ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 46/QĐ-UBND
|
Đắk Nông, ngày 12
tháng 01 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO TỒN PHÁT HUY THỔ CẨM TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU
SỐ M’NÔNG, MẠ, Ê ĐÊ, THÁI, DAO GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN
2023-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm
2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng
6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng
9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản
văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24 tháng
12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết
luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp
tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
Căn cứ Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng
11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến
năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 777/QĐ-BVHTTDL ngày 04
tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công bố Danh
mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống, nghề dệt của
người M’Nông tỉnh Đắk Nông;
Căn cứ Chương trình số 27-CTr/TU ngày 24 tháng 9
năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu
Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại
hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền của đồng bào các dân tộc
thiểu số tại chỗ, giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Bảo
tồn phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ,
Ê đê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2023-2025 (Kèm
theo).
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia
Nghĩa và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Hội LHPN tỉnh;
- Liên đoàn Lao động tỉnh;
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh;
- Các Sở, ngành: NN&PTNT, TC, CT, KH&ĐT,
KH&CN, LĐ-TB&XH, TN&MT, TT&TT,
GD&ĐT, Ban Dân tộc, Liên minh HTX tỉnh;
- Báo Đắk Nông, Đài PT&TH Đắk Nông;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, Cổng TTĐT tỉnh, KGVX (H).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|
ĐỀ ÁN
BẢO
TỒN PHÁT HUY THỔ CẨM TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ M’NÔNG, MẠ,
Ê ĐÊ, THÁI, DAO GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2023-2025
(Kèm theo Quyết định số 46/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Đắk Nông)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Thổ cẩm là một trong những giá trị văn hóa tạo nên
tính đặc trưng của từng dân tộc ở Đắk Nông. Thổ cẩm không chỉ được dùng để làm
trang phục, mà còn là sản phẩm văn hóa dùng làm kỷ vật trong hôn nhân, tang lễ,
trong sinh hoạt thường ngày và trong sinh hoạt văn hóa truyền thống.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay, quá trình giao
lưu văn hóa giữa các dân tộc đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển của
khoa học kỹ thuật, công nghiệp hiện đại như hiện nay, các sản phẩm được làm bằng
công nghiệp, kể cả vải và trang phục. Hòa trong dòng chảy phát triển đó, các
dân tộc thiểu số ở Đắk Nông cũng ảnh hưởng theo. Họ có sự chuyển đổi mạnh mẽ
trong trang phục truyền thống. Những bộ đồ thổ cẩm truyền thống được thay đổi bằng
những trang phục hiện đại do người Việt (Kinh) cung cấp. Các phong tục, tập
quán, tín ngưỡng truyền thống bị ảnh hưởng khiến cho văn hóa thổ cẩm cũng bị biến
đổi theo. Các hoa văn cổ truyền vốn là biểu trưng riêng của mỗi dân tộc nay đã
mất dần theo cây nêu cột lễ trong lễ hội, vắng bóng dần trong trang trí nhà ở,
vật dụng sinh hoạt và đặc biệt là trên nền vải. Chính vì thế, nghề dệt thổ cẩm
truyền thống đang dần bị mai một. Các nghệ nhân dệt thổ cẩm ngày một ít đi, đội
ngũ kế thừa gần như không có. Sản phẩm thổ cẩm không đủ sức cạnh tranh với các
sản phẩm hiện đại do không đáp ứng được các nhu cầu phát triển của cộng đồng và
xã hội. Với xu hướng đó, tương lai không xa, văn hóa thổ cẩm của các dân tộc
thiểu số ở Đắk Nông, cụ thể là ở các dân tộc thiểu số như M’Nông, Mạ, Ê đê,
Dao, Thái... sẽ bị giảm dần và có nguy cơ mất hẳn nếu không có những biện pháp
cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của loại hình văn hóa này một
cách hiệu quả và thiết thực. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một bản sắc
văn hóa truyền thống của dân tộc, mất đi một dấu hiệu để nhận diện văn hóa của
dân tộc đó.
Nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Nông chỉ tồn tại như một nghề
phụ trong hoạt động mưu sinh của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do đó, để cho
nghề này tiếp tục tồn tại như một sản phẩm văn hóa và phát triển tốt hơn nữa và
có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của từng
dân tộc nói riêng và của Đắk Nông nói chung, cần có sự bảo tồn và phát huy,
thay đổi để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhiều hơn với thị hiếu người tiêu dùng và
mở rộng thị trường tiêu thụ để thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của
địa phương.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ
ÁN
1. Căn cứ các văn bản của Quốc hội, Chính phủ và
các Bộ, ngành Trung ương
- Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;
- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
- Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ
tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW
ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết
số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng
và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất
nước;
- Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;
- Quyết định số 777/QĐ-BVHTTDL ngày 04/4/2022 của Bộ
trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi
vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống, nghề dệt của người M’Nông tỉnh Đắk
Nông.
2. Căn cứ các văn bản của tỉnh
- Chương trình số 18-CTr/TU ngày 26/7/2021 của Tỉnh
ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về phát
triển du lịch và du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
giai đoạn 2021-2025;
- Chương trình số 27-CTr/TU ngày 24/9/2021 của Ban
Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần
thứ XII về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn
hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ,
giai đoạn 2021-2025.
III. TỔNG QUAN VỀ CÁC DÂN TỘC
THIỂU SỐ M’NÔNG, MẠ, Ê ĐÊ, THÁI, DAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
1. Dân cư, dân tộc
Trải qua quá trình phát triển, tỉnh Đắk Nông dần dần
trở thành vùng đất sinh sống của nhiều dân tộc. Các dân tộc cùng cộng cư sinh sống
trên vùng đất Đắk Nông đã tạo nên bức tranh đa dạng về các sắc màu văn hóa.
Đắk Nông là tỉnh có cộng đồng dân cư gồm 40 dân tộc
cùng sinh sống. Cộng đồng dân cư Đắk Nông được hình thành từ nhóm đồng bào các
dân tộc tại chỗ như M’Nông, Mạ, Ê đê... cùng dân tộc Kinh sinh sống lâu đời
trên Tây Nguyên và các dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào lập nghiệp như Tày,
Thái, Mường, Nùng, Dao, Mông...
Theo báo cáo, dân số là 677.616 người với 163.450 hộ;
trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 45.707 hộ, với 215.048 người, chiếm tỷ lệ
31,73% so với dân số toàn tỉnh, có 03 dân tộc thiểu số tại chỗ (M’Nông, Mạ và Ê
Đê) có 15.807 hộ, với 74.901 người chiếm 11,05% so với dân số toàn tỉnh và
34,82% so với tổng số dân tộc thiểu số.
