ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1679/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
17 tháng 5 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN THIỆU HÓA
GIAI ĐOẠN 2022 - 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa
ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày
18/6/2009;
Căn cứ Luật Du lịch ngày
19/6/2017;
Căn cứ các Nghị quyết của Bộ
Chính trị: số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn; số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh
Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ các Nghị định của
Chính phủ: Số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 quy định chi tiết một số điều của Luật
Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; số
168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Quyết định số
623-QĐ/TU ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về ban hành Chương
trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ các Quyết định của
UBND tỉnh: số 492/QĐ-UBND ngày 09/02/2015 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển
du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; số 1554/QĐ-UBND
ngày 11/5/2017 về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của
Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Kế hoạch số 233/KH-UBND
ngày 03/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh
Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX;
Theo đề nghị của Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1918/TTr-SVHTTDL ngày 09/5/2022 về việc phê
duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Thiệu Hóa giai đoạn 2022-2030.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch huyện Thiệu Hóa
giai đoạn 2022 - 2030, với các nội dung chính như sau:
I. QUAN ĐIỂM
PHÁT TRIỂN
1. Phát triển du lịch gắn với
giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống của địa
phương, khôi phục văn hóa làng nghề; bảo vệ môi trường, trật tự an ninh - xã hội;
xây dựng nông thôn mới và gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
2. Phát triển du lịch huyện Thiệu
Hóa phù hợp với các định hướng, quy hoạch phát triển của tỉnh Thanh Hóa, trong
đó, du lịch tâm linh là trọng điểm, kết hợp với du lịch trải nghiệm làng nghề.
3. Phát triển du lịch trên 03
tài nguyên chính: (1) Du lịch về nguồn với những di tích lịch sử văn hóa, lịch
sử cách mạng; (2) Du lịch tâm linh, làng nghề, lễ hội truyền thống với hệ thống
các đền, chùa, lễ hội, di sản phi vật thể, sản phẩm làng nghề truyền thống; (3)
Du lịch trải nghiệm, sinh thái với các trang trại, nông trại, khu sản xuất nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4. Phát triển du lịch trên cơ sở
xác định các khâu đột phá để khắc phục những bất cập, hạn chế; trong đó, tập
trung phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm, tạo động lực cho phát triển
du lịch huyện; đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển du lịch.
II. MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu chung
- Phát triển du lịch mang bản sắc
văn hóa riêng, có điểm nhấn là các di tích văn hóa, tâm linh và làng nghề truyền
thống; từ đó thu hút khách du lịch đến tham quan, kéo dài thời gian lưu trú tại
địa phương.
- Phát triển du lịch Thiệu Hóa
với các dòng sản phẩm chính theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch nghỉ dưỡng tại khu
du lịch Núi Đọ; (2) Du lịch làng nghề; (3) Du lịch hệ thống du lịch sinh thái
nông nghiệp; (4) Du lịch về nguồn; (5) Du lịch tâm linh; (6) Du lịch trải nghiệm,
du lịch sinh thái…
- Xây dựng du lịch Thiệu Hóa trở
thành điểm trung chuyển, dừng chân, kết nối phát triển du lịch với khu vực
thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và khu vực miền núi phía Tây của tỉnh.
- Đến năm 2030, phát triển du lịch
trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện, tạo việc làm, tăng nguồn thu
cho ngân sách địa phương, hỗ trợ các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu về kinh tế
a) Về khách du lịch
- Đến năm 2025: Huyện Thiệu Hóa
đón khoảng 92.650 lượt khách du lịch, trong đó có 90.600 lượt khách nội địa,
2.050 lượt khách quốc tế.
- Đến năm 2030: Huyện Thiệu Hóa
đón 233.460 lượt khách du lịch, trong đó có 225.450 lượt khách du lịch nội địa,
8.010 lượt khách quốc tế.
b) Về tổng thu từ du lịch
- Đến năm 2025: Tổng thu từ
khách du lịch đạt 81.000 triệu đồng, trong đó, tổng thu từ khách du lịch nội địa
đạt 78.800 triệu đồng, khách quốc tế đạt 2.200 triệu đồng.
- Đến năm 2030: Tổng thu từ
khách du lịch đạt 281.240 triệu đồng, trong đó, tổng thu từ khách du lịch nội địa
đạt 270.200 triệu đồng, khách quốc tế đạt 11.040 triệu đồng. Doanh thu từ du lịch
đóng góp 0,9% trong tỷ trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
c) Về số cơ sở lưu trú
- Đến năm 2025: Huyện Thiệu Hóa
có 31 cơ sở lưu trú với 265 phòng.
- Đến năm 2030: Huyện Thiệu Hóa
có 50 cơ sở lưu trú với 450 phòng.
d) Về điểm du lịch
- Đến năm 2025, huyện Thiệu Hóa
có khoảng 8 - 10 điểm du lịch.
- Đến năm 2030, huyện Thiệu Hóa
có khoảng 11-15 điểm du lịch.
(Chi
tiết tại Phụ lục 01 kèm theo)
2.2. Mục tiêu về xã hội
a) Về lao động du lịch
- Đến năm 2025: Toàn huyện có
khoảng 1.410 lao động tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó có 360 lao động
trực tiếp.
