Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1336/2004/HD-XD-QLCL Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
Ngày ban hành: 07/07/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

 

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1336/2004/HD-XD-QLCL

Tp Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 07 năm 2004 

 

HƯỚNG DẪN

VỀ THỰC HIỆN QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH

I. ĐỐI TƯỢNG HƯỚNG DẪN :

- Đối tượng chủ yếu của hướng dẫn này là các đơn vị, cá nhận tham gia trong quá trình xây dựng các công trình đã được quy định trong điều 1 và khoản 1 - điều 8 của QĐ số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/06/2003.

- Khuyến khích các đối tượng khác áp dụng hướng dẫn này để bảo đảm việc quản lý chất lượng công trình đúng các quy định của Nhà nước.

II. TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG:

II. 1- Chủ đầu tư: Chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng của công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư do mình quản lý. Nếu thành lập Ban quản lý dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án phải có đầy đủ điều kiện năng lực theo quy định. Chỉ được ký hợp đồng giao nhận thầu đối với những tổ chức tư vấn doanh nghiệp xây dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, theo quy định hiện hành. Được quyền yêu cầu những đơn vị liên quan, theo hợp đồng, giải trình về chất lượng vật liệu, thiết bị, công việc… và có quyền từ chối nghiệm thu. Khi Chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực theo quy định, phải thuê tổ chức tư vấn thẩm tra thiết kế (đối với các công trình đã được quy định trong khoản 1 - điều 8 của QĐ số 18/2003/QĐ-BXD ngày 27/06/2003), giám sát thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị, đặc biệt đối với công tác quản lý chất lượng tại công trường, công tác nghiệm thu (cấu kiện, giai đoạn, hoàn thành) và việc đưa ra quyết định đình chỉ thi công trong những trường hợp cần thiết.

- Để công tác quản lý chất lượng công trình và công tác nghiệm thu đạt kết quả tốt, các chủ đầu tư phải có những công tác chuẩn bị ngay từ bước chuẩn bị triển khai thực hiện công trình:

+ Trước khi ký hợp đồng với các tổ chức tư vấn, thi công phải kiểm tra kỹ tư các pháp nhân, chức năng hoạt động, tổ chức và nhân sự, năng lực thực tế của các tổ chức. Ví dụ:Các nhân sự tham gia công tác thiết kế, giám sát, thi công … phải có hợp đồng lao động với nhà thầu theo quy định của pháp luật; Kỹ sư giám sát trưởng, kỹ sư giám sát chuyên ngành phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát xây dựng theo chương trình của Bộ Xây dựng hoặc chương trình được Bộ Xây dựng thỏa thuận v.v…

+ Khi lập hồ sơ mới thầu, khi ký hợp đồng kinh tế -với các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát, doanh nghiệp thi công xây lắp,cung ứng vật tư thiết bị – phải đưa các điều kiện sách, các điều khoản nêu rõ trách nhiệm cụ thể của các bên về quản lý chất lượng trong quá trình thi công xây lắp, nghiệm thu. Ví dụ nêu rõ cách xử lý cụ thể trong các trường hợp:

·Thiết kế, thi công chậm tiến độ, kém chất lượng

·Không giám sát thường xuyên.

·Không giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thiết kế, thi công khi chủ đầu tư có yêu cầu. Không lập các quy chế bảo hành, bảo trì.

·Không cử nhân sự theo quy định, theo hợp đồng, theo hồ sơ mời thầu.

·Không lập hồ sơ quản lý chất lượng theo đúng quy định về thành phần, thời gian v.v…

- Phải thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng / lần theo quy định.

II.2- Đối với đơn vị tư vấn:

- Chịu trách nhiệm về những quy định pháp lý đã nêu trong hợp đồng, đặc biệt là chất lượng sản phẩm và thời gian thực hiện cần phải đảm bảo nghiêm túc. Phải sử dụng cán bộ có đủ năng lực cho mỗi công việc thực hiện theo quy định. Phải có hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát chất lượng sản phẩm thiết kế của đơn vị. Phải bồi thường thiệt hại do sản phẩm tư vấn của mình gây ra. Phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định. Cấm chỉ định sử dụng các loại vật liệu hay vật tư kỹ thuật của một nơi sản xuất, cung ứng nào đó, mà chỉ được nêu yêu cầu chung về tính năng kỹ thuật của vật liệu hay vật tư kỹ thuật. Không được giao thầu lại toàn bộ hợp đồng hoặc phần chính của hợp đồng cho một tổ chức tư vấn khác.

II.3- Đối với doanh nghiệp xây dựng:

- Phải đảm bảo chất lượng, an toàn, môi trường xây dựng tốt, cho cả công trình đang thi công, lẫn những công trình, khu vực lân cận. Chỉ được phép nhận thầu thi công những công trình thực hiện đúng thủ tục đầu tư và xây dựng, phù hợp với năng lực của mình; thi công đúng thiết kế được duyệt, áp dụng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đã đựơc quy định và chịu sự giám sát, kiểm tra thường xuyên về chất lượng công trình của chủ đầu tư, tổ chức thiết kế và cơ quan giám định Nhà nước theo phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng;

- Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về thi công xây lắp công trình, kể cả những phần việc do nhà thầu phụ thực hiện theo quy định của hợp đồng giao nhận thầu xây lắp.

