản xuất nông nghiệp và bảo vệ sự đa dạng sinh học; đô thị có vị trí quan trọng
về an ninh - quốc phòng; trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, giải
trí cấp vùng và quốc gia. Thành phố Đà Lạt trở thành đô thị phát triển du lịch
cấp quốc gia và là đô thị có đặc trưng về di sản.
V. ĐỘNG LỰC
PHÁT TRIỂN
1. Phát triển nông nghiệp công
nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh và lâm nghiệp đặc thù.
2. Phát triển du lịch sinh thái
cảnh quan rừng, du lịch hỗn hợp, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng
chất lượng cao.
3. Phát triển đô thị, thương mại,
dịch vụ.
4. Phát triển giáo dục - đào tạo,
nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành.
5. Phát triển công nghiệp chế
biến, khai khoáng và năng lượng, công nghiệp công nghệ cao, tiểu thủ công nghiệp
và làng nghề.
VI. QUY MÔ
DÂN SỐ, ĐẤT ĐAI; CHỈ TIÊU CƠ BẢN VỀ HẠ TẦNG XÃ HỘI, HẠ TẦNG KỸ THUẬT
1. Quy mô dân số
a) Đến năm 2035: Khoảng
1.100.000 - 1.150.000 người; trong đó, dân số nông thôn khoảng 250.000 người.
b) Đến năm 2045: Khoảng
1.900.000 - 1.950.000 người; trong đó, dân số nông thôn khoảng 400.000 người.
2. Quy mô đất đai
a) Đến năm 2035: Quy mô đất xây
dựng đô thị khoảng 25.500 ha - 27.000 ha; trong đó, đất dân dụng khoảng 6.800
ha - 7.200 ha, đất xây dựng nông thôn khoảng 3.750 ha.
b) Đến năm 2045: Quy mô đất xây
dựng đô thị khoảng 45.000 ha - 46.500 ha; trong đó đất dân dụng khoảng 12.000
ha - 12.400 ha; đất xây dựng nông thôn khoảng 6.000 ha.
3. Chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng
xã hội, hạ tầng kỹ thuật
a) Chỉ tiêu đất dân dụng đô thị
đến năm 2045: Khoảng 80 m2/người.
b) Chỉ tiêu đất dân cư nông
thôn đến năm 2045: Khoảng 150 m2/người.
c) Chỉ tiêu đất giáo dục (trường
trung học phổ thông) đến năm 2045: 10 m2/học sinh.
d) Chỉ tiêu đất giao thông đến
năm 2045: Khoảng 14 m2 - 18 m2/người, mật độ đường 4 km -
6,5 km/km2.
đ) Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt
đô thị đến năm 2035: Khoảng 100 - 150 lít/người/ngày đêm; chỉ tiêu cấp nước
công nghiệp: 25 m3/ha. Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đô thị đến năm
2045: Khoảng 120 - 180 lít/người/ngày đêm; chỉ tiêu cấp nước công nghiệp: 25 m3/ha.
e) Chỉ tiêu thoát nước bẩn đến
năm 2035: Khoảng 80% lượng nước cấp. Chỉ tiêu thoát nước bẩn đến năm 2045: Khoảng
80% lượng nước cấp.
g) Tỷ lệ thu gom chất thải rắn
đến năm 2035: Khoảng 95 - 100%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đến năm 2045: 100%.
h) Chỉ tiêu cấp điện dân cư đô
thị đến năm 2035: Khoảng 400 - 1.100 Kwh/người/năm. Chỉ tiêu cấp điện dân cư đô
thị đến năm 2045: Khoảng 1.000 - 2.100 Kwh/người/năm.
i) Chỉ tiêu cấp điện dân cư nông
thôn đến năm 2035: Khoảng 500 Kwh/người/năm. Chỉ tiêu cấp điện dân cư nông thôn
đến năm 2045: Khoảng 1800 Kwh/người/năm.
k) Chỉ tiêu cấp điện khu công
nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2035: Khoảng 200 Kw/ha. Chỉ tiêu cấp điện
khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2045: Khoảng 200 Kw/ha.
VII. ĐỊNH HƯỚNG
PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ
1. Mô
hình và hướng phát triển
Định hướng phát triển không
gian thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận với 02 vùng Bắc - Nam. Phát triển theo mô
hình đa trung tâm với 02 đô thị trung tâm và 03 đô thị vệ tinh. 02 đô thị trung
tâm được kết nối trực tiếp bởi 02 trục giao thông theo hướng Bắc Nam. Các đô thị
vệ tinh và vùng chức năng được kết nối với các đô thị trung tâm dựa theo các đặc
trưng về tự nhiên, khí hậu, địa hình, tính chất đô thị cũng như các tiềm năng,
lợi thế từ đặc điểm cảnh quan của mỗi khu vực để hình thành các vùng phát triển
chuyên biệt.
a) Vùng phía Bắc: Đô thị trung
tâm gồm thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương (định hướng đến năm 2030, huyện Lạc
Dương sáp nhập vào thành phố Đà Lạt); tận dụng không gian cảnh quan tự nhiên và
địa hình để phát huy tối đa tiềm năng lãnh thổ và phát triển các khu chức năng
mới có tính đặc trưng. Là đô thị có vai trò lịch sử, bảo tồn di sản kiến trúc
và cảnh quan, là trung tâm, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm
Đồng. Là vùng phát triển đô thị và trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao có đặc
thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm khu
vực, quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.
b) Vùng phía Nam: Định hướng
vùng đô thị phía Nam gồm 04 đô thị: Đức Trọng, D’Ran, Thạnh Mỹ, Nam Ban; trong
đó, phát triển Đức Trọng trở thành đô thị hạt nhân của vùng phía Nam với 03 chức
năng chính là: Trung tâm sản xuất công nghệ cao; trung tâm tài chính, thương mại,
dịch vụ và trung tâm logistics cấp vùng. Định hướng trong tương lai trở thành
trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh; có vai trò là đầu mối giao
thương quốc tế của vùng, quốc gia và 03 đô thị vệ tinh. Thu hút sự phát triển
và giảm áp lực cho vùng đô thị trung tâm phía Bắc.
2. Định
hướng phát triển và cấu trúc không gian thành phố Đà Lạt
a) Định hướng đô thị:
Mở rộng không gian phát triển của
thành phố Đà Lạt về phía huyện Lạc Dương theo định hướng Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng
giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023, Nghị quyết số 26-NQ/TU
ngày 10 tháng 7 năm 2023 của Tỉnh ủy về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện,
cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Nghị quyết số 29-NQ/TU
ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Tỉnh ủy về điều chỉnh mục tiêu tại Nghị quyết định
số 26-NQ/TU.
b) Phân vùng phát triển:
Sau khi sáp nhập huyện Lạc
Dương vào thành phố Đà Lạt, tổ chức không gian đô thị thành phố Đà Lạt hình
thành 03 phân vùng phát triển; gồm: Vùng lõi, vùng đệm sinh thái và vùng bảo tồn
sinh thái, với 09 phân khu phát triển không gian chức năng: Khu đô thị trung
tâm lịch sử, Khu đô thị phía Đông, Khu đô thị phía Bắc, Khu đô thị phía Tây,
Khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, Khu nông nghiệp du lịch nghỉ dưỡng sinh
thái phía Đông, Khu du lịch sinh thái gắn với đa dạng sinh học, Khu đô thị xanh
Lạc Dương và Khu vực rừng tự nhiên.
Điều chỉnh tăng diện tích phát
triển 04 phân khu tại vùng lõi dựa trên những định hướng phân khu chức năng của
thành phố Đà Lạt, bao gồm: Phân khu đô thị lịch sử, phân khu phía Đông, phân
khu phía Tây và phân khu phía Bắc, nhằm lập các khu vực phát triển mới, khu vực
phát triển đô thị mở rộng nhằm phát huy dư địa phát triển và khai thác tiềm
năng phát triển đô thị cho thành phố.
c) Định hướng điều chỉnh ranh
giới phát triển đô thị:
- Đến năm 2030: Điều chỉnh mở rộng
ranh giới phát triển đô thị Đà Lạt đến một phần đô thị thuộc thị trấn Lạc
Dương.
- Đến năm 2045: Điều chỉnh ranh
giới phát triển đô thị đến một phần xã Xuân Thọ.
- Đến năm 2050: Thành phố Đà Lạt
trở thành quận nội thành của thành phố Lâm Đồng. Các khu vực phát triển đất ở mới
nằm trong ranh giới hành chính của các xã: Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm
Hành.
d) Định hướng phát triển không
gian đô thị:
(1) Phân khu 01 (Khu đô thị
trung tâm lịch sử):
- Diện tích: 1.768,35 ha, gồm
toàn bộ ranh giới Phường 1, Phường 2 và một phần ranh giới các phường: 3, 4, 5,
6, 7, 8, 9, 10.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 79.000 người; đến năm 2045 khoảng 90.000 người.
- Định hướng phát triển không
gian:
+ Kế thừa các định hướng phát
triển không gian theo Quy hoạch chung 704 thiết lập như: Trục di sản Đông -
Tây, trục cảnh quan sông, suối Cam Ly, hệ thống công viên, mặt nước, các khu chức
năng dịch vụ công cộng đô thị nhằm tạo lập tính chất đô thị di sản, tái tạo
không gian cảnh quan và cải thiện môi trường sống cũng như chất lượng không
khí.
+ Kế thừa và bổ sung định hướng
tạo lập khu vực đi bộ và không gian thương mại từ các khu vực Trung tâm thương
mại Hòa Bình - Quảng trường Lâm Viên, Công viên Yersin - Trục di sản Đông -
Tây, kết hợp hệ thống không gian công viên cây xanh, công viên chuyên đề và
không gian mở bao quanh hồ Xuân Hương, tạo lập không gian công cộng đô thị và
du lịch cho khu vực đô thị trung tâm lịch sử.
