Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 2967/QĐ-UBND Xúc tiến quảng bá du lịch Hà Giang 2016 2020

Số hiệu: 2967/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang Người ký: Nguyễn Văn Sơn
Ngày ban hành: 30/11/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2967/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 30 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÚC TIẾN QUẢNG BÁ DU LỊCH TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình xúc tiến Du lịch Quốc gia giai đoạn 2013 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1646/QĐ - UBND ngày 20 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo kết luận số 238/TB-UBND, ngày 01/11/2016 của UBND tỉnh thông báo kết luận phiên họp Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh tháng 10/2016;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 123/TTr-SVHTTDL, ngày 21 tháng 10 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt và ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TTr. Tỉnh ủy;
- TTr. HĐND tỉnh;
- CT, Các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- CVP, PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH, KGVX.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

ĐỀ ÁN

XÚC TIẾN QUẢNG BÁ DU LỊCH TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2967/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

Phần thứ nhất

SỰ CẤP THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẤP THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển du lịch. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đã có những bước phát triển toàn diện, cơ sở hạ tầng, dịch vụ của tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng và hoàn thiện tạo điều kiện cho việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch đặc trưng của địa phương như hệ thống các di sản vật thể, phi vật thể, các danh thắng, di tích lịch sử văn hóa. Công tác quảng bá có bước đổi mới, đưa hình ảnh du lịch Hà Giang đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.

Với tiềm năng du lịch phong phú, Hà Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, lượng khách du lịch không ngừng tăng theo từng năm. Nếu năm 2010 lượng khách đến với Hà Giang gần 164.322 lượt khách thì đến năm 2014 là 650.000 lượt, năm 2015 là 762.600 lượt. Doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch cũng không ngừng được tăng lên: Năm 2013 đạt gần 500 tỷ đồng, năm 2014 đạt gần 600 tỷ đồng và đến năm 2015 là 708 tỷ đồng. Năm 2016 lượng khách du lịch ước đạt 820.000 lượt, doanh thu từ du lịch dịch vụ ước đạt từ 760 tỷ đồng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch Hà Giang còn nhiều hạn chế và bất cập, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thiếu bền vững như: Thiếu sự đầu tư trọng điểm, thiếu các nguồn lực đảm bảo thực hiện một cách đồng bộ, số lượng dự án đã triển khai và đi vào hoạt động còn ít, hiệu quả chưa cao; Sản phẩm chưa đa dạng, phong phú; chất lượng hoạt động của nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; Cơ sở lưu trú, nhà hàng còn khiêm tốn về số lượng cũng như chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách; Chất lượng phục vụ chưa cao, chưa chuyên nghiệp, kém tính cạnh tranh; Việc liên kết phát triển du lịch chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong đầu tư quảng bá du lịch, dịch vụ.

Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013 - 2020, trên cơ sở đó một số tỉnh, thành phố cũng đã triển khai xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án cho lĩnh vực tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch.

Tuy là một tỉnh có Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với nhiều danh thắng, di tích lịch sử có giá trị lớn. Nhưng hiện nay trong lĩnh vực du lịch, Hà Giang vẫn chưa có một chương trình xúc tiến quảng bá mang tính chiến lược, dài hạn và chuyên nghiệp cho từng thị trường mục tiêu; Chưa xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ xúc tiến quảng bá trong mỗi giai đoạn và đặc điểm thị trường cụ thể để tổ chức các hoạt động quảng bá phù hợp. Chính vì vậy, phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá.

Để thúc đẩy các hoạt động du lịch của tỉnh, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Hà Giang (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra “Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong nền kinh tế chung của tỉnh với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; Sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; Mang bản sắc văn hóa Hà Giang, thân thiện với môi trường, đưa Hà Giang trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của vùng và của cả nước”. Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ trong nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2020 định hướng đến năm 2030 thì việc xây dựng và phê duyệt Đề án “Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020” Thông qua Đề án đưa các hoạt động du lịch phát triển đúng theo định hướng, phát huy tốt các lợi thế tiềm năng du lịch sẵn có, giới thiệu, quảng bá và đưa hình ảnh du lịch Hà Giang trở thành điểm đến chuyên nghiệp, đồng thời đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển bền vững.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Luật du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005.

2. Nghị định số 92/2007/NĐ - CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 89/2008/TT- BVHTTDL ngày 31/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ - CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về kinh doanh lữ hành, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, hướng dẫn du lịch và xúc tiến du lịch.

3. Quyết định số 91/2008/QĐ - BVHTTDL phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2020.

4. Quyết định số 2151/QĐ - TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình xúc tiến Du lịch Quốc gia giai đoạn 2013 - 2020.

5. Quyết định 310/QĐ - TTg ngày 07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012- 2020, tầm nhìn 2030.

6. Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Hà Giang (nhiệm kỳ 2015 - 2020).

7. Quyết định số 1646/QĐ - UBND ngày 20/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030.

8. Chương trình số 62 - CTr/TU ngày 29/3/2013 của Ban thường vụ tỉnh ủy về phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013 - 2020.

