ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4249/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 17 tháng 8 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NÂNG CAO THU NHẬP, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
CHO NGƯỜI DÂN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8
năm 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp,
nông dân, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6
năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về
xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02
năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc
gia về nông thôn mới;
Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04
tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực
hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4
năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới
và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng
nông thôn mới.
Căn cứ Công văn số 238/VPĐP-KHTH ngày 29 tháng 4
năm 2016 của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương về xem xét công nhận
huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới.
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tại
Tờ trình số 2779/TTr-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2016 về phê duyệt Đề án phát triển
kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa
bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020; ý kiến đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số
1759/TTr-NNPTNT-KHĐT ngày 19 tháng 7 năm 2016 về phê duyệt Đề án phát triển
kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa
bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 -2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao
thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn
2016 - 2020 theo như đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở
Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1759/TTr-NNPTNT-KHĐT ngày 19 tháng 7 năm
2016 (theo nội dung Đề án đính kèm).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước
thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc,
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở
Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao,
Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Y tế, Chánh
Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố, Thủ trưởng các Sở, ngành liên
quan, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Liêm
|
ĐỀ ÁN
PHÁT
TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NÂNG CAO THU NHẬP, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG CHO NGƯỜI DÂN
TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4249/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy
ban nhân dân thành phố)
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ
ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT GẮN VỚI GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
1. Cơ sở thực tiễn
Trong 05 năm qua, kinh tế huyện Cần Giờ có bước
phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân 10%/năm, cơ cấu kinh
tế từng bước chuyển dịch đúng hướng, phát huy lợi thế tiềm năng của huyện; các
nguồn lực xã hội được phát huy, kết cấu hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn chỉnh
đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; đời sống vật chất tinh thần của nhân
dân được cải thiện, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm hộ nghèo trên địa bàn;
tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn được quản lý, bảo vệ tốt, tạo
môi trường cảnh quan thúc đẩy ngành du lịch sinh thái phát triển; quốc phòng an
ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
1.1. Về phát triển kinh tế:
1.1.1. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: Thực
hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị,
ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từng bước nâng cao năng suất,
chất lượng; chuyển đổi có hiệu quả đất nông nghiệp có năng suất thấp sang nuôi
trồng thủy sản; cơ cấu sản phẩm trong nội bộ các ngành có sự chuyển dịch theo
hướng tăng sản lượng các sản phẩm có giá trị. Giá trị sản xuất nông - lâm- ngư
nghiệp đạt bình quân 2.000 tỷ đồng/năm, tăng 11,1%/năm. Giá trị sản xuất bình
quân bình quân đạt gần 300 triệu đồng/ha, tăng 13%/năm giai đoạn 2010 - 2015.
* Sản xuất thủy sản là ngành kinh tế chủ lực,
trong đó lĩnh vực nuôi trồng đối tượng nuôi chủ lực là con tôm, nghêu, hàu.
Ngoài ra một số đối tượng nuôi mới được phát triển: cua, cá chẽm, ốc hương đã tạo
sản phẩm thủy sản phong phú.
- Về nuôi tôm: Có sự chuyển đổi đối tượng, mô hình
sản xuất, từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng; diện tích nuôi mô hình
thâm canh ngày càng tăng. Giai đoạn 2010 - 2015, nhiều mô hình nuôi tôm thâm
canh được triển khai như: mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP, nuôi tôm
theo công nghệ Việt Úc, nuôi tôm hữu cơ. Hàng năm, diện tích mặt nước thả nuôi
trên 6.000 ha, trong đó: mô hình nuôi thâm canh 2.500 ha, nuôi luân canh tôm -
lúa, tôm - muối là 536 ha, còn lại là nuôi tôm quảng canh cải tiến. Năm 2015 diện
tích nuôi tôm sú 3.252 ha, giảm 1.489 ha so năm 2010 (năm 2010 là 4.741 ha);
nuôi tôm thẻ 2.039 ha, tăng 758,5 ha. Diện tích nuôi thâm canh 2.542 ha (tăng
789 ha so năm 2010). Sản lượng thu hoạch trên 12.000 tấn/năm (tăng 5,4% năm),
năng suất bình quân nuôi tôm trên ao là 4 tấn/năm (tăng 2,2%/năm).
- Nuôi nhuyễn thể, đối tượng chủ lực là nghêu, sò, ốc
hương và hàu tập trung chủ yếu tại thị trấn Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An và Lý
Nhơn. Diện tích mặt nước bãi bồi ven sông, ven biển thả nuôi nhuyễn thể là
1.122 ha; trong đó nuôi nghêu, sò: 939 ha, nuôi hàu: 183 ha. Sản lượng bình
quân 9.800 tấn/năm, tăng 36,4%/năm, trong đó, mô hình nuôi hàu phát triển mạnh
(diện tích hiện tại, sản lượng đạt bình quân trên 5.400 tấn/năm, tăng 56%/năm).
Ngoài ra các đối tượng nuôi thủy hải sản khác là nuôi cua, nuôi cá chẽm, cá dứa,
cá bớp, diện tích khoảng 100 ha. Sản lượng bình quân 275 tấn/năm.
- Khai thác thủy sản: Còn gặp nhiêu khó khăn do trữ
lượng thủy sản ngày càng giảm, các phương tiện đánh bắt có công suất nhỏ, ngư
trường hoạt động chủ yếu gần bờ, ven bờ. Đến cuối năm 2015, toàn huyện có 41
phương tiện khai thác công suất trên 90CV và 1.009 phương tiện khai thác ven bờ.
Ngư trường hoạt động chủ yếu ven bờ, các kênh rạch trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Sản lượng khai thác bình quân 20.000 tấn/năm. Nghề đánh bắt xa bờ phát triển chậm,
hoạt động không thường xuyên, hiệu quả thấp. Đánh bắt ven bờ hoạt động thường
xuyên và có hiệu quả; cung cấp ổn định nguồn thủy sản tiêu thụ hàng ngày và nguồn
nguyên liệu phục vụ chế biến; nhiều phương tiện sau thời gian hoạt động có tích
lũy, đã đầu tư nâng cấp, cải tạo phương tiện, máy móc và thay đổi công cụ đánh
bắt phù hợp với thời vụ khai thác.
* Sản xuất nông nghiệp: Chủ yếu ở lĩnh vực
chăn nuôi, đặc biệt là mô hình nuôi chim yến lấy tổ. Hiện nay, toàn huyện có
231 nhà nuôi chim yến; trong đó có 138 căn cho thu hoạch. Sản lượng thu hoạch
bình quân 2,5 tấn/năm, tăng bình quân 61%/năm, đóng góp trên 90% giá trị của lĩnh
vực chăn nuôi. Trồng trọt sản phẩm chủ lực là cây ăn trái (xoài) với diện tích
235 ha tập trung chủ yếu tại thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa; trong đó trồng
xoài theo quy trình VietGAP là 13,8 ha năng suất bình quân từ 7 - 8 tấn/ha. Diện
tích gieo trồng lúa không đáng kể (năm 2015 đưa vào sản xuất 445 ha) và chủ yếu
là 01 vụ lúa mùa theo mô hình luân canh tôm - lúa; năng suất bình quân 3 tấn/ha,
hiệu quả sản xuất thấp.
