Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 26/2010/TT-BCA cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân kiểm tra xử lý vi phạm

Số hiệu: 26/2010/TT-BCA Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Công An Người ký: Lê Hồng Anh
Ngày ban hành: 29/07/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 26/2010/TT-BCA

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2010

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2005;
Căn cứ Luật Đường sắt năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an,
Bộ Công an quy định việc cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung, trình tự kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt

1. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt phải có trình độ từ trung cấp Công an hoặc tương đương trở lên; nắm vững và thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao thông đường sắt, về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, các quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt thuộc phạm vi địa bàn, tuyến đường được phân công phụ trách và kế hoạch công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệnh Công an nhân dân.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN; TRANG BỊ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN, VŨ KHÍ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ CỦA CÁN BỘ, CHIẾN SĨ LÀM NHIỆM VỤ KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 4. Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt

1. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực ga, bao gồm:

a) Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và an toàn cho hành khách, hàng hóa; việc tổ chức, bố trí và cơ chế hoạt động của lực lượng làm công tác bảo vệ, bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực ga;

b) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt của các tổ chức, cá nhân trong khu vực ga;

c) Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm các công trình, thiết bị đường sắt trong khu vực ga.

2. Điều tra cơ bản toàn diện về tình hình và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn quản lý.

3. Đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động trên phương tiện, tuyến giao thông đường sắt; giải quyết tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an.

4. Phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống cháy, nổ; về vận chuyển vật liệu nổ và các hàng nguy hiểm khác trên phương tiện giao thông đường sắt.

5. Phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ trong ngành Công an và các lực lượng khác có liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các đoàn tàu chở lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, tàu chở hàng đặc biệt.

6. Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật công trình và thiết bị đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, về điều kiện và trách nhiệm của nhân viên đường sắt.

7. Báo cáo cấp có thẩm quyền kiến nghị với các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an.

Điều 5. Quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt

1. Kiểm tra, tạm giữ giấy tờ tuỳ thân và giấy tờ khác có liên quan của người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt, về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

2. Được huy động phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật; yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông đường sắt hoặc các trường hợp gây mất trật tự, an toàn giao thông đường sắt nghiêm trọng.

3. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

5. Thực hiện các quyền hạn khác được giao theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trang bị, sử dụng phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt

1. Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt được trang bị, sử dụng các phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ dưới đây để thực hiện nhiệm vụ:

a) Xe ôtô, môtô;

b) Máy đo nồng độ cồn;

c) Thiết bị đo thử chất ma tuý;

d) Máy ghi hình, ghi âm, chụp ảnh;

đ) Phương tiện, thiết bị khám nghiệm hiện trường;

e) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành;

g) Máy bộ đàm, máy điện thoại, máy fax;

h) Vũ khí, công cụ hỗ trợ;

i) Loa pin, đèn chiếu ánh sáng.

2. Việc trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an.

Chương III

TRÌNH TỰ KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 7. Trình tự kiểm tra

1. Lập kế hoạch kiểm tra:

Căn cứ vào chương trình công tác, yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và trật tự, an toàn xã hội, Công an các đơn vị, địa phương lập kế hoạch kiểm tra, kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Nội dung kế hoạch phải nêu rõ mục đích, yêu cầu; hình thức, nội dung, biện pháp, thời gian kiểm tra; trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ; đơn vị phối hợp, phân công cụ thể cho từng thành viên trong tổ công tác. Đối với kế hoạch có sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, phải trao đổi thống nhất về nội dung và thời gian tiến hành kiểm tra với các cơ quan, đơn vị đó trước khi phê duyệt kế hoạch.

2. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch:

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt; Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt kế hoạch kiểm tra của các đơn vị thuộc quyền quản lý.

3. Phân công trách nhiệm trước khi tiến hành kiểm tra:

a) Tổ trưởng Tổ công tác quán triệt nội dung kế hoạch đến từng thành viên trong tổ, chú ý những nhiệm vụ trọng tâm, những tình huống phức tạp có thể xảy ra và phương án giải quyết;

b) Căn cứ nhiệm vụ cụ thể được phân công, từng thành viên trong Tổ công tác phải nghiên cứu kỹ văn bản pháp luật có liên quan; chuẩn bị đầy đủ tài liệu, giấy tờ, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra.

