Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 3316/QĐ-UBND 2022 nguồn lực văn hóa trong xây dựng Thành phố sáng tạo Hà Nội

Số hiệu: 3316/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Chử Xuân Dũng
Ngày ban hành: 12/09/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3316/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC VĂN HÓA CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU “THÀNH PHỐ SÁNG TẠO”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 5199/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND Thành phố về giao chỉ tiêu Kế hoạch Kinh tế - Xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2022 của thành phố Hà Nội;

Căn cứ Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 19/01/2022 của UBND Thành phố về chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2022;

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tại Tờ trình số 405/TTr-VNC ngày 10/8/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa của thành phố Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Điều 2. Thời gian và kinh phí thực hiện

- Thời gian hoàn thành: Tháng 12/2022.

- Kinh phí thực hiện: 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng chẵn), được xác định trên cơ sở Thuyết minh và Dự toán kinh phí nhiệm vụ được phê duyệt. Dự toán kinh phí được áp dụng theo Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố và các quy định hiện hành.

- Nguồn kinh phí đã được bố trí tại Quyết định số 5199/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 của thành phố Hà Nội giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc được phân công tại Phụ lục kèm theo; tổng hợp, tổ chức nghiệm thu các sản phẩm, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định.

Điều 4. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Chử Xuân Dũng, Hà Minh Hải;
- VPUB: PCVP P.T.T.Huyền, KGVX, KTTH, TH;
- Lưu: VT, KGVXHg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chử Xuân Dũng

 

ĐỀ CƯƠNG

NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC VĂN HÓA CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU “THÀNH PHỐ SÁNG TẠO”
(Kèm theo Quyết định số
3316/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 của UBND thành phố Hà Nội)

I. Sự cần thiết thực hiện Nhiệm vụ

Tháng 10/2019, UNESCO đã công nhận Hà Nội cùng 65 Thành phố khác trên thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Đây chính là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực kinh tế, chính trị, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục vì mục tiêu phát triển Thủ đô bền vững. Để cụ thể hóa những ước mơ, khát vọng sáng tạo của Nhân dân Thủ đô, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra một trong những định hướng mục tiêu lớn là: “Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại”.

Sau hơn 2 năm tham gia Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Hà Nội từng bước triển khai các giải pháp, đổi mới: Thành ủy Hà Nội xem xét, thông qua Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đẩy mạnh triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu, như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội... Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng loạt các tổ chức, cá nhân đã thực hiện số hóa dữ liệu, chương trình, các hoạt động văn hóa thông qua internet thu hút được nhiều sự quan tâm, tương tác của công chúng. Hà Nội đang tích cực khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội chưa được như kỳ vọng. Hầu hết sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, Thành phố chưa có Trung tâm sáng tạo, chưa có megashow. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Hà Nội mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. So với các thành phố sáng tạo khác có nền công nghiệp văn hóa phát triển trên thế giới, các hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội có khoảng cách khá xa. Có những lĩnh vực thiếu vắng vai trò quản lý nhà nước. Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO như trong Hồ sơ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo, diễn đàn mạng lưới Thành phố sáng tạo Đông Nam Á, mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ...

Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, tháng 10/2019, Hà Nội mới gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo, đầu năm 2020 tình hình đại dịch COVID-19 bắt đầu có diễn biến phức tạp, nhiều kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động đã bị hoãn lại. Môi trường thể chế dù đã có nhiều thay đổi, song vẫn chưa tạo được sự đột phá, chưa có khả năng giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên văn hóa với khoa học - công nghệ; chưa có những chính sách hiệu quả nhằm huy động nguồn đầu tư thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa cũng như phát triển “Thành phố sáng tạo”. Số lượng các dự án liên quan đến Thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa còn ít, chưa đủ sức thâm nhập và tác động sâu rộng tới nhận thức của những người tham gia vào hoạt động quản lý, sản xuất và dịch vụ văn hóa, cũng như với toàn xã hội. Chưa kể, hầu hết cộng đồng người dân Thành phố còn mơ hồ với khái niệm “Thành phố sáng tạo”.

