Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Kiến trúc 2019 số 40/2019/QH14 áp dụng năm 2024

Số hiệu: 40/2019/QH14 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 13/06/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Điều kiện cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Vừa qua, Luật kiến trúc 2019 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019.

Theo đó, điều kiện cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc như sau:

- Cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc:

+ Có trình độ từ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc.

+ Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;

Cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc được miễn điều kiện này.

+ Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc;

Cá nhân có thời gian liên tục từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về kiến trúc, đào tạo trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc, hành nghề kiến trúc được miễn điều kiện này.

- Gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc:

+ Chứng chỉ hành nghề kiến trúc hết thời hạn sử dụng;

+ Bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục;

+ Không vi phạm Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.

Luật kiến trúc 2019 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 40/2019/QH14

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2019

LUẬT

KIẾN TRÚC

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Kiến trúc.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiến trúc là nghệ thuật và khoa học, kỹ thuật về tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội.

2. Hoạt động kiến trúc gồm quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

3. Thiết kế kiến trúc là việc lập phương án kiến trúc, thể hiện ý tưởng kiến trúc, giải pháp kỹ thuật về kiến trúc trong hồ sơ thiết kế quy hoạch, xây dựng, thiết kế nội thất, ngoại thất và kiến trúc cảnh quan.

4. Công trình kiến trúc là một hoặc tổ hợp công trình, hạng mục công trình được xây dựng theo ý tưởng kiến trúc hoặc thiết kế kiến trúc.

5. Công trình kiến trúc có giá trị là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Hành nghề kiến trúc là hoạt động nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kiến trúc.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động kiến trúc

1. Tuân thủ Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

3. Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

4. Ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

5. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điều 5. Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc

1. Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam.

2. Căn cứ đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa dân tộc của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với địa bàn quản lý.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.

Điều 6. Chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc

1. Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây:

a) Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam;

b) Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kiến trúc; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc;

c) Xây dựng mẫu thiết kế kiến trúc đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

d) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc.

2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động sau đây:

a) Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tổ chức khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu chính sách, nghiên cứu cơ bản về kiến trúc;

b) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiến trúc; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới về kiến trúc;

c) Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa;

d) Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về kiến trúc;

đ) Triển lãm, quảng bá về kiến trúc.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các hoạt động sau đây:

a) Hợp tác, liên kết trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật và các hoạt động liên quan trong lĩnh vực kiến trúc;

b) Xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực kiến trúc;

c) Trợ giúp, tư vấn miễn phí về kiến trúc vì lợi ích của xã hội và cộng đồng.

Điều 7. Ngày Kiến trúc Việt Nam

Ngày 27 tháng 4 hằng năm là ngày Kiến trúc Việt Nam.

Điều 8. Hợp tác quốc tế về kiến trúc

1. Việc hợp tác quốc tế về kiến trúc với các quốc gia, vùng lãnh thổ được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, pháp luật của mỗi bên và pháp luật quốc tế.

2. Nội dung hợp tác quốc tế về kiến trúc bao gồm:

a) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và trao đổi thông tin về kiến trúc;

b) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiến trúc;

c) Thực hiện các hoạt động kiến trúc;

d) Thừa nhận lẫn nhau về hành nghề kiến trúc.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc

1. Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

2. Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Đưa hối lộ, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc.

4. Tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

5. Xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc giấy phép xây dựng.

6. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc.

7. Cung cấp tài liệu, số liệu giả hoặc sai sự thật; lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

8. Gian lận trong việc sát hạch, cấp, sử dụng chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

9. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý kiến trúc.

Chương II

QUẢN LÝ KIẾN TRÚC

Điều 10. Yêu cầu về quản lý kiến trúc

1. Tuân thủ nguyên tắc hoạt động kiến trúc quy định tại Điều 4 của Luật này.

2. Bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc.

3. Bảo đảm an toàn cho con người, công trình kiến trúc và khu vực tập trung dân cư trước tác động bất lợi do thiên nhiên hoặc con người gây ra.

4. Không tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị và môi trường sinh thái.

5. Bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Điều 11. Yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn

1. Kiến trúc đô thị phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực xây dựng công trình kiến trúc; gắn kết kiến trúc khu hiện hữu, khu phát triển mới, khu bảo tồn, khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên;

b) Sử dụng màu sắc, vật liệu, trang trí mặt ngoài của công trình kiến trúc phải bảo đảm mỹ quan, không tác động xấu tới thị giác, sức khỏe con người, môi trường và an toàn giao thông;

c) Kiến trúc nhà ở phải kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu, gắn công trình nhà ở riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của khu vực;

d) Công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố phải bảo đảm yêu cầu thẩm mỹ, công năng sử dụng, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông;

đ) Hệ thống biển báo, quảng cáo, chiếu sáng, trang trí đô thị phải tuân thủ quy chuẩn, quy hoạch quảng cáo ngoài trời, phù hợp với kiến trúc chung của khu đô thị;

e) Công trình tượng đài, điêu khắc, phù điêu, đài phun nước và các công trình trang trí khác phải được thiết kế phù hợp với cảnh quan, đáp ứng yêu cầu sử dụng và thẩm mỹ nơi công cộng;

g) Công trình giao thông phải được thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu sử dụng, thẩm mỹ và tính chất của đô thị.

2. Kiến trúc nông thôn phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều này và các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm kế thừa giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng địa phương và giải pháp kỹ thuật xây dựng tiên tiến;

b) Bảo đảm tiêu chuẩn về nhà ở, không gian sống, không gian văn hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc;

c) Đối với khu vực thường xảy ra thiên tai, khuyến khích áp dụng mẫu thiết kế kiến trúc cho công trình công cộng và nhà ở nông thôn bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

Điều 12. Thiết kế kiến trúc

1. Chủ đầu tư công trình kiến trúc có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và thiết kế kiến trúc.

2. Thiết kế kiến trúc phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thiết kế kiến trúc phải tích hợp giải pháp kiến trúc với quy hoạch; phải xem xét toàn diện các yêu cầu về kinh tế - xã hội, công năng, kỹ thuật, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bản sắc văn hóa dân tộc và các yêu cầu khác đối với công trình; bảo đảm người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dễ dàng tiếp cận sử dụng; bảo đảm bình đẳng giới.

4. Hồ sơ thiết kế kiến trúc được sử dụng làm cơ sở cho thiết kế xây dựng sau khi được chủ đầu tư đánh giá, nghiệm thu.

5. Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết hồ sơ thiết kế kiến trúc.

Điều 13. Quản lý công trình kiến trúc có giá trị

1. Công trình kiến trúc có giá trị đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa được quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

2. Công trình kiến trúc có giá trị không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, đánh giá hằng năm, lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị quy định tại khoản 2 Điều này trước khi phê duyệt.

4. Chủ sở hữu, người sử dụng công trình kiến trúc thuộc danh mục công trình kiến trúc có giá trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác công trình;

b) Được Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình;

c) Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ các giá trị kiến trúc của công trình; bảo đảm an toàn của công trình trong quá trình khai thác, sử dụng;

d) Không tự ý thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài, kết cấu và khuôn viên của công trình;

đ) Khi phát hiện công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, có kết cấu kém an toàn cần thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương.

5. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí đánh giá, phân loại công trình kiến trúc có giá trị; trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị.

Điều 14. Quy chế quản lý kiến trúc

1. Quy chế quản lý kiến trúc được lập cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Quy chế quản lý kiến trúc phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với quy định tại các điều 10, 11 và 13 của Luật này;

b) Phù hợp với thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

c) Phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương.

3. Quy chế quản lý kiến trúc bao gồm các nội dung sau đây:

a) Quy định về quản lý kiến trúc đối với toàn bộ khu vực lập quy chế; kiến trúc cho những khu vực, tuyến đường cụ thể;

b) Xác định yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc của địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;

c) Xác định khu vực cần lập thiết kế đô thị riêng, tuyến phố, khu vực cần ưu tiên chỉnh trang và kế hoạch thực hiện; khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù;

d) Quy định về quản lý kiến trúc đối với nhà ở, công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị, công trình công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc;

đ) Quy định về quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị;

e) Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc;

g) Sơ đồ, bản vẽ, hình ảnh minh họa;

h) Phụ lục về danh mục công trình kiến trúc có giá trị.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành; đối với quy chế quản lý kiến trúc của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I là thành phố trực thuộc trung ương thì phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

5. Chính phủ quy định chi tiết nội dung quy chế quản lý kiến trúc; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, lấy ý kiến, công bố và biện pháp tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.

Điều 15. Điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, tổ chức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy chế quản lý kiến trúc định kỳ 05 năm hoặc đột xuất để xem xét điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc. Nội dung rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy chế quản lý kiến trúc được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Điều kiện điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc được quy định như sau:

a) Có sự điều chỉnh về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, thiết kế đô thị và địa giới đơn vị hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, chức năng, quy mô khu vực lập quy chế quản lý kiến trúc;

b) Hình thành dự án trọng điểm quốc gia làm ảnh hưởng đến bố cục không gian kiến trúc khu vực lập quy chế quản lý kiến trúc;

c) Quy chế quản lý kiến trúc không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, môi trường sinh thái và di tích lịch sử - văn hóa;

d) Phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.

3. Nguyên tắc điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc được quy định như sau:

a) Tập trung vào nội dung cần điều chỉnh, nội dung không điều chỉnh của quy chế đã phê duyệt vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý;

b) Việc điều chỉnh phải trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định rõ các yêu cầu điều chỉnh để điều chỉnh nội dung quy chế phù hợp với yêu cầu phát triển.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua việc điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc trước khi quyết định điều chỉnh; đối với quy chế quản lý kiến trúc của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I là thành phố trực thuộc trung ương thì phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

Điều 16. Hội đồng tư vấn về kiến trúc

1. Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khi cần thiết để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng.

2. Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khi cần thiết để tư vấn cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng, công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn quản lý.

3. Thành viên Hội đồng tư vấn về kiến trúc gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước về kiến trúc, chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến kiến trúc.

4. Hội đồng và thành viên Hội đồng tư vấn về kiến trúc chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người quyết định thành lập Hội đồng về nội dung tham mưu, tư vấn của mình.

5. Thành viên Hội đồng tư vấn về kiến trúc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; Hội đồng tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 17. Thi tuyển phương án kiến trúc

1. Thi tuyển phương án kiến trúc là việc tổ chức cuộc thi để chọn phương án kiến trúc tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

2. Công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc bao gồm:

a) Công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I;

b) Nhà ga đường sắt trung tâm cấp tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng; cầu trong đô thị từ cấp II trở lên, ga đường sắt nội đô từ cấp II trở lên; công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương; công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và trên các tuyến đường chính được xác định trong đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc được đề xuất trong chủ trương đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

4. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định hình thức thi tuyển phương án kiến trúc, quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc.

5. Chi phí thi tuyển phương án kiến trúc được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.

6. Trên cơ sở phương án kiến trúc trúng tuyển, tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc trúng tuyển được thực hiện các bước tiếp theo của dự án khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về đấu thầu.

7. Thông tin về thi tuyển, hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc và kết quả của cuộc thi phải được chủ đầu tư công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 18. Quản lý lưu trữ tài liệu

Cơ quan quản lý nhà nước về kiến trúc, chủ đầu tư có trách nhiệm lưu trữ tài liệu, hồ sơ thiết kế về kiến trúc. Tổ chức, cá nhân tư vấn, nhà thầu xây dựng, ban quản lý xây dựng có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật lưu trữ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương III

HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC

Điều 19. Dịch vụ kiến trúc

1. Dịch vụ kiến trúc là loại hình kinh doanh dịch vụ tổ chức thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng.

2. Dịch vụ kiến trúc bao gồm:

a) Thiết kế kiến trúc công trình;

b) Thiết kế kiến trúc trong đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, thiết kế đô thị;

c) Thiết kế kiến trúc cảnh quan;

d) Thiết kế nội thất;

đ) Chỉ dẫn đặc điểm kỹ thuật kiến trúc công trình;

e) Đánh giá kiến trúc công trình;

g) Thẩm tra thiết kế kiến trúc.

Điều 20. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc được thành lập và tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 21. Điều kiện hành nghề kiến trúc

1. Cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc, kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này.

2. Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề kiến trúc được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.

3. Tổ chức hành nghề kiến trúc phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.

Điều 22. Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề

1. Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề phải phù hợp với quy định của pháp luật và có các nội dung cơ bản sau đây:

a) Nguyên tắc hành nghề;

b) Cạnh tranh trong hành nghề;

c) Bảo đảm quyền bình đẳng giới;

d) Quyền sở hữu trí tuệ;

đ) Ứng xử nghề nghiệp đối với đồng nghiệp và khách hàng.

2. Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc.

3. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.

Điều 23. Phát triển nghề nghiệp liên tục

1. Phát triển nghề nghiệp liên tục gồm hoạt động cập nhật, duy trì, tăng cường, nâng cao kiến thức, kỹ năng của kiến trúc sư hành nghề.

2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc tổ chức thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này và đánh giá phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 24. Quản lý thông tin hành nghề kiến trúc

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc hoặc nhận được thông báo của tổ chức hành nghề kiến trúc có trụ sở hoạt động tại địa phương, cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đăng tải công khai thông tin về tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc trên trang thông tin điện tử do mình quản lý và gửi thông tin đến Bộ Xây dựng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Xây dựng phải đăng tải công khai thông tin về tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Mục 2. HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC CỦA CÁ NHÂN

Điều 25. Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân

1. Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân là kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc không thuộc tổ chức hành nghề kiến trúc, nhân danh cá nhân mình thực hiện các dịch vụ kiến trúc.

2. Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân thực hiện dịch vụ kiến trúc theo hợp đồng đã giao kết với tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 26. Sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc

1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc tổ chức thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

2. Nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc bao gồm:

a) Kinh nghiệm nghề nghiệp về kiến trúc;

b) Kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề;

c) Kiến thức chuyên ngành về kiến trúc;

d) Kiến thức về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.

3. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc được công nhận đủ điều kiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có lĩnh vực hoạt động liên quan đến hoạt động kiến trúc;

c) Có đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ tổ chức sát hạch.

