Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 142/2021/NĐ-CP xử phạt trục xuất áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính

Số hiệu: 142/2021/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phạm Minh Chính
Ngày ban hành: 31/12/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thêm trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo TTHC và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.

- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

- Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (quy định mới).

- Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy (quy định mới).

Nghị định 142/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, thay thế Nghị định 112/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 và Nghị định 17/2016/NĐ-CP ngày 17/3/2016.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRỤC XUẤT, BIỆN PHÁP TẠM GIỮ NGƯỜI, ÁP GIẢI NGƯỜI VI PHẠM THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI VI PHẠM PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN LÀM THỦ TỤC TRỤC XUẤT

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về:

1. Đối tượng áp dụng, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; quyền, nghĩa vụ của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; biện pháp quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thi hành hình thức xử phạt trục xuất.

2. Đối tượng áp dụng, thủ tục tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính; các trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính; quyền và nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính.

3. Những quy định khác có liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất và biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

2. Người có hành vi vi phạm bị áp giải theo quy định tại Điều 124 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

3. Người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam mà theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải bị trục xuất theo quy định tại Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định tại Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính; người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính; người có thẩm quyền đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

5. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật hành chính Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, đúng thủ tục, thẩm quyền và thời hạn quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị tạm giữ, áp giải theo thủ tục hành chính và người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

3. Việc tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được thực hiện theo quy định tại Điều 122, Điều 124 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 4. Kinh phí bảo đảm

1. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, bao gồm:

a) Các khoản chi cho việc đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất tạm giữ;

b) Các khoản chi cho việc mua sắm đồ dùng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các điều kiện khác phục vụ cho việc tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính;

c) Các khoản chi cho việc ăn, uống, khám chữa bệnh cho người bị tạm giữ, chi phí cho việc tổ chức mai táng khi người bị tạm giữ, áp giải chết trong thời gian bị tạm giữ, áp giải đối với trường hợp bản thân hoặc gia đình họ không tự bảo đảm được;

d) Các khoản chi phí khác phục vụ cho việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính;

đ) Lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất, truy tìm người bị trục xuất bỏ trốn và thi hành quyết định trục xuất.

2. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất do ngân sách nhà nước cấp. Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương II

XỬ PHẠT TRỤC XUẤT VÀ QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI VI PHẠM PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN LÀM THỦ TỤC TRỤC XUẤT

Điều 5. Đối tượng áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

Cá nhân là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì tùy theo mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức bị xử phạt trục xuất theo quy định tại Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 6. Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

Cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 5, khoản 7 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 7. Quyền, nghĩa vụ của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

1. Người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất có quyền:

a) Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành;

b) Được yêu cầu có người phiên dịch khi làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền;

c) Được thực hiện các chế độ quy định tại Nghị định số 65/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2020 quy định về tổ chức và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh;

d) Được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

đ) Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2. Nghĩa vụ của người bị trục xuất:

a) Thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

b) Xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;

c) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

d) Nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có);

đ) Hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan phát hiện vi phạm xét thấy người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, phải gửi tài liệu, tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có) liên quan đến vụ vi phạm đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi người nước ngoài đăng ký thường trú, tạm trú hoặc nơi xảy ra hành vi vi phạm để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Đối với trường hợp vi phạm do cơ quan ở trung ương, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phát hiện thì hồ sơ vi phạm được gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Hồ sơ gồm có:

a) Tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

b) Biên bản vi phạm hành chính của người bị đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

c) Tài liệu, chứng cứ về vi phạm hành chính;

d) Tài liệu về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đã bị áp dụng (đối với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm);

đ) Văn bản đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

3. Việc lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp là hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 9. Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh phải tiến hành xem xét, ra quyết định xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thì phải thông báo ngay cho cơ quan phát hiện vi phạm biết.

2. Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải ghi rõ những nội dung sau:

a) Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Căn cứ pháp lý để ban hành Quyết định;

c) Biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của người bị đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

d) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;

đ) Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

e) Hành vi vi phạm hành chính của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ;

g) Điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng;

h) Hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);

i) Quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định;

k) Hiệu lực của Quyết định; thời hạn thi hành quyết định; nơi bị trục xuất đến; nơi thi hành quyết định; nơi ở bắt buộc của người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

l) Họ tên, chữ ký của người ra quyết định;

m) Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định.

3. Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải được gửi cho người bị trục xuất và Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng trước khi đến Việt Nam trước khi thi hành theo quy định tại Điều 84 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quyết định trục xuất phải được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

4. Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp được quy định là hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.

Điều 10. Thi hành Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

1. Cơ quan Công an, người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; đồng thời, có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ, giấy tờ có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) cho cơ quan tiếp nhận quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất để thi hành quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Đối với trường hợp người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất cố tình không nhận quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định, gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng trước khi đến Việt Nam.

3. Cá nhân là người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

4. Việc thi hành Quyết định áp dụng áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp được quy định là hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.

Điều 11. Hoãn thi hành Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

1. Việc hoãn thi hành Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bệnh nặng, phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác không thể thực hiện được Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất có chứng nhận của bệnh viện hoặc cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trở lên;

b) Phải thực hiện nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền ra quyết định hoãn thi hành quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất:

a) Trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc của Thủ trưởng đơn vị quản lý người nước ngoài thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an xem xét, ra quyết định hoãn thi hành quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với trường hợp do Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an ra quyết định trục xuất;

b) Trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng đơn vị quản lý xuất nhập cảnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh xem xét, ra quyết định hoãn thi hành quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với trường hợp do Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định trục xuất.

3. Việc hoãn thi hành Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp được quy định là hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.

4. Khi điều kiện hoãn không còn thì quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được tiếp tục thi hành.

Điều 12. Hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

1. Hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, bao gồm:

a) Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

b) Biên bản vi phạm hành chính;

c) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp trục xuất theo quy định tại Điều 8 Nghị định này;

d) Bản sao hộ chiếu hoặc bản sao giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu của người bị trục xuất;

đ) Giấy tờ chứng nhận đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác (nếu có);

e) Các tài liệu khác có liên quan.

2. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an có trách nhiệm lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp quy định là hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 và khoản 4 Điều này.

4. Hồ sơ áp dụng biện pháp trục xuất phải được đánh bút lục và lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền.

Điều 13. Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất

1. Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh (nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất) đề xuất với Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp quản lý đối với người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

2. Người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất bị áp dụng biện pháp quản lý trong những trường hợp sau:

a) Khi có căn cứ cho rằng, nếu không áp dụng biện pháp cần thiết để quản lý thì người đó sẽ trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất;

b) Để ngăn chặn người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

3. Biện pháp quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất

a) Hạn chế việc đi lại của người bị quản lý;

b) Chỉ định chỗ ở của người bị quản lý;

c) Tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu.

4. Việc áp dụng biện pháp quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam phải được ghi rõ trong Quyết định áp dụng biện pháp quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất, bao gồm những nội dung sau:

a) Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;

c) Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu/giấy tờ thay thế hộ chiếu của người bị áp dụng biện pháp quản lý;

d) Biện pháp quản lý (ghi rõ biện pháp quản lý cụ thể);

đ) Hiệu lực của Quyết định áp dụng biện pháp quản lý; thời hạn áp dụng quyết định quản lý; phạm vi, địa điểm áp dụng việc hạn chế đi lại (đối với biện pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này); nơi ở bắt buộc của người bị áp dụng biện pháp quản lý (đối với biện pháp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này); lý do tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu (đối với biện pháp quy định tại điểm c khoản 3 Điều này);

e) Họ, tên, chữ ký của người ra quyết định;

g) Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định.

5. Việc chỉ định chỗ ở của người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất được thực hiện như sau:

a) Lưu trú tại cơ sở lưu trú do Bộ Công an quản lý;

b) Tại cơ sở lưu trú khác do Bộ Công an chỉ định.

6. Việc áp dụng biện pháp lưu trú đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất tại cơ sở lưu trú do Bộ Công an quản lý, chỉ định được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất không có hộ chiếu hoặc các giấy tờ thay thế hộ chiếu, chưa có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện việc trục xuất (vé máy bay, thị thực, hộ chiếu, các giấy tờ thay thế hộ chiếu...);

b) Không có nơi cư trú hoặc hết thời hạn cư trú;

c) Vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này hoặc không chấp hành các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền;

d) Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng người đó có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chờ xuất cảnh;

đ) Có hành vi bỏ trốn, chuẩn bị bỏ trốn hoặc hành vi khác gây khó khăn cho việc thi hành quyết định trục xuất;

e) Mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm phải tổ chức cách ly y tế;

g) Người mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi;

h) Tự nguyện xin vào cơ sở lưu trú.

7. Không được sử dụng nhà tạm giữ người theo thủ tục hành chính, nhà tạm giữ hình sự, trại tạm giam, trại giam để quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Điều 14. Chế độ đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất

1. Các chế độ lưu trú đối với người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất trong thời gian làm thủ tục trục xuất được thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định số 65/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2020 quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh.

2. Các khoản chi chế độ đối với người lưu trú được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 65/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2020 quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh.

a) Trong trường hợp người bị trục xuất không có khả năng chi trả thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh (nơi lập hồ sơ quản lý đối tượng) yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam hoặc xin gia hạn thị thực cho người nước ngoài chi trả.

b) Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu trên không có điều kiện, khả năng chi trả thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ quản lý đối tượng chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước.

