Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 05/2020/TT-BKHCN an toàn hạt nhân đối với cơ sở lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu

Số hiệu: 05/2020/TT-BKHCN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ Người ký: Phạm Công Tạc
Ngày ban hành: 30/10/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Nguyên tắc thiết kế cơ sở lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu

Ngày 30/10/2020 , Bộ KH&CN ban hành Thông tư 05/2020/TT-BKHCN quy định về an toàn hạt nhân đối với cơ sở lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu (LPƯNC).

Theo đó, quy định nguyên tắc thiết kế cơ sở LPƯNC như sau:

- Ưu tiên sử dụng hệ thống, bộ phận thụ động hoặc có đặc tính an toàn nội tại (đặc tính an toàn dựa trên hiệu ứng phản hồi, quá trình và đặc điểm tự nhiên).

- Bảo đảm khả năng kiểm tra trực tiếp, toàn bộ hệ thống quan trọng về an toàn theo thông số thiết kế trong quá trình vận hành thử, sau khi sửa chữa, kiểm tra thường xuyên trong suốt vòng đời của cơ sở LPƯNC.

- Nếu thiết kế cơ sở LPƯNC không cho phép tiến hành việc kiểm tra trực tiếp, toàn bộ thì phải bảo đảm khả năng kiểm tra gián tiếp, từng phần của hệ thống quan trọng về an toàn với tần suất cụ thể.

- Bảo đảm việc kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật hệ thống, bộ phận quan trọng về an toàn trong quá trình vận hành phù hợp với giới hạn, điều kiện vận hành an toàn.

- Xây dựng luận chứng về sự phù hợp của tần suất, thời gian kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật.

- Xem xét, xây dựng luận chứng về các biện pháp bảo vệ hệ thống, bộ phận khỏi sai hỏng cùng nguyên nhân.

- Có giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa, giảm thiểu hậu quả do sai sót của nhân viên, bao gồm cả sai sót trong quá trình bảo dưỡng kỹ thuật hệ thống quan trọng về an toàn.

Thông tư 05/2020/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2020.

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 05/2020/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN HẠT NHÂN ĐỐI VỚI CƠ SỞ LÒ PHẢN ỨNG HẠT NHÂN NGHIÊN CỨU

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định về an toàn hạt nhân đối với cơ sở lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các yêu cầu về an toàn hạt nhân trong thiết kế, xây dựng, vận hành thử, vận hành và chấm dứt hoạt động cơ sở lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu (sau đây được viết tắt là LPƯNC).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chủ đầu tư, cơ quan và tổ chức thực hiện việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành thử, vận hành và chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC.

2. Cơ quan, tổ chức thực hiện thẩm định an toàn, phê duyệt địa điểm, phê duyệt dự án đầu tư, cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành thử, cấp phép vận hành và cấp phép chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu là cơ sở hạt nhân có lò phản ứng dùng để tạo ra chùm nơtron và các chùm bức xạ sử dụng cho mục đích nghiên cứu và mục đích khác, bao gồm lò phản ứng cùng với các hệ thống, thiết bị đi kèm và khu vực hành chính - kỹ thuật liên quan được bố trí trên cùng một địa điểm.

2. Giới hạn vận hành là khoảng giá trị các tham số và đặc trưng của hệ thống, bộ phận và tổng thể cơ sở LPƯNC được xác định trong thiết kế đối với vận hành bình thường.

3. Điều kiện vận hành là điều kiện về số lượng, đặc trưng, khả năng hoạt động và điều kiện bảo dưỡng kỹ thuật của hệ thống, bộ phận để bảo đảm hoạt động của cơ sở LPƯNC trong giới hạn vận hành.

4. Giới hạn vận hành an toàn là khoảng giá trị các tham số công nghệ được xác định trong thiết kế mà khi cơ sở LPƯNC hoạt động ngoài khoảng giá trị đó có thể dẫn đến sự cố.

5. Điều kiện vận hành an toàn là điều kiện về số lượng, đặc trưng, khả năng hoạt động và điều kiện bảo dưỡng kỹ thuật của hệ thống, bộ phận quan trọng về an toàn để bảo đảm hoạt động của cơ sở LPƯNC trong giới hạn vận hành an toàn.

6. Giới hạn thiết kế là khoảng giá trị các tham số và đặc trưng của hệ thống, bộ phận và tổng thể cơ sở LPƯNC được xác định trong thiết kế đối với vận hành bình thường, tình huống vận hành và sự cố.

7. Vận hành bình thường là khi cơ sở LPƯNC hoạt động trong giới hạn và điều kiện vận hành.

8. Tình huống vận hành là khi cơ sở LPƯNC hoạt động ngoài giới hạn và điều kiện vận hành nhưng không dẫn đến sự cố.

9. Tình huống tiệm cận sự cố là khi cơ sở LPƯNC hoạt động ngoài giới hạn và điều kiện vận hành an toàn nhưng chưa xảy ra sự cố.

10. Sai hỏng đơn là sai hỏng dẫn đến mất khả năng thực hiện chức năng an toàn của một hệ thống, bộ phận; bao gồm cả sai hỏng thứ cấp đi kèm.

11. Nguyên tắc dự phòng là việc thiết kế đồng thời có nhiều hệ thống, bộ phận có khả năng thay thế lẫn nhau để thực hiện độc lập cùng một chức năng an toàn.

12. Nguyên tắc đa dạng là việc thiết kế đồng thời có nhiều hệ thống, bộ phận có đặc tính khác nhau thực hiện cùng một chức năng an toàn xác định, nhằm giảm thiểu khả năng sai hỏng cùng nguyên nhân.

13. Nguyên tắc tự an toàn là nguyên tắc khi xảy ra sai hỏng trong hệ thống, bộ phận thì hệ thống, bộ phận đó vẫn phải thực hiện được các chức năng an toàn theo thiết kế mà không cần kích hoạt các hành động bảo vệ thông qua hệ thống điều khiển an toàn.

14. Nguyên tắc chống sai hỏng đơn là nguyên tắc áp dụng đối với hệ thống an toàn sao cho hệ thống này phải có khả năng thực hiện được chức năng an toàn khi xảy ra sai hỏng đơn.

15. Sự kiện khởi phát là sự kiện dẫn đến tình huống vận hành, tình huống tiệm cận sự cố hoặc sự cố.

16. Sự cố là tình trạng cơ sở LPƯNC hoạt động ngoài giới hạn và điều kiện vận hành an toàn, gây rò rỉ, phát tán chất phóng xạ ra ngoài biên của các lớp bảo vệ vật lý. Mỗi sự cố đặc trưng bởi sự kiện khởi phát, diễn biến và hậu quả sự cố.

17. Sự cố trong thiết kế là sự cố giả định được tính đến trong thiết kế cơ sở LPƯNC, bảo đảm kiểm soát hậu quả dưới mức giới hạn đối với sự cố đó.

18. Sự cố ngoài thiết kế là sự cố giả định với các điều kiện xảy ra sự cố nghiêm trọng hơn các điều kiện xảy ra sự cố trong thiết kế.

19. Hệ thống, bộ phận vận hành là hệ thống, bộ phận được sử dụng cho vận hành bình thường.

20. Hệ thống, bộ phận an toàn là hệ thống, bộ phận được sử dụng để thực hiện chức năng an toàn.

21. Hệ thống, bộ phận quan trọng về an toàn bao gồm: hệ thống, bộ phận an toàn; hệ thống, bộ phận vận hành mà nếu bị sai hỏng sẽ dẫn đến tình huống tiệm cận sự cố hoặc làm giảm khả năng khắc phục tình huống tiệm cận sự cố và có thể dẫn đến sự cố.

22. Hệ thống, bộ phận chủ động là hệ thống, bộ phận mà việc thực hiện chức năng theo thiết kế phụ thuộc vào hoạt động bình thường của hệ thống, bộ phận khác.

23. Hệ thống, bộ phận thụ động là hệ thống, bộ phận mà việc thực hiện chức năng không phụ thuộc vào sự cung cấp, hỗ trợ bên ngoài.

24. Phát thải khẩn cấp lớn nhất được phép là lượng nhân phóng xạ được phép thải ra ngoài môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố ngoài thiết kế mà vẫn bảo đảm liều chiếu đối với công chúng trong và ngoài vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp không vượt quá giới hạn theo quy định và không cần phải đưa ra quyết định thực hiện các hành động bảo vệ công chúng (có tính đến điều kiện thời tiết cực đoan nhất).

25. Địa điểm cơ sở LPƯNC là khu vực địa lý đặt cơ sở LPƯNC nằm trong phạm vi bảo vệ.

26. Khu vực cơ sở LPƯNC là khu vực địa lý có cơ sở LPƯNC mà ở đó các hiện tượng, quá trình, yếu tố do tự nhiên hoặc con người gây ra có thể ảnh hưởng đến an toàn của cơ sở LPƯNC.

27. Bảo vệ thực thể là việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật - hành chính và hành động của nhân viên an ninh nhằm ngăn chặn sự phá hoại hoặc chiếm đoạt vật liệu hạt nhân, chất phóng xạ và chất thải phóng xạ.

Chương II

YÊU CẦU AN TOÀN

Mục 1. YÊU CẦU AN TOÀN CHUNG

Điều 4. Yêu cầu về mục tiêu bảo đảm an toàn

1. Trong vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố trong thiết kế, liều chiếu đối với nhân viên bức xạ và công chúng, lượng chất phóng xạ thải ra môi trường không được vượt quá các giá trị giới hạn xác định.

2. Khi xảy ra sự cố ngoài thiết kế, tác động bức xạ đối với nhân viên bức xạ, công chúng và môi trường phải được giảm thiểu.

Điều 5. Yêu cầu về bảo vệ theo chiều sâu

1. Bảo vệ theo chiều sâu bao gồm sử dụng các lớp bảo vệ vật lý và các biện pháp kỹ thuật - hành chính để bảo vệ nhân viên bức xạ, công chúng và môi trường khỏi tác động bức xạ từ cơ sở LPƯNC.

