BỘ VĂN HOÁ, THỂ
THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
03/2010/TT-BVHTTDL
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 5 năm 2010
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VỀ TIÊU CHUẨN, QUY TRÌNH, THỦ TỤC, HỒ SƠ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ
CHÍ MINH, GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26
tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen
thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao
và Du lịch;
Sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ (Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương), Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục,
hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ
thuật như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định chi tiết về tiêu chuẩn,
quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà
nước về văn học, nghệ thuật cho các đối tượng:
1. Tác giả là người Việt Nam có tác phẩm, cụm
tác phẩm; công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng
kể từ ngày thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là Nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm,
cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật về Việt
Nam.
Điều 2. Giải thích từ
ngữ
Các từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như
sau:
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật là sản
phẩm sáng tạo trong hoạt động sáng tác, nghiên cứu về văn học, nghệ thuật gồm:
tác phẩm văn học, nghệ thuật và tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình.
2. Công trình văn học, nghệ thuật là
sản phẩm của hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình và sưu tầm
về văn học, nghệ thuật, có đóng góp quan trọng đối với nhận thức, có ảnh hưởng
lớn, tích cực trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
3. Cụm tác phẩm văn học, nghệ thuật là
tập hợp các tác phẩm thuộc một chuyên ngành văn học, nghệ thuật của một tác giả
hoặc các đồng tác giả.
4. Cụm công trình văn học, nghệ thuật
là tập hợp các công trình thuộc một chuyên ngành văn học, nghệ thuật của một
tác giả hoặc các đồng tác giả.
5. Tác giả là người bằng lao động của
mình trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, công trình.
6. Đồng tác giả là nhiều người bằng
lao động của mình cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, công trình.
Những người chỉ giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật,
vật chất, kinh phí cho tác giả, các đồng tác giả mà không tham gia sáng tạo ra
tác phẩm, công trình thì không được coi là tác giả hoặc đồng tác giả tác phẩm,
công trình đó.
Điều 3. Thời gian xét
tặng
1. Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét và công
bố 5 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2/9.
2. Giải thưởng Nhà nước được xét và công bố 2
năm một lần vào dịp Quốc khánh 2/9.
3. Việc tổ chức xét tặng Giải thưởng Hồ Chí
Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật của từng đợt xét, thực hiện
theo Thông tư này và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng xét tặng giải thưởng
cấp Nhà nước, văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Điều 4. Quyền lợi của
người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ
thuật
Người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc
Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật được nhận Bằng chứng nhận Giải
thưởng Hồ Chí Minh hoặc Bằng chứng nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ
thuật do Chủ tịch nước tặng kèm theo tiền thưởng (do Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch thống nhất hướng dẫn) và các quyền lợi khác theo quy định
của pháp luật hiện hành.
Chương II
ĐIỀU
KIỆN VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG
Điều 5. Điều kiện xét
tặng
Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công
trình của tác giả đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà
nước về văn học, nghệ thuật phải đạt điều kiện sau:
1. Đã được công bố và sử dụng dưới các hình
thức xuất bản, xây dựng, triển lãm, biểu diễn, tác phẩm điện ảnh, phát thanh,
truyền hình, bài giảng thuộc một trong các chuyên ngành:
a) Văn học: các thể loại văn, thơ, công trình
nghiên cứu, lý luận và phê bình về văn học.
b) Âm nhạc: các thể loại âm nhạc, công trình
nghiên cứu, lý luận và phê bình về âm nhạc.
c) Sân khấu: các kịch bản sân khấu được dàn
dựng công diễn, các vở diễn thuộc các loại hình sân khấu, công trình nghiên
cứu, lý luận và phê bình về sân khấu.
d) Mỹ thuật: các thể loại hội họa, đồ họa,
điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, nghệ thuật trang trí, công trình nghiên cứu, lý
luận và phê bình về mỹ thuật.
