ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 592/CTr-UBND
|
Gia Lai, ngày 30
tháng 03 năm 2022
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05-NQ/TU NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2022 CỦA
BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH GIA LAI (KHÓA XVI) VỀ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG
BỘ, NHẤT LÀ HẠ TẦNG CÁC VÙNG ĐỘNG LỰC CỦA TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2030
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết
số 05-NQ/TU ngày 20 tháng 01 năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai
(khóa XVI) về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động
lực của tỉnh Gia Lai đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết), Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết (sau đây gọi tắt
là Chương trình) với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Chương trình xác định các
nhiệm vụ chủ yếu, có tính tổng hợp, bao quát của tỉnh để chỉ đạo, tổ chức triển
khai thực hiện thành công mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ,
nhất là hạ tầng các vùng động lực; nhằm tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
vào những dự án, công trình có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều
kiện phát triển nhanh và bền vững; cụ thể hoá Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Gia
Lai khoá XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
2. Chương trình có tầm nhìn tổng
thể, đưa ra được các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kết cấu hạ tầng, trước mắt tập
trung vào các hạ tầng: (1) giao thông (các tuyến đường bộ mang tính kết nối, đột
phá, cảng hàng không); (2) kết nối đô thị vùng động lực; (3) các khu, cụm công
nghiệp; (4) kết nối phát triển du lịch; (5) công nghệ thông tin và viễn thông
(phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị
thông minh); để khơi thông các điểm nghẽn, nhằm tạo động lực thúc đẩy quá trình
cơ cấu lại nền kinh tế và tạo đà cho các hạ tầng khác phát triển.
3. Chương trình là căn cứ cho
các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng nhiệm
vụ của mình để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các mục tiêu và
nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra. Các nhiệm vụ đặt ra trong chương trình phải được
cân đối với nguồn lực có thể huy động được nhằm thực hiện thành công các mục
tiêu của Nghị quyết. Đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết,
tổng kết quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
II. NHIỆM VỤ
CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ
chung
Tập trung huy động mọi nguồn lực
để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giải quyết cơ bản những điểm nghẽn nhằm tạo
ra nền móng cho các lĩnh vực khác phát triển; trước mắt tập trung các hạ tầng
trọng tâm được xác định trong Nghị quyết.
2. Nhiệm vụ
cụ thể
2.1. Kết cấu hạ tầng giao thông
và logictis
- Đường Cao tốc: Phối hợp với tỉnh
Bình Định khẩn trương xây dựng đề án khả thi trình Chính phủ sớm đưa vào khởi
công và phấn đấu hoàn thành trước năm 2030 tuyến đường cao tốc Quy Nhơn -
Pleiku dài 180 km (có thể thực hiện theo hình thức đối tác công tư) hoặc thu
hút đầu tư nước ngoài theo danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 đã được
Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/11/2021.
- Hệ thống quốc lộ: Có 100% đường
có mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng, quy mô từ đường cấp III trở lên; tập
trung các dự án sau:
+ Quốc lộ 19: Hoàn thành nâng cấp,
mở rộng đạt quy mô đường cấp III, đảm bảo kết nối cảng Quy Nhơn, với các vùng động
lực: An Khê, Pleiku và Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.
+ Quốc lộ 25: Hoàn thành nâng cấp,
mở rộng đạt quy mô đường cấp III; đảm bảo kết nối với tỉnh Phú Yên với các vùng
động lực: Chư Sê, Ayun Pa, Pleiku.
+ Quốc lộ 14C: Hoàn thiện nâng
cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp IV, kết nối với các tỉnh Kon Tum, Đăk Lăk, quốc
lộ 19 và vùng động lực Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và đảm bảo an ninh
quốc phòng khu vực biên giới.
+ Đường tỉnh 668 (nâng lên quốc
lộ): Hoàn thiện nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp III, phối hợp với tỉnh
Đăk Lăk đề xuất Trung ương Đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối vùng Ea
H’Leo (Đắk Lắk) và Ayun Pa (Gia Lai).
