ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 888/QĐ-UBND
|
Bắc Ninh, ngày 27
tháng 08 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ HỘI CỰU
GIÁO CHỨC TỈNH BẮC NINH
CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010
của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội; Nghị định số
33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 45/2010/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013
của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định
số 33/2012/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Xét đề nghị của Chủ tịch Cựu
giáo chức tỉnh Bắc Ninh và Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều lệ Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh đã được Đại
hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2014-2019 thông qua ngày 25/7/2014.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chủ tịch Cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Sở Nội vụ và
Chánh Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu: VT, NC, CVP.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Nhân Chiến
|
ĐIỀU LỆ
HỘI
CỰU GIÁO CHỨC TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 888/QĐ-UBND ngày 27/8/2014 của Chủ tịch
UBND tỉnh Bắc Ninh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi
Tên gọi của hội là: Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh
Điều 2. Tôn chỉ mục đích của
hội
Hội cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh là tổ chức xã hội -
nghề nghiệp của những người nguyên là nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức
trong các trường học, các cơ sở và cơ quan giáo dục - đào tạo. Hội Cựu giáo chức
tỉnh Bắc Ninh được thành lập nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội
viên, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, năng lực trí tuệ và phẩm chất
tốt đẹp của nhà giáo, tiếp tục góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục
- đào tạo phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hóa
- hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng,
dân chủ, văn minh".
Điều 3: Lĩnh vực và phạm vi
hoạt động của hội.
1. Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh hoạt động trong
lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh chịu sự quản lý
Nhà nước Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan cơ liên quan; được sự bảo trợ của
Công đoàn ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Bắc Ninh.
3. Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh có tư cách pháp
nhân, có con dấu, có tài khoản tại Kho bạc, Ngân hàng. Hội sử dụng biểu tượng của
Hội Cựu giáo chức Việt Nam.
4. Hội hoạt động theo điều lệ Hội được chủ tịch
UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt. Hội tuân thủ hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
5. Trụ sở của Hội đặt tại Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh
Bắc Ninh.
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYÊN HẠN CỦA
HỘI
Điều 4. Nhiệm vụ của hội
1. Tập hợp đoàn kết đội ngũ Cựu giáo chức trong tỉnh,
phát huy tiềm năng trí tuệ của hội viên tham gia các hoạt động giáo dục - đào tạo.
Đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền
các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục, trường học trong tỉnh về thực hiện đường
lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục
- đào tạo.
2. Đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội
viên, tạo điều kiện để các CGC trong tỉnh tiếp tục giao lưu tình cảm nghề nghiệp,
chăm sóc giúp đỡ nhau về tinh thần, vật chất, tương trợ nhau khi gặp khó khăn
trong cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản chất cách mạng của dân tộc, truyền thống
tốt đẹp của giáo giới Bắc Ninh, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.
3. Hoà giải, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố
cáo trong nội bộ Hội Cựu giáo chức tỉnh theo quy định của pháp luật và điều lệ
hội.
Điều 5. Quyền hạn của hội
1. Phối hợp với các cơ quan giáo dục, các trường học,
các ban ngành đoàn thể, các hội chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, góp phần thực hiện
"Giáo dục cho mọi người", "Xây dựng xã hội học tập", thực
hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục.
2. Được lập quỹ hội trên cơ sở đóng góp của hội
viên, tài trợ của Nhà nước, của ngành giáo dục - đào tạo và các nguồn thu hợp
pháp khác theo quy định của pháp luật để tạo kinh phí cho hoạt động của hội.
3. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
4. Được tổ chức, phối hợp hoạt động, giao lưu giữa
các cấp hội, hội viên, lập các câu lạc bộ trong phạm vi hội trên các mặt giáo dục
đào tạo, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể
thao...vì lợi ích chung của hội. Được hoạt động dịch vụ trong khuôn khổ pháp luật
phục vụ nhu cầu của hội viên.
5. Được tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm
pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.
Được tham gia các chương trình, dự án, đề tài liên quan đến lĩnh vực hoạt động
của hội khi được các cơ quan Nhà nước giao.
Chương III
HỘI VIÊN
Điều 6. Điều kiện trở thành hội
viên
Công dân Việt Nam nguyên là nhà giáo, cán bộ, công
chức, viên chức trong các trường học, các cơ sở và cơ quan giáo dục - đào tạo không
vi phạm pháp luật của Nhà nước, tán thành điều lệ hội, tự nguyện gia nhập hội đều
có thể trở thành hội viên.
