Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 11-HD/UBKTTW Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Ủy ban kiểm tra trung ương Người ký: Nguyễn Văn Chi
Ngày ban hành: 24/03/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 11-HD/UBKTTW
V/v thực hiện Quy định số 94-QĐ/TW ngày 15/10/2007 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2008

 

HƯỚNG DẪN

Căn cứ Quy định số 94-QĐ/TW, ngày 15-10-2007 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn cụ thể việc thực hiện như sau:

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ:

Trong Quy định số 94-QĐ/TW, ngày 15-10-2007 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng: là việc đảng viên không tuân theo hoặc làm trái Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các đoàn thể chính trị - xã hội mà đảng viên là thành viên.

2. Cố ý vi phạm: là việc đảng viên đã được thông báo, phổ biến về quy định của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm nhưng vẫn thực hiện.

3. Tái vi phạm: là việc đảng viên vi phạm đã được kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc đã bị xử lý kỷ luật nhưng lại vi phạm nội dung đã được kiểm điểm đã bị xử lý.

4. Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng: là vi phạm của đảng viên làm ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và tổ chức đảng nơi đảng viên sinh hoạt, công tác hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị dưới 20.000.000 đồng.

5. Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng: là vi phạm của đảng viên làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng nơi đảng viên sinh hoạt, công tác hoặc làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

6. Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng: là vi phạm của đảng viên làm mất uy tín của bản thân, tổ chức đảng, làm mất niềm tin của nhân dân đối với tổ chức đảng hoặc gây lãng phí, thất thoát về tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc có hành vi tham nhũng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

7. Thiếu trách nhiệm: là việc đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao không đầy đủ; không thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình, quy phạm; không đúng thời gian theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công việc cụ thể đó.

8. Buông lỏng quản lý: là việc đảng viên có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý nhưng không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không chấp hành quy định của cấp trên; không ban hành các quyết định, quy chế, quy định, quy trình; không có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý.

II. NỘI DUNG CỤ THỂ QUY ĐỊNH SỐ 94-QĐ/TW, NGÀY 15-10 -2007 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐẢNG VIÊN VI PHẠM

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng xử lý kỷ luật

1. Tất cả đảng viên, nếu vi phạm trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ: nói, viết và làm trái với quan điểm, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vi phạm các quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, bản thân hoặc có con kết hôn với người nước ngoài mà không báo cáo đều phải xử lý kỷ luật theo quy định này.

2. Đảng viên vi phạm trước đây nhưng sau khi chuyển công tác, nghỉ việc, hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm thì vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này.

- Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt, công tác sang tổ chức đảng khác nếu phát hiện vi phạm kỷ luật ở nơi công tác cũ mà chưa được xem xét, xử lý thì tổ chức đảng cấp trên của các tổ chức đảng đó xem xét, xử lý theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

- Khi tổ chức đảng có thẩm quyền đang xem xét đảng viên vi phạm mà tổ chức đảng nơi đảng viên vi phạm công tác, sinh hoạt bị giải thể hoặc sáp nhập thì tổ chức đảng có thẩm quyền tiếp tục xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

- Đối với đảng viên là cấp uỷ viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý đã thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ hưu có vi phạm kỷ luật khi đang công tác, nay mới phát hiện thì thẩm quyền thi hành kỷ luật được thực hiện như đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đang đương chức; vi phạm kỷ luật khi đã nghỉ hưu thì việc xử lý kỷ luật theo phân cấp quản lý đối với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ hưu quy định tại Điều 13, Quy định về phân cấp quản lý cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 67-QĐ/TW, ngày 04/7/2007 của Bộ Chính trị.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

1- Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh.

2- Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và đúng thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

a- Về phương hướng xử lý phải được các cấp uỷ lãnh đạo chặt chẽ, thận trọng. Việc thi hành kỷ luật cần tập trung vào những vi phạm về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng; về chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ; suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức và lối sống. Cụ thể:

- Lợi dụng dân chủ để tuyên truyền chống Đảng; cố ý nói, viết và làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, cơ hội, kèn cựa, địa vị, độc đoán, chuyên quyên, lợi dụng quyền dân chủ để kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ.

- Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu; tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ.

- Xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để địa phương đơn vị mình trực tiếp phụ trách xảy ra lãng phí, tham nhũng, mất đoàn kết hoặc các tiêu cực khác, gây hậu quả nghiêm trọng. Bản thân làm thất thoát hoặc gây thiệt hại về kinh tế phải bồi hoàn nhưng cố ý không bồi hoàn.

- Khai trừ những đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống; nghiện rượu bia đến mức bê tha, tổ chức hoặc tham gia các hoạt động như: buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma tuý; mua, bán dâm; cờ bạc dưới mọi hình thức: hành nghề mê tín, dị đoan; lập đền, miếu trái phép; hoạt động tôn giáo trái pháp luật.

Đảng viên ở bất kỳ cương vị nào, nếu vi phạm một trong những nội dung trên đều phải xử lý nghiêm minh. Đối với những vi phạm khác nếu đến mức phải xử lý kỷ luật cũng phải xem xét, thi hành kỷ luật kịp thời để giáo dục, phòng ngừa và hạn chế vi phạm.

b- Về phương châm khi thi hành kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm mà xem xét, quyết định hình thức kỷ luật cho phù hợp.

- Thực hiện đúng tinh thần mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật đều phải thi hành kỷ luật, không có ngoại lệ, không phân biệt chức vụ cao hay thấp, tuổi đảng nhiều hay ít..