Nhìn chung, các nguồn lực văn hóa chính là tiềm năng sáng tạo dồi dào để phát triển thành phố Hà Nội trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì vậy, phát huy các nguồn lực văn hóa chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các chương trình về phát triển bền vững thuộc mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” mà Hà Nội tham gia năm 2019. Đây chính là tiền đề quan trọng để Hà Nội khắc phục những hạn chế, khó khăn, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển mà Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế”1 đồng thời đóng góp tích cực vào chiến lược văn hóa đối ngoại quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Từ thực tiễn trên, việc thực hiện nhiệm vụ: Giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với thành phố Hà Nội trong bối cảnh mới hiện nay. Khẳng định đây là một nhiệm vụ quan trọng, có tính mới, Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo giao cho Viện là đơn vị chủ trì thực hiện tại Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 24/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội về Kế hoạch Hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 (Nhiệm vụ được giao tại mục II.6 của Phụ lục); Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 19/01/2022 của UBND Thành phố về Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2022 (nhiệm vụ số 96 tại Phụ lục).

II. Các căn cứ thực hiện nhiệm vụ

1. Các văn bản của Trung ương:

- Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII;

- Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

- Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;

2. Các văn bản của Hà Nội:

- Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV, XVI, XVII;

- Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Quyết định số 4641/QĐ-UBND ngày 17/10/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 5199/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND Thành phố về giao chỉ tiêu Kế hoạch KT-XH và dự toán thu chi ngân sách năm 2022 của thành phố Hà Nội;

- Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 24/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội về Kế hoạch Hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 (Nhiệm vụ được giao tại mục II.6 của Phụ lục);

- Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 19/01/2022 của UBND Thành phố về Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2022 (Nhiệm vụ số 128 tại Phụ lục).

III. Mục tiêu của nhiệm vụ

1. Mục tiêu chung:

Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình công tác số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2025; Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể:

- Khái quát cơ sở lý luận về phát huy các nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

- Đánh giá thực trạng phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” từ năm 2016 đến nay.

- Đề xuất quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

IV. Đối tượng, phạm vi, phương pháp thực hiện nhiệm vụ

1. Đối tượng nghiên cứu của nhiệm vụ

Nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Trong đó, của nhiệm vụ xác định nguồn lực văn hóa gồm: (1) nguồn lực con người (thể hiện qua sự sáng tạo của cá nhân, tổ chức, cộng đồng người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về 7 lĩnh vực, tiểu ngành: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; thiết kế; điện ảnh; ẩm thực; văn hóa, nghệ thuật; truyền thông; âm nhạc); (2) nguồn lực di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa; (3) nguồn lực hạ tầng văn hóa (các địa điểm, các công trình có thể hình thành các không gian sáng tạo).

2. Phạm vi nghiên cứu của nhiệm vụ

- Về nội dung: Với những nội dung đã được xác định trong Chương trình số 06-CTr/TU; Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội, nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn về phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của 7 lĩnh vực, tiểu ngành đã được UNESCO xác định để xây dựng “Thành phố sáng tạo” bao gồm: (1) Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, (2) thiết kế, (3) điện ảnh, (4) ẩm thực, (5) văn học, nghệ thuật (6) truyền thông, (7) âm nhạc; Hồ sơ tham gia “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

+ Việc phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội được nhiệm vụ xác định gồm:

(1) nguồn lực con người (sự sáng tạo của cá nhân, tổ chức, cộng đồng người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về 7 lĩnh vực, tiểu ngành: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; thiết kế; điện ảnh; ẩm thực, văn học, nghệ thuật; truyền thông; âm nhạc);

(2) nguồn lực di sản, sản phẩm văn hóa;

(3) nguồn lực hạ tầng văn hóa (thể hiện qua các địa điểm, các công trình có thể hình thành các không gian sáng tạo).

- Về không gian: địa bàn thành phố Hà Nội.

- Về thời gian: đánh giá thực trạng giai đoạn từ năm 2016 đến nay, đề xuất giải pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3. Phương pháp thực hiện nhiệm vụ

a. Phương pháp thu thập dữ liệu; khảo cứu và phân tích:

b. Phương pháp điều tra, khảo sát:

c. Phương pháp chuyên gia:

d. Phương pháp thống kê, so sánh:

V. Các nội dung cần thực hiện:

Nội dung 1. Cơ sở lý luận về phát huy nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”

1.1. Khái niệm và các yếu tố cấu thành nguồn lực văn hóa

- Khái niệm nguồn lực văn hóa.

- Nội dung, các yếu tố cấu thành nguồn lực văn hóa.

- Vai trò của việc phát huy các nguồn lực văn hóa trong phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.

1.2. Khái quát chung về thành phố sáng tạo; thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO lĩnh vực thiết kế; phát huy nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”

- Khái niệm “Thành phố sáng tạo”; “công nghiệp văn hóa”; “công nghiệp sáng tạo”...

- Cơ cấu, nội dung, yêu cầu về phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” lĩnh vực thiết kế của UNESCO.

- Khái niệm, nội hàm về “phát huy” và phát huy nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.