Điều 7. Thủ tục kết nạp hội viên
Cựu giáo chức vào hội tự nguyện viết đơn tham gia
nhập hội. Ban chấp hành hội cơ sở xem xét quyết định kết nạp và cấp thẻ hội
viên. Khi hội viên muốn ra khỏi hội phải tự mình đề nghị, được Ban chấp hành Hội
cơ sở đồng ý và thu lại thẻ hội viên.
Điều 8. Quyền của hội viên
1. Thực hiện quyền dân chủ, bình đẳng khi thảo luận
các công việc của hội; ứng cử, đề cử, bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của hội.
Phê bình, chất vấn các cơ quan lãnh đạo hoặc cán bộ lãnh đạo của hội. Kiến nghị
bãi miễn cán bộ hội có sai phạm.
2. Yêu cầu Hội can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng khi bị xâm phạm. Được thăm hỏi, giúp đỡ khi gặp khó khăn trong
cuộc sống.
3. Tham gia các sinh hoạt tư vấn, hội thảo khoa học
và sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao,
du lịch, nghỉ ngơi do hội tổ chức.
Điều 9. Nghĩa vụ của hội viên
1. Chấp hành, thực hiện điều lệ và nghị quyết của hội.
Gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước.
2. Tham gia sinh hoạt và các hoạt động của hội, thực
hiện tốt nhiệm vụ được hội phân công.
3. Đóng hội phí, tuyên truyền phát triển hội viên mới,
xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Điều 10. Thẻ hội viên
Dùng mẫu thẻ của Hội cựu giáo chức Việt Nam, do Hội
cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh ấn hành để cơ sở cấp khi kết nạp hội viên và thu hồi
khi hội viên ra khỏi hội.
Chương IV
TỐ CHÚC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
Điều 11. Nguyên tắc tổ chức hoạt động
Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh hoạt động theo
nguyên tắc tự nguyện, dân chủ công khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật,
tuân thủ pháp luật và điều lệ hội.
Điều 12. Tổ chức Hội cựu giáo chức
1. Các cấp Hội trong tỉnh.
a) Ở cấp tỉnh là Hội cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh.
b) Ở cấp huyện, thị xã, thành phố là Hội cựu giáo
chức huyện, thị xã, thành phố.
c) Ở cấp xã, phường, thị trấn là Hội cựu giáo chức
xã, phường, thị trấn.
Việc quyết định thành lập và phê duyệt điều lệ Hội
Cựu giáo chức huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn theo quy định của
pháp luật.
d) Chi hội Cựu giáo chức ở các trường học, các cơ sở
và cơ quan giáo dục - đào tạo thuộc tỉnh là chi hội trực thuộc Hội Cựu giáo chức
tỉnh.
2. Tổ chức Hội cựu giáo chức tỉnh.
a) Đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu hội viên.
b) Ban chấp hành, Ban thường vụ.
c) Bn kiểm tra.
d) Văn phòng hội, các ban và tổ công tác của hội.
Điều 13. Đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu
1. Đại hội là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của hội,
được tổ chức theo nhiệm kỳ 5 năm một lần. Đại hội được coi là hợp lệ khi có mặt
2/3 (hai phần ba) tổng số đại biểu chính thức được triệu tập.
2. Nhiệm vụ chính của Đại hội nhiệm kỳ.
a) Thông qua điều lệ hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung
điều lệ.
b) Thảo luận báo cáo tổng kết và phương hướng hoạt
động hội trong nhiệm kỳ.
c) Thảo luận báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Ban chấp
hành.
d) Bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra. số lượng ủy viên Ban chấp hành, Ban kiểm tra do Đại hội
quyết định.
e) Suy tôn Chủ tịch danh dự của Hội.
g) Thảo luận và thông qua Nghị quyết đại hội.
3. Nguyên tắc biểu quyết tại đại hội.
Đại hội quyết định hình thức biểu quyết bằng giơ
tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc biểu quyết thông qua các quyết định của Đại hội phải
được trên 1/2 (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tán thành.
