UBND TỈNH LÀO CAI
SỞ XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/HD-SXD
|
Lào Cai, ngày 22
tháng 05 năm 2013
|
HƯỚNG DẪN TẠM THỜI
THỰC HIỆN CÔNG TÁC
THẨM TRA THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ
15/2013/NĐ-CP NGÀY 06/02/2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH
XÂY DỰNG.
Thực hiện chỉ đạo của UBND
tỉnh Lào Cai tại Văn bản số 1536/UBND-QLĐT ngày 08/5/2013 về việc thực hiện
thẩm tra thiết kế công trình theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của
Chính phủ, Sở Xây dựng hướng dẫn tạm thời thực hiện công tác thẩm tra thiết kế
công trình trên địa bàn tỉnh Lào Cai như sau:
I. Các công trình bắt buộc phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm
tra thiết kế, dự toán:
1. Công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà
nước không phân cấp;
2. Đối với các công trình sử dụng nguồn vốn khác
(chỉ thẩm tra thiết kế, riêng dự toán được thẩm tra khi chủ đầu tư có yêu cầu):
- Nhà chung cư, công trình công cộng, công trình
đường dây tải điện, nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim,
nhà máy sản xuất Alumin, nhà máy xi măng từ cấp III trở lên.
- Nhà ở riêng lẻ từ 07 tầng trở lên.
- Công trình cầu, hầm, đường bộ, công trình hạ tầng
kỹ thuật từ cấp II trở lên.
- Các công trình nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí,
các công trình nhà kho và tuyến đường ống dẫn xăng, dầu, khí hóa lỏng, nhà máy
sản xuất và kho chứa hóa chất nguy hiểm, nhà máy sản xuất và kho chứa vật liệu
nổ công nghiệp, công trình đường sắt, sân bay, bến, ụ nâng tàu, cảng bến đường
thủy, hệ thống cáp treo vận chuyển người, công trình xử lý chất thải rắn độc
hại, hồ chứa nước, đập ngăn nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả nước,
kênh, đường ống kín dẫn nước, đường hầm thủy công, đê, kè, trạm bơm và công
trình thủy lợi khác không phân biệt cấp.
II. Thẩm quyền thẩm tra thiết kế và dự toán công
trình:
1. Sở Xây dựng thẩm tra thiết kế, dự toán các công
trình xây dựng: Công trình dân dụng; công trình công nghiệp vật liệu xây dựng;
công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình đường bộ đô thị; nhà kho, nhà xưởng
thuộc các công trình công nghiệp chuyên ngành;
2. Sở Giao thông vận tải thẩm tra thiết kế, dự toán
các công trình giao thông (trừ công trình đường bộ đô thị);
3. Sở Công thương thẩm tra thiết kế, dự toán các
công trình: Hầm mỏ; dầu khí; nhà máy điện; đường dây tải điện; trạm biến áp và
các công trình công nghiệp chuyên ngành;
4. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm tra
thiết kế, dự toán các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn;
5. Phòng quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế - Hạ
tầng cấp huyện thẩm tra các công trình dân dụng, giao thông, công nghiệp; Phòng
Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp cấp huyện thẩm tra các công trình nông nghiệp và
phát triển nông thôn do Chủ tịch UBND cấp
huyện quyết định đầu tư;
6. Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm tra thiết kế (nếu đủ
điều kiện năng lực theo quy định) hoặc thuê tư vấn thẩm tra đối với các công
trình sử dụng nguồn vốn khác trừ các công trình quy định điểm 2 Mục I.
7. Trường hợp
dự án đầu tư xây dựng công trình gồm
nhiều công trình có nhiều loại khác nhau thì cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện thẩm tra thiết kế là cơ quan
có trách nhiệm thực hiện thẩm tra thiết kế đối với công trình chính của dự án
đầu tư xây dựng công trình.
III. Trình tự thực hiện lập, thẩm tra và phê
duyệt thiết kế:
1. Chủ đầu tư tổ chức lập hồ sơ thiết kế, dự toán.
2. Chủ đầu tư thẩm
định hồ sơ thiết kế, nội dung thẩm định gồm: Xem xét sự phù hợp về thành phần, quy cách của hồ sơ thiết
kế so với quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật, bao gồm:
Thuyết minh thiết kế, các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát xây dựng, quy
trình bảo trì công trình và các hồ sơ khác theo quy định; đánh giá sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so với nhiệm vụ
thiết kế, các yêu cầu của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên
quan.
