ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1871/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày 16 tháng 7 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ CÁC HÌNH
THỨC ĐỐI XỬ HOẶC TRỪNG PHẠT TÀN BẠO, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ NHỤC CON NGƯỜI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục
pháp luật ngày 20/6/2012;
Căn cứ Quyết định số
364/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch
triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng
phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người;
Theo đề nghị của Giám đốc
Công an tỉnh tại Tờ trình số 186/TTr-CAT-PV01 ngày 09/7/2021
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện
Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân
đạo hoặc hạ nhục con người giai đoạn 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các
sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Công an;
- CT, PCT UBT;
- Công an tỉnh;
- CVP, PVP UBT;
- Ban TCDNC tỉnh;
- Lưu: VT, 2.02.05.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Quang Trung
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN VÀ CÁC HÌNH THỨC ĐỐI XỬ HOẶC
TRỪNG PHẠT TÀN BẠO, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ NHỤC CON NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2021 - 2022
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Quyết định số
364/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch
triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng
phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi tắt là Công ước
chống tra tấn).
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế
hoạch thực hiện Công ước chống tra tấn giai đoạn 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh,
cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Triển khai thực hiện
thống nhất, có hiệu quả Công ước chống tra tấn phù hợp với tình hình thực tiễn
địa phương, bảo đảm đúng tiến độ và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Xác định các
nội dung cụ thể và trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ được
phân công; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, phổ biến rộng rãi nội dung của Công ước chống tra tấn, các quy định của
pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ,
công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thực hiện phòng, chống
tra tấn.
3. Kịp thời phát hiện,
giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần giữ vững
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG
THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Công
tác chỉ đạo, điều hành
Ban hành kế hoạch, văn bản hướng
dẫn thực hiện Công ước chống tra tấn giai đoạn 2021 -2022 trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các
nội dung và yêu cầu nêu tại Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn;
Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về
nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả
kiến nghị, đề xuất của Bộ Công an – Cơ quan Thường trực thực hiện Công ước chống
tra tấn của Việt Nam tại Báo cáo số 363/BC-BCA-V03 ngày 29/4/2021 về tổng kết
thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo,
vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người năm 2020 và dự kiến hoạt động giai đoạn 2021
- 2022 của Việt Nam.
- Cơ quan chủ trì: Công
an tỉnh.
- Cơ quan thực hiện: Các
sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
2. Công
tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước
chống tra tấn
Tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa
các hình thức tuyên truyền, phổ biến về Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt
Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức và Nhân
dân trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công
nghệ thông tin trong việc đăng tải các tài liệu, tin, bài, phóng sự về phòng,
chống tra tấn trên báo điện tử, mạng xã hội, kênh truyền hình, đài phát thanh,
Cổng thông tin điện tử hoặc thông qua pano, áp phích, tờ gấp, cuộc thi tìm hiểu,
sân khấu hóa theo hướng trực quan, đơn giản, dễ hiểu.
Tăng cường nghiên cứu, tham khảo,
ứng dụng các mô hình hay, thực tiễn tốt của các bộ, ngành, địa phương khác
trong tuyên truyền phòng, chống tra tấn.
- Cơ quan chủ trì: Sở
Thông tin và Truyền thông.
- Cơ quan thực hiện: Các
sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Năm
2021, 2022.
3. Tổ chức
tập huấn về Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn
cho cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư
pháp.
- Cơ quan phối hợp: Các
sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Năm
2021, 2022.
4. Rà soát
các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành
mới đảm bảo phù hợp với nội dung của Công ước chống tra tấn
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư
pháp.
- Cơ quan phối hợp: Các
sở, ban, ngành có liên qua;, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Quý
IV/2021.
5. Đẩy mạnh
công tác giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách
nhiệm trong thực thi công vụ; Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp
vụ, đạo đức công vụ, kỹ năng nghề nghiệp, quy trình công tác đối với cán bộ,
chiến sỹ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm
công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án
hình sự các nội dung về phòng, chống tra tấn và pháp luật Việt Nam có liên quan
Thực hiện nghiêm, công khai,
minh bạch các quy định pháp luật về tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác, đơn khiếu
nại, tố cáo; điều tra, truy tố, xét xử; thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án
hình sự; bồi thường thiệt hại, nhất là các vụ việc liên quan đến tra tấn, bức
cung, dùng nhục hình, làm chết người trong thi hành công vụ, gây thương tích hoặc
gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ,
quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật, mua chuộc hoặc cưỡng ép người
khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu.