9. Nghị quyết số 35/2016/NQ - HĐND ngày 21/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển du lịch Hà Giang.

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XÚC TIẾN QUẢNG BÁ DU LỊCH TỈNH HÀ GIANG

I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN QUẢNG BÁ DU LỊCH

1. Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch

- Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch được quan tâm hơn từ năm 2008 khi Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch của tỉnh được thành lập. Các Chương trình, chính sách khuyến khích phát triển du lịch từng bước được thể chế hóa. Công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của hoạt động du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh đã được quan tâm;

- Công tác phối kết hợp giữa các cấp, các ngành với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đặc biệt, việc phối kết hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các cơ quan báo, đài, tạp chí chuyên ngành ở Trung ương cũng như địa phương đã tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng về tiềm năng, lợi thế, vai trò của việc khai phác và phát triển du lịch cũng như những tiêu cực của nó nếu như không được xây dựng và quản lý đúng hướng;

- Hàng năm, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với tổ chức EU, ESRT, SNV tổ chức một số chương trình tập huấn về nghiệp vụ du lịch. Ngoài ra, giao cho Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tổ chức tập huấn ngắn hạn về lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch cho đối tượng làm công tác quản lý du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn, du lịch cộng đồng;

- Chương trình xây dựng Làng văn du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới của tỉnh đã phần nào góp phần thiết thực trong việc nâng cao ý thức cộng đồng người dân trong việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, văn hóa để khai thác phát triển du lịch.

2. Quy mô và phạm vi hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch

- Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Giang đã được mở rộng về phạm vi và quy mô, bao gồm tham gia các chương trình, sự kiện thương mại - văn hóa - du lịch như: Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam; Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng; Hội chợ Công nghiệp - Thương mại quốc tế Việt Trung tại Hà Giang; Hội chợ thương mại, du lịch, ẩm thực tại Lạng Sơn; Festival Trà quốc tế và Hội chợ quê tại Thái nguyên; Hội chợ du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, “Chương trình du lịch qua những miền di sản 6 tỉnh Việt Bắc; Xúc tiến quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch Hà Giang tại Đại hội đồng nghị viện IPU 132...;

- Trang Web http://www.hagiangtrade.gov.vn được hình thành và duy trì hoạt động đã truyền tải những thông tin liên quan đến lĩnh vực du lịch;

- Ngoài ra, thông qua một số chương trình hợp tác đối ngoại của tỉnh, thông qua Tổng cục Du lịch, trong những năm gần đây Hà Giang đã tham gia xúc tiến quảng bá tại một số nước như: Nhật Bản, Trung Quốc.

3. Công tác xây dựng sản phẩm, ấn phẩm quảng bá du lịch

Trong những năm qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phối hợp với một số cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh xây dựng phim tài liệu tuyên truyền về vùng đất, văn hóa lễ hội, con người Hà Giang như đĩa DVD “Hà giang điểm hẹn nơi cực Bắc”, “Du lịch cộng đồng Hà Giang”, “Du lịch di sản Hà Giang”. Xây dựng, xuất bản các ấn phẩm về cẩm nang du lịch Hà Giang, bản đồ quy hoạch du lịch, Post card du lịch Hà Giang. Xây dựng phim phóng sự giới thiệu, quảng bá về mảnh đất và con người Hà Giang. Đặc biệt, đã phối hợp hỗ trợ Công ty du lịch Phoenix Voyages tại Hà Nội, Công ty truyền thông điện ảnh của Pháp, Công ty du lịch Sài Gòn xây dựng phim quảng bá về du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn và du lịch Hà Giang. Phối hợp với VTV1, VTV2, Chương trình Càfe sáng - Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam, HGTV xây dựng phim phóng sự, tài liệu, chuyên trang, chuyên mục về du lịch Hà Giang.

Để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, việc đa dạng hóa sản phẩm là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Trong những năm qua, du lịch Hà Giang đã xây dựng được nhóm các sản phẩm du lịch như: Sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa, đặc trưng văn hóa của các dân tộc thiểu số; Sản phẩm du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm danh lam thắng cảnh và nghỉ dưỡng gắn với các nguồn nước khoáng. Ngoài ra, sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm cũng đang dần được hình thành.

Bên cạnh đó, việc quan tâm nghiên cứu thiết kế, sản xuất một số mặt hàng lưu niệm, hàng thủ công truyền thống, các đặc sản của địa phương để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch cũng đã được quan tâm.

II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Hoạt động xúc tiến quảng bá còn thiếu tính chuyên nghiệp

- Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá chưa được triển khai thường xuyên, quy mô nhỏ, sản phẩm quảng bá thiếu tính hấp dẫn, sáng tạo, theo lối mòn. Chính vì vậy, hiệu ứng Marketing du lịch mới chỉ ở mức độ nhất định;

- Công tác nghiên cứu thị trường đã từng bước được thực hiện, nhưng còn thiếu tính chủ động, đồng bộ đề làm cơ sở cho việc định hình sản phẩm, xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch Hà Giang. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch thiếu chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm và chưa đáp ứng được yêu cầu theo đuổi thị trường mục tiêu. Cho đến nay, du lịch Hà Giang chưa xây dựng được biểu tượng, logo về du lịch (hiện nay vẫn đang sử dụng Logo của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng) do đó phần nào ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu du lịch trong quảng bá.