+ Định hướng quy hoạch cải tạo
không gian cảnh quan của hệ thống hồ lắng quanh hồ Xuân Hương với mục tiêu mở rộng
không gian cây xanh mặt nước tại khu vực trung tâm.
+ Định hướng mở rộng Công viên
Yersin gắn với hồ lắng phía đường Trần Quốc Toản và đường Yersin, kết nối với
Ga Đà Lạt với hệ thống kênh nước và mở rộng về phía đường Trần Hưng Đạo nhằm kết
nối trục di sản Đông - Tây với trục cảnh quan chính của đô thị.
+ Bổ sung một số không gian ngầm
với chức năng bãi đỗ xe kết hợp với thương mại dịch vụ tại một số khu vực (như
Công viên Ánh Sáng, Trần Quốc Toản, …), các khu vực vui chơi giải trí mang tính
chất mở tại một số khu vực quy hoạch công viên chuyên đề phục vụ cho cộng đồng
người dân và khách du lịch; đồng thời, giảm tải áp lực về hạ tầng cho khu vực
trung tâm hiện hữu.
(2) Phân khu 02 (Khu đô thị
phía Đông):
- Diện tích: 8.860,39 ha, gồm
toàn bộ ranh giới Phường 11, Phường 12; một phần ranh giới các phường: 3, 9, 10
và xã Xuân Thọ.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 104.900 người, đến năm 2045 khoảng 139.100 người.
- Định hướng phát triển không
gian:
+ Mở rộng không gian đô thị về
phía xã Xuân Thọ. Xây dựng khu đô thị kết hợp trung tâm thương mại - tài chính
kết hợp nhà ga mới, có hệ thống tiện ích đô thị được tích hợp nhằm giảm tải cho
khu vực trung tâm và tạo động lực phát triển kinh tế đa ngành cho thành phố Đà
Lạt.
+ Phát triển khu đô thị nghỉ dưỡng
được quy hoạch hệ thống chức năng trung tâm chăm sóc sức khỏe cấp quốc gia và
quốc tế. Tận dụng khả năng kết nối trực tiếp từ Sân bay Liên Khương và hệ thống
đường cao tốc mới CT.25, tuyến đường tránh Prenn - Xuân Thọ, hệ thống giao
thông công cộng (tramway - monorail) đã được quy hoạch để xây dựng một khu phức
hợp đô thị - nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe có khả năng tiếp cận thuận tiện
trong tương lai.
+ Bổ sung định hướng phát triển
không gian Khu du lịch hồ Prenn, Chợ Hoa, Trung tâm giới thiệu sản phẩm hoa của
vùng tại khu vực chân đèo Prenn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao
thương và vận chuyển hàng hóa.
(3) Phân khu 03 (Khu đô thị
phía Bắc):
- Diện tích: 4.796,79 ha, gồm một
phần ranh giới Phường 7, Phường 8 và một phần thị trấn Lạc Dương.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 70.000 người, đến năm 2045 khoảng 105.000 người.
- Định hướng phát triển không
gian:
+ Định hướng mở rộng về phía thị
trấn Lạc Dương, sáp nhập một phần thị trấn vào khu đô thị phía Bắc.
+ Phát triển hệ thống Trung tâm
giáo dục - đào tạo mới gồm: Làng đại học và Trung tâm huấn luyện quốc gia gắn với
khu vực hồ Đankia - Suối Vàng ở phía Bắc. Cải tạo, chỉnh trang hệ thống Trường
cao đẳng - đại học, Trung tâm nghiên cứu hiện hữu của khu vực.
+ Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp
nhà kính bên trong các thung lũng nông nghiệp hiện hữu thành các vùng nông nghiệp
sinh thái, với hạt nhân là làng hoa Hà Đông, nhân rộng mô hình canh nông sinh
thái - sử dụng công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông trong toàn bộ phân khu.
+ Bảo vệ không gian sinh thái,
cảnh quan tự nhiên của khu vực núi Langbiang; tạo lập hệ thống đường dạo sinh
thái bên trong khu bảo tồn sinh quyển Langbiang để thúc đẩy các hoạt động du lịch
khám phá và thu hút khách du lịch nước ngoài.
+ Xây dựng Tổ hợp thương mại -
dịch vụ, Hội chợ triển lãm tại Trung tâm du lịch dịch vụ Langbiang nhằm tạo động
lực phát triển đô thị và kết nối trực tiếp với Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối
Vàng.
(4) Phân khu 04 (Khu đô thị
phía Tây):
- Diện tích: 5.619,28 ha, gồm hầu
hết ranh giới Phường 5 và một phần ranh giới các phường: 4, 6, 7.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 56.000 người, đến năm 2045 khoảng 100.000 người.
- Định hướng phát triển không
gian:
+ Mở rộng đô thị về phía Tây,
chuyển đổi chức năng khu vực sân bay quân sự và các không gian nông nghiệp nhà
kính quanh sân bay sang chức năng đô thị, khai thác lợi thế kết nối giao thông
giữa đường Trường Sơn Đông và QL.20 tạo lập không gian cửa ngõ phía Tây cho
thành phố Đà Lạt.
+ Kế thừa các định hướng Quy hoạch
chung 704 về phát triển trung tâm dịch vụ thương mại, giải trí, du lịch hỗn hợp,
du lịch cảnh quan, du lịch nông nghiệp sinh thái đô thị.
+ Tạo lập không gian về nghệ
thuật và sáng tạo tại khu vực sân bay nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển đô
thị Đà Lạt trở thành một thành phố về nghệ thuật sáng tạo. Xây dựng Trung tâm
sáng tạo âm nhạc; giáo dục kết hợp biểu diễn âm nhạc; xây dựng Trung tâm sản xuất
âm nhạc; Bảo tàng âm nhạc; Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật tổng hợp (văn
học, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, trình diễn….) cùng với phát triển
đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch chủ đề âm nhạc; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ
thuật đáp ứng những sự kiện âm nhạc - nghệ thuật lớn tổ chức trên địa bàn thành
phố.
+ Cải tạo mở rộng không gian chức
năng của Trường Cao đẳng du lịch Đà Lạt, trở thành hạt nhân cho khu vực đô thị
phụ trợ cho Trung tâm giáo dục - đào tạo du lịch dịch vụ phía Tây thành phố. Đề
xuất tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của Trường Cao đẳng du lịch Đà Lạt để phát
triển thành một trung tâm đào tạo về ngành du lịch dịch vụ của vùng và tỉnh. Tạo
ra ngành đào tạo đặc trưng của địa phương trong tương lai.
+ Tạo lập không gian cây xanh cảnh
quan đa chức năng, là không gian cách ly ven suối Cam Ly, kết hợp chức năng
công viên bán ngập và là vùng chuyển tiếp cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nông
nghiệp và cảnh quan cây xanh mặt nước trong đô thị của thành phố Đà Lạt.
+ Phát triển tuyến đường Trường
Sơn Đông đoạn qua thành phố trở thành tuyến đường vành đai mới của thành phố Đà
Lạt. Các cụm dân cư gắn với thương mại, dịch vụ phục vụ du lịch canh nông, sinh
thái rừng gắn với khai thác giá trị mới được định hướng phát triển theo cụm, tạo
lập khoảng cây xanh ngăn cách để tránh việc phát triển đô thị bám sát mặt đường,
lưu giữ hình ảnh con đường sinh thái và hình ảnh đô thị rừng trong thành phố -
thành phố trong rừng.
(5) Phân khu 05 (Khu du lịch
nghỉ dưỡng chất lượng cao):
- Diện tích: 7.812,35 ha, gồm
toàn bộ ranh giới xã Tà Nung, toàn bộ ranh giới Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền
Lâm và một phần ranh giới Phường 3, Phường 4.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035 khoảng
30.000 người, đến năm 2045 khoảng 57.000 người.
- Định hướng phát triển không
gian:
+ Tạo lập hình ảnh cửa ngõ phía
Nam của thành phố với hình ảnh một thành phố du lịch trong thiên nhiên. Bảo vệ
không gian rừng và mặt nước đặc trưng của khu vực. Hệ thống công trình du lịch
nghỉ dưỡng xây dựng với mật độ và tầng cao thấp, sử dụng vật liệu hài hòa với cảnh
quan tự nhiên. Tạo các hành lang rừng tự nhiên kết nối đa dạng sinh học của hồ
Tuyền Lâm và các không gian tự nhiên lân cận.
+ Mở rộng không gian của phân
khu du lịch nghỉ dưỡng về phía Tà Nung, quy hoạch mở thêm 01 tuyến kết nối mới
từ thành phố Đà Lạt về phía Tà Nung nhằm tăng cường kết nối từ thành phố tới
khu vực phía Tây Nam và đô thị Nam Ban trong tương lai.
+ Khai thác yếu tố tiềm năng về
không gian cảnh quan thiên nhiên, địa hình, dân cư hiện hữu tại khu vực Thôn 4,
xã Tà Nung để định hướng phát triển các mô hình mang nét đặc trưng Cao nguyên
Lâm Viên của vùng Tây Nguyên, có chức năng hỗn hợp bao gồm các hoạt động du lịch
văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, khu dân cư sinh thái từ các quỹ đất nông nghiệp
kém hiệu quả nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc riêng về văn hóa, con người và tạo
dư địa phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đồng thời, xây dựng đặc
trưng về di sản văn hóa, thiên nhiên tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.