2. Văn hóa - xã hội
Đắk Nông có 40 dân tộc sống xen kẽ với nhau. Các
dân tộc khi đến định cư trên vùng đất này họ mang theo bản sắc văn hóa đến Đắk
Nông. Tiến trình giao thoa văn hóa đã tạo nên bức tranh văn hóa Đắk Nông phong
phú đa dạng giàu bản sắc giữa các vùng miền, văn hóa người dân tộc thiểu số tại
chỗ, văn hóa các dân tộc thiểu số phía Bắc. Cả ba vùng văn hóa phát triển giao
thoa, bồi đắp tạo nên nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc tỉnh Đắk Nông.
Đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ M’Nông, Mạ, Ê
đê sống tự cung tự cấp nên các nghề thủ công truyền thống chủ yếu mang tính chất
phục vụ gia đình. Họ có nhiều nghề thủ công truyền thống nhưng chủ yếu nghề rèn
sắt, nghề dệt vải, nghề đan lát là những nghề phổ biến phục vụ hoạt động sản xuất
và sinh hoạt.
Nhà ở của người M’Nông, Mạ có cả nhà sàn và nhà trệt.
Người Ê đê thường sống trong những ngôi nhà sàn dài, với kiến trúc mô phỏng
hình thuyền, được làm bằng tre gỗ, lợp tranh. Những ngôi nhà của người M’Nông
hiện nay không còn dùng mái tranh, một số ngôi nhà khác được hỗ trợ theo Chương
trình 134 nên được xây cất bằng gạch kiên cố.
Người M’Nông, Mạ, Ê đê thường sống trên vùng đất thấp,
ven sông, suối. Họ tập trung thành từng bon. Mỗi bon có từ 20 đến 40 nóc nhà.
Hiện nay, đứng đầu bon, buôn là trưởng bon, buôn do chính quyền đề cử, sau đó
được người dân bầu lên và hoạt động theo nhiệm kỳ. Còn trong truyền thống, người
đứng đầu bon được truyền từ đời này sang đời khác. Các bon thường có mối quan hệ
liên minh để cùng nhau bảo vệ bon và phát triển kinh tế sản xuất.
Theo truyền thống, gia đình người M’Nông, Mạ, Ê đê
theo chế độ mẫu hệ. Trong gia đình, người vợ giữ vị trí chính, nhưng người chồng
không bị phân biệt đối xử, họ sống tôn trọng nhau. Cha mẹ về già thường ở với
con gái út. Thông thường, mỗi ngôi nhà trệt của người M’Nông, Mạ và nhà dài của
người Ê đê là nơi cư trú của nhiều hộ gia đình có quan hệ huyết thống về phía mẹ.
Tuy nhiên, hiện nay yếu tố mẫu hệ giảm dần do có sự tiếp xúc các tộc người xung
quanh, đặc biệt là người Kinh, cùng với đó là sự chuyển biến của xã hội; việc
cư trú cũng khác xưa; gia đình hạt nhân gồm bố mẹ và con cái dần trở nên phổ biến;
chính vì thế mà vai trò của người đàn ông ngày càng trở nên có vị thế hơn trong
gia đình. Chính điều này đã tác động đến hoạt động kinh tế và quan niệm xã hội
cũng như thiết chế văn hóa của người M’Nông, Mạ, Ê đê hiện nay.
Trong ẩm thực, người M’Nông, Mạ, Ê đê thường dùng
cơm tẻ bằng cách nấu trong nồi đất nung hay nồi đồng. Cơm nếp thường dùng trong
lễ tết và tiếp đãi khách. Thức ăn có muối ớt, măng, rau, củ do hái lượm, cá, thịt,
chim thú do săn bắn. Thịt nướng, cơm lam được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội.
Thức uống có rượu cần không những sử dụng hàng ngày mà còn được dùng vào những
dịp lễ tết. Vào những dịp cúng thường dùng xôi nếp. Người Ê đê còn có tục ăn trầu
cau.
Về trang phục, phụ nữ M’Nông, Mạ, Ê đê quấn váy dài
đến gót, mùa hè ở trần hoặc mặc áo ngắn chui đầu. Nam giới đóng khố, mặc áo
cánh dài quá mông. Mùa lạnh, nam nữ thường choàng thêm một tấm mền. Đồ trang sức
có chuỗi hạt, vòng đồng, vòng kền đeo ở cổ và tay, chân. Váy của người M’Nông,
Mạ, Ê đê là váy quấn, có dệt hoa văn ở cạp và gấu váy. Tùy vào các dải hoa văn
được gia công nhiều hay ít, họ thường chia váy ra thành nhiều loại. Hiện nay,
nhiều nữ thanh niên thường mặc loại váy ống bằng lụa nhiều khi không thêu. Áo
chui đầu cổ truyền của nữ có thêu hoa văn ở vai, nách, cổ tay, gấu áo. Trong
khi đó, khố của người đàn ông Ê đê có hoa văn ở hai mép vải và hai đầu khố. Hai
đầu khố còn có nhiều tua vải màu thâm. Khố cũng có nhiều loại như khố dài, khố
ngắn. Cũng giống như áo của nữ giới, áo của nam giới cũng có hoa văn dệt dọc
bên nách, ở gấu, ở vai và cổ tay. Riêng đối với áo của những người quyền quý
thường có dải hoa văn hình “đại bàng giang cánh” dọc hai bên nách và gấu áo,
thân sau có đính hạt cườm. Hiện nay, nam giới Ê đê không còn mặc khố trong ngày
thường; họ mặc giống người Kinh, chỉ mặc khổ hoặc trang phục truyền thống trong
những dịp lễ hội đặc biệt.
Người Thái, Dao di cư từ miền Bắc vào khu vực Tây
Nguyên chủ yếu từ sau năm 1975. Đây là hai dân tộc thuộc ngôn ngữ Thái - Dao.
Người Dao có nhiều nhóm như Dao Tiền, Dao Đỏ, Dao Thanh Y, Dao Quần Chẹt... Hiện
nay, ở Đắk Nông, người Dao có dân số khoảng 19 ngàn người, với hai nhóm chính
là Dao Đỏ và Dao Thanh Y. Họ cư trú chủ yếu ở khu vực huyện Krông Nô và Đắk
Mil. Người Thái ở Đắk Nông có khoảng 11 nghìn người. Họ cư trú chủ yếu ở khu vực
huyện Cư Jút và Krông Nô. Cả hai dân tộc này mang theo những giá trị văn hóa đặc
trưng của dân tộc mình vào tỉnh Đắk Nông.
