ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 621/QĐ-UBND
|
Hà
Giang, ngày 21 tháng 4 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ GIẢI BÁO CHÍ TỈNH HÀ GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông
tin và Truyền thông tại Tờ trình số 20 ngày 07 tháng 4 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế Giải Báo chí tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02
năm 2018 của UBND tỉnh Ban hành Quy chế Giải báo chí tỉnh Hà Giang giai đoạn
2018-2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn Đại
biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin
và Truyền thông; Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Các
tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTr. Tỉnh ủy;
- TTr. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP Đoàn ĐBQH, HĐND&UBND tỉnh;
- Trung tâm Thông tin - Công báo tỉnh;
- VNPT Office;
- Lưu: VT, VHXH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|
QUY CHẾ
GIẢI BÁO CHÍ TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 621/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc,
điều kiện, loại hình, tiêu chí đánh giá, chấm, thẩm định tác phẩm, Ban tổ chức,
Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo, quy trình, thủ tục, phương pháp, thời gian công
bố trao Giải, kinh phí tổ chức và trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực
hiện Giải Báo chí tỉnh Hà Giang.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các nhà báo chuyên nghiệp và không
chuyên nghiệp đang cư trú và làm việc tại tỉnh Hà Giang.
b) Phóng viên hoặc nhóm phóng viên, cộng
tác viên cơ quan báo chí trong tỉnh; phóng viên các cơ quan báo chí ngoài tỉnh
có đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
c) Các cơ quan và tổ chức, cá nhân có
liên quan.
Điều 2. Nguyên
tắc xét Giải
1. Việc xét Giải thực hiện theo
nguyên tắc đảm bảo đúng pháp luật, đúng đối tượng, đúng điều kiện, đúng tiêu
chí. Công khai, công bằng, chính xác, khách quan, trung thực, chất lượng, hiệu
quả.
2. Việc xét Giải và trao Giải mỗi năm
1 lần vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (ngày 21 tháng 6) hằng
năm. Năm sau tuyển chọn, thẩm định,
trao Giải cho các tác phẩm báo chí xuất sắc của năm trước.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Điều kiện
tham dự Giải
1. Về tác giả,
nhóm tác giả
a) Mỗi tác giả, nhóm tác giả có tác
phẩm tham dự Giải báo chí Hà Giang phải là người không có bài viết trái với
quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, trong thời gian bị truy cứu trách
nhiệm hình sự, không vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề
nghiệp người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí năm 2016 trong thời
gian tác phẩm được đăng tải, phát sóng cho đến ngày tác phẩm
được xét, trao Giải.
b) Mỗi tác giả, nhóm tác giả đều có
quyền tham dự Giải ở tất cả các loại hình báo chí với điều kiện nội dung của
tác phẩm không trùng lặp.
c) Mỗi tác giả, nhóm tác giả được lựa
chọn 02 tác phẩm báo chí/01 loại hình để gửi tham dự Giải.
2. Về tác phẩm
Là tác phẩm báo chí đã được các cơ
quan thông tin đại chúng của tỉnh và trong nước (Do cơ quan có thẩm quyền của Bộ
Thông tin và Truyền thông cấp phép) sử dụng từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31
tháng 12 hằng năm.
Những tác phẩm được đã được đăng tải,
phát sóng nhiều kỳ, nếu những kỳ đầu được thực hiện năm trước mà chưa tham dự
thì được gộp vào các kỳ năm sau để thành tác phẩm hoàn chỉnh tham dự; những tác
phẩm báo chí đã được trao, nhận Giải thưởng tại các cuộc thi cấp quốc gia, khu
vực không được tham dự Giải.
Điều 4. Các loại
hình báo chí tham dự Giải
1. Báo in gồm các thể loại: Tin,
phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bài phản ánh, xã luận, bình luận, chuyên
luận, phỏng vấn, bút ký.
2. Báo truyền hình gồm các thể loại:
Tin, phóng sự, phóng sự điều tra, phỏng vấn, bình luận, giao lưu, tọa đàm, phim
tài liệu.
3. Báo phát thanh gồm các thể loại:
Tin, bài phản ánh, phóng sự, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, phóng sự, phóng sự
điều tra, bút ký phát thanh, chương trình phát thanh trực tiếp.
4. Báo điện tử gồm các thể loại: Tin,
bài phản ánh, phóng sự, phóng sự điều tra, bình luận, phỏng vấn...
5. Ảnh báo chí gồm các thể loại: Tin ảnh
và phóng sự ảnh.
