Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 111/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng

Số hiệu: 111/2006/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 29/09/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ

CÔNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆ NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 111/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2006

NGHỊ ĐỊNH

HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT ĐẤU THẦU VÀ LỰA CHỌN NHÀ THẦU XÂY DỰNG THEO LUẬT XÂY DỰNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội và hướng dẫn thi hành việc lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội.

2. Việc lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Đấu thầu. Thủ tục trình, thẩm định và phê duyệt các nội dung về kế hoạch đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các dự án này thực hiện theo quy định của Nghị định này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu còn bao gồm việc chi tiêu theo hình thức mua, thuê, thuê mua. Đối với dự án được thực hiện theo hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, cổ phần thì phần vốn nhà nước tham gia từ 30% trở lên được xác định căn cứ tương ứng phần vốn nhà nước tham gia vào vốn pháp định, vốn góp, vốn cổ phần;

2. Hồ sơ yêu cầu là toàn bộ tài liệu sử dụng cho hình thức chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt bao gồm các yêu cầu cho một gói thầu làm căn cứ pháp lý để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất và để bên mời thầu đánh giá hồ sơ đề xuất nhằm lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ yêu cầu; là căn cứ cho việc thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quyết định nội dung của hồ sơ yêu cầu;

3. Hồ sơ đề xuất là toàn bộ tài liệu do nhà thầu đề xuất theo hồ sơ yêu cầu và được nộp cho bên mời thầu theo quy định nêu trong hồ sơ yêu cầu;

4. Kết quả lựa chọn nhà thầu là kết quả đấu thầu khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế hoặc kết quả lựa chọn khi áp dụng các hình thức lựa chọn khác;

5. Vi phạm pháp luật về đấu thầu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu;

6. Tham gia đấu thầu là việc nhà thầu tham gia các cuộc đấu thầu rộng rãi hoặc hạn chế;

7. Gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng bao gồm việc lựa chọn tổng thầu để thực hiện gói thầu thiết kế (E); thi công (C); thiết kế và thi công (EC); thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp (EPC); lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây dựng (chìa khoá trao tay).      

Điều 3. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể lộ trình phù hợp để thực hiện bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 11 của Luật Đấu thầu.

Điều 4. Ưu đãi trong đấu thầu quốc tế

1. Việc ưu đãi trong đấu thầu quốc tế theo quy định tại Điều 14 của Luật Đấu thầu được thực hiện như sau:

a) Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn: hồ sơ dự thầu của nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi thì điểm tổng hợp được cộng thêm 7,5% số điểm tổng hợp của nhà thầu đó; trường hợp gói thầu dịch vụ tư vấn có yêu cầu kỹ thuật cao thì điểm kỹ thuật được cộng thêm 7,5% số điểm kỹ thuật của nhà thầu đó;

b) Đối với gói thầu xây lắp: giá đánh giá của hồ sơ dự thầu của nhà thầu không thuộc đối tượng ưu đãi cần cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch của nhà thầu đó;

c) Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa: giá đánh giá của hồ sơ dự thầu của nhà thầu không thuộc đối tượng ưu đãi cần cộng thêm một khoản tiền tương ứng với giá trị thuế nhập khẩu, phí và lệ phí liên quan đến nhập khẩu phải nộp theo quy định của pháp luật nhưng không vượt quá 15% giá hàng hoá, trừ các loại hàng hóa phải đóng thuế nhập khẩu, phí và lệ phí liên quan đến nhập khẩu;

d) Đối với gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế, việc xác định ưu đãi căn cứ quy định tại điểm a khoản này. Đối với các gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng khác thì việc xác định ưu đãi căn cứ theo quy định tại điểm b khoản này.      

2. Trường hợp các hồ sơ dự thầu của nhà thầu nước ngoài được xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên xếp hạng cao hơn cho hồ sơ dự thầu đề xuất giá trị chi phí trong nước cao hơn. Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu trong nước và nhà thầu nước ngoài sau khi đã thực hiện việc ưu đãi theo khoản 1 Điều này được xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên xếp hạng cao hơn cho hồ sơ dự thầu của nhà thầu trong nước.

Điều 5. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu

1. Đối tượng

a) Các cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động đấu thầu phải có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu, trừ các nhà thầu;

b) Các cá nhân khác có nhu cầu.

2. Quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu theo quy định tại khoản 5 Điều 68 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

a) Tổng hợp tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo thông qua các báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu hàng năm của các bộ, ngành và địa phương;

b) Xây dựng hệ thống dữ liệu các cơ sở đào tạo về đấu thầu trên cơ sở các thông tin do các cơ sở đào tạo cung cấp.

3. Điều kiện để các cơ sở tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập đối với cơ sở không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Có đội ngũ giảng viên về đấu thầu.

4. Điều kiện cấp chứng chỉ về đấu thầu

a) Chứng chỉ được cấp cho các học viên tham gia đầy đủ các khóa học về đấu thầu và đạt yêu cầu sau khi kiểm tra, sát hạch;

b) Khóa học về đấu thầu để cấp chứng chỉ phải được tổ chức từ 3 ngày trở lên.

5. Trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ sở đào tạo về đấu thầu

a) Chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo; cung cấp thông tin về cơ sở đào tạo của mình cho hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tham gia khóa học cho học viên theo đúng quy định;

c) Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành hoặc địa phương có liên quan để theo dõi, tổng hợp.

Điều 6. Chi phí trong đấu thầu

1. Mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu (bao gồm cả thuế) do chủ đầu tư quyết định căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu nhưng tối đa là 1.000.000 đồng đối với đấu thầu trong nước; đối với đấu thầu quốc tế mức giá bán theo thông lệ đấu thầu quốc tế.

2. Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,01% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng.

3. Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu là 0,01% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng.

Việc quản lý và sử dụng các khoản chi phí nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Tờ báo về đấu thầu và trang thông tin điện tử về đấu thầu

1. Việc đăng tải thông tin về đấu thầu quy định tại Điều 5 của Luật Đấu thầu được thực hiện miễn phí đối với các cơ quan, tổ chức gửi thông tin để đăng tải.

2. Cơ quan, đơn vị phát hành tờ báo về đấu thầu và trang thông tin điện tử về đấu thầu hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu.

3. Tờ báo về đấu thầu được phát hành hàng ngày.

4. Cung cấp thông tin về đấu thầu

a) Trách nhiệm cung cấp thông tin

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm cung cấp thông tin nêu tại điểm g và điểm h khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu.

- Chủ đầu tư, bên mời thầu chịu trách nhiệm cung cấp các thông tin nêu từ điểm a đến điểm e và điểm h khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu.

b) Thời hạn cung cấp thông tin

Đối với thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu và thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm, thời hạn cung cấp thông tin chậm nhất là 15 ngày trước ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và hồ sơ quan tâm; đối với thông báo mời chào hàng thì thời hạn cung cấp thông tin chậm nhất là 10 ngày trước ngày phát hành hồ sơ yêu cầu. Đối với các thông tin còn lại quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu, thời hạn cung cấp thông tin chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày ký văn bản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm quy định chi tiết việc cung cấp thông tin và lộ trình đăng tải thông tin về đấu thầu.

Chương 2

KẾ HOẠCH ĐẤU THẦU

Điều 8. Căn cứ lập kế hoạch đấu thầu

1. Quyết định đầu tư và các tài liệu là cơ sở để quyết định đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư. Đối với các công việc chuẩn bị dự án thì căn cứ theo quyết định của người đứng đầu cơ quan chuẩn bị dự án.

2. Điều ước quốc tế hoặc văn bản thỏa thuận quốc tế đối với các dự án sử dụng vốn ODA.

3. Thiết kế, dự toán, tổng dự toán được duyệt (nếu có).

4. Nguồn vốn cho dự án.

5. Các văn bản pháp lý khác có liên quan (nếu có).

Điều 9. Nội dung của từng gói thầu trong kế hoạch đấu thầu

Việc phân chia dự án thành các gói thầu được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật Đấu thầu, bảo đảm quy mô gói thầu không quá nhỏ hoặc quá lớn làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Nội dung của từng gói thầu bao gồm:

1. Tên gói thầu

Tên gói thầu thể hiện tính chất, nội dung và phạm vi công việc của gói thầu, phù hợp với nội dung nêu trong dự án.

2. Giá gói thầu

Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán, dự toán được duyệt và các quy định có liên quan.

3. Nguồn vốn

Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn để thanh toán cho nhà thầu; trường hợp sử dụng vốn ODA thì phải nêu rõ tên nhà tài trợ vốn và cơ cấu nguồn vốn (ngoài nước, trong nước).

4. Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu thầu

Nêu hình thức lựa chọn nhà thầu (trong nước, quốc tế hoặc sơ tuyển nếu có) theo quy định từ Điều 18 đến Điều 24 của Luật Đấu thầu và Điều 97 của Luật Xây dựng, phương thức đấu thầu theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu.

5. Thời gian lựa chọn nhà thầu

Nêu thời gian tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu để bảo đảm tiến độ của gói thầu.

6. Hình thức hợp đồng

Tùy theo tính chất của gói thầu, xác định các hình thức hợp đồng áp dụng đối với hợp đồng cho gói thầu theo quy định từ Điều 49 đến Điều 53 của Luật Đấu thầu và Điều 107 của Luật Xây dựng.

7. Thời gian thực hiện hợp đồng

Thời gian thực hiện hợp đồng phải bảo đảm việc thực hiện gói thầu phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.

Điều 10. Trình duyệt kế hoạch đấu thầu

1. Trách nhiệm trình duyệt

Chủ đầu tư có trách nhiệm trình kế hoạch đấu thầu lên người quyết định đầu tư xem xét, phê duyệt, đồng thời gửi cho cơ quan, tổ chức thẩm định; trường hợp trình kế hoạch đấu thầu lên Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư còn phải gửi cho bộ quản lý ngành để có ý kiến bằng văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

2. Hồ sơ trình duyệt

a) Văn bản trình duyệt kế hoạch đấu thầu bao gồm những nội dung sau đây:

- Phần công việc đã thực hiện bao gồm những công việc liên quan tới chuẩn bị dự án với giá trị tương ứng và căn cứ pháp lý để thực hiện;

- Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định từ Điều 18 đến Điều 24 của Luật Đấu thầu và Điều 97 của Luật Xây dựng;

- Phần kế hoạch đấu thầu bao gồm những công việc hình thành các gói thầu được thực hiện theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định từ Điều 18 đến Điều 24 của Luật Đấu thầu và Điều 97 của Luật Xây dựng, kể cả các công việc như rà phá bom mìn, xây dựng khu tái định cư, bảo hiểm công trình, đào tạo. Nêu cơ sở của việc chia dự án thành các gói thầu. Đối với từng gói thầu, phải bảo đảm có đủ các nội dung quy định tại Điều 9 Nghị định này. Trường hợp không áp dụng đấu thầu rộng rãi thì phải nêu rõ lý do.

Tổng giá trị các phần công việc đã thực hiện, phần công việc không áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu và phần công việc thuộc kế hoạch đấu thầu không được vượt tổng mức đầu tư của dự án.

Trường hợp cần thiết phải lập kế hoạch đấu thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật Đấu thầu thì trong văn bản trình duyệt vẫn phải bao gồm các nội dung như quy định tại khoản này.

b) Tài liệu kèm theo văn bản trình duyệt

Khi trình duyệt kế hoạch đấu thầu, chủ đầu tư phải gửi kèm theo bản chụp các tài liệu làm căn cứ lập kế hoạch đấu thầu theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 11. Thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu

1. Thẩm định kế hoạch đấu thầu

a) Thẩm định kế hoạch đấu thầu là việc tiến hành kiểm tra, đánh giá các nội dung theo quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Nghị định này.

b) Cơ quan, tổ chức thẩm định kế hoạch đấu thầu phải lập báo cáo kết quả thẩm định trên cơ sở tuân thủ quy định tại Điều 65 của Luật Đấu thầu trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

2. Phê duyệt kế hoạch đấu thầu

Người quyết định đầu tư có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch đấu thầu trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của chủ đầu tư, báo cáo thẩm định của cơ quan, tổ chức thẩm định và ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu có). Việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo Quy chế làm việc của Chính phủ.

Chương 3

SƠ TUYỂN NHÀ THẦU

Điều 12. Áp dụng sơ tuyển

1. Việc sơ tuyển nhà thầu được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Luật Đấu thầu.

2. Trường hợp cần áp dụng sơ tuyển đối với các gói thầu không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì người quyết định đầu tư quy định trong kế hoạch đấu thầu.

Điều 13. Trình tự thực hiện sơ tuyển

1. Lập hồ sơ mời sơ tuyển

Bên mời thầu lập hồ sơ mời sơ tuyển trình chủ đầu tư phê duyệt. Hồ sơ mời sơ tuyển bao gồm thông tin chỉ dẫn về gói thầu và các yêu cầu sau đây đối với nhà thầu:

a) Yêu cầu về năng lực kỹ thuật;

b) Yêu cầu về năng lực tài chính;

c) Yêu cầu về kinh nghiệm.

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển được xây dựng theo tiêu chí “đạt’, “không đạt” và cần được nêu trong hồ sơ mời sơ tuyển, bao gồm tiêu chuẩn đối với từng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, về năng lực tài chính và về kinh nghiệm.

Đối với gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng, trừ tổng thầu thiết kế, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển còn phải phù hợp với yêu cầu về điều kiện năng lực đối với từng loại, cấp công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.

2. Thông báo mời sơ tuyển

Thông báo mời sơ tuyển theo mẫu nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này phải được đăng tải trên tờ báo về đấu thầu 3 kỳ liên tiếp và trên trang thông tin điện tử về đấu thầu; đối với đấu thầu quốc tế còn phải đăng tải đồng thời trên một tờ báo tiếng Anh được phát hành rộng rãi trong nước. Sau khi đăng tải theo quy định trên có thể đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Hồ sơ mời sơ tuyển được cung cấp miễn phí cho các nhà thầu sau 10 ngày, kể từ ngày đăng tải đầu tiên thông báo mời sơ tuyển và được kéo dài đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự sơ tuyển (đóng sơ tuyển).

3. Tiếp nhận và quản lý hồ sơ dự sơ tuyển

Bên mời thầu tiếp nhận hồ sơ dự sơ tuyển do các nhà thầu nộp và quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ “mật”. Hồ sơ dự sơ tuyển được nộp theo đúng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời sơ tuyển sẽ được mở công khai ngay sau thời điểm đóng sơ tuyển. Hồ sơ dự sơ tuyển được gửi đến sau thời điểm đóng sơ tuyển sẽ không được mở và được bên mời thầu gửi trả lại nhà thầu theo nguyên trạng.

4. Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển

Việc đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển do bên mời thầu thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá nêu trong hồ sơ mời sơ tuyển.

5. Trình và phê duyệt kết quả sơ tuyển

Bên mời thầu chịu trách nhiệm trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả sơ tuyển.

6. Thông báo kết quả sơ tuyển

Sau khi chủ đầu tư phê duyệt kết quả sơ tuyển, bên mời thầu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả sơ tuyển đến các nhà thầu tham dự sơ tuyển để mời tham gia đấu thầu.

Chương 4

ĐẤU THẦU RỘNG RÃI VÀ ĐẤU THẦU HẠN CHẾ ĐỐI VỚI GÓI THẦU DỊCH VỤ TƯ VẤN

Điều 14. Chuẩn bị đấu thầu

1. Lựa chọn danh sách nhà thầu để mời tham gia đấu thầu

a) Đối với đấu thầu rộng rãi:

- Chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời quan tâm bao gồm các nội dung sau đây để yêu cầu nhà thầu quan tâm cung cấp:

+ Về năng lực và số lượng chuyên gia;

+ Về năng lực tài chính;

+ Về kinh nghiệm.

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ quan tâm được xây dựng theo tiêu chí “đạt’, “không đạt” và cần được nêu trong hồ sơ mời quan tâm, bao gồm tiêu chuẩn về năng lực và số lượng chuyên gia, về năng lực tài chính và về kinh nghiệm.

- Thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm phải được đăng tải trên tờ báo về đấu thầu 3 kỳ liên tiếp và trên trang thông tin điện tử về đấu thầu; đối với đấu thầu quốc tế thì còn phải đăng tải đồng thời trên một tờ báo tiếng Anh được phát hành rộng rãi trong nước. Sau khi đăng tải theo quy định trên có thể đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác;

- Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày đăng tải đầu tiên thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm, bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ mời quan tâm cho các nhà thầu có nhu cầu tham dự thầu;

- Thời gian để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ quan tâm tối thiểu là 5 ngày đối với đấu thầu trong nước và 10 ngày đối với đấu thầu quốc tế;

- Bên mời thầu đánh giá hồ sơ quan tâm do nhà thầu nộp theo tiêu chuẩn đánh giá, trình chủ đầu tư phê duyệt danh sách nhà thầu mời tham gia đấu thầu.

b) Đối với đấu thầu hạn chế:

Chủ đầu tư phê duyệt danh sách nhà thầu được coi là có đủ năng lực và kinh nghiệm để mời tham gia đấu thầu.

2. Lập hồ sơ mời thầu

a) Căn cứ lập hồ sơ mời thầu:

- Quyết định đầu tư và các tài liệu là cơ sở để quyết định đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư;

- Kế hoạch đấu thầu được duyệt;

- Các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật có liên quan; Điều ước quốc tế hoặc văn bản thỏa thuận quốc tế (nếu có) đối với các dự án sử dụng vốn ODA;

- Các chính sách của Nhà nước về thuế, tiền lương, ưu đãi trong đấu thầu quốc tế hoặc các quy định khác có liên quan.

Trường hợp gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định đầu tư thì tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án căn cứ các văn bản liên quan để lập hồ sơ mời thầu trình người đứng đầu cơ quan chuẩn bị dự án phê duyệt.

b) Nội dung hồ sơ mời thầu:

Hồ sơ mời thầu phải bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Đấu thầu; trong đó phải bao gồm các yêu cầu quan trọng (điều kiện tiên quyết) để loại bỏ hồ sơ dự thầu, cụ thể như sau:

- Nhà thầu không có tên trong danh sách mua hồ sơ mời thầu, không đăng ký tham gia đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này;

- Nhà thầu không bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Luật Đấu thầu;

- Nhà thầu không bảo đảm điều kiện năng lực theo quy định của Luật Xây dựng;

- Không có bản gốc hồ sơ dự thầu;

- Đơn dự thầu không hợp lệ;

- Hiệu lực của hồ sơ dự thầu không bảo đảm yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;

- Nhà thầu có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh);

- Các yêu cầu quan trọng khác có tính đặc thù của gói thầu.

Nhà thầu vi phạm chỉ một trong số các điều kiện tiên quyết quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ bị loại và hồ sơ dự thầu không được xem xét tiếp.

3. Phê duyệt hồ sơ mời thầu

Người quyết định đầu tư phê duyệt hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời thầu theo quy định tại Điều 60 của Luật Đấu thầu trên cơ sở báo cáo thẩm định của cơ quan, tổ chức thẩm định.

4. Mời thầu

a) Bên mời thầu gửi thư mời thầu tới các nhà thầu trong danh sách mời tham gia đấu thầu. Nội dung thư mời thầu lập theo mẫu nêu tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này;

b) Thời gian từ khi gửi thư mời thầu đến khi phát hành hồ sơ mời thầu tối thiểu là 5 ngày đối với đấu thầu trong nước, 7 ngày đối với đấu thầu quốc tế.

Điều 15. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu

1. Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, kể cả dịch vụ tư vấn xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng, không yêu cầu kỹ thuật cao:

a) Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật: sử dụng thang điểm (100, 1.000,...) để đánh giá, bao gồm các nội dung sau đây:

- Kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu. Tỷ lệ điểm đối với nội dung này quy định từ 10% - 20% tổng số điểm;

- Giải pháp và phương pháp luận đối với yêu cầu của gói thầu. Tỷ lệ điểm đối với nội dung này quy định từ 30% - 40% tổng số điểm;

- Nhân sự của nhà thầu để thực hiện gói thầu. Tỷ lệ điểm đối với nội dung này quy định từ 50% - 60% tổng số điểm.

Cần phải xác định mức điểm yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật song không được quy định thấp hơn 70% tổng số điểm. Hồ sơ dự thầu có điểm về mặt kỹ thuật không thấp hơn mức điểm yêu cầu tối thiểu thì được coi là đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật.

b) Tiêu chuẩn đánh giá về mặt tài chính:

Sử dụng thang điểm (100, 1.000,...) thống nhất với thang điểm về mặt kỹ thuật. Điểm tài chính đối với từng hồ sơ dự thầu được xác định như sau:

 P thấp nhất x (100, 1.000,...)

 Điểm tài chính =      

 (của hồ sơ dự thầu đang xét) P đang xét

Trong đó:

P thấp nhất: giá dự thầu thấp nhất sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch trong số các nhà thầu đã vượt qua đánh giá về mặt kỹ thuật.

P đang xét: giá dự thầu sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch của hồ sơ dự thầu đang xét.

c) Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp:

- Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật và về mặt tài chính, trong đó tỷ trọng điểm về mặt kỹ thuật không được quy định thấp hơn 70% tổng số điểm và tỷ trọng điểm về mặt tài chính không được quy định cao hơn 30% tổng số điểm;

- Điểm tổng hợp đối với một hồ sơ dự thầu được xác định theo công thức sau:

Điểm tổng hợp = Đkỹ thuật x (K%) + Đtài chính x (G%)

Trong đó:         

+ K%: tỷ trọng điểm về mặt kỹ thuật (quy định trong thang điểm tổng hợp).

+ G%: tỷ trọng điểm về mặt tài chính (quy định trong thang điểm tổng hợp).

+ Đkỹ thuật : là số điểm của hồ sơ dự thầu được xác định tại bước đánh giá về mặt kỹ thuật theo quy định tại điểm a khoản này.

+ Đtài chính : là số điểm của hồ sơ dự thầu được xác định tại bước đánh giá về mặt tài chính theo quy định tại điểm b khoản này.

2. Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, kể cả dịch vụ tư vấn xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng, có yêu cầu kỹ thuật cao:

Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật được xây dựng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trong đó mức điểm yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật không được quy định thấp hơn 80% tổng số điểm về mặt kỹ thuật.

Điều 16. Tổ chức đấu thầu

1. Phát hành hồ sơ mời thầu

a) Bên mời thầu bán hồ sơ mời thầu tới trước thời điểm đóng thầu cho các nhà thầu trong danh sách mời tham gia đấu thầu với giá bán được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này. Đối với nhà thầu liên danh thì chỉ cần một thành viên trong liên danh mua hồ sơ mời thầu;

b) Việc sửa đổi và làm rõ hồ sơ mời thầu được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và Điều 34 của Luật Đấu thầu.

2. Chuẩn bị hồ sơ dự thầu

Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Trường hợp nhà thầu cần thay đổi tư cách (tên) tham gia đấu thầu so với khi mua hồ sơ mời thầu, đăng ký tham gia đấu thầu thì phải thông báo bằng văn bản tới bên mời thầu. Bên mời thầu chỉ xem xét khi nhận được văn bản thông báo này trước thời điểm đóng thầu.

3. Tiếp nhận và quản lý hồ sơ dự thầu

Bên mời thầu tiếp nhận và quản lý các hồ sơ dự thầu đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ “mật”. Hồ sơ dự thầu được gửi đến bên mời thầu sau thời điểm đóng thầu đều được coi là không hợp lệ và được gửi trả lại cho nhà thầu theo nguyên trạng. Bất kỳ tài liệu nào được nhà thầu gửi đến sau thời điểm đóng thầu để sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự thầu đã nộp đều được coi là không hợp lệ.

4. Sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu

Khi muốn sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu đã nộp, nhà thầu phải có văn bản đề nghị và bên mời thầu chỉ chấp thuận nếu nhận được văn bản đề nghị của nhà thầu trước thời điểm đóng thầu; văn bản đề nghị rút hồ sơ dự thầu phải được gửi riêng biệt với hồ sơ dự thầu.

5. Mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật

a) Việc mở thầu phải được tiến hành công khai ngay sau thời điểm đóng thầu theo ngày, giờ, địa điểm quy định trong hồ sơ mời thầu trước sự chứng kiến của những người có mặt và không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các nhà thầu được mời. Bên mời thầu có thể mời đại diện các cơ quan liên quan đến tham dự lễ mở thầu;

b) Bên mời thầu tiến hành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của từng nhà thầu theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu và theo trình tự sau đây:

- Kiểm tra niêm phong;

- Mở hồ sơ, đọc và ghi vào biên bản các thông tin chủ yếu sau đây:

+ Tên nhà thầu;

+ Số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ;

+ Thời gian có hiệu lực của hồ sơ;

+ Văn bản đề nghị sửa đổi hồ sơ (nếu có);

+ Các thông tin khác có liên quan.

Biên bản mở thầu cần được đại diện các nhà thầu, đại diện bên mời thầu, đại diện các cơ quan liên quan tham dự ký xác nhận.

Sau khi mở thầu, bên mời thầu phải ký xác nhận vào từng trang bản gốc hồ sơ đề xuất kỹ thuật của từng hồ sơ dự thầu và quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ “mật”. Việc đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật được tiến hành theo bản chụp. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và phù hợp giữa bản chụp và bản gốc cũng như về niêm phong của hồ sơ dự thầu.

Điều 17. Đánh giá hồ sơ dự thầu

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, kể cả dịch vụ tư vấn xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng, căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá và các yêu cầu khác nêu trong hồ sơ mời thầu, theo nguyên tắc đánh giá được quy định tại Điều 28 của Luật Đấu thầu và trình tự đánh giá được quy định tại Điều 35 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

1. Đánh giá sơ bộ

a) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất kỹ thuật theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu:

- Tính hợp lệ của đơn dự thầu. Đơn dự thầu phải được điền đầy đủ và có chữ ký của người đại diện hợp pháp của nhà thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký, trừ trường hợp trong văn bản thoả thuận liên danh có quy định các thành viên trong liên danh uỷ quyền cho thành viên đứng đầu liên danh ký đơn dự thầu;

- Tính hợp lệ của thoả thuận liên danh. Trong thoả thuận liên danh phải phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, khối lượng công việc phải thực hiện và giá trị tương ứng của từng thành viên trong liên danh, kể cả người đứng đầu liên danh và trách nhiệm của người đứng đầu liên danh, chữ ký của các thành viên, con dấu (nếu có);

- Có một trong các loại giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập; Giấy đăng ký hoạt động hợp pháp; chứng chỉ chuyên môn phù hợp;

- Số lượng bản chính, bản chụp hồ sơ đề xuất kỹ thuật;

- Các phụ lục, tài liệu kèm theo hồ sơ dự thầu.

b) Loại bỏ hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu quan trọng (điều kiện tiên quyết) nêu trong hồ sơ mời thầu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định này.

2. Đánh giá chi tiết

a) Đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, kể cả dịch vụ tư vấn xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng, không yêu cầu kỹ thuật cao:

- Đánh giá về mặt kỹ thuật:

Đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật được quy định trong hồ sơ mời thầu. Chủ đầu tư phê duyệt danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật để thực hiện đánh giá về mặt tài chính.

- Đánh giá về mặt tài chính:

Mở công khai hồ sơ đề xuất tài chính của các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật theo trình tự quy định tại điểm b khoản 5 Điều 16 Nghị định này. Biên bản mở hồ sơ đề xuất tài chính bao gồm các thông tin chủ yếu sau đây:

+ Tên nhà thầu;

+ Số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ;

+ Giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu;

+ Các thông tin khác có liên quan.

Sau khi mở thầu, bên mời thầu phải ký xác nhận vào từng trang bản gốc hồ sơ đề xuất tài chính của từng hồ sơ dự thầu và quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ “mật”. Việc đánh giá về mặt tài chính được tiến hành theo bản chụp, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và phù hợp giữa bản gốc và bản chụp cũng như về niêm phong hồ sơ đề xuất tài chính. Việc đánh giá về mặt tài chính căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá về mặt tài chính nêu trong hồ sơ mời thầu.

