CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 15/2013/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 02 năm 2013
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các
luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày 21
tháng 11 năm 2007;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chất lượng
công trình xây dựng,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về quản lý chất lượng
công trình xây dựng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu
công trình xây dựng; quy định về quản lý an toàn, giải quyết sự cố trong thi
công xây dựng, khai thác và sử dụng công trình xây dựng; quy định về bảo hành
công trình xây dựng.
2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết
hoặc gia nhập có những quy định khác với các quy định tại Nghị định này thì thực
hiện theo các quy định tại Điều ước quốc tế đó.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng với chủ đầu tư, nhà thầu
trong nước, nhà thầu nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và
các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác quản lý chất lượng các công
trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Chỉ dẫn kỹ thuật là tập hợp các yêu cầu kỹ thuật
dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn được áp dụng cho công
trình để hướng dẫn, quy định về vật liệu, sản phẩm, thiết bị sử dụng cho công
trình và các công tác thi công, giám sát, nghiệm thu công trình xây dựng.
2. Bản vẽ hoàn công là bản vẽ bộ phận công trình,
công trình xây dựng hoàn thành được lập trên cơ sở bản vẽ thiết kế thi công đã
được phê duyệt, trong đó thể hiện kích thước thực tế của công trình.
3. Hồ sơ hoàn thành công trình là tập hợp các tài
liệu có liên quan tới quá trình đầu tư, xây dựng công trình gồm: Chủ trương đầu
tư, dự án đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình,
báo cáo khảo sát xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng công trình, hồ sơ quản lý chất
lượng trong quá trình thi công xây dựng công trình và tài liệu khác cần được
lưu lại sau khi đưa công trình vào sử dụng.
4. Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng là các thao tác
kỹ thuật nhằm xác định một hay nhiều đặc tính của vật liệu xây dựng, sản phẩm
xây dựng, bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng theo quy trình nhất định.
Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được thực hiện bởi
các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, bao gồm: Thí nghiệm đất xây dựng,
thí nghiệm nước dùng trong xây dựng; thí nghiệm vật liệu xây dựng, thí nghiệm cấu
kiện, sản phẩm xây dựng; thí nghiệm kết cấu công trình xây dựng và các thí nghiệm
khác.
5. Kiểm định chất lượng công trình xây dựng là hoạt
động kiểm tra, xác định chất lượng hoặc nguyên nhân hư hỏng của sản phẩm xây dựng,
bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng thông qua thí nghiệm kết hợp với việc
xem xét, tính toán, đánh giá bằng chuyên môn về chất lượng công trình.
Kiểm định chất lượng công trình xây dựng bao gồm:
Kiểm định vật liệu xây dựng, sản phẩm xây dựng, cấu kiện xây dựng; kiểm định kết
cấu công trình xây dựng; kiểm định công trình xây dựng và các kiểm định khác.
6. Giám định chất lượng công trình xây dựng là hoạt
động kiểm định chất lượng công trình xây dựng được tổ chức thực hiện bởi cơ
quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc theo yêu cầu của cơ quan này.
Điều 4. Nguyên tắc chung trong
quản lý chất lượng công trình xây dựng
1. Công tác khảo sát/thiết kế, thi công xây dựng
công trình phải đảm bảo an toàn cho bản thân công trình và các công trình lân cận;
đảm bảo an toàn trong quá trình thi công xây dựng và tuân thủ các quy định của
Nghị định này.
2. Công trình, hạng mục công trình chỉ được nghiệm
thu để đưa vào sử dụng khi đáp ứng được các yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng cho công trình, chỉ dẫn kỹ thuật và các yêu
cầu khác của chủ đầu tư theo nội dung của hợp đồng và quy định của pháp luật có
liên quan.
3. Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng
phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc thực hiện, có hệ thống quản
lý chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc xây dựng do mình
thực hiện trước chủ đầu tư và trước pháp luật.
4. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý chất
lượng phù hợp với tính chất, quy mô và nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình
trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Nghị định
này.
5. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm kiểm tra
việc tổ chức thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư và
các nhà thầu theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên
quan.
6. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng hướng dẫn,
kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng
công trình; kiểm tra, giám định chất lượng công trình xây dựng; kiến nghị và xử
lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Áp dụng quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng
1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bắt buộc phải được
tuân thủ trong hoạt động xây dựng.
2. Tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động xây dựng
theo nguyên tắc tự nguyện, ngoại trừ các tiêu chuẩn được viện dẫn trong quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia hoặc có quy định bắt buộc phải áp dụng tại văn bản quy phạm
pháp luật khác có liên quan.
3. Tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình phải
được người quyết định đầu tư xem xét và chấp thuận trong quyết định phê duyệt dự
án đầu tư xây dựng công trình hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công
trình và chỉ được thay đổi khi có sự chấp thuận của người quyết định đầu tư.
Chủ đầu tư được tự quyết định sử dụng hoặc thay đổi
đối với các tiêu chuẩn còn lại áp dụng cho công trình khi cần thiết.
4. Việc áp dụng tiêu chuẩn phải đảm bảo các yêu cầu
sau:
a) Phải phù hợp, với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về xây dựng và các quy định của pháp luật khác có liên quan;
b) Đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống
tiêu chuẩn được áp dụng.
5. Khi áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, phải có bản gốc
tiêu chuẩn kèm theo bản dịch tiếng Việt cho phần nội dung sử dụng.
6. Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ,
vật liệu mới trong hoạt động xây dựng phải đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Điều 6. Phân loại và phân cấp
công trình xây dựng
1. Công trình xây dựng được phân thành các loại như
sau:
a) Công trình dân dụng;
b) Công trình công nghiệp;
c) Công trình giao thông;
d) Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn;
đ) Công trình hạ tầng kỹ thuật.
Danh mục chi tiết các loại công trình được quy định
tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp
với các Bộ quản lý công trình chuyên ngành quy định tại Khoản
2 Điều 41 Nghị định này hướng dẫn phân cấp các loại
công trình xây dựng nêu tại Khoản 1 Điều này để phục vụ công tác quản lý chất
lượng công trình.
Điều 7. Chỉ dẫn kỹ thuật
1. Chỉ dẫn kỹ thuật là cơ sở để lập hồ sơ mời thầu,
thực hiện giám sát, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng. Chủ đầu tư tổ
chức lập và phê duyệt chỉ dẫn kỹ thuật cùng với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế
khác triển khai sau thiết kế cơ sở.
2. Chỉ dẫn kỹ thuật phải phù hợp với quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt và
yêu cầu của thiết kế xây dựng công trình.
3. Bắt buộc thực hiện lập chỉ dẫn kỹ thuật đối với
công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II. Đối với các công trình còn lại, chỉ dẫn
kỹ thuật có thể được lập riêng hoặc quy định trong thuyết minh thiết kế xây dựng
công trình.
Điều 8. Công khai thông tin về
năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng công trình
1. Các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về năng
lực hoạt động xây dựng của mình gửi bằng đường bưu điện hoặc trực tiếp tới cơ
quan quản lý nhà nước về xây dựng để đăng tải công khai trên trang thông tin điện
tử do cơ quan này quản lý.
2. Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được thông tin về năng lực hoạt động xây dựng do các tổ chức, cá nhân cung cấp,
cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có trách nhiệm xem xét và quyết định đăng
tải thông tin trên trang thông tin điện tử do mình quản lý.
3. Các thông tin về năng lực hoạt động xây dựng nêu
tại Khoản 1 Điều này là cơ sở để lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động
xây dựng sau:
a) Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình;
b) Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;
c) Giám sát chất lượng công trình xây dựng;
d) Kiểm định, giám định chất lượng công trình xây dựng;
đ) Khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình
cấp đặc biệt, cấp I và công trình cấp II được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân
sách nhà nước (đối với các nhà thầu chính).
Điều 9. Giám sát của nhân dân về
chất lượng công trình xây dựng
1. Khi phát hiện hành vi vi phạm quy định của Nghị
định này, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời với chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn nơi đặt công trình xây dựng hoặc cơ quan quản lý nhà nước
về xây dựng.
2. Chủ đầu tư, cơ quan tiếp nhận thông tin phản ánh
của nhân dân có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật
về khiếu nại, tố cáo.
Điều 10. Hội đồng Nghiệm thu
nhà nước các công trình xây dựng
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng
Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng để giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm
tra công tác quản lý chất lượng, chất lượng công trình, công tác nghiệm thu các
công trình quan trọng quốc gia và một số công trình quan trọng khác khi Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu.
2. Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Chủ tịch Hội đồng Nghiệm
thu nhà nước các công trình xây dựng.
Điều 11. Giải thưởng về chất
lượng công trình xây dựng
Các công trình xây dựng, được xem xét trao giải thưởng
về chất lượng công trình xây dựng theo các hình thức sau:
1. Giải thưởng quốc gia về chất lượng công trình
xây dựng do Thủ tướng Chính phủ quy định.
2. Các giải thưởng khác về chất
lượng công trình xây dựng do Bộ Xây dựng quy định.
Chương 2.
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG KHẢO
SÁT XÂY DỰNG
Điều 12. Trình tự thực hiện và
quản lý chất lượng khảo sát xây dựng
1. Lập và phê duyệt nhiệm vụ
khảo sát xây dựng.
2. Lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng.
3. Lập và phê duyệt phương án
kỹ thuật khảo sát xây dựng.
4. Thực hiện khảo sát xây dựng.
5. Giám sát công tác khảo sát
xây dựng.
6. Nghiệm thu kết quả khảo
sát xây dựng.
7. Lưu trữ kết quả khảo sát xây dựng.
Điều 13. Trách nhiệm của chủ đầu
tư
1. Lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng đủ điều kiện
năng lực theo quy định.
2. Tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng,
phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng và bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng (nếu
có).
3. Kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong hợp đồng
xây dựng của nhà thầu khảo sát xây dựng trong quá trình thực hiện khảo sát.
4. Tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có
chuyên môn phù hợp với loại hình khảo sát để thực hiện giám sát công tác khảo
sát xây dựng.
5. Nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.
Điều 14. Trách nhiệm của nhà
thầu khảo sát xây dựng
1. Lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng khi có yêu cầu của
chủ đầu tư; lập phương án kỹ thuật khảo sát phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng
và các tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng được áp dụng.
2. Bố trí đủ cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn
phù hợp để thực hiện khảo sát; cử người có đủ điều kiện năng lực theo quy định
của pháp luật để làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng; tổ chức tự giám sát trong quá
trình khảo sát.
3. Thực hiện khảo sát theo phương án kỹ thuật khảo
sát xây dựng được phê duyệt; sử dụng thiết bị, phòng thí nghiệm hợp chuẩn theo
quy định của pháp luật và phù hợp với công việc khảo sát.
4. Bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, các công
trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác trong khu vực khảo sát.
5. Bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong khu vực
khảo sát; phục hồi hiện trường sau khi kết thúc khảo sát.
6. Lập báo cáo kết quả khảo sát xây dựng đáp ứng
yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát xây dựng và hợp đồng; kiểm tra, khảo sát lại hoặc
khảo sát bổ sung khi báo cáo kết quả khảo sát xây dựng không phù hợp với điều
kiện tự nhiên nơi xây dựng công trình hoặc không đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ
khảo sát.
Điều 15. Trách nhiệm của nhà
thầu thiết kế
1. Lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng phù hợp với yêu cầu
của từng bước thiết kế khi có yêu cầu của chủ đầu tư.
2. Kiểm tra sự phù hợp của số liệu khảo sát với yêu
cầu của bước thiết kế, tham gia nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng
khi được chủ đầu tư yêu cầu.
3. Kiến nghị chủ đầu tư thực hiện khảo sát xây dựng
bổ sung khi phát hiện kết quả khảo sát không đáp ứng yêu cầu khi thực hiện thiết
kế hoặc phát hiện những yếu tố khác thường ảnh hưởng đến thiết kế.
Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân giám sát khảo sát xây dựng
1. Cử người có chuyên môn phù hợp với loại hình khảo
sát để thực hiện giám sát khảo sát xây dựng theo nội dung của Hợp đồng xây dựng.
2. Đề xuất bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng nếu
trong quá trình giám sát khảo sát phát hiện các yếu tố khác thường ảnh hưởng trực
tiếp đến giải pháp thiết kế.
3. Giúp chủ đầu tư nghiệm thu báo cáo kết quả khảo
sát xây dựng.
Chương 3.
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THIẾT
KẾ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 17. Trình tự thực hiện và
quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình
1. Lập nhiệm vụ thiết kế xây
dựng công trình.
2. Lựa chọn nhà thầu thiết kế xây dựng công trình.
3. Lập thiết kế xây dựng công trình.
4. Thẩm định thiết kế của chủ
đầu tư, thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ
chức tư vấn (nếu có).
5. Phê duyệt thiết kế xây dựng công trình.
6. Nghiệm thu thiết kế xây dựng
công trình.
Điều 18. Trách nhiệm của chủ đầu
tư
1. Tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công
trình trên cơ sở báo cáo đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu tiền khả
thi) hoặc chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Lựa chọn tổ chức, cá nhân đảm bảo điều kiện năng
lực để lập thiết kế và thẩm tra thiết kế xây dựng công trình khi cần thiết.
3. Kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong hợp đồng
xây dựng của nhà thầu thiết kế, nhà thầu thẩm tra thiết kế (nếu có) trong quá
trình thực hiện hợp đồng.
4. Kiểm tra và trình thiết kế cơ sở cho người quyết
định đầu tư thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật đối với công trình
sử dụng nguồn vốn nhà nước.
5. Tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán
theo quy định tại Điều 20 Nghị định này và quy định của pháp
luật có liên quan.
6. Thực hiện thay đổi thiết kế theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
7. Tổ chức nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công
trình.
Điều 19. Trách nhiệm của nhà
thầu thiết kế xây dựng công trình
1. Bố trí đủ người có kinh nghiệm và chuyên môn phù
hợp để thực hiện thiết kế; cử người có đủ điều kiện năng lực theo quy định để
làm chủ nhiệm đồ án thiết kế, chủ trì thiết kế.
2. Sử dụng kết quả khảo sát đáp ứng được yêu cầu của
bước thiết kế và phù hợp với tiêu chuẩn được áp dụng cho công trình.
3. Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn
được áp dụng cho công trình; lập hồ sơ thiết kế đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ
thiết kế, nội dung của từng bước thiết kế, quy định của hợp đồng và quy định của
pháp luật có liên quan.
4. Thực hiện thay đổi thiết kế theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
Điều 20. Tổ chức thẩm định và
phê duyệt các bước thiết kế xây dựng công trình sau thiết kế cơ sở
1. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật đối
với công trình thực hiện thiết kế 3 bước hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với
công trình thực hiện thiết kế 1 bước, 2 bước và các thiết kế khác triển khai
sau thiết kế cơ sở bao gồm các việc theo trình tự sau:
a) Xem xét sự phù hợp về thành phần, quy cách của hồ
sơ thiết kế so với quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật,
bao gồm: Thuyết minh thiết kế, các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát xây dựng,
quy trình bảo trì công trình và các hồ sơ khác theo quy định của pháp luật có
liên quan;
b) Đánh giá sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so với
nhiệm vụ thiết kế, thiết kế cơ sở, các yêu cầu của hợp đồng xây dựng và quy định
của pháp luật có liên quan;
c) Gửi hồ sơ thiết kế tới cơ quan có thẩm quyền để
thẩm tra theo quy định tại Điều 21 Nghị định này và quy định
của pháp luật có liên quan;
d) Yêu cầu nhà thầu thiết kế giải trình, tiếp thu,
chỉnh sửa hồ sơ thiết kế trên cơ sở ý kiến thẩm tra, đánh giá, xem xét nêu
trên;
đ) Trong quá trình thẩm định thiết kế, khi cần thiết
chủ đầu tư thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra thiết
kế đối với các phần việc mà mình thực hiện.
2. Người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ
thi công cùng với Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình đối với trường
hợp thực hiện thiết kế 1 bước; chủ đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật (trong
trường hợp thiết kế 3 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (trong trường hợp thiết
kế 2 bước) hoặc thiết kế khác triển khai sau thiết kế cơ sở. Nội dung phê duyệt thiết kế theo quy định tại Khoản 3 Điều
này.
Người phê duyệt thiết kế phải căn cứ vào kết quả thẩm
duyệt về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền, kết quả thẩm tra
thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo quy định của Nghị định
này và pháp luật có liên quan để phê duyệt thiết kế.