Điều 5. Tiêu chí
đánh giá, chấm, thẩm định tác phẩm
1. Nội dung
Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước,
của địa phương, phản ánh kịp thời, sâu sắc tình hình thực tế, phục vụ thiết thực
sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cập nhật
chính xác các diễn biến, sự kiện của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,
quốc phòng, an ninh; tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, gương người tốt,
việc tốt; phê phán, đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù
địch, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; động viên được các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc; phản ánh sâu sắc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách gắn với 8 Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối
với nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trên địa bàn tỉnh.
2. Chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm
a) Tác phẩm đạt Giải phải có thông
tin chính xác, trung thực, khách quan; có tính phát hiện, nêu được vấn đề mới;
đề cập những nội dung trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc
trong tỉnh quan tâm; Có tính định hướng dư luận cao; có sức hấp dẫn, thuyết phục
đối với công chúng; có tác động tích cực đến đời sống xã hội, được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh, ủng hộ.
b) Các tác phẩm biểu dương điển hình
tiên tiến, nhân tố mới phải có tác dụng thiết thực, phát huy hiệu quả trong thực
tế.
c) Tác phẩm đề cập những vụ việc tiêu
cực phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được
các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và sửa chữa, khắc phục.
d) Tác phẩm đề cập đến lĩnh vực
chuyên ngành khoa học tự nhiên, xã hội còn có những ý kiến khác nhau phải được
cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.
3. Hình thức thể hiện của tác phẩm
a) Báo in, báo phát thanh, báo truyền
hình: Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài của tác giả hoặc nhóm tác giả
cùng đứng tên phản ánh về một chủ đề, một sự kiện, một đối tượng chính. Được
đăng, phát sóng trong một kỳ hoặc nhiều kỳ và thể hiện bằng một thể loại báo
chí trong cùng một loại hình báo chí. Riêng đối với báo phát thanh, báo truyền
hình phải có kỹ thuật hình ảnh, âm thanh, tiếng nói nhân vật, tiếng động... đạt
yêu cầu, chất lượng.
b) Báo điện tử: Tác phẩm tham dự giải
phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu; Mang đặc trưng của loại hình thông tin đa
phương tiện. Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài của tác giả hoặc nhóm
tác giả cùng đứng tên phản ánh về một chủ đề, một sự kiện, một đối tượng chính.
Được đăng, phát sóng trong một kỳ hoặc nhiều kỳ và thể hiện bằng một thể loại
báo chí trong cùng một loại hình báo chí.
c) Ảnh báo chí: Tác phẩm ảnh được thể
hiện bằng ảnh màu hoặc đen trắng. Đối với phóng sự ảnh phải được đăng, tải trên
cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản. Không xét ảnh ghép, ảnh đã qua xử
lý Photoshop.
Điều 6. Ban tổ chức,
Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo
1. Ban tổ chức Giải Báo chí Hà Giang
do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định thành lập.
Thành phần, cơ cấu, số lượng Ban tổ chức Giải do Hội Nhà báo tỉnh đề xuất. Phó
Chủ tịch UBND tỉnh (phụ trách khối Văn hóa, xã hội) là Trưởng ban tổ chức Giải
Báo chí Hà Giang. Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh là Phó Trưởng ban Thường trực. Tổng
biên tập Báo Hà Giang hoặc Giám đốc Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh là Phó
Trưởng ban. Thành viên là đại diện các cơ quan báo chí, Văn học - Nghệ thuật,
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch tỉnh.
2. Hội đồng Chung khảo do Trưởng Ban tổ
chức Giải quyết định thành lập. Thành phần, số lượng do Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh
đề xuất nhưng không quá 9 người. Hội đồng Chung khảo có Chủ tịch, Phó Chủ tịch
và các thành viên.
3. Có 04 Hội đồng Sơ khảo thuộc 04 cơ
quan báo chí gồm: Báo Hà Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Tạp chí Văn
nghệ Hà Giang và Hội Nhà báo tỉnh do Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh quyết định thành
lập. Thành phần, cơ cấu, số lượng do các Chi hội nhà báo cơ sở đề xuất gồm lãnh
đạo cơ quan báo chí, đại diện Chi hội, đại diện phóng viên, Biên tập viên... có
uy tín, có trình độ nghiệp vụ tốt đang làm việc tại đơn vị. Mỗi Hội đồng Sơ khảo
có Chủ tịch, Thư ký và các thành viên, số lượng từ 03 đến 05 người/01 Hội đồng.
4. Tổ Thư ký giúp việc Giải Báo chí
do Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh quyết định thành lập, số lượng: 03 người.