3. Chủ đầu tư gửi hồ sơ thiết kế sau khi đã thẩm
định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng
nêu tại mục II để thẩm tra.
4. Cơ quan thực hiện thẩm tra gửi thông báo kết quả
thẩm tra hồ sơ thiết kế, dự toán bằng văn bản cho chủ đầu tư.
5. Căn cứ kết quả thẩm tra của cơ quan quản lý nhà
nước, chủ đầu tư phê duyệt thiết kế.
6. Đối với các công trình chỉ phải lập Báo cáo kinh
tế kỹ thuật sử dụng vốn ngân sách nhà nước: sau khi có thông báo kết quả thẩm
tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư gửi hồ sơ Báo
cáo kinh tế kỹ thuật kèm theo kết quả thẩm tra thiết kế tới cơ quan có thẩm
quyền để thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật và trình người quyết định đầu tư
phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 47/2012/QĐ-UBND ngày 10/10/2012 của
UBND tỉnh Lào Cai. Chủ đầu tư không phải phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và
dự toán.
IV. Hồ sơ gửi thẩm tra gồm:
1. Văn bản đề nghị thẩm tra thiết kế bản vẽ thi
công, dự toán của chủ đầu tư.
2. Giấy chứng nhận đầu tư (đối với
các công trình theo quy định phải có Giấy chứng nhận đầu tư), Quyết định phê
duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kèm
theo hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt (đối với trường hợp thiết kế 2 bước và thiết kế 3 bước).
3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất tại nơi xây dựng công trình hoặc Thông báo giới thiệu địa điểm đất để xây
dựng công trình, chứng chỉ quy hoạch của cơ quan quản lý quy hoạch có thẩm
quyền;
4. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ
thiết kế bản vẽ thi công, dự toán;
5. Báo cáo khảo sát địa hình, địa
chất, thủy văn (tùy theo loại và tính
chất của công trình);
6. Biên bản nghiệm thu khảo sát;
7. Thỏa thuận đấu nối với các công
trình hạ tầng kỹ thuật của cơ quan quản lý chuyên ngành;
8. Đĩa CD trong đó có các nội dung
tính toán kết cấu, dự toán;
9. Hồ sơ năng lực của nhà thầu
khảo sát, nhà thầu thiết kế (gồm: Thông tin về nhà thầu; Quyết định thành lập
hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà thầu khảo sát, tư vấn thiết kế
và chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm và chủ trì thiết kế);
10. Trường hợp phải vận chuyển bộ
hoặc bằng các phương tiện thô sơ (xe quệt, xe trâu, xe bò, ngựa thồ...) hay cơ
giới thì phải có biên bản xác định cự ly ứng với hình thức vận chuyển của chủ
đầu tư với cơ quan quản lý xây dựng thuộc cấp huyện.
11. Các giấy tờ khác có liên quan.
V. Nội dung thẩm tra:
1. Kiểm tra điều kiện, năng lực
của tổ chức tư vấn, cá nhân thực hiện khảo sát, thiết kế theo quy định của pháp
luật.
2. Kiểm tra sự phù hợp của thiết kế với chủ trương và các bước
thiết kế trước đã được phê duyệt;
3. Kiểm tra các nội dung về quy
hoạch xây dựng, bao gồm: Vị trí xây dựng; cao độ san nền, cao độ và tọa độ đặt
công trình (yêu cầu kiểm tra, so sánh bằng
cao độ, tọa độ chuẩn quốc gia); chiều cao công trình; mật độ xây dựng; màu sắc
và vật liệu sử dụng để xây dựng công trình; chỉ giới xây dựng công trình và các
khoảng lùi so với quy định; Sự hợp lý của kiến trúc công trình so với các công trình lân cận và khu vực; Sự hợp
lý của thiết kế so với thiết kế cơ sở và điều kiện tự nhiên tại nơi xây dựng công trình, phù hợp với yêu cầu sử dụng và đảm
bảo mỹ quan;
4. Sự phù hợp của thiết kế với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chủ yếu
áp dụng cho công trình;
5. Mức độ an toàn chịu lực của
công trình và các yêu cầu về an toàn khác;
6. Sự hợp lý của hồ sơ thiết kế
bảo đảm tiết kiệm chi phí và hiệu quả đầu tư.