1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát huy các nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

+ Công tác quản lý nhà nước và lãnh đạo, chỉ đạo;

+ Cơ chế, chính sách và cơ chế chính sách đặc thù;

+ Công tác quy hoạch, kế hoạch;

+ Công tác thu hút đầu tư;

+ Công tác quản lý nhà nước;

+ Công tác đào tạo, phát triển, thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực văn hóa;

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu, quảng bá hình ảnh ‘‘Thành phố sáng tạo” của Hà Nội).

1.4. Kinh nghiệm phát huy các nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” trên thế giới và bài học cho thành phố Hà Nội.

- Kinh nghiệm quốc tế

- Bài học kinh nghiệm rút ra đối với thành phố Hà Nội.

Nội dung 2. Thực trạng phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” từ năm 2016 đến nay

2.1. Phân tích thời cơ, thách thức của Hà Nội khi gia nhập mạng lưới “Thành phố sáng tạo”.

(Thời cơ, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu khi phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”).

2.2. Phân tích thực trạng phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”

- Thực trạng phát huy nguồn lực con người Hà Nội (sự sáng tạo) trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

(Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; Thiết kế; Điện ảnh; Ẩm thực; Văn học, nghệ thuật; Truyền thông; Âm nhạc: Số lượng, cơ cấu hoạt động sáng tạo phát huy được từ nguồn lực con người (sự sáng tạo)/số lượng, cơ cấu chung của tiểu ngành; đối tượng, thành phần tham gia hoạt động sáng tạo (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp); mục đích, giá trị sử dụng tạo ra hoạt động sáng tạo (giá trị văn hóa, kinh tế); Thời hạn sử dụng (ngắn hạn, dài hạn); mức độ, số lượng việc làm tạo ra thường xuyên; đóng góp cho GRDP Thành phố; xây dựng, đăng ký thương hiệu; quảng bá và phát triển thương hiệu riêng; khả năng xuất khẩu; mức độ, quy mô, khả năng tham gia phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội;...

- Thực trạng phát huy nguồn lực các di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

(Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; Thiết kế; Điện ảnh; Ẩm thực; Văn học, nghệ thuật; Truyền thông; Âm nhạc: Số lượng, cơ cấu hoạt động sáng tạo phát huy từ nguồn lực di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa /số lượng, cơ cấu chung của tiểu ngành; hình thức di sản, sản phẩm văn hóa (vật thể, phi vật thể); cấp độ di sản, sản phẩm văn hóa quốc tế, quốc gia, tỉnh, huyện, xã); hình thức đóng góp của di sản, sản phẩm văn hóa vào hoạt động sáng tạo (toàn bộ hay một phần); mức độ đóng góp của di sản, sản phẩm văn hóa vào hoạt động sáng tạo (1 lần, liên tục, thường xuyên); thời hạn đóng góp của di sản, sản phẩm văn hóa vào hoạt động sáng tạo (ngắn hạn, dài hạn); việc thay đổi bản chất, hình thức của di sản, sản phẩm văn hóa do hoạt động sáng tạo (có/không, mức độ thay đổi);...

- Thực trạng phát triển hạ tầng (không gian văn hóa) trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

(Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; Thiết kế; Điện ảnh; Ẩm thực; Văn học, nghệ thuật; Truyền thông; Âm nhạc: Số lượng, cơ cấu hoạt động sáng tạo phát huy từ nguồn lực hạ tầng văn hóa, (không gian văn hóa) /số lượng, cơ cấu chung của tiểu ngành; hình thức hạ tầng văn hóa; cấp độ phát triển hạ tầng văn hóa (quốc tế, quốc gia, tỉnh, huyện, xã); hình thức đóng góp của hạ tầng văn hóa vào hoạt động sáng tạo (toàn bộ hay một phần); mức độ đóng góp của hạ tầng văn hóa vào hoạt động sáng tạo (1 lần, liên tục, thường xuyên); thời hạn đóng góp của hạ tầng văn hóa vào hoạt động sáng tạo (ngắn hạn, dài hạn); việc thay đổi bản chất, hình thức của hạ tầng văn hóa do hoạt động sáng tạo (có/không, mức độ thay đổi);...