(6) Phân khu 06 (Khu nông nghiệp
du lịch nghỉ dưỡng sinh thái phía Đông):
- Diện tích: 26.929,09 ha, gồm
toàn bộ ranh giới các xã: Xuân Trường, Trạm Hành và một phần ranh giới xã Xuân
Thọ, xã Đạ Sar.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 31.000 người, đến năm 2045 khoảng 50.000 người.
- Định hướng phát triển không
gian: Tạo lập các mô hình làng đô thị xanh, các khu du lịch nghỉ dưỡng, thương
mại dịch vụ sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với không gian rừng và nông nghiệp
hiện hữu của khu vực. Nhấn mạnh không gian cảnh quan của rừng và tạo lập không
gian sống, nghỉ dưỡng và du lịch khám phá cảnh quan tự nhiên hài hòa với thiên
nhiên. Tạo lập cảnh quan đặc trưng về một vùng đô thị kết hợp du lịch sinh thái
nông nghiệp tự nhiên của Đà Lạt.
(7) Phân khu 07 (Khu du lịch
sinh thái gắn với đa dạng sinh học):
- Diện tích: 21.864,25 ha, gồm
toàn bộ ranh giới xã Lát, toàn bộ ranh giới Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối
Vàng và một phần ranh giới Phường 7, thị trấn Lạc Dương.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 15.000 người, đến năm 2045 khoảng 30.000 người.
- Định hướng phát triển không
gian:
+ Kế thừa các định hướng quy hoạch
của Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng đã được phê duyệt về định hướng
phát triển điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực Tây Nguyên và tỉnh Lâm Đồng.
Phát triển các sản phẩm du lịch bao gồm: Nghỉ dưỡng, sinh thái, golf, thể thao,
vui chơi giải trí công nghệ cao, phát triển các sản phẩm văn hóa có tính đặc
trưng bản địa, khai thác đặc trưng khí hậu, cảnh quan và nông nghiệp của khu vực.
+ Tổ chức không gian kiến trúc
cảnh quan trên cơ sở kết hợp các yếu tố cảnh quan đặc thù trong khu vực như địa
hình đồi núi, cảnh quan hồ thượng nguồn, hồ Đankia - Suối Vàng, cảnh quan đồi
thông và các yếu tố văn hóa bản địa.
+ Xây dựng các khu du lịch mật
độ thấp, lấy yếu tố cây xanh làm nền cho các không gian kiến trúc. Tạo lập
không gian mặt nước trải dài từ Bắc xuống Nam và tạo lập các không gian chuyển
tiếp cảnh quan.
+ Bảo vệ không gian mặt nước hồ
Đankia - Suối Vàng, là cảnh quan chung của khu du lịch, bố trí các công trình dựa
trên nguyên tắc bố trí sau hành lang cây xanh cảnh quan ven hồ.
(8) Phân khu 08 (Khu đô thị
xanh Lạc Dương):
- Diện tích: 25.045,50 ha, gồm
một phần ranh giới các xã: Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 15.000 người, đến năm 2045 khoảng 33.000 người.
- Định hướng phát triển không
gian:
+ Tạo lập mô hình làng đô thị
xanh cho các điểm dân cư nông thôn kiểu mới, đề cao tính chất sinh thái tự
nhiên, kiến tạo môi trường, khí hậu đặc trưng của Đà Lạt và tạo lập mô hình rừng
trong phố - phố trong rừng.
+ Tổ chức không gian cấu trúc
làng xanh kết hợp với hình ảnh đặc trưng của khu vực là các yếu tố tự nhiên để
hình thành các cụm đô thị nghỉ dưỡng riêng biệt tại Đà Lạt.
+ Tạo lập điểm dân cư mới tại
xã Đạ Sar gắn với tuyến đường vành đai mới của thành phố Đà Lạt, tạo động lực
phát triển đô thị cho khu vực phía Đông Bắc của huyện Lạc Dương.
+ Quy hoạch tuyến đường kết nối
giữa Đạ Sar về phía thành phố Đà Lạt, kết nối với khu vực hồ Than Thở và phân
khu phía Đông của thành phố.
+ Tổ chức hệ thống du lịch nghỉ
dưỡng, du lịch sinh thái dưới tán rừng dọc theo tuyến QL.27C và hồ Đa Nhim Thượng,
khai thác cảnh quan tự nhiên và địa hình, khí hậu đặc trưng của địa phương.
+ Xây dựng các khu du lịch mật
độ thấp, lấy yếu tố cây xanh làm nền cho các không gian kiến trúc. Tạo lập
không gian mặt nước trải dài từ Bắc xuống Nam và tạo lập các không gian chuyển
tiếp cảnh quan.
(9) Phân khu 09 (Khu vực rừng tự
nhiên):
- Diện tích: 67.816,85 ha, gồm toàn
bộ ranh giới vùng bảo tồn của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (toàn bộ ranh giới
xã Đưng K’nớ, một phần ranh giới xã Lát, xã Đa Nhim và xã Đạ Chais).
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 2.600 người, đến năm 2045 khoảng 2.900 người.
- Định hướng tổ chức không
gian:
+ Kế thừa các định hướng bảo tồn
và phục hồi rừng tự nhiên của Quy hoạch chung 704.
+ Bổ sung chức năng tổ chức các
hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học
của khu vực.
+ Không thực hiện các hoạt động
nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Đối với
khu vực nằm bên ngoài rừng Bidoup - Núi Bà, bổ sung định hướng phát triển các
khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với tự nhiên đảm bảo không gây ảnh hưởng
xấu tới hệ sinh thái của rừng.
+ Quy hoạch công viên hoang dã,
giải trí dưới tán rừng, tổ chức các tuyến đường mòn với chức năng khám phá nhằm
khai thác cảnh quan tự nhiên và đặc trưng rừng nguyên sinh của khu vực, tạo lập
điểm đến mới thu hút cho du khách.
+ Bổ sung, nâng cấp hệ thống tiện
ích, hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển khu vực dân cư nông thôn, nâng cao chất
lượng đời sống người dân trong khu vực.
VIII. ĐỊNH
HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ TRONG VÙNG PHỤ CẬN
1. Định
hướng phát triển không gian vùng phụ cận
Quy hoạch điều chỉnh hệ thống
đô thị trong vùng phụ cận với 04 đô thị, gồm: Đô thị Đức Trọng, đô thị Thạnh Mỹ,
đô thị D’Ran và đô thị Nam Ban.
Đô thị Đức Trọng được quy hoạch
từ cụm đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương - Finôm và đô thị Đại Ninh nhằm phù hợp
với định hướng Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng. Đức Trọng trở thành đô thị hạt nhân của
vùng phụ cận, san sẻ chức năng trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh với
thành phố Đà Lạt. Đức Trọng sẽ phát triển dựa trên 03 trụ cột chính là: Trung
tâm hành chính - chính trị, Trung tâm đầu mối giao thông đối ngoại và Trung tâm
tài chính - thương mại dịch vụ của tỉnh Lâm Đồng.
Định hướng phát triển các cực
đô thị đa chức năng tại vùng phụ cận của thành phố Đà Lạt, sử dụng mô hình phát
triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm tại các đô thị vệ tinh nhằm
tăng cường khả năng kết nối tới thành phố Đà Lạt, tận dụng hệ thống hạ tầng
giao thông hiện hữu cũng như được quy hoạch như sân bay, tàu điện, đường cao tốc
để thúc đẩy sự phát triển của khu vực.
Phát triển hệ thống đô thị tuyến
tính dựa vào các trục đường QL.20, QL.27 và đường Trường Sơn Đông, định hướng
phát triển các đô thị vùng phụ cận gắn với hệ thống suối Cam Ly và sông Đa
Nhim. Tạo lập hệ thống đô thị liên kết với dòng sông, mặt nước và định hình hai
trục cảnh quan liên kết hệ sinh thái giữa các đô thị.
Kế thừa những thành quả của các
quy hoạch chung đã được địa phương lập 04 đô thị trong vùng phụ cận bao gồm: Đô
thị Đức Trọng, đô thị Thạnh Mỹ, đô thị D’Ran và đô thị Nam Ban và nghiên cứu giải
quyết những bất cập của cụm đô thị Finôm - Thạnh Mỹ, Liên Nghĩa - Prenn đã được
định hướng quy hoạch trước đây; trong đó, đô thị Đức Trọng là trung tâm của mô
hình phát triển đô thị, lấy giao thông công cộng làm trung tâm của vùng phụ cận,
trở thành cực đối trọng, hỗ trợ và chia sẻ áp lực hạ tầng cho thành phố Đà Lạt.
2. Định
hướng phát triển không gian các đô thị trong vùng phụ cận
a) Đô thị Đức Trọng:
- Diện tích: 90.313,64 ha, gồm
toàn bộ diện tích hành chính của huyện Đức Trọng.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 308.800 người, đến năm 2045 khoảng 651.800 người.
- Định hướng phát triển không
gian:
+ Gộp các cụm đô thị vệ tinh
theo Quy hoạch chung 704 (đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương, đô thị Đại Ninh)
thành đô thị Đức Trọng; điều chỉnh đô thị Finôm - Thạnh Mỹ thành đô thị Thạnh Mỹ,
huyện Đơn Dương và phần diện tích Finôm nhập vào đô thị Đức Trọng.
+ Kế thừa định hướng phát triển
không gian của đô thị Đức Trọng với toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Đức
Trọng hiện nay.
+ Kế thừa định hướng phát triển
đô thị hỗn hợp theo mô hình nén dọc theo QL.20 về phía Nam với sông Đa Nhim.
Đưa sông Đa Nhim trở thành trục cảnh quan của đô thị và kết nối với Khu du lịch
hồ Đại Ninh ở phía Nam.