- Hệ thống đường tỉnh: Có 100%
đường có mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng, quy mô đường đạt cấp IV trở lên;
tập trung các dự án sau:
+ Đường tỉnh 663: Nâng cấp, mở
rộng đạt quy mô đường cấp III và cấp IV, là tuyến đường kết nối quốc lộ 19 với
quốc lộ 14C và kết nối với đường liên huyện Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ - Chư
Prông, tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối các vùng kinh tế
trong tỉnh.
+ Đường tỉnh 664: Nâng cấp, mở
rộng đạt quy mô đường cấp III và cấp IV (riêng các đoạn qua thành phố Pleiku và
thị trấn Ia Kha theo quy mô đường đô thị), kết nối với các tuyến đường Hồ Chí
Minh đoạn tránh Pleiku, đường liên huyện Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ - Chư
Prông, cùng với quốc lộ 14C, đường tỉnh 664 tạo thành một mạng lưới giao thông
liên hoàn kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh với vành đai kinh tế Pleiku - Ia
Grai.
+ Đường tỉnh 665: Nâng cấp, mở
rộng đạt quy mô đường cấp IV, tuyến kết nối quốc lộ 14 với quốc lộ 14C, nối
vùng động lực Chư Sê với huyện Chư Prông.
+ Đường tỉnh 666 (Mang Yang -
Ia Pa): Nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp IV, tuyến kết nối quốc lộ 19 với
Đường Trường Sơn Đông.
+ Đường tỉnh 669: Nâng cấp, mở
rộng đạt quy mô đường cấp III, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng động lực
An Khê, kết nối An Khê với huyện Kbang và đường Trường Sơn Đông.
+ Đường liên huyện Chư Sê - Chư
Pưh - Chư Prông (thuộc tuyến đường liên huyện quy hoạch T3): Đầu tư nâng cấp, mở
rộng đạt quy mô đường cấp IV, tuyến kết nối với tuyến Đường liên huyện Chư Păh
- Ia Grai - Đức Cơ - Chư Prông tạo tuyến đường liên hoàn kết nối các huyện ở
phía Tây của tỉnh với vùng động lực Chư Sê.
+ Đường liên huyện Pleiku - Đak
Đoa - Chư Sê (dự kiến nâng cấp thành đường tỉnh) với quy mô đường cấp IV, kết nối
vùng động lực Pleiku và Chư Sê.
- Tập trung xây dựng cảng cạn tại
Khu công nghiệp Nam Pleiku (quy mô 10 ha) và kêu gọi đầu tư một số cảng cạn, hạ
tầng logictis nhằm hình thành trung tâm kho vận logictis.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận
tải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở đầu tư nâng cấp, mở rộng
Cảng hàng không Pleiku phục vụ cho hoạt động bay nội vùng, liên vùng và có một
số tuyến bay quốc tế.
2.2. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất
là các vùng đồng lực:
2.2.1. Đối với thành phố
Pleiku:
- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao
các tiêu chí đô thị loại I, xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh,
cao nguyên xanh, vì sức khỏe con người, trở thành trung tâm kinh tế-xã hội, đô
thị có tính lan toả lớn.
- Trong giai đoạn 2021-2025 xây
dựng khép kín tuyến vành đai 1; trong đó đầu tư nâng cấp các tuyến đường Lê Đại
Hành, tuyến đường Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt; Nguyễn Chí Thanh; Lê Thánh Tôn.
- Hoàn chỉnh các tuyến vành đai
2: Gồm tuyến đường hành lang kinh tế phía Đông thành phố Pleiku (đường tránh quốc
lộ 19): Quy mô đường phố chính đô thị thứ yếu tạo kết nối mới nối quốc lộ 19 với
đường Hồ Chí Minh (QL14); đầu tư tuyến tránh quốc lộ 19 khu vực phía Đông - Nam
thành phố Pleiku (thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây
Nguyên), phục vụ cho việc mở rộng không gian đô thị Pleiku.