Điều 15. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an

1. Trách nhiệm của Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an:

a) Lập hồ sơ thi hành quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, bao gồm: Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; Bản sao hộ chiếu hoặc bản sao giấy tờ tùy thân khác thay thế hộ chiếu của người bị trục xuất; Giấy tờ chứng nhận đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác (nếu có); các tài liệu khác có liên quan;

b) Gửi Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, Quyết định hoãn thi hành Quyết định xử phạt trục xuất và Quyết định áp dụng biện pháp quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật trong thời gian làm thủ tục trục xuất cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân; đồng thời, gửi một bản quyết định cho người bị trục xuất để thi hành;

c) Thu thập, tiếp nhận các thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tổ chức thi hành quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

d) Phối hợp với các cơ quan có liên quan đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất;

đ) Tổ chức trục xuất theo quyết định.

2. Trách nhiệm của Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất:

a) Lập hồ sơ thi hành Quyết định xử phạt trục xuất;

b) Quản lý đối tượng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định tại Điều 13 Nghị định này;

c) Bàn giao đối tượng cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi được yêu cầu;

d) Phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trong việc thi hành quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;

đ) Phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất.

Chương III

TẠM GIỮ NGƯỜI THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Điều 16. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.

2. Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

3. Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

5. Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.

Điều 17. Thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Trong các trường hợp quy định tại Điều 16 của Nghị định này, những người có thẩm quyền quyết định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 18. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính

1. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải được ghi cụ thể trong quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với trường hợp bị tạm giữ ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Điều 19. Quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính

1. Trường hợp có đủ căn cứ tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định này và xét thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải ra ngay quyết định tạm giữ người.

2. Quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải được lập thành hai bản, một bản giao cho người bị tạm giữ, một bản lưu vào hồ sơ tạm giữ và phải ghi rõ các nội dung sau:

a) Số quyết định; giờ, phút, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Họ, tên, cấp bậc (nếu có), chức vụ, cơ quan, đơn vị của người ra quyết định;

c) Căn cứ ra quyết định tạm giữ, điều, khoản văn bản pháp luật được áp dụng; lý do tạm giữ;

d) Họ tên, ngày, tháng năm sinh, nơi sinh, nơi đăng ký thường trú (hoặc tạm trú), nghề nghiệp, nơi công tác, học tập, số định danh cá nhân, số Căn cước công dân (hoặc số Chứng minh nhân dân) của người bị tạm giữ; họ tên cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị tạm giữ (nếu người bị tạm giữ là người chưa thành niên);

đ) Quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu (nếu người bị tạm giữ là người nước ngoài);

e) Thời hạn tạm giữ (tạm giữ trong thời gian bao lâu; bắt đầu từ thời điểm nào); nơi tạm giữ;

g) Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về việc ra quyết định tạm giữ và việc thực hiện biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật;

h) Chữ ký, dấu cơ quan của người ra quyết định tạm giữ.

3. Khi có căn cứ cho rằng hành vi vi phạm pháp luật của người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính có dấu hiệu tội phạm, người ra quyết định tạm giữ phải chuyển ngay hồ sơ và người bị tạm giữ kèm theo tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Trong mọi trường hợp, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc tạm giữ người không có quyết định bằng văn bản.

Điều 20. Kéo dài thời gian tạm giữ

1. Trường hợp cần kéo dài thời gian tạm giữ theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trước khi hết thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính ghi trong quyết định, người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định kéo dài thời gian tạm giữ.

2. Nội dung quyết định kéo dài thời gian tạm giữ phải ghi rõ các nội dung sau:

a) Số quyết định; giờ, phút, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Họ, tên, cấp bậc (nếu có), chức vụ, cơ quan, đơn vị của người ra quyết định;

c) Căn cứ ra quyết định kéo dài thời gian tạm giữ người, điều, khoản văn bản pháp luật được áp dụng; lý do kéo dài thời gian tạm giữ;

d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, giới tính, nơi đăng ký thường trú (hoặc tạm trú), nghề nghiệp, nơi công tác, học tập, số định danh cá nhân, số Căn cước công dân (hoặc số Chứng minh nhân dân) của người bị kéo dài thời gian tạm giữ; họ tên cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị kéo dài thời gian tạm giữ (nếu người bị tạm giữ là người chưa thành niên);

đ) Quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu (nếu người bị tạm giữ là người nước ngoài);

e) Thời hạn kéo dài thời gian tạm giữ người;

g) Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về việc ra quyết định kéo dài thời gian tạm giữ người và việc thực hiện biện pháp này theo quy định của pháp luật;

h) Chữ ký, dấu cơ quan của người ra quyết định tạm giữ.

3. Quyết định kéo dài thời gian tạm giữ được lập thành hai bản, một bản giao cho người bị tạm giữ, một bản lưu vào hồ sơ tạm giữ.

Điều 21. Hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

1. Việc hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được thực hiện khi:

a) Hết thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính;

b) Người bị tạm giữ bị bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định này;

c) Có căn cứ cho rằng hành vi vi phạm pháp luật của người bị tạm giữ hành chính theo thủ tục hành chính có dấu hiệu của tội phạm;

d) Các căn cứ để tạm giữ người theo thủ tục hành chính đã chấm dứt nhưng chưa hết thời hạn tạm giữ ghi trong quyết định tạm giữ.

2. Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải ra quyết định hủy bỏ áp dụng việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với người bị tạm giữ. Quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính được lập thành hai bản, một bản giao cho người bị tạm giữ, một bản lưu hồ sơ.

3. Nội dung quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải ghi rõ các nội dung sau:

a) Số quyết định; địa danh, giờ, phút, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Họ, tên, cấp bậc (nếu có), chức vụ, cơ quan, đơn vị của người ra quyết định;

c) Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định; điều, khoản văn bản pháp luật được áp dụng;

d) Lý do hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người;

đ) Họ tên, ngày, tháng năm sinh, nơi sinh, nơi đăng ký thường trú (hoặc tạm trú), nghề nghiệp, nơi công tác, học tập, số định danh cá nhân, số Căn cước công dân (hoặc số Chứng minh nhân dân) của người được hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ;

e) Họ tên cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị tạm giữ là người chưa thành niên;

g) Quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu (nếu người bị tạm giữ là người nước ngoài);

h) Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về việc ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ và việc thực hiện biện pháp này theo quy định của pháp luật;

i) Họ tên, chữ ký của người ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ.

4. Quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải được ghi vào Sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính và có chữ ký xác nhận của người được hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ. Trường hợp người được hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ từ chối ký xác nhận thì người ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải lập biên bản hoặc phân công cho người đang trực tiếp thi hành nhiệm vụ tạm giữ người theo thủ tục hành chính lập biên bản và ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến (nếu có), người lập biên bản và người ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

5. Người ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp tạm giữ phải chuyển hồ sơ và bàn giao người bị tạm giữ cùng tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 22. Nơi tạm giữ

1. Nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính phải có khóa cửa, bảo đảm ánh sáng, thoáng mát, vệ sinh an toàn về phòng cháy, chữa cháy, thuận tiện cho việc trông coi, bảo vệ. Người bị tạm giữ qua đêm phải được bố trí giường nằm và phải có chiếu, chăn, màn; chỗ nằm tối thiểu cho mỗi người là 2 m2.

3. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào quy định tại Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Điều 22 Nghị định này chịu trách nhiệm về việc tổ chức, bố trí nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính và chỉ đạo thiết kế, xây dựng nơi tạm giữ hành chính bảo đảm và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 23. Thông báo quyết định tạm giữ

1. Việc thông báo quyết định tạm giữ người được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp không thông báo được thì phải báo cho người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính biết và ghi rõ lý do vào Sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính.

2. Trường hợp người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính là người nước ngoài thì người ra quyết định tạm giữ phải báo cáo ngay với thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp trên biết để thông báo cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người đó là công dân biết; đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao thu xếp cho đại diện của cơ quan lãnh sự hoặc đại diện cơ quan ngoại giao của nước đó thăm gặp lãnh sự nếu có yêu cầu và phối hợp xử lý các vấn đề đối ngoại khác có liên quan.

Điều 24. Tiếp nhận người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

Khi tiếp nhận người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, người được giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý người bị tạm giữ phải:

1. Kiểm tra, đối chiếu quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính với người bị tạm giữ hành chính.

2. Kiểm tra, ghi nhận tình trạng sức khỏe của người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

3. Kiểm tra tư trang, đồ vật của người bị tạm giữ được phép mang theo; phổ biến quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ; nội quy nơi tạm giữ và những quy định khác có liên quan.

4. Vào Sổ theo dõi người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Điều 25. Quản lý người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

Người được giao nhiệm vụ quản lý người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính có trách nhiệm thường xuyên giám sát, bảo vệ, trông coi người bị tạm giữ.

1. Trường hợp phát hiện thấy người bị tạm giữ có thương tích, có biểu hiện về tâm lý, sức khỏe, hành vi không bình thường thì phải lập biên bản về tình trạng sức khỏe của người bị tạm giữ và báo cáo ngay với người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ để có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Trường hợp phát hiện những tình tiết có liên quan đến vụ việc vi phạm hoặc phát hiện người bị tạm giữ cất giấu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tang vật, phương tiện vi phạm thì phải lập biên bản về việc phát hiện những tình tiết liên quan và biên bản tạm giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đó.