- Vật liệu, cấu kiện xây dựng sử dụng vào công trình phải có chứng nhận về chất lượng gửi cho chủ đầu tư để kiểm soát trước khi sử dụng theo quy định; tổ chức hệ thống bảo đảm chất lượng công trình để quản lý sản phẩm xây dựng, quản lý công trình trong quá trình thi công.

III. VỀ CHẤT LƯỢNG KHẢO SÁT XÂY DỰNG:

- Bao hàm khảo sát địa chất, thủy văn, khảo sát hiện trạng, đo đạc địa hình, đo đạc lún, nghiêng, chuyển dịch… của công trình đang có.

- Nếu không thực hiện khảo sát, phải có văn bản của đơn vị thiết kế chấp thuận.

- Nhiệm vụ khảo sát do đơn vị thiết kế lập, được chủ đầu tư phê duyệt phải phù hợp với quy mô, các bước thiết kế, tính chất công trình, điều kiện tự nhiên của khu vực xây dựng; đặc biệt khảo sát phải đủ, phù hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng, đồng thời phải tránh lãng phí.

- Công việc khảo sát phải phù hợp nhiệm vụ đã phê duyệt, trong báo cáo phải kiến nghị về việc xử lý nền móng công trình xây dựng.

- Báo cáo lập thành 06 bộ, có kiểm tra, nghiệm thu theo quy định, theo mẫu.

- Chủ đầu tư sẽ xem xét, quyết định việc khảo sát bổ sung, do thiết kế đề nghị.

- Đối với hình thức chìa khóa trao tay, đơn vị tổng thầu sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt và nghiệm thu công tác khảo sát.

- Việc khảo sát không được xâm hại về môi trường và phải phục hồi lại hiện trạng ban đầu của hiện trường, theo những nội dung phục hồi đã ghi đầy đủ trong hợp đồng. Việc khảo sát không được xâm hại mạng lưới kỹ thuật công trình công cộng và những công trình xây dựng khác trong phạm vi địa điểm khảo sát.

- Hồ sơ khảo sát phải được lưu trữ theo quy định hiện hành.

IV. VỀ CHẤT LƯỢNG THIẾT KẾ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH:

- Đảm bảo sản phẩm được thực hiện theo đúng nội dung các bước thiết kế đã quy định; phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng được áp dụng và nhiệm vụ thiết kế, hợp đồng giao nhận thầu thiết kế với chủ đầu tư.

- Các tổ chức tư vấn thiết kế công trình không được chỉ định nơi sản xuất, cung ứng các loại vật liệu hay vật tư kỹ thuật.

- Đồ án thiết kế chỉ được thực hiện khi chủ nhiệm đồ án thiết kế và các chủ trì thiết kế có đủ năng lực theo quy định của Bộ Xây dựng. Người chủ nhiệm thiết kế và các chủ trì thiết kế phải chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng sản phẩm do mình thực hiện.

- Tổ chức tư vấn thiết kế phải có hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm thiết kế để kiểm soát chất lượng sản phẩm thiết kế.

- Tổ chức tư vấn lập thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công phải thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công xây lắp theo quy định.

- Tổ chức tư vấn thiết kế công trình xây dựng chuyên ngành ngoài việc phải thực hiện các quy định tại các khoản nêu trên của điều này, còn phải tuân thủ quy định về nội dung sản phẩm thiết kế công trình xây dựng chuyên ngành.

- Tổ chức tư vấn thiết kế không được giao thầu lại toàn bộ hợp đồng hoặc phần chính của nội dung hợp đồng cho một tổ chức tư vấn thiết kế khác.

- Việc nghiệm thu sản phẩm thiết kế phải lập biên bản theo mẫu quy định, trong đó có nêu rõ những sai sót (nếu có), thời gian khắc phục, bổ sung và kết luận về chất lượng.

- Hồ sơ thiết kế xây dựng phải được lưu trữ theo quy định hiện hành.

-Về nội dung giám sát quyền tác giả:

·Giải thích tài liệu thiết kế công trình cho chủ đầu tư, tư vấn đấu thầu, doanh nghiệp xây lắp để quản lý thi công theo đúng yêu cầu của thiết kế;

·Phối hợp giải quyết các vướng mắc, thay đổi, phát sinh về thiết kế trong quá trình thi công;

·Kiểm tra công tác thi công xây lắp về sự phù hợp với thiết kế được duyệt;

·Tham gia nghiệm thu các giai đoạn xây lắp, nghiệm thu chạy thử thiết bị, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình và toàn bộ công trình khi chủ đầu tư yêu cầu;

·Thực hiện chế độ giám sát không thường xuyên, trừ trường hợp thi công các kết cấu, các bộ phận, hạng mục công trình được thiết kế theo công nghệ tiên tiến và đối với giai đoạn thi công hoàn thiện (phải giám sát thường xuyên).

V- VỀ CHẤT LƯỢNG THẨM TRA THIẾT KẾ:

- Nếu thiết kế 2 bước, việc thẩm tra phải được tiến hành cho từng bước.

- Đơn vị thẩm tra là tổ chức không trực tiếp thiết kế.

- Nội dung thẩm tra chủ yếu về mức độ an toàn của công trình và những yêu cầu khác của chủ đầu tư. Đơn vị thẩm tra phải lập báo cáo theo mẫu.

- Bản vẽ đã thẩm tra, phải có đóng dấu theo quy định.