2. Phải xây dựng luận chứng về việc thực hiện bảo vệ theo chiều sâu đối với cơ sở LPƯNC.

3. Các biện pháp kỹ thuật - hành chính phải được kiểm chứng thông qua kinh nghiệm vận hành hoặc thử nghiệm và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thiết kế, xây dựng, vận hành thử, vận hành và chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC.

4. Các biện pháp kỹ thuật - hành chính gồm 5 mức quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Yêu cầu về bảo đảm chất lượng

1. Phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm chất lượng đối với tất cả các công việc có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của cơ sở LPƯNC.

2. Phải giám sát việc bảo đảm chất lượng của các tổ chức thực hiện công việc, cung cấp dịch vụ cho tổ chức vận hành.

Điều 7. Yêu cầu về văn hóa an toàn

1. Văn hóa an toàn bao gồm tổng thể quan điểm và ứng xử của tổ chức, cá nhân với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn cho con người và môi trường khỏi tác động bức xạ.

2. Tổ chức vận hành và các tổ chức thực hiện công việc, cung cấp dịch vụ phải xây dựng và duy trì văn hóa an toàn thông qua:

a) Tuyển dụng, đào tạo và tập huấn đối với nhân viên thực hiện các công việc có ảnh hưởng đến an toàn;

b) Phân công rõ ràng trách nhiệm của người quản lý và nhân viên;

c) Xây dựng và tuân thủ tài liệu hướng dẫn thực hiện công việc, hướng dẫn vận hành; định kỳ cập nhật các tài liệu này, có tính đến kinh nghiệm vận hành.

Mục 2. YÊU CẦU AN TOÀN ĐỐI VỚI THIẾT KẾ, XÂY DỰNG, VẬN HÀNH THỬ, VẬN HÀNH VÀ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG CƠ SỞ LPƯNC

Điều 8. Nguyên tắc thiết kế

1. Ưu tiên sử dụng hệ thống, bộ phận thụ động hoặc có đặc tính an toàn nội tại (đặc tính an toàn dựa trên hiệu ứng phản hồi, quá trình và đặc điểm tự nhiên).

2. Phải bảo đảm khả năng kiểm tra trực tiếp và toàn bộ hệ thống quan trọng về an toàn theo thông số thiết kế trong quá trình vận hành thử, sau khi sửa chữa và kiểm tra thường xuyên trong suốt vòng đời của cơ sở LPƯNC.

Trường hợp thiết kế cơ sở LPƯNC không cho phép tiến hành việc kiểm tra trực tiếp và toàn bộ thì phải bảo đảm khả năng kiểm tra gián tiếp và từng phần của hệ thống quan trọng về an toàn với tần suất cụ thể.

3. Phải bảo đảm việc kiểm tra và bảo dưỡng kỹ thuật hệ thống, bộ phận quan trọng về an toàn trong quá trình vận hành phù hợp với giới hạn và điều kiện vận hành an toàn; phải xây dựng luận chứng về sự phù hợp của tần suất, thời gian kiểm tra và bảo dưỡng kỹ thuật.

4. Xem xét và xây dựng luận chứng về các biện pháp bảo vệ hệ thống, bộ phận khỏi sai hỏng cùng nguyên nhân.

5. Có giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa và giảm thiểu hậu quả do sai sót của nhân viên, bao gồm cả sai sót trong quá trình bảo dưỡng kỹ thuật hệ thống quan trọng về an toàn.

Điều 9. Các yếu tố trong thiết kế

Thiết kế cơ sở LPƯNC phải xác định:

1. Đặc trưng vật lý - nơtron, thủy nhiệt và các đặc trưng quan trọng về an toàn khác.

2. Điều kiện và tần suất kiểm tra sự phù hợp của đặc trưng vật lý - nơtron với thiết kế.

3. Chế độ vận hành, giới hạn và điều kiện vận hành, giới hạn và điều kiện vận hành an toàn.

4. Danh mục công việc nguy hiểm liên quan đến hạt nhân và biện pháp bảo đảm an toàn hạt nhân khi thực hiện.

5. Chỉ số độ tin cậy của hệ thống quan trọng về an toàn và bộ phận thuộc nhóm an toàn cấp 1, cấp 2, cấp 3 theo quy định tại Phụ lục III Thông tư này.

6. Danh mục kết cấu xây dựng, thiết bị, phương tiện tự động và các hệ thống, bộ phận khác phải được chứng nhận theo quy định.

7. Việc phân loại an toàn cháy, nổ đối với các khu vực trong cơ sở LPƯNC.

8. Điều kiện, phạm vi, tần suất kiểm tra và bảo dưỡng kỹ thuật đối với hệ thống quan trọng về an toàn.

9. Điều kiện kích hoạt hệ thống an toàn; mức độ tác động bên ngoài yêu cầu dừng lò, đưa lò phản ứng về trạng thái dưới tới hạn.

10. Danh mục sự kiện khởi phát các sự cố trong thiết kế và ngoài thiết kế; đánh giá xác suất xảy ra sự cố; kịch bản sự cố.

11. Xác suất xảy ra phát thải khẩn cấp lớn nhất được phép từ cơ sở LPƯNC.

12. Mức kiềm chế liều, có tính đến đặc thù của khu vực cơ sở LPƯNC.

13. Thời hạn vận hành của cơ sở LPƯNC, tuổi thọ và tiêu chí thay thế thiết bị.

Điều 10. Các hạng mục trong thiết kế

Thiết kế cơ sở LPƯNC bao gồm đủ các hạng mục được quy định tại Phụ lục II Thông tư này. Trong trường hợp thiết kế không bao gồm đủ các hạng mục nói trên, phải xây dựng luận chứng nhằm chứng minh việc thiếu hạng mục đó không gây ảnh hưởng tới an toàn cơ sở LPƯNC.

Điều 11. Phân nhóm, phân cấp an toàn đối với hệ thống, bộ phận

1. Thiết kế cơ sở LPƯNC phải phân nhóm và phân cấp an toàn hệ thống, bộ phận phù hợp với các yêu cầu an toàn.

2. Hệ thống, bộ phận của cơ sở LPƯNC được phân nhóm, phân cấp an toàn theo quy định tại Phụ lục III Thông tư này.

Điều 12. Yêu cầu an toàn đối với thiết kế các hệ thống

Yêu cầu an toàn đối với thiết kế các hệ thống của cơ sở LPƯNC được quy định tại Phụ lục IV Thông tư này.

Điều 13. Yêu cầu an toàn đối với xây dựng cơ sở LPƯNC

1. Việc xây dựng cơ sở LPƯNC, chế tạo và lắp đặt hệ thống, thiết bị phải tuân thủ thiết kế chi tiết.

2. Kết cấu xây dựng, thiết bị, dụng cụ và phương tiện tự động (bao gồm cả phương tiện kỹ thuật bảo vệ thực thể) phải có giấy chứng nhận (nếu thuộc loại yêu cầu có chứng nhận bắt buộc).

3. Việc kiểm soát chất lượng, nghiệm thu công việc và nghiệm thu hệ thống, bộ phận thiết bị phải tuân thủ thiết kế chi tiết và quy trình bảo đảm chất lượng.

Điều 14. Yêu cầu an toàn đối với vận hành thử cơ sở LPƯNC

1. Phải có các biện pháp kỹ thuật - hành chính để xác minh sự phù hợp của đặc tính kỹ thuật đạt được so với thiết kế.

2. Phải thực hiện các công việc sau:

a) Xây dựng hướng dẫn về bảo đảm an toàn bức xạ và thiết lập các mức kiểm soát;

b) Ban hành và cập nhật định kỳ hồ sơ kỹ thuật của cơ sở LPƯNC;

c) Lập và cập nhật định kỳ hồ sơ liều của nhân viên bức xạ; xây dựng và thực hiện biện pháp giảm thiểu liều và số người bị chiếu xạ;

d) Tổ chức việc bảo vệ thực thể; kiểm đếm và kiểm soát vật liệu hạt nhân, chất phóng xạ và chất thải phóng xạ.

3. Phải xây dựng chương trình vận hành thử với các nội dung sau:

a) Các công đoạn chính của từng công việc trong quá trình vận hành thử;

b) Trạng thái ban đầu của cơ sở LPƯNC trước mỗi công đoạn của từng công việc trong vận hành thử;

c) Nội dung và yêu cầu đối với tài liệu ở mỗi giai đoạn của vận hành thử.

4. Việc vận hành thử phải bao gồm các giai đoạn: hiệu chỉnh khởi động, khởi động vật lý và khởi động năng lượng.

5. Trong giai đoạn hiệu chỉnh khởi động phải kiểm tra khả năng vận hành cũng như sự phù hợp với thiết kế của từng hệ thống và tổng thể các hệ thống khi có tác động qua lại.

6. Trong giai đoạn khởi động vật lý (bao gồm cả nạp nhiên liệu vào vùng hoạt) phải kiểm tra sự phù hợp của đặc trưng vật lý - nơtron so với thiết kế.

7. Trong giai đoạn khởi động năng lượng phải tiến hành:

a) Khảo sát ảnh hưởng của công suất và nhiệt độ đến từng đặc trưng vật lý - nơtron đã đo được ở giai đoạn khởi động vật lý;

b) Nghiên cứu đặc trưng của các kênh thí nghiệm và kênh chiếu xạ, bao gồm cả phân bố thông lượng nơtron tại lối ra các kênh ở vành phản xạ và tại các kênh trong vùng hoạt;

c) Đo tình trạng bức xạ tại địa điểm cơ sở LPƯNC.

8. Khi khởi động năng lượng, việc đưa lò phản ứng lên thông số danh định theo thiết kế phải được thực hiện theo nhiều giai đoạn với các mức công suất và khoảng thời gian xác định.

9. Tất cả các điều chỉnh sau quá trình vận hành thử phải được bổ sung vào tài liệu thiết kế - kỹ thuật, Báo cáo phân tích an toàn, tài liệu công nghệ và tài liệu vận hành cơ sở LPƯNC.

