Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Hướng dẫn 6460/HD-SGTVT 2018 xây dựng công trình bảo vệ giao thông đường bộ Hồ Chí Minh

Số hiệu: 6460/HD-SGTVT Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Võ Khánh Hưng
Ngày ban hành: 12/11/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6460/HD-SGTVT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 11 năm 2018

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA QUY ĐỊNH VỀ THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU TRONG PHẠM VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2018);

Căn cứ Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia số QCVN 03:2012/BXD về Nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị ban hành kèm Thông tư số 12/2012/TT-BXD ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

Căn cứ Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia số QCVN 07:2016/BXD về Các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giao thông ban hành kèm Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

Căn cứ Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số TCXDVN 104 : 2007 “Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế” ban hành kèm Quyết định số 22/2007/QĐ-BXD ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

Căn cứ Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số TCVN 8819 : 2011 “Mặt đường bê tông nhựa nóng - Yêu cầu thi công và nghiệm thu”;

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tại Khoản 6, Điều 17 của Quyết định 09/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2014 và Điều 3 của Quyết định 30/2018/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2018,

Sở Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:

Phần I

THẨM QUYỀN, CƠ CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT CỦA CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN

1. Đối với các dự án, công trình trải dài vừa trên phạm vi quản lý theo phân cấp cho các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các quận, huyện hoặc các tổ chức khác theo phân cấp thì việc chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sẽ do Sở Giao thông vận tải chủ trì thực hiện trên cơ sở tham khảo ý kiến từ các tổ chức khác có liên quan.

2. Trường hợp việc thi công lắp đặt công trình thiết yếu vừa nằm trên phạm vi quản lý theo phân cấp cho các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải và vừa nằm trên phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân các quận, huyện hoặc các tổ chức khác theo phân cấp thì việc cấp giấy phép thi công sẽ do Sở Giao thông vận tải giải quyết.

3. Đối với việc đào đường để lắp đặt hệ thống cấp nước, thoát nước sinh hoạt, cáp thông tin - viễn thông, lắp đặt cáp điện hạ thế ngầm cho khách hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và thay mặt khách hàng làm các thủ tục về cấp phép thi công, không được yêu cầu khách hàng tự đi thỏa thuận, lấy ý kiến hoặc liên hệ để đề xuất cấp giấy phép thi công và phải chịu trách nhiệm về bản vẽ thiết kế kỹ thuật của mình.

4. Khi đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước, điện lực, viễn thông mới thì chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo cho chính quyền địa phương và trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân trong khu vực được biết về thời gian nhận hồ sơ lắp đặt và thiết kế chung cho toàn khu vực một lần (tránh cấp phép thi công nhiều lần gây lãng phí, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mất mỹ quan đô thị). Sau khi thi công xong tuyến ống chính và ống nhánh, cơ quan cấp giấy phép sẽ không cấp phép đào đường để lắp đặt ống nhánh trong thời gian 03 năm kể từ ngày hoàn thành tái lập mặt đường hoàn chỉnh.

5. Trường hợp không có tuyến cấp nước phân phối, ống cấp 3, thoát nước cả 2 bên đường, buộc phải đào băng ngang đường để lắp đặt hệ thống cấp nước, thoát nước, đối với đường có bề rộng trên 5,0m phải thiết kế ống lớn (ống cấp nước phải từ D50, ống nước thoát phải từ từ D300 trở lên) để khai thác tiếp cho các hộ khác. Nếu đã có đường ống cấp nước băng ngang đường đủ áp lực phải dùng ống dọc lề đường để khai thác tiếp, không được đào băng đường. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 phui đào băng đường là 100 mét. Các trường hợp đặc biệt cần đào băng đường nhỏ hơn khoảng cách trên, kể cả các rãnh nhỏ dùng bơm nước thải trên mặt đường khi thi công xây lắp các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý đường bộ. Đối với các trường hợp đấu ống nhánh liên tục (nhiều hơn 04 vị trí) dưới lòng đường (đối với các trường hợp ống không băng đường), đơn vị đề xuất phải cào bóc và thảm lại lớp bê tông nhựa nóng dày tối thiểu 05cm từ mép ngoài phui đào vào đến mép bó vỉa trên suốt chiều dài đoạn lắp đặt ống.

6. Đối với các tuyến đường, vỉa hè còn đang trong thời hạn hạn chế thi công đào đường: các cơ quan chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát nhu cầu lắp đặt mới đồng hồ nước, đồng hồ điện, cáp điện ngầm,... của tất cả các hộ dân, doanh nghiệp trên cùng một tuyến đường để đề xuất cấp phép thi công đồng bộ một lần trong năm. Đồng thời có giải pháp tái lập đảm bảo mỹ quan đô thị.

7. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay, vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Chủ đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thi công xây dựng công trình trực tiếp đến Sở Giao thông vận tải (thành phần theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND) để được giải quyết theo thời gian quy định.

8. Đối với việc xây dựng công trình trạm biến áp chuyên dùng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện trên cơ sở rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính theo Thỏa thuận liên ngành số 2670/TTLN-SCT-SGTVT-EVNHCMC ngày 28 tháng 3 năm 2017 giữa Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, trừ trường hợp có hướng dẫn khác.

9. Vai trò, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp

a) Kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn giao thông, sinh hoạt của người dân trong quá trình thi công; chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra để chủ động phát hiện kịp thời, xử lý theo quy định đối với các hành vi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không đúng quy định.

b) Các đơn vị quản lý theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thay mặt Sở Giao thông vận tải, là cơ quan quản lý đường bộ, để thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND và các nội dung được hướng dẫn tại Văn bản này.

Phần II

VIỆC CHẤP THUẬN XÂY DỰNG VÀ CẤP GIẤY PHÉP THI CÔNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU

I. VỀ CHẤP THUẬN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU

1. Việc thi công các công trình thiết yếu, thi công lắp đặt trụ điện, trạm biến áp điện lực, trụ - tủ viễn thông, tủ hạ thế, tủ RMU, trụ viễn thông và trụ quảng cáo trên đất đường bộ quy định tại Khoản 5, Điều 4 Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND:

a) Sở Giao thông vận tải chấp thuận xây dựng công trình trên tuyến đường do các đơn vị quản lý theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân các Quận, huyện chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu các tuyến đường, hẻm do Ủy ban nhân dân các quận, huyện quản lý.

b) Trường hợp công trình đồng thời nằm trên các tuyến đường do đơn vị quản lý theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các Quận, huyện quản lý, Sở Giao thông vận tải chấp thuận xây dựng công trình trên cơ sở ý kiến góp ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân các quận, huyện có liên quan.

2. Vị trí ưu tiên lắp đặt từng loại công trình hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn đề nghị chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu căn cứ vào điều kiện thực tế sẽ do cơ quan quản lý đường bộ quyết định căn cứ trên quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc dựa trên cơ sở cấp công trình, độ an toàn cho người, tài sản, độ bền vững cho công trình, quá trình khai thác, duy tu, sửa chữa theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia số QCVN 03:2012/BXD hoặc áp dụng các trị số về khoảng cách, vị trí quy định theo Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam số TCXDVN 104-2007: Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế.

Trường hợp khác, cơ quan quản lý đường bộ trong quá trình thẩm định chấp thuận vị trí xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải đảm bảo còn đủ không gian để xây dựng các công trình thoát nước.

3. Trường hợp chủ đầu tư nộp kèm tập tin theo Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND: tập tin có thể được lựa chọn gửi bằng hình thức thuận tiện nhất cho chủ đầu tư thông qua chương trình cấp phép thi công, hộp thư điện tử, đĩa CD, hoặc các hình thức sao, chép qua đĩa ghi dữ liệu phù hợp với quy định pháp luật.

4. Các công trình không cần thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận xây dựng: gắn đồng hồ nước, gắn mới đồng hồ điện, thay ống ngánh đồng hồ nước mục nghẹt, nâng, hạ van, nâng hạ hầm kỹ thuật, sửa chữa ống nghẹt, sửa chữa, thay thế hầm kỹ thuật theo hiện trạng. Riêng lắp đặt đồng hồ nước theo dự án phát triển mạng lưới mới buộc phải thực hiện công tác thỏa thuận xây dựng công trình thiết yếu theo quy định tại Điều 5, Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND.

5. Đối với các công trình có quy mô nhỏ theo Khoản 3, Điều 7 Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND: Thành phần hồ sơ thiết kế không bao gồm trắc dọc, trắc ngang, tọa độ, cao độ tuyệt đối.

II. VỀ CẤP PHÉP THI CÔNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU

1. Việc thi công các công trình thiết yếu, thi công lắp đặt trụ điện, trạm biến áp điện lực, trụ - tủ viễn thông, tủ hạ thế, tủ RMU, trụ viễn thông và trụ quảng cáo trên đất đường bộ quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 6 Quyết định 09/2014/QĐ-UBND sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND:

a) Sở Giao thông vận tải cấp phép thi công xây dựng công trình trên tuyến đường do các đơn vị quản lý theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân các quận, huyện cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu các tuyến đường, hẻm do Ủy ban nhân dân các quận, huyện quản lý.

b) Trường hợp công trình đồng thời nằm trên các tuyến đường do đơn vị quản lý theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các quận, huyện quản lý: Sở Giao thông vận tải chủ trì cấp phép thi công xây dựng.

2. Các công trình không cần thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép thi công:

a) Bảo trì, sửa chữa thường xuyên công trình cầu, đường bộ, cây xanh, chiếu sáng, tín hiệu giao thông, thoát nước có thời gian thực hiện các hạng mục, phân đoạn sửa chữa dưới 48 tiếng.

b) Công tác mở nắp hầm kỹ thuật phục vụ bảo trì sửa chữa thường xuyên trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm đến 05 giờ sáng hôm sau đối với các ngày thường hoặc thực hiện vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo bố trí đầy đủ rào chắn, biển báo giao thông, biển cảnh báo từ xa và người điều tiết giao thông trong suốt thời gian thực hiện.

c) Trách nhiệm các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư:

- Đối với các đơn vị quản lý đường bộ không trực thuộc Sở Giao thông vận tải phải có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông kèm thông báo cho Sở Giao thông vận tải, các đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thanh tra Sở Giao thông vận tải được biết.

- Đối với các đơn vị quản lý trực thuộc Sở Giao thông vận tải theo phân cấp phải thực hiện theo kế hoạch và cập nhật thông tin trên các chương trình quản lý về duy tu, cấp phép thi công có liên quan.