2. Liên kết, huy động nguồn lực tham gia xúc tiến du lịch

- Hoạt động phối hợp liên ngành trong việc thực hiện tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong những năm gần đây tuy đã được cải thiện, song các cấp, các ngành chưa thực sự coi đó là trách nhiệm liên quan trực tiếp của mình; Sự phối kết hợp giữa các nhóm hợp tác (6 tỉnh Việt Bắc; 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng) trong hoạt động xúc tiến quảng bá chưa thật chặt chẽ, hiệu quả. Trong khi để đáp ứng một trong những đòi hỏi cơ bản của hoạt động xúc tiến du lịch là tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao.

- Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ trong tỉnh chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại cho đó là trách nhiệm của ngành Du lịch.

3. Tổ chức bộ máy và nhân lực thực hiện hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều bất cập

- Hiện nay Hà Giang chưa có lực lượng xúc tiến tại chỗ thông qua các kênh văn phòng đại diện trong và ngoài nước, các Đại sứ quán ở nước ngoài. Điều này khiến cho hoạt động xúc tiến du lịch chưa được tiến hành một cách sâu rộng, thường xuyên và hiệu quả tại thị trường;

- Đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, xúc tiến du lịch không ngừng được củng cố về số lượng nhưng trình độ chuyên môn còn nhiều bất cập, phần lớn chưa được đào tạo qua chuyên ngành Du lịch, Kinh tế, Thương mại. Chính vì vậy kỹ năng thực hiện, tổ chức Marketing du lịch còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên sâu.

- Trình độ ngoại ngữ của cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch còn yếu, các thông tin về du lịch, dịch vụ du lịch Hà Giang phần lớn mới chỉ dừng lại ở ngôn ngữ tiếng Việt. Tài liệu tuyên truyền quảng bá bằng ngôn ngữ Tiếng Anh, tiếng Trung còn hạn chế nhiều về chất lượng cũng như số lượng, do đó chưa đáp ứng được việc đưa thông tin đến với thị trường khách quốc tế.

4. Kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến du lịch còn hạn chế

Ngân sách đầu tư cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch hàng năm còn hạn chế, dẫn đến các chương trình thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch không đủ thực hiện những chương trình xúc tiến quảng bá mang tầm khu vực cũng như quốc tế, các sản phẩm du lịch, ấn phẩm quảng bá du lịch chưa đạt được như mong muốn.

Việc xúc tiến, quảng bá tại các Hội chợ chủ yếu mới chỉ thực hiện được ở các tỉnh khu vực phía Bắc. Ngoài ra, các huyện, thành phố, các Công ty kinh doanh du lịch, dịch vụ chưa quan tâm dành nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch.

Phần thứ ba

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong tỉnh, khu vực và trong nước, quốc tế nhằm góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ của tỉnh phát triển toàn diện về mọi mặt theo chủ trương đã đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 “Từng bước xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và của cả nước”;

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đưa du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu GDP của tỉnh; Giữ vững quốc phòng an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh vùng biên giới.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn quý IV năm 2016

- Hoàn thiện, phê duyệt Đề án “Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn từ nay đến 2020”;

- Chuẩn bị kế hoạch thực hiện các nội dung, chi tiết các đầu điểm công việc xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh năm 2017.

2.2. Giai đoạn 2017 - 2018

- Củng cố, kiện toàn bộ máy nhân sự, đào tạo và đào tạo lại nghiệp vụ chuyên môn như: Quản lý du lịch, Marketing du lịch, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ làm công tác quảng bá, xúc tiến hiện nay;

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thông tin, xúc tiến quảng bá cho các cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp trong ngành du lịch. Đến năm 2017, hoàn thiện, vận hành và duy trì một (01) cổng thông tin điện tử du lịch kết nối với các ứng dụng kỹ thuật số hiện đại, chuyên nghiệp và phát triển một số hình thức marketing điện tử (E- Marketing);

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong nước, đặc biệt những thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhằm thúc đẩy phát triển nguồn thị trường khách nội địa;

- Tăng cường nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường du lịch, văn hóa ứng xử trong du lịch;

- Tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến quảng bá ở nước ngoài bằng nhiều hình thức như: Thông qua chương trình hợp tác đối ngoại của tỉnh; Các chương trình xúc tiến du lịch ở nước ngoài do Tổng cục Du lịch tổ chức;

- Khai thác có hiệu quả các tua, tuyến du lịch Hà Nội - Hà Giang (Vị Xuyên, thành phố Hà Giang, Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn) - Cao Bằng; Lào Cai - Hà Giang (Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, thành phố Hà Giang, Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn) - Tuyên Quang... Các tua, tuyến du lịch chuyên đề như: Du lịch mạo hiểm (hang động, leo núi..), du lịch cộng đồng gắn với sinh thái, văn hóa lịch sử; Hoàn thiện 3-5 sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hà Giang;

- Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, định hướng mục tiêu và nhiệm vụ, yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa phát triển du lịch. Phấn đấu đến năm 2018 thu hút được trên 930.000 lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 800 tỷ đồng.