* Lâm nghiệp: thực hiện tốt công tác quản
lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng với diện tích 35.286 ha, tỷ lệ che phủ
rừng đạt 47,3%; tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất dưới tán rừng. Công
tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa các địa bàn giáp ranh được duy trì thường
xuyên, kết hợp với việc phát huy vai trò của tổ tự quản trong việc bảo vệ rừng;
việc nâng mức tiền công nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đã giúp cho đời sống của
các hộ giữ rừng được cải thiện, ổn định; các hoạt động du lịch sinh thái trong
rừng phòng hộ ngày càng phát triển.
1.1.2. Tiểu thủ công nghiệp, diêm nghiệp:
- Toàn huyện, có 279 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu
thủ công nghiệp, giải quyết 750 lao động, trong đó có 70 cơ sở chế biến thủy sản,
31 cơ sở may, 8 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm tổ yến, còn lại là các ngành
nghề khác. Sản phẩm chủ yếu là may gia công, sản phẩm chế biến, sản phẩm muối;
một số sản phẩm chế biến đã khẳng định thương hiệu (khô cá dứa, yến sào).
- Nghề sản xuất muối có sự chuyển đổi mô hình từ sản
xuất muối truyền thống sang sản xuất theo phương thức kết tinh trên ruộng trải
bạt, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Làng nghề muối xã Lý Nhơn được
Thành phố công nhận đạt tiêu chuẩn Làng nghề truyền thống. Hàng năm, diện tích
đưa vào sản xuất khoảng 1.500 ha, trong đó có trên 1.000 ha sản xuất theo mô
hình trải bạt. Năng suất thu hoạch đạt 80 tấn/ha, tăng 3,5%/năm. Tuy nhiên do
giá muối tiêu thụ không ổn định nên người làm muối còn gặp nhiều khó khăn.
1.1.3. Thương mại, dịch vụ, du lịch:
* Thương mại, dịch vụ: Toàn huyện có 9 chợ
truyền thống; 01 siêu thị (Coop Mart Cần Giờ), 27 điểm bán hàng bình ổn thị trường
và gần 4.000 hộ kinh doanh cá thể, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân;
trong đó có 46 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, 34 cơ sở đầu
mối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hoạt động của siêu thị và các cửa hàng tiện
ích, của hàng bình ổn thị trường đã hình thành hình thức mua sắm văn minh, hiện
đại, góp phần cung ứng hàng hóa chất lượng với giá cả ổn định. Chương trình
bình ổn thị trường được triển khai có hiệu quả góp phần thực hiện tốt chủ
trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng
nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, nhất là người nghèo, người lao động
khó khăn.
* Du lịch: Sản phẩm từng bước phát triển, du
lịch đường sông đã đưa vào khai thác 02 tuyến kết hợp các tour du lịch khám
phá hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ; tuor chèo thuyền kayak. Du lịch sinh
thái biển với 03 doanh nghiệp kinh doanh (Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngọc
Phương Nam, Công ty du lịch sinh thái biển Tiếng Sóng, Công ty Du lịch sinh
thái Cần Giờ và 10 tổ chức, cá nhân và 01 chợ hải sản kinh doanh phục vụ du lịch
biển. Du lịch sinh thái rừng với cảnh quan thiên nhiên và nhiều địa điểm
đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách như: Tràm Chim, Đầm Dơi; Vàm Sát, Lâm
Viên, Di tích lịch sử căn cứ Rừng Sác hàng năm thu hút khoảng 200.000 lượt
khách đến tham quan. Du lịch văn hóa, tín ngưỡng với Lễ hội truyền thống
ngư dân Cần Giờ (Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia), Khu Di tích lịch sử
Căn cứ Rừng Sác Cần Giờ (Di tích lịch sử cấp Quốc gia) ngày càng thu hút đông đảo
du khách đến tham quan. Du lịch sinh thái nông nghiệp gắn phát triển sản
xuất nông nghiệp, các ngành nghề, làng nghề với dịch vụ du lịch. Đến nay, các sản
phẩm thủy hải sản, trái cây đặc trưng của huyện như xoài, mãng cầu, khô cá dứa...
được nhiều du khách biết đến và ưa chuộng làm quà biếu khi du lịch đến Cần Giờ.
Trên địa bàn huyện Cần Giờ có 7 doanh nghiệp lữ
hành hoạt động; 17 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với 405 phòng (trong đó có
150 phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao, 28 phòng đạt tiêu chuẩn 1 sao). Cơ sở lưu trú
phục vụ du lịch phần lớn phục vụ du khách vào những ngày cuối tuần và các ngày
Lễ, Tết. Trong 05 năm qua, huyện Cần Giờ đã thu hút khoảng 2.368.406 lượt khách
đến tham quan nghỉ dưỡng, tăng bình quân 9,8%/năm, doanh thu đạt 483,3 tỷ đồng/năm,
tăng bình quân 18,4%/năm.
1.2. Về đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân:
- Từ năm 1992 đến năm 2015, cùng với thành phố, huyện
Cần Giờ đã triển khai, thực hiện Chương trình giảm nghèo qua 4 giai đoạn và 07
lần điều chỉnh nâng mức chuẩn thu nhập hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chương trình giảm
nghèo được xác định là Chương trình trọng điểm của huyện, nhằm phát huy sức mạnh
tổng hợp của cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện đồng bộ các chủ trương,
chính sách phù hợp với thực tiễn về giảm nghèo. Từ đó, thu nhập và chất lượng
cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo dần được nâng lên, góp phần hoàn thành mục
tiêu Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014 - 2015 (Nghị quyết Ban
Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ X năm 2010 - 2015). Năm 2014, huyện Cần Giờ triển
khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 4 (2014 - 2015)
chuẩn nghèo thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm trở xuống; hộ cận nghèo
thu nhập bình quân trên 16 - 21 triệu đồng/người/năm.
- Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp
phần tăng thu nhập cho nông dân được thực hiện thông qua tổ chức tư vấn về dạy
nghề và xuất khẩu lao động, Trung tâm Dạy nghề mở rộng liên kết các trường trên
địa bàn Thành phố tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho người dân, Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc huyện triển khai các chủ trương, chính sách về công tác đào tạo nghề, Huyện
đoàn phối hợp các trường trên địa bàn thành phố tổ chức hướng nghiệp cho đoàn
viên, các ngành có liên quan tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản
cho người sản xuất. Hàng năm, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao tay
nghề cho trên 3.500 lao động/năm; định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm
cho trên 4.000 lao động/năm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,8%, tỷ lệ
lao động có việc làm thường xuyên toàn huyện đạt 93,3%.
