UỶ
BAN NHÂN DÂN TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
SỞ XÂY DỰNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
290/SXD-XDCB
|
Huế,
ngày 18 tháng 04 năm 2007
|
HƯỚNG DẪN
TRIỂN
KHAI CHỈ THỊ SỐ 13/2006/CT-BXD NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2006 CỦA BỘ XÂY DỰNG VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CỦA CHỦ ĐẦU TƯ LÀ TƯ
NHÂN.
Trong những năm gần đây, các
công trình xây dựng do tư nhân làm chủ đầu tư (nhà ở, khách sạn, trụ sở làm
việc, nhà xưởng,…) không ngừng tăng về số lượng và quy mô. Tuy nhiên, bên cạnh
phần lớn các công trình đều có chất lượng tốt, trong thực tế tại một số nơi vẫn
còn có những công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng thậm chí gây ra sự cố
làm thiệt hại lớn về người và tài sản.
Công trình có sự cố hoặc chất
lượng kém do chủ đầu tư là tư nhân chủ yếu do: không thực hiện khảo sát xây
dựng, không thuê tư vấn lập thiết kế theo quy định, thuê nhà thầu thi công xây
dựng không có đăng ký kinh doanh và không đủ năng lực để thi công, không thuê
tổ chức hoặc cá nhân có chuyên môn có đủ năng lực theo quy định để giám sát thi
công xây dựng.
Luật Xây dựng và các văn bản
hướng dẫn thi hành Luật đã quy định chặt chẽ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể
trong hoạt động xây dựng nhưng nhiều chủ đầu tư là tư nhân và các nhà thầu chưa
nắm vững được các quy định này đã gây nên các hậu quả đáng tiếc về chất lượng
công trình xây dựng.
Thực hiện quy định của Luật Xây
dựng, các Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư
xây dựng công trình, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý
chất lượng công trình xây dựng của Chính phủ, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày
29/9/2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về
quản lý dự án đầu tư xây dựng, nhằm tăng cường chất lượng chất lượng các công
trình xây dựng mà chủ đầu tư là tư nhân, Sở Xây dựng yêu cầu:
Đối với các đơn vị quản lý Xây
dựng các cấp
Tăng cường công tác kiểm tra
thường xuyên trên từng địa bàn do mình quản lý việc tuân thủ nội dung, trình tự
đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng theo các quy định của
Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng của các dự án đầu
tư xây dựng mà Chủ đầu tư là tư nhân. Nội dung cụ thể như sau:
a) Khi cấp giấy phép xây dựng,
cơ quan cấp giấy phép phải kiểm tra hồ sơ khảo sát xây dựng, hồ sơ thiết kế xây
dựng công trình. Đối với các công trình xây dựng mà tư nhân làm chủ đầu tư phải
kiểm tra điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân khảo sát xây dựng và thiết kế
xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
Xây dựng.
Đối với việc thiết kế xây dựng
nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên
hoặc nhà ở trong các khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, thì việc thiết
kế phải do tổ chức, cá nhân thiết kế có đủ năng lực hoạt động thiết kế xây dựng
hoặc năng lực hành nghề thiết kế xây dựng thực hiện. Nếu nhà ở riêng lẻ có quy
mô nhỏ hơn quy định nêu trên thì cá nhân, hộ gia đình được tự tổ chức thiết kế
nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước
pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an
toàn của các công trình lân cận.
b) Kiểm tra điều kiện khởi công
theo quy định tại Điều 72 của Luật Xây dựng:
Công trình xây dựng chỉ được
khởi công khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có mặt bằng xây dựng để bàn
giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng do chủ đầu tư xây dựng công
trình và nhà thầu thi công xây dựng thỏa thuận;
2. Có giấy phép xây dựng đối với
những công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
3. Có thiết kế bản vẽ thi công
của hạng mục, công trình hoàn chỉnh;
4. Có hợp đồng xây dựng;
5. Có đủ nguồn vốn để bảo đảm
tiến độ xây dựng công trình theo tiến độ đã được phê duyệt trong dự án đầu tư
xây dựng công trình;
6. Có biện pháp để bảo đảm an
toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng;
7. Ðối với khu đô thị mới, tùy
theo tính chất, quy mô, phải xây dựng xong toàn bộ hoặc từng phần các công
trình hạ tầng kỹ thuật thì mới được khởi công xây dựng công trình.
c) Kiểm tra việc thực hiện theo
Giấy phép xây dựng của Chủ đầu tư.
d) Trong giai đoạn thi công xây
dựng, đối với các công trình xây dựng do tư nhân làm chủ đầu tư phải kiểm tra
điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của nhà thầu thi công xây dựng theo quy
định. Đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn nhỏ hơn 250 m2, từ
2 tầng trở xuống thì cá nhân được tự tổ chức thi công xây dựng nhưng phải có
năng lực hành nghề thi công xây dựng công trình và chịu trách nhiệm về chất
lượng, an toàn và vệ sinh môi trường.
