CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
19/2009/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2009
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ TẠM GIỮ NGƯỜI THEO THỦ
TỤC HÀNH CHÍNH BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 162/2004/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 9
NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi, bổ sung
theo Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 ngày 02 tháng 04 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính ban
hành kèm theo Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ
như sau:
1.
Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 2. Tạm giữ người theo
thủ tục hành chính
1. Tạm giữ người theo thủ tục
hành chính là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý
đối với người có hành vi vi phạm hành chính do người có thẩm quyền quy định tại
Điều 7 Quy chế này quyết định.
2. Việc tạm giữ người theo thủ tục
hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay
những hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho người khác;
b) Cần phải thu thập, xác minh
những tình tiết quan trọng để làm căn cứ cho việc quyết định xử lý vi phạm hành
chính hoặc bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;
c) Người bị bắt giữ theo quyết định
truy tìm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành
chính.
d) Người có hành vi bạo lực gia
đình, vi phạm quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo
quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Thời hạn tạm
giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ. Trong trường hợp cần
thiết, thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 24
giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Đối với trường hợp vi phạm quy
chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo
thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 48 giờ,
kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
4. Khi hết thời hạn tạm giữ người
theo thủ tục hành chính, người ra quyết định tạm giữ phải chấm dứt ngay việc tạm
giữ đối với người bị tạm giữ và phải ghi vào sổ theo dõi tạm giữ hành chính, có
chữ ký xác nhận của người bị tạm giữ. Trường hợp người bị tạm giữ từ chối ký
xác nhận thì người ra quyết định tạm giữ phải lập biên bản hoặc phân công cho
người đang trực tiếp thi hành nhiệm vụ tiến hành lập biên bản và ghi rõ lý do
vào biên bản, biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến (nếu có), người lập
biên bản, người đã ra quyết định tạm giữ”.
2.
Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Kinh phí bảo đảm cho
việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính
1. Kinh phí bảo
đảm cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính bao gồm
các khoản chi cho việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất tạm
giữ; mua sắm đồ dùng, phương tiện phục vụ cho việc tạm giữ; chi cho việc ăn uống,
khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, chi phí cho việc tổ chức mai táng khi người
bị tạm giữ chết trong thời gian bị tạm giữ đối với trường hợp bản thân hoặc gia
đình họ không tự bảo đảm được và các khoản chi phí khác phục vụ cho việc tạm giữ
người theo thủ tục hành chính.
2. Kinh phí bảo
đảm cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính do ngân
sách nhà nước cấp. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền tạm giữ
theo quy định tại Điều 7 Quy chế tạm giữ người theo thủ tục
hành chính căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của công tác tạm giữ người theo thủ
tục hành chính, chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện
tạm giữ người theo thủ tục hành chính cùng với việc lập dự toán ngân sách nhà
nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành”.
3.
Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 7. Thẩm quyền tạm giữ
1. Những người sau đây có quyền
quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã,
thị trấn, Trưởng Công an phường;
b) Trưởng Công an cấp huyện;
c) Trưởng phòng Cảnh sát quản lý
hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh
sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy,
Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ,
Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh
sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của
Công an cấp tỉnh;
d) Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ
động từ cấp đại đội trở lên, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu;
đ) Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, đội
trưởng Đội Kiểm lâm cơ động;
e) Chi cục trưởng Hải quan, Đội
trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu
và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu
Tổng cục Hải quan;
g) Đội trưởng Đội Quản lý thị
trường;
h) Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên
phòng, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng,
Trưởng đồn biên phòng và Thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới,
hải đảo;
i) Hải đội trưởng, Hải đoàn trưởng
Cảnh sát biển;
k) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển,
tàu hỏa khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, ga.
2. Những người quy định tại khoản
1 Điều này có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền tạm giữ người theo
thủ tục hành chính khi vắng mặt và được ủy quyền thực hiện các biện pháp ngăn
chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính khác. Cấp phó
được ủy quyền phải tuân thủ những quy định của pháp luật về tạm giữ người theo
thủ tục hành chính và phải chịu trách nhiệm về quyết định tạm giữ người của
mình trước cấp trưởng và trước pháp luật”.
4.
Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
“Điều 11. Nơi tạm giữ
1. Nơi tạm giữ người theo thủ tục
hành chính là nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính được bố trí
tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi làm việc của người có thẩm quyền ra quyết định tạm
giữ người vi phạm hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc
buồng tạm giữ hành chính thì có thể tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác
tại nơi làm việc, nhưng phải đảm bảo các quy định chung.
Nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng
tạm giữ hành chính phải có khóa cửa, bảo đảm ánh sáng, thoáng mát, vệ sinh và
an toàn về phòng cháy, chữa cháy, thuận tiện cho việc trông coi, bảo vệ. Người
bị tạm giữ qua đêm phải được bố trí giường hoặc sàn nằm và phải có chiếu, chăn,
màn; chỗ nằm tối thiểu cho mỗi người là 2 m2.
2. Cơ quan có chức năng phòng,
chống vi phạm pháp luật thường xuyên phải tạm giữ người vi phạm hành chính cần
bố trí, thiết kế, xây dựng nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính
riêng, trong đó cần có nơi tạm giữ riêng cho người chưa thành niên, phụ nữ hoặc
người nước ngoài và phải có cán bộ chuyên trách quản lý, bảo vệ.
Hình thức, quy mô của nơi tạm giữ
người vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm, điều kiện, lưu lượng
người bị tạm giữ, yêu cầu thực tế của việc tạm giữ người vi phạm hành chính trong
từng ngành, lĩnh vực, địa bàn cụ thể để bố trí, thiết kế, xây dựng cho phù hợp.
3. Đối với tàu bay, tàu biển,
tàu hỏa khi đã rời sân bay, bến cảng, ga thì tùy theo điều kiện và đối tượng vi
phạm cụ thể, người chỉ huy tàu bay, tàu biển, tàu hỏa quyết định nơi tạm giữ và
phân công người thực hiện việc tạm giữ.
4. Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc
phòng, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông
vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ
vào yêu cầu và tình hình thực tế công tác phòng, chống vi phạm hành chính thuộc
ngành, lĩnh vực, địa bàn do mình phụ trách, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức, bố
trí nơi tạm giữ và chỉ đạo thiết kế, xây dựng nơi tạm giữ hành chính theo quy định
của Quy chế này”.
5.
Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như
sau:
“Điều 14. Chế độ ăn uống của
người bị tạm giữ
1. Chi phí cho việc ăn uống của
người bị tạm giữ do bản thân hoặc gia đình họ tự chịu trách nhiệm.
2. Trong trường hợp người bị tạm
giữ hoặc gia đình họ không thể tự đảm bảo được, thì cơ quan, đơn vị của người
có thẩm quyền quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo đảm chế độ ăn uống cho người
bị tạm giữ theo tiêu chuẩn định lượng mỗi người một ngày là 0,6 kg gạo tẻ thường,
0,1 kg thịt lợn loại thường, 0,5 kg rau xanh, 1 lít nước uống được đun sôi để
nguội và mắm, muối, chất đốt phù hợp. Định lượng này do ngân sách nhà nước cấp
và được quy ra tiền theo thời giá thị trường ở từng địa phương trong từng thời điểm.
Trường hợp tạm giữ trong các
ngày lễ, ngày Tết Nguyên đán hoặc tình trạng sức khỏe của người bị tạm giữ
không bảo đảm, theo chỉ định của bác sĩ cần phải có chế độ ăn uống tốt hơn, thì
người bị tạm giữ được ăn thêm nhưng mức ăn (bao gồm cả ăn thêm) không quá 5 lần
tiêu chuẩn ăn ngày thường; bị tạm giữ trong ngày lễ hoặc ngày Tết dương lịch,
thì người bị tạm giữ được ăn thêm, nhưng không quá ba lần tiêu chuẩn ăn ngày
thường.
Nơi tạm giữ có thể quyết định
hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế và khẩu vị của người bị
tạm giữ để bảo đảm họ được ăn hết tiêu chuẩn.
3. Cơ quan, đơn vị có chức năng
tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải mở sổ sách để theo dõi chặt chẽ và
thanh, quyết toán chế độ ăn uống của người bị tạm giữ theo quy định của pháp luật”.
6.
Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Khoản 2 thay
từ “Bộ Thương mại” bằng cụm từ “Bộ Công Thương”
Điều 2. Hiệu
lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 05 tháng 4 năm 2009.
Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc
phòng, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông
vận tải, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị
định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, NC (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|