Điều 15. Yêu cầu đối với vận hành cơ sở LPƯNC

Tổ chức vận hành phải thực hiện các công việc sau:

1. Xây dựng cơ cấu tổ chức với các thành phần:

a) Người đứng đầu cơ sở LPƯNC (chịu trách nhiệm trực tiếp về an toàn cơ sở LPƯNC);

b) Nhân viên vận hành;

c) Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị và phương tiện kỹ thuật;

d) Nhân viên giám sát việc lập và thực hiện quy trình bảo đảm chất lượng;

đ) Bộ phận hiệu chuẩn thiết bị đo;

e) Bộ phận kiểm soát an toàn bức xạ và hạt nhân, an toàn công nghiệp và an toàn cháy, nổ;

g) Bộ phận an ninh bảo đảm hoạt động của hệ thống bảo vệ thực thể.

2. Bảo đảm có đội ngũ nhân viên đủ trình độ chuyên môn và được đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Xây dựng quy định nội bộ, phân công trách nhiệm, quyền hạn đối với lãnh đạo, vị trí việc làm và yêu cầu chuyên môn đối với nhân viên.

4. Xây dựng quy trình đào tạo nhân viên vận hành, bao gồm: chương trình đào tạo, thực tập, kiểm tra định kỳ, rèn luyện kỹ năng thực hành điều khiển cơ sở LPƯNC và vận hành thiết bị thí nghiệm, tập huấn thao tác trong trường hợp xảy ra tình huống vận hành, tình huống tiệm cận sự cố và sự cố; đào tạo về văn hóa an toàn.

5. Lập Báo cáo phân tích an toàn, hướng dẫn vận hành, tài liệu công nghệ của cơ sở LPƯNC, trong đó nêu rõ giới hạn thiết kế và điều kiện vận hành an toàn.

6. Bảo đảm thực hiện các quy trình sau:

a) Nạp nhiên liệu và đưa lò phản ứng đến trạng thái tới hạn;

b) Thay đảo nhiên liệu;

c) Khởi động, thay đổi công suất và vận hành có công suất;

d) Hiệu chỉnh thanh điều khiển;

đ) Đo và theo dõi mức dự trữ độ phản ứng;

e) Hiệu chỉnh các kênh kiểm soát phân bố thông lượng nơtron;

g) Xác định công suất cơ sở LPƯNC và hiệu chỉnh buồng ion hóa của hệ thống điều khiển;

h) Hành động của nhân viên trong trường hợp có tín hiệu cảnh báo;

i) Hành động của nhân viên trong trường hợp có kích hoạt hệ thống bảo vệ;

k) Dừng lò theo kế hoạch và tắt các thiết bị;

l) Xử lý vật liệu hạt nhân;

m) Xử lý chất phóng xạ và chất thải phóng xạ;

n) Các quy trình khác trong trường hợp thực hiện công việc nguy hiểm liên quan đến bức xạ và hạt nhân.

7. Xây dựng hướng dẫn sử dụng hệ thống, thiết bị công nghệ và thiết bị thí nghiệm, trong đó có chỉ dẫn thao tác đối với vận hành bình thường, tình huống vận hành và quy trình thao tác khi xảy ra các sự cố trong thiết kế và sự cố ngoài thiết kế.

8. Xây dựng quy trình lưu trữ và bảo quản hồ sơ vận hành.

9. Lưu trữ tài liệu thiết kế, hồ sơ chế tạo thiết bị, biên bản và báo cáo thử nghiệm, hồ sơ bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa hệ thống an toàn và hệ thống quan trọng về an toàn thuộc nhóm an toàn cấp 1 và cấp 2 trong suốt vòng đời của cơ sở LPƯNC.

10. Tiến hành điều tra, nghiên cứu các tình huống tiệm cận sự cố, sự cố đã từng xảy ra; xây dựng và thực hiện biện pháp ngăn ngừa lặp lại các tình huống tiệm cận sự cố, sự cố tương tự.

11. Xây dựng và thực hiện quy trình thu thập, xử lý, phân tích, hệ thống hóa và lưu trữ thông tin về những tình huống vận hành của cơ sở LPƯNC trong suốt quá trình vận hành và khi chuyển giao cơ sở LPƯNC cho tổ chức khác.

12. Thực hiện kiểm soát nội bộ việc bảo đảm an toàn, bảo vệ thực thể và phải đưa kết quả kiểm tra vào báo cáo thực trạng an toàn của cơ sở LPƯNC.

13. Bảo đảm việc khởi động và vận hành có công suất, dừng lò tạm thời, dừng lò dài hạn, dừng lò vĩnh viễn tuân thủ các yêu cầu được quy định tại Phụ lục V Thông tư này.

Điều 16. Yêu cầu đối với chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC

1. Trước khi chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC phải hoàn thành việc:

a) Vận chuyển toàn bộ vật liệu hạt nhân ra khỏi địa điểm cơ sở LPƯNC;

b) Trang bị thiết bị chuyên dụng để bảo đảm an toàn trong khi tháo dỡ, tẩy xạ và xử lý chất thải phóng xạ;

c) Tập huấn cho nhân viên thực hiện các công việc liên quan tới chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC.

2. Khi chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC phải bảo đảm:

a) Giảm thiểu lượng chất thải phóng xạ;

b) Giảm thiểu liều chiếu đối với nhân viên bức xạ;

c) Loại bỏ tác động bức xạ tới công chúng;

d) Kiểm đếm, kiểm soát và bảo vệ thực thể đối với chất thải phóng xạ.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét sửa đổi, bổ sung.

Điều 18. Điều khoản chuyển tiếp

Cơ sở đã được cấp giấy phép vận hành LPƯNC trước khi Thông tư này có hiệu lực phải thực hiện các quy định tại Điều 15 và Điều 16 Thông tư này trong quá trình vận hành, khi đề nghị gia hạn giấy phép vận hành hoặc xin cấp giấy phép chấm dứt hoạt động./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc CP;
- UBND tỉnh Đồng Nai;
- UBND tỉnh Lâm Đồng;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo VPCP;
- Lưu: VT, PC, ATBXHN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Công Tạc

PHỤ LỤC I

CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT - HÀNH CHÍNH TRONG BẢO VỆ THEO CHIỀU SÂU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2020/TT-BKHCN ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

Các biện pháp kỹ thuật - hành chính trong bảo vệ theo chiều sâu bao gồm 5 mức sau:

1. Mức 1

Mức 1 bao gồm điều kiện đối với địa điểm, chất lượng thiết kế cơ sở LPƯNC và việc ngăn ngừa xảy ra tình huống vận hành, thông qua:

a) Đánh giá và có sự lựa chọn phù hợp đối với địa điểm, khu vực cơ sở LPƯNC;

b) Thiết kế dựa trên phương pháp tiếp cận cực đoan và áp dụng tối đa đặc tính an toàn nội tại;

c) Sử dụng chương trình và phương pháp tính toán đã được kiểm chứng và xác thực trong phân tích an toàn; chứng minh bằng thực nghiệm đối với các giải pháp thiết kế chính;

d) Bảo đảm chất lượng đối với hệ thống, bộ phận và công việc trong quá trình thiết kế, chế tạo, lắp đặt và hiệu chỉnh thiết bị;

đ) Bảo đảm trình độ chuyên môn của nhân viên ở mức độ cần thiết;

e) Vận hành cơ sở LPƯNC theo tài liệu công nghệ và hướng dẫn vận hành;

g) Duy trì hệ thống, bộ phận quan trọng về an toàn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động; thay thế thiết bị hỏng, hết thời hạn sử dụng hoặc kéo dài tuổi thọ của thiết bị theo quy định.

2. Mức 2

Mức 2 bao gồm các biện pháp ngăn ngừa xảy ra sự cố trong thiết kế bằng hệ thống vận hành nhằm mục tiêu kịp thời phát hiện, khắc phục và kiểm soát hiệu quả tình huống vận hành.

3. Mức 3

Mức 3 bao gồm các biện pháp ngăn ngừa xảy ra sự cố trong thiết kế và sự cố ngoài thiết kế bằng hệ thống an toàn nhằm mục tiêu: ngăn ngừa sự kiện khởi phát phát triển thành sự cố trong thiết kế; ngăn ngừa sự cố trong thiết kế phát triển thành sự cố ngoài thiết kế; ngăn ngừa và giảm thiểu hậu quả sự cố bằng hệ thống giam giữ, che chắn phóng xạ.

4. Mức 4

Mức 4 bao gồm biện pháp quản lý sự cố ngoài thiết kế nhằm mục tiêu: ngăn ngừa sự phát triển và giảm thiểu hậu quả sự cố; đưa cơ sở LPƯNC về trạng thái được kiểm soát.

5. Mức 5

Mức 5 bao gồm việc lập và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố nhằm giảm thiểu hậu quả do phát thải chất phóng xạ./.

PHỤ LỤC II

HẠNG MỤC TRONG THIẾT KẾ CƠ SỞ LPƯNC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2020/TT-BKHCN ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

Thiết kế cơ sở LPƯNC bao gồm:

1. Hệ thống vận hành và hệ thống an toàn với cấu hình, chức năng kỹ thuật, có tính đến đặc trưng của cơ sở LPƯNC và phù hợp với các yêu cầu an toàn.

2. Nơi lưu giữ lâu đài, tạm thời vật liệu hạt nhân.

3. Nơi lưu trữ, lắp đặt thiết bị thí nghiệm.

4. Sơ đồ công nghệ - vận chuyển và phương tiện kỹ thuật để nạp và lấy nhiên liệu ra khỏi vùng hoạt, lưu giữ và vận chuyển an toàn vật liệu hạt nhân ra khỏi địa điểm cơ sở LPƯNC.