Với người Dao, khi vào Đắk Nông lập nghiệp, họ luôn
gìn giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Những làn điệu dân ca (páo
dung), dệt thổ cẩm, lễ hội truyền thống... vẫn được duy trì và phát triển, góp
phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Trong ẩm thực,
do có sự giao lưu tiếp xúc với các dân tộc xung quanh, nên các món ăn, thức uống
của người Dao có nhiều biến đổi, kể cả trong các bữa ăn hàng ngày cũng như
trong lễ, tết. Y phục và trang sức là những bộ trang phục truyền thống của người
Dao. Tuy nhiên, tùy theo nhóm Dao sẽ có những nét đặc trưng riêng như hoa văn,
màu sắc, kiểu dáng. Chẳng hạn, trang phục của người phụ nữ Dao Thanh Y thường mặc
áo không cổ, quần ống ngắn. Trong khi phụ nữ Dao Tiền lại mặc váy màu xanh lơ,
khăn và xà cạp có nhiều loại. Phụ nữ Dao Đỏ thì màu sắc chủ đạo trong trang phục
là màu đỏ. Về trang sức chủ yếu bằng bạc được trổ nhiều hoa văn, dây hạt cườm,
lục lạc đồng tiền, các tua sợi hay len màu để trang trí... là những món trang sức
phổ biến của người Dao.
Người Dao có đời sống văn hóa tinh thần phong phú
được thể hiện trong tín ngưỡng, tập quán và trong văn học nghệ thuật. Các tác
phẩm văn học chủ yếu được truyền miệng, thể hiện nhiều khía cạnh trong đời sống
của họ. Người Dao có các nghệ thuật đặc trưng như cắt giấy trang trí bàn thờ và
phục vụ tang lễ, chạm bạc nữ trang, nhảy múa lễ hội và thổi kèn cưới1. Đặc biệt kèn Pí Lè là một loại nhạc cụ truyền thống
của người Dao, với nhiều giai điệu được thể hiện bằng loại nhạc cụ này. Tùy thuộc
vào nội dung của nghi lễ mà các giai điệu được kết hợp cho phù hợp như cúng cơm
mới, lễ cấp sắc..., đặc biệt trong lễ cưới không thể vắng tiếng kèn Pí Lè.
Người Thái là cộng đồng dân tộc phía Bắc di cư sớm
đến vùng đất Đắk Nông. Họ chủ yếu sống ở địa bàn khu vực huyện Cư Jút và Krông
Nô. Cuộc sống của họ tương đối tốt hơn so với dân tộc tại chỗ. Hiện đồng bào
Thái nơi đây rất chú trọng giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc
như: Trang phục truyền thống, nghề thêu dệt thổ cẩm... Phụ nữ Thái còn mặc
trang phục truyền thống khi gia đình có việc hệ trọng. Trong cách ăn mặc, các
bà, các mẹ chỉ cho con cháu cách vấn khăn hay buộc dây lưng. Phụ nữ có chồng có
cách quấn khăn khác với phụ nữ chưa có chồng.
Người Thái còn có các bộ nhạc cụ truyền thống bao gồm
trống, khèn bè, ống gõ... được các thôn, bản duy trì và tổ chức vào dịp lễ, tết,
cưới hỏi. Để duy trì hoạt động bảo tồn văn hóa, đồng bào Thái đã thành lập các
câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ và hoạt động thường xuyên, góp phần làm phong phú
thêm bức tranh văn hóa đầy màu sắc tại địa phương. Nhiều nghi lễ truyền thống
được giữ gìn như lễ mừng thọ cha mẹ - ông bà, lễ cầu an, lễ tạ ơn, lễ xuống đồng...
Phụ nữ Thái múa truyền thống hòa nhịp với điệu nhạc từ bộ gõ lồ ô, điệu gõ khua
luống - một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Thái.
Trong lễ, tết, dịp cúng tổ tiên, người Thái truyền
dạy cho cô con dâu, cháu chắt cách làm từng món truyền thống như: Bánh chưng
đen, xôi ngũ sắc, náp (cá ướp hành đùm vào lá dong rồi hấp), pa pỉnh tộp, pa pỉnh
phé (cá ướp hành, mắc khén, hạt dỗi rồi kẹp nướng), moót (lõi chuối rừng nấu với
tấm nếp cùng cá hoặc thịt), trà lam (bột nếp trộn mật mía, lạc, gừng)... Mỗi
món ăn là một món cúng tổ tiên, vì vậy người Thái chế biến rất cẩn thận. Chẳng
hạn, muốn làm bánh chưng đen, người Thái dùng rơm nếp sạch đã chuẩn bị từ trước
đốt lấy tro, sau đó trộn tro này với gạo nếp đã ngâm trước đó. Nhiều món ăn cần
những gia vị riêng mới trở thành món ăn của người Thái. Có những gia vị Đắk
Nông không có phải mua từ ngoài quê vào như: hạt mắc khén, hạt dỗi, mật mía...
Dân tộc Dao, Thái di cư vào Đắk Nông mang theo những
giá trị văn hóa tộc người đặc sắc đã cùng với các dân tộc khác ở tỉnh Đắk Nông
cùng đóng góp xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định xã hội và giữ gìn bản sắc
văn hóa của dân tộc.
IV. THỰC TRẠNG BẢO TỒN, PHÁT
HUY THỔ CẨM TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ M’NÔNG, MẠ, Ê ĐÊ,
THÁI, DAO GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung,
các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông nói riêng, từ bao đời nay, dệt thổ cẩm
đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời
sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Trước đây, nghề dệt thổ cẩm của các tộc
người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông là nghề thủ công truyền thống, được phát triển rất
sớm, rộng khắp trong các bon, buôn và đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống
văn hóa, tinh thần và phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, các hoạt động
dệt vẫn được duy trì để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và phục vụ khách tham
quan du lịch. Trong quá trình sưu tầm, phục dựng lại các lễ hội, nghi lễ truyền
thống của các dân tộc, ngành Văn hóa cũng thường xuyên được cấp kinh phí may mới
trang phục truyền thống để biểu diễn, qua đó tuyên truyền, khuyến khích người
dân biết gìn giữ và phát huy giá trị của trang phục truyền thống của dân tộc
mình.