3. Thời hạn của giấy phép, thời gian thi công:

a) Đối với các công trình thi công không sử dụng rào chắn chiếm dụng mặt đường, thời gian cấp phép không quá 30 ngày cho mỗi phân đoạn thi công. Đơn vị thi công có thể thi công nhiều mũi trong 1 giấy phép để đẩy nhanh tiến độ nhưng chiều dài tối đa của mỗi mũi và thời gian tái lập tương ứng không quá quy định tại Khoản 3, Phần IV của văn bản này.

b) Trước khi cấp phép, cơ quan cấp phép phải kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép trước đó (nếu có), nếu đơn vị đề nghị cấp phép có vi phạm hoặc bị xử lý vi phạm hành chính ở phân đoạn trước (các hành vi như không tái lập tạm mặt đường, để đất đá rơi vãi ra lòng đường, tái lập mặt đường gồ ghề,...) mà vẫn chưa chấp hành, khắc phục thì cơ quan, đơn vị cấp phép không tiếp nhận cho đến khi chấp hành xong.

c) Đối với các hạng mục thi công trên vỉa hè, khu công viên mảng xanh không chiếm dụng lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông như công tác lát gạch, hoàn thiện vỉa hè, trồng cây xanh, mảng xanh, lắp đặt trụ chiếu sáng, các công trình thiết yếu khác trên phạm vi vỉa hè (gắn mới đồng hồ nước, đồng hồ điện,...) đơn vị có nhu cầu thi công ban ngày cần ghi rõ vào đề xuất cấp phép. Cơ quan cấp phép sẽ xem xét và tạo điều kiện giải quyết tùy theo đặc thù, tính chất trên cơ sở đảm bảo giao thông của từng tuyến đường cụ thể.

4. Đối với các công trình có quy mô nhỏ theo Khoản 3, Điều 7 Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND: Thành phần hồ sơ thiết kế không bao gồm trắc dọc, trắc ngang, tọa độ, cao độ tuyệt đối.

5. Trường hợp chủ đầu tư nộp kèm tập tin theo Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND: tập tin có thể được lựa chọn gửi bằng hình thức thuận tiện nhất cho chủ đầu tư thông qua chương trình cấp giấy phép thi công, hộp thư điện tử, đĩa CD, hoặc các hình thức sao, chép qua đĩa ghi dữ liệu phù hợp với quy định pháp luật.

6. Hồ sơ, biểu mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép thi công (Phụ lục 3, 5 của Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND, ngoại trừ các công trình đề cập tại Khoản 4 của Mục này):

a) Biểu mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép thi công và giấy phép thi công bổ sung mục: “Các đơn vị liên quan” trong đó ghi rõ tên theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty tư vấn giám sát, công ty thi công, địa chỉ công ty thi công, tên chỉ huy trưởng công trình, tên tư vấn giám sát trưởng, số điện thoại liên lạc.

b) Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (trong đó có Biện pháp tổ chức thi công đảm bảo an toàn giao thông) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo mục 8, Phụ lục 3, Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND): chỉ cần cung cấp bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu một lần đối với một công trình.

c) Bản vẽ thiết kế bản vẽ thi công phải thể hiện và cập nhật đầy đủ hệ thống cấp nước, thoát nước, cáp thông tin - viễn thông, cáp ngầm điện lực và các công trình ngầm lân cận với đầy đủ kích cỡ ống theo đúng kỹ thuật ngành cấp nước, thoát nước, thông tin - viễn thông, điện lực (thể hiện hệ thống nào được khai thác trực tiếp).

7. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thi công trên các tuyến đường do đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải quản lý thì nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và nhận kết quả tại trụ sở làm việc của các đơn vị này, thời hạn giải quyết quy định tại Khoản 4, Điều 7, Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND.

8. Các đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải khi tiếp nhận hồ sơ và đề xuất cấp giấy phép thi công theo Điều 7 Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND có trách nhiệm lưu trữ 01 bản bản thiết kế bản vẽ thi công (phục vụ công tác kiểm tra) và chuyển Sở Giao thông vận tải 01 bản thiết kế bản vẽ thi công theo Điểm a, Khoản 3, Điều 7.

9. Cơ quan quản lý đường bộ sử dụng Mẫu Giấy phép thi công theo Phụ lục IV đính kèm do Sở Giao thông vận tải xây dựng trên cơ sở các nội dung được hướng dẫn tại Văn bản này và Phụ lục 5 của Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND.

Phần III

CÁC YÊU CẦU VỀ KỸ THUẬT KHI THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐÀO VÀ TÁI LẬP MẶT ĐƯỜNG

I. VỀ KẾT CẤU TÁI LẬP

- Đối với phui đào có bề rộng nhỏ hơn (hoặc bằng) 70cm, kết cấu tái lập mặt đường có thể tham khảo theo thiết kế định hình tại Phụ lục I của Văn bản này.

- Đối với các phui đào có bề rộng lớn hơn 70cm, căn cứ trên các số liệu khảo sát mô đun đàn hồi và kết cấu nền mặt đường hiện trạng, chủ đầu tư phải lập hồ sơ thiết kế cho phần tái lập mặt đường và phải được cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ chấp thuận thông qua tại bước lập dự án đầu tư hoặc bước lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

- Kết cấu tái lập vỉa hè có thể thực hiện theo thiết kế định tại Phụ lục I của Văn bản này.

1. Đối với mặt đường bê tông nhựa:

a) Trường hợp Chủ đầu tư không đo mođun đàn hồi mặt đường hiện trạng, có thể sử dụng các kết cấu định hình như sau:

- Đối với phui đào có bề rộng nhỏ hơn 70cm: sử dụng kết cấu tái lập có Eyc>155MPa (Mục 2.c, Phụ lục I của Văn bản này)

- Đối với phui đào có bề rộng lớn hơn 70cm:

+ Trường hợp tuyến đường nằm trong danh mục các tuyến đường trục chính (Phụ lục III) thì chủ đầu tư phải thiết kế, áp dụng kết cấu mặt đường bê tông nhựa có Eyc>190MPa (chiều dày của từng lớp áo đường phải thỏa mãn chiều dày tối thiểu đối với mặt đường có Eyc>155MPa theo mục 2.c, Phụ lục I của Văn bản này);

+ Trường hợp tuyến đường không nằm trong danh mục các đường trục chính thì chủ đầu tư có thể áp dụng kết cấu mặt đường bê tông nhựa có Eyc>155MPa (theo mục 2.c, Phụ lục I của Văn bản này).

b) Trường hợp Chủ đầu tư thực hiện đo kiểm tra mođun đàn hồi mặt đường hiện trạng: tiến hành tính toán thiết kết cấu áo đường theo hướng dẫn tại Phụ lục I của Văn bản này.

2. Đối với mặt đường khác:

a) Đối với mặt đường hẻm có kết cấu bằng bê tông xi măng: kết cấu tái lập theo mục 2.d, Phụ lục I của Văn bản này. Chiều dày nền cát K≥0,98 là: 10cm (đối với các công trình điện lực, viễn thông, chiếu sáng), 40cm (đối với các công trình ống cấp nước cấp 3, thoát nước), 50cm (đối với công trình ống cấp xăng dầu, khí đốt).

b) Đối với mặt đường hiện hữu là đất, đá, quy mô tái lập phải đảm bảo chiều sâu chôn ống tối thiểu quy định tại Quy chuẩn Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hành bao gồm:

- Lớp kết cấu hiện trạng dày tối thiểu 10cm;

- Lớp cấp phối đá dăm dày tối thiểu 25cm, K≥0,98;

- Lớp vải địa kỹ thuật ngăn cách;

- Nền đắp cát K≥0,98 dày 45cm (đối với các công trình điện lực, viễn thông, chiếu sáng, ống cấp nước cấp 3, thoát nước), 55cm (đối với công trình ống cấp xăng dầu, khí đốt).

II. VỀ QUY MÔ

1 Yêu cầu về chiều rộng tái lập

a) Mặt đường hiện hữu là bê tông nhựa:

- Đối với phui đào có bề rộng nhỏ hơn (hoặc bằng) 70cm, thì bề rộng tái lập mặt đường phải thực hiện phủ rộng ra mỗi bên 40cm (tính từ mép phui đào), trường hợp mép trong phui đào cách bó vỉa từ 0,5m đến 1,0m thì phạm vi tái lập kéo dài đến sát mép bó vỉa;

- Đối với phui đào có bề rộng lớn hơn 70cm, thì bề rộng tái lập mặt đường phải thực hiện phủ rộng ra mỗi bên một khoảng bằng chiều sâu phui đào và không lớn hơn 2,0m, trường hợp mép trong phui đào cách bó vỉa từ 0,5m đến 1,0m thì phạm vi tái lập kéo dài đến sát mép bó vỉa;

- Đối với phui đào có bề rộng chiếm từ một nửa bề rộng mặt đường hoặc giao lộ trở lên thì phải thực hiện tái lập toàn bộ bề rộng mặt đường, hoặc giao lộ;

- Nếu có từ 2 phui đào có khoảng cách nhỏ hơn 15m thì phần tái lập phải bao gồm cả khu vực ở giữa 2 phui đào. Khu vực tái lập cũng phải bao gồm cả bề rộng của làn đường và phủ rộng ra 1,0m mỗi bên.

- Trường hợp có hai phui đào song song theo chiều dài tuyến đường mà phạm vi mặt đường còn lại nhỏ hơn 3,5m thì phải cào bóc và thảm lại toàn bộ mặt cắt ngang lòng đường theo chiều dài phạm vi thi công.

- Nếu diện tích đào nằm chéo hoặc vuông góc với tim đường thì khu vực tái lập sẽ là hình chữ nhật theo chiều lưu thông, bao phủ tất cả các làn đường có phui đào và khoảng cách tối thiểu từ mép diện tích đào ra 2 bên là 1,0m.

- Các trường hợp nêu trên phải phủ rộng phạm vi tái lập mặt đường (theo chiều dọc phui đào) mỗi bên 1,0m. Tham khảo Phụ lục II của Văn bản này.

- Đối với các phui đào tái lập các công trình có quy mô nhỏ, đơn lẻ (như gắn đồng hồ nước, đồng hồ điện, nâng hạ van, sửa chữa, đấu nối ống), chủ đầu tư có thể không cào bóc và thảm lại theo Tiết 1, Tiết 4, Điểm a, Khoản 1 của Mục này. Tuy nhiên, phui tái lập phải êm thuận, vuông cạnh, song song hoặc vuông góc với đường; bề mặt phui tái lập phải đảm bảo độ dốc ngang, độ dốc dọc đồng bộ với mặt đường hiện hữu.

b) Mặt đường hiện hữu là bê tông xi măng hoặc kết cấu khác không phải bê tông nhựa: Chiều rộng phui tái lập bằng với phui đào nhưng mép phui tái lập phải êm thuận, vuông cạnh, song song hoặc vuông góc với đường; bề mặt phui tái lập phải đảm bảo độ dốc ngang, độ dốc dọc đồng bộ với mặt đường hiện hữu. Cường độ mặt đường phải bằng hoặc tốt hơn đường hiện trạng.

2. Quy mô tái lập

Đối với lớp phủ yêu cầu cào bóc và thảm ra mỗi bên 40cm hoặc bằng chiều sâu phui đào được quy định tại Khoản 1 Mục này, chủ đầu tư có thể tái lập trong phui đào trong quá trình chờ hoàn thiện (theo Mục III Về công tác tái lập) và thực hiện việc cào bóc và thảm ra hai bên khi được cơ quan quản lý đường bộ yêu cầu hoặc trước khi bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Lớp bê tông nhựa mới phải bảo đảm êm thuận, đồng bộ, không mô cao so với mặt đường hiện hữu.

