ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 492/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
09 tháng 02 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN
NĂM 2030”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 27 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc
Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch tại Tờ trình số 2662b/TTr-SVHTTDL ngày 04/12/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến
năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, với các nội dung chính sau đây:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT
TRIỂN DU LỊCH
- Phát triển
du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với
tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển
kinh tế - xã hội, phấn đấu để Thanh Hóa sớm trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
- Phát triển du lịch theo
hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng đa dạng hóa
sản phẩm du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác
du lịch và khẳng định thương hiệu, năng lực cạnh tranh.
- Tập trung
khai thác hiệu quả thị trường nội địa; phát triển thị trường du lịch quốc tế với
mục đích thương mại - công vụ gắn với Khu Kinh tế Nghi Sơn.
- Phát triển
du lịch bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân
tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật
tự an toàn xã hội.
- Phát triển du lịch hài hòa, hợp lý
giữa các khu vực của tỉnh. Đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển, khai thác các
giá trị văn hóa dân tộc khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, góp phần xóa
đói giảm nghèo và giảm dần khoảng cách giữa khu vực miền núi và đồng bằng.
- Đẩy mạnh
xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển
du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các yếu tố tự nhiên và văn hóa
dân tộc, thế mạnh đặc trưng của từng khu vực trong cả tỉnh.
- Tăng cường
liên kết nội tỉnh cũng như giữa Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khác trong đầu
tư khai thác, phát triển du lịch.
- Phát triển du lịch thích ứng với
biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
II. MỤC TIÊU PHÁT
TRIỂN DU LỊCH
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển du lịch
thành ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội,
theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát
triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và
khả năng cạnh tranh, phù hợp mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều
rộng, sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu của chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với trọng điểm là Đô thị du lịch Sầm Sơn và Điểm
du lịch quốc gia Thành Nhà Hồ.
Phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một
trong các trung tâm phát triển du lịch của khu vực Bắc Trung bộ
và cả nước, du lịch trở trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên
nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật tương đối đồng bộ,
hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương
hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu kinh tế:
- Về khách du lịch:
+ Năm 2015,
thu hút 125 nghìn lượt khách du lịch quốc tế (tốc độ tăng trung bình 21,2%/năm), phục vụ 5,375 triệu lượt khách nội địa (tốc độ
tăng trung bình 15,8%/năm).
+ Năm 2020 thu hút 230 nghìn lượt
khách quốc tế (tốc độ tăng trung bình 13,0%/năm), phục vụ 8,77 triệu lượt
khách nội địa (tốc độ tăng trung bình 10,8%/năm).
+ Năm 2025 thu hút 350 nghìn lượt
khách quốc tế (tốc độ tăng trung bình 10,0%/năm), phục vụ 12,5 triệu lượt khách
nội địa (tốc độ tăng trung bình 7,5%/năm).
+ Năm 2030 thu hút 500 nghìn lượt
khách quốc tế (tốc độ tăng trung bình 7,4%/năm) và 16,0 triệu lượt khách nội địa
(tốc độ tăng trung bình 5,1%/năm).
- Về tổng thu từ khách du lịch: Mục tiêu tăng trưởng
chính trong giai đoạn đến 2030 của Du lịch Thanh Hóa.
+ Năm 2015 đạt 5.175 tỷ đồng (tốc độ
tăng trung bình 25,2%/năm).
+ Năm 2020 đạt 15.303 tỷ đồng (tốc độ
tăng trung bình 24,2%/năm).
+ Năm 2025 đạt 31.800 tỷ đồng (tốc độ
tăng trung bình 15,7%/năm).
+ Phấn đấu năm 2030 đạt 64.600 tỷ đồng
(tốc độ tăng trung bình 15,0%/năm).
- Giá trị GDP du lịch:
+ Năm 2015, GDP du lịch đạt 4.200 tỷ đồng (tốc độ
tăng trung bình 31,6%/năm) bằng 4,9% giá trị GDP toàn tỉnh.