4. Tiến hành kiểm tra:

a) Thông báo chương trình, nội dung và thời gian kiểm tra đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra;

b) Nghe tổ chức, cá nhân được kiểm tra báo cáo các nội dung theo yêu cầu kiểm tra; kết quả thực hiện những kiến nghị của các cơ quan chức năng, đoàn kiểm tra trước (nếu có);

c) Tiến hành kiểm tra các nội dung theo kế hoạch;

d) Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật phải có biện pháp ngăn chặn, đình chỉ ngay; tiến hành các bước xử lý theo trình tự, thủ tục quy định.

5. Kết thúc kiểm tra:

a) Tổ trưởng Tổ công tác tập hợp kết quả, lập biên bản kiểm tra, trong đó ghi rõ ưu, khuyết điểm, tồn tại; kiến nghị khắc phục; những vi phạm cần xử lý theo quy định;

b) Tổ công tác họp với lãnh đạo tổ chức, cá nhân được kiểm tra để thông báo kết quả; thông qua biên bản kiểm tra; thống nhất thời gian, biện pháp khắc phục tồn tại và báo cáo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra biết.

c) Tổ trưởng Tổ công tác tổ chức rút kinh nghiệm và phân công cán bộ, chiến sĩ thực hiện bàn giao vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện phục vụ công tác, hồ sơ vụ việc cho bộ phận chức năng của đơn vị theo quy định, làm văn bản báo cáo Thủ trưởng đơn vị về kết quả thực hiện kế hoạch kiểm tra;

d) Đơn vị tổ chức kiểm tra phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị cấp trên trực tiếp của tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính để biết và theo dõi, chỉ đạo việc khắc phục sai phạm của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý.

Điều 8. Trình tự xử lý vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm; thông báo công khai hành vi vi phạm; lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản.

2. Trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính thì Tổ trưởng Tổ công tác ra quyết định áp dụng theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến công tác chạy tàu và phải tuân thủ đúng thẩm quyền, thủ tục theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

3. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục đơn giản thì Tổ trưởng Tổ công tác ra quyết định xử phạt, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt của chiến sĩ Cảnh sát nhân dân thì lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở cơ quan, đơn vị Công an nhân dân

1. Công an các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt có trách nhiệm bố trí bộ phận tiếp nhận, xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Nơi tiếp nhận, giải quyết các vụ, việc vi phạm hành chính phải bố trí ở vị trí thuận tiện, có sơ đồ chỉ dẫn nơi làm việc, lịch làm việc, nội quy tiếp dân, hòm thư góp ý, số điện thoại liên hệ khi cần; có biển chức danh của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ giải quyết công việc xử lý vi phạm hành chính và có chỗ ngồi cho người đến liên hệ giải quyết vụ việc.

2. Cán bộ, chiến sĩ làm công tác tiếp nhận, xử lý vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị khi tiếp nhận hồ sơ từ các Tổ công tác phải kiểm tra hồ sơ vụ, việc và ghi vào sổ theo dõi xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

3. Hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính được phân thành từng loại như sau:

a) Tập hồ sơ chờ giải quyết;

b) Tập hồ sơ đã ra quyết định xử phạt, nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa đến nhận quyết định hoặc đã nhận quyết định nhưng chưa thực hiện;

c) Tập hồ sơ đã giải quyết xong;

d) Tập hồ sơ có khiếu nại, tố cáo về xử lý vi phạm hành chính.

4. Căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính và các tài liệu khác có liên quan, cán bộ làm công tác xử lý vi phạm hành chính ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp cần phải xác minh để làm căn cứ ra quyết định xử phạt thì báo cáo lãnh đạo đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ xác minh làm rõ.

Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính phải kiểm tra, rà soát lại các hồ sơ xử phạt, kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị về những khó khăn vướng mắc phát sinh để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Điều 10. Giải quyết một số tình huống cụ thể

1. Trường hợp xảy ra cháy tàu chở khách (đang chạy), nếu mức độ vừa và nhỏ thì phải thông báo ngay cho trưởng tàu, lái tàu để dừng đoàn tàu và phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức chữa cháy; lập hồ sơ vụ cháy theo quy định. Trường hợp cháy lớn, có nguy cơ lan rộng thì đồng thời với việc báo cho trưởng tàu, lái tàu để dừng tàu, phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chữa cháy, cấp cứu người bị nạn (nếu có), bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản của hành khách.

2. Trường hợp xảy ra tai nạn giao thông đường sắt:

a) Đối với vụ tai nạn ít nghiêm trọng: Tổ chức cấp cứu người bị nạn; thu giữ, bảo quản đồ vật, tài sản có liên quan đến vụ tai nạn; lập hồ sơ ban đầu chuyển giao cho Công an cấp huyện nơi xảy ra tai nạn giải quyết tiếp;

b) Đối với vụ tai nạn nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng: Tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra nơi xảy ra vụ tai nạn đến giải quyết.

Nếu xét thấy có thể tiếp tục cho tàu chạy mà không ảnh hưởng đến công tác điều tra thì đánh dấu vị trí nạn nhân và các dấu vết liên quan đến vụ tai nạn. Đưa nạn nhân và vật chướng ngại ra ngoài giới hạn an toàn giao thông đường sắt. Lập biên bản, vẽ sơ đồ ghi nhận dấu vết liên quan đến tai nạn. Cử cán bộ phối hợp với nhân viên đường sắt tiếp tục bảo vệ hiện trường, bàn giao hồ sơ, vật chứng, tài liệu liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra giải quyết.

3. Trường hợp phạm tội quả tang, phải tổ chức bắt giữ đối tượng, tước vũ khí (nếu có), thu hồi vật chứng, bảo vệ hiện trường, lập hồ sơ chuyển giao đối tượng, vật chứng, hồ sơ vụ việc cho Cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết.

4. Đối với trường hợp gây rối trật tự trên đường sắt:

a) Phối hợp với trưởng tàu, nhân viên đường sắt, bảo vệ đường sắt tuyên truyền, giải thích, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân để cô lập đối tượng cầm đầu, xúi giục, kích động. Trong quá trình giải quyết cần tạo thế chủ động, cảnh giác với số đối tượng côn đồ hoặc có hành vi quá khích;

b) Lập biên bản về vụ gây rối trật tự, lấy lời khai của đối tượng vi phạm và người có liên quan. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật;

c) Trường hợp vụ gây rối diễn biến phức tạp, lực lượng tại chỗ không đủ khả năng giải quyết thì phải thông báo kịp thời với Công an địa phương nơi gần nhất và báo cáo chỉ huy đơn vị biết để tăng cường lực lượng giải quyết (trường hợp có liên quan đến quân nhân gây ra thì phải đồng thời báo cho Ban chỉ huy Quân sự cấp huyện hoặc Bộ chỉ huy Quân sự cấp tỉnh phối hợp giải quyết).

5. Trường hợp phát hiện việc vận chuyển trái phép chất nổ, hàng nguy hiểm: lập biên bản tạm giữ tang vật, nếu tàu đang chạy thì đưa người và tang vật xuống ga gần nhất tàu có đỗ và chuyển giao cho Công an địa phương xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện vận chuyển hàng lậu, hàng gian lận thương mại: lập biên bản tạm giữ tang vật và chuyển giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Kiểm soát giấy tờ, hành lý, đồ vật của người có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên đường sắt:

a) Yêu cầu người có dấu hiệu vi phạm xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ có liên quan để kiểm tra;

b) Khi xét thấy phải kiểm tra đồ vật, hành lý thì phải mời người chứng kiến và yêu cầu người có dấu hiệu vi phạm tự mở những đồ vật, hành lý mang theo để kiểm tra;