+ Bổ sung các không gian cảnh
quan, môi trường, tạo đô thị ven sông có bản sắc và có khả năng thích ứng với
biến đổi khí hậu cho khu vực sông Đa Nhim đoạn đi qua đô thị Đức Trọng. Tạo ra
vùng đệm sinh thái cho phép ngập lũ và mở rộng diện tích mặt nước cho đô thị.
Hình thành công viên sinh thái bán ngập ven sông Đa Nhim.
+ Bổ sung những định hướng phát
triển không gian của quy hoạch chung đô thị Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đến năm
2045 với định hướng phát triển đô thị theo cấu trúc phát triển đô thị lấy giao
thông công cộng làm trung tâm, là trung tâm đầu mối giao thông đa phương thức với
hệ thống đô thị sân bay, đô thị gắn với các trung tâm giao thông đa phương thức
và sử dụng giao thông công cộng trong phát triển đô thị.
+ Kế thừa định hướng tổ chức
không gian chủ đạo theo QL.20 và ĐT.724 kết nối QL.20, QL.28B đi Bình Thuận. Tổ
chức không gian ở đô thị mật độ thấp, cấu trúc đô thị gồm 02 cụm đô thị gắn với
QL.20 và hồ Đại Ninh.
+ Định hướng tổ chức không gian
chức năng logistics, kho bãi gắn với cảng cạn, cảng hàng không Liên Khương và hệ
thống đường cao tốc nhằm tận dụng lợi thế về vị trí cũng như khả năng tiếp cận
của khu vực trong tương lai.
+ Định hướng quy hoạch các khu,
cụm công nghiệp theo những vị trí đã được đề xuất của quy hoạch tỉnh Lâm Đồng
nhằm đồng bộ và tận dụng tối đa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong các khu chức
năng.
+ Điều chỉnh ranh giới nội ngoại
thị Đức Trọng: Kế thừa định hướng sắp xếp đơn vị hành chính, phân cấp đô thị của
quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đối với huyện Đức Trọng
(là đô thị loại II trong tầm nhìn tới năm 2050) và định hướng sắp xếp đơn vị
hành chính của huyện Đức Trọng theo Đề án thành lập thị xã trên địa bàn toàn
huyện.
b) Đô thị Thạnh Mỹ:
- Diện tích: 6.841,6 ha, gồm
toàn bộ diện tích hành chính thị trấn Thạnh Mỹ, xã Đạ Ròn, xã Lạc Lâm, một phần
xã Ka Đô và xã Pró (xã Quảng Lập).
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 53.900 người, đến năm 2045 khoảng 111.000 người.
- Định hướng phát triển không
gian:
+ Kế thừa các định hướng chính
trong phát triển không gian của Quy hoạch chung 704 với đô thị Thạnh Mỹ và các
trung tâm thương mại dịch vụ, chợ đầu mối nông sản nhằm tạo điều kiện cho các
hoạt động giao thương nông lâm sản của địa phương và là động lực phát triển cho
khu vực trung tâm đô thị Thạnh Mỹ.
+ Định hướng mở rộng không gian
đô thị Thạnh Mỹ theo hướng Bắc - Nam về phía Đạ Ròn - Ka Đơn - Ka Đô với mục
tiêu tạo lập đô thị với trục cảnh quan chính là sông Đa Nhim.
+ Định hướng tổ chức không gian
đô thị Thạnh Mỹ phát triển về hướng sông Đa Nhim, tạo lập không gian đô thị hướng
sông và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch canh
nông, sinh thái dọc sông Đa Nhim; định hướng quy hoạch chỉnh trang dân cư, hạ tầng
kĩ thuật, đồng thời quy hoạch bố trí thêm khu đất hỗn hợp và công viên vui chơi
giải trí nhằm tạo động lực phát triển đô thị và giảm mật độ xây dựng dọc theo
khu vực đường QL.27.
+ Định hướng tổ chức Trung tâm
nghiên cứu - đào tạo tại khu vực Ka Đơn gắn với vùng nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao phía Nam huyện Đơn Dương tạo động lực phát triển đô thị phía Nam của
Thạnh Mỹ.
+ Định hướng tạo lập vùng đệm cảnh
quan với chức năng là không gian phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại phía
Đạ Ròn nhằm bảo vệ cấu trúc các cụm đô thị, tránh việc phát triển dàn trải dọc
theo các tuyến đường giao thông.
+ Tạo lập các hành lang cảnh
quan sinh thái dựa trên hệ thống kênh suối hiện trạng kết nối với sông Đa Nhim
và hệ thống cảnh quan theo trục Bắc - Nam của huyện Đơn Dương.
+ Định hướng quy hoạch các khu,
cụm công nghiệp theo những vị trí đã được đề xuất của Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng,
quy hoạch vùng huyện Đơn Dương nhằm đồng bộ và tận dụng tối đa hệ thống hạ tầng
kỹ thuật trong các khu chức năng.
c) Đô thị D’Ran:
- Diện tích: 13.691,13 ha, gồm
toàn bộ ranh giới hành chính thị trấn D’Ran.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 23.100 người, đến năm 2045 khoảng 47.580 người.
- Định hướng phát triển không
gian:
+ Kế thừa định hướng tổ chức
không gian phát triển đô thị theo trục giao thông QL.20 và QL.27, tại nút giao
giữa QL.20 và QL.27, kiến tạo sông Đa Nhim làm trục cảnh quan chính của đô thị.
+ Bổ sung chức năng khu công
viên ngập nước tại vùng xả lũ sông Đa Nhim nhằm tạo lập không gian cảnh quan đô
thị.
+ Tổ chức không gian phát triển
đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm với hạt nhân là nhà ga đường sắt
D’Ran, bố trí hệ thống cụm thương mại dịch vụ, hạ tầng du lịch, vui chơi giải
trí kết hợp Trung tâm trung chuyển giao thông đa phương thức trong bán kính
500m tạo động lực phát triển các ngành dịch vụ và đô thị cho khu vực D’Ran.
d) Đô thị Nam Ban:
- Diện tích: 4.050,83 ha.
- Quy mô dân số: Đến năm 2035
khoảng 25.600 người, đến năm 2045 khoảng 52.700 người.
- Định hướng tổ chức không
gian:
+ Định hướng phát triển “Làng
đô thị xanh” Nam Ban - vùng phát triển đô thị sinh thái phụ trợ của thành phố
Đà Lạt.
+ Phát triển không gian dựa
trên hệ thống mạng lưới nước mặt và sông Cam Ly. Tạo lập các vùng đệm cảnh quan
dọc theo hệ thống mặt nước nhằm tạo lập không gian sinh thái và đa dạng sinh học
cho khu vực, là không gian kết nối cảnh quan của các cụm đô thị làng xanh.
+ Phát triển theo trục vành đai
kết nối vùng đô thị theo đường Đông Trường Sơn.
+ Bổ sung tuyến Tà Nung 02 kết
nối thành phố Đà Lạt nhằm giảm tải cho khu vực đèo Tà Nung hiện hữu.
+ Định hướng xây dựng thêm 01
tuyến đường kết nối từ Nam Ban đi Đức Trọng, tăng cường kết nối từ Nam Ban tới
hệ thống đường cao tốc CT.26, CT.27 trong tương lai.
+ Quy hoạch trung tâm giao
thông đa phương thức mới kết hợp trung tâm thương mại dịch vụ làm động lực phát
triển đô thị.
+ Nâng cao khả năng kết nối
Đông - Tây của đô thị Nam Ban với các xã phụ cận.
+ Tổ chức các vùng nông nghiệp
sinh thái kết hợp du lịch canh nông tại các vùng nguyên liệu chính của khu vực
như khu vực đồi chè tại xã Mê Linh và các vùng nguyên liệu, làng nghề tại Nam
Ban và các xã phụ cận.
IX. ĐỊNH HƯỚNG
KHUNG THIẾT KẾ ĐÔ THỊ TỔNG THỂ
1. Các
phân vùng phát triển
a) Vùng phát triển đô thị:
- Thành phố Đà Lạt mở rộng: Xây
dựng thành phố với hình ảnh đặc trưng về di sản kiến trúc và tự nhiên.
- Đô thị Đức Trọng: Xây dựng
thành phố mới hiện đại, gắn với sông Đa Nhim.
- Đô thị Thạnh Mỹ: Xây dựng đô
thị với hình ảnh nông nghiệp sinh thái, gắn kết cảnh quan nông nghiệp trong đô
thị.
- Đô thị D’Ran: Xây dựng đô thị
với hình ảnh sinh thái, gắn kết với cảnh quan rừng, núi và mặt nước cùng với mô
hình làng đô thị xanh.
- Đô thị Nam Ban: Xây dựng đô
thị với hình ảnh sinh thái, tạo lập các cụm dân cư theo mô hình làng đô thị
xanh.
b) Vùng nông nghiệp và phát triển
nông thôn: Lưu giữ không gian nông nghiệp của vùng phía Nam tại Đức Trọng, Đơn
Dương và các xã Đông Thanh, Mê Linh, Gia Lâm và Nam Hà, phát triển không gian
nông nghiệp chất lượng cao với hệ thống công nghệ mới, đem lại hình ảnh nông
nghiệp hiện đại và không làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu vực.
c) Vùng cảnh quan rừng: Bảo vệ
không gian rừng phòng hộ và phát triển hệ thống rừng sản xuất theo mô hình kết
hợp nông - lâm nghiệp và khai thác du lịch - dịch vụ theo phương hướng khai
thác kinh tế dưới tán rừng. Cho phép các khu vực du lịch dịch vụ phát triển
theo mô hình sinh thái, sử dụng kiến trúc địa phương, hài hòa với không gian cảnh
quan rừng và tạo lập môi trường sống sinh thái.
d) Vùng bảo tồn cảnh quan rừng:
Khu bảo tồn sinh quyển Bidoup - Núi Bà và núi Langbiang. Định hướng lưu giữ tối
đa cảnh quan tự nhiên.