3. Chiều dày

Chiều dày các lớp kết cấu tái lập thực hiện theo Phụ lục I của Văn bản này. Trong đó, chiều dày nền cát được tính toán căn cứ vào chiều dày tổng cộng lớp kết cấu áo đường của từng loại mặt đường theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND, đồng thời phải đảm bảo chiều sâu chôn ống tối thiểu quy định tại Quy chuẩn Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hành do Bộ Xây dựng ban hành.

Các trường hợp cụ thể khác, phải được cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ chấp thuận thông qua tại bước lập dự án đầu tư hoặc bước lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án.

III. VỀ CÔNG TÁC TÁI LẬP

1. Tái lập tạm mặt đường, vỉa hè: khi không đủ thời gian thực hiện ngay việc tái lập hoàn chỉnh, trong thời gian từ 05 giờ 00 đến 22 giờ 00 chủ đầu tư phải tái lập tạm mặt đường trong phui đào sau khi lắp đặt công trình ngầm để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường (đối với những tuyến đường trong đô thị cấm đào đường ban ngày, những vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông).

a) Lớp mặt tái lập tạm là bê tông nhựa nóng BTNC 12, dày tối thiểu 5,0cm; tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn nhựa 1,0 kg/m2 (nếu lớp dưới là cấp phối đá dăm) hoặc tưới nhựa dính bám tiêu chuẩn nhựa 1,5 kg/m2 (nếu lớp dưới là bê tông nhựa), các lớp kết cấu tái lập tạm bên dưới theo đúng phương án thiết kế được duyệt hoặc tối thiểu phải là:

- Cấp phối đá dăm loại I, dày 40,0cm, K ≥ 0,98;

- Vải địa kỹ thuật ngăn cách;

- Nền đắp cát K ≥ 0,98.

b) Trường hợp được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận phương án tổ chức giao thông, phục vụ thi công, lớp mặt tái lập tạm có thể là các tấm lót bằng thép chịu lực (bề mặt phải có gân tạo nhám để tránh trơn, trượt, bên dưới là hệ khung, chống đỡ, liên kết êm thuận) hoặc tấm đan bê tông xi măng (được đặt trên phui đào, trong phạm vi phui, bằng với mặt đường hiện hữu, liên kết êm thuận) không phát ra tiếng ồn khi các phương tiện lưu thông bên trên) có chiều dày đảm bảo, độ êm thuận, bằng phẳng với mặt đường hiện hữu, an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện lưu thông bình thường và đảm bảo vệ sinh môi trường.

c) Thời gian tái lập tạm: chỉ được duy trì trong khoảng thời gian thi công mỗi đoạn phui đào quy định tại Khoản 3, Phần IV về Tiến độ thi công hoặc trong các ngày cuối tuần (ngày Thứ Bảy và Chủ nhật). Ngoài thời gian này phải tái lập hoàn trả nguyên trạng mặt đường.

d) Trên bề mặt lớp tái lập tạm, chủ đầu tư phải ghi tên viết tắt của chủ đầu tư công trình, nhà thầu thi công, ngày bắt đầu và kết thúc tái lập tạm (sơn màu trắng, chiều cao chữ tối thiểu 30cm hoặc bằng chiều rộng phui đào theo Phụ lục.

đ) Trong trường hợp công trình đang thi công bị vướng các công trình ngầm hiện hữu, phải chờ phối hợp với các đơn vị chủ quản để di dời hoặc điều chỉnh thiết kế, chủ đầu tư phải tái lập hoàn trả lại mặt đường nguyên trạng để các phương tiện lưu thông được thuận lợi, kết cấu tái lập vẫn phải được thực hiện như kết cấu tái lập hoàn chỉnh.

2. Tái lập hoàn chỉnh: là việc hoàn trả lại mặt đường, vỉa hè có chất lượng tốt hơn (hoặc bằng) chất lượng mặt đường, vỉa hè ban đầu, bao gồm cả các hạng mục báo hiệu đường bộ (nếu có). Công tác tái lập hoàn chỉnh đường bộ phải được thực hiện ngay sau khi hoàn tất giai đoạn tái lập và không được vượt quá thời gian quy định tại Khoản 3, Phần IV về Tiến độ thi công của Văn bản này.

3. Các chủ đầu tư công trình phải chủ động xử lý các điểm bị bong tróc, lún cục bộ mặt đường, vỉa hè từ khi tái lập tạm, tái lập hoàn chỉnh cho đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định. Khi tiến hành xử lý, phải cào bóc lớp bê tông nhựa cũ nhằm đảm bảo chiều dày lớp bê tông nhựa bù lún đạt chiều dày tối thiểu là 5,0cm. Trường hợp hợp lớp áo đường bằng bê tông xi măng hoặc không phải bê tông nhựa thì không phải cào bóc bề mặt.

4. Trường hợp qua công tác kiểm tra, cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ hoặc đơn vị Thanh tra chuyên ngành phát hiện công tác tái lập mặt đường không đảm bảo chất lượng như: hiện tượng lún sụp, nứt, bong tróc, đọng nước,... thì chủ đầu tư có trách nhiệm tiến hành sửa chữa khắc phục trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được thông báo bằng fax hoặc điện thoại (được ghi nhận bằng biên bản làm việc) của cơ quan quản lý đường bộ hoặc đơn vị Thanh tra chuyên ngành.

Sau thời hạn trên, nếu chủ đầu tư không thực hiện, cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ sẽ thuê các đơn vị khác tiến hành xử lý, sửa chữa. Chủ đầu tư công trình phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí cho cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ. Đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp có trách nhiệm gửi kinh phí và yêu cầu chủ đầu tư thanh toán theo đơn giá, định mức hiện hành trong công tác duy tu thường xuyên. Trường hợp đơn vị vi phạm không thanh toán, cơ quan quản lý đường bộ sẽ không tiếp tục cấp giấy phép cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát có liên quan với hành vi đó trên các tuyến đường do mình quản lý, đồng thời tiến hành xử lý vi phạm hoặc kiến nghị xử lý vi phạm, cưỡng chế theo quy định.

Chủ đầu tư và đơn vị thi công có trách nhiệm tiến hành kiểm tra cường độ mặt đường sau khi tái lập (có sự tham gia của cơ quan quản lý đường bộ theo phân cấp) trước khi tiến hành nghiệm thu bàn giao cho đơn vị quản lý. Nếu chất lượng không đạt yêu cầu thì chủ đầu tư (hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ) có trách nhiệm làm lại để đảm bảo chất lượng theo hồ sơ được duyệt.

5. Kể từ khi tiếp nhận mặt bằng, trong quá trình thi công đến trước khi bàn giao lại mặt bằng cho cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ, chủ đầu tư có trách nhiệm theo dõi và chủ động khắc phục các sự cố hoặc kịp thời khắc phục khi cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ có yêu cầu về các sự cố liên quan đến công trình (trong phui đào hoặc các vị trí lân cận có bề mặt tái lập bị bong tróc, lún cục bộ, trồi nhựa, rạn nứt,...). Trước khi tiến hành bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư phải thực hiện tái lập theo các hướng dẫn tại Khoản 2, Khoản 3, Phần IV của Văn bản này.

Phần IV

VỀ TIẾN ĐỘ THI CÔNG

1. Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thi công phải thi công đúng thời gian ghi trên giấy phép. Chỉ được đề nghị điều chỉnh giấy phép thi công trong trường hợp do các nguyên nhân: giấy phép có nội dung cần phải điều chỉnh theo đúng quy định, xảy ra sự cố bất khả kháng theo Nhà nước quy định hoặc các nguyên nhân khác mà chưa dự trù hết trong quá trình lập hồ sơ và phải lập lại tiến độ công việc còn lại để đề nghị điều chỉnh giấy phép thi công.

Trong khi chờ điều chỉnh giấy phép thi công, đơn vị thi công phải tái lập đảm bảo giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công dở dang và các công trình lân cận. Trường hợp không có lý do chính đáng thì không được điều chỉnh giấy phép thi công để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung của các ngành, các đơn vị khác và không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

2. Trong quá trình tổ chức thi công công trình, các chủ đầu tư và đơn vị thi công phải thực hiện đúng kích thước, kết cấu và phương án thi công đã được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận. Thi công dứt điểm từng đoạn, không chờ hoàn thành toàn bộ dự án mới thực hiện

3. Đối với việc thi công để lắp đặt hay sửa chữa, bảo trì các công trình ngầm, đơn vị thi công phải tiến hành thi công và tái lập mặt đường hoàn chỉnh theo phương pháp cuốn chiếu từng đoạn. Chiều dài và thời gian hoàn thành mỗi đoạn phui đào được quy định cụ thể như sau:

a) Đối với việc thi công lắp đặt cáp ngầm điện lực, cáp thông tin - viễn thông: Thời gian thi công cho mỗi đoạn phui đào tối đa không quá 05 (năm) ngày. Chiều dài đoạn phui đào là khoảng cách giữa 2 hầm cáp kế nhau nhưng không được vượt quá 250m.

b). Đối với việc thi công lắp đặt hệ thống thoát nước: Thời gian thi công cho mỗi đoạn phui đào tối đa không quá 03 (ba) ngày. Chiều dài đoạn phui đào là khoảng cách giữa 2 hầm ga kế nhau.

c) Đối với việc thi công lắp đặt hệ thống cấp nước: Thời gian thi công cho mỗi đoạn phui đào tối đa không quá 7 (bảy) ngày (đối với tuyến ống cái). Chiều dài phui đào phụ thuộc vào điều kiện thi công và yêu cầu kỹ thuật của ngành nhưng không vượt quá 300m.

d) Đối với việc thi công lắp đặt các trụ điện lực, trụ chiếu sáng công cộng, điện thoại, trụ quảng cáo và hạng mục công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đường bộ đang khai thác hoặc trong hành lang an toàn đường bộ: Thời gian quy định từ khi đào đến khi trồng trụ xong tối đa không quá 24 giờ cho mỗi trụ, trừ trường hợp không thể sử dụng cấu kiện đúc sẵn mà phải sử dụng bê tông đổ tại chỗ, cơ quan cấp phép sẽ căn cứ theo tiến độ thực tế để cấp phép. Khi đã lắp đặt xong trụ mới, trụ cũ, các đường dây đi theo phải lập tức được tháo dỡ và thu hồi để đảm bảo an toàn, thông thoáng mặt đường và mỹ quan đô thị.

đ) Đối với việc thi công phục vụ công tác sửa chữa, khắc phục sự cố kỹ thuật của các ngành có công trình ngầm được thực hiện theo Điều 16 của Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND. Thời gian quy định từ khi đào đường để sửa chữa khắc phục sự cố đến khi tái lập hoàn chỉnh mặt đường tối đa không quá 24 giờ. Nếu thời gian xử lý sự cố của các đơn vị lớn hơn 24 giờ thì hoàn tất thủ tục đề nghị cấp phép thi công theo quy định; trường hợp cơ quan chủ quản không thực hiện thì cơ quan quản lý đường bộ theo phân cấp không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép thi công.

