ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2652/QĐ-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 8 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC
LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG VÀ KHƠI DẬY KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN CHO THANH
NIÊN, THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-TTg
ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng
cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống
hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”;
Căn cứ Quyết định số 585/QĐ-BGDĐT
ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch
triển khai Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức,
lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
giai đoạn 2021 - 2030”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo tại Tờ trình số 2455/TTr-SGDĐT ngày 15 tháng 7 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch
triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo
đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các sở - ngành, đoàn thể
Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức có
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- TTTU;
- TT HĐND.TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Đoàn thể CT-XH Thành phố;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND thành phố Thủ Đức và các quận - huyện;
- VPUB: Các PVP;
- Phòng VX;
- Lưu: VT, (VX-VN).
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Anh Đức
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG,
ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG VÀ KHƠI DẬY KHÁT VỌNG CỐNG HIẾN CHO THANH NIÊN, THIẾU NIÊN,
NHI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2652/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2022 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến
tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống
cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu
niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản
lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với
bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề
cao.
- Khơi dậy trong thanh niên, thiếu
niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí,
khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát
triển địa phương, đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
và hội nhập quốc tế.
- Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng,
đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên,
nhi đồng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 18 tháng 5
năm 2021.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Giáo dục lý tưởng cách mạng,
đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
- Mỗi năm, phấn đấu đạt các chỉ tiêu
sau:
+ Tổ chức các hoạt động giáo dục,
sinh hoạt, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, học tập nghị quyết của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước cho học sinh, sinh viên ít nhất 01 buổi/học
kỳ.
+ 95% học sinh, sinh viên được tham
gia các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phổ biến kiến
thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm.
+ 80% thanh niên học sinh, sinh viên,
thiếu niên, nhi đồng tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động lao động tập thể
trong và ngoài nhà trường.
+ 95% học sinh, sinh viên được tham gia
cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục đời sống gia đình, thực hiện bình đẳng
giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống
xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền tham gia của trẻ em trong gia đình; phụng dưỡng
và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình.
+ 90% học sinh, sinh viên được giáo dục
kiến thức, thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
2.2. Khơi dậy khát vọng cống hiến
cho thanh niên, học sinh, sinh viên
- Mỗi năm, phấn đấu đạt các chỉ tiêu
sau:
+ 90% thanh niên học sinh, sinh viên
trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp,
trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, cung cấp kiến thức về hội nhập quốc tế
và chuyển đổi số.
+ 30% có ý tưởng, dự án khởi nghiệp của
thanh niên, học sinh, sinh viên.
+ 70% thanh niên học sinh, sinh viên
hưởng ứng, xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động vì cộng đồng, xã hội;
phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi
trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
1. Đa dạng hóa
nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống
và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
- Thực hiện nội dung, chương trình
giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối
tượng; liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; đáp ứng mục tiêu giáo dục
toàn diện; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tinh hoa văn
hóa nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng không gian văn hóa Hồ
Chí Minh.
+ Đối với giáo dục mầm non: tổ chức
các hoạt động giáo dục ý thức về bản thân; khả năng nhận biết và thể hiện tình
cảm, cảm xúc với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh; phát triển kỹ năng sống,
kỹ năng xã hội (chăm ngoan, lễ phép, thực hiện tốt 5 Điều Bác Hồ dạy, mạnh dạn,
tự tin, tôn trọng, hợp tác, thân thiện, quan tâm, chia sẻ, thực hiện quy tắc,
quy định trong sinh hoạt ở trường, lớp mầm non, gia đình và nơi công cộng, quan
tâm đến bảo vệ môi trường, giáo dục giới tính, an toàn giao thông, hướng trẻ tiếp
cận nền tảng giáo dục thông minh, chuyển đổi số; giáo dục lấy trẻ làm trung tâm,
hướng đến sự phát triển của từng cá nhân trẻ, phát huy tính độc lập, mạnh dạn,
tự tin thể hiện bản thân, phát triển hồn nhiên thích nghi với điều kiện xã hội.