5. Kho chứa hoặc khu vực chuyên dụng để lưu giữ an toàn chất thải phóng xạ.

6. Phương pháp và phương tiện kỹ thuật để thu gom, xử lý, điều kiện hóa và lưu giữ chất thải phóng xạ.

7. Phương tiện kỹ thuật để vận chuyển chất thải phóng xạ trong phạm vi cơ sở LPƯNC và đến nơi lưu giữ dài hạn chất thải phóng xạ.

8. Hệ thống làm sạch không khí trước khi thải ra môi trường và hệ thống tẩy xạ nước thải.

9. Phương tiện kỹ thuật và biện pháp hành chính để ngăn chặn việc tiếp cận trái phép đối với hệ thống quan trọng về an toàn và thông tin về các tham số quan trọng đối với an toàn.

10. Kỹ thuật tẩy xạ, chia nhỏ và tháo dỡ thiết bị khi chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC.

11. Giải pháp và phương tiện kỹ thuật phòng chống cháy, nổ, bao gồm:

a) Sử dụng vật liệu xây dựng không cháy hoặc khó cháy;

b) Hạn chế tối đa việc sử dụng vật liệu có khả năng gây cháy, nổ;

c) Sử dụng vật liệu không phát ra tia lửa khi va chạm trong môi trường có nguy cơ nổ;

d) Sử dụng thiết bị điện chống cháy, nổ;

đ) Sử dụng cáp chống cháy trong hệ thống mà khi vận hành có thể bị cháy và gây ra hỏa hoạn.

12. Danh mục, số lượng và vị trí lưu trữ phương tiện bảo hộ cá nhân, thuốc và dụng cụ y tế, thiết bị kiểm xạ và kiểm soát liều, thiết bị ứng phó và khắc phục sự cố tại cơ sở LPƯNC.

13. Phương tiện độc lập ghi và lưu trữ thông tin cần thiết cho việc điều tra sự cố (phương tiện này phải được bảo vệ khỏi sự tiếp cận trái phép và bảo đảm có khả năng hoạt động ngay cả khi xảy ra sự cố trong thiết kế và sự cố ngoài thiết kế).

14. Giải pháp và phương tiện ứng phó tác động bên trong và bên ngoài.

15. Tài liệu có phân tích điểm yểu của cơ sở LPƯNC và luận chứng về sự đầy đủ của biện pháp bảo vệ thực thể trong thiết kế cơ sở LPƯNC./.

PHỤ LỤC III

PHÂN NHÓM, PHÂN CẤP AN TOÀN ĐỐI VỚI HỆ THỐNG, BỘ PHẬN CỦA CƠ SỞ LPƯNC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2020/TT-BKHCN ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

1. Phân nhóm đối với hệ thống, bộ phận của cơ sở LPƯNC

Hệ thống, bộ phận của cơ sở LPƯNC phải được phân nhóm như sau:

a) Phân nhóm theo mục đích, bao gồm:

- Hệ thống, bộ phận vận hành;

- Hệ thống, bộ phận an toàn.

b) Phân nhóm theo mức độ ảnh hưởng đến an toàn, bao gồm:

- Hệ thống, bộ phận quan trọng về an toàn;

- Hệ thống, bộ phận không ảnh hưởng đến an toàn.

c) Phân nhóm theo chức năng an toàn, bao gồm:

- Hệ thống, bộ phận bảo vệ an toàn;

- Hệ thống, bộ phận giam giữ, che chắn phóng xạ;

- Hệ thống, bộ phận điều khiển an toàn;

- Hệ thống, bộ phận hỗ trợ an toàn.

2. Phân cấp an toàn đối với bộ phận của cơ sở LPƯNC

Bộ phận của cơ sở LPƯNC được phân cấp an toàn từ cao xuống thấp như sau:

a) An toàn cấp 1

An toàn cấp 1 bao gồm các bộ phận mà nếu bị sai hỏng sẽ là sự kiện khởi phát sự cố ngoài thiết kế dẫn đến hư hại nhiên liệu hạt nhân và các bộ phận khác của cơ sở LPƯNC vượt quá giới hạn của sự cố trong thiết kế, trong khi hệ thống an toàn vẫn thực hiện chức năng theo thiết kế.

b) An toàn cấp 2

An toàn cấp 2 bao gồm:

- Các bộ phận mà nếu bị sai hỏng sẽ là sự kiện khởi phát sự cố dẫn đến hư hại nhiên liệu hạt nhân, các bộ phận khác của vùng hoạt và vòng sơ cấp nhưng vẫn trong giới hạn của sự cố trong thiết kế, trong khi hệ thống an toàn vẫn thực hiện chức năng theo thiết kế;

- Các bộ phận của hệ thống an toàn mà nếu bị sai hỏng sẽ làm cho hệ thống đó không thực hiện chức năng theo thiết kế.

c) An toàn cấp 3

An toàn cấp 3 bao gồm:

- Các bộ phận của hệ thống quan trọng về an toàn nhưng không thuộc cấp an toàn 1 hoặc 2;

- Các bộ phận chứa chất phóng xạ mà nếu bị sai hỏng sẽ gây ra phát tán phóng xạ vào các khu vực trong cơ sở LPƯNC và ra ngoài môi trường dẫn đến chiếu xạ tới nhân viên bức xạ, công chúng và môi trường vượt quá giới hạn vận hành;

- Các bộ phận thực hiện chức năng kiểm soát và bảo vệ bức xạ cho nhân viên bức xạ và công chúng.

d) An toàn cấp 4

An toàn cấp 4 bao gồm:

- Các bộ phận của hệ thống vận hành không ảnh hưởng đến an toàn và không thuộc cấp an toàn 1, 2 hoặc 3;

- Các bộ phận được sử dụng để quản lý sự cố và không được phân vào cấp an toàn 1, 2 hoặc 3.

3. Nguyên tắc phân cấp an toàn

- Trường hợp một bộ phận có đặc tính thuộc nhiều cấp an toàn khác nhau thì phải được phân vào cấp an toàn cao nhất trong các cấp an toàn này;

- Các bộ phận thuộc các cấp an toàn khác nhau mà có kết nối, tương tác thì bộ phận kết nối, tương tác phải được phân vào cấp an toàn cao nhất trong các cấp an toàn này;

- Khi thiết lập các loại phân cấp khác (bao gồm phân cấp kháng chấn, phân cấp an toàn cháy, nổ, ...) phải tính đến phân cấp an toàn;

- Yêu cầu về chất lượng và bảo đảm chất lượng đối với bộ phận thuộc cấp an toàn 1, 2 hoặc 3 phải phù hợp với quy định pháp luật, theo nguyên tắc cấp an toàn càng cao thì yêu cầu an toàn càng cao. Đối với các bộ phận thuộc cấp an toàn 4 thì áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật công nghiệp;

- Thiết kế các bộ phận thuộc cấp an toàn 1, 2, 3 và việc phân cấp các bộ phận này phải có trong tài liệu thiết kế, chế tạo và lắp đặt hệ thống, bộ phận của cơ sở LPƯNC;

- Các bộ phận thuộc cấp an toàn 1, 2 và 3 phải có ký hiệu phân nhóm, phân cấp. Ký hiệu phải bao gồm các ký tự phản ánh mục đích sử dụng và đặc tính chức năng an toàn của bộ phận./.

PHỤ LỤC IV

YÊU CẦU AN TOÀN ĐỐI VỚI THIẾT KẾ HỆ THỐNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2020/TT-BKHCN ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

I. Hệ thống vận hành

1. Vùng hoạt và vành phản xạ

Thiết kế vùng hoạt, vành phản xạ phải tuân thủ các yêu cầu an toàn sau:

a) Có khả năng đưa lò phản ứng về trạng thái dưới tới hạn trong chế độ vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố trong thiết kế;

b) Ngăn chặn sự thay đổi hình học và cấu hình vùng hoạt ngoài dự kiến;

c) Có tính đến sự biến đổi đặc tính kỹ thuật nhiệt, cơ, hóa, lý của vật liệu trong quá trình vận hành khi lựa chọn vật liệu chế tạo thanh nhiên liệu, bó nhiên liệu, thanh điều khiển và các bộ phận khác của vùng hoạt, vành phản xạ;

d) Ngăn chặn hình thành khối lượng tới hạn thứ cấp trong trường hợp xảy ra sự cố ngoài thiết kế dẫn đến phá hủy cơ sở LPƯNC;

đ) Có hệ số phản hồi độ phản ứng theo công suất, theo nhiệt độ của chất tải nhiệt và nhiệt độ của nhiên liệu hạt nhân ≤ 0 (nhỏ hơn hoặc bằng 0) trong vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố trong thiết kế;

e) Thiết lập giới hạn vận hành về hư hại của thanh nhiên liệu hoặc mức hoạt độ phóng xạ của chất tải nhiệt trong vòng sơ cấp;

g) Sự biến dạng các bộ phận của vùng hoạt trong vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố trong thiết kế không gây ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện tải nhiệt và không làm cho nhiệt độ của các bộ phận của vùng hoạt vượt quá giới hạn thiết kế;

h) Có các đặc tính vật lý - nơtron bảo đảm tất cả thay đổi độ phản ứng trong vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố trong thiết kế không làm hư hại các bộ phận của vùng hoạt, thiết bị trong kênh thí nghiệm hoặc mức hoạt độ phóng xạ của chất tải nhiệt vượt quá giới hạn thiết kế;

i) Bảo đảm việc nạp hoặc thay đảo một phần nhiên liệu.