- Đến năm 2030: Toàn huyện có
khoảng 2.730 lao động tham gia vào hoạt động du lịch, trong đó có 680 lao động
trực tiếp.
b) Về văn hóa
Bảo tồn và phát huy các giá trị
văn hóa địa phương; duy trì và khôi phục, phát triển các làng thủ công nghiệp,
làng nghề truyền thống; tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị các điểm đến: Làng
nghề đúc đồng Trà Đông, làng bánh đa làng Chòm và làng dệt nhiễu Hồng Đô.
2.3. Mục tiêu về môi trường
- Phát triển du lịch gắn với giữ
gìn, đảm bảo cảnh quan môi trường, trong đó 100% nước thải và nước sinh hoạt của
người dân được thu gom, xử lý theo đúng tiêu chuẩn, có hệ thống xử lí nước thải
từ các khu công nghiệp, sinh hoạt của người dân.
- Đến năm 2030, 100% các khu,
điểm du lịch trên địa bàn huyện có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ
khách du lịch.
III. CÁC ĐỊNH
HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Định hướng tổ chức không
gian phát triển du lịch
- Khu vực 1: Xã
Thiệu Quang, xã Thiệu Hợp, xã Tân Châu: Cụm du lịch nghỉ dưỡng; tìm hiểu văn
hóa, tâm linh; du lịch lịch sử - tiền sử; trải nghiệm làng nghề; du lịch sinh
thái sông; điểm dừng chân.
- Khu vực 2: Xã
Thiệu Nguyên, thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung: Cụm du lịch làng nghề; du lịch
sinh thái nông nghiệp; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với nông nghiệp; du lịch tìm
hiểu văn hóa, lịch sử; là điểm dừng chân, trung chuyển.
- Khu vực 3: Xã
Thiệu Toán, xã Thiệu Vũ, xã Thiệu Tiến: Cụm du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử
cách mạng; du lịch về nguồn; với điểm kết nối là Di tích lịch sử cách mạng Trụ
sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973), xã Thiệu Viên.
2. Định hướng phát triển thị
trường khách du lịch
2.1. Đến năm 2025
Tập trung thu hút thị trường
khách nội địa, mở rộng một số thị trường khách du lịch tiềm năng từ các tỉnh,
thành phố khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ; chú trọng thu hút nguồn khách lan tỏa
từ khu du lịch Núi Đọ; từ các tuyến giao thông đường bộ quan trọng (Quốc lộ 45,
cao tốc Bắc - Nam).
2.2. Đến năm 2030
Xác định thị trường khách nội địa
là thị trường trọng điểm, đa dạng hóa thêm thị trường, hướng đến thị trường
khách du lịch tại các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ; nghiên cứu thu hút thị trường
Đông Nam Á.
3. Định hướng phát triển sản
phẩm du lịch
3.1. Giai đoạn 2022-2025
- Ưu tiên phát triển sản phẩm
du lịch khu vực xã Tân Châu với các sản phẩm nghỉ dưỡng bên cạnh khu du lịch
Núi Đọ là sản phẩm chính, kết hợp du lịch làng nghề nhằm thu hút và kéo dài thời
gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách; khu vực xã Thiệu Nguyên, thị trấn Thiệu
Hóa, xã Thiệu Trung với cụm sản phẩm văn hóa - làng nghề - nông nghiệp.
- Ưu tiên phát triển sản phẩm
du lịch tâm linh tại các di tích đền, chùa với dòng sản phẩm du lịch tìm hiểu
văn hóa, tâm linh và du lịch về nguồn.
- Đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du
lịch nông nghiệp tại xã Thiệu Nguyên; chú trọng nghiên cứu các sản phẩm nông
nghiệp mới tại khu vực nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách.
- Xây dựng và triển khai dự án
phát triển du lịch làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP tại làng nghề truyền
thống đúc đồng Trà Đông; sản phẩm du lịch đồng quê, sinh thái nông nghiệp, các trang trại sản xuất
nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thông minh...).
- Hình
thành các sản phẩm nghỉ dưỡng; sản phẩm du lịch sông du lịch tại các bãi bồi
ven sông, kết hợp du lịch tâm linh; sản phẩm du lịch sinh thái hai bên bờ sông;
điểm dừng chân ven quốc lộ, cao tốc.
-
Hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch ven khu du lịch
Núi Đọ.
-
Phát triển các sản phẩm du lịch theo định hướng không gian phát triển tại khu vực
xã Tân Châu và khu vực ven, dưới cao tốc Bắc - Nam; khu vực thị trấn Thiệu Hóa
- xã Thiệu Trung; từ đó lan tỏa ra các điểm du lịch, di tích tại các khu vực
lân cận.
3.2.
Giai đoạn 2026-2030
-
Phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với nông nghiệp ven sông Chu tại
xã Thiệu Nguyên; chú trọng các sản phẩm du lịch cộng đồng và phát triển mô hình
homestay tại các làng nghề; khôi phục, phát triển, giữ gìn văn hóa ở các làng
nghề.
- Đẩy
mạnh xây dựng, hình thành các điểm dừng chân, trung chuyển.
- Chú
trọng hoàn thiện các bến thuyền để phát triển sản phẩm tuyến du lịch đường
sông.
