ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 55/2017/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế, ngày 03 tháng 8 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH TẬP TRUNG NGƯỜI LANG THANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
VÀO NUÔI DƯỠNG TẠI CÁC CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI CÔNG LẬP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015,
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 68/2008/NĐ-CP
ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về quy định điều kiện, thủ tục thành lập,
tổ chức hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội;
Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC
ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP
ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối
với đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC
ngày 12 tháng 5 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 4 Điều 11 Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH- BTC ngày 24
tháng 10 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/ND-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của
Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 871/TTr-SLĐTBXH
ngày 22 tháng 5 năm 2017.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy định tập trung người lang thang trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
vào nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2017 và thay thế Quyết định số
1298/2008/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2008 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc
tập trung nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, cơ nhỡ, người tâm thần lang thang
trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Tư pháp;
Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND thành phố Huế, các
thị xã và các huyện, các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Lao động - TB&XH;
- Cục Kiểm tra
VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực
HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị nêu tại Quy định;
- Công báo
tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh; Báo
Thừa Thiên Huế;
- Lưu; VT, TH, XH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Cao
|
QUY ĐỊNH
TẬP TRUNG NGƯỜI LANG THANG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ VÀO NUÔI DƯỠNG
TẠI CÁC CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI CÔNG LẬP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2017/QĐ-UBND
ngày 03 tháng 8 năm 2017
của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh: Quy định này quy định quy trình tập trung, chuyển giao và tiếp nhận người lang thang trên địa bàn tỉnh Thừa
Thiên Huế vào nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội công
lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản
lý.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Người lang thang trên địa bàn tỉnh
quy định tại Điều 1 bao gồm:
a) Người lang thang xin ăn;
b) Người tâm thần
lang thang;
c) Người dẫn dắt trẻ em, người khuyết
tật hoặc mang theo trẻ em, người khuyết tật đeo bám chèo kéo người đi đường,
khách du lịch;
d) Các đối tượng xã hội khác sống lang thang.
2. Các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập
trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và các cơ quan có liên
quan.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Người lang thang xin ăn là những
người trực tiếp xin ăn.
2. Người tâm thần lang thang: Là những người có dấu hiệu rối loạn tâm thần đi lang thang, có hành vi gây mất trật tự xã hội, gây nguy hiểm cho người khác hoặc có các hành vi thiếu văn hóa làm ảnh hưởng đến mỹ
quan đô thị.
3. Người dẫn dắt trẻ em, người khuyết
tật hoặc mang theo trẻ em, người khuyết tật đeo bám chèo kéo người đi đường,
khách du lịch: Là những người đi theo để hỗ trợ hoặc trực tiếp dẫn dắt trẻ
em, người khuyết tật để
xin ăn, hành nghề buôn bán.
4. Các đối tượng xã hội khác sống
lang thang: Là những người ốm yếu, suy kiệt sống lang thang trên địa bàn, đặc
biệt là những nơi công cộng như vỉa hè, chợ, bến xe, nhà ga, nhà hàng, quán ăn,
gầm cầu, công viên.
Chương II
QUY TRÌNH TẬP
TRUNG, CHUYỂN GIAO VÀ TIẾP NHẬN ĐỐI TƯỢNG
Điều 4. Quy trình
tập trung, chuyển giao và tiếp nhận đối tượng
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
(sau đây gọi tật là Ủy ban nhân dân cấp xã) chỉ đạo công an, trạm y tế phối hợp
với các đoàn thể liên quan ở cấp xã tổ chức tập trung, phân loại các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy
định này để tìm hiểu thông tin liên quan đến đối tượng, lập biên bản và chuyển giao như sau:
a) Trường hợp xác định được địa chỉ
cư trú, gia đình thân nhân của đối tượng: thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã
nơi cư trú để liên hệ với gia đình đến cam kết, tiếp nhận
quản lý, giáo dục, tạo điều kiện ổn định cuộc sống.
Riêng đối với đối tượng tại điểm c khoản
1 Điều 2 thì Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với công an nơi phát hiện đối tượng
để có biện pháp xử lý triệt để,
nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
b) Trường hợp không liên hệ được gia
đình hoặc không xác định được thân nhân và địa chỉ cư trú, thì chuyển giao cho
các đơn vị sau:
- Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch
vụ công tác xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội):
đối tượng quy định tại điểm a, điểm c
khoản 1 Điều 2 Quy định này.