- Cán bộ thẩm tra phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã thẩm tra.

- Nếu khi thẩm tra phát hiện sai sót, dẫn đến lập lại thiết kế, chi phí thẩm tra do đơn vị thiết kế chịu.

- Việc thẩm tra không làm giảm trách nhiệm của đơn vị thiết kế.

- Hồ sơ thẩm tra thiết kế phải được lưu trữ theo quy định hiện hành.

VI- VỀ CHẤT LƯỢNG GIÁM SÁT XÂY LẮP VÀ LẮP ĐẶT THIẾT BỊ:

- Phải có bộ phận chuyên trách (có thể là doanh nghiệp tư vấn) đảm bảo duy trì hoạt động giám sát một cách có hệ thống toàn bộ quá trình thi công xây lắp, từ khi khởi công đến khi nghiệm thu, bàn giao.

- Phải phân định nhiệm vụ, quyền hạn của giám sát trưởng, các giám sát viên chuyên trách cho từng công việc và thông báo công khai tại công trường và đảm bảo việc giám sát được thường xuyên, liên tục.

- Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu của dự án.

- Kiểm tra các điều kiện khởi công; điều kiện về năng lực các nhà thầu, thiết bị thi công (phù hợp hồ sơ dự thầu), phòng thí nghiệm của nhà thầu hay những cơ sở sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng (khi cần thiết); kiểm tra chứng chỉ xuất xưởng, chứng chỉ chất lượng thiết bị công trình.

- Lập quy trình giám sát.

- Kiểm tra chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn, môi trường của công trình, hạng mục công trình.

- Tổ chức kiểm định sản phẩm xây dựng khi cần thiết (Điều 16-g, QĐ 18/2003/QĐ-BXD

- Kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công.

- Giúp chủ đầu tư tập hợp, kiểm tra và trình đơn vị quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng kiểm tra hồ sơ, tài liệu nghiệm thu, trước khi tổ chức nghiệm thu (giai đoạn, chạy thử, hoàn thành).

- Giúp chủ đầu tư lập báo cáo thường kỳ về chất lượng công trình xây dựng theo quy định.

- Giúp chủ đầu tư (hay được ủy quyền) dừng thi công, lập biên bản khi nhà thầu vi phạm chất lượng, an toàn, môi trường xây dựng.

- Từ chối nghiệm thu các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Lý do từ chối phải thể hiện bằng văn bản.

- Lưu trữ hồ sơ giám sát theo quy định hiện hành.

VII- VỀ CHẤT LƯỢNG THI CÔNG XÂY LẮP:

- Doanh nghiệp phải tổ chức hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với hợp đồng giao thầu, trong đó cần có bộ phận giám sát chất lượng riêng của doanh nghiệp.

- Lập đầy đủ, đúng quy định nhật ký thi công xây dựng công trình.

- Chỉ được phép thay đổi, bổ sung vật liệu, khối lượng, khi được chủ đầu tư chấp thuận.

- Báo cáo đầy đủ quy trình tự kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng.

- Phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị giám sát, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nghiệm thu.

- Báo cáo thường xuyên với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn và môi trường xây dựng.

- Tổ chức nghiệm thu nội bộ trước khi mời đại diện chủ đầu tư nghiệm thu.

- Đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng cho người, thiết bị và những công trình lân cận, kể cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực.

- Lưu trữ hồ sơ quản lý chất lượng thi công xây lắp theo quy định hiện hành.

VII.CÔNG TÁC KIỂM TRA, NGHIỆM THU CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG:

- Các bộ phận bị che khuất của công trình phải được nghiệm thu và lập bản vẽ hoàn công, trước khi tiến hành những công việc tiếp theo.

- Công tác kiểm tra, nghiệm thu công trình xây dựng gồm các công tác chủ yếu: kiểm tra vật liệu, cấu kiện, thiết bị; tổ chức các bước nghiệm thu.

VIII.1- Kiểm tra vật liệu, cấu kiện, thiết bị:

a- Kiểm tra hồ sơ chất lượng vật liệu, cấu kiện, thiết bị: trước khi tiến hành công tác xây lắp, nhà thầu xây lắp (B) phải trình cho chủ đầu tư (A) hoặc tư vấn giám sát các hồ sơ chất lượng vật liệu, cấu kiện, thiết bị sẽ đưa vào công trình để bên A hoặc tư vấn giám sát kiểm tra sự phù hợp ( về chất lượng, quy cách, xuất xứ) của vật liệu, cấu kiện, thiết bị so với điều kiện sách. Hồ sơ chất lượng vật liệu, cấu kiện, thiết bị gồm:

- Các chứng chỉ kỹ thuật xuất xưởng, chứng chỉ xác nhận chủng loại và chất lượng vật liệu, cấu kiện, thiết bị do nơi sản xuất cấp; các phiếu kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, thiết bị do một tổ chức chuyên môn, tổ chức khoa học có tư cách pháp nhân sử dụng phòng thí nghiệm hợp chuẩn thực hiện (nếu cần)

b- Kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, thiết bị trước khi đưa vào công trường:

Các vật liệu, cấu kiện, thiết bị trước khi đưa vào công trường đều phải được kiểm tra về chủng loại, quy cách, xuất xứ theo hồ sơ chất lượng đã được chủ đầu tư chấp thuận. Kết quả kiểm tra phải được lập thành biên bản, ghi rõ chủng loại, quy cách,số lượng vật liệu, cấu kiện, thiết bị đưa vào công trường từng đợt, có ký xác nhận của đại diện bên B và đại diện bên A (hoặc tư vấn giám sát).