-
Hoàn thiện việc tu bổ, sửa chữa các công trình đền, chùa trên địa bàn huyện;
nâng cấp đầu tư hệ thống viễn thông, hệ thống chiếu sáng.
4.
Định hướng phát triển tuyến du lịch trọng điểm
4.1.
Các tuyến du lịch liên kết nội huyện (Thời
gian trung bình: ½ - 1 ngày; loại hình vận chuyển: Đường bộ, đường sông)
-
Tuyến 1: Thị trấn Thiệu Hóa - Đình và
đền Đắc Châu (xã Tân Châu) - Làng nghề bánh đa làng Chòm (xã Tân Châu) - Núi Đọ
(xã Tân Châu).
-
Tuyến 2: Làng nghề đúc đồng Thiệu
Trung (xã Thiệu Trung) - Đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung) - Cụm trang trại
Thiệu Nguyên (xã Thiệu Nguyên) - Khu du lịch nghỉ dưỡng Farmstay Thiệu Nguyên
(xã Thiệu Nguyên).
-
Tuyến 3: Thị trấn Thiệu Hóa - Làng nghề
dệt nhiễu Hồng Đô (thị trấn Thiệu Hóa) - Đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung) -
Làng nghề đúc đồng Thiệu Trung (xã Thiệu Trung).
-
Tuyến 4: Đình Yên Lộ (xã Thiệu Vũ) - Nhà thờ họ Vương (xã Thiệu Tiến)
- Cụm di tích cách mạng Thiệu Toán (xã Thiệu Toán) - Hầm làm việc của Thường trực
ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (xã Thiệu Trung).
-
Tuyến 5: Ngã ba Giàng (núi giao sông
Chu và sông Mã) - Chùa Thái Bình (xã Thiệu Hợp) - Cụm trang trại Thiệu Nguyên
(xã Thiệu Nguyên) - Thị trấn Thiệu Hóa - chùa Yên Lộ (xã Thiệu Vũ).
-
Tuyến 6: Ngã ba Giàng (núi giao sông
Chu và sông Mã) - Cầu Thiệu Hóa (thị trấn Thiệu Hóa) - Du lịch làng nghề bánh
đa xã Tân Châu.
-
Tuyến 7: Tuyến đường sông Chu đi đến
thành phố Thanh Hóa/ huyện Hoằng Hóa.
4.2.
Các tuyến du lịch liên kết nội tỉnh (Thời gian trung bình: 1 - 2 ngày; loại hình vận chuyển: Đường
bộ, đường sông).
-
Tuyến 1: Thành phố Thanh Hóa/ Thành phố
Sầm Sơn - Di tích Núi Đọ (huyện Thiệu Hóa) - Làng nghề đúc đồng Thiệu Trung
(huyện Thiệu Hóa) - Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước và Quan
Hoá).
-
Tuyến 2: Thành phố Thanh Hóa - Đền thờ
Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa) - Làng nghề đúc đồng Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa)
- Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (huyện Quan Hóa, huyện Mường Lát).
-
Tuyến 3: Thành phố Thanh Hóa - Đền Trà
Đông (huyện Thiệu Hóa) - Làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô (huyện Thiệu Hóa) - Thị trấn
Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa) - Chùa Yên Lộ (huyện Thiệu Hóa) - Di tích lịch sử
Lam Kinh (huyện Thọ Xuân).
-
Tuyến 4: Thành phố Sầm Sơn - Làng nghề
dệt nhiễu Hồng Đô (huyện Thiệu Hóa) - Thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa) -
Chùa Yên Lộ (huyện Thiệu Hóa) - Di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân).
-
Tuyến 5, Tuyến du lịch sông Chu: Huyện
Thọ Xuân - Thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa) - Ngã ba Giàng giữa sông Chu và
sông Mã (huyện Thiệu Hóa) - Huyện Hoằng Hóa.
-
Tuyến 6, Tuyến du lịch sông Chu: Thành
phố Thanh Hóa - Cầu Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa) - Thị trấn Thiệu Hóa (huyện
Thiệu Hóa) - Huyện Thọ Xuân.
-
Tuyến 7: Sông Mã (đoạn từ thành phố Sầm
Sơn) - Thành phố Thanh Hóa - Cầu Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa) - Ngã Ba Giàng
(huyện Thiệu Hóa) - Cầu Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) - Thị trấn Lam Sơn (huyện
Thọ Xuân).
-
Tuyến 8, Tuyến du lịch dọc sông Mã:
Thành phố Thanh Hóa - huyện Hoằng Hóa - huyện Thiệu Hóa - huyện Hà Trung.
-
Tuyến 9: Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc)
- Chùa Thái Bình (huyện Thiệu Hóa) - Lăng mộ Vua Lê Ý Tông (huyện Thiệu Hóa) -
Cụm trang trại Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa) - Chùa Yên Lộ (huyện Thiệu Hóa) -
Khu du lịch Lam Kinh (huyện Thọ Xuân).
-
Tuyến 10: Suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm
Thủy) - Đền Phố Cát (huyện Thạch Thành) - Làng dệt nhiễu Hồng Đô (huyện Thiệu
Hóa) - Làng đúc đồng Trà Đông (huyện Thiệu Hóa) - Đền thờ Lê Văn Hưu (huyện Thiệu
Hóa) - Thành phố Thanh Hóa.