Khi sự cố xảy ra theo Khoản 2, Điều 16 Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND, cơ quan chủ quản còn phải cung cấp thông tin đến “Cổng Thông tin tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị qua tổng đài 1022”.

Cơ quan chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm tái lập theo nguyên trạng toàn bộ phạm vi xảy ra sự cố với quy mô và kết cấu hướng dẫn tại Phần III của Văn bản này.

e) Đối với các công trình có rào chắn chiếm dụng mặt đường: Thời gian cấp phép không quá 60 ngày (tính cả thời gian tập kết vật tư, thiết bị và dựng rào chắn) và không quá 100m cho mỗi phân đoạn thi công (ngoại trừ các công trình sử dụng nguồn vốn vay, vốn ODA). Chủ đầu tư có thể chia làm nhiều mũi thi công theo hướng dẫn này để đẩy nhanh tiến độ. Khi cấp giấy phép, đơn vị cấp giấy phép phải kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép trước đó (nếu có). Không tập kết vật tư, thiết bị, phương tiện thi công trong rào chắn thi công khi công trình đang tạm ngưng thi công; tạm thời thu dọn rào chắn, hoàn trả nguyên trạng mặt đường, vỉa hè trong thời gian chuyển giai đoạn thi công.

ê) Các công trình thi công sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cầu, đường bộ sẽ được cấp phép theo tiến độ thi công của dự án.

g). Đối với các công trình xây dựng có rào chắn chiếm dụng mặt đường, cho phép thi công 03 ca trong phạm vi rào chắn, nhưng trong quá trình thi công đơn vị thi công phải bố trí lực lượng điều tiết giao thông có chức năng, chuyên nghiệp; không được để xảy ra ùn tắc giao thông và gây mất mỹ quan đô thị tại khu vực thi công.

Trong trường hợp cụ thể khác, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư, cơ quan cấp giấy phép thi công xem xét tăng, giảm thời gian quy định ở trên cho phù hợp với điều kiện thực tế thi công tại công trường.

Phần V

CÁC YÊU CẦU VỀ CÔNG TÁC THI CÔNG:

1. Sau khi được cơ quan quản lý đường bộ cấp giấy phép thi công, chủ đầu tư phải tiến hành bàn giao mặt bằng trước khi khởi công xây dựng công trình với cơ quan quản lý đường bộ. Nội dung công tác bàn giao mặt bằng theo mẫu do cơ quan quản lý đường bộ theo phân cấp ban hành.

2. Trước khi bàn giao mặt bằng, cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm phải chụp hình, quay phim lại hiện trạng tuyến đường để làm cơ sở bàn giao, tiếp nhận về sau.

3. Kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, hiện trường, tổ chức, cá nhân tiếp nhận phải chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; đồng thời, chịu mọi trách nhiệm nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, để xảy ra tai nạn giao thông.

4. Đơn vị thi công phải niêm yết giấy phép thi công (bản sao) tại văn phòng Ban chỉ huy công trường (nếu có) và tại điểm đầu, điểm cuối công trường trên bảng công bố thông tin dự án. Đơn vị thi công phải cử người có trách nhiệm có mặt tại hiện trường để giải quyết các vấn đề có liên quan đến công trình khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, làm việc tại công trường.

Đối với việc thi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình thuộc chuyên ngành giao thông vận tải theo các dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân Thành phố, các Sở, Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt, ngoài việc niêm yết công khai thông tin dự án theo quy định, Chủ đầu tư vẫn thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép thi công theo trình tự thủ tục quy định tại Điều 7 của của Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND. Trong quá trình thực hiện dự án có các hạng mục di dời công trình tiện ích (điện lực, viễn thông, cấp nước,...), chủ đầu tư phải xác định cụ thể phạm vi, tiến độ di dời để đề nghị cấp giấy phép thi công một lần và chịu trách nhiệm chính trên toàn bộ công trình, phạm vi được bàn giao.

5. Phải sử dụng thiết bị cắt mặt đường để thực hiện công tác cắt mép phui đào hoặc cào bóc mặt đường hiện hữu đối với lòng đường, lề đường, vỉa hè (trừ trường hợp lớp mặt là cấp phối đá dăm hoặc nền đất); đồng thời có biện pháp gia cố vách phui đào, tuyệt đối không được gây sụp lở xung quanh vách phui đào. Trong quá trình thi công nếu phát hiện có hiện tượng rạn nứt vách phui đào, phải tạm ngưng thi công ngay và tìm biện pháp xử lý thích hợp, bảo đảm chống sạt lở phui đào.

6. Phải tiến hành đào thủ công trong các trường hợp phui đào nằm trong hành lang bảo vệ các công trình ngầm khác.

7. Trường hợp thi công đào đường bằng cơ giới phải tuân thủ theo các quy định sau:

a) Trước khi sử dụng xe đào, mép phui đào phải được cắt bằng máy, sau đó phá bằng xẻng hơi hoặc sử dụng máy cào bóc mặt đường.

b) Chiều rộng phui đào phải lớn hơn bề ngang gàu cuốc từ 40% - 50%, vệt gàu phải được chỉnh đúng giữa phui đào.

c) Xe đào phải được di chuyển theo chiều đào (không được di chuyển trên hai bên thành rãnh đã đào).

d) Trong quá trình đào, nếu phát hiện công trình ngầm thì đơn vị thi công phải ngưng đào máy, áp dụng biện pháp thi công bằng thủ công không làm hư hại các công trình ngầm khác.

8. Quy định đối với việc thi công để lắp đặt các hầm kiểm tra cáp điện lực, hệ thống thông tin - viễn thông, cấp nước, thoát nước nằm trong phạm vi lòng đường, tại các giao lộ như sau:

Kết cấu hầm phải được sản xuất thành cấu kiện đúc sẵn. Thời gian thi công đào đường và lắp đặt hầm, tái lập tạm thời mặt đường bảo đảm an toàn giao thông bình thường cho các loại phương tiện phải được hoàn tất trong vòng 72 giờ kể từ khi bắt đầu đào hầm.

Đối với các hầm kỹ thuật lắp đặt trong phạm vi lòng đường, yêu cầu các nắp hầm kỹ thuật bắt buộc phải làm bằng gang chống trượt và phải có ký hiệu đặc trưng của ngành quản lý.

9. Trong quá trình thi công, nếu việc thi công gây hư hại, rạn nứt, biến dạng mặt đường kế cận phui đào, phạm vi bàn giao mặt bằng (kể cả các hư hại do phương tiện phục vụ thi công gây ra) thì chủ đầu tư và đơn vị thi công phải sửa chữa lại toàn bộ phần đường bị hư hại, biến dạng này ngay sau khi phát hiện hư hỏng để trả lại hiện trạng đúng như mặt đường cũ khi chưa đào.

10. Trong công tác tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông phục vụ thi công tại hiện trường đặc biệt trong giờ cao điểm, khuyến khích các chủ đầu tư giao cho đơn vị có chức năng chuyên môn thực hiện, không để nhà thầu thi công hạng mục, công trình chính tự thực hiện.

11. Các công trình có duy trì rào chắn thi công (mẫu đính kèm Phụ lục VI), chủ đầu tư phải bố trí camera theo dõi tại đầu và cuối mỗi phân đoạn rào chắn, cung cấp đường truyền cho cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp để giám sát quá trình tổ chức thi công, phân luồng giao thông.

12. Thanh tra Sở Giao thông vận tải, các đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, giám sát chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các công việc theo phương án đã được Sở Giao thông vận tải thông qua trước khi thi công; chi cho phép chủ đầu tư triển khai thi công khi đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu tại phương án tổ chức giao thông được thông qua.

Phần VI

YÊU CẦU VỀ NGHIỆM THU, BÀN GIAO MẶT BẰNG

1. Khi công trình đã hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu theo trình tự thủ tục quy định hiện hành của Nhà nước. Chủ đầu tư phải mời cơ quan quản lý đường bộ tham gia nghiệm thu và tiếp nhận, quản lý mặt bằng thi công đã bàn giao trước đây. Sau 30 (ba mươi) ngày từ khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư phải gửi 01 bộ hồ sơ hoàn công công trình cho cơ quan quản lý đường bộ.

Khi cơ quan quản lý đường bộ có yêu cầu bằng văn bản, trong vòng 10 ngày chủ đầu tư phải có trách nhiệm bàn giao lại toàn bộ mặt bằng đã nhận và các hồ sơ liên quan cho cơ quan quản lý đường bộ. Trong trường hợp chủ đầu tư cố tình trì hoãn hoặc bàn giao lại mặt bằng không đúng hồ sơ được duyệt hoặc không đúng theo quy định thì cơ quan cấp giấy phép thi công sẽ không tiếp tục xem xét cấp giấy phép thi công cho chủ đầu tư đó thi công công trình trên hệ thống đường bộ do mình quản lý, đồng thời chủ đầu tư công trình còn phải chịu các hình thức xử lý vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm cập nhật các công trình ngầm trên các tuyến đường do mình quản lý và báo cáo về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp (hàng quý) và đề xuất biện pháp xử lý đối với các đơn vị không thực hiện công tác bàn giao lại mặt bằng và không gửi hồ sơ hoàn công công trình cho cơ quan quản lý đường bộ.

3. Các công tác sửa chữa lớn, sửa chữa vừa và duy tu công trình đường bộ của cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp trước khi thực hiện phải được kiểm tra hiện trạng mặt bằng, ghi nhận hình ảnh, video về các phui đào hiện hữu, xác định cơ quan chủ quản, thời gian thi công, bảo hành,... trường hợp phải thảm bê tông nhựa trên phần phui đào chưa hết bảo hành phải yêu cầu đơn vị quản lý công trình ngầm hoàn trả chi phí phần tái lập trên phạm vi phải tái lập theo quy định.

Phần VII

VỀ SỬ DỤNG THIẾT BỊ THĂM DÒ CÔNG TRÌNH NGẦM:

Khoản 2, Điều 8 của Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND có quy định công tác khảo sát công trình ngầm phải xác định chính xác vị trí các công trình ngầm và phải được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ khảo sát, thiết kế công trình, đồng thời phải có xác nhận của đơn vị chủ quản công trình ngầm. Do đó, trong trường hợp cơ quan chủ quản cung cấp vị trí công trình ngầm không xác nhận hoặc không cam kết đảm bảo về độ chính xác thì chủ đầu tư phải có biện pháp khảo sát để xác định chính xác vị trí công trình ngầm.

Trường hợp sử dụng thiết bị thăm dò công trình ngầm, chủ đầu tư có thể tham khảo, áp dụng các hướng dẫn sau để kiểm chứng:

1. Quy mô, phạm vi khảo sát:

a) Quy mô khảo sát:

- Công trình có chiều dài dưới 100m: tiến hành khảo sát tối thiểu tại 03 mặt cắt tại các điểm đầu, giữa và cuối công trình (chưa kể vị trí băng qua giao lộ, điều chỉnh hướng, giao cắt công trình khác nếu có).