4. Chính phủ quy định chi tiết chương trình, nội dung, hình thức tổ chức sát hạch; thời hạn có hiệu lực của kết quả sát hạch; điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc.

Điều 27. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; thời hạn của chứng chỉ hành nghề kiến trúc

1. Cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

2. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và có giá trị sử dụng trong phạm vi cả nước.

3. Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về mẫu chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Điều 28. Điều kiện cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc

1. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc được quy định như sau:

a) Có trình độ từ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;

b) Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;

c) Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

2. Điều kiện gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc được quy định như sau:

a) Chứng chỉ hành nghề kiến trúc hết thời hạn sử dụng;

b) Bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục;

c) Không vi phạm Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.

3. Cá nhân có thời gian liên tục từ 10 năm trở lên trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về kiến trúc, đào tạo trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc, hành nghề kiến trúc được miễn điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

4. Cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc được miễn điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 29. Cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc

1. Cá nhân đề nghị cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp, trực tuyến hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Thành phần Hội đồng gồm đại diện cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc hoặc cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc, chuyên gia về kiến trúc.

3. Hội đồng và thành viên Hội đồng xét cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người quyết định thành lập hội đồng về nội dung tham mưu, tư vấn của mình.

4. Thành viên Hội đồng xét cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; hội đồng tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.

5. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Điều 30. Thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc

1. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc bị thu hồi trong trường hợp sau đây:

a) Không còn đủ điều kiện cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc quy định tại Điều 28 của Luật này;

b) Giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc;

c) Vi phạm nghiêm trọng Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;

d) Có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong hành nghề kiến trúc gây hậu quả nghiêm trọng theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc liên quan về kiến trúc theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

2. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc được cấp lại trong trường hợp sau đây:

a) Chứng chỉ hành nghề kiến trúc bị mất hoặc hư hỏng;

b) Thay đổi thông tin cá nhân được ghi trong chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

3. Trường hợp bị thu hồi, chứng chỉ hành nghề kiến trúc chỉ được cấp lại sau 12 tháng kể từ ngày bị thu hồi đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này hoặc sau 12 tháng kể từ ngày hết thời gian bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc liên quan về kiến trúc đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này khi bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

4. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Điều 31. Hành nghề kiến trúc của người nước ngoài tại Việt Nam

1. Người nước ngoài được hành nghề kiến trúc tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại Việt Nam hoặc có chứng chỉ hành nghề kiến trúc đang có hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được Việt Nam công nhận, chuyển đổi;

b) Tuân thủ pháp luật Việt Nam và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề của Việt Nam.

2. Việc công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc được quy định như sau:

a) Người nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề kiến trúc đang có hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, tham gia dịch vụ kiến trúc ở Việt Nam dưới 06 tháng thì thực hiện thủ tục công nhận chứng chỉ hành nghề kiến trúc, từ 06 tháng trở lên thì thực hiện thủ tục chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Việc công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ được thực hiện theo quy định của thỏa thuận quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Chính phủ quy định chi tiết cách xác định thời gian tham gia dịch vụ kiến trúc ở Việt Nam; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc của người nước ngoài hành nghề kiến trúc ở Việt Nam.

Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc

1. Kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc có quyền sau đây:

a) Thực hiện dịch vụ kiến trúc;

b) Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;

c) Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ thiết kế kiến trúc được giao;

d) Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng thiết kế kiến trúc được duyệt;

đ) Từ chối thực hiện yêu cầu trái pháp luật của chủ đầu tư;

e) Từ chối nghiệm thu công trình, hạng mục công trình không đúng thiết kế kiến trúc được duyệt, không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

g) Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng hợp đồng.

2. Kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;

b) Phát triển nghề nghiệp liên tục;

c) Giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng công trình;

d) Thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư theo hợp đồng.

Mục 3. HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC CỦA TỔ CHỨC

Điều 33. Điều kiện hoạt động và hình thức tổ chức hành nghề kiến trúc

1. Điều kiện hoạt động của tổ chức hành nghề kiến trúc được quy định như sau:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc hoặc chủ trì thiết kế kiến trúc có chứng chỉ hành nghề kiến trúc;

c) Thông báo thông tin quy định tại điểm a và điểm b khoản này cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức hành nghề kiến trúc có trụ sở hoạt động.

2. Tổ chức hành nghề kiến trúc gồm văn phòng kiến trúc sư, tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp khác được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Văn phòng kiến trúc sư do kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc thành lập và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.

Điều 34. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề kiến trúc

1. Tổ chức hành nghề kiến trúc có quyền sau đây:

a) Thực hiện dịch vụ kiến trúc;

b) Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;

c) Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ được giao;

d) Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng thiết kế kiến trúc được duyệt;

đ) Từ chối thực hiện yêu cầu trái pháp luật của chủ đầu tư, yêu cầu ngoài nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và hợp đồng, yêu cầu thay đổi thiết kế kiến trúc không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

e) Từ chối nghiệm thu công trình, hạng mục công trình không đúng thiết kế kiến trúc được duyệt.

2. Tổ chức hành nghề kiến trúc có nghĩa vụ sau đây:

a) Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký;

b) Thực hiện đúng hợp đồng đã giao kết với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật;

c) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;

d) Chịu trách nhiệm về chất lượng công việc theo hợp đồng đã giao kết, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi sử dụng thông tin, tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, tổ chức quản lý không phù hợp hoặc vi phạm hợp đồng gây thiệt hại.

Điều 35. Giám sát tác giả

1. Tổ chức hành nghề kiến trúc, kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân có trách nhiệm giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng công trình.

2. Chủ thể thực hiện giám sát tác giả có quyền sau đây:

a) Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện đúng thiết kế kiến trúc được duyệt;

b) Trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân có chứng chỉ hành nghề kiến trúc giám sát tác giả theo hợp đồng và quy định của pháp luật;

c) Thông báo, dừng việc giám sát tác giả nếu thời gian thi công xây dựng kéo dài hơn thời gian thi công xây dựng trong hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

d) Từ chối yêu cầu điều chỉnh thiết kế kiến trúc bất hợp lý của chủ đầu tư;

đ) Từ chối ký vào biên bản nghiệm thu công trình khi thi công không đúng với thiết kế kiến trúc được duyệt.

3. Chủ thể thực hiện giám sát tác giả có nghĩa vụ sau đây:

a) Tham gia nghiệm thu hoàn công công trình theo quy định của pháp luật và hợp đồng với chủ đầu tư;

b) Thực hiện chỉnh sửa bất hợp lý trong thiết kế kiến trúc theo yêu cầu của chủ đầu tư;

c) Thông báo cho chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về kiến trúc địa phương xử lý khi phát hiện việc thi công không đúng với thiết kế kiến trúc được duyệt.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KIẾN TRÚC

Điều 36. Nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc

1. Ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kiến trúc.

2. Xây dựng, tổ chức thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch trong hoạt động kiến trúc.

3. Tổ chức, thống nhất quản lý kiến trúc đô thị và kiến trúc nông thôn; quản lý hành nghề kiến trúc.

4. Cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

5. Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc.

6. Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ về kiến trúc; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động kiến trúc.

7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động kiến trúc.

8. Hợp tác quốc tế về kiến trúc.

9. Xây dựng, quản lý lưu trữ hồ sơ, cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kiến trúc.

10. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kiến trúc; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kiến trúc.

Điều 37. Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kiến trúc trên phạm vi cả nước.

2. Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc trong phạm vi cả nước và có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam;

b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc;

c) Tổ chức, quản lý hoạt động kiến trúc trong quản lý dự án, thẩm định dự án, thiết kế xây dựng;

d) Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kiến trúc;

đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động kiến trúc;

e) Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ về kiến trúc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc;

g) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động kiến trúc;

h) Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, đánh giá chất lượng kiến trúc trong các dự án đầu tư xây dựng;

i) Ban hành mẫu thiết kế kiến trúc cho các công trình công cộng và nhà ở nông thôn bảo đảm yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai;

k) Xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc trong cả nước; quản lý, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kiến trúc;

l) Hợp tác quốc tế về kiến trúc.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc.

Điều 38. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc theo quy định của Luật này và phân cấp của Chính phủ; ban hành văn bản theo thẩm quyền; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kiến trúc;

b) Thực hiện và phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám sát chất lượng kiến trúc trong dự án đầu tư xây dựng;

c) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về kiến trúc cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị trực thuộc theo phân cấp;

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc trên địa bàn; quản lý và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kiến trúc;

đ) Hằng năm, báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về kiến trúc cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị trực thuộc theo phân cấp.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 39. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến hoạt động kiến trúc

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14 Luật số 35/2018/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 91 như sau:

“1. Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 93 như sau:

“a) Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;”;

c) Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 148 như sau:

“4a. Tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc.”;

d) Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 149 như sau:

“4. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc.”;

đ) Bãi bỏ Điều 81.

2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 77/2015/QH13 Luật số 35/2018/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 69 như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa công trình kiến trúc, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở phải phù hợp với quy hoạch chi tiết đô thị đã được phê duyệt, quy chế quản lý kiến trúc và theo quy định của pháp luật về xây dựng.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 72 như sau:

“6. Chủ đầu tư dự án được xác định trong quyết định đầu tư có trách nhiệm quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không gian, kiến trúc theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, quy chế quản lý kiến trúc trong phạm vi ranh giới thực hiện dự án, trừ trường hợp việc quản lý được bàn giao cho Ủy ban nhân dân.”;

c) Bãi bỏ Điều 60.

3. Thay thế cụm từ tại một số luật sau đây:

a) Thay thế cụm từ “quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị” bằng cụm từ “quy chế quản lý kiến trúc” tại khoản 2 Điều 93 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14Luật số 35/2018/QH14;

b) Thay thế cụm từ “quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị” bằng cụm từ “quy chế quản lý kiến trúc” tại khoản 2 Điều 20 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13;

c) Thay thế cụm từ “quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị” bằng cụm từ “quy chế quản lý kiến trúc” tại Điều 5, điểm e khoản 3 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 1 Điều 52 của Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 77/2015/QH13Luật số 35/2018/QH14.

4. Bỏ cụm từ “hoặc được tuyển chọn” tại điểm d khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14 và Luật số 04/2017/QH14.

Điều 40. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Điều 41. Quy định chuyển tiếp

1. Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đã được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

2. Cuộc thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng đã phê duyệt kế hoạch tuyển chọn trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

3. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân thực hiện thiết kế kiến trúc công trình, thẩm tra thiết kế kiến trúc công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng có giá trị đến khi hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân thực hiện thiết kế kiến trúc công trình, thẩm tra thiết kế kiến trúc công trình hết thời hạn sử dụng trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020; trường hợp bị mất hoặc hư hỏng thì được cấp lại theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13 tháng 6 năm 2019.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 40/2019/QH14

Hanoi, June 13, 2019

 

LAW

ON ARCHITECTURE

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby promulgates the Law on Architecture.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for management of architecture and practice of architecture; rights, obligations and responsibilities of entities and persons involved in architectural activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Law applies to entities and persons involved in architectural activities and others related to architectural activities within the territory of Socialist Republic of Vietnam.

Article 3. Interpretation

For the purposes of this Law, terms used herein shall be construed as follows:

1. Architecture refers to an art, science and technology in making spatial arrangement and creating the sustainable living environment to meet human and public demands.

2. Architectural activities include management and practice of architecture.

3. Architectural design refers to an act of formulating architectural plans and expressing architectural concepts and architectural technological solutions in planning, construction, interior, exterior and landscaping design documentation.

4. Architectural structure refers to a single or combination of construction works or items developed by actualizing an architectural concept or design.

5. Architectural structure of value refers to a typical architectural construction work of architectural, historic, cultural and artistic value which is accredited by a competent authority.

6. Practice of architecture refers to a professional activity of an entity or person providing architectural services.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Comply with this Law and other provisions of relevant laws.

2. Correspond to the strategy for development of Vietnamese architecture, urban planning and rural planning; meet demands for sustainable socio-economic growth, assurance of national defence, security, environmental protection and rational use of natural resources, adaptation to climate change, prevention and control of natural disasters.

3. Preserve, uphold and promote traditional architectural value and acquire the world’s architectural quintessence. Build the Vietnamese architecture to become progressive, modern and full of traditional cultural values.

4. Apply scientific researches, high, advanced and new technologies to match practical conditions of Vietnam to ensure ergonomic, technical and artistic efficiency, economical and effective energy use.

5. Ensure institutional, public and personal involvements; balance state and public interests, rights and benefits of entities and persons.

Article 5. Traditional cultural values in architectural activities

1. Traditional cultural values in the architecture sector include typical characteristics, features and particular marks in terms of natural, socio-economic, cultural and artistic conditions; habits and customs of involved ethnics; construction techniques and materials, all of which must be incorporated in architectural structures and convey the signature style of Vietnamese architecture.

2. By taking account of typical features and characteristics of traditional culture at each locality, provincial-level People's Committees shall be responsible for conducting researches and surveys based on which statutory requirements concerning traditional cultural values will be assessed and integrated into rules and regulations as to management of architecture appropriated for respective jurisdictions.

3. Entities and persons shall be responsible for protecting, conserving and upholding traditional cultural values infused into architectural products.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The State shall put its investments in the following activities:

a) Developing the scheme for development of Vietnamese architecture;

b) Conduct the statistics, survey and build the database of architectural activities; set technical standards and regulations on architecture;

c) Produce architectural design models meeting requirements concerning sustainability, eco-friendliness and adaptation to climate change, prevention of and response to natural disasters; economical and effective energy use;

d) Carry out architectural law propaganda, dissemination and education programs.

2. Over periods of time and based on capabilities of the state budget, the State shall give its investment support for the following activities:

a) Building and improving infrastructure facilities and equipment incidental to architectural policy researches and architectural basic researches that may be conducted by science and technology institutions;

b) Providing training and refresher courses for the architectural workforce; conducting scientific researches, applying and transferring advanced, progressive and new architectural technologies;

c) Protecting, conserving and rehabilitating architectural structures of value which have not been ranked as historical - cultural heritages;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Organizing architectural exhibition and promotion events.