3. Tư trang, tài sản của người bị tạm giữ phải được ký gửi tại nơi tạm giữ. Việc giao, nhận tư trang tài sản ký gửi phải được ghi đầy đủ, cụ thể vào Sổ theo dõi tạm giữ người theo thủ tục hành chính và phải có xác nhận của người bị tạm giữ.

4. Trường hợp tư trang, tài sản ký gửi có số lượng nhiều hoặc có giá trị lớn thì cán bộ được giao trách nhiệm quản lý phải lập biên bản ký gửi tư trang, tài sản, trong đó phải ghi đầy đủ, cụ thể số lượng, chủng loại, ký hiệu, hình thức, tình trạng đồ vật và các vấn đề khác có liên quan. Biên bản ký gửi tài sản phải được lập thành 02 bản, có chữ ký xác nhận của người bị tạm giữ, chữ ký của người nhận bảo quản tài sản và giao cho mỗi bên 01 bản.

5. Khi hết thời hạn tạm giữ hoặc người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính chuyển đi nơi khác, người bị tạm giữ được nhận lại đầy đủ tư trang, tài sản đã ký gửi. Trường hợp phát hiện tư trang, tài sản ký gửi bị mất mát, hư hỏng thì người bị tạm giữ có quyền yêu cầu cơ quan tạm giữ có trách nhiệm bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 26. Giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính tiến hành lập biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính với tổ chức, cá nhân áp giải người vi phạm hành chính hoặc phân công cho người đang thi hành nhiệm vụ tiến hành lập biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính.

2. Ngay sau khi lập biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính, nếu xét thấy phải tạm giữ người vi phạm theo thủ tục hành chính, người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải ra ngay quyết định tạm giữ.

Trường hợp không đủ căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải ra quyết định trả tự do ngay cho người đó và trả lại tư trang, tài sản, phương tiện, giấy tờ (nếu có) cho họ nếu các tư trang, tài sản, giấy tờ này không thuộc diện bị áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

3. Biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính phải ghi rõ các nội dung sau:

a) Họ tên, chức vụ, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bên giao và bên nhận người có hành vi vi phạm hành chính;

b) Thời gian lập biên bản (giờ, phút, ngày, tháng, năm);

c) Địa điểm lập biên bản;

d) Họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân, số Căn cước công dân (hoặc số Chứng minh nhân dân nếu còn thời hạn sử dụng) của người có hành vi vi phạm; thời gian, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm;

đ) Tình trạng sức khỏe, thái độ của người có hành vi vi phạm;

e) Tang vật, tư trang, tài sản, phương tiện, giấy tờ của họ (nếu có) và những tình tiết khác có liên quan đến việc giao, nhận người vi phạm.

4. Trường hợp có người làm chứng và có người bị thiệt hại do người có hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải ghi rõ trong biên bản:

a) Các nội dung, sự việc mà họ được chứng kiến và những thiệt hại do người có hành vi vi phạm hành chính gây ra;

b) Họ tên, địa chỉ, số định danh cá nhân, số Căn cước công dân (hoặc số Chứng minh nhân dân nếu còn thời hạn sử dụng) của người làm chứng và người bị thiệt hại;

c) Nếu người làm chứng, người bị thiệt hại từ chối ký vào biên bản thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

5. Biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính phải được lập thành 02 bản và đọc lại cho mọi người tham gia ký biên bản cùng nghe; bên nhận giữ 01 bản, bên giao giữ 01 bản.

Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ

1. Người bị tạm giữ có quyền:

a) Được thông báo về việc bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính;

b) Được biết lý do bị tạm giữ, thời hạn bị tạm giữ, địa điểm bị tạm giữ; khiếu nại về việc bị tạm giữ;

c) Yêu cầu người ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính thông báo quyết định tạm giữ cho gia đình, tổ chức (nơi làm việc, học tập) biết việc mình bị tạm giữ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định này;

d) Được bảo đảm chế độ ăn uống theo quy định tại Điều 28 Nghị định này;

đ) Được điều trị, chăm sóc y tế khi bị bệnh theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.

2. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định tạm giữ, nội quy, quy định của nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính;

b) Tuân thủ yêu cầu, mệnh lệnh của người ra quyết định tạm giữ và người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ nơi tạm giữ;

c) Không được đưa vào nơi tạm giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị điện tử có chức năng thu phát sóng, văn hóa phẩm độc hại, rượu, bia và các chất gây nghiện khác hoặc các vật dụng có thể ảnh hưởng đến trật tự, an toàn nơi tạm giữ.

Điều 28. Chế độ ăn uống của người bị tạm giữ

1. Trường hợp người bị tạm giữ hoặc gia đình họ không thể tự đảm bảo được thì cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính có trách nhiệm bảo đảm chế độ ăn uống cho người bị tạm giữ theo tiêu chuẩn định lượng mỗi người một ngày là 0,6 kg gạo tẻ thường; 0,1 kg thịt lợn; 0,5 kg rau; 01 lít nước uống được đun sôi để nguội; nước mắm, muối, chất đốt phù hợp. Chế độ này do ngân sách nhà nước cấp và được quy ra tiền theo thời giá thị trường ở từng địa phương trong từng thời điểm.

2. Chế độ đối với người bị tạm giữ trong các ngày lễ, Tết được thực hiện như sau:

a) Tết nguyên đán thì người bị tạm giữ được ăn thêm nhưng mức ăn (bao gồm cả ăn thêm) không quá 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường;

b) Ngày lễ hoặc Tết dương lịch thì người bị tạm giữ được ăn thêm, nhưng không quá 03 lần tiêu chuẩn ngày ăn ngày thường;

c) Cơ quan nơi tạm giữ có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế và khẩu vị của người bị tạm giữ để bảo đảm họ được ăn hết tiêu chuẩn.

3. Cơ quan, đơn vị có chức năng tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải mở sổ sách để theo dõi, thanh quyết toán chế độ ăn uống của người bị tạm giữ theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính bị bệnh hoặc chết trong thời gian tạm giữ

1. Xử lý đối với người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính bị bệnh:

a) Trường hợp người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính mà bị bệnh trong thời gian tạm giữ thì được điều trị tại chỗ;

b) Trường hợp tình trạng bệnh cần cấp cứu thì cơ quan, đơn vị và người quản lý trực tiếp người bị tạm giữ có trách nhiệm đưa họ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị, đồng thời thông báo ngay cho gia đình, thân nhân của họ biết để chăm sóc;

c) Trường hợp gia đình, thân nhân, gia đình của người bị tạm giữ có đơn đề nghị đưa về nhà để chăm sóc và xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giữ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11, điểm a, b và điểm d khoản 1 Điều 21 Nghị định này thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể quyết định hủy bỏ việc tạm giữ và cho họ về gia đình để chữa bệnh. Việc hủy bỏ biện pháp tạm giữ được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 21 Nghị định này;

d) Trường hợp người bị tạm giữ không có nơi cư trú nhất định hoặc gia đình, thân nhân của họ ở xa, không kịp thời đến để chăm sóc thì cơ quan, đơn vị nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính trực tiếp chịu trách nhiệm chăm sóc người bị tạm giữ.

2. Xử lý đối với trường hợp người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính bị chết trong thời gian tạm giữ:

a) Trường hợp người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính mà bị chết trong thời gian bị tạm giữ thì người ra quyết định tạm giữ phải báo ngay cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời, lập biên bản về việc người tạm giữ bị chết và thông báo ngay cho gia đình, thân nhân của người chết biết; gia đình người chết có trách nhiệm mai táng người chết;

b) Trường hợp người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính chết mà không có gia đình, thân nhân thì việc mai táng do cơ quan, đơn vị nơi tạm giữ phối hợp với chính quyền địa phương nơi tạm giữ giải quyết việc mai táng; kinh phí mai táng trong trường hợp này do ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính chết là người nước ngoài thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền cấp trên biết để thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phối hợp với cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người chết có quốc tịch để phối hợp giải quyết.

3. Biên bản về việc người tạm giữ theo thủ tục hành chính bị chết trong thời gian tạm giữ phải ghi rõ các nội dung:

a) Họ tên người bị tạm giữ; ngày, tháng, năm sinh của người bị tạm giữ;

b) Số định danh cá nhân, số Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu/các giấy tờ cá nhân có liên quan; địa điểm tạm giữ;

c) Tình trạng sức khỏe của người tạm giữ khi tiếp nhận;

d) Quá trình xử lý người tạm giữ từ khi tiếp nhận tới khi người bị tạm giữ chết;

đ) Lý do người tạm giữ bị chết.

Chương IV

ÁP GIẢI NGƯỜI THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Điều 30. Áp giải người vi phạm

1. Người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền mà không phải do trở ngại khách quan hoặc trường hợp bất khả kháng thì bị áp giải trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính;

b) Đưa vào hoặc đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 124 Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ quy định tại Điều 31 Nghị định này thực hiện việc áp giải người vi phạm.

3. Trong thời gian bị áp giải, việc quản lý người bị áp giải được thực hiện theo quy định tại các Điều 25, Điều 28Điều 29 Nghị định này.