- Công trình có chiều dài trên 100m: mỗi 100m chiều dài công trình thực hiện một mặt cắt (chưa kể vị trí băng qua giao lộ nếu có). Tuy nhiên số mặt cắt tối thiểu phải khảo sát không dưới 03.

b) Phạm vi, kích thước mặt cắt khảo sát:

- Trên vỉa hè: theo phương dọc tuyến là 2,0m, theo phương ngang tuyến là hết bề rộng vỉa hè;

- Dưới lòng đường: theo phương dọc tuyến là 2,0m, theo phương ngang tuyến được tính từ mép phui đào ra mỗi bên 1,0m;

- Nằm trong hoặc băng ngang giao lộ, băng ngang đường: theo phương dọc tuyến được tính trên suốt chiều dài đoạn tuyến qua giao lộ, theo phương ngang tuyến được tính từ mép phui đào ra mỗi bên 1,0m.

- Tại các vị trí điều chỉnh hướng, vị trí giao cắt công trình ngầm khác, vị trí có hầm kỹ thuật hiện hữu phải thể hiện kết quả thăm dò trên suốt đoạn điều chỉnh hướng, giao cắt theo chiều dài và từ mép phui đào ra mỗi bên 1,0m theo chiều rộng.

2. Hồ sơ kết quả khảo sát

- Hồ sơ báo cáo phải thể hiện rõ, chính xác vị trí, cao độ, sơ đồ không gian và khoảng cách giữa các công trình ngầm hiện hữu để phục vụ công tác thỏa thuận vị trí, hướng tuyến công trình.

- Hồ sơ báo cáo khảo sát thăm dò công trình hiện hữu phải do đơn vị có chức năng và năng lực thực hiện khảo sát theo quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo sát do mình thực hiện;

Ngoài các kết quả thăm dò thể hiện trong hồ sơ khảo sát công trình ngầm nêu trên, Sở Giao thông vận tải khuyến khích các chủ đầu tư tự tổ chức thăm dò trên suốt chiều dài tuyến nhằm đảm bảo độ chính xác, không gây ảnh hưởng đến quy mô, tiến độ công trình khi triển khai.

Phần VIII

VỀ KHOAN KÍCH NGẦM, KHOAN KÉO ỐNG

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Khi thi công trên phạm vi khu vực quy định tại Khoản 4, Điều 9 Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND phải thi công khoan ngầm. Trường hợp không thể thi công khoan ngầm, chủ đầu tư phải trình bày số liệu, kết quả khảo sát xác thực trong đó nêu rõ các trở ngại ảnh hướng dẫn đến không thể thi công bằng phương án khoan ngầm.

2. Các tuyến đường có mật độ giao thông cao, khu vực công cộng, đường phố chính đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được liệt kê tại Phụ lục III của Văn bản này.

II. CÁC YÊU CẦU KHI KHOAN NGẦM

1. Khi thực hiện thủ tục chấp thuận xây dựng, chủ đầu tư phải nêu rõ trong giải pháp thực hiện hồ sơ thỏa thuận khi gửi cho cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận. Trong hồ sơ khảo sát, phải thể hiện chi tiết hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu tại khu vực thi công và khu vực ảnh hưởng để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với kết quả khảo sát. Các đơn vị quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật cung cấp và chịu trách nhiệm về sự chính xác của công trình do mình quản lý; phối hợp chủ đầu tư trong quá trình khảo sát để xác nhận chính xác hiện trạng làm cơ sở kết quả khảo sát. Trường hợp xảy ra sự cố ngoài ý muốn, đơn vị quản lý phải phối hợp làm rõ trách nhiệm để bồi thường thiệt hại.

2. Các dạng công trình, hạng mục công trình thực hiện công tác khoan ngầm

a) Công trình điện:

- Công trình điện lắp đặt dưới lòng đường của tuyến đường chính đô thị; băng sông, rạch; băng quốc lộ, đường dẫn cao tốc, đường sắt; lòng sông, lòng rạch có mặt cắt ngang đảm bảo đủ để bố trí công trình điện ngầm theo thiết kế.

- Riêng các công trình ngầm hóa cáp điện kết hợp viễn thông theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố: khuyến khích sử dụng phương án khoan ngầm để thực hiện.

b) Công trình cấp nước: Lắp đặt các tuyến ống cấp nước dưới lòng đường của tuyến đường chính đô thị; băng sông, rạch; băng đường của tuyến Quốc lộ, đường dẫn cao tốc, đường sắt có mặt cắt ngang đảm bảo đủ để bố trí tuyến ống cấp nước theo thiết kế.

c) Công trình thoát nước: Lắp đặt tuyến cống thoát nước dưới lòng đường của tuyến đường chính đô thị; băng sông, rạch; băng đường của tuyến Quốc lộ, đường dẫn cao tốc, đường sắt có mặt cắt ngang đảm bảo đủ để bố trí tuyến cống thoát nước theo thiết kế.

d) Công trình viễn thông: Lắp đặt tuyến cáp trục viễn thông dưới lòng đường của tuyến đường chính đô thị; lòng sông, lòng rạch; băng đường của tuyến Quốc lộ, đường dẫn cao tốc, đường sắt có mặt cắt ngang đảm bảo đủ để bố trí cáp viễn thông trục theo thiết kế.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

1. Chủ đầu tư

- Chủ đầu tư có thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đường bộ đang khai thác phải tổ chức khảo sát và lập phương án khoan ngầm ở bước lập dự án để được xem xét thỏa thuận.

- Chủ động liên hệ Sở ngành liên quan, các đơn vị quản lý theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải và các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật để phối hợp bắt đầu từ bước lập dự án đầu tư đến bước triển khai thi công công trình, đảm bảo tính đồng bộ của các công trình của các ngành khác nhau.

2. Các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp

- Các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp trong quá trình xem xét thủ tục chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu và quá trình thẩm định dự án, thiết kế bản vẽ thi công phải ưu tiên việc ứng dụng công nghệ khoan ngầm để thi công.

- Xem xét báo cáo khảo sát của chủ đầu tư đối với các trường hợp không thể ứng dụng công nghệ khoan ngầm trong thi công để tham mưu phương án thi công phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thi công ứng dụng công nghệ khoan ngầm để kịp thời có hướng dẫn điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Phần IX

CÔNG TÁC PHỐI HỢP TRÊN ĐOẠN, TUYẾN TRÙNG LẮP

1. Các Chủ đầu tư có các công trình thi công trùng lắp phạm vi thực hiện các nội dung sau

a) Các chủ đầu tư công trình có trách nhiệm làm việc trực tiếp với các đơn vị có liên quan cùng có nhu cầu đào và tái lập mặt đường trên cùng một đoạn đường, tuyến đường để triển khai phối hợp thi công cho đồng bộ, tránh đào đường, tái lập mặt đường nhiều lần gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân, của giao thông trong khu vực. Sau đó, lập và trình kế hoạch phối hợp chi tiết để thực hiện các công trình thi công trùng lắp cho các đơn vị quản lý theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân các quận, huyện (nếu có liên quan) để tổng hợp, xem xét thông qua. Cơ quan quản lý đường bộ chỉ xem xét cấp phép thi công sau khi có kế hoạch phối hợp chi tiết của các chủ đầu tư để thực hiện các công trình nêu trên

b) Đảm bảo công tác chuẩn bị hồ sơ, thi công đào lắp đường, vỉa hè theo đúng quy chuẩn và các quy định, hướng dẫn được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

c) Phối hợp chặt chẽ với các Sở - Ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị, doanh nghiệp quản lý hạ tầng khác; đảm bảo an toàn giao thông, sinh hoạt của người dân và bảo vệ an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất hiện có trong quá trình thi công.

d) Vào tuần đầu tiên của mỗi quý phải có báo cáo tiến độ thực hiện dự án và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các quận, huyện xem xét, giải quyết.

2. Các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp

a) Đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải

- Trên cơ sở Danh mục các tuyến đường, đoạn đường có phạm thi công trùng lắp theo kế hoạch, phối hợp với các chủ đầu tư rà soát kiểm tra và xây dựng kế hoạch thực hiện cho đồng bộ; chủ trì điều phối; tổng hợp và báo cáo Sở Giao thông vận tải. Chỉ đề xuất cấp phép thi công khi các chủ đầu tư có kế hoạch phối hợp chi tiết.

- Chủ trì kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các chủ đầu tư có công trình thi công trên các đoạn đường, tuyến đường trùng lắp theo kế hoạch được thông qua.

b) Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

- Thực hiện nhiệm vụ điều phối, chủ trì tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình thi công trùng lắp trên đoạn đường, tuyến đường do Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý.

- Chỉ cấp phép thi công khi các chủ đầu tư có kế hoạch phối hợp chi tiết để thực hiện các công trình thi công trùng lắp trên đoạn đường, tuyến đường do Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý.

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các chủ đầu tư có công trình thi công trên các đoạn đường, tuyến đường trùng lắp theo kế hoạch trên địa bàn Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý.

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND và thay thế cho Văn bản số 1486/HD-SGTVT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Sở Giao thông vận tải. Mọi vướng mắc trong quá trình thực hiện vui lòng gửi thông tin về Sở Giao thông vận tải, Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, điện thoại liên hệ: (028) 3827.9993 để có hướng dẫn và điều chỉnh kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- UBND TP: “để báo cáo”;
- TT Công báo TP.HCM;
- Sở Tư pháp; Sở Xây dựng;
- Sở VHTT; Sở Du lịch; Sở NN&PTNT;
- Sở Thông tin truyền thông;
- Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện ;
- Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập;
- Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV;
- Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh
- Viễn thông thành phố;
- Ban QLĐT XDCT Nâng cấp đô thị;
- Ban QLĐT XDCT Giao thông đô thị;
- Ban QLDA Đường sắt đô thị;
- Viettel TP.HCM;
- Ban QLDA Khu đô thị mới Nam thành phố;
- Ban QLĐTXD Khu Đô thị mới Tây Bắc;
- Ban QLĐTXD Khu Đô thị mới Thủ Thiêm;
- Ban QL Khu Công nghệ cao;
- Ban QL Khu Nông nghiệp - Công nghệ cao;
- VTV, HTV, VOV, VOH; “nhờ thông báo”
- Các báo: SGGP, CATP, TT; GTVT, TN, PN, NLĐ, PL; VN Express; Vietnamnet. “nhờ thông báo”
- Sở GTVT (Ban GĐ);
- Các Phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở GTVT;
- Lưu.VT.KT.Ltk.(86)

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Võ Khánh Hưng

 

 

PHỤ LỤC I

MẪU KẾT CẤU TÁI LẬP MẶT ĐƯỜNG, VỈA HÈ

1. Trị số tối thiểu của mô đun đàn hồi yêu cầu (MPa)

Loại đường và cấp đường

Loại tầng mặt của kết cấu áo đường thiết kế

Cấp cao A1

Cấp cao A2

Cấp thấp B1

1. Đường ô tô

 

 

 

- Đường cao tốc và cấp I

180 (160)

 

 

- Đường cấp II

160 (140)

 

 

- Đường cấp III

140 (120)

120 (95)

 

- Đường cấp IV

130 (110)

100 (80)

75

- Đường cấp V

 

80(65)

Không quy định

- Đường cấp VI

 

 

2. Đường đô thị

 

 

 

- Đường cao tốc và trục chính

190

 

 

- Đường chính khu vực

155

130

 

- Đường phố

120

95

70

- Đường công nghiệp và kho tàng

155

130

100

- Đường xe đạp, ngõ

100

75

50

Các trị số trong ngoặc là mô đun đàn hồi yêu cầu tối thiểu đối với kết cấu lề gia cố.