+ Năm 2020, GDP du lịch đạt 12.210 tỷ đồng (tốc độ
tăng trung bình 25,0%/năm) bằng 6,3% giá trị GDP toàn tỉnh.
+ Năm 2025, GDP du lịch đạt 30.120 tỷ đồng (tốc độ
tăng trung bình 15,0%/năm) bằng 8,7% giá trị GDP toàn tỉnh.
+ Năm 2030, GDP du lịch đạt 57.000 tỷ đồng (tốc độ
tăng trung bình 14,5%/năm) bằng 9,4% giá trị GDP toàn tỉnh.
- Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật
ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu phát triển. Số lượng cơ sở lưu trú cần có:
+ Năm 2015 có 20.000 phòng (620 CSLTDL), tốc độ
tăng trung bình 15,6%/năm, trong đó có 6.000 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 1
- 5 sao (120 khách sạn).
+ Năm 2020 có tổng số 32.500 phòng (700 CSLTDL), tốc
độ tăng trung bình 11,3%/năm, trong đó có 10.700 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng
từ 1 - 5 sao (180 khách sạn).
+ Năm 2025 có tổng số 37.200 phòng (765 CSLTDL), tốc
độ tăng trung bình 5,8%/năm, trong đó có 15.000 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ
1 - 5 sao (280 khách sạn).
+ Năm 2030 sẽ có khoảng 40.000 phòng (820 CSLTDL),
tốc độ tăng trung bình 4,6%/năm, trong đó có 19.000 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng
từ 1 - 5 sao (400 khách sạn).
2.2. Mục tiêu xã hội:
- Phát triển du lịch nhằm tạo thêm nhiều việc
làm cho xã hội, góp phần giảm nghèo. Năm 2015, cần có tổng số 26.500 lao
động trong lĩnh vực du lịch; năm 2020 là 50.500 lao động; năm 2025 cần
55.800 lao động và 2030, cần 60.300 lao động.
- Phát triển du lịch nhằm góp phần bảo tồn và
khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực xã hội, góp phần phát triển thể
chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tăng
cường đoàn kết, hữu nghị, tinh thần tự tôn dân tộc.
2.3. Mục tiêu môi trường:
- Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du
lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đến năm 2025 đảm bảo 100% chất thải rắn và lỏng từ các cơ sở lưu trú, kinh
doanh du lịch được xử lý. 100% chất thải rắn phát sinh từ các khu lưu trú, dịch
vụ du lịch được phân loại tại nguồn. Phấn đấu đạt tỷ lệ sử dụng năng lượng tái
tạo ở mức 10-15% với các khu du lịch đồng bằng, ven biển và 30-40% tại các khu
du lịch sinh thái tại các vùng núi.
- Năm 2015, đạt 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm
có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; đến năm 2025, đạt 100% các khu,
điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
III. CÁC GIẢI PHÁP
CHỦ YẾU ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1. Về cơ chế, chính sách:
- Ban hành cơ chế đặc thù đầu tư vào
các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật lớn, công trình du lịch trọng điểm quốc
gia; tập trung huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng,
tôn tạo các di tích, danh thắng, xây dựng cơ sở vật chất kinh doanh du lịch.
- Ban hành cơ chế, chính sách nhằm
tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa,
danh lam thắng cảnh, làng cổ (làng chài, làng nghề, làng văn hóa..); cũng như các
giá trị văn hóa phi vật thể; và ưu tiên, ưu đãi đối với các nghệ nhân…; đồng thời
xây dựng chính sách nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch
mới, điển hình, đặc trưng nhằm tạo thương hiệu và sức cạnh tranh cao trong phát
triển du lịch.
- Ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên
phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó quan tâm phát triển nguồn nhân lực
trực tiếp làm ra các sản phẩm thu hút, quảng bá văn hóa du lịch; nghệ nhân,
truyền dạy nghề…
- Xây dựng quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch được
cơ cấu từ nguồn thu du lịch và các hoạt động hỗ trợ khác. Quỹ hỗ trợ đầu tư sẽ
là nguồn lực quan trọng nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp và đẩy mạnh xã hội
hóa hoạt động du lịch.
- Ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kinh
doanh du lịch tham gia xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; chính sách huy động
doanh nhân là người Thanh Hóa đang sinh sống và làm việc trong và ngoài nước thực
hiện đầu tư và quảng bá cho Du lịch Thanh Hóa.
2. Về phát triển thị trường - sản phẩm du
lịch:
2.1. Phát triển sản phẩm du lịch:
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch:
+ Phát triển mới các khu nghỉ dưỡng
biển theo hướng phục vụ các phân đoạn thị trường khác nhau (cao cấp, trung
bình, bình dân...).
+ Phát triển du lịch di sản trên cơ sở
hệ thống di sản của Thanh Hóa với các tài nguyên nổi trội như Thành Nhà Hồ, Lam
Kinh.
+ Chú trọng phát triển du lịch thương
mại - công vụ, nhằm khai thác tối đa hiệu quả của Khu Kinh tế Nghi Sơn, bao gồm:
Phát triển hệ thống cơ sở vật chất và dịch vụ phù hợp tại khu vực phía Nam của
tỉnh, trong đó việc phát triển khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại Hòn Mê là hết
sức quan trọng, cũng như tại thành phố Thanh Hóa; đồng thời, cải thiện khả năng
kết nối giữa Nghi Sơn với Sân bay Thọ Xuân.
+ Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
trên cơ sở khảo sát, đánh giá tài nguyên, điều tra thị trường khách du lịch
sinh thái...
+ Phát triển sản phẩm du lịch tâm
linh dựa trên các nghiên cứu về hệ thống các công trình tôn giáo và các sự tích
dân gian trong tỉnh, chú trọng việc tạo ra sự khác biệt với các sản phẩm du lịch
tâm linh khác hiện có của Việt Nam.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm
du lịch:
+ Nâng cao nhận thức của người dân và
các doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm du lịch, xác định chất lượng sản phẩm
du lịch là yếu tố cạnh tranh then chốt.
+ Cải thiện, nâng cao chất lượng các
sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ngay từ
đầu đối với chất lượng của các sản phẩm du lịch mới phát triển.
+ Sử dụng hiệu quả hệ thống các tiêu
chuẩn chất lượng dịch vụ và quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch.
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra đối với hoạt động kinh doanh du lịch.
+ Chú trọng công tác bảo vệ môi trường,
vì môi trường là một trong những thành tố quan trọng của sản phẩm du lịch.
2.2. Phát triển thị trường khách
du lịch:
- Thực hiện việc điều tra nghiên cứu
thị trường (với các đối tượng chính là khách du lịch, các doanh nghiệp, các cơ
quan, tổ chức có liên quan), chú trọng đánh giá sâu các phân đoạn thị trường trọng
tâm phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch của Thanh Hóa. Xây dựng kế hoạch
phát triển thị trường với các nội dung cụ thể, liên quan tới các thị trường
truyền thống và thị trường tiềm năng (xác định thị trường, tiếp cận thị trường,
xâm nhập thị trường, phát triển thị trường...) theo các giai đoạn phù hợp với
chương trình phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh.
- Khai thác thị trường khách du lịch
nghỉ dưỡng biển truyền thống; đồng thời, phát triển các thị trường mới phù hợp
với định hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thanh Hóa.
- Tập trung nguồn lực phát triển các
phân đoạn thị trường trọng tâm theo từng giai đoạn.
- Liên kết chặt chẽ giữa địa phương
trong tỉnh, giữa các doanh nghiệp và với các tỉnh khác trong vùng Bắc Trung bộ
cũng như với Hà Nội và Ninh Bình trong công tác phát triển thị trường.
3. Về xúc tiến, quảng bá du lịch
- Xây dựng Chiến lược thương hiệu du
lịch Thanh Hóa thân thiện, hấp dẫn, là giải pháp quan trọng, trong nhóm giải
pháp quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến,
quảng bá du lịch.
- Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá
ngắn hạn và dài hạn; thường xuyên cập nhật, bổ sung kế hoạch phù hợp với nhu cầu
thị trường và thực tế phát triển sản phẩm du lịch của địa phương.
- Điều tra đánh giá (thường xuyên và
định kỳ) thị trường và các thông tin phản hồi từ khách hàng và các đối tác cũng
như đánh giá hiệu quả của các hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến để có
các điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
- Kết hợp hiệu quả công - tư trong hoạt
động xúc tiến, quảng bá, với xu hướng sự tham gia và đóng góp ngày càng tích cực
của các doanh nghiệp.
- Liên kết chặt chẽ với Hà Nội, Ninh
Bình và các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ trong việc lên kế hoạch và tổ chức
các hoạt động xúc tiến, quảng bá.
- Khai thác đa dạng các kênh tiếp cận
khách hàng, đặc biệt chú trọng các mạng xã hội, các diễn đàn, các blog du lịch,
lữ hành với đối tượng quan trọng là nhóm các thanh niên đi du lịch, với tính chất
khám phá các điểm đến và trải nghiệm mới.
4. Về bảo vệ môi trường và ứng phó
với biến đổi khí hậu
* Các giải pháp chủ yếu bảo vệ
môi trường bao gồm:
- Xây dựng năng lực quản lý Nhà nước
về môi trường du lịch.
- Xây dựng quy chế quản lý môi trường
tại các khu, điểm du lịch.
- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực về
nghiệp vụ môi trường trong hoạt động du lịch.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức
xã hội về bảo vệ môi trường đối với các ngành, các cấp và nhân dân trong nỗ lực
chung xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn và thân thiện.
* Bên cạnh các giải pháp chủ
yếu trên, những biện pháp cụ thể khác là:
- Giải pháp về kỹ thuật xây dựng: Quy
hoạch, thiết kế công trình, công nghệ xây dựng, năng lượng...
- Có các biện pháp phòng chống thiên
tai hữu hiệu, phù hợp: Đê, kè, hệ thống hồ chứa, kênh tiêu thoát, các biện pháp
kỹ thuật chống sạt lở...
- Xây dựng hệ thống thông tin, cảnh
báo thiên tai.
- Thận trọng trong việc triển khai các
dự án có khả năng tác động nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên, cũng như xã hội.
- Chú trọng phát triển du lịch có
trách nhiệm: Tăng cường gắn kết hoạt động đầu tư, khai thác du lịch với bảo vệ
môi trường; có các chính sách cụ thể khuyến khích các dự
án, chương trình thân thiện với môi trường; xây dựng các chương trình tour du lịch
gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường...
* Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí
hậu bao gồm:
- Tăng cường khả năng ứng phó với các
sự cố thiên tai đột xuất; nâng cao năng lực khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu
gây ra.
- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch
các khu du lịch, đảm bảo an toàn với bão, lũ, lụt và nước biển dâng. Quy hoạch
cụ thể phải tính tới yếu tố ổn định địa mạo và yếu tố biển dâng một cách cụ thể.
- Rà soát và kiểm tra lại vị trí,
cao trình xây dựng của tất cả các khu du lịch ven biển đã được phê duyệt quy hoạch,
xây dựng.
- Tăng cường công tác tuyên truyền
và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tính tất yếu phải ứng phó với biến đổi
khí hậu và tác động của nó đến tự nhiên, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
- Khảo sát, đo đạc bản đồ địa hình
của các khu vực ven biển để xác định các vùng ngập lụt theo từng cấp dự báo và
đề xuất phương án bảo vệ thích hợp.