- Trung tâm Bảo trợ trẻ em (thuộc Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội): đối tượng quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều
2 Quy định này dưới 16 tuổi.
- Bệnh viện Tâm
thần Huế (thuộc Sở Y tế): đối tượng quy định tại điểm b
khoản 1 Điều 2 Quy định này; trường hợp đối tượng được tập trung lần thứ 2 trở
lên thì chuyển cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
- Trung tâm Y tế/Bệnh viện các huyện,
thị xã và thành phố Huế: đối tượng quy định tại điểm d khoản
1 Điều 2 Quy định này.
2. Đội Quản lý đô thị thuộc Ủy ban
nhân dân thành phố Huế.
Nếu phát hiện người lang thang trên địa
bàn thành phố Huế thì thực hiện theo quy định tại khoản 1
Điều 4 Quy định này.
3. Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội) tiếp nhận đối tượng quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 2 Quy định này do Ủy ban nhân dân
cấp xã hoặc Đội quản lý đô thị thành phố Huế chuyển giao, nuôi dưỡng tạm thời và giải quyết như sau:
a) Trong quá trình nuôi dưỡng tạm thời,
tiến hành khai thác thông tin liên quan nếu xác định được địa chỉ cư trú thì
thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú liên hệ với gia đình đến cam kết,
tiếp nhận để quản lý, giáo dục, tạo điều kiện ổn định cuộc
sống.
b) Trường hợp không xác định được địa
chỉ cư trú, thân nhân gia đình: Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công
tác xã hội có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị chuyển vào nuôi dưỡng, quản lý tại
Trung tâm.
Trừ trường hợp đối tượng quy định tại
điểm a, điểm c khoản 1 Điều 2 Quy định này dưới 16 tuổi thì chuyển giao cho
Trung tâm Bảo trợ trẻ em (thuộc Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội) nuôi dưỡng tạm thời và giải quyết theo quy định
tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 4 Quy định này.
4. Bệnh viện Tâm thần Huế (thuộc Sở Y
tế): tiếp nhận đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Quy định này do Ủy
ban nhân dân cấp xã hoặc Đội quản lý đô thị thành phố Huế chuyển giao, có trách nhiệm khám sàng lọc, điều trị và giải quyết như sau:
a) Sau khi khám xác định có biểu hiện tâm thần sẽ điều trị cho đến khi bệnh nhân ổn định. Đồng thời khai thác thông tin liên quan đến đối
tượng, nêu xác định được địa chỉ nơi cư trú thì thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp
xã nơi cư trú liên hệ với gia đình đến cam kết, tiếp nhận để chăm sóc, nuôi dưỡng;
b) Trường hợp không xác định được địa
chỉ cư trú, thân nhân gia đình thì chuyển Trung tâm Bảo trợ Xã hội làm thủ tục
nuôi dưỡng, quản lý.
Trường hợp người tâm thần là trẻ em,
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với lứa tuổi của
trẻ em.
Trường hợp người tâm thần lang thang
có kèm theo các bệnh lý khác vượt quá khả năng điều trị của
Bệnh viện Tâm thần Huế thì lập thủ tục chuyển tuyến theo quy định hiện hành.
5. Trung tâm Y tế/Bệnh viện các huyện,
thị xã và thành phố Huế: Tiếp nhận đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2
Quy định này do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Đội quản lý đô thị thành phố Huế
chuyển giao, có trách nhiệm khám và điều trị ổn định. Sau đó chuyển giao cho
Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công tác xã hội
(có xác nhận bằng văn bản về tình trạng sức khỏe khi chuyển
giao của Trung tâm Y tế/Bệnh viện các huyện, thị xã và thành phố Huế) hoặc Trung tâm Bảo trợ trẻ em nếu là người dưới 16 tuổi.
a) Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch
vụ công tác xã hội (hoặc Trung tâm Bảo trợ trẻ em) tiến hành khai thác thông
tin liên quan đến người lang thang ốm yếu, suy kiệt đã điều trị ổn định, nếu
xác định được địa chỉ cư trú thì thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư
trú liên hệ với gia đình đến cam kết, tiếp nhận đưa về địa phương để giáo dục,
quản lý;
b) Trường hợp
không xác định được địa chỉ cư trú,
Trung tâm làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định tiếp nhận nuôi dưỡng,
quản lý.