2. Kết cấu tái lập đối với phui đào có bề rộng nhỏ hơn 70cm:

a) Đối với mặt đường nhựa hiện hữu có Eyc ≤ 120 MPa:

Chiều dày tổng cộng lớp kết cấu áo đường dày tối thiểu 50,0cm, bao gồm:

- Bêtông nhựa chặt hạt mịn (BTNC 9,5), dày 5,0cm;

- Tưới nhựa dính bám tiêu chuẩn 0,5kg/m2;

- Bêtông nhựa chặt hạt trung (BTNC 19), dày 7,0cm;

- Tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn nhựa 1,0 kg/m2;

- Cấp phối đá dăm loại I, dày 25,0cm, K ≥ 0,98;

- Vải địa kỹ thuật ngăn cách;

- Nền đắp cát K ≥ 0,98.

b) Đối với mặt đường nhựa hiện hữu có 120 < Eyc ≤ 155 MPa:

Chiều dày tổng cộng lớp kết cấu áo đường dày tối thiểu 67,0cm, bao gồm:

- Bêtông nhựa nóng, chặt hạt mịn (BTNC 9,5), dày 5,0cm;

- Tưới nhựa dính bám tiêu chuẩn 0,5kg/m2;

- Bêtông nhựa nóng, chặt hạt trung (BTNC 19), dày 7,0cm;

- Tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn nhựa 1,0 kg/m2;

- Cấp phối đá dăm loại I, dày 40,0cm, K ≥ 0,98;

- Vải địa kỹ thuật ngăn cách;

- Nền đắp cát K ≥ 0,98.

c) Đối với mặt đường nhựa hiện hữu có Eyc > 155 MPa.

Chiều dày tổng cộng lớp kết cấu áo đường 102,0cm, bao gồm:

- Bêtông nhựa nóng, chặt hạt mịn (BTNC 9,5), dày 5,0cm;

- Tưới nhựa dính bám tiêu chuẩn 0,5 kg/m2;

- Bêtông nhựa nóng, chặt hạt trung (BTNC 19), dày 7,0cm;

- Tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn nhựa 1,0 kg/m2;

- Cấp phối đá dăm loại I, dày 25,0cm, K ≥ 0,98;

- Cấp phối đá dăm loại II, dày 30,0cm, K ≥ 0,98;

- Vải địa kỹ thuật ngăn cách;

- Nền đắp cát K ≥ 0,98.

d) Đối với mặt đường hẻm kết cấu bằng bêtông ximăng (BTXM):

Chiều dày tổng cộng lớp kết cấu áo đường: 40,0cm

- Bêtông ximăng đá 1x2 M300, dày 10,0cm;

- Cấp phối đá dăm loại I, dày 20,0cm, K ≥ 0,98;

- Vải địa kỹ thuật ngăn cách;

- Nền đắp cát K ≥ 0,98.

đ) Kết cấu vỉa hè tái lập: đồng bộ với vỉa hè hiện trạng hoặc theo Quy định về kết cấu vỉa hè, bó vỉa và tăng mảng xanh, cây xanh đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Sở Giao thông vận tải ban hành, hoặc tham khảo.

- Kết cấu vỉa hè loại 1:

+ Lát đá xẻ (đá granit bản lớn);

+ Vữa đệm M75 dày 1,5cm;

+ Bêtông đá 1x2, M150 dày 5cm;

+ Cấp phối đá dăm loại 2 dày 10cm, K ≥ 0,95;

+ Nền đất (hoặc cát) đầm chặt, K ≥ 0,90.

- Kết cấu vỉa hè loại 2:

+ Gạch lát Terrazzo;

+ Vữa đệm M75 dày 1,5cm;

+ Bêtông đá 1x2, M150 dày 5cm;

+ Cấp phối đá dăm loại 2 dày 10cm, K ≥ 0,95;

+ Nền đất (hoặc cát) đầm chặt, K ≥ 0,90.

- Kết cấu vỉa hè loại 3 (ưu tiên sử dụng):

+ Gạch bêtông tự chèn chất lượng cao M400, màu gạch toàn khối; dày 10cm;

+ Cát hạt trung đầm chặt K ≥ 0,95 dày 30cm;

+ Nền đất (hoặc cát) đầm chặt, K ≥ 0,90.

- Kết cấu vỉa hè loại 4 (hạn chế sử dụng):

+ Bêtông đá 1x2, M200 dày 6-10cm;

+ Cấp phối đá dăm loại 2 dày 10cm, K ≥ 0,95;

+ Nền đất (hoặc cát) đầm chặt, K ≥ 0,90.

- Kết cấu vỉa hè loại 5: (trước cổng các cơ quan, đường vào hẻm cho xe ôtô qua lại).

+ Gạch bêtông tự chèn chất lượng cao, M400 hoặc bằng đá chẻ dày 10cm;

+ Cát hạt trung đầm chặt dày 5cm;

+ Bêtông đá 1x2, M200 dày 10cm, K ≥ 0,95;

+ Cấp phối đá dăm loại 2 dày 10cm, K ≥ 0,95;

+ Nền đất (hoặc cát) đầm chặt, K ≥ 0,90.

- Kết cấu vỉa hè loại 6: (trước cổng các cơ quan, đường vào hẻm cho xe ôtô qua lại) đối với vỉa hè lát đá.

+ Lát đá xẻ (đá granit bản lớn);

+ Vữa đệm M75 dày 1,5cm;

+ Bêtông đá 1x2, M200 dày 10cm;

+ Cấp phối đá dăm loại 2 dày 10cm, K ≥ 0,95;

+ Nền đất (hoặc cát) đầm chặt, K > 0,90.

3. Kết cấu tái lập đối với phui đào có bề rộng lớn hơn 70cm:

a. Kết cấu áo đường mềm: căn cứ vào kết quả đo môđun đàn hồi mặt đường hiện trạng, tiến hành tính toán thiết kế theo Tiêu chuẩn ngành "Áo đường mềm - Các yêu cầu và chỉ dẫn thiết kế” 22 TCN 211-06.

b. Kết cấu áo đường cứng: tiến hành tính toán thiết kế theo Tiêu chuẩn ngành "Á0 đường cứng đường ôtô - tiêu chuẩn thiết kế” 22 TCN 213-95.

4. Ghi tên trên bề mặt lớp tái lập tạm:

VD: chủ đầu tư là Công ty Điện lực Sài Gòn, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Công trình Cầu Phà, thời gian tái lập tạm từ ngày 10/01/2019 đến 15/01/2015, cách ghi như sau: “TLT - ĐLSG, Cty CP, 10/01-15/01”. Chiều cao chữ tối thiểu 30cm hoặc bằng chiều rộng phui đào

 

PHỤ LỤC II

PHẠM VI TÁI LẬP MẶT ĐƯỜNG

1. Phạm vi tái lập mặt đường theo chiều dài: Vùng tái lập phải bao phủ dư ra mỗi đầu 1,0m theo chiều dài như hình vẽ sau:

2. Nếu có từ 2 diện tích đào có khoảng cách nhỏ hơn 15m thì phần tái lập phải bao gồm cả khu vực ở giữa 2 diện tích đào. Khu vực tái lập cũng phải dư ra 1,0m mỗi đầu như hình sau:

3. Nếu diện tích đào nằm chéo đường thì khu vực tái lập sẽ là hình chữ nhật bao phủ cả làn đường và khoảng cách tối thiểu từ mép diện tích đào ra 2 bên là 1,0m như hình vẽ:

 

PHỤ LỤC III

DANH MỤC CÁC TUYẾN ĐƯỜNG PHỐ CHÍNH, CÓ MẬT ĐỘ GIAO THÔNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN TP.HCM

STT

TÊN TUYẾN ĐƯỜNG

TỪ...

ĐẾN...

QUẬN - HUYỆN

I

TRỤC HƯỚNG TÂM

1

Quốc lộ 1

Cầu Đồng Nai

Nút giao Thủ Đức

Quận TĐ, 9

Nguyễn Văn Linh

Ranh tỉnh Long An

Huyện Bình Chánh

2

Quốc lộ 1K

Cầu vượt Linh Xuân

Ranh tỉnh Bình Dương

Quận TĐ

3

Quốc lộ 13

Cầu Bình Triệu

Ranh tỉnh Bình Dương

Quận TĐ

4

Quốc lộ 22

Vòng xoay An Sương

Ranh tỉnh Tây Ninh

12, Hóc Môn, Củ Chi

5

Tô Ký

Quốc lộ 1

Lý Thường Kiệt

12, Hóc Môn

6

Tỉnh lộ 10

An Dương Vương

Ranh Long An

Bình Tân, Bình Chánh

7

Quốc lộ 50

Nguyễn Văn Linh

Ranh Long An

Huyện Bình Chánh

8

Đường Rừng Sác

Phà Bình Khánh

Duyên Hải

Huyện Cần Giờ

9

Võ Trần Chí

 

 

 

 

- Tuyến nhánh 1

Chợ Đệm

Bình Thuận

Huyện Bình Chánh

 

- Tuyến nhánh 2

Chợ Đệm

Tân Tạo

Huyện Bình Chánh

II

ĐƯỜNG VÀNH ĐAI

10

Quốc lộ 1

Nút giao Thủ Đức

Nguyễn Văn Linh

Quận Bình Tân, Bình Chánh, 12

11

Nguyễn Văn Linh

Quốc lộ 1

Nút giao Khu A

Bình Chánh - Q7

12

Võ Chí Công

Nút Khu A

Đồng Văn Cống

Quận 2

III

TRỤC XUYÊN TÂM

 

Trục Bắc - Nam

 

 

 

13

Trường Chinh

Vòng xoay An Sương

Lý Thường Kiệt

Quận Tân Bình, 12

14

Đường CMT8

Ngã tư Bảy Hiền

VX Phù Đổng Thiên Vương

Quận 10, 3, Tân Bình, 1

15

Nguyễn Thị Nghĩa

VX Phù Đổng Thiên Vương

Đường Phạm Ngũ Lão

Quận 1

16

Nguyễn Thái Học

Đường Trần Hưng Đạo

Cầu Ông Lãnh

Quận 1

17

Hoàng Diệu

Đường Nguyễn Tất Thành

Đường Khánh Hội

Quận 4

18

Khánh Hội

Đường Hoàng Diệu

Cầu Kênh Tẻ

Quận 4

 

Trục Đông - Tây

 

 

 