-
Tuyến 11: Lăng mộ vua Lê Ý Tông (huyện
Thiệu Hóa) - Khu di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương (huyện Thiệu Hóa) -
Chùa Yên Lộ (huyện Thiệu Hóa) - Khu Thái miếu nhà Lê (Thọ Xuân).
-
Tuyến 12: du lịch kết nối với khách đến
Thanh Hóa bằng đường hàng không có lịch trình trung chuyển qua huyện Thiệu Hóa:
Thành phố Hồ Chí Minh/Đà Nẵng/Khánh Hòa/Cần Thơ/Gia Lai/Lâm Đồng... - Thọ Xuân
- Thiệu Hóa - thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn/Ninh Bình/Hà Nội.
4.3.
Các tuyến du lịch liên tỉnh
-
Thành phố Hà Nội - huyện Thiệu Hóa - thành phố Vinh: Hà Nội - Làng nghề đúc đồng
Thiệu Trung/ Đền thờ Lê Văn Hưu/ các địa điểm nghỉ dưỡng, trung chuyển, tại thị
trấn/ các khu nghỉ dưỡng huyện Thiệu Hóa - thành phố Vinh.
- Thành
phố Hà Nội - tỉnh Ninh Bình - huyện Thiệu Hóa: Thành phố Hà Nội - Danh thắng
Tràng An/ Chùa Bái Đính/ Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) - Làng nghề đúc đồng
Thiệu Trung/ Đền thờ Lê Văn Hưu / Cụm trang trại Thiệu Nguyên/ Khu du lịch nghỉ
dưỡng Farmstay xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa).
- Tỉnh
Sơn La - tỉnh Hòa Bình - huyện Thiệu Hóa.
- Huyện
Thiệu Hóa - tỉnh Nghệ An - các tỉnh miền trung Tây Nguyên - Nam Bộ.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Nhiệm vụ và giải pháp về quy hoạch
- Thực
hiện lập các quy hoạch sử dụng đất phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện:
Quy hoạch các dự án du lịch nghỉ dưỡng ven sông Chu, ven khu du lịch Núi Đọ;
Quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Thiệu Nguyên; Quy hoạch
các dự án khu vực làng nghề Trà Đông (xã Thiệu Trung), làng nghề Hồng Đô (xã
Thiệu Đô)…
-
Hoàn thiện Quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trên địa bàn huyện, làm cơ
sở cho việc xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện trên
các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng phục vụ du lịch.
-
Tăng cường công tác giám sát, quản lý quy hoạch, đảm bảo tiến độ và chất lượng
các công trình xây dựng tại các điểm du lịch trọng điểm của huyện: Đền thờ Lê
Văn Hưu (xã Thiệu Trung), làng đúc đồng Trà Đông (xã Thiệu Trung), làng ươm tơ dệt
nhiễu Hồng Đô (xã Thiệu Đô)...; đồng thời, đảm đảm bảo Quy hoạch các điểm du lịch
phù hợp với quy hoạch tổng thể, không phá vỡ cấu trúc của điểm du lịch.
- Đẩy
nhanh tiến độ thực hiện công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật tới các điểm du lịch
và các quy hoạch về hạ tầng đang triển khai.
- Lồng
ghép các mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn vào các nội dung về quy hoạch
ngành, lĩnh vực nhằm tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn ngân sách, đảo bảo chất
lượng và tính khả thi của quy hoạch khu du lịch.
-
Tăng cường công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án, quy hoạch
liên quan đến du lịch tại huyện.
2. Nhiệm vụ và giải pháp về đầu tư
2.1.
Nhiệm vụ và giải pháp chung
- Thực
hiện chiến lược đầu tư theo mức độ ưu tiên; khu vực ưu tiên và và theo từng
phân kỳ giai đoạn cụ thể.
- Cải
thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư trong
lĩnh vực du lịch; có chế ưu đãi đầu tư phù hợp với từng dự án cụ thể, đảm bảo
theo đúng các quy định theo pháp luật về đầu tư để thu hút nguồn lực xã hội hóa
vào các dự án phát triển du lịch tại địa phương; trong đó ưu tiên xây dựng công
viên khảo cổ ở Núi Đọ, công cuộc bảo tồn, tu sửa di tích lịch sử, văn hóa, các
lễ hội…
- Ưu
tiên các nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; tôn tạo, tu bổ
đình, chùa, đền đã xuống cấp... ; đầu tư hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước,
các công trình phục vụ viễn thông và nhà vệ sinh, hệ thống xử lý rác và nước thải
sinh hoạt; xây dựng các công trình hỗ trợ như: Bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn,
xây dựng bến thuyền đi lại sông Chu.
- Xây
dựng chương trình nghiên cứu và đánh giá thị trường định kỳ làm cơ sở cho các
hoạt động quản lý, xúc tiến phát triển.
