Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 88/1999/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 01/09/1999 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 1999

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 88/1999/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẤU THẦU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Xây dựng,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế Đấu thầu, thay thế Quy chế Đấu thầu đã ban hành kèm theo Nghị định số 43/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 và Nghị định số 93/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ trưởng các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịchUỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng Quản trị Tổng công ty Nhà nước và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

QUY CHẾ ĐẤU THẦU

(Ban hành kèm theo Nghị định số: 88/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ)

Quy chế Đấu thầu được ban hành nhằm thống nhất quản lý các hoạt động đấu thầu tuyển chọn tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và lựa chọn đối tác để thực hiện dự án hoặc từng phần dự án trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu, cơ sở và quy trình thực hiện đấu thầu

1. Mục tiêu của công tác đấu thầu là nhằm thực hiện tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong quá trình đấu thầu để lựa chọn nhà thầu phù hợp, bảo đảm hiệu quả kinh tế của dự án.

2. Việc đấu thầu được thực hiện trên cơ sở từng gói thầu.

3. Quy trình đấu thầu bao gồm: chuẩn bị đấu thầu, tổ chức đấu thầu, xét thầu, thẩm định và phê duyệt, công bố trúng thầu, thương thảo hoàn thiện hợp đồng và ký hợp đồng.

Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế đấu thầu áp dụng cho các cuộc đấu thầu được tổ chức và thực hiện tại Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các dự án đầu tư thực hiện theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng có quy định phải thực hiện Quy chế Đấu thầu;

b) Các dự án liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc cổ phần có sự tham gia của các tổ chức kinh tế nhà nước (các doanh nghiệp nhà nước) từ 30% trở lên vào vốn pháp định, vốn kinh doanh hoặc vốn cổ phần;

c) Các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài được thực hiện trên cơ sở nội dung Điều ước được các bên ký kết (các bên tài trợ và bên Việt Nam). Trường hợp có những nội dung trong dự thảo Điều ước khác với Quy chế này thì cơ quan được giao trách nhiệm đàm phán ký kết Điều ước phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi ký kết;

d) Các dự án cần lựa chọn đối tác đầu tư để thực hiện:

Đối với dự án đầu tư trong nước, chỉ thực hiện khi có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng muốn tham gia một dự án;

Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ tổ chức đấu thầu theo Quy chế này khi có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng muốn tham gia một dự án hoặc Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu phải đấu thầu để lựa chọn đối tác đầu tư thực hiện dự án.

đ) Đầu tư mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước; đồ dùng và phương tiện làm việc thông thường của lực lượng vũ trang. Bộ Tài chính quy định chi tiết phạm vi mua sắm, giá trị mua sắm, trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị mua sắm theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này bắt buộc phải áp dụng Quy chế Đấu thầu còn các đối tượng khác chỉ khuyến khích áp dụng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ dùng trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. "Đấu thầu" là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của Bên mời thầu.

2. "Đấu thầu trong nước" là cuộc đấu thầu chỉ có các nhà thầu trong nước tham dự.

3. "Đấu thầu quốc tế" là cuộc đấu thầu có các nhà thầu trong và ngoài nước tham dự.

4. "Xét thầu" là quá trình Bên mời thầu xem xét, phân tích, đánh giá xếp hạng các hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà thầu trúng thầu.

5. "Dự án" là tập hợp những đề xuất để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc, mục tiêu hoặc yêu cầu nào đó. Dự án bao gồm dự án đầu tư và dự án không có tính chất đầu tư.

6. "Dự án đầu tư thuộc nhóm A, B hoặc C" quy định trong Quy chế này được định nghĩa và phân loại trong Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng.

7. "Bên mời thầu" là chủ dự án, chủ đầu tư hoặc pháp nhân đại diện hợp pháp của chủ dự án, chủ đầu tư được giao trách nhiệm thực hiện công việc đấu thầu.

8. "Người có thẩm quyền" là người đứng đầu hoặc người đượcUỷ quyền theo quy định của pháp luật thuộc tổ chức, cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp, cụ thể như sau:

a) Đối với dự án đầu tư, "Người có thẩm quyền" là "Người có thẩm quyền quyết định đầu tư" được quy định tại Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng;

b) Đối với việc mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước; đồ dùng và phương tiện làm việc thông thường của lực lượng vũ trang, "Người có thẩm quyền" là người quyết định việc mua sắm theo quy định của pháp luật;

c) Đối với dự án sử dụng vốn thuộc sở hữu công ty hoặc các hình thức sở hữu khác, "Người có thẩm quyền" là Hội đồng quản trị hoặc người đứng đầu có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

9. "Cấp có thẩm quyền" là tổ chức, cơ quan được "Người có thẩm quyền" giao quyền hoặcUỷ quyền theo quy định của pháp luật.

10. "Nhà thầu" là tổ chức kinh tế có đủ tư cách pháp nhân tham gia đấu thầu. Trong trường hợp đấu thầu tuyển chọn tư vấn, nhà thầu có thể là cá nhân. Nhà thầu là nhà xây dựng trong đấu thầu xây lắp; là nhà cung cấp trong đấu thầu mua sắm hàng hóa; là nhà tư vấn trong đấu thầu tuyển chọn tư vấn; là nhà đầu tư trong đấu thầu lựa chọn đối tác đầu tư. Nhà thầu trong nước là nhà thầu có tư cách pháp nhân Việt Nam và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

11. "Gói thầu" là toàn bộ dự án hoặc một phần công việc của dự án được phân chia theo tính chất kỹ thuật hoặc trình tự thực hiện dự án, có quy mô hợp lý và bảo đảm tính đồng bộ của dự án. Trong trường hợp mua sắm, gói thầu có thể là một hoặc một loại đồ dùng, trang thiết bị hoặc phương tiện. Gói thầu được thực hiện theo một hoặc nhiều hợp đồng (khi gói thầu được chia thành nhiều phần).

12. "Gói thầu quy mô nhỏ" là gói thầu có giá trị dưới 2 tỷ đồng đối với mua sắm hàng hóa hoặc xây lắp.

13. "Tư vấn" là hoạt động đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cho Bên mời thầu trong việc xem xét, quyết định, kiểm tra quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án.

14. "Xây lắp" là những công việc thuộc quá trình xây dựng và lắp đặt thiết bị các công trình, hạng mục công trình.

15. "Hàng hóa" là máy móc, phương tiện vận chuyển, thiết bị (toàn bộ, đồng bộ hoặc thiết bị lẻ), bản quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền sở hữu công nghệ, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng (thành phẩm, bán thành phẩm).

16. "Hồ sơ mời thầu" là toàn bộ tài liệu do Bên mời thầu lập, bao gồm các yêu cầu cho một gói thầu được dùng làm căn cứ để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu và Bên mời thầu đánh giá hồ sơ dự thầu.

"Hồ sơ mời thầu" phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi phát hành.

17. "Hồ sơ dự thầu" là các tài liệu do nhà thầu lập theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

18. "Tổ chuyên gia" là nhóm các chuyên gia, tư vấn do Bên mời thầu thành lập hoặc thuê, có trách nhiệm giúp Bên mời thầu thực hiện các công việc có liên quan trong quá trình đấu thầu.

19. "Đóng thầu" là thời điểm kết thúc việc nộp hồ sơ dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu.

20. "Mở thầu" là thời điểm tổ chức mở các hồ sơ dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu.

21. "Danh sách ngắn" là danh sách các nhà thầu được thu hẹp qua các bước đánh giá. Trong đấu thầu tuyển chọn tư vấn, danh sách ngắn bao gồm các nhà tư vấn được lựa chọn trên cơ sở danh sách dài hoặc từ danh sách các nhà tư vấn đăng ký để tham dự thầu.

22. "Thẩm định" là công việc kiểm tra và đánh giá của các cơ quan có chức năng thẩm định về kế hoạch đấu thầu của dự án, kết quả đấu thầu các gói thầu, cũng như các tài liệu đấu thầu liên quan trước khi người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.

23. "Giá gói thầu" là giá được xác định cho từng gói thầu trong kế hoạch đấu thầu của dự án trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán, dự toán được duyệt. Trong trường hợp đấu thầu tuyển chọn tư vấn chuẩn bị dự án, giá gói thầu phải được người có thẩm quyền chấp thuận trước khi tổ chức đấu thầu.

24. "Giá dự thầu" là giá do nhà thầu ghi trong hồ sơ dự thầu sau khi đã trừ phần giảm giá (nếu có) bao gồm toàn bộ các chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu.

25. "Giá đánh giá" là giá dự thầu đã sửa lỗi và hiệu chỉnh các sai lệch (nếu có), được quy đổi về cùng mặt bằng (kỹ thuật, tài chính, thương mại và các nội dung khác) để làm cơ sở so sánh giữa các hồ sơ dự thầu.

26. "Sửa lỗi" là việc sửa chữa những sai sót nhằm chuẩn xác hồ sơ dự thầu bao gồm lỗi số học, lỗi đánh máy, lỗi chính tả, lỗi nhầm đơn vị và do Bên mời thầu thực hiện để làm căn cứ cho việc đánh giá.

27. "Hiệu chỉnh các sai lệch" là việc bổ sung hoặc điều chỉnh những nội dung còn thiếu hoặc thừa trong hồ sơ dự thầu so với các yêu cầu của hồ sơ mời thầu cũng như bổ sung hoặc điều chỉnh những khác biệt giữa các phần của hồ sơ dự thầu và do Bên mời thầu thực hiện.

28. "Giá đề nghị trúng thầu" là giá do Bên mời thầu đề nghị trên cơ sở giá dự thầu của nhà thầu được đề nghị trúng thầu sau khi sửa lỗi và hiệu chỉnh các sai lệch theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

29. "Giá trúng thầu" là giá được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu để làm căn cứ cho Bên mời thầu thương thảo hoàn thiện và ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu.

Giá trúng thầu không được lớn hơn giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt.

30. "Giá ký hợp đồng" là giá được Bên mời thầu và nhà thầu trúng thầu thỏa thuận sau khi thương thảo hoàn thiện hợp đồng và phù hợp với kết quả trúng thầu.

31. "Kết quả đấu thầu" là nội dung phê duyệt của người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền về tên nhà thầu trúng thầu, giá trúng thầu và loại hợp đồng.

32. "Thương thảo hoàn thiện hợp đồng" là quá trình tiếp tục thương thảo hoàn chỉnh nội dung chi tiết của hợp đồng với nhà thầu trúng thầu để ký kết.

33. "Bảo lãnh dự thầu" là việc nhà thầu đặt một khoản tiền (tiền mặt, séc, bảo lãnh của ngân hàng hoặc hình thức tương đương) vào một địa chỉ với một thời gian xác định theo quy định trong hồ sơ mời thầu để đảm bảo trách nhiệm của nhà thầu đối với hồ sơ dự thầu.

34. "Bảo lãnh thực hiện hợp đồng" là việc nhà thầu trúng thầu đặt một khoản tiền (tiền mặt, séc, bảo lãnh của ngân hàng hoặc hình thức tương đương) vào một địa chỉ với một thời gian xác định theo quy định trong hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu để đảm bảo trách nhiệm thực hiện hợp đồng đã ký.

Điều 4. Hình thức lựa chọn nhà thầu

1. Đấu thầu rộng rãi:

Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu không hạn chế số lượng nhà thầu tham gia. Bên mời thầu phải thông báo công khai về các điều kiện, thời gian dự thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng tối thiểu 10 ngày trước khi phát hành hồ sơ mời thầu. Đấu thầu rộng rãi là hình thức chủ yếu được áp dụng trong đấu thầu.

2. Đấu thầu hạn chế:

Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà Bên mời thầu mời một số nhà thầu (tối thiểu là 5) có đủ năng lực tham dự. Danh sách nhà thầu tham dự phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận. Hình thức này chỉ được xem xét áp dụng khi có một trong các điều kiện sau:

a) Chỉ có một số nhà thầu có khả năng đáp ứng được yêu cầu của gói thầu;

b) Các nguồn vốn sử dụng yêu cầu phải tiến hành đấu thầu hạn chế;

c) Do tình hình cụ thể của gói thầu mà việc đấu thầu hạn chế có lợi thế.

3. Chỉ định thầu:

Chỉ định thầu là hình thức chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu để thương thảo hợp đồng.

Hình thức này chỉ được áp dụng trong các trường hợp đặc biệt sau:

a) Trường hợp bất khả kháng do thiên tai địch họa, được phép chỉ định ngay đơn vị có đủ năng lực để thực hiện công việc kịp thời. Sau đó phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung chỉ định thầu để xem xét phê duyệt;

b) Gói thầu có tính chất nghiên cứu thử nghiệm, bí mật quốc gia, bí mật an ninh, bí mật quốc phòng do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

c) Gói thầu đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trên cơ sở báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài trợ vốn và các cơ quan có liên quan.

Trong báo cáo đề nghị chỉ định thầu phải xác định rõ ba nội dung sau:

Lý do chỉ định thầu;

Kinh nghiệm và năng lực về mặt kỹ thuật, tài chính của nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu;

Giá trị và khối lượng đã được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ cho chỉ định thầu.

4. Chào hàng cạnh tranh:

Hình thức này được áp dụng cho những gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị dưới 2 tỷ đồng. Mỗi gói thầu phải có ít nhất 3 chào hàng của 3 nhà thầu khác nhau trên cơ sở yêu cầu chào hàng của Bên mời thầu. Việc gửi chào hàng có thể được thực hiện bằng cách gửi trực tiếp, bằng fax, bằng đường bưu điện hoặc bằng các phương tiện khác.

5. Mua sắm trực tiếp:

Trên cơ sở tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 4 của Quy chế này, hình thức mua sắm trực tiếp được áp dụng trong trường hợp bổ sung hợp đồng cũ đã thực hiện xong (dưới một năm) hoặc hợp đồng đang thực hiện với điều kiện chủ đầu tư có nhu cầu tăng thêm số lượng hàng hóa hoặc khối lượng công việc mà trước đó đã được tiến hành đấu thầu, nhưng phải đảm bảo không được vượt mức giá hoặc đơn giá trong hợp đồng đã ký trước đó. Trước khi ký hợp đồng, nhà thầu phải chứng minh có đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính để thực hiện gói thầu.

6. Tự thực hiện:

Hình thức này chỉ được áp dụng đối với các gói thầu mà chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 4 của Quy chế này (ngoài phạm vi quy định tại Điều 63 của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng).

7. Mua sắm đặc biệt:

Hình thức này được áp dụng đối với các ngành hết sức đặc biệt mà nếu không có những quy định riêng thì không thể đấu thầu được. Cơ quan quản lý ngành phải xây dựng quy trình thực hiện đảm bảo các mục tiêu của Quy chế Đấu thầu và có ý kiến thỏa thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 5. Phương thức đấu thầu

1. Đấu thầu một túi hồ sơ: Là phương thức mà nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu trong một túi hồ sơ. Phương thức này được áp dụng đối với đấu thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp.

2. Đấu thầu hai túi hồ sơ: Là phương thức mà nhà thầu nộp đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về giá trong từng túi hồ sơ riêng vào cùng một thời điểm. Túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật sẽ được xem xét trước để đánh giá. Các nhà thầu đạt số điểm kỹ thuật từ 70% trở lên sẽ được mở tiếp túi hồ sơ đề xuất về giá để đánh giá. Phương thức này chỉ được áp dụng đối với đấu thầu tuyển chọn tư vấn.

3. Đấu thầu hai giai đoạn:

Phương thức này áp dụng cho những trường hợp sau:

Các gói thầu mua sắm hàng hoá và xây lắp có giá từ 500 tỷ đồng trở lên;

Các gói thầu mua sắm hàng hóa có tính chất lựa chọn công nghệ thiết bị toàn bộ, phức tạp về công nghệ và kỹ thuật hoặc gói thầu xây lắp đặc biệt phức tạp;

Dự án thực hiện theo hợp đồng chìa khóa trao tay.

Quá trình thực hiện phương thức này như sau:

a) Giai đoạn thứ nhất: các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu sơ bộ gồm đề xuất về kỹ thuật và phương án tài chính (chưa có giá) để Bên mời thầu xem xét và thảo luận cụ thể với từng nhà thầu, nhằm thống nhất về yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật để nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu chính thức của mình;

b) Giai đoạn thứ hai: Bên mời thầu mời các nhà thầu tham gia trong giai đoạn thứ nhất nộp hồ sơ dự thầu chính thức với đề xuất kỹ thuật đã được bổ sung hoàn chỉnh trên cùng một mặt bằng kỹ thuật và đề xuất chi tiết về tài chính với đầy đủ nội dung về tiến độ thực hiện, điều kiện hợp đồng, giá dự thầu.