- Trong xử lý, phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của các tổ chức đảng để bảo đảm kết luận khách quan, chính xác; không bỏ sót hành vi vi phạm, không để lọt đảng viên vi phạm. Khi xem xét, xử lý cần làm rõ nguyên nhân, phân biệt sai lầm, khuyết điểm do trình độ, năng lực hoặc động cơ vì lợi ích chung mà dẫn đến vi phạm hay vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý làm trái; vi phạm nhất thời hay có hệ thống; đã qua giáo dục, ngăn chặn mà vẫn cố tình vi phạm; không tự giác nhận lỗi, không nghiêm túc kiểm điểm, không bồi hoàn vật chất hoặc có hành vi đối phó việc kiểm tra; phân biệt người khởi xướng, tổ chức, quyết định với người bị lôi kéo, đồng tình làm sai.

- Đối với đảng viên là người dân tộc thiểu số công tác, sinh hoạt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn, đảng viên có gốc tôn giáo vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì tuỳ theo tình hình thực tế mà áp dụng xử lý kỷ luật cho phù hợp.

c- Về nguyên tắc, thủ tục:

Trong việc thi hành kỷ luật đối với đảng viên, phải thực hiện đúng các nguyên tắc, thủ tục:

- Đảng viên vi phạm kỷ luật phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật.

- Cấp uỷ hướng dẫn đảng viên vi phạm kỷ luật chuẩn bị tốt bản tự kiểm điểm. Hội nghị chi bộ thảo luận, góp ý kiến và kết luận rõ về nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm và biểu quyết (đề nghị hoặc quyết định) kỷ luật. Đại diện cấp uỷ tham dự hội nghị chi bộ xem xét kỷ luật đảng viên là cấp uỷ viên, là cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý. Trường hợp có đầy đủ bằng chứng, nếu đảng viên vi phạm từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn tiến hành xem xét kỷ luật.

- Đảng viên vi phạm là cấp uỷ viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý cùng với việc kiểm điểm ở chi bộ còn phải kiểm điểm ở những tổ chức đảng nào nữa thì do cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên đó quyết định. Trường họp đặc biệt (đảng viên vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao hoặc nội dung vi phạm liên quan đến bí mật của Đảng và Nhà nước mà chi bộ không biết hay đảng viên vi phạm trước khi chuyển đến sinh hoạt ở chi bộ đảng viên vi phạm trong cùng một vụ án có liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp,...) thì cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền trực tiếp xem xét, quyết định kỷ luật, không cần yêu cầu đảng viên đó phải kiểm điểm trước chi bộ.

- Trước khi quyết định kỷ luật, cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền phải nghe đảng viên vi phạm trình bày ý kiến và ý kiến này được báo cáo đầy đủ (cùng với bản tự kiêm điểm của đảng viên đó) khi tổ chức đảng có thẩm quyền họp để xem xét, quyết định kỷ luật. Sau khi quyết định kỷ luật, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền thông báo cho đảng viên bị thi hành kỷ luật biết rõ lý do để chấp hành nghiêm chỉnh.

Tổ chức đảng có thẩm quyền ở điểm này được hiểu là đại diện cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền thi hành kỷ luật. Cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền nghe đảng viên vi phạm trình bày ý kiến có thể tiến hành ngay trong cuộc họp xem xét, xử lý kỷ luật hoặc trước khi tổ chức cuộc họp đó. Những ý kiến của đảng viên trình bày phải được báo cáo trước hội nghị xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên. Để thực hiện tốt quy định này, cơ quan giúp việc cho tổ chức đảng có thẩm quyền phải chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.

Trình bày ý kiến với tổ chức đảng có thẩm quyền trước khi bị thi hành kỷ luật là quyền và trách nhiệm của đảng viên. Nên tổ chức đảng có thẩm quyền phải mời đảng viên vi phạm đến trình bày ý kiến trước khi quyết định kỷ luật; nếu vì lý do nào đó mà đảng viên vi phạm không trực tiếp đến để trình bày ý kiến với tổ chức đảng có thẩm quyền được thì phải báo cáo bằng văn bản cho tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét và lưu vào hồ sơ kỷ luật và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức đảng có thẩm quyền. Nếu đảng viên cố tình không đến, hoặc không có báo cáo bằng văn bản thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn xem xét kỷ luật.

3- Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm; mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

- Đề cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên; coi trọng công tác tư tưởng, giáo dục, thuyết phục nhằm nâng cao tính tự giác của đảng viên vi phạm. Đảng viên trong tổ chức đảng, chi bộ phải có tinh thần xây dựng, chân thành, thẳng thắn, yêu thương đồng chí và công tâm, khách quan, thận trọng trong việc góp ý kiến phê bình đối với đảng viên vi phạm.

- Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm phải: làm rõ tính chất, mức độ, tác hại, động cơ, nguyên nhân của vi phạm và căn cứ vào thái độ tự giác nhận khuyết điểm, tinh thần quyết tâm sửa chữa vi phạm và khắc phục hậu quả của đảng viên vi phạm đã gây ra, đồng thời phải xét trong bối cảnh lịch sử cụ thể, khách quan, toàn diện nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

4- Các hình thức kỷ luật đảng viên vi phạm được thực hiện theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật đều phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xoá tên, cấp uỷ viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức, đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xoá tên trong danh sách đảng viên.

Đảng viên đang giữ một chức vụ trong Đảng bao gồm: chức vụ do đại hội bầu, cấp uỷ bầu, chỉ định, hoặc bổ nhiệm mà vi phạm đến mức phải kỷ luật cách chức thì xử lý như sau:

- Đảng viên tham gia nhiều cấp uỷ, vi phạm đến mức phải cách chức cấp uỷ viên cao nhất hoặc phải khai trừ thì ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp của cấp uỷ cao nhất mà đảng viên đó là thành viên quyết định. Nếu cách chức cấp uỷ viên cấp dưới thì do ban thường vụ cấp uỷ quản lý đảng viên đó quyết định.