đ) Vùng phát triển du lịch:
Khai thác các khu vực có cảnh quan rừng, mặt nước và địa hình, khí hậu của khu
vực để phát triển các khu du lịch chất lượng cao, mang hình ảnh tự nhiên đặc
trưng của khu vực.
e) Vùng nông nghiệp sinh thái:
Phát triển hệ thống nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch canh nông tại thành
phố Đà Lạt, đồi chè Mê Linh tại Nam Ban và dọc sông Đa Nhim tại Đơn Dương. Tại
những khu vực này cho phép xây dựng một số công trình phục vụ du lịch sinh thái
và du lịch canh nông với mật độ xây dựng các công trình trên và hệ thống nhà
kính công nghệ cao không quá 20% diện tích đất nông nghiệp trong vùng nông nghiệp
sinh thái của từng địa phương.
2. Các trục
không gian chủ đạo của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận
Định hướng các trục không gian
chủ đạo của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận dựa trên cơ sở kế thừa Quy hoạch
chung 704 và bổ sung các trục không gian mới và điều chỉnh một số trục không
gian.
a) Kế thừa Quy hoạch chung 704
các trục không gian chính: Trục di sản Đông - Tây; trục Mimosa - Prenn; tuyến nối
từ trục di sản lên hồ Đankia và Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.
b) Bổ sung các trục không gian
mới: Trục Trường Sơn Đông; trục vành đai đô thị thành phố Đà Lạt mở rộng; trục
CT.25 và CT.27; trục QL.27; trục QL.27C; trục đường vành đai đô thị Đức Trọng -
Thạnh Mỹ; trục ven sông Đa Nhim.
c) Các trục không gian không
còn phù hợp với định hướng phát triển bao gồm: Trục vành đai nối các đô thị; trục
vành đai Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
3. Xác định
các trục cảnh quan chính
Các trục không gian cây xanh chủ
đạo được quy hoạch dựa trên 02 hành lang mặt nước chính, gồm: Sông, suối Cam Ly
và sông Đa Nhim.
Điều chỉnh bổ sung quy định về
chiều rộng tối thiểu của hành lang bảo vệ mặt nước tại những khu vực đi qua đô
thị còn 10 mét (Quy hoạch chung 704 xác định 30 mét).
4. Định hướng
quy định mật độ xây dựng - tầng cao xây dựng
a) Mật độ xây dựng:
- Xác định mật độ xây dựng cho
toàn bộ vùng nghiên cứu.
- Điều chỉnh mật độ xây dựng
cho từng phân khu, thống nhất sử dụng mật độ xây dựng gộp cho toàn bộ các phân
khu trong đồ án thay thế cho mật độ xây dựng thuần được xác định trong Quy hoạch
chung 704.
- Điều chỉnh tăng mật độ xây dựng
cho các phân khu phát triển đô thị tại thành phố Đà Lạt, Đức Trọng để phù hợp với
yêu cầu phát triển thực tế của đô thị.
b) Tầng cao, chiều cao xây dựng:
- Kế thừa các định hướng xác định
tầng cao xây dựng tại phân khu đô thị trung tâm lịch sử hiện hữu của thành phố
Đà Lạt.
- Bổ sung hướng dẫn xác định tầng
cao, chiều cao tối đa của các công trình điểm nhấn trong vùng lõi của khu đô thị
trung tâm lịch sử hiện hữu.
- Điều chỉnh tăng tầng cao, bổ
sung chiều cao tối đa tại các phân khu đô thị phía Bắc, phía Tây, phía Đông của
thành phố Đà Lạt và đô thị Đức Trọng, đô thị Thạnh Mỹ.
X. ĐỊNH HƯỚNG
PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG GIAO THÔNG
1. Định
hướng phát triển hệ thống giao thông
Giao thông đối ngoại, hệ thống
giao thông cấp quốc gia như: Đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, sân bay, cảng
cạn,… được thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt.
a) Đường bộ:
- Đường cao tốc (đoạn qua tỉnh
Lâm Đồng):
+ Cao tốc CT.25, Nha Trang
(Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng): Điểm đầu giáp ranh tỉnh Khánh Hòa và huyện
Lạc Dương, điểm cuối giao với cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (CT.27, chân đèo
Prenn, thành phố Đà Lạt), quy mô 04 làn xe.
+ Cao tốc CT.26, Liên Khương
(Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk): Điểm đầu giao với cao tốc Dầu Giây - Liên
Khương, huyện Đức Trọng, điểm cuối giáp ranh tỉnh Đắk Lắk và huyện Đam Rông,
quy mô 04 làn xe.
+ Cao tốc CT.27, Dầu Giây (Đồng
Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng): Đoạn 01 với điểm đầu Km 203+600 QL.20, huyện Đức
Trọng và điểm cuối Km 222+820 QL.20, thành phố Đà Lạt, quy mô 04 làn xe; đoạn 2
với điểm đầu giáp ranh tỉnh Đồng Nai và huyện Đạ Huoai, điểm cuối giao với cao
tốc Liên Khương - Prenn, huyện Đức Trọng, quy mô 04 làn xe.
Ngoài ra, quy hoạch các nút
giao liên thông để kết nối các tuyến cao tốc với các tuyến quốc lộ và mạng lưới
giao thông của tỉnh.
- Đường Quốc lộ (đoạn qua tỉnh
Lâm Đồng):
+ QL.20: Điểm đầu giáp ranh tỉnh
Đồng Nai và huyện Đạ Huoai và điểm cuối giao với QL.27, huyện Đơn Dương, quy mô
02-04 làn xe, cấp III.
+ QL.27: Điểm đầu giáp ranh tỉnh
Đắk Lắk ở cầu Krông Nô, huyện Đam Rông và điểm cuối giáp ranh tỉnh Ninh Thuận
và huyện Đơn Dương, quy mô 02-04 làn xe, cấp III- IV.
+ QL.27C: Điểm đầu giáp ranh tỉnh
Khánh Hoà và xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương và điểm cuối Km 239+500 của QL.20,
thành phố Đà Lạt, quy mô 02-04 làn xe, cấp III - IV.
+ QL.28B: Điểm đầu giáp ranh tỉnh
Bình Thuận và huyện Đức Trọng và điểm cuối giao với QL.20, huyện Đức Trọng, quy
mô 02 làn xe, cấp IV.
+ Đường Trường Sơn Đông: Điểm đầu
giáp ranh tỉnh Đắk Lắk và huyện Lạc Dương và điểm cuối thành phố Đà Lạt, quy mô
02-04 làn xe, cấp III - IV.
- Đường tỉnh, đường vành đai đô
thị: Nâng cấp cải tạo, quy hoạch mới đảm bảo tối thiểu quy mô cấp IV miền núi,
02-04 làn xe, đối với đường vành đai đô thị quy mô theo quy hoạch đô thị.
- Đường huyện: Các tuyến đường
huyện được quy hoạch quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp IV, cải tạo nâng
cấp xây dựng đến trung tâm các xã, kết nối với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh tạo
thành mạng giao thông hoàn chỉnh.
b) Đường sắt: Đường sắt quốc
gia, đến năm 2030, phấn đấu khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
c) Đường hàng không: Nâng cấp cảng
hàng không Liên Khương đạt tiêu chuẩn 4E là cảng hàng không quốc tế, đến năm
2030 công suất 05 triệu hành khách/năm, quy mô dự kiến 340,84 ha; đến năm 2050
công suất 07 triệu hành khách/năm, quy mô dự kiến là 486,84 ha.
d) Mạng lưới cảng cạn: Định hướng
đầu tư xây dựng 01 cảng cạn thuộc địa phận huyện Đức Trọng với quy mô 05-10 ha
để phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nông sản.
2. Giao
thông đô thị
Quy hoạch, điều chỉnh các tuyến
đường đô thị đảm bảo theo quy định hiện hành và phù hợp với chức năng đất, địa
hình và hạn chế sự giao cắt với tuyến đường sắt đảm bảo an toàn.
a) Giao thông tại thành phố Đà
Lạt mở rộng:
Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang
các tuyến đường trục chính đô thị, đường chính đô thị, đường liên khu vực trong
khu vực trung tâm. Cải tạo, chỉnh trang các tuyến trục chính của thành phố Đà Lạt
gồm 03 trục theo hướng Đông - Tây, 06 trục theo hướng Bắc - Nam đảm bảo phần xe
chạy tối thiểu mỗi chiều 02 làn xe, hoàn thiện vỉa hè, hệ thống chiếu sáng,
thoát nước và cây xanh đường phố tạo cảnh quan đô thị.
(1) Các tuyến đường trục chính
đô thị ưu tiên đầu tư đến năm 2025, gồm:
- Nâng cấp đường nối chân đèo
Prenn - Trúc Lâm Yên Tử, quy mô 02-04 làn xe.
- Mở mới đường đô thị trục
chính phía Tây (đường Trần Văn Côi) quy mô 02-04 làn xe theo Quy hoạch chung
704, nhằm khép kín đường vành đai phía Tây và phía Bắc, cung cấp hành lang thay
thế cho các chuyến đi xuyên tâm, giảm lưu lượng giao thông đi qua khu trung
tâm.