Tham gia Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo
phải là những người có uy tín nghề nghiệp, có trách nhiệm và khả năng thẩm định
chất lượng tác phẩm báo chí một cách khách quan, công bằng, chính xác.
Các thành viên Ban tổ chức, Hội đồng
Chung khảo, Tổ Thư ký không được gửi tác phẩm tham dự Giải.
Điều 7. Quy
trình, thủ tục, phương pháp và thời gian công bố trao Giải
1. Quy trình
a) Định kỳ hàng năm, Ban tổ chức công
bố Kế hoạch, Thể lệ Giải Báo chí tỉnh Hà Giang gồm: Tác phẩm, đối tượng tham gia, giới hạn thời gian tác phẩm được cơ quan báo chí
sử dụng, thời hạn nhận tác phẩm, thời gian chấm, thẩm định.... thời điểm tiến
hành Lễ công bố, trao giải.
b) Các Hội đồng Sơ khảo tại các cơ
quan báo chí của tỉnh được thành lập, có trách nhiệm tiếp nhận các tác phẩm báo
chí thuộc lĩnh vực phụ trách, sơ tuyển chọn các tác phẩm đủ điều kiện, tiêu chuẩn,
lập biên bản, danh sách gửi lên cơ quan Thường trực Giải để tổng hợp.
c) Hội Nhà báo tỉnh là cơ quan tiếp
nhận tác phẩm từ các Hội đồng Sơ khảo, phân loại, lập biên bản tổng hợp số lượng tác giả, tác phẩm tham dự Giải nộp cho Ban tổ chức để Ban tổ
chức giao cho Hội đồng Chung khảo chấm.
Ban tổ chức Giải Báo chí tỉnh Hà
Giang không nhận tác phẩm chưa qua thẩm định ở vòng sơ khảo.
2. Thủ tục
a) Tác phẩm tham dự Giải cần ghi rõ:
Tên tác phẩm, loại hình báo chí, thể loại báo chí, tên thật và bút danh của tác
giả, nhóm tác giả, địa chỉ và số điện thoại liên lạc...
b) Đối với các tác phẩm báo in: Gửi
phần bài được in cắt từ các báo, tạp chí kèm theo bản thảo gốc.
c) Đối với tác phẩm báo phát thanh,
truyền hình: Gửi phần thuyết minh hoặc kịch bản, lời bình kèm theo đĩa tiếng,
đĩa hình ghi nội dung hoặc gửi đường link tác phẩm và phải ghi rõ thời lượng của
tác phẩm. Nếu là tiếng dân tộc Dao, Mông, Tày... thì phải
có bản thuyết minh dịch sang tiếng Việt.
d) Đối với tác phẩm là báo điện tử: Gửi
phần nội dung được in từ trang Web (giao diện) hoặc đường link mà các báo đã
đăng tải, phát hành kèm theo bản thảo gốc.
e) Tác phẩm ảnh báo chí: Gửi nội dung
được cắt từ các báo, tạp chí sử dụng tác phẩm kèm theo ảnh gốc. Trường hợp được
các báo điện tử sử dụng, tác giả gửi bản in hoặc bản sao giao diện trang Web
(đường link) đã đăng tải tác phẩm kèm theo ảnh gốc.
3. Phương pháp thẩm định, chấm điểm
a) Các tác phẩm tham dự giải đều phải
được thẩm định, chấm điểm qua 2 vòng:
- Vòng Sơ khảo: Tiến hành tại các cơ
quan báo chí của tỉnh, Hội Nhà báo và do các Hội đồng Sơ khảo chấm, lựa chọn.
- Vòng Chung khảo: Do Hội đồng Chung
khảo chấm, thẩm định.
Điểm chấm, thẩm định của vòng Chung
khảo là điểm trung bình cộng của các thành viên trong Hội đồng Chung khảo.
b) Tác phẩm thuộc loại hình báo phát
thanh, báo truyền hình, Hội đồng Sơ khảo và Chung khảo nghe, xem, thẩm định và
đánh giá trực tiếp, lựa chọn, phân loại chất lượng tác phẩm bằng cách bỏ phiếu
kín.
c) Tác phẩm thuộc thể loại báo in, ảnh
báo chí, báo điện tử (bao gồm cả video clip), các thành viên của Hội đồng Sơ khảo
và Chung khảo nghiên cứu, thẩm định, viết nhận xét cá nhân về tác phẩm, sau đó
họp thảo luận, đánh giá công khai và lựa chọn, phân loại chất lượng tác phẩm bằng
cách bỏ phiếu kín.
d) Sau khi hoàn thiện việc thẩm định,
chấm điểm, các thành viên Hội đồng Chung khảo có trách nhiệm ký vào phiếu nhận
xét và gửi về Ban tổ chức. Ban tổ chức họp, đánh giá kết
quả, công nhận và hoàn chỉnh thủ tục để báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh phê duyệt.