- Trong cùng một cấp uỷ, nếu cách chức bí thư, phó bí thư thì còn chức uỷ viên ban thường vụ. Nếu cách chức uỷ viên ban thường vụ thì còn chức cấp uỷ viên. Khi cách chức cấp uỷ viên thì đương nhiên không còn chức bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ. Thành viên uỷ ban kiểm tra là chủ nhiệm hoặc phó chủ nhiệm uỷ ban, khi cách chức uỷ viên uỷ ban kiểm tra thì đương nhiên không còn là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ đó; nếu cách chức vụ chủ nhiệm hoặc phó chủ nhiệm thì vẫn còn là thành viên uỷ ban kiểm tra.

- Đảng viên tham gia nhiều cấp uỷ, giữ nhiều chức vụ, bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức một chức vụ đang giữ, thì cấp uỷ có thẩm quyền phải xem xét đến các chức vụ khác.

- Trường hợp cấp uỷ viên vi phạm đến mức phải kỷ luật cách chức nhưng lại chủ động xin rút khỏi cấp uỷ, thì vẫn phải thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức, không chấp nhận cho rút khỏi cấp uỷ.

5- Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”; bị toà án tuyên phạt tự cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ, nếu bị xử phạt bằng hình thức thấp hơn, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy từng nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân vi phạm mà xem xét thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.

“Xử lý nội bộ” được hiểu là khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên, tổ chức đảng có thẩm quyền như: cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên phát hiện vi phạm của đảng viên đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật có thẩm quyền để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật, mà chỉ xử lý về kỷ luật đảng; đảng viên vi phạm kỷ luật của đoàn thể, vi phạm chính sách pháp luật cửa Nhà nước, tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ xem xét, xử lý về kỷ luật của Đảng không chỉ đạo tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội xem xét, xử lý về chính quyền hoặc đoàn thể đồng bộ với kỷ luật Đảng; hoặc khi đảng viên vi phạm pháp luật đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo thủ tục chung thì tổ chức đảng quản lý đảng viên đã can thiệp, để chỉ xử lý kỷ luật về Đảng, giúp đảng viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền.

 Sau 15 ngày, kể từ ngày toà án tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên đối với đảng viên thì toà án phải sao gửi bản án đã tuyên đến cấp uỷ quản lý đảng viên. Căn cứ vào nội dung kết tội nêu trong bản án, uỷ ban kiểm tra giúp cấp uỷ nghiên cứu bản án, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và tiến hành quy trình xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ theo,quy định của Điều lệ Đảng.

6- Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể. Khi các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên và đảng viên thì phải thông báo ngay cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng.

- Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp uỷ quản lý đảng viên đó phải kịp thời gửi báo cáo kết luận về những nội dung vi phạm và quyết định thi hành kỷ luật đảng viên, đồng thời có công văn yêu cầu tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.

-Về thời gian 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng nêu tại điểm này, thống nhất là 30 ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp đảng viên vi phạm từ chối dự họp để nghe công bố kỷ luật hoặc cố ý không nhận quyết định kỷ luật thì chi bộ hoặc cấp uỷ có thẩm quyền lập biên bản, lưu hồ sơ kỷ luật và quyết định kỷ luật có hiệu lực như đã được công bố.

7. Đảng viên vi phạm đang trong thời gian nghỉ thai sản theo chế độ quy định, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mất khả năng nhận thức, được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật.

Đảng viên mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mất khả năng nhận thức ở điểm này được hiểu là đảng viên đã thực hiện hành vi vi phạm trong điều kiện sức khỏe bình thường, nhưng sau khi vi phạm tổ chức đảng có thẩm quyền đang xem xét, xử lý thì phát hiện đảng viên vi phạm bị bệnh hiểm nghèo hoặc mất khả năng nhận thức đang điều trị tại bệnh viện. Tổ chức đảng có thẩm quyền yêu cầu cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên hoặc bệnh viện chuyên khoa xác nhận tình trạng bệnh của đảng viên bằng văn bản để lưu vào hồ sơ và chỉ xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm khi sức khỏe hồi phục bình thường; trường hợp đảng viên đang điều trị mà chết thì không xem xét, xử lý kỷ luật.

Điều 3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng mức kỷ luật

1- Những trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau được xem xét giảm mức kỷ luật:

a) Chủ động báo cáo vi phạm của mình, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm.

b) Chủ động báo cáo, cung cấp thông tin, phản ánh về những người cùng vi phạm.

c) Chủ động khắc phục hậu quả vi phạm và tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.

2- Những trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau phải xem xét, tăng mức kỷ luật:

a) Đã được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhắc nhở, giáo dục mà không sửa chữa khuyết điểm, vi phạm.

b) Không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm của mình mà còn quanh co, che giấu vi phạm.

Không tự giác ở điểm này được hiểu là đảng viên cố ý không làm bản tự kiểm điểm, hoặc có làm bản tự kiểm điểm nhưng không kiểm điểm đúng những nội dung mà tổ chức đảng có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản, chỉ kể lể công trạng của mình và đổ lỗi cho người khác, cho tập thể.

c) Bao che cho người cùng vi phạm; trù dập, trả thù người thẳng thắm đấu tranh, tố cáo vi phạm hoặc cung cấp chứng cứ vi phạm.

d) Cung cấp thông tin sai sự thật, ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm.

