ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 148/2004/QĐ-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 06 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ BAN HÀNH GIẢI THƯỞNG CẤP THÀNH PHỐ MANG TÊN CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Quyết định số 5562/1999/QĐ-UB-VX ngày 22 tháng 9 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về công tác khen thưởng ;
Xét đề nghị của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố tại Văn bản số 152/LĐLĐ-TĐCS ngày 26 tháng 4 năm 2004 và Thường trực Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố tại Văn bản số 93/CV-TĐKT ngày 26 tháng 8 năm 2004 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành giải thưởng cấp Thành phố mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng, gọi tắt là giải thưởng Tôn Đức Thắng, theo Quy chế xét chọn giải thưởng đính kèm.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, bãi bỏ các Quy định trước đây trái với Quyết định này.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng thành phố, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận : - Như điều 3 - VPHĐ-UB : VX - Tổ VX - Lưu (KT-VX)
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Hải |
QUY CHẾ
XÉT CHỌN GIẢI THƯỞNG TÔN ĐỨC THẮNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 148/2004/QĐ-UB ngày 07 tháng 6 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, Người chiến sĩ Cộng sản tiêu biểu, Người công dân ưu tú của giai cấp công nhân Việt Nam, Người con ưu tú của Tổ quốc. Xuất thân từ một người thợ trải qua bao khó khăn, gian khổ hy sinh, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương về lòng trung thành, tận tụy đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ công nhân noi theo.
Để tưởng nhớ và ghi nhận công lao to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, từ năm 1999 Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh và Báo Sài Gòn Giải phóng phối hợp tổ chức giải thưởng Tôn Đức Thắng nhằm biểu dương và tôn vinh những người thợ giỏi, tiên tiến trong phong trào công nhân viên chức – lao động thành phố đang tiếp bước trên con đường của người thợ Tôn Đức Thắng và tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng giai cấp công nhân của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa.
Lễ trao giải thưởng Tôn Đức Thắng sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng 20 tháng 8 hằng năm.
Để nâng tầm vóc và ý nghĩa chính trị của Giải thưởng Tôn Đức Thắng, theo đề nghị của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố và Thường trực Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố ; Ủy ban nhân dân thành phố quyết định ban hành Giải thưởng Tôn Đức Thắng thành giải thưởng cấp thành phố và ban hành quy chế xét chọn như sau :
Chương 1:
ĐỐI TƯỢNG – TIÊU CHUẨN
Điều 1. Đối tượng
- Cá nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh (có tổ chức Công đoàn) thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố là :
+ Kỹ sư (từ bậc 2 trở lên) đang trực tiếp sản xuất hoặc trực tiếp điều hành sản xuất (hiện đang giữ chức vụ Quản đốc, Phó Quản đốc phân xưởng, Đội trưởng, Tổ trưởng sản xuất).
+ Công nhân trực tiếp sản xuất (từ thợ bậc 2/5, 3/6, 4/7 trở lên).
Điều 2. Tiêu chuẩn
- Trình độ học vấn : Tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên
- Thời gian công tác : Từ 5 năm trở lên
- Về chính trị : Là Đảng viên hoặc đối tượng Đảng, hoặc Đoàn viên Công đoàn xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động của doanh nghiệp, công đoàn. Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước.
- Về thành tích :
+ Thành tích về phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật:
Bản thân trực tiếp là tác giả hoặc đổng tác giả các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất tại doanh nghiệp có giá trị làm lợi, tiết kiệm trên 50.000.000đ.
+ Thành tích đào tạo công nhân : có thành tích tiêu biểu trong việc bồi dưỡng, đào tạo, kèm cặp nhiều công nhân.
+ Thành tích về phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo : bản thân đạt một trong các danh hiệu sau :
* Chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở trở lên.
* Đạt giải thưởng Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố hoặc toàn quốc từ giải khuyến khích trở lên.
* Bằng và huy hiệ lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
* Bàn tay vàng trong các hội thi Thợ giỏi cấp trên cơ sở, cấp thành phố hoặc toàn quốc.
Chương 2:
GIẢI THƯỞNG
Điều 3.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng được xét chọn và trao thưởng hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8 hằng năm). Cá nhân đạt giải thưởng được Ủy ban nhân dân thành phố tặng Bằng khen kèm theo tiền thưởng là 10.000.000 đồng (trích từ nguồn quỹ khen thưởng của thành phố).
Giải thưởng chỉ trao 1 lần/1 cá nhân.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng là một trong những tiêu chuẩn và điều kiện để xem xét đề nghị các hình thức Bằng khen của các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng …..
Danh sách những cá nhân đạt giải thưởng được công bố trên Báo Sài Gòn Giải phóng và Báo Người Lao động.
Chương 3:
BAN TỔ CHỨC - HỘI ĐỒNG TUYỂN CHỌN
Điều 4. Ban Tổ chức giải thưởng gồm đại diện các cơ quan:
- Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố
- Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng thành phố
- Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng
Các đơn vị tham gia Ban tổ chức sẽ cử các cán bộ, chuyên viên tham gia tổ chức giúp việc cho Ban tổ chức.
Điều 5. Hội đồng tuyển chọn gồm các thành viên :
- Chủ tích Liên đoàn Lao động thành phố - Trưởng Ban
- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố
- Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng
- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
- Giám đốc Sở Lao động – Thương bin và Xã hội
Chương 4:
QUY TRÌNH XÉT CHỌN
Điều 6. Hồ sơ đề nghị gồm :
- Báo cáo thành tích cá nhân (có xác nhận của Giám đốc và Công đoàn doanh nghiệp).
Bản sao các quyết định, giấy chứng nhận của các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ; các danh hiệu thi đua hoặc các văn bản có liên quan đến thành tích bồi dưỡng, đào tạo, kèm cặp công nhân đạt các danh hiệu thợ giỏi, bàn tay vàng,…
Điều 7. Quy trình xét chọn :
- Bước 1 : Căn cứ quy chế xét thưởng và kế hoạch của Ban tổ chức giải thưởng, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở phối hợp với Ban Giám đốc doanh nghiệp bình chọn các cá nhân tiêu biểu nhất để đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét.
- Bước 2 : Ban Thường vụ Công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với Chính quyền đồng cấp tổ chức bình xét, lựa chọn những cá nhân đạt tiêu chuẩn quy định. Hoàn chỉnh hồ sơ, thống kê danh sách gửi về Ban tổ chức giải thưởng Tôn Đức Thắng.
- Bước 3 :
Các cơ quan thông tin báo chí giới thiệu các gương dự tuyển.
Ban tổ chức giải thưởng tiến hành chấm điểm, xếp hạng (sơ tuyển).
Hội đồng tuyển chọn bình xét, sau đó trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định công nhận và khen thưởng.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8 : Các thành viên tham gia Ban tổ chức giải thưởng có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ có liên quan quy định trong quy chế này.
Điều 9 : Thường trực Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức triển khai và hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện quy chế này ; hằng năm căn cứ vào tình hình thực tế Thường trực Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố cụ thể hóa tiêu chuẩn giải thưởng để hướng dẫn các đơn vị bình xét ; đồng thời tổng hợp các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