- Nâng cao nhận thức của chính quyền,
doanh nghiệp và người dân về biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
5. Về phân vùng phát triển du lịch
Ba trọng điểm phát triển du lịch của Thanh Hóa là:
- Cụm thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn - Hải Tiến: Hoạt
động du lịch tại trọng điểm này gắn với du lịch nghỉ dưỡng biển (đa dạng hóa
hình thức kinh doanh và sở hữu), du lịch đô thị (thành phố Thanh Hóa), du lịch
tìm hiểu lịch sử - cách mạng, du lịch tìm hiểu khảo cổ - lịch sử. Trong tương
lai có thể nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái biển tại Khu Bảo tồn biển
Hòn Mê. Trong cụm này, Sầm Sơn được xác định là Đô thị du lịch.
- Cụm Thành Nhà Hồ - Lam Kinh - Suối cá Cẩm Lương:
Hạt nhân của hoạt động du lịch tại trọng điểm này là Di sản Thế giới Thành Nhà
Hồ, du lịch sinh thái và du lịch di sản là các sản phẩm chủ đạo của cụm du lịch
này.
- Cụm Nghi Sơn - Bến En: Hoạt động du lịch tập
trung đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động của các doanh nhân, chuyên
gia, người lao động ở Khu Kinh tế Nghi Sơn. Phát triển du lịch sinh thái và nghỉ
dưỡng rừng ở Vườn Quốc gia Bến En cũng là một định hướng quan trọng của trọng
điểm này.
Phấn đấu bổ sung thêm các điểm du lịch quốc gia Lam
Kinh, Hàm Rồng và Vườn quốc gia Bến En, để từ đó hình thành ba khu du lịch quốc
gia tại Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ và Vườn Quốc gia Bến En và một điểm du lịch quốc
gia Lam Kinh.
6. Về phát triển hạ tầng du lịch:
Nhóm giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
phục vụ phát triển du lịch bao gồm những giải pháp cụ thể sau:
- Phát triển hạ tầng giao thông tiếp cận các khu điểm
du lịch với các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ.
- Phát triển hạ tầng giao thông đường thủy phục vụ
việc phát triển du lịch đường sông.
- Chú trọng việc kết nối các loại hình giao thông
trong tỉnh (đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy và đường biển).
- Cải thiện, nâng cấp hạ tầng đô thị phục vụ phát
triển du lịch.
- Đảm bảo nguồn điện lưới ổn định cho các khu du lịch
biển, đặc biệt vào các tháng hè.
- Tăng cường sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng
lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt tại các khu du lịch sinh thái.
- Phát triển hệ thống hạ tầng môi trường.
- Đảm bảo các dịch vụ ngân hàng, viễn thông,
internet phục vụ khách du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch.
Nhóm giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng xã hội
phục vụ phát triển du lịch bao gồm những giải pháp cụ thể sau:
- Phát triển hệ thống y tế cả công lập và tư nhân,
trong đó chú ý tới việc đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
- Nghiên cứu phát triển các công trình thể dục, thể
thao phục vụ nhu cầu của người dân, kết hợp với đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
- Cải tạo, nâng cấp và phát triển các thiết chế văn
hóa phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch (bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim,
nhà văn hóa, làng bản văn hóa...).
7. Về phát triển hệ thống cơ sở vật chất du lịch:
- Phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục
vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, hiệu quả, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng
nhu cầu của khách du lịch, bao gồm hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du
lịch, nhà hàng, cơ sở dịch vụ thông tin, tư vấn du lịch, cơ sở dịch vụ đặt giữ
chỗ, đại lý, hướng dẫn; phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ vận chuyển khách
du lịch; cơ sở dịch vụ phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể
thao, hội nghị và các mục đích khác.
- Tính toán cụ thể nhu cầu phát triển hệ thống cơ sở
lưu trú theo hạng sao, hình thức và địa bàn làm cơ sở đầu tư, nâng cấp, cải tạo
phát triển hệ thống cơ sở lưu trú đạt mục tiêu về số lượng, đảm bảo từng bước
hiện đại hóa và hợp lý hóa hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
- Thực hiện hiện đại hóa hệ thống cơ sở lưu trú. Đa
dạng hóa các loại hình dịch vụ, sở hữu, phương thức kinh doanh để đảm bảo có được
hệ thống cơ sở lưu trú đủ tiện nghi phục vụ các nhu cầu đa dạng của thị trường.