- Đánh giá tổng hợp:

Đánh giá tổng hợp về mặt kỹ thuật và về mặt tài chính theo tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp quy định trong hồ sơ mời thầu. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất được bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt xếp thứ nhất và được mời vào thương thảo hợp đồng theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

b) Đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, kể cả dịch vụ tư vấn xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng, có yêu cầu kỹ thuật cao:

Đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật theo tiêu chuẩn đánh giá được nêu trong hồ sơ mời thầu quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Hồ sơ dự thầu đạt số điểm về mặt kỹ thuật không thấp hơn mức điểm yêu cầu tối thiểu được coi là đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật và được bên mời thầu xếp hạng để trình chủ đầu tư phê duyệt. Nhà thầu xếp thứ nhất sẽ được mời đến để mở hồ sơ đề xuất tài chính và thương thảo hợp đồng theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Điều 18. Thương thảo hợp đồng

1. Trên cơ sở quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất đến thương thảo hợp đồng.

2. Nội dung thương thảo hợp đồng

a) Nhiệm vụ và phạm vi công việc chi tiết của nhà thầu tư vấn cần thực hiện;

b) Chuyển giao công nghệ và đào tạo;

c) Kế hoạch công tác và bố trí nhân sự;

d) Tiến độ;

đ) Giải quyết thay đổi nhân sự (nếu có);

e) Bố trí điều kiện làm việc;

g) Chi phí dịch vụ tư vấn;

h) Các nội dung khác (nếu cần thiết).

Trường hợp thương thảo hợp đồng không thành, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư để xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo.

Điều 19. Trình duyệt, thẩm định, phê duyệt và thông báo kết quả đấu thầu

1. Trình duyệt, thẩm định kết quả đấu thầu gói thầu dịch vụ tư vấn thực hiện theo quy định tại Điều 37, Điều 39 của Luật Đấu thầu và Điều 58, Điều 59 Nghị định này.

2. Việc phê duyệt kết quả đấu thầu thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật Đấu thầu.

3. Thông báo kết quả đấu thầu thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Luật Đấu thầu, cụ thể là ngay sau khi nhận được quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, bên mời thầu phải gửi văn bản thông báo kết quả đấu thầu cho các nhà thầu tham dự thầu, riêng đối với nhà thầu trúng thầu còn phải gửi kế hoạch thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.

Điều 20. Thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng

1. Việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 42 và Chương III của Luật Đấu thầu, Mục 2 Chương VI của Luật Xây dựng.

2. Trường hợp thương thảo, hoàn thiện hợp đồng không thành thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư huỷ quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu trước đó và xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng theo quy định tại Điều 18 Nghị định này, trong trường hợp đó phải yêu cầu nhà thầu gia hạn hiệu lực hồ sơ dự thầu nếu cần thiết. Các bước công việc tiếp theo thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Nghị định này.

Chương 5

ĐẤU THẦU RỘNG RÃI VÀ ĐẤU THẦU HẠN CHẾ ĐỐI VỚI GÓI THẦU MUA SẮM HÀNG HOÁ, XÂY LẮP

MỤC 1: ĐẤU THẦU MỘT GIAI ĐOẠN

Điều 21. Chuẩn bị đấu thầu

1. Sơ tuyển nhà thầu thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định này.

2. Lập hồ sơ mời thầu

a) Căn cứ lập hồ sơ mời thầu:

- Quyết định đầu tư và các tài liệu là cơ sở để quyết định đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư;

- Kế hoạch đấu thầu được duyệt;

- Tài liệu về thiết kế kèm theo tổng dự toán, dự toán được duyệt (đối với gói thầu xây lắp);

- Các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật có liên quan; Điều ước quốc tế hoặc văn bản thỏa thuận quốc tế (nếu có) đối với các dự án sử dụng vốn ODA;

- Các chính sách của Nhà nước về thuế, tiền lương, ưu đãi nhà thầu trong nước hoặc các quy định khác có liên quan.

b) Nội dung hồ sơ mời thầu:

- Hồ sơ mời thầu phải bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Đấu thầu. Đối với các gói thầu đã thực hiện sơ tuyển, trong hồ sơ mời thầu không cần quy định tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu song cần yêu cầu nhà thầu khẳng định lại các thông tin về năng lực và kinh nghiệm mà nhà thầu đã kê khai trong hồ sơ dự sơ tuyển;

- Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hoá theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật Đấu thầu. Trường hợp đặc biệt cần thiết phải nêu nhãn hiệu, catalô của một nhà sản xuất nào đó, hoặc hàng hoá từ một nước nào đó để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về mặt kỹ thuật của hàng hóa thì phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô hoặc xuất xứ nêu ra và quy định rõ khái niệm tương đương nghĩa là có đặc tính kỹ thuật tương tự, có tính năng sử dụng là tương đương với các hàng hóa đã nêu. Đối với hàng hoá phức tạp, cần yêu cầu nhà thầu nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất;

- Hồ sơ mời thầu phải bao gồm các yêu cầu quan trọng (điều kiện tiên quyết) để loại bỏ hồ sơ dự thầu, cụ thể như sau:

+ Nhà thầu không có tên trong danh sách mua hồ sơ mời thầu, không đăng ký tham gia đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định này;

+ Nhà thầu không bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Luật Đấu thầu;

+ Không có bảo đảm dự thầu hoặc có bảo đảm dự thầu nhưng không hợp lệ: có giá trị thấp hơn, không đúng đồng tiền quy định, thời gian hiệu lực ngắn hơn, không nộp theo địa chỉ và thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu, không đúng tên nhà thầu, không phải là bản gốc và không có chữ ký hợp lệ (đối với thư bảo lãnh của ngân hàng);

+ Không có bản gốc hồ sơ dự thầu;

+ Đơn dự thầu không hợp lệ;

+ Hiệu lực của hồ sơ dự thầu không bảo đảm yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;

+ Hồ sơ dự thầu có giá dự thầu không cố định, chào thầu theo nhiều mức giá hoặc giá có kèm điều kiện;

+ Nhà thầu có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu chính;

+ Không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 Nghị định này và Điều 7 của Luật Xây dựng;

+ Các yêu cầu quan trọng khác có tính đặc thù của gói thầu.

Nhà thầu vi phạm một trong các điều kiện tiên quyết quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ bị loại và hồ sơ dự thầu không được xem xét tiếp.

3. Phê duyệt hồ sơ mời thầu

Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.

4. Mời thầu

a) Thông báo mời thầu

Đối với đấu thầu rộng rãi không có sơ tuyển, phải thực hiện đăng tải thông báo mời thầu trên tờ báo về đấu thầu 3 kỳ liên tiếp và trên trang thông tin điện tử về đấu thầu; đối với đấu thầu quốc tế thì còn phải đăng tải đồng thời trên một tờ báo tiếng Anh được phát hành rộng rãi trong nước. Sau khi đăng tải theo quy định trên có thể đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Nội dung thông báo mời thầu được lập theo mẫu nêu trong Phụ lục III, Phụ lục IV và Phụ lục V kèm theo Nghị định này.

b) Gửi thư mời thầu

Áp dụng đối với đấu thầu hạn chế và các gói thầu đã qua sơ tuyển. Bên mời thầu gửi thư mời thầu theo mẫu nêu tại Phụ lục III, IV và V kèm theo Nghị định này tới nhà thầu trong danh sách được mời tham gia đấu thầu hạn chế hoặc danh sách nhà thầu vượt qua sơ tuyển. Thời gian từ khi gửi thư mời thầu đến khi phát hành hồ sơ mời thầu tối thiểu là 5 ngày đối với đấu thầu trong nước, 7 ngày đối với đấu thầu quốc tế.

Điều 22. Quy định chung tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật

1. Sử dụng phương pháp chấm điểm

a) Sử dụng thang điểm tối đa (100, 1.000,...) để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật. Nội dung tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật đối với gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp được nêu tại khoản 2 Điều 23 và khoản 2 Điều 24 Nghị định này. Mức điểm yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật được quy định tuỳ theo tính chất của từng gói thầu nhưng phải bảo đảm không thấp hơn 70% tổng số điểm về mặt kỹ thuật; đối với gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao không thấp hơn 80%;

Đối với gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng (trừ gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế) còn phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu cho từng nội dung công việc bảo đảm không thấp hơn 70% mức điểm tối đa tương ứng.

b) Đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, hồ sơ dự thầu được coi là đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật khi đạt số điểm không thấp hơn mức điểm yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật.

Đối với gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng (trừ gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế), hồ sơ dự thầu được coi là đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật khi số điểm được đánh giá cho từng nội dung công việc không thấp hơn mức điểm yêu cầu tối thiểu tương ứng và điểm tổng hợp của các nội dung không thấp hơn mức điểm yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật của cả gói thầu.

2. Sử dụng tiêu chí “đạt”, “không đạt”

a) Tiêu chuẩn đánh giá

Nội dung tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật đối với gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp được nêu tại khoản 2 Điều 23 và khoản 2 Điều 24 Nghị định này. Tuỳ theo tính chất của gói thầu mà xác định mức độ yêu cầu đối với từng nội dung. Đối với các nội dung được coi là các yêu cầu cơ bản của hồ sơ mời thầu, chỉ sử dụng tiêu chí “đạt” hoặc “không đạt”. Đối với các nội dung yêu cầu không cơ bản, ngoài tiêu chí “đạt” hoặc “không đạt”, được áp dụng thêm tiêu chí “chấp nhận được” nhưng không được vượt quá 30% tổng số các nội dung yêu cầu trong tiêu chuẩn đánh giá.

b) Một hồ sơ dự thầu được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật khi có tất cả nội dung yêu cầu cơ bản đều được đánh giá là “đạt”, các nội dung yêu cầu không cơ bản được đánh giá là “đạt” hoặc “chấp nhận được”.

Điều 23. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hoá

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật và cách xác định chi phí trên cùng một mặt bằng (giá đánh giá), cụ thể như sau:

1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu áp dụng đối với gói thầu không tiến hành sơ tuyển, bao gồm:   

a) Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự tại Việt Nam và ở nước ngoài; kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính;

b) Năng lực sản xuất và kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ cán bộ chuyên môn;

c) Năng lực tài chính: tổng tài sản, tổng nợ phải trả, vốn lưu động, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu khác.

Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản này cần căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu.

Các tiêu chuẩn đánh giá quy định tại khoản này được sử dụng tiêu chí “đạt’’, “không đạt’’. Nhà thầu “đạt” cả 3 nội dung nêu tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản này thì được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.

2. Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật

Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật được xây dựng theo quy định tại Điều 22 Nghị định này và bao gồm các nội dung về khả năng đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng đối với hàng hóa nêu trong hồ sơ mời thầu, cụ thể:

a) Đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất và các nội dung khác;

b) Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp hàng hóa;

c) Khả năng lắp đặt thiết bị và năng lực cán bộ kỹ thuật;

d) Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành;

đ) Khả năng thích ứng về mặt địa lý;

e) Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết;

g) Khả năng cung cấp tài chính (nếu có yêu cầu);

h) Các yếu tố khác về điều kiện thương mại, tài chính, thời gian thực hiện, đào tạo chuyển giao công nghệ (nếu có).

3. Nội dung xác định giá đánh giá

Việc xác định giá đánh giá là xác định chi phí trên cùng một mặt bằng về kỹ thuật, tài chính, thương mại và các yếu tố khác nhằm so sánh, xếp hạng các hồ sơ dự thầu. Phương pháp xác định giá đánh giá phải được nêu trong tiêu chuẩn đánh giá. Việc xác định giá đánh giá thực hiện theo trình tự sau đây:

- Xác định giá dự thầu;

- Sửa lỗi;

- Hiệu chỉnh các sai lệch;

Giá dự thầu sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch được gọi là giá đề nghị trúng thầu.

- Chuyển đổi giá đề nghị trúng thầu sang một đồng tiền chung (nếu có) để làm căn cứ xác định giá đánh giá;

- Đưa các chi phí về một mặt bằng để xác định giá đánh giá, bao gồm:

+ Các điều kiện về mặt kỹ thuật như: tiến độ thực hiện; công suất, hiệu suất của máy móc thiết bị; mức tiêu hao điện năng, nguyên nhiên vật liệu; chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng, tuổi thọ và các yếu tố kỹ thuật khác tùy theo từng gói thầu cụ thể;

+ Điều kiện tài chính, thương mại;

+ Ưu đãi trong đấu thầu quốc tế (nếu có);

+ Các yếu tố khác.

Tuỳ theo tính chất của từng gói thầu mà quy định các yếu tố để xác định giá đánh giá cho phù hợp. Hồ sơ dự thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp thứ nhất.

Điều 24. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu xây lắp

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu xây lắp gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật và nội dung xác định giá đánh giá, cụ thể như sau:

1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu áp dụng đối với gói thầu không tiến hành sơ tuyển, bao gồm:   

a) Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự ở Việt Nam, ở vùng địa lý và hiện trường tương tự;

b) Năng lực kỹ thuật: số lượng, trình độ cán bộ, công nhân kỹ thuật trực tiếp thực hiện gói thầu và số lượng thiết bị thi công sẵn có, khả năng huy động thiết bị thi công để thực hiện gói thầu;

c) Năng lực tài chính: tổng tài sản, tổng nợ phải trả, vốn lưu động, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu khác.

Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản này phải căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu.

Các tiêu chuẩn đánh giá quy định tại khoản này được sử dụng theo tiêu chí “đạt’’, “không đạt’’. Nhà thầu “đạt” cả 3 nội dung nêu tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này thì được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.

2. Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật

Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật được xây dựng theo quy định tại Điều 22 Nghị định này và bao gồm các nội dung về mức độ đáp ứng đối với các yêu cầu về hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tiên lượng kèm theo, cụ thể:

a) Tính hợp lý và khả thi của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công;

b) Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và các điều kiện khác như phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động;

c) Mức độ đáp ứng của thiết bị thi công (số lượng, chủng loại, chất lượng và tiến độ huy động), vật tư và nhân lực phục vụ thi công;

d) Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành;

đ) Các biện pháp bảo đảm chất lượng;

e) Khả năng cung cấp tài chính (nếu có yêu cầu);

g) Tiến độ thi công;

h) Các nội dung khác (nếu có).

3. Nội dung xác định giá đánh giá

Việc xác định giá đánh giá là xác định chi phí trên cùng một mặt bằng về kỹ thuật, tài chính, thương mại và các yếu tố khác nhằm so sánh, xếp hạng các hồ sơ dự thầu. Phương pháp xác định giá đánh giá phải được nêu trong tiêu chuẩn đánh giá. Việc xác định giá đánh giá thực hiện theo trình tự sau đây:

- Xác định giá dự thầu;

- Sửa lỗi;

- Hiệu chỉnh các sai lệch;

Giá dự thầu sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch được gọi là giá đề nghị trúng thầu.

- Chuyển đổi giá đề nghị trúng thầu sang một đồng tiền chung (nếu có) để làm căn cứ xác định giá đánh giá;

- Đưa các chi phí về một mặt bằng để xác định giá đánh giá, bao gồm:

+ Các điều kiện về mặt kỹ thuật như: tiến độ thực hiện; chi phí quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, tuổi thọ công trình và các yếu tố kỹ thuật khác tùy theo từng gói thầu cụ thể;

+ Điều kiện tài chính, thương mại;

+ Ưu đãi trong đấu thầu quốc tế (nếu có);

+ Các yếu tố khác.

Tuỳ theo tính chất của từng gói thầu mà quy định các yếu tố để xác định giá đánh giá cho phù hợp. Hồ sơ dự thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp thứ nhất.

Điều 25. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng (trừ gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế)

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng (trừ gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế) bao gồm tiêu chuẩn đánh giá đối với từng nội dung công việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15, Điều 22, Điều 23 và Điều 24 Nghị định này.

Điều 26. Tổ chức đấu thầu

1. Phát hành hồ sơ mời thầu

a) Bên mời thầu bán hồ sơ mời thầu tới thời điểm trước khi đóng thầu cho các nhà thầu trong danh sách trúng sơ tuyển (trong trường hợp có sơ tuyển), các nhà thầu được mời tham gia đấu thầu hạn chế hoặc các nhà thầu có nhu cầu tham gia đấu thầu rộng rãi với mức giá bán quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này. Đối với nhà thầu liên danh thì chỉ cần một thành viên trong liên danh mua hồ sơ mời thầu;

b) Việc sửa đổi và làm rõ hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và Điều 34 của Luật Đấu thầu.

2. Chuẩn bị, tiếp nhận, sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu

Thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 16 Nghị định này.

3. Mở thầu

a) Việc mở thầu được tiến hành công khai ngay sau thời điểm đóng thầu theo ngày, giờ, địa điểm quy định trong hồ sơ mời thầu trước sự chứng kiến của những người có mặt và không phụ thuộc vào sự có mặt hay vắng mặt của các nhà thầu được mời. Bên mời thầu có thể mời đại diện của các cơ quan có liên quan đến tham dự lễ mở thầu;

b) Bên mời thầu tiến hành mở lần lượt hồ sơ dự thầu của từng nhà thầu có tên trong danh sách mua hồ sơ mời thầu, đăng ký tham gia đấu thầu và nộp hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu. Trình tự mở thầu được thực hiện như sau:

- Kiểm tra niêm phong hồ sơ dự thầu;

- Mở, đọc và ghi vào biên bản các thông tin chủ yếu sau đây:

+ Tên nhà thầu;

+ Số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ dự thầu;

+ Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu;

+ Giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu và giảm giá (nếu có);

+ Giá trị và thời hạn hiệu lực của bảo đảm dự thầu;

+ Văn bản đề nghị sửa đổi hồ sơ dự thầu (nếu có);

+ Các thông tin khác có liên quan.

Biên bản mở thầu cần được đại diện bên mời thầu, đại diện các nhà thầu, và đại diện các cơ quan liên quan tham dự ký xác nhận.

Sau khi mở thầu, bên mời thầu phải ký xác nhận vào từng trang bản gốc của tất cả hồ sơ dự thầu và quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ “mật”. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu được tiến hành theo bản chụp. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và phù hợp giữa bản chụp và bản gốc cũng như về niêm phong của hồ sơ dự thầu.

Điều 27. Đánh giá hồ sơ dự thầu

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu tiến hành theo tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác nêu trong hồ sơ mời thầu, theo nguyên tắc đánh giá quy định tại Điều 28 của Luật Đấu thầu và trình tự đánh giá quy định tại Điều 35 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

1. Đánh giá sơ bộ

a) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu:

- Tính hợp lệ của đơn dự thầu. Đơn dự thầu phải được điền đầy đủ và có chữ ký của người đại diện hợp pháp của nhà thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký, trừ trường hợp trong văn bản thoả thuận liên danh có quy định các thành viên còn lại uỷ quyền cho thành viên đứng đầu liên danh ký đơn dự thầu;

- Tính hợp lệ của thoả thuận liên danh. Trong thoả thuận liên danh phải phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, khối lượng công việc phải thực hiện và giá trị tương ứng của từng thành viên trong liên danh, kể cả người đứng đầu liên danh và trách nhiệm của người đứng đầu liên danh; chữ ký của các thành viên, con dấu (nếu có);

- Có một trong các loại giấy tờ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư; quyết định thành lập hoặc Giấy đăng ký hoạt động hợp pháp; Giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất (nếu có yêu cầu);

- Số lượng bản chính, bản chụp hồ sơ dự thầu;

- Sự hợp lệ của bảo đảm dự thầu;

- Các phụ lục, tài liệu kèm theo hồ sơ dự thầu.

b) Loại bỏ hồ sơ dự thầu không đáp ứng các điều kiện tiên quyết quy định trong hồ sơ mời thầu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định này;

c) Đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu theo tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm nêu trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu không tiến hành sơ tuyển.

Đối với các gói thầu đã qua sơ tuyển, cần cập nhật các thông tin mà nhà thầu kê khai ở thời điểm sơ tuyển nhằm chuẩn xác khả năng đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.

2. Đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu

a) Đánh giá về mặt kỹ thuật

Đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật được quy định trong hồ sơ mời thầu. Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu có quyền yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ về những nội dung chưa rõ, khác thường trong hồ sơ dự thầu. Chỉ những hồ sơ dự thầu được chủ đầu tư phê duyệt đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật mới được xác định giá đánh giá theo quy định tại điểm b khoản này.

b) Xác định giá đánh giá

Việc xác định giá đánh giá thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 3 Điều 24 Nghị định này.

3. Xếp hạng hồ sơ dự thầu theo giá đánh giá. Hồ sơ dự thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp thứ nhất. Trong trường hợp gói thầu phức tạp, nếu thấy cần thiết thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư cho phép nhà thầu có hồ sơ dự thầu xếp thứ nhất vào thương thảo sơ bộ về hợp đồng để tạo thuận lợi cho việc thương thảo hoàn thiện hợp đồng sau khi có kết quả trúng thầu.

Điều 28. Sửa lỗi và hiệu chỉnh các sai lệch

1. Sửa lỗi

Sửa lỗi là việc sửa lại những sai sót trong hồ sơ dự thầu bao gồm lỗi số học, lỗi khác, lỗi nhầm đơn vị và được tiến hành theo nguyên tắc sau đây:

a) Đối với lỗi số học bao gồm những lỗi do thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia không chính xác:

- Trường hợp không nhất quán giữa đơn giá và thành tiền thì lấy đơn giá làm cơ sở pháp lý cho việc sửa lỗi;

- Trường hợp không nhất quán giữa bảng giá tổng hợp và bảng giá chi tiết thì lấy bảng giá chi tiết làm cơ sở pháp lý cho việc sửa lỗi.

b) Đối với các lỗi khác:

- Cột thành tiền được điền vào mà không có đơn giá tương ứng thì đơn giá được xác định bổ sung bằng cách chia thành tiền cho số lượng;

- Khi có đơn giá nhưng cột thành tiền bỏ trống thì thành tiền sẽ được xác định bổ sung bằng cách nhân số lượng với đơn giá;

- Nếu một nội dung nào đó có điền đơn giá và thành tiền nhưng bỏ trống số lượng thì số lượng bỏ trống được xác định bổ sung bằng cách chia thành tiền cho đơn giá của nội dung đó. Trường hợp số lượng được xác định bổ sung nêu trên khác với số lượng nêu trong hồ sơ mời thầu thì được coi là sai lệch về phạm vi cung cấp và được hiệu chỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều này;

- Lỗi nhầm đơn vị: sử dụng dấu "," (dấu phảy) thay cho dấu "." (dấu chấm) và ngược lại thì được sửa lại cho phù hợp theo cách viết của Việt Nam.

Lỗi số học được tính theo tổng giá trị tuyệt đối, không phụ thuộc vào việc giá dự thầu tăng lên hay giảm đi sau khi sửa.

Sau khi sửa lỗi theo nguyên tắc trên, bên mời thầu sẽ thông báo bằng văn bản cho nhà thầu. Nhà thầu phải có văn bản thông báo cho bên mời thầu về việc chấp nhận sửa lỗi nêu trên. Nếu nhà thầu không chấp nhận việc sửa lỗi thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu đó sẽ bị loại.

2. Hiệu chỉnh các sai lệch

Hiệu chỉnh các sai lệch là việc điều chỉnh những nội dung thiếu hoặc thừa trong hồ sơ dự thầu so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu cũng như điều chỉnh những khác biệt giữa các phần của hồ sơ dự thầu; giữa đề xuất kỹ thuật và đề xuất tài chính; giữa con số và chữ viết; giữa nội dung trong đơn dự thầu và các phần khác của hồ sơ dự thầu. Việc hiệu chỉnh sai lệch được thực hiện như sau:

a) Trường hợp có những sai lệch về phạm vi cung cấp thì phần chào thiếu sẽ được cộng thêm vào, phần chào thừa sẽ được trừ đi theo nguyên tắc nếu không thể tách ra trong giá dự thầu của nhà thầu đang tiến hành sửa sai lệch thì lấy mức giá chào cao nhất đối với nội dung này (nếu chào thiếu) và lấy mức giá chào thấp nhất (nếu chào thừa) trong số các hồ sơ dự thầu khác vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật. Trong trường hợp chỉ có một nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật thì tiến hành sửa sai lệch trên cơ sở lấy mức giá của nhà thầu này (nếu có) hoặc của các hồ sơ dự thầu hoặc trong dự toán, tổng dự toán hoặc trong giá gói thầu được duyệt theo nguyên tắc lấy mức giá cao nhất (đối với chào thiếu) hoặc thấp nhất (đối với chào thừa) để áp dụng cho các nội dung nêu trên;

b) Trường hợp có sai lệch giữa những nội dung thuộc đề xuất kỹ thuật và nội dung thuộc đề xuất tài chính thì nội dung thuộc đề xuất kỹ thuật sẽ là cơ sở pháp lý cho việc hiệu chỉnh sai lệch;

c) Trường hợp không nhất quán giữa con số và chữ viết thì lấy chữ viết làm cơ sở pháp lý cho việc hiệu chỉnh sai lệch;

d) Trường hợp có sự sai khác giữa giá ghi trong đơn dự thầu (không kể giảm giá) và giá trong biểu giá tổng hợp thì được coi đây là sai lệch và việc hiệu chỉnh sai lệch này được căn cứ vào giá ghi trong biểu giá tổng hợp sau khi được hiệu chỉnh và sửa lỗi theo biểu giá chi tiết.

Điều 29. Trình duyệt, thẩm định, phê duyệt, thông báo kết quả đấu thầu, thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng

1. Trình duyệt, thẩm định, phê duyệt, thông báo kết quả đấu thầu được thực hiện theo quy định tại Điều 38, Điều 39 của Luật Đấu thầu và khoản 2, khoản 3 Điều 19, Điều 58, Điều 59 Nghị định này.

2. Thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng

a) Việc thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 42 và Chương III của Luật Đấu thầu, Mục 2 Chương VI của Luật Xây dựng.

b) Trường hợp thương thảo, hoàn thiện hợp đồng không thành thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư hoặc người được uỷ quyền quyết định huỷ kết quả đấu thầu trước đó và xem xét, quyết định nhà thầu xếp hạng tiếp theo trúng thầu để có cơ sở pháp lý mời vào thương thảo, hoàn thiện hợp đồng; trong trường hợp đó, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn hiệu lực hồ sơ dự thầu và bảo đảm dự thầu nếu cần thiết.

MỤC 2: ĐẤU THẦU HAI GIAI ĐOẠN

Điều 30. Chuẩn bị đấu thầu giai đoạn 1

1. Việc sơ tuyển nhà thầu được thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định này.

2. Lập hồ sơ mời thầu giai đoạn 1

a) Căn cứ lập hồ sơ mời thầu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định này;

b) Hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 có nội dung theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định này nhưng không yêu cầu nhà thầu đề xuất về giá dự thầu và không yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu.

3. Việc phê duyệt hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.

4. Việc mời thầu giai đoạn 1 thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định này.

Điều 31. Tổ chức đấu thầu giai đoạn 1

1. Phát hành hồ sơ mời thầu

a) Bên mời thầu bán hồ sơ mời thầu tới trước thời điểm đóng thầu cho các nhà thầu trong danh sách trúng sơ tuyển (trong trường hợp có sơ tuyển), các nhà thầu được mời tham gia đấu thầu hạn chế hoặc các nhà thầu có nhu cầu tham gia đấu thầu rộng rãi với mức giá bán quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này. Đối với nhà thầu liên danh thì chỉ cần một thành viên trong liên danh mua hồ sơ mời thầu;

b) Việc sửa đổi và làm rõ hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và Điều 34 của Luật Đấu thầu.

2. Nhận và quản lý hồ sơ dự thầu giai đoạn 1

Bên mời thầu tiếp nhận và quản lý các hồ sơ dự thầu đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ “mật”.

3. Mở thầu

Việc mở thầu được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định này. Biên bản mở thầu không bao gồm các thông tin về giá dự thầu và bảo đảm dự thầu.

4. Trao đổi về hồ sơ dự thầu giai đoạn 1

Căn cứ các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu, bên mời thầu tiến hành trao đổi với từng nhà thầu nhằm chuẩn xác yêu cầu về mặt kỹ thuật của gói thầu. Nội dung trao đổi phải được bên mời thầu ghi lại thành biên bản để có cơ sở hình thành hồ sơ mời thầu giai đoạn 2.

