Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2024 số 55/2024/QH15

Số hiệu: 55/2024/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Trần Thanh Mẫn
Ngày ban hành: 29/11/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Quy định về phòng cháy đối với nhà ở từ ngày 01/7/2025

Ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.

Quy định về phòng cháy đối với nhà ở

Tại Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 quy định về phòng cháy đối với nhà ở từ ngày 1/7/2025 như sau:

(1) Nhà ở không thuộc loại hình quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

- Lắp đặt, sử dụng thiết bị điện bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.

- Bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt.

(2) Nhà ở không thuộc loại hình quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 20 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 phải bảo đảm các điều kiện về chữa cháy, thoát nạn sau đây:

- Có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn.

- Bố trí, duy trì lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp hoặc lối đi bảo đảm việc thoát nạn.

(3) Nhà ở có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó.

(4) Nhà ở trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.

(5) Đối với nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy thì phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.

Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương xác định khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy.

(6) Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn việc kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy khi có yêu cầu.

Xem chi tiết Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

 

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 55/2024/QH15

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2024

LUẬT

PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cháy là phản ứng hóa học có tỏa nhiệt, phát ra ánh sáng hoặc khói, gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường, an ninh, trật tự.

2. Phòng cháy là tổng hợp các hoạt động, biện pháp, giải pháp để hạn chế, loại trừ nguyên nhân, điều kiện, nguy cơ xảy ra cháy nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra.

3. Chữa cháy là tổng hợp các hoạt động chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác để giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra.

4. Tai nạn, sự cố là tình huống quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật này gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phải cứu nạn, cứu hộ.

5. Cứu nạn là hoạt động cứu người thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng, sức khỏe trong các vụ cháy, tai nạn, sự cố và hoạt động tìm kiếm nạn nhân.

6. Cứu hộ là hoạt động cứu phương tiện, tài sản thoát khỏi nguy hiểm trong các vụ cháy, tai nạn, sự cố.

7. Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (sau đây gọi là cơ sở) là nhà, công trình, địa điểm được sử dụng để ở, sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, làm việc hoặc mục đích khác, được xây dựng, hoạt động theo quy định của pháp luật, thuộc danh mục do Chính phủ quy định. Trong một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở; trong một cơ sở có thể có một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức.

8. Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ là cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao thuộc danh mục do Chính phủ quy định.

9. Hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ là hàng hóa có chứa các chất, vật phẩm có nguy cơ cháy, nổ ở dạng khí, dạng lỏng hoặc dạng rắn mà khi quản lý, vận chuyển, sử dụng có khả năng gây cháy, nổ, làm nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, an ninh, trật tự, thuộc danh mục do Chính phủ quy định.

10. Phương tiện giao thông có yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi là phương tiện giao thông) là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện thủy nội địa, tàu biển được sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải để vận tải hành khách, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; trường hợp là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận tải hành khách thì phải trên 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe).

11. Người đứng đầu cơ sở là người chịu trách nhiệm trước pháp luật trong tổ chức thực hiện, duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở, bao gồm: người đại diện theo pháp luật của cơ sở hoặc người được giao trực tiếp quản lý cơ sở; chủ hộ gia đình trực tiếp sử dụng nhà ở đối với nhà ở là cơ sở thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.

12. Lực lượng dân phòng là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố).

13. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở là lực lượng kiêm nhiệm do người đứng đầu cơ sở thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở.

14. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành là lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm do người đứng đầu cơ sở thành lập để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại một số cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

15. Khu vực chữa cháy là khu vực được giới hạn trong một phạm vi nhất định, ở đó diễn ra các hoạt động chữa cháy của các lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật.

16. Khu vực cứu nạn, cứu hộ là khu vực được giới hạn trong một phạm vi nhất định, ở đó diễn ra các hoạt động cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật.

17. Thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là việc xem xét, đánh giá sự tuân thủ các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng đối với thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trong dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình, phương tiện giao thông.

18. Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy là việc kiểm tra, đối chiếu thực tế thi công dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình, phương tiện giao thông với hồ sơ thiết kế đã được thẩm định.

19. Kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy là việc cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình, phương tiện giao thông.

20. Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các mục đích khác; được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan.

21. Cơ quan quản lý chuyên ngành là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một lĩnh vực nhất định liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, bao gồm: cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan đăng kiểm.

22. Hạ tầng phòng cháy và chữa cháy bao gồm mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình, hệ thống cung cấp nước, hệ thống giao thông và hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy và chữa cháy.

Điều 3. Áp dụng pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng, trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

3. Trường hợp sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh đã được ban bố tình trạng khẩn cấp, ban bố cấp độ phòng thủ dân sự thì hoạt động cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng thủ dân sự, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Bảo đảm ngân sách nhà nước, cơ sở, vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực, chế độ, chính sách, các điều kiện hoạt động cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống.

2. Huy động, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đầu tư, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu tại những nơi bố trí đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và nguồn nhân lực thực hiện thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu, kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy.

4. Bố trí lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với từng địa bàn cơ sở; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng, tham gia, duy trì các mô hình an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cộng đồng.

5. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật căn cứ vào tính chất, mức độ đóng góp.

Điều 5. Nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế thì hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại hoặc yêu cầu đối ngoại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

2. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy và có biện pháp khắc phục; xác định phòng cháy, phòng ngừa tai nạn, sự cố là nhiệm vụ thường xuyên.

4. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện cần thiết để kịp thời chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

5. Thống nhất chỉ huy, điều hành, phát huy vai trò của lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố; ưu tiên cứu người, cứu tài sản; mọi nguồn nước, chất chữa cháy phải được ưu tiên sử dụng cho chữa cháy.

6. Ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

7. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

8. Bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, bình đẳng giới trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Điều 6. Báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ

1. Người phát hiện cháy, tình huống cứu nạn, cứu hộ thì báo ngay cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất.

2. Thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ được thực hiện bằng hiệu lệnh, điện thoại hoặc tín hiệu từ thiết bị truyền tin báo cháy hoặc báo trực tiếp cho cơ quan, lực lượng quy định tại khoản 1 Điều này.

Số điện thoại báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ được quy định thống nhất trong cả nước là 114.

3. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được tin báo phải thông tin ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền để giải quyết.

Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

2. Bộ Công an là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

3. Bộ Quốc phòng, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại địa phương. Tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại Luật này.

Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc Đội dân phòng khi có yêu cầu.

3. Người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý;

b) Thành lập, duy trì hoạt động Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành theo quy định tại Điều 37 của Luật này hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;

c) Ban hành hoặc tham mưu người có thẩm quyền ban hành nội quy phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

d) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý về việc thực hiện quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

đ) Xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;

e) Quyết định hoặc đề xuất người có thẩm quyền quyết định trang bị, duy trì tính năng sử dụng của phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả do cháy, tai nạn, sự cố gây ra;

g) Lập, quản lý hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý; khai báo, cập nhật dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy;

h) Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

4. Chủ phương tiện giao thông có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý;

b) Ban hành nội quy phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

c) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát cá nhân thuộc phạm vi quản lý về việc thực hiện quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

d) Trang bị, duy trì tính năng sử dụng của phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả do cháy, tai nạn, sự cố gây ra;

đ) Xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

5. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ phương tiện giao thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thẩm định, thi công, giám sát thi công, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

6. Chủ hộ gia đình trực tiếp sử dụng nhà ở mà không phải là người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật này;

b) Tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở thành viên khác trong gia đình thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

c) Thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố;

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

7. Cá nhân có trách nhiệm sau đây:

a) Chấp hành quy định, nội quy, biện pháp, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Tìm hiểu kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và kỹ năng thoát nạn, sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thông dụng;

c) Bảo đảm an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất dễ cháy, nổ;

d) Phát hiện, ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây cháy, nổ và các hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện, khả năng cho phép;

đ) Tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi được cơ quan, người có thẩm quyền huy động; chấp hành yêu cầu, quyết định của người chỉ huy chữa cháy, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

8. Trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ nhà ở được quy định như sau:

a) Người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở có trách nhiệm tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở người thuê, mượn, ở nhờ thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Người thuê, mượn, ở nhờ nhà ở có trách nhiệm theo quy định tại khoản 6 Điều này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở.

Trường hợp thuê, mượn, ở nhờ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thì người thuê, mượn, ở nhờ còn có trách nhiệm bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy theo quy định tại Điều 21 của Luật này.

9. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 50 của Luật này có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý.

10. Chính phủ quy định chi tiết điểm c và điểm g khoản 3, điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Điều 9. Trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Cơ quan thông tin, truyền thông có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tích hợp, lồng ghép kiến thức, pháp luật và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào nội dung đào tạo lái xe.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giảng dạy và bảo đảm điều kiện thực hiện trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học phù hợp với từng cấp học, ngành học.

5. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, có hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phù hợp với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

6. Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật, hướng dẫn kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Điều 10. Xây dựng, thực tập các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này có trách nhiệm tổ chức xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ của cơ sở, phương tiện giao thông trong phạm vi quản lý.

2. Cơ quan Công an có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ;

b) Tổ chức xây dựng, thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ đối với các tình huống tai nạn, sự cố quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật này cần huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Người đứng đầu cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an trong xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an xây dựng, thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trong phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hoặc phương án cứu nạn, cứu hộ do cơ quan Công an xây dựng có trách nhiệm bố trí lực lượng, người, phương tiện tham gia thực tập phương án.

5. Cơ quan Quân sự, Biên phòng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cơ quan Công an tổ chức xây dựng, diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ thuộc phạm vi quản lý.

6. Chính phủ quy định về nội dung, thời gian thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phương án cứu nạn, cứu hộ.

Điều 11. Kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy

1. Đối tượng kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy bao gồm:

a) Cơ sở quy định tại khoản 7 Điều 2 của Luật này;

b) Nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh;

c) Phương tiện giao thông quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này;

d) Công trình xây dựng trong quá trình thi công.

2. Nội dung kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy bao gồm:

a) Việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông theo quy định;

b) Việc bảo đảm và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, cơ sở theo quy định tại các điều 19, 20, 21, 22 và 23 của Luật này; việc thực hiện, duy trì giải pháp kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở quy định tại khoản 6 Điều 55 của Luật này.

3. Thẩm quyền kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy được quy định như sau:

a) Người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này; quy định trình tự, thủ tục kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy.

Điều 12. Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Ngày 04 tháng 10 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”.

Điều 13. Hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Việc hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm những nguyên tắc sau đây:

a) Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

b) Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế hợp tác về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

c) Mở rộng, phát triển đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; phối hợp tìm kiếm, cứu nạn; đầu tư, xây dựng hạ tầng, công trình phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

d) Ưu tiên hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

2. Nội dung hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bao gồm:

a) Trao đổi thông tin, học tập, tham khảo kinh nghiệm về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

b) Hỗ trợ chữa cháy, tìm kiếm, cứu nạn;

c) Đào tạo, huấn luyện, diễn tập, đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

d) Xây dựng hạ tầng, công trình phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

đ) Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giúp Chính phủ đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Điều 14. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố hoặc kích động, xúi giục, dụ dỗ người khác gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường, an ninh, trật tự.

2. Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng thực hiện nhiệm vụ và người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

3. Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Lợi dụng việc tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Làm giả, làm sai lệch kết quả thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, kết quả kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

6. Báo cháy giả; báo tình huống cứu nạn, cứu hộ giả.

7. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hàng hóa, chất, vật phẩm nguy hiểm về cháy, nổ.

8. Chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng công trình, hạng mục công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

9. Kinh doanh phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có chất lượng không đúng với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

10. Chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, biển báo, biển chỉ dẫn đã được trang bị theo quy định; cản trở lối thoát nạn; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, đường thoát nạn, ngăn cháy lan.

11. Lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới.

Chương II

PHÒNG CHÁY

Điều 15. Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn

Khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng cấp độ quy hoạch và được quy định như sau:

1. Quy hoạch chung phải có nội dung phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy;

2. Quy hoạch phân khu đô thị, khu chức năng có yêu cầu lập quy hoạch phân khu phải có:

a) Nguồn nước và phương án tổ chức mạng lưới cấp nước chữa cháy;

b) Mạng lưới giao thông phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

c) Vị trí, quy mô của trụ sở đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong khu vực lập quy hoạch;

3. Quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng phải có:

a) Đường bộ, bãi đỗ, khoảng trống bảo đảm cho xe chữa cháy và phương tiện chữa cháy cơ giới triển khai hoạt động;

b) Nguồn nước chữa cháy từ bồn, bể, ao, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo hoặc hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà;

c) Nguồn điện phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy;

d) Địa điểm cho đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm diện tích xây dựng và yêu cầu đã được xác định tại quy hoạch quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

4. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn chỉ phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng khi bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 16. Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế công trình, cải tạo, thay đổi công năng sử dụng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông

1. Khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế công trình, cải tạo, thay đổi công năng sử dụng công trình quy định tại khoản 7 Điều 2 của Luật này và xây dựng công trình tạm theo quy định của pháp luật về xây dựng phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình và bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Khoảng cách phòng cháy, chữa cháy;

b) Đường bộ, bãi đỗ, khoảng trống phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

c) Giải pháp thoát nạn;

d) Dự kiến bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan;

đ) Giải pháp chống khói;

e) Hệ thống điện phục vụ phòng cháy và chữa cháy;

g) Phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy.

2. Khi sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm của phương tiện giao thông và bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan;

b) Giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy cho hệ thống cung cấp năng lượng, nhiên liệu và động cơ;

c) Hệ thống, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí, chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ;

d) Phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy.

Điều 17. Thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy

1. Việc thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình và phương tiện giao thông, trừ công trình tạm theo quy định của pháp luật về xây dựng được quy định như sau:

a) Người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng không thuộc diện thẩm định dự án của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng nhưng thuộc diện thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với dự án thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình và thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Cơ quan đăng kiểm tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 16 của Luật này khi thực hiện thẩm định thiết kế theo quy định của pháp luật về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

d) Cơ quan Công an tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức thẩm định nội dung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 của Luật này đối với phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

đ) Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình không thuộc diện phải thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng nhưng thuộc diện thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an; tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 16 của Luật này đối với thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình không thuộc diện thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an.

2. Công trình thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi điều chỉnh thiết kế mà làm thay đổi một trong các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này hoặc trong quá trình sử dụng mà thay đổi công năng hoặc cải tạo làm thay đổi điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy phải thực hiện điều chỉnh thiết kế, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Việc điều chỉnh thiết kế, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 và khoản 1 Điều 17 của Luật này.

3. Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ phương tiện giao thông chỉ được tổ chức thi công xây dựng, cải tạo công trình, hạng mục công trình và sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi có văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan quản lý chuyên ngành.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này; quy định danh mục công trình, phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan đăng kiểm; quy định nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; quy định trách nhiệm phối hợp trong thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

Điều 18. Nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy

1. Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ phương tiện giao thông có trách nhiệm tổ chức thi công, nghiệm thu công trình, phương tiện giao thông theo thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm định; chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ phương tiện giao thông, đơn vị thi công có trách nhiệm bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong suốt quá trình thi công công trình, phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý của mình.

2. Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ phương tiện giao thông tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình, phương tiện giao thông theo các quy định sau đây:

a) Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình;

b) Đối với các bộ phận của công trình, bộ phận phương tiện giao thông bị che khuất thì phải nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi tiến hành các bước thi công tiếp theo;

c) Quyết định việc nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy từng phần công trình, từng hạng mục công trình trong trường hợp phần công trình, hạng mục công trình đó đủ điều kiện vận hành độc lập, bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

3. Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, chủ phương tiện giao thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình, phương tiện giao thông.

4. Công trình, phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy sau khi tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy phải được cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được đưa công trình, phần công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông vào khai thác, sử dụng sau khi được cơ quan quản lý chuyên ngành chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

5. Việc kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy được quy định như sau:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình, phần công trình, hạng mục công trình vào sử dụng đối với công trình, phần công trình, hạng mục công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trước đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Luật này và thuộc đối tượng phải kiểm tra công tác nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

b) Cơ quan đăng kiểm tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trước đó theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 của Luật này khi kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

c) Cơ quan Công an tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình, phần công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông đã được cơ quan Công an thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trước đó theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 của Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này; quy định nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; quy định trách nhiệm phối hợp kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Điều 19. Phòng cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công

1. Công trình xây dựng trong quá trình thi công phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Có nội quy phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng;

b) Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định;

c) Trang bị phương tiện hoặc hệ thống phòng cháy và chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng theo quy định về an toàn trong thi công xây dựng;

d) Có phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.

2. Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, đơn vị thi công công trình xây dựng có trách nhiệm thực hiện, duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 20. Phòng cháy đối với nhà ở

1. Nhà ở không thuộc loại hình quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Lắp đặt, sử dụng thiết bị điện bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 của Luật này;

b) Bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt.

2. Nhà ở không thuộc loại hình quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này phải bảo đảm các điều kiện về chữa cháy, thoát nạn sau đây:

a) Có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn;

b) Bố trí, duy trì lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp hoặc lối đi bảo đảm việc thoát nạn.

3. Nhà ở có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó.

4. Nhà ở trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật này.

5. Đối với nhà ở tại thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy thì phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Đối với nhà ở tại khu vực khác thì khuyến khích trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.

Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương xác định khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy.

6. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn việc kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy khi có yêu cầu.

Điều 21. Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

1. Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Các điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại Điều 20 của Luật này;

b) Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định;

c) Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.

2. Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Các điều kiện an toàn về phòng cháy quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh;

c) Có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí nguy hiểm về cháy, nổ phù hợp với công năng, đặc điểm của nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;

d) Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.

Điều 22. Phòng cháy đối với phương tiện giao thông

1. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận tải hành khách, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ khi tham gia giao thông phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định;

b) Thực hiện các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.

2. Phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện thủy nội địa, tàu biển vận tải hành khách, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Điều kiện an toàn về phòng cháy theo quy định của pháp luật về đường sắt, pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, pháp luật về hàng hải;

b) Điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Phương tiện giao thông thuộc diện thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải có văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan quản lý chuyên ngành;

d) Có phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

3. Phương tiện giao thông được sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy chỉ được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

4. Phương tiện giao thông thủy của tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia hoạt động đường thủy nội địa Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5. Chủ sở hữu, thuyền trưởng, trưởng tàu, người điều khiển phương tiện giao thông trong phạm vi quản lý có trách nhiệm bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình hoạt động của phương tiện giao thông.

Điều 23. Phòng cháy đối với cơ sở

1. Cơ sở phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Có nội quy phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với từng loại hình cơ sở;

b) Trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;

c) Trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy; khai báo, cập nhật dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo lộ trình do Chính phủ quy định;

d) Thực hiện các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 16 của Luật này;

đ) Có phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

e) Thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành theo quy định tại Điều 37 của Luật này hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

2. Cơ quan, tổ chức hoạt động trong phạm vi một cơ sở phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Có nội quy phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức;

b) Bảo đảm an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất dễ cháy, nổ trong phạm vi quản lý;

c) Cử người tham gia lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện, duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý.

Điều 24. Phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất

1. Trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Chấp hành quy định về an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt theo quy định của pháp luật về điện lực;

b) Đơn vị bán lẻ điện khi đấu nối điện sinh hoạt phải tư vấn việc lắp đặt, sử dụng đối với hệ thống, thiết bị điện để bảo đảm an toàn về phòng cháy;

c) Việc lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện trong nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn điện theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa, thay thế dây dẫn điện, thiết bị điện không bảo đảm an toàn về phòng cháy;

d) Chỉ được sử dụng thiết bị sạc điện cho xe động cơ điện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy; khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn.

2. Trong lắp đặt, sử dụng điện cho sản xuất phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

a) Chấp hành quy định về an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất theo quy định của pháp luật về điện lực và quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này;

b) Thiết bị điện được sử dụng trong môi trường nguy hiểm về cháy, nổ phải là thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, thiết bị điện có trách nhiệm tư vấn, cung cấp thông tin về chất lượng, thông số kỹ thuật của sản phẩm, thiết bị điện phù hợp với mục đích sử dụng.

4. Đơn vị bán lẻ điện có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn về bảo đảm an toàn sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác về an toàn sử dụng điện theo quy định của pháp luật về điện lực.

Chương III

CHỮA CHÁY

Điều 25. Trách nhiệm chữa cháy

1. Người phát hiện cháy, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gần nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chữa cháy trong điều kiện, khả năng cho phép.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có trách nhiệm tổ chức chữa cháy thuộc phạm vi quản lý; huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản theo thẩm quyền tham gia chữa cháy theo đề nghị của người chỉ huy chữa cháy.

3. Cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và cơ quan, tổ chức, đoàn thể khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp tham gia chữa cháy ngay khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền hoặc người chỉ huy chữa cháy; điều động người và phương tiện thuộc phạm vi quản lý đến nơi xảy ra cháy để tham gia, hỗ trợ chữa cháy khi được huy động.

4. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi nhận được tin báo cháy thuộc phạm vi quản lý hoặc nhận được mệnh lệnh, quyết định huy động phải kịp thời đến chữa cháy.

5. Lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy; tham gia chữa cháy; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng, phương tiện đi chữa cháy được lưu thông nhanh nhất.

6. Ủy ban nhân dân địa phương giáp ranh với địa phương nơi xảy ra cháy có trách nhiệm huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi quản lý tham gia chữa cháy khi người chỉ huy chữa cháy đề nghị.

7. Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác trong Công an nhân dân.

8. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về trách nhiệm chữa cháy đối với công trình, cơ sở, phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng; phối hợp với Bộ Công an tổ chức chữa cháy đối với công trình lưỡng dụng theo quy định của Chính phủ.

Điều 26. Huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy

1. Khi có cháy thì lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đều có thể được huy động để tham gia chữa cháy; trường hợp cần thiết, người chỉ huy chữa cháy đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam bố trí lực lượng, người, phương tiện để hỗ trợ, giúp đỡ chữa cháy.

2. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được huy động tham gia chữa cháy có trách nhiệm bố trí ngay lực lượng, người, phương tiện, tài sản để tham gia chữa cháy.

3. Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được huy động tham gia chữa cháy phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc chữa cháy; trường hợp bị mất, hư hỏng, bị thiệt hại do việc huy động trực tiếp gây ra thì được bồi thường.

Người có thẩm quyền quyết định huy động có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường. Mức bồi thường và việc chi trả bồi thường được thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

4. Lực lượng, người được huy động làm nhiệm vụ chữa cháy được ưu tiên khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng.

5. Thẩm quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và người đứng đầu cơ quan, tổ chức được quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình;

b) Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý của mình; Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi cả nước;

c) Giám đốc Công an cấp tỉnh và Trưởng Công an cấp huyện được quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của lực lượng Công an nhân dân thuộc phạm vi quản lý của mình; Bộ trưởng Bộ Công an được quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi cả nước.

6. Chính phủ quy định thủ tục huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản để chữa cháy; việc huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của Quân đội để tham gia chữa cháy.

Điều 27. Nguồn nước chữa cháy

1. Nguồn nước chữa cháy lấy từ trụ nước chữa cháy thuộc hệ thống cấp nước tập trung, hệ thống cấp nước chữa cháy, bồn, bể, ao, hồ, sông, suối, kênh hoặc nguồn nước sẵn có khác.

2. Trên hệ thống cấp nước tập trung bố trí các trụ nước chữa cháy theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm yêu cầu cấp nước phục vụ chữa cháy. Chi phí sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung do cơ quan Công an sử dụng để chữa cháy và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được chi trả từ ngân sách nhà nước.

3. Tại khu vực bồn, bể, ao, hồ, sông, suối, kênh trong đô thị, khu dân cư tập trung bố trí các điểm, bến để xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy lấy nước phục vụ chữa cháy.

4. Chính phủ quy định trách nhiệm đầu tư, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng trụ nước chữa cháy; đầu tư, quản lý các điểm, bến để xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy lấy nước phục vụ chữa cháy.