Phương pháp thẩm định, chấm điểm và xếp
Giải do Ban tổ chức quy định nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong từng thời điểm Giải được tiến
hành.
4. Thời gian
Công bố, trao Giải vào dịp kỷ niệm
“Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam” 21/6 hàng năm.
Điều 8. Cơ cấu và
mức Giải thưởng
1. Cơ cấu giải thưởng: Mỗi loại hình
báo chí quy định tại Điều 4 quy chế này gồm có: 01 giải A; 02 giải B; 03 giải C
và 05 giải khuyến khích.
2. Mức giải thưởng: Do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định cho từng năm.
Điều 9. Kinh phí
tổ chức Giải
1. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước
và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
Hàng năm, Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang
xây dựng dự toán kinh phí Giải thưởng và các hoạt động tổ chức Giải, gửi Sở Tài
chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định; thực hiện việc báo cáo quyết toán
tài chính giải theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng
dẫn hiện hành.
2. Nội dung chi:
a. Chi Giải thưởng cho các tác phẩm đạt
giải;
b. Chi thù lao cho hoạt động của Ban
tổ chức, Hội đồng sơ khảo và chung khảo, Tổ thư ký giúp việc.
c. Chi cho tuyên truyền, khánh tiết của
Lễ công bố trao Giải, các công việc phục vụ trực tiếp Giải Báo chí Hà Giang.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách
nhiệm của các cơ quan
1. Hội Nhà báo tỉnh
a) Là cơ quan thường trực của Ban tổ
chức Giải Báo chí Hà Giang.
b) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
thành lập Ban Tổ chức, Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí tỉnh Hà Giang.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin
và Truyền thông tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,
các cơ quan báo chí và các cơ quan liên quan xây dựng, Thể lệ, tiêu chí, hướng
dẫn tuyển chọn, thẩm định và chấm tác phẩm dự Giải, bảo đảm khách quan, minh bạch;
tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí tỉnh, các cơ quan liên quan tuyên truyền,
thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung liên
quan đến Giải; tham mưu, thành lập Hội đồng Sơ khảo, Tổ thư ký giúp việc; tham
mưu cho Ban Tổ chức Giải báo chí tỉnh giải quyết việc khiếu nại, tố cáo về Giải
báo chí tỉnh; ra quyết định thu hồi giải thưởng và xử lý theo quy định nếu có
phát hiện hành vi vi phạm các quy định tại Quy chế này và các quy định khác của
pháp luật có liên quan.
đ) Phối hợp với Sở Tài chính tỉnh đảm
bảo kinh phí tổ chức giải đúng theo các nội dung, hoạt động của Giải đã được
UBND tỉnh phê duyệt.
e) Phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH,
HĐND và UBND tỉnh, các cơ quan báo chí, các cơ quan liên quan tham mưu tổ chức
thực hiện các nội dung của Giải và Lễ công bố, trao Giải Báo chí tỉnh hằng năm.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên
giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý
nghĩa và hiệu quả xã hội của Giải Báo chí tỉnh Hà Giang.
b) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
đối với các hoạt động của Giải báo chí theo quy định của pháp luật.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản
lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, văn nghệ; chỉ đạo,
phân công đơn vị trực thuộc (Đoàn Nghệ thuật tỉnh hoặc Trung tâm VHTT) xây dựng
chương trình nghệ thuật biểu diễn và các điều kiện cần thiết phục vụ Giải Báo
chí tỉnh Hà Giang;
4. Sở Tài chính
Phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh thẩm định,
tham mưu cấp kinh phí tổ chức thực hiện Giải Báo chí tỉnh Hà Giang và hướng dẫn
việc quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức Giải theo các chế độ tài chính hiện
hành.
Điều 11. Điều
khoản thi hành
Trong quá trình triển khai, thực hiện
Quy chế nếu có những nội dung phát sinh, thay đổi hoặc khó khăn, vướng mắc,
chưa phù hợp, các cơ quan, đơn vị, cá nhân, có liên quan gửi ý kiến bằng văn bản
về Hội Nhà báo tỉnh (cơ quan Thường trực Giải Báo chí tỉnh Hà Giang) để nghiên
cứu, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh,
sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.