2. Vòng sơ cấp

a) Vòng sơ cấp là vòng tuần hoàn chất tải nhiệt vùng hoạt, bao gồm các kênh bên trong, khoang lối vào và lối ra vùng hoạt, đường ống và bộ trao đổi nhiệt chứa chất tải nhiệt vùng hoạt;

b) Vòng sơ cấp phải có kết cấu bảo đảm nhiệt độ và tốc độ thay đổi nhiệt độ các bộ phận trong vùng hoạt, thiết bị thí nghiệm và chất tải nhiệt không vượt quá giới hạn thiết kế trong vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố trong thiết kế;

c) Khi lựa chọn vật liệu và xác định thời hạn sử dụng của vòng sơ cấp, phải xem xét tác động do ăn mòn hóa học, nơtron, bức xạ, nhiệt, thủy lực và các tác động khác có khả năng xảy ra trong vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố trong thiết kế;

d) Khi xảy ra sự cố trong thiết kế, hệ thống và bộ phận của vòng sơ cấp phải chịu được tải tĩnh, tải động và tác động nhiệt;

đ) Phải xác định yêu cầu về thành phần hóa học chất tải nhiệt, phương tiện để loại bỏ khỏi chất tải nhiệt các sản phẩm sinh ra từ quá trình phân hạch và ăn mòn;

e) Kết cấu và bố trí vòng sơ cấp phải ngăn chặn rò rỉ ngoài dự kiến chất tải nhiệt khỏi vùng hoạt và kênh thí nghiệm;

g) Khi bố trí thiết bị và lựa chọn hình học của vòng sơ cấp, phải tăng cường và bảo đảm hiệu quả tuần hoàn tự nhiên để khi bị mất tuần hoàn cưỡng bức chất tải nhiệt, thanh nhiên liệu và các bộ phận khác của vùng hoạt không bị hư hại vượt quá giới hạn thiết kế;

h) Có phương tiện và phương pháp nhằm bảo đảm:

- Kiểm soát tình trạng của kim loại cơ bản và mối hàn;

- Kiểm soát độ kín của vòng sơ cấp;

- Kiểm soát chất lượng chất tải nhiệt và việc loại bỏ khỏi chất tải nhiệt các sản phẩm sinh ra từ quá trình phân hạch và ăn mòn;

- Bảo vệ chống tăng áp quá mức cho phép trong vòng sơ cấp khi xảy ra tình huống tiệm cận sự cố hoặc sự cố trong thiết kế;

- Kiểm soát và ghi đo tham số cần thiết để đánh giá tuổi thọ còn lại của các bộ phận vòng sơ cấp.

3. Hệ thống điều khiển vận hành

a) Hệ thống điều khiển vận hành là hệ thống để điều khiển thiết bị công nghệ của hệ thống vận hành theo mục đích, tiêu chí và giới hạn thiết kế;

b) Hệ thống điều khiển vận hành phải có khả năng tự động điều khiển (không cần sự can thiệp nào của nhân viên vận hành) hoặc điều khiển tự động (được thực hiện bởi nhân viên vận hành thông qua việc sử dụng thiết bị tự động), các thiết bị công nghệ để đạt và duy trì đặc tính kỹ thuật của cơ sở LPƯNC trong giới hạn thiết kế;

c) Thiết kế cơ sở LPƯNC phải có phương pháp và phương tiện bảo đảm:

- Kiểm soát thông lượng nơtron trong tất cả chế độ vận hành, bao gồm cả khi nạp và thay đảo nhiên liệu;

- Điều khiển lò phản ứng đến công suất xác định và duy trì ở mức công suất đó với độ chính xác theo thiết kế;

- Đánh giá tình trạng thiết bị thuộc hệ thống quan trọng về an toàn;

- Cung cấp thông tin về phòng điều khiển để quản lý sự cố;

- Kiểm soát phát thải và xả thải chất phóng xạ, tình trạng bức xạ tại địa điểm cơ sở LPƯNC;

- Kiểm soát rò rỉ chất tải nhiệt;

- Kiểm soát việc tuân thủ điều kiện lưu giữ an toàn vật liệu hạt nhân và nguồn phóng xạ.

d) Xác định và xây dựng luận chứng đối với các danh mục: tham số và tín hiệu điều khiển; tham số điều chỉnh; tham số để kích hoạt hệ thống an toàn;

đ) Trường hợp cơ sở LPƯNC sử dụng thanh điều chỉnh công suất tự động, thiết kế phải xác định và xây dựng luận chứng đối với đặc tính và khoảng công suất điều chỉnh bằng thanh này;

e) Thực hiện các phân tích sau:

- Phản hồi của hệ thống điều khiển vận hành khi có sai hỏng trong hệ thống hoặc tác động bên ngoài;

- Độ tin cậy của thiết bị tự động và hệ thống điều khiển vận hành;

- Biện pháp kỹ thuật để loại trừ việc gây ra độ phản ứng dương bất thường và khóa tín hiệu kích hoạt hệ thống an toàn.

g) Hệ thống điều khiển vận hành phải phát ra tín hiệu âm thanh và ánh sáng cảnh báo việc vi phạm giới hạn vận hành, giới hạn và điều kiện vận hành an toàn trên bảng trong phòng điều khiển;

h) Khi có sai hỏng kênh đo và điều khiển của hệ thống điều khiển vận hành, phải tự động kích hoạt hệ thống phát tín hiệu để báo cho nhân viên vận hành trong phòng điều khiển về trạng thái của hệ thống điều khiển vận hành.

II. Hệ thống an toàn

1. Yêu cầu chung đối với hệ thống an toàn

a) Hệ thống an toàn phải bảo đảm thực hiện các chức năng sau:

- Tự động dừng lò khi giới hạn vận hành an toàn, điều kiện vận hành an toàn bị vi phạm và duy trì lò phản ứng ở trạng thái dưới tới hạn trong khoảng thời gian cần thiết;

- Tải nhiệt khẩn cấp vùng hoạt;

- Giam giữ chất phóng xạ trong phạm vi được thiết kế trong vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố trong thiết kế; giảm thiểu phát tán phóng xạ ra môi trường khi xảy ra sự cố ngoài thiết kế.

b) Hệ thống an toàn phải thực hiện chức năng an toàn theo thiết kế, có tính đến tác động của hiện tượng tự nhiên, sự kiện bên ngoài do con người gây ra, cũng như tác động cơ, nhiệt, hóa và các tác động khác khi xảy ra sự cố trong thiết kế;

c) Hệ thống an toàn phải được thiết kế đáp ứng tiêu chí chống sai hỏng đơn;

d) Khi thiết kế, chế tạo hệ thống an toàn, phải áp dụng các nguyên tắc dự phòng, đa dạng, tự an toàn và sử dụng hệ thống, bộ phận có khả năng thực hiện chức năng an toàn một cách độc lập;

đ) Khi áp dụng các nguyên tắc nêu tại điểm d khoản này, phải bảo đảm khả năng hoạt động của hệ thống an toàn khi có sai hỏng trong hệ thống;

e) Hệ thống an toàn phải tách biệt với hệ thống vận hành, bảo đảm việc hỏng hoặc dừng hoạt động của bất kỳ bộ phận nào trong hệ thống vận hành không ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống an toàn;

g) Việc sử dụng hệ thống an toàn, bộ phận của hệ thống an toàn cho những mục đích khác nhau phải bảo đảm an toàn và độ tin cậy đã được xác định cho hệ thống, bộ phận này;

h) Thiết kế hệ thống an toàn phải bảo đảm việc đưa hệ thống trở lại trạng thái trước khi khởi động hoặc dừng hoạt động hệ thống phải cần ít nhất hai thao tác liên tiếp của nhân viên vận hành;

i) Khi thiết kế hệ thống an toàn, phải xác định và xây dựng luận chứng về điều kiện, phạm vi, tần suất kiểm tra và thử nghiệm khả năng hoạt động của hệ thống;

k) Phải ngăn ngừa xảy ra thay đổi không được phép về sơ đồ, thiết bị và thuật toán của hệ thống an toàn.

2. Hệ thống bảo vệ an toàn

a) Hệ thống bảo vệ an toàn là hệ thống để ngăn ngừa, giảm thiểu hư hại nhiên liệu hạt nhân, thiết bị và đường ống dẫn chất tải nhiệt vùng hoạt. Hệ thống bảo vệ an toàn bao gồm hệ thống dừng lò và hệ thống làm mát khẩn cấp vùng hoạt;

b) Hệ thống dừng lò phải có khả năng ngay lập tức đưa lò phản ứng về trạng thái dưới tới hạn;

c) Hệ thống dừng lò phải bảo đảm duy trì lò phản ứng ở trạng thái dưới tới hạn trong chế độ vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố trong thiết kế;

d) Hiệu quả và tốc độ phản hồi của hệ thống dừng lò phải đủ để:

- Hạn chế năng lượng sinh ra trong vùng hoạt để bảo đảm nhiên liệu hạt nhân không bị hư hại vượt quá giới hạn thiết kế;

- Triệt tiêu độ phản ứng dương do hiệu ứng độ phản ứng trong vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố trong thiết kế.

đ) Hệ thống dừng lò phải bảo đảm đưa lò phản ứng về trạng thái dưới tới hạn mà không phụ thuộc vào nguồn điện;

e) Hệ thống dừng lò phải có khả năng tự khởi động và chuyển sang chế độ tự động đối với mỗi hệ thống thành phần theo sự điều khiển của nhân viên vận hành;

g) Hệ thống làm mát khẩn cấp vùng hoạt phải ngăn chặn hư hại nhiên liệu hạt nhân và các bộ phận của vùng hoạt vượt quá giới hạn xác định khi xảy ra sự cố trong thiết kế;

h) Phải có biện pháp bảo đảm việc khởi động và vận hành hệ thống làm mát khẩn cấp vùng hoạt để không chuyển lò phản ứng đang trong trạng thái dưới tới hạn sang trạng thái tới hạn và không làm tăng áp vượt quá mức cho phép trong các hệ thống tham gia vào chu trình tải nhiệt;

i) Việc khởi động hệ thống bảo vệ an toàn không được gây ra sai hỏng thiết bị của hệ thống vận hành;

k) Hệ thống bảo vệ an toàn phải hoạt động được trong các điều kiện cực đoan như hỏa hoạn và ngập lụt.