Điều 28. Người chỉ huy chữa cháy

1. Người có chức vụ cao nhất của lực lượng Công an nhân dân được phân công chỉ huy chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

2. Trường hợp tại nơi xảy ra cháy, lực lượng Công an nhân dân chưa đến thì người chỉ huy chữa cháy được quy định như sau:

a) Cháy tại cơ sở thì người đứng đầu cơ sở là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp người đứng đầu cơ sở vắng mặt thì Đội trưởng Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc Đội trưởng Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy;

b) Cháy phương tiện giao thông đang lưu thông thì người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện vắng mặt thì người điều khiển phương tiện là người chỉ huy chữa cháy;

c) Cháy tại thôn, tổ dân phố không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố vắng mặt thì Đội trưởng Đội dân phòng hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy chữa cháy.

3. Người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Công an nhân dân thực hiện quyền chỉ huy bằng mệnh lệnh, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và có các quyền sau đây:

a) Sử dụng lực lượng, phương tiện của cơ quan Công an thuộc phạm vi quản lý tham gia chữa cháy;

b) Huy động theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia chữa cháy theo quy định của pháp luật;

c) Xác định, quyết định khu vực chữa cháy, các biện pháp chữa cháy, việc sử dụng địa hình, địa vật lân cận để chữa cháy;

d) Cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy;

đ) Quyết định việc di chuyển, phá dỡ chướng ngại vật, tài sản để cứu nạn, cứu hộ, ngăn chặn nguy cơ cháy lan theo quy định của pháp luật.

4. Người chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều này chịu trách nhiệm về quyết định của mình và có các quyền sau đây:

a) Sử dụng lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý tham gia chữa cháy;

b) Đề nghị người có thẩm quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia chữa cháy theo quy định của pháp luật;

c) Quyết định việc di chuyển, phá dỡ chướng ngại vật, tài sản để cứu nạn, cứu hộ, ngăn chặn nguy cơ cháy lan theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Khắc phục hậu quả vụ cháy

1. Khắc phục hậu quả vụ cháy bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Tổ chức cấp cứu ngay người bị nạn; cứu trợ, giúp đỡ người bị thiệt hại ổn định đời sống;

b) Thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự, an toàn xã hội;

c) Phục hồi kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác.

2. Người đứng đầu cơ sở, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có cơ sở bị cháy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, chủ phương tiện giao thông có phương tiện bị cháy, chủ hộ gia đình có nhà bị cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này trong điều kiện, khả năng cho phép.

Điều 30. Bảo vệ hiện trường, điều tra vụ cháy

1. Cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức bảo vệ hiện trường vụ cháy, khám nghiệm hiện trường vụ cháy, điều tra vụ cháy theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia bảo vệ hiện trường vụ cháy, cung cấp thông tin xác thực về vụ cháy cho cơ quan Công an.

Điều 31. Chữa cháy trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này

1. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam khi được phép vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này để chữa cháy thì phải tuân theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam có trách nhiệm chống cháy lan bên ngoài trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này.

Chương IV

CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 32. Tình huống cứu nạn, cứu hộ

1. Tình huống cứu nạn, cứu hộ bao gồm:

a) Cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy;

b) Cứu nạn, cứu hộ trong tình huống tai nạn, sự cố bao gồm: có người đuối nước; sập, đổ nhà, công trình, cây cối; tai nạn, sự cố do phương tiện, thiết bị gây ra; sạt lở đất, đá; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các tai nạn, sự cố khác khi có yêu cầu;

c) Tìm kiếm nạn nhân.

2. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chủ trì thực hiện hoạt động cứu nạn, cứu hộ trong các tình huống quy định tại khoản 1 Điều này; phối hợp thực hiện hoạt động cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố khác, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ

1. Người phát hiện tình huống cứu nạn, cứu hộ, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gần nơi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố tham gia cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện, khả năng cho phép.

2. Cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và cơ quan, tổ chức, đoàn thể khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp tham gia cứu nạn, cứu hộ ngay khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền hoặc người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; điều động người và phương tiện thuộc phạm vi quản lý đến nơi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố để tham gia, hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ khi được huy động.

3. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi nhận được tin báo tai nạn, sự cố cần phải cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý hoặc nhận được mệnh lệnh, quyết định huy động phải kịp thời đến cứu nạn, cứu hộ.

4. Lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ khu vực cứu nạn, cứu hộ; tham gia cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng, phương tiện đi cứu nạn, cứu hộ được lưu thông nhanh nhất.

5. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tham gia cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.

6. Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ, tổ chức cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác trong Công an nhân dân.

Điều 34. Người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ

1. Khi xảy ra cháy cần phải cứu nạn, cứu hộ, người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Công an nhân dân là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ.

2. Khi xảy ra tai nạn, sự cố cần phải cứu nạn, cứu hộ, người có chức vụ cao nhất của lực lượng Công an nhân dân được phân công chỉ huy cứu nạn, cứu hộ có mặt tại nơi xảy ra tai nạn, sự cố là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ đối với các tai nạn, sự cố quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật này.

3. Người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện quyền chỉ huy bằng mệnh lệnh, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình và có các quyền sau đây:

a) Sử dụng lực lượng, phương tiện của cơ quan Công an thuộc phạm vi quản lý tham gia cứu nạn, cứu hộ;

b) Huy động theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;

c) Xác định, quyết định khu vực cứu nạn, cứu hộ, các biện pháp cứu nạn, cứu hộ, việc sử dụng địa hình, địa vật lân cận để cứu nạn, cứu hộ;

d) Cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực cứu nạn, cứu hộ;

đ) Quyết định việc di chuyển, phá dỡ chướng ngại vật, tài sản trong phạm vi cứu nạn, cứu hộ để cứu người, cứu tài sản theo quy định của pháp luật.

4. Khi người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ thuộc lực lượng Công an nhân dân chưa có mặt tại nơi xảy ra tai nạn, sự cố thì người đứng đầu cơ sở, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi xảy ra tai nạn, sự cố sử dụng lực lượng, người, phương tiện thuộc phạm vi quản lý thực hiện cứu nạn, cứu hộ và tham gia hỗ trợ, khắc phục tai nạn, sự cố.

Điều 35. Huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ

1. Khi có tình huống cứu nạn, cứu hộ thì lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đều có thể được huy động để tham gia cứu nạn, cứu hộ; trường hợp cần thiết, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam bố trí lực lượng, người, phương tiện để hỗ trợ, giúp đỡ cứu nạn, cứu hộ.

2. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm bố trí ngay lực lượng, người, phương tiện, tài sản để tham gia cứu nạn, cứu hộ.

3. Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc cứu nạn, cứu hộ; trường hợp bị mất, hư hỏng, bị thiệt hại do việc huy động trực tiếp gây ra thì được bồi thường.

Người có thẩm quyền quyết định huy động có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường. Mức bồi thường và việc chi trả bồi thường được thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

4. Lực lượng, người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ được ưu tiên khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng.

5. Thẩm quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ được quy định như sau:

a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản thuộc phạm vi quản lý của mình;

b) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý của mình;

c) Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh và Trưởng Công an cấp huyện được quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của lực lượng Công an nhân dân thuộc phạm vi quản lý của mình.

6. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Chương V

XÂY DỰNG, BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG, NHIỆM VỤ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 36. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở.

3. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

4. Lực lượng dân phòng.

Điều 37. Thành lập, quản lý lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành và lực lượng dân phòng

1. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở được thành lập, quản lý và bố trí thành Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành được thành lập, quản lý và bố trí thành Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

2. Cơ sở đã thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành thì không phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở.

3. Lực lượng dân phòng được thành lập ở một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã theo quy định sau đây:

a) Được bố trí thành Đội dân phòng;

b) Căn cứ tình hình, yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số, diện tích tự nhiên của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chí thành lập Đội dân phòng và tiêu chí về số lượng thành viên Đội dân phòng trên địa bàn quản lý;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng Đội dân phòng cần thành lập, số lượng thành viên Đội dân phòng tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý đến từng đơn vị hành chính cấp xã;

d) Căn cứ quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm c khoản này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Đội dân phòng và từng thành viên Đội dân phòng;

đ) Ưu tiên thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tham gia Đội dân phòng;

e) Tại thôn, tổ dân phố đã công nhận Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã bổ nhiệm Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng.

4. Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành; tổ chức, hoạt động và chế độ bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành, lực lượng dân phòng.

Điều 38. Nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành và lực lượng dân phòng

1. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành và lực lượng dân phòng thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Đề xuất người có thẩm quyền ban hành nội quy phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;

b) Thực hiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi, nhiệm vụ được phân công và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi được huy động.

2. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành và lực lượng dân phòng tham gia thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

b) Xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an, chuẩn bị lực lượng, người, phương tiện tham gia thực tập phương án;

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện

1. Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện là việc cá nhân tự nguyện đăng ký với Công an cấp xã nơi cư trú để thường xuyên tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

2. Cá nhân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

3. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đề nghị Công an cấp xã huy động cá nhân đã tình nguyện đăng ký để tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

4. Nhà nước có chính sách khuyến khích người dân đăng ký tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 40. Xây dựng, bố trí lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an nhân dân được tổ chức, bố trí và quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Nhà nước xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đào tạo, bồi dưỡng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Điều 41. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch, quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

3. Xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phương án cứu nạn, cứu hộ.

4. Thực hiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

5. Thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.

6. Hướng dẫn xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

7. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

8. Thống kê, tổng hợp dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.

9. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

10. Thực hiện quản lý hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

11. Thực hiện một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức điều tra hình sự.

12. Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

13. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

14. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết Điều này.

Chương VI

PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 42. Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Nhà nước trang bị cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các lực lượng khác trong Công an nhân dân phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các phương tiện, thiết bị cần thiết khác bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống.

2. Người đứng đầu cơ sở quyết định hoặc đề xuất người có thẩm quyền quyết định trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 43. Quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị.

2. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng đối với phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã trang bị để sẵn sàng báo cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Điều 44. Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, lưu thông phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy

1. Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi lưu thông trên thị trường phải bảo đảm về chất lượng, đúng với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

2. Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy nhập khẩu phải đúng với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Trường hợp giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau được thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Chính phủ quy định việc cấp phép trước khi lưu thông trên thị trường đối với phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy; danh mục phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy.

Chương VII

BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 45. Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bao gồm:

a) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;

c) Người đứng đầu cơ sở;

d) Thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành; thành viên Đội dân phòng;

đ) Người được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở; người được phân công thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở;

e) Người làm việc trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;

g) Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật này;

h) Người đã đăng ký tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện;

i) Đối tượng khác có nhu cầu.

2. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bao gồm:

a) Quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Kiến thức, kỹ năng về phòng cháy;

c) Kiến thức, kỹ năng về chữa cháy;

d) Kiến thức, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn;

đ) Các nội dung khác phù hợp với từng đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và cơ sở đào tạo về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thực hiện việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định về huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác trong Công an nhân dân.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này; quy định thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quy định chế độ, chính sách cho người tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Điều 46. Chế độ, chính sách đối với người được huy động, người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Người được huy động, người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ không thuộc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có thành tích thì được khen thưởng, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù theo quy định của pháp luật.

3. Người được huy động, người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị tai nạn, bị thương, chết thì được hưởng chế độ theo quy định sau đây:

a) Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

b) Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng chế độ tiền tuất, tiền mai táng phí;

c) Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 3 Điều này.

Điều 47. Trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang bị trang phục, phù hiệu, cấp hiệu theo quy định của pháp luật về Công an nhân dân và được trang bị trang phục chuyên dùng để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ, chính sách sau đây:

a) Chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về Công an nhân dân;

b) Chế độ bồi dưỡng khi thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phương án cứu nạn, cứu hộ; khi chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

c) Chế độ dinh dưỡng đặc thù khi huấn luyện, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phương án cứu nạn, cứu hộ và trực tiếp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

d) Chế độ theo danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật;

đ) Sĩ quan, hạ sĩ quan điều khiển, vận hành phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ, chính sách như sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ theo pháp luật về Công an nhân dân.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 48. Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở thuộc danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.