Điều 32. Chuẩn bị, tổ chức đấu thầu giai đoạn 2

1. Lập hồ sơ mời thầu giai đoạn 2

Trong hồ sơ mời thầu giai đoạn 2, cần xác định rõ chi tiết các yêu cầu về mặt kỹ thuật, yêu cầu về tài chính (bao gồm giá dự thầu), thương mại cũng như yêu cầu về biện pháp bảo đảm dự thầu.

Việc phê duyệt hồ sơ mời thầu giai đoạn 2 được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.

2. Tổ chức đấu thầu

Hồ sơ mời thầu giai đoạn 2 được bán cho các nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu giai đoạn 1 với mức giá bán quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này. Việc tổ chức đấu thầu được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

Điều 33. Đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn 2

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn 2 được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định này.

Điều 34. Trình duyệt, thẩm định, phê duyệt, thông báo kết quả đấu thầu, thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng

Trình duyệt, thẩm định, phê duyệt, thông báo kết quả đấu thầu và thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, ký kết hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.

Chương 6: CÁC HÌNH THỨC LỰA CHỌN NHÀ THẦU KHÁC

Điều 35. Chỉ định thầu

Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu phải được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tuân thủ quy định tại Điều 20 của Luật Đấu thầu và Điều 101 của Luật Xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ quy định các trường hợp đặc biệt được chỉ định thầu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 101 của Luật Xây dựng.

1. Quy trình thực hiện chỉ định thầu đối với một gói thầu bao gồm:

a) Phát hành hồ sơ yêu cầu;

b) Chuẩn bị hồ sơ đề xuất;

c) Đánh giá hồ sơ đề xuất;

d) Trình duyệt, thẩm định và phê duyệt kết quả chỉ định thầu;

đ) Thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

2. Hồ sơ yêu cầu

a) Bên mời thầu lập hồ sơ yêu cầu, đối với gói thầu dịch vụ tư vấn không cần nêu tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp; đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng (trừ gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế) không cần nêu các yếu tố để xác định giá đánh giá. Hồ sơ yêu cầu có nội dung tương tự hồ sơ mời thầu;

b) Chủ đầu tư chịu trách nhiệm phê duyệt hồ sơ yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này để bên mời thầu gửi cho nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất.

3. Hồ sơ đề xuất

Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất có nội dung tương tự hồ sơ dự thầu, bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính, thương mại.

4. Đánh giá hồ sơ đề xuất

a) Bên mời thầu tiến hành đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu theo tiêu chuẩn đánh giá nêu trong hồ sơ yêu cầu;

b) Nhà thầu được đề nghị trúng chỉ định thầu khi hồ sơ đề xuất đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Có đủ năng lực và kinh nghiệm theo hồ sơ yêu cầu;

- Có đề xuất về kỹ thuật được đánh giá là đáp ứng yêu cầu của hồ sơ yêu cầu căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá;

- Có giá đề nghị chỉ định thầu không vượt dự toán (giá gói thầu) được duyệt cho gói thầu.

5. Trình duyệt, thẩm định và phê duyệt kết quả chỉ định thầu

a) Trên cơ sở báo cáo kết quả chỉ định thầu, báo cáo thẩm định, người quyết định đầu tư phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt kết quả chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu từ 500 triệu đồng trở lên, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng (trừ gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế) có giá gói thầu từ 1 tỷ đồng trở lên; chủ đầu tư phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp có giá gói thầu dưới 1 tỷ đồng đối với các gói thầu thuộc dự án quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 1 của Luật Đấu thầu;

b) Đối với gói thầu thực hiện chỉ định thầu thuộc dự án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu, chủ đầu tư trình báo cáo kết quả chỉ định thầu lên Thủ tướng Chính phủ (trường hợp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt) hoặc lên người được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định này.

6. Thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng

Trên cơ sở quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, bên mời thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu để chủ đầu tư ký kết hợp đồng.

7. Đối với các gói thầu thuộc trường hợp sự cố bất khả kháng do thiên tai, địch hoạ, sự cố cần khắc phục ngay theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu thì việc chỉ định thầu không phải thực hiện theo quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này nhưng sau không quá 15 ngày, kể từ ngày chỉ định thầu, chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó và nhà thầu phải tiến hành các thủ tục xác định khối lượng và giá trị công việc để hai bên ký kết hợp đồng làm cơ sở cho việc thực hiện và thanh toán.

8. Trường hợp được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu được thực hiện trước khi có quyết định đầu tư thì tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án tiến hành việc lập và phê duyệt dự toán theo quy định tại khoản 3 Điều 20 của Luật Đấu thầu. Trong trường hợp này, dự toán là giá trị tương ứng với khối lượng công việc được người đứng đầu cơ quan chuẩn bị dự án phê duyệt.

9. Đối với gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp có giá gói thầu dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án cải tạo, sửa chữa lớn của doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 1 của Luật Đấu thầu được áp dụng chỉ định thầu khi thấy cần thiết nhưng phải bảo đảm quy trình chỉ định thầu quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này.

Điều 36. Mua sắm trực tiếp

Việc áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp phải được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tuân thủ quy định tại Điều 21 của Luật Đấu thầu đối với hợp đồng đã ký với nhà thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế.

Quy trình mua sắm trực tiếp được thực hiện như sau:

1. Chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ yêu cầu để làm cơ sở cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất.

2. Việc đánh giá hồ sơ đề xuất được thực hiện theo các nội dung sau:

a) Kiểm tra các nội dung về mặt kỹ thuật và đơn giá;

b) Cập nhật năng lực của nhà thầu;

c) Đánh giá tiến độ thực hiện;

d) Các nội dung khác (nếu có).

3. Trình duyệt, thẩm định và phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp

Trên cơ sở báo cáo kết quả mua sắm trực tiếp, báo cáo thẩm định, người quyết định đầu tư phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp.

Điều 37. Chào hàng cạnh tranh trong mua sắm hàng hoá

Việc áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh phải được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tuân thủ quy định tại Điều 22 của Luật Đấu thầu.

Quy trình chào hàng cạnh tranh trong mua sắm hàng hoá được thực hiện như sau:

1. Hồ sơ yêu cầu chào hàng

Chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ yêu cầu chào hàng. Hồ sơ yêu cầu chào hàng bao gồm yêu cầu về mặt kỹ thuật như số lượng, tiêu chuẩn, đặc tính kỹ thuật, thời hạn cung cấp hàng hoá, thời hạn hiệu lực của báo giá, thời điểm nộp báo giá, các yêu cầu về bảo hành, bảo trì, đào tạo, chuyển giao và các nội dung cần thiết khác, không nêu yêu cầu về bảo đảm dự thầu. Việc đánh giá các yêu cầu về mặt kỹ thuật được thực hiện theo tiêu chí “đạt”, “không đạt” và được thể hiện trong hồ sơ yêu cầu chào hàng.

2. Tổ chức chào hàng

a) Bên mời thầu thông báo mời chào hàng trên tờ báo về đấu thầu 3 kỳ liên tiếp và trên trang thông tin điện tử về đấu thầu để các nhà thầu có quan tâm đăng ký tham dự. Sau khi đăng tải theo quy định trên có thể đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Thời gian từ lúc thông báo mời chào hàng cho tới khi phát hành hồ sơ yêu cầu tối thiểu là 5 ngày, kể từ ngày đăng tải đầu tiên thông báo mời chào hàng;

b) Bên mời thầu gửi hồ sơ yêu cầu đến các nhà thầu quan tâm để bảo đảm nhận được tối thiểu 3 báo giá từ 3 nhà thầu khác nhau. Thời gian để nhà thầu chuẩn bị báo giá tối thiểu là 3 ngày;

c) Nhà thầu gửi báo giá đến bên mời thầu bằng cách gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc bằng fax. Mỗi nhà thầu chỉ được gửi một báo giá;

d) Bên mời thầu chịu trách nhiệm bảo mật các thông tin trong báo giá của từng nhà thầu. Ngay sau khi kết thúc thời hạn nộp báo giá, bên mời thầu lập văn bản tiếp nhận các báo giá gồm các nội dung như: tên nhà thầu, giá chào, điều kiện hậu mãi, thời hạn hiệu lực của báo giá và gửi văn bản này đến các nhà thầu đã nộp báo giá.

3. Đánh giá các báo giá

a) Bên mời thầu đánh giá các báo giá được nộp theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu về mặt kỹ thuật. Báo giá được coi là vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật khi tất cả yêu cầu về mặt kỹ thuật đều được đánh giá là “đạt”;

b) Bên mời thầu so sánh giá chào của các báo giá đáp ứng về mặt kỹ thuật để xác định báo giá có giá chào thấp nhất. Nhà thầu có giá chào thấp nhất sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và không vượt giá gói thầu sẽ được đề nghị lựa chọn.

4. Phê duyệt kết quả chào hàng và ký kết hợp đồng

a) Trên cơ sở báo cáo kết quả chào hàng do bên mời thầu trình, báo cáo thẩm định, người quyết định đầu tư phê duyệt kết quả chào hàng đối với gói thầu có giá gói thầu từ 1 tỷ đồng trở lên; chủ đầu tư phê duyệt kết quả chào hàng đối với gói thầu có giá gói thầu dưới 1 tỷ đồng;

b) Bên mời thầu thông báo kết quả chào hàng bằng văn bản cho tất cả các nhà thầu tham gia nộp báo giá và tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn để chủ đầu tư ký kết hợp đồng.

Điều 38. Tự thực hiện

Việc áp dụng hình thức tự thực hiện phải được phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tuân thủ quy định tại Điều 23 của Luật Đấu thầu và điểm a khoản 1 của các Điều 41, 50, 57, 75, 89 và điểm b khoản 2 Điều 45 của Luật Xây dựng.

Quy trình tự thực hiện được tiến hành bảo đảm các điều kiện sau:

1. Chủ đầu tư lựa chọn theo quy định của Luật Đấu thầu một nhà thầu tư vấn giám sát độc lập với chủ đầu tư về tổ chức và tài chính theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư phải cung cấp các hồ sơ cần thiết để nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Nhà thầu tư vấn giám sát có nhiệm vụ sau đây:

a) Giám sát việc thực hiện gói thầu của chủ đầu tư theo đúng phương án, giải pháp thực hiện mà chủ đầu tư đã đưa ra;

b) Kiểm tra các loại hàng hoá, vật tư, thiết bị dùng cho gói thầu;

c) Nghiệm thu khối lượng công việc do chủ đầu tư thực hiện làm cơ sở cho việc thanh toán.

Điều 39. Lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng

Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn đối với gói thầu thiết kế kiến trúc công trình xây dựng thông qua thi tuyển quy định tại khoản 3 Điều 97 của Luật Xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 102 của Luật Xây dựng.

Điều 40. Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

1. Căn cứ vào tính chất đặc thù của gói thầu mà không thể áp dụng được các hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định từ Điều 18 đến Điều 23 của Luật Đấu thầu và Điều 97 của Luật Xây dựng, chủ đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phương án lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm mục tiêu cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, đồng thời gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ quản lý ngành để có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Trường hợp có đặc thù về đấu thầu quy định ở luật khác thì thực hiện theo quy định của nghị định hướng dẫn thi hành luật đó.

Chương 7:

PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT TRONG ĐẤU THẦU

Điều 41. Thủ tướng Chính phủ

1. Đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quyết định đầu tư:

a) Phê duyệt kế hoạch đấu thầu;

b) Phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt việc xử lý các tình huống trong đấu thầu, giải quyết kiến nghị trong đấu thầu và xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu.

2. Phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu, kết quả chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án bí mật quốc gia, dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu.

3. Phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 24 của Luật Đấu thầu.

Điều 42. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Đối với các dự án, gói thầu do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt:

a) Có ý kiến bằng văn bản về kế hoạch đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu của dự án có liên quan do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt;

b) Chịu trách nhiệm phê duyệt hồ sơ mời thầu;

c) Chịu trách nhiệm phê duyệt các nội dung khác về đấu thầu theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối với các dự án do mình quyết định đầu tư:

a) Phê duyệt kế hoạch đấu thầu;

b) Phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu thuộc dự án, trừ kết quả chỉ định thầu của các gói thầu do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định này.

Điều 43. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã, thị trấn, phường, xã, Thủ trưởng các cơ quan khác ở địa phương

1. Chịu trách nhiệm phê duyệt các nội dung về đấu thầu theo uỷ quyền;

2. Phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu thuộc dự án do mình quyết định đầu tư.           

Điều 44. Hội đồng quản trị hoặc giám đốc doanh nghiệp

1. Đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư mà mình làm chủ đầu tư:

a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu đối với các gói thầu do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

b) Chịu trách nhiệm phê duyệt các nội dung khác về đấu thầu theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối với dự án do mình quyết định đầu tư:

a) Phê duyệt kế hoạch đấu thầu;

b) Phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, trừ kết quả chỉ định thầu đối với các gói thầu do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định này.

3. Thoả thuận bằng văn bản về kế hoạch đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu có giá gói thầu từ 50 tỷ đồng trở lên đối với dịch vụ tư vấn, từ 150 tỷ đồng trở lên đối với mua sắm hàng hoá, xây lắp thuộc các dự án liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, dự án cổ phần do phía doanh nghiệp Việt Nam tham gia góp vốn nhà nước từ 30% trở lên vào vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn cổ phần. Quá thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thỏa thuận nếu không gửi văn bản thỏa thuận thì được coi là Hội đồng quản trị hoặc giám đốc doanh nghiệp đồng ý với phía doanh nghiệp liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp cổ phần về kế hoạch đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu.

Điều 45. Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần và đại diện hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh

1. Phê duyệt kế hoạch đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu thuộc dự án do mình đầu tư trên cơ sở văn bản thoả thuận được quy định tại khoản 3 Điều 44 Nghị định này.

2. Phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Điều 46. Cơ quan, tổ chức thẩm định

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định các nội dung sau đây:

a) Kế hoạch đấu thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

b) Kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt;

c) Phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định các nội dung sau đây:

a) Kế hoạch đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu của dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp phê duyệt;

b) Hồ sơ mời thầu gói thầu do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Sở chuyên ngành có liên quan chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định;

c) Kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

3. Trách nhiệm thẩm định của cơ quan, tổ chức được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Hội đồng quản trị hoặc giám đốc doanh nghiệp giao nhiệm vụ thẩm định gồm:

a) Kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu đối với tất cả gói thầu của dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Hội đồng quản trị hoặc giám đốc doanh nghiệp;

b) Hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu do Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Hội đồng quản trị hoặc giám đốc doanh nghiệp phê duyệt.

4. Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã do bộ phận kế hoạch - đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định các nội dung trong quá trình đấu thầu.

5. Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn, phường, xã, thủ trưởng các cơ quan khác ở địa phương, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần và đại diện hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh thì bộ phận giúp việc liên quan chịu trách nhiệm thẩm định các nội dung trong quá trình đấu thầu.

6. Đối với các gói thầu do người quyết định đầu tư uỷ quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, người được uỷ quyền chịu trách nhiệm quy định đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu.

Chương 8

GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ TRONG ĐẤU THẦU

Điều 47. Điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị

1. Kiến nghị phải là của nhà thầu tham gia đấu thầu.

2. Đơn kiến nghị phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu (nếu có).

3. Người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị trong thời gian quy định tại khoản 3 Điều 72 của Luật Đấu thầu.

4. Nội dung kiến nghị chưa được nhà thầu nộp đơn kiện ra Tòa án.

5. Đối với kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu khi gửi tới người quyết định đầu tư, nhà thầu phải nộp một khoản chi phí theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này cho bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn nêu trong hồ sơ mời thầu; trường hợp nhà thầu có kiến nghị được kết luận là đúng thì chi phí do nhà thầu nộp sẽ được hoàn trả bởi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên đới.

Điều 48. Giải quyết kiến nghị

1. Thời hạn giải quyết kiến nghị quy định tại Điều 73 của Luật Đấu thầu được tính từ ngày bộ phận hành chính của người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị.

2. Người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị thông báo bằng văn bản cho nhà thầu về việc không xem xét, giải quyết kiến nghị trong trường hợp kiến nghị của nhà thầu không đáp ứng điều kiện nêu tại Điều 47 Nghị định này.

3. Nhà thầu được quyền rút đơn kiến nghị trong quá trình giải quyết kiến nghị nhưng phải bằng văn bản.

Điều 49. Hội đồng tư vấn

1. Chủ tịch Hội đồng tư vấn

a) Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp Trung ương là đại diện có thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội đồng tư vấn cấp Trung ương có trách nhiệm tư vấn về kiến nghị liên quan đến gói thầu do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt hoặc trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

b) Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi là Hội đồng tư vấn cấp bộ) là đại diện có thẩm quyền của đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về đấu thầu thuộc các cơ quan này. Hội đồng tư vấn cấp bộ có trách nhiệm tư vấn về kiến nghị đối với tất cả các gói thầu thuộc dự án do cấp bộ quyết định đầu tư hoặc quản lý theo ngành, trừ gói thầu quy định tại điểm a khoản này.

c) Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp địa phương là đại diện có thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hội đồng tư vấn cấp địa phương có trách nhiệm tư vấn về kiến nghị đối với tất cả các gói thầu thuộc dự án do địa phương quyết định đầu tư hoặc quản lý, trừ gói thầu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thành viên Hội đồng tư vấn

Tùy theo tính chất của từng gói thầu và trong trường hợp cần thiết, ngoài các thành viên quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật Đấu thầu, Chủ tịch Hội đồng tư vấn có thể mời thêm các cá nhân tham gia với tư cách là thành viên của Hội đồng tư vấn. Thành viên Hội đồng tư vấn không được là thân nhân (cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột) của người ký đơn kiến nghị, của các cá nhân trực tiếp tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu thuộc bên mời thầu, thuộc chủ đầu tư, của các cá nhân trực tiếp thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và của người ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

3. Hoạt động của Hội đồng tư vấn

a) Chủ tịch Hội đồng tư vấn ra quyết định thành lập Hội đồng trong thời hạn tối đa là 5 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu. Hội đồng tư vấn hoạt động theo từng vụ việc.

b) Hội đồng tư vấn làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có Báo cáo kết quả làm việc trình người quyết định đầu tư xem xét, quyết định; từng thành viên được quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.

4. Bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn

a) Bộ phận thường trực giúp việc là cơ quan, tổ chức được giao công tác thẩm định trong đấu thầu nhưng không gồm các cá nhân tham gia trực tiếp thẩm định gói thầu mà nhà thầu có kiến nghị.

b) Bộ phận thường trực giúp việc thực hiện các nhiệm vụ về hành chính do Chủ tịch Hội đồng tư vấn quy định; tiếp nhận và quản lý chi phí do nhà thầu có kiến nghị nộp theo quy định tại khoản 5 Điều 47 Nghị định này.

Chương 9

XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU THẦU

Điều 50. Nguyên tắc xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo một hoặc các hình thức sau đây: cảnh cáo, phạt tiền, cấm tham gia hoạt động đấu thầu. Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

2. Nguyên tắc, thủ tục xử lý vi phạm, thủ tục thi hành quyết định xử phạt được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Quyết định xử phạt phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, tổ chức liên quan.

4. Quyết định xử phạt được thực hiện ở bất kỳ địa phương, ngành nào đều có hiệu lực thi hành trên phạm vi cả nước và trong tất cả các ngành.

5. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm pháp luật về đấu thầu có quyền khởi kiện ra Toà án.

Điều 51. Thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu

1. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu đối với các dự án do mình quyết định đầu tư theo quy định tại Điều 60 của Luật Đấu thầu. Trường hợp người quyết định đầu tư vi phạm pháp luật về đấu thầu thì việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi việc xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu và quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các tổ chức, cá nhân bị phạt cảnh cáo liên tục từ 5 lần trở lên theo quy định tại khoản 4 Điều 53 Nghị định này.

Điều 52. Hình thức phạt tiền

Tùy theo mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 75 của Luật Đấu thầu sẽ bị phạt tiền theo các mức sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không phù hợp với các quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải huỷ đấu thầu;

b) Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không căn cứ vào các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cùng tiêu chuẩn đánh giá đi kèm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc dẫn đến phải huỷ đấu thầu;

c) Ký kết hợp đồng trái với các quy định của pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước;

d) Các hành vi vi phạm dẫn đến phải tổ chức đấu thầu lại như tổ chức đấu thầu khi chưa có kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được duyệt.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dàn xếp, thông đồng giữa tất cả nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia đấu thầu, tư vấn lập hồ sơ mời thầu, cơ quan, tổ chức thẩm định, người phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu dẫn đến phải huỷ đấu thầu hoặc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật Xây dựng;

b) Nhà thầu thực hiện hợp đồng xây lắp, cung cấp hàng hóa thông đồng với nhà thầu tư vấn giám sát, cơ quan, tổ chức nghiệm thu để xác nhận sai về chất lượng, khối lượng của công trình, hàng hóa.

3. Ngoài việc gây thiệt hại về lợi ích đối với các bên liên quan nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, những hậu quả gây thiệt hại khác do các hành vi nêu trên gây ra hoặc do các hành vi khác gây ra thì hình thức phạt tiền còn được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 53. Hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu 

Tuỳ theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu, cụ thể như sau:

1. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 6 tháng đến 1 năm đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Đấu thầu;

b) Vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

Tổ chức, cá nhân lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng trong đó nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá cụ thể trong hồ sơ mời thầu.

c) Cá nhân thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia đấu thầu, tư vấn đấu thầu, cơ quan, tổ chức thẩm định đấu thầu vi phạm quy định tại khoản 9 Điều 12 của Luật Đấu thầu;

d) Vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 12 của Luật Đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

Người quyết định đầu tư cho phép chia dự án thành các gói thầu trái với quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật Đấu thầu để thực hiện chỉ định thầu hoặc tạo cơ hội cho số ít nhà thầu tham dự thầu;

e) Vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

Chủ đầu tư, bên mời thầu chấp nhận và đề nghị trúng thầu đối với nhà thầu tham gia đấu thầu cung cấp hàng hoá, xây lắp cho gói thầu thuộc dự án mà nhà thầu này trước đó đã cung cấp dịch vụ tư vấn, trừ trường hợp đối với: gói thầu EPC, gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế và thi công, tổng thầu chìa khoá trao tay;

g) Vi phạm quy định tại khoản 10 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

Cá nhân trực tiếp tham gia tổ chức đấu thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, tư vấn đấu thầu, cá nhân trực tiếp tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc cơ quan, tổ chức thẩm định và người ký quyết định về kết quả lựa chọn nhà thầu không rút khỏi công việc được phân công khi người ký đơn dự thầu là người thân của mình (cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột);

h) Vi phạm quy định tại khoản 11 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

Tổ chức, cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư, kho bạc nhà nước, cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng, cơ quan nghiệm thu gây khó khăn trong thủ tục cấp phát, thanh quyết toán theo hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu;

i) Vi phạm quy định tại khoản 13 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

- Cá nhân ký đơn dự thầu đối với các gói thầu thuộc dự án do cơ quan, tổ chức mà mình đã công tác trước đó trong thời hạn 1 năm, kể từ khi nhận được quyết định thôi công tác tại cơ quan, tổ chức đó;

- Quyết định trúng thầu đối với nhà thầu mà người ký đơn dự thầu tham gia đấu thầu gói thầu thuộc dự án của cơ quan, tổ chức mà người đó vừa nhận được quyết định thôi công tác chưa được 1 năm;

k) Vi phạm quy định tại khoản 16 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

Phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch đấu thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không bảo đảm đủ điều kiện theo quy định từ Điều 19 đến Điều 24 của Luật Đấu thầu và Điều 100, Điều 101 của Luật Xây dựng;

l) Vi phạm quy định tại khoản 17 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

- Người quyết định đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu để cho phép tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn để thực hiện gói thầu chưa được xác định;

- Người quyết định đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu khi chưa có cam kết tín dụng trong trường hợp cho phép trong kế hoạch đấu thầu là nguồn vốn cho gói thầu do nhà thầu thu xếp.

2. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 1 năm đến 3 năm đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

- Cá nhân sử dụng quyền, ảnh hưởng của mình buộc chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia đấu thầu, tư vấn đấu thầu, cơ quan, tổ chức thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đề xuất nhà thầu trúng thầu không phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá đã nêu trong hồ sơ mời thầu;

- Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu cố ý báo cáo sai hoặc không trung thực về các thông tin làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng;

- Nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng.

b) Vi phạm quy định tại khoản 14 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

- Nhà thầu sử dụng tên, chữ ký, con dấu của mình nhằm hợp pháp hoá hồ sơ dự thầu của mình tham gia đấu thầu hình thức nhằm phục vụ cho một nhà thầu khác trúng thầu;

- Nhà thầu cho nhà thầu khác sử dụng tên, chữ ký, con dấu của mình; nhà thầu sử dụng tên, chữ ký, con dấu của nhà thầu khác để tạo thành một liên danh tham gia đấu thầu, sau khi trúng thầu thì không thực hiện theo văn bản thoả thuận liên danh; trừ trường hợp hợp đồng có quy định khác;

- Nhà thầu chuyển nhượng từ 10% trở lên giá trị phải tự thực hiện (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) nêu trong hợp đồng đã ký cho nhà thầu khác, trừ trường hợp có lý do chính đáng được người quyết định đầu tư cho phép;

- Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc mà chưa được người quyết định đầu tư cho phép, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

c) Vi phạm quy định tại khoản 15 Điều 12 của Luật Đấu thầu.

3. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Đấu thầu;

b) Vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Đấu thầu;

c) Vi phạm quy định tại khoản 12 Điều 12 của Luật Đấu thầu.

4. Tổ chức, cá nhân bị phạt cảnh cáo 5 lần liên tục sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong 6 tháng. Trường hợp tổ chức, cá nhân tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu cứ thêm 2 lần thì bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu tương ứng trong 1 năm, 2 năm, 3 năm.

Chương 10

CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

Điều 54. Mẫu tài liệu đấu thầu

1. Mẫu tài liệu đấu thầu bao gồm mẫu hồ sơ mời sơ tuyển đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp; mẫu hồ sơ mời thầu và mẫu báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm ban hành mẫu tài liệu đấu thầu.

Điều 55. Bảo hành

1. Nhà thầu có trách nhiệm bảo hành đối với công trình trong trường hợp hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu có nội dung về xây dựng, có trách nhiệm bảo hành hàng hóa trong trường hợp hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu có nội dung về mua sắm hàng hóa theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Nội dung công việc bảo hành, thời hạn bảo hành, chi phí liên quan và trách nhiệm của các bên (giữa chủ đầu tư và nhà thầu) phải được thể hiện trong hợp đồng.

Điều 56. Tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp

Tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật Đấu thầu là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.

Điều 57. Xử lý tình huống trong đấu thầu

Xử lý tình huống trong đấu thầu quy định tại Điều 70 của Luật Đấu thầu được thực hiện như sau:

1. Trường hợp có lý do cần điều chỉnh giá gói thầu hoặc nội dung gói thầu, chủ đầu tư phải tiến hành thủ tục điều chỉnh kế hoạch đấu thầu theo các quy định của pháp luật trước thời điểm mở thầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này.

2. Trường hợp dự toán của gói thầu được duyệt thấp hơn giá gói thầu đã duyệt thì dự toán sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xem xét kết quả lựa chọn nhà thầu, nếu dự toán được duyệt cao hơn giá gói thầu đã duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo bằng văn bản đến người quyết định đầu tư xem xét, quyết định việc điều chỉnh giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xem xét kết quả lựa chọn nhà thầu.

3. Trường hợp tại thời điểm đóng thầu có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu thì bên mời thầu phải báo cáo ngay về quá trình đấu thầu cho người quyết định đầu tư hoặc người được uỷ quyền xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 2 giờ để cho phép kéo dài thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm hồ sơ dự thầu hoặc cho phép mở thầu để tiến hành đánh giá hồ sơ dự thầu đã nộp. Trường hợp gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì việc xử lý tình huống này sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng quản trị doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập liên quan tới dự án.