đ) Nhiếp ảnh: Các thể loại ảnh (ảnh chụp),
công trình nghiên cứu, lý luận và phê bình về nhiếp ảnh.
e) Múa: kịch bản múa được dàn dựng công diễn,
các vở múa và công trình nghiên cứu, lý luận phê bình về múa.
g) Điện ảnh: các bộ phim thuộc loại hình:
phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim truyện truyền
hình và công trình nghiên cứu, lý luận phê bình về điện ảnh.
h) Văn nghệ dân gian: tác phẩm, công trình
sưu tầm, nghiên cứu, lý luận và phê bình về văn học, nghệ thuật dân gian.
i) Kiến trúc: Công trình, cụm công trình kiến
trúc được xây dựng và công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về kiến trúc.
2. Một tác phẩm, cụm tác phẩm; một công
trình, cụm công trình chỉ được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc
Giải thưởng Nhà nước về một chuyên ngành văn học, nghệ thuật.
3. Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm
công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước thì không được kết hợp với tác
phẩm, công trình khác để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
4. Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm
công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước
phải là tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình không có tranh chấp
về quyền tác giả, không có khiếu nại về nội dung và kết quả kể từ khi được công
bố, xuất bản đến thời điểm xét tặng Giải thưởng.
Điều 6. Tiêu chuẩn
xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh
Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công
trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật phải đạt
các tiêu chuẩn sau:
1. Đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về
nghệ thuật và nội dung tư tưởng; có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng;
có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân; góp phần quan trọng
vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp văn học,
nghệ thuật của đất nước; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, dân tộc, con
người Việt Nam; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên
thế giới.
2. Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm
công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh phải là tác phẩm, cụm tác
phẩm; công trình, cụm công trình đã được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn
ít nhất là 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
3. Những tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình,
cụm công trình đã được Giải thưởng chính thức (tính từ Giải Vàng, Giải A, Giải
Nhất) trong các Triển lãm, Liên hoan nghệ thuật quốc gia, quốc tế hoặc của một
trong các Hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương (sau đây gọi tắt là
Hội văn học nghệ thuật Trung ương) thì được xem xét để tính thêm điểm.
Điều 7. Tiêu chuẩn
xét tặng Giải thưởng Nhà nước
Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công
trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật phải đạt các
tiêu chuẩn sau:
1. Xuất sắc, có giá trị cao về nội dung tư
tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng
con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân; góp phần đáng kể vào sự
nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật của đất nước; quảng bá hình ảnh tốt
đẹp của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp
giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
2. Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm
công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước phải là tác phẩm, cụm tác
phẩm; công trình, cụm công trình đã được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn
ít nhất là 03 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
3. Những tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình,
cụm công trình đã được Giải thưởng chính thức (tính từ Giải Bạc, Giải B, Giải
Nhì trở lên) trong các Triển lãm, Liên hoan nghệ thuật quốc gia, quốc tế hoặc
của Hội văn học, nghệ thuật Trung ương thì được xem xét để tính thêm điểm.
Chương III
QUY
TRÌNH VÀ THỦ TỤC XÉT
Điều 8. Hồ sơ của tác
giả
Để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh,
Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, tác giả, đồng tác giả hoặc người
đại diện hợp pháp của tác giả, đồng tác giả phải có hồ sơ đăng ký tác phẩm đề
nghị xét Giải thưởng. Hồ sơ được lập thành 04 bộ, mỗi bộ bao gồm:
1. Một bản đăng ký tác phẩm, cụm tác phẩm;
công trình, cụm công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải
thưởng Nhà nước về một chuyên ngành văn học, nghệ thuật (theo mẫu 1a hoặc 1b
của Thông tư này) có dán ảnh 4x6 của tác giả hoặc đồng tác giả.
2. Một bản sao hoặc bản chính tác phẩm, cụm
tác phẩm; công trình, cụm công trình đề nghị xét tặng dưới dạng: tranh, ảnh
(khổ 21cm x 29,7 cm), băng, đĩa, sách, kèm theo bản tóm tắt giới thiệu nội dung
tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình.
3. Các bản sao (có chứng thực) về Quyết định
khen thưởng hoặc Giấy chứng nhận giải thưởng, mỗi giải thưởng một (01) bản sao.
