ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2132/QĐ-UBND
|
Kiên Giang,
ngày 02 tháng 9 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6
năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16
tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06
tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị
khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày
10 tháng 4 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến
năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ
tỉnh lần thứ XI (2021-2025);
Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16
tháng 11 năm 2017 của Tỉnh ủy Kiên Giang về phát triển du lịch của tỉnh Kiên
Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tại
Tờ trình số 30/TTr-SDL ngày 07 tháng 7 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề cương Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng trên
địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây
gọi tắt là Đề án), với những nội dung chủ yếu sau: (Đính kèm Đề cương và dự
toán Đề án).
1. Mục tiêu lập Đề án
Đề án Phát triển du lịch cộng đồng
trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là
nhiệm vụ cấp thiết nhằm đề ra các định hướng và giải pháp phát triển du lịch cộng
đồng tại tỉnh Kiên Giang theo chủ trương: “Tạo điều kiện thuận lợi để người
dân trực tiếp tham gia kinh doanh du lịch và hưởng lợi từ du lịch; có chính
sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng” như Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh
ủy đã đề ra. Đề án tạo căn cứ pháp lý để lập kế hoạch, xây dựng cơ chế chính
sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng cơ chế
phối hợp các bên tham gia trong du lịch cộng đồng, góp phần phát triển du lịch
bền vững.
2. Nhiệm vụ của Đề án
- Xây dựng hệ thống quan điểm phát triển
du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm
năng du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị về môi trường thiên nhiên và
bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng định hướng phát triển du lịch
cộng đồng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong
đó, xác định một số địa bàn trọng điểm có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển
du lịch cộng đồng ở tỉnh Kiên Giang.
- Xây dựng các dự án phát triển du lịch
cộng đồng tại tỉnh Kiên Giang và kế hoạch triển khai thực hiện các dự án này
trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
- Đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát
triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nhằm kết hợp chặt chẽ giữa
phát triển du lịch với phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thực hiện mục tiêu
phát triển du lịch gắn với phát triển cộng đồng, nâng cao đời sống người dân, góp phần
đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu lập
đề án
3.1. Về phạm vi
- Phạm vi không gian: Tỉnh Kiên Giang,
phân theo các vùng du lịch.
- Phạm vi thời gian: Giai đoạn
2021-2025, định hướng 2030.
3.2. Về đối tượng
nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề án là phát
triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Kiên Giang. Đối tượng khảo sát cụ thể bao gồm:
Các địa bàn có tiềm năng và đang khai thác du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang;
các cá thể và cộng đồng tham gia vào du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang; các
chuyên gia về du lịch cộng đồng; các cơ quan quản lý nhà nước và tham gia vào
du lịch cộng đồng tỉnh Kiên
Giang; khách du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang.
4. Danh mục hồ sơ Đề án
- Báo cáo tổng hợp Đề án;
- Báo cáo tóm tắt Đề án;
- Dự thảo tờ trình, quyết định phê duyệt
Đề án;
- Các phụ lục khác kèm theo;
- USB chứa toàn bộ dữ liệu Đề án.
- Số lượng hồ sơ trình thẩm định, phê
duyệt và lưu trữ: Theo yêu cầu của cơ quan quản lý Đề án.
5. Chi phí và thời gian lập Đề án
5.1. Chi phí
- Chi phí lập Đề án “Phát triển du lịch
cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm
2030” là 456.895.000 đồng (Bốn trăm năm mươi sáu triệu, tám trăm chín mươi
năm ngàn đồng chẵn).
- Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh.
5.2. Thời gian
- Các số liệu hiện trạng được phân
tích đánh giá trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2020.
- Định hướng và giải pháp được xác định
cho giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
6. Tổ chức thực hiện
- Thời gian lập Đề án không quá 05
tháng kể từ ngày ký quyết định phê duyệt Đề cương.
- Cơ quan phê duyệt Đề án: Ủy ban nhân
dân tỉnh Kiên Giang.
- Cơ quan thẩm định Đề án: Hội đồng thẩm
định của tỉnh Kiên Giang.
- Cơ quan lập Đề án: Sở Du lịch tỉnh
Kiên Giang.
- Đơn vị tư vấn: Lựa chọn theo quy định
của pháp luật.
7. Khung nội dung báo cáo
MỞ ĐẦU
1. Tổng quan tình hình nghiên cứu du lịch
cộng đồng tỉnh Kiên Giang.
2. Sự cần thiết của Đề án.
3. Căn cứ pháp lý để xây dựng Đề án.
4. Mục tiêu của Đề án.
4.1. Mục tiêu chung.
4.2. Mục tiêu cụ thể.
5. Phương pháp nghiên cứu xây dựng Đề
án.
5.1. Phương pháp thu thập và phân tích
dữ liệu thứ cấp.
5.2. Phương pháp khảo sát thực địa.
5.3. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi.
5.4. Phương pháp tham vấn chuyên gia.
5.5. Phương pháp phân tích SWOT.
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ
DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
I. Khái niệm “Du lịch cộng đồng”.
1. Khái niệm “Cộng đồng”.
2. Khái niệm “Du lịch cộng đồng”.
II. Vai trò, điều kiện phát triển du lịch
cộng đồng.
1. Vai trò của du lịch cộng đồng.
2. Các điều kiện phát triển du lịch cộng
đồng.
a) Tài nguyên du lịch.
b) Vị trí địa lý.
c) Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất -
kỹ thuật.
d) Thông tin và dịch vụ cho du khách.
đ) Nguồn nhân lực du lịch.
e) Đầu tư phát triển du lịch.
g) Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch
cộng đồng.
3. Nguyên tắc phát triển du lịch cộng
đồng.
a) Bình đẳng xã hội.
b) Tôn trọng văn hóa địa phương và các
di sản thiên nhiên.
c) Chia sẻ lợi ích.
III. Các thành phần và cơ chế
hoạt động du lịch cộng đồng.
1. Các thành phần tham gia vào du lịch
cộng đồng.
2. Cơ chế hoạt động của du lịch cộng đồng.
IV. Thực tiễn phát triển du lịch cộng
đồng trên thế giới và Việt
Nam.
1. Du lịch cộng đồng trên thế giới.
2. Du lịch cộng đồng tại Việt Nam.
3. Bài học kinh nghiệm cho phát triển
du lịch cộng đồng tại tỉnh Kiên Giang.
CHƯƠNG 2. TIỀM NĂNG, THỰC TRẠNG PHÁT
TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI TỈNH KIÊN GIANG
I. Khái quát tỉnh Kiên Giang.
1. Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên.
2. Đặc điểm kinh tế - xã hội.
II. Tiềm năng phát triển du lịch cộng
đồng tỉnh Kiên Giang.
1. Tài nguyên du lịch tự nhiên.
2. Tài nguyên du lịch văn hóa.
3. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ
thuật phục vụ du lịch.
4. Các điều kiện khác ảnh hưởng đến
phát triển du lịch cộng đồng.
5. Đánh giá chung về tiềm năng phát
triển du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang.
III. Thực trạng phát triển du lịch cộng
đồng tỉnh Kiên Giang.
1. Khái quát chung về tình hình phát
triển du lịch của tỉnh.
2. Tình hình triển khai các chương trình,
kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng.
3. Thực trạng các địa bàn du lịch cộng
đồng hiện có.
4. Khó khăn, tồn tại và nguyên nhân.
CHƯƠNG 3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT
TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH KIÊN GIANG
I. Các căn cứ chủ yếu.
1. Các văn bản chỉ đạo điều hành.
2. Quan điểm phát triển.
3. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội,
thách thức đối với phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang.
a) Điểm mạnh.
b) Điểm yếu.
c) Cơ hội.
d) Thách thức.
II. Định hướng phát triển du lịch cộng
đồng tỉnh Kiên Giang.
1. Định hướng không gian phát triển du
lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang.
2. Định hướng về thị trường du lịch cộng
đồng tỉnh Kiên Giang.
3. Định hướng về sản phẩm du lịch cộng
đồng tỉnh Kiên Giang.
III. Đề xuất các dự án phát triển du lịch
cộng đồng tỉnh Kiên Giang.
1. Dự án lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật;
quy hoạch cụm du lịch cộng đồng phù hợp với tiêu chí công nhận khu điểm du lịch
theo Luật Du lịch, phù hợp với quy hoạch của ngành.
2. Dự án phát triển hạ tầng giao thông
vận tải phục vụ du lịch cộng đồng.
3. Dự án đầu tư các công trình vệ sinh
môi trường phục vụ du lịch cộng đồng.
4. Dự án xây dựng mô hình phát triển
DLCĐ tại các địa bàn trọng điểm.
5. Dự án xây dựng mô hình sản xuất
nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
6. Dự án phát triển du lịch cộng đồng
gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
7. Dự án phát triển nguồn nhân lực cho
du lịch cộng đồng.
8. Dự án xây dựng cơ chế chính sách
phát triển du lịch cộng đồng.
IV. Giải pháp phát triển du lịch cộng
đồng tỉnh Kiên Giang.
1. Giải pháp về cơ chế chính sách và
công tác quản lý nhà nước.
2. Giải pháp về quy hoạch.
3. Giải pháp về thu hút đầu tư.
4. Giải pháp phối hợp các bên tham
gia.
5. Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch.
6. Giải pháp xúc tiến, quảng bá.
7. Giải pháp về tài chính, tín dụng.
8. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực.
9. Giải pháp liên kết, hợp tác và xã hội
hóa.
10. Giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi
trường du lịch.
CHƯƠNG 4. TỔ CHỨC VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN
I. Kế hoạch triển khai thực hiện theo
từng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
1. Năm 2021-2022.
2. Năm 2023.
3. Năm 2024.
4. Năm 2025.
5. Định hướng đến năm 2030.
II. Đánh giá hiệu quả khi triển khai Đề
án.
1. Hiệu quả về kinh tế.
2. Hiệu quả về xã hội.
3. Hiệu quả về môi trường.
III. Tổ chức thực hiện.
1. Sở Du lịch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư.
3. Sở Tài chính.
4. Sở Văn hóa và Thể thao.
5. Sở Nội vụ.
6. Sở Khoa học và Công nghệ.
7. Sở Thông tin và Truyền thông.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
9. Sở Công Thương.
10. Sở Giao thông vận tải.
11. Sở Y tế.
12. Sở Giáo dục và Đào tạo.
13. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương
mại và Du lịch tỉnh.
14. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các ban, ngành có liên quan.
15. Hiệp hội Du lịch tỉnh.
16. Liên minh Hợp tác xã.
17. Các tổ chức hội và đoàn thể: Hội
Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn.
18. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố; xã, phường, thị trấn.