3. Nội dung phê duyệt thiết kế:
a) Các thông tin chung về công trình: Tên công
trình, hạng mục công trình (nêu rõ loại và cấp công trình); chủ đầu tư, nhà thầu
thiết kế xây dựng công trình; địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất;
b) Quy mô, công nghệ, các thông số kỹ thuật và các
chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu của công trình;
c) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn chủ
yếu được áp dụng;
d) Các giải pháp thiết kế chính của hạng mục công
trình và toàn bộ công trình;
đ) Những yêu cầu phải hoàn chỉnh bổ sung hồ sơ thiết
kế và các nội dung khác (nếu có).
4. Thiết kế bản vẽ thi công phải được chủ đầu tư hoặc
đại diện được ủy quyền của chủ đầu tư xác nhận trước khi đưa ra thi công.
5. Đối với các công trình bí mật nhà nước, công
trình theo lệnh khẩn cấp và công trình tạm việc thẩm định, phê duyệt thiết kế
được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công
trình đặc thù.
6. Phí thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước
về xây dựng và chi phí thuê tổ chức, cá nhân tham gia thẩm tra thiết kế được
tính trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình.
7. Người tổ chức thẩm định, thẩm tra và phê duyệt
thiết kế phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, thẩm tra, phê duyệt thiết
kế của mình.
Điều 21. Thẩm tra thiết kế của
cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng
1. Chủ đầu tư phải gửi hồ sơ
thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở quy định tại Khoản 5 Điều này tới cơ
quan quản lý nhà nước về xây dựng để thẩm tra đối với các công trình sau đây:
a) Nhà chung cư từ cấp III trở lên, nhà ở riêng lẻ
từ 7 tầng trở lên;
b) Công trình công cộng từ cấp III trở lên;
c) Công trình công nghiệp: Đường dây tải điện, nhà
máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim, nhà máy sản xuất Alumin,
nhà máy xi măng từ cấp III trở lên; đối với các công trình nhà máy lọc hóa dầu,
chế biến khí, các công trình nhà kho và tuyến đường ống dẫn xăng, dầu, khí hóa
lỏng, nhà máy sản xuất và kho chứa hóa chất nguy hiểm, nhà máy sản xuất và kho
chứa vật liệu nổ công nghiệp không phân biệt cấp;
d) Công trình giao thông: cầu, hầm, đường bộ từ cấp
III trở lên đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và từ cấp II trở
lên đối với công trình sử dụng vốn khác; công trình đường sắt, sân bay, bến, ụ
nâng tàu, cảng bến đường thủy, hệ thống cáp treo vận chuyển người không phân biệt
cấp;
đ) Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn:
Hồ chứa nước, đập ngăn nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả nước, kênh, đường
ống kín dẫn nước, đường hầm thủy công, đê, kè, trạm bơm và công trình thủy lợi
khác không phân biệt cấp;
e) Công trình hạ tầng kỹ thuật: Từ cấp III trở lên
đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và từ cấp II trở lên đối với
công trình sử dụng vốn khác; riêng các công trình xử lý chất thải rắn độc hại
không phân biệt cấp.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thực hiện thẩm
tra thiết kế của các công trình nêu tại Khoản 1 Điều này được quy định như sau:
a) Cơ quan chuyên môn trực
thuộc Bộ Xây dựng và Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quy định tại
Khoản 2 Điều 41 Nghị định này thẩm
tra thiết kế các công trình theo chuyên ngành quản lý, bao gồm: Công trình thuộc
dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ quản lý công trình chuyên ngành quyết định
đầu tư; công trình cấp I, công trình cấp đặc biệt và công trình quan trọng quốc
gia được Thủ tướng Chính phủ giao;
b) Sở Xây dựng và Sở quản lý
công trình xây dựng chuyên ngành thẩm tra thiết kế các công trình xây dựng trên
địa bàn theo chuyên ngành quản lý, trừ các công trình thuộc phạm vi quy định tại
Điểm a Khoản này;
c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện thẩm
tra thiết kế đối với các công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;
d) Trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng công
trình gồm nhiều công trình có loại và cấp khác nhau nêu tại Khoản 1 Điều này
thì cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện thẩm tra thiết kế là cơ quan có trách nhiệm
thực hiện thẩm tra thiết kế đối với công trình chính của dự án đầu tư xây dựng
công trình theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.
3. Trường hợp cơ quan quản lý
nhà nước về xây dựng nêu tại Khoản 2 Điều này không đủ điều kiện để thẩm tra
thiết kế thì cơ quan này được thuê hoặc chỉ định tổ chức tư vấn, cá nhân có đủ
điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra thiết kế.
Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, tổ chức, cá
nhân thực hiện thẩm tra thiết kế phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra thiết
kế của mình.
4. Nội dung thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý
nhà nước về xây dựng:
a) Năng lực của tổ chức tư vấn, cá nhân thực hiện
khảo sát thiết kế so với yêu cầu của Hợp đồng và quy định của pháp luật.
b) Sự phù hợp của thiết kế với quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia, tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình;
c) Mức độ an toàn chịu lực của công trình và các
yêu cầu về an toàn khác;
d) Riêng đối với công trình có sử dụng vốn ngân
sách nhà nước, ngoài các nội dung thẩm tra nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về
xây dựng thực hiện thẩm tra thêm các nội dung: Sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so
với nhiệm vụ thiết kế hoặc thiết kế cơ sở; sự hợp lý của hồ sơ thiết kế bảo đảm
tiết kiệm chi phí và hiệu quả đầu tư.
5. Hồ sơ gửi cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm
tra thiết kế là các hồ sơ liên quan đến nội dung thẩm tra quy định tại Khoản 4
Điều này, bao gồm:
a) Thuyết minh thiết kế, các bản vẽ thiết kế, các
tài liệu khảo sát xây dựng liên quan;
b) Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng
công trình (đối với trường hợp thiết kế 2 bước và thiết kế 3 bước) hoặc phê duyệt
chủ trương đầu tư xây dựng công trình (đối với trường hợp thiết kế 1 bước);
c) Hồ sơ về điều kiện năng lực của nhà thầu khảo
sát, thiết kế xây dựng công trình;
d) Dự toán xây dựng công trình đối với công trình sử
dụng vốn ngân sách nhà nước.
6. Kết thúc thẩm tra thiết kế, cơ quan quản lý nhà
nước về xây dựng phải có ý kiến bằng văn bản về kết quả thẩm tra gửi chủ đầu
tư.
Thời gian thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà
nước về xây dựng không quá 40 ngày làm việc đối với công trình cấp I trở lên và
không quá 30 ngày làm việc đối với các công trình còn lại kể từ ngày nhận đủ hồ
sơ hợp lệ.
Điều 22. Thay đổi thiết kế xây
dựng công trình
1. Thiết kế xây dựng công trình đã phê duyệt được
thay đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Khi dự án đầu tư xây dựng công trình được điều
chỉnh có yêu cầu phải thay đổi thiết kế;
b) Trong quá trình thi công xây dựng công trình
phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý nếu không thay đổi thiết kế sẽ ảnh hưởng
đến chất lượng công trình, tiến độ thi công xây dựng, biện pháp thi công và hiệu
quả đầu tư của dự án.
2. Đối với công trình sử dụng
nguồn vốn nhà nước, khi điều chỉnh thiết kế làm thay đổi địa điểm, quy hoạch
xây dựng, mục tiêu, quy mô hoặc làm vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt của công
trình thì chủ đầu tư phải trình người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt lại
nội dung điều chỉnh. Trường hợp còn lại, chủ đầu tư được quyền quyết định thay
đổi thiết kế. Những nội dung điều chỉnh thiết kế phải được thẩm định, thẩm tra,
phê duyệt lại theo quy định của Nghị định này.
3. Nhà thầu thiết kế có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung
hoặc thay đổi các thiết kế bất hợp lý do lỗi của mình gây ra và có quyền từ chối
những yêu cầu điều chỉnh thiết kế bất hợp lý của chủ đầu tư.
4. Chủ đầu tư có quyền thuê nhà thầu thiết kế khác
thực hiện sửa đổi, bổ sung thay đổi thiết kế trong trường hợp nhà thầu thiết kế
ban đầu không thực hiện các việc này. Nhà thầu thiết kế thực hiện sửa đổi, bổ
sung thay đổi thiết kế phải chịu trách nhiệm về những nội dung do mình thực hiện.
Chương 4.
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THI
CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 23. Trình tự thực hiện và
quản lý chất lượng thi công xây dựng
1. Lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình.
2. Lập và phê duyệt biện pháp thi công.
3. Kiểm tra điều kiện khởi công xây dựng công trình
và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi khởi
công.