19

Võ Văn Kiệt

Quốc lộ 1

Đường hầm sông Sài Gòn

Quận 1, 5, 6

20

Mai Chí Thọ

Đường hầm sông Sài Gòn

Nút giao Cát Lái

Quận 2

21

Phạm Văn Đồng

Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn

Kha Vạn Cân

Quận Gò Vấp, Thủ Đức

IV

ĐƯỜNG NỘI ĐÔ

22

An Dương Vương

Tân Hòa Đông

Cầu Mỹ Thuận

Quận 6

23

Bạch Đằng

Nguyễn Kiệm

Trường Sơn

Quận Tân Bình

24

Bùi Công Trừng

Hà Huy Giáp

Đặng Thúc Vịnh

12, Hóc Môn

25

Chánh Hưng

Nguyễn Văn Linh

Cầu Chánh Hưng

Bình Chánh -Q8

26

Cộng Hòa

Trường Chinh

Hoàng Văn Thụ

Quận Tân Bình

27

Đặng Thúc Vịnh

Quang Trung

Cầu Rạch Tra

Hóc Môn

28

Điện Biên Phủ

Lý Thái Tổ

Cầu Điện Biên Phủ

Quận 1, 3, 10

29

Điện Biên Phủ

Cầu Điện Biên Phủ

Cầu Sài Gòn

Quận Bình Thạnh

30

Đinh Bộ Lĩnh

Cầu Bình Triệu

Điện Biên Phủ

Quận Bình Thạnh

31

Đồng Văn Cống

Mai Chí Thọ

Võ Chí Công

Quận 2

32

Đường 3 tháng 2

Cách Mạng Tháng 8

Hồng Bàng

Quận 10

33

Dương Công Khi

Ranh Bình Chánh

Quốc lộ 22

Huyện Hóc Môn

34

Đường Kênh Tân Hóa Lò Gốm (phía trái từ thượng lưu)

Cửa xả

Võ Văn Kiệt

6, 11, Tân Phú

35

Đường Kênh Tân Hóa Lò Gốm (phía trái từ thượng lưu)

Cửa xả

Nguyễn Văn Luông

6, 11, Tân Phú

36

Đường Kênh Tân Hóa Lò Gốm đoạn trên cống hộp

Thoại Ngọc Hầu, Âu Cơ

Cửa xả

Tân Phú

37

Hà Duy Phiên

Cầu Rạch Tra

Tỉnh lộ 8

Huyện Củ Chi

38

Hà Huy Giáp

Cầu Phú Long

Cầu An Lộc

Quận 12

39

Hoàng Sa

Đầu tuyến

Cuối tuyến

1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh

40

Hoàng Văn Thụ

Cách Mạng Tháng 8

Phan Đình Phùng

Quận Phú Nhuận, Tân Bình

41

Hồng Bàng

Ngô Quyền

Vòng xoay Phú Lâm

Quận 6

42

Hưng Phú

Cầu Chữ Y

Xóm Củi

Quận 8

43

Hương lộ 2

Quốc lộ 22

Ranh Tây Ninh

Huyện Củ Chi

44

Huỳnh Tấn Phát

Trần Xuân Soạn

phà Bình Khánh

Quận 7

45

Kinh Dương Vương

Vòng xoay Phú Lâm

Vòng xoay An Lạc

Quận 6

46

Kinh Dương Vương

Vòng xoay Phú Lâm

Vòng xoay An Lạc

Quận Bình Tân

47

Lạc Long Quân

Tân Hóa

Lý Thường Kiệt

Quận 11, Tân Bình

48

Lê Quang Định

Bạch Đằng

Cầu Hang Ngoài

Quận Gò Vấp, Bình Thạnh

49

Lê Văn Khương

Quốc lộ 1A

Đặng Thúc Vịnh

12, Hóc Môn

50

Lê Văn Lương

Trần Xuân Soạn

Cầu Rạch Đĩa 1

Quận 7

51

Lý Thái Tổ

Nguyễn Thị Minh Khai

3 tháng 2

Quận 3, 10

52

Lý Thường Kiệt

Hồng Bàng

CMT8

Quận 10, 11

53

Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Cầu Công Lý

Võ Văn Kiệt

Quận 3

54

Nguyễn Anh Thủ

Lê Văn Khương

Phan Văn Hớn

12, Hóc Môn

55

Nguyễn Hữu Cảnh

Cầu Sài Gòn

Tôn Đức Thắng

Quận Bình Thạnh

56

Nguyễn Kiệm

Hoàng Văn Thụ

Ngã 6 Gò Vấp

Phú Nhuận, Gò vấp

57

Nguyễn Tất Thành

Cầu Khánh Hội

Cầu Tân Thuận

Quận 4

58

Nguyễn Thị Minh Khai

Cầu Thị Nghè

Nguyễn Văn Cừ

Quận 1, 3

59

Nguyễn Thị Thập

Cầu Him Lam

Huỳnh Tấn Phát

Quận 7

60

Nguyễn Tri Phương

Trần Hưng Đạo

3 tháng 2

Quận 5, 10

61

Nguyễn Văn Bứa

Ranh Long An

Quốc lộ 22

Huyện Hóc Môn

62

Nguyễn Văn Linh

Nút giao Khu A

Huỳnh Tấn Phát

Quận 7

63

Nguyễn Văn Nghi

Cầu Hang Ngoài

Ngã 6 Gò Vấp

Quận Gò Vấp

64

Nguyễn Văn Quá

Quốc lộ 1

Trường Chinh

12

65

Nguyễn Văn Trỗi

Hoàng Văn Thụ

Cầu Công Lý

Quận Phú Nhuận

66

Nguyễn Xí

Đài Liệt Sĩ

Nơ Trang Long

Quận Bình Thạnh

67

Nơ Trang Long

Phan Đăng Lưu

Bình Lợi

Quận Bình Thạnh

68

Phạm Thế Hiển

Cầu Rạch Ông

Trịnh Quang Nghị

Quận 8

69

Phan Đăng Lưu

Bạch Đằng

Hoàng Văn Thụ

Quận Bình Thạnh

70

Phan Huy ích

Trường Chinh

Quang Trung

Gò Vấp, Tân Bình

71

Phan Văn Hớn

Quốc lộ 1

Trường Chinh

12

72

Phan Văn Trị

Thống Nhất

Nơ Trang Long

Gò Vấp, Bình Thạnh

73

Quang Trung

Điểm cuối

Lý Thường Kiệt

Huyện Hóc Môn

74

Quốc lộ 13

Đài Liệt Sĩ

Cầu Bình Triệu

Quận Bình Thạnh

75

Quốc lộ 50

Nguyễn Văn Linh

Cầu Nhị Thiên Đường

Huyện Bình Chánh, Quận 8

76

Song hành Quốc lộ 22

kênh Tham Lương

Hương lộ 65

Quận 12, Hóc Môn

77

Tạ Quang Bửu

Nguyễn Thị Tần

hẻm 2385B

Quận 8

78

Thành Thái

3 tháng 2

Bắc Hải

Quận 10

79

Tỉnh lộ 15

Cầu Chợ Cầu

Quốc lộ 1

12

80

Tỉnh lộ 7

Cầu Tân Thái

Tỉnh lộ 15

Huyện Củ Chi

81

Tỉnh lộ 8

Cầu Thầy Cai

Cầu Phú Cường

Huyện Củ Chi

82

Tôn Đức Thắng

Nguyễn Hữu Cảnh

Hàm Nghi

Quận 1

83

Trần Hưng Đạo

QT. Quách Thị Trang

Châu Văn Liêm

Quận 1, 5

84

Trần Xuân Soạn

Cầu Rạch Ong

Huỳnh Tấn Phát

Quận 7

85

Trường Sa

Đầu tuyến

Cuối tuyến

1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh

86

Võ Thị Sáu

Đinh Tiên Hoàng

VX Dân Chủ

Quận 1, 3

87

Xa lộ Hà Nội

Nút giao Thủ Đức

Cầu Sài Gòn

Quận 2

88

Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đài Liệt Sĩ

Cầu Thị Nghè

Quận Bình Thạnh

 

PHỤ LỤC IV

MẪU GIẤY PHÉP THI CÔNG

CƠ QUAN CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……./…………

Thành phố Hồ Chí Minh (quận/huyện), ngày … tháng … năm….

 

GIẤY PHÉP THI CÔNG

Công trình: ……………………(1)……………………..

Vị trí: trước số ..../ đường (từ... đến...), phường/xã ...., quận/huyện....

Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2016 của Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,

Căn cứ văn bản số: ……../……..                                              ngày …./…./20…. của                          (2) chấp thuận thiết kế công trình... (1)...;

Căn cứ Đơn đề nghị cấp phép thi công của....(3)... kèm theo cam kết tự di dời và không đòi bồi thường của chủ đầu tư (5) và hồ sơ thiết kế, tổ chức thi công được duyệt.

1. Cấp cho: …………..(3)………….

- Địa chỉ………………………………………………………;

- Điện thoại ………………………………………………………;

- ………………………………………………………;

2. Được phép thi công công trình:...(1)... trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng công trình giao thông đường bộ từ ……..đến…….. Đường..., gồm các nội dung chính như sau:

2.1. Quy mô, phạm vi thi công và thời hạn thi công:

STT

Vị trí

Phạm vi thi công (m)

Thời gian thi công

Lòng đường

Vỉa hè

1

 

 

 

Từ ngày.../.../2019 đến ngày .../.../2019

Một số lưu ý: (cơ quan cấp phép lưu ý các nội dung quan trọng đối với từng công trình, phạm vi cụ thể).

2.2. Các đơn vị có liên quan:

- Đơn vị thi công: Công ty Cổ phần ABC.

(Địa chỉ: số 97 Phạm Hữu Chí, Phường 12, Quận 5, TP.HCM; Chỉ huy trưởng công trình: ông/bà Nguyễn A, số điện thoại liên hệ: 0901.234....)

- Đơn vị thi công tái lập mặt đường (trường hợp có khác so với đơn vị thi công. Nội dung thể hiện tương tự)

- Đơn vị giám sát: Công ty Cổ Phần KT XD Phương Nguyễn.

(Tư vấn giám sát trưởng: ông/bà Nguyễn B, số điện thoại liên hệ: 0938.020....)

 

 

Nơi nhận:
-…………………….;
- UBND quận/huyện...;
- Sở GTVT (thay b/c);
- Thanh tra Sở GTVT: (để p/h);
- …………………..;
- Lưu VT……..

