VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
161/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2010
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI
TỈNH BẮC NINH
Ngày 25 tháng 5 năm 2010, Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Ninh. Cùng đi với
Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
và lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động – Thương binh và Xã hội,
Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo
cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 – 2010);
định hướng, mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015 và một số kiến nghị
của Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết
luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
Biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực
phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh và những kết quả đã
đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong 5 năm qua, nhất là trong
2 năm chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới,
thiên tai, dịch bệnh nhưng cùng với cả nước, Bắc Ninh đã khai thác tốt các tiềm
năng, lợi thế và có bước phát triển nhanh, cụ thể: kinh tế tăng trưởng cao
(GDP), tăng bình quân hàng năm 15,1%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo
hướng tích cực, trong đó tỷ trọng công nghiệp – xây dựng đạt 64,8%, dịch vụ đạt
24,2%, nông nghiệp giảm còn 11%; giá trị tổng sản lượng năm 2010 ước đạt 29.500
tỷ đồng và tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 9.633 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 3.500
tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2005; GDP bình quân đầu người đạt 1.800 USD.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế,
giáo dục và đào tạo được tiếp tục quan tâm, chú trọng; 100% trạm y tế xã đạt
chuẩn quốc gia; 95,5% phòng học được kiên cố hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%;
giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động/năm. Công tác phòng, chống tham
nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường; quốc
phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Bắc Ninh vẫn còn một số
tồn tại, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới, cụ thể: chất lượng hiệu quả
tăng trưởng chưa cao và bền vững; lao động trong nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng
lớn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh nhưng trong nội bộ ngành còn thiếu bền vững,
đặc biệt trong công nghiệp tỷ lệ gia công còn chiếm tỷ trọng lớn, công nghiệp chế
tạo, công nghiệp phù trợ còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; vấn đề
giải quyết nhà ở và chăm lo đời sống cho công nhân lao động khu công nghiệp
chưa được quan tâm đúng mức; việc bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường tại
các làng nghề chưa được xử lý triệt để.
II. NHIỆM VỤ
TRONG THỜI GIAN TỚI
Năm 2010 là năm cuối của Kế hoạch 5
năm (2006 – 2010) và là năm có ý nghĩa quan trọng để Bắc Ninh và cả nước hoàn
thành kế hoạch mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra. Để thực hiện thắng
lợi nhiệm vụ năm 2010, trong thời gian tới, Tỉnh cần tiếp tục phát huy những
thành tựu đã đạt được, phân tích, làm rõ các tồn tại, yếu kém để có giải pháp
phù hợp, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm
vụ kế hoạch đã đề ra, trong đó lưu ý một số việc:
1. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết
liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm
2010 với mức GDP tăng 17%; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh
sản xuất, kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư năm
2010, đồng thời chỉ đạo, tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó Nghị quyết
Đại hội cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, có
tính khả thi cao và làm tốt công tác cán bộ gắn với nâng cao hiệu quả công việc.
2. Với vị trí nằm trong vùng kinh tế
trọng điểm Bắc Bộ, là đô thị vệ tinh trong quy hoạch vùng Thủ Đô Hà Nội, có hạ
tầng, nguồn nhân lực khá tốt, có đà phát triển mạnh trong 5 năm qua, Tỉnh cần
phát huy tiềm năng, lợi thế trên để phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu
trong 5 năm tới Bắc Ninh phát triển thành một trung tâm công nghiệp công nghệ
cao, nông nghiệp có sản phẩm chất lượng cao, gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng
thời là trung tâm dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng,
khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
3. Tập trung rà soát, bổ sung điều
chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch
các khu công nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất
trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu phát triển.
4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công
nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường, nhất là xử
lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; tăng cường hơn nữa kêu gọi đầu tư, tạo
điều kiện thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào
đầu tư tại Tỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực như công nghệ
thông tin, công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng giá trị
gia công trong sản phẩm công nghiệp.
5. Tiếp tục làm tốt công tác cải
cách hành chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đồng thời, cần quan tâm
hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhất là dạy nghề, phát
triển nguồn nhân lực có chất lượng; tăng cường công tác quốc phòng – an ninh,
giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; quan tâm đến vấn đề an sinh
xã hội nhất là phúc lợi cho người lao động tại các khu công nghiệp.
III. VỀ MỘT SỐ
KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc lập Quy hoạch tỉnh Bắc
Ninh trở thành đô thị loại II vào năm 2020: đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh làm việc
với Bộ Xây dựng để lập quy hoạch theo quy định.
2. Về việc đầu tư dự án cải tạo,
nâng cấp đường 282 thành Quốc lộ và xây dựng cầu qua sông Đuống; giao Bộ Giao
thông vận tải chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài
chính để tính toán, xác định nguồn vốn đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về hỗ trợ vốn thực hiện Chương
trình xây dựng nông thôn mới: căn cứ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã được
phê duyệt, Tỉnh làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn
lập Đề án, tính toán cụ thể các hạng mục đầu tư (giao thông, thủy lợi, cụm dân
cư …), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung cả nước, đề xuất nguồn vốn, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ.
4. Về việc đầu tư và bố trí vốn thực
hiện các dự án: nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi sông Ngũ Huyện Khê, cải tạo
môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm; hệ thống đê sông Cầu, sông Đuống: Tỉnh
chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, giải ngân hết số vốn đã được bố trí trong
kế hoạch; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, xác định nguồn vốn đối với khối lượng
còn lại của các dự án trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Đối với việc đầu tư Khu tưởng niệm
cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh làm việc với Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch bảo đảm quy hoạch chung, quy mô phù hợp, hoàn thiện và
phê duyệt dự án theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ
Tài chính cân đối nguồn vốn, hỗ trợ để Tỉnh thực hiện sau khi dự án được cấp có
thẩm quyền phê duyệt.
6. Về việc hỗ trợ vốn để xử lý ô
nhiễm môi trường làng nghề: Tỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị định số
04/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ và Quyết định số
58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
7. Về hỗ trợ vốn để xử lý chất thải
y tế: Tỉnh làm việc với Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan lập dự án đầu tư
và trình duyệt theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, cân
đối bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để hỗ trợ Tỉnh thực hiện.
8. Về việc hỗ trợ đầu tư trang thiết
bị bệnh viện đa khoa 1000 giường: Tỉnh làm việc với Bộ Y tế theo hướng vận động
các nguồn vốn ODA để thực hiện.
9. Về thành lập Cục hải quan Bắc
Ninh: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ, ngành có liên
quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
10. Về hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng
làng Đại học của Tỉnh: Tỉnh làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quy
mô đào tạo, cơ cấu nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Bộ Công Thương sớm hoàn thiện
chính sách ưu đãi công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ, trình Thủ tướng Chính
phủ.
12. Về việc nâng mức đầu tư lĩnh vực
văn hóa – xã hội đối với những Tỉnh có nhiều khu công nghiệp: giao Bộ Tài chính
rà soát các chế độ, chính sách hiện đang áp dụng cho các tỉnh có khu công nghiệp,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
13. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn khẩn trương hướng dẫn về cơ chế, chính sách đối với hệ thống thú y cơ
sở (xã, thôn) để các địa phương thực hiện.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan quản lý biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận
tải, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã
hội, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT; các Vụ: TKBT, TH, KTTH, KTN, KGVX;
- Lưu: VT, ĐP (6).
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Nguyễn Xuân Phúc
|