VIII.2- Các bước nghiệm thu công trình xây dựng:

Nghiệm thu công trình xây dựng bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Nghiệm thu công việc xây dựng

Nội dung công tác nghiệm thu công việc xây dựng (công tác đất, cốp pha, cốt thép, bê tông, khối xây, cấu kiện, bộ phận kết cấu công trình, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải); tùy tình hình thực tế mà phải có hay không:

- Kiểm tra hiện trạng đối tượng nghiệm thu.

- Kiểm tra hệ thống chống đỡ tạm, giàn giáo và các giải pháp bảo đảm an toàn.

- Kiểm tra các kết quả thử nghiệm, đo lường để xác định chất lượng và khối lượng của vật liệu, cấu kiện xây dựng, kết cấu, bộ phận công trình, máy móc thiết bị, trong đó công việc kiểm tra là bắt buộc đối với:

+ Kết quả thử nghiệm chất lượng về biện pháp gia cố nền, sức chịu tải của cọc móng (kể cả cừ tràm)

+ Kết quả thí nghiệm đất (đá) đắp.

+ Kết quả thí nghiệm bê tông, cốt thép, kết cấu thép.

+ Kết quả thí nghiệm mối hàn, liên kết bu lông cường độ cao của kết cấu thép.

+ Kết quả kiểm tra ứng suất, biến dạng của cốt thép ứng suất trước.

+ Kết quả thử nghiệm kết cấu (nếu có): vì kèo thép, kết cấu chịu lực…

+ Kết quả kiểm tra khối lượng của kết cấu, bộ phận hoặc công trình.

+ Kết quả đo chiều dày lớp sơn chống cháy.

- Đối chiếu và so sánh những kết quả kiểm tra nêu trên với thiết kế được duyệt, quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất.

- Đánh giá kết quả công việc, đánh giá chất lượng đối với từng công việc xây dựng; lập bản vẽ hoàn công công việc. Cho phép chuyển công việc tiếp theo khi công việc trước đủ điều kiện nghiệm thu.

Từ các cơ sở nêu trên, lập biên bản nghiệm thu (kèm theo bản vẽ hoàn công) theo mẫu tại các Phụ lục số 8, 9, 10, 11, 12 Quyết định 18/2003/QĐ-BXD.

Các lưu ý khi tiến hành nghiệm thu công việc xây dựng:

- Khi lấy mẫu thí nghiệm phải lập biên bản lấy mẫu có đại diện của A(giám sát), B cùng ký. Biên bản lấy mẫu phải ghi rõ quy cách mẫu, số lượng mẫu, ký hiệu mẫu, thời gian lấy mẫu và cấu kiện lấy mẫu.

- Số lượng mẫu thí nghiệm được lấy phải tuân theo tiêu chuẩn xây dựng đã được quy định. Nếu lấy ít hơn sẽ không đủ căn cứ kết luận chất lượng cấu kiện, ngược lại lấy quá nhiều sẽ gây lãng phí.

- Với các mẫu đưa đi thí nghiệm,phải có biên bản bàn giao mẫu giữa bên A, bên B và đại diện tổ chức thí nghiệm. Bản kết quả thí nghiệm mẫu phải được tiến hành ở những phòng thí nghiệm với các thiết bị thí nghiệm đã được công nhận hợp chuẩn (LAS…). Hồ sơ thí nghiệm phải được lưu trữ theo quy định hiện hành.

- Nghiệm thu công việc xây dựng phải tiến hành cho từng công tác, từng cấu kiện bộ phận, biên bản nghiệm thu phải ghi rõ trên công tác, cấu kiện được nghiệm thu và phải ghi đầy đủ các mục đã qui định theo mẫu.

Bước 2: Nghiệm thu hoàn thành giai đọan xây lắp.

- Thực hiện khi kết thúc các giai đoạn xây lắp nhằm đánh giá kết quả và chất lượng của từng giai đọan xây lắp, trước khi Chủ đầu tư cho phép chuyển sang thi công giai đọan xây lắp tiếp theo.

- Phân chia giai đọan xây lắp trong công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, thông thường như sau:

+ San nền; Gia cố nền (nếu là gói thầu riêng)

+ Thi công xong cọc,móng, các phần ngầm khác.

+ Xây lắp kết cấu thân nhà (xây thô);

+ Thi công cơ điện, hoàn thiện công trình.

- Đối với các công trình xây dựng lớn, chia làm nhiều gói thầu trong một hạng mục thì phân chia giai đoạn xây lắp theo gói thầu.

- Đối với các công trình xây dựng cầu, đường, cấp thoát nước, thủy lợi, đê… tham khảo phụ lục 20 của Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng (18/2003/QĐ-BXD).

Các Sở có công trình xây dựng chuyên ngành có văn bản quy định hướng dẫn phân chia các giai đọan xây lắp công trình cho phù hợp với chuyên ngành.

- Nội dung công tác nghiệm thu hoàn thành giai đọan xây lắp:

+ Kiểm tra đối tượng nghiệm thu tại hiện trường; kiểm tra các biên bản nghiệm thu công việc, cấu kiện có liên quan.