2.3. Đánh giá chung về kết quả phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”

- Những kết quả đạt được từ năm 2016 đến nay: (Số lượng, cơ cấu, loại hình các hoạt động sáng tạo của Thành phố; mức độ phát triển; số lượng, quy mô, cơ cấu, hình thức phát huy các nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của cả 7 tiểu ngành; tiểu ngành nào hoạt động hiệu quả nhất; mức độ đóng góp chung của cả 7 tiểu ngành vào GRDP của Thành phố; mức độ, khả năng tạo việc làm của cả 7 tiểu ngành; quy mô, hình thức, hiệu quả phát triển; các đối tượng sáng tạo chính?... )

- Những hạn chế, khó khăn: (Những hạn chế, khó khăn trong việc phát huy các nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” từ năm 2016 đến nay (của cả 7 tiểu ngành).

- Đánh giá nguyên nhân các kết quả đạt được, nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn:

+ Công tác quản lý nhà nước và lãnh đạo, chỉ đạo: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, quận, huyện, phường xã (định hướng phát triển dài hạn, ngắn hạn); công tác quản lý (7 tiểu ngành cụ thể đang thuộc phạm vi quản lý của ngành nào? Cấp nào?; công tác phối hợp quản lý (một ngành hay nhiều ngành)...

+ Cơ chế, chính sách và cơ chế chính sách đặc thù:

+ Công tác quy hoạch, kế hoạch:

+ Công tác thu hút đầu tư:

+ Công tác đào tạo, phát triển, thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực văn hóa:

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu, quảng bá hình ảnh “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội):

Nội dung 3. Đề xuất quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3.1. Bối cảnh, tình hình, xu hướng tác động tới phát huy các nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Bối cảnh quốc tế.

- Bối cảnh trong nước và Thành phố Hà Nội.

3.2. Quan điểm, định hướng về phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

- Quan điểm phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

- Định hướng phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

3.3. Đề xuất nhóm giải pháp chung

- Giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển

- Giải pháp về cơ chế, chính sách và cơ chế chính sách đặc thù

- Giải pháp về công tác quy hoạch, kế hoạch

- Giải pháp về công tác thu hút đầu tư

- Giải pháp về công tác quản lý nhà nước

- Giải pháp về công tác đào tạo, phát triển, thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực văn hóa.

- Giải pháp về xây dựng cơ sở dữ liệu, quảng bá hình ảnh

3.4. Đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả các sáng kiến, chương trình Hà Nội đề ra trong Hồ sơ đăng ký gia nhập mạng lưới “Thành phố sáng tạo”.

- Giải pháp thực hiện các sáng kiến, chương trình Hà Nội đề ra ở cấp độ Thành phố.

- Giải pháp thực hiện các sáng kiến, chương trình Hà Nội đề ra ở cấp độ quốc tế.

3.5. Đề xuất giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

- Giải pháp phát huy nguồn lực con người Hà Nội (sự sáng tạo) trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

- Giải pháp phát huy nguồn lực các di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

- Giải pháp phát triển hạ tầng (không gian sáng tạo) trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

3.6. Đề xuất danh mục các nhiệm vụ/đề án/chương trình ưu tiên thực hiện việc phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

(Đề xuất được các nhiệm vụ cụ thể, kết quả đầu ra, đơn vị thực hiện, thời gian và dự kiến kinh phí thực hiện)

3.7. Các đề xuất, kiến nghị với Trung ương và Thành phố nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

VI. Các hoạt động phục vụ nghiên cứu:

1. Thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc phân tích, đánh giá tình hình phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội để xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo: từ năm 2016 đến nay

2. Khảo sát thực tế

Căn cứ vào điều kiện, tiềm năng phát triển của từng địa phương, khu vực trên địa bàn Thành phố tại 03 quận (Hoàn Kiếm; Đống Đa; Tây Hồ...); 02 huyện Hoài Đức, Phú Xuyên và thị xã Sơn Tây, xây dựng các phương án làm việc, khảo sát phù hợp.

- Hình thức: khảo sát bằng bảng hỏi kết hợp điền dã, quan sát, phỏng vấn sâu; tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm.

- Quy mô: Tổng cộng 700 phiếu với cơ cấu gồm có:

+ Mẫu phiếu 1: dành cho nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học (200 phiếu nhà khoa học, nhà quản lý).

+ Mẫu phiếu 2: dành cho tổ chức, cá nhân người dân đang sinh sống tại các địa bàn có hoạt động sáng tạo, không gian sáng tạo thành phố Hà Nội (500 phiếu, mỗi quận huyện 100 phiếu).

3. Hội thảo khoa học

- Hội thảo khoa học 1: Nhận diện các nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội.

- Hội thảo khoa học 2: Đánh giá thực trạng phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” từ năm 2016 đến nay.