IV. Kinh phí thực hiện Đề án.
KẾT LUẬN
Điều 2. Sở Du lịch có trách nhiệm tổ chức lập, trình thẩm định, phê
duyệt Đề án theo quy trình, quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Du lịch,
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa và Thể thao, Nội vụ, Khoa học và Công
nghệ, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công
Thương, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Xúc tiến, Đầu
tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
ký./.
Nơi
nhận:
-
Như Điều 3 của QĐ;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT.UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo TU;
- Sở Du lịch (10 bản);
- LĐVP, Phòng: KGVX, KT, TH;
- Lưu: VT, lttram.
|
CHỦ TỊCH
Lâm Minh Thành
|
Đề cương và Dự toán Đề án Phát triển
du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng
đến năm 2030.
THUYẾT
MINH ĐỀ CƯƠNG VÀ DỰ TOÁN
ĐỀ
ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN
2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
|
Đại diện
chủ đầu tư
SỞ DU LỊCH TỈNH KIÊN GIANG
GIÁM ĐỐC
Bùi Quốc Thái
|
Kiên Giang,
tháng 7 năm 2021
MỞ ĐẦU
1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU DU LỊCH
CỘNG ĐỒNG TỈNH KIÊN GIANG
Ở Việt Nam, du lịch cộng đồng xuất hiện
từ những năm 1990 tại một số tỉnh, như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam, đến nay đã
mở rộng trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tỉnh Kiên Giang có sự đa dạng về tài
nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa bản địa tạo nên những tiềm năng to lớn để
phát triển du lịch cộng đồng. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu về du lịch cộng đồng
tỉnh Kiên Giang được thực hiện dưới nhiều góc độ khác nhau.
Dưới góc độ phát triển du lịch gắn với
bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang có đề tài KHCN cấp
quốc gia “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa
dạng sinh học tại Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang” do PGS.TS. Phạm Trung
Lương làm Chủ nhiệm (2019). Đề tài đã tập trung nghiên cứu xây dựng thành công
02 mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học là mô hình du lịch
sinh thái (tại Rạch Tràm thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc) và du lịch sinh thái cộng
đồng (tại đảo Hòn Rỏi thuộc Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc). Đề tài cũng xác định
rõ những yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa phát triển du lịch với bảo tồn đa
dạng sinh học, theo đó nhận thức xã hội về vai trò của du lịch, đặc biệt là du
lịch sinh thái với bảo tồn; việc thực hiện các nguyên tắc cơ bản về phát triển
du lịch xanh với trọng tâm là du lịch sinh thái, sự tham gia của cộng đồng
vào phát triển du lịch.
Dưới góc độ phát triển du lịch cộng đồng
của hộ gia đình, các tác giả Nguyễn Hồng Hà và Hà Minh Thảo (2020), đã đề cập đến
Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng của hộ gia đình tại Quần đảo Nam Du,
tỉnh Kiên Giang. Nghiên cứu đã đánh giá được thực trạng phát triển du lịch
cộng đồng của hộ gia đình quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang thời gian qua; tìm
ra được thuận lợi và khó khăn trong sự tham gia du lịch cộng đồng của các hộ
gia đình. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp nâng cao sự
phát triển du lịch cộng đồng của hộ gia đình trong thời gian tới.
Dưới góc độ phát triển du lịch cộng đồng
gắn với bản sắc văn hóa, Lương Ngọc Bích (2016) đã đề cập vấn đề Kiên Giang
phát triển du lịch văn hóa, trong đó tập trung khai thác văn hóa dân tộc
Khmer để phát triển du lịch. Theo tác giả, để khai thác tốt các giá trị văn hóa
ấy, tỉnh Kiên Giang cần phải: định hướng khai thác, bảo tồn, quy hoạch cụ thể
các tài nguyên văn hóa của đồng bào Khmer khi đưa vào khai thác du lịch; xây dựng
nhận thức khai thác du lịch văn hóa Khmer; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa
(biểu diễn nghệ thuật, văn hóa ẩm thực, hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội của
đồng bào Khmer); đầu tư cơ sở vật chất (xây dựng chùa, bảo tàng văn hóa
Khmer); xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực phục
vụ du lịch chuyên đề (văn hóa); thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương
vào hoạt động văn hóa của đồng bào Khmer.
Các tác giả Nguyễn Thanh Tùng và
Trương Trí Thông (2019) đã nghiên cứu phát triển du lịch homestay vùng ven biển
huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Theo tác giả, du lịch homestay là loại hình du
lịch góp phần phát triển bền vững bởi nhiều lợi ích mang lại; vừa tạo sự thu
hút, trải nghiệm mới đối với du khách, vừa đảm bảo sinh kế và thu nhập cho người
dân địa phương. Nghiên cứu này phân tích những tiềm năng du lịch homestay ở huyện
An Biên, tỉnh Kiên Giang; từ đó đưa ra một số định hướng về mô hình homestay và
giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn để phát triển du lịch homestay tại địa
bàn một cách hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, đẩy mạnh xây dựng
nông thôn mới và hướng tới sự phát triển bền vững.
Nhóm tác giả Lê Thị Tố Quyên, Lý Mỷ
Tiên và Huỳnh Tấn Mãi (2019) đã nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự phát triển
du lịch tại quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, Kiên Giang theo định hướng phát triển
du lịch cộng đồng. Nơi đây có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi như cảnh quan
thiên nhiên đẹp, sóng êm đềm, bãi cát trắng cùng với ánh nắng tốt để phát triển
du lịch biển. Ngoài ra, quần đảo Nam Du còn gìn giữ những phong tục tâm linh của
cư dân vùng biển, có các lễ hội truyền thống của địa phương và nhiều di tích lịch
sử - văn hóa khác góp phần thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hoạt động du lịch
biển ở đây còn tự phát, tình trạng rác thải từ sinh hoạt,
du khách và nước ngọt sử dụng là các vấn đề cần quan tâm cho vùng đảo này. Kết
quả phân tích dữ liệu điều tra bằng bảng câu hỏi đối với 116 khách du lịch tại
quần đảo Nam Du cho thấy có 6 nhân tố tác động đến sự phát triển du lịch ở quần
đảo này, bao gồm: Hướng dẫn viên du lịch; Giá cả dịch vụ du lịch và an toàn vệ
sinh thực phẩm; Tình hình an ninh trật tự an toàn; Hoạt động mua sắm, tham quan
và giải trí; Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; Tài nguyên du lịch.
Tác giả Lê Huy Hải (2019) đề cập đến vấn
đề phát triển du lịch cộng đồng ở xã đảo Tiên Hải. Tiên Hải là xã đảo duy nhất của
thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) còn có tên gọi khác là quần đảo Hải Tặc gồm 18
hòn đảo, tổng diện tích tự nhiên hơn 283 ha. Những năm qua, xã đảo này phát triển
du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn
hóa - xã hội địa phương. Năm 2014, UBND thị xã Hà Tiên xây dựng và triển khai
thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn (2014 - 2020) mang lại
hiệu quả tích cực. Lượng khách du lịch đến tham quan tăng lên đáng kể, trung
bình mỗi năm đón khoảng 50.000 - 70.000 lượt người. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã
biết cách làm du lịch, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
2. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
Du lịch cộng đồng, còn gọi là du lịch
dựa vào cộng đồng (Community Based Tourism) là loại hình du lịch do cộng đồng
dân cư phối hợp nhau để cùng khai thác những giá trị về cảnh quan và văn hóa bản
địa tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách; thông qua đó tạo sinh kế và
nguồn thu cho cộng đồng.
Phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ)
không chỉ có ý nghĩa đối với du lịch mà còn tác động tích cực đến nông nghiệp,
nông dân, và nông thôn, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông phẩm, nâng
cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương,
góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ở nước ta, DLCĐ đã phát triển khá
thành công ở các địa bàn như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Hội An (Quảng
Nam), v.v... Trong những năm gần đây, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
nhiều địa phương đã quan tâm phát triển DLCĐ như Cần Thơ, Tiền Giang An Giang,
Vĩnh Long, Bến Tre, Cà Mau, v.v...
Kiên Giang là một tỉnh thuộc vùng
ĐBSCL có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với địa hình đa dạng: có đồng bằng,
rừng núi, biển và hải đảo, nhiều danh lam thắng cảnh cùng với bản sắc văn hóa của
cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tạo tiềm năng to lớn để phát triển du lịch
nói chung, DLCĐ nói riêng.
Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 16/11/2017 của
Tỉnh Ủy Kiên Giang đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của
cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ
đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh
nghiệp và cộng đồng dân cư…”.
Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 15/4/2021
của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển
kinh tế-xã hội 05 năm 2021-2025 tỉnh Kiên Giang đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh
phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế đóng góp chính của tỉnh, là
trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển
DLCĐ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn nhiều hạn chế; tại một số địa bàn, các hộ
dân đã tham gia cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống... cho
khách du lịch nhưng còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa
các hộ dân nên chưa mang tính cộng đồng; vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là việc
thu gom và xử lý rác thải tại các địa bàn này chưa được quan tâm giải quyết;
còn thiếu các chính sách khuyến khích phát triển DLCĐ; vai trò của chính quyền
và doanh nghiệp trong phát triển DLCĐ chưa được phát huy. Vì vậy, tiềm năng
DLCĐ chưa được khai thác hiệu quả, chưa tạo được sinh kế, chưa góp phần nâng
cao đời sống người dân, v.v...
Từ những căn cứ nêu trên cho thấy, việc
xây dựng “Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai
đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” là nhiệm vụ cấp thiết nhằm đề ra các định
hướng và giải pháp phát triển DLCĐ tại tỉnh Kiên Giang theo chủ trương: “Tạo
điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh du lịch và hưởng
lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng” như Nghị
quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đề ra.
3. CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Du lịch 2017 đã được Quốc hội
thông qua ngày 19/06/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và các Nghị định,
Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Du lịch;
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày
16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn;
- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày
05/8/2008 của BCHTW khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân;
- Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày
22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch
Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày
22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Việt
Nam đến năm 2030”;
- Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày
05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành
du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn;
- Quyết định số 2031/QĐ-BVHTTDL ngày
10/6/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch thực hiện
Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế
mũi nhọn”;
- Quyết định 388/QĐ-TTg ngày 10/4/2018
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh
tế xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27
tháng 7 năm 2020 của Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt
Nam”
- Quyết định 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh
Kiên Giang đến năm 2030;
- Quyết định 486/QĐ-TTg ngày 30/3/2021
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ điều chỉnh Quy hoạch
chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030;
- Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày
25/5/2020 của Chính phủ về việc miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh
tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang;
- Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ
tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2020-2025;
- Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 16/11/2017
của Tỉnh Ủy Kiên Giang về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định
hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 3095/QĐ-UBND ngày
30/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt Đề án Chiến lược
phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và
định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 3266/QĐ-UBND ngày
30/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt Đề án Phát triển
nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm
2030;
- Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày
15/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 tỉnh Kiên Giang”
- Kế hoạch số 24/KH-SDL ngày 29/4/2021
của Sở Du lịch tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch số 80/KH-UBND về phát triển
kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 tỉnh Kiên Giang.
4. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
4.1. Mục tiêu chung
Đề án phát triển du lịch cộng đồng
trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm
xây dựng định hướng và đề xuất giải pháp phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh Kiên
Giang, tạo căn cứ pháp lý để lập kế hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu
tư, khuyến khích phát triển DLCĐ, xây dựng cơ chế phối hợp các bên tham gia
trong DLCĐ, góp phần phát triển du lịch bền vững.
4.2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng hệ thống quan điểm phát triển
DLCĐ tỉnh Kiên Giang nhằm khai thác khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng
du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị về môi trường thiên nhiên và bản
sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng định hướng phát triển DLCĐ
tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, xác định một số địa
bàn trọng điểm có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển DLCĐ ở tỉnh Kiên
Giang.
- Xây dựng các dự án phát triển DLCĐ tại
tỉnh Kiên Giang và kế hoạch triển khai thực hiện các dự án này trong giai đoạn
2021-2025 và các năm tiếp theo.
- Đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát
triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nhằm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển
du lịch với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thực hiện mục tiêu phát triển
du lịch gắn với phát triển cộng đồng, nâng cao đời sống người dân, góp phần đẩy
mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG ĐỀ
ÁN
5.1. Phương pháp thu thập và phân tích
dữ liệu thứ cấp
Dữ liệu thứ cấp được thu
thập chủ yếu từ các nguồn như sau: (1) Các văn kiện, nghị quyết, kế hoạch, báo
cáo liên quan đến du lịch tỉnh Kiên Giang; (2) Các nhận định, đánh giá của các
nhà chuyên môn, quản lý du lịch về tiềm năng, thực trạng, định hướng và giải
pháp phát triển du lịch của tỉnh; (3) Các nghiên cứu trong và ngoài nước có
liên quan đến chủ đề phát triển DLCĐ trên thế giới và ở Việt Nam để
vận dụng vào tỉnh Kiên Giang. Trên cơ sở đó, tiến hành các phương pháp phân
tích nhằm đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu xây dựng đề án phát triển DLCĐ tại tỉnh
Kiên Giang.
5.2. Phương pháp khảo sát thực địa
Đề án tiến hành khảo sát trực tiếp các
địa bàn tại tỉnh Kiên Giang, trong đó tập trung vào một số địa bàn có tiềm năng
phát triển du lịch cộng đồng. Nội dung khảo sát gồm quan sát, thu thập thông
tin, quay phim, chụp hình và trao đổi ý kiến với các nhà quản lý, người dân,
nhân viên du lịch và du khách tại các điểm có triển vọng phát triển DLCĐ.
5.3. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
Dữ liệu sơ cấp được điều tra bằng bảng
hỏi. Đối tượng thu thập thông tin gồm khách du lịch và người dân địa phương.
Phương pháp chọn mẫu được sử dụng là phương pháp chọn mẫu thuận tiện áp dụng đối
với khách du lịch và phương pháp chọn mẫu phân tầng áp dụng đối với người dân địa
phương.
Hiện nay, khách DLCĐ và người dân tham
gia làm du lịch đều chưa được thống kê nên số mẫu nghiên cứu trong đề án này tạm
tính là 300, bao gồm: 200 khách du lịch và 100 người dân địa phương. Địa điểm lấy
mẫu ưu tiên cho các địa bàn có tiềm năng phát triển DLCĐ. Dữ liệu điều tra được
xử lý bằng phần mềm SPSS for
Window 20.0.
5.4. Phương pháp tham vấn chuyên gia
Phương pháp tham vấn chuyên gia được
thực hiện thông qua phỏng vấn sâu và tổ chức hội thảo để thu thập ý kiến của
các chuyên gia, các cấp
lãnh đạo, các nhà quản lý ở địa phương và các doanh nghiệp du lịch.
Số đối tượng phỏng vấn là 30 người. Nội
dung phỏng vấn
nhằm thu thập những thông tin và ý kiến đánh giá về tiềm năng, thực trạng và giải
pháp phát triển DLCĐ tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.
5.5. Phương pháp phân tích SWOT
Phân tích SWOT là phương pháp phân
tích điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và
thách thức (Threats) của một vấn đề, sản phẩm, công ty, điểm đến, v.v... Phương
pháp này được sử dụng tiềm năng, hiện trạng và có hội, thách thức phát triển
DLCĐ tại địa bàn tỉnh Kiên Giang. Từ đó đề ra một số định hướng và giải pháp chiến lược
phát triển DLCĐ tại địa bàn tỉnh Kiên Giang hiệu quả và bền vững.
6. BỐ CỤC CỦA ĐỀ ÁN
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục,
nội dung của Đề án gồm 5 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về
du lịch cộng đồng.
Chương 2: Tiềm năng và hiện trạng du lịch
cộng đồng tỉnh Kiên Giang.
Chương 3: Định hướng và giải pháp phát
triển du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang
Chương 4: Tổ chức và kinh phí thực hiện
Đề án
NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
Chương 1
CƠ
SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
I. KHÁI NIỆM “DU LỊCH
CỘNG ĐỒNG”
1. Khái niệm “Cộng đồng”
“Cộng đồng” (Community) là một trong
những khái niệm xã hội học được hiểu theo nhiều nghĩa. Hiện nay có nhiều định
nghĩa khác nhau về cộng đồng, tùy theo góc độ tiếp cận và mục đích nghiên cứu.
Theo Midgley (1986): Cộng đồng là một
nhóm dân cư cùng sinh sống
trên một khu vực địa lý nhất định, có cùng các giá trị và tổ chức xã hội cơ bản.
Theo J.H.Fichter (1974): Cộng
đồng là một tập thể người nhất định trên một lãnh thổ kinh tế và văn hóa, bao gồm
các yếu tố:
- Tương quan cá nhân mật thiết với những
người khác, tương quan này đôi khi được gọi là tương quan mặt đối mặt, tương
quan thân mật.
- Có sự liên hệ về tình cảm và cảm
xúc.
- Có sự tình nguyện hy sinh đối với những
giá trị được tập thể coi là cao cả, có ý nghĩa.
- Có ý thức đối với mọi thành viên
trong tập thể.
Ở Việt Nam, khái niệm “cộng đồng” thường
được hiểu theo nghĩa “cộng đồng dân cư” hoặc “cộng đồng địa phương” tức là tập
hợp những cá nhân trên một địa bàn cư trú ở vùng nông thôn, có quy mô nhỏ như làng,
bản, buôn, sóc... Về cơ bản, cộng đồng có sự tương tác và chia sẻ lẫn nhau giữa
các thành viên, tạo thành những đặc điểm chung, kết nối với nhau trong cộng đồng.
Các điểm chung đó là: niềm tin, tín ngưỡng, nguồn lực, nhu cầu, sở thích,
v.v...
2. Khái niệm “Du lịch cộng đồng”
Mặc dù DLCĐ đã trở thành một loại hình
du lịch phổ biến, phát triển rộng khắp trên thế giới, nhưng cho đến nay chưa có
định nghĩa thống nhất về DLCĐ. Mỗi tác giả tùy theo mục tiêu nghiên cứu, địa
bàn nghiên cứu và quan điểm cá nhân của mình mà đưa ra định nghĩa riêng.
Theo Nicole Häusler và Wolffgang
Stasdas (2002): DLCĐ là loại hình du lịch mà ở đó cộng đồng địa phương có sự
kiểm soát và tham gia chủ yếu vào sự phát triển và quản lý các hoạt động du lịch
và phần lớn các lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch được giữ lại cho cộng đồng.
Theo Võ Quế (2006): DLCĐ là phương
thức phát triển du lịch trong đó cộng đồng dân cư tổ chức cung cấp các dịch vụ
để phát triển du lịch, đồng thời tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi
trường, đồng thời cộng đồng được hưởng quyền lợi về vật chất và tinh thần từ
phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên.
Theo Bùi Thị Hải Yến (2012): “DLCĐ
có thể hiểu là phương thức phát triển bền vững mà ở đó cộng đồng địa phương có
sự tham gia trực tiếp và chủ yếu trong các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động
du lịch. Cộng đồng nhận được sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong
nước và quốc tế; của chính quyền địa phương cũng như chính phủ và nhận được phần
lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch nhằm phát triển cộng đồng, bảo tồn khai
thác tài nguyên môi trường du lịch bền vững, đáp ứng các nhu cầu du lịch phong
phú, có chất lượng cao và hợp lý của du khách”
Theo Nguyễn Văn Thanh (2005): DLCĐ
là phương thức
phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là chủ thể trực tiếp tham gia
phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường cả về tự nhiên và nhân văn tại
các điểm, khu du lịch và đồng thời được hưởng quyền lợi từ hoạt động du lịch
mang lại.
Theo Luật Du lịch (2017): DLCĐ là
loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị
văn hóa của cộng đồng,
do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Từ các định nghĩa nêu trên có thể kết
luận rằng khái niệm DLCĐ bao gồm các nội dung chủ yếu như sau:
- DLCĐ là kiểu kinh doanh du lịch mà
chủ thể là cộng đồng dân cư địa phương cùng phối hợp nhau để tổ chức, điều hành
hoạt động du lịch dựa trên việc khai thác các nguồn lực sẵn có về cảnh quan
thiên nhiên và các giá trị văn hóa bản địa để tạo ra các sản phẩm du lịch cung
cấp cho khách du lịch tại không gian sinh sống của cộng đồng.
- DLCĐ hình thành dựa trên những nhu cầu
của du khách đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới với mong muốn được
khám phá, học hỏi những điều mới lạ và được hòa nhập vào cuộc sống, sinh hoạt
thường nhật của cộng đồng dân cư địa phương.
- Du khách là tiền đề mang lại lợi ích
kinh tế cho cộng đồng, đồng thời có những tác động nhất định đến môi trường
sinh thái tự nhiên và nhân văn tại cộng đồng địa phương khi họ đến du lịch.
- DLCĐ góp phần nâng cao khả năng tổ chức, vận
hành và thực hiện các hoạt động kinh doanh du lịch; nắm bắt được tâm lý và thị
hiếu của khách du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp và chất lượng
hơn. Từ đó, cộng đồng ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình.
- DLCĐ mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương
về vật chất, tinh thần từ phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên, văn hóa bản địa.
Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích về mặt kinh tế, mở rộng tầm hiểu biết
về đặc điểm tính cách của du khách cũng như có cơ hội nắm bắt các thông tin bên
ngoài từ du khách.
II. VAI TRÒ, ĐIỀU KIỆN
PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
1. Vai trò của du lịch
cộng đồng
DLCĐ mang lại tác động tích cực đối với
cộng đồng địa phương trên rất nhiều phương diện:
- Góp phần giải quyết công ăn việc
làm, tăng thêm thu nhập cho người dân thông qua việc bán các sản phẩm du lịch
cho du khách bên cạnh những thu nhập từ công việc truyền thống của mình. Từ đó,
tạo sự đa dạng về sản phẩm du lịch, tăng cường thu hút khách du lịch, thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Làm thay đổi bộ mặt địa phương, cơ sở
hạ tầng và vật chất kỹ thuật được đầu tư nhiều hơn dựa trên sự chung tay của cộng
đồng địa phương cũng như nguồn quỹ cộng đồng thu được từ hoạt động du lịch hoặc
nhận được viện trợ, đóng góp của các du khách cho địa phương.
- Liên kết nhiều ngành kinh tế lại với
nhau, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Tạo nguồn vốn đầu
tư trở lại để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất kỹ
thuật du lịch. Nâng cao năng lực về du lịch và quản lý cho cộng đồng địa
phương.
- Đánh thức những giá trị của cộng đồng
địa phương, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương không bị mai một
theo thời gian. Góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, bảo tồn và
phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa
phương. Góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương, của quốc gia đến với bạn bè
trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, DLCĐ cũng có thể mang lại
không ít tiêu cực nếu không có sự quản lý hiệu quả. Các mặt tiêu cực có thể xét
theo khía cạnh cảnh quan môi trường như: phá vỡ môi trường sinh thái, tăng giá
về đất đai, chi phí sinh hoạt cao, rác thải, tiếng ồn,... và các vấn đề về xã hội
như tệ nạn xã hội, gia tăng tội phạm, các nguy cơ về đánh mất về bản sắc văn
hóa, dễ dàng hòa tan khi tiếp xúc trực tiếp với các nền văn hóa khác,...
Để tránh tình trạng này, cộng đồng địa
phương cần có sự chung tay góp sức, hình thành nên các ban quản lý, thường
xuyên các hoạt động theo dõi, đánh giá và đề ra phương hướng hoạt động,... nhằm
phát huy những mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các mặt tiêu cực của nó.
2. Các điều kiện phát
triển du lịch cộng đồng
a) Tài nguyên du lịch
b) Vị trí địa lý
c) Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất -
kỹ thuật
d) Thông tin và dịch vụ cho du khách
đ) Nguồn nhân lực du lịch
e) Đầu tư phát triển du lịch
g) Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch
cộng đồng
3. Nguyên tắc phát triển du lịch cộng
đồng
a) Bình đẳng xã hội
Các thành viên của cộng đồng tham gia
lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các hoạt động du lịch trong cộng đồng của
mình. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác chuẩn bị, tổ chức và thực
hiện các hoạt động du lịch được chú trọng. Các lợi ích kinh tế được chia đều;
không chỉ cho các công ty du lịch mà cả cho các thành viên cộng đồng.
b) Tôn trọng văn hóa địa phương và các
di sản thiên nhiên
Hầu hết các hoạt động du lịch đều tiềm
tàng các tác động cả tích cực và tiêu cực đến cộng đồng địa phương và
môi trường tự nhiên. Quan trọng là các giá trị văn hóa địa phương và môi trường
thiên nhiên được bảo vệ và tôn trọng thông qua các hoạt động tích cực của tất cả
các đối tác trong ngành Du lịch địa phương, điều này rất quan trọng để duy trì
cấu trúc xã hội địa phương. Do đó, các cộng đồng không chỉ phải nhận thức
được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cung cấp các trải nghiệm du lịch
thành công, mà còn phải hiểu các tác động tích cực và tiêu cực của du lịch mà
có thể ảnh hưởng đến họ và môi trường tự nhiên của họ do thiếu quy hoạch và quản
lý.
c) Chia sẻ lợi ích
Việc chia sẻ các lợi ích từ du lịch
cho cộng đồng đòi hỏi cộng đồng có thể nhận được các lợi ích giống như các đối
tác liên quan khác. Trong việc chia sẻ lợi ích, doanh thu từ các hoạt động du lịch
thường được chia cho tất cả những người tham gia, và một phần riêng đóng để góp
cho toàn bộ cộng đồng địa phương thông qua quỹ cộng đồng, quỹ này có thể được sử
dụng cho các mục đích như tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhu cầu, đường, điện hoặc
các lĩnh vực lợi ích cộng đồng khác như y tế và giáo dục.
d) Sở hữu và tham gia của địa phương
Du lịch cộng đồng thành công sẽ khai
thác một cách hiệu quả các nguồn lực của cộng đồng địa phương để đạt được các kết
quả trong du lịch. Sự tham gia của cộng đồng địa phương từ khâu lập kế hoạch đến
thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động du lịch là rất quan trọng và là một
cách tốt nhất để đảm bảo đạt được quyền sở hữu của cộng đồng và tạo điều kiện
phát huy tối đa sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Cần tạo cơ chế để các cơ quan quản lý
Nhà nước về du lịch và các tổ chức tư nhân phối hợp với các cộng đồng phát triển
các sản phẩm du lịch, hỗ trợ cộng đồng thúc đẩy phát triển du lịch tại địa
phương mình.
III. CÁC THÀNH PHẦN
VÀ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
1. Các thành phần
tham gia vào du lịch cộng đồng
Mặc dù DLCĐ là hoạt động của người
dân, nhưng để cho ra một sản phẩm DLCĐ hoàn chỉnh thì cần có sự tham gia, phối hợp,
liên kết giữa rất nhiều bên lại với nhau, đó là:
- Cộng đồng dân cư địa phương
là chủ thể, đóng vai trò quyết định phát triển DLCĐ
- Khách du lịch là những người
có mong muốn trải nghiệm, tìm hiểu về DLCĐ
- Các công ty du lịch lữ hành và
các doanh nghiệp vận tải là người đưa khách đến với DLCĐ tại địa phương
- Chính quyền địa phương các cấp
có trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng địa phương để vận hành mô hình DLCĐ về chủ trương,
đường lối, định hướng phát triển; hỗ trợ về việc đảm bảo an ninh trật tự, cơ sở
hạ tầng, giao thông; hỗ trợ về thủ tục vay vốn, đăng ký kinh doanh, v.v...
- Các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về
du lịch hỗ trợ về tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ
DLCĐ; đào tạo về ngoại ngữ; hỗ trợ về kỹ năng quản lý, về định hướng xây dựng
mô hình DLCĐ và phát triển các sản phẩm dịch vụ DLCĐ, v.v....
- Các tổ chức đoàn thể như Hội
Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, v.v.., có chức năng tuyên truyền vận động
người dân tham gia DLCĐ và giới thiệu nhân sự tham gia vào các tổ dịch vụ DLCĐ: tổ dịch
vụ hướng dẫn, tổ dịch vụ lưu trú - ăn uống; tổ dịch vụ vận chuyển; tổ văn nghệ,
v.v…
- Các tổ chức phi chính phủ có
thể hỗ trợ phát triển DLCĐ về vốn ban đầu, về CSVCKT, hướng dẫn các kỹ năng về
DLCĐ, v.v...
2. Cơ chế hoạt động của
du lịch cộng đồng
Cần phải thấy rằng, DLCĐ tuy là hoạt động kinh
doanh du lịch do người dân thực hiện, nhưng nếu không có mô hình tổ chức quản
lý phù hợp và duy trì hiệu quả thì rất dễ xảy ra nguy cơ tan vỡ do nhiều lý do
khách quan và chủ quan. Vì vậy, việc xây dựng mô hình tổ chức quản lý DLCĐ là rất
cần thiết.
Về nguyên tắc, mô hình tổ chức quản lý
DLCĐ cần có sự tham gia hỗ trợ của nhiều thành phần, trong đó có các thành phần
chính là: (1) Chính quyền địa phương; (2) Doanh nghiệp du lịch; (3) Chuyên gia
tư vấn.
Chủ thể tham gia DLCĐ là người dân địa
phương thông qua đại diện là Ban quản lý DLCĐ (còn gọi là Ban đại diện DLCĐ).
Ban này có chức năng điều hành phối hợp các thành viên trong cộng đồng làm du lịch
và liên kết với doanh nghiệp lữ hành để tạo nguồn khách du lịch đến với cộng đồng.
Ban quản lý DLCĐ có nhiệm vụ quản lý,
điều hành hoạt động của các tổ dịch vụ để tạo sự phối hợp, liên kết giữa các hộ
dân làm DLCĐ để cùng cung cấp chuỗi sản phẩm du lịch cho du khách đến với DLCĐ
của địa phương. Ban quản lý DLCĐ có thể bao gồm Trưởng ban, 1 hoặc 2 Phó ban, một
số Ủy viên và 1 Kế toán.
Hình 1: Sơ đồ
mô hình tổ chức quản lý DLCĐ
Lưu ý: Hiện nay
chưa có mô hình DLCĐ thống nhất cho các địa phương bởi điều kiện và trình độ
phát triển DLCĐ ở từng địa phương là khác nhau. Dựa trên nguyên tắc chung, các
địa phương sẽ xây dựng cho mình một mô hình tổ chức quản lý DLCĐ phù hợp.
IV. THỰC TIỄN PHÁT
TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
1. Du lịch cộng đồng trên
thế giới
Trên thế giới, DLCĐ đang là trào lưu
được ưa chuộng. Theo kết quả khảo sát về xu hướng nhu cầu của khách du lịch được
thực hiện gần đây bởi tổ chức AC Nielsen (do Tổ chức phát triển Hà Lan ủy thác)
cho thấy: 65% số du khách muốn trải nghiệm văn hóa và di sản của địa phương;
54% số du khách muốn trải nghiệm thiên nhiên, nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe;
84% số du khách muốn tham quan danh lam thắng cảnh địa phương; 48% số du khách
sẵn sàng chi trả nhiều hơn để trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương... Kết
quả nghiên cứu này đã phần nào lý giải cho sự chuyển dịch trong cơ cấu phát triển
ngành du lịch các năm qua, trong đó có sự “Iên ngôi” của loại hình DLCĐ. Cũng
chính vì thế, tại nhiều quốc gia, du Iịch cộng đồng được hết sức quan tâm, chú
trọng đầu tư phát triển để mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế.