+ Kiểm tra các kết quả thí nghiệm, đo lường để xác định chất lượng và khối lượng của vật liệu, cấu kiện, kết cấu bộ phận công trình, thiết bị. Công việc kiểm tra là bắt buộc đối với:

· Kết quả thử tải các loại bể chứa, thử áp lực ường ống…

· Kết quả thí nghiệm, hiệu chỉnh, vận hành thử máy móc thiết bị lắp đặt trong công trình: cấp điện, cấp nước, thoát nước, thang máy, điều hòa không khí trung tâm, báo cháy báo khói, chữa cháy, chống sét, quan sát – bảo vệ, mạng vi tính, điện thoạt, âm thanh, thiết bị của hệ thống điện tử…

· Các tài liệu đo đạc kích thước hình học, tim, mốc, biến dạng,chuyển vị, thấm (nếu có), kiểm tra khối lượng kết cấu, bộ phận công trình

+ Văn bản của tổ chức tư vấn thiết kế đồng ý thi công cọc đại trà sau khi có kết quả thí nghiệm cọc.

+ Đối chiếu và so sánh những kết quả kiểm tra nêu trên với tài liệu thiết kế được duyệt, với quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tương ứng của Nhà nước, của ngành hiện hành được chấp thuận sử dụng và các quy định hoặc chỉ dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất vật liệu, thiết bị công nghệ.

+ Kiểm tra hồ sơ nghiệm thu. Lưu ý hồ sơ nghiệm thu giai đoạn phải tập hợp tài liệu pháp lý, tài liệu quản lý chất lượng theo danh mục quy định tại Phụ lục số 20 – QĐ 18/QĐ-BXD.

Khi đối tượng nghiệm thu có chất lượng đạt yêu cầu thiết kế được duyệt, phù hợp quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn kỹ thuật được chấp thuận sử dụng, bảo đảm các chỉ dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất và hồ sơ nghiệm thu đã được cơ quan Quản lý nhà nước về chất lượng có biên bản kiểm tra chấp thuận (theo phụ lục 19) thì chủ đầu tư lập biên bản nghiệm thu theo phụ lục 13 của Quy định 18/2003/QĐ-BXD.

- Những người ký biên bản nghiệm thu phải là những người đại diện hợp pháp của cấp có thẩm quyền của các bên tham gia nghiệm thu.

Bước 3: Nghiệm thu hoàn thành công trình, hoặc hạng mục công trình để đưa vào sử dụng.

- Thực hiện khi kết thúc việc xây dựng để đánh giá chất lượng công trình và toàn bộ kết quả xây lắp trước khi đưa công trình hoặc hạng mục công trình vào sử dụng.

- Những công việc cần thực hiện trước khi tổ chức nghiệm thu đưa hạng mục công trình và toàn bộ công trình hoàn thành vào sử dụng:

Trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ quan chuyên ngành để có các văn bản nghiệm thu, chấp thuận hệ thống kỹ thuật, công nghệ đủ điều kiện sử dụng, bao gồm:

+ Giấy chứng nhận nghiệm thu hệ thống phòng chống cháy nổ của Phòng Cảnh sát PCCC – Sở Công an TP Hồ Chí Minh.

+ Phiếu xác nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường Bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh (nếu công trình thuộc loại phải đăng ký môi trường)

+ Giấy phép sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

+ Cho phép sử dụng những công trình kỹ thuật hạ tầng ngoài hàng rào (việc đấu nối điện, cấp thoát nước, giao thông…).

+ Văn bản kiểm tra hệ thống chống sét.

- Nội dung công tác nghiệm thu khi hoàn thành xây dựng:

+ Kiểm tra hiện trường

+ Kiểm tra toàn bộ khối lượng và chất lượng xây lắp (kỹ, mỹ thuật) của hạng mục hoặc toàn bộ công trình so với thiết kế được duyệt.

+ Kiểm tra kết quả thử nghiệm, vận hành thử đồng bộ hệ thống máy móc thiết bị công nghệ.

+ Kết quả đo đạc, quan trắc lún và biến dạng (độ lún, độ nghiêng, chuyển vị ngang, góc xoay) của các hạng mục công trình (trụ tháp, nhà cao tầng hoặc kết cấu nhịp lớn…) trong thời gian xây dựng (ngay sau khi thi công móng cho đến thời điểm nghiệm thu), đặc biệt là trong quá trình thử tải các loại bể.

+ Kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn về vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động thực tế của công trình so với thiết kế được duyệt, quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tương ứng của Nhà nước, của ngành hiện hành được chấp thuận sử dụng và những điều khoản quy đinh tại hợp đồng xây lắp;

+ Kiểm tra chất lượng hồ sơ hoàn thành công trình (phụ lục 20 – Quy định số 18/2003/QĐ-BXD). Tùy thuộc vào tính chất, quy mô công trình, chủ đầu tư xác định danh mục hồ sơ tài liệu phù hợp phục vụ nghiệm thu.

- Sau khi kiểm tra, nếu hạng mục hoặc toàn bộ công trình có chất lượng đạt yêu cầu thiết kế được duyệt, phù hợp quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn kỹ thuật được chấp thuận sử dụng, bảo đảm an toàn về vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, có đầy đủ hồ sơ tài liệu hoàn thành và hồ sơ nghiệm thu đã được cơ quan Quản lý nhà nước về chất lượng có biên bản kiểm tra chấp thuận (theo phụ lục 19) thì chủ đầu tư lập biên bản nghiệm thu theo phụ lục số 14 của Quy định số 18/2003/QĐ-BXD.