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, trong những
năm qua, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số tỉnh
Đắk Nông được chú trọng, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Thông qua hình thức tổ
chức các lớp dạy nghề cho đối tượng là chị em người dân tộc thiểu số. Qua đó,
nhiều người đã biết dệt, nhiều bạn trẻ đã ý thức được việc bảo tồn vốn văn hóa
truyền thống của dân tộc mình. Mỗi dân tộc mang một nét văn hóa đặc trưng
riêng, vì vậy các sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc cũng mang ý nghĩa riêng.
Nhìn vào hoa văn thổ cẩm có thể biết được văn hóa, quan điểm sống của tộc người,
quan niệm về thế giới quan và vũ trụ quan của tộc người đó. Sản phẩm thổ cẩm của
các dân tộc tỉnh Đắk Nông rất phong phú về mẫu mã cũng như chủng loại. Mỗi sản
phẩm, có thể là vòng tay, vòng cổ, giỏ xách, chăn, trang phục áo, váy, khố... đều
có màu sắc, đường nét, kỹ thuật trang trí, hoa văn riêng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay,
trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, mở cửa, hội nhập toàn cầu hóa đã làm biến
đổi những tinh hoa văn hóa; quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người diễn
ra mạnh mẽ; xu hướng Việt (Kinh) hóa hoặc Âu hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh
chóng. Đặc biệt, các nghề được làm bằng thủ công truyền thống của các dân tộc
thiểu số đang dần bị thay thế làm bằng công nghiệp; đời sống kinh tế cũng khá
hơn nên họ có sự thay đổi mạnh mẽ trong trang phục truyền thống. Những bộ đồ thổ
cẩm truyền thống được thay bằng những trang phục hiện đại như quần tây, quần
bò, áo sơ mi... Bên cạnh đó, các nghệ nhân dệt thổ cẩm ngày càng ít, số nghệ
nhân có kinh nghiệm truyền dạy cũng đã lớn tuổi hoặc đã mất. Lớp trẻ còn số ít
biết dệt thổ cẩm. Lực lượng trong độ tuổi lao động thì nhiều, nhưng cũng không
còn mấy người tâm huyết với nghề nữa mà đi tìm kiếm các công việc khác để kiếm
sống, dẫn đến đội ngũ kế thừa nghề dệt rất hạn chế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 895 nghệ
nhân biết dệt thổ cẩm, trong đó: nghệ nhân người dân tộc M’Nông 647 người, dân
tộc Mạ 66 người, dân tộc E đê 80 người, dân tộc Dao 25 người, dân tộc Thái 20
người, còn lại là dân tộc Tày, dân tộc Mông... Qua quá trình điều tra cho thấy,
sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đặc biệt
về trang phục, cơ bản vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, nhưng có cải tiến
về hoa văn trang trí theo xu hướng hiện đại. Đa số những người biết dệt từ khi
còn nhỏ, được cha mẹ, ông bà truyền dạy và một số được học qua các lớp truyền dạy
nghề do địa phương tổ chức. Nhiều người có khả năng dệt rất tốt nhưng do không
còn đủ sức khỏe để dệt, khả năng nguồn vốn để duy trì nghề dệt cũng không có, sản
phẩm thổ cẩm làm ra chỉ ở phạm vi gia đình và phục vụ cho gia đình là chính.
Vai trò của người phụ nữ trong việc giữ gìn nghề dệt
thổ cẩm cũng dần thay đổi theo xu hướng thị trường, bởi người phụ nữ hiện nay
không gắn liền với khung cửi, may vá, thêu thùa mà người phụ nữ hiện nay còn phải
gánh vác thêm việc xã hội nên tư duy cũng có sự thay đổi. Bên cạnh đó, chi phí
để làm nên một sản phẩm thổ cẩm truyền thống tốn kém gấp nhiều lần so với sản
phẩm hiện đại. Việc làm ra một sản phẩm làm từ thủ công cần một thời gian dài
nhưng hiện tại chưa có thị trường tiêu thụ, không có đầu ra cho sản phẩm. Quá
trình giao lưu văn hóa, hội nhập kinh tế cũng ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống
văn hóa nói chung, truyền thống văn hóa dân tộc tỉnh Đắk Nông nói riêng. Thay
vì trang phục làm ra từ những chất liệu truyền thống (bông, lanh, dệt, nhuộm),
hiện nay trang phục công nghiệp làm bằng sợi tổng hợp, với nhiều chủng loại, mẫu
mã đa dạng được bán trên thị trường. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm của các tộc người
thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang dần bị mai một. Do đó cần có phương án
để bảo tồn khôi phục và phát triển nghề dệt một cách khoa học, đồng bộ từ tỉnh
đến cơ sở, đồng thời phát huy có hiệu quả nghề dệt truyền thống các dân tộc gắn
với các hoạt động phát triển du lịch của địa phương.
V. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐỀ ÁN
1. Đối tượng: Dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ, Ê
đê, Thái, Dao.
2. Phạm vi: Toàn tỉnh Đắk Nông (nơi có đồng
bào dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao sinh sống).
3. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2023 đến
năm 2025.
Phần II
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu tổng quát
Bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào
các dân tộc thiểu M’Nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk
Nông đáp ứng mục tiêu “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển” góp
phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đưa sản
phẩm thổ cẩm truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc
thiểu số, đi vào ý thức thẩm mỹ và ý thức tự giác của các dân tộc, có lòng tự
hào đối với văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền
vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó phát
triển các sản phẩm thổ cẩm truyền thống để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- 70% trở lên các bon, buôn đồng bào các dân tộc
thiểu số trên địa bàn tỉnh được kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ
công truyền thống, nghề dệt của người M’Nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao.
- Xây dựng ít nhất 01 hồ sơ di sản văn hóa phi vật
thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn
liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đề nghị cấp thẩm quyền
đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- 70% bon, buôn (có nghề dệt thổ cẩm) trở lên được
kiểm kê sưu tầm các mẫu hoa văn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.
- 60% trở lên các nghệ nhân được truyền dạy các hoa
văn cổ, hoa văn khó trang trí trên sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc
thiểu số.
- Có từ 03-05 cá nhân được phong tặng danh hiệu
“nghệ nhân ưu tú”, “nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực dệt thổ cẩm truyền thống.