4. Tổ chức thi công xây dựng công trình và giám
sát, nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng.
5. Kiểm định chất lượng công trình, hạng mục công
trình trong các trường hợp quy định tại Nghị định này.
6. Kiểm tra công tác nghiệm thu hạng mục công trình
hoặc công trình xây dựng hoàn thành trước khi đưa vào sử dụng theo quy định tại
Khoản 3 Điều 32 của Nghị định này.
7. Nghiệm thu hạng mục công trình hoặc công trình
hoàn thành để đưa vào sử dụng.
8. Lập hồ sơ hoàn thành công
trình xây dựng, lưu trữ hồ sơ của công trình theo quy định.
Điều 24. Trách nhiệm của chủ đầu
tư
1. Lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện
năng lực theo quy định để thực hiện thi công xây dựng công trình, giám sát thi
công xây dựng công trình (nếu có), thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình
(nếu có) và các công việc tư vấn xây dựng khác.
2. Thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân
trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công
xây dựng công trình cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện.
3. Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây
dựng theo quy định tại Điều 72 của Luật xây dựng.
4. Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi
công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm:
Nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống
quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình.
5. Kiểm tra việc huy động và bố trí nhân lực của
nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình so với yêu cầu của hợp đồng xây
dựng.
6. Kiểm tra và giám sát trong quá trình thi công
xây dựng công trình, bao gồm:
a) Kiểm tra vật liệu, cấu kiện,
sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình; thực hiện thí nghiệm kiểm
tra chất lượng khi cần thiết;
b) Kiểm tra biện pháp thi công trong đó quy định rõ
các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình của nhà thầu
thi công xây dựng công trình;
c) Kiểm tra, đôn đốc, giám sát nhà thầu thi công
xây dựng công trình và các nhà thầu khác triển khai công việc tại hiện trường;
d) Yêu cầu nhà thầu thiết kế điều chỉnh khi phát hiện
sai sót, bất hợp lý về thiết kế;
đ) Kiểm tra tài liệu phục vụ nghiệm thu;
e) Kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công.
7. Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối
với các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
8. Tổ chức kiểm định chất lượng bộ phận công trình,
hạng mục công trình và toàn bộ công trình xây dựng khi có nghi ngờ về chất lượng
hoặc khi được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu.
9. Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng.
10. Tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng.
11. Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đối với nhà thầu
thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu
kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn.
12. Chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải
quyết những vướng mắc, phát sinh trong thi công xây dựng công trình và xử lý,
khắc phục sự cố theo quy định của Nghị định này.
13. Lập báo cáo hoàn thành
đưa công trình xây dựng vào sử dụng hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu và gửi
cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo quy định tại Nghị định này.
14. Chủ đầu tư có thể thuê
nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công việc nêu tại
Khoản 3, Khoản 4, Khoản 6, Khoản 9, Khoản 10, Khoản 13 Điều này và một số công
việc khác khi cần thiết.
Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện của
nhà thầu tư vấn giám sát theo yêu cầu của Hợp đồng xây dựng và quy định của
pháp luật có liên quan.
Điều 25. Trách nhiệm của nhà
thầu thi công xây dựng
1. Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với quy mô
công trình, trong đó quy định trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận đối với
việc quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Phân định trách nhiệm quản
lý chất lượng công trình xây dựng giữa các bên trong trường hợp áp dụng hình thức
tổng thầu thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng
công trình; tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng
công trình; tổng thầu lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế, cung cấp
thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình và các hình thức tổng thầu
khác (nếu có).
3. Bố trí nhân lực, cung cấp vật tư, thiết bị thi
công theo yêu cầu của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
4. Tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản
mốc định vị và mốc giới công trình.
5. Lập và phê duyệt biện pháp thi công trong đó quy
định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình tiến
độ thi công, trừ trường hợp trong hợp đồng có quy định khác.
6. Thực hiện các công tác kiểm tra, thí nghiệm vật
liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng
và lắp đặt vào công trình xây dựng theo quy định của tiêu chuẩn, yêu cầu của
thiết kế và yêu cầu của hợp đồng xây dựng.
7. Thi công xây dựng theo đúng hợp đồng xây dựng,
giấy phép xây dựng, thiết kế xây dựng công trình; đảm bảo chất lượng công trình
và an toàn trong thi công xây dựng.
8. Thông báo kịp thời cho chủ đầu tư nếu phát hiện
bất kỳ sai khác nào giữa thiết kế, hồ sơ hợp đồng và điều kiện hiện trường.
9. Sửa chữa sai sót, khiếm khuyết chất lượng đối với
những công việc do mình thực hiện; chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư khắc phục hậu
quả sự cố trong quá trình thi công xây dựng công trình; lập báo cáo sự cố và phối
hợp với các bên liên quan trong quá trình giám định nguyên nhân sự cố.
10. Lập nhật ký thi công xây
dựng công trình theo quy định.
11. Lập bản vẽ hoàn công
theo quy định.
12. Báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối
lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo yêu cầu của
chủ đầu tư.
13. Hoàn trả mặt bằng, di chuyển vật tư, máy móc,
thiết bị và những tài sản khác của mình ra khỏi công trường sau khi công trình
đã được nghiệm thu, bàn giao, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.
Điều 26. Trách nhiệm của nhà
thầu chế tạo, sản xuất, cung cấp vât liệu, sản phẩm, thiết bị, cấu kiện sử dụng
cho công trình xây dựng
1. Đảm bảo chất lượng vật liệu, sản phẩm, thiết bị,
cấu kiện xây dựng theo tiêu chuẩn được công bố áp dụng và các quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia tương ứng, đáp ứng được yêu cầu của thiết kế.
2. Cung cấp cho bên giao thầu đầy đủ thông tin, tài
liệu liên quan tới sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật về chất lượng
sản phẩm, hàng hóa và pháp luật khác có liên quan; đảm bảo quy định về nhãn mác
sản phẩm, hàng hóa.
3. Thực hiện việc chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn
theo quy định của pháp luật và thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng theo
yêu cầu của hợp đồng.
4. Thực hiện các thỏa thuận với bên giao thầu về
quy trình và phương pháp kiểm tra chất lượng vật liệu, sản phẩm, thiết bị, cấu
kiện xây dựng trước và trong quá trình sản xuất cũng như trong quá trình cung ứng,
sử dụng, lắp đặt trong công trình.
Điều 27. Trách nhiệm của nhà
thầu giám sát thi công xây dựng công trình
1. Cử người có đủ năng lực theo quy định để thực hiện
nhiệm vụ của giám sát trưởng và các chức danh giám sát khác.
2. Lập sơ đồ tổ chức và đề cương giám sát bao gồm
nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của các chức danh giám sát, lập
kế hoạch và quy trình kiểm soát chất lượng, quy trình kiểm tra và nghiệm
thu, phương pháp quản lý các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình giám
sát thi công xây dựng.
3. Thực hiện giám sát thi công xây dựng theo yêu cầu
của hợp đồng xây dựng, đề cương đã được chủ đầu tư chấp thuận và quy định của
pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
4. Nghiệm thu các công việc do nhà thầu thi công
xây dựng thực hiện theo yêu cầu của hợp đồng xây dựng.
Điều 28. Trách nhiệm giám sát
tác giả của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình
1. Nhà thầu lập thiết kế kỹ thuật đối với trường hợp
thiết kế ba bước, nhà thầu lập thiết kế bản vẽ thi công đối với trường hợp thiết
kế một bước hoặc hai bước cử người đủ năng lực để thực hiện giám sát tác giả
trong quá trình thi công xây dựng theo chế độ giám sát không thường xuyên hoặc
giám sát thường xuyên nếu có thỏa thuận riêng với chủ đầu tư trong hợp đồng.
2. Giải thích và làm rõ các tài liệu thiết kế công
trình khi có yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu
giám sát thi công xây dựng.
3. Phối hợp với chủ đầu tư khi được yêu cầu để giải
quyết các vướng mắc, phát sinh về thiết kế trong quá trình thi công xây dựng,
điều chỉnh thiết kế phù hợp với thực tế thi công xây dựng công trình, xử lý những
bất hợp lý trong thiết kế theo yêu cầu của chủ đầu tư.
4. Thông báo kịp thời cho chủ đầu tư và kiến nghị
biện pháp xử lý khi phát hiện việc thi công sai với thiết kế được duyệt của nhà
thầu thi công xây dựng.