Điều 31. Thực hiện việc áp giải

Những người sau đây đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính:

1. Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ của lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, cơ quan thuế, Quản lý thị trường, Cơ quan thanh tra, Thi hành án dân sự, Kiểm lâm, Thuế, Kiểm ngư, Quản lý thị trường, Thanh tra.

2. Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 32. Thủ tục áp giải

1. Trước khi áp giải người vi phạm, người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải giải thích cho người bị áp giải về quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình bị áp giải theo quy định của pháp luật, giải đáp thắc mắc của người bị áp giải.

2. Trong khi áp giải, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải và cho người bị áp giải. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ khi áp dụng biện pháp áp giải phải bảo đảm đúng nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Nghị định này.

3. Trường hợp người bị áp giải có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi chống người thi hành công vụ, người đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải phải báo cáo ngay người có thẩm quyền để ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với người đó.

4. Người đang thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ áp giải phải giám sát, quản lý chặt chẽ người bị áp giải, cảnh giác, chủ động, kịp thời xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra; không được tùy tiện giải quyết các yêu cầu của người bị áp giải trong khi đang tiến hành áp giải.

Điều 33. Giao, nhận người bị áp giải

1. Người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm phải tiến hành lập biên bản giao, nhận người bị áp giải với cơ quan tiếp nhận người bị áp giải.

2. Người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm khi đến địa điểm thực hiện áp giải phải mời đại diện chính quyền địa phương nơi người bị áp giải cư trú hoặc đang bị quản lý, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị áp giải làm việc, học tập và người chứng kiến.

3. Tiến hành kiểm tra, đối chiếu ảnh, giấy tờ tùy thân, xác định đúng người vi phạm bị áp giải theo thủ tục hành chính và lập biên bản về việc áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính.

4. Biên bản giao, nhận người bị áp giải thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định này.

Điều 34. Biên bản giao, nhận người bị áp giải

Biên bản giao, nhận người bị áp giải bao gồm các nội dung sau:

1. Thời gian, địa điểm lập biên bản.

2. Họ, tên, chức vụ, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bên giao, bên nhận; họ, tên, địa chỉ, số định danh cá nhân, số Căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân (nếu có) hoặc giấy tờ tùy thân khác của người có hành vi vi phạm bị áp giải; hành vi vi phạm; thời gian, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm; tình trạng sức khỏe, thái độ của người có hành vi vi phạm, tang vật, tài sản của họ (nếu có) và những tình tiết khác có liên quan đến việc áp giải người vi phạm; trường hợp có người làm chứng phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người làm chứng.

3. Biên bản phải có chữ ký của bên giao, bên nhận áp giải và của người có hành vi vi phạm bị áp giải, người làm chứng (nếu có); người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính ký tên vào biên bản giao, nhận người vi phạm bị áp giải. Trường hợp người vi phạm bị áp giải, người làm chứng từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

4. Biên bản giao, nhận người có hành vi vi phạm hành chính bị áp giải phải lập thành hai bản và đọc cho mọi người tham gia ký biên bản nghe; bên nhận, bên giao người vi phạm bị áp giải mỗi bên giữ một bản.

Điều 35. Xử lý một số tình huống trong khi áp giải

1. Trường hợp người bị áp giải có hành vi chống đối; người bị áp giải là người chưa thành niên có hành vi chửi bới, lăng mạ nhưng không tấn công bằng vũ lực thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải giải thích quy định của pháp luật, yêu cầu họ chấp hành quyết định; trường hợp người bị áp giải có hành vi tấn công bằng vũ lực, người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải có quyền sử dụng vũ lực, trói, khóa tay, chân, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để khống chế vô hiệu hóa hành vi chống đối của người bị áp giải.

2. Trường hợp người vi phạm bị áp giải bỏ trốn thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải yêu cầu những người có mặt phối hợp bắt giữ; trường hợp không bắt giữ ngay được đối tượng thì phải kịp thời báo cáo cho thủ trưởng đơn vị và liên hệ với chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để có phương án truy tìm người vi phạm bỏ trốn; đồng thời, lập biên bản về việc người bị áp giải bỏ trốn, có chữ ký của người chứng kiến; nếu không có người chứng kiến phải ghi rõ lý do vào biên bản.

3. Trường hợp người bị áp giải bị phát bệnh đột xuất cần cấp cứu kịp thời thì người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải nhanh chóng đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất. Việc áp giải hoặc đưa lên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để tiếp tục chữa trị phải có xác nhận bằng văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tình trạng sức khỏe của người bị áp giải và người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải báo cáo ngay cho chỉ huy trực tiếp biết. Trong thời gian cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải phải có kế hoạch tổ chức canh giữ, giám sát chặt chẽ người vi phạm, không để trốn hoặc tự do tiếp xúc với người khác.

4. Trường hợp người bị áp giải bị chết bất thường thì phải đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất và báo cáo ngay thủ trưởng đơn vị, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nơi xảy ra vụ việc biết để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật.

5. Mọi trường hợp áp giải người vi phạm đều phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hậu cần, liên hệ trước với chính quyền địa phương nơi dẫn giải người vi phạm đến trong việc quản lý người bị áp giải.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 36. Trách nhiệm của Bộ Công an

Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Giúp Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan để tổ chức thi hành việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thực hiện việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính; quản lý đối tượng là người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam bị trục xuất trong thời gian làm thủ tục trục xuất; tổ chức trục xuất theo quyết định; bàn giao đối tượng bị trục xuất cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi được yêu cầu; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất.

4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và tổ chức thi hành quyết định xử phạt trục xuất.

5. Thống kê về việc áp dụng, tổ chức thi hành quyết định trục xuất.

Điều 37. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

1. Giải quyết các thủ tục đối ngoại liên quan đến việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất và các thủ tục khác có liên quan đối với trường hợp người bị tạm giữ, áp giải theo thủ tục hành chính là người nước ngoài.

2. Trao đổi, cung cấp thông tin liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, cơ quan lãnh sự cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu bị áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

3. Chỉ đạo các cơ quan ngoại vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu bị tạm giữ hành chính, bị trục xuất (trong trường hợp bị chết) để giải quyết.

Điều 38. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Bảo đảm kinh phí thường xuyên cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 39. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trực thuộc tổ chức thực hiện việc áp giải người, tạm giữ người vi phạm theo thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành trong việc thực hiện và trao đổi thông tin liên quan đến việc trục xuất, áp giải người, tạm giữ người vi phạm theo thủ tục hành chính.

Điều 40. Trách nhiệm của Bộ Y tế

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan y tế và bệnh viện trực thuộc tổ chức khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và giám định sức khỏe đối với người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, tạm giữ theo thủ tục hành chính và trong trường hợp họ bị bệnh nặng, phải điều trị.

Điều 41. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Xây dựng, bố trí kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư, xây dựng mới và sửa chữa nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính và các cơ sở lưu trú thuộc Bộ Công an quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Điều 42. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương trong việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính.

Điều 43. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Phối hợp, cộng tác với cơ quan chức năng thực hiện việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

2. Chịu mọi chi phí hoặc bảo lãnh tài chính trong trường hợp người bị trục xuất không có khả năng tài chính tại chỗ để thanh toán các chi phí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 44. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Nghị định này thay thế các Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất và Nghị định số 17/2016/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

Điều 45. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Y tế có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất thuộc phạm vi quản lý của mình.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

THE GOVERNMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 142/2021/ND-CP

Hanoi, December 31, 2021

 

DECREE

ON DEPORTATION, TEMPORARY DETENTION, ESCORT OF VIOLATORS UNDER ADMINISTRATIVE REGULATIONS AND MANAGEMENT OF FOREIGNERS VIOLATING VIETNAMESE LAW WHILST DEPORTATION IS IN PROGRESS

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to the Law on Government Organization and the Law on Organization of Local Government dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Domestic Violence Prevention and Control dated November 21, 2007;

Pursuant to the Law on Entry, Exit and Residence of Foreigners in Vietnam dated; the Law on amendments to the Law on Entry, Exit and Residence of Foreigners in Vietnam dated November 25, 2019;

Pursuant to the Law on Handling of Administrative Violations dated June 20, 2012; the Law on amendments to the Law on Handling of Administrative Violations dated November 13, 2020;

At the proposal of the Minister of Public Security;

The Government promulgates a Decree on deportation, temporary detention, escort of violators under administrative regulations and management of foreigners violating Vietnamese law whilst deportation is in progress.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Decree set forth:

1. Regulated entities, procedures for imposition of deportation; rights and obligations of deportees; management of foreigners violating Vietnamese law whilst deportation is in the progress and responsibilities of relevant bodies in enforcement of deportation.

2. Regulated entities, procedures for temporary detention, escort of violators under administrative procedures; applicable cases of temporary detention, escort of violators under administrative procedures; rights and obligations of detainees, escortees under administrative procedures.

3. Other regulations relevant to imposition of deportation and temporary detention, escort of violators under administrative procedures.

Article 2. Regulated entities

This Decree applies to:

1. Administrative law violators who have been temporarily detained under administrative procedures as prescribed in Article 16 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Foreigners who violate Vietnamese law that must be deported under Article 27 of the Law on handling administrative violations.

