UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 661/QĐ- UBND
|
Huế,
ngày 28 tháng 3 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ
TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ VÀ NGÀNH NGHỀ TTCN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban
Nhân dân tỉnh ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng
9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của
Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7
năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số
điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 1390/QĐ-UBND ngày 01 tháng
6 năm 2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt nhiệm vụ Đề án khôi phục và phát triển
làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề TTCN trong nông thôn trên địa
bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Văn bản thẩm định số 01/HĐTĐ ngày 20
tháng 2 năm 2009 của Hội đồng thẩm định đề án khôi phục và phát triển làng nghề
truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến
năm 2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ
trình số 178/TTr-SCT ngày 04 tháng 3 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án khôi phục và phát triển làng nghề
truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tỉnh Thừa
Thiên Huế đến năm 2015 với các nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM
PHÁT TRIỂN
- Khôi phục, phát triển nghề và
làng nghề gắn với phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch
nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn; khai thác các tiềm năng sẵn có nhằm ổn định và
phát triển nghề, làng nghề theo cơ chế thị trường, chủ động hội nhập kinh tế quốc
tế.
- Khôi phục, phát triển nghề và
làng nghề phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới;
bảo tồn, phát huy các truyền thống văn hóa của từng địa phương, thúc đẩy kinh tế
nông thôn phát triển bền vững.
- Tăng năng lực cạnh tranh, đa
dạng hóa sản phẩm, kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền và công nghệ tiên
tiến, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với hoạt động du lịch - dịch vụ.
- Phát triển nghề, làng nghề
truyền thống làm động lực, tạo bước đột phá để các địa phương phát triển các
ngành nghề TTCN và du nhập thêm nghề mới.
II. MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu chung
Khôi phục, phát triển nghề và
làng nghề một cách bền vững; đa dạng hóa sản xuất theo hướng sản xuất tập trung
trong các cụm công nghiệp - TTCN, làng nghề và mở rộng quy mô, nâng cao năng lực
sản xuất hợp lý của các hộ gia đình trong làng nghề. Phát triển nhiều loại hình
tổ chức sản xuất tùy theo lợi thế và đặc thù của từng nghề.
Gắn sản xuất của làng nghề với
các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống và các loại hình dịch vụ
khác để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Sản phẩm của
các làng nghề ngày càng tinh xảo, độc đáo, chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị
trường.
2. Một số mục tiêu cụ thể
- Giá trị sản xuất TTCN chiếm
50 - 60% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp dân doanh.
- Hằng năm thu hút thêm từ
3.000 - 4.000 lao động mới vào làng nghề. Đến năm 2015, lao động trong các làng
nghề chiếm tỷ trọng khoảng 10% so với lao động của toàn tỉnh.
- Từng bước hình thành đội ngũ
doanh nhân có trình độ quản lý. Đến năm 2015, có ít nhất 1 - 2 doanh nghiệp làm
hạt nhân nòng cốt trong mỗi làng nghề.
- Tiếp tục xây dựng và phát triển
hạ tầng kỹ thuật trong các làng nghề và các cụm công nghiệp – TTCN. Đến năm
2015, về cơ bản các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được xử lý và
khống chế đảm bảo theo quy định.
III. ĐỊNH HƯỚNG
KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ TTCN VÀ NGÀNH NGHỀ
TTCN ĐẾN NĂM 2015
1. Ưu tiên tập trung khôi phục
và phát triển 5 nhóm nghề và làng nghề truyền thống sau:
a) Nghề và làng nghề đúc đồng ở
Huế:
- Phát triển sản phẩm theo hướng
đa dạng hóa kết hợp cá biệt hóa, đảm bảo tính nghệ thuật truyền thống và thương
mại cao, phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng. Tiếp cận nhu cầu đầu tư phát
triển của xã hội để phát triển các sản phẩm đúc theo yêu cầu.
- Ứng dụng các tiến bộ khoa học
kỹ thuật mới để đầu tư, mở rộng tăng năng lực sản xuất các sản phẩm truyền thống
có lợi thế. Kết hợp các công đoạn của kỹ thuật đúc truyền thống với kỹ thuật hiện
đại. Tổ chức phân công lao động hợp lý để thực hiện một số công đoạn thủ công
nhằm nâng tính truyền thống của sản phẩm. Khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi
nghiên cứu khôi phục một số kỹ thuật đúc đồng cổ.
- Hình thành tour du lịch làng
nghề đúc đồng, xây dựng các điểm trình diễn giới thiệu sản phẩm gắn với tour du
lịch làng nghề.