- Mở mới đường trục chính đô thị
phía Đông từ đường Trạng Trình, đường Vòng Lâm Viên, quy mô 02-04 làn xe theo
Quy hoạch chung 704, cung cấp kết nối trực tiếp hành lang phía Bắc từ đường
vòng Lâm Viên đi vào trung tâm;
- Nâng cấp, cải tạo các tuyến
đường đô thị, gồm: Trần Lê, Hồ Tùng Mậu (đoạn từ vòng xoay Hồ Tùng Mậu - Trần
Quốc Toản đến Trần Phú), Hoàng Văn Thụ (đoạn từ ngã ba đường 3 Tháng 2 đến ngã
ba Lăng Nguyễn Hữu Hào), Khởi Nghĩa Bắc Sơn, Võ Trường Toản, Trạng Trình;
- Nâng cấp cải tạo đường ĐT.725
quy mô 02-04 làn xe, cung cấp hành lang thay thế QL.20 và CT.27 kết nối với
trung tâm thành phố Đà Lạt từ phía Tây.
(2) Đến năm 2035, tiếp tục hoàn
thiện các tuyến đường vành đai theo quy hoạch, gồm:
- Mở mới đường Nam Ban - Finôm,
quy mô 02-04 làn xe, cung cấp thêm hành lang kết nối từ phía Nam đi về trung
tâm Đà Lạt qua ĐT.725, đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao do mở mới CT.25 và
CT.26;
- Đường tránh Prenn - Xuân Thọ,
đường nối Đức Trọng - Thạnh Mỹ, giúp giảm lưu lượng giao thông trên đèo Prenn
và Mimosa và giảm phương tiện đi qua trung tâm thành phố Đà Lạt;
- Đường vành đai Đông Nam gồm
đường Trúc Lâm Yên Tử kéo dài, đường An Sơn - Y Dinh - An Tôn, quy mô 02-04 làn
xe, khép kín hoàn chỉnh đường vành đai phía Nam giúp loại bỏ hoàn toàn các chuyến
đi xuyên tâm, giảm lưu lượng giao thông đi qua khu trung tâm;
- Nâng cấp, cải tạo các tuyến
đường đô thị tại thành phố Đà Lạt.
b) Giao thông các đô thị trong
vùng phụ cận: Hệ thống giao thông đô thị được quy hoạch đồng bộ và hiện đại
trên cơ sở khung giao thông của vùng quy hoạch.
3. Giao
thông công cộng
a) Mạng lưới xe buýt được định
hướng bao gồm hai loại: Xe buýt liên tỉnh và hệ thống xe buýt nội thị; phát triển
mạng lưới xe buýt nội thị đảm bảo mức độ bao phủ và bán kính phục vụ cần thiết.
Đến năm 2035, nâng cấp 03 tuyến
xe buýt trục đèo Prenn - bến xe Mai Anh Đào, Cam Ly - Đarahoa, đèo Prenn - bến
xe Liên Nghĩa thành các tuyến xe điện mặt đất (tramway)/xe điện một ray
(monorail) đáp ứng nhu cầu đi lại người dân và du khách.
b) Đường sắt đô thị: Định hướng
phát triển 06 tuyến xe điện mặt đất (tramway)/xe điện một ray (monorail), trong
đó: Nghiên cứu triển khai tuyến ga Đà Lạt đi sân bay Liên Khương, huyện Đức Trọng
giai đoạn trước năm 2030, các tuyến còn lại giai đoạn sau năm 2030.
4. Công
trình đầu mối giao thông
a) Bến xe đối ngoại: Tiếp tục
duy trì khai thác bến xe hiện hữu. Ngoài các bến xe hiện đang khai thác, quy hoạch
tại mỗi huyện có ít nhất 01 bến xe liên tỉnh tối thiểu đạt loại IV.
b) Nút giao thông: Quy hoạch
các nút giao liên thông đường cao tốc/đường vành đai và đường cao tốc/tuyến đường
trục chính bằng nút giao khác mức để đảm bảo an toàn và năng lực cao hơn. Trong
khu vực đô thị hiện tại, các nút giao thông với đường cấp đô thị cần nghiên cứu
quy hoạch bằng cách sử dụng một cầu vượt hoặc hầm đường bộ.
c) Bãi đỗ xe: Giai đoạn quy hoạch
chung xác định tổng diện tích bãi đỗ xe và vị trí dự kiến quy hoạch. Trong các
giai đoạn tiếp theo của đồ án, cần có tính toán quy mô đáp ứng nhu cầu đỗ xe
cho từng khu vực và đảm bảo theo quy định hiện hành.
XI. ĐỊNH HƯỚNG
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KỸ THUẬT
1. Định hướng chuẩn bị kỹ
thuật
a) Định hướng quy hoạch cao độ
nền:
- Khu vực đô thị, công nghiệp:
San gạt cục bộ tạo mặt bằng trong ô đất, hạn chế khối lượng đào đắp. Cao độ nền
các đô thị xác định trên cơ sở mực nước lớn nhất theo tần suất của các tuyến
sông chính, cấp đô thị và mực nước của các cống xả. Các khu vực dân cư, công
trình hiện có và dự án đã xây dựng giữ nguyên cao độ, chỉ cải tạo hệ thống
thoát nước phù hợp để tránh ngập úng cục bộ, đảm bảo an toàn ổn định nền đất và
công trình.
- Khu dân cư tập trung nông
thôn: Cải tạo tôn nền các khu dân cư hiện có; các khu vực dân cư, công trình
xây dựng mới thiết kế đảm bảo cao độ thấp nhất lớn hơn cao độ ngập lụt của các
tuyến sông suối lân cận.
- Khu vực có độ dốc lớn: Khi
xây dựng san gạt cục bộ tạo mặt phẳng cho công trình và phù hợp với cao độ tự
nhiên xung quanh và cao độ các tuyến đường quy hoạch, đảm bảo hướng dốc về phía
trục tiêu chính (sông suối hiện có cải tạo và các tuyến cống thoát nước mặt).
- Khu vực dân cư, công trình nằm
trong vùng ngập lụt và hành lang thoát lũ: Cải tạo nền tối thiểu cao hơn 0,3
mét - 0,5 mét so với mực nước lũ cấp III của các tuyến sông, suối hoặc mực nước
cao nhất của các sông nhánh, suối theo tần suất mưa P = 5-10%. Với các khu vực
nằm trong hành lang thoát lũ thì phải đảm bảo duy trì cao độ nền hiện trạng,
quy định về phòng chống lũ của Luật Đê điều và các văn bản quy phạm pháp luật
liên quan.
b) Giải pháp cao độ nền xây dựng
cụ thể cho các đô thị:
- Cao độ nền thành phố Đà Lạt mở
rộng (bao gồm thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương):
+ Thành phố Đà Lạt: Cao độ nền
hiện hữu từ 1.100 mét - 1.600 mét, độ dốc địa hình cao; ngoài khu vực đô thị hiện
hữu có thể mở rộng đô thị phía trong và phía ngoài đường vành đai ngoài; còn lại
là các quỹ đất không thuận lợi. Cao độ nền xây dựng phù hợp với cao độ đường
giao thông quy hoạch xung quanh (từ 1.460 mét - 1.550 mét), mực nước các hồ Chiến
Thắng, hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, hồ Bạch Đằng, hồ Cam Ly, hồ Mê Linh, hồ
Than Thở, hồ Vạn Kiếp,... và các suối, đảm bảo cao độ nền cao hơn 0,3 mét - 0,5
mét so với mực nước ứng với tần suất lũ 2% của các suối này.
+ Đô thị Lạc Dương có cao độ nền
từ 1.200 mét - 1.400 mét, có độ dốc địa hình khá cao, hướng dốc chủ yếu về phía
hồ Đankia. Khu vực phát triển đô thị có độ dốc ổn định và thuận lợi cho việc
xây dựng.
+ Đối với những dân cư, công
trình hiện có, những khu vực đã xây dựng có mật độ xây dựng cao, có cốt nền
tương đối ổn định, công tác quy hoạch chiều cao phải phù hợp với hiện trạng xây
dựng. Các công trình hiện có nằm trong các khu vực thường xuyên ngập lụt, lũ
quét, sạt lở cần có các giải pháp lâu dài như di chuyển khỏi hành lang thoát
lũ, khu vực dễ xảy ra tai biến địa chất hoặc nâng cao độ, gia cố nền cao hơn mực
nước theo tần suất lũ của đô thị.
- Cao độ nền đô thị Đức Trọng:
Cao độ nền xây dựng của các công trình trong khu vực được xác định phù hợp với
địa hình khu vực, hướng thoát nước, cao độ đường giao thông quy hoạch xung
quanh (từ 860 mét - 960 mét), mực nước các suối và sông Đa Nhim chảy trong khu
vực, đảm bảo cao độ nền cao hơn 0,3 mét - 0,5 mét so với mực nước ứng với tần
suất lũ 2,5% của các dòng chảy này.
- Cao độ nền thị trấn Nam Ban,
huyện Lâm Hà: Thị trấn Nam Ban có cao độ nền từ 900 mét - 1.100 mét, có độ dốc
địa hình ổn định, hướng dốc chủ yếu về phía sông Cam Ly. Khu vực phát triển đô
thị nằm ở hai bên bờ Đông và bờ Tây của sông Cam Ly với địa hình có độ dốc
tương đối ổn định, thuận lợi cho xây dựng phát triển đô thị.
- Cao độ nền thị trấn Thạnh Mỹ,
huyện Đơn Dương: Thị trấn Thạnh Mỹ có cao độ nền từ 900 mét - 1.100 mét, có độ
dốc địa hình khá lớn, hướng dốc chủ yếu về phía sông Đa Nhim. Khu vực phát triển
đô thị nằm ở hai bên bờ Đông và bờ Tây của sông Đa Nhim với địa hình có độ dốc
tương đối ổn định, thuận lợi cho xây dựng phát triển đô thị.
