QUY ĐỊNH
VỀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI,
VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định
số …./2017/QĐ-UBND ngày… tháng… năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định
về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ
chức trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
2. Quy định này áp dụng
đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào
việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Những nguyên tắc
trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội
1. Không trái với thuần
phong mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan.
2. Không lợi dụng việc
cưới, việc tang và lễ hội để tổ chức các hoạt động nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc,
gây mất đoàn kết trong cộng đồng, dòng họ và gia đình.
3. Không làm ảnh hưởng
đến an toàn giao thông và trật tự, an toàn công cộng.
4. Không tổ chức hoặc
tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.
5. Không được sử dụng
thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan cho việc cưới, việc tang và lễ hội
(trừ cơ quan làm nhiệm vụ phục vụ).
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI
Điều 3. Đăng ký kết hôn
1. Việc cưới phải được
tổ chức theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về đăng
ký và quản lý hộ tịch và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Đôi nam nữ để trở
thành vợ chồng phải đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
nơi cư trú của một trong hai người theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho
đôi nam nữ đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, thể hiện sự thừa nhận hôn
nhân hợp pháp của Nhà nước và pháp luật.
Điều 4. Tổ chức lễ cưới
1. Việc tổ chức lễ cưới
tại gia đình hoặc tại địa điểm cưới phải thực hiện các quy định:
a) Đảm bảo trang trọng,
tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống
văn hóa của từng dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình,
tránh phô trương, lãng phí;
b) Các thủ tục chạm
ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô
trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật;
c) Âm nhạc trong đám cưới
phải lành mạnh, vui tươi, không hát hoặc phát các bài hát không nằm trong danh
mục các bài hát được phép phổ biến theo quy định;
d) Không mở nhạc trước
6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT ban hành kèm theo
Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên Môi trường, cụ thể:
- Khu vực trong hàng
rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và
các khu vực có quy định đặc biệt khác: từ 6 giờ đến 21 giờ giới hạn tối đa cho
phép về tiếng ồn là 55 dBA, từ 21 giờ đến 6 giờ sáng giới hạn tối đa cho phép về
tiếng ồn là 45 dBA;
- Khu chung cư, các
nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành
chính: từ 6 giờ đến 21 giờ giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 70 dBA, từ
21 giờ đến 6 giờ sáng giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 55 dBA.
đ) Trang trí lễ cưới cần
giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự,
phù hợp với văn hóa dân tộc.
2. Khuyến khích thực
hiện các hoạt động sau trong tổ chức việc cưới:
a) Hạn chế tổ chức tiệc
cưới linh đình; chỉ tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới;
b) Không sử dụng thuốc
lá trong đám cưới;
c) Cơ quan, tổ chức,
đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới;
d) Cô dâu, chú rể và
gia đình mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục của dân tộc mình trong
ngày cưới;
đ) Hạn chế việc xem
bói, xem số, xem tuổi cho đôi thanh niên, xem ngày giờ tổ chức cưới, đón dâu; tổ
chức tiệc cưới vào các ngày nghỉ;
e) Tổ chức đám cưới tập
thể.
Mục 2. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC TANG
Điều 5. Việc tang
1. Việc tang phải được
tổ chức theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, pháp luật về
bảo vệ môi trường, pháp luật về y tế và các quy định pháp luật khác có liên
quan.
2. Khi có người qua đời,
gia đình hoặc thân nhân phải làm thủ tục khai tử trước khi tổ chức lễ tang theo
quy định của pháp luật.
3. Lễ tang do gia đình
người qua đời quyết định tổ chức tại nhà hoặc tại địa điểm công cộng. Trong trường
hợp lễ tang do Ban lễ tang tổ chức, Ban lễ tang có trách nhiệm phối hợp với gia
đình người qua đời thống nhất quyết định những vấn đề liên quan đến việc tổ chức
tang lễ. Nếu người qua đời không có gia đình hoặc thân nhân đứng ra tổ chức lễ
tang thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể quần
chúng chịu trách nhiệm tổ chức khâm liệm và mai táng chu đáo theo phong tục
truyền thống.
Điều 6. Tổ chức lễ tang
1. Lễ tang được tổ chức
tại nhà hoặc tại địa điểm công cộng phải thực hiện các quy định sau:
a) Lễ tang phải được tổ
chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn
hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời;
b) Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ
tang chu đáo; vận động gia đình có người từ trần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các
hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang như yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn
và những nghi thức rườm rà khác;
c) Việc quàn ướp thi
hài thực hiện theo Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm
2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa
táng;
d) Nghiêm cấm lợi dụng
việc tang để hành nghề mê tín dị đoan dưới mọi hình thức; nghiêm cấm lợi dụng
việc tang để cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trước pháp
luật;
đ) Việc mặc tang phục
và treo cờ tang trong lễ tang thực hiện theo truyền thống của địa phương, dân tộc
và tôn giáo;
e) Không hát hoặc phát
các bài hát không nằm trong danh mục các bài hát được phép phổ biến theo quy định,
không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không
vượt quá giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia
về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT
ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường;
f) Cấm rải tiền Việt
Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang.