- Cơ quan chủ trì: Công
an tỉnh phối hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh.
- Cơ quan thực hiện: Các
sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Năm
2021, 2022.
6. Tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi, khảo sát, đánh giá thường
xuyên, định kỳ hoặc đột xuất về việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị,
địa phương trong phòng, chống tra tấn, nhất là các vụ án có dấu hiệu oan, sai;
không để xảy ra trường hợp trốn khỏi nơi giam giữ; trường hợp chết trong các cơ
sở giam giữ…; các vụ án có bị can, bị cáo nguyên là cán bộ, chiến sỹ, công chức,
viên chức bị khởi tố vì các hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, làm chết
người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của
người khác trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ,
giam người trái pháp luật, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai
báo, cung cấp tài liệu
- Cơ quan chủ trì: Công
an tỉnh phối hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh.
- Cơ quan thực hiện: Các
sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Năm
2021, 2022.
7. Đầu tư,
sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp
vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là trụ sở tiếp công
dân; trại tạm giam, các nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng;
trang, thiết bị phục vụ lưu trữ hồ sơ nhân thân, bệnh án và công tác khám, chữa
bệnh cho người bị giam giữ
Bố trí kinh phí kịp thời, phù hợp
để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Công ước chống
tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn đạt hiệu quả.
- Cơ quan chủ trì: Sở
Tài chính.
- Cơ quan phối hợp: Công
an tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố.
- Thời gian thực hiện: Năm
2021, 2022.
8. Xây dựng
Kế hoạch thu thập thông tin, số liệu có liên quan trong 04 năm (từ tháng
11/2018 - 11/2022) để gửi về Bộ Công an khi có yêu cầu, phục vụ cho việc hoàn
thiện Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam, nhất là các thông tin, số liệu
về:
- Tiếp nhận, giải quyết tin
báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo; điều tra, truy tố, xét xử; bồi thường thiệt
hại cho các nạn nhân của các hành vi bức cung, dùng nhục hình, làm chết người
trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người
khác trong khi thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người
trái pháp luật, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp
tài liệu.
- Các hoạt động tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục, tập huấn chuyên sâu, chuyên biệt về Công ước chống tra tấn
và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.
- Các văn bản luật và dưới luật
chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm bảo đảm phù hợp hơn với
các yêu cầu của Công ước chống tra tấn và khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống
tra tấn.
- Cơ quan chủ trì: Công
an tỉnh.
- Cơ quan phối hợp: Các
sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Năm
2021, 2022.
9. Hợp tác
quốc tế trong phòng, chống tra tấn
Chủ động đẩy mạnh, tăng cường
các hoạt động hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các hình thức và nội dung hợp tác về
phòng, chống tra tấn với các đối tác nước ngoài hiện đang thường trú trên địa
bàn tỉnh hoặc thông qua các hoạt động trực tuyến đảm bảo đúng quy định pháp luật,
có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của
địa phương; Quá trình hợp tác bảo đảm đúng nội dung, kế hoạch đã được phê duyệt,
không để lộ, lọt thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực có
liên quan.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư
pháp.
- Cơ quan phối hợp: Công
an tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố.
- Thời gian thực hiện: Năm
2021, 2022.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Căn cứ Kế hoạch này,
các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được phân
công tại đơn vị, địa phương mình; định kỳ hàng năm (trước ngày 15/11) hoặc
đột xuất báo cáo kết quả thực hiện gửi về Công an tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh.
2. Giao Công an tỉnh là
cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc thực hiện, là đầu mối
phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện các nhiệm vụ
được phân công. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê kết quả thực hiện về Bộ Công
an theo quy định.
3. Kinh phí triển khai
thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách
hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Các sở, ban, ngành,
đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với
Công an tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện có hiệu
quả các nội dung trong Kế hoạch này.
Trong quá trình thực hiện có
khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Công an tỉnh để tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.