Điều 6. Hợp đồng

1. Bên mời thầu và nhà thầu trúng thầu phải ký kết hợp đồng bằng văn bản. Hợp đồng phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Tuân thủ các quy định hiện hành của luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về hợp đồng. Trường hợp luật pháp Việt Nam chưa có quy định thì phải xin phép Thủ tướng Chính phủ trước khi ký kết hợp đồng;

b) Nội dung hợp đồng phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt (chỉ bắt buộc đối với các hợp đồng sẽ ký với nhà thầu nước ngoài hoặc các hợp đồng sẽ ký với nhà thầu trong nước mà kết quả đấu thầu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

2. Căn cứ thời hạn và tính chất của gói thầu được quy định trong kế hoạch đấu thầu, hợp đồng được thực hiện theo một trong các loại sau:

a) Hợp đồng trọn gói là hợp đồng theo giá khoán gọn, được áp dụng cho những gói thầu được xác định rõ về số lượng, yêu cầu về chất lượng và thời gian. Trường hợp có những phát sinh ngoài hợp đồng nhưng không do nhà thầu gây ra thì sẽ được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

b) Hợp đồng chìa khóa trao tay là hợp đồng bao gồm toàn bộ các công việc thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp của một gói thầu được thực hiện thông qua một nhà thầu. Chủ đầu tư có trách nhiệm tham gia giám sát quá trình thực hiện, nghiệm thu và nhận bàn giao khi nhà thầu hoàn thành toàn bộ công trình theo hợp đồng đã ký;

c) Hợp đồng có điều chỉnh giá là hợp đồng áp dụng cho những gói thầu mà tại thời điểm ký kết hợp đồng không đủ điều kiện xác định chính xác về số lượng và khối lượng hoặc có biến động lớn về giá cả do chính sách của Nhà nước thay đổi và hợp đồng có thời gian thực hiện trên 12 tháng. Việc thực hiện hợp đồng có điều chỉnh giá phải tuân theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này.

Điều 7. Điều chỉnh giá trị hợp đồng

Việc điều chỉnh giá trị hợp đồng chỉ được thực hiện khi:

1. Trong hồ sơ mời thầu được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt có quy định cụ thể điều kiện, giới hạn các phần việc hoặc hạng mục được điều chỉnh và công thức điều chỉnh giá.

2. Được các bên liên quan xác nhận, được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền cho phép, áp dụng trong các trường hợp sau:

a) Khi có những khối lượng, số lượng phát sinh (tăng hoặc giảm) không phải do nhà thầu gây ra;

b) Khi có sự biến động về giá do chính sách của Nhà nước thay đổi đối với các yếu tố nhân công, nguyên vật liệu và thiết bị của những hợp đồng có điều chỉnh giá với thời gian thực hiện trên 12 tháng. Trượt giá chỉ được tính từ tháng thứ 13 kể từ thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng.

3. Giá trị của hợp đồng sau khi điều chỉnh không được vượt tổng dự toán, dự toán hoặc giá gói thầu xác định trong kế hoạch đấu thầu đã được duyệt. Tổng giá trị điều chỉnh và giá trị các hợp đồng thuộc dự án không được vượt tổng mức đầu tư được duyệt.

Điều 8. Kế hoạch đấu thầu của dự án

1. Kế hoạch đấu thầu của dự án do Bên mời thầu lập theo quy chế này và phải được người có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch đấu thầu của toàn bộ dự án, Bên mời thầu có thể lập kế hoạch đấu thầu cho từng phần của dự án theo giai đoạn thực hiện nhưng phải được người có thẩm quyền cho phép.

2. Nội dung kế hoạch đấu thầu của dự án bao gồm:

a) Phân chia dự án thành các gói thầu;

b) Giá gói thầu và nguồn tài chính;

c) Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu thầu áp dụng đối với từng gói thầu;

d) Thời gian tổ chức đấu thầu cho từng gói thầu;

đ) Loại hợp đồng cho từng gói thầu;

e) Thời gian thực hiện hợp đồng.

Điều 9. Điều kiện thực hiện đấu thầu

1. Việc tổ chức đấu thầu chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

a) Văn bản quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư của người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền;

b) Kế hoạch đấu thầu đã được người có thẩm quyền phê duyệt;

c) Hồ sơ mời thầu đã được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong trường hợp đấu thầu tuyển chọn tư vấn thực hiện công việc chuẩn bị dự án hoặc đấu thầu lựa chọn đối tác để thực hiện dự án, điều kiện tổ chức đấu thầu là có văn bản chấp thuận của người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền và hồ sơ mời thầu được duyệt.

2. Nhà thầu tham gia dự thầu phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Có giấy đăng ký kinh doanh. Đối với đấu thầu mua sắm thiết bị phức tạp được quy định trong hồ sơ mời thầu, ngoài giấy đăng ký kinh doanh, phải có giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất;

b) Có đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính đáp ứng yêu cầu của gói thầu;

c) Chỉ được tham gia một đơn dự thầu trong một gói thầu, dù là đơn phương hay liên danh dự thầu. Trường hợp Tổng công ty đứng tên dự thầu thì các đơn vị trực thuộc không được phép tham dự với tư cách là nhà thầu độc lập trong cùng một gói thầu.

3. Bên mời thầu không được tham gia với tư cách là nhà thầu đối với các gói thầu do mình tổ chức.

Điều 10. Điều kiện đấu thầu quốc tế và ưu đãi nhà thầu

1. Chỉ được tổ chức đấu thầu quốc tế trong các trường hợp sau:

a) Đối với gói thầu mà không có nhà thầu nào trong nước có khả năng đáp ứng yêu cầu của gói thầu;

b) Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài có quy định trong Điều ước là phải đấu thầu quốc tế.

2. Nhà thầu nước ngoài khi tham dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam hoặc phải liên danh với nhà thầu Việt Nam, hoặc phải cam kết sử dụng thầu phụ Việt Nam, nhưng phải nêu rõ sự phân chia giữa các bên về phạm vi công việc, khối lượng và đơn giá tương ứng.

3. Nhà thầu nước ngoài trúng thầu phải thực hiện cam kết về tỷ lệ % khối lượng công việc cùng với đơn giá tương ứng dành cho phía Việt Nam là liên danh hoặc thầu phụ như đã nêu trong hồ sơ dự thầu. Trong khi thương thảo hoàn thiện hợp đồng, nếu nhà thầu nước ngoài trúng thầu không thực hiện các cam kết nêu trong hồ sơ dự thầu thì kết quả đấu thầu sẽ bị hủy bỏ.

4. Các nhà thầu tham gia đấu thầu ở Việt Nam phải cam kết mua sắm và sử dụng các vật tư thiết bị phù hợp về chất lượng và giá cả, đang sản xuất, gia công hoặc hiện có tại Việt Nam.

5. Trong trường hợp hai hồ sơ dự thầu của nhà thầu nước ngoài được đánh giá ngang nhau, hồ sơ dự thầu có tỷ lệ công việc dành cho phía Việt Nam (là liên danh hoặc thầu phụ) cao hơn sẽ được chấp nhận.

6. Nhà thầu trong nước tham dự đấu thầu quốc tế (đơn phương hoặc liên danh) được xét ưu tiên khi hồ sơ dự thầu được đánh giá tương đương với các hồ sơ dự thầu của nhà thầu nước ngoài.

7. Trường hợp hai hồ sơ dự thầu được đánh giá ngang nhau, sẽ ưu tiên hồ sơ dự thầu có tỷ lệ nhân công nhiều hơn.

8. Nhà thầu trong nước tham gia đấu thầu quốc tế sẽ được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Làm rõ hồ sơ dự thầu

Các nhà thầu không được phép thay đổi hồ sơ dự thầu sau khi đã đóng thầu. Trong quá trình đánh giá các hồ sơ dự thầu, Bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu làm rõ một số nội dung của hồ sơ dự thầu dưới hình thức trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các nhà thầu, không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu và không thay đổi giá dự thầu. Những đề nghị làm rõ của Bên mời thầu, những ý kiến trả lời của nhà thầu đều phải thể hiện bằng văn bản và được Bên mời thầu lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu và thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu

1. Trong hồ sơ mời thầu phải ghi rõ thời điểm đóng thầu và thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu. Căn cứ quy mô và sự phức tạp của gói thầu, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 15 ngày đối với đấu thầu trong nước (7 ngày đối với gói thầu quy mô nhỏ) và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu.

Trường hợp đặc biệt, cần sửa đổi một số nội dung trong hồ sơ mời thầu khi chưa đến hạn đóng thầu, Bên mời thầu có thể gia hạn thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Nội dung yêu cầu sửa đổi hồ sơ mời thầu phải được gửi bằng văn bản tới tất cả các nhà thầu đã tham gia dự thầu trước thời điểm đóng thầu đã quy định, ít nhất là 10 ngày để nhà thầu có đủ thời gian hoàn chỉnh hồ sơ dự thầu.

2. Thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa không quá 180 ngày kể từ thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần gia hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu, Bên mời thầu phải thông báo cho các nhà thầu sau khi được phép của người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền. Nếu nhà thầu không chấp nhận thì được hoàn trả tiền bảo lãnh dự thầu.

Điều 13. Mở thầu, xét thầu, trình duyệt và công bố kết quả đấu thầu

1. Mở thầu:

Sau khi tiếp nhận nguyên trạng các hồ sơ dự thầu nộp đúng hạn và được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ "Mật", việc mở thầu được tiến hành công khai theo ngày, giờ và địa điểm ghi trong hồ sơ mời thầu và không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu (trừ ngày nghỉ theo quy định của pháp luật).

Biên bản mở thầu bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Tên gói thầu;

b) Ngày, giờ, địa điểm mở thầu;

c) Tên và địa chỉ các nhà thầu;

d) Giá dự thầu, bảo lãnh dự thầu và tiến độ thực hiện;

đ) Các nội dung liên quan khác.

Đại diện của Bên mời thầu và các nhà thầu được mời tham dự phải ký vào biên bản mở thầu.

Bản gốc hồ sơ dự thầu sau khi mở thầu phải được Bên mời thầu ký xác nhận từng trang trước khi tiến hành đánh giá và quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ "Mật" để làm cơ sở pháp lý cho việc đánh giá và xem xét.

2. Xét thầu:

Bên mời thầu tiến hành nghiên cứu, đánh giá chi tiết và xếp hạng các hồ sơ dự thầu đã được mở căn cứ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi mở thầu. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Sử dụng phương pháp chấm điểm đối với việc đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu tư vấn, gói thầu đấu thầu lựa chọn đối tác, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, đánh giá về mặt kỹ thuật đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa hoặc xây lắp;

b) Sử dụng phương pháp giá đánh giá đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa hoặc xây lắp theo hai bước sau:

- Bước 1: Sử dụng thang điểm đánh giá về mặt kỹ thuật để chọn danh sách ngắn (là danh sách các nhà thầu đáp ứng cơ bản hồ sơ mời thầu căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá);

- Bước 2: Xác định giá đánh giá đối với các hồ sơ dự thầu thuộc danh sách ngắn để xếp hạng.

c) Không sử dụng giá xét thầu, giá sàn mà sử dụng giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt.

3. Phê duyệt và công bố kết quả đấu thầu:

Kết quả đấu thầu phải do người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên mời thầu chỉ được phép công bố kết quả đấu thầu sau khi đã được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 14. Đồng tiền, thuế và ngôn ngữ trong đấu thầu

1. Đồng tiền dự thầu do Bên mời thầu quy định trong hồ sơ mời thầu theo nguyên tắc một đồng tiền cho một khối lượng chào hàng.

Trong quá trình đánh giá so sánh hồ sơ dự thầu, tỷ giá quy đổi giữa đồng tiền Việt Nam và đồng tiền nước ngoài được xác định theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm mở thầu.

2. Hồ sơ mời thầu phải quy định rõ các loại thuế theo các quy định của pháp luật để nhà thầu có căn cứ tính toán giá dự thầu của mình.

3. Ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu là tiếng Việt đối với đấu thầu trong nước; tiếng Việt, tiếng Anh đối với đấu thầu quốc tế.

Điều 15. Trách nhiệm của Bên mời thầu

Ngoài nhiệm vụ lập và trình duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án quy định tại Điều 8 của Quy chế này, Bên mời thầu có trách nhiệm thực hiện đấu thầu theo kế hoạch đấu thầu được duyệt hoặc văn bản chấp thuận của người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền và theo trình tự tổ chức đấu thầu quy định tại các Điều 20, 22, 33, 45 và 47 của Quy chế này, bao gồm:

1. Thành lập Tổ chuyên gia hoặc thuê tư vấn giúp việc đấu thầu trên cơ sở chấp thuận của người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền;

2. Tổng hợp quá trình đấu thầu và trình kết quả đấu thầu lên người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền để xem xét phê duyệt;

3. Công bố trúng thầu, thương thảo hoàn thiện hợp đồng;

4. Trình duyệt nội dung hợp đồng (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Quy chế này) và ký hợp đồng.

Điều 16. Thành phần, tiêu chuẩn, trách nhiệm và quyền hạn của Tổ chuyên gia

1. Thành phần Tổ chuyên gia:

Tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của từng gói thầu, thành phần Tổ chuyên gia bao gồm các chuyên gia về:

a) Kỹ thuật, công nghệ;

b) Kinh tế, tài chính;

c) Pháp lý và các vấn đề khác (nếu cần).

Tổ trưởng Tổ chuyên gia do Bên mời thầu quyết định và được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận, có trách nhiệm điều hành công việc, tổng hợp và chuẩn bị các báo cáo đánh giá hoặc tài liệu có liên quan khác.

2. Tiêu chuẩn đối với thành viên Tổ chuyên gia:

a) Có trình độ chuyên môn liên quan đến gói thầu;

b) Am hiểu về các nội dung cụ thể của gói thầu;

c) Có kinh nghiệm trong công tác quản lý thực tế hoặc nghiên cứu;

d) Am hiểu quy trình đấu thầu.

3. Tổ chuyên gia có các trách nhiệm và quyền hạn sau:

a) Chuẩn bị các tài liệu pháp lý, soạn thảo hồ sơ mời thầu;

b) Tiếp nhận và quản lý hồ sơ dự thầu;

c) Phân tích, đánh giá, so sánh và xếp hạng các hồ sơ dự thầu theo tiêu chuẩn đánh giá được nêu trong hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá chi tiết được duyệt trước khi mở thầu;

d) Tổng hợp tài liệu về quá trình đánh giá xét chọn nhà thầu và lập báo cáo xét thầu;

đ) Có trách nhiệm phát biểu trung thực, khách quan ý kiến của mình bằng văn bản với Bên mời thầu trong quá trình phân tích, đánh giá, xếp hạng các hồ sơ dự thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình. Được quyền bảo lưu ý kiến để cấp trên xem xét;

e) Có trách nhiệm bảo mật thông tin, không được cộng tác với nhà thầu dưới bất kỳ hình thức nào;

g) Không được tham gia thẩm định kết quả đấu thầu.

Chương 2:

ĐẤU THẦU TUYỂN CHỌN TƯ VẤN

Điều 17. Nội dung công tác tư vấn

1. Tư vấn chuẩn bị dự án:

a) Lập quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển;

b) Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

c) Lập báo cáo nghiên cứu khả thi;

d) Đánh giá báo cáo lập quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi.

2. Tư vấn thực hiện dự án:

a) Khảo sát;

b) Lập thiết kế, tổng dự toán và dự toán;

c) Đánh giá, thẩm tra thiết kế và tổng dự toán, dự toán (nếu có);

ưd) Lập hồ sơ mời thầu;

đ) Phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu;

e) Giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị.

3. Các tư vấn khác:

a) Quản lý dự án, thu xếp tài chính;

b) Điều hành thực hiện dự án;

c) Đào tạo, chuyển giao công nghệ và các công việc khác.

Nhà tư vấn không được tham gia đánh giá kết quả công việc do mình thực hiện và không được tham gia đấu thầu thực hiện các gói thầu mua sắm hàng hoá và xây lắp do mình làm tư vấn (trừ các gói thầu thực hiện theo loại hợp đồng chìa khoá trao tay).

Điều 18. Loại hình tư vấn

Loại hình tư vấn bao gồm:

1. Các tổ chức tư vấn của Chính phủ hoặc phi Chính phủ hoạt động theo quy định của pháp luật;

2. Các chuyên gia hoạt động độc lập hoặc thuộc một tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Yêu cầu đối với nhà tư vấn

1. Nhà tư vấn phải có đủ trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Chuyên gia tư vấn phải có chứng chỉ, bằng cấp xác nhận trình độ chuyên môn phù hợp.

2. Nhà tư vấn phải chịu trách nhiệm trước Bên mời thầu về tính đúng đắn, chính xác, khách quan đối với công tác chuyên môn và hoàn thành công việc theo hợp đồng đã ký.

Điều 20. Trình tự tổ chức đấu thầu

Việc tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn được thực hiện theo trình tự sau:

1. Lập hồ sơ mời thầu, bao gồm:

a) Thư mời thầu;

b) Điều khoản tham chiếu (mục đích, phạm vi công việc, tiến độ, nhiệm vụ và trách nhiệm của tư vấn, trách nhiệm của Bên mời thầu và các nội dung liên quan khác);

c) Các thông tin cơ bản có liên quan;

d) Tiêu chuẩn đánh giá;

đ) Các điều kiện ưu đãi (nếu có);

e) Các phụ lục chi tiết kèm theo.

2. Thông báo đăng ký dự thầu:

Thông báo đăng ký dự thầu được thực hiện trên các phương tiện thông tin thích hợp hoặc gửi trực tiếp cho các nhà thầu do các cơ quan hoặc tổ chức có liên quan cung cấp thông tin giới thiệu.

3. Xác định danh sách ngắn:

a) Việc xác định danh sách ngắn được thực hiện theo các tiêu chuẩn lựa chọn đã được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận;

b) Danh sách ngắn này phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Mời thầu:

Bên mời thầu cung cấp hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu trong danh sách ngắn.