- 60% nghệ nhân trở lên tại các bon, buôn có nghề dệt
tổ cẩm được tham gia lớp tập huấn kỹ năng bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống
các dân tộc thiểu số, kỹ năng ứng dụng trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục
vụ khách du lịch.
- 60% nghệ nhân trở lên tại các bon, buôn được tham
gia lớp truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống các dân tộc thiểu
số.
- Xây dựng ít nhất 02 mô hình bảo tồn và phát huy
thổ cẩm truyền thống các dân tộc thiểu số (trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm
về thổ cẩm truyền thống).
- Xây dựng ít nhất 02 mô hình tổ hợp tác dệt thổ cẩm
nhằm bảo tồn và phát triển dệt, sản xuất, may sản phẩm, trang phục thổ cẩm truyền
thống và hàng thủ công mỹ nghệ tại một số điểm đến phục vụ khách du lịch.
- Xây dựng ít nhất 01 mô hình dệt, trình diễn kỹ
thuật dệt và các sản phẩm ứng dụng dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của các nghệ
nhân và chuyên gia.
- Tổ chức ít nhất 01 cuộc Liên hoan trình diễn
trang phục các dân tộc thiểu số (trình diễn trang phục truyền thống và trang phục
cách tân có sử dụng thổ cẩm) cấp tỉnh.
- Tổ chức ít nhất 01 Ngày hội “Sắc màu văn hóa các
dân tộc” gắn với Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam, gắn với Ngày Đại đoàn kết các
dân tộc Việt Nam, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam...
- Tổ chức ít nhất 02 cuộc trình diễn trang phục
truyền thống và cách tân làm từ thổ cẩm của các dân tộc thiểu số gắn với các sự
kiện của địa phương.
- 70% trở lên học sinh tại các trường dân tộc nội
trú trên địa bàn tỉnh triển khai mặc trang phục truyền thống 02 buổi/tuần và mặc
trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết, ngày hội.
- Xây dựng ít nhất 02 điểm giới thiệu và tổ chức
bán sản phẩm thổ cẩm truyền thống và hàng thủ công mỹ nghệ trên chất liệu thổ cẩm
do nghệ nhân làm ra các sản phẩm tại các khu điểm du lịch.
- 30% bon, buôn nơi có tổ hợp tác dệt thổ cẩm được
trang bị khung dệt cải tiến, trang thiết bị.
- 70% bon, buôn hoàn thành khảo sát, đánh giá các
mô hình hợp tác xã, làng nghề thổ cẩm đặc trưng đưa vào các tuyến, điểm du lịch
để phục vụ du khách tham quan.
- Tổ chức ít nhất 01 hội thảo hoặc diễn đàn chuyên
đề về xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch.
- Xây dựng ít nhất 01 mô hình sản phẩm thời trang
thổ cẩm phục vụ khách du lịch thông qua chương trình liên hoan âm nhạc, lễ hội...
tại địa phương.
II. NHIỆM VỤ
1. Tiến hành kiểm kê và lập danh mục di sản văn
hóa phi vật thể về thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số
- Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ
công truyền thống, nghề dệt của người M’Nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao.
- Lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ
công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến
trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, đề xuất cấp thẩm quyền đưa vào
Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Sưu tầm để bảo tồn các mẫu hoa văn đặc trưng của
đồng bào dân tộc thiểu số (có nghề dệt thổ cẩm).
2. Bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa
phi vật thể về thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số
- Mở lớp truyền dạy các hoa văn cổ, hoa văn khó
trang trí trên sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc thiểu số.
- Tổ chức xét và đề xuất cấp thẩm quyền phong tặng
danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”, “nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực dệt thổ cẩm
truyền thống cho từ các cá nhân tỉnh Đắk Nông.
- Mở lớp tập huấn kỹ năng bảo tồn, phát huy thổ cẩm
truyền thống các dân tộc thiểu số, kỹ năng ứng dụng trên các sản phẩm thủ công
mỹ nghệ.
- Tổ chức lớp truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm
truyền thống các dân tộc thiểu số.
- Xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy thổ cẩm truyền
thống các dân tộc thiểu số (trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm về thổ cẩm
truyền thống).
- Xây dựng mô hình tổ hợp tác dệt thổ cẩm nhằm bảo
tồn và phát triển dệt, sản xuất, may sản phẩm, trang phục thổ cẩm truyền thống
và hàng thủ công mỹ nghệ tại một số điểm đến phục vụ khách du lịch.
- Xây dựng thí điểm mô hình dệt, trình diễn kỹ thuật
dệt và các sản phẩm ứng dụng dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của các nghệ nhân và
chuyên gia.
3. Quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật
thể về thổ cẩm truyền thống các dân tộc thiểu số
- Tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc
thiểu số (trình diễn trang phục truyền thống và trang phục cách tân có sử dụng
thổ cẩm) cấp tỉnh.
- Tổ chức Ngày hội “Sắc màu văn hóa các dân tộc” gắn
với Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam, gắn với Ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt
Nam, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam...
- Tổ chức trình diễn trang phục truyền thống các
dân tộc thiểu số gắn với các sự kiện của địa phương
4. Giới thiệu và bán sản phẩm thổ cẩm truyền thống
và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trên chất liệu thổ cẩm
Khảo sát lựa chọn các điểm giới thiệu và bán sản phẩm
thổ cẩm truyền thống và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trên chất liệu thổ cẩm do
nghệ nhân làm ra.
5. Mua sắm trang thiết bị
- Trang bị bộ khung dệt cải tiến, trang thiết bị
cho dân tộc M’Nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao để thực hành dệt thổ cẩm.
- Mua nguyên vật liệu phục vụ các lớp tập huấn.
- Đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ khảo sát,
đánh giá thực trạng và các mô hình thổ cẩm truyền thống (máy ảnh, máy ghi âm,
camera...).
6. Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch gắn với
nghề thổ cẩm
- Tổ chức khảo sát, đánh giá các mô hình hợp tác
xã, làng nghề thổ cẩm đặc trưng đưa vào các tuyến, điểm du lịch để phục vụ du
khách tham quan.
- Tổ chức hội nghị hoặc hội thảo, diễn đàn về xúc
tiến đầu tư, quảng bá du lịch.
- Phát hành ấn phẩm giới thiệu về thổ cẩm các dân tộc
thiểu số tỉnh Đắk Nông.
- Tham gia sự kiện du lịch tại các tỉnh, thành phố trong
cả nước để xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch gắn với thổ cẩm của các dân
tộc thiểu số.