- Xây dựng thương hiệu làng nghề
đúc đồng Huế.
b) Nhóm nghề và các làng nghề sản
xuất đồ gỗ cao cấp, mỹ nghệ:
- Phát triển đa dạng các sản phẩm
thủ công truyền thống độc đáo của địa phương như sản phẩm mộc mỹ nghệ, điêu khắc,
thờ tự, trang trí nội thất... Đa dạng hóa các sản phẩm mộc cao cấp.
- Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu
đầu vào, từng bước giảm tỷ lệ sử dụng gỗ rừng tự nhiên. Khuyến khích các cơ sở
sản xuất trong làng nghề liên kết, hợp tác với nhau; ứng dụng công nghệ thông
tin vào phục vụ sản xuất kinh doanh. Chú trọng xây dựng chiến lược sản xuất
kinh doanh dài hạn, phù hợp với đặc thù sản xuất của từng cơ sở. Phát triển các
lớp đào tạo nghề, đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động trong các làng nghề
theo nhiều phương thức phù hợp.
- Liên kết các cơ sở sản xuất mộc
mỹ nghệ để có kế hoạch và chiến lược phát triển dài hạn nhằm chủ động trong sản
xuất kinh doanh.
- Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật
các cụm làng nghề tập trung đã được phê duyệt: làng nghề mộc Mỹ Xuyên và mộc Xước
Dũ.
c) Khôi phục, phát triển nhóm
nghề và làng nghề thêu
- Củng cố, phát triển quy mô và
năng lực thêu của các cơ sở hiện có, làm nòng cốt trong việc đào tạo nghề, nhân
cấy nghề để phát triển các vệ tinh gia công ở các địa bàn nông thôn, các vùng
phụ cận.
- Đa dạng hóa các sản phẩm thêu
truyền thống; cá biệt hóa một số sản phẩm thêu truyền thống có tính nghệ thuật
thẩm mỹ cao, độc đáo; đồng thời du nhập các loại hàng thêu mới.
- Mở rộng thị trường, khai thác
thị phần ở các thành phố lớn trong nước và các nước Hàn Quốc, Nhật, các nước
trong khối EU, Bắc Mỹ; đáp ứng nhu cầu các khách sạn, nhà hàng và nhu cầu của
sinh hoạt gia đình, nhất là du khách đến Huế.
d) Nghề và làng nghề chế biến
thực phẩm truyền thống
Tập trung phát triển các làng
nghề: bún Vân Cù (Hương Trà), Ô Sa (Quảng Điền), chế biến thủy sản Hải Thế
(Phong Điền), Tân Thanh, An Lộc (Quảng Điền), Cự Lại, An Dương (Phú Vang), Bình
An, Hiền An (Phú Lộc).
*Đối với làng nghề bún Vân
Cù xã Hương Toàn:
- Chỉnh trang, hoàn thiện một số
công trình hạ tầng chủ yếu của làng nghề như đường giao thông, cấp nước sạch,
bãi thu gom rác thải… Các cơ sở sản xuất phải có hệ thống xử lý môi trường
thích hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường các làng nghề.
- Khuyến khích đầu tư đổi mới
công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khuyến khích phát triển doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm của làng
nghề.
*Các nghề chế biến thực phẩm
khác:
- Hỗ trợ đầu tư đổi mới công
nghệ nhằm nâng cao chất lượng và từng bước thay thế các công đoạn thủ công truyền
thống gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như nghề:
sản xuất mè xửng, tôm chua, cà muối, nước mắm, mắm các loại, bánh tráng, bún.
- Xây dựng thương hiệu cho sản
phẩm thực phẩm đặc trưng Huế để có điều kiện thâm nhập vào thị trường, nhất là
các thành phố lớn, các trung tâm siêu thị.
- Quy hoạch hợp lý một số khu vực
sản xuất tập trung để di chuyển các cơ sở trong làng nghề có nguy cơ ô nhiễm
môi trường cao như Thủy An (thành phố Huế), Xuân Lai (Phú Lộc).
đ) Nghề may áo dài Huế
- Nghiên cứu cải
tiến thiết kế áo dài theo hướng vừa giữ nét truyền thống vừa kết hợp những nét
hiện đại để phục vụ du khách khi đến Huế.
- Hình thành dãy phố chuyên may
trang phục áo dài Huế làm điểm tham quan và mua sắm cho du khách.