5. Nhận và quản lý hồ sơ dự thầu:

Bên mời thầu chỉ nhận hồ sơ dự thầu nộp đúng hạn theo quy định của hồ sơ mời thầu và quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ "Mật".

6. Mở túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật:

Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy chế này.

7. Đánh giá đề xuất kỹ thuật:

Thực hiện theo các tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá chi tiết được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm mở túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật.

8. Mở túi hồ sơ đề xuất tài chính:

Mở đồng thời túi hồ sơ đề xuất tài chính của các nhà thầu đạt từ 70% tổng số điểm về kỹ thuật trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy chế này.

9. Đánh giá tổng hợp:

Việc cho điểm để xếp hạng phải căn cứ vào cơ cấu điểm giữa kỹ thuật và giá trên cùng một mặt bằng đã nêu trong hồ sơ mời thầu; tỷ trọng điểm về giá không vượt 30% tổng số điểm.

10. Trình duyệt danh sách xếp hạng các nhà thầu.

11. Thương thảo hợp đồng:

Bên mời thầu mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất đến thương thảo hợp đồng. Trường hợp không thành công, Bên mời thầu sẽ mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo đến thương thảo nhưng phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Công việc đấu thầu quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều này do Bên mời thầu thực hiện hoặc thuê chuyên gia thực hiện.

12. Trình duyệt kết quả đấu thầu.

13. Công bố trúng thầu và thương thảo hoàn thiện hợp đồng:

Bên mời thầu thông báo kết quả đấu thầu được phê duyệt cho các nhà thầu tham gia dự thầu, tiến hành thương thảo hoàn thiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu.

14. Trình duyệt nội dung hợp đồng (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Quy chế này) và ký hợp đồng.

Điều 21. Chi phí tư vấn

1. Chi phí tư vấn nước ngoài bao gồm:

a) Tiền trả cho chuyên gia tư vấn gồm lương cơ bản, phí xã hội, phí quản lý, lãi công ty và phụ cấp khác của chuyên gia;

b) Các chi phí ngoài lương gồm vé máy bay, phụ cấp công tác, văn phòng phẩm, thông tin, trang thiết bị làm việc, đào tạo và chi phí khác;

c) Các loại thuế theo quy định của pháp luật;

d) Dự phòng phí:

Dự phòng phí được xác định theo các quy định hiện hành và chỉ được sử dụng khi có sự chấp thuận của người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền.

2. Chi phí tư vấn trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

ĐẤU THẦU MUA SẮM HÀNG HÓA

Điều 22. Trình tự tổ chức đấu thầu

Việc tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hóa được thực hiện theo trình tự sau:

1. Sơ tuyển nhà thầu (nếu có);

2. Lập hồ sơ mời thầu;

3. Gửi thư mời thầu hoặc thông báo mời thầu;

4. Nhận và quản lý hồ sơ dự thầu;

5. Mở thầu;

6. Đánh giá, xếp hạng nhà thầu;

Công việc tổ chức đấu thầu quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này do Bên mời thầu thực hiện hoặc thuê chuyên gia thực hiện.

7. Trình duyệt kết quả đấu thầu;

8. Công bố trúng thầu, thương thảo hoàn thiện hợp đồng;

9. Trình duyệt nội dung hợp đồng (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Quy chế này) và ký hợp đồng.

Điều 23. Sơ tuyển nhà thầu

1. Việc sơ tuyển nhà thầu phải được tiến hành đối với các gói thầu có giá trị từ 300 tỷ đồng trở lên nhằm lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện, đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

2. Sơ tuyển nhà thầu được thực hiện theo các bước sau:

a) Lập hồ sơ sơ tuyển, bao gồm:

Thư mời sơ tuyển;

Chỉ dẫn sơ tuyển;

Tiêu chuẩn đánh giá;

Phụ lục kèm theo.

b) Thông báo mời sơ tuyển;

c) Nhận và quản lý hồ sơ dự sơ tuyển;

d) Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển;

đ) Trình duyệt kết quả sơ tuyển;

e) Thông báo kết quả sơ tuyển.

Điều 24. Hồ sơ mời thầu

Hồ sơ mời thầu bao gồm:

1. Thư mời thầu;

2. Mẫu đơn dự thầu;

3. Chỉ dẫn đối với nhà thầu;

4. Các điều kiện ưu đãi (nếu có);

5. Các loại thuế theo quy định của pháp luật;

6. Các yêu cầu về công nghệ, vật tư, thiết bị, hàng hóa, tính năng kỹ thuật và nguồn gốc;

7. Biểu giá;

8. Tiêu chuẩn đánh giá (bao gồm cả phương pháp và cách thức quy đổi về cùng mặt bằng để xác định giá đánh giá);

9. Điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng;

10. Mẫu bảo lãnh dự thầu;

11. Mẫu thỏa thuận hợp đồng;

12. Mẫu bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Điều 25. Thư hoặc thông báo mời thầu

Nội dung thư hoặc thông báo mời thầu bao gồm:

1. Tên và địa chỉ của Bên mời thầu;

2. Khái quát dự án, địa điểm và thời gian giao hàng;

3. Chỉ dẫn việc tìm hiểu hồ sơ mời thầu;

4. Các điều kiện tham gia dự thầu;

5. Thời gian, địa điểm nhận hồ sơ mời thầu.

Điều 26. Chỉ dẫn đối với nhà thầu

Những nội dung chủ yếu về chỉ dẫn đối với nhà thầu bao gồm:

1. Mô tả tóm tắt dự án;

2. Nguồn vốn thực hiện dự án;

3. Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và địa vị hợp pháp của nhà thầu, các chứng cứ, những thông tin liên quan đến nhà thầu trong khoảng thời gian hợp lý trước thời điểm dự thầu;

4. Thăm hiện trường (nếu có) và giải đáp các câu hỏi của nhà thầu.

Điều 27. Hồ sơ dự thầu

Nội dung hồ sơ dự thầu cung cấp hàng hóa bao gồm:

1. Các nội dung về hành chính, pháp lý:

a) Đơn dự thầu hợp lệ (phải có chữ ký của người có thẩm quyền);

b) Bản sao giấy đăng ký kinh doanh. Đối với mua sắm thiết bị phức tạp được quy định trong hồ sơ mời thầu, ngoài bản sao giấy đăng ký kinh doanh phải có bản sao giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất;

c) Tài liệu giới thiệu năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu kể cả nhà thầu phụ (nếu có);

d) Bảo lãnh dự thầu.

2. Các nội dung về kỹ thuật:

a) Đặc tính kỹ thuật của hàng hóa;

b) Giải pháp kỹ thuật, công nghệ;

c) Nguồn gốc hàng hóa và chứng chỉ của nhà sản xuất;

d) Tổ chức thi công lắp đặt, đào tạo và chuyển giao công nghệ;

đ) Tiến độ thực hiện hợp đồng.

3. Các nội dung về thương mại, tài chính:

a) Giá dự thầu kèm theo thuyết minh và biểu giá chi tiết;

b) Điều kiện giao hàng;

c) Điều kiện tài chính (nếu có);

d) Điều kiện thanh toán.

Điều 28. Bảo lãnh dự thầu

1. Nhà thầu phải nộp bảo lãnh dự thầu cùng với hồ sơ dự thầu. Trong trường hợp áp dụng phương thức đấu thầu hai giai đoạn, bảo lãnh dự thầu nộp trong giai đoạn 2.

2. Giá trị bảo lãnh dự thầu bằng từ 1% đến 3% giá dự thầu. Bên mời thầu có thể quy định mức bảo lãnh thống nhất để bảo đảm bí mật về mức giá dự thầu cho các nhà thầu. Bên mời thầu quy định hình thức và điều kiện bảo lãnh dự thầu. Bảo lãnh dự thầu sẽ được trả lại cho những nhà thầu không trúng thầu trong thời gian không quá 30 ngày, kể từ ngày công bố kết quả đấu thầu.

3. Nhà thầu không được nhận lại bảo lãnh dự thầu trong các trường hợp sau:

a) Trúng thầu nhưng từ chối thực hiện hợp đồng;

b) Rút hồ sơ dự thầu sau khi đóng thầu;

c) Vi phạm Quy chế Đấu thầu được quy định tại Điều 60 của Quy chế này.

4. Bảo lãnh dự thầu chỉ áp dụng cho các hình thức đấu thầu rộng rãi và hạn chế.

5. Sau khi nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng, nhà thầu trúng thầu được hoàn trả bảo lãnh dự thầu.

Điều 29. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện theo tiêu chuẩn về các nội dung sau:

1. Năng lực và kinh nghiệm nhà thầu:

a) Năng lực sản xuất và kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ cán bộ chuyên môn;

b) Năng lực tài chính (doanh số, lợi nhuận và các chỉ tiêu khác);

c) Kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tương tự tại Việt Nam và ở nước ngoài.

2. Nội dung kỹ thuật:

a) Khả năng đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng và tính năng kỹ thuật hàng hóa đã nêu trong hồ sơ mời thầu;

b) Đặc tính kinh tế kỹ thuật, mã hiệu của hàng hóa, nơi sản xuất, trình độ sản xuất và các nội dung khác;

c) Tính hợp lý và hiệu quả kinh tế của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung ứng hàng hóa;

d) Khả năng lắp đặt thiết bị và năng lực cán bộ kỹ thuật;

đ) Khả năng thích ứng về mặt địa lý;

e) Tác động đối với môi trường và biện pháp giải quyết.

3. Tài chính và giá cả: khả năng cung cấp tài chính (nếu có yêu cầu), các điều kiện thương mại và tài chính, giá đánh giá.

4. Các tiêu chuẩn khác: thời gian thực hiện hợp đồng, chuyển giao công nghệ, đào tạo và các nội dung khác.

Điều 30. Đánh giá hồ sơ dự thầu

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện theo trình tự sau:

1. Đánh giá sơ bộ:

Việc đánh giá sơ bộ là nhằm loại bỏ các hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu và được thực hiện như sau:

a) Kiểm tra tính hợp lệ của các hồ sơ dự thầu;

b) Xem xét sự đáp ứng cơ bản của hồ sơ dự thầu đối với hồ sơ mời thầu;

c) Làm rõ hồ sơ dự thầu (nếu cần).

2. Đánh giá chi tiết:

Việc đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu được thực hiện theo phương pháp giá đánh giá, gồm hai bước sau:

a) Bước 1: đánh giá về mặt kỹ thuật để chọn danh sách ngắn:

Việc đánh giá tiến hành dựa trên cơ sở các yêu cầu và tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá chi tiết không trái với tiêu chuẩn đánh giá đã quy định trong hồ sơ mời thầu được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm mở thầu. Các nhà thầu đạt số điểm tối thiểu từ 70% tổng số điểm về kỹ thuật trở lên sẽ được chọn vào danh sách ngắn.

b) Bước 2: đánh giá về mặt tài chính, thương mại:

Tiến hành đánh giá về mặt tài chính, thương mại hồ sơ dự thầu của các nhà thầu thuộc danh sách ngắn trên cùng một mặt bằng theo các tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt.

Việc đánh giá về mặt tài chính, thương mại nhằm xác định giá đánh giá bao gồm các nội dung sau:

Sửa lỗi;

Hiệu chỉnh các sai lệch;

Chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung;

Đưa về một mặt bằng so sánh;

Xác định giá đánh giá của các hồ sơ dự thầu.

3. Xếp hạng hồ sơ dự thầu theo giá đánh giá và kiến nghị nhà thầu trúng thầu với giá trúng thầu tương ứng.

Điều 31. Kết quả đấu thầu

1. Nhà thầu có hồ sơ dự thầu hợp lệ, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, có giá đánh giá thấp nhất và có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được duyệt sẽ được xem xét trúng thầu.

2. Kết quả đấu thầu phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Bên mời thầu sẽ mời nhà thầu trúng thầu đến thương thảo hoàn thiện hợp đồng. Nếu không thành công, Bên mời thầu sẽ mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo đến thương thảo nhưng phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 32. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng

1. Nhà thầu trúng thầu phải nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Bên mời thầu để đảm bảo trách nhiệm thực hiện hợp đồng đã ký.

2. Giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng không quá 10% giá trị hợp đồng tùy theo loại hình và quy mô của hợp đồng. Trong trường hợp đặc biệt, cần yêu cầu mức bảo lãnh thực hiện hợp đồng cao hơn phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng có hiệu lực cho đến khi chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành hoặc bảo trì.

3. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng gồm những nội dung chủ yếu sau:

a) Thời hạn nộp: nhà thầu trúng thầu phải nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng trước khi ký hợp đồng;

b) Hình thức bảo lãnh dưới dạng tiền mặt, séc, bảo lãnh của ngân hàng hoặc hình thức tương đương;

c) Thời hạn hiệu lực của bảo lãnh;

d) Đồng tiền bảo lãnh.

4. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng phải được áp dụng đối với tất cả các hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định tại Điều 4 của Quy chế này trừ hình thức tự thực hiện.

Chương 4:

ĐẤU THẦU XÂY LẮP

Điều 33. Trình tự tổ chức đấu thầu

Việc tổ chức đấu thầu xây lắp được thực hiện theo trình tự sau:

1. Sơ tuyển nhà thầu (nếu có);

2. Lập hồ sơ mời thầu;

3. Gửi thư mời thầu hoặc thông báo mời thầu;

4. Nhận và quản lý hồ sơ dự thầu;

5. Mở thầu;

6. Đánh giá, xếp hạng nhà thầu;

Công việc đấu thầu quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này do Bên mời thầu thực hiện hoặc thuê chuyên gia thực hiện.

7. Trình duyệt kết quả đấu thầu;

8. Công bố trúng thầu, thương thảo hoàn thiện hợp đồng;

9. Trình duyệt nội dung hợp đồng (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Quy chế này) và ký hợp đồng.

Điều 34. Sơ tuyển nhà thầu

1. Việc sơ tuyển nhà thầu phải được tiến hành đối với các gói thầu có giá trị từ 200 tỷ đồng trở lên nhằm lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện, đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

2. Sơ tuyển nhà thầu được thực hiện theo các bước sau:

a) Lập hồ sơ sơ tuyển, bao gồm:

Thư mời sơ tuyển;

Chỉ dẫn sơ tuyển;

Tiêu chuẩn đánh giá;

Phụ lục kèm theo.

b) Thông báo mời sơ tuyển;

c) Nhận và quản lý hồ sơ dự sơ tuyển;

d) Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển;

đ) Trình duyệt kết quả sơ tuyển;

e) Thông báo kết quả sơ tuyển.

Điều 35. Hồ sơ mời thầu

Hồ sơ mời thầu bao gồm:

1. Thư mời thầu;

2. Mẫu đơn dự thầu;

3. Chỉ dẫn đối với nhà thầu;

4. Các điều kiện ưu đãi (nếu có);

5. Các loại thuế theo quy định của pháp luật;

6. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật kèm theo bản tiên lượng và chỉ dẫn kỹ thuật;

7. Tiến độ thi công;

8. Tiêu chuẩn đánh giá (bao gồm cả phương pháp và cách thức quy đổi về cùng mặt bằng để xác định giá đánh giá);

9. Điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng;

10. Mẫu bảo lãnh dự thầu;

11. Mẫu thỏa thuận hợp đồng;

12. Mẫu bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Điều 36. Thư hoặc thông báo mời thầu

Nội dung thư hoặc thông báo mời thầu bao gồm:

1. Tên và địa chỉ của Bên mời thầu;

2. Khái quát dự án, địa điểm, thời gian xây dựng và các nội dung khác;

3. Chỉ dẫn việc tìm hiểu hồ sơ mời thầu;

4. Các điều kiện tham gia dự thầu;

5. Thời gian, địa điểm nhận hồ sơ mời thầu.

Điều 37. Chỉ dẫn đối với nhà thầu

Chỉ dẫn đối với nhà thầu bao gồm:

1. Mô tả tóm tắt dự án;

2. Nguồn vốn thực hiện dự án;

3. Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng;

4. Yêu cầu năng lực, kinh nghiệm và địa vị hợp pháp của nhà thầu, các chứng cứ, những thông tin liên quan đến nhà thầu trong khoảng thời gian hợp lý trước thời điểm dự thầu;

5. Thăm hiện trường (nếu có) và giải đáp các câu hỏi của nhà thầu.

Điều 38. Hồ sơ dự thầu

Nội dung hồ sơ dự thầu xây lắp bao gồm:

1. Các nội dung về hành chính, pháp lý:

a) Đơn dự thầu hợp lệ (phải có chữ ký của người có thẩm quyền);

b) Bản sao giấy đăng ký kinh doanh;

c) Tài liệu giới thiệu năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu kể cả nhà thầu phụ (nếu có);

d) Văn bản thỏa thuận liên danh (trường hợp liên danh dự thầu);

đ) Bảo lãnh dự thầu.

2. Các nội dung về kỹ thuật:

a) Biện pháp và tổ chức thi công đối với gói thầu;

b) Tiến độ thực hiện hợp đồng;

c) Đặc tính kỹ thuật, nguồn cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng;

d) Các biện pháp đảm bảo chất lượng.

3. Các nội dung về thương mại, tài chính:

a) Giá dự thầu kèm theo thuyết minh và biểu giá chi tiết;

b) Điều kiện tài chính (nếu có);

c) Điều kiện thanh toán.