Điều 9. Nơi nhận hồ
sơ của tác giả:
1. Hội văn học, nghệ thuật tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội văn học, nghệ thuật tỉnh), Hội
văn học, nghệ thuật Trung ương thuộc chuyên ngành nào có trách nhiệm nhận hồ sơ
tác phẩm thuộc chuyên ngành đó của tác giả, đồng tác giả hoặc người đại dịên
hợp pháp của tác giả, đồng tác giả.
2. Tác giả, đồng tác giả, người đại diện hợp
pháp của tác giả, đồng tác giả gửi hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí
Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước tại: Hội văn học, nghệ thuật tỉnh, nơi có hộ
khẩu thường trú của tác giả, đồng tác giả, người đại diện hợp pháp của tác giả,
đồng tác giả hoặc có thể gửi hồ sơ về Hội văn học, nghệ thuật Trung ương nếu
thấy thuận tiện.
3. Tác giả, đồng tác giả, người đại diện hợp
pháp của tác giả là người nước ngoài gửi hồ sơ đến Hội văn học, nghệ thuật
Trung ương (hồ sơ có văn bản giới thiệu của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam về tác giả và tác phẩm).
Điều 10. Quy trình
xét tặng
Việc lựa chọn tác phẩm, cụm tác phẩm; công
trình, cụm công trình đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí
Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật được thực hiện qua 3 cấp Hội
đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ
thuật (sau đây, gọi tắt là Hội đồng): Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp bộ,
ngành, tỉnh và Hội đồng cấp nhà nước.
1. Hội đồng cấp cơ sở
a) Hội đồng cấp cơ sở là Hội đồng do Chủ tịch
của Hội văn học, nghệ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Chủ tịch
Hội văn học, nghệ thuật Trung ương quyết định thành lập.
b) Hội đồng cấp cơ sở có trách nhiệm:
Nhận hồ sơ của các tác giả, đồng tác giả,
người đại diện hợp pháp của tác giả, đồng tác giả; tổ chức việc xét chọn tác
phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật đủ điều
kiện, đạt tiêu chuẩn và trình lên Hội đồng cấp bộ, ngành hoặc Hội đồng cấp
tỉnh.
2. Hội đồng cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh):
a) Hội đồng cấp bộ, ngành, tỉnh là Hội đồng
do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập hoặc Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
b) Hội đồng cấp bộ, ngành, tỉnh có trách
nhiệm:
Nhận kết quả xét duyệt của Hội đồng cấp cơ sở
trình; tổ chức việc xét chọn tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình
văn học, nghệ thuật đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn trình Hội đồng cấp Nhà nước.
3. Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính
phủ quyết định.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan
thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước trong việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí
Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách
nhiệm:
a) Nhận hồ sơ kết quả xét duyệt do Hội đồng
cấp bộ, ngành, tỉnh trình;
b) Chịu trách nhiệm thành lập các Hội đồng
chuyên ngành để tư vấn, đánh giá về mặt chuyên môn 9 chuyên ngành nghệ thuật
sau đây: chuyên ngành Văn học, chuyên ngành Âm nhạc, chuyên ngành Sân khấu (bao
gồm cả Xiếc, Rối), chuyên ngành Mỹ thuật, chuyên ngành Nhiếp ảnh, chuyên ngành
Múa, chuyên ngành Điện ảnh, chuyên ngành Văn nghệ dân gian, chuyên ngành Kiến
trúc;
c) Thành lập Tổ thư ký giúp việc cho Hội đồng
cấp Nhà nước.
Điều 11. Nguyên tắc
hoạt động của Hội đồng
1. Hội đồng xét tặng Giải thưởng các cấp gồm
đại diện các nhà chuyên môn, chuyên gia có uy tín của từng chuyên ngành văn
học, nghệ thuật; đại diện các nhà quản lý có chuyên môn phù hợp và am hiểu lĩnh
vực chuyên ngành; một số tác giả đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải
thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; một số đại diện các cơ quan chức năng ở
Trung ương hoặc địa phương có liên quan.
2. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ,
công khai và bỏ phiếu kín. Tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình
được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước về văn
học, nghệ thuật phải đạt ít nhất 3/4 số phiếu tán thành của tổng số thành viên
Hội đồng mới được đề nghị Hội đồng cấp trên xét.
3. Tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm, công
trình, cụm công trình đang là đối tượng đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí
Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật thì không tham gia các cấp
Hội đồng.
4. Kỳ họp của Hội đồng các cấp phải có ít
nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó
Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền.
5. Hội đồng các cấp chịu trách nhiệm xét chọn
hồ sơ theo quy trình quy định tại Điều 10 Thông tư này; không nhận và xét hồ sơ
không đúng trình tự, thủ tục quy định.
6. Hội đồng các cấp có trách nhiệm thông báo
công khai kết quả trong thời gian 10 ngày làm việc; thông báo bằng văn bản
những trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn (nêu lý do cụ thể); xử lý dứt điểm,
có kết luận những khiếu nại trước khi gửi hồ sơ các trường hợp đủ điều kiện,
tiêu chuẩn lên Hội đồng cấp trên.
Điều 12. Thành phần
Hội đồng
1. Hội đồng cấp cơ sở: gồm từ 7 – 9 thành
viên
a) Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch Hội văn học-
nghệ thuật.
Trường hợp Chủ tịch Hội văn học, nghệ thuật
đang có tác phẩm, công trình đăng ký đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc
Giải thưởng Nhà nước thì Phó Chủ tịch Hội văn học, nghệ thuật làm Chủ tịch Hội
đồng.
Trường hợp cả Chủ tịch Hội văn học, nghệ
thuật và Phó Chủ tịch Hội văn học, nghệ thuật đều đang đăng ký tác phẩm, công
trình đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước thì báo cáo
lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch quyết định Chủ tịch Hội đồng.
b) Thành viên Hội đồng: Các nhà chuyên môn,
chuyên gia có uy tín và am hiểu sâu lĩnh vực chuyên ngành; các nhà quản lý am
hiểu sâu lĩnh vực chuyên ngành; một số tác giả tiêu biểu đã được tặng Giải
thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật;
2. Hội đồng cấp bộ, ngành, tỉnh: từ 11 đến 15
thành viên;
a) Chủ tịch Hội đồng cấp bộ, ngành, tỉnh: Bộ
trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương.
b) Thành viên Hội đồng: Các nhà chuyên môn,
chuyên gia có uy tín và am hiểu sâu lĩnh vực chuyên ngành; các nhà quản lý am
hiểu sâu lĩnh vực chuyên ngành; đại diện Ban tuyên giáo, Đại diện Ban thi đua
khen thưởng tỉnh (đối với cấp tỉnh) một số tác giả tiêu biểu đã được tặng Giải
thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
3. Việc quyết định thành lập Hội đồng và tổ
thư ký giúp việc Hội đồng:
a) Chủ tịch Hội văn học, nghệ thuật quyết
định thành lập Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng cấp cơ sở được sử dụng con dấu của
Hội văn học nghệ thuật do Chủ tịch Hội đồng phụ trách. Hội đồng có tổ thư ký
giúp việc do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
b) Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Hội đồng cấp tỉnh. Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực, giúp việc Hội đồng cấp tỉnh. Hội
đồng được sử dụng con dấu của cơ quan thường trực. Hội đồng có tổ thư ký giúp
việc do Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập.
c) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ
quyết định thành lập Hội đồng cấp bộ và tổ thư ký giúp việc.
Điều 13. Hồ sơ của
Hội đồng các cấp
1. Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí
Minh về văn học, nghệ thuật của Hội đồng các cấp bao gồm:
a) Tờ trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ
Chí Minh (mẫu 2a);
b) Danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ
Chí Minh (mẫu 3a);
c) Biên bản họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng
Hồ Chí Minh (mẫu 4a);
d) Biên bản kiểm phiếu bầu Giải thưởng Hồ Chí
Minh (mẫu 5a) kèm theo phiếu bầu (mẫu 7a);
đ) Báo cáo quá trình tổ chức xét tặng Giải
thưởng Hồ Chí Minh (mẫu 6a);
e) Hồ sơ cá nhân quy định tại Điều 8 Thông tư
này;
g) Quyết định thành lập Hội đồng.
2. Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà
nước về văn học, nghệ thuật của Hội đồng các cấp bao gồm:
a) Tờ trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà
nước (mẫu 2b);
b) Danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà
nước (mẫu 3b);
c) Biên bản họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng
Nhà nước (mẫu 4b);
d) Biên bản kiểm phiếu bầu Giải thưởng Nhà
nước (mẫu 5b) kèm theo phiếu bầu (mẫu 7b);
đ) Báo cáo quá trình tổ chức xét tặng Giải
thưởng Nhà nước (mẫu 6b);
e) Hồ sơ cá nhân quy định tại Điều 8 Thông tư
này;
g) Quyết định thành lập Hội đồng.
3. Số lượng hồ sơ Hội đồng các cấp
a) Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng cấp bộ,
ngành tỉnh: 05 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
b) Hội đồng cấp bộ, ngành tỉnh trình Hội đồng
cấp Nhà nước (qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): 04 bộ hồ sơ theo quy định
tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Chương IV
TRÁCH
NHIỆM THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm
của tổ chức, cá nhân
1. Chủ tịch Hội đồng cấp cơ sở, Chủ tịch Hội
đồng cấp bộ, ngành, tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác trong việc xét chọn
hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn
học, nghệ thuật, đồng thời có trách nhiệm giải quyết khiếu nại thuộc phạm vi
trách nhiệm Hội đồng của mình.
2. Tác giả, đồng tác giả, người đại diện hợp
pháp của tác giả, đồng tác giả đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải
thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật chịu trách nhiệm về tính chính xác,
trung thực trong việc kê khai, đăng ký tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm
công trình của mình.
3. Cá nhân, đơn vị xác nhận, thẩm định sai sự
thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ cho người khác để đề nghị Giải thưởng Hồ Chí
Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật thì tùy theo tính chất, mức
độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm
hình sự.
Điều 15. Khiếu nại và
giải quyết khiếu nại
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết
quả xét chọn và việc vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét nếu thấy vi phạm.
a) Đơn khiếu nại của cơ quan, tổ chức phải
ghi rõ tên cơ quan, đơn vị khiếu nại, lý do khiếu nại; có dấu và chữ ký của cấp
có thẩm quyền.
b) Đơn khiếu nại của cá nhân phải ghi rõ họ,
tên, chức danh, địa chỉ người khiếu nại, lý do khiếu nại, có chữ ký trực tiếp
vào đơn (không in, sao chữ ký).
c) Đơn thư khiếu nại gửi Chủ tịch Hội đồng
nơi tổ chức, cá nhân thấy vi phạm.
2. Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh,
Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cấp nào có đơn thư khiếu nại thì
Chủ tịch Hội đồng cấp đó có trách nhiệm xem xét và trả lời dứt điểm đơn thư
khiếu nại đó; không xem xét đơn thư khiếu nại không có tên, không có địa chỉ
hoặc đơn thư mạo danh.
Điều 16. Hiệu lực thi
hành
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ
ngày ký và thay thế Thông tư số 23/2007/TT- BVHTT ngày 27 tháng 7 năm 2007 của
Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải
thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
2. Chủ tịch các Hội Văn học, nghệ thuật, thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền phổ
biến, triển khai thực hiện Thông tư này cho các đối tượng biết và thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch (qua Vụ Thi đua - Khen thưởng) để kịp thời nghiên cứu, sửa
đổi./.
Nơi nhận:
Thủ
tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
Văn phòng Chủ tịch nước;
Văn phòng Chính phủ;
Văn phòng Quốc hội;
Toà án nhân dân tối cao;
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
Ban Tuyên giáo Trung ương;
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam;
Các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
Các cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
Hội VHNT Trung ương;
Hội VHNT các tỉnh, t/p trực thuộc TW;
Sở VHTTDL;
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL;
Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
Công báo;
Website Chính phủ;
Lưu: VT, TĐ-KT (2), TK (500).
|
BỘ TRƯỞNG
Hoàng Tuấn Anh
|
FILE ĐƯỢC
ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|