Ở Mỹ, dân cư da đỏ bang Massachusets
làm DLCĐ khá thành công. Tại đây, cộng đồng dân cư được tham gia các hoạt động
trình diễn văn hóa bản địa, kinh doanh lưu trú (homestay) và cung cấp các dịch
vụ ăn uống, hướng dẫn du lịch, vận chuyển khách,... Người dân ở đây vẫn sống trong những
ngôi nhà đầy đủ tiện nghi nhưng vẫn duy trì ngôi làng được xây dựng theo mô
hình truyền thống. Khi có đoàn khách đến tham quan, họ được báo trước 24 giờ, người
da đỏ sẽ tái hiện giai đoạn lịch sử thực dân Anh tấn công. Du khách được chiêm
ngưỡng cảnh chiến đấu như thật, chia sẻ những cảm xúc của họ, thưởng thức các bữa
ăn, tham gia vào các cuộc tế lễ như những thành viên của cộng đồng; Mặc dù chi
phí thường khá cao, nhưng vẫn hấp dẫn du khách. Doanh thu để lại cho cộng đồng,
chiếm trên 50%.
Ở vùng nông thôn Wallonie của
vương quốc Bỉ có phong cảnh đẹp, thanh bình. Người dân còn giữ được nhiều ngôi
nhà cổ, nhiều nét văn hóa truyền thống còn được bảo tồn nên có tiềm năng phát
triển DLCĐ. Cơ quan quản lý du lịch địa phương đã ban hành các chính sách phát
triển du lịch như các điều kiện chất lượng của cơ sở lưu trú, ăn uống, cấp biển
hiệu nhà nghỉ, điều kiện gia nhập hiệp hội kinh doanh lưu trú, hỗ trợ vốn, đóng
góp lệ phí, đào tạo nhân lực. Để được cấp biển hiệu DLCĐ, chủ nhà phải được cấp
giấy chứng nhận thành viên và phải cam kết đảm bảo chất lượng quy định; phải phục
vụ bữa ăn sáng và bữa ăn chính khi khách có yêu cầu; phải luôn tạo cho khách một
kỳ nghỉ thoải mái qua văn hóa ứng xử lịch sự, hiếu khách và qua cung cấp các dịch
vụ có chất lượng; đồng thời, phải giới thiệu thông tin về các sự kiện văn hóa của
địa phương để khách có thể tham gia. Mỗi chủ nhà chỉ sử dụng tối đa 5 buồng và để
tránh trường hợp thừa khách thì chủ nhà có thể thuê các nhà nghỉ khác trong hiệp
hội hoặc thông qua trung tâm thông tin du lịch. Giá cả dịch vụ phải niêm yết rõ
ràng.
Ở Nepal, khu bảo tồn thiên nhiên
Annapurna rộng 7.629 km2, nằm ở vùng núi Himalaya, dân cư chỉ có hơn
125.000 người bao gồm các dân tộc thiểu số Gurung, Thakali, Manangba... Năm
1986, Dự án khu bảo tồn Annapuma được thành lập với với mục tiêu phát triển du
lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên. Dự án đã xây dựng các khu vườn ươm
cây giống để cung cấp cho cộng đồng và các chương trình trồng rừng của tư nhân,
xây dựng kho chứa nhiên liệu dầu, gas để thay thế củi, khuyến khích cộng đồng
xây dựng trạm; thủy điện nhỏ. Dự án đã trao quyền cho cộng đồng địa
phương trong các dịch vụ như kinh doanh lưu trú (homestay); hướng dẫn đi bộ
tham quan rừng (trekking), dịch vụ ăn uống, giặt đồ, tổ chức các quán trà (tea
house). Lợi nhuận du lịch sử dụng 15% cho bảo tồn thiên nhiên, 35% cho chữa
cháy và bảo trì các thiết bị du lịch, 50% cho hỗ trợ phát triển cộng đồng.
Ở Thái Lan, bản Huay Hee thuộc miền
núi phía bắc Thái Lan. Dân cư địa phương chủ yếu là người Karen với 26 hộ, 127
người. Họ sống chủ yếu bằng nghệ canh tác nương rẫy và khai thác rừng, tự cung
tự cấp, mức sống thấp. Sự phong phú về tài nguyên ở đây đã thu hút nhiều du
khách đến tham quan. Lượng khách đông đã phá vỡ sự yên tĩnh của rừng nguyên
sinh, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội và tác động xấu đến đời sống văn hóa truyền
thống. Để phục vụ cho DLCĐ, một Ban quản lý đã được thành lập gồm có 1 trưởng
ban và 5 ủy viên (dịch vụ, an ninh, tài chính, đào tạo, thư ký & quảng bá
du lịch).
Các thành viên tham gia DLCĐ tự điều
chỉnh theo phương pháp luân phiên để bảo đảm đoàn kết và sự công bằng. Nguyên tắc
chia sẻ lợi ích: người cung cấp dịch vụ được hưởng 80%; Ban quản lý du lịch hưởng
15%; còn 5% đóng góp vào quỹ phát triển cộng đồng. Kết quả là khách du lịch và
thu nhập của các hộ tăng nhanh. Mức độ chi tiêu trung bình 15-25 USD/khách (nếu tính cả
chi phí vận chuyển từ Bangkok đến thì khoảng 40-60 USD/khách); thời gian lưu
trú khoảng 3-4 ngày.
Trong những năm gần đây, Campuchia và
Lào cũng đẩy mạnh phát triển DLCĐ và đạt nhiều kết quả tích cực. Ở Campuchia,
mô hình DLCĐ tại tỉnh Chi Phat được thành lập năm 2007 với sự hỗ trợ của Liên
minh cứu hộ động vật hoang dã, đã góp phần chuyển đổi sinh kế thông qua hoạt động du
lịch, giảm bớt nguy cơ phá hủy các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.
Các nguồn thu cho mô hình DLCĐ của Chi Phat từ các tổ chức phi chính phủ và từ
khách du lịch. 20% tổng số đó được đóng góp cho quỹ phát triển DLCĐ, trong đó:
Tiết kiệm 14%; Chi phí cho vận hành dự án, duy trì sản phẩm, hoạt động và thu
gom rác thải 25%; Phát triển cộng đồng, đường xá, trường học, chùa, cầu và các
công trình công cộng 2%; Hỗ trợ kiểm lâm 5%; Marketing 7%; Hỗ trợ người già và
hoạt động từ thiện 1%; Hỗ trợ Ban quản lý DLCĐ 45%; Hỗ trợ quỹ tham gia phát
triển du lịch sinh thái 1%.
Ở Lào có 11 tỉnh trong cả nước triển khai các mô
hình DLCĐ với những sản phẩm chính như: đi bộ đường mòn (trekking); homestay;
tham quan bằng tàu; cưỡi voi, quan sát các loài chim; bán sản phẩm thủ công; cắm
trại; biểu diễn văn hóa. Điển hình về DLCĐ tại Lào là Công viên bảo tồn động vật
hoang dã Nam Nern (Nam Nern
Night Safari) nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn Nam Et-Phou, thuộc tỉnh
Huaphan. Chương trình DLCĐ này do Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã phối hợp
xây dựng với 14 bản của tỉnh Huaphan. Có 5 nhóm công tác tham gia cung cấp dịch
vụ, mỗi nhóm khoảng 5-10
người, gồm nhóm hướng dẫn viên, tàu tham quan, nấu ăn, cắm trại và sản xuất thủ
công. Cơ chế tài chính: Thu nhập được chia đều cho 14 bản và quỹ đóng góp trực
tiếp cho bảo vệ rừng, bảo tồn và các chương trình phát triển kinh tế dựa trên
hoạt động du lịch của các bản.
2. Du lịch cộng đồng
tại Việt Nam
Tại Việt Nam những năm gần đây, sự
phát triển DLCĐ có chiều hướng “tăng trưởng nóng”. Nhiều địa phương đã nhanh
chóng nắm bắt cơ hội và dựa trên thế mạnh sẵn có về cảnh quan thiên nhiên và bản
sắc văn hóa đã tập trung phát triển DLCĐ với nhiều sản phẩm đa dạng, hấp dẫn.
Tiêu biểu có thể kể đến tỉnh Lào Cai với các địa điểm du lịch cộng đồng như bản
Cát Cát, bản Dền, bản Hồ
ở Sa Pa; tỉnh Sơn La với cao nguyên Mộc Châu; tỉnh Hòa Bình với bản Lát; tỉnh
Quảng Nam với Hội An...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi
và thành tựu kể trên, trên thực tế cũng xuất hiện tình trạng một số nơi chính
quyền địa phương và cơ quan hữu quan còn chậm vào cuộc, người dân nhiều khi quá
sốt sắng dẫn đến làm du lịch với tâm lý “mạnh ai nấy làm”, hoặc theo kiểu phong
trào, kinh doanh theo kiểu “chụp giật”
với tầm nhìn ngắn hạn, không được hoạch định có bài bản khiến việc phát triển
DLCĐ nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế.
Một số nơi xảy ra tình trạng đua nhau
xây dựng các homestay phục vụ khách du lịch theo kiểu “tây” với các món ăn “tây”, nhập
hàng hóa từ nơi khác về bán cho du khách để có lợi nhuận cao hơn. Điều này vừa
không đáp ứng được điều mà du khách mọng muốn, chờ đợi, thậm chí còn gây phản
tác dụng, ảnh hưởng lâu dài nếu cứ tiếp
tục lối kinh doanh thiếu bản sắc, chắp
vá, và cóp nhặt như vậy.
Ở một số nơi, do thiếu sự tổ chức, thiếu
sự chuẩn bị, thiếu kỹ năng, lại nóng vội thu lợi nhuận dẫn đến tình trạng “nhà
nhà làm du lịch”, tạo nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thu hút khách bằng mọi
giá... Bên cạnh đó là hiện tượng chèn ép, tăng giá, chất lượng dịch vụ không bảo
đảm, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch vụ lưu trú chưa thực sự được
chú trọng, gây ức chế cho du khách. Thậm chí, vì lợi nhuận trước mắt mà người
dân đã bỏ nghề truyền thống, vốn là nét đặc sắc riêng của cộng đồng bản địa, để
chạy theo du lịch, khiến cho sự đa dạng về cơ cấu ngành nghề đã bị thu hẹp, đơn
điệu, mai một, dẫn đến mất khả năng thu hút khách du lịch.
Vì vậy, để DLCĐ phát triển bền vững,
chính quyền địa phương cần có định hướng, kế hoạch phát triển bài bản, khoa học
và thiết thực, tạo cơ chế chính sách phù hợp, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ
người dân phát triển DLCĐ qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức làm du
lịch, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng, chủ động đa dạng hóa
các dịch vụ đi kèm, tăng cường hoạt động quảng bá, tiếp thị. Đồng thời cũng cần
huy động được sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trên địa bàn như y tế, đoàn thanh niên,
lực lượng an ninh,... cùng tham gia hỗ trợ người dân để hoạt động du lịch thật
sự phát huy hiệu quả.