Điều 39. Bảo lãnh dự thầu

Bảo lãnh dự thầu xây lắp được thực hiện như đối với bảo lãnh dự thầu mua sắm hàng hóa quy định tại Điều 28 của Quy chế này.

Điều 40. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện theo tiêu chuẩn về các nội dung sau:

1. Kỹ thuật, chất lượng:

a) Mức độ đáp ứng đối với các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng vật tư thiết bị nêu trong hồ sơ thiết kế;

b) Tính hợp lý và khả thi của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp và tổ chức thi công;

c) Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và các điều kiện khác như phòng cháy, an toàn lao động;

d) Mức độ đáp ứng của thiết bị thi công (số lượng, chủng loại, chất lượng và tiến độ huy động);

đ) Các biện pháp đảm bảo chất lượng.

2. Kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu:

a) Kinh nghiệm đã thực hiện các dự án có yêu cầu kỹ thuật ở vùng địa lý và hiện trường tương tự;

b) Số lượng, trình độ cán bộ, công nhân kỹ thuật trực tiếp thực hiện dự án;

c) Năng lực tài chính (doanh số, lợi nhuận và các chỉ tiêu khác).

3. Tài chính và giá cả: khả năng cung cấp tài chính (nếu có yêu cầu), các điều kiện thương mại và tài chính, giá đánh giá.

4. Tiến độ thi công:

a) Mức độ bảo đảm tổng tiến độ quy định trong hồ sơ mời thầu;

b) Tính hợp lý về tiến độ hoàn thành giữa các hạng mục công trình có liên quan.

Điều 41. Đánh giá hồ sơ dự thầu

Việc đánh giá các hồ sơ dự thầu được thực hiện theo trình tự sau:

1. Đánh giá sơ bộ: việc đánh giá sơ bộ là nhằm loại bỏ các hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu, bao gồm:

a) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu;

b) Xem xét sự đáp ứng cơ bản của hồ sơ dự thầu đối với hồ sơ mời thầu;

c) Làm rõ hồ sơ dự thầu (nếu cần).

2. Đánh giá chi tiết: việc đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu được thực hiện theo phương pháp giá đánh giá gồm hai bước sau:

a) Bước 1: đánh giá về mặt kỹ thuật để chọn danh sách ngắn:

Việc đánh giá tiến hành dựa trên cơ sở các yêu cầu và tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá chi tiết được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm mở thầu. Các nhà thầu đạt số điểm tối thiểu từ 70% tổng số điểm về kỹ thuật trở lên sẽ được chọn vào danh sách ngắn.

b) Bước 2: đánh giá về mặt tài chính, thương mại:

Tiến hành đánh giá tài chính, thương mại các nhà thầu thuộc danh sách ngắn trên cùng một mặt bằng theo tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt.

Việc đánh giá về mặt tài chính, thương mại nhằm xác định giá đánh giá bao gồm các nội dung sau:

Sửa lỗi;

Hiệu chỉnh các sai lệch;

Chuyển đổi giá dự thầu sang một đồng tiền chung;

Đưa về một mặt bằng so sánh;

Xác định giá đánh giá của các hồ sơ dự thầu.

3. Xếp hạng hồ sơ dự thầu theo giá đánh giá và kiến nghị nhà thầu trúng thầu với giá trúng thầu tương ứng.

Điều 42. Kết quả đấu thầu

1. Nhà thầu có hồ sơ dự thầu hợp lệ, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, có giá đánh giá thấp nhất và có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu hoặc dự toán, tổng dự toán được duyệt (nếu dự toán, tổng dự toán được duyệt thấp hơn giá gói thầu được duyệt) sẽ được xem xét trúng thầu.

2. Kết quả đấu thầu phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

3. Bên mời thầu sẽ mời nhà thầu trúng thầu đến thương thảo hoàn thiện hợp đồng. Nếu không thành công, Bên mời thầu sẽ mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo đến thương thảo nhưng phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 43. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Bảo lãnh thực hiện hợp đồng xây lắp được thực hiện như đối với bảo lãnh thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa quy định tại Điều 32 của Quy chế này.

Chương 5:

ĐẤU THẦU ĐỐI VỚI GÓI THẦU QUY MÔ NHỎ

Điều 44. Nguyên tắc tổ chức đấu thầu

1. Áp dụng đối với các gói thầu quy định tại khoản 12 Điều 3 của Quy chế này trên cơ sở tuân thủ những mục tiêu của công tác đấu thầu được quy định tại Điều 1 và các quy định cụ thể tại Điều 45 của Quy chế này.

2. Việc đấu thầu các gói thầu quy mô nhỏ được áp dụng theo các nguyên tắc sau:

a) Chỉ cho phép các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (trừ các doanh nghiệp là Tổng công ty hoặc thuộc Tổng công ty) đóng trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương tham dự. Trong trường hợp số lượng nhà thầu tại địa phương có khả năng tham gia ít hơn 3, phải mời thêm các doanh nghiệp ở ngoài địa phương tham dự. Trường hợp gói thầu có yêu cầu kỹ thuật phức tạp thì được mời thêm các doanh nghiệp là Tổng công ty hoặc thuộc Tổng công ty tham dự thầu;

b) Chỉ áp dụng phương thức đấu thầu một túi hồ sơ đối với tất cả các gói thầu.

Điều 45. Tổ chức đấu thầu

1. Trình tự đấu thầu:

a) Lập hồ sơ mời thầu;

b) Gửi thư mời thầu hoặc thông báo mời thầu;

c) Nhận hồ sơ dự thầu, mở thầu và đánh giá xếp hạng nhà thầu;

Công việc tổ chức đấu thầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này do Bên mời thầu thực hiện hoặc thuê chuyên gia thực hiện;

d) Phê duyệt kết quả đấu thầu và ký hợp đồng.

2. Hồ sơ mời thầu

Hồ sơ mời thầu do Bên mời thầu lập cần đơn giản, rõ ràng nhưng phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu đối với nhà thầu, bao gồm các nội dung sau:

a) Thư mời thầu và mẫu đơn dự thầu;

b) Yêu cầu đối với gói thầu:

- Mua sắm hàng hoá: đặc tính kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật và tiến độ thực hiện;

- Xây lắp: hồ sơ thiết kế kỹ thuật kèm theo bản tiên lượng được duyệt, chỉ dẫn kỹ thuật và tiến độ thực hiện.

c) Tiêu chuẩn đánh giá (đạt hoặc không đạt) về mặt kỹ thuật theo các nội dung quy định tại điểm b khoản 2 của Điều này;

d) Mẫu bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

3. Hồ sơ dự thầu:

Hồ sơ dự thầu do nhà thầu lập, phải đảm bảo tính trung thực, khả thi, gồm:

a) Đơn dự thầu; bản sao giấy đăng ký kinh doanh; bảo lãnh dự thầu;

b) Các đề xuất về kỹ thuật và tiến độ thực hiện;

c) Giá dự thầu.

4. Đánh giá hồ sơ dự thầu:

a) Chỉ đánh giá hồ sơ dự thầu hợp lệ, có giá dự thầu sau khi sửa lỗi không lớn hơn giá gói thầu được duyệt;

b) Đánh giá theo tiêu chuẩn quy định trong hồ sơ mời thầu để xác định nhà thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, có giá dự thầu (sau khi sửa lỗi và hiệu chỉnh các sai lệch theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu) thấp nhất sẽ được kiến nghị trúng thầu.

5. Kết quả đấu thầu:

a) Kết quả đấu thầu phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Bên mời thầu mời nhà thầu trúng thầu đến hoàn thiện và ký hợp đồng.

6. Bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng:

Áp dụng bảo lãnh dự thầu bằng 1% giá dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng bằng 3% giá trị hợp đồng trên cơ sở các nội dung quy định tại Điều 28 và Điều 32 của Quy chế này.

Chương 6:

ĐẤU THẦU LỰA CHỌN ĐỐI TÁC ĐỂ THỰC HIỆN DỰ ÁN

Điều 46. Nguyên tắc áp dụng

Căn cứ danh mục đầu tư hàng năm do Chính phủ công bố hoặc nhà đầu tư đề xuất, nếu dự án có từ 2 đối tác trở lên quan tâm thực hiện thì phải tiến hành đấu thầu để người có thẩm quyền có cơ sở xem xét lựa chọn đối tác để thực hiện dự án dưới dạng sau:

1. Dự án đang là ý tưởng;

2. Dự án đã có Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc khả thi được duyệt;

3. Yêu cầu về một số nội dung công việc.

Điều 47. Trình tự tổ chức đấu thầu lựa chọn đối tác để thực hiện dự án

Trường hợp có từ 7 đối tác trở lên quan tâm thực hiện dự án, phải tiến hành sơ tuyển. Việc sơ tuyển thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 hoặc khoản 2 Điều 34 của Quy chế này.

Trình tự tổ chức đấu thầu lựa chọn đối tác để thực hiện dự án bao gồm các bước sau:

1. Lập hồ sơ mời thầu:

Căn cứ yêu cầu của dự án về mục đích, nội dung, phạm vi công việc và tiến độ thực hiện để lập hồ sơ mời thầu. Nội dung hồ sơ mời thầu bao gồm:

a) Thư mời thầu;

b) Các yêu cầu cơ bản đối với dự án;

c) Chỉ dẫn đối với nhà thầu;

d) Các thông tin có liên quan;

đ) Tiêu chuẩn đánh giá;

e) Các phụ lục chi tiết kèm theo.

2. Mời thầu:

Bên mời thầu lựa chọn cách thông báo phù hợp với hình thức lựa chọn nhà thầu.

3. Nhận và quản lý hồ sơ dự thầu:

Bên mời thầu nhận và quản lý hồ sơ dự thầu theo quy định của pháp luật.

4. Mở thầu.

5. Đánh giá hồ sơ dự thầu.

Việc đánh giá được thực hiện theo phương pháp chấm điểm. Các nhà thầu đạt từ 70% tổng số điểm trở lên sẽ được xếp hạng để trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định trúng thầu.

Đánh giá và xếp hạng hồ sơ dự thầu được tiến hành theo hai bước sau:

a) Đánh giá sơ bộ: Xem xét hồ sơ dự thầu về mặt hành chính pháp lý và khả năng đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

b) Đánh giá chi tiết và xếp hạng:

Việc đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá chi tiết được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm mở thầu và theo các nội dung chủ yếu sau:

Sửa lỗi;

Đánh giá chi tiết về các yếu tố: kỹ thuật, thương mại, tài chính, chuyển giao công nghệ (nếu có);

Xếp hạng nhà thầu.

6. Trình duyệt kết quả đấu thầu.

7. Công bố trúng thầu và thương thảo hoàn thiện hợp đồng:

Căn cứ kết quả đấu thầu được phê duyệt, Bên mời thầu tiến hành mời nhà thầu trúng thầu đến thương thảo hoàn thiện hợp đồng.

8. Trình duyệt nội dung hợp đồng và ký hợp đồng.

Điều 48. Bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Căn cứ tính chất của dự án, việc áp dụng bảo lãnh dự thầu hoặc bảo lãnh thực hiện hợp đồng do người có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 28 và Điều 32 của Quy chế này.

Chương 7 :

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤU THẦU

Điều 49. Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu

1. Chính phủ thống nhất quản lý công tác đấu thầu trên phạm vi cả nước.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý công tác đấu thầu.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về đấu thầu trong phạm vi và trách nhiệm của mình, đồng thời cử một Thứ trưởng hoặc cấp phó tương ứng (ở cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) trực tiếp chỉ đạo công tác đấu thầu.

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn quản lý nhà nước về đấu thầu đối với các gói thầu thuộc quyền quản lý của mình, đồng thời cử một cấp phó trực tiếp chỉ đạo công tác đấu thầu.

Điều 50. Nội dung quản lý nhà nước về đấu thầu

Nội dung quản lý nhà nước về đấu thầu bao gồm:

1. Soạn thảo, ban hành hoặc trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu.

2. Tổ chức hướng dẫn thực hiện.

3. Tổ chức thẩm định kế hoạch đấu thầu của dự án và thẩm định kết quả đấu thầu.

4. Phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án và kết quả đấu thầu.

5. Tổ chức kiểm tra công tác đấu thầu.

6. Tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình đấu thầu và thực hiện Quy chế Đấu thầu.

7. Giải quyết các vướng mắc, khiếu nại về đấu thầu.

Điều 51. Trách nhiệm của người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền

1. Phê duyệt các nội dung cơ bản của quá trình đấu thầu:

a) Kế hoạch đấu thầu của dự án;

b) Danh sách các nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế;

c) Danh sách ngắn tư vấn tham gia dự thầu;

d) Hồ sơ mời sơ tuyển, tiêu chuẩn đánh giá sơ tuyển và kết quả sơ tuyển nhà thầu;

đ) Hồ sơ mời thầu;

e) Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu;

g) Danh sách xếp hạng các nhà thầu về đề xuất kỹ thuật và danh sách xếp hạng tổng hợp kỹ thuật và tài chính (đối với tuyển chọn tư vấn);

h) Kết quả đấu thầu;

i) Nội dung hợp đồng (hợp đồng với nhà thầu nước ngoài hoặc hợp đồng với nhà thầu trong nước mà kết quả đấu thầu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

2. Chỉ đạo Bên mời thầu thương thảo, ký kết và tổ chức thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu.

3. Kiểm tra Bên mời thầu thực hiện Quy chế Đấu thầu.

Điều 52. Phân cấp trách nhiệm về đấu thầu

Trách nhiệm phê duyệt trong quá trình đấu thầu được thực hiện theo nguyên tắc sau:

Người có thẩm quyền phê duyệt dự án có nhiệm vụ và chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án và kết quả đấu thầu các gói thầu có giá trị lớn.

Phân cấp hoặcUỷ quyền cho cấp dưới phê duyệt kết quả đấu thầu các gói thầu có giá trị nhỏ.

Cơ quan thẩm định và cá nhân tham gia thẩm định chịu trách nhiệm về các ý kiến thẩm định của mình.

Trách nhiệm cụ thể của các cấp được quy định như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặcUỷ quyền phê duyệt:

a) Kế hoạch đấu thầu các dự án nhóm A và tương đương;

b) Kết quả đấu thầu các gói thầu theo hạn mức nêu trong bảng 1 Điều 53 của Quy chế này;

c) Phê duyệt các đề nghị xin chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện đối với các gói thầu quy định tại khoản 3, 5 và 6 Điều 4 của Quy chế này;

Đối với các điểm a, b khoản 1 Điều này, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Riêng điểm c khoản 1 Điều này Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài trợ vốn và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

d) Quyết định kiểm tra và xử lý các vi phạm Quy chế Đấu thầu.

2. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a) Thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về:

Kế hoạch đấu thầu các dự án nhóm A và tương đương;

Kết quả đấu thầu các gói thầu của các dự án nhóm A và tương đương theo hạn mức nêu trong bảng 1 Điều 53 của Quy chế này;

Đề nghị chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện đối với các gói thầu quy định tại khoản 3, 5 và 6 Điều 4 của Quy chế này.

b) Thẩm định kết quả đấu thầu của các gói thầu khác khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu;

c) Thỏa thuận (đối với các dự án thuộc thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư):

Kế hoạch đấu thầu dự án và kết quả đấu thầu các gói thầu thuộc các dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 của Quy chế này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng quản trị các Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập, Chủ tịchUỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Báo cáo hoặc có ý kiến bằng văn bản về kế hoạch đấu thầu các dự án nhóm A và tương đương có liên quan;

b) Trình duyệt kết quả đấu thầu đối với các gói thầu theo quy định hoặc có ý kiến bằng văn bản về kết quả đấu thầu các gói thầu có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

c) Phê duyệt các nội dung cơ bản của quá trình đấu thầu:

Đối với các gói thầu thuộc dự án nhóm A và tương đương: các điểm b, c, d, đ, e, g khoản 1 Điều 51 của Quy chế này;

Đối với các gói thầu thuộc dự án nhóm B, C và tương đương: các điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 1 Điều 51 của Quy chế này;

d) Phê duyệt kết quả đấu thầu đối với các gói thầu theo hạn mức nêu trong bảng 1 Điều 53 của Quy chế này;

đ) Phê duyệt nội dung hợp đồng (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Quy chế này);

e) Thỏa thuận (đối với các dự án thuộc thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư):

Kế hoạch đấu thầu dự án và kết quả đấu thầu các gói thầu thuộc các dự án do mình cấp giấy phép đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 của Quy chế này (trên cơ sở thẩm định của cơ quan giúp việc đấu thầu).

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, thị xã, huyện, thị trấn, xã, phường có trách nhiệm:

Phê duyệt các nội dung cơ bản của quá trình đấu thầu quy định tại Điều 51 của Quy chế này đối với các dự án thuộc phạm vi được quyền quyết định trên cơ sở ý kiến thẩm định của bộ phận giúp việc về công tác đấu thầu có liên quan.

5. Hội đồng quản trị của doanh nghiệp liên doanh, đại diện hợp pháp của các hợp doanh có trách nhiệm dưới đây đối với các dự án được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 của Quy chế này:

a) Phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án trên cơ sở văn bản thỏa thuận của cơ quan cấp giấy phép đầu tư;

b) Phê duyệt kết quả đấu thầu tất cả các gói thầu của dự án trên cơ sở ý kiến thỏa thuận của cơ quan cấp giấy phép đầu tư;

c) Phê duyệt các nội dung cơ bản của quá trình đấu thầu quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, i khoản 1 Điều 51 của Quy chế này;

d) Quyết định việc chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện đối với các gói thầu quy định tại các khoản 3, 5 và 6 Điều 4 của Quy chế này, trên cơ sở thỏa thuận của cơ quan cấp giấy phép đầu tư.