- Phát triển các tuyến giao
thông trong đô thị; các tuyến giao thông nối khu đô thị trung tâm hiện hữu với
các tuyến vành đai để tạo quỹ đất nhằm thu hút các dự án đầu tư từ các thành phần
kinh tế; đầu tư đường Nguyễn Văn Linh, đường Hoàng Sa, đường 17/3 nối dài (kéo
dài về phía Tây thành phố Pleiku kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh
Pleiku, kéo dài về phía Đông kết nối với huyện Đak Đoa); đường Lý Tự Trọng nối
dài; dự án phát triển các đô thị loại vừa thành phố Pleiku (hệ thống xử lý nước
thải, đường quy hoạch D3);…trong quá trình đầu tư chú trọng bố trí các bãi đỗ
xe; phát triển các khu dân cư mới; xử lý nước thải, rác thải và cải thiện môi
trường đô thị.
- Hình thành các tổ hợp thương
mại, khu phức hợp, các công trình hiện đại tạo điểm nhấn cho thành phố; tập trung
đầu tư xây dựng Nhà hát, Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và Thư viện tổng
hợp tỉnh, Trụ sở liên cơ quan; dự án nhà cao tầng, khách sạn, trung tâm thương
mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp; dự án khu đô thị CK 54; Khu dân cư Trường
Chinh;…
- Xây dựng các nền tảng, đảm bảo
an toàn thông tin mạng để triển khai xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị
thông minh.
2.2.2. Đối với thị xã An Khê:
Cơ bản đạt các chỉ tiêu và đủ điều kiện công nhận là đô thị loại III (là đô thị
trung tâm khu vực phía Đông).
- Hoàn thành các tuyến tránh
trung tâm thị xã An Khê (tuyến tránh phía Nam và tuyến tránh phía Bắc thị xã;
ưu tiên tập trung phát triển hệ thống đường giao thông đô thị kết nối với đường
tránh phía Bắc thị xã, nhằm mở rộng, phát triển khu đô thị và khu dân cư hiện hữu
như: tuyến đường Lý Thường Kiệt, đường Trần Quốc Toản (kết nối khu đô thị phường
An Tân với đường tránh phía Bắc, bến xe, chợ đầu mối thị xã thuộc địa bàn phường
An Bình).
- Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng
bộ hạ tầng giao thông khu đô thị phường An Tân; đường giao thông khu trung tâm
phường An Phước, phường Ngô Mây và các khu quy hoạch khu dân cư đô thị để khai
thác quỹ đất và phục vụ phát triển đô thị.
- Đầu tư nâng cấp, mở rộng các
tuyến đường nội thị đảm bảo yêu cầu phát triển và chỉnh trang đô thị; quy hoạch
các điểm dừng, đỗ xe tại khu vực trung tâm thị xã.
2.2.3. Đối với thị xã Ayun Pa:
Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị theo quy định.
- Ưu tiên đầu tư xây dựng đường
vành đai 1 (điểm đầu từ quốc lộ 25 phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa đến giao lộ
đường Trường Sơn Đông với Quốc lộ 25): Đây là tuyến đường tránh quốc lộ 25 về
phía Tây thị xã Ayun Pa, từng bước kết nối các tuyến giao thông nội thị với tuyến
vành đai nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn của thị xã và hình
thành các khu dân cư mới. Phát triển mở rộng khu đô thị về hướng Tây của thị xã
kết nối với tuyến quốc lộ 25 theo định hướng quy hoạch phát triển vùng kinh tế
động lực.
- Tập trung nguồn lực đầu tư đồng
bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang đô thị; Thực hiện đầu tư xây dựng mới,
mở rộng, nâng cấp 06 tuyến đường nội thị, các tuyến đường quy hoạch khu dân cư
theo quy hoạch với chiều dài 8,17km. Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới
(04 khu) với diện tích khoảng hơn 31,97 ha tại các phường trên địa bàn thị xã.
- Kêu gọi đầu tư chợ trung tâm
thị xã; siêu thị tổng hợp, hình thành khu trung tâm thương mại để tạo điểm nhấn
phát triển. Quy hoạch và thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu thương mại -
dịch vụ - dân cư Chợ trung tâm.
