ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 304/QĐ-UBND
|
Bình Thuận,
ngày 10 tháng 02 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ KHÓ
KHĂN VỀ TÀI CHÍNH NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật người khuyết tật ngày 17 tháng 6
năm 2010;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 20 tháng 6
năm 2017;
Căn cứ Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05
tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết
tật giai đoạn 2012-2020;
Căn cứ Quyết định số 3222/QĐ-BTP ngày 31
tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai
thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài
chính năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ
trình số 45/TTr-STP ngày 03 tháng 02 năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý
cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình
Thuận.
Điều 2. Quyết định
này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn
phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh Xã
hội, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp);
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- Lưu: VT, NCKSTTHC. N
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Hai
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ
KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH NĂM 2020
( Ban hành kèm theo Quyết định số 304 /QĐ-UBND ngày 10 /02/2020 của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận )
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nhằm triển khai thực hiện
kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với
người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, giúp người khuyết tật có điều kiện tiếp cận
với pháp luật và được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai phải được
tiến hành kịp thời, đảm bảo có hiệu quả, giúp người khuyết tật giảm thấp nhất
những khó khăn về mặt pháp lý.
- Cần sự phối hợp đồng bộ
của các cơ quan, ban, ngành có liên quan đặc biệt là sự phối hợp tích cực từ
phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc khảo sát tổ chức trợ giúp
pháp lý cho người khuyết tật.
II. CÁC NỘI DUNG TRỌNG
TÂM THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ KHÓ KHĂN VỀ
TÀI CHÍNH
1. Tăng cường truyền
thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính
- Tổ chức tọa đàm trao đổi,
thảo luận để nắm bắt thực trạng đời sống của người khuyết tật hiện nay và đưa
ra các giải pháp bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có
khó khăn về tài chính.
- Xây dựng nội dung trợ giúp
pháp lý cho người khuyết tật trong các chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp
pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Biên soạn, phát hành các
tài liệu dưới dạng hỏi đáp pháp luật, cẩm nang bỏ túi, tờ gấp pháp luật liên
quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, các chủ trương của
Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước về người khuyết tật, quyền và lợi ích hợp
pháp của người khuyết tật đối với chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà
nước.
- Xây dựng và lắp đặt các
Bảng tin, Hộp tin trợ giúp pháp lý đặt tại các cơ sở quản lý, sinh hoạt liên
quan đến người khuyết tật như: Hội Người khuyết tật, bảo trợ xã hội, trường
học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác có người khuyết tật.
- Lồng ghép việc truyền
thông, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các
Chương trình, Kế hoạch, Đề án khác về người khuyết tật ở địa phương và trong
dịp kỷ niệm ngày Khuyết tật Việt Nam (18/4) và ngày Quốc tế người khuyết tật
(03/12).
- Tổ chức các đợt truyền
thông về các xã, phường, thị trấn, những nơi có nhiều người khuyết tật để tư
vấn, tuyên truyền phổ biến những kiến thức pháp luật cần thiết cho người khuyết
tật.
2. Nâng cao chất lượng
thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
- Tiếp tục thực hiện trợ
giúp pháp lý với các hình thức phù hợp tại nơi cư trú, sinh sống, làm việc của
người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Tư vấn pháp luật, phổ biến pháp
luật, đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật tại trụ sở Trung tâm và các Chi nhánh.
- Xây dựng chương trình,
biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng nghiệp
vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đối với đội ngũ những người thực hiện
trợ giúp pháp lý bao gồm: Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên.
- Khảo sát nhu cầu trợ giúp
pháp lý cho người khuyết tật phân theo các dạng như: Khiếm thị, khiếm thính,
khiếm khuyết vận động để có phương pháp hỗ trợ pháp lý phù hợp với từng nhóm
đối tượng đặc thù.
- Khảo sát nhu cầu trợ giúp
pháp lý, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật có nội dung liên quan
đến người khuyết tật tại các xã, phường, thị trấn nơi có nhiều người khuyết
tật; tại các Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở
kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật khi có yêu cầu.
- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm
tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn
về tài chính.
- Sơ kết, đánh giá kết quả
triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa
bàn tỉnh Bình Thuận.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp chỉ đạo Trung
tâm Trợ giúp pháp lý bố trí chương trình làm việc hợp lý, đúng tiến độ; tùy
theo tính chất công việc có sự chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành
liên quan, phát huy tối đa sức mạnh nội lực của Trung tâm, các Chi nhánh đặc
biệt là đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc
Trung tâm Trợ giúp pháp lý trong việc thực hiện và lập dự toán kinh phí để tổ
chức thực hiện tốt Kế hoạch này; hàng năm tiến hành sơ kết để đánh giá kết quả
thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài
chính để rút kinh nghiệm cho năm sau và báo cáo cho UBND tỉnh.
2. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo kịp thời các đơn vị trực thuộc, các Hội, Đoàn,
cơ sở Bảo trợ xã hội... do mình quản lý rà soát lại các đối tượng thuộc diện
khuyết tật trên địa bàn tỉnh, phối hợp Sở Tư pháp thực hiện trợ giúp pháp lý
cho người khuyết tật đạt hiệu quả.
3. Sở Tư pháp phối hợp Sở
Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh kinh phí thực hiện trợ giúp pháp lý cho
người khuyết tật năm 2020.
4. UBND các huyện, thị xã,
thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Sở Tư pháp
(thông qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý) thực hiện tốt việc trợ giúp pháp lý cho
người khuyết tật tại địa phương./.