THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
1915/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH MỸ SƠN TỈNH QUẢNG
NAM GIAI ĐOẠN 2008 – 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 12 tháng 7 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án
Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn từ năm 2008
đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu ngắn hạn (đến năm
2012):
- Xác định kế hoạch bảo tồn nhằm
cứu vãn, ngăn chặn quá trình hủy hoại của toàn bộ các di tích hiện còn ở Mỹ
Sơn, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên toàn khu vực. Trước mắt ưu tiên bảo tồn các
di tích gốc;
- Xác định các nhiệm vụ cụ thể
làm cơ sở cho việc lập và thực thi các dự án thành phần bảo tồn, tôn tạo và
phát huy giá trị Khu di tích;
- Đề xuất các giải pháp quản lý
và phát huy giá trị Khu di tích phù hợp với điều kiện hiện nay, liên hệ và gắn
kết với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác trong khu vực.
b) Mục tiêu dài hạn (đến năm
2020):
- Định hướng chiến lược bảo tồn
Khu di tích Mỹ Sơn trong tổng quan chung các di sản, di tích của quốc gia. Bảo
tồn Khu di tích một cách bền vững, lâu dài, tương xứng với giá trị và phù hợp
với điều kiện môi trường tự nhiên – xã hội của Khu di tích;
- Định hướng bảo tồn Khu di tích
gắn với việc nâng cao vai trò của cộng đồng, nâng cao điều kiện hưởng thụ văn
hóa, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương;
- Định hướng tổ chức quản lý, sử
dụng nhằm phát huy các giá trị của Khu di tích, đặc biệt là khai thác tiềm năng
về dịch vụ du lịch – văn hóa với tư cách một nhân tố tác động tích cực trở lại
phục vụ mục đích bảo tồn có hiệu quả Khu di tích, góp phần thực hiện chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển bền vững của toàn vùng
nói riêng và của cả nước nói chung.
2. Phạm vi quy hoạch:
a) Quy hoạch bảo tồn và phát huy
giá trị Khu di tích Mỹ Sơn bao gồm toàn bộ thung lũng Mỹ Sơn giới hạn bằng các
đỉnh núi bao quanh thung lũng như đỉnh núi Văn Chỉ, đỉnh núi Hòn Ngang, đỉnh
núi Đá Bèo, đỉnh núi Kỳ Vĩ, đỉnh núi Mật Mã. Trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch
là toàn bộ Khu di tích Mỹ Sơn, các cánh rừng trên sườn núi phía trong thung
lũng Mỹ Sơn, khu vực xây dựng các công trình quản lý và dịch vụ thuộc khu Mỹ
Sơn – Thạch Bàn;
b) Tổng diện tích phạm vi đề
xuất nghiên cứu quy hoạch: 11.580.000m2.
3. Nội dung quy hoạch:
a) Quy hoạch sử dụng đất: khu
quy hoạch được quy định thành 2 khu vực bảo vệ:
- Khu vực bảo vệ I (ký hiệu là
LI):
+ Là khu vực có các di tích và
các vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích và cảnh quan thuộc di
tích phải được bảo vệ nguyên trạng;
+ Tổng diện tích khu vực I:
324.600 m2.
- Khu vực bảo vệ II (ký hiệu là
LII):
+ Là khu vực bao quanh khu vực
bảo vệ I. Đây là khu vực bảo tồn tôn tạo cảnh quan, môi trường tự nhiên cho di
tích;
+ Tổng diện tích khu vực bảo vệ
II: 11.255.400m2.
b) Nội dung quy hoạch bảo tồn
trùng tu di tích:
- Công tác rà phá bom mìn, vật
liệu nổ, xử lý chất độc hóa học: thực hiện trên diện rộng trong toàn khu quy
hoạch;
- Công tác nghiên cứu khoa học:
+ Nghiên cứu cơ bản: các nghiên
cứu về điều kiện tự nhiên, vật liệu xây dựng, về công nghệ và kỹ thuật xây
dựng, về lịch sử, mỹ thuật cổ, về văn hóa phi vật thể, xây dựng hồ sơ khoa học
cho toàn Khu di tích;
+ Nghiên cứu ứng dụng: các
nghiên cứu về vật liệu và công nghệ phục chế, thay thế; về giải pháp gia cố,
gia cường; về bảo quản, bảo dưỡng di tích và các nghiên cứu nhằm phát huy giá
trị của di tích.
Trước mắt ưu tiên thực hiện công
tác nghiên cứu cơ bản, kết hợp nghiên cứu ứng dụng phù hợp với từng dự án cụ
thể.