3. The State shall provide organizations and individuals incentives to invest in activities specified in clauses 1 and 2 of this Article and the following activities:

a) Forming cooperation and partnership in scientific researches, application and transfer of technologies, provision of technical services and others in the architecture sector;

b) Encouraging private involvements in providing public services in the architecture sector;

c) Giving free-of-charge assistance and counsels in the architecture sector in the public interests.

Article 7. Vietnam’s Architecture Day

April 27 each year shall be selected as Vietnam’s Architecture Day.

Article 8. International cooperation in architecture

1. International cooperation in architecture with countries and territories must adhere to the principles of equality, mutual interest, respect for national independence, sovereignty, territorial integrity and domestic legislation of each partner and international laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Scientific research, application and transfer of technologies and exchange of information about architecture;

b) Architectural workforce training and education;

c) Implementation of architectural activities;

d) Mutual recognition in the practice of architecture.

Article 9. Prohibited acts

1. Hindering the management and practice of architecture.

2. Abusing the practice of architecture to cause adverse impacts on national defence, security, state and public interests, social order, living environment, legitimate rights and benefits of entities and persons.

3. Offering and accepting bribes, making illegal tying and brokerage arrangements in architectural activities.

4. Disclosing materials listed as state secrets; revealing business information provided by customers, unless otherwise agreed upon in writing by customers or prescribed in laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Infringing upon the intellectual property rights in architectural activities.

7. Providing counterfeit or untruthful materials and data; preparing architectural design and construction documentation which are not conformable to national technical regulations.

8. Carrying out fraudulent acts in taking examinations, issuing and using practicing certificates in architecture.

9. Abusing and making inappropriate use of powers, rights to or lacking responsibilities for the management of architecture.

Chapter II

MANAGEMENT OF ARCHITECTURE

Article 10. Requirements of architectural management

1. Conform to principles of architectural activities set out in Article 4 herein.

2. Ensure consistency in management of architecture with respect to the overall and specific spatial arrangements of architectural structures.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Avoid negative impacts on natural landscapes, historical – cultural heritages and architectural structures of value and biological environment.

5. Ensure economical and effective use of energy.

Article 11. Requirements of urban and rural architecture

1. Urban architecture must meet the following requirements:

a) Harmonize with overall spaces, architecture and landscapes of the sites intended for construction of architectural structures; connect the architecture of the existing sites, newly developed ones and border crossings between urban and rural areas, and admire natural scenery;

b) Use colors, materials and decorate the outer faces of architectural structures in an aesthetic manner without causing any adverse impact on human eyes, health, environment and traffic safety;

c) Refurbishment of an existing residential home and construction of a new one must be combined concordantly to produce an architectural structure which fits into natural and climatic conditions, and detached residential homes must be aligned with the general architectural layout in a specific region;

d) Public construction works and urban utility facilities built along streets must be aesthetic, useful and safe to humans and means of transport;

dd) Signs, markers, advertisement billboards, lighting systems and decorative items used in urban areas must meet regulations and outdoor advertising planning requirements as well as fit into the overall urban architectural plan;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Traffic amenities must be designed in a consistent manner to meet requirements concerning public access, aesthetics and characteristics of urban areas.

2. Rural architecture must meet requirements referred to in points a, b, c and e of clause 1 of this Article and the followings:

a) Ensure that traditional architectural and cultural values are inherited; indigenous building materials and advanced engineering methods are preferred for use;

b) Meet standards applied to residential homes, living spaces and cultural spaces so that rural architectural structures are adjusted to natural conditions, customs and habits of ethnic groups;

c) As for areas prone to natural disasters, strengthen use of architectural designs for public works and residential homes at rural areas in order to meet requirements as to adaptation to climate change and prevention and control of natural disasters.

Article 12. Architectural design

1. Owners of architectural structures must take charge of developing architectural design schemes and carrying out architectural designs.

2. Architectural designs must be produced by organizations and individuals satisfying qualification requirements specified herein and other provisions of law.

3. In order to produce an architectural design, architectural solutions must be integrated with architectural planning; all following requirements must be considered completely, including socio-economic efficiency, functional, practical use, engineering, fire safety and environmental protection, economical and effective energy use, traditional cultural value and other requirements applied to architectural structures; these architectural may be easily accessible to disabled, elderly people and children; gender equality must be respected.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Minister of Construction shall be vested with authority to adopt specific regulations on architectural design documentation.

Article 13. Management of architectural structures of value

1. Architectural structures of value which have already been ranked as historical – cultural relics shall be managed under law on cultural heritages.

2. Architectural structures of value which are not covered in clause 1 of this Article shall be reviewed and assessed on an annual basis or inventoried for official purposes by provincial-level People's Committees.

3. Provincial-level People's Committees shall consult with provincial-level architectural advisory councils and other related entities or persons about compilation of the list of architectural structures of value stipulated in clause 2 of this Article before reaching their approval decisions.

4. Owners and users of architectural structures in the list of architectural structures of value shall have the following rights and obligations:

a) Receive benefits from protection, conservation, repair, rehabilitation and operation of their architectural structures;

b) Receive the state subsidies for costs incurred from protection, conservation, repair and rehabilitation of their architectural structures;

c) Protect, conserve, repair and rehabilitation of architectural values of these structures; ensure safety for access to, use and operation of these structures;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Whenever detecting any sign of decrease in quality or unsafe texture, inform local authorities in a timely manner.

5. The Government shall be vested with authority to promulgate specific regulations on assessment and classification of architectural structures of value; processes and procedures for compiling, evaluating, approving and adjusting the list of architectural structures of value.

Article 14. Regulations on management of architecture

1. Regulations on management of architecture shall be adopted to apply to urban areas and rural residential spots in provinces and centrally-affiliated cities.

2. Regulations on management of architecture must ensure conformity with the following requirements:

a) In line with provisions laid down in Articles 10, 11 and 13 herein;

b) Correspond to urban architectural designs approved by competent authorities, national technical standards and regulations;

c) Match traditional cultural values, local actual features and conditions.

3. Regulations on management of architecture shall be comprised of the followings:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Determining requirements concerning traditional cultural values with respect to locality-specific architecture as per clause 1 of Article 5 herein;

c) Identifying areas where particular urban designs are needed, streets and areas where architectural renovation priority is given, and implementation plan; areas subject to special management requirements;

d) Regulations on management of architecture of residential homes, public construction works, urban public utility facilities, industrial facilities, technical infrastructure premises and construction projects that require architectural plan tests;

dd) Regulations on management and protection of architectural structures of value;

e) Regulating responsibilities of entities and persons for implementation of regulations on management of architecture;

g) Maps, drawings and illustrating images;

h) Appendix on the list of architectural structures of value.

4. Provincial-level People's Committees shall set out regulations on management of architecture and petition same-level People’s Councils to adopt and enforce these regulations; as for regulations on management of architecture of special-class cities or class-I cities which are centrally-affiliated ones, the consent from the Ministry of Construction must be sought.