- Hội thảo khoa học 3: Giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

VII. Sản phẩm và ứng dụng sản phẩm của nhiệm vụ

1. Sản phẩm của nhiệm vụ bao gồm:

- Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt nhiệm vụ;

- Các báo cáo chuyên đề;

2. Dự kiến cơ quan, tổ chức ứng dụng sản phẩm của nhiệm vụ

Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ:

- Việc nghiên cứu nhiệm vụ sẽ góp phần bổ sung các căn cứ, lý luận và thực tiễn để Thành phố, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU; Nghị quyết 09-NQ/TU tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ được giao, hoàn thành mục tiêu đề ra của Chương trình 06-CTr/TU; Nghị quyết 09-NQ/TU đồng thời, kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ góp phần bổ sung những nhiệm vụ, trọng tâm về Thành phố sáng tạo góp phần phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội.

- Kết quả nghiên cứu sẽ là căn cứ khoa học, tài liệu tham khảo cho các sở, ban, ngành, như: Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Công thương; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch Kiến trúc; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động Thương binh và xã hội... và các quận, huyện, thị xã để tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố ban hành những cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển liên quan đến phát huy các nguồn lực văn hóa trong phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, những lĩnh vực ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới, định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành, lĩnh vực đó; xác định các sản phẩm, ngành chủ lực trong phát triển thương hiệu “thành phố sáng tạo”, góp phần phát triển thị trường phát triển công nghiệp văn hóa; giúp người dân và doanh nghiệp năm bắt được định hướng của Thành phố để chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân phát huy được sáng kiến, sáng tạo; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội ngàn năm văn hiến, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; giúp UBND các quận, huyện, thị xã tham khảo về các vấn đề được nhận định, đánh giá so với kết quả thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn.

- Làm tài liệu nghiên cứu và phục vụ công tác giảng dạy trong các trường Đại học, Viện nghiên cứu của trung ương và thành phố Hà Nội.

VIII. Tiến độ và kinh phí thực hiện

1. Tiến độ thực hiện: Từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022.

Căn cứ khối lượng công việc, căn cứ vào thời gian thực hiện nhiệm vụ, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là đơn vị thường trực, phối hợp các đơn vị trong Thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ theo tiến độ cụ thể như sau:

TT

Nội dung công việc

Thời gian

Đơn vị phối hợp

1

Xây dựng và hoàn thiện đề cương chi tiết, dự toán

Tháng 1-7/2022

Sở: Khoa học và Công nghệ; Tài chính

2

Thu thập tài liệu, số liệu

Tháng 1-9/2022

Các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: UNESCO; UN-HABITAT...

3

Khảo sát thực tế & làm việc với các đơn vị

Tháng 7-9/2022

UBND một số quận, huyện, thị xã Sơn Tây

4

Tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm xin ý kiến chuyên gia trong quá trình thực hiện

Tháng 8/2022-10/2022

Chuyên gia, nhà quản lý, Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây.

5

Xây dựng các báo cáo kết quả nội dung nghiên cứu

Tháng 08-11/2022

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Sở, ban ngành.

6

Xây dựng báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt

Tháng 11-12/2022

Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây.

2. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí thực hiện: 1.000.000.000 đ (Một tỷ đồng chẵn).

- Nội dung, mức chi: Công lao động trực tiếp xây dựng thuyết minh, báo cáo, chuyên đề; Các chi phí tổ chức hội thảo áp dụng theo Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của HĐND Thành phố về việc quy định nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội.

IX. Tổ chức thực hiện

1. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội

- Là đơn vị chủ trì xây dựng báo cáo nhiệm vụ “Giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

- Chủ trì xây dựng và nghiệm thu các báo cáo nội dung nghiên cứu.

2. Sở Tài chính

Thẩm tra quyết toán của nhiệm vụ theo đúng quy định.

3. Các Sở, ban, ngành Thành phố

- Cung cấp thông tin liên quan đến thực trạng phát triển Thành phố sáng tạo, các thông tin liên quan thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Tham gia các cuộc họp, Hội thảo khoa học, tọa đàm trao đổi ý kiến về các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

4. UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây

- Phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội cung cấp thông tin về thực trạng phát triển Thành phố sáng tạo trên địa bàn, phối hợp tổ chức các toạ đàm và hoạt động khảo sát thực tế tại địa phương.

- Tham gia Hội thảo khoa học, tọa đàm trao đổi ý kiến về các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách trong quá trình triển khai thực hiện Nhiệm vụ./.



1 Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Th đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3316/QĐ-UBND ngày 12/09/2022 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa của thành phố Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.888

DMCA.com Protection Status
IP: 18.218.199.14
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!