4. Persons who have authority to impose deportation under Article 39 of the Law on handling administrative violations; persons who have authority to impose temporary detention under Article 123 of the Law on handling administrative violations; persons on duty to escort violators under clause 2 Article 124 of the Law on handling administrative violations.

5. Agencies and bodies relevant to imposition of deportation, temporary detention, escort of violators under administrative regulations and management of foreigners violating Vietnamese law while deportation is in progress.

Article 3. Rules for imposition

1. The imposition of temporary detention under administrative procedures and deportation must follow the given rules, be made on statutory entities, with proper procedures, authority and time limit as prescribed in the Law on handling administrative violations, this Decree and other regulations of relevant laws.

2. It is prohibited to infringe the life, health, honor, dignity, and property of detainees, escortees and deportees.

3. The temporary detention, escort of violators under administrative procedures, and deportation shall be imposed in accordance with Articles 122, Article 124 of the Law on Handling administrative violations.

Article 4. Funding

1. Funding for imposition of deportation and temporary detention, escort of violators under administrative procedures shall cover the following:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Expenses for the purchase of tools, means, weapons, combat gear and other things in service of the temporary detention and escort of violators under administrative procedures;

c) Expenses for food, drink, medical examination and treatment for detainees, expenses for funeral arrangements when the detainee or escortee dies while being held in temporary detention or escorted, for cases they themselves or their families are unable to pay for the expenses;

d) Other expenses for the temporary detention under administrative procedures;

dd) Make a dossier to request the imposition of deportation, manage foreigners while deportation is in progress procedures, track down the absconded deportees and execute the deportation decisions.

2. Funding for imposition of deportation and temporary detention, escort of violators under administrative procedures shall be allocated by the state budget. The formulation, enactment and settlement of the funding from the state budget shall comply with the Law on State Budget and its guiding documents.

Chapter II

ON DEPORTATION AND MANAGEMENT OF FOREIGNERS VIOLATING VIETNAMESE LAW WHILE DEPORTATION IS IN PROGRESS

Article 5. Subjects of deportation (deportees)

Individuals being foreigners who commit administrative violations within the territory, contiguous zone, exclusive economic zone and continental shelf of the Socialist Republic of Vietnam; on board an aircraft bearing Vietnamese nationality or a seagoing vessel flying the Vietnamese flag, depending on the seriousness of the violation, shall face the penalty of deportation as prescribed in Article 27 of the Law on Handling of Administrative Violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Agencies or persons having authority to impose the deportation shall comply with Point dd Clause 5 and Clause 7 Article 39 of the Law on Handling of Administrative Violations.

Article 7. Rights and obligations of the deportee

1. Rights of the deportee:

a) Know the reason for the deportation, receive the deportation decision at least 48 hours before the execution;

b) Require an interpreter when working with a competent agency or person;

c) Receive statutory benefits as prescribed in Decree No. 65/2020/ND-CP dated June 10, 2020 on benefits for people staying at accommodation establishments during the waiting period for exit;

d) Bring their lawful property out of the Vietnamese territory;

dd) Lodge complaints and file whistleblowing reports in accordance with the law on settlement of complaints and whistleblowing reports.

2. Obligations of the deportee:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Present identification papers at the request of immigration authorities;

c) Comply with Vietnamese law and abide by the management of the police whilst deportation in in progress;

d) Quickly fulfill all civil, administrative and economic obligations as prescribed by law (if any);

dd) Complete the necessary procedures to leave the Vietnamese territory.

Article 8. Request for imposition of deportation

1. Within 2 working days, if the violation-identifying agency deems that the foreigner’s illegal act has sufficient grounds for deportation, it must send documents, exhibits and temporary detention facilities (if any) related to the violation to the immigration authority of the provincial-level police station where the foreigner registers his/her permanent residence or temporary residence or where the violation occurs to compile a request for imposition of the deportation.  For violations identified by central agencies or specialized units of the Ministry of Public Security, the violation files shall be sent to the Immigration Department for preparation of requests for imposition of deportation.

2. Within 3 working days from the day on which the violation file is received, the immigration authority of the provincial-level police department and the specialized division of the Immigration Department shall complete the request for imposition of deportation.  The request includes:

a) Summary of background and illegal act of the person proposed to impose the deportation;

b) Administrative offence notice of the person proposed to impose the deportation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Documents on the administrative penalties applied (for repeated violations or recidivism);

dd) Written request for imposition of deportation.

3. The preparation of a request for imposition of the deportation on the violating foreigner as an additional penalty specified in Clause 2, Article 21 of the Law on Handling of Administrative Violations shall comply with Clauses 1 and 2 of this Article.

Article 9. Decision on imposing deportation

1. Within 2 working days after receiving the written request for imposition of deportation from the immigration authority of the provincial-level police department or the specialized division of the Immigration Department, Director of the provincial-level Public Security, and the Director of the Immigration Department must consider issuing a decision on imposing deportation on the foreigner who commits the administrative violation.  If there are insufficient grounds for imposing deportation, they must immediately notify the agency that identified the violation.

2. The decision on imposing deportation must clearly state the following:

a) Place and date of the decision;

b) Legal grounds for promulgation of the Decision;

c) Administrative offence notice, verification results, written explanations of the person proposed to impose the deportation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Full name, date of birth, nationality, occupation, passport number or passport alternative of the deportee;

e) The illegal act of the deportee; aggravating circumstances, extenuating circumstances;

g) Terms of the applicable legal document;

h) Primary penalty, additional penalty(ies), remedial measures (if any);

i) The right to complain or initiate a lawsuit against the decision;

k) Effect of the Decision; the time limit for enforcement of the decision; destination of deportation; the place of enforcement of the decision; compulsory residence of the foreigner whilst deportation in in progress;

l) Full name and signature of the decision maker;

m) The agency responsible for enforcing the decision.

3. The decision on imposing deportation must be sent to the deportee and the Ministry of Foreign Affairs of Vietnam, the consular office, the diplomatic mission of the country of which the deportee is a citizen or country that person last resided before coming to Vietnam before the execution of the deportation as prescribed in Article 84 of the Law on Handling of Administrative Violations.  The decision on deportation must be presented in both Vietnamese and English.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 10. Enforcement of the decision on imposing deportation

1. The police agency and the person competent to impose the deportation shall enforce the decision on imposing deportation; and also be responsible for transferring all relevant dossiers and papers, material evidences and means of administrative violations (if any) to the agency receiving the decision on imposing deportation for enforcement according to the Law on Handling of Administrative Violations.

2. For cases where the deportee deliberately refuses to receive the penalty decision, the competent person shall make a record of the refusal to receive the decision and send it to the Ministry of Foreign Affairs of Vietnam, the consular authority, diplomatic mission of the country of which the deportee is a citizen or the country in which he last resided before coming to Vietnam.

3. Foreign individuals subject to the deportation must abide by the penalty decision as prescribed in Clause 1, Article 73 of the Law on Handling of Administrative Violations 2012.

4. The decision on imposing deportation on the violating foreigner as an additional penalty specified in Clause 2, Article 21 of the Law on Handling of Administrative Violations shall comply with Clauses 1, 2 and 3 of this Article.

Article 11. Postponing the enforcement of the decision on imposing deportation

1. The postponement of the enforcement of the decision on imposition of the deportation shall be effected in the following cases:

a) Having a serious illness, requiring emergency care or for other health reasons that it is impossible to enforce the decision on imposition of the deportation, certified by a hospital or medical examination and treatment establishment at the district level or higher;

b) Must perform civil, administrative and economic obligations as prescribed by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) At the request of the Director of the provincial-level Public Security Department or the head of the foreigner management unit of the Immigration Department or the head of the professional division of the Immigration Department of the Ministry of Public Security, the Director of the Immigration Department of the Ministry of Public Security shall consider and issue a decision to postpone the enforcement of the decision on imposing the deportation in cases where the decision on deportation is issued by the Director of the Immigration Department of the Ministry of Public Security;

b) At the request of the head of the immigration authority, the Director of the provincial-level Police Department shall consider and issue a decision to postpone the enforcement of the decision on imposition of the deportation in cases where the Director of the provincial-level Police Department is responsible.

3. The postponement of enforcement of the decision on imposing deportation on the violating foreigner as an additional penalty specified in Clause 2, Article 21 of the Law on Handling of Administrative Violations shall comply with Clauses 1, 2 and 3 of this Article.

4. When the grounds for postponement no longer exist, the decision on imposing deportation shall continue to be enforced.

Article 12. Dossier of imposition of the deportation

1. A dossier of imposition of the deportation includes:

a) Decision on imposing deportation;

b) Administrative offence notice;

c) Request for imposition of deportation as per Article 8 of this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Papers certifying that other obligations have been fulfilled (if any);

e) Other relevant documents.

2. The immigration authority of the provincial-level Police Department or the specialized division of the Immigration Department of the Ministry of Public Security shall have to compile a dossier of imposition of the deportation as prescribed in Clause 1 of this Article.

3. The dossier on imposing deportation on the violating foreigner as an additional penalty specified in Clause 2, Article 21 of the Law on Handling of Administrative Violations shall comply with Clauses 1, 2 and 4 of this Article.

4. Dossier of enforcement of deportation must be numbered and kept at a competent agency.

Article 13. Management of foreigners violating Vietnamese law while deportation is in progress

1. The head of the specialized division of the Immigration Department, the head of the Immigration Department of the provincial-level Police Department (where the request for deportation is made) proposes to the Director of the Immigration Department or the Director of the provincial-level Public Security Department decide to adopt management measures to foreigners whilst deportation is in progress.