đ) Đối phó, cản trở quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm.

Hành vi đối phó quy định tại điểm này, bao gồm: Việc lập hồ sơ, chứng cứ giả; làm sai lệch hồ sơ, chứng cứ, sửa chữa, thay đổi, tiêu huỷ chứng cứ; thay đổi người làm chứng, nhân chứng, người biết sự việc,...

e) Vi phạm do lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, chính sách xã hội.

g) Vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn.

h) Vi phạm nhiều lần, tái vi phạm; bị xử lý kỷ luật nhiều lần về cùng nội dung.

i) Vi phạm có tổ chức; là người tổ chức, chủ mưu, khởi xướng hành vi vi phạm.

k) Ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm.

Chương II

NỘI DUNG VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ

Điều 4. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

1- Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở điểm này được thể hiện như sau:

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của các đoàn thể chính trị - xã hội chậm, không đúng kế hoạch, thời gian, đối tượng, thành phần và không đầy đủ nội dung.

- Không xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; không phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, tổ chức và cá nhân phụ trách chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.

- Tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng không đầy đủ, không thường xuyên, để cấp dưới trực tiếp thực hiện sai hoặc ban hành quyết định sai, không phải do nhận thức hoặc cố ý vi phạm vì mục đích vụ lợi.

- Lưu ý: kết luận của Đảng ở điểm này là kết luận bằng văn bản của tổ chức đảng có thẩm quyền.

b) Bị kích động, xúi giục, bị mua chuộc, lôi kéo hoặc tự mình tham gia các hoạt động làm mất dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, nhận xét, đánh giá tùy tiện, có dụng ý xấu đối với cá nhân và tổ chức.

Những hành vi quy định trong điểm này gồm:

- Bị người khác tác động đến tinh thần dẫn đến mất tự chủ, tham gia một cách thụ động.

- Bị người khác xui khiến và thúc đẩy tham gia một cách bị động.

- Bị người khác dùng tiền tài, địa vị và các lợi ích vật chất và tinh thần khác làm sa ngã và đã làm theo sự sai khiến của họ.

- Bị người khác dùng mọi cách làm cho nghe theo và đứng về phía họ, ủng hộ họ thực hiện hành vi vi phạm.

- Nhận xét, đánh giá ngoài tổ chức, ngoài cuộc họp; nội dung nhận xét đánh giá không có căn cứ, có dụng ý xấu.

c) Tự mình hoặt lôi kéo người khác làm trái nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, các quy định của cơ quan, tổ chức ở nơi công tác.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng bao gồm: Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Đảng viên vi phạm một trong những nguyên tắc trên là vi phạm kỷ luật của Đảng.

2. Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái vi phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; nếu có chức vụ thì phải cách chức:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phủ quyết ý kiến của đa số khi thông qua nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận thuộc thẩm quyền của tập thể. Cụ thể như sau:

- Quyết định theo ý thức chủ quan của mình trong khi tập thể đang bàn bạc, còn có nhiều ý kiến khác nhau.

- Dùng chức vụ, quyền hạn để bác bỏ ý kiến của đa số đã biểu quyết nhằm ban hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận bằng văn bản trái với ý kiến biểu quyết nhất trí của tập thể.

b) Vi phạm các quy định về bầu cử của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Sau khi đã được trình bày nguyện vọng, hoàn cảnh, khi tổ chức ra quyết định vẫn không chấp hành sự phân công, điều động, luân chuyển cán bộ của tổ chức đảng và tổ chức nhà nước.

Vi phạm các quy định về bầu cử bao gồm:

- Vi phạm nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

- Vi phạm trong việc lập danh sách bầu cử.

- Vận động bầu cử không đúng quy định.

- Đảng viên không đi bầu cử hoặc ngăn cản, đe doạ người khác đi bầu cử.

- Vi phạm quy định trong việc bỏ phiếu bầu.

- Dùng các thủ đoạn lừa gạt, gian lận, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm cản trở việc bầu cử, ứng cử hoặc đề cử.

- Đảng viên có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng các thủ đoạn khác làm sai lệch kết quả bầu cử.

- Đảng viên tự ứng cử, cấp uỷ viên tự ứng cử hoặc tự nhận đề cử vào các chức danh của tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu.

c) Tự ý nhận giữ chức sắc của các tổ chức tôn giáo khi chưa báo cáo hoặc đã báo cáo nhưng chưa được tổ chức có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

d) Quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để địa phương, đơn vị mình trực tiếp phụ trách xảy ra lãng phí, tham nhũng, mất dân chủ, mất đoàn kết hoặc các tiêu cực khác.

Đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý nhưng thiếu sâu sát, thiếu cụ thể, không làm hết chức trách, nhiệm vụ được phân công, không thực hiện đúng quy chế, quy định, quy trình trong công tác chỉ đạo điều hành để xảy ra lãng phí, tham nhũng, mất dân chủ, mất đoàn kết hoặc các tiêu cực khác.

e) Bản thân gây thiệt hại về kinh tế phải bồi hoàn nhưng cố ý không bồi hoàn.

3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vô tổ chức, vô kỷ luật, cố ý bỏ sinh hoạt đảng: không chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Đảng viên vi phạm Điều 9, Điều lệ Đảng và các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp về việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

- Vô tổ chức, vô kỷ luật là việc đảng viên không thực hiện đúng các quy định của tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể mà mình và thành viên.