2. Khôi phục và phát triển
làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề TTCN tỉnh Thừa Thiên Huế
2.1. Bảo tồn làng nghề truyền
thống
a) Làng nghề truyền thống gốm
Phước Tích:
- Tiến hành đồng bộ việc bảo tồn,
phát triển làng nghề truyền thống gốm Phước Tích với việc phục hồi các lễ hội
truyền thống của địa phương, liên kết các điểm du lịch sinh thái, làng nghề kế
cận để hình thành tuyến du lịch tham quan làng di sản Phước Tích.
- Nghiên cứu phát triển các sản
phẩm gốm phù hợp như gốm thủ công mỹ nghệ, gốm trang trí, gốm xây dựng. Phát
triển dòng gốm màu, dòng gốm nung không men và gốm nung có tráng men. Thăm dò
vùng nguyên liệu; nghiên cứu nguyên liệu, phối liệu và ứng dụng các tiến bộ của
khoa học công nghệ vào sản xuất các loại gốm.
- Phát triển mô hình tổ chức sản
xuất quy mô vừa. Khuyến khích các hộ gia đình phục hồi các lò sản xuất gốm cải
tiến sản xuất các sản phẩm gốm thủ công mỹ nghệ,
gốm lưu niệm kết hợp làm nơi
trình diễn công nghệ sản xuất truyền thống của làng nghề.
b) Tranh làng Sình:
- Kế thừa kỹ thuật truyền thống
với việc phục hồi một số chất liệu để phát triển thêm các sản phẩm trang trí,
lưu niệm nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
- Gắn kết làng nghề truyền thống
với tour du lịch sinh thái để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
2.2. Khôi phục và phát triển
làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp
a) Khôi phục phát triển nghề và
làng nghề mây tre đan:
- Tăng cường năng lực sản xuất
của từng làng nghề theo nhu cầu thị trường, làm vệ tinh gia công sản xuất cho
các doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết, hợp tác giữa các làng nghề, hình thành
cơ sở đầu mối trong làng nghề.
- Đa dạng hóa sản phẩm phù hợp
với xu thế tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường thông qua tính đa năng của sản
phẩm.
b) Khôi phục và phát triển làng
nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên:
Duy trì và phát triển các sản
phẩm truyền thống của làng nghề, nâng cao chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Kế thừa và phát triển tay nghề của người thợ thủ công trong làng nghề, đào tạo
bổ sung những kỹ thuật sản xuất các loại hoa vải, hoa lụa và hoa đất...
c) Làng nghề sản xuất gạch ngói
Thủy Phú
Thực hiện việc chuyển đổi công
nghệ nung sang lò cải tiến hoặc lò tuynen để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm gạch ngói truyền thống của làng nghề.
Nghiên cứu đầu tư phát triển thêm một số sản phẩm mới như gạch lát vỉa hè, lát
đường, gạch vồ; phát triển nhóm sản phẩm gốm nung. Nghiên cứu, thăm dò khảo sát
vùng nguyên liệu đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất của làng nghề.
d) Làng nghề dệt:
* Nghề dệt lưới ngư cụ:
Đầu tư thiết bị tăng năng lực
và chất lượng sản phẩm cho các hộ dệt đan lưới ngư cụ ở các làng nghề truyền thống.
Tổ chức, phân công các công đoạn sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng khả
năng cạnh tranh trên thị trường.
*Các làng nghề dệt zèng trên địa
bàn huyện A Lưới:
- Bảo tồn, khôi phục các mẫu
hoa văn và các kỹ thuật tạo hình khác nhằm tạo được những sản phẩm dệt mang đặc
trưng truyền thống của đồng bào dân tộc. Khôi phục kỹ thuật dệt thủ công kết hợp
với nghiên cứu cải tiến khung dệt để đảm bảo vừa tạo năng suất lao động cao vừa
dệt được các sản phẩm đặc thù, tinh xảo có giá trị truyền thống đặc trưng.
- Củng cố các cơ sở sản xuất
các sản phẩm dệt thổ cẩm, duy trì sản xuất các sản phẩm truyền thống để phục vụ
nhu cầu của đồng bào ở địa phương; phát triển thêm các sản phẩm mới phục vụ du
lịch. Thúc đẩy hình thành tour du lịch sinh thái đến ARoàng kết hợp tham quan
làng nghề dệt truyền thống
đ) Khôi phục, phát triển một số
nghề và làng nghề truyền thống khác:
- Nón lá Huế: Kế thừa và
phát triển tính thẩm mỹ, sự tinh tế của sản phẩm nón bài thơ Huế; nghiên cứu
trình diễn tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng.