2.3. Giai đoạn 2019 - 2020

- Chuyên nghiệp hóa các hoạt động xúc tiến du lịch, nhằm vào thị trường mục tiêu theo hướng lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu làm đối tượng xúc tiến trọng tâm, như: Đưa hình ảnh Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Di tích danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, bãi đá cổ Nấm Dẩn đến với thị trường tiềm năng Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Nga; Sản phẩm du lịch lòng hồ thủy điện Na Hang và thành phố Hà Giang đến các thị trường Trung Quốc, Indonesia.

- Hoàn thiện việc xây dựng các kênh cung cấp thông tin du lịch Hà Giang tại một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nhật Bản;

- Phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức và tham gia 2-3 sự kiện du lịch lớn ở nước ngoài; Phối hợp với 7-10 đơn vị truyền thông lớn trong và ngoài nước tuyên truyền quảng bá du lịch Hà Giang;

- Xây dựng và đẩy mạnh hệ thống mặt hàng lưu niệm, khu vực trung bày, bán sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng du lịch trên địa bàn tỉnh; Hoàn thiện khu trung tâm thông tin giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch tại thành phố Hà Giang; Hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu du lịch Hà Giang;

- Huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở hợp tác và liên kết giữa các thành phần Nhà nước và tư nhân, doanh nghiệp, hiệp hội. Phấn đấu đến năm 2020 ngành du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế chính chiếm thị phần lớn nhất trong tổng thu nhập GDP của tỉnh.

II. NHIỆM VỤ ĐỀ ÁN

1. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch

- Hằng năm có kế hoạch đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh. Tăng cường hỗ trợ các khu, điểm du lịch về trang thiết thị, ấn phẩm phục vụ cho công tác quảng bá;

- Đầu tư xây dựng gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin văn hóa du lịch dịch vụ tại thành phố Hà Giang;

- Liên kết thành lập kênh văn phòng tư vấn xúc tiến du lịch tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nhật Bản;

- Xây dựng biển quảng cáo tại các sân bay, đường cao tốc.

2. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống sản phẩm du lịch

* Tổ chức sản xuất ấn phẩm, vật phẩm quảng bá:

- Xây dựng, bổ sung tái bản và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch Hà Giang dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú và hấp dẫn phù hợp với nhu cầu thị hiếu của từng phân khúc thị trường khách du lịch, như: Cẩm nang du lịch Hà Giang, bằng nhiều ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung, Nhật); Bưu ảnh du lịch; Danh bạ cơ sở lưu trú, nhà hàng tỉnh Hà Giang; Tập gấp giới thiệu các chương trình du lịch chuyên đề, tập trung quảng bá các sản phẩm du lịch địa chất, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử (Việt - Anh); bản đồ du lịch (Việt-Anh); Bản đồ du lịch Hà Giang;

- Hỗ trợ, khuyến khích các công ty truyền thông, điện ảnh nổi tiếng đến làm phim tại Hà Giang; phối hợp với các công ty truyền thông trong nước và quốc tế, đài truyền hình Việt Nam xây dựng phim quảng bá du lịch Hà Giang như: Du lịch cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm;

- Tổ chức thường niên cuộc thi “Thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch tỉnh Hà Giang” 2 năm một lần để lựa chọn, bổ sung vào hệ thống mặt hàng quà lưu niệm du lịch tỉnh;

- Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Hà Giang, nhằm tạo ra sự nhất quán, đồng bộ về hình ảnh sản phẩm quảng bá (logo, slogan);

- Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống quầy hàng trưng bày và bán sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng du lịch của địa phương;

- Xây dựng, thiết kế bộ sản phẩm hàng lưu niệm làm từ đá.

* Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

- Làm mới sản phẩm du lịch đã có, đáp ứng từng nhu cầu thị trường. Bảo đảm cân đối giữa phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái:

+ Du lịch văn hóa dựa trên các đặc thù văn hóa dân tộc thiểu số, chú trọng đầu tư khai thác các loại hình du lịch gắn với bản sắc văn hóa Mông, Tày, Nùng, Dao, Lô Lô, Pu Péo như du lịch cộng đồng, làng nghề, ẩm thực...;

+ Du lịch sinh thái, chủ yếu phát triển loại hình tham quan những cánh rừng nguyên sinh, những thửa ruộng bậc thang phía Tây (Hoàng Su Phì, Xín Mần, thành phố Hà Giang) và lòng hồ thủy điện Na Hang (Bắc Mê);

- Nghiên cứu, khảo sát và xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc thù như: Du lịch mạo hiểm trên khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn. Cụ thể, xây dựng sản phẩm “Hẻm vực Tu Sản - Đường đến trái tim của đá” với trải nghiệm đi bộ từ khu vực làng văn hóa du lịch Thiên Hương (huyện Đồng Văn) đến cửa hẻm vực Tu Sản, trải nghiệm leo vách đá Tu Sản và trèo mảng trên sông Nho Quế; Sản phẩm du lịch sinh thái mạo hiểm khám phá hang động, rừng nguyên sinh trên Cao nguyên đá Đồng Văn; Sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử “Thương nhớ Vị Xuyên” với trải nghiệm viếng nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, nhà tưởng niệm trên cao điểm 506, làng văn hóa du lịch thôn Thanh Sơn, cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; Hoàn thiện sản phẩm “Du lịch cộng đồng”, với việc xây dựng hoàn thiện 2-3 làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

* Phát triển Marketing điện tử phục vụ xúc tiến quảng bá:

- Xây dựng một (01) cổng thông tin điện tử xúc tiến du lịch hiện đại, kết nối với các ứng dụng kỹ thuật số như: Google; htpp://www.vietnamtourism.vn; http://www.boking.com; http://tripadvisor.coin;

- Xây dựng các ấn phẩm điện tử;

- Phát triển các tiện ích quảng bá du lịch cho các thiết bị cầm tay như: Điện thoại di động, máy tính bảng;

- Xây dựng hình thức quảng bá E - Marketing.

3. Tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch

3.1. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước

- Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, khách du lịch đối với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, phát huy giá trị các sản phẩm văn hóa phi vật thể và vật thể để phát triển du lịch; Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về xã hội hóa các hoạt động du lịch;

- Quảng bá du lịch thông qua hệ thống thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng uy tín. Tổ chức, tham gia các sự kiện du lịch, văn hóa và thể thao lớn trong nước như các hoạt động của năm du lịch Quốc gia, các hội chợ du lịch Quốc tế tổ chức ở Việt Nam;

- Thiết lập hệ thống thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch tại chỗ bằng việc tổ chức cung cấp miễn phí các ấn phẩm quảng bá du lịch phù hợp tại một số nơi như nhà hàng, khách sạn, điểm dừng chân trong và ngoài tỉnh;

- Tổ chức các chương trình xúc tiến điểm đến tại một số tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh;

- Tổ chức đón và làm việc với các đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch mới trên địa bàn tỉnh; Các đoàn khảo sát tiếp xúc điểm đến du lịch do Tổng cục du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan báo đài tổ chức.

3.2. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch ở nước ngoài

- Liên kết với các tổ chức phi chính phủ, các hãng hàng không, các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước: Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đức, Nga và các nước khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng để tổ chức các chương trình quảng bá, đưa hình ảnh du lịch Hà Giang đến gần hơn với bạn bè Quốc tế;

- Liên kết hoặc ủy thác cho một đơn vị của Việt Nam có trụ sở tại nước sở tại, hoặc ủy thác cho công ty nước ngoài có kinh nghiệm quảng bá, xúc tiến du lịch để thực hiện tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, con người, phong cảnh và các sản phẩm du lịch Hà Giang. Cụ thể, ủy thác cho Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Việt Nam đặt tại Nhật Bản quảng bá hình ảnh du lịch Hà Giang;

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký gửi ấn phẩm quảng bá về du lịch Hà Giang hoặc tham gia trực tiếp trong các chương trình xúc tiến du lịch, giới thiệu điểm đến Việt Nam ở nước ngoài như: Tuần Văn hóa - Du lịch Việt Nam; Lễ hội Văn hóa - Du lịch Việt Nam; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam (roadshow); Hội chợ du lịch các nước ASEAN;

- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực, tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường tiềm năng nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá cho Du lịch của tỉnh;

- Liên kết với các Công viên địa chất toàn cầu trên thế giới để tăng cường phối hợp quảng bá, kết nối sản phẩm tour, tuyến.

4. Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc nghiên cứu thị trường, xúc tiến mở rộng thị trường ở trong và ngoài nước 

- Mở rộng việc hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX làng nghề truyền thống tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm qua việc tham gia các hội chợ, hội thảo nhằm duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm;

- Hỗ trợ thông tin, tư vấn giúp doanh nghiệp trong công tác xây dựng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến, khảo sát, thâm nhập thị trường du lịch.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí dự kiến đề thực hiện Đề án “Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn từ nay đến 2020”: 12.070.000.000 đồng; (Mười hai tỷ, không trăm, bảy mươi triệu đồng). Trong đó:

- Ngân sách Nhà nước: 10.340.000.000 (Mười tỷ, ba trăm, bốn mươi triệu Việt Nam đồng). Tập trung chủ yếu vào đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, trang thiết bị phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền; Khảo sát tìm kiếm thị trường khách mục tiêu; Xúc tiến quảng bá trong nước và quốc tế; Biên tập, phát hành tài liệu ấn phẩm quảng bá xúc tiến du lịch; Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác xúc tiến du lịch; Khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch; Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, dịch vụ.

- Nguồn xã hội hóa: 1.730.000 đồng (Một tỷ, bảy trăm, ba mươi triệu đồng). Tập trung chủ yếu vào tổ chức sản xuất các ấn phẩm của đơn vị để tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến với khách du lịch; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng; Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước xây dựng hệ thống quầy hàng trưng bày bán sản phẩm, quà tặng du lịch.

2. Phân kỳ đầu tư

- Năm 2016: 110.000.000 đồng

- Năm 2017: 2.945.000.000 đồng

- Năm 2018: 4.550.000.000 đồng

- Năm 2019: 2.700.000.000 đồng

- Năm 2020: 1.765.000.000 đồng

(Có bảng biểu chi tiết kèm theo)

Hàng năm các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động lập dự toán kinh phí chi tiết, bảo vệ kế hoạch triển khai thực hiện.