- Tập
trung ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách và đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút
đầu tư các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân và cộng đồng
dân cư để thực hiện các dự án phát triển du lịch tại huyện theo khu vực và giai
đoạn ưu tiên như sau:
(1)
Giai đoạn 2022-2025: Tập trung ưu tiên đầu tư các dự án phát triển hạ tầng và dịch
vụ du lịch tại xã Tân Châu và khu vực ven, dưới cao tốc Bắc - Nam; khu vực thị
trấn Thiệu Hóa và xã Thiệu Trung, từ đó lan tỏa ra các điểm du lịch, di tích tại
các khu vực lân cận.
(2)
Giai đoạn 2026-2030: Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất hoàn thiện
các các dự án đầu tư phát triển du lịch tại địa phương; hoàn thiện các công
trình tu bổ, tôn tạo di tích: Đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung), di tích quốc
gia Đền Trà Đông (xã Thiệu Trung)…; đầu tư khu du lịch Farmstay nghỉ dưỡng kết
hợp với nông nghiệp tại xã Thiệu Nguyên.
2.1.
Các nhiệm vụ cụ thể
a)
Khu vực 1: Xã Thiệu Quang, xã Thiệu Hợp và xã Tân Châu
- Tập
trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch: Hệ thống
biệt thự, homestay ven sông Chu; nâng cấp hệ thống nước sạch phục vụ các hoạt động,
dịch vụ du lịch trong làng nghề; nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, rác thải;
xây dựng bến thuyền ven sông Chu, phía xã Tân Châu kết nối các điểm du lịch
trong và ngoài huyện; xây dựng bãi đỗ xe tại các khu vực cắm trại ven sông, điểm
dừng chân, cơ sở tâm linh; nâng cấp hệ thống 3G, 4G, lắp đặt các cột sóng Wifi
free phục vụ khách du lịch tại nhà đón khách; lắp đặt bổ sung hệ thống các bảng,
biển chỉ dẫn tại các điểm du lịch, làng nghề, cơ sở tâm linh; xây dựng nhà vệ
sinh công cộng; lắp đặt thùng rác tại các điểm dừng chân, điểm cắm trại, trải
nghiệm du lịch sinh thái ven sông.
- Khảo
sát, lựa chọn các địa điểm phù hợp để xây dựng các điểm dừng chân khu vực cao tốc;
liên kết với các làng nghề để bán các sản phẩm địa phương; lựa chọn các điểm
phù hợp khu vực núi và ven sông có cảnh quan đẹp để phát triển mô hình cắm trại;
xây dựng điểm dừng chân ngắm cảnh ngã ba Giàng.
- Đầu
tư tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang các cơ sở đền, chùa: Chùa Đình - đền Đắc Châu;
chùa Thái Bình; khôi phục, duy trì khai thác phát triển du lịch trò diễn dân
gian Múa đèn xếp chữ và hát chèo trãi làng Nhân Cao.
- Đầu
tư duy trì và phát triển nghề truyền thống bánh đa làng Chòm: Khu nhà sinh hoạt,
họp của thôn; khu nhà trưng bày các dụng cụ làm bánh và cung cấp dịch vụ trải
nghiệm làm bánh đa cho du khách tham quan…; kết hợp làm khu trình chiếu thông
tin về làng nghề; đầu tư quầy bán hàng bánh đa đặc sản địa phương; lập bảng
thuyết minh làng nghề và bảng chỉ dẫn đến các điểm du lịch khách trong huyện.
b)
Khu vực 2: Xã Thiệu Nguyên, thị trấn Thiệu Hóa và xã Thiệu Trung
- Đầu
tư cơ sở hạ tầng, vật chất du lịch: Hệ thống các homestay tại các làng nghề
truyền thống, các khách sạn từ 1 đến 3 sao tại thị trấn Thiệu Hóa; các tuyến đường
kết nối nội khu, điểm du lịch; nâng cấp, xây dựng các tuyến đường đến khu di
tích cách mạng, đền, chùa; đầu tư bổ sung, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch;
nâng cấp hệ thống đường ống, cống xử lý nước thải, khu tập kết, xử lý rác thải
rắn. Xây bến thuyền phục vụ nhu cầu đi lại qua sông Chu và ven sông Chu để hình
thành tuyến du lịch đường sông; các bãi đỗ xe ở bên ngoài các điểm du lịch;
nâng cấp hệ thống 3G, 4G, phủ sóng Wifi free; đầu tư, hoàn thiện hệ thống bảng
chỉ dẫn du lịch; xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm du lịch;
đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho 02 làng nghề: Làng nghề ươm tơ,
dệt nhiễu Hồng Đô và làng nghề đúc đồng Trà Đông; bố trí các thùng rác công cộng
tại các điểm du lịch và tại vỉa hè, đường đi. Đầu tư hệ thống thuyền và áo phao
phục vụ trải nghiệm tham quan, ngắm cảnh trên sông.
- Đầu
tư phát triển nghề truyền thống làng nghề đúc đồng Trà Đông: Xây dựng nhà trưng
bày tại làng nghề với các hạng mục: Khu trưng bày, bán dụng cụ làm đồ đồng, các
sản phẩm trống đồng, tượng đồng…; khu chiếu phim về lịch sử làng nghề, quy
trình làm đồ đồng…; khu trưng bày các sản tiêu biểu của làng nghề; xây dựng khu
chợ (phố chợ) bày bán các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ người dân hình thành các
homestay, cung cấp dịch vụ cho du lịch trải nghiệm làng nghề và tham gia đúc đồng;
hỗ trợ làng nghề nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm làm từ đồng; lập bảng
thuyết minh làng nghề đúc đồng và bảng chỉ dẫn đến các điểm du lịch khách trong
huyện.