+ Đối với giáo dục phổ thông: thực hiện
nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp
luật trong chương trình giáo dục phổ thông; triển khai hiệu quả các nội dung
tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy
khát vọng cống hiến trong các môn học (Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử...), các hoạt
động giáo dục trong đó tập trung vào các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp;
giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống,
giá trị sống trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai có hiệu quả
Bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh.
+ Đối với giáo dục nghề nghiệp: triển
khai hiệu quả chương trình tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kết hợp công tác giáo dục pháp luật với
công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trách
nhiệm nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trực
tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
+ Đối với giáo dục đại học: Thực hiện
chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị, bồi dưỡng cho sinh viên lý
tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; kỹ năng, trách nhiệm và đạo đức
nghề nghiệp; năng lực tự học, sáng tạo và tự đổi mới tri thức; làm chủ khoa học
và công nghệ; có tinh thần lập nghiệp; có ý thức phục vụ Nhân dân, phấn đấu trở
thành công dân học tập trong nền kinh tế số, xã hội số.
- Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học,
nâng cao chất lượng môn học Đạo đức, Giáo dục kinh tế và pháp luật, các môn lý
luận chính trị... và hiệu quả hoạt động giáo dục theo nguyên lý học đi đôi với
hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Phát huy tính tích cực, niềm say mê; khơi
dậy ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến ở mỗi học sinh, sinh viên.
- Vận dụng các hình thức tổ chức giáo
dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên linh
hoạt, sáng tạo, phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa
tuổi và khả năng của người học. Tổ chức hiệu quả tuần sinh hoạt công dân - học
sinh, sinh viên, các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, lao động, vệ
sinh trường, lớp học, hoạt động xã hội; diễn đàn, câu lạc bộ sở thích, tài
năng, các phong trào thi đua trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề
nghiệp và cơ sở giáo dục đại học.
2. Tiếp tục đổi
mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng,
đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến
- Đổi mới nội dung tuyên truyền: tập
trung tuyên truyền, phổ biến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh; gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt;
giáo dục cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng truyền thống yêu nước, tinh thần
trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cống hiến vì lợi ích của cộng đồng, xã
hội; ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Phát huy hiệu quả các hình thức và
phương tiện tuyên truyền: phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương và nhân rộng mô
hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo
đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tổ chức các hoạt động, phong trào thi
đua, cuộc thi, hội thi, tọa đàm trực tiếp và trực tuyến bảo đảm phù hợp với điều
kiện, đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên, thiếu niên, nhi
đồng. Quản lý nội dung và khai thác hiệu quả hệ thống truyền thông sẵn có và
tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, mạng xã hội để phục vụ công
tác tuyên truyền.
- Phát triển mạng lưới cộng tác viên
tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống
của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân
có uy tín, có ảnh hưởng xã hội trong việc truyền cảm hứng tích cực cho thanh
niên, thiếu niên, nhi đồng; thống nhất nhận thức, hành động của các cấp, các
ngành trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy
khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
3. Tổ chức hiệu
quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà
trường để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng
cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
- Triển khai hiệu quả các phong trào
do Thành đoàn, Hội đồng Đội Thành phố phát động; tổ chức thực hiện các hoạt động
xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, công trình, phần việc thanh niên bám sát
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và nhiệm vụ
chuyên môn tại địa phương, đơn vị theo quy mô 4 cấp của Đoàn.
- Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động
Đoàn, Hội, Đội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức và đội ngũ cán bộ
Đoàn, Hội, Đội trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh
niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Khuyến khích, tạo môi trường và điều
kiện cho hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật trong thanh niên trí thức trẻ,
văn nghệ sĩ trẻ trên nền tảng cách mạng và dân tộc.
- Nghiên cứu, rà soát và đổi mới nội
dung, hình thức rèn luyện đội viên, đoàn viên trong và ngoài nhà trường; phát
huy tính tiên phong, năng động sáng tạo, tinh thần cống hiến và ý thức trách
nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Triển khai hiệu quả Chương trình
giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
trên môi trường mạng theo quy định.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kết
luận số 01 KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện
Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên
địa bàn Thành phố.