Phần thứ tư

CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa như ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính, mặt bằng, vốn;

- Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài tỉnh trong việc xuất bản và phân phối các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá;

- Có chính sách, cơ chế khen thưởng để động viên các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động công tác phát triển du lịch của tỉnh.

2. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch

Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, làm nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến du lịch; Xây dựng cơ chế đặc thù tuyển dụng, bố trí số sinh viên đã tốt nghiệp các trường Đại học chuyên ngành Du lịch, Kinh tế, Ngoại ngữ, Công nghệ, Ngoại giao là con em trong tỉnh đến công tác trong lĩnh vực Du lịch.

3. Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong xúc tiến quảng bá

- Tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm quản lý và áp dụng các mô hình, phương thức xúc tiến quảng bá du lịch tiên tiến trên thế giới;

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, đầu tư phát triển và áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.

4. Tăng cường mở rộng hợp tác về du lịch

- Tăng cường giao lưu, hợp tác, liên kết phát triển du lịch với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và các tỉnh trong khối hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và 6 tỉnh Việt Bắc;

- Thường xuyên tổ chức, tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa của địa phương, khu vực trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch của Hà Giang;

- Tích cực giao lưu, hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước trong khu vực khối ASEAN, Nhật Bản, Pháp, Úc, Mỹ, Anh... Các nước có ngành du lịch phát triển, khu du lịch nổi tiếng (Công viên địa chất toàn cầu). Tranh thủ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài trong phát triển du lịch của địa phương.

5. Tập chung huy động vốn đầu tư

- Trong quản lý và phân bổ ngân sách Nhà nước về Du lịch, đảm bảo cân đối tỷ lệ chi ngân sách hợp lý cho công tác tuyên truyền quảng bá ở địa phương;

- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, tập thể và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; Ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch;

- Xây dựng cơ chế huy động vốn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, các thành viên thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh bằng việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành, các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện Đề án; Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nhằm xúc tiến quảng bá có hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương; Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án;

- Hằng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch;

- Là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan trong công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch trong và ngoài nước;

- Định kỳ một năm tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án. Kết thúc thời gian thực hiện Đề án, chủ trì tổng kết Chương trình thực hiện Đề án “Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn từ nay đến 2020” toàn tỉnh.

2. Sở Tài Chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, tham mưu bố trí ngân sách cho các nội dung hoạt động của Đề án theo đúng tiến độ đề ra; Kiểm tra giảm sát việc sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với sở Tài Chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc cân đối bố trí ngân sách hằng năm cho việc thực hiện Đề án theo phân kỳ đạt hiệu quả;

4. Trung tâm Tư vấn Xúc tiến đầu tư tỉnh: Phối hợp thực hiện các nội dung xúc tiến đầu tư lĩnh vực du lịch trong hoạt động xúc tiến đầu tư chung của tỉnh.

5. Sở Công thương:

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Di lịch, các Sở, Ngành liên quan trong việc tổ chức các hội chợ, hội thảo, lễ hội nhằm giới thiệu quảng bá các thương hiệu sản phẩm của tỉnh;

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ một số HTX sản xuất mặt hàng thủ công truyền thống hiện có (Thổ cẩm, Khèn Mông, chạm khắc Bạc, chạm khắc Gỗ) cải tiến về mẫu mã, tay nghề phù hợp với yêu cầu hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu của khách.

6. Sở Ngoại vụ

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cung cấp thông tin cho khách du lịch tại các Lãnh sứ quán, Đại sứ quán nước ngoài đặt tại Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài; Phối hợp tham gia các chương trình Hội nghị, Hội thảo, Hội chợ du lịch - thương mại ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ...;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tỉnh trên cổng thông tin điện tử, ấn phẩm của Trung tâm thông tin và dịch vụ đối ngoại thuộc sở.

7. Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu CNĐ Đồng Văn

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch trên hệ thống cổng thông tin điện tử, ấn phẩm của Ban;

- Phối hợp với Sở Ngoại vụ tăng cường công tác kết nối, quảng bá tại các nước có Công viên địa chất toàn cầu.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp kinh doanh du lịch thực hiện đúng pháp luật trong công tác tuyên truyền, quảng cáo.

9. Báo Hà Giang, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Hội VHNT tỉnh

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng các chuyên trang, chuyên mục quảng bá về du lịch tỉnh; Các chủ trương chính sách khuyến khích, phát triển du lịch;

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò, trách nhiệm trong việc phát triển du lịch của tỉnh cũng như nâng cao ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường sinh thái.

10. Hiệp hội Du lịch tỉnh

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành liên quan trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch;

- Chủ động xây dựng thương hiệu, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các dịch vụ đến các thị trường khách trong nước cũng như quốc tế.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, Thành phố

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, quản lý nguồn tài nguyên du lịch, gìn giữ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn;

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa, các điểm du lịch của địa phương; Hằng năm ưu tiên ngân sách cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương;

- Chỉ đạo các phòng chức năng, cơ quan chuyên môn của huyện, thành phố phối hợp các đơn vị liên quan của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Đề án; Đầu tư, quản lý, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Trên đây là nội dung “Đề án xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương căn cứ nội dung có liên quan, chủ động phối hợp tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở Văn hóa, TT&DL tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh bổ sung kịp thời./.