- Cao độ nền thị trấn D’Ran,
huyện Đơn Dương: Thị trấn D’Ran có cao độ nền từ 1.000 mét - 1.100 mét, có độ dốc
địa hình khá lớn, hướng dốc chủ yếu về phía sông Đa Nhim. Khu vực phát triển đô
thị nằm quanh khu vực đô thị hiện hữu ở hai bên bờ sông Đa Nhim. Địa hình có độ
dốc tương đối ổn định, thuận lợi cho xây dựng phát triển đô thị. Đối với những
dân cư, công trình hiện có, những khu vực đã xây dựng có mật độ xây dựng cao của
thành phố Đà Lạt và các đô thị khác trên có cốt nền tương đối ổn định, công tác
quy hoạch chiều cao phải phù hợp với hiện trạng xây dựng. Các công trình hiện
có nằm trong các khu vực thường xuyên ngập lụt, lũ quét, sạt lở cần có các giải
pháp lâu dài như di chuyển khỏi hành lang thoát lũ, khu vực dễ xảy ra tai biến
địa chất hoặc nâng cao độ, gia cố nền cao hơn mực nước theo tần suất lũ của đô
thị.
b) Định hướng thoát nước mưa:
a) Phân chia lưu vực thoát nước
mưa thành 06 lưu vực chính, gồm: Lưu vực 01 (lưu vực sông Đa Nhim); lưu vực 02
(lưu vực của hồ Đankia); lưu vực 03 (lưu vực của sông, suối Cam Ly); lưu vực 04
(khu vực đồi núi phía Bắc của huyện Lạc Dương); lưu vực 05 (lưu vực của sông Đa
Quyn, huyện Đức Trọng) và lưu vực 06 (khu vực thung lũng Ka Đô, huyện Đơn Dương).
Ngoài ra, lưu vực lớn được chia
thành các lưu vực nhỏ hơn nhằm phục vụ tính toán thoát nước của các dòng chảy
trong mỗi lưu vực.
b) Biện pháp thoát nước mặt cho
đô thị: Các đô thị hiện hữu như thành phố Đà Lạt, các khu vực trung tâm của các
huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, hệ thống thoát nước mưa được
tách riêng với hệ thống thoát nước thải. Nước mưa trong khu vực được thu gom
theo hình thức tự chảy, toàn bộ hệ thống thoát nước mưa thoát ra sông suối hiện
hữu bằng hệ thống cửa xả.
c) Định hướng phát triển hệ thống
điện:
- Giai đoạn ngắn hạn: Nâng công
suất trạm 220KV Đức Trọng lên công suất 2x250 MVA. Xây dựng mới Trạm 220 KV Tà
Năng công suất 500 MVA; xây dựng mới các trạm biến áp 110/22KV: Xuân Thọ công
suất 2x40 MVA, Phú Bình công suất 40 MVA, Đà Lạt 3 công suất T1-40 MVA, Lâm Hà
2 công suất T1-40 MVA và các trạm biến áp 110 KV Đức Trọng công suất T2-40 MVA,
Suối Vàng công suất T1-40 MVA, T2-40 MVA.
- Giai đoạn dài hạn: Xây dựng mới
trạm 220 KV Đà Lạt công suất 2x250 MVA. Lắp máy T2 các trạm: Trạm 110 KV Đà
Loan công suất 40 MVA; Trạm 110 KV Đơn Dương 2 công suất 40 MVA; Trạm 110 KV Đà
Lạt 3 công suất 40 MVA, Trạm 110 KV Lâm Hà 2 công suất 40 MVA.
d) Năng lượng tái tạo:
- Điện gió:
+ Các nhà máy điện gió thực hiện
đầu tư vận hành giai đoạn ngắn hạn, gồm: Nhà máy điện gió Đức Trọng công suất
khoảng 50 MW; Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 công suất khoảng 50 MW; Nhà máy điện
gió Xuân Trường 2 công suất khoảng 48 MW.
+ Các nhà máy điện gió dự
phòng, bổ sung vận hành giai đoạn ngắn hạn, gồm: Nhà máy điện gió Đơn Dương 1
công suất khoảng 49,8 MW; Nhà máy điện gió Đơn Dương 2 công suất khoảng 49,8
MW; Nhà máy điện gió Đơn Dương 3A công suất khoảng 49,8 MW; Nhà máy điện gió Tà
Năng 1 công suất khoảng 113,4 MW và Nhà máy điện gió Tà Năng 2 công suất khoảng
184,8 MW.
- Thuỷ điện: Giai đoạn
2023-2030, đưa vào vận hành 10 dự án thủy điện với tổng công suất 142 MW.
- Điện rác: Quy hoạch 01 nhà
máy điện rác tại huyện Đức Trọng, công suất 7,5 MW.
- Điện mặt trời: Khu vực lập
quy hoạch phát triển dài hạn hệ thống điện mặt trời nổi Đại Ninh, điện mặt trời
Đạ Dâng 2.
đ) Định hướng phát triển hệ thống
cấp nước:
a) Ưu tiên khai thác sử dụng
nguồn nước mặt từ sông Đa Nhim, hồ Đankia - Suối Vàng, hồ Ta Hoét và các hồ thủy
lợi hiện có trong khu vực lập quy hoạch; bổ sung mới hồ chứa nước tại khu vực
thượng nguồn hồ Đan Kia (khu vực Bidoup - Núi Bà) để bổ sung nguồn nước nhà máy
nước Đankia; giảm dần khai thác nguồn nước ngầm. Sử dụng nguồn nước ngầm là nguồn
nước dự trữ đảm bảo an toàn cấp nước.
b) Tổng công suất các nhà máy
nước đến năm 2035 khoảng 215.000 m3/ngày đêm, gồm các nhà máy nước
chính: Đankia 1 đạt 55.000 m3/ngày đêm; Đankia 2 đạt 30.000 m3/ngày
đêm; hồ Tuyền Lâm đạt 15.000 m3/ngày đêm; Ta Hoét 1 đạt 25.000 m3/ngày
đêm; Ta Hoét 2 đạt 25.000 m3/ngày đêm…
Tổng công suất các nhà máy nước
đến năm 2045 khoảng 365.000 m3/ngày đêm, gồm các nhà máy nước chính:
Đankia 1 đạt 60.000 m3/ngày đêm; Đankia 2 đạt 60.000 m3/ngày
đêm; hồ Tuyền Lâm đạt 20.000 m3/ngày đêm; Ta Hoét 1 đạt 55.000 m3/ngày
đêm; Ta Hoét 2 đạt 40.000 m3/ngày đêm; Đức Trọng đạt 30.000 m3/ngày
đêm; D’Ran đạt 22.000 m3/ngày đêm; KaZam đạt 20.000 m3/ngày
đêm…
c) Cấp nước nông thôn: Đối với
các thị tứ, trung tâm cụm xã khai thác nước cho các trạm cấp nước tập trung quy
mô nhỏ; các khu vực nông thôn khác trong vùng sử dụng hệ thống cấp nước phân
tán.
Đối với đô thị Đà Lạt mở rộng:
Tổng công suất các nhà máy nước đến năm 2035 khoảng 110.000 m3/ngày
đêm; đến năm 2045 đạt khoảng 160.000 m3/ngày đêm. Hệ thống cấp nước gồm
các nhà máy nước chính: Đankia 1, Đankia 2, hồ Tuyền Lâm và các nhà máy nước
khác.
Đối với huyện Lạc Dương, các
trung tâm thị trấn, khu dân cư tập trung: Giải pháp cấp nước là khai thác nước
cho các trạm cấp nước tập trung quy mô nhỏ; các khu vực ngoại thị khác trong
vùng sử dụng hệ thống cấp nước phân tán.
e) Định hướng phát triển hệ thống
thoát nước và xử lý nước thải:
- Thành phố Đà Lạt mở rộng: Tổng
lưu lượng nước thải sinh hoạt cho khu vực nội thị thành phố Đà Lạt mở rộng đến
năm 2035 khoảng 45.500 m3/ngày đêm và đến năm 2045 khoảng 68.000 m3/ngày
đêm.
+ Trạm xử lý nước thải thành phố
Đà Lạt số 1 đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, giai đoạn 1 đã hoàn
thành đưa vào sử dụng từ năm 2005 với công suất 7.400 m3/ngày đêm;
hiện đã xây dựng hoàn chỉnh giai đoạn 2 nâng công suất nhà máy xử lý nước thải
lên 12.400 m3/ngày đêm.
+ Định hướng xây dựng mới trạm
xử lý nước thải thành phố Đà Lạt số 2 tại vị trí phía Bắc hồ Tuyền Lâm với công
suất dự kiến đến năm 2035 khoảng 15.000 m3/ngày đêm và đến năm 2045
là 25.000 m3/ngày đêm.
+ Định hướng xây dựng mới trạm
xử lý nước thải thành phố Đà Lạt số 3 tại vị trí phía Bắc hồ Prenn với công suất
dự kiến đến năm 2035 khoảng 15.000 m3/ngày đêm và đến năm 2045 là
25.000 m3/ngày đêm.
+ Định hướng xây dựng mới trạm
xử lý nước thải phục vụ cho đô thị Lạc Dương với công suất dự kiến đến năm 2035
khoảng 3.000 m3/ngày đêm và đến năm 2045 là 5.500 m3/ngày
đêm.
