VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
54/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2010
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG
KẾT CÔNG TÁC NĂM 2009, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2010 CỦA BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC
Ngày 20 tháng 01 năm 2010, tại Phú
Thọ, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội
nghị tổng kết công tác năm 2009, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 của Ban
Chỉ đạo Tây Bắc. Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đại diện lãnh đạo
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Hội Chữ
thập đỏ Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh trong Vùng.
Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo
Tây Bắc báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2009, mục tiêu nhiệm vụ năm
2010 và ý kiến tham gia của các đại biểu, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết
luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
Năm 2009, trong bối cảnh thuận lợi
đan xen nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khủng hoảng tài chính và suy thoái
kinh tế thế giới, thiên tai, dịch bệnh; cùng với nó là các thế lực thù địch gia
tăng hoạt động chống phá với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới … Song, với sự quyết
tâm, nỗ lực cao, Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong Vùng đã khắc
phục khó khăn, vượt qua thử thách, để hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ công tác,
góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Kinh tế các tỉnh Vùng Tây Bắc giữ được
ổn định và có bước tăng trưởng, trong đó: sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng
thủy sản đạt kết quả khá; đề án trồng cây cao su và phát triển vùng chuyên canh
tập trung tiếp tục được nhiều địa phương chú trọng và bước đầu có kết quả; sản
xuất công nghiệp được phục hồi sớm và phát triển; lĩnh vực thương mại, dịch vụ
được mở rộng; kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông được cải thiện đáng
kể.
Công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm
an sinh xã hội được tập trung cao và tạo sự chuyển biến rõ rệt nhất là việc triển
khai Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, đã huy động được
cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các cộng đồng dân
cư tích cực tham gia. Công tác giáo dục – đào tạo, y tế được quan tâm, chú trọng.
Hoạt động văn hóa, thông tin thể dục, thể thao được đẩy mạnh.
Tình hình tôn giáo trên địa bàn cơ
bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Chủ quyền, biên giới Quốc gia được
giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị các cấp tiếp tục
được củng cố, tăng cường; chất lượng hoạt động từng bước nâng lên …
Hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc
đã có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả hơn. Cơ quan chuyên trách và các
thành viên kiêm nhiệm đã phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đề xuất được những
giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng còn
nhiều khó khăn: Tốc độ tăng trưởng GDP khá cao nhưng quy mô còn nhỏ và chưa bền
vững; tiến độ thi công một số tuyến giao thông còn chậm và chưa đồng bộ; hiệu
quả quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng còn thấp; việc giao đất, giao
rừng trên thực địa còn nhiều khó khăn. Tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy,
khai thác, buôn bán lâm sản trái phép ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp. Công
tác quản lý, khai thác chế biến khoáng sản ở một số địa phương còn nhiều bất cập.
Việc triển khai thực hiện Thông báo
160 của Ban Bí thư và Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối
với đạo Tin lành ở một số tỉnh còn chậm, hiệu quả chưa cao. Di cư tự do còn diễn
biến phức tạp. Tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội (nhất là ma túy, mại dâm,
HIV/AIDS) chưa được đầy lùi. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là ở
vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập. Cải
cách thủ tục hành chính ở một số địa phương còn chậm.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG
TÂM NĂM 2010
Trong quá trình triển khai thực hiện
Nghị quyết của Trung ương và các địa phương về nhiệm vụ công tác năm 2010, Ban
Chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo thực
hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Đối với các địa
phương trong Vùng:
- Cùng với việc chỉ đạo thực hiện
có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng
năm 2010, cần tập trung chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp
theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị 37-CT/TW ngày 04/8/2009.
Khi xây dựng các văn kiện, báo cáo trình Đại hội cần tập trung xác định mục
tiêu, huy động nguồn lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, đẩy
nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết những vấn đề mà nhân dân quan tâm.
Chú trọng làm tốt công tác nhân sự; chăm lo tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi
dưỡng để chuẩn bị đội ngũ cán bộ có năng lực, có phẩm chất tốt cho nhiệm kỳ mới
và những năm tiếp theo.
Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp
cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh”; năm 2010 cần hướng trọng tâm cuộc vận động vào công
tác xây dựng Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc
“làm theo”, nhất là đối với cán bộ chủ chốt. Chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng,
trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng chi bộ thành hạt nhân chính trị lãnh đạo,
chỉ đạo ở cơ sở.
- Tiếp tục rà soát lại quy hoạch
các ngành, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là phát triển nông nghiệp, nông
thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân,
nông thôn; đồng thời, làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng, chống
cháy rừng có hiệu quả.
Chú trọng xây dựng các mô hình liên
kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, giải quyết hài hòa các mối quan hệ về sử
dụng đất đai, lao động, tiền vốn, kỹ thuật công nghệ, chế biến và tiêu thụ sản
phẩm để phát triển kinh tế hàng hóa. Rà soát quy hoạch vùng, ngành; thúc đẩy
hình thành vùng chuyên canh tập trung, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa quy mô
lớn, có sức cạnh tranh cao của mỗi địa phương và của cả vùng.
Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng
gắn với định canh, định cư, sắp xếp dân cư; phát triển mạnh chăn nuôi đại gia
súc, nuôi trồng thủy sản. Giải quyết đất ở, đất sản xuất, ổn định lâu dài; hạn
chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng lầm rẫy; thực hiện tốt việc giải quyết
nước sinh hoạt phục vụ nhân dân. Triển khai rộng rãi, chương trình xây dựng
nông thôn mới.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công các
công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm, các
tuyến liên tỉnh, huyện và đường đến trung tâm xã. Huy động rộng rãi các nguồn lực
của doanh nghiệp và các cộng đồng dân cư, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để
xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu nước cho trồng trọt,
chăn nuôi, nước sinh hoạt và cải thiện môi trường.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành
chính, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút, đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình tháo gỡ khó khăn trong
sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển sản xuất hàng hóa. Thực hiện tốt các giải
pháp kích thích phát triển kinh tế; các dự án ổn định dân cư, đưa dân trở lại
biên giới. Chủ động phòng, chống bão, lũ, giảm nhẹ thiên tai; tổ chức di dân ra
khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
- Huy động tổng hợp các nguồn lực để
thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, ổn định và cải thiện đời sống cho nhân
dân. Tiếp tục triển khai tích cực, có hiệu quả Chương trình giảm nghèo tại 43
huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Hoàn thành việc hỗ trợ đồng bào
nghèo xóa nhà tạm, xây dựng nhà kiên cố. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực, tập trung phát triển giáo dục, dạy nghề cho thanh niên, nâng cao
trình độ cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số.
- Chăm lo xây dựng lực lượng vũ
trang địa phương vững mạnh toàn diện; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ
quyền, biên giới quốc gia. Tăng cường hợp tác xây dựng tuyến biên giới hòa
bình, hữu nghị, mở rộng các hoạt động giao lưu kinh tế, thu hút đầu tư. Thực hiện
có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo theo pháp luật.
2. Đối với các Bộ,
ban, ngành Trung ương liên quan:
- Xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa nhiệm
vụ năm 2010 thành chương trình công tác để thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết
của Đảng, Nhà nước và việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính
trị Vùng Tây Bắc; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong Vùng để
tháo gỡ khó khăn, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm thực hiện có
hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển Vùng Tây Bắc.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối
hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận
tải và các Bộ, ngành liên quan xem xét cân đối, bố trí vốn để tăng cường nguồn
lực đầu tư cho các địa phương trong Vùng; nghiên cứu xây dựng chính sách hợp
tác liên kết, điều phối phát triển kinh tế Vùng Tây Bắc và giữa các vùng trong
cả nước; phối hợp với các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển tiếp tục đẩy mạnh
hợp tác giúp các địa phương miền núi, biên giới để khai thác tốt tiềm năng, thế
mạnh của Vùng, nhằm phát triển nhanh và bền vững.
3. Đối với Ban Chỉ
đạo Tây Bắc:
- Bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà
nước về nhiệm vụ của Vùng để tăng cường sự phối hợp với các Bộ, ngành, địa
phương làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, trong đó chú trọng
Chương trình xây dựng nông thôn mới; các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao
thông, thủy lợi; công tác an sinh xã hội và các chính sách giảm nghèo đối với
43 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; các chính sách về giáo dục
đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; giải quyết vấn đề dân di cư tự do; thực hiện
chủ trương hợp tác, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Trung
Quốc; việc thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đối với đạo
Tin lành …
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên
cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất tham mưu tổng hợp với Đảng, Nhà nước về các giải
pháp, cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế
của Vùng. Chú trọng nghiên cứu, tổng kết các mô hình phát triển trang trại, trồng
và bảo vệ rừng, chăn nuôi đại gia súc, phát triển vùng chuyên canh chè, cao su
…; cơ chế thu hút đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, thủy điện vừa và nhỏ,
khai thác và chế biến khoáng sản, nông lâm sản, kinh tế cửa khẩu; cơ chế phân bổ
và quản lý nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án đã được phê duyệt; chính
sách hỗ trợ, kích thích phát triển kinh tế trong Vùng.
Chuẩn bị Hội nghị tổng kết việc thực
hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định 79/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ; đẩy mạnh chủ trương hợp tác, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam – Lào;
Việt Nam – Trung Quốc ổn định, hợp tác và phát triển.
- Chỉ đạo và tổ chức phối hợp tốt
các lực lượng, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương để chủ động xử
lý các tình huống, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa
bàn, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội đảng các cấp; làm tốt công tác bảo
vệ chính trị nội bộ và công tác cán bộ.
- Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất
lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo, đề cao vai trò các thành viên kiêm nhiệm, nâng
cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan chuyên trách và Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị
quyết 37 của các địa phương.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tỉnh Vùng Tây Bắc
tổ chức thực hiện.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công an, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động – Thương binh và xã hội,
Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Quốc phòng,
Ngoại giao;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh vùng Tây Bắc;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Các Vụ: TH, KTTH, NC, TKBT, KTN, KGVX;
- Lưu: VT, ĐP (5)
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Văn Trọng Lý
|