 

BIỂU CHI TIẾT NỘI DUNG CÔNG VIỆC
Đề án “Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020”

Số TT

Tên đầu điểm công việc thực hiện

Dự kiến n.sách nhà nước/VNĐ

Dự kiến n.sách XHH/VNĐ

Thời gian thực hiện

Đơn vị thực hiện

I

Năm 2016

100.000.000

10.000.000

 

 

1

Xây dựng một (01) cổng thông tin điện tử kết nối với các ứng dựng kỹ thuật số

40.000.000

 

Quý IV

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Thông tin truyền thông

2

Đăng ký địa chỉ trang thông tin điện tử trên trang tìm kiếm Google; Một số trang thông tin du lịch http://Wikitravel.org/en/Mai_page; https://tripadvisor.com; http://Vietnam.net; http://ww.booking.com

30.000.000

10.000.000

Quý IV

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Thông tin truyền thông

3

Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý trang thông tin điện tử du lịch, cán bộ làm công tác xúc tiến quảng bá

30.000.000

 

Quý IV

Chủ trì: Sở VHTT&DL

II

Năm 2017

2.910.000.000

35.000.000

 

 

1

Tổ chức “Hội nghị xúc tiến du lịch” tại Hồ Chí Minh Trong dịp Hội chợ Du lịch quốc tế T.p. Hồ Chí Mình (ITE)

380.000.000

10.000.000

Quý III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh; Ban quản lý CN Đá.

2

Nghiên cứu, khảo sát, tổ chức Hội thảo sản phẩm du lịch mạo hiểm trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

280.000.000

 

Quý III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: UBND huyện Đồng Văn, Mèo Vạc; Ban quản lý CN Đá.

3

Xây dựng chương trình quảng bá sản phẩm du lịch mạo hiểm “Hẻm vực Tu Sản - đường đến trái tim của Đá”:

- Thuê đơn vị truyền thông xây dựng phim “Hẻm vực Tu Sản - đường đến trái tim của Đá”

- Thuê vận động viên leo núi quốc tế tham gia trải nghiệm với sản phẩm

- Họp báo giới thiệu sản phẩm

1.100.000.000

 

Quý ll +III + IV

Chủ trì: Sở VHTTDL;

Phối hợp: Báo Hà Giang, Đài phát thanh truyền hình tỉnh

4

Tổ chức cuộc thi sáng tác Logo, biểu trưng du lịch Hà Giang quy mô toàn quốc.

500.000.000

 

Quý II + III +IV

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Báo. Hà Giang; Đài phát thanh-truyền hình tỉnh; Hội VHNT tỉnh.

5

Xây dựng kênh thông tin tư vấn tại chỗ bằng việc xuất bản một số ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền quảng bá, bưu ảnh du lịch theo chuyên đề bằng ngôn ngữ Việt - Anh - Trung đặt tại khách sạn, nhà hàng:

- Bộ ảnh: “Du lịch đi trên con đường hạnh phúc”; “Di sản địa chất”; “Văn hóa lễ hội”, “Lịch sử tâm linh”, “Đá nở hoa”...

- Tập gấp: “Những địa chỉ tin cậy”" bản đồ du lịch Hà Giang”;“Làng VH du lịch cộng đồng”

500.000.000

10.000.000

Quý IV

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Ban quản lý CN Đá; Sở Ngoại vụ

6

Tổ chức “Lễ hội âm thực văn hóa dân tộc Dao” gắn với các sự kiện trong chương trình Du lịch Quốc gia 2017 “Sắc màu Tây Bắc”

500.000.000

15.000.000

Quý III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: UBND huyện Hoàng Su Phì.

7

Liên kết thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại Hà Nội

200.000.000

 

Quý II

Chủ trì: Sở VHTT&DL

8

Phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch nước ngoài

400.000.000

 

Quý II +III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Ngoại vụ

9

Bảo trì và làm mới bảng, biển hướng dẫn du lịch tại các điểm tham quan du lịch

50.000.000

 

Quý IV

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: UBND các huyện, thành phố.

III

Năm 2018

3.000.000.000

1.550.000.000

 

 

1

Lắp 01 biển quảng cáo tấm lớn tại khu vực sân bay Nội Bài

1.000.000.000

 

Quý l

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

2

Xây dựng hệ thống biển hiệu quầy hàng lưu niệm tại một số khu vực trung tâm huyện, thành phố

500.000.000

1.500.000.000

Quý l + II + III

Chủ trì: Sở VHTT&DL.

Phối hợp: UBND các huyện, thành phố.

3

Tổ chức cuộc thi "Thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch Hà Giang" quy mô toàn quốc

200.000.000

 

Quý I + III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Báo Hà Giang, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật

4

Khảo sát, học tập kinh nghiệm xúc tiến quảng bá du lịch tại một số nước: Nhật Bản, Trung Quốc

500.000.000

 

Quý II+ III+IV

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Ngoại Vụ

5

Xúc tiến tuyên truyền quảng bá trên các kênh truyền thông quốc tế

300.000.000

 

Quý II

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Thông tin truyền thông; Sở Ngoại vụ

6

Nâng cấp, bổ sung các tài liệu tuyên truyền, quảng bá bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung)

100.000.000

 

Quý I

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Ngoại Vụ, Báo Hà Giang

7

Liên kết với Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Indonesia, Anh, Mỹ, Nhật thành lập kênh cung cấp thông tin xúc tiến quảng bá du lịch Hà Giang tại nước sở tại.