3. Bài học kinh nghiệm
cho phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Kiên Giang
Chương 2
TIỀM
NĂNG, THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI TỈNH KIÊN GIANG
I. KHÁI QUÁT TỈNH
KIÊN GIANG
1. Vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên
2. Đặc điểm kinh tế-xã hội
II. TIỀM NĂNG PHÁT
TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH KIÊN GIANG
1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
2. Tài nguyên du lịch văn hóa
3. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất-kỹ
thuật phục vụ du lịch
4. Các điều kiện khác ảnh hưởng đến
phát triển du lịch cộng đồng
5. Đánh giá chung về tiềm năng phát
triển du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang
III. THỰC TRẠNG PHÁT
TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH KIÊN GIANG
1. Khái quát chung về tình hình phát
triển du lịch của tỉnh
2. Tình hình triển khai các chương
trình, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng
3. Thực trạng các địa bàn du lịch cộng
đồng hiện có
4. Khó khăn, tồn tại và nguyên nhân
Chương 3
ĐỊNH
HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH KIÊN GIANG
I. CÁC CĂN CỨ CHỦ YẾU
1. Các văn bản chỉ đạo điều hành
2. Quan điểm phát triển
Quan điểm phát triển du lịch cộng đồng
gắn với cộng đồng dân cư địa phương trên địa bàn tỉnh, bảo vệ tài nguyên, bảo tồn
và phát huy các giá trị tài nguyên văn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, an
ninh, quốc phòng. Phát triển đa dạng và bền vững các sản phẩm, mô hình sản xuất
nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thủ công mỹ
nghệ, làng nghề truyền thống.... Tranh thủ huy động mọi điều kiện, nguồn lực nhằm
khai thác có hiệu quả các điều kiện, tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch
cộng đồng trên địa bàn tỉnh; ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển du
lịch tại các địa bàn nông thôn, ven biển thực hiện lồng ghép với các chương trình,
dự án như chương trình nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để
thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch tỉnh Kiên Giang trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển du lịch cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng
phát triển du lịch của tỉnh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
bền vững...
3. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội,
thách thức đối với phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang
a) Điểm mạnh
b) Điểm yếu
c) Cơ hội
d) Thách thức
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT
TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH KIÊN GIANG
1. Định hướng không gian phát triển du
lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang
2. Định hướng về thị trường du lịch cộng
đồng tỉnh Kiên Giang
3. Định hướng về sản phẩm du lịch cộng
đồng tỉnh Kiên Giang
III. ĐỀ XUẤT CÁC DỰ
ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH KIÊN GIANG
1. Dự án lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật;
quy hoạch cụm du lịch cộng đồng phù hợp với tiêu chí công nhận khu điểm du lịch
theo Luật Du lịch, phù hợp với quy hoạch của ngành
2. Dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải phục
vụ du lịch cộng đồng
3. Dự án đầu tư các công trình vệ sinh
môi trường phục vụ du lịch cộng đồng
4. Dự án xây dựng mô hình phát triển
DLCĐ tại các địa bàn trọng điểm
5. Dự án xây dựng mô hình sản xuất
nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái
6. Dự án phát triển du lịch cộng đồng
gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương
7. Dự án phát triển nguồn nhân lực cho
du lịch cộng đồng
8. Dự án xây dựng cơ chế chính sách
phát triển du lịch cộng đồng
IV. GIẢI PHÁP PHÁT
TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TỈNH KIÊN GIANG
1. Giải pháp về cơ chế chính sách và
công tác quản lý nhà nước
2. Giải pháp về quy hoạch
3. Giải pháp về thu hút đầu tư
4. Giải pháp phối hợp các bên tham gia
5. Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch
6. Giải pháp xúc tiến, quảng bá
7. Giải pháp về tài chính, tín dụng
8. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
9. Giải pháp liên kết, hợp tác và xã hội
hóa
10. Giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi
trường du lịch
Chương 4
TỔ
CHỨC VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
I. KẾ HOẠCH TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN THEO TỪNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
1. Năm 2021-2022
2. Năm 2023
3. Năm 2024
4. Năm 2025
5. Định hướng đến năm 2030
II. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ
KHI TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN
1. Hiệu quả về kinh tế
2. Hiệu quả về xã hội
3. Hiệu quả về môi trường
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Du lịch
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
3. Sở Tài chính
4. Sở Văn hóa và Thể thao
5. Sở Nội vụ
6. Sở Khoa học và Công nghệ
7. Sở Thông tin và Truyền thông
8. Sở Nông nghiệp & PTNT
9. Sở Công thương
10. Sở Giao thông vận tải
11. Sở Y tế
12. Sở Giáo dục và Đào tạo
13. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương
mại và Du lịch tỉnh
14. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các Ban ngành có liên quan
15. Hiệp hội Du lịch tỉnh
16. Liên minh Hợp tác xã
17. Các tổ chức hội & đoàn thể: Hội
Nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên
18. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;
xã, phường, thị trấn
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM
KHẢO
Lê Huy Hải (2019). Phát triển du lịch
cộng đồng ở xã đảo Tiên Hải. Truy cập tại
địa chỉ https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/30650
Lê Thị Tố Quyên, Lý Mỷ Tiên
& Huỳnh Tấn Mãi, 2019. ‘Các nhân tố tác động đến sự phát triển du lịch tại
quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, Kiên Giang’. Tạp chí Khoa học Trường Đại học
Cần Thơ. 55(1C): 100-112
Lương Ngọc Bích (2016). Kiên Giang
phát triển du lịch văn hóa. Tạp chí Du lịch.
Truy cập tại địa chỉ http://www.vtr.org.vn/kien-giang-phat-trien-du-lich-van-hoa.html
Nguyễn Hồng Hà & Hà Minh Thảo
(2020). ‘Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng của hộ gia đình tại Quần đảo Nam Du,
tỉnh Kiên Giang’. Tạp chí Công Thương, số 22, tháng 9 năm 2020.
Nguyễn Thanh Tùng & Trương Trí
Thông, 2019. ‘Nghiên cứu phát triển du lịch homestay vùng ven biển huyện An
Biên, tỉnh Kiên Giang’. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 55(4C):
101-112.
Phạm Trung Lương (2019). Nghiên cứu
xây dựng mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Dự
trữ Sinh quyển Kiên Giang. Nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia (Mã số:
12/15-ĐTĐL.XH-XHTN).
PHỤ
LỤC
DỰ
TOÁN KINH PHÍ ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TRÊN BỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG,
GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
(Kèm theo Quyết định số 2132/QĐ-UBND ngày 02 tháng 9 năm 2021 của Chủ tịch
UBND tỉnh Kiên Giang)
Đơn vị tính: Đồng
STT
|
Nội dung
công việc
|
Dự toán đề
nghị
|
Dự toán thẩm
định
|
Ghi chú
|
Thành tiền
(đồng)
|
Đơn vị tính
|
Số lượng
|
Đơn giá (đồng)
|
Thành tiền
(đồng)
|
I
|
CHI PHÍ XÂY
DỰNG ĐỀ ÁN
|
242,177,500
|
|
|
|
209,590,000
|
Vận dụng theo Nghị định số
204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ (Bảng 3) và Nghị định số
38/2019/NĐ-CP ngày
9/5/2019 của Chính phủ
|
1
|
Chủ trì Đề án (1 người):
|
86,240,000
|
|
|
|
73,590,000
|
|
|
Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, kế hoạch
và khung khảo sát
|
8,624,000
|
|
11
|
669,000
|
7,359,000
|
|
|
Hướng dẫn triển khai, phân công công việc,
quản lý tiến độ
thực hiện
|
34,496,000
|
|
44
|
669,000
|
29,436,000
|
|
|
Giám sát và chịu trách nhiệm về chất
lượng đề án
|
34,496,000
|
|
44
|
669,000
|
29,436,000
|
|
|
Báo cáo trước Cơ quan đầu tư và cơ
quan có thẩm quyền về tiến độ, chất lượng đề án
|
8,624,000
|
|
11
|
669,000
|
7,359,000
|
|
2
|
Các thành viên thực
hiện đề án (5
người)
|
155,937,600
|
|
|
|
136,000,000
|
|
|
Chuyên đề: Phân tích tiềm năng phát
triển du lịch cộng đồng cho từng vùng (4 vùng)
|
36,691,200
|
Vùng
|
4
|
8,500,000
|
34,000,000
|
|
|
Chi phí thực hiện
cho 1 vùng
|