2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở không thuộc danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

3. Chính phủ quy định danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức trích nộp, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Điều 49. Nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trích lại cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

c) Đóng góp tự nguyện, tài trợ bằng tiền, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

d) Hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và các quỹ hợp pháp khác;

đ) Nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chính phủ quy định chi tiết điểm c và điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 50. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Nhà nước bảo đảm ngân sách để đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ưu tiên phân bổ nguồn lực trong kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng và an ninh hằng năm của Ủy ban nhân dân các cấp phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

2. Trong trường hợp cấp bách được sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

3. Nhà nước cấp ngân sách cho lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được sử dụng cho các nhiệm vụ sau đây:

a) Đầu tư, trang bị, xây dựng, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

b) Hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và lực lượng dân phòng;

c) Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;

d) Các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khác theo quy định của pháp luật.

5. Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với các khu dân cư thuộc phạm vi quản lý chưa bảo đảm điều kiện về hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; đầu tư, trang bị, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 51. Khuyến khích đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

1. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế đầu tư, đóng góp, tài trợ cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong nước được hưởng các ưu đãi về tín dụng, đất đai, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực theo quy định của pháp luật.

Điều 52. Hoạt động khoa học và công nghệ, hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy

1. Hoạt động khoa học và công nghệ trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ số, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

2. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ, tham gia hoạt động khoa học và công nghệ trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

3. Ưu tiên kết hợp, ứng dụng kết quả đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu trong nước thuộc lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào đầu tư sản xuất, phát triển công nghệ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

4. Hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy do lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quản lý, khai thác, vận hành theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 4 Điều này; quy định việc cập nhật, khai báo dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 53. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan

1. Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 3 Điều 10 của Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 60/2020/QH14 và Luật số 18/2023/QH15 như sau:

“d) Hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.”.

2. Thay thế từ “thẩm duyệt” bằng từ “thẩm định” tại điểm c khoản 3 Điều 56 khoản 4 Điều 82 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 40/2019/QH14 và Luật số 62/2020/QH14.

3. Sửa đổi, bổ sung các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 33 của Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 như sau:

“c) Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt hoặc thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt hoặc văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan quản lý chuyên ngành;

d) Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt hoặc thẩm định;

đ) Công trình xây dựng, phần công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan quản lý chuyên ngành mà đã đưa vào hoạt động;”.

Điều 54. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 55 của Luật này.

3. Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

4. Việc trang bị thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình quy định tại khoản 5 Điều 20 và điểm c khoản 1 Điều 23 của Luật này được thực hiện chậm nhất từ ngày 01 tháng 7 năm 2027.

Điều 55. Quy định chuyển tiếp

1. Hồ sơ giải quyết các thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa giải quyết xong thì được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15.

2. Dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình, phương tiện giao thông đã được cơ quan Công an cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15.

3. Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong chứng nhận đó.

4. Cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho đến thời hạn theo lộ trình do Chính phủ quy định.

5. Cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực thi hành đã có quy định về giải pháp xử lý của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành và phải hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

6. Cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân loại, lập, công bố danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành trên địa bàn quản lý; quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực đô thị không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy;

b) Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định về phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý;

c) Người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất để trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy phù hợp và lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng quy định tại điểm b khoản này để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy; tổ chức khắc phục theo các giải pháp kỹ thuật đã lựa chọn, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện, báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan quản lý trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sau khi hoàn thành việc khắc phục và phải duy trì giải pháp kỹ thuật đã áp dụng trong suốt quá trình hoạt động;

d) Đối với cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật theo quy định tại điểm b khoản này thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở;

đ) Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nội dung quy định tại khoản này.

7. Cơ sở, phương tiện giao thông, hộ gia đình và cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2013/QH13 và Luật số 30/2023/QH15.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2024.

E-pas: 114775

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

Law No. 55/2024/QH15

Hanoi, November 29, 2024

LAW

ON FIRE AND RESCUE

Pursuant to Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Fire and Rescue.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law prescribes fire prevention, firefighting, human rescue, property rescue (hereinafter referred to as “fire and rescue”), assurance of operating conditions and rights, obligations, responsibilities of relevant agencies, organizations, households, and individuals in fire and rescue operations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



In this Law, the terms below are construed as follows:

1. Fire means an exothermic chemical reaction that emits light or smoke, causes damage or casualties to people, property of agencies, organizations, individuals, affects the economy, environment order and security.

2. Fire prevention means a combination of actions, measures, and solutions for minimizing, eliminating the causes, conditions, and risks of fire so as to ensure safety and reduce damage caused by fire.

3. Firefighting means a combination of actions taken to prevent fire spread, extinguish fire, and other actions for minimizing damage caused by fire.

4. Accident means a situation detailed under Point b Clause 1 Article 32 hereof that causes casualties or potentially causes casualties regarding people, property of agencies, organizations, and individuals that require rescue.

5. Human rescue means an operation where humans are evacuated from life-threatening, health-threatening danger in fire, accidents, incidents, and search efforts.

6. Property rescue means an operation where vehicles and property are evacuated from danger in fire, accidents, and incidents.

7. Establishment under fire and rescue management (hereinafter referred to as “establishment”) means buildings, structures, locations serving residential, manufacturing mercantile, commercial, office purposes among other purposes, built and operated in a law-compliant manner, and named under list prescribed by the Government. An agency or organization may consist of multiple establishments. An establishment may consist of multiple agencies and/or organizations.

8. Establishment posing a risk of conflagration means an establishment with high risk of conflagration according to the list prescribed by the Government.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



10. Vehicle subject to fire safety requirements (hereinafter referred to as “vehicle”) means a motorized road vehicle, a railway vehicle, an inland waterway vehicle, or a sea vessel manufactured, assembled, built, or modified to transport passenger and hazardous materials; or a motorized road vehicle providing passenger transport with more than 8 seats (excluding the driver’s seat).

11. Head of establishment means a person legally responsible for implementing and maintaining safety conditions in fire and rescue at his/her establishment, including: legitimate representative of the establishment or individual assigned to oversee the establishment; household owner that lives in his/her own house which falls under the case detailed in Clause 7 of this Article.

12. Civil defense force means a unit formed by local government for fire and rescue operations in hamlets, neighborhoods.

13. Grassroots fire and rescue force means a unit formed by a head of establishment and operating on a part-time basis for fire and rescue at the establishment.

14. Specialized fire and rescue force means a unit formed by a head of establishment and operating on a full-time or part-time basis for fire and rescue at several establishments posing a risk of conflagration.

15. Firefighting area means an area where relevant forces deploy firefighting operations as per the law.

16. Rescue area means an area where relevant forces deploy rescue operations as per the law.

17. Fire prevention and firefighting design appraisal means consideration and evaluation of compliance with regulations of the law, technical standards, technical regulations applicable to fire prevention and firefighting design in investment and construction projects.

18. Fire prevention and firefighting commissioning means examination and cross-examination of structure, traffic structure, vehicle construction projects with appraised design dossiers.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



20. Fire and rescue database means a specialized database serving fire and rescue governance, among other purposes; connected and sharing data with National general database and other relevant databases.

21. Authority having jurisdiction (AHJ) means an authority exercising state management functions over specific fields relating to fire prevention and firefighting and including: police authority, construction authority, and registration and inspection authority.

22. Fire prevention and firefighting infrastructures consist of network of facilities, stations, structures, water supply system, traffic system, and communication system for fire prevention and firefighting purposes.

Article 3. Application of fire and rescue laws

1. Fire and rescue operations carried out in territory of the Socialist Republic of Vietnam shall conform this Law and relevant law provisions.

2. Wildfire prevention and suppression, responsibilities for wildfire prevention and suppression shall conform to forestry laws.

3. In case of accidents, crisis, natural disasters, or pandemic to which state of emergencies has been declared or civil defense is adopted, rescue operations shall conform to state of emergency laws, civil defense laws, this Law, and other relevant law provisions.

Article 4. Fire and rescue policies of the Government

1. Guarantee state budget, facilities, modern vehicles, equipment, human resources, policies, benefits, working conditions of police department for fire prevention, firefighting, human rescue, and property rescue (hereinafter referred to as “fire and rescue police department”); develop full0time, elite, modern fire and rescue police department satisfactory to fire and rescue requirements in all situations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Provide training, advanced training, and human resources for performance of fire and rescue duties and human resources for design appraisal, inspection of commissioning, and fire prevention and firefighting inspection.

4. Arrange fire and rescue forces, vehicles in a manner appropriate to local conditions; encourage agencies, organizations, and individuals to develop, participate, and maintain fire and rescue safety models in local community.

5. Encourage, enable agencies, organizations, and individuals to study, adopt science and technology transfer in fire and rescue, investment, construction, transfer of system, vehicles, equipment for fire and rescue.

6. Agencies, organizations, and individuals that cooperate, collaborate, assist state authorities in fire and rescue operations shall be rewarded in accordance with regulations of the law depending on the nature and level of contribution.

Article 5. Fire and rescue principles

1. Comply with the Constitution, regulations and law of Vietnam, and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory. Where Vietnam has not entered into an international treaty with a foreign country, fire and rescue operations shall be carried out on a reciprocal principle or diplomatic requirements without contradicting regulations of the law of Vietnam and compliant with international laws and practices.

2. Mobilize the general public in fire and rescue operations; exercise the role of fire and rescue forces.

3. actively prevent fire hazard, focus on prevention; promptly discover any errors and flaws pertaining to fire prevention and firefighting and take remedial measures accordingly; view fire prevention, accident prevention as recurrent tasks.

4. Prepare forces, vehicles, solutions, and conditions for promptly carrying out fire and rescue operations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. Adopt advanced science and technology in fire and rescue operations.

7. All violations of the law pertaining to fire and rescue operations shall be promptly discovered, prevented, and met strict actions as per the law.

8. Ensure compassion, indiscrimination, and gender equality in fire and rescue operations.

Article 6. Reporting fire and rescue situations

1. Individuals discovering fire or rescue situations must immediately report to the nearest fire and rescue forces, police authority, or People’s Committee of communes.

2. Fire and rescue situation report shall be delivered via command, telephone, or devices delivering fire report or directly to agencies and forces under Clause 1 of this Article.

Fire and rescue situations can be reported via telephone by dialing 114.

3. Fire and rescue forces, police authority, or People's Committees of communes shall, upon receiving the report, immediately inform competent fire and rescue police department.

Article 7. State management responsibilities regarding fire and rescue

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Ministry of Public Security shall act as liaison to assist the Government in jointly performing state management regarding fire and rescue operations.

3. The Ministry of National Defense and ministerial agencies shall, within their tasks and powers, cooperate with the Ministry of Public Security in performing state management regarding fire and rescue operations.

4. People’s Committees of all levels shall perform state management regarding fire and rescue operations in their administrative divisions. In respect of districts without commune-level administrative division, People’s Committees of districts shall exercise tasks and powers associated with People’s Committees of communes hereunder.

Article 8. Responsibilities of agencies, organizations, households, and individuals in fire and rescue operations

1. Fire and rescue are responsibilities of all agencies, organizations, households, and individuals working, living in the Socialist Republic of Vietnam.

2. Citizens of at least 18 years of age and adequate health are responsible for participating in grassroots fire and rescue forces, specialized fire and rescue forces, or civil defense forces when needed.

3. Heads of establishments have the responsibility to:

a) teach regulations of the law pertaining to fire and rescue; provide training and advanced training regarding fire and rescue operations for entities under their management;

b) establish and maintain grassroots fire and rescue forces or specialized fire and rescue forces in accordance with Article 37 hereof or assign individuals to take charge of fire and rescue operations within their power;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) implement, examine, expedite, and supervise agencies, organizations, individuals under their power regarding compliance with regulations, rules, measures, requirements, and continuation of safety conditions for fire and rescue;

dd) develop and organize training for firefighting and rescue measures as per the law;

e) decide or request competent persons to prepare and maintain functionality of fire and rescue instruments; organize fire and rescue operations; remediate consequences caused by fire and accidents;

g) produce and manage dossiers on fire and rescue operations under their management; declare and update data on fire prevention and firefighting;

h) exercise other tasks pertaining to fire and rescue in a law-compliant manner.

4. Vehicle owners have the responsibility to:

a) teach regulations of the law pertaining to fire and rescue; provide training and advanced training regarding fire and rescue operations for entities under their management;

b) promulgate fire and rescue regulations;

c) implement, examine, expedite, and supervise agencies, organizations, individuals under their power regarding compliance with regulations, rules, measures, requirements, and continuation of safety conditions for fire and rescue;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) develop and organize training for firefighting and rescue measures as per the law;

e) exercise other tasks pertaining to fire and rescue in a law-compliant manner.