5. Tham gia nghiệm thu công trình xây dựng khi có
yêu cầu của chủ đầu tư, nếu phát hiện hạng mục công trình, công trình xây dựng
không đủ điều kiện nghiệm thu phải có ý kiến kịp thời bằng văn bản gửi chủ đầu
tư.
Điều 29. Quản lý an toàn trong
thi công xây dựng công trình
1. Trước khi khởi công xây dựng, nhà thầu thi công
xây dựng, phải lập, phê duyệt thiết kế biện pháp thi công theo quy định, trong
đó phải thể hiện được các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, thiết bị
thi công, công trình chính, công trình tạm, công trình phụ trợ, công trình lân
cận, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
2. Biện pháp thi công phải được nhà thầu thi công
xây dựng rà soát định kỳ và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của công trường.
3. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an
toàn lao động phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người
biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải có cảnh báo đề
phòng tai nạn.
4. Những người điều khiển máy, thiết bị thi công và
những người thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
được quy định theo pháp luật về an toàn lao động phải được huấn luyện về an
toàn lao động và có thẻ an toàn lao động theo quy định.
5. Máy, thiết bị thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn lao động phải được kiểm định, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền theo quy định thì mới được phép hoạt động trên công trường. Khi hoạt
động phải tuân thủ quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn.
6. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đôn
đốc nhà thầu thi công xây dựng tuân thủ biện pháp thi công và các giải pháp về
an toàn đã được phê duyệt.
7. Người lao động khi tham gia thi công xây dựng
trên công trường phải có đủ sức khỏe, được huấn luyện về an toàn và được cấp
phát đầy đủ trang bị bảo hộ lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
8. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng hướng dẫn,
kiểm tra việc đảm bảo an toàn trong quá trình thi công theo quy định.
9. Khi có sự cố mất an toàn trong thi công xây dựng
thì việc giải quyết sự cố tuân theo quy định tại Chương VI của Nghị định này.
Điều 30. Lập và lưu trữ hồ sơ
hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng
1. Hồ sơ hoàn thành hạng mục công trình và công
trình xây dựng phải được chủ đầu tư lập đầy đủ trước khi đưa hạng mục công
trình hoặc công trình vào khai thác, vận hành.
2. Hồ sơ hoàn thành công trình được lập một lần
chung cho toàn bộ dự án đầu tư xây dựng công trình nếu các công trình (hạng mục
công trình) thuộc dự án được đưa vào khai thác, sử dụng cùng một thời điểm. Trường
hợp các công trình (hạng mục công trình) của dự án được đưa vào khai thác, sử dụng
ở thời điểm khác nhau thì có thể lập hồ sơ hoàn thành công trình cho riêng từng
công trình (hạng mục công trình) đó.
3. Số lượng hồ sơ hoàn thành công trình do chủ đầu
tư quyết định trên cơ sở thỏa thuận với các nhà thầu và các bên có liên quan.
4. Lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình thực hiện
theo hướng dẫn của pháp luật về lưu trữ.
Điều 31. Tổ chức nghiệm thu
công trình xây dựng
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm
tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng, bao gồm: Nghiệm thu công việc xây dựng
trong quá trình thi công xây dựng; nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình,
công trình xây dựng để đưa vào sử dụng.
Trong trường hợp cần thiết, chủ đầu tư quy định về
việc nghiệm thu đối với các giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng của công
trình.
2. Trong hợp đồng thi công xây dựng phải quy định
rõ về các công việc cần nghiệm thu, bàn giao; căn cứ, điều kiện, quy trình, thời
điểm, các tài liệu, biểu mẫu, biên bản và thành phần nhân sự tham gia khi nghiệm
thu, bàn giao hạng mục công trình, công trình hoàn thành.
Kết quả nghiệm thu, bàn giao phải được lập thành biên bản.
3. Các bộ phận, hạng mục công trình xây dựng hoàn
thành và công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi
được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định.
4. Riêng các công trình, hạng mục công trình xây dựng
quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Nghị định này còn phải được
cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu
tư trước khi đưa vào sử dụng.
Điều 32. Kiểm tra công tác
nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng
1. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiểm tra
công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình, hạng mục công trình
quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Nghị định này gồm:
a) Cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý
công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra các công trình quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 21 của Nghị định này;
b) Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng
chuyên ngành kiểm tra các công trình quy định tại Điểm b Khoản
2 Điều 21 của Nghị định này;
c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện kiểm
tra các công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
2. Trước 10 ngày làm việc (đối với công trình cấp
II, III và cấp IV) hoặc trước 20 ngày làm việc (đối với công trình cấp đặc biệt,
cấp I) so với ngày chủ đầu tư dự kiến tổ chức nghiệm thu đưa công trình, hạng mục
công trình vào sử dụng, chủ đầu tư phải gửi cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều này báo cáo hoàn thành hạng mục công trình
hoặc hoàn thành công trình cùng danh mục hồ sơ hoàn thành hạng mục công trình
hoặc công trình.
3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định
tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm:
a) Kiểm tra công trình, hạng mục công trình hoàn
thành, kiểm tra sự tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công
trình xây dựng khi nhận được báo cáo của chủ đầu tư; kiểm tra công tác nghiệm
thu các giai đoạn chuyển bước thi công xây dựng quan trọng của công trình khi cần
thiết;
b) Yêu cầu chủ đầu tư và các bên có liên quan giải
trình và khắc phục các tồn tại (nếu có);
c) Yêu cầu chủ đầu tư và các bên có liên quan kiểm
định chất lượng bộ phận, hạng mục hoặc toàn bộ công trình khi cần thiết;
d) Kết luận bằng văn bản về
các nội dung kiểm tra trong thời hạn 15 ngày làm việc (đối với công trình cấp III
và cấp IV) hoặc 30 ngày làm việc (đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp
II) kể từ khi nhận được hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều này.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà chủ đầu tư chưa nhận
được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều
này về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu thì chủ đầu tư được quyền tổ chức
nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Cơ quan quản lý nhà nước nêu trên chịu
trách nhiệm về việc không có kết luận kiểm tra của mình.
Điều 33. Xử lý tranh chấp về
chất lượng công trình xây dựng
Khi có đánh giá khác nhau về chất lượng sản phẩm,
chất lượng bộ phận công trình và chất lượng công trình xây dựng giữa các chủ thể,
việc giải quyết thực hiện theo trình tự sau:
1. Các bên liên quan có trách nhiệm thương lượng giải
quyết.
2. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, các bên
liên quan có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng hướng dẫn giải
quyết.
3. Thông qua Tòa án giải quyết theo quy định của hợp
đồng và quy định của pháp luật.
Chương 5.
BẢO HÀNH CÔNG TRÌNH XÂY
DỰNG
Điều 34. Bảo hành công trình
xây dựng
1. Nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng
thiết bị công trình có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị. Thời
hạn bảo hành công trình kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công
trình, hạng mục công trình vào sử dụng hoặc căn cứ theo quy định của Hợp đồng
xây dựng, Hợp đồng cung ứng thiết bị nhưng phải tuân theo quy định sau:
a) Không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc
biệt và cấp I;
b) Không ít hơn 12 tháng đối với các công trình cấp
còn lại;
c) Thời hạn bảo hành công trình nhà ở thực hiện
theo quy định pháp luật về nhà ở.
2. Trong thời hạn bảo hành, nhà thầu thi công xây dựng
và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình phải thực hiện việc bảo hành sau khi
nhận được thông báo của chủ đầu tư. Nếu các nhà thầu nêu trên không tiến hành bảo
hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân
khác sửa chữa.
3. Chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng với
các nhà thầu tham gia xây dựng công trình về quyền và trách nhiệm của các bên
trong bảo hành công trình xây dựng; mức tiền bảo hành và việc lưu giữ, sử dụng,
hoàn trả tiền bảo hành theo quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động
xây dựng.
Điều 35. Trách nhiệm của các
bên về bảo hành công trình xây dựng
1. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng
công trình có trách nhiệm sau đây:
a) Vận hành, bảo trì công trình theo đúng quy định
của quy trình vận hành, bảo trì công trình;
b) Kiểm tra, phát hiện hư hỏng của công trình để
yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị công
trình sửa chữa, thay thế;
c) Giám sát và nghiệm thu công việc khắc phục, sửa
chữa của nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình
xây dựng;
d) Xác nhận hoàn thành bảo hành công trình xây dựng
cho nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu cung ứng thiết bị công
trình.
2. Nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu
cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức khắc phục ngay sau khi có yêu cầu của chủ
đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình và phải chịu mọi chi phí
khắc phục;
b) Từ chối bảo hành trong các trường hợp hư hỏng
phát sinh không phải do lỗi của nhà thầu gây ra hoặc do nguyên nhân bất khả
kháng.
3. Nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế
xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng
thiết bị công trình và các nhà thầu khác có liên quan chịu trách nhiệm về chất
lượng công trình tương ứng với phần công việc do mình thực hiện kể cả sau thời
gian bảo hành.
Chương 6.
SỰ CỐ TRONG THI CÔNG XÂY
DỰNG VÀ KHAI THÁC, SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 36. Phân loại, phân cấp sự
cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình xây dựng
1. Các loại sự cố trong thi công xây dựng và khai
thác, sử dụng công trình xây dựng (gọi chung là sự cố), bao gồm: Sự cố công
trình (công trình chính, công trình phụ trợ, công trình tạm, công trình lân cận);
sự cố mất an toàn lao động của người hoặc thiết bị thi công xây dựng; sự cố
cháy, nổ xảy ra trong thi công xây dựng và khai thác sử dụng công trình xây dựng.
2. Cấp sự cố được chia thành bốn cấp theo mức độ
thiệt hại về người và vật chất, bao gồm: cấp đặc biệt nghiêm trọng, cấp I, cấp
II và cấp III.
Điều 37. Báo cáo sự cố
1. Ngay sau khi xảy ra sự cố, bằng phương pháp
nhanh nhất chủ đầu tư phải báo cáo tóm tắt về sự cố cho Ủy ban nhân dân cấp xã
nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình, Ủy ban nhân dân cấp xã ngay sau
khi nhận được thông tin phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh
về sự cố.
2. Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu
tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố. Đối với tất cả các loại sự cố, nếu có thiệt hại
về người thì chủ đầu tư còn phải gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản
lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Sau khi nhận được báo cáo bằng văn bản hoặc nhận
được thông tin về sự cố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo sự
cố cho Bộ Xây dựng và Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với các sự
cố đặc biệt nghiêm trọng, sự cố cấp I và các sự cố khác có thiệt hại về người.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố đặc biệt nghiêm
trọng và các trường hợp khác khi được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các cấp được
quyền yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan cung cấp thông tin về sự cố.
Điều 38. Giải quyết sự cố
1. Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và nhà thầu thi
công xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm
kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các
nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và thực hiện
báo cáo theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này.
Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hỗ trợ các bên có
liên quan tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ hiện trường sự cố và thực
hiện các công việc cần thiết khác trong quá trình giải quyết sự cố.
2. Việc phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố phải được
sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên
quan và phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Được thực hiện theo phương án đảm bảo an toàn
cho người, tài sản và các công trình lân cận;
b) Hiện trường sự cố phải được các bên liên quan chụp
ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công
tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi phá dỡ, thu dọn.
3. Sự cố phải được xác định đúng nguyên nhân để khắc
phục triệt để, đảm bảo chất lượng công trình theo quy định của thiết kế. Sau
khi khắc phục sự cố, công trình được thi công tiếp hoặc đưa vào sử dụng phải có
ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên
quan.
4. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm bồi
thường thiệt hại và chi phí cho việc khắc phục sự cố tùy theo tính chất, mức độ
và phạm vi ảnh hưởng của sự cố.
Điều 39. Tổ chức giám định
nguyên nhân sự cố
1. Thẩm quyền tổ chức giám định nguyên nhân sự cố
được quy định như sau:
a) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý
công trình chuyên ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giám định nguyên
nhân sự cố cấp đặc biệt nghiêm trọng và sự cố cấp I.
Trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định
thành lập Ủy ban điều tra sự cố để giám định nguyên nhân và xử lý các vấn đề
liên quan đối với các sự cố cấp đặc biệt nghiêm trọng.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giám định
nguyên nhân đối với các sự cố cấp II, cấp III trên địa bàn; Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực
hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết;
c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức giám định
nguyên nhân sự cố đối với công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh do Bộ
quản lý. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có thể đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ quản lý
công trình xây dựng chuyên ngành phối hợp thực hiện giám định nguyên nhân sự cố
khi cần thiết.
2. Nội dung thực hiện giám định nguyên nhân sự cố:
a) Thu thập hồ sơ, tài liệu, số liệu kỹ thuật có
liên quan và thực hiện các công việc chuyên môn để xác định nguyên nhân sự cố;
b) Đánh giá mức độ an toàn của công trình sau sự cố;
c) Phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân
có liên quan;
d) Đề ra biện pháp ngăn ngừa các sự cố tương tự;
đ) Lập hồ sơ giám định nguyên nhân sự cố, bao gồm:
Báo cáo giám định nguyên nhân sự cố và các tài liệu liên quan trong quá trình
thực hiện giám định nguyên nhân sự cố.
3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức
giám định nguyên nhân sự cố có thể trực tiếp thực hiện giám định hoặc chỉ định
tổ chức kiểm định có năng lực phù hợp thực hiện giám định sự cố.
4. Chủ đầu tư, các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi
công xây dựng công trình có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu của các cơ quan quản lý
nhà nước có thẩm quyền trong quá trình giám định nguyên nhân sự cố.
5. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có hành động
ngăn cản, can thiệp vào quá trình giám định nguyên nhân sự cố của cơ quan quản
lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 40. Hồ sơ sự cố
Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng có
trách nhiệm lập hồ sơ sự cố bao gồm các nội dung sau:
1. Biên bản kiểm tra hiện trường sự cố với các nội
dung: Tên công trình, hạng mục công trình xảy ra sự cố; địa điểm xây dựng công
trình, thời điểm xảy ra sự cố, mô tả sơ bộ và diễn biến sự cố; tình trạng công
trình khi xảy ra sự cố; sơ bộ về tình hình thiệt hại về người, về vật chất; sơ
bộ về nguyên nhân sự cố.
2. Các tài liệu về thiết kế và thi công xây dựng
công trình liên quan đến sự cố.
3. Hồ sơ giám định nguyên nhân sự cố.
4. Các tài liệu liên quan đến quá trình giải quyết
sự cố.
Chương 7.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT
LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 41. Trách nhiệm quản lý
nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
1. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về chất
lượng công trình xây dựng trong phạm vi cả nước và quản lý chất lượng các công
trình xây dựng chuyên ngành, bao gồm: Công trình dân dụng, công trình công nghiệp
vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật.
2. Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành:
a) Bộ Giao thông vận tải quản lý chất lượng công
trình giao thông;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý
chất lượng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn;
c) Bộ Công Thương quản lý chất lượng công trình hầm
mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình
công nghiệp chuyên ngành.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý chất lượng các
công trình xây dựng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về chất
lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Sở Xây dựng và các Sở quản lý công
trình xây dựng chuyên ngành giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý chất lượng
công trình chuyên ngành như sau:
a) Sở Xây dựng quản lý các công trình dân dụng,
công trình công nghiệp vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật;
b) Sở Giao thông vận tải quản lý chất lượng công
trình giao thông;
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý
chất lượng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn;
d) Sở Công thương quản lý chất lượng công trình hầm
mỏ dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình
công nghiệp chuyên ngành.
Điều 42. Nội dung quản lý nhà
nước về chất lượng công trình xây dựng của Bộ Xây dựng
1. Ban hành và hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp
luật theo thẩm quyền về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Tổ chức kiểm tra định kỳ
theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các Bộ,
ngành, địa phương, các chủ thể tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng
các công trình xây dựng khi cần thiết.
3. Yêu cầu, đôn đốc các Bộ quản lý công trình xây dựng
chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra định kỳ công tác quản
lý chất lượng và chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi quản lý của mình.
4. Công bố trên trang thông tin điện tử do Bộ quản
lý về thông tin năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng công trình
trên cả nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này.
5. Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định
tại Điểm a Khoản 2 Điều 21 của Nghị định này.
6. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào
sử dụng đối với công trình chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ và phối hợp
với Bộ quản lý công trình chuyên ngành kiểm tra đối với các công trình chuyên
ngành theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này.