- Công tác giảm nghèo, tăng hộ khá được thực hiện đồng
bộ với các chính sách an sinh xã hội; triển khai nhiều giải pháp tích cực, quan
tâm chăm lo về vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với
cách mạng, hộ gia đình nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, thực hiện tốt
phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Song song với phát triển kinh tế, hỗ
trợ vốn vay từ Quỹ Vì Người nghèo và Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho các hộ
nghèo phát triển sản xuất; nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều giải pháp giảm
hộ nghèo, tăng hộ khá được huyện tập trung thực hiện gắn với đẩy mạnh công tác
đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; công tác chăm lo
cho người nghèo, gia đình chính sách, có công được thực hiện đồng bộ, góp phần
nâng cao mức sống của người dân và đảm bảo an sinh xã hội, như: tổ chức chăm lo
cho hộ gia đình nghèo, tặng học bổng cho các học sinh nghèo, khó khăn; thực hiện
các chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo; tổ chức cấp phát thẻ bảo
hiểm y tế cho người nghèo, góp phần ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Trước khi xây dựng Đề án nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/năm
là 43,63% (năm 2010).
Trong 2 năm (2014 - 2015), huyện Cần Giờ có 9.920
lượt hộ nghèo, cận nghèo có mức thu nhập được nâng lên, có 4.817 hộ vượt nghèo
(thu nhập trên 16 triệu đồng/người/năm), trong đó hộ nghèo thuộc diện chính
sách có công giảm từ 206 hộ còn 32 hộ; tỷ lệ hộ nghèo thu nhập từ 16 triệu đồng/người/năm
trở xuống giảm từ 41,67% (7.484 hộ) xuống còn 14,48% (2.644 hộ) trên tổng số hộ
dân 18.262 hộ (bình quân mỗi năm giảm trên 13% hộ nghèo). Hộ cận nghèo có 2.318
hộ thu nhập vượt trên 21 triệu đồng/người/năm còn 3.450 hộ (chiếm 18,89%).
- Đến cuối năm 2015, huyện Cần Giờ không còn hộ
nghèo theo chuẩn Quốc gia. Căn cứ Quyết định số 2598/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5
năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới
theo đặc thù vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 237/QĐ-UBND
ngày 22 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về điều chỉnh Quyết định
số 2598/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố; theo đó
đối với các xã xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2015 chưa đạt tỷ lệ hộ nghèo
< 3% (theo chuẩn thu nhập bình quân đầu người 16 triệu đồng/người/năm) thì
phấn đấu mỗi năm giảm bình quân từ 4 - 5% mới đạt tiêu chí hộ nghèo.
- Từ đầu năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh nâng mức
chuẩn nghèo mới đa chiều, toàn huyện có 7.280 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 39,86% và hộ
cận nghèo có 2.464 hộ, chiếm tỷ lệ 13,49% tổng hộ dân; cụ thể như sau:
+ Hộ nghèo: được phân ra làm 3 nhóm:
. Hộ nghèo nhóm 1: Có 1.172 hộ thu nhập bình quân đầu
người từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điểm thiếu hụt các chiều xã hội
từ 40 điểm trở lên.
. Hộ nghèo nhóm 2: Có 5.796 hộ thu nhập bình quân đầu
người từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điểm thiếu hụt các chiều xã hội
dưới 40 điểm trở xuống (từ 0-35 điểm).
. Hộ nghèo nhóm 3: Toàn huyện có 312 hộ/18.262 hộ,
chiếm 1,7%; và được phân thành 2 nhóm:
Nhóm 3a: Có 232 hộ thu nhập bình quân đầu người
trên 21 triệu đồng/người/năm đến 28 triệu đồng/người/năm và có điểm thiếu hụt
các chiều xã hội từ 40 điểm trở lên.
Nhóm 3b: Có 80 hộ thu nhập bình quân đầu người trên
28 triệu đồng/người/năm và có điểm thiếu hụt các chiều xã hội từ 40 điểm trở
lên.
+ Hộ cận nghèo: Hộ có mức thu nhập từ trên
21 triệu đồng/người/năm đến 28 triệu đồng/người/năm và có tổng số điểm thiếu hụt
các chiều xã hội dưới 40 điểm (từ 0 đến 35 điểm).
1.3. Những khó khăn:
- Tăng trưởng kinh tế chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch để
ra (đạt 10%/năm so với chỉ tiêu 13%/năm).
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu kinh tế
nông nghiệp còn chậm, chất lượng chuyển dịch chưa bền vững; sản xuất thủy sản,
nông nghiệp, diêm nghiệp còn nhiều khó khăn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi
còn diễn ra hàng năm và phụ thuộc vào giá cả thị trường đầu ra nên thu nhập người
sản xuất không ổn định; khai thác thủy sản chủ yếu ven bờ, công suất thấp.
- Các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
chưa phát triển, quy mô nhỏ. Các loại hình dịch vụ, du lịch chưa phát triển mạnh,
sản phẩm du lịch còn đơn điệu.
- Nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường chưa được
khai thác tối đa nhằm phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa
bàn huyện; công tác quy hoạch ngành còn chậm (quy hoạch phát triển thủy sản,
quy hoạch nuôi chim yến) dẫn đến sự phát triển một cách tự phát.
- Kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch, hạ tầng phục vụ
sản xuất triển khai chưa đồng bộ có ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng chuyển dịch
cơ cấu kinh tế.
- Nguồn nhân lực chưa qua đào tạo còn chiếm tỉ lệ
cao; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tuy được nâng lên nhưng vẫn còn
nhiều khó khăn, thu nhập dân cư thấp so với mặt bằng chung của thành phố, tỷ lệ
hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố Hồ Chí Minh còn cao.
1.4. Nguyên nhân:
- Đặc thù của địa phương về điều kiện tự nhiên cách
xa trung tâm Thành phố nên việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào huyện gặp nhiều khó
khăn.
- Nguồn lực đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn
phân bổ của Thành phố; xuất phát điểm về kinh tế - xã hội huyện Cần Giờ thấp, đời
sống nhân dân còn khó khăn.
- Sản xuất nông nghiệp, thủy sản vẫn là ngành sản
xuất chủ lực của huyện Cần Giờ nhưng rủi ro cao và phụ thuộc rất lớn vào điều
kiện tự nhiên, thời tiết và thị trường đầu vào, đầu ra sản phẩm nên thu nhập của
người dân không ổn định ảnh hưởng đến tính bền vững của tiêu chí thu nhập.
- Tập quán sản xuất của người dân còn mang tính chất
sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún, tính liên kết theo mô hình hợp tác
chưa cao, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và kết nối thị trường
tiêu thu chưa được đẩy mạnh.
- Các quy hoạch ngành chậm triển khai; cơ sở hạ tầng
đầu tư chưa đồng bộ có ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt
là hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất.
2. Cơ sở pháp lý
- Công văn số 238/VPĐP-KHTH ngày 29 tháng 4 năm
2016 của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương về xét công nhận huyện Cần
Giờ đạt chuẩn nông thôn mới;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh
lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020;
- Quyết định số 4766/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm
2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt điều chỉnh Đồ án quy hoạch
chung xây dựng huyện Cần Giờ.