Điều 53. Phân cấp phê duyệt và thẩm định kết quả đấu thầu

Căn cứ theo giá gói thầu được duyệt đối với các dự án quy định tại các điểm a, c và đ khoản 2 Điều 2 của Quy chế này, việc thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu được thực hiện theo bảng 1 dưới đây:

Bảng 1: Phân cấp phê duyệt và thẩm định kết quả đấu thầu

Nhóm Dự án

Cấp phê duyệt

Cấp thẩm định

Gói thầu thuộc

Ngành I

(tỷ đồng)

Gói thầu thuộc

Ngành II

(tỷ đồng)

Gói thầu thuộc

Ngành III

(tỷ đồng)

Tư vấn

Hàng hoá và

Xây lắp

Tư vấn

Hàng hoá và

Xây lắp

Tư vấn

Hàng hoá và

Xây lắp

Thủ tướng Chính phủ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Từ 20 trở lên

Từ 100

trở lên

Từ 15

trở lên

Từ 75

trở lên

Từ 10

trở lên

Từ 50

trở lên

Nhóm A và tương đương

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, HĐQT TCty do TTCP thành lập

Đơn vị giúp việc liên quan

Tất cả các gói

Tất cả

các gói

Tất cả các gói

Tất cả

các gói

Tất cả các gói

Tất cả

các gói

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Sở Kế hoạch và Đầu tư

thầu dưới 20

thầu dưới 100

thầu dưới 15

thầu dưới 75

thầu dưới 10

thầu dưới 50

Nhóm B, C

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, HĐQT TCty do TTCP thành lập

Đơn vị giúp việc liên quan

Tất cả các gói thầu thuộc dự án

và tương đương

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ tịch UBND quận, thị xã, huyện, thị trấn, xã, phường

Bộ phận giúp việc liên quan

Tự quyết định và chịu trách nhiệm đối với tất cả các gói thầu thuộc phạm vi dự án do mình quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật

Ghi chú:

Ngành I, bao gồm: công nghiệp điện, dầu khí, hoá chất, chế tạo máy, xi măng, luyện kim, khai thác và chế biến khoáng sản, giao thông (cầu, cảng biển, sân bay, đường sắt, đường quốc lộ).

Ngành II, bao gồm: công nghiệp nhẹ, thủy lợi, giao thông (khác với nhóm I), cấp thoát nước và công trình kỹ thuật hạ tầng, khu đô thị mới, sản xuất vật liệu, điện tử tin học, bưu chính viễn thông.

Ngành III, bao gồm tất cả các ngành còn lại.

Điều 54. Thời hạn đánh giá hồ sơ dự thầu và thẩm định kết quả đấu thầu

1. Thời hạn đánh giá hồ sơ dự thầu được tính từ thời điểm mở thầu đến khi trình duyệt kết quả đấu thầu lên người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền tối đa không quá 60 ngày đối với đấu thầu trong nước và 90 ngày đối với đấu thầu quốc tế. Trường hợp áp dụng phương thức đấu thầu hai giai đoạn, thời hạn đánh giá hồ sơ dự thầu được tính từ thời điểm mở thầu giai đoạn 2.

2. Thời hạn thẩm định kết quả đấu thầu được quy định như sau:

a) Đối với các gói thầu thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ: không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

b) Đối với các gói thầu khác: không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 55. Xử lý tình huống trong đấu thầu

1. Trường hợp có lý do cần điều chỉnh giá gói thầu hoặc nội dung gói thầu, Bên mời thầu phải tiến hành thủ tục điều chỉnh kế hoạch đấu thầu theo các quy định hiện hành trước khi trình duyệt kết quả đấu thầu.

2. Trường hợp có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu thì Bên mời thầu phải báo cáo người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền về quá trình chuẩn bị đấu thầu để quyết định cho phép kéo dài thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm hồ sơ dự thầu hoặc cho phép mở thầu để tiến hành đánh giá hồ sơ dự thầu đã nộp.

3. Trường hợp giá dự thầu của tất cả các hồ sơ dự thầu đã sửa lỗi số học và bổ sung hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu đều vượt giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu đã duyệt, thì Bên mời thầu phải báo cáo người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền xem xét việc cho phép các nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng cơ bản yêu cầu hồ sơ mời thầu được chào lại giá hoặc cho phép đồng thời với việc chào lại giá sẽ xem xét lại giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu đã duyệt và nội dung hồ sơ mời thầu (nếu cần thiết).

4. Trường hợp giá đề nghị ký hợp đồng vượt giá trúng thầu, thì Bên mời thầu phải báo cáo người có thẩm quyền (nếu giá đề nghị ký hợp đồng vượt giá gói thầu) hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền (nếu giá đề nghị ký hợp đồng thấp hơn giá gói thầu) để xem xét, quyết định.

5. Hủy đấu thầu được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi mục tiêu đã được nêu trong hồ sơ mời thầu vì những lý do khách quan;

b) Tất cả các hồ sơ dự thầu về cơ bản không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

c) Có bằng chứng cho thấy các nhà thầu có sự thông đồng tiêu cực tạo nên sự thiếu cạnh tranh trong đấu thầu, làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên mời thầu.

Căn cứ quyết định của người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền, Bên mời thầu có trách nhiệm thông báo tới tất cả các nhà thầu về việc hủy đấu thầu hoặc tiến hành đấu thầu lại.

6. Trường hợp có 2 hồ sơ dự thầu có kết quả đánh giá tốt nhất, ngang nhau (về số điểm hoặc giá đánh giá) sẽ xem xét trao thầu cho nhà thầu có giá dự thầu đã sửa lỗi số học và bổ sung hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu thấp hơn (trừ trường hợp quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 10 của Quy chế này).

7. Việc loại bỏ hồ sơ dự thầu được áp dụng đối với một trong các trường hợp khi hồ sơ dự thầu:

a) Không đáp ứng các điều kiện tiên quyết nêu trong hồ sơ mời thầu;

b) Không đáp ứng yêu cầu cơ bản về kỹ thuật, tiến độ và các điều kiện tài chính thương mại;

c) Nhà thầu không chấp nhận lỗi số học do Bên mời thầu phát hiện và yêu cầu sửa hoặc có lỗi số học sai khác quá 15% giá dự thầu;

d) Có tổng giá trị các sai lệch vượt quá 10% giá dự thầu.

Điều 56. Bảo mật hồ sơ, tài liệu, thông tin

Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu và xét thầu phải giữ bí mật các hồ sơ, tài liệu, thông tin theo quy định sau:

1. Không được tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu với bất cứ đối tượng nào trước ngày phát hành hồ sơ mời thầu.

2. Không được tiết lộ nội dung các hồ sơ dự thầu, các sổ tay ghi chép, các biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét đánh giá của chuyên gia hoặc tư vấn đối với từng nhà thầu và các tài liệu khác được đóng dấu "Mật", "Tối mật" hoặc "Tuyệt mật".

3. Không được tiết lộ kết quả đấu thầu trước khi Bên mời thầu công bố.

4. Không được hoạt động móc nối, mua bán thông tin về đánh giá các hồ sơ dự thầu trong quá trình xét thầu.

Những hành vi tiết lộ bí mật phải được xử lý kịp thời theo quy định tại Điều 60 của Quy chế này.

Điều 57. Chi phí và lệ phí đấu thầu

1. Bên mời thầu có thể bán hồ sơ mời thầu, mức giá bán hồ sơ mời thầu do người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền quyết định; đối với đấu thầu trong nước, giá một bộ hồ sơ mời thầu không quá 500.000 đồng; đối với đấu thầu quốc tế, thực hiện theo thông lệ quốc tế; ngoài ra không được thu bất kỳ loại lệ phí nào khác của nhà thầu. Việc sử dụng khoản thu được phải tuân theo các quy định của pháp luật.

2. Chi phí tổ chức đấu thầu và xét thầu của Bên mời thầu được tính trong chi phí chung của dự án do Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.

3. Lệ phí thẩm định kết quả đấu thầu được tính trong chi phí chung của dự án và bằng 0,01% tổng giá trị gói thầu, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về quản lý và sử dụng nguồn lệ phí thẩm định kết quả đấu thầu.

Chương 8:

KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 58. Kiểm tra về đấu thầu

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kiểm tra và xử lý vi phạm đấu thầu trong trường hợp cần thiết.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện công tác đấu thầu trên phạm vi toàn quốc.

3. Các tổ chức liên quan được giao trách nhiệm quản lý công tác đấu thầu thuộc các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện chức năng kiểm tra việc thực hiện công tác đấu thầu trong phạm vi ngành hoặc địa phương mình.

Điều 59. Nội dung và quyền hạn của cơ quan kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu

1. Kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu được tiến hành như sau:

a) Kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và đột xuất trong quá trình đấu thầu;

b) Kiểm tra các sự việc khi có vướng mắc, khiếu nại của các tổ chức hoặc cá nhân.

2. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan kiểm tra có các quyền hạn sau:

a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ tài liệu và trả lời những vấn đề có liên quan;

b) Điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan đến nội dung, đối tượng kiểm tra và tiến hành lập báo cáo để người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

c) Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý các vi phạm về đấu thầu theo quy định tại Điều 60 của Quy chế này.

Điều 60. Xử lý vi phạm

1. Người nào vi phạm Quy chế Đấu thầu thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Nhà thầu vi phạm Quy chế Đấu thầu thì tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị loại khỏi danh sách dự thầu, không được nhận lại tiền bảo lãnh dự thầu hoặc không được tham dự bất kỳ cuộc đấu thầu nào trong thời gian từ 1 đến 3 năm hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn vi phạm Quy chế Đấu thầu như tiết lộ bí mật hồ sơ, tài liệu và thông tin, thông đồng, móc ngoặc, hối lộ, gian lận và các hành vi vi phạm khác thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4. Người nào vi phạm Quy chế Đấu thầu mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 61. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành khác và các địa phương hướng dẫn thực hiện Quy chế này.

2. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc đối với các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn về nội dung chi phí tư vấn trong nước, lương chuyên gia trong nước làm việc theo hợp đồng với nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam.

4. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn xử lý các vi phạm Quy chế Đấu thầu.

5. Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ quy định ưu đãi nhà thầu trong nước khi tham gia đấu thầu.

6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng Cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Quy chế này, đồng thời vào tháng 12 hàng năm có báo cáo kết quả thực hiện công tác đấu thầu của năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

7. Những vấn đề phát sinh ngoài các nội dung quy định trong Quy chế Đấu thầu, các cơ quan, đơn vị cần được báo cáo người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence- Freedom- Happiness
------------

No.88/1999/ND-CP

Hanoi, September 1, 1999

 

DECREE

PROMULGATING THE REGULATION ON BIDDING

THE GOVERNMENT

Pursuant to the September 30, 1992 Law on Organization of the Government;
At the proposal of the ministers of: Planning and Investment Finance; Trade; and Construction,

DECREES

Article 1.- To promulgate together with this Decision the Regulation on Bidding in replacement of the Regulation on Bidding issued together with the Government�s Decree No.43/CP of July 16, 1996 and Decree No.93/CP of August 23, 1997.

Article 2.- This Decree takes effect 15 days after its signing.

Article 3.- The Minister of Planning and Investment shall assume the prime responsibility and coordinate with the Minister of Construction, the Minister of Finance, the Minister of Trade, the Vietnam State Bank Governor, the heads of concerned ministries and branches in guiding and inspecting the implementation of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

  

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Phan Van Khai

 

REGULATION

ON BIDDING
(Issued together with the Government
�s Decree No.88/1999/ND-CP September 1st, 1999)

The Regulation on Bidding is promulgated with the aim to uniformly manage activities of bidding for the selection of consultancy, goods procurement, construction and installation as well as selection of partners for execution of projects or parts of projects on the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The objective of the bidding is to achieve the competitiveness, fairness and transparency in the process of bidding for selection of appropriate bidders, ensuring the economic efficiency of projects.

2. The bidding is conducted on the basis of bidding package by bidding package.

3. The bidding process includes: bidding preparation, organization of bidding, bid evaluation, appraisal and approval, announcement of bid winners, contract negotiation, finalization and signing.

Article 2.- Scope and objects of application

1. The Regulation on Bidding shall apply to biddings organized and implemented in Vietnam.

2. Application objects:

a) Investment projects implemented under the Regulation on Investment and Construction Management which require the application of the Regulation on Bidding;

b) Joint venture projects, business cooperation contracts or joint stocks with State-run economic organizations (State enterprises) contributing 30% or more of the legal capital, business capital or stock capital;

c) Projects using the sources of aid capital from international organizations or foreign countries, which are implemented on the basis of the content of treaties acceded by the signing parties (the donor parties and the Vietnamese party). Where the draft treaties contain details other than those in this Regulation, the bodies tasked to negotiate and sign the treaties shall have to submit them to the Prime Minister for consideration and decision before they are signed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- For a domestic investment project, it can be implemented only when there are two or more investors wishing to participate therein simultaneously;

- For foreign-invested projects, the bidding shall be organized according to this Regulation only when there are two or more investors wishing to participate in the same project or when the Prime Minister requests a bidding to select the investment partner for implementation of the project.

e) The investment in procurement of appliances, supplies, equipment and working facilities of the State bodies, organizations and State enterprises; ordinary appliances and working facilities of armed forces units. The Ministry of Finance shall specify the scope of procurement, the procurement value, the responsibility and rights of procuring units under the Law on State Budget.

All objects prescribed in Clause 2 of this Article must be subject to the application of the Regulation on Bidding while for other objects the application thereof is only encouraged.

Article 3.- Interpretation of terms

Terms used in this Regulation shall be construed as follows:

1. "Bidding" is a process of selecting bidders that meet the requirements of the bid solicitor.

2. "Domestic bidding" is a bidding participated only by domestic bidders.

3. "International bidding" is a bidding participated by domestic and foreign bidders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. "Project" is a collection of suggestions to perform part or whole of a given work, objective or requirement. Projects shall include investment projects and non-investment projects.

6. "Investment projects of Group A, B or C" stipulated in this Regulation are defined and classified in the Regulation on Investment and Construction Management.

7. "Bid solicitor" is the project owner, investor or a legal person being the lawful representative of the project owner or the investor and assigned the task of carrying out the bidding work.

8. "The competent person" is the head or person authorized under the provisions of law of an organization, a State body or enterprise; concretely as follows:

a) For investment projects, the "competent persons" are "persons competent to decide the investment" as stipulated in the Regulation on Investment and Construction Management;

b) For the procurement of appliances, supplies, equipment and working facilities of State bodies, organizations and State enterprises; the ordinary appliances and working facilities of armed forces units, "the competent persons" are the persons who decide the procurement in accordance with the provisions of law;

c) For projects using capital under the company ownership or other forms of ownership, "the competent persons" are the Managing Boards at the heads with competence is prescribed by law.

9. "The competent levels" are organizations or agencies empowered or authorized by the competent persons under the provisions of law.

10. "Bidders" are economic organizations with full legal person status to participate in bidding. Where a bidding is opened for selection of consultancy, bidders may be individuals. Bidders shall be constructors in the construction and installation bidding; the suppliers in the goods procurement biddings; the consultants in the consultancy selection biddings, or the investors in the biddings for selection of investment partners. Domestic bidders are those with the Vietnamese legal person status and operating lawfully in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



12. "Small-scale bidding package" is a bidding package valued at under VND2 billion for goods procurement or construction and installation.

13. "Consultancy" means the operations to satisfy the bid solicitor's requirements on professional knowledge and experience in considering, deciding and examining the process of project preparation and implementation.

14. "Construction and installation" mean jobs to be done in the process of construction and installation of equipment for the project and/or project items.

15. "Goods" mean machinery, transport means, equipment (in complete set or single item), the industrial property right, technological copyrights, raw materials, fuels, materials, consumer goods (finished products, semi-finished products).

16. "Bidding dossier" means the entire documents compiled by the bid solicitor, including the requirements for a bidding package, to be used as bases for the bidders to prepare their bids and the bid solicitor to evaluate bids.

"Bidding dossiers" must be ratified by competent persons or competent levels before they are distributed.

17. "Bids" mean documents prepared by bidders according to the requirements of the bidding dossiers.

18."The expert team" means a group of experts and/or consultants, established or hired by the bid solicitor, having the responsibility to assist the bid solicitor perform relevant work in the process of bidding.

19. "Bidding closing" means the end of the time limit for submitting bids as prescribed in the bidding dossiers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



21. "The short list" is a list of bidders, which is shortened through evaluation steps. In the bidding for selection of consultants, the short list shall include consultants selected on the basis of a long list or from the list of consultants having registered to participate in the bidding.

22. "Evaluation" means the work of examining and evaluating by agencies with evaluation function the plans for the project's bidding, the results of bidding for bidding packages as well as relevant bidding documents before they are ratified by competent persons or competent levels.

23. "Bidding package price" is the price set for each bidding package in the plan for the project's bidding, based on the total investment or the total estimate, estimates already approved. In case of bidding for selection of project preparation consultants, the bidding package price must be approved by the competent person before organizing the bidding.