- Nghề gia công chế tác kim
hoàn: Phát triển các sản phẩm lưu niệm chế tác từ vàng, bạc, đá
quý... các sản phẩm cao cấp có giá trị lớn với trình độ mỹ thuật cao.
- Nghề chạm khảm xương:
Chú trọng cải tiến mẫu mã, hình thành một số điểm trình diễn tay nghề.
- Nghề sơn mài và sơn son thếp
vàng: Củng cố và nâng cao tay nghề nhằm phục vụ việc trùng tu tôn tạo các
công trình di tích văn hóa, lịch sử; nghiên cứu phát triển các sản phẩm sơn
mài.
- Khôi phục và phát triển các
nghề: sản xuất đá chẻ, rèn, sản xuất dầu tràm, rượu thủ công.
2.3. Phát triển nghề, làng
nghề TTCN và du nhập nghề mới
Những ngành nghề có khả năng tìm
được thị trường tiêu thụ dự kiến có thể đưa vào phát triển:
- Thêu truyền thống và hàng
thêu trắng.
- Mây tre đan, nón lá, chổi
đót.
- Mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mộc
cao cấp.
- Vật liệu xây dựng không nung.
- Gia công, sửa chữa cơ kim khí
phục vụ nông lâm ngư nghiệp.
- Bảo quản, sơ chế nông, lâm,
thủy sản.
- May áo dài, kim hoàn, sơn
mài, chạm đá, khảm xương.
- May gia công (áo, quần xuất
khẩu, dày dép da, vải).
IV. NHU CẦU
VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ
- Nhu cầu vốn đầu tư hàng năm
cho làng nghề: 100 tỷ đồng, trong đó:
+ Vốn nhà nước để đầu tư hạ tầng
làng nghề, đào tạo nghề, tham quan học tập, thiết kế mẫu, cung cấp thông tin thị
trường, mô hình trình diễn, xử lý môi trường,...: 30 tỷ đồng
+ Vốn của doanh nghiệp đầu tư
cho phát triển sản xuất và các nguồn vốn khác: 70 tỷ đồng.
V. GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN
1. Giải pháp về vốn
- Phát huy tối đa nội lực của
nhân dân địa phương và các thành phần kinh tế. Đa dạng hóa các hình thức huy động
vốn như huy động từ người thân bạn bè, vay các tổ chức tín dụng, góp vốn thành
lập Hợp tác xã, công ty… Phát triển mạnh các loại hình liên kết kinh tế giữa
các cơ sở sản xuất trong làng nghề với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp,
cụm công nghiệp - TTCN.
- Tăng cường tìm kiếm, vận động
các nguồn tài trợ và đầu tư từ các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức nước
ngoài để khai thác thêm các nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo khởi sự
doanh nghiệp, nghiên cứu xúc tiến thị trường, xử lý môi trường ở các làng nghề...
2. Giải pháp về thị trường
- Nâng cao chất lượng sản phẩm,
đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Chú trọng thị trường đầu
vào, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất bằng nhiều phương thức
thích hợp.
- Phát triển các mối liên kết
giữa các cơ sở sản xuất trong làng nghề với các doanh nghiệp thương mại. Khuyến
khích việc liên doanh, liên kết với các cơ sở trong các làng nghề thực hiện sản
xuất hàng gia công xuất khẩu hoặc làm trung gian bao tiêu sản phẩm của làng nghề.
Khuyến khích các cơ sở sản xuất mở các quầy hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm
ở các trung tâm thương mại, chợ, các khu du lịch. Quan tâm giới thiệu doanh
nghiệp, sản phẩm doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Sở Công
Thương, Kế hoạch và Đầu tư.
3. Khoa học, công nghệ, môi
trường
- Khuyến khích các cơ sở sản xuất
ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ sạch vào quá trình sản
xuất để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường
làng nghề. Có biện pháp bảo tồn và phát triển những công nghệ truyền thống độc
đáo phù hợp.
- Thực hiện tốt các quy định về
bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường của làng nghề. Đối với
các cơ sở gây ô nhiễm cần kiên quyết di dời ra khu vực sản xuất tập trung phù hợp
hoặc cần thiết phải đóng cửa.
4. Phát triển nghề và làng
nghề gắn với phát triển du lịch
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên
truyền về ý nghĩa, vai trò của phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch,
đồng thời kết hợp nâng cấp cải tạo hạ tầng kỹ thuật, vừa phục vụ phát triển sản
xuất vừa tạo điều kiện thu hút du khách
- Phát triển mạnh các tổ chức
trình diễn sản phẩm, giới thiệu và bán hàng lưu niệm cho du khách; đồng thời
nghiên cứu bảo tồn các di tích lịch sử của làng nghề như Đền thờ Tổ nghề, các lễ
hội văn hóa truyền thống của làng,…
5. Các giải pháp khác
- Nâng cao trách nhiệm của
chính quyền địa phương cũng như vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội, chính
trị trên địa bàn trong quá trình khôi phục, phát triển làng nghề và ngành nghề
TTCN trong nông thôn.