5. The Government shall promulgate specific regulations on contents of regulations on management of architecture; regulations on application and documentation procedures and processes for formulation, evaluation, collection of public opinions on, release and methods for implementation of regulations on management of architecture.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Provincial-level People's Committees shall review and evaluate the process of implementation of regulations on management of architecture on a quinquennial or ad-hoc basis before deciding whether regulations on management of architecture may be revised. Subject matters of review and evaluation of the process of implementation of regulations on management of architecture shall be subject to the Government’s regulations.

2. Requirements for revision of regulations on management of architecture shall be regulated as follows:

a) Any adjustment in urban planning, rural planning, urban design and boundaries of administrative subdivisions may affect the characteristics, functions and scale of areas covered by regulations on management of architecture;

b) Existence of projects of national significance causes impacts on the spatial layout of entire areas covered by regulations on management of architecture;

c) Regulations on management of architecture are not likely to be implemented or implementation of these regulations has adverse impacts on the socio-economic development, national defence, security, social protection, biological environment and historic – cultural relics;

d) Revision of these regulations is made in state and public interests.

3. Principles of revision of regulations on management of architecture shall be regulated as follows:

a) Attention must be paid to those regulations that need to be revised while legal value of those regulations that do not need to be revised as specified according to approval decisions shall remain unchanged;

b) Revision must be made on the basis of analysis and evaluation of the current state and clear determination of requirements for revision provided that these regulations are adapted for developmental requirements.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 16. Architectural advisory council

1. National architectural advisory council may be established under the Prime Minister's decision where necessary to give counsels to the Prime Minister on architecture-related matters and architecture of several important construction projects.

2. Provincial-level architectural advisory councils may be established under the decisions of the Chairman/Chairwomen of People’s Committees where necessary to give counsels to the Chairmen/Chairwomen on matters arising in the architecture sector and architecture of several important construction projects and architectural structures of value under their jurisdiction.

3. Members of an architectural advisory council shall be representatives of state regulatory authorities in charge of architecture and experts involved in activities related to the architecture sector.

4. An architectural advisory council and members of an architectural advisory council shall bear responsibility before law and to the person making the decision on establishment of the council for its counsels and advices.

5. Members of an architectural advisory council may hold multiple offices; the council shall be automatically closed after completion of assigned missions.

Article 17. Architectural plan test

1. Architectural plan test refers to a test designed to select the best architectural plan that meets requirements concerning planning, architecture, culture, socio-economic efficiency, national defence, security and environmental protection.

2. The following construction projects shall be subject to the compulsory requirement for participation in the architectural plan test, including:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Provincial-level central train terminals and civil aviation terminals; bridges inside class-II or higher-level urban areas and inner-city railway stations; statues and construction projects symbolic of tradition, culture and history at localities; important construction projects and landmarks located inside urban areas and along main streets that are specified in urban planning and design schemes and regulations on management of architecture approved by competent authorities.

3. Architectural plan test may be proposed in the investment policy or pre-feasibility study report.

4. Persons having competence in making investment decisions shall be accorded authority to decide on the forms of architectural plan test and decide to establish the architectural plan test council.

5. Costs incurred from such test shall be calculated as part of total investment in a project.

6. Based on the architectural plan successfully passing the test, entities and persons owning such plan can take further steps in a project if they meet requirements stipulated in law on construction and procurement law.

7. Information about the test, the architectural plan test council and marking results must be made publicly on mass media by the project owner.

8. The Government shall issue specific provisions of this Article.

Article 18. Document archival

State regulatory authorities in charge of architecture and project owners shall be responsible for keeping archive of architectural design documents and materials. Consulting entities and persons, construction contractors and construction management boards shall be responsible for keeping archive of documentation on their activities in accordance with law on archival and other provisions of relevant law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

PRACTICE OF ARCHITECTURE

Section 1. GENERAL PROVISIONS ON PRACTICE OF ARCHITECTURE

Article 19. Architectural services

1. Architectural service is a business of design and construction design evaluation services.

2. Architectural services, including:

a) Construction architectural design;

b) Architectural design included in urban planning, rural planning and urban design schemes;

c) Landscape architectural design;

d) Interior design;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Construction architectural assessment;

g) Architectural design evaluation.

Article 20. Socio-professional associations in practice of architecture

Socio-professional associations in practice of architecture must be established, organized and operated under law and other provisions of relevant law.

Article 21. Requirements for practice of architecture

1. The person holding the title as the leader of architectural design, the person bearing professional responsibility for architecture who working for entities providing architectural services and self-employed practicing architects must hold the certificate of practice of architecture, unless otherwise provided in Article 31 herein.

2. Persons who do not hold the certificate of practice of architecture may provide architectural services under the control of architecture practicing entities or may enter into partnership with other self-employed practicing architects.

3. Entities providing architectural services must meet qualification requirements specified in Article 33 herein.

Article 22. Rules of professional conduct for practicing architects

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Practicing principles;

b) Competitiveness in practice of architecture;

c) Guarantee of gender equality;

d) Intellectual property rights;

dd) Interpersonal behaviors towards colleagues and customers.

2. Rules of professional conduct for practicing architects may be applied to entities and persons practicing architecture.

3. The Government shall set out specific regulations on authority over, processes and procedures for enforcement of rules of professional conduct for practicing architects.

Article 23. Ongoing career development

1. Ongoing career development includes such activities as updating, maintaining, strengthening and improving knowledge and skills of practicing architects.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Government shall set out specific provisions of this Article.

Article 24. Management of information about practice of architecture

1. Within 05 working days after issuance of certificate of practice of architecture or of receipt of the notice from architecture practicing entities basing their business at localities, regulatory authorities specialized in architecture under the control of provincial-level People’s Committees shall have to publicize information about architecture practicing entities and persons on their respective websites and send information to the Ministry of Construction.

2. Within 05 working days of receipt of information from regulatory authorities specialized in architecture under the control of provincial-level People’s Committees, the Ministry of Construction shall have to publicize information about architecture practicing entities and persons on the Ministry’s portal.

Section 2. SELF-EMPLOYED PRACTICE OF ARCHITECTURE

Article 25. Self-employed architects

1. Self-employed architects are those architects with architecture qualification who are not under the control of entities practicing the architecture profession and act on their own account to render architectural services.

2. Self-employed practicing architects shall render architectural services under contracts with entities and persons specified herein and other provisions of relevant law.

Article 26. Test for grant of architecture practicing certificates

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The test for grant of architecture practicing certificates shall be designed to include the following questions:

a) Professional experience related to architecture;

b) Legal knowledge about the sector that examinees are practicing;

c) Specialized knowledge about architecture;

d) Knowledge about rules of professional conduct for practicing architects.

3. Socio-professional associations in architecture, research institutes and establishments providing training courses in architecture are recognized to be qualified for giving the test for grant of architecture practicing certificates if they meet the following requirements:

a) They must be established under law;

b) Their business relates to the architecture sector;

c) They must have an adequate number of employees and physical facilities necessary for the test.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 27. Authority to grant, renew, revoke and reissue architecture practicing certificates; validity period of architecture practicing certificates

1. Regulatory authorities specialized in architectural activities that are put under the control of provincial-level People's Committees shall be authorized to issue, renew, revoke and reissue architecture practicing certificates.