24. "The bid price" means the price written by the bidder in his/her/its bid after subtracting the price reduction amount (if any) including the total expenses necessary for the performance of the bidding package.

25. "Evaluation price" is the bid price with correction of errors and adjustment of discrepancies (if any), converted to the same level (technical, financial, commercial and other) to serve as basis for comparison of bids.

26. "Error correction" means the correction of errors in order to make bids accurate, including arithmetical errors, typing errors, spelling mistakes, unit-misidentification, which shall be made by the bid solicitor and used as basis for the evaluation.

27. "Adjustment of discrepancies" means the supplement or adjustment of inadequate or superfluent details in bids as compared to the requirements of the bidding dossiers as well as the supplement or adjustment of discrepancies between sections of bids. This shall be made by the bid solicitor.

28. "Bid winning proposed price" means the price proposed by the bid solicitor on the basis of the bid price of the proposed bid winner after correction and adjustment of errors and discrepancies as required by the bidding dossiers.

29. "Bid winning price" means the price approved in the bidding results by the competent person or the competent level to serve as basis for the bid solicitor negotiate, finalize and sign contract with the bid winner.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



30. "Contracting price" means the price agreed upon by the bid solicitor and the bid winner after negotiating on the finalization of the contract and compatible to the bidding result.

31. "Bidding result" means the approval of the name of the bid winner, the bid winning price and type of contract by the competent person or the competent level.

32. "Negotiation on finalization of contract" is a process of continuing the negotiation on finalization of detailed contents of the contract with the bid winner for signing.

32. "Bid security" means the deposit of a sum of money (cash, checks, bank guaranty or the like) by bidders into an address for a definite period of time as prescribed in the bidding dossiers to secure the bidders liability for their bids.

34. "Contract performance security" means the deposit of a sum of money (cash, checks, bank guaranty or the like) by the bid winner into an address for a definite period of time as required in the bidding dossiers and the bidding result in order to secure the liability for the performance of the signed contract.

Article 4.- Forms of bidder selection

1. Unrestricted bidding:

Unrestricted bidding is the form of bidding with unrestricted number of participating bidders. The bid solicitor shall have to publicly announce the bidding conditions and time on the mass media at least 10 days before the distribution of bidding dossiers. Unrestricted bidding is the main in form to be applied in bidding.

2. Restricted bidding:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Only a number of bidders are capable of meeting the requirements of the bidding package;

b) The sources of capital to be used require the restricted bidding;

c) The restricted bidding is more advantageous due to the specific situation of the bidding package.

3. Appointed bidding:

Appointed bidding is the form of directly selecting bidders capable of meeting the requirements of the bidding package for negotiation on the contracts.

The form shall apply only in the following special cases:

a) Force majeure circumstances such as natural calamities or enemy sabotage occur, the capable units shall be appointed immediately to promptly carry out the work. Then the content of the appointed bidding must be reported to the Prime Minister for consideration and ratification;

b) The bidding package being of study and experimental character, the State secrets, security secrets or defense secrets shall be decided by the Prime Minister;

c) The special bidding packages which shall be decided by the Prime Minister, based on the appraisal reports of the Ministry of Planning and Investment and written comments of the capital supplying agencies and concerned bodies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The reasons for appointing bidders;

- The technical and financial experiences and capabilities of the bidders recommended for the appointment;

- The value and volume already approved by the competent persons or the competent levels, serving as basis for the appointment of bidders.

4. Competitive sale offers:

This form shall be applied to bidding packages for the procurement of goods valued at under VND2 billion.

Each bidding package must have at least 3 sale offers of 3 different bidders, based on the bid solicitor�s sale offer requirements. The sale offers may be sent directly, by facsimile, postal services or other means.

5. Direct procurement:

On the basis of compliance with the provisions at Clause 3, Article 4 of this Regulation, the form of direct procurement shall apply in cases where the already performed contracts (under one year) or the being performed contracts are supplemented provided that the investors have the demand to increase the goods quantity or the work volume, which have earlier been opened to bidding, but it must be ensured that it must not exceed the price or the unit price in the contract signed earlier. Before signing a contract, the bidder must prove that it/she/he has full technical and financial capabilities to perform the bidding package.

6. Self-performance:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Special procurement:

This form shall apply to particularly special branches where, if without separate provisions, the bidding cannot be carried out. The branch-managing agency, shall have to draw up the process of implementation to achieve the objectives of the Regulation on Bidding and obtain the consent of the Minister of Planning and Investment in order to submit them to the Prime Minister for decision.

Article 5.- Mode of bidding

1. The one dossier-bag bidding is a mode by which bidders submit their bids in one bag of dossiers. This mode shall apply to the bidding for procurement of goods and for construction and installation.

2. The two dossier-bag bidding is a mode by which bidders submit their technical solutions and price offers in each separate bag of dossiers simultanously. The dossier bag of technical solutions shall be considered first for evaluation. Those bidders who get 70% of total technical marks upward shall have their dossier bag of price offers opened for evaluation. This mode shall apply only to biddings for the selection of consultants.

3. The two-phase bidding:

This mode shall apply to the following cases:

- Bidding packages for goods procurement or construction and installation with the value of VND500 billion or more;

- Bidding packages for goods procurement, characterized by the technological selection with complete equipment as well as technological and technical complexity, or bidding packages for especially complicated construction and installation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



This process shall be effected as follows:

a) The first phase: Bidders submit their preliminary bids including the technical solutions and the financial plans (without price) so that the bid solicitor shall consider and discuss in detail with bidders one by one in order to reach agreement on the technical requirements and criteria so that the bidders prepare and submit their official bids.

b) The second phase: The bid solicitor shall invite all bidders participating in the first phase to submit their official bids with the completely supplemented technical solutions on the same technical level and the detailed financial plans fully containing details on the implementation tempo, contractural terms and bid prices.

Article 6.- Contracts

1. The bid solicitor and the bid winner shall have to enter into a written contract. The contract must ensure the following principles:

a) Complying with the current provisions of legislation of the Socialist Republic of Vietnam on contracts. In cases where this has not yet been prescribed by Vietnamese laws, the Prime Minister�s permission must be obtained before signing the contract;

b) The contents of contracts must be approved by the competent persons or the competent levels (compulsory only for contracts to be signed with foreign contractors or contracts to be signed with domestic contractors with the bidding results approved by the Prime Minister).

2. Based on the duration and characters of a bidding package prescribed in the bidding plan, the contract shall be performed in one of the following forms:

a/ The package contract is a contract with the package price, applicable to bidding packages which are clearly determined in term of the quantity, quality requirements and duration. In case of extra-contractural happenings not caused by the contractors, they shall be considered and decided by the competent persons or the competent levels;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) The contract with price adjustment is a contract applicable to bidding packages which, by the time of signing the contract, lack conditions for the determination of their quantity and volume or the prices greatly fluctuate due to changes in the State�s policies and the contract performance duration is over 12 months. The performance of price-adjusted contracts shall have to comply with the provisions in Article 7 of this Regulation.

Article 7.- Adjustment of contract value:

The adjustment of contract value shall be made only when

1. The bidding dossiers approved by the competent persons or the competent levels specify the conditions and limits of part of work or project items entitled to price adjustment and the price adjustment formulas.

2. It is confirmed by the involved parties and permitted by the competent person or the competent level, to be applied in the following cases:

a) Where arise new volumes, quantities (increase or decrease), which are not caused by the contractor;

b) Where the prices fluctuate due to changes in the State's policies regarding labor, raw materials and materials and equipment in the price-adjusted contracts with the implementation duration of over 12 months. The inflation rate shall only be calculated as from the 13th month counting from the time of starting the contract performance.

3. The contract value, after being adjusted, must not exceed the total cost estimate, the estimate or price of the bidding package in the approved bidding plan. The total adjusted value and the values of contracts under the project must not exceed the total investment amount already approved.

Article 8.- Project bidding plan

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. A project bidding plan shall include the following contents:

a) The division of the project into different bidding packages;

b) The prices of the bidding packages and financial sources;

c) Form of selecting bidders and the bidding mode to be applied to each bidding package;

d) The time for organizing the bidding for each bidding package;

e) Type of contract for each bidding package;

f) The contract performance duration.

Article 9.- Conditions for contract performance

1. The bidding shall be organized only when the following conditions are fully met:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) The bidding plan has been ratified by the competent person;

c) The bidding dossier has been ratified by the competent person or the competent level.

In case of bidding for the selection of consultants to perform the work of project preparation or bidding for the selection of partners for the project implementation, the organization of bidding shall be conditioned by the written approval of the competent person or the competent level and the approved bidding plan.

2. The bidders participating in bidding shall have to satisfy the following conditions:

a) Having the business registration certificate. For bidders for procurement of complicated equipment prescribed in the bidding dossiers, the permit for the sale of goods under the producers' licenses is also required besides the business registration certificate;

b) Having full technical and financial capabilities to meet the requirements of bidding packages;

c) Being entitled to participate in the bidding with only one bid for a bidding package, whether it is unilateral or multilateral bid. Where a corporation registers its name for the bidding, all its attached units shall not be allowed to participate therein in the capacity as independent bidders in the same bidding package.

3. The bid solicitors shall not be allowed to participate as bidders in the bidding packages organized by themselves.

Article 10.- Conditions for international biddings and preferences for bidders

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) The bidding packages cannot be satisfied in terms of their requirements by any domestic bidders;

b) The projects which use the sources of aid capital of international organizations or foreign countries require international biddings as provided for in the agreements.

2. The foreign bidders, when participating in international biddings in Vietnam, shall have to either enter into partnership with Vietnamese bidders or commit to use Vietnamese subcontractors, but clearly state the division of work between parties regarding the scope and volume of work and the corresponding unit prices.

3. The foreign bid winners shall have to fulfill their commitments regarding the work volumes in percentage and corresponding unit prices, to be given to the Vietnamese partners or subcontractors as stated in their bids. While negotiating the finalization of contracts, if the foreign bid winners fail to fulfill their commitments stated in their bids, the bidding results shall be disregarded.

4. Bidders participating in biddings in Vietnam shall have to commit to procure and use the supplies and equipment with suitable quality and prices, being manufactured, processed or available in Vietnam.

5. Where two bids of foreign bidders have been evaluated being equal, the one with higher percentage of work given to the Vietnamese side (partner or subcontractor) shall be accepted.

6. Domestic bidders participating in international biddings (unilaterally or in partnership) shall be given priority when their bids are evaluated as equal to bids of foreign bidders.

7. Where two bids are evaluated being equal, priority shall be given to the bid with higher percentage of labor.

8. Domestic bidders participating in international biddings shall be entitled to the regime of preferences as prescribed by laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Bidders must not change their bids after the closure of biddings. During the process of bid evaluation, the bid solicitor may request bidders to clarify some details of their bids in forms of direct or indirect discussion, which, however, must ensure the equality among bidders and must not alter the basic contents of the bids as well as the bid prices. The clarification requests of the bid solicitor and the replies of the bidders must be recorded in writing and archived by the bid solicitor according to the provisions of law.

Article 12.- Bid preparation time and effective time-limits of bids

1. The time of bidding closure and the effective time-limit of bids must be clearly inscribed in the bidding dossiers. Depending on the size and complexity of a bidding package, the maximum duration for bid preparation shall be 15 days for domestic biddings (7 days for small-sized bidding packages) or 30 days for international biddings, counting from the date of distributing the bidding dossiers.

In special cases where a number of details of the bidding dossiers need to be amended before the bidding closure deadline, the bid solicitor may extend the bid preparation duration.

The written amendments to the bidding dossiers must be sent to all bidders having participated in the bidding at least 10 days before the prescribed deadline for bidding closure so that the bidders may have enough time to finalize their bids.

2. The maximum effective time-limit of a bid shall not exceed 180 days after the bidding closure. Where such time-limit needs to be extended, the bid solicitor shall have to notify it to all bidders after getting permission of the competent person or the competent level. If the bidder refuses to accept this, he/she/it shall be refunded with the bid security money.

Article 13.- Bid opening, evaluation, submission and approval and the announcement of bidding results

1. Bid opening:

After the receipt of bids in status quo, which have been submitted on time and managed according to the regime of management of "Secret" documents, the bid opening shall be publicly conducted according to the date, hour and location inscribed in the bidding dossiers and within 48 hours after the bidding closure (excluding holidays prescribed by law).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) The name of the bidding package;

b) The date, hour and location of opening bids;

c) The names and addresses of bidders;

d) The bid price, bid security and implementation tempo;

e) Other relevant details.

The bid solicitor's representative and bidders invited to participate therein must affix their signatures to the bid-opening minutes.

The originals of bids, after being opened, shall be signed for certification on each page before they are evaluated and managed according to the regime of management of "Secret" documents, which shall serve as legal bases for evaluation and consideration.

2. Bid evaluation:

The bid solicitor shall study, evaluate in detail and classify the opened bids according to the requirements of the bidding dossiers and the evaluation criteria already approved by the competent person or the competent level before the bid opening. The bid evaluation shall be conducted according to the following principles:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Using the method of evaluating bidding packages for goods procurement or construction and installation according to the two following steps.

- Step 1: Using the points scale for technical matters to select the short list (namely the list of bidders who basically meet the requirements of the bidding dossiers based on the evaluation criteria).

- Step 2: Determining the evaluation price for bids on the short list for rating.

c) Not using the bid evaluation price, the floor price but the bidding package price in the approved bidding plan.

3. Approving and announcing the bidding results:

The bidding results must be approved by the competent persons or the competent levels. The bid solicitor may announce the bidding results only after they are approved by the competent persons or the competent levels.

Article 14.- Currency, tax and language used in the bidding

1. The bid currency shall be stipulated by the bid solicitor in the bidding dossiers according to the principle of one currency for one goods offer volume.

In the course of bids evaluation and comparison, the exchange rates between the Vietnam dong and the foreign currencies shall be determined according to the rates announced by the State Bank of Vietnam at the time of opening bids.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The languages used in biddings shall be Vietnamese for domestic biddings; Vietnamese and English for international biddings.

Article 15.- Responsibilities of the bid solicitor

Besides the tasks of drawing up and submitting for approval bidding plans for projects prescribed in Article 8 of this Regulation, the bid solicitor shall have to conduct biddings according to the approved bidding plans or written approvals of the competent persons or the competent levels and to the order of organizing biddings stipulated in Articles 20, 22, 33, 45 and 47 of this Regulation, including:

1. Setting up the experts team or hiring consultants to assist the bidding on the basis of the approval by the competent persons or the competent levels;

2. Summarizing the bidding process and submitting the bidding results to the competent persons or the competent levels for consideration and approval;

3. Announcing the bid winners, negotiating on the finalization of contracts;

4. Submitting for approval the contract contents (as prescribed in Point b, Clause 1, Article 6 of this Regulation) and signing the contracts.

Article 16.- Composition, criteria, responsibilities and powers of the experts' group

1. The composition of the experts' group:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Technique, technology;

b) Economics, finance;

c) Legal affairs and other matters ( if necessary).

The head of the experts' group shall be decided by the bid solicitor and approved by the competent person or the competent level, who shall have to run the affairs, synthesize and prepare evaluation reports or other relevant documents.

2. Criteria for members of the experts� group:

a) Having professional qualifications related to the bidding package;

b) Being conversant with the specific contents of the bidding package;

c) Having experience in practical management or research;

d) Being knowledgeable about the bidding process.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Preparing legal documents, compiling the bidding dossiers;

b) Receiving and managing bids;

c) Analyzing, evaluating, comparing and classifying bids according to the evaluation criteria stated in the bidding dossiers and the detailed evaluation criteria approved before opening bids.

d) Synthesizing documents on the process of evaluation and selection bidders and making reports on bid consideration;

e) Having to state honestly and objectively its opinions in writing to the bid solicitor in the course of analyzing, evaluating and classifying bids and being answerable before law for its opinions. Being entitled to reserve its opinions for consideration by the superior level;

f) Having to keep secret information, not to join hand with bidders in any forms;

g) Not entitled to participate in evaluating the bidding results.

Chapter II

BIDDING FOR SELECTION OF CONSULTANCY

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Consultancy for the project preparation:

a) Elaborating the planning and overall scheme for development;

b) Making pre-feasibility study report;

c) Making feasibility study report;

d) Evaluating reports on the elaboration of planning, overall development scheme, pre-feasibility study report and feasibility study report.

2. Consultancy for project implementation:

a) Survey;

b) Making the design, total cost estimate and estimates;

c) Evaluating and verifying the design and the total cost estimate and estimates (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e) Analyzing and evaluating bids;

f) Supervising the construction and equipment installation.

3. Other consultancies:

a) Project management, financial settlement;

b) Administrations of the project implementation;

c) Training, technology transfer and other matters.

The consultants must not participate in the assessment of their work performances and must not participate in the bidding for bidding packages on goods procurement or construction and installation, on which they have provided consultations (except for bidding packages implemented in the form of turn-key contracts).

Article 18.- Types of consultants:

The consultants shall be classified into the following types:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Specialists operating independently or in an organization which operates under the provisions of law.

Article 19.- Requirements on the consultants

1. The consultants must have adequate professional qualifications suitable to the requirements of the bidding dossiers. The consulting specialists must be possessed of certificates and/or diplomas evidencing their proper professional qualifications.

2. The consultants must bear responsibility before the bid solicitor for the legitimacy, accuracy and objectivity regarding the professional matters and fulfill their tasks under the signed contracts.