2.2.4. Đối với huyện Chư Sê: Tiếp
tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị theo quy định; đảm bảo các tiêu chí để thành
lập thị xã Chư Sê (trên cơ sở đơn vị hành chính huyện Chư Sê).
- Phát triển kết cấu hạ tầng gắn
theo trục quốc lộ 14 với đường tránh Đông; ưu tiên nâng cấp hệ thống đường nội
thị thị trấn Chư Sê để đạt đô thị loại III (thành lập thị xã), quy mô đường loại
A, chiều dài khoảng 30 km; trong đó tỉnh hỗ trợ đầu tư 06 tuyến với chiều dài
6,53km.
- Hình thành Khu dân cư đô thị
mới Tổ dân phố 12, thị trấn Chư Sê, diện tích khoảng 26 ha; Khu dân cư đô thị mới
và Hồ sinh thái thôn Hồ nước, thị trấn Chư Sê, diện tích khoảng 82,95 ha. Khu
thương mại cao cấp trung tâm thị trấn Chư Sê (chợ trung tâm thị trấn), diện
tích 0,88 ha.
2.2.5. Khu kinh tế cửa khẩu quốc
tế Lệ Thanh: Trước mắt trong giai đoạn 2021-2025 tập trung quy hoạch, kêu gọi đầu
tư hạ tầng khu trung tâm cửa khẩu và thị trấn Đức cơ. Tập trung đầu tư san lấp
mặt bằng diện tích 43ha; đường giao thông Khu trung tâm L=9,78km, hệ thống điện
chiếu sáng, cây xanh.
2.3. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm
công nghiệp
2.3.1 Hạ tầng khu công nghiệp
- Quản lý, khai thác tốt hạ tầng
Khu công nghiệp Trà Đa, đảm bảo yêu cầu của nhà đầu tư. Hình thành dự án nhà ở
công nhân, công trình phúc lợi xã hội tại Khu công nghiệp Trà Đa, Khu công nghiệp
Nam Pleiku, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án này.
- Tập trung xây dựng hoàn thành
hạ tầng và đưa vào hoạt động hiệu quả Khu công nghiệp Nam Pleiku quy mô 199,55
ha, đến năm 2025 tỷ lệ lấp đầy là 100%; thu hút nhà đầu tư kết cấu hạ tầng khu
công nghiệp Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh quy mô 210,1 ha.
- Quy hoạch Khu công nghiệp mới
theo tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn để tạo lập quỹ đất nhằm kêu gọi nhà đầu tư
khi đảm bảo điều kiện.
2.3.2 Hạ tầng cụm công nghiệp
- Mở rộng và kêu gọi đầu tư
hoàn chỉnh Cụm công nghiệp Đăk Djrăng, huyện Mang Yang lên 75 ha; tập trung giải
phóng mặt bằng Cụm công nghiệp An Khê, thị xã An Khê. Phấn đấu lấp đầy trên 50%
diện tích đất xây dựng nhà máy trong cụm công nghiệp.
- Cụm công nghiệp Ia Khươl, huyện
Chư Păh và Cụm công nghiệp Ia Sao, thị xã Ayun Pa: hoàn chỉnh hạ tầng cụm công
nghiệp; tập trung kêu gọi đầu tư và phấn đấu lấp đầy trên 50% diện tích đất xây
dựng nhà máy trong cụm công nghiệp.
- Cụm công nghiệp Chư Sê, huyện
Chư Sê; cụm công nghiệp Phú An, huyện Đak Pơ; cụm công nghiệp Ia Pa, huyện Ia
Pa; cụm Công nghiệp Đak Đoa, huyện Đak Đoa; cụm công nghiệp huyện Kông Chro; cụm
công nghiệp huyện Phú Thiện và cụm công nghiệp Ia Grai, huyện Ia Grai: Phấn đấu
giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch trên diện tích đất quy hoạch; đồng thời
kêu gọi đầu tư và lấp đầy trên 50% diện tích hạ tầng cụm công nghiệp.