5. Persons making investment decision, investors, owners of structures, owners of vehicles, agencies, organizations, and individuals shall, in respect of construction, manufacturing, assembly, building, modification of vehicles, have the responsibility to adopt fire prevention and firefighting requirements in the process of complying with technical standards, technical regulations, construction, construction monitoring, and commissioning regarding fire prevention and firefighting.

6. Owners of households that live in their own houses who are not heads of establishments shall have the responsibility to:

a) exercise Article 20 and Article 21 hereof;

b) communicate and encourage other family members to adhere to fire and rescue laws;

c) frequently examine at their discretion, discover, and promptly rectify risk of fire and accidents;

d) exercise other tasks pertaining to fire and rescue in a law-compliant manner.

7. Individuals shall have the responsibility to:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) study fire and rescue knowledge, learn evacuation skills and common fire and rescue instruments;

c) ensure safety in use of fire sources, heat sources, equipment and vehicles that produce fire or heat, combustible substances;

d) discover and prevent risk of conflagration and violations of fire and rescue laws within their abilities;

dd) Engage in firefighting and rescue operations under mobilization of competent agencies, competent persons; comply with request, decision of commanding persons in firefighting, rescue operations.

8. Responsibilities pertaining to fire and rescue in respect of house leasing, rental, and lounging:

a) Landlords are responsible for expediting and requesting tenants to adhere to fire and rescue laws;

b) Tenants have responsibility under Clause 6 of this Article unless otherwise agreed with the landlords.

Where tenants incorporate manufacturing, mercantile activities to leased, borrowed, or lounging residences, the tenants shall also be responsible for maintaining fire safety conditions under Article 21 hereof.

9. Agencies, organizations, and individuals not mentioned under Clause 3 Article 50 hereof shall have responsibility to provide funding for fire and rescue operations under their management.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 9. Responsibility in popularizing and educating fire and rescue laws

1. Fire and rescue authorities shall take charge and cooperate with relevant agencies, organizations, and individuals in popularizing and teaching fire and rescue laws.

2. Communication and media agencies shall have responsibility to popularize and teach fire and rescue laws via mass media.

3. The Ministry of Transport shall take charge and cooperate with Ministry of Public Security in integrating knowledge of fire and rescue regulations of the law and skills to driving lessons.

4. The Ministry of Education and Training and the Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs shall, within their tasks and powers, cooperate with Ministry of Public Security, ministries, and relevant ministerial agencies in developing and integrating knowledge of fire and rescue regulations of the law to education programs and enabling implementing at preschools, formal education institutions, vocational education and training facilities, higher education institutions accordingly.

5. Ministries, ministerial agencies, People’s Committees of all levels shall, within their tasks and powers, have the responsibility to popularize and teach fire and rescue regulations of the law, develop means for popularizing and teaching accordingly.

6. People’s armed forces, agencies, organizations, and education institutions shall have responsibility to popularize, teach fire and rescue regulations of the law, and provide training for fire and rescue skills for entities under their management.

Article 10. Development and practice of fire and rescue measures

1. Heads of establishments, vehicle owners under Clause 2 Article 22 hereof shall have responsibility to develop and engage in drill of fire and rescue measures that utilize on-site forces and vehicles of the establishments, vehicles under their management.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) develop and engage in drill of fire and rescue measures in respect of establishments posing a risk of conflagration;

b) develop and engage in drill of fire and rescue measures for accident scenarios under Point b Clause 1 Article 32 hereof which require mobilization of forces and vehicles of multiple agencies, organizations, and individuals.

3. Heads of establishments posing a risk of conflagration shall have responsibility to cooperate with police authorities in developing and engaging in drill of fire and rescue measures under Point a Clause 2 of this Article; Chairpersons of People's Committees of communes shall have responsibility to cooperate with police authorities in developing and engaging in drill of fire and rescue measures under Point b Clause 2 of this Article.

4. Agencies, organizations, and individuals mentioned under fire and rescue measures or rescue measures developed by police authorities shall have responsibility to arrange forces, personnel, and vehicles to participate in drill.

5. Military and border guard authorities shall have responsibility to take charge and cooperate with police authorities in developing and engaging in drill of fire and rescue measures in respect of establishments posing a risk of conflagration under their management.

6. The Government shall prescribe details and drill period of fire and rescue measures and rescue measures.

Article 11. Fire prevention and firefighting inspection

1. Subjects of fire prevention and firefighting inspection include:

a) Establishments under Clause 7 Article 2 hereof;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Vehicles under Clause 10 Article 20 hereof;

d) Structures under construction process.

2. Fire prevention and firefighting inspection includes:

a) Implementation of responsibility for fire and rescue of heads of establishments, household owners, and vehicle owners as per the law;

b) Provision and maintenance of fire safety conditions in respect of structures under construction, houses, houses incorporating manufacturing and mercantile activities, vehicles, establishments in accordance with Articles 19 through 23 hereof; implementation and maintenance of technical solutions for fire prevention and firefighting in respect of establishments under Clause 6 Article 55 hereof.

3. Entitlement to fire prevention and firefighting inspection:

a) Heads of establishments, household owners, vehicle owners, and developers shall conduct fire prevention and firefighting inspection at their discretion;

b) People’s Committees of communes, police authorities, construction authorities, registration and inspection authorities shall, within their tasks and powers, conduct fire prevention and firefighting inspection as per the law.

4. The Government shall elaborate Clause 2 and Clause 3 of this Article; prescribe procedures for fire prevention and firefighting inspection.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



October 4 of each year is appointed as “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” (National fire and rescue day).

Article 13. International cooperation in fire and rescue

1. The Government of the Socialist Republic of Vietnam shall engage in international cooperation in fire and rescue. International cooperation in fire and rescue must adhere to principles below:

a) Respect independence, sovereignty, equality, and reciprocity; respect regulations of the law of Vietnam, international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory, and relevant international agreements pertaining to fire and rescue;

b) Enable domestic organizations, individuals, overseas Vietnamese, foreign organizations, individuals, and international organizations to participate in cooperation in fire and rescue operations;

c) Expand, develop training, research, study, and application of science and technology; cooperate in search and rescue; invest, build fire and rescue structures and infrastructures;

d) Prioritize international cooperation in training, study, application of science, and transfer of technology; share experience and cooperate in fire and rescue operations.

2. International cooperation in fire and rescue includes:

a) Exchanging information, learning, consulting experience in fire and rescue operations;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Providing training, advanced training, carrying out drills, studying, applying science, transferring technology pertaining to fire and rescue;

d) Developing fire and rescue infrastructures and structures;

dd) Preparing fire and rescue instruments.

3. The Ministry of Public Security shall take charge and cooperate with ministries and central departments in assisting the Government in negotiating, signing international treaties, international agreements, or requesting competent authorities to sign international treaties, international agreements on fire and rescue; take charge and cooperate with ministries and central departments in engaging in international cooperation in fire and rescue.

Article 14. Prohibited actions

1. Intentionally causing explosion, fire, accidents or inciting, luring, persuading other people to cause fire, explosion, or accidents thereby causing damage or potentially causing damage to people, property of agencies, organizations, individuals or affecting the economy, environment, order and security.

2. Insulting, threatening, obstructing, or resisting forces in the performance of their duties or persons engaging in fire and rescue operations.

3. Exploiting or abusing the performance of fire and rescue operations to commit violations of the law, petty corruption, infringement of benefits of the Government, legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals.

4. Exploiting fire and rescue operations to commit violations of the law, infringement of benefits of the Government, legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. Reporting false fire; false rescue situations.

7. Manufacturing, storing, transporting, using, illegally trading hazardous materials.

8. Repurposing or adding occupancies to structures or work items in a manner that does not guarantee fire safety as per the law.

9. Trading fire and rescue instruments of a quality that does not conform to applicable standards and corresponding technical regulations.

10. Appropriating, destroying, vandalizing fire and rescue instruments; deliberately changing, relocating, obstructing fire and rescue instruments, signs, guiding signage installed as per the law; obstructing means of egress; otherwise negating the effectiveness of means of egress, exit paths, fire spread preventive measures.

11. Occupying or obstructing operation of motorized fire and rescue instruments.

Chapter II

FIRE PREVENTION

Article 15. Fire prevention and firefighting requirements in development, revision, approval of urban and rural planning

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. General planning shall incorporate development of fire prevention and firefighting infrastructure.

2. Urban zone planning, functional area planning where zone planning is required shall include:

a) Water sources and solutions for water supply network for firefighting;

b) Traffic network serving fire and rescue operations;

c) Location and size of headquarters of fire and rescue units in planning areas.

3. Detail planning of cities, residential areas, industrial parks, and functional areas shall include:

a) Roads, parking lots, open areas accommodating operation of fire trucks and motorized firefighting vehicles;

b) Sources of water for firefighting from tanks, ponds, natural lakes, artificial lakes, or outdoor water supply system for firefighting;

c) Power sources for fire prevention and firefighting;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Competent authorities according to urban and rural planning laws shall only approve general planning, zone planning, detail planning of cities, residential areas, industrial parks, and functional areas if fire prevention and firefighting requirements under Clauses 1 through 3 of this Article are met;

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 16. Fire prevention and firefighting requirements in development and revision of construction projects, design, renovation, repurposing of structures, manufacturing, assembly, construction, modification of vehicles

1. Upon development and revision of construction projects, design, renovation, repurposing of structures under Clause 7 Article 2 hereof and construction of temporary structures in accordance with construction laws, fire prevention and firefighting solutions and design shall be developed in a manner appropriate to occupancies and characteristics of the structures and provisions below:

a) Fire safety separation distance;

b) Roads, parking lots, open areas accommodating fire and rescue operations;

c) Egress solutions;

d) Expected fire resistance category, fireproofing solutions, fire spread preventive measures;

dd) Smokeproofing solutions;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) Fire prevention and firefighting vehicles and system.

2. Upon manufacturing, assembly, construction, or modification of vehicles, fire prevention and firefighting solutions and design shall be developed in a manner appropriate to nature, characteristics of the vehicles and compliant to requirements below:

a) Fireproofing solutions, fire spread preventive measures;

b) Fire safety measures for energy, fuel supply system and engines;

c) Hazardous gas, liquid leak detection system and equipment;

d) Fire prevention and firefighting vehicles and system.

Article 17. Appraisal of fire prevention and firefighting design

1. Appraisal of fire prevention and firefighting design in construction projects for structures, traffic structures and vehicles, other than temporary structures in accordance with construction laws:

a) Persons making investment decision shall appraise details under Points a, b, c, d, and dd Clause 1 Article 16 hereof in respect of construction and investment technical-economic reports, appraise details under Clause 1 Article 16 hereof in respect of construction and investment feasibility study that is not under the scope of project appraisal carried out by construction authorities in accordance with construction laws but is under the scope of fire prevention and firefighting appraisal;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Registration and inspection authorities shall appraise details under Points a, b, and c Clause 2 Article 16 hereof upon carrying out design appraisal in accordance with registration laws in respect of vehicles that are required to undergo fire prevention and firefighting design;

d) Police authorities shall appraise details under Points e and g Clause 1 Article 16 hereof in respect of construction and investment technical-economic report, construction design following fundamental design of structures that are required to undergo fire prevention and firefighting design appraisal; appraise details under Point d Clause 2 Article 16 hereof in respect of vehicles that are required to undergo fire prevention and firefighting design appraisal;

dd) Developers, structure owners shall appraise details under Points a, b, c, d, and dd Clause 1 Article 16 hereof in respect of construction design following fundamental design of structures that are not required to undergo appraisal of construction design following fundamental design at construction authorities as per the law but are required to undergo appraisal of fire prevention and firefighting design carried out by police authorities; appraise details under Point e and Point g Clause 1 Article 16 hereof in respect of construction design following fundamental design of structures that are not required to undergo fire prevention and firefighting design appraisal carried out by police authorities.

2. Where structures that are required to undergo fire prevention and firefighting design appraisal have their design revised in a manner that alters fire prevention and firefighting requirements under Clause 1 Article 16 hereof or have their occupancies altered during use or are renovated in a manner that alters fire safety conditions, fire prevention and firefighting design must be adjusted and appraised accordingly. Adjustment and appraisal of fire prevention and firefighting design shall conform to Clause 1 Article 16 and Clause 1 Article 17 hereof.