3. Hệ thống giam giữ, che chắn phóng xạ

a) Hệ thống giam giữ, che chắn phóng xạ là hệ thống để ngăn chặn rò rỉ, phát tán chất phóng xạ, bức xạ ra ngoài phạm vi được thiết kế và ra ngoài môi trường;

b) Thiết kế hệ thống giam giữ, che chắn phóng xạ (dưới dạng các phòng, bể, thùng kín) phải bảo đảm ngăn chặn rò rỉ, phát tán chất phóng xạ, bức xạ ra ngoài phạm vi được thiết kế trong vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố;

c) Phải xây dựng luận chứng đối với mức độ rò rỉ cho phép của hệ thống giam giữ, che chắn phóng xạ và giải pháp thực hiện;

d) Phải xác nhận sự phù hợp giữa độ rò rỉ thực tế so với thiết kế của hệ thống giam giữ, che chắn phóng xạ trước khi nạp nhiên liệu lần đầu và phải thực hiện định kỳ ít nhất mỗi năm một lần;

d) Có bộ phận cô lập đường ống xuyên qua vách kín của hệ thống giam giữ, che chắn phóng xạ để bảo đảm ngăn chặn chất phóng xạ thoát ra ngoài khi xảy ra sự cố;

e) Thiết kế hệ thống giam giữ, che chắn phóng xạ phải tính đến sự cần thiết sử dụng bộ phận của hệ thống trong khu vực tiềm ẩn sự cố để thực hiện các chức năng cơ bản sau:

- Giảm áp;

- Tải nhiệt;

- Giảm nồng độ chất phóng xạ;

- Kiểm soát, duy trì nồng độ khí gây cháy, nổ và sol khí dưới ngưỡng gây lan truyền lửa.

Trong thiết kế cơ sở LPƯNC phải xác định rõ loại chức năng (trong số các chức năng trên) được áp dụng đối với hệ thống giam giữ, che chắn phóng xạ.

4. Hệ thống điều khiển an toàn

a) Hệ thống điều khiển an toàn là hệ thống để kích hoạt, kiểm soát và điều khiển hệ thống an toàn;

b) Hệ thống điều khiển an toàn phải có khả năng tự động điều khiển và điều khiển tự động thiết bị công nghệ của hệ thống an toàn, cũng như kích hoạt hệ thống bảo vệ an toàn khi xuất hiện điều kiện bất lợi đã xác định trong thiết kế;

c) Trường hợp hệ thống điều khiển an toàn và hệ thống điều khiển vận hành sử dụng chung kênh đo, phải bảo đảm hư hại, sai hỏng của hệ thống điều khiển vận hành không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng an toàn của hệ thống điều khiển an toàn;

d) Mỗi hệ thống điều khiển an toàn phải thực hiện chức năng an toàn thông qua tối thiểu hai kênh đo đạc tham số công nghệ. Các kênh này phải đo được toàn bộ dải làm việc của tham số theo thiết kế;

đ) Phải xây dựng luận chứng về khả năng và điều kiện cho phép dừng hoạt động bất kỳ kênh đo đạc nào trong hệ thống điều khiển an toàn;

e) Dữ liệu thu được từ thiết bị ghi đo của hệ thống điều khiển an toàn phải bảo đảm việc phát hiện và ghi nhận:

- Sự kiện và thời điểm xảy ra, dẫn đến lệch khỏi giới hạn vận hành hoặc giới hạn vận hành an toàn;

- Thay đổi tham số công nghệ trong thời gian xảy ra sự cố;

- Khởi động của hệ thống an toàn;

- Thao tác của nhân viên vận hành trong phòng điều khiển.

g) Thiết kế phải giảm thiểu khả năng hệ thống điều khiển an toàn bị khởi động ngoài dự kiến;

h) Sai hỏng trong hệ thống điều khiển an toàn không gây ảnh hưởng đến khả năng kích hoạt tự động hệ thống an toàn;

i) Hệ thống điều khiển an toàn phải thực hiện chức năng sau:

- Theo dõi liên tục khả năng vận hành và tự động cảnh báo;

- Thường xuyên đánh giá tình trạng vận hành của các kênh đo trong hệ thống điều khiển an toàn và của các hệ thống, bộ phận từ bảng điều khiển phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này.

k) Sai hỏng phần cứng, phần mềm của hệ thống điều khiển an toàn phải dẫn đến phát tín hiệu trên bảng điều khiển và kích hoạt hệ thống bảo vệ an toàn;

l) Sai hỏng của các bộ phận ghi nhận, chẩn đoán, thông báo và hiển thị thông tin không được ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng bảo vệ của hệ thống điều khiển an toàn;

m) Phải xây dựng luận chứng về độ tin cậy của hệ thống điều khiển an toàn, có tính đến yêu cầu khởi động hệ thống này và các sai hỏng tiềm ẩn cùng nguyên nhân;

n) Thực hiện các phân tích nêu tại điểm e khoản 3 Mục I của Phụ lục này đối với hệ thống điều khiển an toàn trong thiết kế cơ sở LPƯNC.

5. Hệ thống hỗ trợ an toàn

a) Hệ thống hỗ trợ an toàn phải thực hiện đầy đủ chức năng: cung cấp năng lượng, bảo đảm môi trường làm việc và điều kiện thiết yếu cho hoạt động của hệ thống an toàn;

b) Hệ thống hỗ trợ an toàn phải có độ tin cậy đủ để bảo đảm cho hoạt động của hệ thống an toàn được hỗ trợ;

c) Việc thực hiện các chức năng nêu tại điểm a khoản này phải được ưu tiên tuyệt đối so với các biện pháp tự bảo vệ bộ phận của hệ thống hỗ trợ an toàn nếu việc ưu tiên không làm sự cố trở nên nghiêm trọng hơn;

d) Phải phân loại và xây dựng luận chứng việc phân loại thiết bị sử dụng điện của hệ thống hỗ trợ an toàn theo độ tin cậy của việc cấp điện, thời gian mất điện tối đa cho phép và loại nguồn điện độc lập (máy phát điêzen, ắc quy, pin, v.v...) của hệ thống cấp điện khẩn cấp;

đ) Hệ thống cấp điện khẩn cấp phải bảo đảm khả năng cấp điện cho hệ thống an toàn khi xảy ra sự cố trong thiết kế và sự cố ngoài thiết kế;

e) Có đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy cần thiết.

III. Phòng điều khiển và phòng điều khiển dự phòng

1. Phải có phòng điều khiển để điều khiển hệ thống vận hành và hệ thống an toàn.

2. Phòng điều khiển phải có:

a) Phương tiện kiểm soát thông lượng nơtron và tốc độ thay đổi thông lượng trong tất cả chế độ vận hành, bao gồm cả nạp và thay đảo nhiên liệu;

b) Phương tiện điều khiển thông lượng nơtron;

c) Chỉ thị vị trí thanh điều khiển;

d) Phương tiện kiểm soát trạng thái của hệ thống dừng lò;

đ) Hệ thống cung cấp thông tin bảo đảm đủ thông tin về trạng thái hiện tại của cơ sở LPƯNC để đưa ra quyết định kịp thời;

e) Tín hiệu cảnh báo và tín hiệu khẩn cấp.

3. Bảo đảm việc thực hiện thao tác bình thường của nhân viên vận hành trong phòng điều khiển đối với tất cả chế độ vận hành và khi xảy ra sự cố trong thiết kế.

4. Bảo đảm tối ưu hóa hiệu quả quá trình tương tác người - máy khi lựa chọn và bố trí thiết bị, màn hình hiển thị, nút, công tắc điều khiển.

5. Phải có phòng điều khiển dự phòng cho trường hợp không thể điều khiển lò phản ứng từ phòng điều khiển.

6. Phải có giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn điều khiển đồng thời từ phòng điều khiển và phòng điều khiển dự phòng.

7. Phải bảo đảm điều kiện làm việc cho nhân viên vận hành trong phòng điều khiển, phòng điều khiển dự phòng và bảo đảm thực hiện các chức năng sau:

a) Đưa lò phản ứng về trạng thái dưới tới hạn;

b) Làm mát khẩn cấp vùng hoạt đối với các trường hợp xác định trong thiết kế;

c) Kiểm soát trạng thái của cơ sở LPƯNC và tình trạng bức xạ trong quá trình khắc phục sự cố.

8. Bảo đảm không để xảy ra sai hỏng cùng nguyên nhân đối với các mạch điện tử và đường truyền tín hiệu khi đo đạc các tham số và điều khiển lò phản ứng từ phòng điều khiển và phòng điều khiển dự phòng.

9. Thiết kế, chế tạo và bố trí thiết bị kỹ thuật trong phòng điều khiển và phòng điều khiển dự phòng theo khối để bảo đảm khả năng nâng cấp thiết bị từng phần, nâng cấp hệ thống điều khiển vận hành và hệ thống điều khiển an toàn.

IV. Thiết bị thí nghiệm

1. Phải xác định mục đích, phương thức lắp đặt, tháo dỡ và điều kiện vận hành an toàn của thiết bị thí nghiệm.

2. Thiết bị thí nghiệm mà nếu bị sai hỏng có thể là sự kiện khởi phát dẫn đến sự cố phải được thiết kế với các yêu cầu như hệ thống quan trọng về an toàn.

3. Thiết kế thiết bị thí nghiệm bảo đảm loại trừ khả năng làm thay đổi độ phản ứng ngoài dự kiến khi lắp đặt, tháo dỡ và vận hành thiết bị.

4. Thiết bị thí nghiệm phải có tài liệu kỹ thuật hoặc các số liệu tính toán được tổ chức vận hành phê duyệt. Trong trường hợp cần thiết, phải có thêm đánh giá thực nghiệm về sự ảnh hưởng của thiết bị thí nghiệm đến độ phản ứng, phân bố mật độ công suất trong vùng hoạt, hiệu quả làm việc của các thanh điều khiển.

5. Những tham số chính của thiết bị thí nghiệm có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của cơ sở LPƯNC phải được hiển thị trong phòng điều khiển.