Với các hạng mục phụ như nhà xe, tường rào, nhà bảo vệ, sân đường nội bộ... chủ đầu tư và các bên liên quan chủ động kiểm tra và lập biên bản nghiệm thu ( trên cơ sở các biên bản nghiệm thu công tác xây lắp) sau khi hạng mục hoàn thành, không cần có biên bản kiểm tra hồ sơ nghiệm thu của cơ quan Quản lý Nhà nước.

Những người ký biên bản nghiệm thu phải là những người đại diện hợp pháp của cấp có thẩm quyền của các bên tham gia nghiệm thu.

- Trong trường hợp có những thay đổi so với thiết kế được duyệt, có các công việc chưa hoàn thành, hoặc những hư hỏng sai sót (kể cả những hư hỏng sai sót đã được sửa chữa), các bên có liên quan phải lập, ký, đóng dấu các bảng kê theo mẫu tại các Phụ lục 15, 16, 17 Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng.

VIII.3 Trách nhiệm của Chủ đầu tư trong việc tổ chức nghiệm thu:

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về kết quả nghiệm thu, tổ chức toàn bộ công tác nghiệm thu, theo đúng Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng, cụ thể như sau:

- Trong quá trình thi công, chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đơn vị tư vấn, thi công trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, kịp thời có biện pháp xử lý ngay khi có vi phạm,kể cả đình chỉ công việc và thay thế bằng đơn vị mới.

- Kiểm sóat tư cách pháp lý, chế độ trách nhiệm khi thực hiện nghiệm thu:

+ Chủ đầu tư phải kiểm tra thành phần các bên tham gia nghiệm thu, tính hợp lệ của các thành viên tham gia nghiệm thu (các thành viên này phải là đại diện hợp pháp của cấp có thẩm quyền của các bên tham gia nghiệm thu)

+ Trong mọi biên bản nghiệm thu đề phải ghi rõ tên cụ thể của các tổ chức đã tham gia nghiệm thu (Chủ đầu tư; Doanh nghiệp nhận thầu, dơn vị thi công trực tiếp, tổ chức tư vấn giám sát thi công…).

+ Mọi thành viên khi ký biên bản nghiệm thu đều phải ghi rõ họ tên, chức vụ bên dưới chữ ký.

+ Biên bản nghiệm thu hoàn thành xây dựng công trình là căn cứ pháp lý để chủ đầu tư làm thủ tục bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, quyết toán vốn đầu tư và thực hiện đăng ký tài sản theo quy định của pháp luật.

+ Trong quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng (số18/2003/QĐ-BXD) khi ký các biên bản nghiệm thu hoàn thành giai đoạn xây lắp (bước 2), nghiệm thu hoàn thành hạng mục, công trình để đưa vào sử dụng (bước 3) chỉ quy định bắt buộc Chủ đầu tư phải đóng dấu, còn các bên tham gia nghiệm thu chỉ phải ký biên bản (ghi rõ họ tên, chức vụ), không phải đóng dấu, bởi vậy Chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về kết quả nghiệm thu. Chủ đầu tư và các bên có liên quan (Tổ chức tư vấn do Chủ đầu tư thuê giám sát thi công, Doanh nghiệp nhận thầu xây lắp, Tổ chức tư vấn thiết kế) phải có biện pháp kiểm soát trách nhiệm và kết quả làm việc của các thành viên đã tham gia nghiệm thu.

* Chú ý: Chủ đầu tư phải tập hợp đủ 4 báo cáo hợp lệ về chất lượng giai đoạn xây lắp hoàn thành,chất lượng thiết bị chạy thử tổng hợp, chất lượng hạng mục hoặc công trình hoàn thành theo các Phụ lục 21, 22, 23, 24 – QĐ 18/QĐ-BXD.

Trong trường hợp Chủ đầu tư tự giám sát thi công, báo cáo của tổ chức tư vấn giám sát phải thay thế bằng báo cáo của cán bộ giám sát của Chủ đầu tư.

- Chủ đầu tư có trách nhiệm yêu cầu tổ chức tư vấn thiết kế công trình; nhà sản xuất hoặc cung cấp thiết bị công nghệ lắp đặt vào công trình phải soạn thảo, cung cấp tài liệu, văn bản Hướng dẫn quản lý vận hành sử dụng thiết bị, hệ thống kỹ thuật công trình; Hướng dẫn quản lý, vận hành, sử dụng công trình.

VIII.4 Một số lưu ý khác :

- Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp, tư vấn thiết kế cần nghiên cứu và thực hiện đầy đủ Quy định 18/2003/QĐ-BXD cũng như nội dung hướng dẫn của văn bản này.

- Các biên bản nghiệm thu phải lập theo mẫu đã nêu tại Quy định 18/2003/QĐ-BXD (kể từ ngày 14/8/2003) phải có xác nhận của các thành phần tham gia nghiệm thu theo quy định.

- Nhật ký công trường phải được lập theo đúng mẫu quy định (bắt buộc) theo TCVN 4055-1985.