2. Foreigners violating Vietnamese law while deportation is in progress shall be subject to management measures in the following cases:

a) When there are grounds to believe that, if necessary measures are not taken for management, that person will evade or obstruct the enforcement of the decision on imposing deportation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Measures to manage foreigners who violate Vietnamese law during deportation procedures

a) Restrict the movement of the person under management measure;

b) Designate the place of residence of the person under management measure;

c) Temporarily seize the passport or other identification document in lieu of passport.

4. The imposition of management measure on the foreigner violating Vietnamese law must be clearly stated in the decision on imposition of management measure on foreigners who violate Vietnamese law whilst the deportation procedures are in progress, including the following:

a) Place and date of the decision;

b) Full name and position of the decision maker;

c) Full name, date of birth, nationality, occupation, passport number or passport alternative of the person subject to management measures;

d) Management measures (specify management measures);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Full name and signature of the decision maker;

g) The agency responsible for enforcing the decision.

5. The appointment of a place of residence of the foreigner who violates Vietnamese law whilst the deportation is in progress shall be done as follows:

a) Staying at accommodation establishments managed by the Ministry of Public Security;

b) At another accommodation establishment designated by the Ministry of Public Security.

6. The imposition of the accommodation measure to foreigners who violate Vietnamese law while deportation is in progress at accommodation establishments managed and designated by the Ministry of Public Security shall be implemented in the following cases:

a) Foreigners who violate Vietnamese law whilst deportation is in progress do not have passports or substitutes for passports, have not met sufficient eligibility requirements to carry out the deportation (airfare tickets; visas, passports, passport alternative, etc.);

b) The foreigner has no place of residence or has their stay duration expired;

c) The foreigner violates Clause 2 of this Article or fails to comply with management and supervision measures of the competent agencies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) The foreigner has an act of running away, preparing to flee or another act that causes difficulties for the enforcement of the deportation decision;

e) The foreigner has an infectious disease prescribed in the law on prevention and control of infectious diseases, medical isolation must be adopted;

g) The foreigner suffers from mental illness or other diseases that cause loss of cognitive ability or behavior control ability;

h) The foreigner voluntarily applies to the accommodation establishment.

7. It is prohibited to use temporary detention houses under administrative procedures, criminal detention houses, detention camps or prisons to manage foreigners who violate Vietnamese law whilst deportation is in progress.

Article 14. Statutory benefits for foreigners violating Vietnamese law while deportation is in progress

1. The statutory benefits for foreigners subject to the deportation while deportation is in progress shall comply with Chapter II of Decree No. 65/2020/ND-CP dated June 10, 2020 on management organization and regimes for people staying at accommodation establishments while waiting for exit.

2. Statutory benefits for persons in stay as prescribed in Decree No. 65/2020/ND-CP dated June 10, 2020 on management and allowances for people staying at accommodation establishments during the waiting period for exit.

a) In case the deportee is unable to pay for expenses, the Immigration Department of the Ministry of Public Security or the provincial-level Public Security Department (where the management dossier is prepared) shall request the diplomatic mission, the consular office of the country of which he is a national or agency, organization or individual that invites the foreigner to enter Vietnam or apply for visa extension for the foreigner to pay.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 15. Responsibilities of the Immigration Department of the Ministry of Public Security

1. Responsibilities of the Immigration Department of the Ministry of Public Security:

a) Make a dossier of enforcement of the decision on imposition of the deportation, including:  The decision on imposing deportation; a copy of the passport or other identification document in lieu of the passport of the deportee; documents certifying that other obligations have been fulfilled (if any); other relevant documents;

b) Send the Decision on imposition of the deportation, the Decision on postponement of the enforcement of the decision on imposing deportation and the Decision on imposition of management measure on the foreigner who violates the law whilst deportation is in progress to Ministry of Foreign Affairs to notify the diplomatic or consular mission of the country of which the person is a national; and also send a copy of the decision to the deportee for enforcement;

c) Collect and receive necessary information and documents for enforcement of the decision on imposing deportation;

d) Coordinate with relevant agencies to ensure the exercise of rights and fulfilment of obligations of the deportee;

dd) Enforce the deportation according to the decision.

2. Responsibilities of the provincial-level police department where the request for the deportation is made:

a) Make a dossier of enforcement of the decision on imposition of deportation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Hand over the deportee to the immigration authority upon request;

d) Coordinate with the immigration authority in implementing the decision on imposing deportation;

dd) Coordinate with relevant agencies to ensure the exercise of rights and fulfilment of obligations of the deportee.

Chapter III

TEMPORARY DETENTION OF PEOPLE UNDER ADMINISTRATIVE PROCEDURES

Article 16. Temporary detention of people under administrative procedures

The temporary detention of a person under administrative procedures is only imposed in the following cases:

1. It is necessary to immediately prevent and stop acts of disturbing public order and causing injury to others.

2. It is necessary to immediately prevent and stop the act of smuggling and illegally transporting goods across the border.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The person who commits domestic violence violates the no contact order prescribed in the law on domestic violence prevention and control.

5. To determine the level of drug addiction for illegal drug users.

Article 17. Authority to impose temporary detention of people under administrative procedures

In the cases specified in Article 16 of this Decree, the persons competent to impose temporary detention on people under administrative procedures shall comply with Article 123 of the Law on Handling of Administrative Violations.

Article 18. Time limit for temporary detention of people under administrative procedures

1. The time limit for temporary detention of people under administrative procedures shall comply with Clause 3, Article 122 of the Law on Handling of Administrative Violations.

2. The time limit for temporary detention of people under administrative procedures must be specified in the decision on temporary detention of person under administrative procedures by the competent person.

3. The time limit for temporary detention under administrative procedures, for cases of being detained in border areas or remote, mountainous areas or islands, the time limit for temporary detention shall commence from the time the violator is escorted to the place of detention under administrative procedures.

Article 19. Decision on temporary detention of people under administrative procedures

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A decision on temporary detention of person under administrative procedures must be made in two copies, one copy shall be handed to the detainee, one copy shall be kept in the detention dossier and must clearly state the following:

a) Decision number; hour, minute, day, month, year of decision;

b) Full name, rank (if any), position, agency of the decision maker;

c) Grounds for issuance of the detention decision, applicable articles and clauses of legal documents; reasons for detention;

d) Full name, date of birth, place of birth, place of permanent residence (or temporary residence), occupation, place of work, study, personal identification number, citizen identity number (or people's identity) of the detainee; full name of the father, mother or guardian of the detainee (if the detainee is a minor);

dd) Nationality, passport number or valid passport alternative (if the detainee is a foreigner);

e) Term of temporary detention (length; commencement time); place of temporary detention;

g) Right to lodge complaints, whistling reports and initiate lawsuits about issuance of the temporary detention decision and enforcement of the temporary detention as prescribed by law;

h) Signature and agency seal of the maker of temporary detention decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. In all cases, the temporary detention of people under administrative procedures must be enforced with a written decision of a competent person.  The detention of people without a written decision is strictly prohibited.

Article 20. Extension of temporary detention time

1. In case it is necessary to extend the temporary detention time as prescribed in Clause 3, Article 122 of the Law on Handling of Administrative Violations, before the expiration of the time limit for temporary detention according to the administrative procedures stated in the decision, the competent person makes a decision to extend the detention period.

2. The decision to extend the temporary detention period must clearly state the following:

a) Decision number; hour, minute, day, month, year of decision;

b) Full name, rank (if any), position, agency of the decision maker;

c) Grounds for extending the detention time, applicable articles and clauses of legal documents; reasons for detention extension;

d) Full name, date of birth, place of birth, place of permanent residence (or temporary residence), occupation, place of work, study, personal identification number, citizen identity number (or people's identity) of the detainee who has temporary detention time extended; full name of the father, mother or guardian of the detainee who has temporary detention time extended (if the detainee is a minor);

dd) Nationality, passport number or valid passport alternative (if the detainee is a foreigner);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Right to lodge complaints, whistling reports and initiate lawsuits about extension of the temporary detention time and enforcement thereof as prescribed by law;

h) Signature and agency seal of the maker of temporary detention decision.

3. The decision on extension of temporary detention period shall be made in two copies, one copy shall be delivered to the detainee and the other shall be kept in the temporary detention file.

Article 21. Cancellation of imposition of temporary detention on administrative detainees

1. The cancellation of imposition of temporary detention on administrative detainees shall be effected when:

a) The time limit for temporary detention under administrative procedures has expired;

b) The detainee is ill as prescribed in Clause 1, Article 29 of this Decree;

c) There are grounds to believe that the illegal acts of the administrative detainee show signs of crime;

d) The grounds for temporary detention under administrative procedures have ended but the time limit for temporary detention stated in the temporary detention decision has not yet expired.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The decision on cancellation of the temporary detention under administrative procedures must clearly state the following:

a) Decision number; place, hour, minute, day, month, year of decision;

b) Full name, rank (if any), position, agency of the decision maker;

c) Grounds for issuance of the decision, applicable articles and clauses of legal documents;

d) Reasons for canceling the temporary detention;

dd) Full name, date of birth, place of birth, place of permanent residence (or temporary residence), occupation, place of work, study, personal identification number, citizen identification number (or identity card number) of the person who has temporary detention canceled;

e) Full name of the father, mother or guardian of the detainee who is a minor;

g) Nationality, passport number or valid passport alternative (if the detainee is a foreigner);

h) Right to lodge complaints, whistling reports and initiate lawsuits about cancellation of the temporary detention time and enforcement thereof as prescribed by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The decision on cancellation of temporary detention under administrative procedures must be recorded in the monitoring book of the person in administrative temporary detention and certified by the person whose imposition of temporary detention is canceled.  In case the person whose imposition of temporary detention refuses to sign for certification, the person who has issued the decision on cancellation of temporary detention under administrative procedures must make a record or assign it to the person who is directly enforcing the temporary detention under administrative procedures to make a record and clearly state the reason therein.  The minutes must bear the signatures of witnesses (if any), the person making the minutes and the person issuing the decision on cancellation of temporary detention under administrative procedures.