- Đảng viên có vi phạm đã được kiểm điểm, nhắc nhở, giáo dục hoặc đã bị xử lý kỷ luật tiếp tục cố ý bỏ sinh hoạt đảng.

b) Lừa dối cấp trên, báo cáo sai, xuyên tạc sự thật; che giấu khuyết điểm, vi phạm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; tạo thành tích giả; cơ hội, kèn cựa, địa vị, độc đoán, chuyên quyền; lợi dụng quyền dân chủ để kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh hoạt, công tác.

c) Không tán thành quan điểm, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng; phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lợi dụng dân chủ, quyền bảo lưu ý kiến, quyền tự do ngôn luận để tuyên truyền chống Đảng; ủng hộ hoặc tán thành đa nguyên, đa đảng.

Điều 5. Vi phạm về kỷ luật phát ngôn

1. Vi phạm một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về hoạt động báo chí, tuyên truyền.

- Trong lãnh đạo, quản lý báo chí, để xảy ra tình trạng các cơ quan báo chí hoạt động không tuân theo sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.

- Viết và đăng những thông tin trái qui định của pháp luật, những tin, bài có nội dung kích động, chống đối, cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Sử dụng các văn kiện, tài liệu lưu hành nội bộ để đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Viết, đăng tin, bài về những vụ án, những vụ việc đang trong quá trình điều tra, kiểm tra, thanh tra chưa được phép công bố.

- Đăng tin, bài, hình ảnh mỏ tả quá tỷ mỷ về những vụ án mang tính kích động; đưa các hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, thiếu văn hoá lên truyền hình, báo chí, tập san.

- Đăng bài, phát tin về những hủ tục mê tín, dị đoan; những việc liên quan đến đời tư, thư riêng của công dân trái pháp luật.

- Đưa tin sai sự thật mà không cải chính hoặc đã cải chính nhưng không đúng quy định của Luật báo chí.

- Lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để tuyên truyền cho tổ chức, đơn vị, cá nhân không đúng sự thật.

b) Tuyên truyền, sao chép, tán phát những tài liệu có nội dung xàu, làm lộ bí mật của Đảng, Nhà nước hoặc có nội dung kích động, chống Đảng và chế độ ta (qua tờ rơi, thư từ, báo chí, fax, Internet...).

c) Tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, vi phạm những điều cấm của Luật Báo chí và những quy định khác của Đảng và Nhà nước về phát ngôn, cung cấp thông tin.

d) Phát ngôn hoặc cung cấp những văn bản, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến.

2- Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái vi phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm một trong những trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Phát ngôn trái với quan điểm, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định quyết định, kết luận của Đảng và Nhà nước; loan truyền những thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến tổ chức hoặc cá nhân, hoặc làm lộ bí mật của Đảng và Nhà nước. Phát ngôn vô tổ chức, vô trách nhiệm. Bí mật của Đảng và Nhà nước được quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28-12-2000; các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; các quy định của Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật.

b) Lợi dụng việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng để tung tin, loan truyền dư luận, tán phát tài liệu có quan điểm trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

c) Cung cấp thông tin cho báo chí những vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng. Cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí.

d) Cung cấp thông tin cho báo chí về các vụ án đang trong quá trình điều tra hoặc chưa xét xử, trường hợp cơ quan điều tra có yêu cầu không thông tin trên báo chí để tạo điều kiện cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

đ) Cung cấp thông tin cho báo chí về các cuộc kiểm tra, thanh tra đang trong quá trình thực hiện, chưa được cơ quan có thẩm quyền kết luận và công bố.

e) Những người làm báo viết bài, cho đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử; đưa những thông tin chưa được phép phổ biến hoặc không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, gây hậu quả rất nghiêm trong hoặc cố tình phát ngôn mang tính chất xuyên tạc để kẻ xấu lợi dụng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Không chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng, nhà nước, đã để lộ tin tức, tán phát tài liệu không đúng nguyên tắc, tung tin sai lệch về nội bộ Đảng, gây tác động xấu đến ổn định chính trị, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong nhân dân, để kẻ xấu và các lực lượng thù địch lợi dụng xuyên tạc làm giảm uy tín của Đảng, chống phá chế độ ta.

b) Lợi dụng dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền chống Đảng; cố ý nói, viết, lưu giữ trái phép hoặc tán phát các tài liệu có nội dung trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng hoặc đưa lên mạng Internet những nội dung chống lại đường lối, chính sách cua Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Việc lơi dụng dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền chống Đảng được hiểu là lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do đi lại; tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền được khiếu nại, tố cáo; tổ chức các hoạt động hoặc có lời nói, việc làm trái quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm hoạt động chống Đảng và Nhà nước.

c) Phát ngôn tuỳ tiện, vô nguyên tắc, gây rối nội bộ, gây hoài nghi, bất mãn trong nhân dân, mất uy tín trước nhân dân. Người làm báo đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.

Phát ngôn tuỳ tiện, vô nguyên tắc thể hiện như sau:

- Phát ngôn không trong tổ chức.

- Phát ngôn không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng.

- Phát ngôn lan truyền những thông tin sai sự thật.

- Phát ngôn những vấn đề chưa được cấp có thẩm quyền kết luận; những vấn đề đã được kết luận nhưng không được phát ngôn hoặc không được phép công bố.

d) Tổ chức hoặc cố ý tham gia các diễn đàn, các cuộc họp, hội thảo, mít tinh, biểu tình trái phép hoặc có nội dung chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Những hành vi sau đây là vi phạm:

- Chuẩn bị kế hoạch, tuyên truyền, vận động, chuẩn bị nội dung, hình thức tổ chức và phân công người thực hiện các bước phục vụ việc mít tinh, biểu tình, hội thảo, diễn đàn khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

- Đảng viên tổ chức các diễn đàn, các cuộc họp, hội thảo, mít tinh, biểu tình không đúng với nội dung, phạm vi, hình thức cho phép của cấp có thẩm quyền.