416,945
|
Công
|
20
|
425,000
|
8,500,000
|
|
|
Chuyên đề: Đánh giá thực trạng phát
triển du lịch cộng đồng cho từng vùng (4 vùng)
|
36,691,200
|
Vùng
|
4
|
8,500,000
|
34,000,000
|
|
|
Chi phí thực hiện
cho 1 vùng
|
416,945
|
Công
|
20
|
425,000
|
8,500,000
|
|
|
Chuyên đề: Lựa chọn các địa bàn trọng
điểm về phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Kiên Giang
|
18,345,600
|
Công
|
40
|
425,000
|
17,000,000
|
|
|
Chuyên đề: Định hướng phát triển du
lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang
|
18,345,600
|
Công
|
40
|
425,000
|
17,000,000
|
|
|
Chuyên đề: Các giải pháp phát triển
du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang
|
18,345,600
|
Công
|
40
|
425,000
|
17,000,000
|
|
|
Xây dựng kế hoạch triển khai đề án
|
9,172,800
|
Công
|
20
|
425,000
|
8,500,000
|
|
|
Khái toán các nguồn vốn
thực hiện đề án
|
18,345,600
|
Công
|
20
|
425,000
|
8,500,000
|
|
II
|
CHI PHÍ HỘI
NGHỊ, HỘI HỌP VÀ CỘNG BỐ ĐỀ ÁN
|
12,793,720
|
|
|
|
24,050,000
|
Vận dụng theo Nghị quyết số
103/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của HĐND tỉnh
|
1
|
Báo cáo và thông
qua đề án
|
7,150,000
|
|
|
|
7,050,000
|
|
|
Chủ trì Đề án
|
150,000
|
Người
|
1
|
150,000
|
150,000
|
|
|
Thành viên tham dự
|
2,500,000
|
Người
|
24
|
100,000
|
2,400,000
|
|
|
Nước uống
|
500,000
|
Người
|
25
|
20,000
|
500,000
|
|
|
Ý kiến tham luận bằng văn bản của
thành viên tham dự
|
2,000,000
|
Người
|
10
|
200,000
|
2,000,000
|
|
|
Ý kiến phản biện độc lập của chuyên
gia
|
2,000,000
|
Người
|
2
|
1,000,000
|
2,000,000
|
|
2
|
Chi phí báo cáo,
thông qua đề án
|
5,643,720
|
|
|
|
7,200,000
|
|
|
Phụ cấp lưu trú
|
1,200,000
|
Ngày
|
6
|
200,000
|
1,200,000
|
|
|
Phòng nghỉ
|
2,100,000
|
Đêm
|
6
|
350,000
|
2,100,000
|
|
|
Thuê xe di chuyển Cần Thơ - Kiên
Giang - Cần Thơ
|
2,343,720
|
Km
|
1000
|
3,900
|
3,900,000
|
|
3
|
Hội thảo khoa học
|
12,700,000
|
|
|
|
9,800,000
|
Vận dụng
70% của Quyết định 19/2016/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh;
Nghị quyết
số 90/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của HĐND tỉnh
|
|
Chủ trì hội thảo (1 người)
|
1,050,000
|
Buổi
|
1
|
735,000
|
735,000
|
|
Thư ký hội thảo (1 người)
|
350,000
|
Buổi
|
1
|
245,000
|
245,000
|
|
Báo cáo viên trình bày tại hội thảo
(4 báo cáo)
|
5,600,000
|
Báo cáo
|
4
|
980,000
|
3,920,000
|
|
Thành viên tham dự hội thảo (20 người)
|
2,800,000
|
|
20
|
100,000
|
2,000,000
|
|
Tài liệu phục vụ hội thảo
|
400,000
|
|
20
|
20,000
|
400,000
|
|
Thuê xe phục vụ hội thảo
|
2,500,000
|
|
1
|
2,500,000
|
2,500,000
|
III
|
CHI PHÍ KHẢO
SÁT, NGHIÊN CỨU ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
|
172,734,029
|
|
|
|
169,448,000
|
Vận dụng theo Nghị định số
204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ;
Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày
9/5/2019 của Chính phủ;
Nghị quyết số 90/2017/NQ-HĐND ngày
20/7/2017 của HĐND tỉnh
|
1
|
Khảo sát, nghiên cứu
tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch cộng đồng cho 4 vùng: (1) Hà Tiên
- Kiên Lương và phụ cận, (2) Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận, (3) U Minh Thượng
và phụ cận, (4) Phú Quốc: 3 người*4 ngày/đợt
|
84,023,295
|
vùng
|
4
|
20,596,000
|
82,384,000
|
|
|
Chi tiết cho 1
vùng, trong đó:
|
|
|
|
20,596,000
|
|
|
|
Phụ cấp lưu trú (3 người x 4 ngày)
|
2,400,000
|
Ngày
|
12
|
200,000
|
2,400,000
|
|
|
Phòng nghỉ (3 người x 3 đêm)
|
3,150,000
|
Đêm
|
9
|
350,000
|
3,150,000
|
|
|
Công làm việc
|
6,471,564
|
|
|
|
|
|
|
Chủ nhiệm nhiệm vụ
(1 người x 4 công)
|
3,136,000
|
Công
|
4
|
669,000
|
2,676,000
|
|
|
Thành viên thực hiện
(2 người x 4 công)
|
6,272,000
|
Công
|
8
|
425,000
|
3,400,000
|
|
|
Thuê xe di chuyển
|
8,984,260
|
|
|
|
|
|
|
Cần Thơ - Kiên
Giang - Cần Thơ
|
2,343,720
|
Km
|
600
|
3,900
|
2,340,000
|
|
|
Di chuyển tại Kiên
Giang (giữa các điểm của cụm)
|
6,640,540
|
Km
|
1700
|
3,900
|
6,630,000
|
|
2
|
Khảo sát, nghiên cứu
để lựa chọn địa bàn trọng điểm phát triển du lịch cộng đồng cho 4 vùng: (1) Hà Tiên
- Kiên Lương và phụ cận, (2) Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận, (3) U Minh Thượng
và phụ cận (4) Phú Quốc: 3 người*4 ngày/đợt
|
88,710,735
|
vùng
|
4
|
21,766,000
|
87,064,000
|
|
|
Chi tiết cho 1
vùng, trong đó:
|
|
|
|
21,766,000
|
|
|
|
Phụ cấp lưu trú (3 người x 4 ngày)
|
2,400,000
|
Ngày
|
12
|
200,000
|
2,400,000
|
|
|
Phòng nghỉ (3 người x 3 đêm)
|
3,150,000
|
Đêm
|
9
|
350,000
|
3,150,000
|
|
|
Công làm việc
|
6,471,564
|
|
|
|
|
|
|
Chủ nhiệm nhiệm vụ
(1 người x 4 công)
|
3,136,000
|
Công
|
4
|
669,000
|
2,676,000
|
|
|
Thành viên thực hiện
chính (2
người
x 4 công)
|
6,272,000
|
Công
|
8
|
425,000
|
3,400,000
|
|
|
Thuê xe di chuyển
|
10,156,120
|
|
|
|
|
|
|
Cần Thơ - Kiên
Giang - Cần Thơ
|
2,343,720
|
Km
|
600
|
3,900
|
2,340,000
|
|
|
Di chuyển tại Kiên
Giang (giữa các điểm của cụm)
|
7,812,400
|
Km
|
2000.
|
3,900
|
7,800,000
|
|
IV
|
VĂN PHÒNG
PHẨM, IN ẤN TÀI LIỆU
|
12,270,360
|
|
|
|
12,271,000
|
|
1
|
Văn phòng phẩm
|
3,020,360
|
|
|
|
3,021,000
|
|
|
Giấy A4 trắng
|
195,360
|
Ram
|
2
|
98,000
|
196,000
|
|
|
Giấy A0
|
200,000
|
Cuộn
|
1
|
200,000
|
200,000
|
|
|
Sổ ghi chép (phỏng vấn, nghiên cứu)
|
300,000
|
Cuốn
|
10
|
30,000
|
300,000
|
|
|
Viết bi
|
300,000
|
Hộp
|
5
|
60,000
|
300,000
|
|
|
Bút viết bảng
|
350,000
|
Bộ
|
5
|
70,000
|
350,000
|
|
|
Bìa nút hồ sơ
|
75,000
|
Cái
|
15
|
5,000
|
75,000
|
|
|
In ấn, sao chụp tài liệu phục vụ
nghiên cứu
|
1,600,000
|
Đợt
|
4
|
400,000
|
1,600,000
|
|
2
|
In ấn, photo tài liệu,
báo cáo phụ vụ hội nghị, sản phẩm giao
|
9,250,000
|
|
|
|
9,250,000
|
|
|
Tài liệu phục vụ báo cáo, hội đồng
nghiệm thu
|
5,000,000
|
Bộ
|
25
|
200,000
|
5,000,000
|
|
|
Tài liệu gửi xin ý kiến các Sở, ban,
ngành
|
2,250,000
|
Bộ
|
15
|
150,000
|
2,250,000
|
|
|
Sản phẩm giao nộp
|
2,000,000
|
Bộ
|
10
|
200,000
|
2,000,000
|
|
V
|
TỔNG TRƯỚC
THUẾ (I+II+III+IV)
|
452,675,709
|
|
|
|
415,359,000
|
|
VI
|
THUẾ (10%)
|
45,267,571
|
|
|
|
41,536,000
|
|
VII
|
TỔNG DỰ
TOÁN (V+VI)
|
497,943,280
|
|
|
|
456,895,000
|
|
Kính gửi: Sở Du lịch tỉnh Kiên
Giang
Căn cứ Công văn số 3607/VP-KGVX ngày
28/5/2021 của Văn phòng UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương cho thuê đơn vị
tư vấn xây dựng các Đề án phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang giai đoạn
2021-2025.
Sở Tài chính nhận được Công văn số
257/SDL-KHNCPT ngày 15/6/2021 của Sở Du lịch về việc thẩm định kinh phí Đề án “Phát triển
du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai
đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Công văn số 288/SDL-VP ngày 23/6/2021
của Sở Du lịch về việc góp ý dự thảo Đề cương và dự toán kinh phí các Đề án của
Sở Du lịch.
Trên cơ sở dự toán kinh phí của 03 đề
án kèm theo, Sở Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về nội dung chi, mức chi: Trên cơ sở nội dung và khối lượng
công việc thực hiện của các đơn vị đã chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của các cơ
quan, đơn vị có chuyên môn, Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí thực hiện của
03 Đề án, với tổng kinh phí: 1.319.738.000 đồng, đề nghị đơn vị cân đối trong tổng
nguồn kinh phí đã được thẩm định để thực hiện trên tinh thần tiết kiệm, đảm bảo
việc sử dụng kinh phí đúng mục đích và thực hiện thanh quyết toán đúng theo quy
định hiện hành. Cụ thể:
- Đề án “Phát triển du lịch nông thôn
gắn với Chương
trình OCOP trên địa
bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”: dự toán
kinh phí: 459.843.000 đồng, (phụ lục 1 chi tiết kèm theo).
- Đề án “Phát triển các sản phẩm ngành
nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng
đến năm 2030”: dự toán kinh phí: 403.000.000 đồng, (phụ lục 2 chi tiết kèm
theo).
- Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng
trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”: dự
toán kinh phí: 456.895.000 đồng,(phụ lục 3 chi tiết kèm theo).
2. Về nguồn thực hiện: Sau khi Đề án được cấp có
thẩm quyền phê duyệt, đề nghị Sở Du lịch có văn bản gửi Sở Tài chính
tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước.
Trên đây là ý kiến của Sở Tài chính về
dự toán kinh phí xây dựng 03 Đề án của Sở Du lịch./.
