CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH
Thực hiện Luật
Phòng cháy và chữa cháy năm 2011, Chủ đầu tư các dự án công trình đã thực hiện
tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong đầu tư xây dựng công
trình. Qua đó, từng bước ngăn ngừa, hạn chế được sự gia tăng về số vụ cháy và
thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn
xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình cháy
diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy
gây ra. Để xảy ra tình trang trên là do có những chủ đầu tư chưa thật sự quan
tâm đến công tác PCCC khi thực hiện các dự án công trình, không bố trí nguồn
kinh phí và thiết kế về PCCC, không thực hiện thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC
theo quy định. Do vậy khi thực hiện các dự án công trình không đảm bảo an toàn
PCCC là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao và khó kiểm soát.
Để khắc phục hạn chế yếu kém trên và tiếp tục nâng
cao hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy trong thời gian tới, đồng thời triển
khai thực hiện Chỉ thị số: 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ
về tăng cường chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn
thể, các đơn vị doanh nghiệp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:
Tiếp tục triển
khai có hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số: 35/2003/NĐ-CP ngày
04/4/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng
cháy và chữa cháy; Nghị định số: 123/2005/NĐ-CP ngày 05/10/2005 của Chính phủ
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC; Thông tư số:
04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số:
35/2003/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số: 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ
tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong
công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Khi triển khai thực hiện các dự án công trình phải
có thiết kế về PCCC và bố trí nguồn kinh phí đảm bảo an toàn PCCC phù hợp với
đặc điểm của công trình.
Các dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại
Nghị định số: 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ đều phải được cơ quan
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt trước khi khởi công
xây dựng công trình.
Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo đơn vị thi công đảm
bảo các điều kiện an toàn PCCC trong suốt quá trình thi công công trình.
Khi công trình hoàn thành, trước khi đưa vào sử dụng
phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiến hành
nghiệm thu và có văn bản nghiệm thu theo quy định.
2. Sở Xây dựng:
Khi nghiên cứu xây dựng quy hoạch đô thị, cụm dân
cư, khu công nghiệp, khu du lịch cần tính đến các yêu cầu an toàn PCCC, đảm bảo
tiêu chuẩn về khoảng cách, giao thông, nguồn nước chữa cháy và trang bị phương
tiện chữa cháy. Trong dự án cấp nước đô thị, khu dân cư tập trung nhất thiết
phải có phần cấp nước chữa cháy đồng thời phải lấy ý kiến của cơ quan Cảnh sát
phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Khi tham gia cho ý kiến thiết kế cơ sở của các dự
án và cấp phép xây dựng công trình mới, các công trình có nguy hiểm cháy, nổ cao,
đặc biệt các công trình thuộc danh mục dự án công trình thuộc diện phải thiết
kế và thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định tại Nghị định số: 35/2003/NĐ-CP
ngày 04/4/2003 của Chính phủ, phải có văn bản thẩm duyệt của cơ quan Cảnh sát
phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Khi tổ chức thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công
trình nhất là những công trình có nguy hiểm cháy, nổ cao cần chú trọng nguồn
vốn để thực hiện các giải pháp an toàn PCCC. Đối với các dự án công trình thuộc
diện phải thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo danh mục quy định tại
Nghị định số: 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ phải có văn bản thẩm
duyệt của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mới xem xét phê duyệt dự án, công trình.
4. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh:
Chỉ quyết toán các dự án công trình thuộc diện phải
thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo danh mục quy định tại Nghị định
số: 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ khi có văn bản nghiệm thu của cơ
quan PCCC.
5. Công an tỉnh:
Chủ trì phối hợp
với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan thẩm duyệt về
an toàn PCCC trong quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp
và các dự án, công trình thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC theo quy định tại
Nghị định số: 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ.
Hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, đơn vị doanh
nghiệp, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các chủ đầu tư về thực hiện công tác
thẩm duyệt, kiểm tra thi công và nghiệm thu về PCCC.
Thực hiện thẩm duyệt và ban hành văn bản thẩm
duyệt về PCCC đối các dự án, công trình thuộc diện phải thiết kế và thẩm duyệt
thiết kế về PCCC theo quy định.
Tổ chức kiểm tra thi công, tham gia nghiệm thu các
công trình về an toàn PCCC theo quy định.
Xử lý các vi phạm về PCCC trong thẩm duyệt, thi
công và nghiệm thu về PCCC.
6. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn:
Phối hợp với Công an tỉnh tăng cường công tác
tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức về PCCC trên các
phương tiện thông tin đại chúng.
7. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn
thể, các đơn vị doanh nghiệp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, chủ
đầu tư các dự án, công trình nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Giao Công an tỉnh giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh theo
dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo Uỷ
ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày
ký ban hành./.