Article 20. - Order of organizing the bidding

The bidding for selection of consultancy shall be organized in the following order:

1. Compiling the bidding dossiers, including:

a) The bid invitation letter;

b) Reference terms (purpose, scope of work, tempo, tasks and responsibilities of the consultants, responsibilities of the bid solicitor and other relevant contents);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d) Evaluation criteria;

e) Preferential terms (if any);

f) Enclosed detail appendices.

2. Announcement on bid registration:

The bid registration announcement must be made on the appropriate mass media or sent directly to bidders recommended by concerned information supplying agencies or organizations.

3. Determination of the short list:

a) The short list shall be determined according to selection criteria already approved by the competent person or the competent level;

b) This short list must be approved by the competent person or the competent level.

4. Bid invitation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Receipt and management of bids:

The bid solicitor shall only receive bids which are submitted on time as prescribed in the bidding dossiers and manage them according to the regime of management of "Secret" files.

6. Opening technical solutions bags:

The opening of technical solutions bags shall comply with Clause 1, Article 13 of this Regulation.

7. Evaluation of technical solutions:

The evaluation of technical solutions shall comply with the evaluation criteria prescribed in the bidding dossiers and the detail evaluation criteria, already approved by the competent person of the competent level before the opening of the technical solutions bags.

8. Opening the financial proposals bags:

The opening of financial proposals bags of bidders who have got 70% or more of the total marks on technical solutions as prescribed in Clause 1, Article 13 of this Regulation.

9. General evaluation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



10. Submitting for approval the list of rated bidders.

11. Negotiating the contract:

The bid solicitor shall invite the first-rated bidder to negotiate the contract. In case of failure, the bid solicitor shall invite the next-rated bidder to negotiate the contract, but with the approval of the competent person or the competent level.

The bidding work prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 and 11 of this Article shall be performed by the bid solicitor or the hired specialists.

12. Submitting the bidding results for approval.

13. Announcing the bid winner and negotiating the finalization of the contract:

The bid solicitor shall notify the approved bidding results to bidders having participated in the bidding, conduct negotiation on the finalization of the contract with the bid winner.

14. Submitting for approval the contract contents (according to the provisions in Point b, Clause 1, Article 6 of this Regulation) and signing the contract.

Article 21.- Consultancy costs

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) Payment to consultants specialists, including basic wages, social fees, management fees, corporate profits and other allowances;

b) Expenses outside wages, including air fares, working travel allowance, expenses for stationery, information, working facilities, training and other expenses;

c) Various kinds of tax prescribed by law;

d) Reserve expenses:

The reserve expenses shall be determined according to current regulations and be used only when it is approved by the competent person or the competent level.

2. Domestic consultancy costs shall comply with the provisions of law.

Chapter III

BIDDING FOR GOODS PROCUREMENT

Article 22.- Order of organizing the bidding

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Preliminary selection of bidders (if any);

2. Compiling the bidding dossiers;

3. Sending the bid invitation letters or announcing the bid invitation;

4. Receiving and managing bids;

5. Opening bids;

6. Evaluating and rating bidders;

The work of organizing the bidding prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6 of this Article shall be carried out by the bid solicitor or the hired specialists.

7. Submitting the bidding results for approval;

8. Announcing the bid winner, negotiating the finalization of the contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 23.- Preliminary selection of bidders

1. The preliminary selection of bidders must be carried out for bidding packages valued at VND300 billion or more in order to select bidders with full capability and implementation experiences, meeting the requirements of the bidding dossiers.

2. The preliminary selection of bidders shall be carried out through the following steps:

a) Compiling the preliminary selection dossiers, including:

- The letter of invitation to the preliminary selection;

- Instructions on the preliminary selection;

- Evaluation criteria;

- Enclosed appendices.

b) Announcement on preliminary selection invitation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d) Evaluating the preliminary selection application dossiers;

e) Submitting for approval the preliminary selection results;

f) Notification on the preliminary, selection results.

Article 24.- Bidding dossiers

The bidding dossiers shall include:

1. The letter of bid invitation;

2 The bid form;

3. Instructions to bidders;

4. Preferential terms (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Requirements on technology, supplies, equipment, goods, their technical properties and origins;

7. The price index;

8. Evaluation criteria (including methods and mode of converting to the same level for determination of the evaluation price);

9. The general conditions and special conditions of the contract;

10. Bid security form;

11. Contract agreement form;

12. Contract performance security form.

Article 25.- Bid invitation letter or notice

The bid invitation letter or notice shall include the following details:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The project outline, location and time of goods delivery;

3. Instructions on the inquiry into the bidding dossiers.

4. Conditions for participation in the bidding.

5. The time and place of receiving the bidding dossiers.

Article 26. - Instructions to bidders

The instructions to bidders shall include the following major contents:

1. Brief description of the project;

2. The source of funds for project implementation;

3. Requirements on qualifications, experiences and legal status of the bidders, evidences and information relating to the bidders within a reasonable period of time before participation in the bidding;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 27. - Bids

The content of a bid for goods supply shall include:

1. Contents on administrative and legal matters:

a) The valid application for bidding participation (with the signature of the competent person);

b) The copy of the business registration certificate. For the procurement of complex equipment prescribed in the bidding dossiers, in addition to the copy of the business registration paper, the copy of the permit for sale of goods under the producer's license is also required;

c) Documents on the qualifications and experiences of the bidders, including subcontractors (if any);

d) The bid security.

2. The technical contents:

a) The technical properties of goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) The goods�s origin and certificates of the producer;

d) Organizing the construction and installation, training and technology transfer;

e) The contract performance tempo.

3. The commercial and financial contents:

a) The bid price enclosed with the explanation and detailed price index;

b) Conditions for goods delivery;

c) Financial conditions (if any);

d) Payment conditions.

Article 28.- Bid security

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The bid security value represents from 1% to 3% of the bid price. The bid solicitor may fix the uniform bid security level in order to keep secret the bid prices for bidders. The bid solicitor defines the bid security form and conditions. The bid security shall be returned to the unsuccessful bidders within 30 days after the announcement of the bidding results.

3. Bidders may not take back their bid security in the following cases:

a) They win the bids but refuse to perform the contracts;

b) They withdraw their bids after the closure of bidding;

c) They violate the Regulation on Bidding defined in Article 60 of this Regulation.

4. The bid security shall apply only to forms of unrestricted and restricted biddings.

5. After depositing their contract performance security, the bid winners shall have their bid security returned.

Article 29.- Bid evaluation criteria

The evaluation of bids shall be carried out according to the criteria on the following contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) The production and business capabilities, their material and technical foundations, the qualifications of their professional personnel.

b) The financial capabilities (turnovers, profits and other norms);

c) Experiences in the performance of similar contracts in Vietnam and foreign countries.

2. The technical contents:

a) The capabilities to satisfy the requirements on quantity, quality and technical properties of goods stated in the bidding dossiers;

b) The economic and technical characteristics and code of the goods, the place of production, the production level and other contents;

c) The rationality and economic efficiency of the technical solutions, measures to organize the goods supply;

d) The capability for equipment installation and qualifications of technical personnel;

e) The capability for geographical adaptability;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Finance and price: The capability for financial supply (if so requested), commercial and financial conditions, evaluation price.

4. Other criteria: The contract performance duration, technology transfer, training and other contents.

Article 30. - Bid evaluation

The bid evaluation shall be carried out in the following order:

1. Preliminary evaluation:

The preliminary evaluation is aimed to do away with unqualified bids and carried out as follows:

a) Checking the validity of the bids;

b) Examining the bids to see if they meet the basic requirements stated in the bidding dossiers;

c) Clarifying bids (if necessary).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The detailed evaluation of bids shall be carried out by method of evaluation price, including two steps:

a) Step 1 : Evaluation of the technical aspects to select the short list:

Such evaluation is conducted on the basis of evaluation requirements and criteria prescribed in the bidding dossiers and the detailed evaluation criteria must not contradict the evaluation criteria prescribed in the bidding dossiers, already approved by the competent person or the competent level before the bid opening. Those bidders who score at least 70% of the total technical points shall be included in the short list.

b) Step 2: Evaluation of the commercial and financial aspects:

The financial and commercial evaluation of bids submitted by bidders in the short list shall be made on the same plane according to the approved evaluation criteria.

The financial and commercial evaluation is aimed to determine the evaluation price, including the following contents:

- Mistake correction;

- Adjustment of discrepancies;

- Conversion of the bid price to the single currency;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Determination of the evaluation prices of bids.

3. Rating bids according to the evaluation prices and proposing to the bid winners the corresponding bid winning price.

Article 31.- Bidding results

1. Those bidders who have regular bids, basically meet the requirements of the bidding dossier, offer the lowest evaluation price and have the proposed bid winning price not exceeding the approved bidding package price shall be considered for bid winning.

2. The bidding results must be approved by the competent persons or the competent levels.

3. The bid solicitor shall invite the bid winner for negotiation on the finalization of the contract. In case of a failure, the bid solicitor shall invite the next-rated bidder for negotiation, but with the approval of the competent person or the competent level.

Article 32.- Contract performance security

1. The bid winner shall have to deposit the contract performance security to the bid solicitor in order to secure his/her/its liability to perform the signed contract.

2. The contract performance security value shall not exceed 10% of the contract value, depending on the type and scale of the contract. In special cases where the higher contract performance security level is required, it must be approved by the competent person or the competent level. The contract performance security shall be effective until the performance of the warranty or maintenance obligations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) The payment time-limit: The bid winner shall have to deposit the contract performance security before signing the contract;

b) The forms of security in cash, checks, bank guaranty or the like;

c) The effective time-limit of the security;

d) The security currency.

4. The contract performance security must apply to all forms of selecting bidders as prescribed in Article 4 of this Regulation, except for the form of self-performance.

Chapter IV

BIDDING FOR CONSTRUCTION AND INSTALLATION

Article 33.- Order of organizing the bidding

The bidding for construction and installation shall be organized in the following order:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Compiling the bidding dossiers;

3. Distributing bid invitation letters or notices;

4. Receiving and managing bids;

5. Opening bids;

6. Bid evaluation and rating;

The bidding work prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6 of this Article shall be carried out by the bid solicitor or the hired specialists.

7. Submitting the bidding results for approval;

8. Announcing the bid winner, negotiating the contract finalization;

9. Submitting for approval the contract contents (according provisions in Point b, Clause 1, Article 6 of this Regulation) and signing the contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The preliminary selection of bidders must be applied to bidding packages valued at VND200 billion or more in order to select bidders with full capabilities and implementation experiences, meeting the requirements stated in the bidding dossiers.

2. The preliminary selection of bidders shall be carried out through the following steps:

a) Compiling the preliminary selection dossiers, including:

- The letter of invitation to the preliminary selection;

- The preliminary selection instructions;

- The evaluation criteria;

- The enclosed appendices.

b) Announcement of the preliminary selection invitation;

c) Receiving and managing dossiers of preliminary selection participation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e) Submitting the preliminary selection results for approval;

f) Announcing the preliminary selection results.

Article 35.- Bidding dossiers

The bidding dossiers shall include:

1. The letter of bid invitation;

2. The bid form;

3. Instructions to bidders;

4. Preferential terms (if any);

5. Various kinds of tax as prescribed by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Construction tempo;

8. Evaluation criteria (including methods and measures of conversion to the same plane for determination of evaluation price);

9. General terms and specific terms of the contract;

10. Bid security form;

11. Contract form;

12. Contract performance security form.

Article 36.- Bid invitation letters or notices

A bid invitation letter or notice shall contain the following details:

1. The name and address of the bid solicitor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Instructions on inquiry into the bidding dossiers;

4. Conditions for participation in the bidding;

5. Time and place for receiving the bidding dossiers.

Article 37.- Instructions to bidders

The instructions to bidders shall include:

1. Brief project description;

2. Source of funds for project implementation;

3. Applicable technical standards;

4. Requirements on capabilities, experiences and legal status of bidders, evidences and information related to bidders within a reasonable period of time before their participation in the bidding;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 38. - Bids

A construction and installation bid shall contain the following details:

1. Administrative and legal contents:

a) The valid application for bidding participation (with signature of the competent person);

b) The copy of the business registration paper;

c) Recommendatory documents evidencing the capabilities and experiences of the bidder, including the subcontractor (if any);

d) Written documents agreeing on the partnership (in case of partnership in bidding participation).

e) Bid security.

2. Technical contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Contract performance tempo;

c) Technical properties, sources of materials and construction materials supply;

d) Quality control measures.

3. The commercial and financial contents:

a) The bid price enclosed with explanation and detailed price index;

b) The financial conditions (if any);

c) The payment conditions.

Article 39. - Bid security

The construction and installation bid security shall comply with the goods procurement bid security prescribed in Article 28 of this Regulation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The bid evaluation shall be carried out according to criteria on the following contents:

1. Technical matters and quality:

a) The bids' compatibility with the technical, equipment quality requirements stated in the bidding dossiers;

b) The rationality and feasibility of technical solutions as well as construction measures and organization;

c) Meeting requirements on environmental hygiene and others such as fire prevention, labor safety;

d) The capability to satisfy demand for construction equipment (their quantity, types, quality and mobilization tempo).

e) Quality control measures.

2. The bidders' capabilities and experiences:

a) The experiences in implementation of projects with similar technical requirements in similar geographical areas and locations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) The financial capability (turnovers, profits and other norms)

3. Finance and price: the capability to make

financial supply (when so requested), commercial and financial conditions, evaluation price.

4. Construction tempo:

a) The level of ensuring the general tempo stipulated in the bidding dossiers;

b) The rationality on the completion tempo among relevant project items.

Article 41.- Evaluation of bids

The evaluation of bids shall be carried out in the following order:

1. The preliminary evaluation: aims to do away with unqualified bids, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Examining the bids' basic compatibility with the requirements stated in the bidding dossiers;

c) Clarifying bids (if necessary).

2. Detailed evaluation: The detailed evaluation of bids shall comply with the following two-step evaluation method:

a) Step 1: Making the technical evaluation so as to make the short list:

The technical evaluation is carried out on the basis of the evaluation requirements and criteria prescribed in the bidding dossiers and the detailed evaluation criteria approved by the competent person of the competent level before the bids opening. Those bidders who score at least 70% or more of the total technical points shall the included in the short list.

b) Step 2: The financial and commercial evaluation:

The financial and commercial evaluation of bidders on the short list is carried out on the same plane according to the approved evaluation criteria.

The financial and commercial evaluation to determine the evaluation price shall include the following contents:

- Mistake correction;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Conversion of bid prices to the single currency;

- Putting them on the same plane for comparison;

- Determining the evaluation prices of bids.

3. Rating bids according to the evaluation prices and proposing to the bid winner the corresponding bid winning price.

Article 42.- Bidding results

1. Those bidders who have the valid bids, basically meet the requirements of the bidding dossiers, have the lowest evaluation price and have the proposed bid winning price not exceeding the bidding package prices or the approved cost estimates, total cost estimates (if the approved estimate, total cost estimate is lower than the approved bidding package price) shall be considered for bid winning.

2. The bidding results must be approved by the competent persons or the competent levels.

3. The bid solicitor shall invite the bid winner for negotiation on the finalization of the contract. In case of failure, the bid solicitor shall invite the next-rated bidder for negotiation, but with the approval of the competent person or the competent level.

Article 43.- Contract performance security

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter V

BIDDING FOR SMALL-SCALE BIDDING PACKAGES

Article 44.- The principle for organizing the bidding

1. The principle of organizing the bidding shall apply to bidding packages stipulated in Clause 12, Article 3 of this Regulation on the basis of compliance with the objectives of the bidding work prescribed in Article 1 and the specific provisions in Article 45 of this Regulation.

2. The bidding for small-scale bidding packages shall be carried out under the following principles:

a) Only enterprises of various economic sectors (excluding enterprises being corporations or corporation members) stationing in provinces or centrally-run cities shall be allowed to participate therein. Where the number of local bidders able to participate therein is smaller than 3, enterprises outside the locality must be invited to participate therein. Where the bidding package contains complex technical requirements, corporation or corporation members shall be additionally invited to participate in the bidding;

b) Only the bidding mode of one dossier bag shall apply to all bidding packages.

Article 45.- Organization of bidding

1. The bidding order:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Dispatching bid invitation letters or notices;

c) Receiving bids, opening bids and evaluating and rating bidders;

The tasks of organizing the bidding prescribed in Points a, b and c of this Clause shall be performed by the bid solicitor or the hired specialists;

d) Approving the bidding results and signing contracts.

2. The bidding dossiers

The bidding dossiers prepared by the bid solicitor should be simple and clear but must contain all requirements on the bidders, including the following details:

a) The bid invitation letter and the form of application for participation in the bidding;

b) Requirements on the bidding packages:

- Goods procurement: Technical properties, technical instructions and implementation tempo.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



implementation tempo;

c) Evaluation criteria (passed or failed) for technical aspects according to the contents prescribed in Point b, Clause 2 of this Article;

d) Model form of bid guaranty and contract performance security.

3. Bids:

Bids prepared by bidders must ensure their truthfulness and feasibility, and include:

a) The application for participation in bidding; the copy of the business registration paper; bid security;

b) Technical solutions and implementation tempo;

c) Bid price.

4. Bid evaluation:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) Evaluation shall be made according to the criteria specified in the bidding dossiers so as to determine bidders who satisfy the requirements stated in the bidding dossiers. Those bidders who satisfy the requirements stated in the bidding dossiers, meet the technical requirements and have the lowest bid prices (after the error correction and discrepancy readjustment as required by the bidding dossiers) shall be recommended as bid winners.

