Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Văn bản hợp nhất 17/VBHN-BTC 2022 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính sử dụng tài sản công

Số hiệu: 17/VBHN-BTC Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Nguyễn Đức Chi
Ngày ban hành: 05/09/2022 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2022

NGHỊ ĐỊNH[1]

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG; THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ; DỰ TRỮ QUỐC GIA; KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2019; được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Dự trữ quốc gia ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước.[2]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau đây:

a) Quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản dự án sử dụng vốn Nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý;

b) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

c) Dự trữ quốc gia;

d) Kho bạc Nhà nước.

2. Vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước về kế toán, xây dựng, kế hoạch đầu tư, thẩm định giá, đấu giá và các quy định khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì xử phạt theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước.

2. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này gồm:

a) Cơ quan Nhà nước;

b) Đơn vị lực lượng vũ trang Nhân dân;

c) Đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;

đ) Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội;

e) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

3. Người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

4. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Cơ quan Nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính [3]

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước quy định tại Nghị định này là 01 năm. Riêng các hành vi vi phạm hành chính đối với tài sản công là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.

2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công quy định như sau:

a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;

b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

c) Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công tại Điều 6 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thực hiện xong việc đầu tư, mua sắm tài sản và giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

d) Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đi thuê tài sản tại Điều 7 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thuê tài sản và đưa vào sử dụng; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

đ) Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại Điều 11 Nghị định này được xác định như sau:

- Hành vi tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất liền kề tự chuyển dịch mốc giới thửa đất để mở rộng diện tích đất hoặc xây dựng công trình lấn chiếm sang không gian phần diện tích đất thuộc khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thực hiện mở rộng diện tích đất hoặc xây dựng xong công trình lấn chiếm; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại.

- Hành vi tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện.

e) Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công đang được thực hiện là các hành vi quy định tại các Điều 8, 9, 10, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 20, 21, 22, 23, 24, 2526 Nghị định này.

3. Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định như sau:

a) Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thực hiện xong việc mua sắm tài sản và giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

b) Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã hoàn thành việc chi tiền từ quỹ theo nội dung sai mục đích, tôn chỉ của quỹ; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

c) Hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã hoàn thành việc chi tiền từ quỹ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

d) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp hành vi cản trở trái phép việc thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện các dự án sử dụng tài nguyên tái chế đã chấm dứt; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

đ) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã chấm dứt; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

e) Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp hành vi gây lãng phí trong quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp đã chấm dứt; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

g) Hành vi vi phạm quy định về mua sắm tài sản, vật tư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn Nhà nước tại khoản 2, khoản 3 Điều 36 Nghị định này được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc trong trường hợp đã thực hiện xong việc mua sắm tài sản; được xác định là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện trong các trường hợp còn lại;

h) Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiết kiệm đang thực hiện là hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31, khoản 1, khoản 4 Điều 36 Nghị định này; hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định này; hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản, vật tư quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 36 Nghị định này.

4. Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia được quy định như sau:

a) Các hành vi vi phạm hành chính được xác định đang thực hiện là các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 41, Điều 42, Điều 47, các điểm b, c khoản 3 Điều 48, Điều 49 Nghị định này;

b) Trừ các hành vi vi phạm hành chính nêu tại điểm a khoản này, các hành vi vi phạm hành chính còn lại được xác định là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc.

5. Thời điểm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc Nhà nước được xác định là đã kết thúc được quy định như sau:

a) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 54, Điều 57, Điều 58, Điều 59, Điều 60 Nghị định này: thời điểm kết thúc là thời điểm nộp hồ sơ, chứng từ tại Kho bạc Nhà nước;

b) Đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 55, Điều 56, Điều 61 Nghị định này: thời điểm kết thúc là thời điểm Kho bạc Nhà nước nhận được kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự về vụ việc vi phạm không có dấu hiệu tội phạm.

Điều 4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính:

a) Hình thức xử phạt chính quy định tại Nghị định này bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền;

b) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công:

Tùy theo hành vi, tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như:

a) Buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản;

b) Buộc nộp lại số tiền do thực hiện hành vi vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc hoàn trả lại tài sản, trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả bằng tiền hoặc trả bằng tài sản khác có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

d) Buộc phá dỡ công trình đã xây dựng trên phần diện tích lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

đ) Buộc hủy các báo cáo kê khai bị khai man, giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định trong việc đăng nhập, sử dụng số liệu về tài sản công;

e) Buộc điều chỉnh, bổ sung số liệu, thông tin, báo cáo kê khai bổ sung về tài sản công.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như:

a) Thu hồi nộp về quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước kinh phí sử dụng sai mục đích đối với hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành;

b) Buộc nộp lại quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực dự trữ quốc gia:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do có hành vi vi phạm quy định về mua, bán, bảo quản, cấp phát, cứu trợ; vi phạm quy định về nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; vi phạm quy định về quản lý tiền vốn và phí trong hoạt động dự trữ quốc gia; hành vi vi phạm quy định về kinh doanh, cầm cố, thế chấp cho thuê, khai thác tài sản thuộc dự trữ quốc gia;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của cơ sở, vật chất - kỹ thuật, kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia;

c) Buộc hoàn trả hàng dự trữ quốc gia bị thiệt hại do hành vi xâm phạm, phá hoại; vi phạm quy định về cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia;

d) Buộc thu hồi hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp không đúng quy định;

đ) Buộc khôi phục lại nguyên trạng tài sản đối với hành vi kinh doanh, cầm cố thế chấp, cho thuê, khai thác trái phép tài sản là kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kho bạc Nhà nước:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như:

a) Buộc thu hồi đối với các khoản đã chi từ việc lập hồ sơ, chứng từ thanh toán cho khối lượng công việc chưa thực hiện; khối lượng công việc đang thực hiện dở dang, chưa đủ điều kiện thanh toán và phần đã thanh toán vượt giá trị hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng;

b) Buộc thu hồi đối với các khoản đã chi từ việc lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và các khoản chi sai từ việc lập hồ sơ, chứng từ sai so với nội dung trên hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Buộc thu hồi toàn bộ các khoản đã chi từ việc sử dụng hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách Nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Buộc phải hoàn thiện lại hồ sơ, chứng từ theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước;

đ) Buộc phải làm thủ tục cam kết chi trước khi đề nghị Kho bạc Nhà nước thanh toán, chi trả ngân sách Nhà nước hoặc buộc phải làm lại thủ tục cam kết chi đối với hành vi vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi;

e) Buộc phải làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn tạm ứng ngân sách Nhà nước;

g) Buộc phải phong tỏa tài khoản hoặc đóng tài khoản đối với các hành vi vi phạm về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; buộc phải phong tỏa tài khoản đối với hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7.[4] Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này không được sử dụng tiền ngân sách Nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 37 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Điều 5. Áp dụng mức phạt tiền[5]

1. Mức phạt tiền quy định tại mục 1, mục 2, mục 3 và mục 4 Chương II, mục 1 Chương III, mục 1 Chương IV, mục 1 và mục 2 Chương V Nghị định này là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức; cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (trừ quy định tại Điều 17, Điều 23, Điều 27 Nghị định này).

2. Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

3. Khi xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC QUY ĐỊNH, MỨC XỬ PHẠT TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ

Điều 6. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công

1. Phạt tiền đối với hành vi thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có tổng giá trị một lần mua dưới 100.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có tổng giá trị một lần mua từ 100.000.000 đồng trở lên;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện mua sắm tập trung đối với các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

3. Phạt tiền đối với hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt dưới 50.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị vượt từ 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản trở lên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản đầu tư, mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Việc xác định phần giá trị vượt so với tiêu chuẩn, định mức để làm căn cứ xử phạt được quy định như sau:

a) Trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là xe ô tô, máy móc, thiết bị, tài sản khác vượt về số lượng so với tiêu chuẩn, định mức: Giá trị vượt/01 đơn vị tài sản được xác định bằng đơn giá của tài sản đó theo giá mua ghi trên hóa đơn hoặc hợp đồng mua sắm tài sản;

b) Trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là xe ô tô, máy móc, thiết bị, tài sản khác đúng về số lượng nhưng vượt về mức giá so với tiêu chuẩn, định mức: Giá trị vượt được xác định bằng giá trị của tài sản theo giá mua ghi trên hóa đơn hoặc hợp đồng mua sắm tài sản trừ đi (-) giá trị tài sản theo tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định;

c) Trường hợp đầu tư, mua sắm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp vượt tiêu chuẩn, định mức: Giá trị vượt được xác định bằng chênh lệch giữa diện tích thực tế trừ đi (-) diện tích được sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức nhân với (x) đơn giá mua bình quân theo hóa đơn (hoặc theo hợp đồng mua sắm tài sản);

d) Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 29, Điều 30 Nghị định này xác định giá trị vượt làm căn cứ xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

Điều 7. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đi thuê tài sản

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về đi thuê tài sản trong trường hợp hợp đồng thuê tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng đối với các hành vi:

a) Hành vi thực hiện đi thuê tài sản khi không có quyết định về thuê tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền;

b) Hành vi đi thuê tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định;

c) Hành vi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản không đúng hình thức, trình tự theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về thuê tài sản nêu tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hợp đồng thuê tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số tiền đã thuê tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Giá trị hợp đồng đi thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt được xác định như sau:

a) Trường hợp hợp đồng đi thuê tài sản ghi cụ thể giá trị hợp đồng thì căn cứ xử phạt là giá trị ghi trong hợp đồng;

b) Trường hợp đi thuê tài sản mà không lập thành hợp đồng hoặc có lập hợp đồng nhưng không đủ thông tin để xác định giá trị theo quy định tại khoản a điểm này thì giá trị làm căn cứ xử phạt xác định bằng giá đi thuê của tài sản cùng loại hoặc có tiêu chuẩn, kỹ thuật tương đương trên thị trường tại thời điểm xảy ra vi phạm nhân với (x) thời hạn đi thuê tài sản tính từ thời điểm bắt đầu đi thuê đến thời điểm ra quyết định xử phạt hành chính.

Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 29, Điều 30 Nghị định này xác định giá trị làm căn cứ xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

Điều 8. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về giao, sử dụng tài sản công, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công

1. Phạt tiền đối với hành vi giao tài sản công vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành (không đúng đối tượng, vượt diện tích, vượt số lượng, vượt mức giá) theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản có giá trị vượt dưới 50.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản có giá trị vượt từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản có giá trị vượt từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích (sử dụng tài sản công không đúng với mục đích, công năng sử dụng của tài sản được đầu tư, trang bị, mua sắm; sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân; sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản khác vào mục đích cá nhân) theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản (sau đây gọi chung là tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng);

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100.000.000 đồng trở lên/01 đơn vị tài sản (sau đây gọi chung là tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên);

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

3. Phạt tiền đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp cố ý làm hư hỏng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp cố ý làm hư hỏng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100.000.000 đồng trở lên/01 đơn vị tài sản;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp cố ý làm hư hỏng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Việc xác định giá trị vượt so với tiêu chuẩn, định mức được quy định như sau:

a) Trường hợp giao, sử dụng tài sản là xe ô tô, máy móc, thiết bị, tài sản khác vượt về số lượng so với tiêu chuẩn, định mức: Giá trị vượt được xác định bằng số lượng tài sản vượt nhân với (x) nguyên giá của tài sản trên sổ kế toán; trường hợp trên sổ kế toán không theo dõi nguyên giá tài sản thì lấy theo giá trị mua sắm mới tài sản cùng loại hoặc có tiêu chuẩn kỹ thuật, công năng sử dụng tương đương trên thị trường tại thời điểm xảy ra vi phạm;

b) Trường hợp giao, sử dụng tài sản là xe ô tô, máy móc, thiết bị, tài sản khác đúng về số lượng nhưng vượt về mức giá so với tiêu chuẩn, định mức: Giá trị vượt được xác định bằng số lượng vượt nhân với (x) (chênh lệch giữa nguyên giá của tài sản trên sổ kế toán trừ đi (-) giá trị tài sản theo tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định);

c) Trường hợp tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp: Giá trị vượt được xác định bằng chênh lệch giữa diện tích thực tế trừ đi (-) diện tích được sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức nhân với (x) đơn giá bình quân theo sổ kế toán; trường hợp trên sổ kế toán không theo dõi thì đơn giá tính theo suất đầu tư của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ Xây dựng ban hành áp dụng tại thời điểm hành vi vi phạm xảy ra;

d) Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 29, Điều 30 Nghị định này xác định giá trị vượt làm căn cứ xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

Điều 9. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về cho mượn tài sản công

1. Phạt tiền đối với hành vi cho mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hợp đồng cho mượn hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn) theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc hoàn trả lại tài sản cho mượn. Trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

b) Buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền tương ứng với số tiền thuê tài sản trong thời gian cho mượn. Việc xác định số tiền thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định này.

Điều 10. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về trao đổi, tặng cho tài sản công không đúng quy định

1. Phạt tiền đối với hành vi trao đổi tài sản công không đúng quy định (dùng tài sản công của tổ chức để đổi lấy tài sản của tổ chức, cá nhân khác mà không được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép) theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tài sản dùng để trao đổi có giá trị dưới 100.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tài sản dùng để trao đổi có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tài sản dùng để trao đổi là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tặng cho tài sản công không đúng quy định (sử dụng tài sản công để làm quà tặng vi phạm Quy chế tặng quà do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành).

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hoàn trả tài sản hoặc trả lại bằng tiền tương ứng với giá trị tài sản đã trao đổi, tặng cho đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 11. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất liền kề tự chuyển dịch mốc giới thửa đất để mở rộng diện tích đất hoặc xây dựng công trình lấn chiếm sang không gian phần diện tích đất thuộc khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị).

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và trả lại trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp bị lấn chiếm;

b) Buộc phá dỡ công trình đã xây dựng trên phần diện tích lấn chiếm;

c) Buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền tương ứng với số tiền thuê tài sản trong thời gian lấn chiếm. Việc xác định số tiền thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định này.

Điều 12. Hành vi chiếm đoạt tài sản công

1. Phạt tiền đối với hành vi chiếm đoạt tài sản công mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nắm giữ, sử dụng tài sản công mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép) theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị dưới 100.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tài sản công có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp chiếm đoạt trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra để trả lại tổ chức; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

b) Buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền tương ứng với tiền thuê tài sản trong thời gian chiếm đoạt. Việc xác định số tiền thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định này.