7. Sự hợp lý của việc lựa chọn dây
chuyền và thiết bị công nghệ:
Kiểm tra sự hợp lý của dây chuyền
và thiết bị công nghệ về các nội dung: Kiểm tra danh mục, chủng loại, nguồn gốc
xuất xứ; Lựa chọn thiết bị phải phù hợp với công suất, không bị lạc hậu, đáp
ứng được yêu cầu dự báo phát triển trong
tương lai và đảm bảo giá thành mua sắm phù hợp
với thị trường; bố trí mặt bằng dây chuyền và thiết bị công nghệ phải phù hợp với công trình xây dựng, đảm bảo an toàn
sản xuất và sử dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ;
8. Kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng
của công trình tới môi trường và việc đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho người sử
dụng công trình;
9. Kiểm tra khối lượng công việc
chính và hạng mục công việc theo thiết kế, đồng thời kết luận độ chính xác của
khối lượng dự toán do tư vấn lập;
10. Kiểm tra tính đúng đắn của định
mức, đơn giá do tư vấn lập đồng thời điều chỉnh lại những đơn giá chưa hợp lý
(nếu có). Đối với những đơn giá cần điều chỉnh phải có thuyết minh cụ thể;
11. Đối với thiết bị: Căn cứ theo
kết quả kiểm tra giá thiết bị, gói thầu mua sắm tài sản, nguyên vật liệu xây
dựng đặc thù của Liên Sở Tài chính - Xây dựng.
12. Kiểm tra việc áp dụng các quy
định về chế độ chính sách, định mức tỷ lệ của các thành phần chi phí trong dự
toán và định mức cho các chi phí khác;
13. Xác định dự toán, tổng dự toán
công trình trên cơ sở khối lượng, đơn giá và định mức tỷ lệ đã được thẩm tra.
Kết thúc thẩm tra thiết kế, cơ
quan nhà nước thực hiện thẩm tra thiết kế phải đóng dấu (theo mẫu tại phụ lục
số 02) vào các bản vẽ thiết kế đã được thẩm tra và giao lại cho chủ đầu tư đồng
thời gửi cho chủ đầu tư Thông báo kết quả thẩm tra của mình để làm cơ sở phê
duyệt thiết kế, dự toán công trình. Giá trị dự toán được thẩm tra là giá trị đã
được xác định có cơ sở (không được đánh giá là tạm tính).
VI. Phê duyệt hồ sơ thiết kế,
dự toán, tổng dự toán:
Căn cứ vào kết quả thẩm tra thiết
kế và dự toán, người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công cùng
với Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình đối với trường hợp thực hiện thiết kế 1 bước, chủ đầu tư
phê duyệt thiết kế kỹ thuật (trong trường hợp
thiết kế 3 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (trong trường hợp thiết kế 2
bước) hoặc thiết kế khác triển khai sau thiết kế cơ sở. Việc phê duyệt được
thực hiện khi kết quả thẩm tra đánh giá hồ sơ thiết kế, dự toán đạt yêu cầu đủ
điều kiện để phê duyệt và hồ sơ đã được chỉnh sửa những tồn tại theo yêu cầu
nêu trong kết quả thẩm tra.
VII. Thời gian thẩm tra thiết kế:
Thời gian bắt đầu thẩm tra thiết
kế được tính từ ngày cơ quan thẩm tra nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
1. Đối với các công trình cấp đặc
biệt, cấp I: Thời gian thẩm tra không quá 40 ngày làm việc.
2. Đối với các công trình còn lại
thuộc các dự án đầu tư xây dựng công
trình: Thời gian thẩm tra không quá 30 ngày làm việc.
3. Đối với công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ
thuật: Thời gian thẩm tra không quá 15 ngày làm việc.
VIII. Phí thẩm tra thiết kế:
Trong khi chờ Bộ Tài chính có
hướng dẫn về phí thẩm tra thì cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chuyên ngành
chưa thu phí thẩm tra. Khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ quyết toán phí thẩm
tra với chủ đầu tư.
IX. Xử lý chuyển tiếp:
Thực hiện theo quy định của Nghị
định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ.
Trên đây là hướng dẫn tạm thời
thực hiện công tác thẩm tra thiết kế các công trình theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP
ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đề nghị các
sở, ban, ngành, UBND các huyện, UBND thành
phố Lào Cai và các Chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Các sở, ban ngành;
- UBND các huyện, TPLC;
- Công an tỉnh;
- Bộ CHQS tỉnh;
- Bộ CHBP tỉnh;
- Viện KTQH, TTTVGS, TTKĐ, Ban QLDAĐT;
- UBND tỉnh (b/c);
- Bộ Xây dựng (b/c);
- Lãnh đạo Sở;
- Lưu: Các phòng, VT.
|
GIÁM ĐỐC
Tô Trọng Tôn
|