- Sớm lập quy hoạch chi tiết
xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp - TTCN, làng nghề tập trung. Nghiên cứu
tìm địa điểm phù hợp để làm nơi di dời cho các nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường
cao.
- Quan tâm phối hợp lồng ghép
các chương trình, dự án của các ngành khác trên địa bàn nhằm đảm bảo vừa tiết
kiệm vốn đầu tư vừa phát huy và khai thác tốt, đồng bộ các nguồn lực khác cho
phát triển kinh tế - xã hội.
- Khuyến khích việc hình thành
các Hiệp hội nghề hoặc Hiệp hội làng nghề ở các địa phương, tạo điều kiện thuận
lợi cho các cơ sở tìm kiếm thị trường, đào tạo nghề, nhân cấy nghề, quản lý
thương hiệu làng nghề...
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Công thương
- Chịu trách nhiệm chính tham
mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai, thực
hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Huế theo dõi quá trình tổ chức thực
hiện Đề án ở các địa phương và báo cáo UBND tỉnh.
- Tổ chức đánh giá định kỳ hàng
năm việc thực hiện Đề án và chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan trình
UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh đề xuất điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.
- Chủ trì xây dựng các dự án đầu
tư thuộc 5 nhóm nghề, làng nghề được ưu tiên thuộc mục 1 khoản III Điều 1 của
Quyết định này.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Cân đối, hỗ trợ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà
nước để quy hoạch và lập các dự án đầu tư khôi phục phát triển nghề, làng nghề ở
các huyện, thành phố Huế; các công trình hạ tầng kỹ thuật ở các làng nghề.
3. Sở Tài chính
- Cân đối các nguồn vốn, nhất
là vốn ngân sách hàng năm của Tỉnh đầu tư hỗ trợ cho khôi phục, phát triển nghề
và làng nghề.
- Ưu tiên nguồn vốn ngân sách để
lập các dự án đầu tư thuộc 5 nhóm nghề, làng nghề được ưu tiên để khôi phục và
phát triển nghề, làng nghề truyền thống.
- Hướng dẫn các ngành, các huyện,
thành phố Huế thực hiện công tác quản lý sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi đầu
tư phân cấp cho địa phương để phục vụ khôi phục phát triển nghề và làng nghề.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch
- Phối hợp cùng các địa phương
xây dựng mô hình làng nghề truyền thống kết hợp du lịch làng nghề, văn hóa, lễ
hội.
- Giúp địa phương xây dựng kế
hoạch quảng bá cho du lịch làng nghề và đưa các tour du lịch làng nghề vào tour
du lịch để khai thác, phát triển.
5. Sở Xây dựng
- Hướng dẫn các huyện, thành phố
Huế lập các quy hoạch chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật các làng nghề truyền thống,
quy hoạch các công trình kỹ thuật trong các làng nghề.
6. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Phối hợp cùng Sở Công Thương
và UBND các huyện, thành phố Huế xây dựng kế hoạch phát triển nghề và làng nghề,
quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến.
7. UBND các huyện và thành
phố Huế:
- Chủ trì và chịu trách nhiệm tổ
chức, chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án khôi phục phát triển nghề, làng
nghề trên địa bàn sau khi đề án được phê duyệt.
- Chủ động xây dựng các kế hoạch
và biện pháp cụ thể để đẩy mạnh việc vận động, xúc tiến đầu tư và huy động vốn
nhằm khôi phục, phát triển nghề và làng nghề.
- Báo cáo định kỳ 6 tháng về
công tác khôi phục, phát triển nghề, làng nghề và phát triển ngành nghề TTCN về
Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
8. Các Sở, Ban, ngành liên
quan:
Theo chức năng, nhiệm vụ và quyền
hạn phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Đề
án.
Điều 2.
Giao Sở Công Thương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ
xây dựng các dự án đầu tư khôi phục và phát triển nghề, làng nghề và xây dựng
chương trình, kế hoạch để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng
nghề TTCN và ngành nghề TTCN trên địa bàn tỉnh. Hàng năm kiểm tra theo dõi, báo
cáo kết quả thực hiện.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công
Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài
nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các huyện và
thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Thiện
|