- Quyết định số 2357/QĐUBND ngày 16 tháng 5 năm
2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) của huyện Cần Giờ;
- Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm
2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt "Quy hoạch sản
xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm
nhìn đến năm 2025";
- Quyết định số 3179/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm
2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ
chân trắng trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;
- Quyết định số 5765/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm
2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về duyệt Đề án quy hoạch sản xuất muối trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (huyện Cần Giờ) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2025;
- Quyết định số 3891/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm
2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát triển
làng nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm
2020";
- Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm
2014 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Đề án "tái
cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền
vững" theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng
Chính phủ;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI nhiệm
kỳ 2015 - 2020;
- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Cần Giờ
giai đoạn 2016 - 2020;
- Chương trình hành động số 06-CTrHĐ/HU ngày 23
tháng 11 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về nâng cao chất lượng các
tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cần Giờ.
II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân
dân trên cơ sở đẩy mạnh phát kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững; chuyển dịch
cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp đô
thị, đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất gắn sản xuất
với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát huy giá trị khu Dự trữ sinh quyển thế
giới, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đào tạo nguồn
nhân lực, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo và đảm
bảo an sinh xã hội.
2. Chỉ tiêu cụ thể
2.1. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất
bình quân 13%/năm; trong đó:
- Khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng bình
quân 10,6%/năm.
- Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng bình quân
10%/năm.
- Khu vực dịch vụ tăng bình quân 15,5%/năm.
2.2. Phấn đấu đến cuối năm 2020, giá trị sản
xuất bình quân trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt trên 500 triệu đồng/ha.
2.3. Phấn đấu đến cuối năm 2020, thu nhập
bình quân đầu người đạt từ 63 triệu đồng/người/năm trở lên.
2.4. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn
thành phố Hồ Chí Minh bình quân từ 6 - 7%/năm.
2.5. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động
qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc đạt từ 85 - 90%.
2.6. Hàng năm, giải quyết việc làm mới cho
1.200 lao động, phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động có việc làm thường
xuyên đạt 95%.
2.7. Phát triển ít nhất 3 hợp tác xã tiên tiến,
hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, chế biến.
2.8. Xây dựng ít nhất 3 nhãn hiệu hàng hóa tập
thể cho các sản phẩm đặc trưng Cần Giờ (khô cá dứa, xoài, sản phẩm tổ yến).
2.9. Phấn đấu đến năm 2020, huyện Cần Giờ phấn
đấu đón trên 1,6 triệu khách du lịch, tăng 20%/năm; doanh thu ngành du lịch đạt
800 tỷ đồng, tăng 25%/năm.
3. Nội dung thực hiện
3.1. Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập
cho người dân:
3.1.1. Nông - lâm nghiệp - thủy sản:
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp
đô thị; phát triển các mô hình sản xuất thâm canh, ứng dụng công nghệ cao để
nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững; khai thác thế mạnh về thủy
sản, nuôi chim yến lấy tổ. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất bình
quân toàn ngành 11%/năm, chiếm tỷ trọng 36% trong cơ cấu giá trị sản xuất của
huyện, trong đó tiếp tục xác định thủy sản vẫn là ngành kinh tế chủ lực.
* Thủy sản:
- Nuôi trồng thủy sản: Phát triển đối tượng
chủ lực là con tôm và nhuyễn thể, cụ thể:
+ Nuôi tôm chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú
tập trung ở 4 xã phía Bắc với diện tích trên 6.200 ha. Phấn đấu đến năm 2020,
năng suất thu hoạch bình quân các mô hình nuôi tôm trên ao đạt khoảng 6 tấn/ha,
tăng 10,2%/năm.
+ Nuôi nhuyễn thể chủ lực là nghêu, sò và hàu tập
trung chủ yếu ở thị trấn Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An và Lý Nhơn. Diện tích mặt
nước bãi bồi ven sông, ven biển khoảng 1.000 ha. Phát triển các mô hình nuôi lồng
bè (nuôi hàu, nuôi cá).
+ Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển thủy sản
trên địa bàn huyện; phát triển các mô hình nuôi tôm ứng dụng khoa học kỹ thuật
tiên tiến như: công nghệ nuôi tuần hoàn, công nghệ nuôi trong nhà kính, công
nghệ nuôi nano, công nghệ xử lý nước (nước thải, nước cấp); quản lý chặt chẽ
nghề nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh dưới tán rừng để khai thác giá trị
từ nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng
ngập mặn và pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng của Nhà nước.
+ Nghiên cứu phát triển các mô hình, các đối tượng
vật nuôi mới (cua lột, cá dứa, cá chẽm, cá đối mục, cá mú...) nhằm đa dạng hóa
đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên từng xã, trình độ quản lý của
nông dân. Hàng năm, tiếp tục nghiên cứu thí điểm, trình diễn từ 01 đến 02 đối
tượng, mô hình sản xuất thủy sản; tổ chức cho người dân học tập các mô hình sản
xuất hiệu quả.
+ Giới thiệu, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất
cho người sản xuất; chuyển giao các tiến bộ, khoa học, công nghệ sản xuất mới;
phát triển các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất theo chuỗi
liên kết, an toàn vệ sinh thực phẩm.
+ Phối hợp với các các cơ quan chuyên ngành nghiên
cứu bệnh trên tôm, nghêu, hàu và các giải pháp phòng bệnh để giúp người nuôi hạn
chế rủi ro trong sản xuất.
+ Kiểm soát nguồn giống thủy sản nhập vào địa bàn
huyện thả nuôi; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất, thuần dưỡng
giống trên địa bàn, đảm bảo cung cấp giống chất lượng cho sản xuất. Phòng chống
dịch bệnh trên thủy sản, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường
vùng nuôi.
+ Triển khai đầu tư 22 công trình thủy lợi phục vụ
nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ triển khai thực hiện dự án đầu tư Khu Nuôi trồng thủy
sản công nghệ cao; hoàn chỉnh hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường phục vụ
nuôi trồng thủy sản.
- Khai thác thủy sản:
+ Triển khai thực hiện lộ trình và chính sách hỗ trợ
ngư dân chuyển đổi ngành nghề các ngư cụ, phương tiện đánh bắt lạm sát nguồn lợi
thủy sản trong sông rạch, rừng phòng hộ Cần Giờ; thực hiện chính sách hỗ trợ
nghề khai thác thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ để ngư dân đầu tư
phương tiện, ngư cụ đánh bắt. Thành lập, phát triển các tổ, đội sản xuất khai
thác thủy sản.
+ Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần
nghề cá; đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào khai thác có hiệu quả khu neo đậu tàu
thuyền tại huyện; hỗ trợ đầu tư xây dựng Trung tâm Thủy sản của thành phố tại
huyện.
+ Hỗ trợ ngư dân trang bị thiết bị thông tin liên lạc,
đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển khi có bão, diễn
biến thời tiết xấu.
+ Xây dựng thí điểm mô hình đồng quản lý nghề cá nhằm
tổ chức quản lý cộng đồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
* Sản xuất nông nghiệp:
- Trồng trọt: Sản phẩm chủ lực là cây ăn trái
(xoài) khoảng 150 ha, chủ yếu tại thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa. Tập trung
phát triển xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.