4. Trường hợp hồ sơ mời thầu cho phép nhà thầu chào cho một hoặc nhiều phần riêng biệt của gói thầu thì việc đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu sẽ được thực hiện theo từng phần nhưng bảo đảm giá trúng thầu của gói thầu không vượt giá gói thầu được duyệt.

5. Trường hợp hồ sơ dự thầu có đơn giá khác thường mà gây bất lợi cho bên mời thầu thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ bằng văn bản về những đơn giá khác thường đó. Nếu sự giải thích của nhà thầu không đủ rõ, thì đây được coi là sai lệch và thực hiện hiệu chỉnh sai lệch theo quy định như đối với nội dung chào thừa hoặc thiếu của hồ sơ dự thầu so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu theo quy định tại Điều 28 Nghị định này.

6. Trường hợp giá đề nghị trúng thầu của các nhà thầu đều vượt giá gói thầu đã duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo bằng văn bản đến người quyết định đầu tư hoặc người được uỷ quyền để xem xét, quyết định việc cho phép các nhà thầu này được chào lại giá hoặc cho phép đồng thời với việc chào lại giá sẽ xem xét lại giá gói thầu, nội dung hồ sơ mời thầu đã duyệt, nếu cần thiết.

7. Trường hợp chỉ có một hồ sơ dự thầu vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật (đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng, trừ gói thầu lựa chọn tổng thầu thiết kế) thì không cần xác định giá đánh giá mà chỉ xác định giá đề nghị trúng thầu để có cơ sở xem xét kết quả trúng thầu.

8. Trường hợp có hai hồ sơ dự thầu có kết quả đánh giá tốt nhất, ngang nhau (về số điểm hoặc giá đánh giá) thì sẽ xem xét trao thầu cho nhà thầu có giá đề nghị trúng thầu thấp hơn, trừ các trường hợp ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này.           

9. Trường hợp giá đề nghị ký kết hợp đồng vượt giá trúng thầu được duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo bằng văn bản đến người quyết định đầu tư hoặc người được uỷ quyền để xem xét, quyết định.

10. Trường hợp giá đề nghị trúng thầu do chủ đầu tư, cơ quan thẩm định đề nghị thấp bất thường hoặc thấp dưới năm mươi phần trăm (50%) giá gói thầu, hoặc dự toán được duyệt thì trước khi phê duyệt kết quả đấu thầu, người quyết định đầu tư hoặc người được ủy quyền có thể đưa ra các biện pháp phù hợp như thành lập tổ thẩm định liên ngành để thẩm định kỹ hơn về hồ sơ dự thầu của nhà thầu hoặc đưa ra các biện pháp phù hợp trong hợp đồng để bảo đảm tính khả thi cho việc thực hiện.

Ngoài các trường hợp nêu trên, khi phát sinh tình huống thì bên mời thầu, chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư hoặc người được uỷ quyền xem xét, quyết định.

Điều 58. Hồ sơ trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu

Trên cơ sở xem xét báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu, hồ sơ trình duyệt do bên mời thầu báo cáo, chủ đầu tư lập báo cáo trình người quyết định đầu tư hoặc người được uỷ quyền xem xét, quyết định. Hồ sơ trình duyệt của chủ đầu tư về kết quả lựa chọn nhà thầu bao gồm báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu và các tài liệu liên quan.

1. Báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu bao gồm:

a) Cơ sở pháp lý của việc thực hiện lựa chọn nhà thầu;

b) Nội dung của gói thầu;

c) Quá trình tổ chức lựa chọn và đánh giá hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất của nhà thầu;

d) Đề nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu bao gồm:

- Tên nhà thầu được đề nghị lựa chọn (kể cả tên nhà thầu phụ nếu cần thiết). Trường hợp là nhà thầu liên danh phải nêu tên tất cả thành viên trong liên danh;

- Giá đề nghị trúng thầu hoặc giá đề nghị thực hiện gói thầu (bao gồm thuế, dự phòng, trượt giá, nếu có);

- Hình thức hợp đồng;

- Thời gian thực hiện hợp đồng.

Trường hợp không chọn được nhà thầu thì phải nêu phương án xử lý tiếp theo.

2. Tài liệu liên quan gồm:

a) Bản chụp quyết định đầu tư và các tài liệu để ra quyết định đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập, điều ước hoặc thoả thuận quốc tế (nếu có); kế hoạch đấu thầu;

b) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

c) Quyết định thành lập tổ chuyên gia đấu thầu, hợp đồng thuê tư vấn đấu thầu, tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp;

d) Danh sách nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, biên bản mở thầu;

đ) Các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và các tài liệu làm rõ, sửa đổi, bổ sung liên quan;

e) Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của tổ chuyên gia đấu thầu, tư vấn đấu thầu, tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp;

g) Văn bản phê duyệt các nội dung của quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định;

h) Biên bản thương thảo hợp đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn;

i) Ý kiến về kết quả lựa chọn nhà thầu của tổ chức tài trợ nước ngoài (nếu có);

k) Các tài liệu khác có liên quan.

Điều 59. Thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu

1. Nội dung thẩm định bao gồm:

a) Kiểm tra các tài liệu là căn cứ của việc tổ chức lựa chọn nhà thầu;

b) Kiểm tra quy trình và thời gian liên quan tới việc tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định: thời gian đăng tải thông tin đấu thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thời điểm đóng thầu, thời điểm mở thầu, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

c) Kiểm tra nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất: biên bản đánh giá và ý kiến nhận xét đánh giá của từng chuyên gia, báo cáo tổng hợp của tổ chuyên gia đấu thầu, đánh giá của tư vấn đấu thầu, tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp (nếu có), sự tuân thủ của việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và tiêu chuẩn đánh giá được duyệt, mức độ chính xác của việc đánh giá;

d) Phát hiện những nội dung còn chưa rõ trong hồ sơ trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

đ) Những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa các thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, giữa tư vấn đấu thầu, tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp với bên mời thầu.

2. Báo cáo thẩm định bao gồm những nội dung chính sau đây:

a) Khái quát về dự án và gói thầu: nội dung chính của dự án và gói thầu, cơ sở pháp lý đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu;

b) Tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện và đề nghị của cơ quan trình duyệt về kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Nhận xét về mặt pháp lý, về quá trình thực hiện, về đề nghị của cơ quan trình duyệt;

d) Ý kiến về kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở kết luận về kết quả lựa chọn nhà thầu.

3. Báo cáo thẩm định trình người quyết định đầu tư quy định tại khoản 2 Điều này được gửi đồng thời cho chủ đầu tư, bên mời thầu.

Điều 60. Quản lý nhà thầu nước ngoài

1. Sau khi được lựa chọn để thực hiện các gói thầu trên lãnh thổ Việt Nam, nhà thầu nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh, nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa, đăng ký tạm trú, chế độ kế toán, thuế và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan, trừ trường hợp có quy định khác trong Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thoả thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết.

2. Trước khi triển khai thực hiện hợp đồng đã ký với chủ đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam, nhà thầu nước ngoài phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước theo quy định tại Điều này để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

3. Hồ sơ đăng ký hoạt động tại Việt Nam của nhà thầu nước ngoài bao gồm:

a) Giấy đăng ký hoạt động do nhà thầu nước ngoài hoặc đại diện nhà thầu nước ngoài kê khai theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;

b) Bản sao có công chứng văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;

c) Bản sao có công chứng hộ chiếu đối với nhà thầu là cá nhân; bản sao có công chứng đăng ký hoạt động được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước hoặc vùng lãnh thổ mà nhà thầu mang quốc tịch đối với nhà thầu là tổ chức (kèm theo bản dịch có công chứng ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh).

4. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với nhà thầu nước ngoài được cấp miễn phí.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà thầu nước ngoài đặt trụ sở (sau đây gọi là cơ quan đăng ký hoạt động) có trách nhiệm tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký hoạt động tại Việt Nam của nhà thầu nước ngoài. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan đăng ký hoạt động phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho nhà thầu nước ngoài (theo Mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành). Đồng thời, cơ quan đăng ký hoạt động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Sở Kế hoạch và Đầu tư của địa phương khác về việc đăng ký hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong trường hợp gói thầu được thực hiện ở địa phương này.

Trường hợp cơ quan đăng ký hoạt động từ chối cấp thì phải thông báo bằng văn bản cho nhà thầu nước ngoài đăng ký và nêu rõ lý do.

6. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hết hiệu lực trong các trường hợp sau:

a) Hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;

b) Nhà thầu nước ngoài bị đình chỉ hoạt động, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước hoặc vùng lãnh thổ mà nhà thầu mang quốc tịch.

7. Trường hợp nhà thầu nước ngoài thực hiện nhiều gói thầu mà thời gian thực hiện các gói thầu đó trùng nhau thì nhà thầu chỉ phải lập một hồ sơ đăng ký hoạt động tại Việt Nam với thời hạn được tính từ khi bắt đầu thực hiện gói thầu đầu tiên đến thời hạn kết thúc thực hiện gói thầu cuối cùng.

8. Trường hợp nhà thầu nước ngoài đã được cơ quan đăng ký hoạt động cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đang còn hiệu lực thì khi nhà thầu nước ngoài thực hiện gói thầu tiếp theo trên địa bàn đó thì chỉ cần cập nhật bổ sung thông tin cho cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bổ sung (theo mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành).

9. Đối với các nhà thầu nước ngoài trúng thầu trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật Xây dựng và Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam mà không phải thực hiện các quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này.

Điều 61. Kiểm tra về đấu thầu

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức kiểm tra về đấu thầu trên phạm vi cả nước. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp kiểm tra về đấu thầu đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình và các dự án do mình quyết định đầu tư.

2. Kiểm tra đấu thầu được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất (khi có vướng mắc, kiến nghị) theo quyết định của người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra.

3. Nội dung kiểm tra đấu thầu bao gồm:

a) Kiểm tra chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu, chứng chỉ liên quan đến trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia đấu thầu và các văn bản pháp lý liên quan tới quá trình lựa chọn nhà thầu.

b) Kiểm tra việc xây dựng kế hoạch đấu thầu theo các nội dung sau đây:

- Cơ sở pháp lý;

- Nội dung của kế hoạch đấu thầu, tính hợp lý của việc phân chia các gói thầu và hình thức lựa chọn nhà thầu áp dụng cho các gói thầu;

- Tiến độ thực hiện các gói thầu theo kế hoạch đấu thầu đã duyệt. Việc điều chỉnh kế hoạch đấu thầu (nếu có) và lý do điều chỉnh;

- Việc trình duyệt và phê duyệt kế hoạch đấu thầu.

c) Kiểm tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu theo các nội dung sau đây:

- Sự tuân thủ theo cơ sở pháp lý được duyệt như kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

- Trình tự và thời gian thực hiện.

d) Phát hiện những tồn tại trong công tác đấu thầu và đề xuất biện pháp khắc phục.

4. Sau khi kết thúc kiểm tra, phải có báo cáo kết quả kiểm tra. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm theo dõi việc khắc phục các tồn tại đã nêu trong kết luận báo cáo kết quả kiểm tra.

5. Nội dung báo cáo kiểm tra bao gồm:

a) Cơ sở pháp lý;

b) Kết quả kiểm tra;

c) Nhận xét;

d) Kiến nghị.

Điều 62. Giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng

Việc giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám sát đầu tư của cộng đồng.

Chương 11

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 63. Hướng dẫn thi hành

1. Đối với các gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu trước ngày Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 4 năm 2006) thì thực hiện theo những nội dung quy định của các Nghị định số 88/1999/NĐ-CP , Nghị định số 14/2000/NĐ-CP , Nghị định số 66/2003/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thực hiện liên quan.

2. Đối với các gói thầu phát hành hồ sơ mời thầu sau ngày Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 4 năm 2006) thì tổ chức thực hiện theo Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

a) Từ ngày 01 tháng 4 năm 2006 tới trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo Luật Đấu thầu và hướng dẫn thực hiện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 2820/BKH-QLĐT ngày 21 tháng 4 năm 2006;

b) Từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo Luật Đấu thầu và Nghị định này.

3. Việc đăng tải thông tin về đấu thầu trên Bản tin “Thông tin Đấu thầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và phát hành được thực hiện tiếp tục cho đến khi tờ báo về đấu thầu được phát hành theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Các quy định về việc đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử về đấu thầu, đấu thầu qua mạng, chứng chỉ tham gia khóa học về đấu thầu, mẫu tài liệu đấu thầu, mẫu Giấy đăng ký hoạt động của nhà thầu nước ngoài được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối với hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu thì thực hiện theo các Phụ lục kèm theo Nghị định này cho tới khi có mẫu chi tiết được ban hành.

5. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn khoản 2 Điều 1 của Luật Đấu thầu về dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

6. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm hướng dẫn thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hoá của các nhà thầu trúng thầu.

7. Bộ Xây dựng trong phạm vi quản lý của mình hướng dẫn những nội dung cần thiết về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng nhưng bảo đảm không trái với các quy định của Nghị định này.

8. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của mình hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định này (nếu cần thiết) nhưng bảo đảm không trái với các quy định của Nghị định này.

9. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ định một cấp phó trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác đấu thầu trong phạm vi quản lý của ngành hoặc địa phương mình. Trong quá trình thực hiện Nghị định này, nếu có những phát sinh, vướng mắc cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Định kỳ hàng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập phải gửi báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 64. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì các Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999, số 14/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000, số 66/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành. Những quy định trước đây của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và của các địa phương trái với quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và của Nghị định này đều bị bãi bỏ ./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, CN (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng


PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn hà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng)

Phụ lục I

MẪU THÔNG BÁO MỜI SƠ TUYỂN VÀ MỜI CHÀO HÀNG

A. THÔNG BÁO MỜI SƠ TUYỂN

[Ghi tên Bên mời thầu] có kế hoạch tổ chức sơ tuyển nhà thầu theo Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu [ghi tên gói thầu với phạm vi công việc chính] thuộc dự án [ghi tên dự án], sử dụng nguồn vốn [ghi nguồn vốn hoặc tổ chức tài trợ vốn].

Bên mời thầu mời tất cả các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và có điều kiện tham dự sơ tuyển gói thầu nêu trên.

Nhà thầu có nguyện vọng tham dự sơ tuyển có thể tìm hiểu thông tin chi tiết tại [ghi địa chỉ nơi cung cấp thông tin, điện thoại, fax, e-mail của Bên mời thầu] và sẽ được cung cấp miễn phí hồ sơ mời sơ tuyển tại [ghi địa chỉ cung cấp hồ sơ mời sơ tuyển, điện thoại, fax, e-mail].

Thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển từ ...... giờ, ngày ..... tháng ...... năm ....... đến ....... giờ, ngày ....... tháng ...... năm ..... [ghi thời điểm đóng sơ tuyển] (trong giờ làm việc hành chính).

Hồ sơ dự sơ tuyển phải được chuyển đến [ghi địa chỉ nhận hồ sơ dự sơ tuyển] chậm nhất là trước ...... giờ (giờ Việt Nam), ngày ...... tháng ..... năm .... [ghi thời điểm đóng sơ tuyển].

Hồ sơ dự sơ tuyển sẽ được mở công khai vào ...... giờ (giờ Việt Nam), ngày ....... tháng ...... năm ..... tại [ghi địa điểm mở hồ sơ dự sơ tuyển].

[Ghi tên Bên mời thầu] kính mời đại diện các nhà thầu nộp hồ sơ dự sơ tuyển tới tham dự lễ mở hồ sơ dự sơ tuyển vào thời gian và địa điểm nêu trên.

B. THÔNG BÁO MỜI CHÀO HÀNG

(Áp dụng đối với hình thức chào hàng cạnh tranh trong mua sắm hàng hóa)

[Ghi tên Bên mời thầu] có kế hoạch tổ chức chào hàng cạnh tranh theo Luật Đấu thầu đối với gói thầu [ghi tên gói thầu với phạm vi cung cấp chính], thuộc dự án [ghi tên dự án] sử dụng nguồn vốn [ghi nguồn vốn hoặc tổ chức tài trợ vốn].

Bên mời thầu mời các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và quan tâm đối với việc cung cấp hàng hóa nêu trên tham dự. Các nhà thầu quan tâm đến gói thầu tìm hiểu thông tin chi tiết tại [ghi địa chỉ nơi cung cấp thông tin, điện thoại, fax, e-mail của Bên mời thầu]. Nhà thầu có thể đăng ký tham dự trước với Bên mời thầu theo thời gian từ ngày ...... tháng .... năm ... đến ngày ... tháng ... năm ... (trong giờ hành chính) theo địa chỉ [ghi địa điểm đăng ký, điện thoại, fax, e-mail](nhà thầu có thể đăng ký trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc fax). Sau ... ngày kể từ ngày đăng tải đầu tiên thông báo này, [ghi tên Bên mời thầu] sẽ phát hành hồ sơ yêu cầu chào hàng tại [ghi địa chỉ nơi phát hành hồ sơ yêu cầu chào hàng] .


PHỤ LỤC II

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ MỜI THẦU GÓI THẦU DỊCH VỤ TƯ VẤN

PHỤ LỤC NÀY GỒM CÁC NỘI DUNG SAU:

PHẦN A. MỜI THẦU

I. THÔNG BÁO MỜI NỘP HỒ SƠ QUAN TÂM

II. THƯ MỜI THẦU

PHẦN B. NỘI DUNG HỒ SƠ MỜI THẦU

I. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ THẦU

II. BẢNG DỮ LIỆU ĐẤU THẦU

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ

IV. ĐỀ XUẤT KỸ THUẬT

V. ĐỀ XUẤT TÀI CHÍNH

VI. ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

VII. CÁC BIỂU MẪU


PHẦN A. MỜI THẦU

I. THÔNG BÁO MỜI NỘP HỒ SƠ QUAN TÂM

(Áp dụng đối với đấu thầu rộng rãi)

[Ghi tên Bên mời thầu] có kế hoạch tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho gói thầu [ghi tên gói thầu] theo hình thức đấu thầu rộng rãi [trong nước hoặc quốc tế], thuộc dự án [ghi tên dự án], sử dụng nguồn vốn [ghi nguồn vốn hoặc tổ chức tài trợ vốn].

Bên mời thầu mời các nhà thầu quan tâm tới gói thầu nộp hồ sơ quan tâm đối với việc cung cấp dịch vụ tư vấn nêu trên. Các nhà thầu quan tâm đến gói thầu tìm hiểu thông tin chi tiết, nhận hồ sơ mời quan tâm tại [ghi địa chỉ nơi cung cấp thông tin, điện thoại, fax, e-mail của Bên mời thầu]. Hồ sơ quan tâm cần mô tả tóm tắt lịch sử, năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Thời gian nộp hồ sơ quan tâm chậm nhất vào trước..... giờ (giờ Việt Nam), ngày ..... tháng ..... năm ...... tại [ghi địa chỉ nộp hồ sơ quan tâm]. Nhà thầu có hồ sơ quan tâm đáp ứng yêu cầu sẽ được mời tham gia đấu thầu.

II. THƯ MỜI THẦU

(Áp dụng đối với đấu thầu hạn chế hoặc đấu thầu rộng rãi khi đã xác định được danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu)

......, ngày ......... tháng ....... năm ......

Kính gửi: ..............[Ghi tên và địa chỉ của nhà thầu]

[Ghi tên Bên mời thầu] chuẩn bị tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu gói thầu [ghi tên gói thầu] thuộc dự án [ghi tên dự án]. [Ghi tên Bên mời thầu] xin mời [ghi tên nhà thầu] tham gia đấu thầu gói thầu nêu trên.

Nhà thầu sẽ được mua một bộ hồ sơ mời thầu với giá là [ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng], tại [ghi địa chỉ bán hồ sơ mời thầu].

Thời gian bán hồ sơ mời thầu từ ....... giờ, ngày ...... tháng ...... năm .......đến trước ........ giờ, ngày ........ tháng ....... năm ....... [ghi thời điểm đóng thầu] (trong giờ làm việc hành chính).

Hồ sơ dự thầu phải được gửi đến [ghi địa chỉ nhận hồ sơ dự thầu] chậm nhất là trước........ giờ (giờ Việt Nam), ngày ........ tháng ....... năm ....... [ghi thời điểm đóng thầu].

Hồ sơ dự thầu sẽ được mở công khai vào .... giờ (giờ Việt Nam) ngày ..... tháng ........ năm ......... tại [ghi địa điểm mở thầu].

[Ghi tên Bên mời thầu] kính mời đại diện [ghi tên nhà thầu] tới tham dự lễ mở thầu vào thời gian và địa điểm nêu trên.

Đại diện Bên mời thầu

 (Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)


PHẦN B. NỘI DUNG HỒ SƠ MỜI THẦU

I. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ THẦU

1. Giải thích từ ngữ

2. Giới thiệu về dự án, gói thầu

3. Tư cách hợp lệ của nhà thầu

4. Chi phí dự thầu

5. Giải thích làm rõ hồ sơ mời thầu

6. Sửa đổi hồ sơ mời thầu

7. Ngôn ngữ sử dụng

8. Nội dung hồ sơ dự thầu

9. Thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu

10. Nộp, tiếp nhận hồ sơ dự thầu

11. Mở thầu

12. Đánh giá hồ sơ dự thầu

13. Thương thảo

14. Thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng

15. Giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, chỉ dẫn địa chỉ bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn về giải quyết kiến nghị

16. Xử lý vi phạm

II. BẢNG DỮ LIỆU ĐẤU THẦU

Bảng dữ liệu đấu thầu bao gồm các nội dung chi tiết đối với một số mục tương ứng trong phần chỉ dẫn đối với nhà thầu.

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ

Tuỳ theo tính chất của gói thầu, Bên mời thầu nêu rõ tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật, tiêu chuẩn đánh giá về mặt tài chính và tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp. Đối với gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao thì chỉ nêu tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật.

IV. ĐỀ XUẤT KỸ THUẬT

Đề xuất kỹ thuật của nhà thầu bao gồm các nội dung: đơn dự thầu thuộc đề xuất kỹ thuật, cơ cấu tổ chức và kinh nghiệm của nhà thầu, những góp ý (nếu có) để hoàn thiện nội dung Điều khoản tham chiếu, giải pháp và phương pháp luận tổng quát do nhà thầu đề xuất để thực hiện gói thầu, chuyên gia và nhiệm vụ của chuyên gia, lý lịch chuyên gia, chương trình công tác, các yêu cầu cần thiết để thực hiện dịch vụ tư vấn.

V. ĐỀ XUẤT TÀI CHÍNH

Đề xuất tài chính được chuẩn bị trên cơ sở đề xuất kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu và các quy định trong hồ sơ mời thầu, gồm các nội dung như: đơn dự thầu thuộc phần đề xuất tài chính, tổng hợp chi phí, chi phí trả cho chuyên gia và các chi phí khác.

VI. ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

"Điều khoản tham chiếu" bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

Giới thiệu:

Mô tả khái quát về dự án và gói thầu

Mô tả mục đích tuyển chọn nhà thầu tư vấn

Phạm vi công việc:

1. Mô tả chi tiết phạm vi công việc đối với nhà thầu tư vấn, nguồn vốn, tên cơ quan thực hiện dự án, thời gian, tiến độ thực hiện, số tháng-người cần thiết (nếu có).

2. Mô tả các nhiệm vụ cụ thể do nhà thầu tư vấn phải tiến hành trong thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn.

3. Yêu cầu về tiến độ nộp các báo cáo có liên quan đến phạm vi dịch vụ tư vấn.

4. Dự kiến thời gian chuyên gia bắt đầu thực hiện dịch vụ tư vấn (thông thường không quá 30 ngày, kể từ khi hợp đồng có hiệu lực).

Trách nhiệm của Bên mời thầu:

Dự kiến khả năng cung cấp điều kiện làm việc, cán bộ hỗ trợ của Bên mời thầu và những tài liệu có liên quan đến nhiệm vụ của tư vấn.


VII. CÁC BIỂU MẪU

1. Mẫu đơn dự thầu

Mẫu số 1

ĐƠN DỰ THẦU

(Hồ sơ đề xuất kỹ thuật)

......, ngày ....... tháng ...... năm .......

Kính gửi:           (Ghi tên và địa chỉ của Bên mời thầu)

(Sau đây gọi tắt là Bên mời thầu)

Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu và văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu số [ghi số của văn bản bổ sung nếu có] mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi, [ghi tên nhà thầu], cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn [ghi phạm vi dịch vụ tư vấn] theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Hồ sơ dự thầu của chúng tôi gồm có đề xuất kỹ thuật này và một đề xuất tài chính được niêm phong riêng biệt.

Chúng tôi cam kết rằng mọi thông tin trong đề xuất kỹ thuật là chính xác và không thay đổi nhân sự đã đề xuất trong thời gian hồ sơ dự thầu có hiệu lực là ....... ngày [ghi số ngày căn cứ theo quy định của hồ sơ mời thầu về hiệu lực của hồ sơ dự thầu], kể từ ........ giờ, ngày ..... tháng ........ năm ....... [ghi thời điểm đóng thầu].

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Mẫu số 2

ĐƠN DỰ THẦU

(Hồ sơ đề xuất tài chính)

......., ngày ........ tháng ...... năm ........

Kính gửi: [Ghi tên và địa chỉ của Bên mời thầu]

Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu và văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu số [ghi số của văn bản bổ sung nếu có] mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi, [ghi tên nhà thầu], cam kết cung cấp dịch vụ tư vấn [ghi phạm vi dịch vụ tư vấn] theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Cùng với Đề xuất kỹ thuật, chúng tôi xin gửi kèm đơn này một Đề xuất tài chính với tổng số tiền là [ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền dự thầu](1) với thời gian hiệu lực là ...... ngày [căn cứ theo thời gian có hiệu lực của hồ sơ đề xuất kỹ thuật], kể từ ...... giờ, ngày ......, tháng ....... năm ....... [ghi thời điểm đóng thầu].

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Ghi chú: (1) Trường hợp trong HSMT cho phép chào theo một số đồng tiền khác nhau thì nhà thầu cần ghi giá trị bằng số và bằng chữ của từng đồng tiền do nhà thầu chào.


2. Mẫu hợp đồng

Mẫu số 3

HỢP ĐỒNG

(Văn bản Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn)

........, ngày ...... tháng ...... năm .....

Hợp đồng số: ...............

Gói thầu: .............. [ghi tên gói thầu]

Thuộc dự án: ............... [ghi tên dự án]

Căn cứ ký hợp đồng [ghi các căn cứ cụ thể]

Các Bên tham gia ký Hợp đồng:

Chủ đầu tư: [ghi tên và địa chỉ chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư]

Nhà thầu Tư vấn: [ghi tên và địa chỉ nhà thầu trúng thầu]

Nội dung hợp đồng:

1. Đối tượng hợp đồng

2. Thành phần hợp đồng [ghi cụ thể thành phần hợp đồng theo thứ tự ưu tiên như văn bản hợp đồng, biên bản thương thảo hoàn thiện hợp đồng, điều kiện cụ thể và điều kiện chung của hợp đồng và các tài liệu liên quan khác].

3. Trách nhiệm của Chủ đầu tư

4. Trách nhiệm của Nhà thầu Tư vấn

5. Giá hợp đồng và phương thức thanh toán

6. Hình thức hợp đồng

7. Thời gian thực hiện hợp đồng

8. Hiệu lực hợp đồng

Đại diện hợp pháp của Chủ đầu tư

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Đại diện hợp pháp của Nhà thầu Tư vấn

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

3. Các biểu mẫu khác

Nêu các biểu mẫu cần thiết khác, chẳng hạn như biểu mẫu về tiêu chuẩn đánh giá, biểu mẫu liên quan đến năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, biểu mẫu về chi phí và các nội dung khác.