- Xây dựng mô hình sản phẩm thời trang thổ cẩm phục
vụ khách du lịch thông qua chương trình liên hoan âm nhạc, lễ hội... tại địa
phương.
Phần III
HIỆU QUẢ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN
I. HIỆU QUẢ VỀ KINH TẾ
1. Bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng
bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần quan trọng vào
việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh; nghề dệt
thổ cẩm vẫn có thể đem đến nguồn thu nhập cho cuộc sống gia đình của người dệt;
tạo điều kiện để người lao động có thu nhập ổn định, cải thiện, nâng cao mức sống
cho người lao động.
2. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương
trên địa bàn tỉnh tạo ra sản phẩm thổ cẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp mang bản
sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc được bán ra thị trường và xuất khẩu
ra nước ngoài.
3. Góp phần to lớn vào việc tạo ra các sản phẩm thổ
cẩm ứng dụng thiết yếu, các sản phẩm thổ cẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm thổ
cẩm mang tính nghệ thuật đáp ứng nhu cầu cho đời sống vật chất và tinh thần tại
chỗ của đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
II. HIỆU QUẢ VỀ XÃ HỘI
1. Bảo tồn phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng
bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch sẽ là hướng chủ đạo trong
chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số; là giải pháp tốt
nhất để tận dụng thời gian nông nhàn, đồng thời tạo thêm được nhiều việc làm,
giải quyết việc làm ổn định cho lao động vùng dân tộc thiểu số của tỉnh.
2. Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
các dân tộc, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của địa phương với các vùng
miền trong và ngoài nước thông qua những hoa văn, họa tiết được trang trí trên
sản phẩm thổ cẩm. Ngoài ra, thổ cẩm còn được bảo tồn phát huy tại các lễ hội
truyền thống, các hội thi... thông qua việc trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm
thổ cẩm cho du khách.
3. Tạo điều kiện để ngành du lịch của tỉnh phát triển,
mở thêm được nhiều tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thu hút du
khách đến tham quan góp phần tăng thu nhập và giải quyết thêm việc làm cho lao
động khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
III. VỀ MÔI TRƯỜNG
1. Các làng nghề thổ cẩm truyền thống được quy hoạch,
bố trí hợp lý và đầu tư hệ thống xử lý môi trường với kỹ thuật công nghệ tiên
tiến sẽ góp phần giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường sống.
2. Phát triển các làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã
thổ cẩm gắn với du lịch, sẽ tạo nên cảnh quan môi trường “Xanh - sạch - đẹp”, người
dân sẽ có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống
của mình.
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Đối với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
nghề dệt thổ cẩm
a) Giải pháp tuyên truyền vận động và khen thưởng
Tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số,
nhất là những người trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên, người già, người
có uy tín trong cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát
huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển
du lịch trên địa bàn; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước về bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, các chính sách ưu đãi để họ tự
giác, tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những nét hoa văn, những sản phẩm thổ
cẩm truyền thống độc đáo và tham gia học nghề, học việc phục vụ bản thân, gia
đình và tạo công ăn việc làm tăng thu nhập.
Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều
hình thức, thông qua loa phát thanh, các cuộc họp của thôn, buôn, bon; niêm yết
tại các khu vực trung tâm, nhà văn hóa cộng đồng và ở các trường học trên địa
bàn tỉnh.
Khen thưởng các cá nhân, hộ gia đình, cơ sở nghề,
làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống có nhiều thành tích trong bảo tồn, phát triển
nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
b) Giải pháp về công tác bảo tồn các giá trị văn
hóa hoa văn truyền thống
Sưu tầm để bảo tồn các mẫu hoa văn đặc trưng của từng
dân tộc bằng phương pháp chụp lại hoa văn đã được định vị trên sản phẩm thổ cẩm
và mã hóa từng loại hoa văn để lưu giữ lại.
Sử dụng hoa văn truyền thống trên các sản phẩm thổ
cẩm của các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông để thiết kế trên các trang phục hiện đại
và trên các vật dụng khác như tấm trải giường, cà vạt, túi, ví...
Tổ chức giới thiệu trưng bày sản phẩm thổ cẩm tại cộng
đồng các dân tộc, thông qua các hội thảo, thông qua việc tổ chức các lễ hội...
Thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng dệt
thổ cẩm, cách trang trí hoa văn thổ cẩm trên nền vải và kết hợp đưa nội dung
truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm vào các trường học, trước mắt trong các trường
dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.
c) Giải pháp về chính sách và vốn đầu tư, hỗ trợ
- Giải pháp về vốn: Nguồn vốn do ngân sách cấp hàng
năm để phát triển nghề, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
- Về chính sách: Các chính sách khuyến công, khoa học
- công nghệ và khuyến khích đầu tư: Các hộ gia đình, cơ sở ngành nghề thổ cẩm
truyền thống được hưởng thụ các chính sách khuyến công, khoa học - công nghệ và
các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh.
2. Đối với phát triển các mô hình văn hóa truyền
thống nghề dệt thổ cẩm
a) Định hướng quy hoạch cho phát triển nghề, làng
nghề
Các huyện, thành phố Gia Nghĩa thực hiện phát triển
nghề, làng nghề thổ cẩm truyền thống của địa phương theo hướng phát triển nghề,
làng nghề thổ cẩm truyền thống tại chỗ mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc
thiểu số. Việc quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thổ cẩm truyền thống phải gắn
kết với phong tục tập quán và nguồn lao động tại chỗ của địa phương; đồng thời
gắn kết với các hoạt động du lịch, khu vực cửa khẩu, khu công nghiệp, nhằm góp
phần nâng cao giá trị sản phẩm của nghề, làng nghề thổ cẩm truyền thống.
Phát triển nghề, làng nghề thổ cẩm truyền thống gắn
với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển ngành, nghề tiểu thủ
công nghiệp và thị trường tiêu thụ.
b) Giải pháp về xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường
Khuyến khích đầu tư xử lý và ứng dụng công nghệ
trong xử lý chất thải ở các địa phương có nghề, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ môi trường làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
c) Xây dựng thổ cẩm thành sản phẩm đặc thù của địa
phương
Mở các lớp học nghề dệt, xây dựng thương hiệu và đa
dạng hóa mẫu mã sản phẩm và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, lễ hội lớn
trong và ngoài nước.