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa, tin học hóa vào kinh doanh và
phục vụ du lịch, đẩy mạnh việc tham gia hệ thống đặt buồng và thanh toán quốc tế
của các cơ sở lưu trú.
- Chú trọng đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải
trí phục vụ khách du lịch cũng như người dân địa phương.
- Thực hiện nghiêm túc việc quản lý sử dụng đất, cấp
phép xây dựng cơ sở lưu trú, đặc biệt các khu tổ hợp lưu trú tại các địa phương
để đảm bảo yêu cầu về mục tiêu phát triển và sự cân đối về vùng, miền và sự đồng
bộ về chất lượng.
- Thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực
khách sạn, tổ hợp khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí. Khuyến khích các
thương hiệu khách sạn nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư và quản lý khách sạn ở Việt
Nam.
- Đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ các nhà hàng du lịch
đạt chất lượng, có quản lý tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo trình
độ nghiệp vụ phục vụ.
- Chuẩn hóa hệ thống phương tiện vận chuyển phục vụ
du lịch cả đường bộ và đường thủy, đảm bảo chất lượng, có sự quản lý theo hệ thống.
- Thực hiện quy hoạch, và đầu tư xây dựng hệ thống
khu, điểm du lịch quốc gia và địa phương.
- Hoàn thiện hệ thống cơ sở phục vụ hội nghị, hội
thảo, thể thao, giải trí tại những địa bàn phù hợp, đảm bảo yêu cầu về chất lượng
phục du lịch du lịch cao cấp.
- Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát triển cơ sở vật
chất tại các làng nghề điển hình, có giá trị khai thác du lịch cao, nhằm kết hợp
quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, gắn với thương hiện sản phẩm truyền thống để
trở thành những điểm nhấn quan trọng về du lịch của tỉnh.
- Quan tâm đầu tư cải thiện các kỹ năng nghiệp vụ
phục vụ khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chung.
8. Về đào tạo phát triển nguồn
nhân lực:
- Nâng cấp chất lượng các cơ sở đào tạo
nghiệp vụ du lịch và thống nhất chương trình đào tạo khung tại các cơ sở chủ chốt,
trên cơ sở đó xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của từng
khu vực cụ thể.
- Tăng cường nâng cao năng lực đội
ngũ cán bộ quản lý du lịch tại các địa bàn trọng điểm, phát triển du lịch bằng
các biện pháp thu hút cán bộ quản lý có trình độ, kinh nghiệm, kết hợp với việc
bồi dưỡng, đào tạo nâng cao các cán bộ trẻ có nhiều tiềm năng phát triển.
- Gắn kết hoạt động của các cơ sở đào tạo du lịch của
tỉnh với nhu cầu nguồn nhân lực du lịch tại các khu vực trọng điểm phát triển
du lịch, nhằm thực hiện đào tạo theo nhu cầu thị trường.
- Đẩy mạnh việc liên kết trong đào tạo phát triển
nguồn nhân lực du lịch giữa các cơ sở đào tạo trong tỉnh với các cơ sở đào tạo
khác của Hà Nội và Nghệ An, Huế. Tăng cường mở các lớp tập huấn ngắn hạn, phù hợp
với tính chất phát triển du lịch tại từng khu vực cụ thể.
- Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thực hiện
đào tạo, tái đào tạo đội ngũ nhân viên, như: Các ưu đãi về thuế đối với các doanh
nghiệp thực hiện tốt công tác đào tạo, tái đào tạo tại chỗ; khuyến khích doanh
nghiệp áp dụng hệ thống “tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ”.
- Tạo điều kiện nhằm duy trì đội ngũ và kỹ năng nghề
đối với các cơ sở du lịch ven biển, nơi chịu ảnh hưởng mạnh của tính thời vụ du
lịch.