Điều 13. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết

1. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi không có quyết định phê duyệt Đề án của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại thời điểm thực hiện hành vi theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

c) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về xác định giá trị tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thành lập Hội đồng định giá, Hội đồng thẩm định giá tài sản không đúng thành phần;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá để xác định giá trị của tài sản sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sai mục đích so với đề án đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng tài sản là xe ô tô; tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

c) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi quy định tại khoản 1 Điều này gây ra; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

b) Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

Điều 14. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật

1. Tổ chức đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật nhưng không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản dẫn đến tài sản bị hư hỏng thì bị xử phạt theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên và tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Việc xác định số tiền phải nộp lại tương ứng với giá trị tài sản bị hư hỏng được quy định như sau:

a) Đối với tài sản bị hư hỏng không thể khắc phục được, số tiền phải nộp lại được xác định tương ứng với giá mua mới tài sản cùng loại hoặc có tiêu chuẩn, công năng sử dụng tương đương trên thị trường nhân với tỷ lệ chất lượng còn lại tại thời điểm xác định giá trị;

b) Đối với tài sản bị hư hỏng có thể khắc phục được, số tiền phải nộp lại là chi phí để sửa chữa tài sản đó;

c) Người đứng đầu tổ chức giao cơ quan tài chính thuộc phạm vi quản lý làm đầu mối xác định số tiền phải nộp; trên cơ sở đó người đứng đầu tổ chức quyết định số tiền phải nộp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 15. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về xử lý tài sản công

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công không đúng thời hạn theo quy định;

c) Không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn sử dụng được và cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu sử dụng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hình thức xử lý cho phù hợp).

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức để hư hỏng, thất thoát tài sản trong thời gian chờ xử lý.

3. Phạt tiền đối với hành vi xử lý tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp bán, điều chuyển, thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

4. Hành vi kê khai không đúng danh mục, hiện trạng tài sản đề nghị xử lý (dẫn đến việc quyết định xử lý tài sản không đúng quy định) thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo trong trường hợp kê khai tài sản có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp kê khai tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp kê khai tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp kê khai tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này gây ra; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

b) Buộc phải nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản bị thất thoát, hư hỏng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

6. Việc xác định số tiền phải nộp lại tương ứng với giá trị tài sản bị thất thoát, hư hỏng quy định tại điểm b khoản 5 Điều này được quy định như sau:

a) Đối với tài sản bị mất hoặc hư hỏng không thể khắc phục được, số tiền phải nộp lại được xác định tương ứng với giá mua mới tài sản cùng loại hoặc có tiêu chuẩn, công năng sử dụng tương đương trên thị trường tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm.

Giá trên thị trường có thể căn cứ báo giá của các nhà cung cấp trên thị trường đã được niêm yết, thông báo trên thị trường hoặc từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp công bố được khai thác qua mạng Internet.

b) Đối với tài sản bị hư hỏng có thể khắc phục được, số tiền phải nộp lại là chi phí để sửa chữa tài sản đó.

Điều 16. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về tổ chức xử lý tài sản công

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Quá thời hạn quy định mà vẫn chưa triển khai thực hiện phương án xử lý đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Hành vi quá thời hạn được xác định theo thời hạn xử lý quy định tại quyết định xử lý tài sản. Trường hợp tại quyết định xử lý tài sản không quy định thời hạn cụ thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý gia hạn việc xử lý tài sản thì thời hạn quy định được xác định theo thời hạn sau khi đã được gia hạn.

b) Không thực hiện bàn giao tài sản có quyết định điều chuyển, thu hồi cho cơ quan tiếp nhận đúng thời hạn quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thành lập không đúng thẩm quyền Hội đồng định giá theo quy định của pháp luật;

b) Thành lập không đúng thành phần Hội đồng định giá theo quy định của pháp luật;

c) Lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để xử lý tài sản không đúng hình thức, trình tự theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện không đầy đủ thông báo công khai bán đấu giá tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (không thực hiện niêm yết về việc bán đấu giá tài sản công tại những địa điểm quy định; không thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo nhưng không đủ thời gian đối với việc bán đấu giá tài sản công theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; nội dung niêm yết, thông báo công khai không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản).

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thành lập Hội đồng định giá theo quy định của pháp luật;

b) Không thực hiện thông báo công khai bán đấu giá tài sản công theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.

4. Phạt tiền đối với hành vi không thực hiện thẩm định giá để làm căn cứ xác định giá khởi điểm khi xử lý tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức bán; không thực hiện bán đấu giá tài sản đối với những trường hợp theo quy định của pháp luật phải thực hiện bán đấu giá:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

Điều 17. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về việc đăng nhập và sử dụng số liệu về tài sản công

Phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về việc đăng nhập và sử dụng số liệu về tài sản công như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Lập Báo cáo kê khai về tài sản để đăng nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công không đúng hồ sơ, giấy tờ pháp lý, không phù hợp với hiện trạng tài sản của đơn vị;

b) Thực hiện phân cấp nhập dữ liệu cho đơn vị cấp dưới khi không có sự thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính;

c) Nhập, duyệt dữ liệu về tài sản công không đúng so với báo cáo kê khai của tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tẩy, xóa, sửa chữa báo cáo kê khai tài sản làm sai lệch số liệu về tài sản công so với hiện trạng của tài sản;

b) Truy cập, xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, làm thay đổi số liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, cấu trúc chương trình phần mềm;

c) Khai thác thông tin tài sản công trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị không thuộc phạm vi quản lý;

d) Sử dụng số liệu về tài sản công trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công vào mục đích cá nhân mà không được cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu đó cho phép (sử dụng thông tin lưu giữ trong Cơ sở vào các mục đích khác ngoài các mục đích theo quy định pháp luật về quản lý, khai thác Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản công mà không được cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu đó cho phép).

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc hủy các báo cáo kê khai bị khai man, giả mạo;

b) Buộc sửa chữa số liệu cho khớp đúng với thực tế hiện trạng tài sản của đơn vị;

c) Buộc lập bổ sung báo cáo kê khai chưa được lập khi nghiệp vụ tài sản có biến động phát sinh;

d) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Mục 2. VI PHẠM QUY ĐỊNH, MỨC XỬ PHẠT TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CỦA CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC

Điều 18. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về trang cấp tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước

1. Xử phạt tổ chức có hành vi thực hiện mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này.

2. Xử phạt tổ chức có hành vi không thực hiện mua sắm tập trung đối với các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.

3. Xử phạt tổ chức có hành vi mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này.

Việc xác định giá trị tài sản vượt so với tiêu chuẩn, định mức thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định này.

4. Xử phạt tổ chức có hành vi vi phạm quy định về thuê tài sản để phục vụ công tác quản lý của các dự án sử dụng vốn Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Điều 19. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về giao, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước

1. Xử phạt tổ chức có hành vi giao, sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc không đúng mục đích thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

2. Xử phạt tổ chức có hành vi cho mượn tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước không đúng quy định thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

3. Xử phạt tổ chức có hành vi trao đổi, biếu, tặng cho tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước không đúng quy định thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

4. Xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của Ban quản lý dự án sử dụng vốn Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.

5. Xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

6. Xử phạt tổ chức có hành vi vi phạm quy định về sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

7. Xử phạt tổ chức có hành vi không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

Điều 20. Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về xử lý tài sản của các dự án khi dự án kết thúc hoặc không còn nhu cầu sử dụng

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện kiểm kê, báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý tài sản theo thời hạn quy định;

b) Không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản do các chuyên gia ODA, nhà thầu tư vấn, giám sát chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Để tài sản bị hư hỏng, thất thoát trong thời gian chờ xử lý;

b) Tháo dỡ, thay đổi kết cấu, phụ tùng, linh kiện của tài sản.

3. Xử phạt tổ chức có hành vi bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này.

4. Xử phạt tổ chức có hành vi kê khai không đúng danh mục, hiện trạng tài sản đề nghị xử lý thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định này.

5. Xử phạt tổ chức có hành vi vi phạm quy định về tổ chức xử lý tài sản đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

b) Buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản bị thất thoát, hư hỏng. Việc xác định số tiền phải nộp lại tương ứng với giá trị tài sản bị thất thoát, hư hỏng thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định này.

Mục 3. VI PHẠM QUY ĐỊNH, MỨC XỬ PHẠT TRONG QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Điều 21. Hành vi vi phạm quy định về xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, bảo quản, chuyển giao tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định;

b) Chuyển giao tài sản cho các cơ quan chức năng để xử lý không đúng thời hạn quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Để tài sản bị hư hỏng, thất thoát trong thời gian chờ xử lý;

b) Tháo dỡ, thay đổi kết cấu, phụ tùng, linh kiện của tài sản.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;

b) Buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản bị thất thoát, hư hỏng. Việc xác định số tiền phải nộp lại tương ứng với giá trị tài sản bị thất thoát, hư hỏng thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định này.

Điều 22. Hành vi vi phạm quy định về xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi:

a) Không báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền lập phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

b) Báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền lập phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi:

a) Không lập phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

b) Lập phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

3. Xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về tổ chức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

Điều 23. Hành vi vi phạm quy định về việc đăng nhập và sử dụng số liệu về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong việc đăng nhập và sử dụng số liệu về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Mục 4. VI PHẠM QUY ĐỊNH, MỨC XỬ PHẠT TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG

Điều 24. Hành vi vi phạm trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng khi không có quyết định phê duyệt Đề án của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về xác định giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thành lập Hội đồng định giá không đúng thành phần hoặc không đúng thẩm quyền;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá để xác định giá cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng không đúng hình thức, trình tự theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng sai mục đích so với đề án đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số tiền thu được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 25. Hành vi vi phạm trong xử lý tài sản kết cấu hạ tầng

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện kê khai, lập phương án xử lý tài sản theo quy định của pháp luật;

b) Không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu sử dụng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hình thức xử lý cho phù hợp);

c) Không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Để hư hỏng, thất thoát tài sản trong thời gian chờ xử lý;

b) Kê khai không đúng danh mục, hiện trạng tài sản đề nghị xử lý, dẫn đến việc quyết định xử lý tài sản không đúng quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xử lý tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản bị thất thoát, hư hỏng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này. Việc xác định số tiền phải nộp lại tương ứng với giá trị tài sản bị thất thoát, hư hỏng thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định này.

Điều 26. Hành vi vi phạm quy định về tổ chức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quá thời hạn quy định mà vẫn chưa triển khai thực hiện phương án xử lý đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;

b) Không thực hiện bàn giao tài sản có quyết định điều chuyển, thu hồi cho cơ quan tiếp nhận đúng thời hạn quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thành lập không đúng thẩm quyền, không đúng thành phần Hội đồng xác định giá, Hội đồng tiêu hủy tài sản theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện không đầy đủ việc thông báo công khai bán đấu giá tài sản công theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản (không thực hiện niêm yết về việc bán đấu giá tài sản tại những địa điểm quy định; không thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo nhưng không đủ thời gian đối với việc bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; nội dung niêm yết, thông báo công khai không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản).

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thành lập Hội đồng xác định giá, Hội đồng tiêu hủy tài sản theo quy định của pháp luật;

b) Lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để xử lý tài sản không đúng hình thức, trình tự theo quy định của pháp luật;

c) Không thực hiện việc thông báo công khai bán đấu giá tài sản công theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện thẩm định giá để làm căn cứ xác định giá khởi điểm khi xử lý tài sản kết cấu hạ tầng theo hình thức bán.

Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về việc đăng nhập và sử dụng số liệu về tài sản kết cấu hạ tầng

Xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về việc đăng nhập và sử dụng số liệu về tài sản kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Mục 5. THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG

Điều 28. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công

1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công gồm:

a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công quy định tại Điều 29, Điều 30 Nghị định này;

b) Công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 29, Điều 30 Nghị định này ra quyết định xử phạt.

Điều 29. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân

1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính[6];

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Điều 30. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra

1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c)[7] Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c)[8] Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

c)[9] Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 140.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

4. Chánh Thanh tra Bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Chương III

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ LÝ, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC VI PHẠM QUY ĐỊNH, MỨC XỬ PHẠT TRONG LĨNH VỰC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Điều 31. Hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, sử dụng điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách Nhà nước; mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách Nhà nước cấp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Phạt tiền đối với hành vi mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách Nhà nước cấp không đúng danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua sắm trang thiết bị có tổng giá trị trang thiết bị không đúng danh mục trong một lần mua dưới 50.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp mua sắm trang thiết bị có tổng giá trị trang thiết bị không đúng danh mục trong một lần mua từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp mua sắm trang thiết bị có tổng giá trị trang thiết bị không đúng danh mục trong một lần mua từ 100.000.000 đồng trở lên.

3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hành vi mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách Nhà nước cấp vượt tiêu chuẩn, định mức thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Điều 32. Hành vi vi phạm quy định của pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách[10]

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

a) Hành vi sử dụng quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách[11] sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành;

b) Hành vi sử dụng quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách[12] không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Thu hồi nộp về quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách[13] kinh phí sử dụng sai mục đích đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách[14] số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 33. Hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái phép việc thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện các dự án sử dụng tài nguyên tái chế.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 34. Hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền, tài sản công

Hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; các văn bản có liên quan và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 35. Hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước gây lãng phí.

2. Đối với hành vi vi phạm quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước gây lãng phí thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 36. Hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản công tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn Nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về trích lập và quản lý, sử dụng các quỹ trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn Nhà nước không đúng mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn Nhà nước gây lãng phí và hành vi mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, vật tư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn Nhà nước không đúng với quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản công, quản lý đầu tư xây dựng.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cố định, vật tư và các tài sản khác trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn Nhà nước vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

4. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi quản lý, sử dụng các khoản chi phí trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn Nhà nước không đúng định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, chế độ quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Mục 2. THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Điều 37. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm:

a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định tại Điều 38, Điều 39 Nghị định này;

b) Công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 38, Điều 39 Nghị định này ra quyết định xử phạt.

Điều 38. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân

1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.

Điều 39. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra

1. Chánh Thanh tra Sở, các chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở có quyền:

a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.

2. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền:

a) Phạt tiền đến 140.000.000 đồng;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.

3. Chánh Thanh tra Bộ có quyền:

a) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.