+ Phát triển thương hiệu xoài Cần Giờ, bảo tồn và
phát triển diện tích trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp du lịch sinh
thái nhà vườn.
+ Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc
cây ăn trái; học tập các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tại các
địa phương.
- Chăn nuôi: Phát triển nghề nuôi chim yến lấy
tổ, sơ chế, chế biến sản phẩm tổ yến. Đến năm 2020, có 231 căn cho thu hoạch, sản
lượng sản phẩm tổ yến đạt khoảng 10 tấn.
+ Triển khai thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến
trên địa bàn huyện; Phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm tổ yến; xây
dựng nhãn hiệu, thương hiệu yến sào Cần Giờ kết hợp các dịch vụ du lịch.
+ Phát triển các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập
trung, đảm bảo an toàn sinh học, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP kết hợp dịch vụ
du lịch sinh thái.
+ Kiểm soát chặt chẽ tình hình chăn nuôi; đảm bảo
an toàn vệ sinh môi trường và dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch tễ cho đàn gia
súc, gia cầm theo quy định.
* Diêm nghiệp: Tập trung nâng cao hiệu quả sản
xuất muối 1.000 ha theo quy hoạch tại Lý Nhơn và Thạnh An.
+ Triển khai các mô hình sản xuất muối tiên tiến để
nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. Kết nối thị trường tiêu thụ muối; triển
khai các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị của thành
phố.
+ Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh
doanh và chế biến muối tại xã Lý Nhơn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của
hợp tác xã sản xuất muối Thiềng Liềng xã Thạnh An.
+ Đầu tư 04 công trình giao thông, thủy lợi vùng muối
xã Lý Nhơn, Thạnh An; triển khai thực hiện Dự án bảo tồn và phát triển làng nghề
muối xã Lý Nhơn; kiến nghị xây dựng kho dự trữ muối Quốc gia.
+ Rà soát và đề nghị điều chỉnh quy hoạch sản xuất
muối, xây dựng phương án chuyển đổi diện tích sản xuất ngoài quy hoạch trên địa
bàn nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả, đời sống sản xuất người làm muối.
* Lâm nghiệp:
- Quản lý, bảo vệ và phát triển diện tích rừng
35.286 ha, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và
hệ sinh thái rừng ngập mặn.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tài nguyên rừng,
phòng chống cháy rừng, chuyển hóa phát triển rừng, trồng thêm diện tích bù trừ
các công trình có khai thác rừng; quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất trong
rừng.
- Hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng
tài nguyên, dân sinh kinh tế trong rừng phòng hộ, làm cơ sở cho công tác quản
lý và phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của rừng phòng hộ.
- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục ý thức
cộng đồng về bảo vệ phát triển rừng, quảng bá hình ảnh tài nguyên rừng, hệ sinh
thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Xây dựng các đề án, các tuyên, các tour du lịch,
tham quan nhằm khai thác cảnh quan môi trường sinh thái rừng ngập mặn, góp phần
phát triển kinh tế.
* Phát triển các ngành nghề nông thôn:
- Phát triển các ngành nghề chế biến thủy sản, chế
biến sản phẩm tổ yến, chế biến sản phẩm từ muối; phát triển các loại hình kinh
tế trang trại kết hợp du lịch, mô hình du lịch nhà vườn.
- Hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển các
trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch tại xã Bình Khánh, An Thới Đông,
Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn; nuôi thủy sản lồng bè kết hợp du lịch tại xã Thạnh An,
Long Hòa, Lý Nhơn; nuôi chim yến lấy tổ, sơ chế biến tổ yến kết hợp dịch vụ du
lịch tại xã Tam Thôn Hiệp, dịch vụ du lịch nhà vườn khu vực Cần Thạnh - Long
Hòa; dịch vụ du lịch trong rừng phòng hộ.
- Phối hợp Sở Du lịch Thành phố kết nối các điểm,
các trang trại, các mô hình sản xuất gắn với các đơn vị du lịch lữ hành, hình
thành điểm đến phục vụ du lịch; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
3.1.2. Phát triển tiểu thủ công nghiệp, các
ngành nghề nông thôn giải quyết việc làm cho lao động:
- Phấn đấu đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất
bình quân đạt 11%/năm.
- Phát triển các sản phẩm sản xuất chủ yếu, như: chế
biến thủy sản, chế biến sản phẩm tổ yến, chế biến muối, góp phần giải quyết việc
làm tăng thu nhập cho người lao động và tăng giá trị sản phẩm.
- Xây dựng dự án bảo tồn và phát triển làng nghề muối
tại xã Lý Nhơn, các ngành nghề truyền thống về chế biến thủy sản gắn với phát
triển các dịch vụ du lịch.
- Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm đặc
trưng Cần Giờ (yến sào Cần Giờ, khô cá dứa Cần Giờ, xoài Cần Giờ, muối Cần Giờ...).
- Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai xây dựng 2 cơ sở may
trên địa bàn huyện Cần Giờ với quy mô giải quyết trên 3.000 lao động địa
phương.
3.1.3. Phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái:
Phấn đấu đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất bình
quân toàn ngành đạt 15,5%, chiếm tỷ trọng 44% trong cơ cấu giá trị sản xuất
toàn huyện. Đến năm 2020 lượng du khách đến Cần Giờ đạt khoảng 1,6 triệu, tăng
20%/năm.
- Phát triển các loại hình du lịch sinh thái rừng,
sinh thái biên, du lịch đường sông, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng
đồng, du lịch trải nghiệm gắn với các làng nghề, ngành nghề sản xuất; phát triển
du lịch văn hóa tín ngưỡng gắn với các giá trị truyền thống văn hóa địa phương.
- Xây dựng, phát triển các khu du lịch, điểm du lịch,
các loại hình, sản phẩm du lịch, đồng thời kết nối với các tour du lịch từ
thành phố và các địa phương giáp ranh để thu hút du khách đến Cần Giờ.
- Phát triển các tuyến du lịch kết nối với các điểm
du lịch trên địa bàn huyện Cần Giờ, gồm:
+ Tuyến du lịch đường bộ:
. Phà Bình Khánh - Khu du lịch sinh thái Dần Xây -
Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác - Khu du lịch 30/4 - Lăng Ông Thủy Tướng -
Chợ Cần Giờ.
. Phà Bình Khánh - Di tích lịch sử Chiến khu Rừng
Sác - Khu du lịch Phương Nam Cần Giờ - bến đò Đồng Hòa.
+ Tuyến du lịch đường sông:
. Bến đò Phú Xuân - Cửu Long Phi (Tam Thôn Hiệp -
Trạm Văn phòng Phân khu 1 (sông Dừa) - Trạm Văn phòng Phân khu 2 (sông Đồng
Tranh) - Thiểng Liểng -Giồng Chùa - Đồng Đình - Tắc Xuất.