5. The person who issued the decision on cancellation of the temporary detention must transfer the dossier and hand over the detainee together with material evidences and documents, instruments of violation (if any) to the criminal proceedings agency for settlement in accordance with law if it falls into the case specified at Point c, Clause 1 of this Article.

Article 22. Place of temporary detention

1. Places for temporary detention of people under administrative procedures shall comply with Clauses 5 and 6, Article 122 of the Law on Handling of Administrative Violations.

2. The administrative temporary detention house or the administrative temporary detention room must have a door lock, must be well lighted, and properly ventilated, have fire safety measures in place, and be convenient for taking care and protection. Detainees who are held overnight must be provided with beds, mats, blankets, and mosquito nets; minimum accommodation per person is 2m2.

3. The Minister of Public Security shall, based on Article 122 of the Law on Handling of Administrative Violations and Article 22 of this Decree, take responsibility for arrangement of places for temporary detention of persons under administrative procedures, and direct the design and construction of administrative temporary detention places to comply with the law.

Article 23. Notice of temporary detention decision

1. The notification of decisions on temporary detention shall comply with Clause 4, Article 122 of the Law on Handling of Administrative Violations.  In case of failure to notify, it must notify the administrative detainee and clearly state the reason in the logbook of administrative detainees.

2. In case the administrative detainee is a foreigner, the person who issued the temporary detention decision must immediately report it to the head of the superior competent agency so that the Ministry of Foreign Affairs can notify the consular offices, diplomatic missions of the country of which the person is a citizen; and also coordinate with the Ministry of Foreign Affairs to arrange for a representative of a consular office or a representative of a diplomatic mission of that country to visit the consular officer if so requested, and coordinate in handling other related foreign affairs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



When receiving an administrative detainee, the person assigned to receive and manage the detainee must:

1. Examine and compare the decision on temporary detention with the administrative detainee.

2. Check and record the health status of the administrative detainee.

3. Check the personal belongings and objects of the detainee that are allowed to carry; disseminate the rights and obligations of detainees; regulations of the temporary detention place and other relevant regulations.

4. Record the information of the administrative detainee into the logbook.

Article 25. Management of administrative detainees

Persons assigned the task of managing administrative detainees shall have to regularly supervise, protect and look after them.

1. case a detainee is found to have injuries, psychological or health symptoms, or abnormal behavior, a record must be made on the detainee's health status and immediately reported to the competent person that issued temporary detention decision to take timely handling measures.

2. If detecting circumstances related to the case of violation or detecting that the detainee has hidden weapons, explosives, combat gear, material evidences and instruments of violation, a record must be made on the detection of relevant circumstances and the seizure of weapons, explosives, combat gears, material evidences and instruments of administrative violations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. In case the personal belongings and property are deposited in large quantities or of great value, the officer assigned to manage them must make a record of the deposit of personal belongings and property, which must be fully and specifically recorded pertaining to quantity, type, symbol, form, condition of objects and other related matters.  The minutes of property deposit must be made in 2 copies, signed by the detainee, and signed by the person who receive the property for storage, and handed over to each party 1 copy.

5. When the temporary detention term expires or the administrative detainee moves to another place, the detainee shall be entitled to receive back all the deposited belongings and property. In case of detecting lost or damaged personal belongings or property, the detainee has the right to request the temporary detention agency to pay compensation in accordance with law.

Article 26. Handover and receipt of administrative violators

1. The person having authority of administrative temporary detention shall make a record of handover and receipt of administrative violator with the organization or individuals that escort administrative violator or assigning them to law enforcement officers to making a record on the handover and receipt of administrative violators.

2. As soon as practicable after making a record of handing over or receiving the administrative violator, if deeming that the violator must be detained under administrative procedures, the competent person shall immediately issue a decision on temporary detention under administrative procedures

If there are insufficient grounds or it is deemed unnecessary to impose the temporary detention according to administrative procedures, the mentioned competent person must issue a decision to immediately release the person and return the personal belongings, property, instruments and papers (if any) to him/her if his/her personal belongings, property and papers are not subject to temporary seizure.

3. The minutes of the handover and receipt of the administrative violator must clearly state the following:

a) Full name, position and address of the individual or organization that hands over and receive the administrative violator;

b) Time for making the minutes (hour, minute, day, month, year);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Full name, address, personal identification number, citizen identification number (or number of people's identity card if the validity period remains valid) of the violator; time and place of committing the violation;

dd) Health status and attitude of the violator;

e) Exhibits, personal belongings, assets, instruments, papers (if any) and other details related to the handover and receipt of the violator.

4. In case there is a witness and victim who suffers damage caused by the administrative violator, it must be clearly stated in the minutes:

a) The contents and events that they witnessed and the damage caused by the administrative violator;

b) Full name, address, personal identification number, citizen identification number (or number of people's identity card if it remains valid) of the witness and the victim;

c) If the witness or victim refuses to sign the record, the record maker must clearly state the reason in the record.

5. Minutes of handing over and receiving administrative violators must be made in 2 copies and reread for all participants to sign the minutes to hear together; the receiving party keeps 1 copy, the handing over party keeps 1 copy.

Article 27. Rights and obligations of detainees

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) be notified of the imposition of temporary detention under administrative procedures;

b) know the reason for the temporary detention, the duration of the temporary detention, and the place of the temporary detention; complaints about detention;

c) request the person who has issued the decision on temporary detention under administrative procedures to notify the decision on temporary detention to the family or organization (place of work or study) of his/her detention according to Clause 1, Article 23 of this Decree;

d) be provided with meal standards as prescribed in Article 28 of this Decree;

dd) receive medical treatment and care when sick as prescribed in Article 29 of this Decree.

2. A detainee has the following obligations:

a) strictly abide by temporary detention decision, internal rules and regulations of the place of temporary detention under administrative procedures;

b) comply with requests and orders of the person issuing the temporary detention decision and the person assigned the task of managing and protecting the place of temporary detention;

c) not to bring into the place of temporary detention weapons, explosives, combat gears, vehicles, electronic devices with the function of receiving and broadcasting, harmful cultural products, alcohol, beer and other addictive substances or items that may affect the order and safety of the place of temporary detention.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. In case the detainee or his/her family cannot provide for themselves, the agency or unit of the person competent to issue the decision on temporary detention shall have to ensure the meal standards for the detainee according to the quantitative standard of 0.6 kg of ordinary rice per person per day; 0.1 kg of pork; 0.5 kg of vegetables; 1 liter of drinking water that is boiled and cooled; fish sauce, salt, suitable fuel.  This meal standard is covered by the state budget and converted into money according to the market price in each locality from time to time.

2. The meal standard for detainees during public holidays and New Year's Eve shall be implemented as follows:

a) During the Lunar New Year, detainees may eat more, but the amount of food (including extra meals) must not exceed 05 times the meal standard on a weekday;

b) On public holidays or New Year's Day, detainees may eat more, but not more than 03 times the standard meal on weekdays;

c) The agency where the temporary detention is located may decide to change the amount of food mentioned above to suit the reality and taste of the detained person to ensure that they can eat up the meal standard.

3. Agencies and units that have the function of detaining people under administrative procedures must open books to monitor and pay for the meal standard of the detainees in accordance with law.

Article 29. Administrative detainees become ill or die during the detention period

1. Handling of sick administrative detainees:

a) If an administrative detainee falls ill during the time of temporary detention, he/she shall be treated on the spot;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) In case the family and relatives of the detainee have a petition for sending the detainee home for care and deeming it unnecessary to continue the temporary detention as prescribed at Point a, Clause 1, Article 11, Point a. a, b and point d, Clause 1, Article 21 of this Decree, the competent person may decide to cancel the temporary detention and send them home for medical treatment.  Cancellation of the temporary detention shall comply with Clauses 2, 3, 4 and 5, Article 21 of this Decree;

d) In case the detainee does not have a certain place of residence or their family or relatives are far away and fail to come to take care of them in time, the place of temporary detention shall directly be responsible for the care of the detainee.

2. Actions to be taken if an administrative detainee dies during his/her temporary detention period:

a) In case an administrative detainee dies while being held in temporary detention, the person who issued the temporary detention decision must immediately notify the competent investigating agency or procuracy for settlement according to regulations of the law, and also make a record on the death of the detainee and immediately notify the family and relatives of the deceased; the deceased's family is responsible for burying the dead person;

b) In case the administrative detainee dies without family or relatives, the burial shall be carried out by the agency or unit where the temporary detention is held in coordination with the local administration where the temporary detention is held; funeral expenses in this case shall be paid by the state budget in accordance with law;

c) In case the administrative detainee who dies is a foreigner, the person issued the decision on temporary detention under administrative procedures must immediately report to the superior competent agency for immediately noticing to the Ministry of Foreign Affairs or a competent state agency, and coordinate with the consular office or diplomatic mission of the country of which the deceased is a national to coordinate settlement.