- Công tác trùng tu di tích:
+ Phát quang giải tỏa thu gom
các thành phần chi tiết của các di tích bị đổ;
+ Phát lộ khảo cổ học và gia cố
cấp thiết các di tích;
+ Kiểm kê, vẽ ghi lập hồ sơ hiện
trạng ngay sau khi phát lộ di tích;
+ Khử diệt cây cỏ dại mọc trên
di tích, tiến hành bảo quản cấp thiết;
+ Gia cố lâu dài các phế tích,
tái định vị các chi tiết và thành phần bị rơi vãi;
+ Phục hồi từng phần các bộ phận
đã mất: hết sức hạn chế, tuyệt đối không làm giả di tích;
+ Tổ chức trưng bày tại chỗ các
hiện vật không xác định được vị trí cũ;
+ Tôn tạo, tổ chức không gian
các nhóm đền tháp;
+ Cải tạo kỹ thuật hạ tầng khu
vực di tích.
4. Biện pháp thực hiện:
a) Các hoạt động khảo sát trùng
tu xây dựng trong khu vực quy hoạch phải có dự án và phải tuân thủ Điều lệ quản
lý quy hoạch, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo Khu di tích;
b) Các đơn vị thực hiện Dự án
Bảo tồn trùng tu Khu di tích Mỹ Sơn phải là các đơn vị có chuyên ngành trùng tu
di tích và có kinh nghiệm trùng tu di tích kiến trúc Chăm;
c) Phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương;
d) Nghiên cứu khoa học, thực
hiện các dự án về bảo tồn, trùng tu và các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh
vực bảo tồn, trùng tu di tích;
đ) Giám sát chặt chẽ việc thực
hiện các dự án đầu tư bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị Khu di tích: cải
tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu, khôi phục giá trị phi vật thể.
5. Nội dung quy hoạch xây dựng
giai đoạn I (2008 – 2012):
- Rà phá bom mìn, xử lý chất độc
hóa học;
- Nghiên cứu khoa học;
- Bảo tồn trùng tu di tích;
- Cải tạo, xây dựng kỹ thuật hạ
tầng;
- Xây dựng các công trình quản
lý, dịch vụ;
- Bảo vệ cảnh quan môi trường;
- Nghiên cứu khôi phục các giá
trị văn hóa phi vật thể.
6. Nội dung quy hoạch xây dựng
giai đoạn II (2013 – 2020):
- Nghiên cứu khoa học;
- Bảo tồn trùng tu di tích;
- Cải tạo, xây dựng kỹ thuật hạ
tầng;
- Xây dựng các công trình quản
lý, dịch vụ;
- Bảo vệ cảnh quan môi trường;
- Nghiên cứu khôi phục các giá
trị văn hóa phi vật thể.
7. Vốn đầu tư:
a) Tổng kinh phí đầu tư: 282 tỷ
đồng;
b) Nguồn vốn
- Nguồn vốn từ ngân sách nhà
nước bao gồm:
+ Vốn từ nguồn Chương trình mục
tiêu quốc gia về văn hóa do Chính phủ cấp trực tiếp cho khu di tích;
+ Vốn vay ưu đãi ODA từ các tổ
chức quốc tế do Chính phủ cân đối;
+ Vốn phát triển kinh tế - xã
hội được Chính phủ phân bổ cho ngân sách của địa phương;
+ Vốn tái đầu tư trở lại cho di
tích trích từ các nguồn thu qua khai thác di tích.
- Nguồn vốn huy động bao gồm:
+ Vốn tài trợ của các nước và
các tổ chức quốc tế;
+ Vốn đóng góp của các tổ chức,
cá nhân trong nước;
+ Vốn huy động từ các nguồn khác.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch có trách nhiệm:
Phối hợp với Ủy ban nhân dân
tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Dự án Quy hoạch
bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn để bảo đảm việc đầu tư, xây dựng
theo đúng quy hoạch; đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn, phát huy giá trị di tích;
gắn việc bảo tồn với phát huy giá trị di tích; có cơ chế, chính sách khuyến
khích trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền bổ sung có mục
tiêu từ ngân sách trung ương cho tỉnh Quảng Nam để đầu tư bảo tồn Khu di tích
Mỹ Sơn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật
liên quan.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng
Nam có trách nhiệm:
a) Tổ chức công bố quy hoạch bảo
tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn để các tổ chức, cá nhân biết, thực
hiện;
b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng
triển khai thực hiện đúng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ
Sơn; kiến nghị việc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi quy hoạch cho phù hợp với yêu
cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam;
c) Ban hành Điều lệ quản lý quy
hoạch chi tiết Khu di tích Mỹ Sơn và phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu chức
năng của Khu di tích Mỹ Sơn để bảo đảm việc bảo tồn, xây dựng, phát triển cơ sở
hạ tầng Khu di tích đúng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ
Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
d) Quản lý, theo dõi, hướng dẫn
các hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo trong Khu di tích Mỹ Sơn;
đ) Thực hiện các biện pháp huy
động các nguồn lực trong và ngoài nước, các Chính phủ, tổ chức cho việc bảo tồn
tại Khu di tích Mỹ Sơn.
4. Các Bộ, ngành và các cơ quan
liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm chủ
trì hoặc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh
Quảng Nam thực hiện quy hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTN, KTTH, ĐP, TH;
- Lưu Văn thư, KGVX (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|