* Kiểm tra hồ sơ, tài liệu nghiệm thu: Để đối chiếu và kiểm tra tài liệu trong hồ sơ được nhanh chóng, Chủ đầu tư phải lập Danh mục chi tiết các tài liệu nằm trong hồ sơ hoàn thành giai đoạn xây lắp, hoàn thành hạng mục hoặc công trình đưa vào sử dụng, theo mẫu kèm theo của văn bản này.

Hồ sơ nghiệm thu phải được sắp xếp khoa học, phù hợp với danh mục chi tiết và phải bảo đảm hình thức đã quy định trong Phụ lục 30- QĐ 18/QĐ-BXD để đễ dàng kiểm tra.

Chủ đầu tư tổ chức việc kiểm tra hồ sơ để các thành viên có liên quan tham dự kiểm tra hồ sơ, đối chiếu với danh mục tài liệu đã được lập sẵn, cùng ký biên bản kiểm tra hồ sơ nghiệm thu theo mẫu của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình (phụ lục 19 – QĐ 18/QĐ-BXD).

Biên bản kiểm tra hồ sơ nghiệm thu phải có chữ ký, ghi rõ họ tên; đóng dấu của tất cả các bên tham gia kiểm tra. Danh mục hồ sơ tài liệu kèm theo Biên bản kiểm tra, do Chủ đầu tư ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu.

Việc tập hợp, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu trước khi nghiệm thu hoàn thành có tác dụng lớn trong việc rà soát chất lượng, tạo bằng chứng về toàn bộ kết quả xây lắp. Vì vậy, chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện, lập biên bản kiểm tra hồ sơ kèm theo danh mục tài liệu hợp lệ như đã hướng dẫn trên đây, khắc phục tình trạng cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phải nhắc nhở nhiều như hiện nay.

- Sau khi Chủ đầu tư và các bên liên quan đã hoàn thành việc chuẩn bị hồ sơ có biên bản kiểm tra kèm theo danh mục tài liệu, cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng sẽ kiểm tra về mặt Nhà nước, ký biên bản. Biên bản kiểm tra hồ sơ nghiệm thu đã được đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng ký, là một trong những căn cứ để Chủ đầu tư tiến hành nghiệm thu.

- Tài liệu nêu trên là tài liệu thuộc Hồ sơ hoàn thành công trình (hồ sơ hoàn công), lưu trữ và nộp lưu trữ theo quy định về hồ sơ hoàn công, và phải bàn giao cho chủ quản lý, sử dụng công trình khi bàn giao sử dụng công trình.

- Để giúp Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp, tư vấn thiết kế dễ dàng hơn trong việc theo dõi công tác nghiệm thu, chuẩn bị hồ sơ nghiệm thu,Sở Xây dựng kèm theo hướng dẫn này một số phụ lục về mẫu danh mục hồ sơ, mẫu nhật ký công trường…; trích dẫn các TCVN về quy định kiểm tra, nghiệm thu các công tác xây dựng chủ yếu như nghiệm thu kết cấu BTCT, kết cấu thép, khối xây, hệ thống ống kỹ thuật v.v…

- Các chủ đầu tư phải lập hồ sơ nghiệm thu giai đoạn, nghiệm thu hạng mục hoặc hoàn thành công trình ngay sau khi hoàn tất công tác thi công xây lắp giai đoạn, hạng mục hoặc hoàn thành công trình,không được bỏ qua công tác nghiệm thu giai đoạn theo quy định hoặc tổ chức nghiệm thu giai đoạn quá trễ sau khi đã hoàn tất thi công xây lắp các giai đoạn sau.

Từ nay về sau, trong quá trình thụ lý hồ sơ hoặc kiểm tra chất lượng công trình, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng xây dựng công trình đã được quy định trong điều 19, điều 20- Nghị định số 48/CP ngày 5.5.1997 của Chính phủ.

IX. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG:

IX.1- Cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp (Sở Xây dựng; các Sở có công trình xây dựng chuyên ngành; các phòng quản lý Đô thị Quận – Huyện) và các cơ quan được ủy quyền khác không trực tiếp nghiệm thu công trình xây dựng: không tham gia các bên nghiệm thu hoặc Hội đồng nghiệm thu của Chủ đầu tư, không ký tên trực tiếp vào Biên bản nghiệm thu của Chủ đầu tư, trừ trường hợp có Hội đồng nghiệm thu Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Trước khi Chủ đầu tư tiến hành nghiệm thu, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp có trách nhiệm:

- Hướng dẫn, kiểm tra sự tuân thủ Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư;

- Kiểm tra hồ sơ nghiệm thu do Chủ đầu tư xuất trình, xác định cơ sở pháp lý của hồ sơ và ký vào Biên bản kiểm tra hồ sơ nghiệm thu, theo mẫu tại Phụ lục 19

IX.2- Cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác nghiệm thu, hồ sơ nghiệm thu của Chủ đầu tư đối với những công trình xây dựng có liên quan đến an toàn cộng đồng, đó là những công trình quy định Chủ đầu tư phải thuê tư vấn để thẩm tra thiết kế kỹ thuật, tại khoản 1 Điều 8- Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng, cụ thể gồm công trình thuộc các dự án đầu tư xây dựng như sau:

- Dầu khí, hóa chất;

- Cầu, cảng sông, cảng biển;

- Đê, đập, hồ chứa nước;

- Công trình cao tầng, trường học, bệnh viện, nhà thi đấu, khán đài sân vận động, rạp chiếu bóng, nhà hát, những công trình tập trung đông người.