2. Each architecture practicing certificate can be valid nationwide for the duration of 10 years.

3. Minister of Construction shall promulgate specified regulations on the sample architecture practicing certificate.

Article 28. Requirements for issuance and renewal of architecture practicing certificates

1. Requirements for issuance of architecture practicing certificates shall be regulated as follows:

a) The intended applicant must hold university or higher qualification in the architecture sector;

b) The intended applicant must have at least 3 years of experience acquired from previous involvement in providing architectural services or partnership with other self-employed practicing architects;

c) The intended applicant must successfully pass the test for eligibility to receive architecture practicing certificate.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Architecture practicing certificate has expired;

b) Ongoing career development is guaranteed;

c) There is none of violations against rules of professional conduct for practicing architects.

3. Persons spending at least 10 successive years directly involving in exercising state management of architecture, taking university education or other higher training courses in the architecture sector or directly practicing architecture will be granted exemption from the requirements prescribed in point c of clause 1 of this Article.

4. Persons winning national or international architecture awards can be exempted from the requirements prescribed in point b of clause 1 of this Article.

Article 29. Requirements for issuance and renewal of architecture practicing certificates

1. Persons applying for issuance and renewal of architecture practicing certificates shall submit one set of documentation in person, online or by post to entities specialized in the architecture sector under the control of provincial-level People’s Committees.

2. Regulatory authorities specialized in architectural activities that are put under the control of provincial-level People's Committees shall be authorized to establish a council to consider issuing and renewing architecture practicing certificates. The council shall be composed of representatives of regulatory authorities specialized in architecture under the control of provincial-level People's Committees, socio-professional associations in practice of architecture or research institutes, establishments providing training courses in architecture and/or architecture experts.

3. The council and members of the council authorized to consider issuing and renewing architecture practicing certificates shall bear responsibility before law and to the person making the decision on establishment of the council for its counsels and advices.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The Government shall set out specific regulations on documentation and application requirements and procedures for issuance and renewal of architecture practicing certificates.

Article 30. Withdrawal and reissuance of architecture practicing certificates

1. Architecture practicing certificate shall be withdrawn under the following circumstances:

a) The holder has no longer been qualified for issuance and renewal of architecture practicing certificates as provided in Article 28 herein;

b) Application documentation for issuance, reissuance and renewal of architecture practicing certificate is forged;

c) There is none of serious violations against rules of professional conduct for practicing architects;

d) Professional and technical faults arising from rendering of architectural services has led to severe consequences according to conclusions of competent regulatory authorities;

dd) The affected holder is prohibited from practicing or performing activities related to architecture according to the Court’s legitimate judgment or decision.

2. Architecture practicing certificate may be reissued under the following circumstances:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Personal information inscribed in architecture practicing certificate is changed.

3. In case of being revoked or withdrawn, the architecture practicing certificate falling into the situations prescribed in point c and d of clause 1 of this Article may be reissued 12 months after the revocation or withdrawal date, or the architecture practicing certificate falling into the situations prescribed in point dd of clause 1 of this Article may be reissued 12 months after the expiry date of prohibition on practicing architecture or performing activities related to architecture, only when the requirements specified in clause 1 of Article 28 herein are met.

4. The Government shall set out specific regulations on application and documentation requirements and procedures for revocation, withdrawal or reissuance of architecture practicing certificates.

Article 31. Practice of architecture by foreign nationals in Vietnam

1. Foreign citizens can practice architecture in Vietnam if they meet the following requirements:

a) Obtain architecture practicing certificates issued in Vietnam or valid ones issued by regulatory authorities in their home countries and recognized or converted in Vietnam;

b) Comply with Vietnam’s law and rules of professional conduct for practicing architects in Vietnam.

2. Recognition and conversion of architecture practicing certificates shall be subject to the following regulations:

a) Foreign nationals who have already held architecture practicing certificates in use issued by competent regulatory authorities in their home countries, or has participated in rendering of architectural services in Vietnam for less than 6 months, shall follow procedures for recognition of architecture practicing certificates, or for at least 6 months, shall follow procedures for conversion of architecture practicing certificates, at regulatory authorities specialized in architecture under the control of provincial-level People’s Committees;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Government shall promulgate specific regulations on the method of determination of period of rendering of architectural services in Vietnam; documentation requirements and procedures for recognition and conversion of architecture practicing certificates of foreign nationals practicing architecture in Vietnam.

Article 32. Rights and obligations of architects obtaining architecture practicing certificates

1. Architects holding architecture practicing certificates shall be vested with the following rights:

a) Render architectural services;

b) Receive protection of intellectual property rights in accordance with law on intellectual property;

c) Request project owners to provide information and documents related to assigned duties to produce architectural designs;

d) Request project owners and construction contractors to obey approved architectural designs;

dd) Refuse to perform any illegal request of project owners;

e) Refuse to carry out the commissioning of construction works and items in breach of approved architectural designs, engineering standards or regulations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Architects holding architecture practicing certificates shall assume the following obligations:

a) Comply with rules of professional conduct for practicing architects;

b) Have access to ongoing career development;

c) Carry out the designer's supervision during the process of building architectural structures;

d) Observe commitments to project owners stated in contracts.

Section 3. PRACTICE OF ARCHITECTURE BY ENTITIES

Article 33. Requirements for business operations and forms of practice of architecture

1. Requirements for business operations of entities practicing architecture shall be regulated as follows:

a) They must be established under law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) They must communicate information prescribed in point a and b of this clause to regulatory authorities specialized in architecture under the control of provincial-level People's Committees at the places where offices of entities practicing architecture are located.

2. Entities practicing architecture, including architect's offices, public service organizations or other businesses, shall be organized and operated under the provisions of this Law, Law on Enterprises and other provisions of relevant law.

3. Architect’s offices must be established by architects holding architecture practicing certificates and operated in business form.

Article 34. Rights and obligations of entities practicing architecture

1. Entities practicing architecture shall be vested with the following rights:

a) Render architectural services;

b) Receive protection of intellectual property rights in accordance with law on intellectual property;

c) Request project owners to provide information and documents related to assigned duties;

d) Request project owners and construction contractors to obey approved architectural designs;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Refuse to carry out the commissioning of construction works and items in breach of approved architectural designs.

2. Entities practicing architecture shall assume the following obligations:

a) Operate within the registered scope of business;

b) Duly execute contracts with customers in compliance with provisions of law;

c) Purchase professional liability insurance in accordance with law;

d) Bear responsibility for the quality of architectural works under contractual terms and conditions, compensate for any loss or damage prescribed in law that arises from improper or contract-breaching use of information, documents, engineering standards, regulations or solutions.

Article 35. Designer's supervision

1. Entities practicing architecture or self-employed architects shall be held responsible for carrying out the designer's supervision during the construction period.

2. The performer of designer’s supervision shall be vested with the following rights:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Directly, or by authorizing other entities or persons holding architecture practicing certificates, perform designer’s supervision under contractual terms and conditions and the provisions of relevant law;

c) Inform or cease designer’s supervision if the construction period is greater than the one specified in the contract, unless otherwise agreed;

d) Refuse to any request for unreasonable modifications in architectural designs from project owners;

dd) Refuse to sign project commissioning reports when construction projects are in breach of approved architectural designs.