3. The minutes on the death of the administrative detainee during the temporary detention period must clearly state the following:

a) Full name of the detainee; date, month and year of birth of the detainee;

b) Personal identification number, citizen identification number or identity card/passport/relevant personal papers; temporary detention place;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) The process of handling the detainee from the time of receipt to the death of the detainee;

dd) The reason for the death of the detainee.

Chapter IV

ESCORT OF PEOPLE UNDER ADMINISTRATIVE PROCEDURES

Article 30. Escorting violators

1. Violators who do not voluntarily abide by requests of competent persons but not due to objective hindrance or force majeure circumstances shall be escorted in the following cases:

a) Being temporarily detained under administrative procedures;

b) Being sent to or returned to reformatories, correctional facilities, compulsory detoxification establishments as prescribed in Article 124 of the Law on Handling of Administrative Violations.

2. Competent persons on official duty specified in Article 31 of this Decree shall escort violators.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 31. Enforcement of escort

The following persons on official duty shall escort violators under administrative procedures:

1. Competent persons on official duty of the People's Public Security, Border Guards, Coast Guards, Customs, Forest Protection, tax authorities, market management, inspection and enforcement agencies, Civil judgment enforcement agencies, Forest Protection, Tax, Fisheries Control, Market Management, Inspector.

2. Competent persons on other official duties in accordance with the Law on Handling of Administrative Violations and other relevant legal documents.

Article 32. Escort procedures

1. Before escorting the violator, the person on duty performing the escort must explain to the escortee about their rights and obligations during the process of being escorted in accordance with law, answer questions of the escortee.

2. During escorting, absolute safety must be ensured for the person on duty performing the escort duty and for the escortee.  The use of weapons and combat gears when applying the escort measure must comply with the principles specified in Clause 4, Article 20 of the Law on Handling of Administrative Violations and this Decree.

3. In case the escortee shows signs of fleeing or acts against the official duty performer, the escorting person on duty must immediately report it to a competent person for issuance of a decision on temporary detention under administrative procedures on that person.

4. The escorting person on official duty must closely supervise and manage the escortee, be alert, proactive and promptly handle complicated situations that may arise; must not arbitrarily deal with the requests of the escortee while the escort is in progress.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The person on official duty who escorts the violator must make a record of handover and receipt of the escortee with the agency receiving the escortee.

2. The person on official duty escorting the violator when arriving at the place of escorting must invite representatives of the local government where the escortee resides or is being managed, agency representatives, organization where the escortee works, studies and the witness resides.

3. Check and compare photos, identification papers, identify the right escortee under administrative procedures and make a record on escorting violators under administrative procedures.

4. The minutes of handover and receipt of the escortee shall comply with Article 34 of this Decree.

Article 34. Minutes of handover and receipt of the escortee

The minutes of handover and receipt of the escortee include the following:

1. Time and place for making minutes.

2. Full name, position and address of the individual or organization that hands over or receive the escortee; full name, address, personal identification number, citizen identification number, people's identity card number (if any) or other identification papers of the escortee; violation; time and place of committing the violation; health status, attitude of violator, material evidences, their properties (if any) and other circumstances related to the escort of the violator; in case there is a witness, the full name and address of the witness must be clearly written.

3. The minutes must bear the signatures of the party who hands over the escortee and the party who receives the escortee, and the escortee, the escorted party and the escorted violators and witnesses (if any); the person having authority of administrative temporary detention shall sign the minutes of handing and receiving the escortee.  In case the escortee or the witness refuses to sign, the record maker must clearly state the reason in the record.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 35. Handling of some situations while escorting

1. In case the escortee acts against the escorting person; if the escortee is a minor who curses or insults but does not attack by force, the escorting person on duty must explain regulations of law and request them to abide by the decision; in case the escortee commits an act of assault with force, the escorting person on duty has the right to use force, tie, lock hands and feet, use weapons and combat gear according to the law to control and neutralize the opposing behavior of the escortee.

2. Where the escortee escapes, the escorting person on duty must request the present people to cooperate in arresting; in case the escortee cannot be immediately arrested, it must promptly report to the head of the unit and contact the local government where the incident occurs to have a plan to track down the escaped escortee; and also make a record on the escape of the escortee, signed by the witness; if there are no witnesses, the reason must be clearly stated in the minutes.

3. In case the escortee develops an unexpected illness that requires prompt emergency care, the escorting person on duty must quickly take the escortee to the nearest healthcare facility.  The escort or transfer to a higher-level healthcare facility for further treatment must be certified in writing by the healthcare facility about the health status of the escortee and the escortee and the escorting person on duty must immediately report to the direct commander.  During the time of emergency at the healthcare facility, the escorting person on duty must have a plan to organize guarding and closely monitor the violator, not to escape or freely contact with other people.

4. In case the escortee dies unexpectedly, he/she must be taken to the nearest healthcare facility and immediately report to the head of the unit, the investigating agency and the Procuracy where the incident occurred so that he can proceed with the investigation and carry out the procedures prescribed by law.

5. All cases of escorting the violator must prepare necessary logistical conditions, contact the local authority where the violator is escorted to manage the escortee.

Chapter V

RESPONSIBILITIES OF AGENCIES, ORGANIZATIONS, INDIVIDUALS

Article 36. Responsibilities of the Ministry of Public Security

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Assist the Government in monitoring, inspecting and urging the implementation of this Decree.

2. Take charge and cooperate with agencies and bodies, the People’s Committees relevant to imposition of deportation, temporary detention, escort of violators under administrative regulations and management of foreigners violating Vietnamese law while deportation is in progress.

3. Direct and guide the police of units and localities to apply the deportation, temporary detention and escort of violators under administrative procedures; manage foreigners who violate Vietnamese law and are deported during the deportation procedures; enforce deportation by decision; hand over the deportee subject to the immigration authority upon request; and also coordinate with relevant agencies to ensure the implementation of the deportee's rights and obligations.

4. Examine, inspect and settle complaints and whistling reports about the imposition of deportation, the temporary detention and escort of violators according to administrative procedures and organize the enforcement of the decision on imposing deportation.

5. Release statistics on the imposition and enforcement of deportation decisions.

Article 37. Responsibilities of the Ministry of Foreign Affairs

1. Settle external procedures related to the enforcement of the decision on imposing deportation and other relevant procedures in the case of foreigners being detained or escorted under administrative procedures.

2. Exchange and provide relevant information to foreign competent authorities, consular offices of diplomatic missions of the countries where the holders of passports or valid passport alternatives are subject to temporary detention or escort under administrative procedures and apply the deportation.

3. Direct the foreign affairs agencies of the provinces and centrally-affiliated cities to coordinate with the functional agencies, consular offices or diplomatic missions of the country where the holder of the passport or passport valid alternative is held in administrative temporary detention, or deported (in case of death) for settlement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Funding for imposition of deportation and temporary detention, escort of violators under administrative procedures shall be allocated by the state budget.

Article 39. Responsibilities of the Ministry of National Defense

1. Direct and guide agencies, units and functional forces directly attached to the organization of escorting and detaining violators under administrative procedures in accordance with this Decree and other relevant laws.

2. Coordinate with the Ministry of Public Security and other ministries and branches in implementing and exchanging information related to the deportation, escort and temporary detention of violators under administrative procedures.

Article 40. Responsibilities of the Ministry of Health

Direct and guide medical agencies and affiliated hospitals to organize medical examination, treatment, health care and health assessment for persons subject to the deportation or temporary detention under administrative procedures, and in case they become seriously ill, requiring treatment.

Article 41. Responsibilities of the Ministry of Planning and Investment

Formulate and arrange plans for investment capital from the state budget for investment, new construction and repair of temporary detention places under administrative procedures and accommodation establishments under the management of the Ministry of Public Security for foreigners who violate Vietnamese law whilst deportation is in progress.

Article 42. Responsibilities of the Provincial-level People's Committee

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 43. Responsibilities of relevant agencies, organizations and individuals

1. Coordinate and cooperate with specialized agencies in applying the deportation.

2. Bear all costs or provide financial guarantees in case the deportee does not have the local financial capacity to pay the expenses in accordance with Vietnamese law.

Chapter VI

IMPLEMENTATION

Article 44. Entry in force

This Decree comes into force as of January 1, 2022.

This Decree supersedes the Government's Decree No. 112/213/ND-CP dated October 2, 213 stipulating the sanctioning of deportation, temporary detention, and escort of people according to administrative and management procedures for foreigners who violate Vietnamese law whilst deportation is in progress and Decree No. 17/216/ND-CP dated March 17, 216 on amendments to Decree No. 112/213 /ND-CP dated October 2, 213 of the Government on deportation, temporary detention and escort of people under administrative procedures and management of foreigners who violate Vietnamese law whilst deportation is in progress.

Article 45. Implementation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the Governmental agencies, the presidents of the People's Committees of the provinces and centrally-affiliated cities shall implement this Decree./.

 

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Pham Minh Chinh

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 142/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


28.053

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.186.56
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!