BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 79-KL/TW
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 5 năm 2024
|
KẾT LUẬN
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ
TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHOÁ XII VỀ XÂY DỰNG
VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
Xem xét Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương về sơ kết
5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị khoá
XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2045 và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị kết luận:
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, thành
phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả quan trọng, củng cố và bước đầu phát huy
vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng và cả nước. Quy mô kinh tế
tiếp tục được mở rộng; tăng trưởng kinh tế được duy trì, chất lượng tăng trưởng
được cải thiện; năng suất lao động cao nhất trong vùng, cao hơn bình quân cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; một số ngành, lĩnh vực có bước
phát triển khá, nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch biển. Hệ thống kết cấu hạ
tầng tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Công
tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng
thành phố thông minh gắn với thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết
quả quan trọng. Liên kết vùng được quan tâm; văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo,
y tế có bước phát triển; các chương trình an sinh xã hội được bảo đảm với nhiều
chính sách vượt trội; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng
cao; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đạt mức thấp. Khoa học và công nghệ có bước
phát triển, các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thiết kế trong lĩnh vực vi mạch
bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo được chú trọng... Công tác quản lý tài
nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, nhiều
biện pháp bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên được triển khai. Quốc phòng,
an ninh được bảo đảm; chủ quyền biên, đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường;
việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh
phân cấp, ủy quyền bước đầu phát huy hiệu quả; bộ máy hành chính được đổi mới
theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó còn một số hạn chế, yếu kém: Phát triển
kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, dư địa
phát triển; các chỉ tiêu kinh tế đạt khá thấp so với Nghị quyết đề ra, trong đó
có nhiều chỉ tiêu khó có khả năng hoàn thành; chất lượng tăng trưởng chưa cao;
quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ, chưa tạo được lợi thế để bứt phá. Công tác phòng,
chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu có lúc, có nơi còn lúng túng.
Phát triển văn hóa, xã hội còn một số bất cập. Thị trường khoa học và công nghệ
phát triển chậm. Nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong một
số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống của một bộ phận người dân còn gặp
khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19. Tình hình an ninh, trật tự xã hội còn
tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có
mặt còn hạn chế; hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy hành chính trên một số
lĩnh vực, trong từng giai đoạn còn khuyết điểm.
Những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức
của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vai trò, vị trí và tầm quan trọng
trong xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng chưa sâu sắc; việc tổ chức thực hiện
Nghị quyết có việc thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ, hiệu quả; cơ chế, chính sách
và nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với mục tiêu đặt ra; không gian phát triển
hạn chế. Việc phân cấp, phân quyền, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương
và với các địa phương trong vùng có lúc, có nơi còn chưa rõ, thiếu chủ động,
chưa hiệu quả; nhiều hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra sau các kết luận thanh
tra, kiểm tra, bản án chậm được giải quyết. Việc huy động và sử dụng nguồn lực
đầu tư cho mục tiêu phát triển, nhất là các công trình, dự án có tính kết nối
liên vùng chưa hiệu quả, thiếu cơ chế đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến
lược. Việc nghiên cứu, dự báo, tổng kết thực tiễn chưa được quan tâm đúng mức.
Để tiếp tục thực hiện quan điểm chỉ đạo, mục tiêu,
nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đã đặt ra, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ
chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã
hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên
truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược,, tầm quan trọng của
thành phố Đà Nẵng trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước, gắn
với thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng có liên quan, nhất
là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo
đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045; xác định việc thực hiện Nghị quyết và Kết luận này là trách
nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là Đảng
bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tập trung rà soát toàn diện các
quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai thực hiện Nghị quyết;
nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện thể chế, ban hành các cơ chế, chính sách,
xác định tư duy, tầm nhìn chiến lược, khát vọng phát triển; nhận diện đầy đủ,
chính xác các tiềm năng, lợi thế, dư địa, tạo ra không gian, động lực phát triển
mới; nghiên cứu có giải pháp đột phá, khả thi, phù hợp, giải quyết dứt điểm các
hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra; quyết liệt, trách nhiệm hơn trong tổ chức thực
hiện, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng,
sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
2. Nghiên cứu áp dụng chính thức và hoàn thiện
mô hình chính quyền đô thị phù hợp với tổ chức, bộ máy, yêu cầu quản lý của
thành phố, bảo đảm phân cấp đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người
dân, doanh nghiệp. Rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách Quốc hội đã ban
hành để sửa đổi, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố; bảo đảm
tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải quyết các vướng mắc, nhất là
trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên, tài
chính, ngân sách. Trước mắt, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động
các nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc
tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi
nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch
- dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ
nhân tạo... Khẩn trương triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về "Phương án
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận
thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố" trên địa bàn thành
phố. Nghiên cứu việc mở rộng không gian phát triển cho thành phố.
3. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế
gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo
là động lực chính, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Triển khai hiệu
quả chuyển đổi số để phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất mới, y tế, giáo dục.