6. Phải bảo đảm an toàn bức xạ cho nhân viên làm việc với thiết bị thí nghiệm.

7. Bảo đảm tối ưu hóa liều chiếu đối với nhân viên bức xạ thông qua việc lựa chọn, bố trí buồng nóng, phòng đo mẫu kích hoạt và phương tiện, thiết bị kỹ thuật đi kèm; lựa chọn đường vận chuyển, chế tạo phương tiện vận chuyển mẫu chiếu xạ.

8. Thiết kế cơ sở LPƯNC phải tính đến việc tháo dỡ thiết bị thí nghiệm.

V. An toàn bức xạ trong thiết kế cơ sở LPƯNC

1. Phải xác định ranh giới và thiết lập các yêu cầu đối với khu vực kiểm soát, khu vực giám sát trong vận hành bình thường, tình huống vận hành hoặc khi xảy ra sự cố, có tính đến tác động bức xạ tiềm năng đối với nhân viên, công chúng và môi trường.

2. Có thiết bị, phương pháp và kỹ thuật để bảo đảm:

a) Phát hiện sự mất tính toàn vẹn của các lớp bảo vệ vật lý;

b) Kiểm soát lượng và thành phần chất phóng xạ phát tán, thải ra ngoài môi trường;

c) Lấy mẫu hơi, khí và không khí từ các phòng của cơ sở LPƯNC trong vận hành bình thường và khi xảy ra sự cố;

d) Xác định, đánh giá và dự báo tình trạng bức xạ trong khu vực kiểm soát, khu vực giám sát và các khu vực khác trong cơ sở LPƯNC;

đ) Xác định, đánh giá và dự báo liều tương đương (cả chiếu trong và chiếu ngoài) đối với nhân viên bức xạ và những người làm nhiệm vụ trong khu vực kiểm soát;

e) Kiểm soát phóng xạ đối với nhân viên bức xạ, phương tiện vận chuyển và vật liệu khi ra khỏi cơ sở LPƯNC;

g) Bảo đảm khả năng làm việc của các bộ phận cần thiết trong hệ thống kiểm soát bức xạ khi xảy ra sự cố ngoài thiết kế với tình trạng bức xạ nghiêm trọng;

h) Dự báo tình trạng bức xạ khi xảy ra sự cố ngoài thiết kế;

i) Ghi và lưu trữ thông tin cần thiết phục vụ điều tra sự cố.

3. Bảo đảm tần suất xảy ra phát thải vượt mức phát thải khẩn cấp lớn nhất cho phép từ cơ sở LPƯNC (phải đưa ra quyết định bảo vệ công chúng) không vượt quá 10-7/lò/năm./.

PHỤ LỤC V

YÊU CẦU AN TOÀN ĐỐI VỚI VẬN HÀNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2020/TT-BKHCN ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

1. Khởi động và vận hành có công suất

a) Khởi động và vận hành có công suất là chế độ vận hành trong đó thực hiện việc tăng công suất lò phản ứng bằng hệ thống điều khiển và tiến hành nghiên cứu thực nghiệm;

b) Khởi động và vận hành có công suất lò phản ứng phải phù hợp với tài liệu công nghệ, hướng dẫn vận hành;

Trong trường hợp, các tham số công nghệ và các điều kiện cho phép vận hành các hệ thống, bộ phận quan trọng về an toàn bị lệch khỏi giới hạn và điều kiện vận hành an toàn, phải chuyển lò phản ứng sang chế độ dừng lò tạm thời.

2. Dừng lò tạm thời

a) Dừng lò tạm thời là dừng vận hành lò phản ứng để bảo dưỡng kỹ thuật và chuẩn bị thiết bị thí nghiệm;

b) Việc bảo dưỡng kỹ thuật phải theo kế hoạch và tuân thủ tài liệu hướng dẫn. Khi đó phải tính đến yêu cầu về điều kiện bảo dưỡng, sửa chữa và thử nghiệm hệ thống an toàn theo thiết kế. Tất cả công việc đã thực hiện phải được lưu hồ sơ;

c) Việc tiến hành sửa chữa, thay thế thiết bị và thiết bị thí nghiệm gây ảnh hưởng đến độ phản ứng, phải bảo đảm có sẵn phương tiện kỹ thuật để kiểm soát thông lượng nơtron và tham số công nghệ cơ bản của cơ sở LPƯNC;

d) Sau khi hoàn thành công việc sửa chữa, phải kiểm tra khả năng làm việc và mức độ phù hợp với thông số thiết kế của hệ thống quan trọng về an toàn và bổ sung kết quả kiểm tra vào hồ sơ;

đ) Các biện pháp an toàn khi thực hiện công việc nguy hiểm liên quan đến hạt nhân như thay thế một phần hoặc toàn bộ bó nhiên liệu, sửa chữa hoặc thay thế cơ cấu dẫn động thanh điều khiển phải được xác định trong hồ sơ vận hành cơ sở LPƯNC.

3. Dừng lò dài hạn

a) Dừng lò dài hạn là dừng vận hành lò phản ứng khi không có kế hoạch triển khai nghiên cứu thực nghiệm. Khi dừng lò dài hạn, cần thực hiện việc bảo quản các hệ thống, thiết bị nhất định và duy trì khả năng vận hành cơ sở LPƯNC;

b) Tổ chức vận hành phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho cơ sở LPƯNC trong chế độ dừng lò dài hạn và quản lý lão hóa đối với hệ thống, thiết bị dự kiến sẽ được sử dụng trong trường hợp tái khởi động nghiên cứu thực nghiệm hoặc khi chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC;

c) Phạm vi bảo dưỡng cơ sở LPƯNC và kỹ thuật bảo quản hệ thống, thiết bị trong chế độ dừng lò dài hạn phải tuân thủ yêu cầu thiết kế.

4. Dừng lò vĩnh viễn

a) Dừng lò vĩnh viền là dừng vận hành lò phản ứng để chuẩn bị cho việc chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC;

b) Trong chế độ dừng lò vĩnh viễn, tổ chức vận hành phải thực hiện công việc sau:

- Rút vật liệu hạt nhân khỏi vùng hoạt theo kỹ thuật đã được thiết kế và vận chuyển khỏi địa điểm cơ sở LPƯNC;

- Khảo sát và đánh giá toàn diện tình trạng kỹ thuật và bức xạ của cơ sở LPƯNC; lập bản đồ suất liều, nhiễm bẩn phóng xạ;

- Xây dựng khung chương trình chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC, với các biện pháp hành chính - kỹ thuật chủ yếu để thực hiện phương án chấm dứt hoạt động;

- Lập dự án chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC gồm: hạng mục, chỉ dẫn kỹ thuật và trình tự thực hiện công việc; tài liệu và thiết bị cần thiết; tình trạng địa điểm cơ sở LPƯNC sau khi hoàn thành các hạng mục công việc;

- Lập Báo cáo phân tích an toàn cho chấm dứt hoạt động cơ sở LPƯNC.

c) Trong chế độ dừng lò vĩnh viễn, việc cắt giảm phạm vi bảo dưỡng và số lượng nhân viên phải tuân thủ yêu cầu được xác định trong thiết kế cơ sở LPƯNC./.

MINISTRY OF SCIENCE
AND TECHNOLOGY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 05/2020/TT-BKHCN

Hanoi, October 30, 2020

 

CIRCULAR

REGULATIONS ON NUCLEAR SAFETY FOR RESEARCH REACTORS

Pursuant to Law on Atomic Energy dated June 3, 2008;

Pursuant to Decree No. 95/2017/ND-CP dated August 16, 2017 of Government on functions, tasks, powers and organizational structure of Ministry of Science and Technology;

At request of Director General of Vietnam Agency for Radiation and Nuclear Safety and Director of Department of Legal Affairs;

Minister of Science and Technology promulgates Circular on nuclear safety for research reactors.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This circular prescribes requirements for nuclear safety in designing, constructing, operating experimentally, operating and terminating operations of research reactors.

Article 2. Regulated entities

1. Project developers, agencies and organizations shall select locations, design, construct, operate experimentally, operate and terminate operations of research reactors.

2. Agencies and organizations shall appraise safety, approve locations, approval investment projects, license construction, permit experimental operations, permit operations and permit termination of research reactors.

Article 3. Term interpretation

In this Circular, terms below are construed as follows:

1. “research reactor” refers to a nuclear reactor specialized in creating neutron beams and radiation beams for research purposes and other purposes, including reactor and attached systems, equipment and relevant administrative – technical sections situated in the same area.

2. “operational threshold” refers to parameters and characteristics of systems, components and whole units of research reactors determined in design intended for regular operation.

3. “operational requirements” refer to requirements in term of quantity, characteristics, operational capability and technical maintenance of the system and components to guarantee operation of research reactors within operational threshold.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. “safe operational requirements” refer to requirements in term of quantity, characteristics, operational capability and technical maintenance of important system and components regarding safety to guarantee operation of research reactors within safe operational threshold.

6. “design threshold” refers to parameters and characteristics of systems, components and whole units of research reactors determined in design intended for regular operation, operating and accident scenarios.

7. “regular operation” refers to the situation in which a research reactor operates within operational threshold and operational requirements.

8. “operating scenario” refers to the situation in which a research reactor operates beyond operational threshold and operational requirements without being met with accidents.

9. “close call” refers to the situation in which a research reactor operates beyond safe operational threshold and safe operational requirements without being met with accidents.

10. “single failure” refers to a failure that leads to inability to adopt safety measures of a system or component; including accompanying secondary failure.

11. “backup principles” refer to designing multiple systems and components that can replace one another to independently perform the same functions safely.  

12. “diversified principles” refer to designing multiple systems and components with different properties to perform the same specific functions safely in order to minimize possibilities of errors originating from the same causes.

13. “fail-safe principle” refer to the principle in which if a system or component encounters an error, that system or component must still be able to adopt safety measures by design without activating protective measures via safety control systems.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

15. “initiating events” refer to events that lead to operating scenarios, close calls or accidents.