4. Tổ chức các hoạt
động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hóa ứng xử cho
thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
- Phát huy vai trò của cán bộ, giáo
viên kiêm nhiệm phụ trách công tác tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, giáo
viên chủ nhiệm và các thành viên khác thực hiện công tác tư vấn tâm lý, giáo dục
kỹ năng sống, giá trị sống, văn hóa ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
trong nhà trường.
- Phối hợp với các chuyên gia, các
trung tâm tư vấn tâm lý trong hoạt động hỗ trợ, tư vấn về các vấn đề xã hội, tư
vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng phòng, chống các bệnh về học đường, tệ nạn
xã hội và các kỹ năng cần thiết cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Chú trọng tư vấn tâm lý về vấn đề
dân tộc, giới tính, lứa tuổi, học tập, mối quan hệ xã hội, hướng nghiệp, cho
thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tham vấn tâm lý với những trường hợp khó
khăn, cần sự trợ giúp can thiệp.
- Kết hợp tư vấn, tham vấn trực tiếp
và thiết lập đường dây nóng, chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn, hộp thư, mạng
xã hội để tiếp nhận thông tin và tư vấn tâm lý cho thanh niên, thiếu niên, nhi
đồng.
- Triển khai hiệu quả chương trình sức
khỏe học đường nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho
thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
5. Xây dựng, thực
hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia
đình trong việc chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu
niên, nhi đồng:
+ Các bậc ông bà, cha mẹ được tuyên
truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình; về quyền,
bổn phận của trẻ em, mục tiêu giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ;
phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
+ Chủ động phối hợp với nhà trường và
các đoàn thể trong việc giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
+ Thực hiện cam kết với chính quyền địa
phương và cơ sở giáo dục về thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và tạo
môi trường tốt nhất, góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện.
+ Phối hợp với chính quyền địa phương
các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể trong việc hỗ trợ, cảm hóa thanh
niên, thiếu niên, nhi đồng chậm tiến.
+ Xây dựng gia đình hạnh phúc, an
toàn để tạo môi trường học tập, sống và sinh hoạt tốt cho trẻ.
- Xây dựng môi trường nhà trường dân
chủ, lành mạnh, thân thiện:
+ Nâng cao hiệu quả thực hiện Quy tắc
ứng xử văn hóa trong các nhà trường.
+ Tiếp tục thực hiện phong trào thi
đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Dạy tốt, học tốt”,
“Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cuộc vận động
“Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong các cấp
học.
+ Tạo điều kiện thuận lợi để thanh
niên, thiếu niên, nhi đồng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và khẳng định
năng lực của bản thân.
+ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường
trung học phổ thông, trung học cơ sở có bộ phận tư vấn và bố trí cán bộ, giáo
viên phụ trách, kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, hướng nghiệp.
- Tăng cường trách nhiệm của chính
quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể:
+ Xác định công tác giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là nhiệm vụ
chính trị của chính quyền địa phương các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện.
+ Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn
cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn.
+ Lãnh đạo chính quyền địa phương các
cấp định kỳ hằng năm gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư
tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, chăm lo, bảo vệ quyền
lợi và trách nhiệm của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
+ Nâng cao hiệu quả của các trung tâm
học tập cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ông bà, cha mẹ
học sinh về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu
niên, nhi đồng.
+ Củng cố, nhân rộng và tổ chức có hiệu
quả hoạt động của các mô hình giáo dục pháp luật, cảm hóa thanh niên, thiếu
niên chậm tiến.
6. Nâng cao năng
lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên phụ trách công tác giáo dục thanh
niên, thiếu niên và nhi đồng trong các cơ sở giáo dục, tổ chức Đoàn, Hội, Đội
- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ,
năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy môn học
Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và Pháp luật các môn lý luận chính
trị, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, tổng phụ trách đội, giáo viên làm
công tác Đoàn, Hội, Đội, trợ lý thanh niên, giáo viên chủ nhiệm lớp trong các
nhà trường.