Tạo không gian trưng bày sản phẩm thổ cẩm tại các
điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu cho du khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Tích cực sưu tầm, thiết kế mẫu mã mới và bắt mắt
trên cơ sở sử dụng hoa văn truyền thống để tạo ra nhiều sản phẩm phong phú đáp ứng
nhiều hơn với thị hiếu người tiêu dùng; đồng thời cần phải đầu tư mở rộng quy
mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và đa dạng hình thức giới thiệu, quảng
bá văn hóa thổ cẩm đến du khách, đây được xem là cầu nối để đưa khách hàng đến
với mặt hàng giàu bản sắc này.
d) Quảng bá sản phẩm thổ cẩm theo hướng công nghiệp
văn hóa
Cần hướng tới việc kết hợp với các doanh nghiệp để
vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng thổ cẩm truyền thống; có sự kết
nối, tiếp nhận đơn đặt hàng từ doanh nghiệp để làm ra các sản phẩm theo yêu cầu.
Tổ chức các cuộc trưng bày lưu động các sản phẩm thổ
cẩm tại các địa phương trong tỉnh, các thành phố lớn, đô thị lớn trong cả nước,
qua đó sẽ thu hút cộng đồng chú ý đến giá trị của thổ cẩm, đồng thời giúp tạo
nên một hiệu ứng quảng bá tốt hơn cho sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số
tỉnh Đắk Nông.
đ) Xây dựng không gian văn hóa thổ cẩm đặc trưng của
Đắk Nông để bảo tồn và phát triển
Hình thành nên gian hàng thổ cẩm, nơi sản xuất, những
không gian sử dụng sản phẩm thổ cẩm trong cộng đồng... để thu hút khách du lịch
đến tham quan và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là tạo ra những không gian lễ hội
trong cộng đồng để đi kèm với đó là tổ chức giới thiệu những loại hình thổ cẩm
của người dân.
Tổ chức sưu tầm những bộ trang phục cổ, những tấm
thổ cẩm xưa có trang trí hoa văn tinh xảo để trưng bày trong không gian văn hóa
thổ cẩm đặc trưng tại cộng đồng.
Mua lại các bộ sưu tập trang phục, vật dụng bằng thổ
cẩm của các dân tộc thiểu số cùng với các bộ khung dệt quý hiếm là một giải
pháp cần thiết nhằm có được những hiện vật trưng bày phục vụ cho du khách tham
quan, thưởng ngoạn.
e) Nâng cao nhận thức cộng đồng về sự bảo tồn và
phát triển của nghề dệt thổ cẩm
Tiến hành điều tra tổng thể về nghề dệt thổ cẩm của
các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông, tiếp tục đánh giá tình hình hoạt động của nghề
dệt thổ cẩm tại các buôn, bon, số lượng nghệ nhân, công việc truyền dạy, kế thừa
trong cộng đồng, những người phụ nữ đang tiếp nối nghề dệt truyền thống, tình
hình sử dụng trang phục thổ cẩm của dân tộc thiểu số, thị trường tiêu thụ thổ cẩm
hiện nay. Nâng cao nhận thức cộng đồng về việc thay đổi sản phẩm nhằm đáp ứng
được nhu cầu thị trường rộng lớn hơn.
g) Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp
trong việc vận động hội viên, các chị em phụ nữ trong phát triển nghề dệt thổ cẩm
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Hội viên,
chị em phụ nữ là nghệ nhân am hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và có kỹ
năng truyền nghề để truyền dạy cho các thế hệ trẻ biết dệt thổ cẩm, đặc biệt là
những cách trang trí hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm; đồng thời vận động các
Hội viên, chị em phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội có mặc
trang phục truyền thống... nhằm khẳng định sắc thái riêng của mỗi dân tộc.
Phối hợp tổ chức các lớp dạy dệt thổ cẩm cho thế hệ
trẻ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho
bà con; mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa; phát triển các loại hình dịch vụ,
giải quyết việc làm... góp phần thay đổi diện mạo thôn, bon, buôn, vừa giúp giữ
gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa có thêm nguồn thu nhập cho chị
em phụ nữ trên địa bàn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tăng cường phối hợp với
các đơn vị làm du lịch tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục
cải tiến nâng cao chất lượng mẫu mã của sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng.
Tăng cường các hoạt động hỗ trợ Hội viên, chị em phụ nữ cập nhật, bổ sung kiến
thức, kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển kinh tế tạo việc làm tăng thu nhập,
xóa đói giảm nghèo. Tiếp tục vận động các chị em trong vùng, đặc biệt là chị em
phụ nữ nghèo tham gia tổ thêu, dệt để giúp có thu nhập ổn định. Chú trọng xây dựng,
khai thác và phát triển thương hiệu thêu, dệt thổ cẩm để nghề dệt thổ cẩm truyền
thống luôn giữ được giá trị, bản sắc riêng của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk
Nông.
Nâng cao vị trí vai trò của người phụ nữ dân tộc
thiểu số tỉnh Đắk Nông trong đời sống, phát huy được các giá trị văn hóa truyền
thống, đặc biệt là giá trị văn hóa thổ cẩm của các dân tộc thiểu số trong phát
triển các sản phẩm du lịch. Nghệ nhân được tiếp cận, thực nghiệm với công nghệ
dệt mới trên khung dệt mới nhằm giảm thời gian, chi phí mà sản phẩm tạo ra vẫn
giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Nghệ nhân được học hỏi
cách phối màu, cách dùng các loại sợi để tạo ra các sản phẩm phù hợp. Việc ứng
dụng khung dệt mới còn có thể truyền dạy tại các trường cao đẳng, trường dạy
nghề. Đồng thời ngoài bảo tồn các sản phẩm thổ cẩm dệt truyền thống, các nghệ
nhân biết cách tạo ra các sản phẩm thổ cẩm ứng dụng để bán ra thị trường, góp
phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho kinh tế gia đình, dần tạo
ra sản phẩm thổ cẩm phục vụ khách du lịch, từ đó, cải thiện đời sống kinh tế địa
phương góp phần xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận Nhân dân trong tỉnh.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Kinh phí thực hiện Đề án này được bố trí từ ngân
sách nhà nước theo phân cấp ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp khác theo
quy định của pháp luật. Ưu tiên thực hiện lồng ghép nhiệm vụ với các Chương
trình mục tiêu quốc gia, Chương trình, Đề án và Kế hoạch khác có liên quan đang
triển khai trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được phân công, các đơn vị
xây dựng dự toán kinh phí thuộc nhiệm vụ ngân sách nhà nước gửi Sở Tài chính thẩm
định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, phân bổ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ.