- Huy
động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng mô hình liên kết các trang trại,
nông trại tại xã Thiệu Nguyên; khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp hình thành
khu nông trại tập trung công nghệ cao, vừa trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp cung
cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, trải nghiệm nông nghiệp Farmstay tại xã Thiệu Nguyên với
các hệ thống biệt thự, nhà vườn, bungalow sinh thái; thiết kế cảnh quan, hệ thống
cây xanh, ao, hồ nội khu Farmstay; bố trí khu đất, ao trải nghiệm nông nghiệp,
khu nhà mua sắm sản phẩm nông nghiệp…
- Đầu
tư khôi phục và phát triển làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô với các hạng mục
nhà trưng bày và bán các sản phẩm lụa, tơ tằm địa phương; trưng bày tranh, ảnh,
trình chiếu các video về làng nghề; hỗ trợ nâng cấp, cải tạo một số hộ gia đình
trong làng nghề phát triển du lịch trải nghiệm; hỗ trợ các công cụ sản xuất cho
người dân làng nghề.
- Đầu
tư bảo tồn, trùng tu đền chùa, lăng mộ: Đền Trà Đông; lăng Mộ vua Lê Ý Tông; đền
thờ và lăng mộ Lê Văn Hưu; đền thờ Trà Đông…
c)
Khu vực 3: Xã Thiệu Toán, xã Thiệu Vũ và xã Thiệu Tiến.
- Đầu
tư mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường ống cung cấp nước sạch; nâng cấp hệ thống
3G, 4G; phủ sóng Wifi free; đầu tư hệ thống biển báo, chỉ dẫn, bảng thuyết minh
tại các điểm di tích; hệ thống đèn chiếu tại các đền, chùa; quy hoạch bãi đỗ
xe, đảm bảo an toàn, an ninh…
- Đầu
tư tu bổ và tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan khu vực Nhà thờ họ Vương; cụm di
tích cách mạng Yên Lộ.
-
Nâng cấp, bổ sung hệ thống xử lý rác thải, nước thải, thùng rác, nhà vệ sinh
công cộng, khu tập kết xử lý rác thải rắn; lắp đặt các thùng rác công cộng
trong các điểm du lịch và tại vỉa hè, đường đi.
- Hỗ
trợ đầu tư các thuyền, áo phao cho người dân tham gia dịch vụ chở khách tham
quan
3. Nhiệm vụ, giải pháp về phát triển sản phẩm và thị trường
khách du lịch
-
Nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch để kéo dài thời gian lưu trú
của du khách; tập trung vào phân khúc chính thị trường khách nội địa; phát triển
và mở rộng một số thị trường tiềm năng: Thị trường khách du lịch từ các tỉnh,
thành phố: Hà Nội, Ninh Bình...
-
Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng về tự nhiên, văn hóa, sản
xuất, hoạt động sinh kế của người dân địa phương; ứng dụng công nghệ số nhằm
làm tăng chất lượng dịch vụ, sản phẩm, tạo thương hiệu du lịch của huyện; cụ thể:
Đến
năm 2025: Trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch tâm linh tại các di tích đền,
chùa với các hoạt động tìm hiểu văn hóa, tâm linh và du lịch về nguồn; ưu tiên
phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng bên cạnh khu du lịch Núi Đọ, khu vực xã Tân Châu
là sản phẩm chính, kết hợp du lịch làng nghề; phát triển sản phẩm văn hóa -
làng nghề - nông nghiệp tại khu vực xã Thiệu Nguyên, thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu
Trung, gắn với phát triển sản phẩm OCOP và hình thành các sản phẩm nông nghiệp
mới nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách.
Đến
năm 2030: Phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp với nông nghiệp ven sông Chu tại
xã Thiệu Nguyên; chú trọng các sản phẩm du lịch cộng đồng làng nghề, phát triển
mô hình homestay gắn với khôi phục, phát triển, giữ gìn các giá trị văn hóa ở
các làng nghề; đưa vào khai thác, phát triển sản phẩm tuyến du lịch đường sông.
4. Nhiệm vụ và giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch
- Chú
trọng công tác xây dựng hình ảnh, thương hiệu của huyện để đưa ra các chiến lược,
kế hoạch quảng bá du lịch phù hợp; lấy điểm đến, sản phẩm du lịch, thương hiệu
du lịch làm đối tượng xúc tiến, quảng bá chuyên nghiệp.
- Triển
khai, xây dựng đề án hệ thống thông minh, công nghệ cao với các thành phần cơ bản
gồm: Cơ sở dữ liệu chung tích hợp vào hệ thống của tỉnh, bản đồ số về du lịch
theo công nghệ GIS; nâng cấp, phát triển trang thông tin du lịch huyện Thiệu
Hóa với 2 ngôn ngữ chính là tiếng Việt, tiếng Anh. Tăng cường các hoạt động quảng
bá, giới thiệu du lịch huyện trên các nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm đa dạng
các kênh tiếp cận và phục vụ du khách. Lựa chọn một số doanh nghiệp có năng lực
và kinh nghiệm trong phát triển nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh
du lịch để tư vấn, hỗ trợ, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số và phát triển nền
kinh tế số du lịch trên địa bàn huyện Thiệu Hóa.