7. Tổ chức giám định chất lượng công trình xây dựng
khi được yêu cầu hoặc khi phát hiện công trình có chất lượng không đảm bảo yêu
cầu theo thiết kế, có nguy cơ mất an toàn chịu lực; tổ chức giám định nguyên
nhân sự cố theo quy định tại Điều 39 của Nghị định này.
8. Chủ trì tổ chức xét giải thưởng về chất lượng
công trình xây dựng theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
9. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng năm về
tình hình chất lượng, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên phạm
vi cả nước và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
10. Xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình
xây dựng quy định tại Nghị định này.
11. Thực hiện các nội dung quản lý khác theo quy định
của pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Điều 43. Nội dung quản lý nhà
nước về chất lượng công trình xây dựng của các Bộ, ngành khác
1. Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành
có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng như sau:
a) Hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật
về quản lý chất lượng công trình xây dựng áp dụng cho các công trình chuyên
ngành;
b) Tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra
đột xuất công tác quản lý chất lượng của các chủ thể tham gia xây dựng công
trình và kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành thuộc phạm vi
quản lý của Bộ khi cần thiết hoặc khi được Bộ Xây dựng yêu cầu;
c) Báo cáo Bộ Xây dựng kế hoạch
kiểm tra, kết quả kiểm tra công tác quản lý chất lượng và chất lượng các công
trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
d) Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định
tại Điểm a Khoản 2 Điều 21 của Nghị định này;
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng kiểm tra công
tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này;
e) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng chuyên
ngành;
g) Phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức giải thưởng về
chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Điều 11 của
Nghị định này.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm quản lý
chất lượng công trình xây dựng như sau:
a) Hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật
về quản lý chất lượng công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;
b) Tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra
đột xuất công tác quản lý chất lượng của các chủ thể tham gia xây dựng công
trình và kiểm tra chất lượng các công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh
do Bộ quản lý;
c) Tổ chức thực hiện thẩm tra thiết kế đối với các
công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh do Bộ quản lý;
d) Kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công
trình vào sử dụng theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 32 của
Nghị định này;
đ) Tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công
trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh do Bộ quản lý.
3. Các Bộ quản lý chất lượng
công trình chuyên ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành khác tổng hợp,
báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công
trình xây dựng do Bộ, ngành quản lý trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
Điều 44. Trách nhiệm quản lý
nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước
về chất lượng công trình xây dựng cho các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên
ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy
phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
3. Kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Nghị định
này đối với các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình trên địa bàn.
4. Tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định
tại Điều 39 của Nghị định này.
5. Phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức giải thưởng về
chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Điều 11 của
Nghị định này.
6. Tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng
về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn
trước ngày 15 tháng 12 hằng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 45. Trách nhiệm của các
cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về chất lượng
công trình xây dựng
1. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên
địa bàn, thực hiện các việc sau:
a) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành
các văn bản hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất
lượng công trình xây dựng trên địa bàn;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức
và cá nhân tham gia xây dựng công trình thực hiện các quy định của pháp luật về
quản lý chất lượng công trình xây dựng.
c) Kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và
kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
tham gia xây dựng công trình và chất lượng các công trình xây dựng trên địa
bàn;
d) Phối hợp với Sở quản lý công trình xây dựng
chuyên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình
xây dựng chuyên ngành;
đ) Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình chuyên
ngành do Sở quản lý theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 21 của
Nghị định này;
e) Công bố trên trang thông tin điện tử do Sở quản
lý thông tin năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng công trình
trên địa bàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này;
g) Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giám định
chất lượng công trình xây dựng khi được yêu cầu và tổ chức giám định nguyên
nhân sự cố theo quy định tại Điều 39 của Nghị định này;
theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình sự cố trên địa
bàn;
h) Kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công
trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này
đối với công trình chuyên ngành do Sở quản lý;
i) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định kỳ, đột xuất
về việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình
hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn;
k) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp và báo cáo Bộ
Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn định kỳ hằng
năm và đột xuất; báo cáo danh sách các nhà thầu vi phạm quy định về quản lý chất
lượng công trình khi tham gia các hoạt động xây dựng trên địa bàn.
2. Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có
trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra thường
xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của
tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình chuyên ngành và chất lượng các
công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn;
b) Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm tra thiết kế
xây dựng công trình chuyên ngành theo quy định tại Điểm b Khoản
2 Điều 21 của Nghị định này;
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra công
tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này đối với công trình chuyên ngành;
d) Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức giám định chất
lượng công trình xây dựng chuyên ngành khi được yêu cầu và tổ chức giám định
nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng chuyên ngành; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Xây dựng về tình hình
chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn định kỳ hằng năm và đột
xuất.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức và
cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thực hiện các văn bản quy phạm
pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
b) Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định
về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng được ủy
quyền quyết định đầu tư và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn;
c) Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình
xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình xây dựng trên địa bàn khi được yêu cầu;
d) Báo cáo sự cố và giải quyết sự cố theo quy định
tại Điều 37, Điều 38 của Nghị định này;
đ) Tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở
Xây dựng định kỳ hằng năm, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng
công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
Điều 46. Xử lý vi phạm về quản
lý chất lượng công trình xây dựng
1. Khi phát hiện các hành vi vi phạm quy định của
Nghị định này qua công tác kiểm tra hoặc do tổ chức, cá nhân phản ánh, cơ quan
quản lý nhà nước về xây dựng phải kịp thời yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên
quan khắc phục, đồng thời đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt
vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Các tổ chức, cá nhân có vi phạm
ngoài việc phải chấp hành các yêu cầu khắc phục của cơ quan quản lý nhà nước về
xây dựng và chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật còn bị công
bố tên và hành vi vi phạm của các tổ chức này trên trang thông tin điện tử của
cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
2. Trường hợp phát hiện chất lượng công trình không
đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công không
đảm bảo an toàn thì cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng được quyền tạm dừng
thi công công trình và chỉ cho phép thi công sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu
khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn.
Chương 8.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 47. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 4 năm 2013 và thay thế Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm
2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số
49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về
quản lý chất lượng công trình xây dựng, thay thế Khoản 4 Điều
13, Điều 18 và Điều 30 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm
2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Các quy định
trước đây của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương trái với Nghị định
này đều bị bãi bỏ.
2. Quy định sử dụng thông tin về năng lực để lựa chọn
nhà thầu trong hoạt động xây dựng tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định
này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.
3. Các công trình đã thực hiện
chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng
công trình xây dựng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực theo quy định tại
Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý
chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm
2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng
công trình xây dựng thì tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành công trình.
Điều 48. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, Thủ trưởng tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Bộ Xây dựng hướng dẫn các nội dung: Đăng ký và
công bố thông tin của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; thẩm
tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, tổ chức và hoạt động của
tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng; quy định chi tiết các nội dung khác
về quản lý chất lượng công trình và cấp sự cố công trình theo quy định của Nghị
định này.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Bộ Xây dựng hướng dẫn phí thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về
xây dựng.
4. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với
Bộ Xây dựng quy định về danh mục công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
5. Trong thời gian chưa ban
hành các văn bản hướng dẫn về phân cấp các loại công trình xây dựng, cho phép
tiếp tục áp dụng theo quy định hiện hành cho đến khi ban hành các quy định mới./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
PHỤ LỤC
PHÂN LOẠI CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013
của Chính phủ)
I. CÔNG TRÌNH DÂN DỤNG
1. Nhà ở
a) Nhà chung cư.
b) Nhà ở riêng lẻ.
2. Công trình công cộng.
a) Công trình giáo dục: Nhà trẻ, trường mẫu giáo;
trường phổ thông các cấp; trường đại học và cao đẳng, trường trung học chuyên
nghiệp; trường dạy nghề, trường công nhân kỹ thuật, trường nghiệp vụ; các loại
trường khác.
b) Công trình y tế: Bệnh viện đa khoa, bệnh viện
chuyên khoa từ trung ương đến địa phương; các phòng khám đa khoa, khám chuyên
khoa khu vực; trạm y tế, nhà hộ sinh; nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh
hình, nhà dưỡng lão; cơ sở phòng chống dịch bệnh; các cơ sở y tế khác.
c) Công trình thể thao: Sân vận động; nhà thi đấu,
tập luyện và công trình thể thao khác.
d) Công trình văn hóa: Trung tâm hội nghị, nhà hát,
nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, rạp xiếc; bảo tàng, thư viện, triển
lãm, nhà trưng bày và các công trình khác; công trình di tích, phục vụ tín ngưỡng;
công trình vui chơi, giải trí; cáp treo vận chuyển người; tượng đài ngoài trời.