Nơi nhận:
-
Như trên;
- Lưu: VT, TCHCSN, ptcxuan.
|
GIÁM ĐỐC
Trần Minh Khoa
|
PHỤ
LỤC 3:
DỰ
TOÁN KINH PHÍ ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG,
GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
(Kèm theo Công văn số 1266/STC-TCHCSN ngày 06
tháng 7 năm 2021 của Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang)
STT
|
Nội dung
công việc
|
Dự toán đề
nghị
|
Dự toán thẩm
định
|
Ghi chú
|
Thành tiền
(đồng)
|
Đơn vị tính
|
Số lượng
|
Đơn giá (đồng)
|
Thành tiền
(đồng)
|
I
|
CHI PHÍ XÂY
DỰNG ĐỀ ÁN
|
242.177.600
|
|
|
|
209.590.000
|
Vận dụng theo Nghị định số
204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ (Bảng 3) và Nghị định số
38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019 của Chính phủ
|
1
|
Chủ trì Đề án (1 người):
|
86.240.000
|
|
|
|
73.590.000
|
|
|
Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, kế hoạch
và khung khảo sát
|
8.624.000
|
|
11
|
669.000
|
7.359.000
|
|
|
Hướng dẫn triển khai, phân công công
việc, quản lý tiến độ thực hiện
|
34.496.000
|
|
44
|
669.000
|
29.436.000
|
|
|
Giám sát và chịu trách nhiệm về chất
lượng đề án
|
34.496.000
|
|
44
|
669.000
|
29.436.000
|
|
|
Báo cáo trước Cơ quan đầu tư và cơ
quan có thẩm quyền về tiến độ, chất lượng đề án
|
8.624.000
|
|
11
|
669.000
|
7.359.000
|
|
2
|
Các thành viên thực
hiện đề án (5
người)
|
293.216.000
|
|
|
|
136.000.000
|
|
|
Chuyên đề: Phân tích tiềm năng phát
triển du lịch cộng đồng cho từng vùng (4 vùng)
|
68.992.000
|
Vùng
|
4
|
8.500.000
|
34.000.000
|
|
|
Chi phí thực hiện
cho 1 vùng
|
17.248.000
|
Công
|
20
|
425.000
|
8.500.000
|
|
|
Chuyên đề: Đánh giá thực trạng phát
triển du lịch cộng đồng cho từng vùng (4 vùng)
|
68.992.000
|
Vùng
|
4
|
8.500.000
|
34.000.000
|
|
|
Chi phí thực hiện
cho 1 vùng
|
17.248.000
|
Công
|
20
|
425.000
|
8.500.000
|
|
|
Chuyên đề: Lựa chọn các địa bàn trọng
điểm về phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Kiên Giang
|
34.496.000
|
Công
|
40
|
425.000
|
17.000.000
|
|
|
Chuyên đề: Định hướng phát triển du
lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang
|
34.496.000
|
Công
|
40
|
425.000
|
17.000.000
|
|
|
Chuyên đề: Các giải pháp phát triển
du lịch cộng đồng tỉnh Kiên Giang
|
34.496.000
|
Công
|
40
|
425.000
|
17.000.000
|
|
|
Xây dựng kế hoạch triển khai đề án
|
17.248.000
|
Công
|
20
|
425.000
|
8.500.000
|
|
|
Khái toán các nguồn vốn thực hiện đề
án
|
34.496.000
|
Công
|
20
|
425.000
|
8.500.000
|
|
II.
|
CHI PHÍ HỘI
NGHỊ, HỘI HỌP VÀ CÔNG BỐ ĐỀ ÁN
|
12.793.720
|
|
|
|
24.050.000
|
Vận dụng theo Nghị quyết số
103/2017/NQ-HĐND ngày
20/7/2017 của HĐNĐ tỉnh
|
1
|
Báo cáo và thông
qua đề án
|
7.150.000
|
|
|
|
7.050.000
|
|
|
Chủ trì Đề án
|
150.000
|
Người
|
1
|
150.000
|
150.000
|
|
|
Thành viên tham dự
|
2.500.000
|
Người
|
24
|
100.000
|
2.400.000
|
|
|
Nước uống
|
500.000
|
Người
|
25
|
20.000
|
500.000
|
|
|
Ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự
|
2.000.000
|
Người
|
10
|
200.000
|
2.000.000
|
|
|
Ý kiến phản biện độc lập của chuyên
gia
|
2.000000
|
Người
|
2
|
1.000.000
|
2.000.000
|
|
2
|
Chi phí báo cáo,
thông qua đề án
|
5.643.720
|
|
|
|
7.200.000
|
|
|
Phụ cấp lưu trú
|
1.200.000
|
Ngày
|
6
|
200.000
|
1.200.000
|
|
|
Phòng nghỉ
|
2.100.000
|
Đêm
|
6
|
350.000
|
2.100.000
|
|
|
Thuê xe di chuyển Cần Thơ -
Kiên Giang - Cần Thơ
|
2.343.720
|
Km
|
1000
|
3.900
|
3.900.000
|
|
3
|
Hội thảo khoa học
|
12.700.000
|
|
|
|
9.800.000
|
Vận dụng
70% của Quyết định 19/2016/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 của
Chủ tịch
UBND
tỉnh;
Nghị quyết
số 90/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của HĐND tỉnh
|
|
Chủ trì hội thảo (1 người)
|
1.050.000
|
Buổi
|
1
|
735.000
|
735.000
|
|
|
Thư ký hội thảo (1 người)
|
350.000
|
Buổi
|
1
|
245.000
|
245.000
|
|
|
Báo cáo viên trình bày tại hội thảo
(4 báo cáo)
|
5.600.000
|
Báo cáo
|
4
|
980,000
|
3.920.000
|
|
|
Thành viên tham dự hội thảo (20 người)
|
2.800.000
|
|
20
|
100.000
|
2.000.000
|
|
|
Tài liệu phục vụ hội thảo
|
400.000
|
|
20
|
20.000
|
400.000
|
|
|
Thuê xe phục vụ hội thảo
|
2.500.000
|
|
1
|
2.500.000
|
2.500.000
|
|
III
|
CHI PHÍ KHẢO
SÁT, NGHIÊN CỨU ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
|
172.734.029
|
|
|
|
169.448.000
|
Vận dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày
14/12/2004 của Chính phủ;
Nghị đinh số 38/2019/NĐ-CP ngày
9/5/2019 của Chính phủ;
Nghị quyết số 90/2017/NQ-HĐND ngày
20/7/2017 của HĐND tỉnh
|
1
|
Khảo sát, nghiên cứu
tiềm năng, hiện trạng phát triển du Iịch cộng đồng cho 4 vùng: (1) Hà
Tiên - Kiên Lương và phụ cận, (2) Rạch Giá - Kiên
Hải và phụ cận, (3) U Minh Thượng và phụ cận, (4) Phú Quốc: 3 ngày*4 người/đợt
|
84.023.295
|
vùng
|
4
|
20.596.000
|
82.384.000
|
|
|
Chi tiết cho 1
vùng, trong đó:
|
|
|
|
20.596.000
|
|
|
|
Phụ cấp lưu trú (3 người x 4 ngày)
|
2.400.000
|
Ngày
|
12
|
200.000
|
2.400.000
|
|
|
Phòng nghỉ (3 người x 3 đêm)
|
3.150.000
|
Đêm
|
9
|
350.000
|
3.150.000
|
|
|
Công làm việc
|
6.471.564
|
|
|
|
|
|
|
Chủ nhiệm nhiệm vụ
(1 người x 4 công)
|
3.136.000
|
Công
|
4
|
669.000
|
2.676.000
|
|
|
Thành viên thực hiện
(2 người x 4 công)
|
6.272.000
|
Công
|
8
|
425.000
|
3.400.000
|
|
|
Thuê xe di chuyển
|
8.984.260
|
|
|
|
|
|
|
Cần Thơ - Kiên Giang
- Cần Thơ
|
2.343.720
|
Km
|
600
|
3.900
|
2.340.000
|
|
|
Di chuyển tại Kiên
Giang (giữa các điểm của cụm)
|
6.640.540
|
Km
|
1700
|
3.900
|
6.630.000
|
|
2
|
Khảo sát, nghiên cứu
để lựa chọn địa bàn trọng điểm phát triển du lịch cộng đồng cho 4 vùng: (1) Hà Tiên -
Kiên Lương và phụ cận, (2) Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận, (3) U Minh Thượng
và phụ cận (4) Phú Quốc: 3 người*4 ngày/đợt
|
88.710.735
|
vùng
|
4
|
21.766.000
|
87.064.000
|
|
|
Chi tiết cho 1
vùng, trong đó:
|
|
|
|
21.766.000
|
|
|
|
Phụ cấp lưu trú (3 người x 4 ngày)
|
2.400.000
|
Ngày
|
12
|
200.000
|
2.400.000
|
|
|
Phòng nghỉ (3 người x 3 đêm)
|
3.150.000
|
Đêm
|
9
|
350.000
|
3.150.000
|
|
|
Công làm việc
|
6.471.564
|
|
|
|
|
|
|
Chủ nhiệm nhiệm vụ
(1 người x 4 công)
|
3.136.000
|
Công
|
4
|
669.000
|
2.676.000
|
|
|
Thành viên thực hiện
chính (2 người x 4 công)
|
6.272.000
|
Công
|
8
|
425.000
|
3.400.000
|
|
|
Thuê xe di chuyển
|
10.156.120
|
|
|
|
|
|
|
Cần Thơ - Kiên
Giang - Cần Thơ
|
2.343.720
|
Km
|
600
|
3.900
|
2.340.000
|
|
|
Di chuyển tại Kiên
Giang (giữa các điểm của cụm)
|
7.812.400
|
Km
|
2000
|
3.900
|
7.800.000
|
|
IV
|
VĂN PHÒNG
PHẨM, IN ẤN TÀI LIỆU
|
12.270.360
|
|
|
|
12.271.000
|
|
1
|
Văn phòng phẩm
|
3.020.360
|
|
|
|
3.021.000
|
|
|
Giấy A4 trắng
|
195.360
|
Ram
|
|
198.000
|
196.000
|
|
|
Giấy A0
|
200.000
|
Cuộn
|
1
|
200.000
|
200.000
|
|
|
Sổ ghi chép (phỏng vấn, nghiên cứu)
|
300.000
|
Cuộn
|
10
|
30.000
|
300.000
|
|
|
Viết bi
|
300.000
|
Hộp
|
5
|
60.000
|
300.000
|
|
|
Bút viết bảng
|
350.000
|
Bộ
|
5
|
70.000
|
350.000
|
|
|
Bìa nút hồ sơ
|
75.000
|
Cái
|
15
|
5.000
|
75.000
|
|
|
In ấn, sao chụp tài liệu phục vụ
nghiên cứu
|
1.600.000
|
Đợt
|
4
|
400.000
|
1.600.000
|
|
2
|
In ấn, photo tài liệu,
báo cáo
phục vụ hội nghị,
sản phẩm giao
|
9.250.000
|
|
|
|
9.250.000
|
|
|
Tài liệu phục vụ báo cáo, hội đồng
nghiệm thu
|
5.000.000
|
Bộ
|
25
|
200.000
|
5.000.000
|
|
|
Tài liệu gửi xin ý kiến các Sở, ban,
ngành
|
2.250.000
|
Bộ
|
15
|
150.000
|
2.250.000
|
|
|
Sản phẩm giao nộp
|
2.000.000
|
Bộ
|
10
|
200.000
|
2.000.000
|
|
V
|
TỔNG TRƯỚC
THUẾ (I+II+III+IV)
|
452.675.709
|
|
|
|
415.359.000
|
|
VI
|
THUẾ (10%)
|
45.267.571
|
|
|
|
41.536.000
|
|
VII
|
TỔNG DỰ
TOÁN (V+VI)
|
497.943.280
|
|
|
|
456.895.000
|
|