16. “accidents” refer to cases in which research reactors operate beyond safe operational threshold and safe operational requirements causing leak or dispersion of radioactive materials outside of physical barriers. Each incident is characterized by initiating event, development and consequences.

17. “design-basis accidents” refer to presumptive accidents accounted for in fundamental design of research reactors and guaranteed for damage control.

18. “beyond-design-basis accidents” refer to presumptive accidents and conditions for accidents more severe than design-basis accidents.

19. “operating systems and components” refer to systems and components employed for regular operation.

20. “safety systems and components” refer to systems and components employed to perform safety functions.

21. “important systems and components for safety” consist of: safety systems and components; operating systems and components which if fail will lead to close calls or reduce ability to rectify close calls and potentially cause accidents.

22. “active systems and components” refer to systems and components which rely on regular operation of other systems and components to perform design functions. 

23. “passive systems and components” refer to systems and components which do not rely on external provision or support to perform functions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

25. “research reactor location” refers to geographical location of a research reactor within protection perimeter.

26. “research reactor vicinity” refers to an area with a research reactor where natural or artificial phenomena, processes or factors may affect safety of the research reactor.

27. “entity protection” refers to adoption of administrative – technical measures and action of security employees to prevent vandalism or appropriation of nuclear materials, radioactive substances and radioactive wastes.

Chapter II

SAFETY REQUIREMENTS

Section 1. GENERAL SAFETY REQUIREMENTS

Article 4. Requirements for safety objectives

1. In regular operation, operating scenarios or design-basis accidents, exposure of radiation workers and general public, amount of radioactive substances discharged into the environment must not exceed maximum value.

2. In case of beyond-design-basis accidents, impact of exposure on radiation workers, the general public and environment must be minimized.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Vertical protection includes the use of physical barriers and administrative – technical measures to protect radiation workers, the general public and environment from radiation impact from research reactors.

2. Develop facts for vertical protection for research reactors.

3. Administrative – technical measures must be tested via operational experience or test operation and must conform to regulations and law on design, construction, experimental operation, operation and termination of operation of research reactors.

4. Administrative – technical measures consist of 5 levels accord to Annex I attached to this Circular.

Article 6. Requirements for quality assurance

1. Develop and adopt procedures for quality assurance for all operations that may affect safety of research reactors.

2. Supervise quality assurance of organizations perform tasks and providing services for operating organizations.

Article 7. Requirements for safety culture

1. Safety culture includes overall points of view and behaviors of organizations and individuals with the top priority of assuring safety for human and environment from radiation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Recruiting, educating and training employees performing tasks that affect safety;

b) Clearly defining responsibilities of managers and employees;

c) Developing and conforming to manual for tasks and operation; periodically updating these documents taking into account operational experience.

Section 2. SAFETY REQUIREMENTS FOR DESIGN, CONSTRUCTION, EXPERIMENTAL OPERATION, OPERATION AND TERMINATION OF RESEARCH REACTORS

Article 8. Design principles

1. Prioritize using passive systems, components or systems, components with passive safety features (safety features that rely on feedback mechanisms, natural process and properties).

2. Ensure ability of physical and thorough examination of important systems for safety according to design specifications throughout experimental operation, after repair and regular examination during lifetime of research reactors.

In case design of research reactors does not allow physical and thorough examination, ensure ability of indirect examination and in stages for important systems for safety with specific frequency.

3. Guarantee technical examination and maintenance of important systems, components to safety in operation process conforming to safe operational requirements and threshold; develop facts regarding suitability of frequency and period of technical examination and maintenance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Develop technical solutions to prevent and minimize consequences of employee errors, including errors during maintenance process for important systems for safety.

Article 9. Factors in design

Design of research reactors must identify:

1. Physical – neuron, thermo-hydro properties and other important safety properties.

2. Requirements and frequency of testing conformity of physical – neuron properties to design.

3. Operation modes, operational threshold and requirements, safe operational threshold and requirements.

4. List of dangerous tasks related to nuclear and measures to ensure nuclear safety during implementation.

5. Credibility indicator of class 1, class 2, and class 3 important systems and components for safety according to Annex III under this Circular.

6. List of construction structures, equipment, automated vehicles and other systems, components that must be certified as per the law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Requirements, scope and frequency of examination and technical maintenance for important systems for safety.

9. Requirements for activation of safety systems; level of external impact for deactivation of reactors, bringing reactors to subcritical state,

10. List of events initiating design-basis accidents and beyond-design-basis accidents; assessment of possibilities of incidents; incident scenarios.

11. Possibilities of maximum waste discharge allowed from research reactors.

12. Level of dose control, taking into account characteristics of research reactor vicinity.

13. Operation duration of research reactors, lifetime and requirements for equipment change.

Article 10. Items in design

Design of research reactors consists of all items regulated under Annex II attached to this Circular. In case design does not consist of all items stated above, develop facts proving that the lack of such items do not affect safety of research reactors.

Article 11. Classification and safety ranking for systems and components

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Systems and components of research reactors shall be classified and ranked for safety according to Annex III under this Circular.

Article 12. Safety requirements for system design

Safety requirements for design of systems of research reactors are prescribed under Annex IV of this Circular.

Article 13. Safety requirements for construction of research reactors

1. Construction of research reactors, production and installation of systems and components must conform to detail design.

2. Construction structures, equipment, tools and automated vehicles (including technical vehicles for protection of entity) must have license (if required).

3. Quality control, acceptance inspection for tasks, systems, components and equipment must conform to detail design and quality assurance procedures.

Article 14. Safety requirements for experimental operation of research reactors

1. Adopt administrative – technical measures to verify conformity of achieved technical properties compared to the design.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Develop guidelines for radiation safety assurance and establish control levels;

b) Issue and periodically update technical dossiers of research reactors;

c) Prepare and periodically update dose documents of radiation workers; develop and adopt measures to reduce dose and exposed individuals;

d) Organize entity protection; list and control nuclear materials, radioactive substances and wastes.

3. Develop experimental operation programs for following categories:

a) Primary stages of each task during experimental operation;

b) Initial status of research reactors prior to each stage of each task in experimental operation;

c) Contents and requirements for documents in each stage of experimental operation.

4. Experimental operation must consist of following stages: initiation calibration, physical initiation and energy initiation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. During physical initiation (including fueling reactor core), examine conformity of physical – neuron properties compared to design.

7. During energy initiation:

a) Survey influence of capacity and temperature on each physical – neuron property measured during physical initiation phase;

b) Research characteristics of experiment channels and irradiation channels, including neutron flux distribution in exits of channels in reflectors and channels in reactor cores;

c) Measure radiation at research reactor vicinity.

8. During energy initiation, bringing reactors to nominal specifications by design must be implemented in stages with defined levels of capacity and period.

9. All adjustments implemented after experimental operation must be included in design – technical dossiers, safety analysis reports, technical documents and documents on operation of research reactors.

Article 15. Requirements for operation of research reactors

Operating organizations must perform following tasks:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Heads of research reactors (directly responsible for safety of research reactors);

b) Operating employees;

c) Employees for maintenance, repair and replacement of equipment and technical vehicles;

d) Employees for supervising preparation and implementation of quality assurance procedures;

dd) Measuring instrument calibration departments;

e) Control department for radiation, nuclear safety, industrial safety and fire safety;

g) Security department ensuring operation of entity protection system.

2. Ensure that employees are accordingly trained to suit assigned tasks and functions.

3. Develop internal regulations, assign responsibilities and rights for heads, position and specialized requirements for employees.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Prepare safety analysis reports, operation guidelines and technology documents of research reactors which specify design threshold and safe operational requirements.

6. Ensure following procedures:

a) Fueling and bringing reactors to criticality;

b) Replacing fuel;

c) Initiating, changing capacity and operating; 

d) Calibrating control bar;

dd) Measuring and monitoring reserve level of radioactive level;

e) Calibrating channels controlling neutron flux distribution;

g) Determining capacity of research reactors and calibrating ionization chambers of control systems;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i) Actions of employees in case of activation of protection systems;

k) Suspending reactors according to the plans and shutting all equipment down;

l) Disposing nuclear materials;

m) Disposing radioactive substances and wastes;

n) Other procedures in case of performing dangerous tasks related to radiation and nuclear.

7. Develop and provide guidelines for using systems, technology equipment and experiment equipment which guide interaction in case of regular operation, operating scenarios and procedures in case of design-basis accidents and beyond-design-basis accident.

8. Develop procedures for storing and preserving operation documents.

9. Store design documents, equipment manufacturing documents, experiment records and reports, technical maintenance, class 1 and class 2 safety system and important system for safety repair documents throughout lifetime of research reactors.

10. Conduct investigations and research close calls and incidents that have occurred; develop and adopt measures to prevent repetition of similar close calls and accidents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

12. Perform internal control to guarantee safety, entity protection and include examination results in safety status reports of research reactors.

13. Ensure that initiation and operation, reactor suspension, long-term reactor suspension, permanent reactor shutdown comply with Annex V under this Circular.

Article 16. Requirements for termination of operation of research reactors

1. Before terminating operation, research reactors must:

a) Transport all nuclear materials out of research reactor vicinity;

b) Furnish specialized equipment to ensure safety in unloading, decontaminating radiation and disposing radioactive wastes;

c) Train employees to perform tasks related to termination of operation of research reactors.

2. When terminating operation of research reactors:

a) Minimize radioactive wastes;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Eliminate impact of radiation on the general public;

d) List, control and perform entity protection for radioactive wastes.

Chapter III

IMPLEMENTATION

Article 17. Entry into force

1. This Circular comes into force from December 15, 2020.

2. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to the Ministry in writing for consideration.

Article 18. Transition clauses

Facilities permitted to operate research reactors before the effective date of this Circular must adopt Article 15 and Article 16 of this Circular during operation process when applying for extension of operation permit or applying for permission to terminate operation./.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Pham Cong Tac

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 05/2020/TT-BKHCN ngày 30/10/2020 quy định về an toàn hạt nhân đối với cơ sở lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.438

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.205.182
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!