6. Trường
hợp đối tượng quy định tại điểm a, c và d khoản 1 Điều 2 Quy định này sau khi
chuyển về Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công tác xã hội
hoặc Trung tâm Bảo trợ trẻ em chăm sóc, nuôi dưỡng mới
phát hiện đối tượng có biểu hiện tâm thần thì tiếp tục quản lý nuôi dưỡng nếu bệnh nhẹ (được bác sỹ chuyên khoa tâm thần khám, sàng lọc và chỉ định
điều trị tại chỗ); Nếu có biểu hiện bệnh
nặng (có văn bản xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên) thì Trung tâm
Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công tác xã hội hoặc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đề
nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến Trung
tâm Bảo trợ xã hội để chăm sóc.
Điều 5. Chuyển trả
đối tượng về địa phương quản lý, giáo dục
Định kỳ cuối quý III hàng năm hoặc ở
thời điểm tập trung đông đối tượng, các cơ sở Bảo trợ xã hội trực
thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý có trách nhiệm rà soát, lập
danh sách những người lang thang ở các tỉnh, thành phố khác đang được nuôi dưỡng
tại Cơ sở/Trung tâm báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thông báo
cho các tỉnh, thành phố phối hợp tiếp
nhận về địa phương quản lý, giáo dục.
Điều 6. Kinh phí
thực hiện
1. Ngân sách nhà nước
a) Kinh phí tiếp nhận chăm sóc, nuôi
dưỡng người lang thang do các địa phương đội Quản lý đô thị Huế tổ chức tập
trung chuyển giao cho các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội quản lý, kể cả kinh phí phát sinh thực tế khi đối tượng phải
chuyển tuyến điều trị tại các cơ sở y tế dài ngày, mắc bệnh nan y, chết, kinh
phí thuê người chăm sóc được bố trí trong dự toán chi sự
nghiệp đảm bảo xã hội hàng năm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Chi phí điều trị và những dịch vụ
chăm sóc khác cho đối tượng trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám
chữa bệnh trước khi chuyển cho các cơ sở Bảo trợ xã hội trực
thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý mà không có thẻ bảo hiểm y tế
được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp y tế hàng năm của Sở
Y tế;
c) Ngân sách các huyện, thị xã và
thành phố Huế bảo đảm kinh phí chi cho nhiệm vụ phát hiện, chuyển giao người lang thang cho Bệnh viện tâm thần Huế, các cơ sở Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
quản lý và kinh phí thực hiện các thủ tục đưa đối tượng về địa phương cư trú (nếu xác định được địa chỉ cư trú).
2. Nguồn khác theo quy định của pháp
luật: hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; các nguồn quỹ từ thiện, quỹ xã hội (nếu có).
3. Việc lập, phân bổ dự toán, quyết
toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và
các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm
của các Cơ quan, ban, ngành có liên quan
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện quy định này;
b) Chỉ đạo các Trung tâm Bảo trợ xã hội,
Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ trẻ
em tiếp nhận người lang thang do các cơ quan, đơn vị liên
quan chuyển giao theo đúng quy định tại Điều 4 Quy định
này;
c) Kịp thời ban hành quyết định tiếp
nhận các đối tượng tại điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều 4
Quy định này vào chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại các cơ
sở Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo
quy định;
d) Chỉ đạo Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương, cơ quan
liên quan xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi tổ chức, dẫn dắt, xúi dục,
thuê hoặc ép buộc trẻ em, người khuyết tật đi xin ăn, hành nghề buôn bán theo quy định của pháp luật;
đ) Thông báo và phối hợp với Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội các tỉnh thành phố có đối tượng
lang thang trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để giao nhận.
Kiên quyết và kịp thời tổ chức chuyển trả đối tượng để các
tỉnh, thành phố có biện pháp giải quyết;
e) Hàng năm, lập dự toán kinh phí thực
hiện và quản lý sử dụng theo quy định hiện hành.
