BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
40/2015/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày
24 tháng 8 năm 2015
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ
TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO
THÔNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật xử
lý vi phạm hành chính năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định
việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và
bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17
tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh
sát;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định
về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân để
phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về sử dụng, kiểm định, hiệu
chuẩn và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải kiểm định, hiệu
chuẩn trước khi được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an
toàn giao thông và bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng, chống
tội phạm về môi trường.
2. Công an các
đơn vị, địa phương.
3. Tổ chức, cá
nhân có liên quan đến việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để
phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường
trong Công an nhân dân.
Điều 3. Sử dụng
phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Các đơn vị được giao sử dụng
phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an
toàn giao thông và bảo vệ môi trường (sau đây viết gọn là phương tiện,
thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) phải thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định việc
quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được
sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ
môi trường và quy định của Bộ Công an về quản lý, sử dụng tài sản, phương tiện,
kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân.
Điều 4. Kiểm định,
hiệu chuẩn phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Việc kiểm định phương tiện, thiết
bị kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 của Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.
2. Việc hiệu chuẩn các phương tiện,
thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện theo quy định của Luật đo lường, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19-10-2012 quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đo lường,
Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN ngày 30-9-2013 của
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn,
thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và các văn bản quy phạm pháp luật
khác có liên quan.
3. Các phương tiện, thiết bị
kỹ thuật nghiệp vụ phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, gồm:
a) Máy đo tốc độ có ghi hình ảnh;
b) Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới;
c) Phương tiện đo hàm lượng bụi
trong không khí;
d) Phương tiện đo nồng độ cồn
trong hơi thở;
đ) Phương tiện đo nồng độ khí thải
xe cơ giới;
e) Phương tiện đo độ ồn;
g) Phương tiện đo độ rung động.
4. Các phương tiện, thiết bị kỹ
thuật nghiệp vụ phải được hiệu chuẩn trước khi đưa vào sử dụng, gồm:
a) Thiết bị ghi đo bức xạ;
b) Thiết bị đo áp lực hơi của lốp xe cơ giới;
c) Thiết bị đo chiều cao hoa lốp xe cơ giới;
d) Thiết bị đo hiệu quả phanh xe cơ giới;
đ) Thiết bị đo âm lượng;
e) Thiết bị đo cường độ ánh sáng;
g) Thiết bị đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ
giới;
h) Thước thủy bình;
i) Thước đo chiều cao đầu đấm móc nối;
k) Thước đo giang cách bánh xe trên một trục;
l) Thước đo đường kính bánh xe;
m) Thước đo gờ lợi, chiều dày đai bánh xe;
n) Đồng hồ bấm giây;
o) Thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe;
p) Thiết bị đo độ sâu của nước;
q) Thiết bị đo nhanh khí;
r) Thiết bị đo nhanh nước;
s) Thiết bị đo sóng vi ba;
t) Thiết bị đo phóng xạ;
u) Thiết bị đo điện từ trường;
v) Thiết bị đo vi khí hậu;
x) Thiết bị đo lưu tốc dòng.
5. Đối với các phương tiện, thiết bị kỹ thuật
nghiệp vụ không thuộc quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, trước khi đưa
vào sử dụng phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định
của pháp luật về chất lượng, sản phẩm hàng hóa và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,
gồm:
a) Thiết bị đo, thử chất ma túy;
b) Thiết bị ghi âm và ghi hình;
c) Thiết bị định vị vệ tinh;
d) Thiết bị đánh dấu hóa chất;
đ) Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết
bị giám sát hành trình;
e) Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả;
g) Thiết bị phân tích khí;
h) Thiết bị phân tích nước và chất lỏng;
i) Thiết bị phân tích đất;
k) Thiết bị phân tích chất rắn;
l) Thiết bị phân tích các yếu tố vi sinh vật;
m) Thiết bị thu mẫu môi trường;
n) Thiết bị bảo quản mẫu môi trường;
o) Trạm kiểm định môi trường di động;
p) Thiết bị trắc địa;
q) Thiết bị quan trắc tự động khí thải, nước thải.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 15-10-2015. Những quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều
bị bãi bỏ.
Điều 6. Trách nhiệm
thi hành
1. Tổng cục Cảnh sát, Cục Cảnh sát giao thông có
trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực
thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông
tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc, Công an các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ
Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Trần Đại Quang
|