4. Ban chấp hành có thể triệu tập Đại hội toàn thể
hoặc đại hội đại biểu bất thường của Hội nếu có đề nghị của ít nhất 2/3 (hai phần
ba) tổng số ủy viên Ban chấp hành hoặc đề
nghị của trên 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức hoặc theo yêu cầu
của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền
theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Ban chấp hành
1. Ban chấp hành là cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội
trong nhiệm kỳ. Ban chấp hành xây dựng quy chế hoạt động, họp ít nhất một năm một
lần, các kỳ họp Ban chấp hành hợp lệ khi có mặt 2/3 (hai phần ba) tổng số ủy viên Ban chấp hành. Các nghị quyết, quyết định
của Ban chấp hành được thông qua bằng biểu quyết và chỉ có hiệu lực khi có trên
50% tổng số ủy viên Ban chấp hành dự họp
tán thành.
2. Ban chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn.
a) Bầu cử các chức danh: Chủ tịch, Phó chủ tịch,
các ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban kiểm
tra hội. Bầu cử và bãi miễn các chức danh trên bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ
phiếu kín.
b) Quyết định kế hoạch và các biện pháp thực hiện
nghị quyết đại hội. Giải quyết các vấn đề phát sinh trong nhiệm kỳ đại hội.
c) Quyết định chương trình công tác hàng năm hoặc
chương trình công tác giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành và kiểm điểm thực hiện.
d) Phê duyệt các tổ chức được thành lập theo điều lệ
hội và quy định của pháp luật.
e) Quy định cụ thể các nguyên tắc, chế độ quản lý,
quy chế sử dụng tài chính của hội, quy chế tổ chức và hoạt động của văn phòng hội.
g) Thông qua kế hoạch và quyết toán tài chính hàng
năm, cả nhiệm kỳ.
h) Bầu bổ sung các ủy
viên Ban chấp hành trong nhiệm kỳ nhưng không quá 1/3 (một phần ba) tổng số ủy viên Ban chấp hành do đại hội quy định.
i) Quyết định triệu tập đại hội, thông qua chương
trình nghị sự, nội dung tài liệu, nhân sự trình đại hội.
Điều 15. Ban thường vụ
1. Ban thường vụ Hôi Cựu giáo chức tỉnh gồm có Chủ
tịch, các Phó chủ tịch và một số ủy viên,
số lượng Ban thường vụ không quá 1/3 (một phần ba) tổng số ủy viên Ban chấp hành.
2. Ban thường vụ hội chỉ đạo thực hiện các nghị quyết
của Ban chấp hành, điều hành các hoạt động giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành,
báo cáo hoạt động của Ban thường vụ tại kỳ họp của Ban chấp hành.
3. Ban thường vụ cử ra thường trực gồm Chủ tịch,
Phó chủ tịch và một số ủy viên để điều
hành công việc giữa hai kỳ họp Ban thường vụ.
4. Hội nghị thường kỳ của Ban thường vụ họp ít nhất
6 tháng một lần.
Điều 16. Chủ tịch và Phó Chủ tịch hội
1. Chủ tịch hội do Ban chấp hành bầu có nhiệm vụ và
quyền hạn.
a) Đại diện pháp nhân của hội trước pháp luật, là chủ
tài khoản của hội.
b) Tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của
đại hội, hội nghị toàn thể và các nghị quyết của Ban chấp hành.
c) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban chấp
hành.
d) Chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành, hội viên
và pháp luật về các hoạt động của hội.
e) Quyết định thành lập các tổ chức trực thuộc hội
khi có nghị quyết của Ban thường vụ và được sự nhất trí của Ban chấp hành. Ký
quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự các tổ
chức thuộc hội theo quy định về phân cấp quản lý công tác tổ chức, biên
chế, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; cán bộ, công chức cấp xã và công
tác tổ chức, cán bộ ở doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh.
2. Phó chủ tịch là người giúp Chủ tịch trong công
tác quản lý và điều hành hội, được Chủ tịch ủy
nhiệm, phân công trực tiếp phụ trách một số công việc của hội. Triệu tập và chủ
trì cuộc họp của Ban chấp hành khi Chủ tịch vắng mặt.
Điều 17. Văn phòng hội
1. Bộ máy và quy chế hoạt động của Văn phòng hội do
Ban chấp hành phê duyệt.
2. Cán bộ nhân viên văn phòng là những người có
trình độ chuyên môn về công tác văn phòng, nhiệt tình và có trách nhiệm trong
công tác hội, kiêm nhiệm hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng, được hưởng lương
hoặc phụ cấp trách nhiệm theo quy định của hội.
Điều 18. Ban kiểm tra
1. Ban kiểm tra của Hội do Đại hội bầu, từ 3 đến 5 ủy viên do Đại hội quyết định. Ban Kiểm tra gồm
Trưởng ban và một số ủy viên.