. Bến đò Phú Xuân - Rừng phòng hộ (Dần Xây) - Đầm
Dơi - Khu du lịch Vàm Sát (Lý Nhơn).
. Ban Quản lý Rừng phòng hộ - Di tích lịch sử Chiến
khu Rừng Sác - bến đò Đồng Hòa.
+ Tuyến du lịch kết hợp đường bộ và đường sông:
. Phà Bình Khánh - Ban Quản lý Rừng phòng hộ - Di
tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác - bến đò Đồng Hòa - Khu du lịch Hòn Ngọc Phương
Nam - Ban Quản lý Rừng phòng hộ - phà Bình Khánh.
. Phà Bình Khánh - Ban Quản lý Rừng Phòng hộ - Tam
Thôn Hiệp - Bến đò Tắc Xuất - Lăng Ông Thủy Tướng- Ban Quản lý Rừng Phòng hộ -
phà Bình Khánh.
- Xây dựng mỗi xã, thị trấn một sản phẩm du lịch,
ngành nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch; cụ thể:
+ Xã Long Hòa: Tiếp tục nâng cao chất lượng loại
hình du lịch nghỉ dưỡng, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đường sông;
du lịch nhà vườn; du lịch sinh thái nông nghiệp tham quan các bè nuôi hàu.
+ Xã Lý Nhơn: Phát triển loại hình du lịch trải
nghiệm tham quan làng nghề muối, trải nghiệm cảm giác "một ngày làm diêm
dân Cần Giờ"; mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, tham quan các trang
trại nuôi trồng thủy sản, loại hình câu cá giải trí kết hợp du lịch trên địa
bàn xã.
+ Xã An Thới Đông: Kết nối các tuor, tuyến du lịch
đường sông trên địa bàn huyện xuất phát từ Khu du lịch sinh thái Dần Xây. Đồng
thời phát triển loại hình du lịch trải nghiệm trồng rừng.
+ Xã Tam Thôn Hiệp: Phát triển mô hình du lịch sinh
thái nông nghiệp, tham quan các trang trại nuôi trồng thủy sản; tham quan mô
hình nuôi chim yến kết hợp mua sắm sản phẩm được làm từ tổ yến.
+ Xã Bình Khánh: Mô hình du lịch sinh thái nông
nghiệp, tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến khô cá sấu.
+ Xã Thạnh An: Phát triển loại hình du lịch trải
nghiệm với cánh đồng muối, trải nghiệm cảm giác "một ngày làm diêm dân Cần
Giờ"; mô hình du lịch homestay. Đồng thời phát triển xã Thạnh An thành xã
đảo du lịch kết nối với khu đô thị lấn biển và núi Giồng Chùa.
+ Thị trấn Cần Thạnh: Phát triển du lịch tín ngưỡng,
Lễ hội, tiếp tục nâng chất Lễ hội truyền thống ngư dân Cần Giờ, tập trung đầu
tư, tôn tạo, nâng cấp Lăng ông Thủy Tướng. Đồng thời tổ chức các sự kiện văn
hóa, thể thao để thu hút khách du lịch.
- Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển không gian kết
nối giữa huyện với Trung tâm Thành phố và các tỉnh miền Tây, vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam để tạo điều kiện phát triển du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động
các tuyến vận tải đường thủy nội địa hiện hữu; nâng cấp bến phà Bình Khánh -
Nhà Bè, đầu tư mới các tuyến phà kết nối Cần Giờ - Vũng Tàu, Cần Giờ - Nhơn Trạch,
Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Giờ -Gò Công); kiến nghị đầu tư cầu Bình Khánh - Nhà
Bè. Hỗ trợ chủ đầu tư triển khai dự án đầu tư Khu đô thị du lịch lấn biển Cần
Giờ.
- Đầu tư xây dựng 9 cầu tàu, nhà chờ, bến đổ phục vụ
du lịch đường sông đã được thành phố chấp thuận chủ trương; xây dựng bến xe
buýt đạt chuẩn phục vụ du lịch với diện tích 5.000m2; xây dựng nhà vệ sinh đạt
chuẩn tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Cần Giờ; phát triển loại
hình xe buýt phục vụ du lịch; taxi Cần Giờ...
- Phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống thương mại
mang tính tiện lợi, văn minh, gắn các hoạt động sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
- Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm
thế mạnh của huyện. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có
giá trị gia tăng cao.
3.2. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm
nghèo bền vững gắn với các chính sách an sinh xã hội:
* Tổ chức, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo:
- Tổ chức phối hợp lồng ghép có hiệu quả Chương
trình giảm nghèo bền vững vào các chương trình kinh tế - xã hội thường xuyên của
các ban ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn hàng năm và cả giai đoạn. Các
ban ngành, đoàn thể được giao nhiệm vụ theo chức năng của mình chịu trách nhiệm
chủ trì xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo tỷ lệ chiều
nghèo thiếu hụt của người nghèo, lồng ghép vào trong kế hoạch thường xuyên, phối
hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức thực hiện hàng năm và
cả giai đoạn (các chỉ tiêu giảm nghèo của xã, thị trấn cũng được lồng ghép vào
trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội); đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh
tế -xã hội, đề án xây dựng Chương trình nông thôn mới và chỉ tiêu giảm nghèo của
huyện và xã, thị trấn.
- Thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm
nghèo của huyện trong giai đoạn 2016-2020 được thực hiện theo hướng giảm dần từ
trợ cấp chuyển sang tác động hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo an
tâm, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống làm ăn tự vươn lên giảm
nghèo. Mỗi một chính sách giảm nghèo có mục tiêu, nhiệm vụ, mục đích hỗ trợ cụ
thể để tác động trực tiếp cho từng nhóm hộ nghèo và hộ cận nghèo (tránh trùng lắp,
bỏ sót đối tượng); song song với các giải pháp hỗ trợ, tăng cường, đẩy mạnh
công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo, hộ nghèo và hộ cận
nghèo để chủ động tiếp cận các chính sách giảm nghèo phù hợp, tự vươn lên thoát
nghèo, tránh trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước nhằm đảm bảo giảm nghèo
toàn diện, bền vững theo phương pháp nghèo đa chiều.
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ về tốc độ giảm nghèo,
tỷ lệ tăng giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo; mức độ tăng giảm của từng chiều nghèo;
tác động và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của từng xã, thị trấn
theo định kỳ năm và cả giai đoạn.
Cụ thể:
+ Hộ nghèo nhóm 1: Vượt chuẩn nghèo thu nhập (trên
21 triệu đồng/người/năm) nhưng vẫn còn nghèo đa chiều (tổng số điểm thiếu hụt
các chiều nghèo còn trên 40 điểm) thì chuyển những hộ này sang hộ nghèo nhóm 3
để theo dõi và tiếp tục hỗ trợ theo các chính sách hỗ trợ để giảm các chiều thiếu
hụt; hoặc nêu hộ cùng một lúc vượt qua mức chuẩn thu nhập (trên 21 triệu đồng/người/năm)
và có tổng số điểm các chiều nghèo giảm xuống dưới 40 điểm thì chuyển sang hộ cận
nghèo.