200.000.000

 

Quý I + II + III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Ngoại vụ

8

Xây dựng, thiết kế bộ sản phẩm hàng lưu niệm làm từ đá

200.000.000

50.000.000

Quý II

Thực hiện: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Công thương, Ban quản lý CN Đá; Hiệp hội Du lịch tỉnh.

IV

Năm 2019

2.600.000.000

100.000.000

 

 

1

Lắp đặt biển quảng cáo bằng chất liệu Meca về phong cảnh, vẻ đẹp Hà Giang tại các khách sạn tiêu chuẩn 4*** trên địa bàn tỉnh Hà Giang

200.000.000

100.000.000

Quý I + II

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Hiệp hội DL

2

Phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch giới thiệu điểm đến tại Nhật Bản

500.000.000

 

Quý III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Ngoại Vụ

3

Tổ chức khảo sát, xây dựng một số chương trình du lịch đi bộ khu vực Bao Bồ (thành phố Hà Giang); khu bảo tồn Khau Ca (Vị Xuyên - Bắc Mê); Du Gia (Yên Minh, Thiên Hương - Ma Lé - Sà Phìn (Đồng Văn); Hà Chì Đùa, Há Súa, Tả Lủng (Mèo Vạc) dành cho thị trường khách Âu.

50.000.000

 

Quý I + IV

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Hiệp hội DL tỉnh

4

Tái bản một số ấn phẩm quảng bá cung cấp cho các khách sạn, văn phòng xúc tiến tại Hà Nội, văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Indonisa, Anh, Mỹ, Nhật

100.000.000

 

Quý l

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Ban quản lý CN Đá; Sở Ngoại vụ

5

Tổ chức tuần du lịch, văn hóa, lễ hội Hà Giang tại thủ đô Hà Nội gắn liền với Hội chợ du lịch Quốc tế Hà Nội (VITM)

500.000.000

 

Quý II

Chủ trì: Sở VH TT&DL

Phối hợp: Sở Công thương; Sở KH&ĐT, Ban quản lý CN Đá.

6

Xúc tiến tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông Trung ương (Báo Du lịch, tạp chí Du lịch, VTV3...)

50.000.000

 

Quý I + II

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Báo Hà Giang, Đài truyền hình tỉnh

7

Xây dựng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin du lịch dịch vụ tại thành phố Hà Giang.

1.200.000.000

 

Quý II+III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: UBND thành phố

V

Năm 2020

1.730.000.000

35.000.000

 

 

1

Tổ chức cuộc thi “thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch Hà Giang” quy mô toàn quốc.

200.000.000

 

Quý I + III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Báo Hà Giang, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Hội VHNT tỉnh.

2

Xây dựng, khảo sát làm mới một số chương trình sản phẩm du lịch đã có: Du lịch mạo hiểm “Hẻm vực Tu Sản - đường đến trái tim của Đá”; Du lịch văn hóa lịch sử “Đi trên con đường Hạnh Phúc”, “Thương nhớ Vị Xuyên”; Du lịch sinh thái “Hoa của đá”...

50.000.000

 

Quý I

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Hiệp hội Du lịch

3

Phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch ở nước ngoài.

400.000.000

 

Quý I + II + III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Hiệp hội Du lịch

4

Chỉnh sửa, nâng cấp, quảng bá cổng thông tin điện tử xúc tiến du lịch kết nối với ứng dụng kỹ thuật số

50.000.000

 

Quý II

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông

5

Tổ chức "Hội nghị xúc tiến du lịch" tại Hồ Chí Minh trong dịp Hội chợ Du lịch quốc tế T.p Hồ Chí Minh

380.000.000

10.000.000

Quý III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh; Sở Công thương; Ban quản lý CN Đá.

6

Tổ chức "Lễ hội ẩm thực văn hóa dân tộc Dao" gắn với tuần văn hóa du lịch Hoàng Su Phì

500.000.000

15.000.000

Quý III

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: UBND huyện Hoàng Su Phì

7

Tái bản một số ấn phẩm quảng bá cung cấp cho các khách sạn, văn phòng xúc tiến tại Hà Nội, văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Nhật, Hà Quốc, Anh, Pháp, Mỹ...

100.000.000

 

Quý l

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở Ngoại vụ

8

Tổ chức tổng kết Đề án “Xúc tiến quảng bá du lịch Hà Giang từ nay đến 2020”

50.000.000

10.000.000

Quý IV

Chủ trì: Sở VHTT&DL

Phối hợp: Sở HK&ĐT; Sở Ngoại Vụ; Sở Công Thương; Đài Truyền hình tỉnh; Báo Hà Giang; Hiệp hội Du lịch tỉnh

Tổng kinh phí: 12.070.000.000 đồng

10.340.000.000

1.730.000.000

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 2967/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 phê duyệt Đề án Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.120

DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.101.219
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!