c) Sau khi kiểm tra xong, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

d) Trường hợp người vi phạm chống đối, không cho kiểm tra giấy tờ, không tự mở hành lý, đồ vật để kiểm tra, nhưng có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm có thể bị tẩu tán, tiêu hủy thì cán bộ, chiến sỹ đang thi hành công vụ có quyền quyết định khám người, đồ vật theo thủ tục hành chính. Việc khám người, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nếu thấy cần thiết và có đủ căn cứ tạm giữ người để xử lý vi phạm hành chính thì Tổ trưởng Tổ công tác phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định; đồng thời phải tổ chức giám sát chặt chẽ, không để đối tượng bỏ trốn trong lúc chờ quyết định của cấp có thẩm quyền.

7. Trường hợp xảy ra tụ tập đông người trái phép ở nhà ga hoặc tập trung đông người trái phép đi tàu về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh, thành phố để khiếu nại, đòi yêu sách thì phải tổ chức nắm tình hình vụ việc, số lượng người tham gia và những vấn đề khác có liên quan, báo ngay cho chỉ huy cấp trên và Công an, chính quyền địa phương biết để có phương án chỉ đạo giải quyết; đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng giải thích cho mọi người biết và chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự nơi công cộng.

Điều 11. Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính

1. Công an các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt phải có sổ theo dõi công tác xử phạt theo đúng mẫu, ghi chép đầy đủ nội dung thông tin các cột, mục theo quy định. Việc mở, đăng ký, quản lý, sử dụng, kết thúc và nộp lưu hồ sơ phải theo đúng chế độ hồ sơ của Bộ Công an.

2. Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính được lưu theo thứ tự thời gian lập biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tài liệu của mỗi vụ, việc vi phạm hành chính sắp xếp theo thứ tự: biên bản vi phạm hành chính; quyết định xử phạt; biên lai nộp tiền và các giấy tờ có liên quan đến việc quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3. Việc mở và sắp xếp hồ sơ để quản lý, lưu trữ được phân thành từng loại như sau:

a) Hồ sơ vi phạm hành chính do chỉ huy cấp đội, trạm và cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ trực tiếp ra quyết định xử phạt;

b) Hồ sơ vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền cấp phòng, cấp huyện ra quyết định xử phạt;

c) Hồ sơ vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền Cục trưởng, Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định xử phạt;

d) Hồ sơ bàn giao cho các cơ quan chức năng khác xử lý.

Điều 12. Chế độ thông tin báo cáo

1. Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ làm công tác xử lý vi phạm hành chính phải báo cáo chỉ huy đội, trạm về số vụ vi phạm hành chính đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt. Các đội, trạm hàng ngày phải tổng hợp tình hình kết quả công tác xử lý vi phạm hành chính và báo cáo cấp trên trực tiếp theo quy định.

2. Hàng tháng, cấp trên trực tiếp của đội, trạm Cảnh sát giao thông đường sắt thống kê tình hình, kết quả xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, báo cáo Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (ở Bộ), Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Những vụ điển hình, vi phạm pháp luật có tính chất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, xã hội phải có báo cáo ngay cho Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (ở Bộ), Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xin ý kiến chỉ đạo.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2010 và thay thế Quyết định số 161/2008/QĐ-BCA(C11) ngày 14/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy trình kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

2. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt có trách nhiệm:

a) Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện Thông tư này;

b) Biên soạn tài liệu tập huấn nghiệp vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

c) Tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt;

3. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt thuộc địa phương mình;

b) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt trong phạm vi địa phương mình.

4. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - Đường sắt, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

5. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để có hướng dẫn kịp thời.

Nơi nhận:
- Các đ/c Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Bộ Giao thông vận tải (để phối hợp thực hiện);
- Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ Công an;
- Công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương,
các Sở Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ;
- Lưu: VT, C67, V19. 150b.

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Lê Hồng Anh

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 26/2010/TT-BCA ngày 29/07/2010 quy định việc cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường sắt do Bộ Công an ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.504

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.31.17
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!