PHỤ LỤC III

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ MỜI THẦU MUA SẮM HÀNG HOÁ

PHỤ LỤC NÀY GỒM CÁC NỘI DUNG SAU:

PHẦN A. MỜI THẦU

I. THÔNG BÁO MỜI THẦU

II. THƯ MỜI THẦU

PHẦN B. NỘI DUNG HỒ SƠ MỜI THẦU

B1. YÊU CẦU VỀ THỦ TỤC ĐẤU THẦU

I. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ THẦU

II. BẢNG DỮ LIỆU ĐẤU THẦU

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ NỘI DUNG XÁC ĐỊNH GIÁ ĐÁNH GIÁ

IV. BIỂU MẪU DỰ THẦU

B2. YÊU CẦU VỀ CUNG CẤP

I. PHẠM VI CUNG CẤP

II. TIẾN ĐỘ CUNG CẤP

III. YÊU CẦU VỀ MẶT KỸ THUẬT

B3. YÊU CẦU VỀ HỢP ĐỒNG

I. ĐIỀU KIỆN CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG

II. ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

III. BIỂU MẪU VỀ HỢP ĐỒNG


PHẦN A. MỜI THẦU

I. THÔNG BÁO MỜI THẦU

(Áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi không thực hiện sơ tuyển)

 [Ghi tên Bên mời thầu] có kế hoạch tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu gói thầu [ghi tên gói thầu với phạm vi cung cấp chính] theo hình thức đấu thầu rộng rãi [trong nước hoặc quốc tế], thuộc dự án [ghi tên dự án] sử dụng nguồn vốn [ghi nguồn vốn hoặc tổ chức tài trợ vốn].

Bên mời thầu mời tất cả các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và có điều kiện tới tham gia đấu thầu gói thầu nêu trên.

Nhà thầu có nguyện vọng tham gia đấu thầu có thể tìm hiểu thông tin chi tiết tại [ghi địa chỉ nơi cung cấp thông tin, điện thoại, fax, e-mail của Bên mời thầu] và sẽ được mua một bộ hồ sơ mời thầu hoàn chỉnh với giá là [ghi số tiền bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng] tại [ghi địa chỉ bán hồ sơ mời thầu, điện thoại, fax, e-mail].

Thời gian bán hồ sơ mời thầu từ ......... giờ, ngày ..... tháng .... năm .......... đến trước ....... giờ, ngày ....... tháng ....... năm ........ [ghi thời điểm đóng thầu], (trong giờ làm việc hành chính).

Hồ sơ dự thầu phải kèm theo bảo đảm dự thầu trị giá [ghi số tiền bằng số và bằng chữ, đồng tiền sử dụng, hình thức bảo đảm] và phải được gửi đến [ghi địa chỉ nhận hồ sơ dự thầu] chậm nhất là trước.... giờ (giờ Việt Nam), ngày .... tháng ...... năm ........ [ghi thời điểm đóng thầu].

Hồ sơ dự thầu sẽ được mở công khai vào .... giờ (giờ Việt Nam), ngày .... tháng ........ năm ........, tại [ghi địa điểm mở thầu].

[Ghi tên Bên mời thầu] kính mời đại diện của các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu tới tham dự lễ mở thầu vào thời gian và địa điểm nêu trên.

II. THƯ MỜI THẦU

(Áp dụng trong trường hợp gói thầu đã thực hiện sơ tuyển hoặc đấu thầu hạn chế)

 ........., ngày....... tháng ..... năm .......

Kính gửi: [Ghi tên và địa chỉ của nhà thầu]

[Ghi tên Bên mời thầu] chuẩn bị tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu gói thầu [ghi tên gói thầu] để thực hiện dự án (hoặc công trình) tại ............ [Ghi tên Bên mời thầu] xin mời [ghi tên nhà thầu] tới tham gia đấu thầu gói thầu nêu trên.

Nhà thầu sẽ được mua một bộ hồ sơ mời thầu với giá là ...... [ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng], tại [ghi địa chỉ bán hồ sơ mời thầu].

Thời gian bán hồ sơ mời thầu từ ....... giờ, ngày ........ tháng ...... năm ....... đến trước ........ giờ, ngày ....... tháng ....... năm ........ [ghi thời điểm đóng thầu] (trong giờ làm việc hành chính).

Hồ sơ dự thầu phải kèm theo bảo đảm dự thầu trị giá [ghi giá trị bằng số và bằng chữ, đồng tiền sử dụng, hình thức bảo đảm] và phải được gửi đến [ghi địa chỉ nhận hồ sơ dự thầu] chậm nhất là trước....... giờ (giờ Việt Nam), ngày ....... tháng ....... năm ........ [ghi thời điểm đóng thầu].

Hồ sơ dự thầu sẽ được mở công khai vào ...... giờ (giờ Việt Nam), ngày..... tháng ....... năm ........, tại [ghi địa điểm mở thầu].

[Ghi tên Bên mời thầu] kính mời đại diện [ghi tên nhà thầu] tới tham dự lễ mở thầu vào thời gian và địa điểm nêu trên.

Đại diện Bên mời thầu

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

PHẦN B. NỘI DUNG HỒ SƠ MỜI THẦU

B1. YÊU CẦU VỀ THỦ TỤC ĐẤU THẦU

I. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ THẦU

1. Nội dung đấu thầu

2. Nguồn vốn

3. Tư cách hợp lệ của nhà thầu

4. Tính hợp lệ của hàng hóa

5. Chi phí dự thầu

6. Hồ sơ mời thầu và giải thích làm rõ hồ sơ mời thầu

7. Sửa đổi hồ sơ mời thầu

8. Ngôn ngữ sử dụng

9. Nội dung hồ sơ dự thầu

10. Đơn dự thầu

11. Giá dự thầu và biểu giá

12. Đồng tiền dự thầu

13. Tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu

14. Tài liệu chứng minh tính hợp lệ và tính phù hợp (đáp ứng) của hàng hóa

15. Bảo đảm dự thầu

16. Thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu

17. Quy cách của hồ sơ dự thầu và chữ ký trong hồ sơ dự thầu

18. Niêm phong và cách ghi trên túi đựng hồ sơ dự thầu

19. Thời hạn nộp hồ sơ dự thầu

20. Hồ sơ dự thầu nộp muộn

21. Sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu

22. Mở thầu

23. Làm rõ hồ sơ dự thầu

24. Đánh giá sơ bộ hồ sơ dự thầu

25. Đánh giá về mặt kỹ thuật

26. Xác định giá đánh giá

27. Sửa lỗi

28. Hiệu chỉnh các sai lệch

29. Chuyển đổi sang một đồng tiền chung

30. Mặt bằng để so sánh hồ sơ dự thầu

31. Tiếp xúc với Bên mời thầu

32. Điều kiện được đề nghị trúng thầu

33. Quyền của Bên mời thầu được chấp nhận, loại bỏ bất kỳ hoặc tất cả các hồ sơ dự thầu

34. Công bố kết quả đấu thầu

35. Thương thảo, hoàn thiện và ký hợp đồng

36. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

37. Giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, chỉ dẫn địa chỉ bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn về giải quyết kiến nghị

38. Xử lý vi phạm trong đấu thầu

II. BẢNG DỮ LIỆU ĐẤU THẦU

Bảng dữ liệu đấu thầu bao gồm các nội dung chi tiết của gói thầu theo một số mục tương ứng trong Phần Chỉ dẫn đối với nhà thầu.

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ NỘI DUNG XÁC ĐỊNH GIÁ ĐÁNH GIÁ

Trong mục này cần nêu rõ tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu (trường hợp không áp dụng sơ tuyển), tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật, nội dung xác định giá đánh giá.

Các nội dung yêu cầu về kinh nghiệm và năng lực được đánh giá theo tiêu chí "đạt", "không đạt". Tùy theo tính chất, yêu cầu của gói thầu mà áp dụng phương pháp chấm điểm hoặc phương pháp đánh giá theo tiêu chí "đạt", "không đạt" cho tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật.

Nội dung xác định giá đánh giá gồm: xác định giá dự thầu, sửa lỗi, hiệu chỉnh các sai lệch, chuyển đổi giá đề nghị trúng thầu sang một đồng tiền chung (nếu có) và đưa các chi phí về một mặt bằng.

IV. BIỂU MẪU DỰ THẦU

Nêu cụ thể biểu mẫu theo yêu cầu như đơn dự thầu (Mẫu số 1), biểu giá chào, biểu mẫu báo cáo về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, bảo lãnh dự thầu (nếu yêu cầu Ngân hàng bảo lãnh), giấy phép bán hàng của nhà sản xuất và các biểu mẫu cần thiết khác theo yêu cầu của gói thầu.


Mẫu số 1

ĐƠN DỰ THẦU

........, ngày ......... tháng ......... năm .........

Kính gửi: ........................... (ghi tên Bên mời thầu)

 (Sau đây gọi là Bên mời thầu)

Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu và văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu số [ghi số của văn bản bổ sung nếu có] mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi, [ghi tên nhà thầu], cam kết cung cấp [ghi tên hàng hóa] theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu với tổng số tiền là [ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền dự thầu] (1) cùng với biểu giá chi tiết kèm theo.

Nếu hồ sơ dự thầu của chúng tôi được chấp nhận, chúng tôi sẽ thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng tương đương với ......... % giá hợp đồng theo quy định trong hồ sơ mời thầu và cam kết cung cấp hàng hóa theo đúng yêu cầu nêu trong hợp đồng.

Hồ sơ dự thầu này có hiệu lực trong thời gian ......... ngày, kể từ ......... giờ, ngày ......... tháng ......... năm ......... [ghi thời điểm đóng thầu].

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Trường hợp trong hồ sơ mời thầu cho phép chào theo một số đồng tiền khác nhau thì nhà thầu cần ghi giá trị bằng số và bằng chữ của từng đồng tiền do nhà thầu chào.

2. YÊU CẦU VỀ CUNG CẤP

I. PHẠM VI CUNG CẤP

Trong Phần này, Bên mời thầu liệt kê chi tiết danh mục các hàng hóa yêu cầu cung cấp. Trong đó cần nêu rõ danh mục hàng hóa với số lượng, chủng loại yêu cầu và các mô tả, diễn giải chi tiết (nếu thấy cần thiết).

II. TIẾN ĐỘ CUNG CẤP

Tiến độ yêu cầu cung cấp cần được Bên mời thầu lập thành biểu, trong đó nêu rõ tên hàng hóa với số lượng yêu cầu, địa điểm và tiến độ cung cấp cụ thể. Hàng hóa có thể được yêu cầu cung cấp thành một hoặc nhiều đợt khác nhau tùy theo yêu cầu của gói thầu.

III. YÊU CẦU VỀ MẶT KỸ THUẬT

Yêu cầu về mặt kỹ thuật bao gồm yêu cầu kỹ thuật (mang tính kỹ thuật thuần tuý) và các yêu cầu khác liên quan đến việc cung cấp hàng hóa (trừ giá). Yêu cầu về mặt kỹ thuật phải được nêu đầy đủ, rõ ràng và cụ thể để làm cơ sở cho nhà thầu lập hồ sơ dự thầu.

Thông thường, yêu cầu về mặt kỹ thuật bao gồm các mục chính như sau:

1. Giới thiệu chung về dự án và gói thầu

Mục này giới thiệu chung, khái quát về dự án và về gói thầu như địa điểm thực hiện dự án, quy mô của dự án, yêu cầu về cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu, thời gian thực hiện gói thầu và những thông tin khác tùy theo tính chất và yêu cầu của gói thầu.

2. Yêu cầu kỹ thuật

Yêu cầu kỹ thuật bao gồm yêu cầu kỹ thuật chung và yêu cầu kỹ thuật chi tiết đối với hàng hóa thuộc phạm vi cung cấp của gói thầu.

3. Các yêu cầu khác

Các yêu cầu khác về mặt kỹ thuật bao gồm yêu cầu về phạm vi cung cấp, yêu cầu về tiến độ thực hiện, yêu cầu về giấy phép bán hàng của nhà sản xuất đối với một số loại hàng hóa (kèm theo danh mục) khi nhà thầu cung cấp không phải là nhà sản xuất, yêu cầu về phương thức thanh toán, yêu cầu về cung cấp tài chính (nếu có) và điều kiện tín dụng kèm theo, yêu cầu về dịch vụ kỹ thuật kèm theo như tổ chức lắp đặt máy móc thiết bị, vận hành chạy thử, đào tạo chuyển giao công nghệ,... cũng như yêu cầu về phụ tùng thay thế và dịch vụ sau bán hàng (nếu có). Các yêu cầu này phải được nêu chi tiết để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu.


B3. YÊU CẦU VỀ HỢP ĐỒNG

I. ĐIỀU KIỆN CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG

Nêu yêu cầu về điều kiện của hợp đồng như tiêu chuẩn hàng hoá, yêu cầu kiểm tra thử nghiệm, đóng gói, yêu cầu giao hàng và các tài liệu kèm theo, bảo đảm thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng, thanh toán, trách nhiệm của các bên và các nội dung cần thiết khác để thực hiện hợp đồng.

II. ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

Cụ thể một số nội dung của Điều kiện chung đối với gói thầu cần thực hiện.

III. BIỂU MẪU VỀ HỢP ĐỒNG

Nêu mẫu hợp đồng (Mẫu số 2) và các Mẫu về bảo lãnh thực hiện hợp đồng (nếu yêu cầu Ngân hàng bảo lãnh), bảo lãnh tiền tạm ứng.


Mẫu số 2

HỢP ĐỒNG

(Văn bản Hợp đồng cung cấp hàng hóa)

........., ngày ......... tháng ......... năm .........

Hợp đồng số: ..................                   

Gói thầu: .................. [ghi tên gói thầu]

Thuộc dự án: .................. [ghi tên dự án]

Căn cứ ký hợp đồng [ghi các căn cứ cụ thể]

Các Bên tham gia ký Hợp đồng:

Bên mua: [ghi tên và địa chỉ chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư]

Bên bán: [ghi tên và địa chỉ nhà thầu trúng thầu]

Nội dung hợp đồng

1. Đối tượng hợp đồng

2. Thành phần hợp đồng

[Ghi cụ thể thành phần hợp đồng theo thứ tự ưu tiên như văn bản hợp đồng, biên bản thương thảo hoàn thiện hợp đồng, điều kiện cụ thể và điều kiện chung của hợp đồng và các tài liệu liên quan khác].

3. Trách nhiệm của Bên bán

4. Trách nhiệm của Bên mua

5. Giá hợp đồng và phương thức thanh toán

6. Hình thức hợp đồng

7. Thời gian thực hiện hợp đồng

8. Hiệu lực hợp đồng

Đại diện hợp pháp của Bên mua

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Đại diện hợp pháp của Bên bán

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)


PHỤ LỤC IV

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ MỜI THẦU XÂY LẮP

PHỤ LỤC NÀY GỒM CÁC NỘI DUNG SAU:

PHẦN A. MỜI THẦU

I. THÔNG BÁO MỜI THẦU

II. THƯ MỜI THẦU

PHẦN B. NỘI DUNG HỒ SƠ MỜI THẦU

B1. YÊU CẦU VỀ THỦ TỤC ĐẤU THẦU

I. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ THẦU

II. BẢNG DỮ LIỆU ĐẤU THẦU

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ NỘI DUNG XÁC ĐỊNH GIÁ ĐÁNH GIÁ

IV. BIỂU MẪU DỰ THẦU

B2. YÊU CẦU VỀ XÂY LẮP

I. PHẠM VI CÔNG VIỆC VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

II. YÊU CẦU VỀ KỸ THUẬT

III.THIẾT KẾ KỸ THUẬT

B3. YÊU CẦU VỀ HỢP ĐỒNG

I. ĐIỀU KIỆN CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG

II. ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

III. BIỂU MẪU VỀ HỢP ĐỒNG


PHẦN A. MỜI THẦU

I. THÔNG BÁO MỜI THẦU

(Áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi không thực hiện sơ tuyển)

[Ghi tên Bên mời thầu] có kế hoạch tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu gói thầu [ghi tên gói thầu] theo hình thức đấu thầu rộng rãi [trong nước hoặc quốc tế], thuộc dự án [ghi tên dự án] sử dụng nguồn vốn [ghi nguồn vốn hoặc tổ chức tài trợ vốn].

Bên mời thầu mời tất cả các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và có điều kiện tới tham gia đấu thầu gói thầu nêu trên.

Nhà thầu có nguyện vọng tham gia đấu thầu có thể tìm hiểu thông tin chi tiết tại [ghi địa chỉ nơi cung cấp thông tin, điện thoại, fax, e.mail của Bên mời thầu] và sẽ được mua một bộ hồ sơ mời thầu hoàn chỉnh với giá là [ghi số tiền bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng] tại [ghi địa chỉ bán hồ sơ mời thầu, điện thoại, fax, e.mail].

Thời gian bán hồ sơ mời thầu từ ...... giờ, ngày ...... tháng ....... năm ......... đến trước ......... giờ, ngày ......... tháng ......... năm ......... [ghi thời điểm đóng thầu] (trong giờ làm việc hành chính).

Hồ sơ dự thầu phải kèm theo bảo đảm dự thầu trị giá [ghi số tiền bằng số và bằng chữ, đồng tiền sử dụng, hình thức bảo đảm] và phải được gửi đến [ghi địa chỉ nhận hồ sơ dự thầu] chậm nhất là trước.... giờ (giờ Việt Nam), ngày ..... tháng ....... năm ......... [ghi thời điểm đóng thầu].

Hồ sơ dự thầu sẽ được mở công khai vào .... giờ (giờ Việt Nam), ngày ..... tháng ......... năm ......... tại [ghi địa điểm mở thầu].

[Ghi tên Bên mời thầu] kính mời các đại diện của các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu tới tham dự lễ mở thầu vào thời gian và địa điểm nêu trên.

II. THƯ MỜI THẦU

(Áp dụng trong trường hợp gói thầu đã thực hiện sơ tuyển hoặc đấu thầu hạn chế)

 ........., ngày ....... tháng ...... năm .........

Kính gửi: [Ghi tên và địa chỉ của nhà thầu]

[Ghi tên Bên mời thầu] chuẩn bị đấu thầu theo Luật Đấu thầu gói thầu [ghi tên gói thầu] để thực hiện dự án (hoặc công trình).................. tại .......... [ghi tên Bên mời thầu] xin mời [ghi tên nhà thầu] tới tham gia đấu thầu gói thầu nêu trên.

Nhà thầu sẽ được mua một bộ hồ sơ mời thầu với giá là ......... [ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng] tại [ghi địa chỉ bán hồ sơ mời thầu].

Thời gian bán hồ sơ mời thầu từ ......... giờ, ngày ......... tháng ......... năm ......... đến trước ......... giờ, ngày ......... tháng ......... năm .........[ghi thời điểm đóng thầu] (trong giờ làm việc hành chính).

Hồ sơ dự thầu phải kèm theo bảo đảm dự thầu trị giá [ghi giá trị bằng số và bằng chữ, đồng tiền sử dụng, hình thức bảo đảm] và phải được gửi đến [ghi địa chỉ nhận hồ sơ dự thầu] chậm nhất là trước......... giờ (giờ Việt Nam), ngày ......... tháng ......... năm [ghi thời điểm đóng thầu].

Hồ sơ dự thầu sẽ được mở công khai vào ......... giờ (giờ Việt Nam), ngày ......... tháng ......... năm ........., tại [ghi địa điểm mở thầu].

 [Ghi tên Bên mời thầu] kính mời đại diện [ghi tên nhà thầu] tới tham dự lễ mở thầu vào thời gian và địa điểm nêu trên.

Đại diện Bên mời thầu

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)


PHẦN B. NỘI DUNG HỒ SƠ MỜI THẦU

B1. YÊU CẦU VỀ THỦ TỤC ĐẤU THẦU

I. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ THẦU

1. Nội dung đấu thầu

2. Nguồn vốn

3. Tư cách hợp lệ của nhà thầu

4. Hồ sơ mời thầu và giải thích làm rõ hồ sơ mời thầu

5. Sửa đổi hồ sơ mời thầu

6. Chi phí dự thầu

7. Ngôn ngữ sử dụng

8. Nội dung hồ sơ dự thầu

9. Đơn dự thầu

10. Giá dự thầu và biểu giá

11. Đồng tiền dự thầu

12. Tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu

13. Thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu

14. Bảo đảm dự thầu

15. Thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu

16. Quy cách của hồ sơ dự thầu và chữ ký trong hồ sơ dự thầu

17. Niêm phong và cách ghi trên túi đựng hồ sơ dự thầu

18. Thời hạn nộp hồ sơ dự thầu

19. Hồ sơ dự thầu nộp muộn

20. Sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu

21. Mở thầu

22. Làm rõ hồ sơ dự thầu

23. Đánh giá sơ bộ hồ sơ dự thầu

24. Đánh giá về mặt kỹ thuật

25. Xác định giá đánh giá

26. Sửa lỗi

27. Hiệu chỉnh các sai lệch

28. Chuyển đổi sang một đồng tiền chung

29. Mặt bằng để so sánh hồ sơ dự thầu

30. Tiếp xúc với Bên mời thầu

31. Điều kiện được đề nghị trúng thầu

32. Quyền của Bên mời thầu được chấp nhận, loại bỏ bất kỳ hoặc tất cả các hồ sơ dự thầu

33. Công bố kết quả đấu thầu

34. Thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng

35. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

36. Giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, chỉ dẫn địa chỉ bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn về giải quyết kiến nghị

37. Xử lý vi phạm trong đấu thầu

II. BẢNG DỮ LIỆU ĐẤU THẦU

Bảng dữ liệu đấu thầu bao gồm các nội dung chi tiết của gói thầu theo một số mục tương ứng trong Phần Chỉ dẫn đối với nhà thầu.

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ NỘI DUNG XÁC ĐỊNH GIÁ ĐÁNH GIÁ

Trong mục này cần nêu rõ tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu (trường hợp không áp dụng sơ tuyển), tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật, nội dung xác định giá đánh giá.

Các nội dung yêu cầu về kinh nghiệm và năng lực được đánh giá theo tiêu chí "đạt", "không đạt". Tùy theo tính chất, yêu cầu của gói thầu mà áp dụng phương pháp chấm điểm hoặc phương pháp đánh giá theo tiêu chí "đạt", "không đạt" cho tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật.

Nội dung xác định giá đánh giá gồm: xác định giá dự thầu, sửa lỗi, hiệu chỉnh các sai lệch, chuyển đổi giá đề nghị trúng thầu sang một đồng tiền chung (nếu có) và đưa các chi phí về một mặt bằng.

IV. BIỂU MẪU DỰ THẦU

Nêu cụ thể biểu mẫu theo yêu cầu như đơn dự thầu (Mẫu số 1), biểu giá chào, biểu mẫu báo cáo về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, bảo lãnh dự thầu (nếu yêu cầu Ngân hàng bảo lãnh) và các biểu mẫu cần thiết khác tuỳ theo yêu cầu của gói thầu.


Mẫu số 1

ĐƠN DỰ THẦU

........., ngày......... tháng......... năm .........

Kính gửi: ...........................[ghi tên Bên mời thầu]

(Sau đây gọi là Bên mời thầu)

Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu và văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu số [ghi số của văn bản bổ sung nếu có] mà chúng tôi đã nhận được, chúng tôi, [ghi tên nhà thầu], cam kết thực hiện gói thầu [ghi tên gói thầu] theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu với tổng số tiền là [ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền dự thầu] (1) cùng với biểu giá chi tiết kèm theo.

Nếu hồ sơ dự thầu của chúng tôi được chấp nhận, chúng tôi sẽ thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng tương đương với ......... % giá hợp đồng theo quy định trong hồ sơ mời thầu và cam kết thực hiện theo đúng hợp đồng.

Hồ sơ dự thầu này có hiệu lực trong thời gian ......... ngày, kể từ ......... giờ, ngày ......... tháng ......... năm ......... [ghi thời điểm đóng thầu].

Đại diện hợp pháp của nhà thầu

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Trường hợp trong hồ sơ mời thầu cho phép chào theo một số đồng tiền khác nhau thì nhà thầu cần ghi giá trị bằng số và bằng chữ của từng đồng tiền do nhà thầu chào.


B2. YÊU CẦU VỀ XÂY LẮP

I. PHẠM VI CÔNG VIỆC VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Nêu cụ thể phạm vi công việc và tiến độ yêu cầu.

II. YÊU CẦU KỸ THUẬT

Nêu yêu cầu cụ thể về mặt kỹ thuật.

III. THIẾT KẾ KỸ THUẬT

Thiết kế kỹ thuật phải kèm theo bảng tiên lượng và chỉ dẫn kỹ thuật.

B3. YÊU CẦU VỀ HỢP ĐỒNG

I. ĐIỀU KIỆN CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG

Nêu các điều kiện của hợp đồng trên cơ sở tham khảo hướng dẫn của FIDIC và các tài liệu mẫu của các nhà tài trợ.

II. ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

Cụ thể một số nội dung của Điều kiện chung đối với gói thầu cần thực hiện.

III. BIỂU MẪU VỀ HỢP ĐỒNG

Nêu mẫu hợp đồng (Mẫu số 2) và các Mẫu về bảo lãnh thực hiện hợp đồng (nếu yêu cầu Ngân hàng bảo lãnh), bảo lãnh tiền tạm ứng.


Mẫu số 2

HỢP ĐỒNG

(Văn bản Hợp đồng xây lắp)

........., ngày ......... tháng......... năm .........

Hợp đồng số: .........

Gói thầu: ......... [ghi tên gói thầu]

Thuộc dự án: ......... [ghi tên dự án]

Căn cứ ký hợp đồng [ghi các căn cứ cụ thể]

Các Bên tham gia ký Hợp đồng:

Chủ đầu tư: [ghi tên và địa chỉ chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư]

Nhà thầu xây lắp: [ghi tên và địa chỉ nhà thầu trúng thầu]

Nội dung hợp đồng:

1. Đối tượng hợp đồng

2. Thành phần hợp đồng

[Ghi cụ thể thành phần hợp đồng theo thứ tự ưu tiên như văn bản hợp đồng, biên bản thương thảo hoàn thiện hợp đồng, điều kiện cụ thể và điều kiện chung của hợp đồng và các tài liệu liên quan khác].

3. Trách nhiệm của Chủ đầu tư

4. Trách nhiệm của Nhà thầu xây lắp

5. Giá hợp đồng và phương thức thanh toán

6. Hình thức hợp đồng

7. Thời gian thực hiện hợp đồng

8. Hiệu lực hợp đồng

Đại diện hợp pháp của Chủ đầu tư

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Đại diện hợp pháp của Nhà thầu xây lắp

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)


PHỤ LỤC V

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ MỜI THẦU GÓI THẦU EPC

PHỤ LỤC NÀY GỒM CÁC NỘI DUNG SAU:

PHẦN A. MỜI THẦU

I. THÔNG BÁO MỜI THẦU

II. THƯ MỜI THẦU

PHẦN B. NỘI DUNG HỒ SƠ MỜI THẦU

B1. YÊU CẦU VỀ THỦ TỤC ĐẤU THẦU

I. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ THẦU

II. BẢNG DỮ LIỆU ĐẤU THẦU

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ NỘI DUNG XÁC ĐỊNH GIÁ ĐÁNH GIÁ

IV. BIỂU MẪU DỰ THẦU

B2. YÊU CẦU VỀ GÓI THẦU EPC

I. YÊU CẦU VỀ THIẾT KẾ

II. YÊU CẦU VỀ CUNG CẤP THIẾT BỊ, VẬT TƯ

III. YÊU CẦU VỀ XÂY LẮP

B3. YÊU CẦU VỀ HỢP ĐỒNG

I. ĐIỀU KIỆN CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG

II. ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

III. BIỂU MẪU VỀ HỢP ĐỒNG


PHẦN A. MỜI THẦU

I. THÔNG BÁO MỜI THẦU

(Áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi không thực hiện sơ tuyển)

 [Ghi tên Bên mời thầu] có kế hoạch tổ chức đấu thầu theo Luật Đấu thầu gói thầu EPC [ghi tên gói thầu] theo hình thức đấu thầu rộng rãi [trong nước hoặc quốc tế], thuộc dự án [ghi tên dự án] sử dụng nguồn vốn [ghi nguồn vốn hoặc tổ chức tài trợ vốn].

Bên mời thầu mời các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và có điều kiện tới tham gia đấu thầu gói thầu nêu trên.