Chương IV

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ LÝ, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC DỰ TRỮ QUỐC GIA

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC VI PHẠM QUY ĐỊNH, MỨC XỬ PHẠT TRONG LĨNH VỰC DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 40. Hành vi vi phạm quy định về mua, bán hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo hoặc niêm yết công khai về đối tượng tham gia mua, bán; phương thức mua, bán; giá mua, bán; thời hạn mua, bán; số lượng, chủng loại, quy cách, tiêu chuẩn, chất lượng hàng dự trữ quốc gia theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi:

Thực hiện không đúng các quy định do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành về phương thức mua, bán đối với từng loại hàng dự trữ quốc gia.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc mua hàng dự trữ quốc gia khi đã có đủ các điều kiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

b) Mua, bán hàng dự trữ quốc gia khi không có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

c) Mua, bán hàng dự trữ quốc gia khi thời hạn về mua, bán hàng dự trữ quốc gia đã hết hiệu lực;

d) Mua, bán hàng dự trữ quốc gia không đúng về số lượng, chủng loại, quy cách, tiêu chuẩn, chất lượng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Không thực hiện các quy định do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành về phương thức mua, bán đối với từng loại hàng dự trữ quốc gia.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tự ý thay đổi giá mua, bán hàng dự trữ quốc gia để trục lợi.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 41. Hành vi vi phạm quy định về quản lý hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không mở sổ sách theo dõi về chất lượng, số lượng, chủng loại hàng dự trữ quốc gia trong quá trình bảo quản;

b) Không thực hiện các báo cáo định kỳ, đột xuất liên quan đến bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm về điều chuyển hàng dự trữ quốc gia theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về điều chuyển hàng dự trữ quốc gia;

b) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về điều chuyển hàng dự trữ quốc gia.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi hàng dự trữ quốc gia đã điều chuyển không đúng quy định đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 42. Hành vi vi phạm quy định về bảo quản hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt tiền đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời về bảo quản hàng dự trữ quốc gia do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành; không chấp hành đúng quy định về thời hạn bảo quản hàng dự trữ quốc gia; bảo quản hàng dự trữ quốc gia không đúng địa điểm đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định theo các mức phạt sau:

a) Từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp không gây thiệt hại;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi cản trở hoạt động cất giữ, bảo quản, luân chuyển hàng dự trữ quốc gia theo các mức phạt sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp không gây thiệt hại;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thuê tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện để bảo quản hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 100.000.000 triệu đồng.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 43. Hành vi xâm phạm, phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi xâm phạm trái phép vào cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

3. Phạt tiền đối với hành vi xâm phạm, phá hoại hàng dự trữ quốc gia theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp không gây thiệt hại hàng dự trữ quốc gia;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của cơ sở vật chất - kỹ thuật, kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc hoàn trả hàng dự trữ quốc gia bị thiệt hại do hành vi xâm phạm, phá hoại hàng dự trữ quốc gia tại khoản 3 Điều này.

Điều 44. Hành vi vi phạm quy định về cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi cản trở hoạt động cấp phát, cứu trợ hoặc thực thi một nhiệm vụ khác về dự trữ quốc gia theo các mức phạt sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp không gây thiệt hại;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các thủ tục cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 100.000.000 đồng trong thời gian quy định.

3. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi sử dụng hàng dự trữ quốc gia không đúng mục đích; cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia không đúng đối tượng theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia không đảm bảo về chủng loại, số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn, quy cách theo các mức phạt sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp không gây thiệt hại;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

4. Phạt tiền đối với hành vi làm thất thoát hàng dự trữ quốc gia dùng để cấp phát, cứu trợ hoặc thực thi một nhiệm vụ khác theo các mức phạt sau:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi phân phối hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 100.000.000 đồng không đúng đối tượng theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chậm trễ, trì hoãn trong việc cấp phát, cứu trợ hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 100.000.000 đồng theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chậm trễ, trì hoãn trong việc phân phối hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 100.000.000 đồng theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 5 và 6 Điều này;

b) Buộc hoàn trả hàng dự trữ quốc gia bị thất thoát, sử dụng không đúng mục đích hoặc cấp phát không đúng đối tượng đối với hành vi quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này;

c) Buộc hoàn trả hàng dự trữ quốc gia bị hư hỏng, kém hoặc mất phẩm chất, không đủ số lượng đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.

Điều 45. Hành vi vi phạm quy định về nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi cản trở hoạt động nhập, xuất, vận chuyển hàng dự trữ quốc gia theo các mức phạt sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp không gây thiệt hại;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thủ tục nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 100.000.000 đồng theo quy định;

b) Giao hàng không đúng về số lượng, chủng loại, quy cách, tiêu chuẩn, chất lượng đối với hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 100.000.000 đồng theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 100.000.000 đồng không đúng về chủng loại, quy cách, số lượng, chất lượng, thời gian, địa điểm theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 100.000.000 đồng khi không có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;

b) Buộc thu hồi hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp không đúng quy định đối với các hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 46. Hành vi vi phạm quy định về tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia không theo đúng thời gian, địa điểm theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về thủ tục, trình tự tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia (hàng dự trữ quốc gia được xuất cho cứu trợ hoặc thực thi một nhiệm vụ khác của cơ quan có thẩm quyền) khi hàng đã có đầy đủ các điều kiện theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 47. Hành vi can thiệp trái pháp luật trong hoạt động dự trữ quốc gia

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi can thiệp trái pháp luật trong hoạt động dự trữ quốc gia theo các mức phạt sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp không gây thiệt hại;

b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp gây thiệt hại về hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về quản lý tiền vốn và phí trong hoạt động dự trữ quốc gia

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện báo cáo việc sử dụng tiền xuất từ vốn dự trữ quốc gia để mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thanh toán khi không có hợp đồng mua, bán hàng dự trữ quốc gia;

b) Thanh toán khi hàng dự trữ quốc gia không đúng về số lượng hoặc không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ;

c) Thanh toán khi không có biên bản thanh lý hợp đồng hoặc bảng kê chứng từ nhập kho có chữ ký của Thủ trưởng đơn vị đối với các trường hợp mua trực tiếp không qua đấu thầu;

d) Thanh toán khi không được Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia chuẩn chi;

đ) Sử dụng phí nhập, phí xuất, phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia không đúng nội dung, vượt định mức quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng vốn dự trữ quốc gia là tiền không đúng mục đích;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý tiền được xuất từ vốn dự trữ quốc gia;

c) Không nộp số tiền còn lại sau khi đã thực hiện xong việc mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 49. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh, cầm cố, thế chấp, cho thuê, khai thác tài sản thuộc dự trữ quốc gia

1. Phạt tiền đối với hành vi kinh doanh, cầm cố, thế chấp, cho thuê, khai thác trái phép tài sản thuộc dự trữ quốc gia (trừ kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia) theo các mức phạt sau:

a) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị dưới 70.000.000 đồng;

b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền đối với hành vi kinh doanh, cầm cố, thế chấp, cho thuê, khai thác trái phép tài sản là kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo các mức phạt sau:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới 500.000.000 đồng;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại nguyên trạng tài sản đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Mục 2. THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DỰ TRỮ QUỐC GIA

Điều 50. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia

1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia gồm:

a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia quy định tại các Điều 51, 52 và 53 Nghị định này;

b) Công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dự trữ quốc gia.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền quy định tại các Điều 51, 52 và 53 Nghị định này ra quyết định xử phạt.

Điều 51. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân

1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c)[15] Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này.

Điều 52. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra

1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực dự trữ quốc gia đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c)[16] Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng.

2. Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra cấp Sở thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực dự trữ quốc gia, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực ra quyết định thành lập có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c)[17] Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này.

3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực dự trữ quốc gia có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

c)[18] Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 140.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này.

4. Chánh Thanh tra Bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này.

Điều 53. Thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

1. Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực dự trữ quốc gia có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

c)[19] Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 140.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực dự trữ quốc gia có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này.

Chương V

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC VI PHẠM QUY ĐỊNH, MỨC XỬ PHẠT VỀ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 54. Hành vi vi phạm quy định về khoản chi ngân sách Nhà nước phải có trong dự toán ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền giao

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi cho những nội dung, công việc không có trong dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi vượt dự toán hoặc kế hoạch vốn năm được cấp có thẩm quyền giao hoặc vượt dự toán các khoản chi phí được phê duyệt (đối với các công việc không thông qua hợp đồng);

c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi sai so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao (chi sai nguồn dự toán; chi sai mục đích, đối tượng, nội dung so với dự toán được giao); chi sai nguồn vốn đầu tư, chi sai danh mục dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi thanh toán cho khối lượng công việc chưa thực hiện;

b) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi thanh toán cho khối lượng công việc đang thực hiện dở dang, chưa đủ điều kiện thanh toán;

c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi thanh toán vượt giá trị hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi đối với các khoản đã chi từ việc lập hồ sơ, chứng từ thanh toán cho khối lượng công việc chưa thực hiện; khối lượng công việc đang thực hiện dở dang, chưa đủ điều kiện thanh toán và phần đã thanh toán vượt giá trị hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 55. Hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và hành vi lập hồ sơ, chứng từ sai so với hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng trước khi có kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp).

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi không đúng tiêu chuẩn về chức danh, đối tượng sử dụng;

b) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi vượt định mức chi về số lượng, giá trị;

c) Lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước để chi các khoản chi sai chế độ (chi không đảm bảo điều kiện, nguyên tắc của chế độ chi).

Trường hợp tổ chức có hành vi mua sắm hoặc thuê tài sản Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định này.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước sai so với các nội dung trên hồ sơ, hóa đơn, chứng từ gốc tại đơn vị nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi đối với các khoản đã chi từ việc lập hồ sơ, chứng từ sai chế độ quy định và các khoản chi sai từ việc lập hồ sơ, chứng từ sai so với nội dung trên hồ sơ, chứng từ gốc tại đơn vị nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Điều 56. Hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách Nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

1.[20] Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán, chi trả các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp (loại trừ các khoản chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư từ 500.000.000 đồng trở lên).

2.[21] Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư từ 500.000.000 đồng trở lên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi toàn bộ các khoản đã chi từ việc sử dụng hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi ngân sách Nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 57. Hành vi vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ, chứng từ đề nghị Kho bạc Nhà nước chuyển tiền thanh toán không đúng tên hoặc số hiệu tài khoản đơn vị thụ hưởng đã được ghi trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ, chứng từ đề nghị thanh toán chi ngân sách Nhà nước không phù hợp với các điều khoản thanh toán đã được quy định trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng giữa đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Sai về giá trị hợp đồng;

b) Sai về thời hạn thanh toán;

c) Sai về phương thức thanh toán;

d) Sai về tỷ lệ thanh toán (bao gồm cả thanh toán tạm ứng);

đ) Sai về điều khoản thanh toán khác quy định trong hợp đồng và phụ lục hợp đồng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải hoàn thiện lại hồ sơ, chứng từ theo đúng quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 58. Hành vi vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không gửi cam kết chi ngân sách Nhà nước đến Kho bạc Nhà nước đối với các khoản chi thuộc phạm vi phải thực hiện cam kết chi theo quy định;

b) Gửi đề nghị cam kết chi ngân sách Nhà nước đến Kho bạc Nhà nước chậm quá thời hạn quy định đối với các khoản chi thuộc phạm vi phải thực hiện cam kết chi theo quy định;

c) Gửi đề nghị cam kết chi vượt kế hoạch vốn đầu tư năm, số dư dự toán năm còn được phép sử dụng hoặc vượt quá giá trị của hợp đồng còn được phép cam kết chi.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải làm thủ tục cam kết chi trước khi đề nghị Kho bạc Nhà nước thanh toán, chi trả ngân sách Nhà nước đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc phải làm lại thủ tục cam kết chi đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 59. Hành vi vi phạm thủ tục, thời hạn thanh toán tạm ứng ngân sách Nhà nước

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Làm thủ tục thanh toán tạm ứng sau thời hạn cuối cùng phải thực hiện thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên không có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc khoản chi không phải gửi hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ đến Kho bạc Nhà nước theo quy định;

b) Không làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với các khoản chi vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500.000.000 đồng qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không làm thủ tục thanh toán hết tạm ứng đối với các khoản chi thường xuyên, có hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ theo chế độ quy định trong lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng;

b) Không làm thủ tục thanh toán hết tạm ứng đối với các khoản chi vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu hoặc chi thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước và nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên có tổng mức đầu tư trên 500.000.000 đồng khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt đến 80% giá trị hợp đồng;

c) Không làm hoặc làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với khoản chi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sau thời hạn theo quy định phải thanh toán vốn tạm ứng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải làm thủ tục thanh toán tạm ứng đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Mục 2. VI PHẠM QUY ĐỊNH, MỨC XỬ PHẠT VỀ ĐĂNG KÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Điều 60. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải phong tỏa tài khoản hoặc đóng tài khoản đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 61. Hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lập hồ sơ, giấy tờ giả mạo gửi Kho bạc Nhà nước để làm thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải phong tỏa tài khoản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Mục 3. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Điều 62. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc Nhà nước

1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc Nhà nước gồm:

a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua kho bạc Nhà nước quy định tại Điều 63, Điều 64 Nghị định này;

b) Công chức được giao nhiệm vụ kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua kho bạc Nhà nước.

c)[22] Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 63, Điều 64 Nghị định này ra quyết định xử phạt.

Điều 63. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra

1. Chánh thanh tra Sở Tài chính, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành Sở Tài chính, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước do Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh thành lập và Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước thành lập có quyền:

a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định này.

2. Chánh thanh tra Bộ Tài chính có quyền:

a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định này.

3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tài chính có quyền:

a)[23] Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định này.

Điều 64. Thẩm quyền xử phạt của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:

a) Phạt tiền đến 70.000.000 đồng;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định này.

2. Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước có quyền:

a) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

b) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định này.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[24]

Điều 65. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2019.

2. Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước và Nghị định số 58/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 66. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định về xử phạt quy định tại Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

Điều 67. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện và kiểm tra việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước quy định tại Nghị định này.

3. Các cơ quan chức năng của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước có trách nhiệm chuyển hồ sơ (nếu có) hoặc thông báo tới người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này để xem xét, xử lý.

Trường hợp các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công thuộc trường hợp phải thu hồi tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm thông báo tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để ra quyết định thu hồi đối với tài sản theo quy định. Việc xử lý tài sản sau khi thu hồi được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Đức Chi



[1] Văn bản này được hợp nhất từ 02 Nghị định sau:

- Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2019;

- Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập; có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 (sau đây gọi là Nghị định số 102/2021/NĐ-CP).

Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Nghị định trên.

[2] Nghị định số 102/2021/NĐ-CP có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Dự trữ quốc gia ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Kiểm toán độc lập ngày 29 tháng 3 năm 2011;

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.”

[3] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[4] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[5] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[6] Cụm từ “có giá trị không vượt quá mức phạt tiền quy định tại điểm b khoản này” được bãi bỏ theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[7] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[8] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[9] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[10] Cụm từ “quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước” được thay thế bởi “quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách” theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[11] Cụm từ “quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước” được thay thế bởi “quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách” theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[12] Cụm từ “quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước” được thay thế bởi “quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách” theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[13] Cụm từ “quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước” được thay thế bởi “quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách” theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[14] Cụm từ “quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước” được thay thế bởi “quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách” theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[15] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[16] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[17] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[18] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[19] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[20] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[21] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[22] Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[23] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại khoản 11 Điều 4 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

[24] Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định như sau:

Điều 7. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau thời điểm có hiệu lực của Nghị định này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì được giải quyết theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

2. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết để xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng các quy định về xử phạt quy định tại Nghị định này nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

3. Đối với hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã được cơ quan thuế tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn để giải quyết theo quy định.