- Thiết
kế, in ấn và phát hành các ấn phẩm, video clip quảng bá có chất lượng tốt,
thông tin cập nhật về du lịch Thiệu Hóa phục vụ công tác xúc tiến tại các các sự
kiện du lịch trong tỉnh, trong nước và cung cấp thông tin cho khách du lịch.
- Chú
trọng công tác nắm thông tin phản hồi của khách du lịch về chất lượng điểm đến,
dịch vụ du lịch tại địa phương để có chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch bền
vững.
- Chủ
động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh, trong nước để quảng
bá, giới thiệu các điểm du lịch huyện Thiệu Hóa tại các hội thảo chuyên đề du lịch,
tại trung tâm thông tin du lịch; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành khảo
sát, xây dựng các tour, tuyến nội huyện và kết nối du lịch huyện Thiệu Hóa với
các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các cơ quan báo chí,
truyền hình xây dựng các video clip, phim tài liệu, bài viết, đưa tin, phóng sự…
giới thiệu về du lịch địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy
mạnh công tác liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức để xây dựng trang web du lịch
Thiệu Hóa và sử dụng hiệu quả các phương tiện quảng bá hiện đại như Facebook,
Youtube, Instagram, Tiktok…
- Chú
trọng định hướng và tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư vào công tác quảng
bá, xúc tiến du lịch thông qua các hoạt động cung cấp dịch vụ và giao tiếp với
khách du lịch.
5. Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
du lịch
- Có
cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực du lịch; tạo điều kiện thuận lợi
về điều kiện công tác, môi trường làm việc cho nhân lực có trình độ và tính
chuyên nghiệp cao.
- Ưu tiên
bố trí kinh phí và tranh thủ sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp
hội Du lịch tỉnh và các cơ quan liên quan để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng,
đào tạo và đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch nhằm trang bị kiến thức, kỹ
năng về công nghệ, kỹ năng nghề trong lĩnh vực du lịch.
- Tạo
điều kiện cho cán bộ du lịch tham dự các hội thảo du lịch được tổ chức trong nước
và quốc tế, nhằm nâng cao nhận thức về du lịch, bảo đảm thực hiện đúng các quan
điểm phát triển du lịch mang lại những giá trị tinh thần tiến bộ cho xã hội,
góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội bền vững.
- Đẩy
mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động
ngành du lịch; khuyến khích phát triển và ưu tiên kinh phí đào tạo nguồn nhân lực
tại chỗ; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng
kinh doanh, giao tiếp du lịch cho cộng đồng người dân tại các khu, điểm du lịch
trên địa bàn.
- Chú
trọng công tác thu hút, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên có tay
nghề, trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ tốt, làm việc chuyên nghiệp, theo chuẩn quốc
tế; gắn với tăng cường bồi dưỡng văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp, nâng cao khả
năng nắm bắt tâm lý khách du lịch cho hướng dẫn viên qua các lớp tập huấn, khóa
đào tạo ngắn hạn.
- Có
chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch
trong huyện.
6. Nhiệm vụ và giải pháp về công tác quản lý nhà nước
- Đẩy
mạnh chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác
quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Xây dựng quy chế quản lý du lịch trên
địa bàn huyện phù hợp với đặc điểm, khả năng của cộng đồng dân cư địa phương.
- Đảm
bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực an ninh trật tự,
an toàn xã hội, an toàn đầu tư, bảo vệ tài nguyên môi trường; chú trọng thực hiện
các hoạt động kiểm tra, giám sát và cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong
hoạt động du lịch, thường xuyên tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để tổ chức thực
hiện có hiệu quả.
-
Nâng cao hiệu quả quản lý trong các hoạt động chấp thuận chủ trương, thanh tra,
kiểm tra các dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện.
- Xây
dựng hệ thống các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm du lịch để đưa thống nhất
thực hiện trên phạm vi toàn huyện.
-
Tăng cường công tác quản lý các tuyến vận tải hành khách phục vụ du lịch; quản
lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các phương tiện vận tải đường bộ, đường sông
tham gia các hoạt động kinh doanh du lịch; đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại
các khu, điểm du lịch trên địa bàn; quản lý tốt công tác đăng kiểm, đăng ký cho
phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch theo quy định.
-
Hoàn thiện và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về hệ thống các văn bản, quy
định liên quan tới hoạt động du lịch để công khai rộng rãi trên trang web của địa
phương và cơ quan chuyên môn để thuận lợi cho công tác tra cứu của các cơ quan,
đơn vị, cá nhân.
-
Nghiên cứu, có cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vốn vay đầu tư đối với
các dự án đầu tư tại các khu, điểm khuyến khích đầu tư phát triển du lịch; ưu
đãi đặc biệt cho tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh trên địa bàn huyện.