- Các cụm công nghiệp dự kiến
thành lập mới, chưa thành lập nhưng đã quy hoạch chi tiết và các cụm công nghiệp
chưa lập quy hoạch chi tiết ở các huyện Chư Prông, Chư Pưh, Krông Pa, Kbang… Tập
trung thực hiện công tác quy hoạch chi tiết, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để thành
lập. Thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng, phấn đấu tỷ lệ
lấp đầy đạt 30-40%.
- Tập trung thành lập các cụm
công nghiệp có điều kiện thuận lợi về hệ thống giao thông (gần trục quốc lộ, tỉnh
lộ, tuyến đường tránh, cao tốc), có nhà đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng kỹ thuật,
xa khu dân cư, thuận lợi trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, có khả năng kết
nối liên huyện và kết nối vùng nguyên liệu giữa các địa phương.
2.4. Phát triển kết cấu hạ tầng
kết nối du lịch; gồm:
- Nâng cấp đường từ quốc lộ 25
đến hồ Ayun Hạ: L=1,77km.
- Đường liên xã Ia Krai-Ia Khai
qua Thác Mơ: L=12,9km.
- Tuyến từ quốc lộ 25 (xã
Hbông, Chư Sê) đến di tích chiến thắng Plei Ring: L=4,6km.
- Hạ tầng di tích lịch sử Tây
Sơn thượng đạo: L=8,58 km.
- Đường vào khu du lịch Biển Hồ-Chư
Đang Ya: L=6,41km.
- Hạ tầng giao thông nội bộ Vườn
quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn Kon Chư Răng.
- Hoàn thành các thủ tục để đẩy
nhanh tiến độ triển khai các dự án liên quan đến du lịch, như: Sân golf và khu
phức hợp thương mại dịch vụ Đak Đoa; các dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Diên Phú,
Chi Lăng, Trà Bá; khu du lịch nghỉ dưỡng đồi thông, Hồ Ia Băng, Hồ Ayun Hạ... tạo
bước đột phá cho ngành du lịch, dịch vụ phát triển.
2.5. Phát triển kết cấu hạ tầng
công nghệ thông tin và viễn thông
- Xây dựng, phát triển hạ tầng
băng rộng chất lượng cao; triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động
thông minhtrên địa bàn tỉnh.
- Chuyển đổi toàn bộ mạng
Internet của tỉnh sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6);
phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT); xây dựng lộ trình và
triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu
như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận
cấu thành quan trọng của hạ tầng số. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng
thiết yếu, hạ tầng giao thông, đô thị, xây dựng phải có nội dung nghiên cứu,
phân tích để xem xét, bổ sung hạng mục ứng dụng, kết nối mạng IoT, tích hợp cảm
biến và ứng dụng công nghệ số. Các nội dung phát triển hạ tầng IoT phải bảo đảm
hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung.
- Phát triển hạ tầng số phục vụ
cho nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh: xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế
số và xã hội số. Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các sở, ban,
ngành, huyện, thị xã, thành phố, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ
tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn
lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu
quả. Xây dựng Cổng dữ liệu của tỉnh (Cổng dữ liệu mở), tích hợp với Cổng dữ liệu
quốc gia (data.gov.vn) nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu để khai thác, sử
dụng.
- Đầu tư hạ tầng để áp dụng các
thành tựu mới về công nghệ thông tin như: Hội tụ số truyền thông xã hội
(Social), cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công một cách đơn giản, thuận
tiện trên di động (Mobile), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ
nhân tạo (AI), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) để thực hiện chuyển đổi số
toàn diện các mặt công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước và cung cấp
trải nghiệm tốt nhất, thân thiện nhất cho người dùng.
III. NGUỒN LỰC
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Nguồn đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021-2025.
- Nguồn vốn đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021-2025 do Bộ, ngành trung ương đầu tư trên địa bàn là 5.927 tỷ đồng.
- Nguồn vốn đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021-2025 do địa phương quản lý tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng
điểm, mang tính lan toả dự kiến là 5.978 tỷ đồng (đây là một phần vốn để tập
trung đầu tư thuộc kết cấu hạ tầng trọng tâm của tỉnh).