3. Developers, owners of structures, vehicle owners shall only commence construction, renovation of structures and work items, manufacture, assemble, build, or renovate vehicles that are required to undergo fire prevention and firefighting design appraisal if written appraisal for fire prevention and firefighting design is issued by AHJ.

4. The Government shall elaborate Clause 1 and Clause 2 of this Article; issue list of structures and vehicles that must undergo fire prevention and firefighting design appraisal carried out by police authorities, construction authorities, and registration and inspection authorities; prescribe details, procedures, and entitlement to appraisal of fire prevention and firefighting design; regulate responsibilities for cooperation in fire prevention and firefighting design appraisal.

Article 18. Fire prevention and firefighting commissioning and commissioning inspection

1. Developers, owners of structures, vehicle owners are responsible for commencing construction, commissioning structures and vehicles in accordance with appraised fire prevention and firefighting design; developers, owners of structures, vehicle owners, and construction entities are responsible for maintaining safety in fire prevention and firefighting throughout construction process of structures and vehicles under their management.

2. Developers, owners of structures, and vehicle owners shall carry out fire prevention and firefighting commissioning for structures and vehicles as follows:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Fire prevention and firefighting commissioning for obstructed parts of structures or vehicles shall be carried out before subsequent construction steps;

c) Fire prevention and firefighting commissioning can be carried out for individual parts or work items of structures if such parts and work items can function independently and meet fire safety conditions.

3. Developers, owners of structures, and vehicle owners are legally responsible for results of fire prevention and firefighting commissioning for structure and vehicles.

4. Structures and vehicles that are required to undergo fire prevention and firefighting design appraisal following fire prevention and firefighting commissioning shall undergo inspection for fire prevention and firefighting commissioning carried out by AHJ; structures, structure parts and work items, and vehicles shall only be brought into operation if AHJ approves fire prevention and firefighting commissioning results.

5. Inspection of fire prevention and firefighting commissioning shall be regulated as follows:

a) Construction authorities shall carry out fire prevention and firefighting commissioning before bringing structures, structure parts, work items into use in respect of those that have had their fire prevention and firefighting design appraised by construction authorities in accordance with Point b Clause 1 Article 17 hereof and those that must undergo construction quality commissioning in accordance with construction laws;

b) Registration and inspection authorities shall carry out fire prevention and firefighting commissioning for vehicles that have undergone fire prevention and firefighting design appraisal carried out by registration and inspection authorities in accordance with Point c Clause 1 Article 17 hereof for the purpose of inspection and issuance of certificate of technical safety and environmental protection;

c) Police authorities shall inspect fire prevention and firefighting commissioning for structures, structure parts, work items, and vehicles that have undergone fire prevention and firefighting design appraisal carried out by police authorities in accordance with Point d Clause 1 Article 17 hereof.

6. The Government shall elaborate Clause 1 of this Article; prescribe details, procedures, and entitlement to fire prevention and firefighting commissioning; regulate responsibilities for cooperation in inspection of fire prevention and firefighting commissioning.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Structures under construction shall meet fire safety conditions below:

a) Fire and rescue regulations appropriate to characteristics of the construction site are promulgated;

b) Prohibitory signs, warning signs, and guiding signs are installed as per the law;

c) Adequate fire prevention and firefighting vehicles or systems appropriate to characteristics of structures are equipped in accordance with construction safety laws;

d) Personnel in charge of fire and rescue duties are assigned.

2. Developers, owners of structures, and construction entities are responsible for implementing and maintaining fire safety conditions under Clause 1 of this Article.

Article 20. Fire prevention for houses

1. Houses that are not mentioned under Clause 3 and Clause 4 of this Article shall meet fire safety conditions below:

a) Electrical appliances are installed and used in a manner satisfactory to fire safety conditions under Point c Clause 1 Article 24 hereof;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Houses that are not mentioned under Clause 3 and Clause 4 of this Article shall meet firefighting and emergency escape conditions below:

a) Fire prevention and firefighting vehicles appropriate to local capabilities and conditions are provided;

b) Means of egress, emergency exit, or exit paths are provided.

3. In respect of houses whose technical regulations, technical standards are prescribed under legislative documents or technical regulations on fire and rescue, said technical regulations and standards shall prevail.

4. In respect of houses specified under the list of establishments under fire and rescue management, Article 23 hereof shall prevail.

5. In respect of houses in central-affiliated cities and in areas with insufficient traffic infrastructures or water supply for firefighting in accordance with fire prevention and firefighting laws and technical regulations, fire extinguishers, fire alarm transmission devices connected to fire, rescue, and fire alarm database in accordance with roadmap of the Government shall be provided.

In respect of houses in other areas, fire alarm transmission devices connected to fire, rescue, and fire alarm database are recommended.

People’s Committees of central-affiliated cities shall define areas with insufficient traffic infrastructures or water sources for firefighting.

6. Fire and rescue police department are responsible for guiding connection of fire alarm transmission devices to fire, rescue, and fire alarm database when needed.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Houses incorporating manufacturing, mercantile activities shall meet fire safety conditions below:

a) Fire safety conditions under Article 20 hereof must be met;

b) Prohibitory signs, warning signs, and guiding signs are installed as per the law;

c) Manufacturing, mercantile zones of hazardous materials shall be physically separated from residential zones.

2. Houses incorporating manufacturing or mercantile activities involving hazardous materials shall meet fire safety conditions below:

a) Fire safety conditions under Clause 1 of this Article must be met;

b) Sleeping areas must not be located in manufacturing, mercantile zones;

c) Fire alarms, ventilation measures, combustible gas detectors appropriate to occupancies and characteristics of houses incorporating manufacturing and mercantile activities involving hazardous materials are provided;

d) Manufacturing and mercantile areas involving hazardous materials shall be physically separated from means of egress of residential zones by fire-rated materials.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Motorized road vehicles transporting passengers, hazardous materials shall meet fire safety conditions below:

a) Prohibitory signs, warning signs, and guiding signs are installed as per the law;

b) Fire prevention and firefighting requirements under Clause 2 Article 16 hereof are exercised.

2. Railroad vehicles, inland waterway vehicles, sea vessels transporting passengers and hazardous materials must meet fire safety conditions below:

a) Fire safety conditions in accordance with railway laws, inland waterway traffic laws, and maritime laws are met;

b) Conditions under Clause 1 of this Article are fulfilled;

c) Vehicles that are required to undergo fire prevention and firefighting design appraisal are required to be accompanied by written appraisal for fire prevention and firefighting design and written approval of fire prevention and firefighting commissioning results issued by AHJ;

d) Firefighting and rescue measures are in place.

3. Vehicles that are manufactured, assembled, built, renovated and are required to undergo fire prevention and firefighting design appraisal shall only be issued with certificate of technical safety and environmental protection if written approval of fire prevention and firefighting commissioning results is issued.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Owners, masters, captains, vehicle operators are responsible for maintaining fire safety during operation of the vehicles.

Article 23. Fire prevention for establishments

1. Establishments must meet fire safety conditions below:

a) Fire and rescue regulations appropriate to each establishment are developed;

b) Fire and rescue instruments and systems are provided as per the law;

c) Fire alarm transmission devices connected to fire, rescue, and fire alarm database are provided; fire and rescue data are declared and updated in accordance with the roadmap prescribed by the Government;

d) Fire prevention and firefighting requirements under Points a, b, c, d, dd, and e Clause 1 Article 16 hereof are fulfilled;

dd) Firefighting and rescue measures are in place;

e) Grassroots fire and rescue forces or specialized fire and rescue forces are established in accordance with Article 37 hereof or personnel in charge of fire and rescue duties are assigned.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Fire and rescue regulations appropriate to operation of the agencies and organizations are promulgated;

d) Safety measures are adopted in the use of fire source, heat source, equipment or devices that generate fire, heat, combustible substances in areas under their management;

c) Personnel are assigned to engage in grassroots fire and rescue forces or specialized fire and rescue forces as per the law;

d) Fire safety conditions are implemented and maintained in areas under their management.

Article 24. Fire prevention in electrical installation and use in domestic, manufacturing purposes

1. Electrical installation and use in domestic purposes must meet fire safety conditions below:

a) Safety regulations on electricity use in domestic purposes are adhered to in accordance with electricity laws;

b) Electricity retailers, for the purpose of establishing power connection for domestic purposes, must advise the installation and use of electrical system and appliances so as to ensure fire safety;

c) Installation and use of electrical wires, electric appliances indoors must meet electrical safety requirements of regulations of the law; be frequently inspected and replaced;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Electrical installation and use in manufacturing purposes must meet fire safety conditions below:

a) Safety regulations on electricity use in manufacturing in accordance with electricity laws and Point b, Point c Clause 1 of this Article must be adhered to;

b) Electrical appliances used in environment with conflagration hazards must be specialized equipment as per the law.

3. Organizations and individuals trading electrical products and appliances are responsible for advising and providing information pertaining to quality and technical performance characteristics of the products and appliances depending on use purposes.

4. Electricity retailers are responsible for communicating and providing guidelines pertaining electricity safety in domestic and manufacturing operations and exercising other tasks pertaining to electrical safety as per electricity laws.

Chapter III

FIREFIGHTING

Article 25. Responsibility for firefighting

1. Individuals detecting fire, agencies, organizations, households, and individuals close to locations of the fire are responsible for firefighting within their capabilities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Healthcare, electricity, water supply, city environment, traffic authorities, and other relevant agencies, organizations, entities are responsible for cooperating in firefighting at request of competent fire and rescue police department or firefighting commanding officers; mobilizing personnel and instruments under their management to arrive the scene to provide assistance.

4. Fire and rescue forces shall promptly arrive at the scene upon receiving fire report in areas under their management or upon receiving order, mobilization decision.

5. People’s public security forces are responsible for maintaining security, order, protecting the scene; participating in firefighting; maintaining traffic order and security and allowing firefighting forces to arrive at the scene as fast as possible.

6. People’s Committees of administrative divisions adjacent to location of the fire are responsible for mobilizing forces, personnel, vehicles, and property of agencies, organizations, households, and individuals under their management to participate in firefighting at request of firefighting commanding officers.

7. The Minister of Public Security shall promulgate regulations on standby regimes of fire and rescue police departments and other forces in the people’s public security forces.

8. The Minister of National Defense shall promulgate regulations on responsibilities for firefighting in respect of structures, facilities, vehicles under their management serving national defense and security; cooperate with Ministry of Public Security in firefighting efforts in respect of dual-use structures in accordance with regulations of the Government.

Article 26. Mobilization of forces, personnel, vehicles, and property for firefighting

1. In case of fire, personnel, vehicles, and property of agencies, organizations, households, and individuals can be mobilized for firefighting; when necessary, firefighting commanding officers may request diplomacy representative missions, consular representative missions, representative missions of international organizations to assign their forces, personnel, and vehicles for firefighting.

2. Agencies, organizations, households, and individuals, upon being mobilized, are responsible for assigning forces, personnel, vehicles, and property for firefighting.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Competent persons issuing decision on mobilization are responsible for making compensation. Rate and payment of compensation shall be similar to those of compensation for individuals whose property is expropriated requisitioned in accordance with property requisition and expropriation laws.

4. Forces and individuals mobilized for firefighting duties shall be given priority upon public transport.

5. Entitlement to mobilization of forces, individuals, vehicles, property for firefighting:

a) Chairpersons of People's Committees of all levels, heads of agencies, organizations shall have the right to mobilize forces, personnel, vehicles, and property of agencies, organizations, households, and individuals under their management;

b) Heads of fire and rescue police department of provincial police authorities shall have the right to mobilize forces, individuals, vehicles, property of fire and rescue police forces under their management; Director of Fire and Rescue Police Department shall have the right to mobilize forces, personnel, vehicles, and property of all fire and rescue police forces on a nationwide scale;

C Directors of provincial police authorities, heads of district police authorities shall have the right to mobilize forces, personnel, vehicles, and property of people’s public security forces under their management; the Minister of Public Security shall have the right to mobilize forces, personnel, vehicles, property of agencies, organizations, households, individuals.

6. The Government shall prescribe procedures for mobilizing forces, personnel, vehicles, and property for firefighting; mobilizing forces, personnel, vehicles, and property of the military for firefighting.