Điều 8. Trách nhiệm thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022./.”

MINISTRY OF FINANCE OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

No. 17/VBHN-BTC

Hanoi, September 05, 2022

 

DECREE [1]

PENALTIES FOR ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON MANAGEMENT AND USE OF PUBLIC PROPERTY, THRIFT PRACTICE AND WASTEFULNESS COMBAT, NATIONAL RESERVE AND STATE TREASURY

Decree No. 63/2019/ND-CP dated July 11, 2019 of the Government on penalties for administrative violations against regulations on management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat, national reserve and state treasury, which comes into force  from September 01, 2019, is amended by:

Decree No. 102/2021/ND-CP dated November 16, 2021 of the Government on amendments to some Articles of Decrees on penalties for administrative violations against regulations on tax and invoicing; customs; insurance business and lottery business; management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat; national reserve; state treasury; accounting and independent audit, which comes into force from January 01, 2022.

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on Penalties for administrative violations dated June 20, 2012;

Pursuant to the Law on Management and Use of Public Property dated June 21, 2017;

Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Pursuant to the Law on National Reserve dated November 20, 2012;

At the request of the Minister of Finance;

The Government hereby promulgates a Decree on penalties for administrative violations against regulations on management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat, national reserve and state treasury.[2]

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Decree deals with violations, penalties, fines, remedial measures against administrative violations, the power to make records of administrative violations and the power to impose penalties against administrative violations in the following fields:

a) Management and use of public property in authorities and organizations, property of state-funded projects, property under the established public ownership and infrastructure property invested and managed by the State;

b) Thrift practice and wastefulness combat;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) State Treasury.

2. Administrative violations against regulations on management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat, national reserve or state treasury with respect to accounting, construction, planning and investment, valuation, auction and regulations other than those specified in Clause 1 of this Article shall be considered in accordance with relevant law provisions.

Article 2. Regulated entities

1. Organizations or individuals committing administrative violations against regulations on management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat, national reserve and state treasury.

2. The organizations prescribed in Clause 1 of this Article include:

a) Regulatory authorities;

b) Units affiliated to the People’s Armed Force;

c) Public service providers;

d) Agencies affiliated to the Communist Party of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Other involved enterprises, organizations and individuals.

3. Persons that have the power to impose administrative penalties, and organizations and individuals related to the imposition of administrative penalties in accordance with regulations herein.

4. In case an on-duty official or public employee commits a violation which relates to his/her assigned tasks as prescribed in relevant legislative documents or administrative documents issued by competent authorities or officers, he/she shall not incur administrative penalties according to regulations herein but shall suffer punishment in accordance with regulations of the Law on officials and public employees.

A regulatory authority that commits a violation relating to its assigned state management tasks shall not face administrative penalties according to regulations herein but shall suffer punishment in accordance with relevant law provisions.

Article 3. Prescriptive time limits for imposing penalties for administrative violations[3]

1. The prescriptive time limits for imposing penalties for administrative violations against regulations on management and use of public property; thrift practice and wastefulness combat; national reserve; state treasury specified in this Decree shall be 01 year.  The prescriptive time limits for imposing administrative violations relating to public property being house, land and infrastructure property invested in and managed by the State shall be 02 years.

2. The dates which are used to determine the prescriptive time limits for imposing penalties for administrative violations against regulations on management and use of public property are as follows:

a) For a completed administrative violation, the prescriptive time limit begins from the date on which that violation terminates;

b) For an in-progress administrative violation, the prescriptive time limit begins from the date on which that violation is detected;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) The administrative violations against regulations on lease of property specified in Article 7 of this Decree shall be completed ones in case where the property has been leased and put into use; and shall be treated as in-progress ones in the remaining cases;

dd) The administrative violations against regulations on encroaching upon working offices or public service facilities specified in Article 11 of this Decree shall be determined as follows:

- The adjacent land user’s act of deliberately moving boundary markers of its/his/her land plot with the aim of expanding land area or building a work encroaching upon the land area of a working office or public service facility, regulatory authority, organization or unit shall be treated as a completed administrative violation; treated as an in-progress violation in the remaining cases.

- The organization’s or individual’s act of using the house or land area of the working office or public service facility, regulatory authority, organization or unit without permission shall be treated as an in-progress administrative violation.

e) The in-progress administrative violations against regulations on management and use of public property are the ones specified in Articles 8, 9, 10, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 20, 21, 22, 23, 24, 25 and 26 of this Decree.

3. The ending dates of in-progress and completed administrative violations which are used to determine the prescriptive time limits for imposing penalties for administrative violations against regulations on thrift practice and wastefulness combat are prescribed as follows:

a) The administrative violation specified in Clause 2 Article 31 of this Decree shall be treated as a completed one if the property has been completely procured and transferred to an organization, regulatory authority or unit for management and use; and shall be treated as an in-progress one in the remaining cases;

b) The administrative violation specified in Clause 2 Article 32 of this Decree shall be treated as a completed one if the act of using state budget-derived fund for improper purposes or inconsistently with its principles is completed; and shall be treated as an in-progress one in the remaining cases;

c) The administrative violation specified in Clause 2 Article 32 of this Decree shall be treated as a completed one if the act of using state budget-derived fund in a wasteful manner that is inconsistent with standards, technical regulations or beyond the prescribed limits is completed; and shall be treated as an in-progress one in the remaining cases;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) The administrative violation specified in Clause 2 Article 33 of this Decree shall be treated as a completed one if the act of extracting and using of natural resources inconsistently with planning or procedures is completed; and shall be treated as an in-progress one in the remaining cases;

e) The administrative violation specified in Clause 1 Article 35 of this Decree shall be treated as a completed one if the act of causing wastefulness upon management of a working office or public service facility is completed; and shall be treated as an in-progress one in the remaining cases;

g) The administrative violation against regulations on procurement of assets or materials in a state-funded single-member limited liability company specified in Clause 2 or 3 Article 36 of this Decree shall be treated as a completed one if the asset procurement is completed; and shall be treated as an in-progress one in the remaining cases;

h) The in-progress administrative violations against regulations on thrift practice are the violations specified in Clause 1 Article 31, Clause 1, Clause 4 Article 36 of this Decree; the violations against regulations on management and use of capital of state-funded single-member limited liability companies specified in Clause 2 Article 36 of this Decree; the violations against regulations on management and use of assets and materials specified in Clause 2, Clause 3 Article 36 of this Decree.

4. The ending dates of in-progress and completed administrative violations which are used to determine the prescriptive time limits for imposing penalties for administrative violations against regulations on national reserve are prescribed as follows:

a) The administrative violations treated as in-progress ones are those specified in Article 41, Article 42, Article 47, Points b and c Clause 3 Article 48 and Article 49 of this Decree;

b) Except the administrative violations specified in Point a of this Clause, the remaining administrative violations shall be treated as completed ones.

5. The ending dates of the administrative violations against regulations on state treasury are prescribed as follows:

a) The ending dates of the administrative violations specified in Article 54, Article 57, Article 58, Article 59 and Article 60 of this Decree are the dates on which the documents are submitted to the State Treasury;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 4. Penalties and remedial measures

1. Principal penalties:

a) Principal penalties prescribed in this Decree include warnings and fines;

b) The maximum fine for committing a violation against regulations on management and use of public property, national reserve and state treasury is VND 50,000,000 if it is imposed upon an individual or VND 100,000,000 if it is imposed upon an organization. The maximum fine for committing a violation against regulations on thrift practice and wastefulness combat is VND 100,000,000 if it is imposed upon an individual or VND 200,000,000 if it is imposed upon an organization.

2. Additional penalties:

Depending on the nature and severity of each administrative violation, the violator may be liable to the additional penalty that is confiscation of exhibits and instrumentalities for committing the violation.

3. Remedial measures against violations against regulations on management and use of public property:

Depending on the nature and severity of each violation, the violator shall also be liable to one or some of the following remedial measures:

a) Enforced transfer of an amount of money equivalent to the value of property;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Enforced return of the property. The violator is compelled to restore original conditions of property which has been damaged by the violation. In case of failure to restore the original conditions of the property, the violator is required to pay an amount of money equivalent to the value of property or provide another property which has the same uses and value with the original property.

d) Enforced demolition of the work constructed within encroached area of the working office or public service facility;

dd) Enforced invalidation of reports in case of commission of violations against regulations on input and use of public property data;

e) Enforced correction and/or addition of data, information and reports on public property.

4. Remedial measures against violations against regulations on thrift practice and wastefulness combat:

Depending on the nature and severity of each violation, the violator shall also be liable to one or some of the following remedial measures:

a) Enforced return of funding of a state budget-derived fund which has been used inconsistently with its purposes or principles announced by a competent authority;

b) Enforced transfer of illegal benefits, obtained from the use of a state budget-derived fund inconsistently with its operating regulations or financial mechanism promulgated by a competent authority, to the state budget-derived fund.

5. Remedial measures against violations against regulations on national reserve:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Enforced transfer of illegal benefits obtained from commission of violations against regulations on trading, storage, distribution and use of national reserves for relief; warehousing and dispatching of national reserves; management of funding and expenditures for national reserve activities; transaction, pledging, mortgage and operation of property in national reserves;

b) Enforced restoration to original conditions of technical facilities or warehouses for storing national reserve goods;

c) Enforced return of national reserves damaged by sabotage or commission of violations against regulation on distribution and use of national reserves for relief;

d) Enforced recovery of national reserves which have been dispatched or distributed inconsistently with regulations;

dd) Enforced restoration to original conditions of property which is national reserve warehouse and has been illegally traded, pledged, mortgaged, leased or operated.

6. Remedial measures against violations against regulations on state treasury:

Depending on the nature and severity of each violation, the violator shall also be liable to one or some of the following remedial measures:

a) Enforced recovery of amounts paid according to payment vouchers/documents for unexecuted or uncompleted workloads that do not meet payment requirements and amounts paid more than the value of contract or its appendix;

b) Enforced recovery of amounts paid according to payment documents/vouchers which have prepared inconsistently with regulations and amounts improperly paid according to documents/vouchers whose contents are different from those on the original documents/vouchers if not liable to criminal prosecution;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Enforced completion of payment documents/vouchers in accordance with regulations in case of commission of regulations on payment for state budget expenditures;

dd) Enforced making of payment commitments before requesting the State Treasury to make payments using state budget or enforced completion of procedures for payment commitments in case of commission of violations against procedures for payment commitments;

e) Enforced completion of procedures for advanced payment in case of commission of violations against procedures or time limits for advance funding of state budget;

g) Enforced blockade or closing of account in case of commission of violations against regulations on registration and use of accounts opened at state treasury; enforced blockade of account in case of forging documents for registration of account at state treasury if not liable to criminal prosecution.

7.[4] Organizations or individuals incurring penalties as regulated herein shall not use state budget or state budget-derived funding to pay fines and cover costs of remedial measures, except for the case in Clause 8 Article 37 of the Government's Decree No. 10/2021/ND-CP dated February 09, 2021 on management of construction investment costs.

Article 5. Imposition of fines[5]

1. The fines prescribed in Section 1, Section 2, Section 3 and Section 4 Chapter II, Section 1 Chapter III, Section 1 Chapter IV, Section 1 and Section 2 Chapter V hereof are imposed upon organizations. The fine imposed upon an individual shall be equal to a half of the fine imposed upon an organization for committing the same violation (except provisions in Article 17, Article 23 and Article 27 hereof).

2. Upon imposing a fine, the specific amount of fine for an administrative violation is the average of specific fines in the range for such violation.  For a mitigating circumstance that exists, the average fine for a violation in the fine range shall be reduced by 10% provided that the fine amount imposed for such violation is not lower than the minimum fine in that range. Meanwhile, for an aggravating circumstance that exists, the average fine for a violation in the fine range shall be increased by 10% provided that the fine amount imposed for such violation is not greater than the maximum fine in that range.

3. When determining the fine amount imposed on an entity that commit an administrative violation under both aggravating and mitigating circumstances, each mitigating circumstance will cancel out an aggravating circumstance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON MANAGEMENT AND USE OF PUBLIC PROPERTY, PENALTIES, FINES AND REMEDIAL MEASURES

Section 1. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON MANAGEMENT AND USE OF PUBLIC PROPERTY AT REGULATORY AUTHORITIES, ORGANIZATIONS AND UNITS, AND FINES

Article 6. Violations against regulations on investment in and procurement of public property

1. Fines shall be imposed for investment in or procurement of property without a decision from a competent authority or officer. To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for investment in or procurement of property that is machinery, equipment or other property (except working office, public service facility and car) with total value of each transaction not exceeding VND 100,000,000;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for investment in or procurement of property that is machinery, equipment or other property (except working office, public service facility and car) with total value of each transaction of VND 100,000,000 or more;

c) A fine ranging from VND 20,000,000 to VND 50,000,000 shall be imposed for investment in or procurement of property that is working office, public service facility or car.

2. A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for failure to apply centralized procurement methods when procuring property on the list subject to centralized procurement as regulated in the law on management and use of public property.

3. Fines shall be imposed for investment in or procurement of property beyond the limits imposed by competent authorities. To be specific:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for investment in or procurement of a unit of property whose value exceeds the prescribed spending limit by from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000;

c) A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for investment in or procurement of a unit of property whose value exceeds the prescribed spending limit by VND 100,000,000 or more.

4. Remedial measures:

The violator is compelled to return the spending amount on invested or procured property that exceeds the prescribed spending limit if committing one of the violations prescribed in Clause 3 of this Article.

5. The amount exceeding the prescribed spending limit on property which is the basis for imposing fines shall be determined as follows:

a) In case of investment in or procurement of property that is car, machinery, equipment or other property in excess of the prescribed quantity, the exceeding spending amount per a unit of property is the unit price of that property determined according to the buying price specified in the invoice or property procurement contract;

b) In case of investment in or procurement of property that is car, machinery, equipment or other property with correct quantity but with prices higher than the prescribed prices, the exceeding spending amount shall be the value of property specified in the invoice or property procurement contract minus (-) the value of property which is determined according to the prescribed price set by a competent authority;

c) In case of investment in or procurement of working office or public service facility beyond the prescribed limit, the exceeding spending amount shall be determined by the difference between the actual area and the prescribed usable area multiplied by the unit purchase price specified in the invoice (or the property procurement contract);

d) The persons that have the power to impose penalties as prescribed in Article 29 and Article 30 hereof shall determine such exceeding spending amounts which shall be used as the basis for imposing penalties in accordance with regulations of the law on penalties for administrative violations and shall assume responsibility for their determination.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for one of the following violations against regulations on property lease if the value of the property lease agreement is less than VND 100,000,000:

a) Leasing property without the decision on property lease issued by a competent authority or officer;

b) Leasing property beyond the limits imposed by competent authorities;

c) Selecting leasing service providers against procedures or methods laid down in the law on management and use of public property and relevant laws.