+ Hộ nghèo nhóm 2: Thực hiện các chính sách và giải
pháp hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ nghèo và thành viên hộ để nâng thu nhập, vượt
chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập, như hộ nghèo nhóm 1. Đồng thời, thực hiện
các giải pháp hỗ trợ để tiếp tục cải thiện, giảm chiều nghèo đang còn thiếu hụt
nhưng mức độ không cao (dưới 40 điểm) của các hộ này.
Khi hộ nghèo nhóm 2 đã vượt qua được chuẩn nghèo
thu nhập thì chuyển sang hộ cận nghèo; hoặc nêu vượt mức thu nhập của hộ cận
nghèo thì cắt giảm ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương vào thời điểm kiểm
tra hiệu quả cuối năm.
+ Hộ nghèo nhóm 3: Tác động các chính sách và giải
pháp hỗ trợ trực tiếp vào các chiều nghèo đang thiếu hụt của hộ nghèo, tập
trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo, việc làm, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y
tế...; Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ như: tín dụng ưu đãi, đào tạo
nghề, giải quyết việc làm; miễn giảm thuế tạo môi trường thuận lợi để hộ nghèo
tổ chức sản xuất làm ăn, cải thiện các nhu cầu xã hội cơ bản đang thiếu hụt của
hộ.
. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thuyết
phục nâng cao nhận thức của hộ và các thành viên trong hộ nghèo, chủ động tham
gia tiếp cận các chính sách hỗ trợ để có thể khắc phục nhanh các nhu cầu cơ bản
đang thiếu hụt theo điều kiện, khả năng của từng người nghèo, hộ nghèo.
. Tăng cường ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng về kinh tế
kỹ thuật và xã hội đảm bảo cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho các xã, thị
trấn có nhu cầu thiếu hụt của người nghèo, hộ nghèo cao theo kế hoạch phát triển
kinh tế -xã hội thường xuyên hàng năm.
. Đối với những hộ nghèo nhóm 1 chuyển sang nhóm 3,
tiếp tục hỗ trợ các chính sách như hộ nghèo nhóm 1 trong 1 thời gian ít nhất là
1 năm. Hộ nghèo nhóm 3a, khi đã giảm các chiêu thiếu hụt (dưới 40 điểm) nhưng vẫn
chưa vượt được mức chuẩn thu nhập của hộ cận nghèo thì chuyển sang hộ cận
nghèo. Hộ nghèo nhóm 3b, khi đã giảm các chiêu thiếu hụt (dưới 40 điểm) và vượt
mức chuẩn cận nghèo thì cắt giảm ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã, thị trấn
vào thời điểm kiểm tra hiệu quả giảm nghèo cuối năm.
+ Hộ cận nghèo: Thực hiện các chính sách tác động
và giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ cận nghèo và thành viên hộ để nâng cao thu
nhập, vượt mức chuẩn cận nghèo (các chính sách hỗ trợ sẽ giảm về mức độ và tỷ lệ
kinh phí hỗ trợ so với hộ nghèo). Song song với các giải pháp hỗ trợ, tạo điều
kiện thuận lợi cho hộ tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản để giảm nhanh
các chiêu nghèo còn đang thiếu hụt của hộ.
. Khi hộ cận nghèo vượt được mức thu nhập trên 28
triệu đồng/người/năm thì cắt ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của địa phương vào
thời điểm kiểm tra hiệu quả giảm nghèo cuối năm.
. Hộ nghèo và hộ cận nghèo khi đã vượt mức chuẩn hộ
cận nghèo được các các xã, thị trấn lập danh sách riêng để tiếp tục theo dõi và
được đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ theo diện hộ cận nghèo Thành phố
12 tháng để ổn định cuộc sống, không tái nghèo.
* Thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình giảm
nghèo bền vững với tái phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề và giải quyết
việc làm cho lao động:
- Phát triển sản xuất kinh doanh, triển khai thực
hiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế gia đình
phù hợp với ngành nghề và đặc thù của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản
xuất, kinh doanh đặc biệt trong lĩnh vực may mặc, chế biến, dịch vụ du lịch nhằm
khai thác nguồn nhân lực địa phương, sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương để hộ
nghèo, hộ cận nghèo nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
- Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tổ chức
tuyên truyền vận động lao động đi làm việc ở nước ngoài, đẩy mạnh công tác
thông tin cập nhật về các chủ trương, chính sách pháp luật xuất khẩu lao động,
thị trường lao động nước ngoài đến trực tiếp với người lao động để họ tự lựa chọn
công việc và thị trường làm việc phù hợp. Phấn đấu hàng năm tạo việc làm tăng
thêm cho 1.200 lao động, duy trì tỷ lệ lao động có việc làm trên lực lượng lao
động đạt 95% vào năm 2020.
+ Rà soát các cơ sở có điều kiện khuyến khích mở rộng
phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm hỗ trợ vay vốn quỹ giảm nghèo đầu tư thu
hút lao động nghèo làm việc lâu dài; hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt
động các dự án gia công hàng thủ công đang hoạt động tạo việc làm cho lao động
nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.
+ Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo và giải quyết
việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn
theo quy định. Tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động
nghèo, cận nghèo gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế của xã, thị trấn. Phối
hợp giáo dục nghề nghiệp cho hộ cận nghèo gắn với giới thiệu và giải quyết việc
làm tại các công ty, xí nghiệp và tại địa phương.
+ Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai xây dựng 2 cơ sở may
trên địa bàn huyện Cần Giờ với quy mô giải quyết trên 3.000 lao động địa
phương.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, liên kết
giữa giáo dục và đào tạo nghề với thị trường lao động, với các tổ chức dịch vụ
xúc tiến việc làm các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố để vận
động lao động nghèo, cận nghèo tham gia làm việc.
+ Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với xuất khẩu
lao động, tích cực vận động lao động nghèo làm việc thời vụ như chế biến hải sản,
gia công, làm dịch vụ gia đình, phục vụ du lịch...
+ Phối hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà đầu
tư tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động các ngành nghề sản
xuất tại địa phương như: nghề may, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, ngành nghề phục
vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ...
- Triển khai có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi:
Vốn xóa đói giảm nghèo, Vốn giải giải quyết việc làm, Vốn Ngân hàng chính sách
xã hội và vốn của các tổ chức tín dụng để hộ nghèo có điều kiện đầu tư, mở rộng
quy mô sản xuất, kết hợp với việc hỗ trợ giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm
sản xuất dịch vụ, đảm bảo nguồn thu nhập cho người nghèo để thoát nghèo, góp phần
thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố.
Phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của Thành phố Hồ Chí
Minh giảm từ 6 - 7%/năm.
* Thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho nhân
dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Chính sách hỗ trợ Bảo hiểm xã hội cho
người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ chăm sóc sức
khỏe; chính sách hỗ trợ về giáo dục; chính sách hỗ trợ nhà ở; chính sách hỗ trợ
giảm giá nước sinh hoạt; chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin; chính sách trợ
giúp pháp lý và các chính sách hỗ trợ đảm bảo về an sinh xã hội.