Nhà thầu có nguyện vọng tham gia đấu thầu có thể tìm hiểu thông tin chi tiết tại [ghi địa chỉ nơi cung cấp thông tin, điện thoại, fax, e-mail của Bên mời thầu] và sẽ được mua một bộ hồ sơ mời thầu hoàn chỉnh với giá là [ghi số tiền bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng] tại [ghi địa chỉ bán hồ sơ mời thầu, điện thoại, fax, e-mail].

Thời gian bán hồ sơ mời thầu từ ....... giờ, ngày ...... tháng ...... năm ......... đến trước ......... giờ, ngày ......... tháng ......... năm ......... [ghi thời điểm đóng thầu] (trong giờ làm việc hành chính).

Hồ sơ dự thầu phải kèm theo bảo đảm dự thầu trị giá [ghi số tiền bằng số và bằng chữ, đồng tiền sử dụng, hình thức bảo đảm] và phải được gửi đến [ghi địa chỉ nhận hồ sơ dự thầu] chậm nhất là trước.... giờ (giờ Việt Nam), ngày .... tháng ...... năm ......... [ghi thời điểm đóng thầu].

Hồ sơ dự thầu sẽ được mở công khai vào .... giờ (giờ Việt Nam), ngày .... tháng ......... năm ......... tại [ghi địa điểm mở thầu].

 [Ghi tên Bên mời thầu] kính mời đại diện của các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu tới tham dự lễ mở thầu vào thời gian và địa điểm nêu trên.

II. THƯ MỜI THẦU

(Áp dụng trong trường hợp gói thầu đã thực hiện sơ tuyển hoặc đấu thầu hạn chế)

........., ngày ..... tháng ..... năm .........

Kính gửi: [Ghi tên và địa chỉ của nhà thầu]

 [Ghi tên Bên mời thầu] chuẩn bị đấu thầu theo Luật Đấu thầu gói thầu EPC [ghi tên gói thầu] để thực hiện dự án (hoặc công trình) ..................tại [ghi tên địa điểm thực hiện dự án]. [Ghi tên Bên mời thầu] xin mời [ghi tên nhà thầu] tới tham gia đấu thầu.

Nhà thầu sẽ được mua một bộ hồ sơ mời thầu với giá là ......... [ghi giá trị bằng số, bằng chữ và đồng tiền sử dụng] tại [ghi địa chỉ bán hồ sơ mời thầu].

Thời gian bán hồ sơ mời thầu từ ......... giờ, ngày ......... tháng ......... năm ......... đến trước ......... giờ, ngày ......... tháng ......... năm ......... [ghi thời điểm đóng thầu] (trong giờ làm việc hành chính).

Hồ sơ dự thầu phải kèm theo bảo đảm dự thầu trị giá [ghi giá trị bằng số và bằng chữ, đồng tiền sử dụng, hình thức bảo đảm] và phải được gửi đến [ghi địa chỉ nhận hồ sơ dự thầu] chậm nhất là trước......... giờ (giờ Việt Nam), ngày ......... tháng ......... năm ......... [ghi thời điểm đóng thầu].

Hồ sơ dự thầu sẽ được mở công khai vào ......... giờ (giờ Việt Nam), ngày......... tháng ......... năm ......... tại [ghi địa điểm mở thầu].

 [Ghi tên Bên mời thầu] kính mời đại diện [ghi tên nhà thầu] tới tham dự lễ mở thầu vào thời gian và địa điểm nêu trên.

Đại diện Bên mời thầu

(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)


PHẦN B. NỘI DUNG HỒ SƠ MỜI THẦU

B1. YÊU CẦU VỀ THỦ TỤC ĐẤU THẦU

I. CHỈ DẪN ĐỐI VỚI NHÀ THẦU

Tương tự như chỉ dẫn trong Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục IV.

II. BẢNG DỮ LIỆU ĐẤU THẦU

Bảng dữ liệu đấu thầu bao gồm các nội dung chi tiết đối với một số Mục tương ứng trong Phần Chỉ dẫn đối với nhà thầu.

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ NỘI DUNG XÁC ĐỊNH GIÁ ĐÁNH GIÁ

Cần nêu rõ tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu trong từng nội dung E, P và C (trường hợp không áp dụng sơ tuyển); tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật trong từng nội dung và tổng hợp các nội dung; nội dung xác định giá đánh giá chung. Tuỳ theo tính chất, yêu cầu của gói thầu mà áp dụng phương pháp chấm điểm hoặc phương pháp đánh giá theo tiêu chí “đạt”, “không đạt” cho tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật. Nội dung xác định giá đánh giá gồm: xác định giá dự thầu, sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, chuyển đổi giá đề nghị trúng thầu sang một đồng tiền chung (nếu có) và đưa chi phí về một mặt bằng.

IV. BIỂU MẪU DỰ THẦU

Nêu các Biểu mẫu yêu cầu như đơn dự thầu, các biểu mẫu nêu trong các phần E, P và C tương ứng ở các Phụ lục II, III và IV.

B2. YÊU CẦU VỀ GÓI THẦU EPC

I. YÊU CẦU VỀ TƯ VẤN THIẾT KẾ

II. YÊU CẦU VỀ CUNG CẤP HÀNG HOÁ

III. YÊU CẦU VỀ XÂY LẮP

B3. YÊU CẦU VỀ HỢP ĐỒNG

I. ĐIỀU KIỆN CHUNG CỦA HỢP ĐỒNG

II. ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG

III. BIỂU MẪU HỢP ĐỒNG

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 111/2006/ND-CP

Hanoi, September 29, 2006

 

DECREE

GUIDING THE IMPLEMENTATION OF THE BIDDING LAW AND THE SELECTION OF CONSTRUCTION CONTRACTORS UNDER THE CONSTRUCTION LAW

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to November 29, 2005 Bidding Law No. 61/2005/QH11 and November 26, 2003 Construction Law No. 16/2003/QH11 of the National Assembly;
At the proposal of the Minister of Planning and Investment and the Minister of Construction,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Governing scope

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The selection of contractors for bidding packages of ODA projects shall comply with the provisions of Clause 3, Article 3 of the Bidding Law. The procedures for submission, appraisal and approval of contents of bidding plans and results of selection of contractors for those projects shall comply with the provisions of this Decree.

Article 2.- Interpretation of terms

In this Decree, the following terms are construed as follows:

1. Use of state capital according to the provisions of Clause 1, Article 1 of the Bidding Law covers also expenditures in forms of purchase, hire or hire-purchase. If a project is executed in the form of joint venture or business cooperation contract or joint-stock company, the state capital portion of 30% or more shall be determined in proportion to the state capital portion in the legal capital, contributed capital or joint stock capital of that project.

2. Dossier of requirements means the entire documentation used for the appointment of contractors, competitive offers, direct procurement or contractor selection in special cases, including requirements for a bidding package, which serve as legal grounds for contractors to prepare dossiers of proposals and for the bid solicitor to evaluate such proposals in order to select a contractor that satisfies the requirements in the dossier of requirements; and serve as a basis for negotiation, finalization and conclusion of contracts. Investors shall decide on the contents of dossiers of requirements.

3. Dossier of proposals means the entire documentation prepared by a contractor based on the dossier of requirements and submitted to the bid solicitor according to the terms in the dossier of requirements;

4. Contractor-selection results means bidding results for open or restricted bidding or selection results for other selection forms;

5. Violation of bidding law means an act of failing to implement or to fully implement the provisions of bidding law;

6. Bidding participation means the contractors' participation in open or restricted bidding;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 3.- Assurance of competition in bidding

The Prime Minister shall specify an appropriate roadmap to assure competition in bidding according to the provisions of Article 11 of the Bidding Law.

Article 4.- Preferences in international bidding

1. Preferences in international bidding provided for in Article 14 of the Bidding Law apply as follows:

a/ For consultancy service bidding packages: Contractors eligible for preferences may have the total points of their bids added with 7.5% of that total; for consultancy service bidding packages with high technical requirements, the contractors’ technical points are added with 7.5% of those points;

b/ For construction and installation bidding packages: Evaluation prices of bids submitted by contractors not eligible for preferences must be added with a sum of money equal to 7.5% of bidding prices after errors or flaws of those contractors are corrected or adjusted respectively;

c/ For procurement bidding packages: Evaluation prices of bids submitted by contractors not eligible for preferences must be added with a sum of money corresponding to the value of import tax, export tax, import-related charges and fees payable under legal provisions, which, however, may not exceed 15% of goods prices, except for goods subject to import tax or import-related charges and fees;

d/ For bidding packages for selection of general engineering contractors, the determination of preferences is based on the provisions of Point a of this Clause. For other bidding packages for selection of general construction contractors, the determination of preferences complies with the provisions of Point b of this Clause.

2. When bids of foreign contractors are ranked equally, the ranking priority is given to the bids proposing higher domestic expenses. When bids of domestic contractors and foreign contractors are ranked equally after the application of preferences according to the provisions of Clause 1 of this Article, the ranking priority is given to the bids of domestic contractors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Subjects

a/ Except for contractors, individuals directly involved in bidding activities must possess professional bidding training or re-training certificates;

b/ Other individuals who wish to possess such certificates.

2. Management of training and re-training on bidding

The Ministry of Planning and Investment shall organize professional training and re-training on bidding according to the provisions of Clause 5, Article 68 of the Bidding Law, specifically:

a/ Summing up training and re-training activities of training establishments, based on the annual bidding reports of ministries, branches and localities;

b/ Establishing a data system of bidding-training establishments on the basis of information supplied by those establishments.

3. Conditions for establishments to organize training and re-training activities

a/ Having business registration certificates or founding decisions, for establishments having no business registration certificates in accordance with law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Conditions for the grant of bidding certificates

a/ Certificates are granted to trainees who attend all bidding courses and pass examinations or tests;

b/ A certificate-awarding bidding course must be organized for at least 3 days.

5. Responsibilities and obligations of bidding-training establishments

a/ To be responsible for training quality; to supply information on their own establishments to the data system according to the provisions of Point b, Clause 2 of this Article;

b/ To carry out training and re-training activities and grant training certificates to trainees according to regulations;

c/ To annually report on their training activities to the Ministry of Planning and Investment, concerned ministries, branches or localities for monitoring and sum-up.

Article 6.- Bidding expenses

1. The sale price of a bidding dossier set (tax inclusive) shall be decided by the investor based on the size and nature of the bidding package but may not exceed VND 1,000,000 for domestic bidding; for international bidding, that price shall comply with international bidding practice.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The expense for the Advisory Council to handle a contractor's petition on bidding results is 0.01% of the bidding price offered by that contractor but must be VND 2,000,000 at least or VND 30,000,000 at most.

The management and use of expenses mentioned in Clauses 1 and 2 of this Article shall comply with the current provisions of law.

Article 7.- Bidding newspaper and website

1. The publication of bidding information prescribed in Article 5 of the Bidding Law is free of charge for agencies and organizations that send information for publication.

2. Agencies and units having bidding newspapers and websites operate in the form of non-business units with revenues.

3. A bidding newspaper is published daily.

4. Supply of bidding information

a/ Responsibility to supply information

- Ministries, ministerial-level agencies, other central agencies and People's Committees at all levels shall supply information mentioned at Points g and h, Clause 1, Article 5 of the Bidding Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Time limit for information supply

With regard to notices of invitation for pre-qualification, for bids or for expression of interest, information must be supplied within 15 days before the distribution of dossiers of invitation for pre-qualification, bidding dossiers or dossiers of invitation for expression of interest; with regard to notices of invitation for competitive offers, information must be supplied within 10 days before the distribution of dossiers of requirements. Other information prescribed in Clause 1, Article 5 of the Bidding Law must be supplied within 10 days after the signing of relevant documents.

The Ministry of Planning and Investment shall specify the supply of information and the schedule for publication of bidding information.

Chapter II

BIDDING PLAN

Article 8.- Bases for elaboration of a bidding plan

1. The investment decision and documents serving as grounds for making that decision; the business registration certificate, the investment certificate; or the decision of the head of the project-preparing agency, for project preparations.

2. International treaties or agreements, for ODA projects.

3. The approved design, cost estimate and total cost estimate (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Relevant legal documents (if any).

Article 9.- Contents of each bidding package in a bidding plan

The division of a project into bidding packages shall comply with the provisions of Clause 4, Article 6 of the Bidding Law, ensuring that the size of each bidding package is not too small or too big as this may restrict the participation of contractors. Contents of a bidding package include:

1. Title of the bidding package

The title of the bidding package reflects its nature, contents and scope of work, which are compatible with the contents of the project.

2. Bidding-package price

The bidding-package price is determined on the basis of the approved total investment capital or total cost estimate or cost estimate and relevant regulations.

3. Capital sources

Capital sources or the mode of arranging capital for payment to contractors must be clearly determined for each bidding package; when ODA capital is used, the name of the donor and the capital structure (domestic and foreign) must be identified.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The form of selecting contractors (domestic or international bidding or pre-qualification, if any) as well as the bidding mode must be identified according to the provisions of Articles 18 thru 24 of the Bidding Law, Article 97 of the Construction Law, and the provisions of Article 26 of the Bidding Law, respectively.

5. Time for selection of contractors

The time for organizing the selection of contractors to undertake the bidding package must be determined so as to ensure the progress of that bidding package.

6. Forms of contract

Depending on the nature of the bidding package, the applicable forms of contract must be determined according to the provisions of Articles 49 thru 53 of the Bidding Law and Article 107 of the Construction Law.

7. Time for performance of contracts

The time for performance of contracts must ensure that the execution of the bidding package accords with the project-execution schedule.

Article 10.- Submission for approval of a bidding plan

1. Submission responsibility

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Dossier submitted for approval

a/ The document submitted for approval of the bidding plan has the following contents:

- The jobs already done, including those related to project preparation, with their value and legal grounds;

- The jobs to which one of the forms of selecting contractors prescribed in Articles 18 thru 24 of the Bidding Law and Article 97 of the Construction Law cannot be applied;

- The bidding plan, which covers jobs constituting bidding packages to be executed in one of the forms of selecting contractors prescribed in Articles 18 thru 24 of the Bidding Law and Article 97 of the Construction Law, including such jobs as mine sweeping, building of resettlement areas, works insurance and training. Bases for division of the project into bidding packages must also be stated. For each bidding package, all contents prescribed in Article 9 of this Decree are required. When open bidding is not applied, the reasons therefor are required.

The total value of the jobs which have been done, the jobs to which no form of selecting contractors is applied and the jobs falling under the bidding plan must not exceed the total investment amount of the project.

When it is necessary to devise a bidding plan for one or some bidding packages to be executed in advance according to the provisions of Clause 2, Article 6 of the Bidding Law, the document submitted for approval must still have the contents prescribed in this Clause.

b/ Documentation accompanying the document submitted for approval

Upon submitting the bidding plan, the investor shall enclose copies of documentation serving as bases for elaboration of that plan according to the provisions of Article 8 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Appraisal of a bidding plan

a/ Appraisal of a bidding plan means examination and assessment of the contents under the provisions of Articles 8, 9 and 10 of this Decree.

b/ The agency or organization appraising the bidding plan shall make a report on appraisal results in compliance with the provisions of Article 65 of the Bidding Law and submit it to the investment decider for approval.

2. Approval of a bidding plan

The investment decider shall approve the bidding plan within 10 days after receiving the investor’s report, the appraisal report of the appraising agency or organization and the opinions of the relevant agencies (if any). The approval of the bidding plan by the Prime Minister shall comply with the working regulation of the Government.

Chapter III

PRE-QUALIFICATION

Article 12.- Application of pre-qualification

1. Pre-qualification shall comply with the provisions of Point a, Clause 1, Article 32 of the Bidding Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 13.- Order of pre-qualification

1. Compilation of a dossier of invitation for pre-qualification

The bid solicitor shall compile a dossier of invitation for pre-qualification and submit it to the investor for approval. The dossier of invitation for pre-qualification contains information guiding the bidding package and the following requirements for contractors:

a/ Requirements on technical capability;

b/ Requirements on financial capability;

c/ Requirements on experience.

Pre-qualification responses are evaluated on the basis of the "pass" or "fail" criterion, which must be stated in the dossier of invitation for pre-qualification and include criteria for each of the requirements on technical capability, financial capability and experience.

Except for bidding packages for selection of general engineering contractors, construction and installation bidding packages and bidding packages for selection of general construction contractors require that criteria for evaluation of pre-qualification responses conform to the capability requirements set for each type and grade of construction work under the provisions of the Construction Law.

2. Notice of invitation for pre-qualification

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Receipt and management of pre-qualification responses

The bid solicitor shall receive pre-qualification responses from contractors and manage them according to the regulations on management of "secret" dossiers. Pre-qualification responses submitted in strict compliance with the requirements of the dossier of invitation for pre-qualification shall be opened publicly right after the closure of pre-qualification. Pre-qualification responses submitted after the pre-qualification-closing time may not be opened and shall be returned to contractors.

4. Evaluation of pre-qualification responses

The bid solicitor shall evaluate pre-qualification responses according to criteria mentioned in the dossier of invitation for pre-qualification.

5. Submission and approval of pre-qualification results

The bid solicitor shall submit to the investor for approval pre-qualification results.

6. Notification of pre-qualification results

After the investor approves pre-qualification results, the bid solicitor shall notify in writing those results to the contractors who have participated in pre-qualification so as to invite them to bidding.

Chapter IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 14.- Bidding preparation

1. Selection of contractors to be invited for participation in bidding

a/ For open bidding:

- The investor shall approve the dossier of invitation for expression of interest with the following requirements for contractors:

+Requirements on capabilities and number of experts;

+ Requirements on financial capability;

+ Requirements on experience.

The dossiers of expression of interest are evaluated on the basis of the "pass" or "fail" criterion, which must be mentioned in the dossier of invitation for expression of interest, and cover criteria on capabilities and number of experts, financial capability and experience as well.

- The notice of invitation for expression of interest must be published on a bidding newspaper for three consecutive issues and on the bidding website; for international bidding, it must also be concurrently published on an English newspaper widely circulated in the country. After publication according to the above provisions, such an invitation may also be published on other mass media;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The time limit for contractors to prepare dossiers of expression of interest is five days for domestic bidding and 10 days for international bidding;

- The bid solicitor shall evaluate dossiers of expression of interest submitted by contractors according to the evaluation criteria, and submit to the investor for approval a list of contractors to be invited for participation in bidding.

b/ For restricted bidding:

The investor shall approve the list of contractors that are considered fully capable and experienced to be invited for participation in bidding.

2. Compilation of bidding dossiers

a/ Bases for compilation of a bidding dossier:

- The investment decision and documents serving as grounds for making that decision; the business registration certificate, the investment certificate;

- The approved bidding plan;

- Legal provisions on bidding and relevant provisions of law; international treaties or agreements (if any), for ODA projects;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When the bidding package needs to be executed before the issuance of an investment decision, the organization assigned to prepare the project shall base itself on the relevant documents to compile a bidding dossier and submit it to the head of the project-preparing agency for approval.

b/ Contents of a bidding dossier:

A bidding dossier must cover the contents prescribed in Clause 2, Article 32 of the Bidding Law, including important requirements (prerequisites) for elimination of bids. Specifically:

- The contractors are neither named in the list of purchasers of bidding dossier sets nor registered for participation in bidding, except for the case specified in Clause 2, Article 16 of this Decree;

- The contractors fail to ensure their lawful capacity according to the provisions of Articles 7 and 8 of the Bidding Law;

- The contractors fail to meet the capability conditions under the provisions of the Construction Law;

- The originals of bids are not available;

- The applications for bidding participation are invalid;

- The bids fail to meet the validity requirements as stated in the bidding dossier;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Other peculiar important requirements of the bidding package.

Contractors that fail to satisfy one of the prerequisites stated in the bidding dossier will be eliminated and their bids will not be further considered.

3. Approval of a bidding dossier

Based on the appraisal report of the appraising agency or organization, the investment decider shall approve or authorize the investor to approve the bidding dossier according to the provisions of Article 60 of the Bidding Law.

4. Invitation for bids

a/ The bid solicitor shall send letters of invitation for bids to contractors on the list of contractors to be invited for participation in bidding. A letter of invitation for bids is made according to the form in Appendix II to this Decree (not printed herein);

b/ The duration from the time the letters of invitation for bids are sent to contractors to the time of distribution of the bidding dossiers is at least 5 days for domestic bidding or 7 days for international bidding.

Article 15.- Bid-evaluation criteria

1. For consultancy service bidding packages without high technical requirements, including those for construction consultancy services under the provisions of the Construction Law:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The experience and capabilities of a contractor. This content requires 10%-20% of the total points;

- The solutions and methodology to be applied to meet the requirements of a bidding package. This content requires 30%-40% of the total points;

- The contractor's personnel for execution of a bidding package. This content requires 50%-60% of the total points.

The required minimum technical points must be determined but not lower than 70% of the total points. A bid whose technical points are not lower than the required minimum points is considered meeting the technical requirements.

b/ Financial evaluation criteria: To use a point scale (100, 1,000...) in conformity with the technical point scale. Financial points required for each bid are determined as follows:

Financial points (of bids in consideration) = {The lowest P x (100, 1,000... : P in consideration}

In which:

The lowest P is the lowest bidding price after the correction of errors and adjustment of flaws, which is offered by the contractor that passes the technical evaluation.

P in consideration means the bidding price after correction of errors and adjustment of flaws of the bids in consideration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The general evaluation criteria are formulated on the basis of technical and financial evaluation criteria, of which the technical points must not be lower than 70% of the total points while the financial points must not be higher than 30% of the total points;

- The general points of a bid are determined according to the following formula:

The general points = D technical x (K%) + D financial x (G%)

In which:

- K%: The percentage of technical points (on the general point scale).

- G%: The percentage of financial points (on the general point scale).

- D technical: The number of points of the bid, which is determined at the technical evaluation stage according to the provisions of Point a of this Clause.

- D financial: The number of points of the bid, which is determined at the financial evaluation stage according to the provisions of Point b of this Clause.

2. For consultancy service bidding packages, including those for construction consultancy services under the provisions of the Construction Law, with high technical requirements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 16.- Organization of bidding

1. Distribution of bidding dossiers

a/ The bid solicitor shall sell bidding dossiers till the bid closure to contractors on the lists of contractors invited for participation in bidding at the sale prices prescribed in Clause 1, Article 6 of this Decree. For a partnership of contractors, only one partner needs to buy the bidding dossier;

b/ The modification and clarification of bidding dossiers shall comply with the provisions of Clause 1, of Article 33 and Article 34 of the Bidding Law.

2. Preparation of bids

Contractors shall prepare and submit bids as required by the bidding dossiers. When a contractor needs to change its bidding-participation capacity (name) which is different from that it has registered at the time of buying the bidding dossier or registering for bidding participation, it is required to notify that in writing to the bid solicitor. The bid solicitor shall consider it only when such written notice is received before the bid closure.

3. Receipt and management of bids

Bid solicitors shall receive and manage the submitted bids according to the regime of management of "secret" dossiers. Bids sent to bid solicitors after the bid-closing time shall be all considered invalid and returned to contractors in their original state. Any documents sent by contractors after the bid-closing time as amendments or supplements to the submitted bids shall be considered invalid.

4. Modification or withdrawal of bids

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Opening of technical proposal dossiers

a/ Bids shall be opened publicly right after the bid-closing time on the date, at the time and place already stated in the bidding dossier to the witness of all attendants, regardless of the presence or absence of the invited contractors. The bid solicitor may invite representatives of concerned agencies to attend the bid opening;

b/ The bid solicitor shall open the technical proposal dossier of each contractor according to their names in the alphabetical order and the following order:

- Inspecting the seal;

- Opening the dossier, reading and writing in the minutes the following principal contents:

+ The name of the contractor;

+ The number of originals and the number of copies of the dossier;

+ The validity term of the dossier;

+ The written request for dossier modification (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The bid-opening minutes must be signed for certification by representatives of contractors, the bid solicitor and concerned agencies attending the bid opening.

After opening a bid, the bid solicitor shall sign for certification every page of the original technical proposal dossier and manage it according to the "secret" dossier management regime. The evaluation of technical proposal dossiers shall be conducted using the copies of those dossiers. Contractors shall be responsible for the accuracy and compatibility of the copies with the originals as well as for the seals of their bids.

Article 17.- Evaluation of bids

The evaluation of bids for consultancy service bidding packages, including those for construction services under the provisions of the Construction Law shall be based on the evaluation criteria and other requirements stated in the bidding dossiers, on the evaluation principles prescribed in Article 28 of the Bidding Law and the evaluation order provided for in Article 35 of the Bidding Law. Specifically:

1. Preliminary evaluation

a/ Checking the validity of a technical proposal dossier according to the requirements of a bidding dossier:

- The validity of the application for bidding participation. That application must be completed and signed by the lawful representative of the contractor according to the requirements of the bidding dossier. For a partnership contractor, unless the partnership agreement states that all partners authorize a contractor leading the partnership to sign the application for bidding participation, that application must be signed by the lawful representative of each partner.

- The validity of the partnership agreement. The partnership agreement must clearly define responsibilities, powers, work volume to be performed and the corresponding value of each partner, including the head of the partnership, and responsibilities of the partnership leader, signatures of all partners and their seals (if any);

- The availability of one of the valid papers as required by the bidding dossier: The business registration certificate, the investment certificate, the establishment decision, the lawful registration paper or an appropriate professional certificate;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The appendixes and documents enclosed with the bid.

b/ Eliminating those bids which fail to meet the important requirements (prerequisites) stated in the bidding dossier according to the provisions of Point b, Clause 2, Article 14 of this Decree.

2. Detailed evaluation

a/ Evaluating the bids for consultancy service bidding packages, including those for construction consultancy under the provisions of the Construction Law, without high technical requirements:

- Technical evaluation:

Conducting the technical evaluation according to the evaluation criteria set in bidding dossiers. Investors shall approve lists of contractors that satisfy technical requirements for financial evaluation.

- Financial evaluation:

Opening the financial proposal dossiers of contractors that satisfy technical requirements in the order prescribed at Point b, Clause 5, Article 16 of this Decree. A minutes on the opening of financial proposal dossiers covers the following major contents:

+ The names of contractors;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ The bidding prices stated in the applications for bidding participation;

+ Relevant information.

After opening bids, the bid solicitor shall sign for certification every page of the original financial proposal dossier of each bid and manage those dossiers according to the "secret" dossier management regime. The financial evaluation shall be conducted using the copies and contractors shall be responsible for the accuracy and the compatibility of the originals with the copies as well as for the sealing of financial proposal dossiers. The financial evaluation shall be based on the relevant evaluation criteria stated in the bidding dossier.

- General evaluation:

The general technical and financial evaluation shall be conducted under the general evaluation criteria prescribed in bidding dossiers. Contractors that get the highest general points shall be proposed by bid solicitors to investors for being ranked first and invited to negotiate contracts according to the provisions of Article 18 of this Decree.

b/ Evaluation of bids for consultancy service bidding packages, including those for construction consultancy services under the provisions of the Construction Law, with high technical requirements:

Technical proposal dossiers shall be evaluated according to criteria stated in a bidding dossier prescribed at Point a, Clause 2 of this Article. Those bids which get technical points not lower than the required minimum points shall be considered satisfying the technical requirements and ranked by the bid solicitor for submission to the investor for approval. The first-ranking contractor shall be invited to open the financial proposal dossier and to negotiate a contract according to the provisions of Article 18 of this Decree.

Article 18.- Negotiation of contracts

1. Based on the investor's decision, the bid solicitor shall invite the first-ranking contractor to negotiate a contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The tasks and scope of specific tasks to be performed by the consultancy contractor;

b/ The transfer of technologies and training;

c/ The working plan and arrangement of personnel;

d/ The schedule;

e/ The handling of changes in personnel (if any);

f/ The arrangement of working conditions;

g/ The consultancy service charges;

h/ Other contents (if necessary).

If the contract negotiation fails, the bid solicitor shall report it to the investor for considering and deciding on the invitation of the next-ranking contractor for negotiation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The submission for approval and evaluation of bidding results of consultancy service bidding packages shall comply with the provisions of Articles 37 and 39 of the Bidding law and Articles 58 and 59 of this Decree.

2. The approval of bidding results shall comply with the provisions of Article 40 of the Bidding Law.

3. The notification of bidding results shall comply with the provisions of Article 41 of the Bidding Law, specifically right after receiving a decision approving the bidding results, the bid solicitor shall send a notice of bidding results to all participating contractors; the bid-winning contractor shall also send a plan on contract negotiation and finalization.