2. A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for committing the violation prescribed in Clause 1 of this Article if the value of the property lease agreement is VND 100,000,000 or higher.

3. Remedial measures:

The violator is compelled to return the spending amount on leasing of property that exceeds the prescribed spending limit if committing the violation prescribed in Point b Clause 1 of Clause 2 of this Article.

4. The value of the property lease agreement which is used as the basis for imposing fines shall be determined as follows:

a) If a specific value is specified in the property lease agreement, that value shall be used as the basis for imposing fines;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The persons that have the power to impose penalties as prescribed in Article 29 and Article 30 hereof shall determine values used as the basis for imposing penalties in accordance with regulations of the law on penalties for administrative violations and shall assume responsibility for their determination.

Article 8. Violations against regulations on allocation, use and deliberate destruction of public property

1. Fines shall be imposed for allocating public property beyond the limits imposed by competent authorities or officers (allocating public property to ineligible entities or in excess of the prescribed area, quantity or price). To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for allocating or using property whose value exceeds the prescribed limit by less than VND 50,000,000;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for allocating or using property whose value exceeds the prescribed limit by from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000;

c) A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for allocating or using property whose value exceeds the prescribed limit by VND 100,000,000 or more.

2. Fines shall be imposed for allocating or using public property for improper purposes (using public property invested, equipped or procured against its purposes or uses; using working office or public service facility for residential purpose or other personal purposes; using cars to take officials from their residences to work while they are ineligible for this regime; using cars to serve work trips of officials without approval from competent authorities while they are ineligible for this regime; allocating or using cars for personal purposes; using machinery, equipment or other property for personal purposes). To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for allocating or using property that is machinery, equipment or other property (except working office, public service facility or car) whose book value is less than VND 100,000,000 (hereinafter referred to as “property worth less than VND 100,000,000);

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for allocating or using property that is machinery, equipment or other property (except working office, public service facility or car) whose book value is VND 100,000,000 or more (hereinafter referred to as “property worth VND 100,000,000 or more);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The following fines shall be imposed for vandalism or deliberate destruction of public property if not liable to criminal prosecution:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for deliberate destruction of property that is machinery, equipment or other property whose book value is less than VND 100,000,000;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for deliberate destruction of property that is machinery, equipment or other property whose book value is VND 100,000,000 or more;

c) A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for deliberate destruction of property that is working office, public service facility or car.

4. Remedial measures:

a) The violator is compelled to return an amount equivalent to the value of property that exceeds the prescribed limit in case of commission of the violation in Clause 1 of this Article;

b) In case of commission of the violation in Clause 3 of this Article, the violator is compelled to restore the original conditions of the property which has been damaged by the violation; in case of failure to restore the original conditions of the property, the violator is required to pay an amount of money equivalent to the value of property or provide another property which has the same uses and value with the original property.

5.  The value exceeding the prescribed limit shall be determined as follows:

a) In case of allocation or use of property that is car, machinery, equipment or other property in excess of the prescribed quantity, the exceeding value shall be the exceeding quantity of property multiplied by its book value; in case the book value of property is not available, the purchase price of a new property of the same category or having similar technical standards and uses on the market at the time of commission of the violation shall be employed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) In case the property is working office or public service facility, the exceeding value shall be the difference between the actual area and the prescribed usable area multiplied by the average unit price recorded in accounting books; in case the unit price is not available in accounting books, the investment rate of a house or building of similar technical standards announced by the Ministry of Construction applicable at the time of commission of the violation shall be employed;

d) The persons that have the power to impose penalties as prescribed in Article 29 and Article 30 hereof shall determine such exceeding values which shall be used as the basis for imposing penalties in accordance with regulations of the law on penalties for administrative violations and shall assume responsibility for their determination.

Article 9. Violations against regulations on lending of public property

1. Fines shall be imposed for lending/using public property for improper purposes (allowing another organization or individual to use public property regardless of written lending agreement and lending period). To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for lending public property worth less than VND 100,000,000;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10.000.000 shall be imposed for lending public property worth VND 100,000,000 or more;

c) A fine ranging from VND 50,000,000 to VND 60,000,000 shall be imposed for lending property that is working office, public service facility or car.

2. Remedial measures:

The organization that commits the violation in Clause 1 of this Article shall also be liable to the following remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The violating organization is compelled to transfer to the state budget an amount of money equivalent to the property rental for the lending period.  Property rental shall be determined according to Clause 4 Article 7 hereof.

Article 10. Penalties for improperly exchanging or giving public property

1.  Fines shall be imposed for exchanging public property inconsistently with regulations (an organization uses its public property to exchange for the property of another organization or individual without permission of a competent authority or person). To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed if the exchanged property is worth less than VND 100,000,000;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10.000.000 shall be imposed if the exchanged property is worth VND 100,000,000 or more;

c) A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed if the exchanged property is working office, public service facility or car.

2. A fine ranging from VND 20,000,000 to VND 50,000,000 shall be imposed for giving public property inconsistently with regulations (using public property as gifts inconsistently with regulations on giving of gifts promulgated by competent authorities).

3. Remedial measures:

The violator is compelled to return the property or pay an amount equivalent to the value of the exchanged or given property in case of commission of the violation in Clause 1 or Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 15,000,000 shall be imposed for encroaching upon working office or public service facility (i.e. an adjacent land user deliberately moves boundary markers of its/his/her land plot with the aims of expanding land area or builds a work encroaching upon the land area of a working office or public service facility, regulatory authority, organization or unit; an organization or individual uses the house or land area of the working office or public service facility, regulatory authority, organization or unit without permission).

2. Additional penalties:

The exhibits/ instrumentalities of the violation prescribed in Clause 1 of this Article shall be confiscated.

3. Remedial measures:

The organization or individual that commits the violation in Clause 1 of this Article shall also be liable to the following remedial measures:

a) Restore the original conditions of the working office or public service facility and return the encroached land area;

b) Demolish the work built on the encroached land area;

c) Transfer to the state budget an amount of money equivalent to the property rental for the land encroaching period.  Property rental shall be determined according to Clause 4 Article 7 hereof.

Article 12. Penalties for appropriation of public property

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed if the public property is worth less than VND 100,000,000;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if the public property is worth VND 100,000,000 or more;

c) A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for appropriating working office, public service facility or car.

2. Additional penalties: The exhibits/ instrumentalities of the violation prescribed in Clause 1 of this Article shall be confiscated.

3. Remedial measures: The organization or individual that commits the violation in Clause 1 of this Article shall also be liable to the following remedial measures:

a) The violating organization or individual is compelled to restore the original conditions of the property which has been damaged by the violation. In case of failure to restore the original conditions of the property, the violating organization or individual is required to pay an amount of money equivalent to the value of property or provide another property which has the same uses and value with the original property;

b) The violating organization or individual is compelled to transfer to the state budget an amount of money equivalent to the property rental during the property appropriation period.  Property rental shall be determined according to Clause 4 Article 7 hereof.

Article 13. Violations against regulations on use of public property for business, leasing, cooperation or association purposes

1. Fines shall be imposed for using public property for business purpose, leasing or joining in a cooperation or association without approvals by competent authorities or officers according to law regulations on management and use of public property applicable at the time of using public property. To be specific:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for using property worth VND 100,000,000 or more;

c) A fine ranging from VND 15,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for using property that is working office, public service facility or car.

2.  Fines shall be imposed for violations against regulation on valuation of property used for business purpose, leasing or joining in a cooperation or association. To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for establishing a property pricing council or property valuation council with improper composition;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for failure to follow procedures established by law for selecting a property valuation service provider to determine the value of property used for business purpose, leasing or joining in a cooperation or association.

3. Fines shall be imposed for failure to comply with the schemes approved by competent authorities or officers when using public property for business purpose, leasing or joining in a cooperation or association resulting in adverse impact on performance of assigned functions and duties. To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for using property worth less than VND 100,000,000;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for using car or property worth VND 100,000,000 or more;

c) A fine ranging from VND 15,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for using property that is working office, public service facility or car.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The violator is compelled to restore the original conditions of the property which has been damaged by the violation in Clause 1 of this Article; in case of failure to restore the original conditions of the property, the violator is required to pay an amount of money equivalent to the value of property or provide another property which has the same uses and value with the original property;

b) The violator is required to return illegal benefits obtained from the violations in Clause 1 and Clause 3 of this Article.

Article 14. Violations against regulations on maintenance and repair of property

1. The organization that is provided by a competent authority with funding for maintaining and repairing property as regulated by law but fails to maintain or repair property resulting in damaged property shall incur fines as follows:

a) A fine ranging from VND 500,000 to VND 1,000,000 shall be imposed for failure to maintain or repair property worth less than VND 50,000,000;

b) A fine ranging from VND 2,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for failure to maintain or repair property worth from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000;

c) A fine ranging from VND 30,000,000 to VND 50,000,000 shall be imposed for failure to maintain or repair property worth VND 100,000,000 or more or property that is working office or public service facility or car if not liable to criminal prosecution.

2. Determination of amounts paid in compensation for damaged property:

a) If the damaged property cannot be repaired, the amount payable shall be equal to the buying price of a new property of the same category or having similar standards and uses on the market multiplied by the percentage of remaining quality of property at the valuation date;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The head of the violating organization shall decide amounts payable on the basis of determination by a financial agency under its management and assume responsibility for its decision.

Article 15. Violations against regulations on disposition of public property

1. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

a) Failing to make declaration or plan for disposition of public property as regulated by laws;

b) Failing to make declaration or plan for disposition of public property by the prescribed deadlines;

c) Failing to request competent authorities to appropriate, transfer, sell, liquidate or destruct property when meeting regulatory requirements (unless a public property is still used to serve demand of an authority, organization or enterprise although its term of use expires as regulated by law; in such case, it shall be disposed of according to decision of the head of that authority, organization or enterprise).

2.  A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for failing to maintain property pending its disposition.

3. Fines shall be imposed for disposition of property without decision of competent authorities or officers. To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for selling, transferring, liquidating or destructing property worth less than VND 100,000,000;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for selling, transferring or liquidating property that is working office, public service facility or car.

4. The following penalties shall be imposed for improper declaration of list and current status of property requiring disposition (resulting in a decision on disposition of property made inconsistently with regulations):

a) A warning shall be imposed for improperly declaring property worth less than VND 50,000,000;

b) A fine ranging from VND 500,000 to VND 1,000,000 shall be imposed for improperly declaring property worth from VND 50,000,000 to VND 100,000,000;

c) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for improperly declaring property worth VND 100,000,000 or more;

d) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for improperly declaring property that is working office, public service facility or car.

5. Remedial measures:

a) The violator is compelled to restore original conditions of property which has been damaged by the violation in Clause 2 or Clause 3 of this Article; in case of failure to restore the original conditions of property, the violator is required to pay an amount of money equivalent to the value of property or provide another property which has the same uses and value with the original property;

b) The violator is compelled to pay an amount of money equivalent to the value of property lost or damaged in case of commission of the violation in Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) If property is lost or damaged and cannot be repaired, the amount payable shall be equal to the market price for buying a new property of the same category or having similar standards and uses on the market at the time of violation commission.

This market price may be determined according to suppliers’ quotations posted or announced on the marketing or official information published by suppliers on the Internet.

b) If the damaged property can be repaired, the amount payable shall be equal to the costs of repairing the property.

Article 16. Violations against regulations on organization of disposition of public property

1. A fine ranging from VND 500,000 to VND 1,000,000 shall be imposed for commission of one of the following violations:

a) Failing to implement the property disposition plan approved by a competent authority or officer within the prescribed time limit.

The time limit for property disposition is specified in the decision on property disposition.  In case a decision on property disposition does not stipulate the time limit for property disposition, it shall be determined in accordance with relevant laws.  In case an extension of property disposition is granted by the competent authority that gives approval for the property disposition plan, the prescribed time limit for property disposition shall also include this extension.

b) Failing to transfer property which is subject to a property transfer or appropriation decision to the property-receiving authority within the prescribed time limit.

2. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 3,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Establishing a valuation council with improper composition as regulated by laws;

c) Failing to adopt methods or follow procedures laid down in laws for selecting professional auction or valuation service providers to serve the property disposition;

d) Failing to publish the auction of public property in accordance with the law on management and use of public property (failing to post information relating to the auction of public property at prescribed locations; failing to publish or ensure the period of time for publishing information relating to the auction of public property on means of mass media as regulated in the law on property auction; posting or publishing insufficient information relating to the auction).

3. A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

a) Failing to establish a valuation council as regulated by laws;

b) Failing to publish information relating to the auction of public property as regulated in Point d Clause 2 of this Article.

4. Fines shall be imposed for failure to carry out valuation for using as the basis for determining the starting price when making disposition of property that is working office, public service facility or other property on land by selling method, or failure to organize property auction in cases where the disposition of property requires property auction. To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed if the property is worth less than VND 100,000,000;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if the property is worth VND 100,000,000 or more;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 17. Violations against regulations on access to and use of public property data

The following fines shall be imposed upon organizations or individuals for committing violations against regulations on access to and use of public property date:

1. A fine ranging from VND 500,000 to VND 1,000,000 shall be imposed for commission of one of the following violations:

a) Making property declarations for inputting property data to the National database public property with entries which are not consistent with legal documents of the property or its current status;

b) Assigning inferior units to input property data without obtaining a written approval from the Ministry of Finance;

c) Inputting or approving public property data which is not conformable with property declarations made by that organization in charge or managing and using the property.

 

2. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

a) Erasing or altering property declarations resulting in input of incorrect data on public property;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Using information relating to public property on the National database on public property of regulatory authorities, organizations and units ultra vires;

d) Using public property data on the National database on public property for personal purposes without permission from the competent authority in charge of managing that database (i.e. using information on the National database on public property for purposes other than the ones prescribed in the law regulations on management and operation of software for management and registration of public property without permission from the competent authority in charge of managing that database).

3. Remedial measures:

a) Forged or falsified declarations of property shall be invalidated;

b) The violator is compelled to correct data which must be conformable with current status of property;

c) The violator is compelled to make additional declarations of property in case of changes in property-related operations;

d) The violator is compelled to correct information that is untrue or causes misunderstanding;

dd) The violator is compelled to return illegal benefits obtained from administrative violations.