Article 27. Water sources for firefighting

1. Water sources for firefighting delivered via fire hydrants shall be provided by centralized water supply system, water supply system for firefighting, tanks, ponds, reservoirs, lakes, rivers, streams, or other readily available water sources.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Drafting areas for fire trucks and fire pumps shall be located within vicinity of ponds, lakes, rivers, streams, canals of cities and residential areas.

4. The Government shall prescribe responsibilities for investment, management, and maintenance of fire hydrants; investment and management of drafting areas for fire trucks and fire pumps.

Article 28. Firefighting commanding officers

1. Individuals of the highest rank in people’s public security forces assigned to coordinate firefighting operations and preset at the scene shall be firefighting commanding officers.

2. Where people’s public security forces have not arrived at the scene, firefighting commanding officers shall be:

a) Heads of establishment in case of fire at establishments; leaders of grassroots fire and rescue forces or leaders of specialized fire and rescue forces or authorized persons in case of absence of heads of establishments;

b) Vehicle owners or coordinators in case of fire involving vehicles in traffic; vehicle operators in case of absence of vehicle owners and coordinators;

c) Heads of hamlets, neighborhoods in case of fire in hamlets or neighborhoods that do not fall under cases detailed in Point a and Point b of this Clause; leaders of civil defense forces or authorized persons in case of absence of heads of hamlets, neighborhoods.

3. Firefighting commanding officers affiliated to the people’s public security forces shall command via orders, be accountable for their decisions, and have the right to:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) mobilize within their power or request competent persons to mobilize forces, personnel, vehicles, property of agencies, organizations, households, and individuals for firefighting as per the law;

c) identify and decide firefighting areas, firefighting measures, use of adjacent topography, and landmarks for firefighting;

d) prohibit unauthorized individuals and vehicles from entering firefighting areas;

dd) make decisions on relocating, dismantling obstacles, property for rescue and preventing fire spread as per the law.

4. Firefighting commanding officers under Clause 2 of this Article shall be responsible for their decision and have the right to:

a) utilize forces and vehicles under their management for firefighting;

b) request competent persons to mobilize forces, personnel, instruments, property of agencies, organizations, households, and individuals for firefighting as per the law;

c) make decisions on relocating, dismantling obstacles, property for rescue and preventing fire spread as per the law.

Article 29. Remediation of fire consequences

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Immediately providing emergency medical care for the victims; assisting people suffering from damage to stabilize;

b) Adopting solutions for environmental hygiene, social order and safety;

c) Promptly restoring manufacturing, mercantile, service activities, and other activities.

2. Heads of establishments, heads of agencies, organizations in establishments involved in a fire, Chairpersons of People’s Committees, owners of vehicles involved in a fire, household owners whose houses are involved in a fire are responsible organizing implementation of Clause 1 of this Article within their capabilities.

Article 30. Scene protection and fire investigation

1. Police authorities are responsible for protecting the scene, examining the scene, and investigating the fire as per the law.

2. Agencies, organizations, households, and individuals at the location of the fire are responsible for participating in protecting the scene and providing information on the fire for police authorities.

Article 31. Firefighting at diplomacy representative missions, consular representative missions, representative missions of international organizations, and residences of members of these missions

1. Fire and rescue police forces of Vietnam shall, upon being permitted to enter diplomacy representative missions, consular representative missions, representative missions of international organizations, and residences of members of these missions, adhere to international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory and regulations of the law of Vietnam.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter IV

RESCUE

Article 32. Rescue situations

1. Rescue situations include:

a) Rescue in a fire;

b) Rescue in case of accidents, including: drowning victims; structural failure of buildings, structures, trees; vehicular accidents; landslide; road, railway, inland waterway traffic accidents; and other accidents;

c) Victim search.

2. Fire and rescue forces shall take charge of rescue operations in situations detailed in Clause 1 of this Article; cooperate in rescue and remediation operations for other accidents, natural disasters, and epidemic as per the law.

Article 33. Responsibilities in rescue operations

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Healthcare, electricity, water supply, city environment, traffic authorities, and other relevant agencies, organizations, entities are responsible for immediate cooperation in rescue operations at request of competent fire and rescue police forces or rescue commanding officers; mobilize personnel and vehicles under their management to arrive at the scene of fire and accidents to assist in rescue operations.

3. Fire and rescue forces shall, upon receiving report about accidents, immediately deploy rescue operations in areas under their management or, upon receiving mobilization order and decision, promptly arrive to deploy rescue operations.

4. People’s public security forces are responsible for maintaining security and order, protecting accident locations; participating in rescue operations; maintaining traffic order and safety for forces and vehicles performing rescue duties.

5. Heads of agencies, organizations, Chairpersons of People’s Committees of all levels are responsible for participating in rescue operations in areas under their management.

6. The Minister of Public Security shall prescribe standby regime for rescue operation, rescue arrangement of fire and rescue police forces and other forces in people’s public security.

Article 34. Rescue commanding officer

1. In case of fire where rescue is required, firefighting commanding officers affiliated to people’s public security shall act as rescue commanding officers.

2. In case of accident where rescue is required, individuals of the highest rank in people’s public security forces assigned to coordinate rescue operations and present at the scene shall be rescue commanding officers for accidents under Point b Clause 1 Article 32 hereof.

3. Rescue commanding officers under Clause 1 and Clause 2 of this Article shall give orders, be legally responsible for their decisions, and have the right to:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) mobilize within their power or request competent persons to mobilize forces, personnel, instruments, property of agencies, organizations, households, and individuals for rescue operations as per the law;

c) identify and determine rescue areas, rescue measures, and the use of natural topography and landmarks for rescue operation;

d) prevent unauthorized persons and vehicles from entering areas of rescue operations;

dd) make decisions regarding relocation and dismantlement of obstacles and property within areas of rescue operation as per the law.

4. Where rescue commanding officers affiliated to people’s public security forces have not arrived at the scene, heads of establishments, heads of hamlets, neighborhoods where the accidents occur shall utilize forces, personnel, and vehicles under their management for rescue operation and participate in rescue and remediation efforts.

Article 35. Mobilization of forces, personnel, vehicles, property for rescue operation

1. In case of rescue operations, forces, personnel, vehicles, and property of agencies, organizations, households, individuals can be mobilized for rescue operations; when necessary, rescue commanding officers shall request diplomacy representative missions, consular representative missions, representative missions of international organizations in Vietnam to arrange forces, personnel, and vehicles for assistance in rescue operations.

2. Agencies, organizations, households, and individuals shall, upon being mobilized fore rescue operations, arrange forces, personnel, vehicles, and property for rescue operations.

3. Vehicles and property of agencies, organizations, households, individuals mobilized for rescue operations shall be returned after rescue operations have concluded; compensation shall be issued for vehicles and property damaged or lost as a result of the mobilization.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Forces and personnel mobilized for rescue operations shall be given priority on public transport.

5. Entitlement to mobilization of forces, personnel, vehicles, and property for rescue operation:

a) Heads of agencies, organizations have the right to mobilize forces, personnel, vehicles, and property under their management;

b) Director of Fire and Rescue Police Department, directors of fire and rescue police departments affiliated to provincial police authorities have the right to mobilize forces, vehicles of fire and rescue police forces under their management;

c) The Minister of Public Security, directors of provincial police authorities, and heads of district police authorities have the right to mobilize forces, personnel, vehicles, and property of people’s public security forces under their management.

6. The Government shall elaborate procedures for mobilize forces, personnel, vehicles, and property for rescue operation.

Chapter V

DEVELOPMENT, DISTRIBUTION, DUTIES OF FIRE AND RESCUE FORCES

Article 36. Fire and rescue forces

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Grassroots fire and rescue forces.

3. Specialized fire and rescue forces.

4. Civil defense forces.

Article 37. Establishment and management of grassroots fire and rescue forces, specialized fire and rescue forces, and civil defense forces

1. Grassroots fire and rescue forces shall be established, managed, and arranged into grassroots fire and rescue teams; specialized fire and rescue forces shall be established, managed, and arranged into specialized fire and rescue teams.

2. Establishments where specialized fire and rescue teams have been established shall not be required to have grassroots fire and rescue teams established.

3. Civil defense forces shall be established in specific hamlets or neighborhoods as follows in communes or districts if communes are not implemented:

a) Civil defense teams can be established;

b) Depending on fire and rescue requirements, socio-economic conditions, population, natural area of local areas, provincial People’s Council shall determine criteria for establishment of civil defense teams and number of members of civil defense teams in areas under their management;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Depending on decision on provincial People’s Committees under Point c of this Clause, Chairpersons of People’s Committees of communes shall decide on establishment of civil defense teams and members of civil defense teams;

dd) Prioritize security teams in accordance with the Law on grassroots security and order forces for participation in civil defense teams;

a) In respect of hamlets and neighborhoods where leaders, vice leaders of security and order teams in accordance with grassroots security force laws, Chairpersons of commune People’s Committees shall assign leaders and vice leaders of security teams as leaders and vice leaders of civil defense forces.

4. The Government shall prescribe establishments where grassroots fire and rescue teams, specialized fire and rescue teams are required; organization, operation, and working regulations of grassroots fire and rescue forces, specialized fire and rescue forces, and civil defense forces.

Article 38. Duties of grassroots fire and rescue forces, specialized fire and rescue forces, and civil defense forces

1. Grassroots fire and rescue forces, specialized fire and rescue forces, and civil defense forces have the duty to:

a) request competent persons to promulgate regulations on fire and rescue, develop and practice fire and rescue drill in areas under their management;

b) participate in fire and rescue operations within their capabilities and upon being mobilized.

2. Grassroots fire and rescue forces, specialized fire and rescue forces, and civil defense forces shall participate in:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) developing fire and rescue measures, rescue measures for police authorities; preparing forces, personnel, and vehicles for drill;

c) exercising other duties as per the law.

Article 39. Voluntary fire and rescue operations

1. Voluntary fire and rescue operations are operations where individuals voluntarily register to commune police authorities in administrative divisions of their residence to participate in fire and rescue operations.

2. Individuals engaging in fire and rescue operations voluntarily shall undergo training and professional training for fire and rescue operation.

3. When necessary, fire and rescue forces may request commune police authorities to mobilize registered individuals for fire and rescue operations.

4. The Government shall implement policies encouraging the general public to register for fire and rescue operations voluntarily.

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 40. Development and distribution of fire and rescue police forces

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Government shall develop official, elite, and modern fire and rescue police forces; prioritize resources for development of fire and rescue police forces; provide training and advanced training for fire and rescue police forces regarding regulations of the law, fire and rescue operations to meet Vietnam’s socio-economic development demands.

3. Vietnamese agencies, organizations, and citizens are responsible for assisting in the development of fire and rescue police forces.

Article 41. Duties of fire and rescue police forces

1. Advise and request the Minister of Public Security to promulgate or request competent authority promulgate and organize implementation of strategies, policies, schemes, projects, planning, plans, and regulations of fire and rescue laws.

2. Communicate, popularize, and teach fire and rescue laws; provide guidelines on development of movement towards public participation in fire and rescue operations; provide training and advanced training pertaining to fire and rescue knowledge, skills.

3. Develop and practice fire and rescue measures, rescue measures.

4. Carry out firefighting, rescue operations.

5. Appraise fire prevention and firefighting design, inspect fire prevention and firefighting commissioning.

6. Provide guidelines on development of fire and rescue forces; provide guidelines on implementation of fire prevention and firefighting operations; provide guidelines on equipment, management, and use of fire and rescue instruments.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



8. Gather statistics and data pertaining to fire and rescue operations; develop, manage, use, and operate the fire, rescue, and fire alarm database.

9. Inspect, investigate, and take actions against violations of fire and rescue laws as per the law.

10. Manage certificate for conformance to fire and rescue standards, fire and rescue regulations in accordance with goods and product quality laws and technical regulation, technical standard laws.

11. Conduct investigations in accordance with criminal proceeding laws and criminal investigation laws.

12. Engage in international cooperation in fire and rescue.

13. Exercise other duties in accordance with people’s public security laws and other relevant provisions of the law.

14. The Minister of Public Security shall elaborate this Article.

Chapter VI

FIRE AND RESCUE INSTRUMENTS

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. The Government shall provide fire and rescue instruments and other necessary, modern means capable of fulfilling all fire and rescue demands in all situations for fire and rescue police forces and other forces in people’s public security.

2. Heads of establishments shall decide or request competent persons to decide on provision of fire and rescue instruments for grassroots fire and rescue forces and specialized fire and rescue forces under their management.