đ) Công trình thương mại và dịch vụ: Trung tâm
thương mại, siêu thị, chợ; cửa hàng; nhà hàng ăn uống, giải khát và công trình
thương mại dịch vụ khác.
e) Công trình thông tin, truyền thông: Tháp thu,
phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình; panô, biển quảng cáo, đường
cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông; nhà phục vụ thông tin liên lạc (bưu điện, bưu
cục, nhà lắp đặt thiết bị; đèn biển (hải đăng) và hệ thống thông tin, tín hiệu
bảo đảm giao thông đường sông, đường biển.
g) Nhà ga: Hàng không, đường thủy, đường sắt, bến
xe ô tô.
h) Nhà đa năng, khách sạn, ký túc xá, nhà khách,
nhà nghỉ
i) Trụ sở cơ quan hành chính nhà nước: Nhà làm việc
của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; nhà làm việc của các Bộ, ngành, Ủy ban
các cấp.
k) Trụ sở làm việc của các đơn vị sự nghiệp, doanh
nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức khác không thuộc Điểm i.
II. CÔNG TRÌNH CÔNG NGHIỆP
1. Công trình sản xuất vật liệu xây dựng: Nhà máy sản
xuất xi măng; nhà máy sản xuất gạch ốp lát (Ceramic, gạch Granit, gạch gốm);
nhà máy sản xuất gạch, ngói đất sét nung; nhà máy sản xuất sứ vệ sinh; nhà máy
sản xuất kính; nhà máy sản xuất hỗn hợp bê tông và cấu kiện bê tông; mỏ khai
thác vật liệu xây dựng.
2. Công trình khai thác than, quặng: Mỏ than hầm
lò; mỏ than lộ thiên; nhà máy chọn rửa, tuyển than; mỏ quặng hầm lò; mỏ quặng lộ
thiên; nhà máy tuyển quặng, làm giầu quặng; nhà máy sản xuất alumin.
3. Công trình công nghiệp dầu khí: Giàn khoan thăm
dò, khai thác trên biển; nhà máy lọc dầu; nhà máy chế biến khí; kho xăng dầu;
kho chứa khí hóa lỏng; tuyến ống dẫn khí, dầu.
4. Công trình công nghiệp nặng: Nhà máy luyện kim mầu;
nhà máy luyện, cán thép; nhà máy cơ khí chế tạo máy động lực và máy công cụ các
loại; nhà máy chế tạo thiết bị công nghiệp và thiết bị toàn bộ; nhà máy lắp ráp
ô tô; nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy.
5. Công trình năng lượng: Nhà máy (trung tâm) nhiệt
điện; nhà máy thủy điện; nhà máy điện nguyên tử; nhà máy phong điện; nhà máy điện
địa nhiệt; nhà máy điện thủy triều; đường dây và trạm biến áp.
6. Công trình công nghiệp hóa chất và hóa dầu:
a) Công trình sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực
vật: Nhà máy sản xuất Urê, DAP, MPA, SA, NPK phức hợp, nhà máy sản xuất phân
lân các loại (supe lân, lân nung chảy), nhà máy sản xuất NPK hỗn hợp, phân vi
sinh; sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật;
b) Công trình sản xuất cao su: Nhà máy sản xuất săm
lốp ô tô - máy kéo, ô tô, mô tô, xe đạp; nhà máy sản xuất băng tải; nhà máy sản
xuất cao su kỹ thuật;
c) Công trình sản xuất sản phẩm tẩy rửa (kem giặt,
bột giặt, nước gội đầu, nước cọ rửa, xà phòng ...); hóa mỹ phẩm; hóa dược (vi
sinh), thuốc;
d) Công trình sản xuất sản phẩm điện hóa, sơn,
nguyên liệu mỏ hóa chất: Nhà máy sản xuất pin; nhà máy sản xuất ắc quy; nhà máy
sản xuất sơn các loại/nguyên liệu nhựa alkyd, acrylic; nhà máy sản xuất sản phẩm
nguyên liệu mỏ hóa chất (tuyển quặng Apatit);
đ) Công trình sản xuất sản phẩm hóa dầu và hóa chất
khác: Nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản; nhà máy sản xuất hóa dầu (PP, PE, PVC,
PS, PET, SV, sợi, DOP, Polystyren, LAB, cao su tổng hợp; nhà máy sản xuất khí
công nghiệp; nhà máy sản xuất que hàn; nhà máy sản xuất hóa chất, vật liệu nổ.
7. Công trình công nghiệp nhẹ:
a) Công nghiệp thực phẩm: Nhà máy sữa; nhà máy sản
xuất bánh kẹo, mỳ ăn liền; kho đông lạnh; nhà máy sản xuất dầu ăn, hương liệu;
nhà máy sản xuất rượu, bia, nước giải khát; các nhà máy xay xát, lau bóng gạo;
các nhà máy chế biến nông sản khác.
b) Các công trình còn lại: Nhà máy dệt; nhà máy in,
nhuộm; nhà máy sản xuất các sản phẩm may; nhà máy thuộc da và sản xuất các sản
phẩm từ da; nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa; nhà máy sản xuất đồ sành sứ, thủy
tinh; nhà máy bột giấy và giấy; nhà máy lắp ráp điện tử (ti vi, máy tính và sản
phẩm tương đương), điện lạnh (điều hòa, tủ lạnh và sản phẩm tương đương); nhà
máy chế tạo linh kiện, phụ tùng thông tin và điện tử (mạch in điện tử, IC và sản
phẩm tương đương); nhà máy sản xuất thuốc lá.
8. Công trình công nghiệp chế biến thủy hải sản và
đồ hộp
a) Nhà máy chế biến thủy hải sản.
b) Nhà máy chế biến đồ hộp.
III. CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ
THUẬT
1. Cấp nước: Công trình khai thác nước thô, trạm
bơm nước thô, công trình xử lý nước sạch, trạm bơm nước sạch; bể chứa nước sạch;
tuyến ống cấp nước; đài nước; tháp tăng áp.
2. Thoát nước: Tuyến cống thoát nước mưa, thoát nước
thải, cống chung; hồ điều hòa; trạm bơm nước mưa; trạm bơm nước thải; công
trình xử lý nước thải; công trình xử lý bùn.
3. Xử lý rác thải
a) Chất thải rắn đô thị: Bãi chôn lấp rác; nhà máy
đốt, xử lý chế biến rác.
b) Chất thải rắn độc hại.
4. Công trình khác
a) Chiếu sáng công cộng.
b) Công viên cây xanh.
c) Nghĩa trang đô thị.
d) Ga ra ô tô và xe máy (Ga ra
ngầm, ga ra nổi).
đ) Tuy nen kỹ thuật (Đường hầm chứa cáp điện, cáp
thông tin, ống cấp nước).
IV. CÔNG
TRÌNH GIAO THÔNG
1. Đường bộ: Đường ô tô cao tốc
các loại; đường ô tô, đường trong đô thị; đường nông thôn.
2. Đường sắt: Đường sắt cao tốc;
đường tầu điện ngầm; đường sắt trên cao; đường sắt quốc gia thông thường; đường
sắt chuyên dụng và đường sắt địa phương.
3. Cầu: Cầu đường bộ; cầu đường
sắt; cầu vượt các loại.
4. Hầm: Hầm đường ô tô; hầm đường
sắt; hầm cho người đi bộ.
5. Công trình đường thủy: Bến,
ụ nâng tầu cảng biển; cảng bến thủy cho tàu, nhà máy đóng sửa chữa tàu; âu thuyền
cho tầu; đường thủy chạy tàu (trên sông, trên kênh đào, trên thềm lục địa).
6. Sân bay
V. CÔNG
TRÌNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
1. Công trình thủy lợi:
a) Hồ chứa nước;
b) Đập ngăn nước (đập đất, đập
đất - đá, đập bê tông);
c) Đê - Kè - Tường chắn: Đê
chính (sông, biển); đê bao; đê quai;
d) Tràn xả lũ, cống lấy nước,
cống xả nước, kênh, đường ống kín dẫn nước, đường hầm thủy công, trạm bơm và
công trình thủy lợi khác;
đ) Hệ thống thủy nông; công trình cấp nước nguồn
cho sinh hoạt, sản xuất.
2. Công trình lâm nghiệp, diêm
nghiệp, thủy sản, chăn nuôi./.