- Bồi dưỡng, phát huy hiệu quả đội
ngũ phụ trách công tác học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội.
- Tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội
ngũ làm công tác xã hội về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống
cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Cập nhật, hoàn thiện nội dung,
chương trình đào tạo đối với các cơ sở giáo dục có khoa sư phạm; bổ sung các
chuyên đề nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên tham
gia công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho
thanh niên, thiếu niên, nhi đồng sau khi tốt nghiệp.
- Đề cao vai trò nêu gương và trách
nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục; nâng cao phẩm chất đạo đức, trình
độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và tạo động lực đổi mới phương pháp giảng dạy,
kiểm tra, đánh giá cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong việc giáo dục lý
tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh
niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Chú trọng công tác bồi dưỡng lý luận
chính trị và công tác phát triển đảng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách
công tác Đoàn, Hội, Đội.
7. Đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức,
lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
- Khai thác hiệu quả các trang thông
tin điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước thực hiện chuyển đổi số
trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên,
thiếu niên, nhi đồng.
- Khuyến khích cán bộ quản lý, nhà
giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục xây dựng, phổ biến tin, bài,
bài giảng về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối
tượng trên diễn đàn, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nhóm xã hội theo quy
định.
- Phổ biến, giáo dục, nâng cao năng lực
khai thác, sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị thông minh cho thanh niên,
thiếu niên, nhi đồng; phòng, chống tác hại, bảo vệ sự an toàn của thanh niên,
thiếu niên, nhi đồng trên môi trường mạng.
- Ứng dụng các phần mềm, công cụ trên
môi trường mạng (máy tính, điện thoại thông minh) trong khảo sát, nắm bắt tình
hình, định hướng dư luận; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, âm mưu diễn
biến hòa bình của các thế lực thù địch trên các diễn đàn mạng, trang thông tin
điện tử.
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số
2639/KH-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
triển khai thực hiện Quyết định số 3296/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2018 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo về phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị
tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025” trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Triển khai thực hiện Quyết định số
311/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên,
thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”.
- Thực hiện tốt Đề án “Giáo dục thông
minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”.
8. Rà soát, bổ
sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ việc thực hiện chương trình giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên,
thiếu niên, nhi đồng
- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính
sách hỗ trợ việc thực hiện chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối
sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung
tiêu chí đánh giá việc rèn luyện lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống của học
sinh, sinh viên.
- Rà soát, bổ sung các văn bản quy định,
quy chế về công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục lý
tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh
niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Nghiên cứu, đề xuất, có chính sách,
chế độ đãi ngộ xứng đáng với đội ngũ tư vấn tâm lý học đường, trợ lý thanh
niên, tổng phụ trách đội, ban chấp hành đoàn trường làm công tác giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên,
thiếu niên, nhi đồng.
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến
khích, ghi nhận, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, gia đình,
cá nhân tham gia hỗ trợ các nguồn lực để triển khai hoạt động giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
9. Bảo đảm các
thiết chế và điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất đáp ứng nhiệm vụ giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng
- Xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt
động của các chuyên trang tuyên truyền trên các thông tin điện tử của sở,
ngành, địa phương về nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và
khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng sân chơi,
các công trình văn hóa, thể thao cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tại địa
phương. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện có; xã hội
hóa các nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí
lành mạnh của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Củng cố vai trò của hệ thống bảo
tàng, phòng truyền thống, thư viện trường học, các thiết chế, công trình văn
hóa, lịch sử trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho
thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
10. Nâng cao hiệu
quả công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát
- Đổi mới công tác quản lý trong các
nhà trường; nâng cao hiệu quả triển khai lồng ghép quy chế dân chủ trong quản
lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm thuận lợi cho việc tham gia của người học,
gia đình học sinh, sinh viên và xã hội trong các hoạt động giáo dục đạo đức, lối
sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức
chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức
hoặc phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá các phong trào, chiến dịch, hoạt
động triển khai giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát
vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng để động viên, khen thưởng,
đôn đốc, nhắc nhở và xử lý kịp thời các vi phạm.
- Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước
đối với việc kiểm soát, phê duyệt các thông tin, sách báo, ấn phẩm...; thanh
tra xử lý sai phạm đối với công tác báo chí, xuất bản phẩm và thông tin trên mạng
xã hội liên quan đến hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống
và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tăng cường
chỉ đạo, quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục
có yếu tố nước ngoài, các trường tư thục, các chương trình đào tạo liên kết với
nước ngoài.
III. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
- Kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch
này được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các sở, ban, ngành,
đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các
quận, huyện theo phân cấp ngân sách hiện hành.
- Nguồn kinh phí hợp pháp của các cơ
sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định.
- Xã hội hóa và các nguồn hợp pháp
khác theo quy định.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Giáo dục
và Đào tạo
- Là cơ quan thường trực, chủ trì phối
hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cơ quan có liên
quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn, theo dõi,
đôn đốc tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục
lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh
niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.
- Tổ chức thực hiện, triển khai có hiệu
quả các chương trình, đề án, các bộ tài liệu về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo
đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến và văn hóa ứng xử trong trường học
cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Rà soát tiêu chí, đánh giá hiệu quả
việc rèn luyện, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và thể hiện khát
vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên.
- Phát triển đa dạng các loại hình,
hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, bồi dưỡng tâm hồn, định hướng
phát triển nhân cách, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy
khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Lồng ghép nội dung giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến vào hoạt động của
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng, ký kết các
chương trình phối hợp với các cơ quan liên quan về thực hiện giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên,
thiếu niên, nhi đồng.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức
các hoạt động sinh hoạt về nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống
và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh
giá kết quả, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả thực hiện theo quy định; trình cấp thẩm
quyền về tổ chức sơ kết vào năm 2025, tổng kết và đề xuất xây dựng Kế hoạch
giai đoạn tiếp theo vào năm 2030.
2. Thành đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Chủ trì triển khai nhiệm vụ số 2,
3, 7 và các nội dung, mục tiêu, giải pháp liên quan của kế hoạch.
- Chỉ đạo hướng dẫn trong hệ thống Đoàn,
Hội, Đội triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch;
chỉ đạo các đơn vị báo chí của Đoàn tiếp tục xây dựng các chuyên trang, chuyên
mục, diễn đàn để tuyên truyền về các nhiệm vụ, giải pháp, các nội dung triển
khai kế hoạch.
- Kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm
hằng năm về việc triển khai thực hiện kế hoạch, tổ chức sơ kết vào năm 2025, tổng
kết và xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo vào năm 2030.
- Triển khai hiệu quả Chương trình
giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi
đồng trên không gian mạng.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
rà soát, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí đánh giá việc rèn luyện lý tưởng cách mạng,
đạo đức, lối sống và thể hiện khát vọng cống hiến của học sinh, sinh viên và
tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống
và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên.
3. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội
- Chủ trì triển khai các nội dung,
nhiệm vụ của Kế hoạch liên quan đến phạm vi chức năng quản lý nhà nước về giáo
dục nghề nghiệp.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện; hướng
dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện trong các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
- Phối hợp kiểm tra, đánh giá rút
kinh nghiệm; tổ chức sơ kết vào năm 2025 và tổng kết năm 2030; tổng hợp, gửi
báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố
kết quả triển khai Kế hoạch và đề xuất nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo
đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong giai đoạn tiếp theo.
4. Sở Thông tin
và Truyền thông
- Xây dựng kế hoạch triển khai; tăng
cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin
cơ sở thông tin đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về nội dung, hoạt động
của Kế hoạch, về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên,
thiếu niên, nhi đồng. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với việc kiểm
soát, thanh tra xử lý sai phạm đối với công tác báo chí, xuất bản phẩm và thông
tin trên mạng xã hội.