5. Bidding results:

a) The bidding results must be approved by the competent person or the competent level;

b) The bid solicitor shall invite the bid winner for finalization of the contract.

6. Bid security and contract performance security:

The bid security level of 1% of the bid price and the contract performance security level of 3% of the contract value shall apply, based on the contents defined in Articles 28 and 32 of this Regulation.

Chapter VI

BIDDING FOR SELECTION OF PARTNER TO PERFORM THE CONTRACT

Article 46.- Application principles

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The project is being an idea;

2. The project has its pre-feasibility or feasibility study report approved;

3. Requirements on a number of jobs.

Article 47. - The order of organizing bidding for selection of partners to implement projects

Where there are 7 or more partners interested in implementing a project, a preliminary selection must be organized. The preliminary selection shall comply with the provisions in Clause 2, Article 23 or Clause 2, Article 34, of this Regulation.

The order of organizing bidding for selection partners to implement projects shall include the following steps:

1. Compiling the bidding dossier:

The bidding dossiers shall be compiled on the basis of the project requirements regarding their purposes, contents, scope of work and implementation tempo. A bidding dossier shall include the following contents:

a) Bid invitation letter;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) Instructions to bidders;

d) Relevant information;

e) Evaluation criteria;

f) Enclosed appendices.

2. Bid invitation:

The bid solicitor shall select ways of notification suitable to the forms of bidder selection.

3. Bid reception and management:

The bid solicitor shall receive and manage bids according to the provisions of law.

4. Bid opening.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The bid evaluation shall be conducted by method of points giving. Those bidders who get 70% of the total points or higher shall be rated for submission to the competent persons for consideration and decision on the bid winner.

The bid evaluation and rating shall be conducted through the two following steps:

a) Preliminary evaluation: Bids are considered in term of their legality and compatibility with the requirements stated in the bidding dossiers.

b) Detailed evaluation and rating:

The detailed evaluation of bids is effected on the basis of the evaluation criteria specified in the bidding dossiers and the detailed evaluation criteria approved by the competent person or the competent level before

the opening of bids and in accordance with the following contents:

- Mistake correction;

- Detailed evaluation of the following factors: techniques, commerce, finance, technology transfer (if any);

- Rating of bidders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Announcing the bid winner and negotiating the finalization of a contract:

Based on the bidding results already approved, the bid solicitor shall invite the bid winner for negotiation on the finalization of the contract.

8. Submitting the contract contents for approval in and signing the contract.

Article 48.- Bid security and contract performance security

Based on the nature of the project, the application of bid security or contract performance security shall be decided by the competent person in accordance with the provisions at Article 28 and Article 32 of this Regulation.

Chapter VII

THE STATE MANAGEMENT OVER BIDDING

Article 49.- Bodies in charge of the State management over bidding

1. The Government shall uniformly manage the bidding on the national scale.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies and the heads of the agencies attached to the Government shall exercise the State management over the bidding within their respective scope and responsibility, and at the same time appoint a vice-minister or a deputy of corresponding level (for the ministerial-level agencies and agencies attached to the Government) to personally direct the bidding work.

4. The presidents of the People's Committees of the provinces and centrally-run cities, the presidents of the People�s Committees of the districts, provincial capitals and the presidents of the People�s Committees of wards, communes, district townships shall exercise the State management over the bidding with regard to bidding packages under their respective, management, and at the same time appoint one of their deputies to personally direct the work of bidding.

Article 50.- The contents of the State management of the bidding

The contents of the State management over the bidding shall include:

1. Compiling and promulgating or submitting for promulgation the legal documents on bidding.

2. Guiding the implementation thereof.

3. Organizing the evaluation of the project's bidding plan and the appraisal of the bidding results.

4. Ratifying the project�s bidding plan and the bidding results.

5. Organizing the inspection of the work of bidding.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Settling problems and complaints about bidding.

Article 51.- Responsibilities of the competent persons or the competent level

1. To ratify the basic contents of the bidding process:

a) The project�s bidding plan;

b) The list of bidders in the restricted bidding;

c) The short list of consultancy bidders;

d) Dossier of invitation to preliminary selection, criteria for preliminary selection evaluation and results of preliminary selection of bidders;

e) The bidding dossier;

f) Criteria for evaluation of bids;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



h) The bidding results;

i) The contents of the contract (the contract with foreign bidders or the contract with domestic bidders with the bidding results approved by the Prime Minister).

2. To direct the bid solicitor to negotiate, sign and organize the performance of the contract with the bid winner.

3. To inspect the observance of the Regulation on Bidding by the bid solicitor.

Article 52.- Assignment of responsibility for bidding

The approval responsibility in the course of bidding shall be effected according to the following principles:

- The person competent to approve the project shall have to approve the bidding plan of the project and the results of bidding for packages of great value.

- Assigning the responsibility to or authorizing the subordinate level to approve the results of bidding for packages of small value.

- Evaluation bodies and individuals participating in the evaluation shall bear responsibility for their evaluation comments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Prime Minister shall approve or authorize the approval of:

a) Plans on bidding for Group A projects and the like;

b) The results of bidding for bidding packages under the norms specified in Table 1 at Article 53 of this Regulation;

c) The proposal on appointed bidding, direct procurement, self-performance with regard to the bidding packages prescribed in Clauses 3, 5 and 6, Article 4 of this Regulation;

For Points a and b, Clause 1 of this Article, the Prime Minister shall approve them, based on the evaluation report of the Ministry of Planning and Investment and written comments of competent bodies concerned. Particularly for Point c, Clause 1, this Article, the Prime Minister shall approve them, based on the evaluation report of the Ministry of Planning and Investment and the written comments of the capital-supplying bodies as well as the competent bodies concerned.

d) Decisions on the inspection and handling of violations of the Regulation on Bidding.

2. The Minister of Planning and Investment shall have the responsibility to:

a) Evaluate for submission to the Prime Minister for approval:

- Plans on bidding for Group A projects and the like;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The proposals on appointed biddings, direct procurement, self-performance with regard to bidding packages prescribed in Clause 3, 5 and 6, Article 4 of this Regulation.

b) Evaluate the results of bidding for other bidding packages at the request of the Prime Minister;

c) Approve (for projects under his/her licensing competence):

Plans on bidding for the project and the results of bidding for packages belonging to projects licensed for investment by the Ministry of Planning and Investment according to the provisions in Point b, Clause 2, Article 2 of this Regulation.

3. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies and agencies attached to the Government, the Managing Boards of the State Corporations set up by the Prime Minister, and the presidents of the People's Committees of the provinces and centrally-run cities shall have the responsibility to:

a) Report or make written comments on the plans on bidding for projects of Group B and the like;

b) Submit for approval the results of bidding for bidding packages as prescribed or make written comments on the results of bidding for relevant packages under the approval competence of the Prime Minister;

c) Approve the basic contents of the bidding process:

- For bidding packages under projects of Group A and the like: Points b, c, d, e, f, g of Clause 1, Article 51 of this Regulation shall apply;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d) Approve the results of bidding for bidding packages under the norms specified in Table 1, Article 53 of this Regulation;

e) Approve the contract contents (as prescribed at Point b, Clause 1, Article 6 of this Regulation);

f) Approve (for projects under his/her licensing competence):

Plans on bidding for project mid results of bidding for bidding packages under the projects licensed for investment by him/-herself according to the provisions at Point b, Clause 2, Article 2 of this Regulation (based on the evaluation by the bodies assisting the bidding).

4. The presidents of the People's Committees of urban districts, provincial capitals, rural districts, district capitals, communes and wards shall have the responsibility to:

Approve the basic contents of the bidding process specified in Article 51 of this Regulation with regard to projects falling under their deciding competence, based on the evaluation comments of the relevant sections assisting the bidding.

5. The Managing Boards of the joint-venture enterprises and lawful representative s of the business cooperation shall have the following responsibilities with regard to projects prescribed at Point b, Clause 2, Article 2 of this Regulation:

a) To approve plans on the project's bidding, based on the written approval of the investment-licensing body;

b) To approve the results of bidding for all bidding packages under the project, based on the approval of the investment-licensing body;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d) To decide the appointed bidding, direct procurement, self-performance with regard to bidding packages prescribed in Clauses 3, 5 and 6, Article 4 of this Regulation, based on the approval of the investment-licensing body.

Article 53.- Division of responsibilities for approving and evaluating the bidding results

Based on the approved bidding package prices with regard to projects prescribed at Points a, c and e, Clause 2, Article 2 of this Regulation, the evaluation and approval of the bidding results shall comply with the Table 1 below:

Table 1: DIVISION OF RESPONSIBILITIES FOR APPROVAL AND EVALUATION OF BIDDING RESULTS

Project Group

Approval level

Evaluation level

Bidding packages of Branch I (billion VND)

Bidding packages of Branch II (billion VND)

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

 

Consultancy

Goods procurement and construction installation

Consultancy

Goods procurement and construction

Installation

Consultancy

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

Prime Minister

Ministry of Planning and Investment

From 20 upward

From 100 upward

From 15 upward

From 75 upward

From 10 upward

From 50 upward

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Ministers, heads of agencies attached to the Government, Managing Boards of Corporations set up by the Prime Minister

The concerned assisting units

All bidding packages of under 20

All bidding packages of under 100

All bidd-ing packages of under 15

All bidding packages of under 75

All bidding packages of under

10

All bidding packages of under 50

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Presidents of the provinces and centrally-run cities

Provincial/municipal Planning and Investment Services

 

 

 

 

 

 

Group B, C and the like

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The concerned assisting units

All bidding packages of under the project

 

Presidents of People�s Committees of provinces and centrally-run cities

Provincial/ municipal Planning and Investment Services

 

Presidents of People�s Committees of districts, provincial capitals, district capitals, communes, and wards

Concerned assisting sections

Self deciding on and responsible for all bidding packages under the projects, which they have decided the investment in according to the provisions of law

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Branch I includes: power, petroleum, chemicals, machine tool, cement, metalurgical, mineral exploiting and processing, and communications (bridges, seaports, airports, railways, national highways) industries.

- Branch II includes: light industry, water conservancy, communications (other than those in group I), water supply and drainage, technical infrastructure projects, new urban zones, materials production, electronics and informatics, post and telecommunications.

- Branch III includes the rest.

Article 54.- Time-limit for evaluation of bids and appraisal of the bidding results

1. The time-limit for evaluation of bids, counted from the time of bids opening till the time of submitting the bidding results to the competent persons or the competent level for approval, shall not exceed 60 days for domestic bidding and 90 days for international bidding. Where the two-phase bidding mode is applied, the time-limit for bid evaluation shall be calculated from the time of opening bids in the second phase.

2. The time-limit for appraisal of the bidding results is stipulated as follows:a) For bidding packages under the deciding competence of the Prime Minister: Not more than 30 days from the date of fully receiving the valid dossiers.

b) For other bidding packages: Not more than 20 days from the date of fully receiving the valid dossiers.

Article 55.- Handling bidding circumstances

1. Where there is the reason to adjust the bidding package price or contents, the bid solicitor shall have to fill the procedures for adjusting the bidding plan according to the current regulations before submitting the bidding results for approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Where the offered prices of all bids, after being corrected arithmetically and supplemented or adjusted according to the requirements of the bidding dossier, exceed the bidding package price in the approved bidding plan, the bid solicitor shall have to report such to the competent person or the competent level that shall consider to permit bidders with bids meeting the basic requirements of the bidding dossiers to make new price offers and at the same time shall review the bidding package price in the approved bidding plan and the contents of the bidding dossiers (if necessary).

4. Where the price proposed for contract signing exceeds the bid winning price, the bid solicitor shall have to report such to the competent person (if the price proposed for contract signing exceeds the bidding package price) or the competent level (if the price proposed for contract signing is lower than the bidding package price) for consideration and decision.

5. Bidding cancellation shall apply to one of the following circumstances:

a) The objectives mentioned in the bidding dossier has changed due to objective reasons;

b) All bids have basically not met the requirements of the bidding dossier;

c) There is evidence showing that bidders have been in connivance, thus creating the unhealthy competition in bidding and affecting the interests of the bid solicitor.

Based on the decision of the competent person or the competent level, the bid solicitor shall have to notify all bidders of the cancellation of the bidding or reorganization of the bidding.

6. Where there are too bids with the equal best evaluation results (in terms of the number of points or the evaluation price), the bidder that has the lower bid price after it has been corrected arithmetically and supplemented or adjusted in accordance with the requirements of the bidding dossiers (except for cases prescribed in Clauses 5, 6 and 7 of Article 10 of this Regulation) shall be awarded the winning.

7. The bid elimination shall apply to one of the following cases where:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) The bid fails to satisfy the basic technical, tempo, financial and commercial requirements;

c) The bidder refuses to admit the arithmatic mistakes detected by the bid solicitor that requires the correction thereof or the bid contains other arithmatic mistake exceeding 15% of the bid price;

d) The bid has the discrepancy value exceeds 10% of the bid price.

Article 56.- Keeping secret dossiers, documents and information

All agencies, organizations and individuals participating in biddings and bid evaluation shall have to keep secret the dossiers, documents and information according to the following regulations:

1. Not to disclose contents of the bidding dossiers to any subjects before the date of distributing the bidding dossiers.

2. Not to disclose contents of bids, inscriptions in notebooks, minutes of meeting to consider bids, comments made by specialists or consultants on each bidder and other documents with "secret", "confidential"' or "top secret" seal.

3. Not to disclose the bidding results before the bid solicitor makes the announcement thereof.

4. Not to make contacts to exploit and/or trade in information on the evaluation of bids in the process of bid consideration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 57. - Bidding cost and fee

1. The bid solicitor may sell the bidding dossiers at the price decided by the competent person or the competent level; for domestic biddings, a set of bidding dossiers shall cost not more than VND500,000; for international biddings, the international practices shall apply; besides these, other fees and charges of any types must not be collected from the bidders. The use of the collected amounts shall comply with the provisions of law.

2. The costs of organizing the bidding and bid evaluation incurred by the bid solicitor shall be accounted into the general cost of the project, jointly prescribed by the Ministry of Finance, the Ministry of Construction and the Ministry of Planning and Investment.

3. The fee for appraisal of the bidding results shall be accounted into the general cost of the project and represent 0.01% of the total value of the bidding package, but shall not exceed VND30 million. The Ministry of Finance shall have to guide in detail the management and use of the bidding results appraisal fees.

Chapter VIII

INSPECTION AND HANDLING OF VIOLATIONS

Article 58.- Inspection of biddings

1. The Prime Minister shall decide the inspection and handling of violations on bidding in case of necessity.

2. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility together with the relevant ministries, branches and localities in inspecting the implementation of bidding throughout the country.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 59. - Contents and powers of the bodies in charge of the inspection of the bidding

1. The inspection of the bidding implementation shall be conducted as follows:

a) The regular inspections according to plans and irregular inspections in the bidding process;

b) Inspection of problems and complaints of organizations or individuals.

2. In the course of inspection, the inspection bodies shall have the following rights:

a) To request relevant organizations and individuals to fully supply documents and answer relevant matters;

b) To investigate, gather evidence and documents relating to inspection contents and objects and make reports thereon so that the competent person or the competent level can consider and decide the case;

c) To propose the competent person to handle violations on bidding according to the provisions in Article 60 of this Regulation.

Article 60.- Dealing with violations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Bidders who violate the Regulation on Bidding may, depending on the seriousness of the violations, be eliminated from the list of bidders, shall not be entitled to take back their bid security money and shall not be allowed to participate in any bidding for the period of from 1 to 3 years or shall be dealt with by law.

3. Those who abuse their positions and powers and violate the Regulation on Bidding such as disclosing secrets of dossiers, documents and information, connivance, bribery, fraudulence and other acts of violation shall, depending on the seriousness of the violations, be administratively disciplined or examined for penal liability according to the provisions of law.

4. Those who violate the Regulation on Bidding and cause damage shall have to compensate therefor according to the provisions of law.

Chapter IX

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 61.- Organization of implementation

1. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility and coordinate with the Ministry of Finance, the Ministry of Trade, the Ministry of Construction, other ministries and branches as well as localities in guiding the implementation of this Regulation.

2. The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility and coordinate with the relevant ministries and branches in guiding the implementation of bidding for the procurement of appliances, supplies, equipment and working facilities for State bodies, armed forces units, mass organizations and State enterprises using the State budget sources.

3. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall assume the prime responsibility and coordinate with the Ministry of Finance, the Ministry of Construction and other relevant ministries and branches in guiding the contents of the domestic consultancy costs, the wages of domestic specialists working under contracts with foreign bidders who win bids in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The Ministry of Construction shall assume the prime responsibility and coordinate with relevant ministries and branches in defining preferences for domestic bidders.

6. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government and the presidents of the People's Committees of the provinces and centrally-run cities shall have to implement this Regulation and at the same time in December every year report on the results of implementation of the work of bidding during the year to the Ministry of Planning and Investment for sum-up and submission to the Prime Minister.

7. Any problems arising outside the contents prescribed in the Regulation on Bidding shall be reported by agencies and units to the competent persons or the competent levels for consideration and decisions.

 

  

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Phan Van Khai

(This translation is for reference only)

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 01/09/1999 về Quy chế Đấu thầu

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


23.435

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.86.143
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!