Article 20.- Negotiation, finalization and conclusion of contracts

1. The negotiation, finalization and conclusion of contracts shall comply with the provisions of Article 42 and Chapter III of the Bidding Law, and Section 2, Chapter VI of the Construction Law.

2. When the negotiation and finalization of a contract fails, the investor shall report it to the investment decider for cancellation of the earlier decision approving the bidding results and consideration and invitation of the next-ranking contractor to negotiate a contract according to the provisions of Article 18 of this Decree. In this case, the contractors are requested to extend the validity of their bids, if necessary. The subsequent steps shall comply with the provisions of Articles 19 and 20 of this Decree.

Chapter V

OPEN BIDDING AND RESTRICTED BIDDING FOR PROCUREMENT OR CONSTRUCTION AND INSTALLATION BIDDING PACKAGES

Section I. ONE-STAGE BIDDING

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The pre-qualification shall comply with the provisions of Chapter III of this Decree.

2. Compilation of bidding dossiers

a/ Bases for compilation of bidding dossiers:

- Investment decisions and documents serving as the basis to decide on investment; business registration certificates; investment certificates;

- Approved bidding plans;

- Designing documents enclosed with the approved total cost estimates and cost estimates (for construction and installation bidding packages);

- Provisions of bidding law and relevant provisions of law; international treaties or agreements (if any), for ODA-funded projects;

- State policies on taxes, salaries and preferences for domestic contractors or relevant regulations.

b/ Contents of bidding dossiers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Bidding dossiers must not set requirements on specific trademarks or origins of goods according to the provisions of Clause 5, Article 12 of the Bidding Law. In special cases where it is necessary to identify the trademark or catalogue of a producer or the country of origin of goods for reference or illustration of technical requirements for the goods, the phrase "or equivalent" must be clearly put after the indicated trademark or catalogue or origin and the word "equivalent" must be clearly defined as having similar technical properties or utilities as the indicated goods. For complicated goods, contractors are required to submit sale permits issued by producers;

- Bidding dossiers must state important requirements (prerequisites) for elimination of bids. Specifically:

+ The contractors are not named in the list of purchasers of bidding dossier sets or are not registered for participation in bidding, except for the case defined in Clause 2, Article 26 of this Decree;

+ The contractors fail to ensure their valid capacity according to the provisions of Articles 7 and 8 of the Bidding Law;

+ A bid security is absent or invalid that is it is lower in value or uses a currency other than the prescribed one, has a shorter effective term, is submitted not to the address and according to the time set in the bidding dossier, states the wrong name of the contractor, is not the original or contains no valid signature (for bank guarantee letter);

+ The bid originals are unavailable;

+ The applications for bidding participation are invalid;

+ The bid effect fails to meet the requirements set in the bidding dossier;

+ The bids offer unstable bidding prices or different price levels or conditional prices;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ The contractors fail to meet the capability and experience requirements according to the provisions of Point c, Clause 1, Article 27 of this Decree and Article 7 of the Construction Law;

+ Other peculiar important requirements of the bidding package.

Contractors that breach one of the prerequisites in the bidding dossier shall be eliminated and their bids shall not be further considered.

3. Approval of bidding dossiers

The approval of bidding dossiers shall comply with the provisions of Clause 3, Article 14 of this Decree.

4. Invitation for bids

a/ Notice of invitation for bids

For open bidding without pre-qualification, a notice of invitation for bids must be published on a bidding newspaper for three consecutive issues and on the bidding website; for international bidding, that notice must also be published on an English newspaper widely circulated in the country. After being published according to the above provisions, that notice may also be published on other mass media.

The contents of a notice of invitation for bids shall comply with the forms provided for in Appendices III, IV and V to this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Letters of invitation for bids shall apply to restricted bidding and bidding packages which have gone through pre-qualification. Bid solicitors shall send letters of invitation for bids made according to the forms set in Appendices III, IV and V to this Decree to contractors on the list of those to be invited for participation in restricted bidding or those having passed pre-qualification. The period from the time those letters are sent to the time the dossiers of invitation for bids are distributed is at least 5 days, for domestic bidding or 7 days, for international bidding.

Article 22.- General provisions on technical evaluation criteria

1. Use of the marking method

a/ A maximum point scale (100; 1,000...) is used for the formulation of technical evaluation criteria. The contents of technical evaluation criteria for procurement or construction and installation bidding packages are mentioned in Clause 2 of Article 23 and Clause 2 of Article 24 of this Decree. The required minimum technical points are set depending on the nature of each bidding package but must not be lower than 70% of the total technical points; or 80% for bidding packages with high technical requirements;

(Except for bidding packages for selection of general engineering contractors), bidding packages for selection of general construction contractors are required to set the minimum points for each offer, which must not be lower than 70% of the corresponding maximum points.

b/ For procurement or construction and installation bidding packages, contractors shall be considered satisfying the technical requirements if the number of points attained is not lower than the required minimum number of technical points.

(Except for bidding packages for selection of general engineering contractors), bidding packages for selection of general construction contractors shall require that bids are considered satisfying the technical requirements when the points given to each offer are not lower than the required corresponding minimum technical points and the total points given to all offers are not lower than the required minimum technical points of the whole bidding package.

2. Use of the "pass" or "fail" criterion

a/ Evaluation criteria

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ A bid shall be evaluated as satisfying technical requirements when all of its fundamental requirement contents are evaluated "pass" while non-fundamental requirement contents are evaluated "pass" or "acceptable".

Article 23.- Criteria for evaluation of bids for procurement bidding packages

Criteria for evaluation of bids for procurement bidding packages include criteria for evaluation of contractors' capabilities and experience, criteria for technical evaluation and methods for determination of expenses on the same ground (evaluation prices). Specifically:

1. Criteria for evaluation of contractors' capabilities and experience, applicable to bidding packages not requiring pre-qualification, including:

a/ The experience on execution of similar bidding packages in Vietnam or in foreign countries; the major production or business experience;

b/ The production and business capabilities, material and technical foundations and professional qualifications of personnel;

c/ The financial capability: total assets, total payable debts, working capital, revenues, profits, value of contracts currently performed and other criteria.

The determination of specific requirements for each criterion provided for at Point a, b or c of this Clause shall be based on the requirements of each bidding package.

The "pass" or "fail" criterion may be used for evaluation prescribed in this Clause. Contractors that "pass" all the three contents mentioned at Points a, b and c of this Clause shall be evaluated as meeting the capability and experience requirements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Technical evaluation criteria are formulated according to the provisions of Article 22 of this Decree and cover contents on capabilities to meet quantitative and qualitative requirements for goods mentioned in a bidding dossier. Specifically:

a/ The characteristics and technical parameters of goods, production standards and other contents;

b/ The rationality and economic efficiency of technical solutions, measures for organization of goods supply;

c/ The equipment installation capability and qualifications of technical personnel;

d/ The extent of satisfaction of warranty requirements;

e/ The geographical adaptability;

f/ The environmental impacts and remedies;

g/ The financial capability (if required);

h/ Other factors regarding commercial and financial conditions, time for execution, training and technology transfer (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Determination of evaluation prices means the determination of expenses on the same technical, financial and commercial grounds and other elements in order to compare and rank bids. Methods for determination of evaluation prices must be mentioned in the evaluation criteria. Evaluation prices are determined in the following order:

- Determining bidding prices;

- Correcting errors;

- Adjusting flaws;

Post-correction and -adjustment bidding prices are called the proposed requested bid-winning prices.

- Converting the proposed bid-wining prices to a common currency (if any) so as to have a basis for determination of evaluation prices;

- Calculating expenses on the same grounds for determination of evaluation prices, including:

+ Technical conditions such as the implementation schedule; the capacity and performance of machinery and equipment; the consumption of power, fuels and materials; the costs of operation and maintenance, the useful life of works and other technical elements, depending on specific requirements of each bidding package.

+ Financial and commercial conditions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Other factors.

Factors for determination of evaluation prices shall be specified depending on the nature of each bidding package. Bids with the lowest evaluation prices shall be ranked first.

Article 24.- Evaluation criteria applicable to bids for construction and installation bidding packages

Evaluation criteria applicable to bids for construction and installation bidding packages include criteria for evaluation of capabilities and experience of contractors, criteria for technical evaluation and contents of determination of evaluation prices. Specifically:

1. Criteria for evaluation of capabilities and experience of contractors, applicable to bidding packages not requiring pre-qualification, including:

a/ Experience on execution of similar bidding packages in Vietnam, in similar geographical areas and sites;

b/ Technical capability: the number and qualifications of staff and technical workers directly involved in the execution of bidding packages and the number of available construction equipment, the capability of mobilizing construction equipment for execution of bidding packages;

c/ Financial capability: total assets, total payable debts, working capital, revenues, profits, value of contracts currently performed and other criteria.

The determination of specific requirements for each criterion prescribed at Point a, b or c of this Clause must be based on the requirements of each bidding package.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Technical evaluation criteria

Technical evaluation criteria are formulated according to the provisions of Article 22 of this Decree and cover contents on the extent of satisfaction of requirements for technical designing dossiers and accompanied estimates. Specifically:

a/ The rationality and feasibility of technical solutions and measures for organization of the construction;

b/ The satisfaction of environmental hygiene conditions and other conditions on fire prevention and fighting and labor safety;

c/ The extent of satisfaction of demands for construction equipment (quantity, categories, quality and mobilization schedule), materials and manpower for construction;

d/ The extent of satisfaction of warranty requirements;

e/ The measures to guarantee quality;

f/ The financial supply capability (if required);

g/ The construction schedule;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Contents of determination of evaluation prices

Determination of evaluation prices means the determination of expenses on the same technical, financial and commercial grounds and other elements in order to compare and rank bids. Methods for determination of evaluation prices must be stated in the evaluation criteria. The determination of evaluation prices is conducted in the following order:

- Determining the bid prices;

- Correcting errors;

- Adjusting flaws;

Post-correction and -adjustment bidding prices are called the proposed bid-winning prices.

- Converting the proposed bid-wining prices to a common currency (if any) so as to have a basis for determination of evaluation prices;

- Calculating expenses on the same grounds for determination of evaluation prices, including:

+ Technical conditions such as the implementation schedule; the management, operation and maintenance expenses; the useful life of works and other technical factors, as required by each specific bidding package;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Preferences in international bidding (if any);

+ Other elements.

Elements for determination of appropriate evaluation prices shall be determined depending on the nature of each bidding package. Bids with the lowest evaluation prices shall be ranked first.

Article 25.- Criteria for evaluation of bids for bidding packages for selection of general construction contractors (except for bidding packages for selection of general engineering contractors)

Criteria for evaluation of bids for bidding packages for selection of general construction contractors (except for bidding packages for selection of general engineering contractors) include criteria for evaluation of each content specified at Point a, Clause 1 of Article 15, Articles 22, 23 and 24 of this Decree.

Article 26.- Organization of bidding

1. Distribution of bidding dossiers

a/ The bid solicitor shall sell bidding dossier sets until the bid-closing time to contractors on the list of those having passed pre-qualification (in case of pre-qualification), to contractors invited for participation in restricted bidding or to contractors that wish to participate in open bidding at the sale prices prescribed in Clause 1, Article 6 of this Decree. For a partnership contractor, only one partner is required to buy the bidding dossier;

b/ The modification and clarification of bidding dossiers shall comply with the provisions of Clause 1 of Article 33 and Article 34 of the Bidding Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The preparation, reception, modification or withdrawal of bids shall comply with the provisions of Clauses 2, 3 and 4, Article 16 of this Decree.

3. Bid opening

a/ Bids shall be opened publicly right after the bid-closing time on the date and at the time and place specified in the bidding dossiers to the witness of all present people, regardless of the presence or absence of the invited contractors. The bid solicitor may invite representatives of concerned agencies to attend bid opening;

b/ The bid solicitor shall open, one after another, bids of contractors named in the list of those who have bought the bidding dossier sets, registered for participation in bidding and submitted bids before the bid-closing time according to the contractors' names in the alphabetical order. The bid-opening order is as follows:

- Checking the seal of a bid;

- Opening, reading and recording into a minutes the following principal contents:

+ The name of the contractor;

+ The number of originals and copies of the bid;

+ The valid term of the bid;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ The value and valid term of the bid security;

+ The written request for modification of the bid (if any);

+ Other relevant information.

The bid-opening minutes must be signed for certification by representatives of the bid solicitor, contractors and concerned agencies.

After opening bids, the bid solicitor shall sign for certification every original page of all bids and manage them according to the regime of management of "secret" dossiers. Bids shall be evaluated based on their copies. Contractors are responsible for the accuracy and consistency between the copies and the originals as well as the seals of their bids.

Article 27.- Evaluation of bids

Bids shall be evaluated on the basis of the bid-evaluation criteria and other requirements mentioned in bidding dossiers, on the evaluation principles specified in Article 28 of the Bidding Law and in the order prescribed in Article 35 of the Bidding Law. Specifically:

1. Preliminary evaluation

a/ Checking the validity of a bid:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The validity of the partnership agreement: The partnership agreement must specify the responsibilities, powers, work volumes to be performed and the corresponding values of each partner, including the partnership leader as well as the responsibilities of the partnership leader; and contain signatures of all partners and their seals (if any);

- The availability of one of the papers required by the bidding dossier: The business registration certificate, the investment certificate, the establishment decision or the lawful operation registration certificate, the permit for sale of goods under the copyright of the producer (if required);

- The number of originals and the number of copies of bids;

- The validity of the bid security;

- The appendices and documents enclosed with the bids.

b/ Eliminating those bids which fail to satisfy prerequisites prescribed in the bidding dossier according to the provisions of Point b, Clause 2, Article 21 of this Decree;

c/ Evaluating the capabilities and experience of contractors according to the relevant criteria mentioned in the bidding dossier, for bidding packages not requiring pre-qualification.

For bidding packages having gone through pre-qualification, information declared by contractors at the time of pre-qualification must be updated for proper evaluation of the contractors' ability to meet the requirements on capabilities and experience.

2. Detailed evaluation of bids

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Technical evaluation according to the set criteria is prescribed in the bidding dossier. In the course of evaluation, the bid solicitor may request contractors to explain and clarify unclear or abnormal contents in their bids. Evaluation prices are determined according to the provisions of Point b of this Clause only for those bids which are approved by the investor as satisfying the technical requirements.

b/ Determination of evaluation prices

The determination of evaluation prices shall comply with the provisions of Clause 3 of Article 23 and Clause 3 of Article 24 of this Decree.

3. Ranking of bids according to evaluation prices: The bid with the lowest evaluation price shall be ranked first. For a complicated bidding package, if it is necessary, the bid solicitor may propose the investor to permit the contractor with the first-ranking bid to enter into preliminary negotiations on a contract, thereby facilitating the negotiation and finalization of the contract after obtaining the bid-winning results.

Article 28.- Correction of errors and adjustment of flaws

1. Correction of errors

Correction of errors means the correction of errors in bids, including arithmetical errors, other errors and decimal errors, which is conducted on the following principles:

a/ For arithmetical errors, including errors made due to wrong addition, subtraction, multiplication or division:

- When the unit price is inconsistent with the total sum, the unit price shall be used as a legal basis for error correction;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ For other errors:

- When the total sum column is filled in without a corresponding unit price, the unit price shall be determined by dividing that total sum by the quantity;

- When the unit price is available but the total sum column is left blank, the total sum shall be determined by multiplying the quantity by the unit price;

- For a specific item, when both unit price and total sum are available but the quantity column is left blank, that quantity shall be determined by dividing the total sum by the unit price of that item. When the determined quantity varies with that mentioned in the bidding dossier, it shall be considered a flaw in terms of the scope of supply and be adjusted according to the provisions of Clause 2 of this Article;

- Decimal errors: Errors related to the use of comma (,) instead of full stop (.) or vice versa are corrected appropriately according to the Vietnamese writing style.

Arithmetical errors are corrected based on the total absolute value, regardless of the increase or decrease of bidding prices after correction.

After correcting errors according to the above principles, the bid solicitor shall notify the concerned contractors in writing. The contractors shall notify in writing the bid solicitor of their acceptance to correct the errors. If the contractors refuse to correct errors, their bids shall be eliminated.

2. Adjustment of flaws

Adjusting flaws means adjusting incomplete or redundant contents of bids based on the requirements of the bidding dossier and adjusting differences between different parts of a bid; between technical proposals and financial proposals; between numerals and letters; and between the application for bidding participation and other documents of a bid. The adjustment of flaws is conducted as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ In case of flaws between technical proposals and financial proposals, the technical proposals shall be used as a legal basis for the adjustment of those flaws;

c/ In case of inconsistency between numerals and letters, letters shall be used as a legal basis for the adjustment of that flaw;

d/ In case of a difference between prices (excluding discount) stated in the application for bidding participation and those in the general price table, that difference is considered a flaw and is adjusted according to prices in the general price table after that table is adjusted and corrected according to the detailed price table.

Article 29.- Submission for approval, appraisal, approval and notification of bidding results; negotiation, finalization and conclusion of contracts

1. The submission for approval, appraisal, approval and notification of bidding results comply with the provisions of Articles 38 and 39 of the Bidding law and Clauses 2 and 3 of Article 19, Articles 58 and 59 of this Decree.

2. Negotiation, finalization and conclusion of contracts

a/ The negotiation, finalization and conclusion of contracts comply with the provisions of Article 42 and Chapter III of the Bidding Law, and Section 2, Chapter VI of the Construction Law.

b/ When the negotiation or finalization of a contract fails, the investor reports thereon to the investment decider or the authorized person for deciding on the annulment of the bidding results and considering and selecting the next-ranking contractor as the bid winner who will be invited to negotiate and finalize the contract. In that case, if necessary, the concerned contractor is required to extent the valid term of the bid and the bid security.

Section II. TWO-STAGE BIDDING

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The pre-qualification of contractors shall comply with the provisions of Chapter III of this Decree.

2. Compilation of stage-1 bidding dossiers

a/ Bases for compilation of stage-1 bidding dossiers are provided for at Point a, Clause 2, Article 21 of this Decree;

b/ Stage-1 bidding dossiers cover the contents prescribed at Point b, Clause 2, Article 21 of this Decree but do not require the contractors to offer bidding prices and to take measures to guarantee their participation in bidding.

3. The approval of bidding dossiers shall comply with the provisions of Clause 3, Article 14 of this Decree.

4. The invitation for participation in stage-1 bidding shall comply with the provisions of Clause 4, Article 21 of this Decree.

Article 31.- Organization of stage-1 bidding

1. Distribution of bidding dossiers

a/ The bid solicitor shall sell bidding dossier sets until the bid-closing time to contractors on the list of contractors having passed pre-qualification (in case of pre-qualification), to contractors invited to restricted bidding or to contractors wishing to participate in open bidding at the sale prices specified in Clause 1, Article 6 of this Decree. For a partnership contractor, only one partner is required to buy the bidding dossier;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Reception and management of stage-1 bidding dossiers

The bid solicitor shall receive and manage bids according to the regime of management of "secret" dossiers.

3. Bid opening

Bids shall be opened according to the provisions of Clause 3, Article 26 of this Decree. Bid-opening minutes do not cover information on bidding prices and bid security.

4. Exchange of opinions on stage-1 bids

Based on the requirements of the bidding dossier, the bid solicitor shall exchange opinions with each contractor to clarify technical requirements of the bidding package. Exchanged opinions must be recorded in a minutes which serves as a basis for compilation of the stage-2 bidding dossier.

Article 32.- Preparation for, organization of, stage-2 bidding

1. Compilation of stage-2 bidding dossiers

Stage-2 bidding dossiers must identify technical, financial (including bidding prices) and commercial requirements as well as requirements on measures to secure bidding participation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Organization of bidding

Stage-2 bidding dossiers are sold to contractors that have submitted stage-1 bids at the sale prices specified in Clause 1, Article 6 of this Decree. The organization of bidding complies with the provisions of Article 26 of this Decree.

Article 33.- Evaluation of stage-2 bids

The evaluation of stage-2 bids shall comply with the provisions of Article 27 of this Decree.

Article 34.- Submission for approval, appraisal, approval and notification of bidding results; negotiation, finalization and conclusion of contracts

The submission for approval, appraisal, approval and notification of bidding results as well as the negotiation, finalization and conclusion of contracts shall comply with the provisions of Article 29 of this Decree.

Chapter VI

OTHER FORMS OF SELECTING CONTRACTORS

Article 35.- Appointment of contractors

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Prime Minister shall specify special cases where contractors may be appointed according to the provisions of Point e, Clause 1, Article 101 of the Construction Law.

1. The process of appointing contractors for a bidding package includes:

a/ Distributing dossiers of requirements;

b/ Preparing dossiers of proposals;

c/ Evaluating dossiers of proposals;

d/ Submitting for approval, appraisal and approval of the contractor-appointment results;

e/ Negotiating, finalizing and concluding contracts.

2. Dossier of requirements

a/ The bid solicitor shall compile the dossier of requirements; for consultancy service bidding packages, the specification of general evaluation criteria is not required; (except for bidding packages for selection of general engineering contractors) procurement, construction and installation bidding packages as well as bidding packages for selection of general construction contractors need not to state elements for determination of evaluation prices. A dossier of requirements has contents similar to those of a bidding dossier;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Dossier of proposals

Contractors proposed to be appointed shall prepare dossiers of proposals with contents similar to those of bids, including technical, financial and commercial proposals.

4. Evaluation of dossiers of proposals

a/ The bid solicitor shall evaluate dossiers of proposals of contractors according to the evaluation criteria mentioned in the dossier of requirements;

b/ Contractors may be appointed when their dossiers of proposals satisfy all the following conditions:

- Having full capabilities and experience as required by the dossier of requirements;

- Having technical proposals evaluated as meeting the requirements of the dossier of requirements, based on the evaluation criteria;

- Offering appointment prices not exceeding the estimated prices (bidding-package prices), which have been approved for the bidding package.

5. Submission for approval, appraisal and approval of contractor-appointment results

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ For bidding packages subject to contractor appointment under projects defined at Point c, Clause 1, Article 20 of the Bidding Law, investors shall submit reports on contractor-appointment results to the Prime Minister (if the Prime Minister directly approves those reports) or to the persons authorized by the Prime Minister to approve those reports according to the provisions of Clause 2, Article 41 of this Decree.

6. Negotiation, finalization and conclusion of contracts

Based on decisions approving contractor-appointment results, bid solicitors shall negotiate and finalize contracts with appointed contractors for investors to conclude those contracts.

7. For bidding packages falling in such force majeure circumstances as natural calamities, enemy sabotages or incidents which need to be remedied immediately according to the provisions of Point a, Clause 1, Article 20 of the Bidding Law, the appointment of contractors is not required to comply with the provisions of Clauses 1 thru 6 of this Article but within 15 days after the appointment of contractors, investors or agencies in charge of managing works or assets and contractors shall carry out procedures to determine work volumes and their values so that the two parties conclude contracts which serve as a basis for execution and payment.

8. When the appointment of contractors is permitted for a bidding package which is executed before the issuance of the investment decision, the organization assigned to prepare the project must formulate and approve the cost estimates according to the provisions of Clause 3, Article 20 of the Bidding Law. In this case, the cost estimates must correspond to the value of work volumes approved by the head of the project-preparing body.

9. For consultancy service bidding packages valued at under VND 500 million each and construction and installation bidding packages valued at under VND 1 billion each under renovation or overhaul projects of state enterprises defined in Clause 3, Article 1 of the Bidding Law, the appointment of contractors may apply when necessary, which, however, must comply with the contractor-appointment process prescribed in Clauses 1 thru 6 of this Article.

Article 36.- Direct procurement

The application of the form of direct procurement must be approved together with bidding plans in compliance with the provisions of Article 21 of the Bidding Law with regard to contracts already signed with contractors after public bidding or restricted bidding.

The process of direct procurement is as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The evaluation of dossiers of proposals shall comply with the following contents:

a/ Checking technical contents and unit prices;

b/ Updating the contractors' capabilities;

c/ Evaluating the implementation schedule;

d/ Other contents (if any).

3. Submission for approval, appraisal and approval of direct procurement results

Based on the report on direct procurement results and the appraisal report, the investment decider shall approve or authorize others to approve the direct procurement results.

Article 37.- Competitive offers in procurement

The application of the form of competitive offers in procurement must be approved together with bidding plans in compliance with the provisions of Article 22 of the Bidding Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Dossier of requirements for competitive offers

The investor shall approve the dossier of requirements for competitive offers. A dossier of requirements for competitive offers has such technical requirements as those on quantity, standards, technical properties, time limit for goods supply, validity term of a price notice, time for submission of price notices, warranty, maintenance, training, technology transfer and other necessary contents, but has no requirements on bid security. Technical requirements are evaluated according to the "pass" or "fail" criterion as stated in the dossier of requirements for competitive offers.

2. Organization of competitive offers

a/ The bid solicitor shall publish the invitation for competitive offers on a bidding newspaper for three consecutive issues and on the bidding website for interested contractors to register for participation in bidding. After making announcement according to the above provisions, the bid solicitor may also publish the invitation on other mass media. The duration from the release of the first announcement of invitation for competitive offers to the distribution of the dossier of requirements must be at least 5 days;

b/ The bid solicitor shall send sets of dossier of requirements to interested contractors in order to receive at least three price notices from three different contractors. The time limit for contractors to prepare price notices is at least three days;

c/ Contractors shall send price notices to the bid solicitor in person, by post or fax. Each contractor may send only one price notice;

d/ The bid solicitor shall keep secret information in the price notice of each contractor. Right after the expiration of the time limit for submission of price notices, the bid solicitor shall make a minutes on reception of price notices with such contents as the names of contractors, the offered prices, the after-sale conditions, the validity terms of price notices and send copies of that minutes to the contractors that have submitted price notices.

3. Evaluation of price notices

a/ The bid solicitor shall evaluate the submitted price notices based on the technical requirements of the dossier of requirements. A price notice shall be considered as passing the technical evaluation if all of its technical offers are evaluated "pass";

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Approval of results of competitive offers and conclusion of contracts

a/ Based on the report on the results of competitive offers submitted by the bid solicitor and the appraisal report, the investment decider shall approve the results of competitive offers for bidding packages valued at VND 1 billion or more each; the investor shall approve the results of competitive offers for bidding packages valued at under VND 1 billion each;

b/ The bid solicitor shall notify the results of competitive offers to all contractors that have submitted price notices and negotiate and finalize a contract with the selected contractor so that the investor concludes that contract.

Article 38.- Self-execution

The application of the form of self-execution must be approved together with bidding plans in compliance with the provisions of Article 23 of the Bidding Law and Point a, Clause 1 of Articles 41, 50, 57, 75 and 89 and Point b, Clause 2, Article 45 of the Construction Law.

The process of application of the self-execution form must ensure the following conditions:

1. The investor selects under the provisions of the Bidding Law a supervision consultancy contractor that is organizationally and financially independent from the investor as required by law. The investor shall supply necessary dossiers for the supervision consultancy contractor to perform the tasks defined in Clause 2 of this Article.

2. The supervision consultancy contractor has the following tasks:

a/ To supervise the execution of the bidding package of the investor strictly according to the plan and solutions set by the latter;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To accept after test the work volume performed by the investor in order to have grounds for payment.

Article 39.- Selection of contractors for construction work architecture designing

Contractors for construction work architecture designing shall be selected through contests according to the provisions of Clause 3, Article 97 of the Construction Law and in compliance with the provisions of Article 102 of the Construction Law.

Article 40.- Selection of contractors in special cases

1. Based on the peculiarity of a bidding package to which the forms of selecting contractors specified in Articles 18 thru 23 of the Bidding Law and Article 97 of the Construction Law cannot apply, the investor shall submit to the Prime Minister a plan on selection of contractors, ensuring competition and economic efficiency, and concurrently send that plan to the Ministry of Planning and Investment and the branch-managing ministry for comments before submission to the Prime Minister for consideration and decision.

2. When bidding peculiarities are provided for in another law, the provisions of the decree guiding the implementation of that law shall apply.