+ Bên cạnh đó, vị trí các trạm
xử lý nước thải tại các khu du lịch kết hợp hệ thống các điểm dân cư nông thôn
dọc tuyến đường QL.27C và các vùng chức năng khác trên địa bàn huyện Lạc Dương
sẽ được cụ thể hoá theo các đồ án quy hoạch đã được phê hoặc ở các bước tiếp
theo để đảm bảo tính khả thi khi xây dựng cũng như đảm bảo quy mô, công suất
theo điều kiện thực tế.
- Huyện Đức Trọng: Tổng lưu lượng
nước thải sinh hoạt cho khu vực nội thị huyện Đức Trọng đến năm 2035 khoảng
16.000 m3/ngày đêm và đến năm 2045 khoảng 54.000 m3/ngày
đêm.
+ Trạm xử lý nước thải Đức Trọng
01 có công suất đến năm 2035 khoảng 5.000 m3/ngày đêm và đến năm
2045 khoảng 10.000 m3/ngày đêm.
+ Trạm xử lý nước thải Đức Trọng
02 có công suất đến năm 2035 khoảng 15.000 m3/ngày đêm và đến năm
2045 khoảng 30.000 m3/ngày đêm.
+ Trạm xử lý nước thải sinh Đức
Trọng 03 có công suất đến năm 2035 khoảng 3.000 m3/ngày đêm và đến
năm 2045 khoảng 5.000 m3/ngày đêm .
+ Trạm xử lý nước thải Đức Trọng
04 có công suất đến năm 2035 khoảng 4.000 m3/ngày đêm và đến năm
2045 khoảng 5.000 m3/ ngày đêm.
+ Đối với khu vực phát triển đô
thị - du lịch sinh thái hồ Đại Ninh: Xây dựng 01 trạm xử lý nước thải sinh hoạt
có công suất đến năm 2035 khoảng 3.000 m3/ngày đêm và đến năm 2045
khoảng 5.000 m3/ ngày đêm.
+ Đối với khu công nghiệp Phú Hội:
Xây dựng trạm xử lý nước thải có công suất đến năm 2035 là 3.500 m3/ngày
đêm và đến năm 2045 là 5.500 m3/ ngày đêm.
+ Đối với khu công nghiệp Phú
Bình: Xây dựng trạm xử lý nước thải có công suất đến năm 2035 khoảng 8.000 m3/ngày
đêm và đến năm 2045 khoảng 15.000 m3/ngày đêm.
- Huyện Đơn Dương: Tổng lưu lượng
nước thải sinh hoạt cho khu vực nội thị huyện Đơn Dương đến năm 2035 khoảng
8.500 m3/ngày đêm và đến năm 2045 khoảng 13.000 m3/ngày
đêm.
+ Đối với thị trấn D’Ran: Xây dựng
trạm xử lý nước thải sinh hoạt có công suất đến năm 2035 khoảng 3.500 m3/ngày
đêm và đến năm 2045 khoảng 5.000 m3/ngày đêm.
+ Đối với thị trấn Thạnh Mỹ:
Xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt có công suất đến năm 2035 khoảng 5.000
m3/ngày đêm và đến năm 2045 khoảng 8.000 m3/ngày đêm .
- Huyện Lâm Hà: Xây dựng trạm xử
lý nước thải sinh hoạt tại thị trấn Nam Ban có công suất đến năm 2035 khoảng
1.500 m3/ngày đêm và đến năm 2045 khoảng 4.500 m3/ngày
đêm.
g) Định hướng phát triển hệ thống
quản lý chất thải rắn:
- Thành phố Đà Lạt mở rộng: Quy
hoạch mở rộng quy mô khu xử lý chất thải rắn Xuân Trường lên khoảng 31 ha; với
tính chất khu xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh chủ yếu tiếp nhận chất thải rắn
sinh hoạt đô thị, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, y tế thông thường của
thành phố Đà Lạt và thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, chất thải rắn nông nghiệp
nguy hại, công nghiệp nguy hại huyện Lạc Dương. Dự kiến công suất tiếp nhận
2.000 tấn/ngày, đồng thời định hướng thay đổi công nghệ xử lý rác với mục tiêu
giảm thiểu tác động đến môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân từ việc xử
lý rác tại nhà máy.
- Huyện Đức Trọng: Đối với tất
cả các dự án, quy hoạch nhà máy xử lý rác trên địa bàn huyện Đức Trọng hiện
đang nằm trong phạm vi an toàn của Sân bay quốc tế Liên Khương có bán kính là
13 km; do đó, định hướng quy hoạch Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Đức Trọng
quy mô 31 ha tại thôn Tân Phú, xã Ninh Gia có vị trí giáp với xã Gia Hiệp, huyện
Di Linh với tính chất là nhà máy xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh sẽ tiếp nhận
xử lý chất thải rắn các loại tại huyện Đức Trọng và một phần huyện Di Linh, xử
lý chất thải rắn nông nghiệp nguy hại, công nghiệp nguy hại của các huyện Đơn
Dương, Lâm Hà, Di Linh và Đam Rông. Dự kiến công suất tiếp nhận 2.000 tấn/ngày
đêm với công nghệ xử lý hiện đại gây ít tác động đến môi trường và đời sống của
người dân.
- Huyện Đơn Dương: Quy hoạch mở
rộng khu xử lý chất thải rắn Ka Đô với quy mô khoảng 12 ha.
- Huyện Lâm Hà: Quy hoạch mới
khu xử lý chất thải rắn Nam Ban với quy mô 3,2 ha có phạm vi phục vụ cho Nam
Ban và các xã Đông Thanh, Mê Linh, Gia Lâm.
h) Định hướng phát triển nghĩa
trang:
- Thành phố Đà Lạt mở rộng:
Nâng cấp, mở rộng các nghĩa trang: Xuân Thọ với quy mô khoảng 83 ha (Khu công
viên nghĩa trang); Thánh Mẫu với quy mô khoảng 34 ha; Lạc Dương với quy mô khoảng
12 ha.
Quy hoạch mới khu nghĩa trang
sinh thái Lạc Dương với quy mô khoảng 17,5 ha.
Đối với các khu vực nghĩa trang
nhân dân hiện hữu như: Cam Ly, Du Sinh, Xuân Trường,… giữ nguyên quy mô và cải
tạo, chỉnh trang.
- Huyện Đức Trọng: Trước mắt sử
dụng các nghĩa trang tại chỗ ở các xã để tiếp tục chôn cất, lấp đầy các nghĩa
trang hiện có trong các thôn, buôn của các xã, đảm bảo khoảng cách an toàn tới
khu dân cư.
Giai đoạn ngắn hạn, đô thị Đức
Trọng tiếp tục sử dụng nghĩa trang tập trung Nam sông Đa Nhim với quy mô hiện
trạng khoảng 48 ha và nghĩa trang Phú Hội với quy mô hiện trạng khoảng 6 ha.
Quy hoạch mới nghĩa trang Tân Phú, xã Ninh Gia với quy mô khoảng 49 ha (Khu
công viên nghĩa trang) và nghĩa trang tại xã Liên Hiệp với quy mô khoảng 20 ha.
Các xã nông thôn tiếp tục an
táng tại các nghĩa trang ở các thôn, từng bước đóng cửa các nghĩa trang nhỏ lẻ
và tiến tới quy hoạch mỗi xã có từ 01 đến 02 nghĩa trang tập trung.
- Huyện Đơn Dương: Trước mắt sử
dụng các nghĩa trang tại chỗ ở các xã để tiếp tục chôn cất, lấp đầy các nghĩa
trang hiện có trong các thôn, buôn của các xã, đảm bảo khoảng cách an toàn tới
khu dân cư.
Định hướng cải tạo, mở rộng
nghĩa trang sinh thái Ka Đô với tính chất là nghĩa trang tập trung của huyện
Đơn Dương có quy mô dự kiến khoảng 20 ha.
- Huyện Lâm Hà: Trước mắt sử dụng
các nghĩa trang tại chỗ ở các xã để tiếp tục chôn cất, lấp đầy các nghĩa trang
hiện có trong các thôn, buôn của các xã, đảm bảo khoảng cách an toàn tới khu
dân cư.
Trong tương lai cần phải cải tạo,
mở rộng một số nghĩa trang để xây dựng nghĩa trang tập trung của địa phương.
- Hoàn thiện hệ thống nhà tang lễ
tại các đô thị.
k) Định hướng phát triển hệ thống
hạ tầng viễn thông:
- Xây dựng và hoàn thiện đồng bộ
kết cấu hạ tầng thông tin, truyền thông và mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh,
truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản với các hạ tầng khác; tạo nền tảng
phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đảm bảo an toàn thông tin mạng,
đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tỉnh Lâm Đồng, nhu cầu thông tin của người
dân, bảo đảm an ninh quốc phòng, đồng thời theo kịp khả năng và trình độ phát
triển thông tin của vùng, quốc gia và xu hướng phát triển trên thế giới.
- Bưu chính phát triển theo hướng
hoàn thiện chất lượng dịch vụ số, cải thiện mạng lưới rộng hơn, đưa dịch vụ đến
gần hơn với khách hàng với chất lượng cao hơn. Bưu chính phát triển hội tụ với
viễn thông và công nghệ thông tin, hội tụ đa ngành, đa dạng loại hình dịch vụ,
đa dạng hình thức thanh toán.
- Hạ tầng viễn thông chuyển
thành hạ tầng số. Hạ tầng số với trọng tâm là hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ
tầng điện toán đám mây, mạng internet vạn vật được phát triển để kết nối, tạo lập
và duy trì dòng chảy dữ liệu; được cung cấp như dịch vụ và là hạ tầng quan trọng,
thiết yếu của nền kinh tế số, xã hội số. Phát triển hạ tầng đi đôi với đảm bảo
an ninh quốc phòng, an ninh thông tin, an toàn mạng lưới và bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững./.