- Tổ chức hoặc cố ý tham gia các diễn đàn, các cuộc họp, hội thảo, mít tinh, biểu tình có nội dung trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Điều 6. Vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1- Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Viết, soạn thảo, ký tên tập thể vào đơn, thư tố cáo thể hiện như sau:

- Trực tiếp viết đơn, thư tố cáo cho nhiều người cùng ký.

- Phác họa, đọc nội dung đơn, thư tố cáo cho người khác viết lại, đánh máy hoặc tự đánh máy rồi chuyển cho nhiều người cùng ký vào đơn.

- Từ 2 người trở lên cùng ký tên vào một đơn, thư tố cáo.

b) Tham gia khiếu kiện đông người gây mất trật tự an toàn xã hội.

c) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đã tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo, nội dung tố cáo, các thông tin, tài liệu về vụ việc đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra cho tổ chức hoặc cá nhân không có trách nhiệm biết.

- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết đơn, thư tố cáo gồm: Tổ chức, cá nhân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tiếp nhận đơn, thư tố cáo; được phân công trực tiếp giải quyết đơn thư tố cáo.

- Tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm giải quyết đơn, thư tố cáo gồm: Tổ chức, cá nhân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước không được giao trách nhiệm giải quyết đơn, thư tố cáo thì khi nhận được đơn, thư tố cáo phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết; không được tiết lộ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và nội dung đơn, thư tố cáo; đảng viên là kiểm tra viên, thanh tra viên và các đảng viên khác không được tự ý dùng đơn, thư tố cáo để hù doạ tổ chức, cá nhân có liên quan.

d) Thiếu trách nhiệm, gây phiền hà trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân khiếu nại, tố cáo.

Hành vi thiếu trách nhiệm, gây phiền hà trong giải quyết khiếu nại, tố cáo bao gồm:

- Nhận được đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết nhưng dìm bỏ, không xem xét, giải quyết.

- Xem xét, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo không kịp thời theo đúng thời gian luật quy định mà không có lý do chính đáng; không khách quan; tiết lộ tên, địa chỉ của người tố cáo, hoặc đưa toàn văn nội dung đơn, thư tố cáo cho người bị tố cáo.

- Đưa ra yêu cầu trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người khiếu nại, tố cáo.

- Không hướng dẫn cụ thể để người khiếu nại, tố cáo phải đi lại nhiều lần. Tự đặt ra các quy định trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người khiếu nại, tố cáo.

đ) Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2. Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái vi phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; cách các vụ nếu có:

a) Cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc làm sai lệch các thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

b) Cố ý ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo trái pháp luật, trái quy định của Đảng.

c) Không chấp hành quyết định cuối cùng về giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.

d) Không chấp hành quyết định giải quyết tố cáo của cơ quan nhà nước, tổ chức đảng, đoàn thể có thẩm quyền giải quyết đúng trình tự, thủ tục đã có hiệu lực.

đ) Không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức và đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

e) Chiếm đoạt, tiêu huỷ tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra.

g) Vu cáo, vu khống đối với người đang làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra hoặc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, kiểm tra.

h) Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để kích động, dụ dỗ, lôi kéo người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật và thực hiện hành vi trái pháp luật.

3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Tố cáo mang tính bịa đặt, vu khống, đả kích, có dụng ý xấu.

b) Tổ chức, cưỡng ép, kích động, xúi giục, giúp sức, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật; theo đuôi quần chúng viết, ký tên tập thể vào đơn, thư tố cáo.

c) Tổ chức hoặc theo đuôi quần chúng khiếu nại đông người gây áp lực đòi yêu sách gây mất trật tự, an toàn xã hội.

d) Đe dọa, trấn áp, trả thù, trù dập, xúc phạm người khiếu nại, tố cáo; người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Đe dọa, trấn áp, trả thù, trù đập người trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Trực tiếp gặp, điện thoại hoặc dùng các hành vi khác gây sức ép với người trực tiếp giải quyết hoặc cấp trên của họ nhằm làm sai lệch nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo.

đ) Lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc sự thật, gây rối trật tự, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hành vi quy định ở điểm này còn gồm cả việc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân với cá nhân.

Điều 7: Vi phạm các qui định của Đảng và Nhà nước về dân số, kế hoạch hoá gia đình

1. Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

b) Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp phương tiện tránh thai giả, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, quá hạn sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành và sử dụng tại Việt Nam.

2. Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái vi phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, nếu có chức vụ thì cách chức.

Kỷ luật từ khiển trách đến cách chức, để giáo dục đối với những đảng viên vi phạm các nội dung quy định tại Điều 7 Pháp lệnh số 06/2003/PL-UBTVQH 11, ngày 04-11-2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dân số và các quy định chi tiết tại Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP , ngày 16/9/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số, hoặc vi phạm các quy định khác của Đảng, Nhà nước có liên quan đến chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình.

Về việc xử lý đảng viên vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, thống nhất thực hiện mốc xử lý và thời điểm ban hành Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục đẩy mạnh thục hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.

- Những đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình sau ngày 22/3/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 47-NQ/TW, thì xử lý như sau:

+ Kỷ luật cảnh cáo đối với đảng viên; cách chức đối với đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc chức danh quản lý của cấp uỷ vi phạm lần đâu nếu sinh con thứ ba trở lên.