2. Sở Y tế:
a) Chỉ đạo Trung tâm Y tế (Bệnh viện)
các huyện, thị xã và thành phố Huế, Bệnh viện tâm thần Huế
tiếp nhận, khám và điều trị cho đối tượng quy định tại điểm
b và d Điều 2 Quy định này. Phối hợp với Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch
vụ công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Bảo trợ trẻ em giải quyết người lang thang theo đúng nội dung quy định tại Điều 4 Quy định
này;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Y tế
(Bệnh viện) các huyện, thị xã và thành phố Huế, Bệnh viện tâm thần Huế, hàng năm lập dự toán kinh phí thực hiện tiếp nhận người tâm
thần lang thang, người lang thang ốm yếu, suy kiệt trong thời gian điều trị và
chăm sóc tại Bệnh viện vào dự toán ngân sách của đơn vị, trình cấp có thẩm quyền
quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Sở Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
quy định định mức kinh phí điều trị, tiền thuế người chăm sóc, tiền ăn hỗ trợ đối tượng trong thời gian điều trị tại
các cơ sở y tế; chi phí liên hệ, chuyển trả đối tượng cho
gia đình, địa phương quản lý;
b) Hướng dẫn sử dụng và quản lý kinh phí theo đúng quy định hiện hành.
4. Công an tỉnh:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn
vị, địa phương trong việc phối hợp với các cơ quan liên
quan, Ủy ban nhân dân cấp xã tập trung các đối tượng lang thang vào nuôi dưỡng
tại các cơ sở Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản
lý;
b) Phối hợp với các địa phương, cơ
quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với
những đối tượng có hành vi tổ chức, dẫn dắt xúi giục, thuê
hoặc ép buộc trẻ em, người khuyết tật đi xin ăn, hành nghề
buôn bán;
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố Huế:
a) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội phối hợp các phòng, ban liên quan, tham mưu
Ủy ban nhân dân cấp huyện có kế hoạch tập trung người lang
thang trên địa bàn.
Riêng đối với UBND thành phố Huế, chỉ đạo Đội quản lý đô thị, Công an thành phố Huế phối hợp với Trung
tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, UBND
các phường thống nhất kế hoạch tập trung đối tượng thường xuyên có mặt tại các
điểm tham quan du lịch, chợ và một số tuyến đường chính, nhất là trong các dịp lễ Tết,... đảm bảo hạn chế tối
đa người lang thang và người dẫn dắt trẻ em, người khuyết
tật hoặc mang theo trẻ em, người khuyết tật để xin ăn,
hành nghề buôn bán đeo bám chèo kéo người đi đường, khách
du lịch trên địa bàn thành phố;
b) Phối hợp giải quyết, quản lý
người lang thang có địa chỉ cư trú trên địa bàn sau khi được các
cơ quan, đơn vị liên quan chuyển trả về địa phương; giúp đỡ, tạo điều kiện thuận
lợi để ổn định cuộc sống, cam kết không tái lang thang;
giáo dục và có biện pháp xử lý những trường hợp tái phạm nhiều lần;
c) Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm
tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện Quy định này; định kỳ 6
tháng, năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện;
d) Chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên
quan tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc tập trung,
giải quyết người lang thang trên địa bàn.
6. Các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập trực thuộc Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội quản lý:
a) Tiếp nhận quản lý, nuôi dưỡng đối
tượng theo đúng quy định tại Điều 4 Quy định này;
b) Tổ chức các hoạt động chăm sóc sức
khoẻ, lao động sản xuất, tổ chức dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển
toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách;
c) Phối hợp với chính quyền địa
phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở BTXH trở về gia đình tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
7. Các Cơ quan thông tin đại
chúng: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa
Thiên Huế, Đài Truyền thanh thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các
huyện tăng cường thời lượng chuyên mục giáo dục và thông tin, phản ánh kịp thời
tình hình, kết quả triển khai thực hiện quy định, góp phần làm lành mạnh môi
trường xã hội của tỉnh.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên:
Phối hợp với các cấp, các ngành và địa
phương xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định này đến tận thôn xóm, cụm dân cư, tổ dân phố để người dân hiểu rõ và tự giác tham gia.
Điều 8. Điều khoản
thi hành
1. Giao Sở
Lao động - Thương Binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai, đôn đốc thực hiện, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện quy
định của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan theo định
kỳ hàng năm.
2. Quá trình thực hiện, nếu có vướng
mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
thông qua Sở lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời
giải quyết./.