3. People’s Committees of communes shall provide fire and rescue instruments for civil defense forces.

4. The Minister of Public Security shall elaborate the provision of fire and rescue instruments under Clause 2 and Clause 3 of this Article.

Article 43. Management, use, maintenance of fire and rescue instruments

1. Fire and rescue forces are responsible for management, use, maintenance of fire and rescue instruments that they are provided with.

2. Agencies, organizations, households, and individuals are responsible for management, use, maintenance of fire and rescue instruments that they have been provided with to perform fire and rescue operations .

3. The Minister of Public Security shall prescribe management and maintenance of fire and rescue instruments.

Article 44. Manufacturing, assembly, import, and sale of fire and rescue instruments and fire-rated, fireproof materials and structural elements

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Imported fire and rescue instruments, fire-rated and fireproof materials and structural elements must meet international standards, regional standards, foreign standards, or technical regulations, technical standards of Vietnam. Where Vietnam and other countries or territories mutually recognize conformity assessment results of each other, international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory shall prevail.

3. The Government shall regulate licensing for market sale of fire and rescue instruments and fire-rated, fireproof materials and structural elements; list of fire and rescue instruments and fire-rated, fireproof materials and structural elements.

Chapter VII

ENABLING FIRE AND RESCUE OPERATIONS

Article 45. Training and advanced training for fire and rescue operations

1. Entities that undergo training and advanced training for fire and rescue operations include:

a) Chairpersons and Vice Chairpersons of People's Committees of communes;

b) Heads of hamlets, neighborhoods;

c) Heads of establishments;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Persons assigned to take charge of fire and rescue duties at establishments; persons assigned to take charge of fire and rescue inspection at establishments;

e) Persons working in environment with conflagration hazards or frequently making contact with combustible substances or goods;

g) Vehicle operators, persons working on vehicles according to Clause 10 Article 2 hereof;

h) Persons voluntarily registering for fire and rescue operations;

i) Other entities that wish to undergo training and advanced training.

2. Training and advanced training for fire and rescue include:

a) Regulations of the law pertaining to fire and rescue;

b) Fire prevention knowledge and skills;

c) Firefighting knowledge and skills;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Other details appropriate to entities under Clause 1 of this Article.

3. Fire and rescue forces and fire and rescue training facilities shall provide training and advanced training pertaining to fire and rescue operations.

4. The Minister of Public Security shall prescribe training and advanced training for fire and rescue operations provided for fire and rescue police forces and other forces affiliated to people’s public security.

5. The Government shall elaborate Clause 2 and Clause 3 of this Article; regulate duration of training and advanced training for fire and rescue operations; prescribe policies for persons attending training and advanced training for fire and rescue operations.

Article 46. Policies for individuals mobilized or participating in fire and rescue operations

1. Individuals mobilized or participating in fire and rescue operations and not affiliated with fire and rescue forces shall benefit from policies and allowances upon participating in fire and rescue operations.

2. Agencies, organizations, and individuals engaging in, cooperating, assisting state authorities in fire and rescue operations shall be commended for merits and compensated for property damage.

3. Where individuals mobilized or participating in fire and rescue operations decease due to such operations:

a) Where such individuals are participating in social insurance or health insurance and eligible for insurance claim, they shall receive insurance claim as per the law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Where such individuals suffer from injuries or decease in the performance of duty, they shall be eligible for policies applicable to martyrs or considered for war invalid status and eligible for rights under regulations of the law pertaining to benefits for individuals serving the war.

4. The Government shall elaborate Clause 1 and Clause 3 of this Article.

Article 47. Uniform, badge, shoulder sleeve insignia, and policies for fire and rescue police forces

1. Officers, non-commissioned officers, and personnel of fire and rescue forces shall be equipped with uniform, badge, and shoulder sleeve insignia in accordance with people’s public security laws and specialized uniform for fire and rescue operations.

2. Officers, non-commissioned officers, and personnel of fire and rescue police forces shall benefit from:

a) Polices and regulations in accordance with people's public security laws;

b) Allowances for fire and rescue training, advanced training; drill of fire and rescue measures; fire and rescue operations;

c) Specific diet during fire and rescue training, drill practice, rescue measures, and participation in fire and rescue operations;

d) Policies in accordance with list of extremely arduous, toxic, hazardous work as per the law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The Minister of Public Security shall elaborate Point b and Point c Clause 2 of this Article.

Article 48. Compulsory fire insurance

1. Agencies, organizations, and individuals must purchase compulsory fire insurance for establishments under list of establishments that must purchase compulsory fire insurance and adhere to insurance laws.

2. Agencies, organizations, and individuals are encouraged to purchase compulsory fire insurance for property of establishments that are not mentioned under list of establishments that must purchase compulsory fire insurance.

3. The Government shall promulgate list of establishments that must purchase compulsory fire insurance; payment rate, management, and use of revenues of compulsory fire insurance for fire and rescue operations.

Article 49. Funding for fire and rescue operations

1. Funding for fire and rescue operations includes:

a) State budget;

b) Revenues of compulsory fire insurance retained for fire and rescue operations;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Funding from natural disaster preparedness and prevention fund in accordance with natural disaster preparedness and prevention laws and other legitimate funds;

dd) Other legally mobilized funding sources as per the law.

2. Management and use of funding sources for fire and rescue operations under Clause 1 of this Article shall conform to state budget laws, public property management and use laws, and other relevant law provisions.

3. The Government shall elaborate Point c and Point b Clause 1 of this Article.

Article 50. State budget for fire and rescue operations

1. The Government shall provide funding for fire and rescue operations; prioritize resources in 5-year financial plan, 3-year financial-state budget plan, annual state budget estimates for fire and rescue operations. Annual spending plan of national defense and security budget of People’s Committees of all levels must include spending on fire and rescue operations.

2. In case of emergency, state budget provisions can be used for fire and rescue operations.

3. The Government shall provide funding for people’s public security, state authorities, public service providers, people’s armed forces, and other entities receiving the state budget for fire and rescue operation in accordance with state budget laws.

4. State budget funding fire and rescue operations shall be used for:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Operation of fire and rescue police forces and civil defense forces;

c) Training, advanced training, and professional training for fire and rescue operations as per the law;

d) Other fire and rescue operations as per the law.

5. Development of estimate, allocation, management, and use of state budget for fire and rescue operations shall conform to state budget laws.

6. Provincial People’s Committees shall develop and submit policies on investment priority and mobilization of resources for investment, development of technical infrastructures for residential areas under their management with insufficient traffic infrastructures, water sources for firefighting to People’s Councils of the same administrative levels; invest, provide, repair, and maintain fire and rescue systems and vehicles.

7. The Government shall elaborate this Article.

Article 51. Incentives for investment in fire and rescue operations

1. The Government shall encourage domestic agencies, organizations, individuals, overseas Vietnamese, foreign organizations and individuals to invest, contribute, and sponsor fire and rescue operations.

2. Domestic organizations and individuals manufacturing, assembling fire and rescue instruments shall receive credit, land, science and technology, and human resources benefits as per the law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Science and technology activities in fire and rescue operations include basic research, application research, technology development, digital technology application, experimentation, test production, technology transfer, and other science and technology services that improve fire and rescue operations as per the law.

2. The Government shall encourage domestic agencies, organizations, individuals, overseas Vietnamese, foreign organizations and individuals to invest, sponsor, and participate in science and technology activities in fire and rescue operations.

3. Prioritize combining, adopting results of domestic research topics and tasks in fire and rescue fields in investment, production, development of fire and rescue technologies and vehicles.

4. Fire, rescue, and fire alarm database shall be managed, utilized, and operated by fire and rescue police forces as per the law.

5. The Government shall elaborate Clause 4 of this Article; prescribe update and declaration of fire and rescue data.

Chapter VIII

IMPLEMENTATION

Article 53. Amendments to articles of relevant laws

1. Add Point d following Point c Clause 3 Article 10 of the Law on Natural Disaster Preparedness and Prevention No. 33/2013/QH13 amended by the Law No. 60/2020/QH14 and the Law No. 18/2023/QH15:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Replace the phrase “thẩm duyệt” (appraisal and approval) with the phrase “thẩm định” (appraisal) under Point c Clause 3 Article 56 and Clause 4 Article 82 of the Law on Construction No. 50/2014/QH13 amended by the Law No. 03/2016/QH14, the Law No. 35/2018/QH14, the law No. 40/2019/QH14, the Law No. 62/2020/QH14.

3. Amend and add Points c, d, and dd Clause 2 Article 33 of the Law on the Capital No. 39/2024/QH15:

“c) Structures that must undergo fire prevention and firefighting design appraisal and approval or appraisal and are built without certificate or written appraisal and approval or written appraisal of fire prevention and firefighting design issued by the authority having jurisdiction (AHJ);

d) Structures that have not been built in a manner that adheres to appraised and approved or appraised fire prevention and firefighting design;

dd) Structures, parts of structures, work items of structures, manufacturing, mercantile, service facilities to which written approval for fire prevention and firefighting commissioning results has not been issued by the AHJ and which have been brought into operation.”.

Article 54. Entry into force

1. This Law comes into force from July 1, 2025, except Clause 4 of this Article.

2. The Law on Fire Prevention and Firefighting No. 27/2001/QH10 amended by the Law No. 40/2013/QH13 and the Law No. 30/2023/QH15 expire from the effective date hereof, except for Article 55 hereof.

3. Resolution No. 99/2019/QH14 dated November 27, 2019 of the National Assembly on further development and improvement of effectiveness of policies, regulations of the law pertaining to fire prevention and firefighting expires from the effective date hereof.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 55. Transition clauses

1. Applications for procedures related to fire and rescue affairs submitted to competent authorities before the effective date hereof and not resolved by the effective date hereof shall be processed in accordance with the Law No. 27/2001/QH10 amended by the Law No. 40/2013/QH13 and the Law No. 30/2023/QH15.

2. Investment projects for construction of structures, traffic structures and vehicles to which certificate of approved fire safety design has been issued by police authorities and of which fire prevention and firefighting commissioning results have not been approved on the effective date hereof shall be processed in accordance with the Law No. 27/2001/QH10 amended by the Law No. 40/2013/QH13 and the Law No. 30/2023/QH15.

3. Certificate of completion of fire and rescue training issued before the effective date hereof shall remain valid until expiry date specified on the certificate.

4. Agencies and organizations whose functions and duties are to inspect fire and rescue instruments before the effective date hereof shall continue to inspect fire and rescue instruments until the date specified in roadmap set by the Government.

5. Establishments that do not meet fire prevention and firefighting requirements, are brought into use before the effective date of the Law No. 27/2001/QH10, and have been subject to handling solutions of provincial People’s Councils shall conform to Resolution of provincial People’s Council while fire safety requirements must be rectified.

6. In respect of establishments that do not meet fire prevention and firefighting requirements and cannot be rectified to meet technical regulations and technical standards applicable from the date on which the establishments enter into operation to the day before the effective date hereof, other than Clause 5 of this Article:

a) Provincial People’s Committees shall classify, prepare and publish list of establishments that do not meet fire prevention and firefighting requirements and cannot be rectified to meet regulations and technical standards applicable from the date on which the establishments enter into operation to the day before the effective date hereof in their provinces and cities; promulgate regulations on renovation and improvement of city areas with insufficient traffic infrastructures or water sources for firefighting in accordance with regulations of the law and technical regulations in fire prevention and firefighting;

b) Ministries governing field-specific construction shall, in accordance with construction law, take charge and cooperate with Ministry of Public Security in promulgating regulations on fire prevention and firefighting equipment, instruments, and technical solutions for improving fire safety of structures with unsatisfactory fire prevention and firefighting requirements under their management;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) In respect of establishments where technical solutions under Point b of this Clause cannot be adopted, occupancy of the establishments must be changed depending on the size and characteristics of the establishments;

dd) The Government shall prescribe roadmap for this Clause.

7. Establishments, vehicles, households, and individuals that do not meet fire safety requirements and are being temporarily suspended from operation or suspended from operation before the effective date hereof shall be processed in accordance with the Law No. 27/2001/QH10 amended by the Law No. 40/2013/QH13 and the Law No. 30/2023/QH15.

This Law is approved by the 15th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam in the 8th meeting on November 29, 2024.

E-pas: 114775

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


15.019

DMCA.com Protection Status
IP: 2001:4860:7:412::
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!