- Tranh thủ sự hỗ trợ từ Tổng cục Du lịch cũng như
các dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch, cũng như các tổ chức, dự án quốc tế trong công tác đào tạo
nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về du lịch.
9. Về vốn đầu tư phát triển du lịch:
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển du lịch tỉnh
Thanh Hóa từ nay đến 2030 là 119.170 tỷ đồng (tương đương 5,3 tỷ USD), trong đó
giai đoạn đến 2015 là 10.470 tỷ đồng (tương đương 465 triệu USD), giai đoạn
2016-2020 là 24.850 tỷ đồng (tương đương 1.100 triệu USD), giai đoạn 2021-2025
là 32.100 tỷ đồng (tương đương 1.400 triệu USD), giai đoạn 2026 - 2030 là
51.750 tỷ đồng (tương đương 2.300 triệu USD). Nguồn vốn này bao gồm nguồn vốn
ngân sách (kể cả vốn ODA), vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Tỷ lệ vốn ngân
sách chiếm khoảng 10% (phù hợp với tỷ trọng phân bổ đầu tư chung của cả vùng và
cả nước).
- Tập trung vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát
triển hạ tầng, bảo vệ tài nguyên và môi trường cũng như cho quảng bá xúc tiến
(trong giai đoạn đầu), đầu tư cho công tác quy hoạch, lập dự án kêu gọi đầu tư
trong lĩnh vực du lịch.
- Khuyến khích các nguồn vốn đầu tư đa dạng cho
phát triển du lịch, đặc biệt coi trọng huy động vốn (nhiều hình thức) của cộng
đồng địa phương.
- Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng
góp và tham gia trực tiếp vào công tác phát triển nguồn nhân lực.
- Đầu tư có trọng tâm trọng điểm, từ đó phát triển
lan tỏa tới các khu vực khác.
10. Về tăng cường năng lực quản lý Nhà nước
trong lĩnh vực du lịch:
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phát
triển Du lịch tỉnh, nhằm tăng cường sự liên kết giữa các ngành, các cấp đối với
phát triển du lịch, đồng thời có thể nhanh chóng triển khai hiệu quả các chính
sách phát triển du lịch cụ thể.
- Ban hành các văn bản, nghị quyết về phát triển du
lịch trong tình hình mới; chỉ thị về việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ quản lý trong
lĩnh vực du lịch.
- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác
bảo vệ cảnh quan, môi trường và tài nguyên du lịch. Thường xuyên thực hiện
thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn
toàn tỉnh, đặc biệt tại các trọng điểm phát triển du lịch.
- Tiếp tục cải tiến các thủ tục xuất nhập cảnh để tạo
điều kiện thuận lợi cho khách du lịch.
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa du lịch
và các lĩnh vực có liên quan.
- Tăng cường tính pháp lý của các dự án quy hoạch
du lịch được duyệt, đặc biệt vấn đề triển khai thực hiện theo quy hoạch.
- Tăng cường áp dụng việc quản lý dựa trên hệ thống
các tiêu chuẩn, quy trình...; xây dựng hệ thống thông tin quản lý du lịch.
- Khuyến khích hình thành các hiệp hội, mạng lưới
nghề nghiệp (như mạng lưới du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, hiệp hội du lịch
biển...) nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kinh doanh, giảm
thiểu tối đa xung đột lợi ích và các mâu thuẫn khác thông qua các kênh liên lạc
hữu hiệu.
11. Về tăng cường liên kết phát triển du lịch
- Tăng cường liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực
nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách.
- Liên kết chặt chẽ với Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh
khác trong vùng Bắc Trung bộ trong việc quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm
cũng như thị trường du lịch.
- Liên kết giữa các địa phương trong từng cụm nhằm
hình thành ba trọng điểm phát triển du lịch của Thanh Hóa.
- Liên kết với các địa phương có liên quan nhằm
phát triển các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, hấp dẫn cao như “Hành trình
kinh đô Việt cổ”, “Khám phá đường Hồ Chí Minh huyền thoại”...
- Liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, hình
thành các mạng lưới, hiệp hội kinh doanh du lịch nhằm xây dựng văn hóa cạnh
tranh lành mạnh, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để có thể cùng nhau thành công
trên thị trường.
- Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia là thị trường
trọng điểm của du lịch Thanh Hóa, đặc biệt là các quốc gia có đường biên giới
chung với Thanh Hóa. Chủ động xây dựng và đề xuất các dự án tài trợ từ nguồn vốn
hợp tác quốc tế, từ các tổ chức quốc tế.
12. Về đảm bảo quốc phòng, an ninh:
Với vị trí địa lý tỉnh Thanh Hóa là cầu nối giữa Bắc
với Trung bộ và Nam bộ, đồng thời là một trong những cửa ngõ ra biển chủ yếu của
vùng Trung du miền núi phía Bắc; phía Tây giáp với tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào),
là nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số, do đó Thanh Hóa là địa bàn
chiến lược về quốc phòng, an ninh, có nhiều công trình quốc phòng, khu quân sự
thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc phòng, bảo vệ đất liền, biên giới, vùng trời,
vùng biển và hải đảo. Để thực hiện tốt công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh
trong thực hiện chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm
nhìn đến năm 2030 cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Quán triệt và nắm chắc các nội dung được quy định
trong Nghị định số 04/NĐ ngày 16/01/1995 của Chính phủ về quy chế bảo vệ các
công trình quốc phòng và khu quân sự, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
ban hành ngày 16/5/1994 về việc bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự
để khi thực hiện các dự án phát triển ngành du lịch không gây ảnh hưởng đến các
công trình quốc phòng và khu quân sự. Trước khi triển khai thực hiện, thi công
các dự án du lịch, cơ quan chủ quản dự án phải làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh để tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án đến quy hoạch
xây dựng khu vực phòng thủ, phạm vi, ranh giới, vành đai an toàn, hoạt động
quân sự và bí mật quân sự quốc gia; các dự án du lịch có liên quan trực tiếp đến
công trình quốc phòng, khu quân sự, hoạt động quân sự cần có sự đồng ý của Bộ
Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 4.
- Tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục nâng
cao trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp và du khách về công
tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trong các hoạt động khai thác phát triển du lịch.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Công an tỉnh,
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở,
ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ,
xây dựng địa bàn, vành đai an toàn cho các công trình quốc phòng và khu quân sự,
không làm ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của các đơn vị trên địa bàn,
trong đó có dự án phát triển du lịch sinh thái cụm đảo Hòn Mê; thực hiện các biện
pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các địa phương, doanh nghiệp, nhân dân và du
khách, đặc biệt phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Tổ chức công bố Chiến lược phát triển du lịch tỉnh
Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thường trực giúp UBND tỉnh theo
dõi, tổng hợp, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo sự
phân công của UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên
quan thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh và các quy
hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển du lịch; xây dựng đề án xúc tiến
quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm
2030.
- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố tiến hành điều chỉnh định hướng phát triển du lịch trong tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, phù hợp với nội dung Chiến lược
phát triển du lịch đã được phê duyệt.
- Thực hiện lồng ghép mục tiêu phát triển văn hóa,
thể thao với du lịch.
- Xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch
với các địa phương trong vùng và với Hà Nội, Ninh Bình phù hợp với định hướng của
quy hoạch.
2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Căn
cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch trong việc thực hiện các chương trình, dự án
của ngành gắn với hoạt động du lịch; tích cực lồng
ghép các chương trình, dự án của ngành mình với du lịch
để tháo gỡ những khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư.
- UBND các huyện, thị xã, thành
phố: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý tài
nguyên và môi trường, quản lý khai thác phát triển du lịch trên địa bàn và định hướng phát triển du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với các định hướng của Chiến
lược phát triển du lịch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu
tư, Xây dựng, Tài chính, Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Đăng Quyền
|