đ) Kiểm tra công tác giám sát
thi công xây dựng và quản lý chất lượng, công tác bảo đảm an toàn lao động và
vệ sinh môi trường của chủ đầu tư trong quá trình thi công xây dựng.
e) Kiểm tra việc chứng nhận sự
phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với công trình bắt buộc theo quy
định:
- Các công trình xây dựng công
cộng tập trung đông người như nhà hát, rạp chiếu bóng, rạp xiếc, trường học,
sân vận động, nhà thi đấu, siêu thị và các công trình xây dựng có chức năng
tương tự;
- Nhà chung cư, nhà làm việc,
khách sạn nhiều tầng;
- Các công trình hóa chất và hóa
dầu, công trình kho chứa dầu, khí;
- Các công trình đê, đập, cầu,
hầm lớn.
- Các công trình quan trọng theo
yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ phải kiểm tra và chứng nhận chất lượng.
Khuyến khích các chủ đầu tư thực
hiện việc chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với các
đối tượng công trình khác.
f) Kiên quyết xử lý những sai
sót được phát hiện trong quá trình kiểm tra theo các nội dung nêu trên.
2. Đối với Chủ đầu tư – Người
quản lý sử dụng công trình
2.1. Để công trình có chất lượng
mong muốn, các chủ đầu tư là tư nhân cần coi trọng quản lý chặt chẽ ngay từ đầu
các công việc sau trong các khâu:
a) Khảo sát xây dựng: chọn nhà
thầu khảo sát xây dựng là tổ chức khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực và
phạm vi hoạt động theo quy định tại các Điều 58 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP
và tuân thủ hướng dẫn tại Thông tư số 07/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây
dựng “Hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây
dựng công trình” và Chỉ thị số 12/2006/CT-BXD ngày 11/9/2006 của Bộ trưởng Bộ
Xây dựng về “ Về việc tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác khảo sát
xây dựng”.
b) Thiết kế xây dựng công trình:
chọn nhà thầu thiết kế xây dựng công trình có đủ điều kiện năng lực hoạt động
thiết kế xây dựng công trình, năng lực hành nghề phù hợp theo quy định tại các
Điều 59, Điều 60, Điều 61 và Điều 65 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP. Đối với
nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn nhỏ hơn 250 m2, từ 2 tầng trở
xuống thì phải chọn người thiết kế có kinh nghiệm đã từng thiết kế những công
trình tương tự có chất lượng đảm bảo.
c) Tổ chức thi công xây dựng
công trình:
- Chọn nhà thầu có đủ điều kiện
năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình phù hợp để thi công xây dựng
công trình theo quy định tại các Điều 63 và Điều 64 của Nghị định số
16/2005/NĐ-CP.
- Mọi công trình xây dựng trong
quá trình thi công phải được thực hiện chế độ giám sát. Đối với nhà ở riêng lẻ,
chủ đầu tư cần thuê người có chuyên môn để thực hiện giám sát thi công xây dựng.
Việc giám sát thi công xây dựng
công trình phải được thực hiện để theo dõi, kiểm tra về chất lượng, khối lượng,
tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công
trình, cụ thể như: kiểm tra chất lượng ván khuôn, kiểm tra hệ thống cây chống
ván khuôn, giàn giáo thi công; kiểm tra việc che chắn đảm bảo không rơi các cấu
kiện, vật liệu gây mất an toàn cho người và công trình.
- Kiểm tra việc tuân thủ thiết
kế đã được chấp thuận của các cơ quan cấp giấy phép xây dựng.
- Chủ đầu tư xây dựng công trình
tổ chức nghiệm thu, tiếp nhận công trình xây dựng theo các quy định nêu tại
Nghị định số 209/2004/NĐ-CP. Người tham gia nghiệm thu, bàn giao công trình
phải chịu trách nhiệm cá nhân về sản phẩm do mình xác nhận trong quá trình thi
công xây dựng công trình và bàn giao công trình xây dựng.
2.2. Trong quá trình sử dụng
người quản lý sử dụng công trình xây dựng có trách nhiệm :
a) Tổ chức thực hiện bảo trì
công trình xây dựng theo quy trình bảo trì công trình xây dựng.
b) Chủ động kiểm tra nhằm phát
hiện các hư hỏng để sửa chữa kịp thời, thông báo kịp thời những hư hỏng lớn làm
ảnh hưởng đến an toàn công trình cho cơ
quan quản lý có thẩm quyền giải
quyết.
3. Đối với các nhà thầu tham gia
hoạt động xây dựng
Các nhà thầu khảo sát xây dựng,
thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám
sát thi công xây dựng không được
thực hiện các hoạt động xây dựng vượt quá điều kiện năng lực của mình; phải
nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, và thực hiện
nghiêm chỉnh nghĩa vụ được quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn
thi hành Luật Xây dựng.
Trong quá trình triển khai thực
hiện Chỉ thị số 13/2006/CT-BXD ngày 23 tháng 11 năm 2006 của Bộ Xây dựng nếu
gặp vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh bằng văn bản gửi
về Sở Xây dựng để có phương án giải quyết./.
Nơi nhận:
-Bộ Xây dựng ( để báo cáo);
-TT.HĐND tỉnh (để báo cáo);
-UBND Tỉnh (để báo cáo);
-Sở Giao thông Vận tải;
-Sở Công nghiệp;
-Sở Nông nghiệp và PTNN;
-Sở Bưu chính Viễn thông;
-Sở Giáo dục và Đào tạo;
-Sở tài chính;
-Giám đốc, Phó g.đốc Sở XD;
-UBND TP, các huỵện;
-Các đơn vị liên quan;
-Lưu XDCB,VP.
|
GIÁM
ĐỐC
Nguyễn Việt Tiến
|