3. The performer of designer’s supervision shall assume the following obligations:

a) Participate in commissioning of completed projects in accordance with laws and contracts with project owners;

b) Make any correction of errors arising in architectural designs upon the project owner's request;

c) Inform project owners or state regulatory authorities in charge of architecture affairs at localities so that they can take necessary action in case of discovering that construction activities contravene approved architectural designs.

Chapter IV

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 36. Tasks involved in state management of architecture

1. Promulgate and submit to competent authorities for promulgation and take charge of the implementation of legislative normative documents on architecture.

2. Formulate and take charge of implementing the policy on Vietnam’s architecture, strategy, program, project and plan for architectural activities.

3. Preside over and consistently take control of urban architecture and rural architecture; administer practice of architecture.

4. Grant, renew, revoke and reissue architecture practicing certificates.

5. Formulate and enforce engineering standards and regulations pertaining to architecture.

6. Preside over and take control of scientific researches and applications of architectural technologies; provide employees with training and refresher courses in architectural activities.

7. Carry out architectural law propaganda, dissemination and education programs.

8. Enter into international cooperation in architecture.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10. Provide guidance on, inspect and evaluate implementation of laws on architecture; handle any complaint, denunciation and give rewards and impose sanctions on violations arising from architectural activities.

Article 37. Responsibilities of the Government, Ministries and Ministry-level agencies

1. The Government shall exercise uniform state management of architecture on a nationwide scale.

2. The Ministry of Construction shall act as a presiding body assigned to assist the Government in exercising the state management of architectural activities throughout the nation and shall assume the following responsibilities:

a) Develop the policy on development of Vietnam’s architecture and submit it to the Prime Minister to seek his approval;

b) Promulgate according to its competence or submit to competent authorities for promulgation and undertake the implementation of policies, legal normative documents, technical standards and regulations pertaining to architectural activities;

c) Take charge of architectural activities as part of project management and evaluation and construction design;

d) Provide instructions for, inspect and assess compliance with law on architecture;

dd) Handle any complaint, denunciation, give rewards and impose actions against violations arising from architectural activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Provide professional training and refresher courses in architectural activities;

h) Cooperate with Ministries, Ministry-level agencies and provincial-level People’s Committees in inspecting and evaluating the architectural quality of construction projects;

i) Issue architectural design samples for public works and residential homes at rural areas that meet requirements as to adaptation to climate change and prevention and control of natural disasters;

k) Set up the database pertaining to architecture and practice of architecture on a nationwide scale; manage and provide information necessary to perform architectural activities;

l) Enter into international cooperation in architecture.

3. Ministries and Ministry-level agencies shall, within the ambit of their tasks and powers, have the burden of cooperating with the Ministry of Construction in performing the task of State management of architectural activities.

Article 38. Responsibilities of all-level People’s Committees

1. Provincial-level People’s Committees shall, within the ambit of their duties and powers, have the following responsibilities:

a) Exercise state management of architectural activities under the provisions of this Law and the powers delegated by the Government; issue regulatory documents under their delegated powers; take charge of providing instructions for, inspecting, evaluating and imposing sanctions against violations arising from implementation of law on architectural activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Provide professional training and refresher courses in architecture for managerial employees and staff members of entities under the delegated powers;

d) Set up the database pertaining to architecture and practice of architecture on a local scale; manage and provide information necessary to perform architectural activities;

dd) On an annual basis, submit a review report to the Ministry of Construction on the state management of architectural activities.

2. District-level People’s Committees shall, within the ambit of their duties and powers, have the following responsibilities:

a) Exercise the state management of architectural activities within their respective remit in accordance with law;

b) Provide professional training and refresher courses in architecture for managerial employees and staff members of entities under the delegated powers.

Chapter V

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 39. Amendments and supplements to laws regarding architectural activities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Amending and supplementing clause 1 of Article 91 as follows:

“1. Conform to the detailed construction planning scheme already approved by competent state authorities. As for construction works in areas or on streets inside established urban areas without detailed construction planning or urban designs, it is obligatory to conform to regulations on management of architecture promulgated by competent state authorities.";

b) Amending and supplementing point a of clause 1 of Article 93 as follows:

“a) Correspond to purposes of use of land according to the approved land-use planning and regulations on management of architecture enforced by competent state authorities;”;

c) Attaching clause 4a to clause 4 of Article 148 as follows:

 “4a. Entities and persons practicing architecture shall comply with provisions of law on architecture.”;

d) Inserting clause 4 after clause 3 of Article 149 as follows:

“4. Architecture practicing certificates shall be subject to provisions of law on architecture.”;

dd) Repealing Article 81.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Amending and supplementing clause 1 of Article 69 as follows:

“1. Entities and persons building, renovating and repairing architectural structures, technical infrastructure facilities, social amenities and houses must obey the approved detailed planning, regulations on management of architecture and law on construction.";

b) Amending and supplementing clause 6 of Article 72 as follows:

“6. Project owners identified in investment decisions shall be responsible for managing technical infrastructure, spaces and architecture according to the approved urban planning, regulations on management of architecture within the boundaries of project sites, except if management tasks are assigned to People’s Committees.”;

c) Repealing Article 60.

3. Replacing the phrase used in several following laws:

a) Replacing the phrase “regulations on management of urban planning and architecture” with “regulations on management of architecture” in clause 2 of Article 93 in the Law on Construction No. 50/2014/QH13 already amended and supplemented by the Law No. 03/2016/QH14 and the Law No. 35/2018/QH14;

b) Replacing the phrase “regulations on management of urban planning and architecture” with “regulations on management of architecture” in clause 2 of Article 20 in the Law on Housing No. 65/2014/QH13;

c) Replacing the phrase “regulations on management of urban planning and architecture” with “regulations on management of architecture” in Article 5, point e of clause 3 of Article 12, clause 3 of Article 13 and clause 1 of Article 52 in the Law on Urban Planning No. 30/2009/QH12 already amended and supplemented by the Law No. 77/2015/QH13 and the Law No. 35/2018/QH14.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 40. Entry into force

This Law shall take effect on July 1, 2020.

Article 41. Transitional provisions

1. Regulations on management of urban planning and architecture already approved under the provisions of the Law on Urban Planning prior to the entry into force of this Law may be continue to exist till end of December 31, 2021.

2. Construction architectural design tests or selections governed under the provisions of the Law on Construction with the selection plan already approved prior to the entry into force of this Law may be continued to exist till end of December 31, 2021.

3. Construction practicing certificate granted a person providing construction architectural design and construction architectural design evaluation services under law on construction may be valid till end of the expiry date, unless otherwise prescribed in clause 4 of this Article.

4. If construction practicing certificate granted a person providing construction architectural design and construction architectural design evaluation services expires within the period from July 1, 2020 to end of December 31, 2020, it may be continued to exist till end of December 31, 2020; in case of being lost or damaged, it will be reissued in accordance with law on construction.

This Law is passed in the 7th plenary session of the XIVth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam held on June 13, 2019.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

NATIONAL ASSEMBLY’S CHAIRWOMAN




Nguyen Thi Kim Ngan

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Kiến trúc 2019

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


129.583

DMCA.com Protection Status
IP: 3.16.82.182
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!