- Ngoài chính sách hỗ trợ chung theo quy định, tiếp
tục đẩy mạnh kêu gọi các tầng lớp nhân dân tương thân tương ái giúp đỡ cho đối
tượng gặp nhiều khó khăn như: người già yếu, neo đơn, người khuyết tật... Tiếp
tục phát động phong trào Đền ơn đáp nghĩa, phát triển Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để
chăm lo tốt hơn về đời sống cho các đối tượng chính sách ...
- Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh,
văn minh, nếp sống tôn trọng pháp luật, kỷ cương, tác phong công nghiệp. Tiếp tục
nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa" kết hợp với tổ chức thực hiện "Năm nếp sống văn minh, mỹ quan đô
thị", hướng cuộc vận động về cơ sở, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu
dân cư, từng công sở, từng gia đình, từng cá nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có 85%
gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; giữ vững 100% khu phố văn hóa, ấp văn hóa;
100% xã, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 6/6 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn
mới; 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa, thư viện và 90% cơ quan đơn vị, doanh
nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Tiếp tục huy động các nguồn đầu tư xây dựng hệ thống
hoàn chỉnh thiết chế văn hóa xã.
4. Giải pháp thực hiện.
4.1. Giải pháp về công tác tuyên truyền, vận
động:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong
tổ chức triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ,
đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Đề
án.
- Quán triệt trong hệ thống chính trị và các tầng lớp
nhân dân về chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện gắn với thực
hiện mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm
nghèo bền vững.
- Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ
trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Phổ biến, triển khai các cơ chế, chính
sách đến các thành phần kinh tế để tham gia đầu tư các dự án phát triển kinh tế
- xã hội huyện Cần Giờ; các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có
liên quan đến Chương trình giảm nghèo bền vững, tuyên truyền vận động nhân dân
ý thức vươn lên làm giàu chính đáng.
- Tuyên truyền, khuyến khích, kêu gọi các thành phần
kinh tế triển khai các dự án đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc
làm và giảm nghèo cho người dân huyện Cần Giờ. lao động nông thôn.
4.2. Giải pháp về quy hoạch và đầu tư xây dựng
cơ sở hạ tầng:
- Tiếp tục tổ chức công bố, công khai, triển khai
thực hiện quy hoạch làm cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi
các thành phần kinh tế đầu tư dự án phát triển huyện Cần Giờ; tăng cường quản
lý nhà nước về quy hoạch theo đúng quy định.
- Rà soát, đề xuất điều chỉnh các quy hoạch chung
xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng nông
thôn mới các xã; quy hoạch phân khu các khu dân cư...
- Phối hợp xây dựng triển khai thực hiện có hiệu quả
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện, các quy hoạch ngành, sản
phẩm phục vụ phát triển kinh tế.
- Khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng kinh
tế - xã hội; đồng thời rà soát, đầu tư mới các công trình trọng điểm, thiết yêu
phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, nâng cao
hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tránh
thất thoát, lãng phí việc sử dụng nguồn vốn này, đồng thời tạo điều kiện thu
hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước để bảo đảm huy động tối
đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước;
đẩy mạnh công tác giám sát cộng đồng vào quá trình chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực
hiện các chương trình, dự án đầu tư công để quản lý và sử dụng nguồn vốn nhà nước
một cách công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí và tham
nhũng.
4.3. Giải pháp về kỹ thuật:
- Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khuyến
nông, khuyến ngư; nghiên cứu, phát triển các đối tượng, mô hình sản xuất mới, ứng
dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao để tăng năng suất, hiệu quả;
phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo ra
giá trị gia tăng cao.
- Quản lý chặt chẽ vùng sản xuất, bảo vệ môi trường,
bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế thiệt hại, rủi ro trong sản xuất.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao
tay nghề cho nông dân về kỹ thuật sản xuất. Xây dựng mô hình thí điểm, trình diễn
phương pháp sản xuất tiên tiến để triển khai nhân rộng và chuyển giao quy trình
sản xuất cho người dân.
- Tổ chức cho nông dân tham quan, khảo sát học tập
các mô hình sản xuất muối tiên tiến, các làng nghề trong và ngoài Thành phố.
4.4. Giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn:
- Triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả Đề án dạy
nghề cho lao động nông thôn. Phấn đấu đến cuối năm 2020 có trên 90% lao động
qua đào tạo nghề. Gắn kết doanh nghiệp trong các nội dung đào tạo theo yêu cầu
thực tế; gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Huy động chuyên gia kỹ thuật tham
gia đào tạo, chuyển giao công nghệ.
- Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, tăng cường hợp
tác, liên kết các doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là các
cơ sở may mặc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo
nghề phù hợp với nhu cầu phát triển của huyện.
4.5. Giải pháp về đẩy mạnh thực hiện cải cách
hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước:
- Thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách hành
chính giai đoạn 2011-2020, xây dựng nên hành chính trong sạch, vững mạnh,
chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
- Cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, tạo
môi trường thuận lợi nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư; cải cách thủ
tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và
trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước.
- Ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu
chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thuộc Ủy
ban nhân dân huyện, các xã, thị trấn; triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống
quản lý chất lượng theo mô hình khung do Nhà nước quy định.
- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
công chức có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm,
không ngừng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội.
- Phát huy dân chủ ở cơ sở; xây dựng hệ thống chính
trị trong sạch, vững mạnh từ ở cơ sở đến huyện. Định kỳ tổ chức đối thoại giữa
chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.
4.6. Giải pháp cơ chế chính sách:
- Triển khai thực hiện có hiệu quả và vận dụng linh
hoạt các chính sách hỗ trợ của nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân,
nông thôn; chính sách phát triển kinh tế biển; chính sách khuyến khích chuyển dịch
cơ cấu nông nghiệp đô thị của Thành phố; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập
thể; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách về giảm nghèo gắn
với các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
- Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế,
trong đó, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; nguồn
lực từ các thành phần kinh tế và nguồn vốn tín dụng tham gia đầu tư phát triển
sản xuất, kinh doanh. Cụ thể:
+ Kinh phí từ ngân sách nhà nước (chủ yếu đầu tư cơ
sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020).
+ Kinh phí ngoài ngân sách từ các thành phần kinh tế
đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, như vốn tín dụng, vốn dân, doanh nghiệp.
- Rà soát, kiến nghị Thành phố cơ chế chính sách đặc
thù huyện Cần Giờ.
4.7. Giải pháp phát triển kinh tế tập thể:
- Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 05
tháng 6 năm 2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết
Trung ương 5 khóa IX và Kết luận số 56-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2013 của Bộ
Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
- Vận dụng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện các
loại hình kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh.
- Tổ chức củng cố xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt
động của mô hình kinh tế trang trại, các tổ hợp tác, hợp tác xã.
- Thành lập mới ít nhất 3 hợp tác xã tiên tiến, hiện
đại trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, chế biến; trong đó chú trọng phát triển
các hợp tác xã chế biến (muối, thủy sản)./.