- Những công trình khi bị sự cố có thể gây ra thảm họa.

Đối với những công trình nêu trên, Chủ đầu tư gửi trước hồ sơ nghiệm thu để cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp kiểm tra trước khi Chủ đầu tư tiến hành nghiệm thu hoàn thành giai đọan: hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình để đưa vào sử dụng.

Đối với những công trình thuộc những loại dự án không nêu tại khoản 1, điều 8- Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng: Chủ đầu tư có trách nhiệm tự kiểm tra hồ sơ và ký biên bản nghiệm thu cùng với các thành viên tham gia nghiệm thu, hoặc Hội đồng nghiệm thu do Chủ đầu tư thành lập.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp có quyền kiểm tra Chủ đầu tư trong việc tổ chức nghiệm thu những công trình đó.

X. VỀ ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG:

X.1. Nguyên tắc đảm bảo: Một người không được đảm nhận đồng thời quá 2 chức danh và thực hiện đồng thời quá 2 công việc theo 1 chức danh nêu tại khoản 3 điều này. Người đảm nhận các chức danh nêu trên không được giao lại cho người khác thay mình đảm nhận chức danh đó.

Người thẩm tra, thẩm định và nghiệm thu các sản phẩm tư vấn đầu tư xây dựng phải xem xét về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân làm ra sản phẩm đó; trường hợp không đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định này thì được quyền không xem xét hoặc không nghiệm thu.

X.2- Đối với hoạt động tư vấn của tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng : Phải có đủ số người đủ năng lực để đảm nhận chức danh và có quyết định giao nhiệm vụ đúng quy định như : chủ nhiệm lập dự án, người chủ trì những lĩnh vực chuyên môn theo yêu cầu của dự án. Tất cả phải có trong biên chế hay hợp đồng với tổ chức tư vấn đó. - Chủ nhiệm lập dự án và người phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn đáp ứng được những điều kiện ghi ở điều 6, quyết định 19/2003/QĐ-BXD.

X.3- Điều kiện năng lực Ban Quản lý dự án: Lãnh đạo Ban Quản lý dự án phải đáp ứng được những điều kiện ghi ở điều 7, Quyết định 19 nêu trên.

X.4- Điều kiện năng lực của nhà thầu khảo sát xây dựng : Người chủ trì khảo sát và người phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn phải đáp ứng được những điều kiện ghi ở điều 8, Quyết định 19 nêu trên.

X.5- Điều kiện năng lực của nhà thầu thiết kế công trình: Chủ nhiệm đồ án, chủ trì thiết kế các lĩnh vực chuyên môn phải đáp ứng được những điều kiện ghi ở điều 9, Quyết định 19 nêu trên.

X.6- Điều kiện năng lực giám sát thi công xây lắp: Giám sát trưởng, các giám sát chuyên ngành phải đáp ứng được những điều kiện ghi ở điều 10, Quyết định 19 nêu trên.

X.7- Điều kiện năng lực của người kiểm định chất lượng xây dựng: Người chủ trì kiểm định phải đáp ứng được những điều kiện ghi ở điều 11, Quyết định 19 nêu trên. Có phòng thí nghiệm và thiết bị tham gia thí nghiệm phải hợp chuẩn theo quy định.

X.8- Điều kiện năng lực tổ chức thi công xây lắp, thầu chính, thầu phụ: Được quy định theo điều 12, 13, 14 của quyết định 19, và phải được kiểm tra chặt chẽ trong quá trình chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế, đấu thầu rộng rãi, cũng như trong quá trình tổ chức thi công sau khi đã được chọn hay trúng thầu.

XI. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN:

- Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ hay đột xuất công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, nhóm B, C, có sử dụng vốn ngân sách của thành phố, do thành phố quản lý, cũng như điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các bên liên quan.

- Sở Xây dựng sẽ phối hợp với những Sở có công trình xây dựng chuyên ngành, các UBND quận, huyện để kiến nghị UBND thành phố ban hành những quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng (Nghị định 48/CP), đặc biệt là về vi phạm tiến độ, chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng, vi phạm về quy định năng lực hoạt động xây dựng, kể cả việc UBND thành phố sẽ không cho đơn vị đó tham gia các công trình của thành phố trong thời hạn 2 năm (kể từ khi có kết luận chính thức về vi phạm). Nếu tái phạm sau đó, thời gian sẽ tăng gấp đôi.

- Sở Xây dựng chủ trì xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng và giám định sự cố công trình xây dựng trên địa bàn, theo phân cấp, cũng như các vi phạm liên quan đến năng lực hoạt động xây dựng của các bên liên quan.

Những vấn đề có liên quan đến quản lý chất lượng và nghiệm thu công trình xây dựng không nêu tại văn bản này, yêu cầu thực hiện theo quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành theo Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các quy phạm hiện hành.

Hướng dẫn này cần được phổ biến đến tất cả các Chủ đầu tư, không kể nguồn vốn thực hiện, để hiểu và vận dụng trong quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, các địa phương nếu có điều gì vướng mắc, đề nghị phản ảnh bằng văn bản gửi về Sở Xây dựng để nghiên cứu, sửa đổi bổ sung; báo cáo xin ý kiến Bộ Xây dựng nếu cần.

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hướng dẫn 1336/2004/HD-XD-QLCL ngày 07/07/2004 về thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.641

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.250.65
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!