Chapter VII

DECENTRALIZATION OF APPRAISAL AND APPROVAL IN BIDDING

Article 41.- The Prime Minister

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To approve bidding plans;

b/ To approve or authorize others to approve contractor-selection results;

c/ To approve or authorize others to approve the handling of bidding circumstances, settlement of petitions in bidding and handling of violations of the bidding law.

2. To approve or authorize others to approve bidding plans and contractor-appointment results for bidding packages classified as national secrets or urgent projects for national interests or energy safety and security according to the provisions of Point c, Clause 1, Article 20 of the Bidding Law.

3. To approve or authorize others to approve options on the selection of contractors in special cases according to the provisions of Article 24 of the Bidding Law.

Article 42.- Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of other central agencies and presidents of provincial/municipal People's Committees

1. For projects and bidding packages directly approved by the Prime Minister:

a/ To give written comments on bidding plans and contractor-selection results for bidding packages under relevant projects which are directly approved by the Prime Minister;

b/ To approve bidding dossiers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For investment projects they decide:

a/ To approve bidding plans;

b/ To approve or authorize others to approve bidding dossiers and contractor-selection results for bidding packages under those projects, except for contract-appointment results of bidding packages directly approved by the Prime Minister according to the provisions of Clause 2, Article 41 of this Decree.

Article 43.- Presidents of the People's Committees of provincial cities, urban districts, rural districts, towns, townships, wards or communes and heads of other local agencies

1. To approve bidding contents under authorization;

2. To approve bidding plans, approve or authorize others to approve bidding dossiers and contractor-selection results of bidding packages under investment projects they decide.

Article 44.- Managing Boards or directors of enterprises

1. For investment projects decided by the Prime Minister of which they are investors

a/ To approve bidding dossiers for bidding packages with contractor-selection results directly approved by the Prime Minister;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For investment projects they decide:

a/ To approve bidding plans;

b/ To approve or authorize others to approve bidding dossiers and contractor-selection results for bidding packages under those projects, except for contractor-appointment results of bidding packages directly approved by the Prime Minister according to the provisions of Clause 2, Article 41 of this Decree.

3. To make written agreements on bidding plans and contractor-selection results for bidding packages valued at VND 50 billion or more each for consultancy services, or VND 150 billion or more each for construction and installation or procurement under joint venture projects, business cooperation contracts or joint-stock projects in which the Vietnamese party contributes a state capital portion of 30% or more to the legal capital, charter capital or stock capital. Past 20 days after receiving dossiers of request for agreement, if the managing boards or directors of enterprises send no written agreements, they shall be considered having agreed on the bidding plans and contractor-selection results with the joint-venture enterprises, the other parties to business cooperation contracts or joint-stock enterprises.

Article 45.- Managing boards of joint-venture enterprises, joint-stock companies and lawful representatives of parties to business cooperation contracts

1. To approve bidding plans and contractor-selection results of bidding packages under projects they invest in, on the basis of written agreements prescribed in Clause 3, Article 44 of this Decree.

2. To approve or authorize others to approve bidding dossiers.

Article 46.- Appraising agencies and organizations

1. The Ministry of Planning and Investment shall appraise the following contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Contractor-selection results of bidding packages which are directly approved by the Prime Minister;

c/ Contractor-selection plans in special cases which are approved directly by the Prime Minister.

2. Provincial/municipal Planning and Investment Services shall appraise the following contents:

a/ Bidding plans and contractor-selection results for bidding packages under projects approved directly by presidents of provincial/municipal People's Committees;

b/ Bidding dossiers for bidding packages approved by presidents of provincial/municipal People’s Committees as authorized by the Prime Minister and bidding packages falling under the approving competence of presidents of provincial/municipal People's Committees, Planning and Investment Services or relevant specialized Services;

c/ Contractor-selection results for bidding packages approved by presidents of provincial/municipal People's Committees under the Prime Minister's authorization.

3. Agencies and organizations assigned the appraising task by ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of other central agencies, the managing boards or directors of enterprises shall appraise:

a/ Bidding plans, bidding dossiers and contractor-selection results for all bidding packages under projects which fall under the investment-deciding competence of ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of other central agencies, managing boards or directors of enterprises;

b/ Bidding dossiers, contractor-selection results for bidding packages approved by ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of other central agencies, managing boards or directors of enterprises under the Prime Minister's authorization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. For projects falling under the investment-deciding competence of presidents of People's Committees of townships, wards or communes, heads of other local agencies, managing boards of joint-venture enterprises, joint-stock companies or lawful representatives of parties to business cooperation contracts, the relevant assisting sections shall appraise contents of the bidding process.

6. For bidding packages of which contractor-selection results are approved by persons authorized by investment deciders, the authorized persons shall appoint units to appraise bidding dossiers and contractor-selection results.

Chapter VIII

SETTLEMENT OF BIDDING PETITIONS

Article 47.- Conditions for consideration and settlement of petitions

1. Petitions must be made by contractors participating in bidding.

2. Petitions must be signed by persons who sign applications for bidding participation or are lawful representatives of contractors and must be affixed with stamps (if any).

3. Persons responsible for settlement of petitions receive petitions within the time limit prescribed in Clause 3, Article 72 of the Bidding Law.

4. Contents of petitions have not yet brought to court by the contractors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 48.- Settlement of petitions

1. The time limit for settling a petition prescribed in Article 73 of the Bidding Law is counted from the time the administrative section of the person responsible for petition settlement receives the petition.

2. The persons responsible for petition settlement shall notify the contractors in writing of the non-consideration and non-settlement of petitions if those petitions fail to meet the conditions prescribed in Article 47 of this Decree.

3. Contractors are entitled to withdraw their petitions in the course of settlement but must make written requests therefor.

Article 49.- Advisory councils

1. Chairmen of advisory councils

a/ The chairman of the central-level advisory council is the competent representative of the Ministry of Planning and Investment. The central-level advisory council shall advise on petitions related to bidding packages directly approved by the Prime Minister or at the request of the Prime Minister.

b/ The chairmen of advisory councils of ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies or other central agencies (hereinafter called ministerial-level advisory councils) are competent representatives of the units under these agencies which are assigned to manage bidding. Except for bidding packages prescribed at Point a of this Clause, the ministerial-level advisory councils shall advise on petitions related to all bidding packages under investment projects decided or managed by ministries.

c/ The chairmen of local advisory councils are competent representatives of provincial/municipal Planning and Investment Services. Except for bidding packages prescribed at Point a of this Clause, local advisory councils shall advise on petitions related to all bidding packages under investment projects decided or managed by localities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Depending on the nature of each bidding package and when necessary, in addition to the members defined in Clause 2, Article 73 of the Bidding Law, the chairman of an advisory council may invite other individuals to participate in the advisory council. Members of the advisory council must not be relatives (biological parents, parents in law, wives or husbands, biological children, adopted children, daughters or sons in law or siblings) of the persons who sign petitions or of individuals who are directly involved in the evaluation of bids under assignment by contractors or investors, of individuals directly involved in the appraisal of contractor-selection results and of the persons who sign for approval contractor-selection results.

3. Activities of an advisory council

a/ The chairman of an advisory council shall issue a decision to set up the council within 5 days after receiving petitions from contractors. The advisory council shall work on a case-by-case basis.

b/ The advisory council shall work on the collective principle, vote by majority and submit reports on its working results to the investment decider for consideration and decision; each member is entitled to reserve his/her opinions and be accountable before law for his/her opinions.

4. Permanent assisting sections of an advisory council

a/ Permanent assisting sections mean agencies or organizations which are assigned the appraising task in bidding, but do not comprise individuals directly involved in the appraisal of bidding packages subject to petitions.

b/ Permanent assisting sections perform administrative tasks assigned by the chairman of the advisory council; receive and manage expenses paid by contractors that have petitions according to the provisions of Clause 5, Article 47 of this Decree.

Chapter IX

HANDLING OF VIOLATIONS OF BIDDING LAW

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Organizations or individuals that commit acts in violation of the bidding law shall, depending on the severity of their violations, be sanctioned in one of the following forms: caution, fine or ban from participation in bidding activities. Cadres and civil servants who commit acts in violation of the bidding law shall be handled in accordance with the provisions of law on cadres and civil servants.

2. Principles and procedures for handling violations and procedures for execution of sanctioning decisions shall comply with the provisions of law.

3. Sanctioning decisions must be sent to sanctioned organizations and individuals, to the Ministry of Planning and Investment and concerned agencies and organizations.

4. Sanctioning decisions executed in any localities or branches are effective for execution nationwide and in all branches.

5. Organizations and individuals sanctioned for violations of the bidding law are entitled to initiate lawsuits at a court.

Article 51.- Competence to handle violations of bidding law

1. Investment deciders shall handle violations of the bidding law in relation to investment projects they decide according to the provisions of Article 60 of the Bidding Law. When investment deciders breach the bidding law, they must be handled in accordance with law.

2. The Ministry of Planning and Investment shall monitor the handling of violations of the bidding law and decide on the ban from participation in bidding activities on organizations or individuals that are subject to caution for five consecutive times under the provisions of Clause 4, Article 53 of this Decree.

Article 52.- Fine

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A fine of between VND 5,000,000 and VND 20,000,000 is imposed for one of the following violations:

a/ Compiling, appraising or approving bidding dossiers or dossiers of requirements in contravention of the bidding law, which leads to the cancellation of bidding;

b/ Evaluating bids or dossiers of proposals, appraising or approving contractor-selection results without basing on the requirements of bidding dossiers, dossiers of requirements as well as the set evaluation criteria, which distorts the contractor-selection results or leads to the cancellation of bidding;

c/ Concluding contracts at variance with law, causing damage to the State's interests;

d/ Other violations which lead to the re-organization of bidding such as organizing bidding when bidding plans, bidding dossiers or dossiers of requirements have not yet been approved,

2. A fine of between VND 20,000,000 and VND 50,000,000 is imposed for one of the following acts:

a/ Making arrangement or collusion between contractors, between contractors and investors, bid solicitors, consultants for compilation of bidding dossiers, appraising agencies or organizations or approvers of contractor-selection results in order to distort the contractor-selection results, which leads to the cancellation of bidding or the selection of unqualified contractors as prescribed in Clause 3, Article 10 of the Construction Law;

b/ Construction and installation or procurement contractors connive with supervision consultancy contractors or testing agencies or organizations to make wrong certification of the quality and volume of works or goods.

3. Apart from violations which cause damage to the interests of the concerned parties mentioned in Clauses 1 and 2 of this Article or other consequences, fines may be imposed for other violations in accordance with relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Depending on the severity of violations, a ban from participation in bidding activities may be imposed. Specifically:

1. A ban from participation in bidding activities for between 6 months and 1 year is imposed for one of the following violations:

a/ Violation of the provisions of Clause 4, Article 12 of the Bidding Law;

b/ Violation of the provisions of Clause 5, Article 12 of the Bidding Law. Specifically:

Compilation, appraisal or approval by organizations or individuals of bidding dossiers for procurement, construction and installation bidding packages or bidding packages for selection of general construction contractors which state specific requirements on goods' trademarks or origins.

c/ Violation of the provisions of Clause 9, Article 12 of the Bidding Law by individuals on the side of investors, bid solicitors, teams of bidding experts, bidding consultants or appraising agencies or organizations involved in bidding;

d/ Violation of the provisions of Clause 6, Article 12 of the Bidding Law;

e/ Violation of the provisions of Clause 7, Article 12 of the Bidding Law, specifically:

Permission by investment deciders for the division of projects into bidding packages in contravention of the provisions of Clause 4, Article 6 of the Bidding Law for appointment of contractors or creation of opportunities for a small number of contractors to participate in bidding;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Acceptance and offer by investors and bid solicitors of bid-wining requests to contractors participating in goods procurement or construction and installation for bidding packages under projects for which those contractors have earlier provided consultancy services, except for EPC bidding packages, bidding packages for selection of general engineering and construction contractors or general turn-key contractors;

g/ Violation of the provisions of Clause 10, Article 12 of the Bidding Law, specifically:

Failure to withdraw from assigned tasks by individuals who directly participate in organizing bidding or evaluating bids under assignment by investors, bid solicitors, members of teams of bidding experts, bidding consultants; individuals directly involved in the appraisal of contractor-selection results under assignment by appraising agencies or organizations and signers of decisions on contractor-selection results when the signees of applications for bidding participation are their relatives (biological parents, parents in law, wives or husbands, biological children, adopted children, daughters or sons in law or siblings);

h/ Violation of the provisions of Clause 11, Article 12 of the Bidding Law, specifically:

Causing of difficulties by organizations or individuals on the side of bid solicitors, investors, state treasuries, financial management agencies, banks or before-acceptance testing bodies in the procedures of payment and settlement under contracts signed between investors and contractors;

i/ Violation of the provisions of Clause 13, Article 12 of the Bidding Law, specifically:

- Signing of the bidding-participation application for a bidding package under a project of an agency or organization by an individual within 1 year after he/she stops working for that agency or organization;

- Decision to select the bid-wining contractor with the person who signs the bidding-participation application for a project of the agency or organization at which that person has stopped working under a decision for less than one year;

j/ Violation of provisions of Clause 16, Article 12 of the Bidding Law, specifically:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



k/ Violation of the provisions of Clause 17, Article 12 of the Bidding Law, specifically:

- Approval by investment deciders of bidding plans to permit the selection of contractors when sources of capital for execution of bidding packages have not yet been identified;

- Approval by investment deciders of contractor-selection results without credit commitments though it is permitted in bidding plans that capital sources for bidding packages are arranged by contractors.

2. A ban from participation in bidding activities for between 1 and 3 years is imposed for one of the following violations:

a/ Violation of the provisions of Clause 2, Article 12 of the Bidding Law, specifically:

- Abuse by individuals of their powers or influence to force investors, bid solicitors, teams of bidding experts, bidding consultants, agencies or organizations appraising contractor-selection results to propose bid-wining contractors at variance with the requirements of bidding dossiers and evaluation criteria already mentioned in bidding dossiers;

- Intentional reporting by individuals directly evaluating bids or appraising contractor-selection results of wrong or untruthful information which distorts contractor-selection results, the conclusion and performance of contracts;

- Intentional supply by contractors of untruthful information in their bids, which distorts contractor-selection results, the conclusion and performance of contracts.

b/ Violation of the provisions of Clause 14, Article 12 of the Bidding Law, specifically:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Permission by contractors for others to use their names, signatures or seals; use by contractors of the names, signatures or seals of other contractors to create a partnership for participation in bidding and, after winning bids, failure to comply with the written partnership agreements, except where it is otherwise provided for by contracts;

- Transfer by contractors to others of 10% or more of the value of work volume they have to perform (excluding the work volumes undertaken by subcontractors) under signed contracts, except for cases of justifiable reasons permitted by investment deciders;

- Agreement by investors or supervision consultants for contractors to transfer certain work volumes without permission of investment deciders, except for those volumes which fall under responsibilities of subcontractors as stated in contracts.

c/ Violation of the provisions of Clause 15, Article 12 of the Bidding Law.

3. A ban from participation in bidding activities for between 3 and 5 years is imposed for one of the following violations:

a/ Violation of the provisions of Clause 1, Article 12 of the Bidding Law;

b/ Violation of the provisions of Clause 3, Article 12 of the Bidding Law;

c/ Violation of the provisions of Clause 12, Article 12 of the Bidding Law.

4. Organizations or individuals subject to caution for 5 consecutive times shall be banned from participation in bidding activities for 6 months. When they continue commit violations of bidding law, they shall, for every two times more of violation, be banned from participation in bidding activities for 1, 2 or 3 years correspondingly.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



OTHER ISSUES

Article 54.- Forms of bidding document

1. Forms of bidding document include the form of dossier of invitation for pre-qualification for procurement or construction and installation bidding packages; the form of bidding dossier and the form of report on evaluation of bids for consultancy service, procurement or construction and installation bidding packages and bidding packages for selection of general construction contractors.

2. The Ministry of Planning and Investment shall issue forms of bidding document.

Article 55.- Warranty

1. Contractors shall provide work warranty if contracts between them and investors cover the construction or provide goods warranty if contracts between them and investors cover the goods procurement under the provisions of law.

2. The contents of warranty, warranty time limit, relevant expenses and responsibilities of concerned parties (investors and contractors) must be stated in contracts.

Article 56.- Professional bidding organizations

Professional bidding organizations defined in Clause 3, Article 9 of the Bidding Law mean organizations established and operating under the enterprise law, the bidding law or relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The bidding circumstances prescribed in Article 70 of the Bidding Law are handled as follows:

1. When it is necessary to adjust bidding package prices or contents, except for cases prescribed in Clause 6 of this Article, investors shall carry out procedures to adjust bidding plans according to the provisions of law before bid-opening time.

2. When cost estimates of bidding packages are lower than their approved prices, those cost estimates will substitute bidding-package prices to serve as a basis for consideration of contractor-selection results; when cost estimates of bidding packages are higher than their approved prices, investors shall report thereon in writing to investment deciders for consideration and decision of adjustment of bidding-package prices within the bidding plans in order to ensure legal grounds for consideration of contractor-selection results.

3. When by the bid-closing time less than 3 contractors have submitted bids, bid solicitors shall immediately report on the bidding process to investment deciders or the authorized persons for consideration and handling within no more than 2 hours so that the latter may permit the extension of bid-closing time to increase the number of bids or permit the opening and evaluation of submitted bids. When bids fall under the approving competence of the Prime Minister, these circumstances shall be handled by ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government-attached agencies or heads of other central agencies, presidents of provincial-level People's Committees or chairmen of the managing boards of enterprises set up under decisions of the Prime Minister in relation to projects.

4. When bidding dossiers permit contractors to make offers for one or different parts of a bidding package, the evaluation of bids and consideration for approval of bid winners shall be conducted part by part but must ensure that the bid-winning prices of bidding packages does not exceed the approved prices of those bidding packages.

5. When bidding dossiers contain abnormal unit prices, which are unfavorable to bid solicitors, bid solicitors may request contractors to make written explanations and clarifications. If contractors' explanations are not clear enough, the abnormalities shall be considered flaws and must be adjusted under regulations as for redundant or deficient offers of bids, in line with the requirements of bidding dossiers according to the provisions of Article 28 of this Decree.

6. When the proposed bid-winning prices of contractors exceed the approved bidding-package prices, investors shall report them in writing to investment deciders or the authorized persons for consideration and decision to permit these contractors to offer other prices or together with the offer of new prices to reconsider the approved bidding-package prices and contents of bidding dossiers if necessary.

7. When only one bid passes the technical evaluation (for procurement, construction and installation bidding packages and bidding packages for selection of general construction contractors, except for those for selection of general engineering contractors), the determination of evaluation prices is not required but the proposed bid-winning prices must be determined to serve as a basis for consideration of bid-winning results.

8. When two bids gain the best evaluation results and are equal (in terms of points or evaluation prices), except for preferential cases prescribed in Clause 2, Article 4 of this Decree, the contractor that requests the lower bid-winning price shall be considered to win bidding.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



10. When the bid-winning prices proposed by investors or appraising agencies are abnormally low or below fifty per cent (50%) of the approved bidding-package prices or cost estimates, before approving the bidding results, investment deciders or authorized persons may put forth appropriate measures such as setting up inter-branch appraising teams for more thorough appraisal of bids of contractors or other appropriate measures in contracts to ensure the feasible performance of those contracts.

In addition to the above-mentioned cases, when new circumstances arise, bid solicitors and investors shall report them to investment deciders or authorized persons for consideration and decision.

Article 58.- Dossiers submitted for approval of contractor-selection results

By considering reports on contractor-selection results and dossiers submitted by bid solicitors for approval, investors shall make reports and submit them to investment deciders or authorized persons for consideration and decision. Dossiers submitted by investors for approval of contractor-selection results comprise reports on contractor-selection results and relevant documents.

1. A report on contractor-selection results covers:

a/ Legal grounds of the selection of contractors;

b/ Contents of the bidding package;

c/ The process of selecting and evaluating bids or dossiers of proposals of contractors;

d/ The request on contractor-selection results, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The proposed bid-winning price or the price proposed for execution of the bidding package (inclusive of taxes, reserves and price slippage, if any);

- The form of the contract;

- The time for performance of the contract.

When a contractor cannot be selected, a subsequent handling solution is required.

2. Relevant documents include:

a/ Copies of the investment decision and documents serving as grounds for making that decision; the business registration certificate, the investment certificate or the establishment decision, the international treaty or agreement (if any); the bidding plan;

b/ The bidding dossier, the dossier of requirements;

c/ The decision on setting up of the bidding expert team, the contract on hiring of bidding consultants or a professional bidding organization;

d/ The list of contractors who have submitted bids, dossiers of proposals and the bid-opening minutes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ The reports on evaluation of bids and dossiers of proposals made by the bidding expert team, bidding consultant or professional bidding organization;

g/ The document approving the contents of the process of selecting contractors according to regulations;

h/ The minutes on negotiation of the contract, for a consultancy service bidding package;

i/ The foreign donor's opinions on the contractor-selection results (if any);

j/ The other relevant documents.

Article 59.- Appraisal of contractor-selection results

1. Appraisal contents:

a/ Checking documents which serve as grounds for the selection of contractors;

b/ Checking the process and time related to the selection of contractors according to regulations: time for publication of bidding information, distribution of bidding dossiers and dossiers of requirements; time for preparation of bids and dossiers of proposals, bid-closing time, bid-opening time, time for evaluation of bids and dossiers of proposals;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Finding out unclear contents in the dossiers submitted for approval of contractor-selection results;

e/ The opinions (if any) which remain different between members of the bidding expert team, the bidding consultants, the professional bidding organization and the contractors.

2. An appraisal report has the following main contents:

a/ An overview of the project and concerned bidding package: the major contents of the project and the bidding package, legal grounds for selection of contractors;

b/ A summary of the process of organizing the execution and proposals of the submitting agency on the contractor-selection results;

c/ Comments on the legal aspect, the implementation process and proposals of the submitting agency;

d/ Opinions on the contractor-selection results or measures for handling the cases where grounds are not sufficient to make conclusions on contractor-selection results.

3. Appraisal reports shall be submitted to investment deciders stated in Clause 2 of this Article and concurrently to investors and bid solicitors.

Article 60.- Management of foreign contractors

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. When performing contracts signed with investors in the Vietnamese territory, foreign contractors shall register their operations with the state agencies according to the provisions of this Article in order to be granted operation registration certificates.

3. A foreign contractor's dossier of registration for operation in Vietnam comprises:

a/ The operation registration paper made by the foreign contractor or a representative of the foreign contractor according to the form issued by the Ministry of Planning and Investment;

b/ A notarized copy of the written notice of contractor-selection results;

c/ A notarized copy of the passport of the contractor who is an individual; a notarized copy of the operation registration granted by the competent agency of the country or territory of which the contractor being an organization bears nationality (enclosed with a notarized Vietnamese or English translation of that registration).

4. The operation registration certificate, for foreign contractors granted such certificates free of charge.

5. The Planning and Investment Service of the province or centrally run city where the foreign contractor is based (hereinafter called the operation registering agency) shall receive and consider that contractor's dossier of registration for operation in Vietnam. Within 5 working days after receiving the complete and valid dossier prescribed in Clause 3 of this Article, the operation-registering agency shall grant operation registration certificate (made according to the form issued by the Ministry of Planning and Investment) to the foreign contractor. It shall concurrently notify the Planning and Investment Services of other localities of the operation registration by that contractor if the bidding package is to be executed in those localities.

When the operation-registering agency refuses to grant the certificate, it shall notify the concerned foreign contractor thereof in writing and state the reasons therefor.

6. An operation registration certificate becomes invalid in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The foreign contractor is suspended from operation, dissolved or bankrupt under the provisions of Vietnamese law or the law of the country or territory of which that contractor bears nationality.

7. When the foreign contractor undertakes different bidding packages in the same duration, that contractor shall make only one dossier of registration for operation in Vietnam whereby the operation term lasts from the commencement of execution of the first bidding package till the accomplishment of the last bidding package.

8. When the foreign contractor has been granted by the operation-registering agency an operation registration certificate which remains valid, if that contractor continues to execute another bidding package in the same locality, that contractor is only required to supply updated information to the operation-registering agency in order to be granted an additional operation registration certificate (according to the form issued by the Ministry of Planning and Investment).

9. Foreign contractors winning bids in construction activities in Vietnam shall comply with the provisions of Clause 4, Article 7 of the Construction Law and the Prime Minister's Decision No. 87/2004/QD-TTg of May 19, 2004, promulgating the Regulation on management of operation of foreign contractors in construction in Vietnam without having to abide by the provisions of Clauses 1 thru 8 of this Article.

Article 61.- Bidding inspection

1. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and organizes bidding inspection throughout the country. Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, other central and local agencies and People's Committees at all levels shall conduct bidding inspection at the units under their management and for investment projects they decide.

2. Bidding inspection is conducted regularly under plans or extraordinarily (in case of problems or requests) under decisions of competent persons of inspection agencies.

3. Contents of bidding inspection include:

a/ Inspecting bidding training and re-training certificates, certificates of professional qualifications of bidding cadres and experts and legal documents related to contractor selection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Legal grounds;

- Contents of bidding plans, rationality of the division of bidding packages and forms of selecting contractors applicable to bidding packages;

- Schedules for execution of bidding packages under the approved bidding plans. The adjustment of bidding plans (if any) and reasons therefor;

- The submission for approval and approval of bidding plans.

c/ Inspecting the selection of contractors for execution of bidding packages according to the following contents:

- Compliance with the approved legal grounds such as bidding plans, bidding dossiers and dossiers of requirements;

- The execution order and time.

d/ Detecting shortcomings in the bidding work and proposing remedies.

4. After the end of an inspection, an inspection report must be made. The inspecting agency shall monitor the remedy of shortcomings listed in the conclusions of the inspection report.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Legal grounds;

b/ Inspection results;

c/ Comments;

d/ Proposals.

Article 62.- Supervision of bidding activities by the community

The supervision of bidding activities by the community complies with the provisions of law on supervision of investment by the community.

Chapter XI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 63.- Implementation guidance

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For bidding packages for which bidding dossiers are distributed after the effective date of the Bidding Law (April 1, 2006), the provisions of the Bidding Law apply. Specifically:

a/ From April 1, 2006, to before the effective date of this Decree, the provisions of the Bidding Law and the guidance in the Ministry of Planning and Investment's Official Letter No. 2820/BKH-QLDT of April 21, 2006, apply;

b/ After this Decree takes effect, the provisions of the Bidding Law and this Decree apply.

3. Bidding information continues to be published in the Bidding Bulletin managed by the Ministry of Planning and Investment until a bidding newspaper comes to the public under the specific guidance of the Ministry of Planning and Investment.

4. The provisions on publication of information on the bidding website, online bidding, certificates of participation in bidding courses, forms of bidding document, forms of operation registration certificates of foreign contractors shall comply with the guidance of the Ministry of Planning and Investment. Dossiers of invitation for pre-qualification and bidding dossiers comply with the provisions of Appendices to this Decree (not printed herein) till detailed forms are issued.

5. The Finance Ministry shall guide the provisions of Clause 2, Article 1 of the Bidding Law regarding projects funded with state capital for asset procurement to maintain regular activities of state agencies, political organizations, socio-political organizations, socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations and people's armed force units.

6. The Ministry of Trade shall guide procedures for import and export of goods by bid-winning contractors.

7. The Ministry of Construction shall, within the ambit of its management, guide the necessary contents on selection of contractors in construction activities in compliance with the provisions of this Decree.

8. Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, other central agencies and provincial-level People's Committees shall, within their management scope, provide detailed guidance on a number of contents of this Decree (if necessary) in compliance with the provisions of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 64.- Implementation effect

This Decree takes effect 15 days after its publication in "CONG BAO." As from the effective date of this Decree, the Government's Decree No. 88/1999/ND-CP of September 1, 1999, Decree No. 14/2000/ND-CP of May 5, 2000, and Decree No. 66/2003/ND-CP of June 12, 2003, cease to be effective. All previous regulations of the Government, ministries, ministerial-level agencies and localities which are contrary to the provisions of the Bidding Law, the Construction Law and this Decree are annulled.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 111/2006/NĐ-CP ngày 29/09/2006 Hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


29.697

DMCA.com Protection Status
IP: 52.167.144.188
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!