2. Nguồn ngoài ngân sách: Do
doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả Hợp tác xã thực hiện đầu tư) và doanh nghiệp
FDI đầu tư.
3. Nguồn vốn ODA xin trung
ương: Tổng vốn dự kiến là 6.240,604 tỷ đồng.
Ngoài các nguồn lực tài chính dự
kiến nêu trên, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các dự án đầu tư công do
Bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo tiến độ đã được phê
duyệt; đồng thời tranh thủ các nguồn đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư
các Chương trình dự án có tiềm năng của tỉnh như: Đường liên huyện Đak Đoa -
Mang Yang - Kông Chro; đường liên huyện Ia Pa - Krông Pa; đường liên huyện Chư
Pưh - Chư Prông; đường tỉnh 670B, quốc lộ 19D (đường tỉnh 670 cũ); hồ Suối Lơ
(huyện Kbang); hồ Đăk Pờ Tó (huyện Ia Pa); bệnh viện đa khoa quốc tế; bệnh viện
thành phố Pleiku; Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ; Khu du lịch Biển Hồ - Chư
Đang Ya; Khu công nghiệp công nghệ cao; Chương trình chuyển đổi số, hạ tầng số
và cải cách hành chính,…; sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách địa
phương; khai thác tốt nguồn từ các quỹ đất tạo ra khi các tuyến giao thông được
đầu tư nhằm tăng thu từ nguồn sử dụng đất để tái đầu tư hạ tầng.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các sở,
ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là sở, ban, ngành, địa
phương) xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình; hàng năm
tổ chức đánh giá tình hình thực hiện; đề xuất những giải pháp cần thiết tháo gỡ,
khó khăn, vướng mắc.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các ngành, địa
phương tổ chức thực hiện Chương trình này; kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh
giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
- Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân
dân tỉnh danh mục các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; chủ trì tổng
hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, 5 năm báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh; đề xuất những giải pháp tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chương
trình. Tổng hợp các dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách nhà nước vào kế hoạch
đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận
tải để kêu gọi các Nhà đầu tư triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư
(PPP), đặc biệt tuyến đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
3. Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Tài chính: Phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, cân đối
bố trí nguồn kinh phí hàng năm; nghiên cứu huy động các nguồn lực tài chính để
triển khai thực hiện Chương trình.
4. Sở Giao
thông vận tải:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
và làm việc với Bộ Giao thông vận tải đầu tư đường cao tốc, quốc lộ, cảng hàng
không Pleiku theo lộ trình đã được đề ra trong Nghị quyết.
- Làm đầu mối giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh phối hợp với các địa phương kiến nghị Trung ương đẩy nhanh tiến trình
đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
- Phối hợp với Ban quản lý Khu
kinh tế tỉnh kêu gọi đầu tư cảng cạn theo quy hoạch đã được phê duyệt.
- Hướng dẫn, giám sát và đánh
giá việc triển khai kết cấu hạ tầng giao thông, đề xuất những giải pháp cần thiết
tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Chịu
trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý, triển khai thực hiện Chương
trình thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Triển khai lập kế hoạch ngắn hạn
và trung hạn thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
5. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao
thông vận tải và các cơ quan liên quan đề xuất phát triển hệ thống giao thông
đô thị có tính kết nối cao với các tuyến giao thông đối ngoại trong các đồ án
quy hoạch chung xây dựng đô thị.
- Tổ chức xây dựng, triển khai
các quy hoạch chuyên ngành xây dựng để định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật
trong khu vực đô thị.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao giám sát và đánh giá xây dựng
kết cấu hạ tầng đô thị. Lập kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng đối với các đồ
án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Phối hợp với các sở: Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách
thu hút nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
6. Sở Công
Thương:
- Tham mưu đề xuất nhu cầu đầu
tư và xác định thứ tự ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; theo dõi,
đề xuất kịp thời việc điều chỉnh, bổ sung kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu
tư và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đề xuất danh mục kêu gọi đầu
tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu, cụm công nghiệp.
7. Ban quản lý
Khu kinh tế tỉnh:
- Tập trung kêu gọi các doanh
nghiệp có tiềm năng để phát triển khu trung tâm thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc
tế Lệ Thanh.