+ Kỷ luật cảnh cáo đối với những đảng viên hành nghề y, dược mà thực hiện các biện pháp để kế hoạch hóa gia đình làm ảnh hưởng sức khoẻ của công dân.

- Những đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình trước ngày 22/3/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 47-NQ/TƯ thì xử lý như sau:

+ Giữ nguyên, không xem xét lại các quyết định của cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.

+ Những trường hợp đảng viên vi phạm sinh con thứ ba trở lên đã khai báo với cấp uỷ quản lý mình, nhưng cấp uỷ không xử lý, mà chỉ phê bình, giáo dục những đảng viên đó không được tái vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, thì nay cũng không đặt vấn đề xử lý.

+ Những đảng viên vi phạm trước đây nay mới phát hiện: đảng viên vi phạm không báo cáo, tổ chức đảng có thẩm quyền chưa xem xét thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ vào Quy định số 94-QĐ/TW, ngày 15/10/2007 của Bộ Chính trị để xem xét, xử lý bằng hình thức cảnh cáo đảng viên nếu sinh con thứ ba trở lên và cách chức vụ hiện tại đối với đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc chức danh quản lý của cấp uỷ nếu vi phạm sinh con thứ ba trở lên.

3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đã sinh con thứ tư trở lên thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

- Việc xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình quy định tại điểm này như sau:

- Khai trừ đối với đảng viên đã vi phạm sinh con thứ tư trở lên.

+ Đảng viên dự bị nếu vi phạm việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình thì xoá tên trong danh sách đảng viên.

+ Đảng viên vi phạm việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình mà cố tình che giấu thì kỷ luật khai trừ.

+ Đảng viên hành nghề y, dược thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình mà làm thiệt hại sức khoẻ, tính mạng của người dân thì kỷ luật khai trừ.

- Lưu ý:

Những trường hợp sau đây được coi là không vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình:

+ Sinh lần thứ nhất từ ba con trở lên.

+ Đã có một con, sinh lần thứ hai từ sinh đôi trở lên.

+ Đã có hai con nhưng cả hai con hoặc một trong hai con bị dị tật do tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận, nay sinh con thứ ba.

Những trường hợp sau đây là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình:

+ Cặp vợ chồng tái hôn mà cả hai đều đã có con riêng hoặc một trong hai người đã có con riêng được sinh con chung một lần (trường hợp này không áp dụng cho trường hợp tái hôn với chính người mà mình đã ly hôn); nếu sinh con lần thứ 2 thì coi như vi phạm sinh con thứ 3.

+ Trường hợp sinh lần thứ nhất từ 2 con trở lên mà sinh lần thứ hai là vi phạm như sinh con thứ ba.

Điều 8. Vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài

1. Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Có con kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo trung thực bằng văn bản với chi bộ, thường trực cấp uỷ quản lý mình về lai lịch, thái độ chính trị của người con dâu (hoặc con rể) và cha, mẹ ruột của họ.

b- Có con kết hôn với người nước ngoài vi phạm qui định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

2. Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ:

a) Có con kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi chống Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b) Có vợ hoặc chồng là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không báo cáo với tổ chức.

Đảng viên có vợ hoặc chồng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải báo cáo rõ về lai lịch, thái độ chính trị của vợ hoặc chồng, nơi người vợ hoặc chồng sinh sống với chi bộ nơi mình sinh hoạt.

c) Có hành vi ép con kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm mục đích vụ lợi.

- Ép con kết hôn được hiểu là việc bắt con của mình phải kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không được sự đồng ý của con.

- Ép con kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm vụ lợi cho bản thân hoặc cho gia đình mình.

d) Kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng không báo cáo cấp ủy trực tiếp quản lý và cấp ủy nơi mình sinh hoạt.

Đảng viên kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không báo cáo cấp uỷ trực tiếp quản lý theo phân cấp quản lý cán bộ và cấp uỷ nơi mình sinh hoạt về lai lịch và thái độ chính trị của người dự định kết hôn.

3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, đã bị xử lý mà còn tái phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà người đó không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

b) Kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà người đó có hoạt động phạm tội nghiêm trọng, có thái độ hoặc hoạt động chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Đảng viên kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà người đó có hoạt động phạm tội nghiêm trọng theo quy định của pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Đảng viên không rõ lai lịch, thái độ chính trị của người mà mình dự định kết hôn hoặc người dự định kết hôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước nơi người đó cư trú hoặc Nhà nước Việt Nam kết luận có thái độ chính trị phản động, chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trước đây cũng như hiện nay) nhưng đảng viên vẫn kết hôn.

c) Kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo với chi bộ về các nội dung có liên quan đến lai lịch của người mà đảng viên kết hôn bằng văn bản hoặc đã báo cáo nhưng cấp ủy có thẩm quyền không đồng ý.

Đảng viên kết hôn với người nước ngoài không báo cáo chi bộ các nội dung có liên quan bằng văn bản và đã tự ý đăng ký kết hôn với người nước ngoài khi chưa được cấp uỷ có thẩm quyền xem xét, đồng ý bằng văn bản.

d) Bản thân đã cố tình che giấu tổ chức đảng; đồng tình, khuyến khích con quan hệ hôn nhân với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trái với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Đã thực hiện hôn nhân thực tế với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức đảng yêu cầu phải làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luậh, nhưng đảng viên không thực hiện. Hoặc đảng viên đã làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan pháp luật có thẩm quyền, nhưng cơ quan pháp luật của Nhà nước từ chối, không cho đăng ký kết hôn nhưng không báo cáo với tổ chức đảng có thẩm quyền mà vẫn kết hôn hoặc sống chung với người đó như vợ chồng.