2. Ban kiểm tra có nhiệm vụ và quyền hạn
a) Kiểm tra, giám sát các hoạt động của hội và hội
viên trong việc chấp hành điều lệ và nghị quyết của hội.
b) Kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài
chính, tài sản của hội.
c) Phối hợp với
Ban thường vụ hoặc cơ quan quản lý của Nhà nước để giải quyết tranh chấp nội bộ,
các đơn, thư khiếu nại của hội viên, tổ chức hội theo quy định của pháp luật và
điều lệ hội. Báo cáo kết luận của Ban kiểm tra để Ban thường vụ hoặc Ban chấp
hành thông báo kết luận của hội đến hội viên và tổ chức hội.
3. Ban kiểm tra có nhiệm kỳ cùng nhiệm kỳ của Ban
chấp hành. Các ủy viên Ban kiểm tra không
là ủy viên Ban chấp hành được mời dự các kỳ họp của Ban chấp hành hội.
Chương V
TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN
Điều 19. Tài chính và tài sản của hội
1 .Các khoản thu của hội.
a) Hội phí hàng năm do hội viên đóng góp theo quy định
(áp dụng cho các chi hội cựu giáo chức trực thuộc. Hội cựu giáo chức tỉnh không
có khoản thu này).
b) Kinh phí hỗ trợ của UBND và ngành giáo dục - đào
tạo cấp.
c) Các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức và cá
nhân.
d) Các nguồn thu do hoạt động của hội theo quy định
của pháp luật.
e) Các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Các khoản chi của hội.
a) Chi các hoạt động của Văn phòng hội, của Ban chấp
hành, chi các hội nghị và đại hội.
b) Chi lương, phụ cấp, công tác phí.
c) Chi thông tin, tuyên truyền, hoạt động văn thể,
khen thưởng thi đua.
d) Chi các hoạt động của Ban kiểm tra.
e) Chi hoạt động thực hiện nhiệm vụ của hội.
g) Chi mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị
làm việc của hội.
h) Các khoản chi hợp pháp khác.
3. Các khoản thu, chi của hội đảm bảo đúng nguyên tắc,
đúng mục đích hiệu quả, đúng quy định của hội và Nhà nước về quản lý tài chính.
4. Tài sản của hội.
a) Trụ sở, trang thiết bị văn phòng của hội do
ngành giáo dục - đào tạo tạo điều kiện; các tài sản do các tổ chức, cá nhân tặng
và do hội mua sắm.
b) Hội nhận và quản lý, sử dụng tài sản theo quy định
của pháp luật.
5. Ban chấp hành hội quy định quy chế về quản lý, sử
dụng tài chính, tài sản của hội đúng quy định của Nhà nước và cơ quan tài
chính. Kiểm tra tài chính và tài sản hàng năm của hội được báo cáo công khai
trong Hội nghị Ban chấp hành và tổng hợp quyết toán báo cáo tại đại hội nhiệm kỳ.
Chương VI
GIẢI THỂ HỘI
Điều 20. Giải thể hội
1. Trường hợp, hội tự giải thể theo nghị quyết đại
hội % Nghị quyết giải thể hội phải được ít nhất trên 50% tổng số hội viên hoặc đại
biểu chính thức tại đại hội biểu quyết thông qua.
2. Trình tự thủ tục, giải quyết tài chính, tài sản
hội khi tiến hành giải thể phải theo đúng các quy định của pháp luật.
Chương VII
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 21. Khen thưởng
Tổ chức hội, cán bộ, hội viên có thành tích trong
các hoạt động của hội, được hội khen thưởng và được đề nghị các cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền khen thưởng.
Điều 22. Kỷ luật
Hội viên hoạt động trái với điều lệ hội, làm tổn hại
đến danh dự, quyền lợi của Hội phải chịu kỷ luật của hội từ khiển trách, cảnh
cáo đến khai trừ khỏi hội. Trường hợp nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm theo
quy định của pháp luật.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Sửa đổi bổ sung điều lệ
Mọi sửa đổi, bổ sung điều lệ này phải được đại hội
cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh thông qua và được UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 24. Hiệu lực thi hành
Điều lệ này gồm 8 chương, 24 điều đã được đại hội đại
biểu Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh lần thứ III thông qua ngày 24 tháng 7 năm
2014 và có hiệu lực thi hành theo quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc
Ninh.
Căn cứ quy định pháp luật về hội và Điều lệ Hội,
Ban Chấp hành Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức
thực hiện Điều lệ này./.