- Chú trọng xây dựng hoặc lồng ghép nội
dung trong các chuyên trang, chuyên mục và đưa tin, phát sóng nội dung giáo dục
lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh
niên, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường tuyên truyền nội dung giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống, phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan báo chí
trong nhiệm vụ bảo tồn, chăm sóc, giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
- Phối hợp tổ chức giám sát, tổng hợp
tình hình thực hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết gửi báo cáo về Sở Giáo dục
và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả triển khai Kế
hoạch và đề xuất nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học
sinh, sinh viên trong giai đoạn tiếp theo.
5. Sở Văn hóa
và Thể thao
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành
liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp số 5, 9; đẩy mạnh các hoạt động
giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khát vọng sống
cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tại thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, các
thiết chế văn hóa thể thao, câu lạc bộ; phối hợp với các bộ ngành liên quan xây
dựng chương trình, hoạt động để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống,
kỹ năng sống, khát vọng sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tại các di
tích lịch sử cách mạng.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
rà soát, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí đánh giá việc rèn luyện học sinh, sinh
viên và thể hiện khát vọng cống hiến của học sinh, sinh viên và tiêu chí đánh
giá hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy
khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên.
- Xây dựng kế hoạch triển khai; chủ
trì, phối hợp các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận huyện và
thành phố Thủ Đức... chủ động lồng ghép nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo
đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi
đồng trong quá trình triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hóa”.
- Phối hợp tổ chức giám sát, tổng hợp
tình hình thực hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết, gửi báo cáo về Sở Giáo
dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả triển
khai và đề xuất nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học
sinh, sinh viên trong giai đoạn tiếp theo.
6. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị có liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét bố trí nguồn
kinh phí từ ngân sách nhà nước trong dự toán được giao hàng năm của các cơ
quan, đơn vị để thực hiện Kế hoạch này theo quy định của pháp luật về ngân sách
nhà nước.
7. Công an
Thành phố
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch; chỉ đạo các đơn vị trực
thuộc Công an Thành phố trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong
thanh thiếu niên, giáo dục phạm nhân độ tuổi thanh niên, giúp họ tái hòa nhập cộng
đồng; hỗ trợ cảm hóa thanh niên, thiếu niên, nhi đồng chậm tiến; đẩy mạnh và
khuyến khích thanh niên tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
cho thanh thiếu niên, học sinh sinh viên tại các cơ sở giáo dục và địa bàn dân
cư.
- Tổ chức giáo dục lý tưởng, đạo đức
lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong lực lượng thanh niên Công an
Thành phố. Tăng cường công tác đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, âm
mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên không gian mạng và chủ động
trao đổi thông tin phục vụ công tác phòng ngừa; phối hợp các đơn vị liên quan đề
xuất nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh
viên trong giai đoạn tiếp theo.
8. Đài Truyền
hình Thành phố
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
để tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Kế hoạch.
- Tăng cường thời lượng, chất lượng
tin, bài nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của thanh niên, thiếu
niên, nhi đồng trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống và hình thành ước mơ,
hoài bão lập thân, lập nghiệp.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
xây dựng, triển khai các chương trình mới về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức,
lối sống cho học sinh, sinh viên trên nền tảng công nghệ số, tạo sân chơi lành
mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức,
lối sống cho học sinh, sinh viên, đem lại những chuyển biến tích cực trong nhận
thức, hành vi và nâng cao kỹ năng sống của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
9. Đài Tiếng
nói nhân dân Thành phố
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
để tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Kế hoạch.
- Tăng cường thời lượng, chất lượng
tin, bài nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của thanh niên, thiếu
niên, nhi đồng trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống và hình thành ước mơ,
hoài bão lập thân, lập nghiệp.
- Xây dựng chương trình, chuyên mục
phát thanh và phát triển các sản phẩm trên nền tảng số để nâng cao nhận thức,
giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi
đồng. Xây dựng các phóng sự nêu gương thanh niên, thiếu niên có hoài bão, lý tưởng
và nhiều đóng góp cho cộng đồng, khát vọng lập thân lập nghiệp; các chương
trình phát thanh hướng dẫn lối sống đẹp cho thanh niên, thiếu niên đặc biệt là ở
vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới hải đảo.