Section 2. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON MANAGEMENT AND USE OF PROPERTY OF STATE-FUNDED PROJECTS, AND FINES

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The organizations that procure property without obtaining decisions issued by competent authorities or officers shall incur fines according to regulations in Clause 1 Article 6 hereof.

2. The organizations that do not apply the centralized procurement method when procuring property on the list subject to centralized procurement shall incur fines according to regulations in Clause 2 Article 6 hereof.

3. The organizations that procure property without obtaining decisions issued by competent authorities or officers shall incur fines according to regulations in Clause 3 Article 6 hereof.

The value of property in excess of the prescribed spending limits shall be determined according to regulations in Clause 5 Article 6 hereof.

4. The organizations that commit violations against regulations on leasing of property to serve management tasks of state-funded projects shall incur fines according to regulations in Article 7 hereof.

Article 19. Violations against regulations on allocation and use of property of state-funded projects

1. The organizations that allocate or use property of state-funded projects beyond the prescribed limits or for improper purposes shall incur fines according to regulations in Article 8 hereof.

2. The organizations that lend property of state-funded projects inconsistently with regulations shall incur fines according to regulations in Article 9 hereof.

3. The organizations that exchange or give property of state-funded projects inconsistently with regulations shall incur fines according to regulations in Article 10 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The organizations or individuals that illegally appropriate property of state-funded projects shall incur fines according to regulations in Article 12 hereof.

6. The organizations that commit violations against regulations on use of property of state-funded projects for production or business purposes, leasing or joining in cooperation or association shall incur fines according to regulations in Article 13 hereof.

7. The organizations that do not carry out maintenance or repair of property of state-funded projects in accordance with law regulations shall incur fines according to regulations in Article 14 hereof.

Article 20. Violations against regulations on disposition of property upon project completion or property being no longer in use

1. A fine ranging from VND 500.000 to VND 1.000.000 shall be imposed on any of the following cases:

a) Failing to inventory and submit report to a competent authority for carrying out disposition of property within the prescribed time limit;

b) Failing to request competent authorities to establish public ownership of property transferred by ODA experts or construction contractors to Vietnam Government as regulated.

2. Imposing the fine ranging from 5,000,000 dong to 10,000,000 dong for one of the following violations:

a) Failing to maintain property pending its disposition;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The organizations that sell, transfer, liquidate or destruct property without obtaining decisions issued by competent authorities or officers shall incur fines according to regulations in Clause 3 Article 15 hereof.

4. The organizations that make improper declarations of list and current status of property requiring disposition shall incur fines according to regulations in Clause 4 Article 15 hereof.

5. The organizations that fail to implement property disposition plans approved by competent authorities or officers shall incur fines according to regulations in Article 16 hereof.

6. Remedial measures:

The organization that commits the violation in Clause 2 of this Article shall also be liable to the following remedial measures:

a) The violating organization is compelled to restore original conditions of property which has been damaged by the violation. In case of failure to restore the original conditions of property, the violating organization is required to pay an amount of money equivalent to the value of property or provide another property which has the same uses and value with the original property;

b) The violating organization is compelled to return an amount of money equivalent to the value of lost or damaged property. The amount of money payable which is equivalent to the value of property lost or damaged is determined according to regulations in Clause 6 Article 15 hereof.

Section 3. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON MANAGEMENT AND DISPOSITION OF PROPERTY UNDER PUBLIC OWNERSHIP, PENALTIES, FINES AND REMEDIAL MEASURES

Article 21. Violations against regulations on establishment of public ownership of property, maintenance and transfer of property under established public ownership

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Failing to submit reports to competent authorities or officers to establish public ownership of property as regulated;

b) Failing to transfer property to competent authorities for disposition within the prescribed time limit.

2. A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

a) Failing to maintain property pending its disposition;

b) Dismantling or changing structure, spare parts or components of property.

3. Remedial measures:

The organization that commits the violation in Clause 2 of this Article shall also be liable to the following remedial measures:

a) The violating organization is compelled to restore original conditions of property which has been damaged by the violation. In case of failure to restore the original conditions of property, the violating organization is required to pay an amount of money equivalent to the value of property or provide another property which has the same uses and value with the original property;

b) The violating organization is compelled to return an amount of money equivalent to the value of lost or damaged property. The amount of money payable which is equivalent to the value of property lost or damaged is determined according to regulations in Clause 6 Article 15 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A fine ranging from VND 500,000 to VND 1,000,000 shall be imposed for any of the following violations:

a) Failing to submit reports to competent authorities or officers for formulating plans for disposition of property under established public ownership;

b) Failing to submit reports to the competent authority or officer that formulating the plan for disposition of property under the established public ownership within the prescribed time limits.

2. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 2,000,000 shall be imposed for any of the following violations:

a) Failing to formulate the plan for disposition of property under established public ownership;

b) Failing to formulate the plan for disposition of property under established public ownership within the prescribed time limit.

3. The organizations or individuals that fail to implement plans for disposition of property under established public ownership approved by competent authorities or officers shall incur fines according to regulations in Article 16 hereof.

Article 23. Violations against regulations on access and use of data on property under established public ownership

The organizations or individuals that commit violations against regulations on access and use of data on property under established public ownership shall incur fines according to regulations in Article 17 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 24. Violations against regulations on operation of infrastructure property

1. A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for failing to obtain a decision approving the Scheme for operation of infrastructure property issued by a competent authority or officer according to regulations of the Law on management and use of public property when leasing infrastructure property or giving the right to operate infrastructure property to another party under concession agreement for a stated period of time.

2. Fines shall be imposed for committing violations against regulations on determination of infrastructure property rental and concession price. To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for establishing a property valuation council with improper composition or ultra vires;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for failing to adopt methods or follow procedures laid down by law when selecting valuation service providers to determine infrastructure property lease or concession price.

3. A fine ranging from VND 15,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for carrying out lease or concession of infrastructure property for a specific period for the purposes other than those defined in the Scheme approved by a competent authority or officer.

4. Remedial measures:

The violator is required to return money obtained from the violations in Clause 1 and Clause 2 of this Article.

Article 25. Violations against regulations on disposition of infrastructure property

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Failing to make declaration or plan for disposition of infrastructure property as regulated by laws;

b) Failing to request competent authorities to appropriate, transfer, sell, liquidate or destruct infrastructure property when meeting regulatory requirements (unless a public property is still used to serve demand of an authority, organization or enterprise although its term of use expires as regulated by law; in such case, the property disposition shall be subject to decision of the head of that authority, organization or enterprise);

c) Failing to submit reports to competent authorities for disposition of property that is lost or damaged.

2. A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

a) Failing to maintain infrastructure property pending its disposition;

b) Improperly declaring list and current status of property requiring disposition resulting in a decision on disposition of property made inconsistently with regulations.

3. A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for disposition of property without decision issued by a competent authority or officer.

4. Remedial measures:

The violator is compelled to return an amount or money equivalent to the value of property lost or damage in case of commission of the violation in Clause 2 of this Article. The amount of money payable which is equivalent to the value of property lost or damaged is determined according to regulations in Clause 6 Article 15 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A fine ranging from VND 500,000 to VND 1,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

a) Failing to implement the property disposition plan approved by a competent authority or officer within the prescribed time limit;

b) Failing to transfer property which is subject to a property transfer or appropriation decision to the property-receiving authority within the prescribed time limit.

2. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

a) Establishing a valuation council or property disposition council with improper composition or ultra vires;

b) Failing to publish the auction of public property in accordance with the law on property auction (failing to post information relating to the auction of public property at prescribed locations; failing to publish or ensure the period of time for publishing information relating to the auction of public property on means of mass media as regulated in the law on property auction; posting or publishing insufficient information relating to the auction).

3. A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

a) Failing to establish a valuation council or property disposition council as regulated by laws;

b) Failing to adopt methods or follow procedures laid down in laws for selecting professional auction or valuation service providers to serve the property disposition;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for failing to carry out valuation for using as the basis for determining the starting price when making disposition of infrastructure property by selling method.

Article 27. Violations against regulations on access to and use of infrastructure property data

The organizations or individuals that commit violations against regulations on access and use of data on infrastructure property shall incur fines according to regulations in Article 17 hereof.

Section 5. POWER TO MAKE RECORDS OF VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON MANAGEMENT AND USE OF PUBLIC PROPERTY AND POWER TO IMPOSE PENALTIES

Article 28. Power to make records of violations against regulations on management and use of public property

1. Persons that have the power to make records of violations against regulations on management and use of public property include:

a) Persons that have the power to impose penalties for administrative violations against regulations on management and use of public property prescribed in Article 29 and Article 30 hereof;

b) Officials who are assigned to inspect the compliance with the law on management and use of public property.

2. The persons that have the power to make records of violations in Clause 1 of this Article shall be responsible for issuing penalty imposition decisions or requesting the competent authorities in Article 29 and Article 30 hereof to issue penalty imposition decisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Chairpersons of People’s Committees of districts shall have the power to:

a) Issue warnings;

b) Impose a fine up to VND 50,000,000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities for committing administrative violations[6];

d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 3 Article 4 of this Decree.

2. Chairpersons of People’s Committees of provinces shall have the power to:

a) Issue warnings;

b) Impose a fine up to VND 100,000,000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities for committing administrative violations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 30. Power to impose penalties of inspectors

1. On-duty inspectors and persons assigned to carry out specialized inspections in the field of management and use of public property shall have the power to:

a) Issue warnings;

b) Impose a fine up to VND 500,000;

c) [7] confiscate the exhibit or instrumentality involved in the administrative violation whose value does not exceed VND 1,000,000;

d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 3 Article 4 of this Decree.

2. Chief Inspectors of provincial Departments, and heads of specialized inspection teams established by provincial Departments shall have the power to:

a) Issue warnings;

b) Impose a fine up to VND 50,000,000;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 3 Article 4 of this Decree.

3. Heads of specialized inspection teams established by Ministries shall have the power to:

a) Issue warnings;

b) Impose a fine up to VND 70,000,000;

c)[9] Confiscate the exhibit or instrumentality involved in the administrative violation whose value does not exceed VND 140,000,000;

d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 3 Article 4 of this Decree.

4. Chief Inspectors of Ministries shall have the power to:

a) Issue warnings;

b) Impose a fine up to VND 100,000,000;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 3 Article 4 of this Decree.

Chapter III

ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON THRIFT PRACTICE AND WASTEFULNESS COMBAT, PENALTIES, FINES AND REMEDIAL MEASURES

Section 1. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON THRIFT PRACTICE AND WASTEFULNESS COMBAT, AND FINES

Article 31. Violations against law regulations on thrift practice and wastefulness combat regarding the use of means of communications, electricity, water, gas and oil, newspapers, books, office stationery, organization of conferences and seminars, reception of guests, travelling on domestic and overseas business trips using funding derived from state budget, procurement of equipment to serve operation of health facilities covered by state budget but not liable to criminal prosecution

1. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 2,000,000 shall be imposed for using means of communications, electricity, water, gas and oil, newspapers, books, office stationery, organization of conferences and seminars, reception of guests, travelling on domestic and overseas business trips using funding derived from state budget in excess of the spending limits imposed by competent authorities.

2. Fines shall be imposed for procuring equipment that is not on the list approved by a competent authority when making procurement of equipment to serve operation of health facilities using funding from state budget. To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed if total value of pieces of equipment that are not on the approved list and procured in each transaction is less than VND 50,000,000;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if total value of pieces of equipment that are not on the approved list and procured in each transaction is from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Health facilities that procure equipment to serve their operation by using state budget in excess of the prescribed limits shall incur fines according to regulations in Article 6 hereof.

Article 32. Violations against law regulations on thrift practice and wastefulness combat regarding management and use of state extra-budgetary financial trusts [10]

1. A fine ranging from VND 20,000,000 to VND 30,000,000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Using a state extra-budgetary financial trust[11] for improper purposes or inconsistently with its principles announced by a competent authority;

b) Using a state extra-budgetary financial trust [12] inconsistently with its operating regulations or financial mechanism promulgated by a competent authority.

2. A fine ranging from VND 50,000,000 to VND 60,000,000 shall be imposed for using investment capital in a wasteful manner that is inconsistent with standards, technical regulations or beyond the prescribed limits.

3. Remedial measures:

a) Funding that is used for improper purposes must be recovered and transferred to the state extra-budgetary financial trust [13] in case of commission of the violation in Point a Clause 1 of this Article;

b) Illegal benefits obtained from the administrative violation prescribed in Point b Clause 1 of this Article must be transferred to the state extra-budgetary financial trust[14].

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for illegally obstructing scientific and technological research and application or implementation of projects using recyclable resources.

2. A fine ranging from VND 20,000,000 to VND 30,000,000 shall be imposed for extracting and using natural resources inconsistently with planning or procedures approved by competent authorities.

Article 34. Violations against law regulations on thrift practice and wastefulness combat regarding investment and construction of projects using state funding, money and public property

Violations against regulations on thrift practice and wastefulness combat regarding in investment and construction of state-funded projects shall be handled in accordance with the Government's Decree No. 139/2017/ND-CP dated November 27, 2017, relevant documents and their amendments (if any).

Article 35. Violations against law regulations on thrift practice and wastefulness combat regarding management and use of working offices and public service facilities by organizations funded by state budget but not liable to criminal prosecution

1. A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for committing violations against regulations on management of working offices and public service facilities by organizations funded by state budget resulting in wastefulness.

2. The organizations funded by state budget but committing violations against regulations on standards and norms for using working offices and public service facilities resulting in wastefulness shall incur fines according to regulations in Article 8 hereof.

Article 36. Violations against law regulations on thrift practice and wastefulness combat regarding management and use of capital and public property at state-funded single-member limited liability companies but not liable to criminal prosecution

1. A fine ranging from VND 20,000,000 to VND 30,000,000 shall be imposed for establishment, management and use of funds in state-funded single-member limited liability companies for improper purposes or in excess of the limits imposed by competent authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. A fine ranging from VND 40,000,000 to VND 70,000,000 shall be imposed for procurement, management and use of fixed assets, materials and other assets by state-funded single-member limited liability companies in excess of the limits imposed by competent authorities.

4.  A fine ranging from VND 70,000,000 to VND 100,000,000 shall be imposed for management and use of funding for covering expenses of state-funded single-member limited liability companies inconsistently with limits, unit prices and standards imposed by competent authorities.

Section 2. POWER TO MAKE RECORDS OF VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON THRIFT PRACTICE AND WASTEFULNESS COMBAT AND POWER TO IMPOSE PENALTIES

Article 37. Power to make records of violations against regulations on thrift practice and wastefulness combat

1. Persons that have power to make records of violations against regulations on thrift practice and wastefulness combat include:

a) Persons that have the power to impose penalties for administrative violations against regulations on thrift practice and wastefulness combat prescribed in Article 38 and Article 39 hereof;

b) Officials assigned to inspect the compliance with law regulations on thrift practice and wastefulness combat.

