CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU
QUẢ CÁC HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG VÀ CHẤT LƯỢNG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Công tác xây dựng cơ bản là một trong những yếu tố
quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm
qua, vấn đề chất lượng công trình xây dựng luôn được xã hội quan tâm sâu sắc. Chính
phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản có liên quan nhằm xây dựng một hệ
thống đảm bảo chất lượng công trình xây dựng.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chất lượng công
trình xây dựng trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ rệt theo hướng
tích cực. Nhiều công trình đã được xây dựng với chất lượng tốt, đảm bảo được
chất lượng sử dụng theo mục tiêu ban đầu đề ra. Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều
yếu kém từ công tác quản lý đến công tác khảo sát, lập dự án, thiết kế và tổ
chức thi công xây dựng công trình, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và hiệu quả
sử dụng công trình.
Để triển khai thực hiện đúng pháp luật về xây dựng,
nâng cao hiệu quả các hoạt động xây dựng, hướng đến xây dựng một hệ thống đảm
bảo chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi toàn tỉnh, nhất là cho các
công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý
chất lượng công trình xây dựng:
- Các sở có xây dựng chuyên ngành, các tổ chức thanh
tra xây dựng của tỉnh và các huyện, thị xã phải tăng cường năng lực bộ máy quản
lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng trên địa bản
tỉnh trong tất cả các giai đoạn đầu tư xây dựng công trình. Thực hiện nghiêm
minh trong việc xử lý các sai phạm trong hoạt động xây dựng.
- Giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì,
phối hợp với các sở, ngành có liên quan tập hợp đanh sách các tổ chức hoạt động
xây dựng có các sai phạm lớn ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng để
công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng theo Điều 13 Quyết định số
2780/2005/QĐ-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2005 của UBND tỉnh về việc ban hành quy
định trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn và
doanh nghiệp thi công xây dựng trong việc thanh gia quản lý và thực hiện các dự
án đầu tư xây dựng. Kiên quyết không cho các đơn vị thường xuyên vi phạm chất
lượng tham gia các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách.
- Giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra năng lực các ban
quản lý dự án do chủ đầu tư quyết định thành lập, phát hiện kịp thời các ban
quản lý dự án không phù hợp điều kiện, năng lực quản lý dự án, trên cơ sở đó xử
lý hoặc kiến nghị UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.
- Giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì,
phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Tài chính xem xét, đề xuất với UBND tỉnh giải
quyết các trường hợp công trình phải điều chỉnh giá trị hợp đồng xây dựng do
nguyên nhân nhà nước thay đổi chính sách: thay đổi tiền lương, thay đổi giá
nguyên vật liệu do Nhà nước quản lý giá trong thời gian qua, mà không do lỗi
nhà thầu thi công gây ra để đảm bảo công trình thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo
chất lượng, phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Tăng cường công tác hướng dẫn pháp luật về quản lý
chất lượng công trình xây dựng.
- Giao trách nhiệm cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp
với các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn
các chế độ, chính sách của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng,
về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Chương trình tập huấn, hướng dẫn phải được
làm thường xuyên, định kỳ và được xem như một giải pháp quan trọng nhằng nâng
cao hiệu quả các hoạt động xây dựng trong tỉnh trong thời gian tới.
3. Xử lý vi phạm đối với các chủ thể tham gia hoạt
động xây dựng:
a) Đối với chủ đầu tư:
Chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm toàn diện về chất
lượng của dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa dự
án vào khai thác, sử dụng. Chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm khi chỉ định
thầu các đơn vị tư vấn, thi công xây lắp ... không đủ năng lực hoạt động xây
dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng cho nhà thầu thi
công xây dựng công trình; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi nghiệm thu không
đảm bảo chất lượng làm sai lệch kết quả nghiệm thu, nghiệm thu khối lượng không
đúng, sai thiết kế và các hành vi vi phạm khác.
- Trường hợp chủ đầu tư vi phạm các quy định về quản
lý dự án công trình xây dựng nói trên, gây hậu quả ảnh hưởng đến tiến độ và
chất lượng dự án thì ngoài việc bị xử lý theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức còn
bị xử phạt theo Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày
26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ và Thông tư số 01/2005/TT-BXD ngày 21 tháng
01 năm 2005 của Bộ Xây dựng.
b) Đối với nhà thầu tư vấn:
- Nhà thầu tư vấn xây dựng công trình phải đảm bảo
điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Các nhà thầu tư vấn xây đựng trước khi thực hiện các
hợp đồng tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định. Những
trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 23 Nghị định số
126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành
chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử
dụng nhà.
- Nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình của
chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; chịu trách nhiệm
trước pháp luật và chủ đầu tư khi nghiệm thu không đúng hồ sơ thiết kế được
duyệt, không đảm bảo về chất lượng theo tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng,
khối lượng thi công xây lắp và các hành vi khác gây ra thiệt hại, chịu trách
nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí tư vấn giám sát đã nhận.
- Tổ chức tư vấn thực hiện khảo sát, lập dự án đầu tư,
thiết kế không thực hiện đúng tiến độ và chất lượng đã được ký kết trong hợp
đồng thì sẽ phải chịu phạt. Mức phạt được quy định cụ thể trong hợp đồng kinh
tế giữa các bên theo mẫu hợp đồng quy định tại Thông tư 06/2007/TT-BXĐ ngày 25
tháng 7 năm 2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng và
các quy định khác có liên quan. Nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế
xây dựng công trình, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình phải bồi
thường thiệt hại do lỗi mình gây ra hư hỏng công trình, sự cố công trình xây
dựng kể cả sau thời gian bảo hành, tùy theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo
quy định của pháp luật.
- Ngoài những nội dung như trên, nhà thầu tư vấn nếu
vi phạm các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình còn bị xử lý
bằng các biện pháp hành chính theo quy định từ Điều 19 đến Điều 24 và các điều
khoản có liên quan khác Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004
của Chính phủ và Thông tư số 01/2005TT-BXD ngày 21 tháng 01 năm 2005 của Bộ Xây
dựng hoặc bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra nhà
thầu tư vấn vi phạm tiến độ và chất lượng trong công tác khảo sát, lập dự án
đầu tư, thiết kế, giám sát, kiểm định từ 03 (ba) công trình trở lên sẽ không
được nhận thầu các công việc tư vấn tương ứng thuộc dự án đầu tư bằng nguồn vốn
ngân sách của tỉnh trong thời hạn 01 năm. Nếu công trình xảy ra sự cố và gây
hậu quả nghiêm trọng sẽ không được nhận thầu các công việc tư vấn tương ứng
trong thời hạn 03 năm.
c) Đối với nhà thầu thi công xây dựng:
- Nhà thầu thi công xây dựng phải đảm bảo điều kiện
hoạt động theo quy định của pháp luật, phải có đầy đủ năng lực thi công xây
dựng và hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu khi tham gia đấu thầu hoặc thi
công các công trình trên địa bàn, nhất là các công trình thuộc nguồn vốn ngân
sách.
- Các nhà thầu thi công xây dựng trước khi thực hiện
các hợp đồng thi công xây dựng công trình phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề
nghiệp theo quy định. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại
Điều 16 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về
xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng
đô thị và quản lý sử dụng nhà.
- Khi thi công công trình không đảm bảo kỹ thuật, mỹ
thuật theo thiết kế được duyệt hoặc công trình xảy ra sự cố, xuống cấp do lỗi
của doanh nghiệp thì doanh nghiệp thi công xây dựng phải có trách nhiệm khắc
phục triệt để hậu quả gây ra. Chi phí cho việc khắc phục do doanh nghiệp chịu trách
nhiệm.
- Nếu phát hiện có sự thông đồng giữa nhà thầu thi
công xây dựng và các bên có liên quan trong việc thanh toán không đúng khối
lượng, chất lượng thì tất cả các bên có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí đã
thanh toán không đúng vào ngân sách nhà nước và bị truy cứu trách nhiệm theo
quy định của pháp luật.
- Trường hợp công trình thi công chậm do lỗi của nhà
thầu thi công xây dựng thì phải chịu phạt quy định cụ thể trong hợp đồng kinh
tế giữa các bên theo hướng dẫn hợp đồng kinh tế xây dựng tại Thông tư số
06/2007/TT-BXD ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Bộ Xây dựng và các quy định các có
liên quan.
- Nhà thầu thi công xây dựng có từ 02 (hai) công trình
trở lên không đảm bảo chất lượng thì không được tham gia nhận thầu các công
trình sử dụng vốn ngân sách thuộc tỉnh trong thời hạn 02 đến 03 năm tùy theo
mức độ vi phạm, ngoài những nội dung trên, nhà thầu thi công xây dựng phải chịu
xử lý theo quy định từ Điều 3 đến Điều 18 và các điều khoản khác có liên quan
theo Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ và
Thông tư số 01/2005/TT-BXD ngày 21 tháng 01 năm 2005 của Bộ Xây dựng.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ
tịch UBND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ
thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ
ngày ký../