- Triển khai lập kế hoạch ngắn
hạn và trung hạn để đầu tư các dự án hạ tầng kết nối với các Khu công nghiệp,
khu kinh tế; tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp đầu
tư hạ tầng; làm việc với các Bộ, ngành trung ương để đưa Khu kinh tế cửa khẩu
quốc tế Lệ Thanh vào nhóm các khu kinh tế trọng điểm để Trung ương tập trung đầu
tư. Hoàn thành các mục tiêu phát triển Khu công nghiệp.
8. Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Phối hợp với Sở Giao thông vận
tải và các sở, ban ngành của tỉnh triển khai thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng
giao thông trên địa bàn thuộc huyện, thị xã, thành phố, cụ thể hóa thành kế hoạch
đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông 5 năm và hàng năm để thực hiện.
- Xây dựng kế hoạch phát triển
kết cấu hạ tầng đô thị để triển khai thực hiện, quản lý tốt trật tự xây dựng, cảnh
quan môi trường đô thị, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân
về tầm quan trọng của xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; vận động nhân dân tham
gia giám sát tạo sự đồng thuận trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
- Triển khai các thủ tục đầu tư
kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công
thương thực hiện kêu gọi đầu tư và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để đón đầu làn
sóng đầu tư mới.
- Ủy ban nhân dân thành phố
Pleiku, thị xã An khê, Ayun Pa, huyện Chư Sê nghiên cứu đa dạng hóa các nguồn lực
tài chính cho các nội dung phát triển kết cấu hạ tầng; tạo môi trường thu hút đầu
tư thông thoáng; tạo các quỹ đất để phát triển không gian đô thị.
9. Sở Văn hoá,
Thể thao và Du lịch:
- Phối hợp với các sở: Giao
thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp, đề xuất danh mục các hạ tầng
kết nối đến các khu, điểm du lịch để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và
hằng năm. Hướng dẫn các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách và tạo điều kiện cho
các nhà đầu tư đầu tư vào các khu, điểm du lịch theo tiến độ, đảm bảo mục tiêu
đề ra. Chủ động làm việc với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để công nhận Di
tích Tây Sơn Thượng Đạo là di tích quốc gia đặc biệt.
- Chủ trì phối hợp với Ủy ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố, các nhà đầu tư lập quy hoạch xây dựng, khu
chức năng các khu, điểm du lịch để làm cơ sở đầu tư phát triển các khu, điểm du
lịch của tỉnh theo quy định.
10. Sở Thông
tin và Truyền thông:
- Chủ trì xây dựng kế hoạch
phát triển kết cấu hạ tầng Thông tin và Truyền thông phục vụ chính quyền điện tử,
chính quyền số, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh.
- Làm đầu mối giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh lựa chọn thuê dịch vụ của các nhà cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực công
nghệ thông tin và viễn thông đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Kêu gọi các nhà đầu
tư vào lĩnh vực của ngành để đầu tư các nội dung mà nhà nước chưa có nguồn lực
để đầu tư nhằm đảm bảo phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
11. Các nhiệm
vụ cụ thể thực hiện Nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ
tầng vùng động lực của tỉnh Gia Lai đến năm 2030: Các đơn vị được giao chủ
trì thực hiện nhiệm vụ, chủ động xây dựng các nội dung trình cấp thẩm quyền phê
duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra (có phụ lục kèm theo).
12. Chế độ
báo cáo, kiểm tra, giám sát.
Các sở, ban, ngành, địa phương
thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; hàng năm các đơn vị
được giao nhiệm vụ tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện
gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (báo cáo
năm trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, báo cáo tổng kết 05 năm trước ngày 10
tháng 11 năm 2026).
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban,
ngành và địa phương căn cứ nội dung Chương trình, tập trung triển khai nhiệm vụ
được giao để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20 tháng 01 năm
2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XVI) về phát triển kết cấu hạ
tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh Gia Lai đến năm
2030./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, CNXD.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Tiến Đông
|