2. The persons that have the power to make records of violations in Clause 1 of this Article shall be responsible for issuing penalty imposition decisions or requesting the competent authorities in Article 38 and Article 39 hereof to issue penalty imposition decisions.

Article 38. Power to impose penalties of Chairpersons of People’s Committees

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Impose a fine up to VND 50,000,000;

b) Impose the remedial measures mentioned in Clause 4 Article 4 of this Decree.

2. Chairpersons of People’s Committees of provinces shall have the power to:

a) Impose a fine up to VND 200,000,000;

b) Impose the remedial measures mentioned in Clause 4 Article 4 of this Decree.

Article 39. Power to impose penalties of inspectors

1. Chief inspectors of provincial departments, holders of equivalent positions assigned by the Government to perform specialized inspections and heads of specialized inspection teams established by provincial departments shall have the power to:

a) Impose a fine up to VND 100,000,000;

b) Impose the remedial measures mentioned in Clause 4 Article 4 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Impose a fine up to VND 140,000,000;

b) Impose the remedial measures mentioned in Clause 4 Article 4 of this Decree.

3. Chief Inspectors of Ministries shall have the power to:

a) Impose a fine up to VND 200,000,000;

b) Impose the remedial measures mentioned in Clause 4 Article 4 of this Decree.

Chapter IV

ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON NATIONAL RESERVE, PENALTIES, FINES AND REMEDIAL MEASURES

Section 1. ADMINISTRATIVE VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON NATIONAL RESERVE AND PENALTIES

Article 40. Violations against regulations on trading in national reserve goods

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for:

Improperly complying with competent authorities’ regulations on methods for buying and selling each category of national reserve goods.

3. A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 7,000,000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Failing to carry out purchase of national reserve goods when meeting all regulatory requirements according to decisions of competent authorities;

b) Buying/selling national reserve goods without written approval from competent authorities;

c) Buying/selling national reserve goods after the prescribed time limits;

d) Buying/selling national reserve goods whose quantities, categories, specifications, standards and/or quality are not conformable with the ones approved by competent authorities;

dd) Failing to comply with competent authorities’ regulations on methods for buying and selling each category of national reserve goods.

4. A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for deliberately changing prices of buying/selling national reserve goods for personal benefits.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The violator is required to return illegal benefits obtained from the violations in Clause 1, Clause 2 and Clause 3 of this Article.

Article 41. Violations against regulations on management of national reserve goods

1. A fine ranging from VND 300,000 to VND 500,000 shall be imposed for any of the following violations:

a) Failing to open books for monitoring quality, quantities and categories of national reserve goods during their storage;

b) Failing to submit periodic and/or ad hoc reports on storage of national reserve goods.

2. The following fines shall be imposed for committing violations against regulations on transfer of national reserve goods:

A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 7,000,000 shall be imposed for improperly implementing competent authorities’ regulations on transfer of national reserve goods;

b) A fine ranging from VND 7,000,000 to VND 10.000.000 shall be imposed for failing to comply competent authorities’ regulations on transfer of national reserve goods.

3. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 42. Violations against regulations on storage of national reserve goods

1. Fines shall be imposed for improperly implementing or failing to comply with national technical regulations or technical requirements for temporary storage of national reserve goods of competent authorities; improperly implementing regulations on periods of storing national reserve goods; storing national reserve goods at the places other than the ones approved by competent authorities. To be specific:

a) A fine ranging from VND 300,000 to VND 500,000 shall be imposed if the violation causes no damage;

b) A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at less than VND 50,000,000;

c) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000.

2. A warning or a fine shall be imposed for obstructing the storage and transfer of national reserve goods. To be specific:

a) A warning or a fine ranging from VND 300,000 to VND 500,000 shall be imposed if the violation causes no damage;

b) A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at less than VND 50,000,000;

c) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Remedial measures:

The violator is required to return illegal benefits obtained from the violations in Clause 1, Clause 2 and Clause 3 of this Article.

Article 43. Penalties for deliberately encroaching on or destroying technical facilities, warehouses for storing national reserve goods or national reserve goods but not liable to criminal prosecution

1. A fine ranging from VND 300,000 to VND 500,000 shall be imposed for illegally encroaching on technical facilities or warehouses for storing national reserve goods.

2. A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for deliberately destroying technical facilities or warehouses for storing national reserve goods.

3. The following fines shall be imposed for deliberately damaging or destroying national reserve goods:

a) A fine ranging from VND 300,000 to VND 500,000 shall be imposed if the violation does not cause damage to national reserve goods;

b) A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at less than VND 50,000,000;

c) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The exhibits and instrumentalities of the violation prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article shall be confiscated.

5. Remedial measures:

a) The violator is compelled to restore original conditions of technical facilities or warehouses for storing national reserve goods in case of commission of the violation in Clause 2 of this Article;

b) The violator is compelled to return national reserve goods damaged or destroyed by the violation prescribed in Clause 3 of this Article.

Article 44. Violations against regulations on distribution and use of national reserve goods for relief

1. A warning or a fine shall be imposed for deliberately obstructing the act of distributing or using national reserve goods for relief or performing another task relating to national reserve. To be specific:

a) A warning or a fine ranging from VND 300,000 to VND 500,000 shall be imposed if the violation causes no damage;

b) A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at less than VND 50,000,000;

c) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. A warning or a fine shall be imposed for using national reserve goods for improper purposes; distributing or providing national reserve goods as relief to unqualified beneficiaries as decided by competent authorities; failing to ensure categories, quantities, quality, standards and specifications of national reserve goods distributed or provided for relief purpose. To be specific:

a) A warning or a fine ranging from VND 300,000 to VND 500,000 shall be imposed if the violation causes no damage;

b) A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at less than VND 50,000,000;

c) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000.

4.  Fines shall be imposed for causing loss of national reserve goods used for relief purposes or performing another task. To be specific:

a) A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed if the violation involves national reserve goods assessed at less than VND 50,000,000;

b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if the violation involves national reserve goods assessed at from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000.

5. A fine ranging from VND 2,000,000 to VND 3,000,000 shall be imposed for distributing national reserve goods worth less than VND 100,000,000 to ineligible recipients as decided by competent authorities.

6. A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for delaying the distribution or provision of national reserve goods worth less than VND 100,000,000 for relief purposes as regulated by competent authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Additional penalties:

The exhibits and instrumentalities for committing the violation prescribed in Clause 1 of this Article shall be confiscated.

9. Remedial measures:

a) The violator is compelled to return illegal benefits obtained from the administrative violations prescribed in Clauses 3, 4, 5 and 6 this Article;

b) The violator is compelled to return national reserve goods lost or used for improper purposes or distributed to ineligible beneficiaries in case of commission of the violations prescribed in Clauses 3, 4 and 5 this Article;

c) The violator is compelled to return damaged, poor quality, disqualified or deficient amounts of national reserve goods in case of commission of the violation in Clause 7 of this Article.

Article 45. Violations against regulations on warehousing and dispatching of national reserve goods

1. A warning or a fine shall be imposed for obstructing warehousing, dispatching or transport of national reserve goods. To be specific:

a) A warning or a fine ranging from VND 300,000 to VND 500,000 shall be imposed if the violation causes no damage;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000.

2. A fine ranging from VND 500,000 to VND 2,000,000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Failing to carry out or improperly following procedures for warehousing or dispatching of national reserve goods worth less than VND 100,000,000;

b) Failing to deliver national reserve goods worth less than VND 100,000,000 according to quantities, categories, specifications, standards and quality specified in decisions of competent authorities.

3. A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 5,000,000 shall be imposed for failing to ensure categories, specifications, quantities, quality, times and locations specified in decisions of competent authorities when warehousing or dispatching national reserve goods worth less than VND 100,000,000.

4. A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for warehousing or dispatching national reserve goods worth less than VND 100,000,000 without decisions of competent authorities.

5. Additional penalties:

The exhibits and instrumentalities for committing the violation prescribed in Clause 1 of this Article shall be confiscated.

6. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The violator is compelled to return national reserve goods which are improperly dispatched in case of commission of the violations prescribed in Clauses 2, 3 and 4 this Article.

Article 46. Violations against regulations on receipt of national reserve goods but not liable to criminal prosecution

1. A fine ranging from VND 500,000 to VND 2,000,000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Failing to receive national reserve goods on the date and at the location specified in decision of a competent authority;

b) Failing to follow or improperly following procedures for receiving national reserve goods.

2. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 3,000,000 shall be imposed for refusing to receive national reserve goods (national reserve goods dispatched to used for relief or performing another task assigned by a competent authority) when all relevant conditions set by a competent authority have been met.

Article 47. Penalties for illegally interfering with national reserve activities

1. A warning or a fine shall be imposed for illegally interfering with national reserve activities. To be specific:

a) A warning or a fine ranging from VND 300,000 to VND 500,000 shall be imposed if the violation causes no damage;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed if the violation causes damage to national reserve goods assessed at from VND 50,000,000 to under VND 100,000,000.

2. Additional penalties:

The exhibits and instrumentalities for committing the violation prescribed in Clause 1 of this Article shall be confiscated.

Article 48. Violations against regulations on management of funding and expenditures for national reserve activities

1. A warning or a fine ranging from VND 300,000 to VND 500,000 shall be imposed for failing to submit reports on use of funding from state reserve for buying national reserve goods as regulated.

2. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 3,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

a) Making payments without contracts for buying/selling national reserve goods;

b) Making payments for incorrect quantity of national reserve goods or those without sufficient invoices/documents;

c) Making payments without written record of contract liquidation or list of warehousing documents bearing signature of head of unit in case of direct purchase without bidding;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Using funding for covering costs of warehousing, dispatching and preserving national reserve goods in an improper manner or beyond the prescribed spending limits.

3. A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for one of the following violations:

a) Using cash in national reserve for improper purposes;

b) Failing to implement or improperly implementing regulations on management of funding derived from national reserve;

c) Failing to return the amounts remaining after purchasing national reserve goods as regulated by competent authorities.

4. Remedial measures:

The violator is required to return illegal benefits obtained from the violations in Clause 2 and Clause 3 of this Article.

Article 49. Violations against regulations on trading, pledging, mortgage, leasing and operation of property in national reserve

1. Fines shall be imposed for illegally trading, pledging, mortgaging, leasing or operating property in national reserve (except warehouses for national reserve goods). To be specific:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) A fine ranging from VND 5,000,000 to VND 10,000,000 shall be imposed for if the property is worth from VND 70,000,000 to under VND 150,000,000;

c) A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 20,000,000 shall be imposed for if the property is worth from VND 150,000,000 to under VND 300,000,000;

d) A fine ranging from VND 20,000,000 to VND 30,000,000 shall be imposed for if the property is worth from VND 300,000,000 to under VND 500,000,000;

dd) A fine ranging from VND 30,000,000 to VND 40,000,000 shall be imposed if the property is worth VND 500,000,000 or more.

2. Fines shall be imposed for illegally trading, pledging, mortgaging, leasing or operating property that is warehouse for national reserve goods. To be specific:

a) A fine ranging from VND 20,000,000 to VND 30,000,000 shall be imposed if the warehouse for national reserve goods is worth less than VND 500,000,000;

b) A fine ranging from VND 30,000,000 to VND 40,000,000 shall be imposed if the warehouse for national reserve goods is worth VND 500,000,000 or more.

3. Remedial measures:

a) The violator is compelled to restore the original conditions of property in case of commission of the violation specified in Clause 2 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 2. POWER TO MAKE RECORDS OF VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON NATIONAL RESERVE AND POWER TO IMPOSE PENALTIES

Article 50. Power to make records of violations against regulations on national reserve

1. Persons that have the power to make records of violations against regulations on national reserve include:

a) Persons that have the power to impose penalties for administrative violations against regulations on national reserves prescribed in Articles 51, 52 and 53 hereof;

b) Officials assigned to inspect the compliance with law regulations on national reserves.

2. 2. The persons that have the power to make records of violations in Clause 1 of this Article shall be responsible for issuing penalty imposition decisions or requesting the competent authorities in Articles 51, 52 and 53 hereof to issue penalty imposition decisions.

Article 51. Power to impose penalties of Chairpersons of People’s Committees

1. Chairpersons of People’s Committees of districts shall have the power to:

a) Issue warnings;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) [15] Confiscate the exhibit or instrumentality involved in the administrative violation whose value does not exceed VND 100,000,000;

d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 5 Article 4 of this Decree.

2. Chairpersons of People’s Committees of provinces shall have the power to:

a) Issue warnings;

b) Impose a fine up to VND 100,000,000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities for committing administrative violations;

d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 5 Article 4 of this Decree.

Article 52. Power to impose penalties of inspectors

1. On-duty inspectors and persons assigned to carry out specialized inspections in national reserves sector shall have the power to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Impose a fine up to VND 500,000;

c) [16] confiscate the exhibit or instrumentality involved in the administrative violation whose value does not exceed VND 1,000,000.

2. Chief Inspectors of provincial departments, heads of inspection teams established by provincial departments to carry out inspection of compliance with law regulations on national reserves, heads of specialized inspection teams established by the General Director of General Department of State Reserves and heads of specialized inspection teams established by Directors of Regional Departments of State Reserves shall have the power to:

a) Issue warnings;

b) Impose a fine up to VND 50,000,000;

c) [17] confiscate the exhibit or instrumentality involved in the administrative violation whose value does not exceed VND 100,000,000;

d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 5 Article 4 of this Decree.

3. Heads of specialized inspection teams established by Ministries to carry out inspections in the field of national reserves shall have the power to:

a) Issue warnings;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) [18] Confiscate the exhibit or instrumentality involved in the administrative violation whose value does not exceed VND 140,000,000;

d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 5 Article 4 of this Decree.

4. Chief Inspectors of Ministries shall have the power to:

a) Issue warnings;

b) Impose a fine up to VND 100,000,000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities for committing administrative violations;

d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 5 Article 4 of this Decree.

Article 53. Power to impose penalties of Directors of Regional Departments of State Reserves and General Director of General Department of State Reserves

1. Directors of Regional Departments of State Reserves performing specialized inspections in the field of national reserves shall have the power to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Impose a fine up to VND 70,000,000;

c) [19] Confiscate the exhibit or instrumentality involved in the administrative violation whose value does not exceed VND 140,000,000;

d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 5 Article 4 of this Decree.

2. General Director of General Department of State Reserves performing specialized inspections in the field of national reserves shall have the power to:

a) Issue warnings;

b) Impose a fine up to VND 100,000,000;

c) Confiscate the exhibits and instrumentalities for committing administrative violations;

d) Impose the remedial measures mentioned in Clause 5 Article 4 of this Decree.