- Đảng viên kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thực hiện trách nhiệm báo cáo tổ chức đảng theo quả định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Đảng viên có hành vi cố tình che giấu tổ chức đảng về việc có con quan hệ hôn nhân với người nước ngoài trái với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Đảng viên trực tiếp làm thủ tục kết hôn, ly hôn hoặc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mà cố ý bao che, tạo điều kiện cho người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trái pháp luật.

Điều 9. Vi phạm về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp

1. Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Nhận văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

Người không học hoặc có học nhưng không đủ điều kiện dự thi, không đủ tiêu chuẩn được cấp văn bằng, chứng chỉ nhưng đã được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.

b) Công chứng, chứng thực văn bằng, chứng chỉ trái quy định của pháp luật.

2. Trường họp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái vi phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Có hành vi xin, mua, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hoá, lý luận, nghiệp vụ thi chuyển ngạch, nâng bậc; để được bổ nhiệm, đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo quản lý.

Những hành vi trên gồm:

- Không học, không thi nhưng đã can thiệp, tác động đến tổ chức hoặc người có thẩm quyền quản lý hồ sơ, cấp phát văn bằng, chứng chỉ để có văn bằng, chứng chỉ.

- Mua văn bằng, chứng chỉ dưới bất cứ hình thức nào.

- Dùng văn bằng chứng chỉ không hợp pháp (bằng giả, bằng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bằng tẩy xoá) để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hoá, lý luận, nghiệp vụ, chuyển công tác, thi chuyển ngạch, nâng bậc; để được bổ nhiệm, đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

b) Thiếu trách nhiệm làm sai lệch nội dung hồ sơ học tập để cấp văn bằng, chứng chỉ cho người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Đảng viên được giao quản lý hồ sơ, cấp phát văn bằng, chứng chỉ không tuân thủ các quy trình, quy định về bảo vệ, bảo mật, đã trực tiếp thực hiện hoặc để cho người khác thực hiện hành vi làm sai lệch nội dung hồ sơ học tập, như: sửa điểm, nâng điểm, đánh tráo bài thi và các hành vi khác để cấp văn bằng, chứng chỉ cho người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

c) Can thiệp đến cá nhân, tổ chức để bản thân hoặc người khác được cấp văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, không đúng đối tượng.

d) Ký, cấp văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp cho người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

đ) Làm giả hoặc cố ý sửa chữa, bổ sung làm sai lệch hồ sơ để cấp có thẩm quyền cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn hoặc sửa chữa, bổ sung làm sai lệch các nội dung trong văn bằng, chứng chỉ.

3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau đây thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Làm công tác tuyển dụng, xét tuyển, đào tạo đã cố tình để cho những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp được dự thi tuyển, xét tuyển đi học, thi nâng ngạch.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

c) Trực tiếp tham gia sản xuất, tiêu thụ hoặc môi giới tiêu thụ phôi văn bằng, phôi chứng chỉ, hoặc văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cấp uỷ các cấp chỉ đạo uỷ ban kiểm tra cấp mình phối hợp với ban tuyên giáo tham mưu, giúp cấp uỷ tổ chức nghiên cứu, quán triệt Qui định số 47-QĐ/TW, ngày 15/10/2007 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn này đến các tổ chức đảng và đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý để thống nhất nhận thức và hành động, chỉ đạo chặt chẽ các tổ chức đảng cấp dưới, các ban của Đảng, ban kiểm tra và chi bộ thực hiện đúng phương hướng, phương châm nguyên tắc, thủ tục trong xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên trong việc tự xem xét mình và góp phần tích cực vào việc xem xét, xử lý đối với đảng viên vi phạm.

2. Các cấp uỷ cần nắm vững Quy định để áp dụng việc xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm bảo đảm phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục, không oan sai, không sót lọt. Việc xem xét, xử lý đảng viên vi phạm phải được tiến hành với tinh thần, trách nhiệm cao, chặt chẽ, nghiêm túc, thận trọng, kiên quyết, tránh buông lỏng hoặc giản đơn, nóng vội để xảy ra những sai sót đáng tiếc.

3. Khi cấp uỷ, ủy ban kiểm tra thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm nếu thấy việc áp dụng các hình thức kỷ luật chưa đúng mức thì phải chủ động hủy bỏ quyết định đó và xem xét lại để quyết định việc áp dụng hình thức kỷ luật cho phù hợp hoặc bãi bỏ nếu thấy việc kỷ luật là oan sai.

Cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra xử lý kỷ luật oan sai đối với đảng viên phải kiểm điểm rút kinh nghiệm; nếu vi phạm nghiêm trọng thì cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các thẩm quyền cấp trên phải xem xét trách nhiệm của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp đã thi hành kỷ luật đảng viên oan sai.

4. Các đồng chí thành viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các vụ phụ trách lĩnh vực, địa bàn theo dõi việc thực hiện Quy định này của cấp uỷ, các ban của Đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp và chi bộ; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả theo dõi với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

5. Định kỳ hằng năm, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp báo cáo cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp trên kết quả thực hiện Quy định này.

6. Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày ký, được phổ biến toàn văn đến chi bộ để quán triệt và thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định số 94-QĐ/TW, ngày 15-10-2007 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Hướng dẫn này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp và chi bộ phản ánh kịp thời về Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị xem xét, quyết định bổ sung, sửa đổi kịp thời.

 

 

T/M ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG
CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Chi

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Hướng dẫn 11-HD/UBKTTW ngày 24/03/2008 thực hiện Quy định 94-QĐ/TW về xử lý kỷ luật Đảng viên do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


31.246

DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.110.150
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!