2. Lễ tang đối với cán
bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu khi tổ chức, ngoài việc thực
hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện các quy định tại Nghị
định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
3. Khuyến khích thực
hiện các hoạt động sau trong tổ chức việc tang:
a) Các nghi thức cúng
ba ngày, bảy ngày, bốn chín ngày, một trăm ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng chỉ
thực hiện trong ngày và trong nội bộ gia đình, dòng họ;
b) Không tổ chức tang
lễ linh đình;
c) Không rải vàng mã
hoặc bất cứ vật gì khác trên đường đưa tang;
d) Thực hiện hình thức
hỏa táng, điện tang, an táng vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch;
đ) Đối với người từ trần
mang bệnh truyền nhiễm thì thời gian hỏa táng hoặc chôn cất không quá 48 giờ kể
từ khi qua đời.
Mục 3. NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG LỄ HỘI
Điều 7. Tổ chức lễ hội
1. Tổ chức, cá nhân
khi tổ chức hoặc tham gia lễ hội, phải thực hiện các quy định sau:
a) Nghi thức lễ hội phải
được tiến hành trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc;
b) Trong khu vực lễ hội,
cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo; chỉ
treo cờ hội, cờ tôn giáo tại địa điểm lễ hội và trong thời gian tổ chức lễ hội;
c) Thực hiện đúng nội quy, quy định của Ban Tổ chức lễ
hội; tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu đặt đúng nơi quy định của Ban Tổ chức lễ hội, Ban
Quản
lý di tích; không ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ, cài tiền lên tay tượng, tay
phật và thực hiện các hành vi phản cảm khác;
d) Trang phục đẹp, lịch
sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục;
đ) Ứng xử có văn hóa;
không nói tục, xúc phạm tâm linh và ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của
lễ hội;
e) Bảo đảm trật tự, an
ninh khi tham dự lễ hội; không đốt pháo, đốt và thả đèn trời;
g) Thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường;
h) Không bán vé vào dự
lễ hội;
i) Nghiêm cấm lợi dụng
lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan như: lên đồng, xem số, gọi hồn, cầu cơ, sấm
truyền, yểm bùa, trừ tà, phù phép chữa bệnh và các hành vi mê tín dị đoan khác;
k) Thắp hương, đốt vàng mã theo quy định của Ban Tổ chức
lễ hội, Ban Quản lý di tích;
l) Không đổi tiền hưởng chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội; thực
hiện nghiêm Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực
tiền tệ và ngân hàng.
2. Khuyến khích thực
hiện các hoạt động sau trong tổ chức lễ hội:
a) Tổ chức hoạt động
giới thiệu ý nghĩa lịch sử của lễ hội, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc,
bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam;
b) Tổ chức hoạt động
tưởng nhớ công đức của ông cha, ghi nhận công lao của các bậc tiền bối trong lịch
sử dựng nước và giữ nước của dân tộc;
c) Tổ chức các trò
chơi dân gian, trò chơi mới và các hoạt động văn hóa, thể thao có nội dung bổ
ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội;
d) Thắp hương theo quy
định của Ban Tổ chức lễ hội.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Khen thưởng
Hàng năm, Ủy ban nhân
dân các cấp và Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa” tặng Bằng khen, Giấy khen cho các tập thể và cá nhân là những điển hình
tiên tiến về tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và
lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Điều 9. Xử lý vi phạm
Các đối tượng được quy
định tại Khoản 2 Điều 1 của Quy định này có hành vi vi phạm hoặc lợi dụng chức
vụ, quyền hạn làm trái với Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ
bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy
định của pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm thi
hành
1. Cơ quan nhà nước,
đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang
có trách nhiệm phổ biến và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng
01 năm 1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong
việc cưới, việc tang và lễ hội; Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm
1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc
tang và lễ hội; Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ
tướng Chính phủ; Kết luận số 51-KL/TW ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị
(khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của
Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc
tang, lễ hội và Quy định này đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,
sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ và Nhân dân.
2. Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch hướng dẫn các Phòng Văn hóa và Thông tin triển khai Quy định
này tại các địa phương thông qua các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan
và các hình thức khác, đảm bảo sâu rộng và đến tận người dân; chỉ đạo điểm, rút
kinh nghiệm từ những cơ sở tốt nhân ra diện rộng; nâng cao chất lượng, hiệu quả
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó lấy việc thực
hiện tốt Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của
Thủ tướng Chính phủ là tiêu chuẩn để xét các danh hiệu văn hóa; phối hợp với
các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc và xử lý
vi phạm theo thẩm quyền; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy định này.
3. Sở Tài nguyên và
Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch
quy hoạch và đầu tư xây dựng các nghĩa trang nhân dân, lò hỏa táng, điện táng.
4. Sở Thông tin và
Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo tỉnh và
các cơ quan báo chí trong tỉnh tổ chức tuyên truyền để tạo thành dư luận xã hội
hỗ trợ tích cực việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và
lễ hội theo Quy định này.
5. Báo Hậu Giang, Đài
Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố
có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng, điển hình, cổ vũ, động viên những tập thể,
cá nhân thực hiện tốt; đồng thời, phê phán các biểu hiện tiêu cực và các hành
vi vi phạm về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong Quy
định này.
6. Ủy ban nhân dân, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể huyện, thị xã, thành
phố đưa việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số
14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quy định này vào chương trình hành động
hàng năm.
7. Cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp
của Nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội -
nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các
đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân và công an nhân dân) phải
gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động gia đình, cộng đồng dân cư thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Quy định này.
Trong quá trình thực
hiện, nếu có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị phản ánh về
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét,
quyết định./.