Chapter V

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 1.  VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON STATE BUDGET EXPENDITURES AND PENALTIES

Article 54. Violations against regulations on state budget expenditures included in state budget estimates given by competent authorities

1. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 2,000,000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Preparing and sending documents to the State Treasury for receiving funding for expenses or tasks which are not defined in a state budget estimate approved by a competent authority;

b) Preparing and sending documents to the State Treasury for receiving funding for covering expenditures beyond the state budget estimate or the annual funding plan approved by a competent authority or in excess of approved estimated expenditures (with respect to tasks performed without contracts);

c) Preparing and sending documents to the State Treasury for receiving funding for covering expenses which are not conformable with state budget estimate given by a competent authority (improperly spending in terms of funding sources, purposes, subjects and spending items); improperly using state funding for investment or improperly allocating funding to list of projects approved by a competent authority.

2. A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 6,000,000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Preparing documents requesting the State Treasury to make payments for workload that is not yet performed;

b) Preparing documents requesting the State Treasury to make payments for workload that is in progress and does not meet payment requirements;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Remedial measures:

The violator is compelled to recover amounts of money paid according to payment vouchers/documents for unexecuted or uncompleted workloads that do not meet payment requirements and amounts paid more than the value of contract or its appendix in case of commission of the violation in Clause 2 of this Article.

Article 55. Penalties for preparing payment documents/vouchers inconsistently with regulations and preparing payment documents/vouchers whose contents are different from those on original documents/vouchers if not liable to criminal prosecution

1. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 2,000,000 shall be imposed for concluding contracts before obtaining a funding plan approved by a competent authority (except construction works implemented according to urgent orders).

2. A fine ranging from VND 3,000,000 to VND 6,000,000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Preparing and sending documents to the State Treasury for improper spending in terms of positions and subjects;

b) Preparing and sending documents requesting the State Treasury to make payments for expenditures exceeding the prescribed spending limits in terms of quantities and values;

c) Preparing and sending documents requesting the State Treasury to make payments inconsistently with regulations (failing to meet payment requirements or rules).

The organizations that procure or lease property in excess of the limits imposed by competent authorities shall incur fines as prescribed in Article 5 and Article 6 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Remedial measures:

The violator is compelled to recover amounts of money paid according to payment documents/vouchers which have prepared inconsistently with regulations and amounts improperly paid according to documents/vouchers whose contents are different from those on original documents/vouchers if not liable to criminal prosecution in case of commission of Clause 2 or Clause 3 of this Article.

Article 56. Penalties for forging documents requesting for allocation of state budget but not liable to criminal prosecution

1.[20] A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 15,000,000 shall be imposed for forging documents requesting the State Treasury to allocate funding for covering recurrent expenditures, recurrent expenditures on public services, expenditures on national target programs, target programs using state budget for public services (except expenditures on repair, maintenance, improvement, upgrade or expansion of material facilities covered by state budget for recurrent expenditures and revenues retained to cover recurrent expenditures with total investment of at least VND 500,000,000).

2.[21] A fine ranging from VND 30,000,000 to VND 50,000,000 shall be imposed for forging documents requesting the State Treasury to allocate investment funding derived from state budget and investment funding derived from budget for target programs or allocate funding for covering expenditures on repair, maintenance, improvement, upgrade or expansion of material facilities covered by state budget for recurrent expenditures and revenues retained to cover recurrent expenditures with total investment of at least VND 500,000,000.

3. Remedial measures:

The violator is compelled to recover amounts of money paid according to forged documents/vouchers if not liable to criminal prosecution in case of commission of the violations in Clause 1 and Clause 2 of this Article.

Article 57. Violations against regulations on payment of state budget expenditures

1. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 2,000,000 shall be imposed for preparing documents requesting the State Treasury to make payment in which name or account number of beneficiary is different from that specified in the signed contract or its appendix.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Incorrect contract value;

b) Improper payment date;

c) Improper payment method;

d) Improper payment ratio (including advanced payment);

dd) Payment provisions are different from those specified in the signed contract and its appendix.

3. Remedial measures:

The violator is compelled to complete payment documents as regulated in case of commission of the violations in Clause 1 and Clause 2 of this Article.

Article 58. Violations against procedures for payment commitments

1. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 2,000,000 shall be imposed for committing one of the following violations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Failing to send payment commitment to the State Treasury within the prescribed time limits in case state budget expenditures require payment commitments;

c) Sending a payment commitment in which the requested funding exceeds the annual investment funding plan, remaining annual estimate balance or contract value.

2. Remedial measures:

a) The violator is compelled to follow procedures for payment commitments before requesting the State Treasury to make payment in case of commission of the violation in Point a Clause 1 of this Article;

b) The violator is compelled to make payment commitment in case of commission of the violation in Point c Clause 1 of this Article.

Article 59. Violations against procedures and time limits for advanced payment of state budget

1. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 2,000,000 shall be imposed for committing one of the following violations:

a) Completing procedures for advanced payment after the deadline for advanced payment of recurrent expenditures the payment of which does not require goods sales contracts or service provision contracts or expenditures the payment of which does not require goods sales contracts or service provision contracts submitted to the State Treasury;

b) Failing to follow procedures for advanced payment of expenditures on investment covered by state budget and investment funding derived from budget for target programs or expenditures on repair, maintenance, improvement, upgrade or expansion of material facilities covered by state budget for recurrent expenditures and revenues retained to cover recurrent expenditures with total investment of more than VND 500,000,000 for payments of completed workloads of contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Failing to complete procedures for full advance of funding for recurrent expenditures with goods sales contracts or service provision contracts in the final payment of contract;

b) Failing to follow procedures for full advance of funding for expenditures on investment covered by state budget and investment funding derived from budget for target programs or expenditures on repair, maintenance, improvement, upgrade or expansion of material facilities covered by state budget for recurrent expenditures and revenues retained to cover recurrent expenditures with total investment of more than VND 500,000,000 when the payment value (including advanced amounts and payments for completed workloads) reaches 80% of the contract value;

c) Failing to carry out or carrying out procedures for advance of funding for covering costs of compensation and relocation subsidies after the prescribed deadlines.

3. Remedial measures:

The violator is compelled to follow procedures for advanced payment in case of commission of the violations in Clause 1 and Clause 2 of this Article.

Section 2. VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON REGISTRATION AND USE OF ACCOUNTS OPENED AT STATE TREASURY AND PENALTIES

Article 60. Violations against regulations on registration and use of accounts opened at State Treasury

1. A fine ranging from VND 1,000,000 to VND 2,000,000 shall be imposed for committing violations against regulations on registration and use of accounts opened at the State Treasury.

2. Remedial measures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 61. Penalties for forging documents for registration and use of accounts opened at the State Treasury but not liable to criminal prosecution

1. A fine ranging from VND 10,000,000 to VND 15,000,000 shall be imposed for forging documents for registration and use of accounts opened at the State Treasury.

2. Remedial measures:

Accounts must be blockaded in case of commission of the violation in Clause 1 of this Article.

Section 3. POWER TO IMPOSE PENALTIES FOR ADMINISTRATIVE VIOLATIONS IN STATE TREASURY SECTOR

Article 62. Power to make records of administrative violations in state treasury sector

1. Persons that have the power to make records of administrative violations in state treasury sector include:

a) Persons that have the power to impose penalties for administrative violations against regulations on control of state budget expenditures through the State Treasury prescribed in Article 63 and Article 64 hereof;

b) Officials assigned to control state budget expenditures through the State Treasury.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The persons that have the power to make records of violations in Clause 1 of this Article shall be responsible for issuing penalty imposition decisions or requesting the competent authorities in Article 63 and Article 64 hereof to issue penalty imposition decisions.

Article 63. Power to impose penalties of inspectors

1. Chief inspectors of Provincial Departments of Finance, heads of specialized inspection teams established by Provincial Departments of Finance, heads of specialized inspection teams of State Treasury established by Directors of provincial State Treasuries, and heads of specialized inspection teams of State Treasury established by General Director of the State Treasury of Vietnam shall have the power to:

a) Impose a fine up to VND 50,000,000;

b) Impose the remedial measures mentioned in Clause 6 Article 4 of this Decree.

2. Chief Inspector of the Ministry of Finance shall have the power to:

a) Impose a fine up to VND 100,000,000;

b) Impose the remedial measures mentioned in Clause 6 Article 4 of this Decree.

3. Heads of specialized inspection teams established by the Ministry of Finance shall have the power to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Impose the remedial measures mentioned in Clause 6 Article 4 of this Decree.

Article 64. Power to impose penalties of General Director of State Treasury; Directors of provincial State Treasuries

1. Directors of provincial State Treasuries shall have the power to:

a) Impose a fine up to VND 70,000,000;

b) Impose the remedial measures mentioned in Clause 6 Article 4 of this Decree.

2. General Director of State Treasury shall have the power to:

a) Impose a fine up to VND 100,000,000;

b) Impose the remedial measures mentioned in Clause 6 Article 4 of this Decree.

Chapter VI

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 65. Effect

1. This Decree shall come into force from September 01, 2019.

2. The Government’s Decree No. 192/2013/ND-CP dated November 21, 2013 and the Government’s Decree No. 58/2015/ND-CP dated June 16, 2015 shall be annulled from the effective date of this Decree.

Article 66. Transitional clauses

Violations against regulations on management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat, national reserve and state treasury committed before this Decree takes effect and discovered afterwards or under consideration shall be handled in accordance with regulations of this Decree if this Decree does not impose legal liabilities or impose less serious legal liabilities on violating organizations or individuals.

Article 67. Responsibility for implementation

1. The Ministry of Finance shall provide guidelines for implementation of this Decree.

2. Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, People's Committees of all levels shall provide guidelines for implementation of this Decree and inspect the imposition of penalties for violations against regulations on management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat, national reserve and state treasury prescribed in this Decree.

3. Upon discovery of any violations against regulations on management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat, national reserve and state treasury, state regulatory authorities, organizations and individuals should transfer documents (if any) to or inform persons that have the power to impose penalties prescribed in this Decree for consideration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of people’s committees of all levels, and relevant organizations and individuals shall implement this Decree./.

 

 

CERTIFIED BY

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Nguyen Duc Chi

 

 

[1] This Circular is consolidated from the 02 following Decrees:

- Decree No. 63/2019/ND-CP dated July 11, 2019 of the Government on penalties for administrative violations against regulations on management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat, national reserve and state treasury, which comes into force  from September 01, 2019;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This consolidated document does not replace 02 above-mentioned Decrees.

[2] Decree No. 102/2021/ND-CP is promulgated pursuant to:

“The Law on Government Organization dated June 19, 2015;

The Law on amendments to the Law on Governmental Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

The Law on Penalties for administrative violations dated June 20, 2012;

The Law on amendments to certain Articles of the Law on Handling of Administrative Violations dated November 13, 2020;

The Law on Tax Administration dated June 13, 2019;

The Law on Customs No. 54/2014/QH13 dated June 23, 2014;

The Law on Management and Use of Public Property dated June 21, 2017;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Law on National Reserve dated November 20, 2012;

The Law on Accounting dated November 20, 2015;

The Law on Independent Audit dated March 29, 2011;

The Law on Business Insurance dated December 09, 2000;

The Law on Amendments to some Articles of the Law on Business Insurance and Law on Intellectual Property dated June 14, 2019;

 Decree No. 87/2017/ND-CP dated July 26, 2017 of the Government on function, tasks, powers and organizational structures of the Ministry of Finance;

At the request of the Minister of Finance;

The Government hereby promulgates a Decree on amendments to some Articles of Decrees on penalties for administrative violations against regulations on tax and invoicing; customs; insurance business and lottery business; management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat; national reserve; state treasury; accounting and independent audit.”

[3] This Article is amended according to regulations in clause 1 Article 4 of Decree No. 7102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[5] This Article is amended according to regulations in clause 3 Article 4 of Decree No. 7102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[6] The phrase “có trị giá không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này” (“for committing administrative violations worth less than the fine specified in Point b of this Clause”) is removed according to Point a Clause 4 Article 6 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which has been effective since January 01, 2022.

[7] This Point is amended as prescribed in Point a Clause 4 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[8] This Point is amended as prescribed in Point b Clause 4 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[9] This Point is amended as prescribed in Point c Clause 4 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[10] The phrase “Quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước” (“state budget-derived fund”) in Article 32 is changed to “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” (“state extra-budgetary financial trust” according to  Point b Clause 4 Article 6 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[11] The phrase “Quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước” (“state budget-derived fund”) in Article 32 is changed to “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” (“state extra-budgetary financial trust” according to  Point b Clause 4 Article 6 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[12] The phrase “Quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước” (“state budget-derived fund”) in Article 32 is changed to “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” (“state extra-budgetary financial trust” according to  Point b Clause 4 Article 6 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[13] The phrase “Quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước” (“state budget-derived fund”) in Article 32 is changed to “Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” (“state extra-budgetary financial trust” according to  Point b Clause 4 Article 6 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



[15] This Point is amended as prescribed in Clause 5 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[16] This Point is amended as prescribed in Clause 5 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[17] This Point is amended as prescribed in Clause 7 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[18] This Point is amended as prescribed in Clause 8 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[19] This Point is amended as prescribed in Clause 8 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[20] This Clause is amended according to Clause 9 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[21] This Clause is amended according to Clause 9 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[22] This Point is amended as prescribed in Clause 10 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

[23] This Point is amended as prescribed in Clause 11 Article 4 of Decree No. 102/2021/ND-CP, which comes into force from January 01, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



“Article 7. Transitional provisions

1. If, after the effective date of this Decree, the organization or individual that incurs a penalty still files a complaint against the administrative penalty imposition decision issued before the effective date of this Decree, the regulations laid down in the Decree on penalties for administrative violations taking effect at the time of committing the administrative violation shall apply.

2. Regulations of this Decree shall apply to the administrative violations against regulations on tax and invoicing; customs; insurance business and lottery business; management and use of public property, thrift practice and wastefulness combat; national reserve; state treasury; accounting and independent audit committed before the effective date of this Decree and then discovered or currently taken into consideration if this Decree does not provide for legal liability or impose less serious legal liability.

3. Any application for exemption from fines for tax or invoice-related administrative violations received by the tax authority before the effective date of this Decree shall be processed in accordance with the Government’s Decree No. 125/2020/ND-CP dated October 19, 2020 on penalties for administrative violations against regulations on tax and invoicing.

Article 8. Responsibility for implementation

Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairmen/Chairwomen of People’s Committees at all levels and other relevant authorities, organizations and individuals are responsible for the implementation of this Decree.

Article 9. Effect

This Decree comes into force from January 01, 2022./.”

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 17/VBHN-BTC ngày 05/09/2022 hợp nhất Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.753

DMCA.com Protection Status
IP: 18.223.159.195
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!