(…….2…….)
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)





 

YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN

1. Chủ đầu tư mang giấy phép này đến Khu Quản lý giao thông đô thị/Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan để nhận bàn giao mặt bằng hiện trường; tiến hành thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông theo hồ sơ tổ chức thi công được duyệt và các quy định của pháp luật về đảm bảo giao thông và an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ đang khai thác;

2. Sau khi nhận mặt bằng hiện trường, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm về an toàn giao thông, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý đường bộ, Thanh tra giao thông đường bộ và cơ quan có thẩm quyền khác;

3. Kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, nếu đơn vị thi công không thực hiện việc tổ chức giao thông, gây mất an toàn giao thông sẽ bị đình chỉ thi công; mọi trách nhiệm liên quan đến tai nạn giao thông và chi phí thiệt hại khác (nếu có) chủ đầu tư và đơn vị thi công tự chịu, ngoài ra còn chịu xử lý theo quy định của pháp luật;

4. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đền bù thiệt hại công trình đường bộ do lỗi của đơn vị thi công gây ra khi thi công trên đường bộ đang khai thác;

5. Trong quá trình thi công nếu gặp chướng ngại như: Cáp điện thoại, điện lực, cống thoát nước,... cần thông báo ngay cho các đơn vị có liên quan để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời;

6. Khi kết thúc thi công phải bàn giao lại mặt bằng, hiện trường cho cơ quan quản lý đường bộ;

7. Chủ đầu tư có trách nhiệm tự di dời và tự chịu mọi kinh phí khi có yêu cầu hoặc chủ trương của cấp có thẩm quyền theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

8. Đơn vị thi công phải tổ chức thi công đúng vị trí, kích thước, kết cấu như trong bản vẽ được duyệt và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Mọi sự thay đổi so với giấy phép thi công phải được sự chấp thuận của Sở Giao thông vận tải;

9. Các Khu Quản lý giao thông đô thị/ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các quận, huyện liên quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung trong Giấy phép này;

10. Không được thi công vào các ngày lễ, Tết theo quy định

 

PHỤ LỤC V

BẢNG CÔNG BỐ THÔNG TIN CÔNG TRƯỜNG

1. Nội dung biển công bố thông tin

Biển công bố thông tin của các công trình thi công nằm trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải đăng tải đầy đủ các nội dung như sau:

- Tên công trình;

- Tên hạng mục công trình;

- Tên và số điện thoại của Chủ đầu tư công trình;

- Họ và tên, số điện thoại di động của người đại diện Chủ đầu tư công trình;

- Tên và số điện thoại di động của đơn vị Tư vấn giám sát công trình;

- Họ và tên, số điện thoại di động của người đại diện đơn vị Tư vấn giám sát công trình;

- Tên và số điện thoại của đơn vị Thi công công trình;

- Họ và tên, số điện thoại di động của chỉ huy trưởng công trình;

- Thời gian thi công đoạn rào chắn;

- Số điện thoại nóng của Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải, số điện thoại di động của Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải;

- Số Giấy phép thi công, thời gian thi công theo giấy phép của Sở Giao thông vận tải;

- Niêm yết toàn bộ Giấy phép thi công, bản vẽ mặt cắt ngang và bình đồ tuyến công trình, bản vẽ mặt bằng (thể hiện rõ diện tích, kích thước chiếm dụng mặt đường, vỉa hè) lên biển công bố thông tin.

Ghi chú: Người đại diện là người có thẩm quyền (hoặc người được ủy quyền) được phân công phụ trách quản lý, giám sát công trình.

2. Quy cách bảng công bố thông tin

a) Đối với các công trình thi công sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước; công trình ngầm của ngành điện lực, viễn thông và chiếu sáng công cộng; công trình cải tạo, đảm bảo giao thông cầu, đường bộ:

- Kích thước bảng: chiều rộng 1,0m, chiều cao 0,6m;

- Nền bảng màu xanh dương;

- Chữ viết: chữ in hoa màu trắng, cao 3,0cm;

b) Đối với các công trình thì có sử dụng rào chắn bằng tôn, có diện tích chiếm dụng mặt đường lớn, thời gian lâu:

- Kích thước bảng: chiều rộng 2,0m, chiều cao 1,6m;

- Nền bảng màu xanh dương;

- Chữ viết: chữ in hoa màu trắng, cao 6,0cm;

3. Vị trí lắp đặt bảng công bố thông tin

Bảng công bố thông tin phải được lắp đặt cố định ở 2 đầu công trường, trong trường hợp chiều dài công trường dưới 15m thì lắp đặt bên hông hàng rào. Vị trí lắp đặt phải đảm bảo thuận tiện cho người dân đọc được để theo dõi.

4. Mẫu bảng công bố thông tin công trình

 

PHỤ LỤC VI

MẪU RÀO CHẮN THI CÔNG

1. Mục đích, yêu cầu của rào chắn thi công

a) Mục đích: đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông bên ngoài rào chắn cũng như cho người và thiết bị thi công bên trong rào chắn, đồng thời phải đảm bảo về mỹ quan đô thị.

b) Yêu cầu: không ngã đổ, nghiêng lệch trong quá trình thi công công trình; Dễ nhận biết từ xa; Không gây cản trở đến việc lưu thông của người và phương tiện bên ngoài rào chắn, ảnh hưởng đến việc thi công công trình; không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, mỹ quan đô thị.

2. Về cấu tạo, tính toán, thiết kế

a) Chủ đầu tư có trách nhiệm tính toán thiết kế kết cấu thân rào, chân đế, màu sơn mặt bên trong sao cho rào chắn có thể chịu được trọng lượng bản thân, không bị ngã đổ, nghiêng lệch, chịu va đập, ngã đổ, chịu được áp lực gió tính toán trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông, môi trường xung quanh, trường hợp cần thiết phải được thẩm tra bởi đơn vị tư vấn thiết kế có chức năng.

Tùy vào tình hình điều kiện thực tế tại công trường, bắt buộc chủ đầu tư phải có các biện pháp liên kết, giằng chống, neo giữ...bên trong rào chắn nhằm không để rào chắn bị ngã đổ, nghiêng lệch trong quá trình thi công, đồng thời phải bố trí người thường xuyên túc trực để kịp thời khắc phục, sửa chữa các vị trí rào chắn bị ngã đổ, nghiêng lệch, không để xuất hiện các nguy cơ gây ra tai nạn lao động, tai nạn giao thông.

3. Chủ đầu tư có thể tham khảo về kiểu dáng các loại rào chắn, cọc tiêu, báo hiệu,...để cảnh báo, nhận dạng trên địa bàn thành phố như sau.

a) Loại rào chắn bằng tôn, lưới thép có chân đế bằng bê tông xi măng

Sử dụng để rào chắn, ngăn cách giữa phần đường bộ, vỉa hè còn lại dành cho giao thông với các phui đào có kích thước lớn hơn 1,0m. Rào chắn được cấu tạo gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn bao gồm hai phần thân rào chắn và chân đế rào chắn, chia thành hai loại như sau:

- Loại rào chắn dùng cho các công trình thi công trong khu vực giao lộ:

+ Thân rào chắn cao 2m, dài 2m làm bằng khung thép hình hoặc thép hộp, vách lưới thép B40 (dày tối thiểu 3mm) được liên kết với nhau bằng liên kết hàn, vít hoặc bu-lông, chiều cao phần rào tôn và lưới thép bằng nhau, (chi tiết xem bản vẽ tham khảo đính kèm);

+ Chân đế rào chắn làm bằng bêtông (hoặc bêtông cốt thép) đá 1x2 loại B25 (M300), cao 20cm.

- Loại rào chắn dùng cho các công trình thi công ngoài khu vực giao lộ:

+ Thân rào chắn cao 2m, dài 2m làm bằng khung thép hình hoặc thép hộp, vách tôn sóng vuông màu xanh lá (loại tôn 9 sóng/m, dày tối thiểu 0,42mm) hoặc kết hợp vách phía trên bằng lưới B40 (dày tối thiểu 3mm), vách phía dưới bằng tôn sóng vuông màu xanh lá (loại 9 sóng/m, dày tối thiểu 0,42mm), được liên kết với nhau bằng liên kết hàn, vít hoặc bu- lông. (chi tiết xem bản vẽ tham khảo đính kèm);

+ Chân đế rào chắn làm bằng bêtông (hoặc bêtông cốt thép) đá 1x2 loại B25 (M300), cao 20cm.

- Mẫu rào và vị trí bố trí:

+ Mẫu thân rào chắn K-1: Áp dụng đối với công trình thi công trong khu vực giao lộ.

+ Mẫu thân rào chắn K-2, K-3, K-4: Áp dụng cho các công trình thi công ngoài khu vực giao lộ. Tuy nhiên các mẫu K-3, K-4 khuyến khích sử dụng trong điều kiện thời tiết có gió lớn.

+ Mẫu chân đế rào chắn C-1, C-2, C-3, C-4, C-5: Áp dụng cho tất cả các công trình, nhưng tại mỗi công trình chỉ được áp dụng thống nhất một loại mẫu chân đế rào chắn.

b) Rào cảnh báo

- Rào cảnh báo được bố trí một hoặc nhiều bảng tại các vị trí nhất định để cảnh báo từ xa các phương tiện lưu ý tránh khu vực có rào chắn thi công

- Vị trí và thời gian lắp đặt: Khi đoạn đường có trở ngại vì thi công, bảo dưỡng hoặc các tình huống khác thì phải căn cứ vào yêu cầu thực tế của đoạn đường đó để bố trí các rào cảnh báo để đảm bảo an toàn giao thông khi thi công như rào chắn, chóp nón... ban đêm phải có đèn báo nguy hiểm, khi cần phải có người báo hiệu, hướng dẫn bằng tín hiệu hoặc cờ. Trong giờ cao điểm phải thu gọn nhằm hạn chế cản trở giao thông.

+ Mẫu rào cảnh báo B-1: dùng để cảnh báo từ xa, các phương tiện sẽ lưu thông về bên phải rào chắn.

+ Mẫu rào cảnh báo B-2: dùng để cảnh báo từ xa, các phương tiện sẽ lưu thông về bên trái rào chắn.

c) Rào chắn di động bằng khung thép hình

Sử dụng để rào chắn, ngăn cách giữa phần đường bộ, vỉa hè còn lại dành cho giao thông với các phui đào có chiều rộng không lớn hơn 1,0m hoặc bố trí rào chắn phục vụ công tác mở nắp hầm kỹ thuật. Rào chắn được cấu tạo gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn gồm thân và chân đế có cấu tạo liền khối, chiều cao 1,2m, chiều rộng 1,2m, được sơn trắng đỏ xen kẻ, có thể kết hợp lắp đặt bảng điều hướng, biển tên đơn vị, biển báo giao thông.

d) Cọc tiêu chóp nón báo hiệu, bảng điều hướng từ xa

Được bố trí ở những khoảng cách nhất định để cảnh báo người tham gia giao thông nhận biết từ xa trước khi đi vào khu vực có rào chắn thi công trên đường bộ.

Trên các trục đường chính phải luôn được lắp đặt 24/24 giờ.

Trên các tuyến đường có đông phương tiện tham gia giao thông phải được bố trí kết hợp với lực lượng điều tiết giao thông nhằm đảm bảo an toàn, không gây cản trở và ùn tắc giao thông.

- Cọc tiêu chóp nón: lắp đặt cách với khoảng cách 1m trên chiều dài cần thiết.

đ) Các loại biển báo, băng rôn, pa-nô phụ trợ

Đối với các rào chắn bằng tôn lắp dựng trên đường bộ đang khai thác, nếu hai mặt rào quay ra hướng có người tham gia giao thông phải bố trí pa-nô biểu ngữ, lô-gô hoặc tên đơn vị thi công

(Minh họa đính kèm)

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hướng dẫn 6460/HD-SGTVT ngày 12/11/2018 thực hiện quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


13.138

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.106.66
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!