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa
phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề
(sau khi Đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt).
Hướng dẫn, đôn đốc, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả
thực hiện Đề án về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Chủ trì, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh việc
áp dụng chính sách khuyến khích phát triển nghề nông nghiệp, nghề truyền thống
(trong đó có nghề dệt thổ cẩm) theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP
ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn đạt hiệu quả.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đơn vị, địa
phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xét công nhận nghề dệt thổ cẩm
truyền thống, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống theo quy định của pháp luật.
3. Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực
hiện Đề án. Chủ trì, hướng dẫn cơ chế tài chính đối với những chính sách hỗ trợ
để thực hiện Đề án.
4. Sở Công Thương
Thực hiện các chính sách khuyến công, xúc tiến
thương mại để hỗ trợ máy móc thiết bị, đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý,
năng lực sản xuất, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho
các cơ sở sản xuất làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Chủ trì tham mưu thực hiện Kế hoạch số 745/KH-UBND
ngày 02/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển
thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025 tỉnh Đắk Nông.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan bố
trí, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hàng năm
(nguồn vốn đầu tư) giành cho Chương trình phát triển nghề, làng nghề dệt thổ cẩm
và Chương trình khuyến công để thực hiện Đề án.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương thẩm định các dự án
phát triển làng nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch.
Hướng dẫn và cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh
nghiệp, Liên hiệp hợp tác xã đầu tư vào phát triển nghề, làng nghề dệt thổ cẩm
truyền thống; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh kêu gọi, thu hút các tổ chức trong
và ngoài nước đầu tư vào phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa
bàn tỉnh.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
Triển khai các nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu, chuyển
giao ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất tại hợp tác xã dệt thổ cẩm
truyền thống phù hợp với mục tiêu của Đề án trên cơ sở đặt hàng của Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan.
Hướng dẫn các đơn vị đề xuất, đăng ký tham gia
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và các Chương trình khoa học công nghệ
do Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì thực hiện. Hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng hồ sơ
đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Đăng ký thương hiệu cho sản phẩm cho
làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
7. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
Chủ trì xây dựng kế hoạch hàng năm để đào tạo nghề
dệt thổ cẩm truyền thống cho lao động vùng dân tộc thiểu số; đề xuất chính sách
hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống; phối
hợp với các ngành, đơn vị, địa phương hướng dẫn, thực hiện công tác đào tạo nghề
và giải quyết việc làm cho lao động vùng Đề án; tăng cường nguồn nhân lực và tạo
việc làm cho các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức
hướng dẫn các cơ quan, địa phương ưu tiên thực hiện nhiệm vụ đào tạo, dạy nghề
về may, thêu, dệt trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.
Lồng ghép các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực của
ngành để đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị cho các làng nghề dệt
thổ cẩm truyền thống.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện
việc bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề dệt thổ cẩm. Đề xuất các
chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức, các cơ sở
sản xuất nghề dệt thổ cẩm truyền thống về đất đai.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn, định hướng các cơ quan báo chí trong tỉnh,
Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử các địa phương, đơn vị
trong tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền về nội
dung, ý nghĩa và kết quả thực hiện Đề án.
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
thực hiện các nội dung truyền thông về Đề án và hỗ trợ đưa các sản phẩm của Đề
án lên các sàn thương mại điện tử.
10. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các địa phương tổ chức các hoạt động bảo vệ,
giáo dục ngay tại địa điểm có di sản văn hóa. Tổ chức các cuộc thi, ngày hội,
nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa trong trường học, nhất là vấn đề bảo tồn,
phát huy trang phục truyền thống của học sinh các trường Dân tộc nội trú trên địa
bàn tỉnh. Tuyên truyền, vận động để học sinh các Trường Dân tộc Nội trú mặc
trang phục truyền thống vào các dịp lễ, tết, ngày hội và các buổi học trong tuần
phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị.
11. Ban Dân tộc tỉnh
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên
cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống
của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông liên
quan đến các nội dung Đề án này.
12. Báo Đắk Nông, Đài Phát
thanh và Truyền hình Đắk Nông
Chủ động và phối hợp cùng các Sở, ngành chức năng
tuyên truyền, quảng bá giới thiệu những giá trị của di sản văn hóa về thổ cẩm
truyền thống các dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng và
trên sóng Phát thanh Truyền hình trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về
giá trị văn hóa thổ cẩm và ý thức tự hào, tự tin của đồng bào về thổ cẩm truyền
thống của dân tộc mình...
13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội
Nông dân tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chi Minh tỉnh
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan
chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên các cấp
và các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu
số Việt Nam, trong đó có văn hóa thổ cẩm.
14. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các
huyện, thành phố Gia Nghĩa, các đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động, hướng
dẫn các cá nhân, hộ gia đình, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành
lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực
du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và phát huy bản sắc
dân tộc gắn với xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề, Chương trình phát triển du
lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Nông.
Lồng ghép các chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa
phương (nếu có) đối với tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động kinh doanh
trong lĩnh vực dệt thổ cẩm truyền thống. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến
thương mại giới thiệu, quảng bá bán các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống tại
các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng, nhân rộng mô hình điểm theo chuỗi liên kết
tiêu thụ sản phẩm đối với Tổ hợp tác, Hợp tác xã theo Quyết định số 677/QĐ-UBND
ngày 17/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
15. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Gia Nghĩa
Chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền thành lập Tổ hợp
tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã xây dựng và phát triển phù hợp với tình
hình thực tiễn của từng địa phương.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đơn vị
triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách, trong đó có lồng ghép nội
dung tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, hợp tác xã, làng nghề trong việc hỗ
trợ mua khung dệt và thu mua các nguyên vật liệu như: chỉ, len, sợi...
Huy động các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước
để đầu tư phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, trong đó có các hợp
tác xã dệt thổ cẩm truyền thống. Đồng thời, xây dựng các giải pháp tiêu thụ sản
phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm từ làng nghề dệt thổ cẩm trên địa
bàn tỉnh.
Trên đây là Đề án bảo tồn phát huy thổ cẩm truyền
thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao gắn với
phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2023-2025, các đơn vị, địa phương
liên quan phối hợp triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề
án, trường hợp khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản
ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để xem
xét, chỉ đạo./.
1 Tỉnh Đắk Nông
(2011), Địa chí Đắk Nông, Nxb. Từ điển Bách khoa, tr.109-111