Tiếp tục phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, sàn giao dịch thương mại điện
tử. Tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố; có cơ chế,
chính sách đặc thù nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh hợp
tác công - tư (PPP), thu hút nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế. Xây dựng
và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị
biển quốc tế đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển; là trung tâm nghề cá hiện
đại gắn với ngư trường Hoàng Sa và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng
khoa học và công nghệ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khai thác có hiệu quả các
khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển
lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, Internet vạn vật, trí tuệ
nhân tạo, dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn. Phát triển mới trạm cập bờ cáp quang
biển; đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu quy mô quốc gia. Chuyển đổi Khu công
nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn; chuyển đổi khu bến Tiên
Sa thành trung tâm du lịch - dịch vụ biển. Tiếp tục mở rộng Khu công nghệ cao
Đà Nẵng cùng với các khu đô thị, dịch vụ vệ tinh trở thành tổ hợp khu đô thị -
công nghệ cao sáng tạo, hiện đại, hạ tầng đồng bộ. Khẩn trương triển khai có hiệu
quả quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng kinh tế động lực miền
Trung; xây dựng huyện Hoà Vang trở thành đô thị vệ tinh. Ưu tiên và sử dụng hiệu
quả các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, liên
vùng, nhất là các công trình, dự án đã được Nghị quyết đề ra.
4. Đầu tư phát triển văn hóa, con người đồng
bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế, đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng văn minh, đậm
đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế; xây dựng "nếp sống văn
hóa - văn minh đô thị", phát triển con người Đà Nẵng toàn diện, tuân thủ
pháp luật, hội nhập quốc tế và có giá trị bản sắc riêng. Bảo tồn và phát huy
giá trị di sản văn hoá dân tộc, các di tích, danh lam, thắng cảnh gắn với phát
triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Rà soát, bảo đảm thực hiện tốt
chính sách ưu đãi đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, tạo việc
làm, giảm nghèo đa chiều ổn định, bền vững.
Tiếp tục mở rộng mạng lưới, quy mô giáo dục và đào
tạo; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Phối hợp có hiệu quả giữa cơ sở giáo dục đại
học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực,
nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng
cao cho ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác.
Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thiện Khu đô thị Đại học Đà Nẵng, xây dựng Đại học
Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia.
Đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng
dịch vụ khám, chữa bệnh, nhất là chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu, dịch vụ y tế chất
lượng cao và mô hình kết hợp giữa du lịch và khám, chữa bệnh; có cơ chế để thu
hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực y tế chuyên sâu,
chất lượng cao. Hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo
hướng thống nhất một đầu mối quản lý. Quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm,
hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng, biển,
đất đai. Xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai thực hiện
cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
5. Tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc
phòng, an ninh trên địa bàn, nhất là xây dựng thế trận lòng dân gắn với xây dựng
thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng
thủ vững chắc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở khu vực biên
giới, vùng trời, vùng biển thành phố. Xây dựng lực lượng vũ trang thật sự trong
sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; chủ động các phương án bảo đảm
an ninh, an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn
hóa, xã hội quan trọng tại Đà Nẵng. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; giải
quyết tốt những vấn đề an ninh hàng hải, bảo vệ ngư dân và hoạt động kinh tế hợp
pháp, phù hợp theo công ước quốc tế trên Biển Đông. Nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng.
6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi
mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính
trị, tư duy, tầm nhìn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung gắn
với chế độ đãi ngộ thoả đáng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; rà
soát quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt gắn với công tác chuẩn
bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để tháo gò vướng mắc, bất cập
khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Nâng cao chất lượng chính quyền điện
tử, xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Tăng
cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức chính trị - xã hội.
7. Tổ chức thực hiện
- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo: (i)
Ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận, (ii) Trình cấp có thẩm quyền
ban hành, tổ chức thực hiện việc áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị;
bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển thành phố, nhất
là về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách, thuế; quy hoạch; khoa học và công
nghệ; đổi mới sáng tạo; vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thu hút nhà đầu tư
chiến lược; cảng hàng không, cảng biển... cho xây dựng thí điểm khu thương mại
tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành
trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước;
trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... (iii) Chỉ đạo các bộ, ngành có
liên quan giải quyết dứt điểm các đề xuất, kiến nghị của thành phố.
- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo rà soát, sửa đổi, bổ
sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 theo hướng thực hiện chính thức mô hình chính
quyền đô thị và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô
thị tại thành phố Đà Nẵng; điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc
thù mang tính vượt trội, đột phá; bố trí ngân sách triển khai, thực hiện các chương
trình, đề án, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết và Kết luận này.
- Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Nẵng
và các tỉnh ủy, thành ủy có liên quan phát huy cao độ tính tự lực, tự cường,
dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển của thành phố Đà Nẵng;
nêu cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Chủ động, tích cực đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để trình
Chính phủ, Quốc hội ban hành.
- Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các
cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển
khai thực hiện Nghị quyết và Kết luận này, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ
Chính trị, Ban Bí thư.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Ban Bí thư Trung ương
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Lương Cường
|