10. Các sở,
ban, ngành Thành phố
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
được giao có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện hiệu quả các
nhiệm vụ, giải pháp liên quan.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh
giá kết quả thực hiện của cơ quan, đơn vị mình, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân
Thành phố (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để tổng hợp báo cáo theo quy định.
- Bố trí kinh phí, huy động nguồn lực,
đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương để thực hiện.
11. Đề nghị Ban
Tuyên giáo Thành ủy
Tham gia định hướng chỉ đạo, hướng dẫn
hệ thống ngành tuyên giáo Thành phố tuyên truyền nội dung giáo dục đạo đức, lối
sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng gắn với
đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp
với tình hình thực tiễn đến các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các
tổ chức chính trị - xã hội Thành phố; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham
gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.
12. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị - xã
hội và tổ chức xã hội liên quan
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường giám sát chuyên đề về giáo dục lý tưởng cách mạng,
đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; phối hợp tuyên truyền,
vận động nhân dân tích cực tham gia giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống,
khát vọng cống hiến cho thanh thiếu nhi; lồng ghép vào hoạt động của cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
- Liên đoàn Lao động Thành phố đổi mới
nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân, viên chức, lao động gắn với
công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho công nhân, viên chức
lao động trẻ.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố phối
hợp Thành đoàn tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về giáo dục đạo đức,
lối sống cho nữ thanh niên trong các phong trào đang triển khai. Tuyên truyền,
vận động việc xây dựng gia đình văn hóa, phát huy vai trò nêu gương của ông bà,
cha mẹ trong giáo dục đạo đức, lối sống cho nữ thanh niên.
- Hội Cựu chiến binh Thành phố tham
gia tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng cho thanh niên, thiếu
niên, nhi đồng; tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình văn hóa, phát huy vai
trò nêu gương của các hội viên trong gia đình, tại địa phương để giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khát vọng cống hiến cho thanh niên,
thiếu niên, nhi đồng. Tham gia trực tiếp các chuyên đề giáo dục, tuyên truyền lịch
sử, truyền thống anh hùng của dân tộc tại các cơ sở giáo dục.
- Hội Nông dân Thành phố tham gia
tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng cho thanh niên, thiếu niên,
nhi đồng; tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình văn hóa, phát huy vai trò
nêu gương của các hội viên trong gia đình để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức,
lối sống, kỹ năng sống, khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Phối hợp xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn trao đổi trên hệ thống
báo chí; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở khu vực nông thôn với
nội dung trọng tâm nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.
- Hội Khuyến học Thành phố lồng ghép
các hoạt động tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi
trong xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí của các mô hình học tập, đặc biệt là Bộ
tiêu chí của mô hình “Công dân học tập”; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
13. Ủy ban nhân
dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện
- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực
hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và
khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn
2021 - 2030” phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tiễn của địa phương.
- Bố trí nguồn lực của địa phương cho
các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và
khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và lồng ghép
trong các hoạt động các Chương trình, Đề án trên địa bàn.
- Thường xuyên đôn đốc, tổ chức kiểm
tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.
- Phối hợp tổ chức giám sát, tổng hợp
tình hình thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết, tổng kết gửi báo cáo về Sở
Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả triển
khai và đề xuất nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học
sinh, sinh viên trong giai đoạn tiếp theo.
V. CHẾ ĐỘ THÔNG
TIN BÁO CÁO
Các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị
- xã hội Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện gửi kế
hoạch hoạt động hoặc lồng ghép trong kế hoạch hoạt động hằng năm về Sở Giáo dục
và Đào tạo trước ngày 30 tháng 8 năm 2022 để tổng hợp. Kế hoạch các năm sau đó
gửi trước ngày 30 tháng 01 hằng năm.
Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm
tham mưu báo cáo cho Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo trước
ngày 01 tháng 12 hằng năm.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực
hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và
khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn
2021 - 2030” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ nội dung của Kế hoạch đề
nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch
này; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Ủy ban nhân dân
Thành phố (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo) trước ngày 15 tháng 11 hàng
năm để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo./.