7. Nhiệm vụ và giải pháp về bảo vệ tài nguyên, môi trường
du lịch
- Chú
trọng công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch tại các khu, điểm du lịch
của huyện; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ môi trường;
chú trọng đến khả năng chịu tải của điểm du lịch làng nghề, tránh gây tiếng ồn,
ô nhiễm không khí, nguồn nước…, làm ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng dân
cư.
-
Quan tâm thực hiện và duy trì công tác kiểm tra, khảo sát thường xuyên, định kỳ
về các di tích văn hóa, lịch sử.
- Chú
trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân địa phương và
khách du lịch về tầm quan trọng và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo
vệ môi trường. Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong bảo vệ, giữ gìn
vệ sinh tại các khu, điểm du lịch.
- Có
bảng hướng dẫn và bảng nội quy về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung tại
các khu, điểm du lịch; bố trí các biển báo, biển chỉ dẫn có minh họa bằng hình ảnh
sinh động về bảo vệ cảnh quan, môi trường; thực hiện nghiêm các hình thức xử phạt
đối với những hành vi vi phạm về giữ gìn cảnh quan, môi trường.
- Xây
dựng quỹ bảo vệ môi trường trích từ một phần doanh thu du lịch hàng năm và sự ủng
hộ của các tổ chức, cá nhân và khách du lịch.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 851.386 triệu
đồng, trong đó:
-
Nhóm dự án đầu tư hạ tầng du lịch: 368.354 triệu đồng
-
Nhóm các dự án phát triển du lịch: 393.610 triệu đồng
-
Nhóm dự án bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch: 7.500 triệu đồng
-
Nhóm bảo tồn và tôn tạo di tích phát huy giá trị văn hóa phát triển du lịch:
73.842 triệu đồng
-
Nhóm đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch: 3.000 triệu đồng
-
Nhóm xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch: 5.080 triệu đồng
2.
Nguồn kinh phí thực hiện
2.1.
Giai đoạn 2022-2025: 379.344 triệu đồng; trong đó:
-
Ngân sách trung ương: 40.000 triệu đồng;
-
Ngân sách tỉnh: 79.565 triệu đồng;
- Ngân
sách huyện: 100.194 triệu đồng;
- Xã
hội hóa: 159.585 triệu đồng.
2.2.
Kinh phí giai đoạn 2026-2030: 472.042 triệu đồng.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.
UBND huyện Thiệu Hóa
- Là
đơn vị chủ trì, có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phù hợp với tình
hình thực tế tại địa phương.
-
Tham mưu cho Huyện ủy, HĐND huyện ban hành các nghị quyết, chính sách phát triển
du lịch để cụ thể hóa các nhiệm vụ tại Đề án và ưu tiên cân đối, bố trí kinh
phí từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành để
triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án.
- Chủ
động phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong công tác chỉ đạo,
tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển du lịch trên
địa bàn huyện.
2.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp,
hỗ trợ UBND huyện Thiệu Hóa triển khai hiệu quả Đề án; chủ động lồng ghép các
nhiệm vụ phát triển du lịch huyện Thiệu Hóa với thực hiện các kế hoạch, chương
trình, quy hoạch phát triển du lịch toàn tỉnh; tăng cường công tác hướng dẫn
nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch trên địa bàn huyện.
3.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Căn cứ nhu cầu, đề xuất
của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh chấp thuận
chủ trương đầu tư các dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện Thiệu
Hóa; đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời căn cứ
nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm, tham mưu ưu
tiên bố trí vốn triển khai các dự án đầu tư thuộc danh mục Đề án.
4.
Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu hỗ trợ kinh
phí từ nguồn ngân sách tỉnh cho các nhiệm vụ thuộc Đề án.
5.
Sở Xây dựng: Tham mưu và tăng cường quản
lý nhà nước trong công tác lập và triển khai quy hoạch xây dựng tại các khu, điểm
du lịch; hướng dẫn thủ tục, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật; phối
hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng
tại các khu, điểm du lịch theo thẩm quyền.
6.
Sở Công Thương: Hỗ trợ huyện Thiệu Hóa
trong việc tìm kiếm thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương
hiệu sản phẩm; phát triển các sản phẩm làng nghề.
7.
Sở Giao thông vận tải: Lồng ghép các mục
tiêu phát triển du lịch Thiệu Hóa trong các dự án, đề án liên quan do đơn vị thực
hiện; tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển
khách du lịch theo quy định.
8.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ tài nguyên môi trường tại các
điểm đến du lịch trên địa bàn huyện. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong
công tác tuyên truyền, vận động người dân, du khách bảo vệ môi trường tại các
khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện.
9.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối
hợp với UBND huyện Thiệu Hóa và các đơn vị liên quan, lồng ghép các nội dung
phát triển du lịch vào Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh
phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, phát triển du
lịch nông nghiệp tại các khu, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện Thiệu Hóa.
10.
Các sở, ngành, đơn vị có liên quan: Hỗ trợ
UBND huyện Thiệu Hóa trong công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề
án; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Thiệu Hóa tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động có liên quan đến thực hiện Đề án
phát triển du lịch.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký.
Chánh
Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở Kế
hoạch và Đầu tư; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban,
ngành, đoàn thể cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa và các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2
QĐ;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTC (VA23121).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thi
|